Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chuyện 'Con Người' : 
Phần III: Qua ngõ nhà cụ Kant, u đầu vì va chạm triết học nhập môn.

Khả Tri

Phần I      - Từ vu vơ qua vớ vẩn đến viển vông 
Phần II    - 
Phần III   - Qua ngõ nhà cụ Kant, u đầu vì va chạm triết học nhập môn.
Phần IVa - Đùa với lưỡi/lửa.
Phần Va : Từ quá khứ sang tương lai, côn trùng sâu bọ trong bữa ăn hằng ngày. 
Có một hôm tôi "trốn nhà" đi uống cà phê. Bà xã tôi thì luôn miệng chê bai thú vui này, dựa theo các lý lẽ sau: Uống cà phê tại nhà 1/ "không tốn tiền", 2/ "ngon không kém cà phê tiệm". Phản biện lại lập luận nêu trên, tôi đưa các ra lý do: 1/ "không tốn tiền" thì chắc chắn là sai, vì chúng ta trước đó phải chi tiền mua cà phê, đường, sữa v.v. rồi còn phải nấu nước sôi, uống xong lại phải rửa tách v.v. rốt cuộc tốn kém bao nhiêu thứ. Dĩ nhiên "không tốn tiền" chỉ là lối nói co giãn dây thun của người Việt chúng ta, tưởng "dậy" mà không phải "dậy". 2/ "ngon không kém cà phê tiệm" là chủ quan, tranh cãi về ăn uống nói chung đã khó, tranh cãi về cà phê lại còn khó hơn trăm vạn lần, người thích cà phê đen, người thích uống có đá lạnh, người thích có tí sữa, thậm chí cà phê cứt chồn ... Rốt cuộc "sư nói sư phải vãi nói vãi hay". Bà xã tôi vẫn ôm niềm tin sắt đá về cà phê tại gia và bao nhiêu niềm tin khác mà tôi không chia sẻ. Như thường lệ để giữ hòa khí, tôi đành ngậm miệng ăn tiền chẳng dám cãi.

Thú thật với quý bạn đọc, cũng nhờ "trốn nhà" đi uống cà phê tiệm, vô tình nghe lóm được một mẫu đối thoại gây ấn tượng, mà tôi mới bể óc bùn là mình quá dốt, nên tự hứa với lòng, sẽ phải tìm hiểu học hỏi thêm. Cái hôm đẹp trời, ngồi nhâm nhi tách cà phê đen đúa như tâm hồn mình, ở bàn sát bên cạnh có 2 chú đã vượt lứa tuổi "nhóc", trạc 16, 17 - vóc dáng Á châu, nhưng chắc sinh ra hay lớn lên tại Canada, vì nói tiếng Anh còn nhuần nhuyễn hơn nhiều người dân bản xứ. 2 chàng này đúng là bạch diện thư sinh, nước da trăng trắng, mắt gần như một mí, chỉ có thể là Hàn, Nhật, Trung quốc hay gốc Việt? Vốn liếng Anh ngữ ba rọi, tôi chỉ nghe loáng thoáng câu mất câu còn, cuộc bàn luận hăng say sùi bọt mép về một đề tài triết học vừa cụ thể, vừa trừu tượng. Tôi tức lộn ruột, thầm hỏi lòng tại sao 2 thằng "nửa tây nửa ta" (hơi bị kỳ thị) hỉ mũi chưa sạch, mà ăn nói bài bản, kê giường chiếu tủ bàn chỗ nào đúng chỗ đó. Còn phận mình, trên đầu 2 thứ - thậm chí chẳng còn bao nhiêu tóc - thế mà ấm ớ hội tề, lắm khi một chữ ê a mãi vẫn chưa xong. Nhưng xin cho phép tôi được tạm ngưng câu chuyện này ở đây, và sẽ tiếp tục bàn trong những lần tới. Tần ngần ngồi nán lại tiệm cà phê ít lâu rồi quay về nhà, lập tức tôi lên ngay chương trình lục lọi sách vở, truy lùng mạng internet để mong tìm hiểu thêm về triết học.

