NĂM TRUYỆN NGẮN VÀ CỰC NGẮN CỦA KAWABATA 
(Từ đôi mày - Người lâu không gặp - Trăng Rằm - Cô gái thơm tho - Chồng không đụng đến )

 Chồng không đụng đến
(Otto no shinai)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari
Dịch: Nguyễn Nam Trân

Ch?ng kh�ng d?ng d?n (Otto no shinai)
Sẽ bắt đầu với lỗ tai này, sau tới lông mày, rồi mình cứ thế mà đi tiếp ...Trong khi Junji nghĩ về thứ tự những nơi mà đêm nay, anh sẽ đặt nụ hôn của mình lên, hình ảnh những vùng trên thân thể phu nhân Kiriko cũng lần hồi hiện ra trong đầu anh.

Chuyến tàu điện tuyến đường Yokosuka (1), nếu chạy từ ga Kita-Kamakura cho đến ga Shimbashi, phải mất độ một tiếng đồng hồ.Nghĩ về thứ tự và phương pháp để đặt những nụ hôn ấy thì dù đã tính toán không biết bao lần, anh vẫn chắc chắn là mình dư dả thời giờ.

Kiriko cũng sống ở vùng Kita-Kamakura (2) như anh nhưng vị e dè cặp mắt của cư dân sống cùng khu phố nhỏ đó nên lúc nào họ cũng hẹn gặp nhau ở Tôkyô.

Vì anh hãy còn là sinh viên nên Junji thường lấy chuyến tàu điện sớm hơn và đến đó mà chờ. Không cần Kiriko phải lên tiếng, lúc nào Junji cũng đề nghị trước. Hồi đó, Junji có một nỗi sợ hãi là anh sẽ phải nhìn thấy một khuyết điểm nào đó trên thân thể Kiriko.

Sẽ bắt đầu với lỗ tai này....Nếu Junji có cách suy nghĩ như thế cũng chỉ vì lần đầu tiên sờ vào trái tai của Kiriko, anh đã thất vọng không ngờ. Nó khiến anh hối hận đến bây giờ. Lúc khám phá ra nó, hình như mặt Junji đã biến sắc.

-Gì đó hở?

Kiriko mở to mi mắt, ngước lên nhìn:

-Sao vậy?

Ngón tay vừa chạm đến vành tai của bà đã rụt ngay lại và làm cho phu nhân lấy làm quái lạ.

Junji vội vàng ngậm lấy lỗ tai Kiriko và để khuôn mặt mình vùi vào một bên trong mái tóc của bà. Mùi tóc tỏa ra thơm nồng.

-Ứ ừ, đừng đừng...

Junji lủi theo cái đầu người đàn bà đang muốn tránh qua một bên.

Lỗ tai của Kiriko nhỏ, vành tai mỏng và mềm, nay đã được cho vào bên trong Junji. Sự thất vọng của anh tan biến. Nguyên lai, Junji chỉ muốn thử sờ dái tai của phu nhân nhưng đến giữa chừng, anh đã rụt lại vì chợt nhớ một câu chuyện khác. Trước đây, khi mân mê lỗ tai của một cô gái điếm, anh đã tìm thấy một khoái cảm dị thường và điều đó có liên quan với cái phản ứng vừa rồi.

Đối với Junji thì niềm ham muốn mân mê dái tai của người con gái lần đầu tiên ấy đã đến với anh trong một lúc hoàn toàn không để ý. Anh làm như vậy cũng chẳng phải vì nàng ta có một lỗ tai hình thù hấp dẫn. Lúc đó, anh là một người đang bị trầm cảm đến độ thù ghét cả bản thân và đã hứa sẽ không đụng vào bất cứ nơi nào trên thân thể một người đàn bà nhưng không hiểu vì sao đã cho tay sờ vào chỗ đó. Việc này thì chính anh cũng không hiểu nổi.

