Cung Oán
Ngâm Khúc: "Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương"
Đúng ngày lành tháng tốt
năm nay: 23-10-2019, nếu còn sống, chắc cố Tổng Giám
mục Ái Nhĩ Lan James Ussher chẳng buồn thắp nến kỷ niệm
6023 năm sinh nhật trái đất? Vì sao? Năm 1650 ông xuất
bản cuốn sách viết bằng tiếng La-tinh dày 1300 trang,
trong đó có chương chủ yếu dựa vào Sáng Thế Ký
trong Kinh Cựu Ước (sau đây được viết tắt là
STK và KCU), mà tính ra được chính xác tuổi của quả
địa cầu. Đại khái ông ta đi đến kết quả bằng cách
sắp xếp, cộng số tuổi các hậu duệ dòng dõi cụ
A-đam, và một số các biến cố lịch sử khác. Thí
dụ: STK đoạn (1:1) ghi rõ: "Ban đầu Đức Chúa Trời dựng
nên trời đất", James Ussher chọn thời điểm này là
ngày 23 tháng 10 năm 4004 BCE/trước công nguyên.
Tuổi
địa cầu |
Biến
cố |
Nguồn |
Năm |
0 |
Đức
Chúa Trời dựng nên trời đất (cụ A-dam ra đời) |
STK (1:1) |
4004 BCE |
130 |
A-đam
được một trăm ba mươi tuổi, sanh một con trai giống như
hình tượng mình, đặt tên là Sết |
STK (5:3) |
3874 BCE |
Từ 235
đến 2083 ... |
Gia phổ
A-đam, về dòng Sết cho đến dòng Nô-Ê...
Cụ Sết: thọ 952 tuổi
Cụ Ê-nót: thọ 950 tuổi
và các cụ kế tiếp
... |
STK (5:3)
cho đến STK (12:4) |
3639 BCE
-
1556 BCE
... |
4000 |
Chúa Giê
Su ra đời. Thánh Kinh, các sách Phúc Âm không xác định
rõ ngày sinh của Chúa Giê Su. Tuy nhiên đa số các nhà
thần học chấp nhận thời điểm 4 BCE. |
|
4 BCE |
Từ "bảng phong thần" nói
trên, dựa theo cách tính của Tổng Giám mục James Ussher,
chúng ta suy ra tuổi quả đất vào năm 2019 là: 4000+4+2019=6023
năm.
Thật ra không phải chỉ mình
Tổng Giám mục James Ussher là người duy nhất đưa ra kết
quả, mà chúng ta ngày nay, cảm thấy khá khôi hài. Vào
thời trung cổ hưng thịnh, nhà thiên văn học Johannes Kepler,
thậm chí bác học đại tài Isaac Newton v.v., cũng đều
tin rằng quả đất chỉ xấp xỉ vài ngàn năm tuổi. Trước
khi khoa học phát triển, Ki-Tô giáo là hệ thống tư tưởng
thống trị, đặc biệt ở Âu châu, đóng vai trò cẩm
nang cho hầu hết mọi phạm vi cuộc sống. Cuối thời
kỳ Trung cổ, một bộ phận không nhỏ con người, vẫn
còn cảm thấy yên tâm, vì rút ra được từ Thánh Kinh
lời giải đáp cho những câu hỏi về bản chất mang tính
triết lý như: chúng ta thực sự là ai, chúng ta từ đâu
tới, đang làm gì ở cõi đời, chết đi về đâu, ai tạo
ra vũ trụ, trái đất v.v.
Thực tế là vào đầu
thế kỷ XVII, thiên văn, địa chất, vật lý, sinh vật
học v.v. chưa ra đời hay chưa phát triển, thiếu thốn
các phương tiện đo đạc, kiểm chứng (định tuổi bằng
đồng vị phóng xạ, di chỉ hóa thạch, DNA v.v.) nên thông
tin, tài liệu, kiến thức con người nói chung khá hạn
hẹp. Nhân loại chưa dám nghĩ (thậm chí còn có thể
bị ghép tội phạm thượng) rằng mọi sinh vật trên hành
tinh này, đều bắt nguồn từ một loại đơn bào xuất
hiện khoảng 3,5 đến 4 tỉ năm trước. Và tổng số
gene của loài người (chừng 20.000) còn thấp hơn số
gene của con giun, quả chuối (chừng 30.000), trên 96% giống
y chang bộ gene của loài tinh tinh, chừng 60% giống y chang
bộ gene của gà. Tuy nhiên chúng ta cũng nên biết rằng,
trong mấy ngàn năm lịch sử nhân loại, khá nhiều bộ
óc vĩ đại về khoa học từng là linh mục, mục sư, thầy
dòng. Thí dụ: Roger Bacon, Joseph Priestley, Gregor Mendel, Georges
Lemaitre, Pierre Teilhard de Chardin v.v.
