Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chuyện 'Con Người' 
Phần IVa: Đùa với lưỡi/lửa.

Khả Tri

Phần I      - Từ vu vơ qua vớ vẩn đến viển vông 
Phần II    - 
Phần III   - Qua ngõ nhà cụ Kant, u đầu vì va chạm triết học nhập môn.
Phần IVa - Đùa với lưỡi/lửa.
Phần Va : Từ quá khứ sang tương lai, côn trùng sâu bọ trong bữa ăn hằng ngày. 
Từ ngày còn mài đũng quần trên ghế trường tiểu học, nhà cháu vốn nổi tiếng chăm chỉ, bắt đom đóm thay đèn đọc sách suốt đêm thâu. Có ngờ đâu, mình đã vô tình học tập noi theo gương sáng các bác lãnh đạo Việt Nam, còn sống như Vương Đình Huệ, đương kim Chủ tịch Quốc hội, hay đột ngột chuyển sang trạng thái từ trần như cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 2 vị này - theo các bút nô bưng bô - thời thơ ấu hiếu học cũng đi bắt đom đóm đem về thay đèn đọc sách. Chắc nhờ tay bắt nhiều đom đóm (chứ không phải tay bắt chuồn chuồn, có nghĩa là hấp hối) 2 bác nói trên sau này đều đỗ đạt vinh thân phì gia làm quan lớn. Còn phận nhà cháu, cũng bắt nhiều đom đóm đâu thua gì ai, vậy mà số phận hẩm hiu, vẫn nghèo kiết xác. Ông Trời sao lại oái ăm, cùng bàn tay người, cùng loại côn trùng có cánh, thế mà tay bắt đom đóm thì có vị làm nên nghiệp lớn, tay bắt chuồn chuồn thi ngủm củ tỏi.

Chuyện bắt đầu từ cụ Mạc Đĩnh Chi (1272-1346), xin được trích từ bài "Vương Đình Huệ cũng có một 'tuổi thơ dữ dội'" và đặc biệt các phần chú thích, đăng trên trang mạng của VOA như sau:

"Dã sử từng có giai thoại Mạc Đĩnh Chi - Trạng nguyên thời nhà Trần, một danh nhân Việt Nam - hiếu học tới mức bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng, thay đèn để đọc sách. Sở dĩ nhiều thế hệ truyền khẩu giai thoại này vì nhiều người xem đó là một tấm gương đẹp về vượt khó để học hành, song dùng đom đóm nhằm sơn phết những nhân vật đương đại thì lại là... bất trí và không lương thiện. Đó cũng là lý do hồi 2011, đã có rất nhiều người phân tích về thật - hư của việc dùng đom đóm thay đèn đọc sách... Chẳng hạn một bài phân tích trên Trạm Sách về giai thoại Mạc Đĩnh Chi - đom đóm sau khi nhận ra nguy cơ... sẽ thêm nhiều chính khách tự giới thiệu đã phát triển... sự học từ... đom đóm...

Đầu tiên, để mắt người có thể đọc được, tối thiểu cần độ sáng 450 lumens (lumen là đơn vị đo độ sáng). Thứ hai, độ sáng của 1 con đom đóm khoảng 0.0006 lumens (E.Newton Harvey và Kenneth P. Stevens thí nghiệm năm 1928). Với đèn sợi đốt như thế kỷ 19 mà Thomas Edison dùng thì mỗi W đem lại độ sáng 11.25 lumens. Như vậy để có độ sáng như bóng đèn sợi đốt 40W (450 lumens) sẽ cần là: (40 x 11.25)/0.0006 = 750,000 con đom đóm.

Những năm tăm tối của thế kỷ 13 (thời Mạc Đĩnh Chi - NV), cứ cho đom đóm bu đầy trong bụi, cụ vợt phát được trăm con và có thể kiếm được cả nghìn con đom đóm nhét vô vỏ trứng đà điểu (hoặc cụ nhặt được vỏ trứng khủng long) thì mọi người cũng có thể hình dung là nó cũng chưa bằng một cái đèn sợi đốt với công suất 1W (11.25/0.0006 = 18,750 con đom đóm). Lờ mờ hơn cả trăng đêm rằm.