Tuy nhiên chỉ cần một giây ngắn ngủi, cái cảm xúc lạnh lẽo đến từ cái dái tai của người con gái đó đã rửa đi được những nhơ bẩn bám trong hồn anh. Dái tai của nàng khá tròn trịa và đầy đặn. Thế mà khi kẹp nó vào giữa ngón cái và ngón trỏ và dùng đầu ngón mân mê, anh vẫn thấy nó tuy nhỏ bé nhưng đã truyền đến cho anh cả một sinh mệnh đẹp đẽ. Lạ lùng thay, với làn da mượt mà và hình thể no tròn, mềm mại, sao mà nó giống như viên ngọc quí. Làm như cái đẹp đã tụ lại đây như một giọt sương trong và đó là chỗ ngưng đọng tất cả sự thuần khiết của người phụ nữ. Trong lòng Junji bỗng trào lên một niềm thương cảm giống như sự ngưỡng mộ. Cho đến hôm nay anh chưa hề biết có một vưu vật tuyệt vời nào đến thế. Anh có cảm tưởng ngón tay mình đã chạm được linh hồn của một thiếu nữ đáng yêu.

-Làm gì vậy hở trời?

Cô gái ấy đã hất mạnh đầu qua một bên.

Thế rồi từ khi bước ra khỏi ngôi nhà của cô ta, Junji vẫn chưa bao giờ đem câu chuyện về cái lỗ tai ấy kể cho bạn bè nghe. Nếu kể, chắc không khỏi nghe họ cười cợt. Hơn nữa, dù sau này Junji khó lòng tìm lại cảm xúc của ngày hôm đó nhưng anh vẫn giữ nó trong anh như một bí mật của đời mình.

Dù sao, hồi ức về cái dái tai của cô gái điếm tuy có khơi dậy trong Junji sự thèm muốn được sờ cái dái tai của phu nhân Kiriko nhưng anh cũng không khỏi chột dạ và chợt dừng tay.

Có cái là dái tai của Kiriko đã không đáp được nguyện vọng của anh. Nó chỉ đem đến cảm tưởng mỏng manh và mảnh dẻ khi ngón tay anh chạm đến. Không những nó chẳng ươn ướt hay mượt mà chút nào mà dường như còn khô se nữa. Junji thở hắt ra. Giả dụ mình có sờ được một dái tai có hình thù đẹp đẽ đến cỡ nào, chắc cũng không thể nào tìm thấy một lần thứ hai cảm xúc như lần sờ dái tai của cô gái điếm nọ.

Thế rồi, sau khi đã ngậm lấy lỗ tai của Kiriko, Junji bắt đầu hôn lên hết chỗ này đến chỗ khác trên người bà

Một người mới tập sự như Junji lại có thể làm cho một thiếu phụ trung niên như phu nhân Kiriko thỏa mãn đến ngần ấy thì thật đáng ngạc nhiên nhưng chính ra chỉ là một chuyện đơn giản. Thấy người đàn bà tỏ ra hạnh phúc trong tay anh, lần đầu tiên Junji cảm nhận và say sưa với cái sức mạnh đầy nam tính quyến rũ của mình.

Đinh ninh rằng thân thể người đàn bà ấy sẽ không có một khuyết điểm nào, sự mảnh dẻ của cái dái tai anh cảm thấy khi mấy ngón tay chạm đến đã làm anh lúng túng trong một khoảnh khắc. Vả lại, Junji cũng thấy trước mắt là mấy lúc sau này, Kiriko đã biết dằn lại trạng thái hào hứng từng làm cho bà quên bẵng mọi sự và nếu anh muốn đưa Kiriko lên từng cung bậc, nên bắt đầu từ lỗ tai. Làm như vậy chẳng khác nào bắt đầu ở một điểm khởi hành.

Kiriko đã nói với Junji một câu anh không ngờ tới, lúc họ chưa thân nhau lắm, chắc là trong lần gặp gỡ thứ ba hay thứ tư gì đó:

-Mình không phải là người mong đợi một quan hệ phiền phức kiểu tình nhân hay vợ chồng đâu. Mình chỉ ước mơ và hình dung ra cảnh được có ai ôm ấp và âu yếm một lần thôi.

Qua câu nói đó, chắc bà muốn cho biết cái mơ ước ấy chỉ có thể thực hiện bởi một mình Junji. Anh cảm thấy mình như đang bị đẩy vào đó, bèn hỏi:

-Như thế, em chỉ là món đồ chơi của chị hay sao?

Kiriko xóa sự ngờ vực của anh bằng một câu trả lời mạnh mẽ:

-Không, đâu phải đồ chơi. Chơi bời hay ngoại tình...có thể là chuyện của đàn ông. Đàn bà thì khác. Ít nhất, mình không phải là người như thế.