23 tháng 10 năm 1955, cũng là
ngày Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại như trong bài
hát được phát ra rả suốt ngày vào cái thời nhiễu
nhương ấy: "... 23 tháng 10 Bảo Đại dân truất ngôi,
bầu Ngô Đình Diệm tổng thống muôn năm. Từ nay đời
trong sáng, toàn dân đời ấm no. Dựng xây non nước Việt,
dân chủ và tự do ..." Không hiểu có ai cố vấn cho
cụ Diệm chọn ngày, hay chỉ là một sự trùng hợp
vô tình nào đó? Cụ Diệm nói chung được xem là người
rất sùng đạo. Còn chiến dịch tổng tấn công chùa
chiền Phật giáo vào đêm 20 rạng sáng 21 tháng 8 năm
1963 mà có người so sánh (tuy rằng hơi khập khiễng)
với - "Le Massacre de la Saint- Barthélemy - tạm dịch thoát
là: Cuộc tàn sát những người theo Tin lành thần
học Calvin" khởi đi từ đêm 23 rạng sáng 24 tháng 8
năm 1572 tại kinh đô Paris, do phe phái chính trị mượn thế
lực Công giáo chủ trương - thì chắc chỉ là ngẫu nhiên?
Nhưng thôi xin được trở lại thăm hỏi cụ A-đam.
Theo Thánh Kinh cụ A-đam nhà
ta hưởng thọ 930 tuổi, các cụ khác nối dõi tông đường,
cụ nào cụ nấy đều vài trăm năm tuổi. Nhưng không
phải chỉ trong KCU mới kể chuyện các cụ trường thọ.
Sách Luận Ngữ, cụ Khổng cũng ví von so sánh mình với
Lão Bành. Cụ Bành Tổ tương truyền gần 800 cái xuân
xanh, kết thân với hàng chục bà vợ, hạ sinh mấy tá
con trai.
KCU, STK đoạn (1:27), kể rằng:
"Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài
dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài
dựng nên người nam cùng người nữ." Các đoạn (2:7)
và (2:21-23) kể tiếp: "Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa
Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào
lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh." ... "Giê-hô-va
Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương
sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời
dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ,
đưa đến cùng A-đam..."
Tuy bị lấy mất xương sườn,
cụ A-đam vẫn sinh con đẻ cái, sống khỏe mạnh, thậm
chí sống trường thọ. Nhưng chắc bạn đọc còn nhớ
vào năm 1991, 2 tay du lịch Đức nhân đi trượt tuyết,
đã vô tì̀nh phát hiện 1 xác đông cứng (còn được
gọi tên là Ötzi) ướp trong tảng băng trên rặng núi Alps
vùng biên giới giữa Áo - Ý. Ông này có thể đã sống
từ 3370 đến 3100 BCE, đặc biệt chỉ có 11 cặp xương
sườn. Phải chăng ông này chính là cụ A-đam nhà ta
(đã bị Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy mất xương sườn)?
Dùng cách tính của Tổng Giám mục James Ussher chúng ta
đi đến kết quả như sau:
1- Cụ A-đam sinh năm 0 tuổi
tương đương 4004 BCE
2- Cụ A-đam mất năm 930 tuổi
tương đương 3074 BCE
3- Người băng Ötzi có thể
mất trễ nhất vào khoảng năm 3100 BCE.
4- So sánh hai con số nói
trên 3074 BCE và 3100 BCE, trừ hao sai số này nọ, chúng
ta tin tưởng Cụ A-đam chính là Người băng Ötzi?
5- Một trong số các câu
hỏi còn sót lại là vì sao cụ A-đam lại trôi nổi đến
tận rặng núi Alps vùng biên giới giữa Áo - Ý? STK tiếc
thay không ghi rõ cụ A-đam chết ở đâu và được chôn
cất ở đâu.