Thứ ba, ai cũng thấy về mặt sinh học thì con đom đóm lập lòe. Chính xác là đom đóm sẽ tắt 4 giây và sáng nửa giây, không sáng liên tục. Do ánh sáng không đồng nhất thành một dải mà thay đổi theo tần suất lập lòe của đom đóm (tương tự đèn huỳnh quang). Do đó, cái đèn học của cụ sẽ có tần suất nhấp nháy rất lớn, dẫn đến mắt rất nhanh xuống cấp. Thứ tư, để xử lý vấn đề tần suất nhấp nháy rất lớn đó, ta cần phải có 8 lần số đom đóm thay phiên nhau nháy để duy trì 450 lumens liên tục. 750,000 x 8 = 6,000,000 con đom đóm. Xin nhắc lại là 6 triệu con đom đóm. Nếu bắt đủ, không biết cụ sẽ để số đom đóm đó vào đâu?

Với một cây đèn học vừa nhấp nháy, lại có ánh sáng yếu thì việc cụ Mạc mắt không tinh rõ ràng có thủ phạm. Và không tinh ở mức độ nào thì chỉ riêng việc cụ bắt nhầm con chim vẽ treo trên tường (khi đi sứ sang Trung Quốc thời nhà Nguyên - theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) cũng có thể biết là cụ cận ở mức độ nào rồi. Thời của cụ tìm được cái đèn hay DIY (do it yourself) một cái đèn đủ sáng để đọc thì là việc khó lắm, nhưng cái "đèn đom đóm"DIY của cụ mà có thật, chắc khoa học hiện tại phải quỳ xuống luôn. ... "

Thật là tuyệt diệu, cám ơn mọi tác giả trong bài viết nêu trên. Và xin cho tôi trở về thời thơ ấu đi học. Tôi vẫn nhớ nằm lòng bài giảng giờ Cách Trí "Thân thể con người chia ra làm 3 phần, đầu mình và tứ chi. Loài người có 5 loại giác quan: khứu giác, thị giác, thính giác, vị giác và xúc giác."Lời cô giáo đất Huế thần kinh ngọt ngào như tiếng chim hót buổi sáng mù sương, nhè nhẹ đi vào tâm tư một thằng bé, rồi nằm yên trong đó khá lâu chẳng cựa quậy. Bộ óc thời non nớt chỉ có vài thắc mắc thoáng qua, tại sao hết 4 trong 5 giác quan lại tụ tập ở đầu? Cộng vào vài năm tuổi đời, mọc thêm dăm ba suy nghĩ đơn giản, thí dụ như: lưỡi là cơ quan chính yếu của vị giác, giúp ta cảm nhận được 4 (hay 5) vị: mặn ngọt chua đắng (cay). Mãi đến gần đây, tôi mới hiểu thêm chút ít về tầm quan trọng của cái lưỡi, mặc dù "Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói"hay "Lưỡi không xương trăm đường lắt léo", vài câu châm ngôn do các cụ xưa truyền lại cho con cháu, mình đã ghi lòng tạc dạ khắc cốt ghi tâm.
 
Hình 1: Cổ họng - nguồn từ Wikipedia

Con người có 5 giác quan là đúng bài bản do cụ triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384 - 322 trước Công Nguyên) bày biện ra, trong tác phẩm "Bàn về linh hồn", rồi các thế hệ kế tiếp cứ theo đó mà ôn luyện. Kiến thức này thật sự đã quá lỗi thời. Loài người phức tạp hơn nhiều, cả về mặt tinh thần lẫn thể xác. Hiện nay, vì các nhà nghiên cứu cơ thể học vẫn tiếp tục tranh luận: loài người sở hữu 9, 21, 33, thậm chí 53 giác quan hay nhiều hơn, chưa "nhất trí"con số cụ thể, nên tôi đành quay lại chuyện cái lưỡi.

Có câu chuyện ngụ ngôn về "Lưỡi không xương trăm đường lắt léo"như sau: Bà chủ sai người làm ra chợ mua lạng thịt ngon nhất. Người làm mua cân lưỡi mang về xào nấu thổi cơm. Gia đình chủ ăn xong khen ngon khen ngọt. Hôm sau bà chủ lại sai người làm đi chợ, nhưng lần này phải kiếm cho ra lạng thịt dở nhất. Người làm cũng lại mua cân lưỡi mang về thổi cơm xào nấu. Bà chủ thắc mắc hỏi, tại sao tôi bảo chú mua thịt ngon chú mang lưỡi về nấu cơm, bảo chú mua thịt dở chú cũng mang lưỡi về xào nấu, như vậy là thế nào? Người làm gãi đầu gãi tai thưa rằng, Bẩm bà, cái lưỡi nó có thể mang lại hạnh phúc, cũng như tai họa cho chủ mình. Vấn đề là chúng ta phải cố gắng điều khiển nó bà chủ ạ!