-Nếu theo những gì chị vừa nói, không là trò chơi thì là gì nào? Nếu không phải là một cuộc vui qua đường...?

-Chứ mình phải nói sao cho cậu hiểu? Dù sao gì thì gì, đó là một bí mật giữa hai bên thôi.

Kiriko lúng búng trong miệng:

-Một người đàn bà có tuổi như mình thì đâu muốn bó buộc hay tạo gánh nặng cho ai. Thật cậu không chịu hiểu đến nơi đến chốn. Phải hiểu khổ tâm của người kia mà giữ kín cho nhau. Tuy vậy, thôi hãy để cái bí mật ấy nằm nguyên trong trạng thái ước mơ và để nó kết thúc ở đó có lẽ là điều tốt nhất.

-Thế chị có hối hận chuyện quen biết em không?

Kiriko bật cười trước mẩu đối thoại thật trẻ con làm như bà đã nghe ở dâu đó rồi:

-Khi hỏi là mình có hối hận này kia kia nọ, không phải là cậu đang tỏ ra hối hận đó sao ? Mình thì cho dù có đau khổ hay bị dằn vặt, sẽ không bao giờ muốn nói là mình hối hận. Hối hận chỉ là lời bào chữa dễ dàng nhất và là lối thoát thoải mái nhất....

-Hay là chị chỉ chọn em như một đối tác để đôi khi chia sẻ những ước muốn bí mật của chị thôi?

-Chứ cậu không lấy làm lạ khi thấy mình có thể thân tình với cậu một cách dễ dàng và giản dị như thế này sao? Cho đến giờ này, mình chưa thấy bản thân đã làm điều gì sai trái.

- ...................................

-Với cậu thì, từ buổi đầu gặp gỡ, cậu đã khiến mình nhớ về đứa con gái đã mất của mình...
 
 

***
 
 

Đó là một câu chuyện khởi đầu trong chuyến xe điện trên tuyến đường Yokosuka này. Ngày hôm đó, Junji được các bạn cùng trường Đại Học rủ gia nhập một khóa học về hội họa Tây phương. Học viên sẽ được tập vẽ những bản phác thảo (dessin) phụ nữ khỏa thân. Trong số người tham dự cũng có đến bốn, năm cô gái trẻ. Tuy vậy chỉ có Kiriko là ăn mặc Hòa phục (quần áo kiểu Nhật), tuổi tác lại lớn hơn hẳn nên đã gây sự chú ý cho Junji ngay từ ban đầu. Nhân hai người đều là cư dân vùng Kita-Kamakura, chiều hôm đó, họ đã lấy cùng một chuyến xe điện ra về. Khi người soát vé đến bên cạnh họ để kiểm tra và Junji muốn đổi cái vé hạng ba của mình thành vé hạng nhì, Kiriko đã mau mắn rút tiền ra trả cho anh. Thay vì để Junji lục túi tìm tiền thì mất thời giờ, Kiriko có thể lấy ra nhanh hơn từ cái túi xách tay (hand bag) đang đặt trên đùi. Đoán trước điều đó, Kiriko đã làm một cử chỉ để giúp đỡ.

Khi xe qua khỏi Yokohama, Kiriko mở tập vở để vẽ nháp (sketch book) và bắt đầu phác thảo một cái gì đó. Junji bèn nhướng mắt thăm dò xem bà đang vẽ những gì. Junji cảm thấy khuôn mặt xinh đẹp đang cúi xuống bản vẽ càng lúc càng rạng ngời. Đầu của hai người châu vào nhau. Junji hơi chồm lên để dòm vào tập vở và nhận ra Kiriko đang vẽ khuôn mặt của anh theo lối truyền thần. Chẳng nói chẳng rằng, Junji đưa tay đoạt lấy tập vở ấy rồi sau khi ngắm nghía một đỗi, đã rút bút chì của mình ra và bắt đầu thêm thắt lên bức chân dung Kiriko đang vẽ.