Hậu duệ cụ A-đam từ lâu
đã thắc mắc, tìm cách đếm xương sườn của mình
và đi đến kết luận, dù bất cứ nam hay nữ, người
bình thường đều có 12 cặp. Tuy nhiên cấu tạo thân
thể con người, đôi khi vẫn có ngoại lệ, thiếu phần
này, thừa phần kia. Đã có các trường hợp con người
thiếu 1 (11 cặp), hay dư 1 (13 cặp). Tương tự, vài năm
trước, báo chí từng rộ lên nguồn tin về gia đình
nhà Da Silva ở Ba Tây, với đa số các thành viên có
đến 6 ngón tay.
Phải chăng muốn chấm dứt
mọi thắc mắc liên quan đến bộ xương sườn của cụ
A-đam, vào năm 2015 (và trước đó 2001), Ziony Zevit vị giáo
sư nghiên cứu về Thánh Kinh thuộc đại học American Jewish
University in California, đã đưa ra một giả thuyết nghe khá
hấp dẫn. Theo vị giáo sư này thì cụ A-đam chả mất
xương sống xương sườn gì ráo trọi. Cái cụ bị mất
là "xương dương vật/baculum" (sau đây được viết
tắt là XDV). Xin quý vị đọc cho rõ, không phải chuyện
đùa. Nói có sách mách có chứng chúng tôi xin được
tóm tắt câu chuyện này như sau.
Như các nghiên cứu về sinh
vật học và tiến hóa xác nhận, chừng 100 đến 150
triệu năm trước, mọi động vật thuộc loài hữu nhũ/mammal
đều có XDV. Cục xương nho nhỏ này, dài từ vài mm đến
vài chục cm tùy chủng loại động vật, giúp chủ nó
gia tăng khả năng, tần số, và thời gian giao cấu, phát
triển giống nòi. Trong khi đa số động vật thuộc loài
có vú lưu giữ bửu bối quý giá này cho đến ngày
nay, thí dụ: chó, mèo, cá voi, hà mã, khỉ đột, tinh
tinh v.v. cơ thể con người trái lại, theo dòng tiến hóa
đã dần dần vứt bỏ hoàn toàn XDV như một gánh nặng
trần ai. Tại sao? Giới khoa học gia giải thích như sau:
khuynh hướng sống một vợ một chồng của loài người
ngày càng phát triển, khiến nguy cơ cạnh tranh giao phối
giữa các con đực với nhau suy giảm. Để lâu quá đát
hết hạn sử dụng, "của nợ" cũng theo dòng thời gian
mà tàn lụi. Còn theo giáo sư Ziony Zevit thì Giê-hô-va Đức
Chúa Trời thay vì lấy xương sườn, đã lấy XDV từ
cụ A-đam để tạo ra bà Ê-va!!! Phải chăng vì thế đám
hậu duệ mày râu hiện đại mất toi XDV?
***
Vương quốc Anh từ năm 2003
phải đối mặt với một người thích trang phục theo
mốt của cụ A-đam và bà E-va trước khi bị đuổi khỏi
Vườn Địa Đàng. Ông Stephen Gough, được mệnh danh là
"gả dạo chơi trần truồng", nay đã lục tuần, nhưng suốt
hơn 15 năm qua, vào tù ra khám nhiều lần (tổng cộng
trên 7 năm tù) vì nhất định không chịu mặc quần áo,
trừ đôi bốt và cái mũ, ngay cả giữa chốn công cộng.
Nói cho đúng, chẳng biết ông ta đi theo bước chân cụ
A-đam và bà E-va hay không, nhưng tự do tuyệt đối về
phạm vi không quần không áo là điều ông ta đòi hỏi.
Giữa trần truồng và không phải ngồi tù, ông đã chọn
đứng về phía trần truồng, mà theo ông ta đó là tự
do, nhưng lại bị vô tù, mất tự do. Một nghịch lý về
"con người". Nhưng cuối cùng - vào năm 2016 - nặng tình
mẫu tử khiến "gả dạo chơi trần truồng" chấp nhận
khoác lên thân thể bộ quần áo, hòng được tự do,
có thể chăm sóc và đưa bà mẹ già yếu 89 tuổi ngày
ngày đi dạo.