Câu chuyện trên thật ra dựa vào tập hợp các truyện ngụ ngôn của cụ Aesop, sống trong thời kỳ cổ đại tại Hy Lạp, thế kỷ VI trước công nguyên. Tuy xuất thân là nô lệ, nhưng cụ có tài hùng biện, lối kể chuyện rất thu hút người nghe, đã để lại cho nhân loại một kho tàng truyện ngụ ngôn truyền khẩu đồ sộ, đa số là những mẫu đối thoại giữa thú vật v.v..

Đối với loài người, vai trò cái lưỡi nó quan trọng như thế nào, chúng ta hãy thử mở Thánh Kinh Thiên Chúa giáo, đầy rẫy những đoạn giáo huấn liên quan đến lưỡi. Tôi chỉ xin đan cử vài thí dụ. Kinh Tân Ước, Thơ của Gia-Cơ, dành nguyên cả mục 3 để bàn về "Tội lỗi của lưỡi”, thí dụ - đoạn 3-5: Cũng vậy, cái lưỡi là một quan thể nhỏ, mà khoe được những việc lớn, - đoạn 3-6: Cái lưỡi cũng như lửa; ấy là nơi đô hội của tội ác ở giữa các quan thể chúng ta, làm ô uế cả mình, - đoạn 3-8: nhưng cái lưỡi, không ai tri phục được nó; ấy là một vật dữ, người ta không thể hãm dẹp được. Kinh Cựu Ước, Sách Châm-Ngôn, - đoạn 12:18: Lời vô độ đâm xoi khác nào gươm; Nhưng lưỡi người khôn ngoan vốn là thuốc hay. - đoạn 18:21: Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; Kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó v.v. và v.v.

Như vậy để chúng ta hiểu, lưỡi là cơ quan tối quan trọng, thủ vai chủ yếu không chỉ trong hệ thống vị giác, tiêu hóa; mà còn giúp loài người phát âm (tiếng nói ngôn ngữ, lẫn tiếng véo von nghệ thuật), để rồi từ đó dẫn đến hạnh phúc hay gây ra bao nhiêu hệ lụy cho chủ. Trên nguyên tắc, loài người và loài tinh tinh/chimpanzee đều có những bộ phận cơ thể căn bản để phát âm: phổi, họng, lưỡi, môi miệng v.v. Thế nhưng giống người tinh khôn/Homo sapiens trong quá trình tiến hóa, song song với sự gia tăng khối lượng của não bộ, cuống họng dài ra, miệng rút ngắn lại, lưỡi càng "lắt léo”. Đó là những điều kiện sinh lý tuyệt vời, mở đường cho loài người phát triển tiếng nói, chừng 100.000 đến 50.000 năm trước. Nói rất giản đơn, phát âm là tập hợp một số các động tác phản xạ phức tạp và đồng bộ rất chính xác, bao gồm phổi, thanh quản, lưỡi, môi v.v. đẩy không khí đi từ vị trí này sang vị trí khác. Huyền diệu thay, khi chỉ cần vài chục âm thanh căn bản, người - loài sinh vật độc đáo nhất? - đã tạo ra hệ thống ngôn ngữ phức tạp, vừa để suy luận, vừa để truyền đạt thông tin.

Con người bình thường trưởng thành, không bệnh tật, sở hữu tối đa chừng 8.000 - 10.000 núm vị giác/taste bud trên lưỡi. Các núm này chỉ có đời sống trung bình chừng 2 tuần, sau đó chết đi, được thay mới. Nhưng càng cao tuổi, tiến trình thay núm càng bớt hữu hiệu, lượng núm giảm nhiều, và đó là lý do khiến người già cảm thấy thức ăn có vị hăng, nồng hơn trước. Lưỡi cũng là bộ phận cơ thể độc đáo như dấu vân tay, ngay cả lưỡi của những cặp song sinh cũng không hoàn toàn giống nhau. Đến một ngày nào đó, người ta sẽ sử dụng lưỡi để xác minh danh tính, như đang hay sẽ làm với con ngươi, khuôn mặt, giọng nói v.v. Tôi hy vọng, đến một ngày nào đó không xa lắm trong tương lai, người ta sẽ sáng chế ra thiết bị giúp chúng ta nhận dạng chính xác các ông các bà "Lưỡi Gỗ"không chỉ ở Việt Nam, mà khắp thế giới. Nhưng đó là đề tài sẽ được bàn đến về sau.