-Ô kìa! Không được đâu nghe!,

Phu nhân giật lại bản vẽ. Có lẽ Junji vẫn mắc cỡ vì người khác vẽ mình nên đã giật nó từ tay bà một lần nữa để tự mình thêm bớt. Lần này đến lượt Kiriko rướn người lên xem nhưng coi bộ không bằng lòng với nét vẽ của Junji, lại giật lui để vẽ theo ý mình. Cứ như thế, tập vẽ nháp đã chuyền qua chuyền lại giữa hai người không biết bao nhiêu lần để sửa đi những đường nét trên khuôn mặt của Junji trong đó. Nét Kiriko vẽ và nét Junji vẽ đã đè lên nhau không biết đến mấy tầng. Nó nhiều quá sức và đã khiến cho đường nét và góc cạnh của bức chân dung nhòe nhoẹt, rốt cuộc chỉ còn là một mảng tối. Tuy vậy, khi hai người cùng làm những động tác thực hiện bức tranh ấy, sự thân mật giữa họ càng lúc càng gia tăng. Làm như thể tình cảm con người đã được bộc lộ qua bức tranh. Sau đó, Junji cũng quên đi sự mắc cỡ khi thấy người khác vẽ mặt mũi của mình và khi anh vào cuộc để vẽ tiếp lên nét vẽ của Kiriko, một niềm vui đã nở ra theo từng đường nét đến từ con tim của họ và chồng chất hết lớp này đến lớp khác.

-Thôi, đến đây là xong.

Phu nhân dừng cây bút chì, ngắm bức truyền thần và khuôn mặt của Junji để so sánh:

-Cũng có giống phần nào đấy chứ nhỉ?

-Chị cho em vẽ thêm chút nữa đi!

-Chỗ nào? Bên khóe mắt à?

-Đây là mặt của em thì nó phải được kết thúc bằng cây bút của em chứ?

-Coi bộ cậu tự tin quá đó nghe.

-Không phải vậy đâu. Nhưng tại sao chị lại vẽ mặt em làm gì?

-Có thể vì vừa đi tập vẽ với nhau xong. Tuy vậy, khi đặt bút xuống vẽ cậu, mình bỗng nhớ đến đứa con gái của mình nay đã mất. Nếu nó còn sống thì đang ở độ tuổi có thể kết hôn với cậu đấy. Mình sinh nó năm 19 tuổi và nó là đứa con gái độc nhất.

- .......................................

Thật ra, khi nhìn mấy người mẫu lõa thể, mình cũng nhớ đến con. Thân hình các cô người mẫu đó vừa không được đẹp mà mình lại không thích vẽ truyền thần. Tuy vậy mình lại thấy thích khi vẽ cậu.

-Lần sau đến lớp, nếu như khi về lại đi chung chuyến xe, em sẽ xin phép vẽ khuôn mặt chị nhé!

Kiriko không trả lời đề nghị của anh.

-Nếu con gái của mình còn sống, nó chắc có dịp gặp cậu đấy nhỉ?

Phu nhân chỉ nói thế và nhìn Junji. Một nét buồn rười rượi đọng trong khóe mắt.

-Nó chưa biết yêu và cũng chưa biết gì hết. Nói chung, nó đã chết như một đóa hoa đương nụ, chưa kịp nở. Có khi như thế nó lại hạnh phúc...Cái gọi là hạnh phúc không biết có phải như hay chăng?

-Nếu chết rồi, còn làm sao phân biệt thế nào là hạnh phúc, thế nào là không. Có đúng không nào? Bảo một kẻ đã chết từng có hạnh phúc hay không có lẽ chỉ là cách phán đoán tùy tiện của người còn sống đấy thôi.

-Cách lý luận của cậu nghe chán quá đi mất! Hồi mùa đông vừa chuyển sang xuân, con gái mình mỗi sáng khi mở mắt thức dậy trên giường lúc nào cũng reo lên: "Ôi, thích quá!" và giang đôi tay như muốn ôm ấp hay ve vuốt một vật gì. Ấy thế mà chỉ trong vòng một buổi tối, người nó đã mềm nhũn ra. Năm đó, nó đã qua đời...

- ...............................

Lần kế tiếp, sau khi đến lớp vẽ và ra về, phu nhân Kiriko không đi thẳng ra ga Shin-Shimbashi lấy tàu về mà rủ Junji đến một cửa hàng bách hóa, chọn một bộ đồ vét may sẵn và mua tặng anh. Làm như thể Kiriko ngại rằng bộ đồng phục sinh viên của Junji sẽ gây chú ý cho người khác. Cả đến khi họ vào trong căn phòng chỉ có hai người thì bà vẫn ngần ngại như vậy:

-Xin lỗi nghen. Mình cứ nghĩ tuổi của cậu là vừa vặn với đứa con gái của mình.