Vào giữa thập niên những năm một nghìn chín trăm đã lâu, là học sinh Đệ nhất ban B, tôi được làm quen với môn Triết, mỗi tuần tổng cộng 2 hay 3 tiếng? Học sinh thời ấy, nhất là dân ban C, chắc đứa nào cũng có trong cặp 2 cuốn "Luận Lý Học" và "Đạo Đức Học" của giáo sư Trần Đức Huynh và Trần Văn Hiến Minh. Triết là món khó nuốt, học sinh vào lớp mặt mày lúc nào cũng lên gân như người táo bón. Lại đúng vào những giờ trưa nắng hè Sài Gòn, trán lấm tấm mồ hôi, giọng thầy lên bổng xuống trầm, xen kẻ tiếng phấn tách tách cà lên bảng đen, đôi khi - không chỉ mình tôi - mà cả lớp rơi dần vào giấc Nam Kha. Sau một năm học Triết, tôi chẳng hiểu gì ráo trọi. Thi Tú Tài II điểm Triết quá bết, cũng may các môn Toán, Lý, Hóa kéo lại nên đủ "vinh quy bái tổ". Thế nhưng người thầy đáng quý, thật tiếc là tôi quên tên - khốn nạn thay đứa học trò vô ơn - đã giúp tôi hé mở cánh cửa dẫn vào một căn phòng đầy bí ẩn. Tôi chỉ còn nhớ thầy đi dạy học bằng chiếc xe mô-bi-lét xám, xịt khói thả ga khi chui qua cổng trường, quần tây màu xanh đậm có 2 pli phía trước, áo trắng phẳng phiu mà học trò hay gọi là "giặt ủi hấp tẩy nỉ sẹt" hình như đã sờn cổ tay, trước ngực lủng lẳng cà-vạt. Trong căn phòng mờ mờ nhân ảnh đó, thấp thoáng đôi lần xuất hiện một cụ ông người Hy Lạp cổ đại, sống từ 400 đến 500 năm trước Công nguyên, cụ Socrates, cũng như ông Tây René Descartes sống giữa thế kỷ XVII ... Nhưng biết đâu cũng từ căn phòng này, vào cuối thập niên 1930, nhà thơ Nguyễn Bính thường nhìn lén sang nhà cô hàng xóm và lẩm bẩm một mình:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
...
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
...
(Người Hàng Xóm)

Không nhìn lén được cô hàng xóm thì ông thi sĩ này lại quay ra nhìn trời nhìn đất rồi tự hỏi bâng quơ:

Cỏ đồi ai nhuộm mà xanh
Áo em ai nhuộm mà anh thấy chàm
Da trời ai nhuộm mà lam
Tình ta ai nhuộm ai làm cho phai
...
(Vì Ai)

"Người Hàng Xóm" và "Vì Ai" là dăm tiếng thì thầm bay bổng như tơ trời, nhưng quyện lẫn trong những gì mong manh như thế ấy, vẫn là các câu hỏi chắc nịch chạm vào cốt lõi của triết học: bản thể, hiện hữu, tồn tại, nhận thức v.v. Tuy nhiên tôi xin phép tạm biệt ông Nguyễn Bính, hẹn tái ngộ một dịp sắp tới, để trở lại thực tại khô khan. Không ít người trưởng thành, đến khi bắt đầu học một ngoại ngữ, mới vỡ lẽ ra rằng, nói tiếng mẹ đẻ, chúng ta không chỉ dùng mồm dùng lưỡi, phát âm ra câu ra chữ theo thói quen, mà cái đầu đã áp dụng văn phạm hay ngữ phạm - không tự giác. Cũng như không ít trong chúng ta hay nhìn Triết học một cách xa lạ dửng dưng, một cái gì đó chung chung trừu tượng, thậm chí là cực hình, vô bổ, chỉ dành riêng cho những "phi-lô-dốp" óc não có vấn đề, suốt ngày nhăn trán cau mày đăm chiêu, đeo kính cận dày cộm, ưa sống lập dị.

Nếu tôi nhớ không lầm, văn hào người Ý Giovanni Guareschi (1908-1968), từng ví von đại khái như sau: "Triết gia là những vị nha sĩ, chỉ thích khoan, đục lỗ trong miệng thế gian, nhưng ai yêu cầu họ trám chúng lại thì các vị ấy cứ lờ đi." Ông là cha đẻ các tiểu phẩm hài bất hủ xoay quanh nhân vật giả tưởng, vị linh mục Công giáo Don Camillo, được quay thành phim vào đầu thập niên 1950. Quý bạn đọc nào muốn biết thêm về nhân vật hư cấu này, qua diễn xuất của tài tử mặt ngựa Fernandel Pháp, từng chiếu tại Sài Gòn, nói tiếng Pháp, xin vào xem ở Youtube theo đường dẫn sau: Le petit monde de Don CAMILLO/Thế giới nho nhỏ của cha Don Camillo). Cũng xin được lạc đề tí tị, phổ biến ở Ý và Tây Ban Nha, một trong những cách nói thông thường, Don là tước hiệu dành cho linh mục, giáo sĩ, cấp trên và cho cả người danh gia vọng tộc, không phải tên cha sinh mẹ đẻ. Nhân vật hư cấu Don Juan (Tây Ban Nha) và Don Giovanni (Ý) là thí dụ tương tự.