Ai từng du lịch Tân Tây Lan, chắc đã được chiêm ngưỡng vũ điệu Haka truyền thống của thổ dân bản địa Maori. Xin được giới thiệu với quý bạn đọc đường liên kết nối mạng Youtube: Original maori haka dance để xem các nam vũ công trình diễn, sử dụng tối đa ý nghĩa biểu tượng của lưỡi, mắt, động tác chân, tay, tiếng hát/gào thét nhịp nhàng, cộng thêm các hình thức trang điểm cho phù hợp (vẽ lên mặt, xâm mình, trang phục v.v.). Haka nguyên thủy là nghi thức được cử hành, khi 2 bộ tộc chạm trán nhau - dù trên chiến trường hay vào dịp lễ lạc truyền thống - với nội dung tưởng nhớ tổ tiên, biểu dương sức mạnh, lòng kiêu hãnh và kêu gọi tình đoàn kết nội bộ. Hiện tại, Haka đã trở nên khá phổ biến tại Tân Tây Lan, cho cả người da trắng, lẫn thổ dân bản địa, chỉ còn mang ý nghĩa hòa bình, tưởng nhớ người đã khuất. Vũ điệu được thực hiện cả vào lễ cưới, ma chay, tranh tài thể thao v.v. Vì thế khi bạn đến viếng thăm gia đình người gốc thổ dân bản địa Maori, thấy họ thè lưỡi, phùng má, trợn mắt (Hình 2), xin đừng vội ba chân bốn cẳng bỏ chạy vắt giò lên cổ. Trái lại đó là cách biểu dương lòng trân trọng với khách, cũng như tập tục bắt tay xã giao, cúi đầu chào v.v.

Tuy nhiên thè lưỡi chào khách không chỉ là "đặc sản"của thổ dân Maori, người Tây Tạng cũng có tập tục kính trọng khách bằng cách thè lưỡi. Dĩ nhiên trên thế giới, thè lưỡi trong ý nghĩa này
chỉ là ngoại lệ. Đại đa số các nền văn hóa, phong tục khác, đều xem biểu tượng thè lưỡi là: khinh bỉ, thô tục, đùa nghịch, chọc tức, gợi dục v.v.
 
Hình 2: Người Maori thè lưỡi trợn mắt đón khách đến thăm nhà.
Qua các kết quả rút từ thống kê tại nhiều quốc gia, thành phần người có khả năng uốn cong lưỡi (Hình 3) luôn chiếm đa số. Và đến giữa thế kỷ XX, người ta vẫn còn tin rằng, đây là khả năng do di truyền. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, con cái có khả năng uốn cong lưỡi, nhưng cha mẹ lại không thể. Và cũng có người uốn cong được lưỡi, sau một thời gian tập luyện, có người tập mãi mà cũng chẳng ra đâu vào đâu. Nói chung đây không phải hoàn toàn là khả năng do di truyền.
Hình 3 nguồn wikipedia

Chẳng có gì lạ, các nhánh, môn học bàn về lưỡi hiện khá phát triển. Sau đây là 1 trong những giả thuyết giải thích tại sao người ta thè lưỡi ra một cách không tự giác, khi đang chú tâm, hay say mê làm một công việc gì đó. Lưỡi và bộ óc có một quan hệ tương tác, tâm đầu ý hợp. Lưỡi nhà ta - nếu không tuổi con trâu, thì cũng là anh hùng lao động tiên tiến kiểu XHCN Việt Nam, "làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm"- nên miệt mài di động, làm việc chẳng biết mệt, liên tục gửi bao nhiêu tín hiệu lên óc. Óc phải tiêu tốn năng lượng để ngay lập tức phân tích các tín hiệu, đồng thời gửi ngược lại lưỡi các mệnh lệnh thích ứng. Thè lưỡi ra ngoài, hay cắn nhẹ lên lưỡi, là cách để chúng ta ngăn lưỡi bớt di động (làm việc), qua đó gián tiếp tiết kiệm năng lượng cho bộ óc.

Hơn 2000 năm trước, xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, và sau này trong sử thi huyền thoại Metamorphoses của thi hào La Mã Ovid (Hình 4), đã có câu chuyện nàng Philomela bị cắt cụt lưỡi. Ông anh rể Tereus, sau khi cưỡng hiếp em vợ, nhốt nạn nhân trong rừng và cắt lưỡi nhằm bịt miệng. Không nói được, nhưng Philomela đã cố dệt nên tấm vải, ghi lại những gì xảy ra, rồi gửi cho Procne người chị gái. Sau khi giúp em gái vượt ngục, Procne về nhà giết con trai Itys, nấu món thịt hầm dọn cho chồng thưởng thức. Nhận ra rằng mình đã ăn thịt con trai, khi vợ quăng đầu Itys lên bàn, Tereus bèn xách kiếm rượt đuổi 2 chị em. Nhưng thần Zeus ra tay cứu vớt, biến Philomela thành chim sơn ca, Procne thành chim én, Tereus ra con chim đầu rìu. Qua thời gian cũng có vài dị bản xuất hiện với các đoạn kết khác nhau. Tiếng hót của chim sơn ca, đôi khi nghe như lời than vãn thật não nề, chắc là có liên quan đến nàng Philomela. Nhưng trong thiên nhiên, chỉ chim sơn ca đực mới biết hót. Chim cái (hiện thân của nàng Philomela? bị cụt lưỡi nên ..) không hót được.
 