Kiriko chỉ nói chừng đó chứ không bày tỏ một lời âu yếm như phải có giữa tình nhân. Thế nhưng hôm đó Junji đã có được niềm vui của một người đàn ông khi thấy người đàn bà vui vì thỏa mãn. Anh cảm thấy cái sức lực tràn trề nơi mình vừa được đánh thức. Sau cùng, với một cái giọng ngọt ngào của người hãy còn đang bối rối vì hổ ngươi, Kiriko bảo anh:

-Hồi nãy, khi mua bộ Âu phục, mình đã nghĩ tới rồi nhưng coi bộ người cậu cao ghê. Chúng mình thử chụm chân lại và đo xem nào?

Nói xong, Kiriko đưa gót chân của mình đi tìm gót chân của Junji và đặt chúng vào cùng một chỗ thì lúc đó, khuôn mặt của Kiriko vừa vặn áp lên phần ngực của người con trai:

-Mình chỉ lên đến được đây thôi!

Rồi làm như muốn tiếp tục thưởng thức, Kiriko cứ giữ nguyên tư thế ấy.
 
 

***
 
 

Tuần lễ kế tiếp, không thấy bóng Kiriko xuất hiện ở lớp học vẽ. Junji đã gọi điện thoại đến nhà phu nhân để gọi bà ra.

-Sao hôm nay không thấy chị đến?

-Nếu gặp nhau ở đó thì qua cử chỉ của cậu, mọi người sẽ biết chuyện tức khắc.Cậu không dấu nỗi đâu.

Lần hẹn hò thứ ba, đã hứa sẽ gặp nhau ở một chỗ khác nhưng tới giờ mà Kiriko vẫn không đến. Một lần nữa, Junji lại phải dùng điện thoại.

Lúc Junji đưa miệng ngậm lấy vành tai của Kiriko thì lòng của anh cũng bồn chồn, đầy bất an. Phu nhân Kiriko đã một lần có quan hệ ...như thế với Junji nhưng phải chăng chỉ nhằm để kéo anh vào chỗ đó thôi chứ không hẳn là muốn gặp anh mãi? Do đó, dù Junji muốn ép buộc, anh cũng không thể nào đạt kết quả. Anh còn cảm thấy là so với lúc đầu, thân thể của bà giờ đây cũng đã khép lại rồi.

Từ cái hôm hai người cùng nhau vẽ bức tranh, rồi chụm gót chân lại để đọ chiều cao, niềm vui đã chấm dứt. Phải chăng sau đó cuộc sống của người đàn bà chỉ là chuỗi ngày mà khổ đau và dằn vặt thi nhau chồng chất?

Hầu như việc họ đến với nhau là hết sức tình cờ nên lúc đầu, Junji không để ý đến sự tồn tại của người chồng. Nhưng lần hồi, trong lòng anh bắt đầu nẩy ra mầm mống một tình cảm ghen tuông, cùng lúc là một mặc cảm phạm tội.

-Anh nhà năm nay bao nhiêu tuổi vậy chị?

Đó là câu hỏi anh đặt cho Kiriko khi đả động lần đầu tiên tới người chồng của bà.

-Năm mươi hai. Mà ổng mấy tuổi thì có gì quan trọng đâu!

-Em không thể nào tưởng tượng rằng chị là vợ một người đàn ông năm mươi hai tuổi.

- ...................................

-Độ rày chị vẫn lên Tôkyô?

-Có. Mình vẫn lên đó chớ!

-Nếu vậy thì có khi em vẫn thấy chị đâu đó trên ga xe điện tuyến đường Yokosuka.

Nghe Junji nói, bất chợt Kiriko cảm thấy ngực mình thắt lại.

-Muốn gặp hở?

-Muốn nhưng không biết cách. Em không biết trạng thái tinh thần của chị thế nào và sinh hoạt của chị ra sao?....Em không muốn ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chị, dù nhỏ đến đâu (3)! Chỉ biết lén đến ngắm ngôi nhà của chị.