Thực tế là Triết học, hay nói đúng hơn, triết lý sống, hầu như quán xuyến mọi suy nghĩ, mọi hành động con người. Từ bao nhiêu ngàn năm qua, đã có quá nhiều sách vở, tranh luận về triết học, nhưng vì chủ yếu do người viết bài không đủ kiến thức và khả năng chuyên môn, chẳng dám múa rìu qua mắt thợ, nên xin miễn bàn sâu. Chỉ xin đưa một vài ý kiến chủ quan. Nếu quý vị lướt lướt tới những dòng chữ này mà vẫn còn muốn đọc tiếp, mặc dù đáy lòng rộn lên bao tiếng ngờ vực: "... lảm nhảm, dông dài, viết lung tung chẳng đâu ra đâu. Bản thân mình sẽ phải đầu tư thì giờ cố tìm hiểu (thêm) Triết học, chứ chẳng nên phí thì giờ với bài của nợ này", thì coi như tôi đã thành công. Ai từng chia sẻ tâm tình với thiên hạ, thường sợ nhất là trường hợp tha nhân sau khi đọc xong cảm thấy dửng dưng, chẳng còn nhớ là đã đọc cái gì. Cái sự dửng dưng này còn đáng sợ hơn là khi người viết nhận các câu chê bai phê bình cụ thể, qua đó tác giả còn có thể rút ra được bài học, mình sai sót chỗ nào, thiếu sót chỗ nào v.v. Bởi thế cụ Tuân Tử, nhà tư tưởng lớn thời Chiến Quốc, đã phán: "Người chê ta mà chê phải là thầy ta. Người khen ta mà khen phải là bạn ta. Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy"

Có ai hỏi bạn Triết học thì mắc mớ gì tới cuộc sống, có mài ra mà ăn được không? Tựa đề bài viết này là "Qua ngõ nhà cụ Kant, u đầu vì va chạm triết học nhập môn". Viết cho nó nổ lốp bốp như vậy chứ cái mặt tôi, dù muốn tìm thầy học đạo, có đến nhà cụ Kant thì cũng sẽ bị cụ xịt chó berger Đức ra cắn, đuổi chạy có cờ. Nhưng biết làm sao, con đường dẫn đến chân lý không khi nào đơn giản. Triết gia cộm cán người Đức Immanuel Kant (1724-1804), một hôm đẹp trời ngồi tính sổ cuộc đời, đã tóm gọn mọi ray rứt của cá nhân ông hàng chục năm qua, trước tiên thành 3 câu hỏi đơn giản như sau: "1- Was können wir wissen?/Chúng ta có thể biết gì? 2- Was sollen wir tun?/Chúng ta nên làm gì? 3- Was dürfen wir hoffen?/Chúng ta có quyền hy vọng điều gì?".

Thế kỷ XVIII, khi các tác phẩm của Kant xuất hiện, mặc dù chỉ là công trình của một cá nhân duy nhất, đã như tiếng sấm vang dội, vượt qua biên giới nước Đức thời ấy (Vương quốc Phổ) thúc đẩy Triết học phương Tây phát triển đến đỉnh cao và bước ngoặt mới. Chúng lập tức biến thành hòn đá thử vàng, đề tài nóng bỏng trên vũ đài tranh luận Triết học. Bạn bè và cả những đối thủ của Kant về mặt tư tưởng, ai cũng phải lên tiếng, nếu không muốn bị xem là tụt hậu, khen chê đều đủ cả. Kant quả là một ông khổng lồ về nhiều phương diện. 40 năm trời ông bán cháo phổi, từ những lớp riêng tại gia cho 1, 2 học sinh, đến các giảng đường đại học đông kín người, không chỉ dạy về Luận Lý học, Siêu Hình học, mà còn cả các bộ môn Khoa học như Toán Vật Lý, Địa Lý, Nhân Chủng v.v. Chưa bao giờ rời chân khỏi nơi chôn nhau cắt rốn - suốt đời chỉ quanh quẩn ở Königsberg và các vùng phụ cận - thế nhưng cụ Kant nhà mình, nhờ chịu khó tìm hiểu, đọc nhiều sách vở, quyến rũ người nghe một cách kỳ lạ, khi ông kể chuyện về những đất nước, dân tộc xa lạ. Nói chung, Kant là một hiện tượng khó lý giải. Chỉ nhìn dáng dấp bề ngoài và cuộc sống "một ngày như mọi ngày" thiếu hẳn những bước thăng trầm của ông, người ta khó biết được ẩn hiện đàng sau đó là cả một hỏa diệm sơn sôi sùng sục. Kant thiếu sức khỏe từ bẩm sinh, dáng người mảnh khảnh, vai cao vai thấp. Tự giác về thể trạng mình, ông ta đặt ra những điều lệ căn bản cho cuộc sống, quyết tâm theo đến tận cùng, nên đạt tuổi thọ 80 năm. Và qua đó để lại hậu thế những tác phẩm kinh điển quý giá không bút mực nào tả xiết.