Hình 4: nguồn Wikipedia, Rape of Philomela by Tereus/Tereus cưỡng hiếp Philomela. Engraving by Virgil Solis for Ovid's Metamorphoses Book VI, 519-562. Fol. 80 r, image 6. Scan by Hans-Jürgen Günther

Như đã nhắc sơ lược ở phần trên, chúng ta phải vận động mọi cơ quan ngôn ngữ theo một trình tự nhất định và đồng bộ rất chính xác, để tạo ra âm thanh và từ ngữ. Trẻ em sinh ra bị dị tật ở lưỡi, khi lớn lên việc nói năng thường gặp khó khăn. Trầm trọng hơn nhiều khi hệ thần kinh trung ương bị tổn thương bẩm sinh, khiến mệnh lệnh truyền đi cũng như tín hiệu nhận được không hoạt động, các em chỉ còn khả năng phát ra những tiếng rít, tiếng thổi hơi gió vô nghĩa. Thật đáng thương thay cho những gia đình có con cái bị khuyết tật, trong đó câm bẩm sinh là một thí dụ. Nhưng các bậc cha mẹ cần nên biết rằng, trẻ em câm bẩm sinh vẫn có thể phát triển một cách hoàn toàn bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần. Ngôn ngữ ký hiệu (sẽ được viết tắt là NNKH trong bài này) hay Thủ ngữ là một trong những phương tiện hỗ trợ căn bản. Để chuyển tải thông tin giao tiếp, người câm điếc mượn các điệu bộ của ngón, bàn, cánh tay, nét mặt v.v. thay cho lời nói, phải dùng lưỡi (Hình 5).

Theo thông tin từ trang nhà GlobalDisabilityRightsNow.org, Việt Nam có trên 5,2 triệu người khuyết tật, tương đương 5,8% tổng dân số (89 triệu, không ghi rõ năm thống kê), trong đó trên 410 ngàn người bị câm. Đây có thể là số liệu vào khoảng những năm 2011 - 2013? nên không còn chính xác. Kết quả một cuộc điều tra trên bình diện quốc gia, do Tổng cục Thống kê và UNICEF hợp tác thực hiện, đã được công bố ngày 11/1/2019. Theo đó Việt Nam (2016) có khoảng 6,2 triệu người (7% dân số, tính từ 2 tuổi trở lên) là người khuyết tật. Nhưng con số thực tế có thể cao hơn, do người ta không điều tra toàn bộ dân số.

Từ 20 năm nay Việt Nam đã cố gắng hệ thống hóa NNKH riêng, dựa vào NNKH thế giới nói chung (Hình 5). Chúng ta phải thêm vào chữ Đ (giống chữ D, nhưng ngón trỏ cong xuống thay vì chỉa thẳng lên trời); các dấu mũ Ă, Â, Ê, Ô; râu Ư, Ơ, thanh điệu Sắc, Huyền, Hỏi, Ngã, Nặng v.v. Tuy nhiên cho đến nay, vì chưa có một hệ thống NNKH chuẩn trên bình diện quốc gia, vẫn còn một số khác biệt về diễn đạt tùy theo vùng, thành thị khác với nông thôn, miền Nam khác với miền Bắc v.v. Nói chung hiện tại 3 nhóm phương ngữ chính đang tồn tại: Hà Nội, Hải Phòng và Sài Gòn. Để sử dụng NNKH căn bản, học sinh thường cần từ 6 tuần đến 3 năm tùy khả năng cá nhân. Xin giới thiệu với quý bạn đọc 2 videos sau, thấy trên mạng Youtube:

1/ Bảng Chữ Cái Đánh vần Ngôn Ngữ Ký Hiệu Việt Nam

2/ Chủ đề 1: Chữ Cái Ngôn Ngữ Ký Hiệu
 
Hình 5: bảng chữ cái Ngôn ngữ Ký hiệu

Khả Tri

(còn tiếp)
 

xxx