Hy sinh tự do cá nhân để
chọn tình mẫu tử, là một quyết định tương đối
không quá khó khăn so với một chọn lựa khác cũng liên
quan đến tình mẫu tử mà triết gia hiện sinh Jean-Paul
Sartre nêu ví dụ trong bài tham luận "L'existentialisme
est un humanisme" tóm tắt như sau: "Thế chiến II
bùng nổ, Đức quốc xã chiếm đóng nước Pháp,
chàng trai (tạm gọi tên là X) cựu học sinh của Sartre,
đến vấn kế thầy, trong tình huống như sau. Gia đình
lục đục, cha của X bỏ nhà đi cộng tác với địch,
anh trai X bị Đức giết, người mẹ đơn côi không thể
sống nổi, chỉ còn trông cậy trăm phần vào X đứa
con độc nhất còn lại trong gia đình. X sẽ phải làm
gì? Ra đi tham gia kháng chiến phục vụ cho hạnh phúc của
dân tộc, cho hàng triệu người, hay ở lại chăm sóc
mẹ già vì hạnh phúc cá nhân? Mà X biết hướng tới
ai để nghe lời khuyên? Tìm đến các vị chăm sóc phần
hồn chăng? Có vị đứng hẳn về phe kháng chiến, có
vị cố đi giữa 2 lằn đạn, có vị trùm chăn, có vị
phải hợp tác với phát xít Đức để giữ mạng sống
..."
Với khả năng và trình độ
giới hạn, người viết bài này xin được diễn giải
thật tóm tắt ý chính của bài tham luận nói trên. Là
triết gia hiện sinh, thầy dùi Sartre chỉ có thể đưa
ra lời bàn đại để như sau: X là con người độc lập,
duy nhất, chủ thể tự do, nên anh ta trong mọi hoàn cảnh,
đều có thể đắn đo, suy tính, cân nhắc, khuấy động,
tra vấn mọi ngõ ngách sâu thẳm bản thân, cuối cùng
lựa chọn con đường muốn đi, và sẽ hoàn toàn chịu
trách nhiệm về hành vi của mình. Trước mắt chúng
ta có thể là hạnh phúc, có thể là bi đát. Không có
khuôn mẫu đạo đức, luân lý, nguyên tắc hành động
nào tiên thiên, như mâm cỗ bày biện sẵn trên bàn ăn,
anh ta chỉ việc sà vào đánh chén.
Lại có một chuyện khác
liên quan đến cả tình mẫu tử lẫn tình phụ tử.
Quý vị chắc còn nhớ "Nhị Thập Tứ Hiếu",
nếu ký ức tôi không sai lầm thì tập truyện này nằm
trong chương trình giáo dục Trung học đệ nhất cấp thời
Việt Nam Cộng Hòa thập niên 1960. Nói chung đại đa số
24 câu chuyện nói trên (do ông Quách Cư Nghiệp sưu tầm
và biên soạn vào thời nhà Nguyên), được ông Lý Văn
Phức diễn giải ra tiếng Việt theo thể thơ song thất
lục bát, là những bài học cảm động về gương hiếu
thảo của con cái đối với cha mẹ. Tuy nhiên câu chuyện
gia đình Quách Cự đời nhà Hán lại là một thí dụ
rất đáng cho chúng ta đắn đo suy ngẫm.
Chuyện đại khái như sau:
Vợ
chồng Quách Cự có đứa con trai mới lên 3, nhưng gia cảnh
sa sút, bà mẹ già thường nhịn đói, nhường bớt phần
ăn cho cháu. Quách Cự lập luận rằng, mẹ chỉ có một,
nhưng con thì còn đẻ được đứa khác, mới bàn với
vợ đem con đi chôn sống, bớt một miệng ăn. Ai dè đâu
khi đào đất lên Quách Cự thấy một hũ vàng Trời
cho và nhờ vậy thoát cảnh bần hàn.
Dĩ nhiên gương hiếu thảo
nói trên có thể chỉ là dụ ngôn chưa chắc đã có thật,
đặt trong khung cảnh xã hội đời nhà Hán (cách đây
gần 2000 năm), khi con cái thực chất chẳng khác đồ
vật, tùy hoàn cảnh, được gia chủ đem ra trao đổi,
sử dụng để thu lợi tối đa. Ngoài ra giết con để
đạt một mục đích nào đó, không hiếm trong kho tàng
cổ văn Trung Hoa. Xin đơn cử 1 thí dụ trong Đông Chu
Liệt Quốc. "Tề Hoàn Công một hôm cho gọi Dịch
Nha, đầu bếp nấu ăn rất ngon trong cung đến chầu và
nói đùa rằng: ‘Sơn hào hải vị ta đều đã dùng qua,
chỉ có thịt người là trẩm chưa được nếm mùi’.