Heinrich Heine (1797-1856), một trong những nhà thơ Đức, mở mắt chào đời sau Kant chừng 70 năm, nhận định về vĩ nhân này với những dòng chữ không mấy hoan hỉ: "Khó mà miêu tả chính xác lịch sử và cuộc đời của Immanuel Kant, vì ông ta không có cuộc đời cũng như lịch sử." Quả thật, cuộc sống ông ta như một chiếc đồng hồ quả lắc không chệch giờ. 5 giờ: thức giấc, ăn sáng nhẹ bụng, đọc sách, nghiên cứu, viết lách, chuẩn bị giáo án v.v. 7-9 giờ: dạy học ở trường. 9 đến 1 giờ trưa: đọc sách, nghiên cứu, viết lách, chuẩn bị giáo án v.v. Sau đó vừa ăn trưa (bữa ăn độc nhất trong ngày, thường kéo dài hơn 2 tiếng) vừa thảo luận đủ mọi chuyện trên trời dưới đất với bạn bè, nhưng đa số không phải triết gia, học giả. Đúng 3 giờ rưỡi chiều, hàng xóm có thể lên lại dây cót đồng hồ khi thấy Immanuel Kant mở cửa bước ra khỏi nhà.
 
Hình biếm họa: Lampe xách ô che cho Kant lúc đi dạo,
trích từ "Lampe und sein Meister Immanuel Kant/tác giả Antje Herzog"

Xuân hạ thu đông ông vẫn khoác áo dạ, tay cầm ba-toong, thủng thẳng nhắm hướng con đường Lindenallee tiến bước (về sau người ta đặt tên nó là "Con đường triết gia"). Ông đi tới đi lui tổng cộng đúng 8 lần, không hơn không kém. Nếu trời u ám, mây giăng mù báo hiệu cơn mưa, lão Lampe, người hầu tín cẩn vội vã xách dù bám sát gót chân chủ. Dạo xong quay về nhà, Kant lại lui vào thư phòng đọc sách, nghiên cứu, viết lách, chuẩn bị giáo án v.v. đúng 10 giờ đêm tắt đèn đưa gà về chuồng. Đó là sơ lược thời khắc biểu hằng ngày của cụ Kant.

Đã từ lâu công ty Google tìm cách thúc đẩy kế hoạch số hóa mọi quyển sách trên thế giới. Sau quá trình xác định tiêu chuẩn, tháng 8 năm 2010, thống kê cho ra kết quả: cần phải số hóa chừng 130 triệu đầu sách. Không biết trong 130 triệu này có mấy triệu quyển viết về Immanuel Kant? Chỉ biết rằng khi chúng ta vào mạng Google dùng từ khóa "Immanuel Kant" để tìm kiếm, kết quả trên 27 triệu sách báo, bài viết v.v. Thế nhưng lão Lampe, người quản gia theo hầu Kant 40 năm trời, và qua đó đã gián tiếp giúp Kant để lại nhiều đứa con tinh thần tuyệt vời cho hậu thế, lại rất ít được nhắc đến. Trong cảnh ngộ đó, bài viết sắp tới, ngoài chủ đề Triết học và Kant, cũng sẽ có đôi dòng về nhân vật Lampe này. Xin quý bạn đọc đón xem.

(còn tiếp)

Tài liệu tham khảo: Kleine Weltgeschichte der Philosophie/Hans Joachim Störig

Khả Tri