-Ôi trời!

-Em còn nghĩ tốt hơn là nên đến gặp cả người chồng của chị nữa đó.

-Không được đâu. Thôi, mình chia tay nhau đi!

Phu nhân nói thật nhanh với một giọng run rẩy:

-Không lẽ cậu lại bệnh hoạn tới mức ấy?

-Bệnh hoạn ....?

-Chớ gì nữa. Tuy tự biết mình đang mang một vết thương lòng nhưng không ngờ rằng mình lại làm tổn thương cậu đến mức đó. Vì cậu bảo sẽ đi nói chuyện với chồng mình nên mình xin mách cậu hay: giữa chồng và mình thì...

Đến đây, phu nhân bỗng chần chừ một chút.

-Giữa hai người thì sao nào?

-Không còn giống như xưa. Nếu mượn lời của cậu thì chồng mình không còn để ý trạng thái tinh thần của mình như thế nào và sinh hoạt hiện giờ của mình ra sao. Ông ấy không biết gì hết. Mình đã đổi khác rồi. Đàn bà hư quá cậu nhỉ?

-Sao lại gọi là hư? Còn đổi khác là khác thế nào?

Thấy Kiriko không trả lời câu hỏi, Junji tiếp tục đặt những nụ hôn khắp nơi lên người Kiriko. Thế nhưng hình như Kiriko đang tự đè nén khiến cho Junji như bị dồn vào trong một sự trống vắng điên dại.

Dù sự việc xảy ra như vậy nhưng Junji vẫn không kìm lòng nỗi để mà ngưng việc gọi điện thoại cho Kiriko.

Trên tuyến đường Yokosuka, trong chuyến xe điện đến trễ, Junji vừa vẽ lại hình ảnh của Kiriko trong đầu, vừa nghĩ về thứ tự và phương pháp để đặt những nụ hôn và cảm thấy việc đó còn làm anh thích thú hơn là khi được gặp nhau.Anh ngạc nhiên khi thấy mình có thể trở thành như vậy. Đúng như lời phu nhân đã nói, anh cũng đang nghi ngờ rằng mình có một não trạng bệnh hoạn.

Hôm đó, Junji cũng bắt đầu bằng lỗ tai. Ngoài lỗ tai ra, anh chưa tìm ra một khuyết điểm nào khác trên thân thể bà. Trong khi Junji đang thử di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác thì anh bỗng nghe tiếng Kiriko thì thầm:

-Thôi, cậu không cần phải làm như thế nữa.

Junji chợt ngừng, người không còn động đậy được.

Tuy nhiên, da thịt của phu nhân vẫn mềm mại, giống như cái ngày hai người chụm gót để so chiều cao. Giờ đây đã ý thức được nỗi bi thương của người đàn bà, nước mắt Junji tuôn rơi, không sao giữ nỗi. Anh nghĩ đây có lẽ là những giọt nước mắt vĩnh biệt. Thế nhưng hình như anh đang nghe vọng đến bên tai một câu nói thống thiết của phu nhân Kiriko: Những gì người chồng không làm thì Junji đã làm hộ cho mình...
 
 

Dịch ngày 12/1/2023
 
 

(Trích Toàn tập Kawabata Yasunari, Nxb Shinchô, 1980)
 
 
 
 

Bên lề tác phẩm:
 
 

Truyện ngắn này dễ làm liên tưởng đến "Mùa xuân của người góa phụ" (đề Việt của Sweet Birds of Youth, 1959), một vở kịch Tennessee Williams hay "Một bông hồng cho Emily" (A rose for Emily, 1930), truyện ngắn của William Faulkner. Nhưng hãy còn có biết bao nỗi niềm câm nín khác tương tự với cảnh ngộ của phu nhân Kiriko và của họ, dù bối cảnh xã hội có khác.

___________________________

(1) - Tức tuyến đường xe điện chạy từ bán đảo Miura, qua Yokohama và đi về hướng Tôkyô.

(2) - Thành phố cổ kính ở địa đầu khu vực Kamakura, có nhiều ngôi chùa Thiền danh tiếng.

(3) - Nguyên văn: dù chỉ là xê dịch một nốt ruồi nhỏ của chị.

àn tay)
.
Tư liệu tham khảo:

-Ka