Dịch Nha xin lui và đến bữa đem dâng vua một món ăn
mềm mại thơm ngon chẳng bút mực nào tả xiết. Khi nghe
Tề Hoàn Công hỏi thịt gì Dịch Nha tâu rằng: ‘hạ thần
đã dùng thịt đứa con trai mình lên 3 để nấu món
lạ cho Chúa Công nếm thử.’"
Dịch Nha sẵn sàng làm thịt
con trai dâng Tề Hoàn Công, mưu cầu lợi ích cho gia đình,
phải đặt nặng quan hệ vua tôi hơn quan hệ cha con tầm
thường, vì vua là bậc thiên tử, là con trời. Chẳng
có gì lạ, nhà văn Lỗ Tấn mượn "Nhật Ký Người
Điên" để phê phán (dĩ nhiên cả nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng) hàng ngàn năm chế độ phong kiến Trung Hoa, khá
nhiều chuyện "ăn thịt người".
Xin trở lại "Nhị Thập
Tứ Hiếu". Gia đình Quách Cự quả thật đáng
thương, vì phải sống trong hoàn cảnh quá khắc nghiệt.
Vợ chồng chắc làm quần quật suốt ngày nhưng vẫn
không đủ điều kiện phụng dưỡng mẹ già, nuôi nấng
con nhỏ, đến nỗi ông ta quẫn trí làm bậy. Nhìn với
nhân sinh quan của con người hiện tại, chúng ta không thể
nào chấp nhận việc mượn câu chuyện Quách Cự làm
gương hiếu thảo. Thứ nhất: dù bất cứ ai tìm cách
nói quanh nói co, bào chữa cho ông Quách Cự rằng hành
vi của ông ta ngầm chứa động cơ cao quý: tình mẫu
tử; nhưng nếu phải ra trước vành móng ngựa, ông vẫn
bị cáo buộc tội âm mưu giết người, dù nạn nhân
là con trai và chỉ mới 3 tuổi. Thứ hai: xét cho cùng
ông ta là người hời hợt, thậm chí mù quáng. Nếu
hoàn thành tội ác chôn sống con trai, ông ta vô tình biến
mẹ mình thành đồng lõa sát nhân. Hơn thế nữa, cụ
bà thương cháu chắc sẽ chết dần chết mòn vì khổ
đau. Cuối cùng cái tình mẫu tử mà Quách Cự muốn
thực hiện cho được bằng mọi giá, kể cả giết con
trai, lại phá nát gia đình ông ta. Gương hiếu thảo theo
kiểu Quách Cự vì thế phải kết thúc với một cái
bẫy: không viện dẫn được lý lẽ trần thế nào
đáng thuyết phục để biện minh cho việc giết người,
tác giả mượn ý trời, giải quyết theo chiều hướng
thiêng liêng, vượt trên mọi giá trị đạo đức: có ý
hướng tốt thì cứ làm đi rồi thượng đế, hay một
đấng siêu nhiên nào đó sẽ tha thứ, thậm chí ban thưởng.
Một hũ vàng trong chuyện Quách Cự, hay một ân huệ nào
đó cho Dịch Nha trong Đông Chu Liệt Quốc, đều được
ban phát từ nguồn trực tiếp là Trời, hay gián tiếp
từ nhà vua, con Trời.
Thiên
sứ ngăn cản Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac.
(Hiến
tế Isaac, do Rembrandt vẽ). Nguồn: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4f/Rembrandt_Harmensz._van_Rijn_035.jpg
Trước khi tạm chia tay ông
Quách Cự và quý bạn đọc, tôi xin được nhắc đến
cụ Abraham, tổ phụ 3 tôn giáo độc thần lớn, Do thái,
Ki-tô và Hồi giáo, người sẵn sàng sát tế con trai
Isaac, để chứng minh lòng tin tuyệt đối với Thượng
Đế. Khởi đi từ câu chuyện trong Kinh Cựu Ước, Sáng
Thế Ký, triết gia tiền thân của khuynh hướng hiện
sinh Soren Kierkegaard, mượn tác phẩm ưng ý nhất của mình
"Fear and Trembling/Sợ và Run" để diễn giải,
lập luận và đưa ra một lối nhìn tổng hợp về
đạo lý, đức tin, lòng trung thành tuyệt đối, sự
phi lý, chọn lựa và trách nhiệm. Nhưng đó lại là
đề tài cho các bài viết trong tương lai. Xin bạn đọc
đón xem.
Khả
Tri