NĂM TRUYỆN NGẮN VÀ CỰC NGẮN CỦA KAWABATA 
(Từ đôi mày - Người lâu không gặp - Trăng Rằm - Cô gái thơm tho - Chồng không đụng đến )
 

Cô gái thơm tho 
(Niou musume) 

Nguyên tác: Kawabata Yasunari
Dịch: Nguyễn Nam Trân

 C� g�i thom tho (Niou musume)
Khi Mitsumura mở cánh cửa xe để Amiko bước lên, hương thơm của cô gái cũng nhân đó theo vào. Thế rồi làn hương ấy liền tỏa ra và phảng phất bên trong xe. Amiko là một nữ sinh 17 tuổi, không trang điểm và cũng không dùng nước hoa nên đó là mùi thơm tự nhiên của cô. Nó không phải mùi thơm của mái tóc mà đến từ thân thể. Nó không nồng nàn cho lắm nhưng suốt bốn mùa, lúc nào cũng vậy, hễ mỗi lần Amiko bước vào trong xe thì tức khắc, Mitsumura thấy dậy lên một mùi thơm và anh chưa từng nhận ra điều này nơi những cô gái khác.

Hai người xuống xe, sau khi đã tìm lại sự thoải mái trong căn phòng hẹn hò thầm kín của họ, có lẽ vì nơi này rộng hơn ở trong xe hay vì mũi anh đã bắt đầu quen, Mitsumura không còn ngửi thấy làn hương đó nữa. Tuy vậy, ôm ấp nhau được một lúc thì Amiko lại tiết ra cái mùi thơm.

Mitsumura ghé môi mình sát bên tai của Amiko và thì thầm:

-Amiko lại thơm rồi đó!

-Xạo đi anh!

Amiko nhích tai qua một bên, tỏ vẻ thẹn thùng, đồng thời, mặt đỏ đến tận cổ. Nhưng chính lúc đó, hương thơm cô đang tỏa ra lại đậm đà hơn.

-Anh nói thật đó. Amiko thơm mà!

Mitsumura cảm nhận có một sự hưng phấn đang dâng lên bên trong người cô gái. Nó cũng khơi dậy cái hứng khởi đàn ông ở nơi anh.

Một niềm vui ấm nóng đã đến với Mitsumura nhưng một khi đã ở nơi hẹn hò này thì ký ức về làn hương của Amiko lúc trong xe giờ đây chỉ còn thoang thoảng, dịu nhẹ. Nhưng dù sao nó vẫn còn đọng lại và đọng mãi trong anh như một kỷ niệm.

Amiko chỉ là một thiếu nữ mới 17 và lại nhút nhát nên cô không muốn chọn nhà nghỉ hay quán ăn làm nơi hẹn hò với Mitsumura. Trong hai người, dù ai là người đến nơi hẹn trước, Amiko cũng phải nấp dưới cổng vào hay vào đợi ở trong phòng tiền đường cho bằng được. Ngoài ra, cô còn muốn tránh cặp mắt người lạ cả khi ở cửa hiệu bách hóa, nhà ga hay quán nước. Dạo này, nơi cô có thói quen gặp người yêu là một nơi thật hiếm có giữa Tôkyô. Bởi vì nó nằm đằng trước cánh cổng một ngôi chùa cổ.

Chỉ cần leo lên 5 nấc của một bậc thang đá là đã đến cánh cổng. Nhìn qua bên trái đằng trước cổng, sẽ thấy một cây phong (kaede) cổ thụ. Cành lá bên dưới của nó xòe rộng ra. Hình như người ta đã chặt hết những cái cành bên ngoài từng rủ xuống và chắn lối vào cổng nhưng khi khách thập phương cần giương dù lên thì đỉnh dù vẫn bị lá chạm lên trên. Ngoài ra, lớp sương đọng lại trên tán lá từ đêm hôm trước sẽ nhỏ giọt xuống đầu khách. Những cành nằm ở phía trong của cây phong lại không bị chặt đi cho nên Amiko thường vào phía đó để đứng nấp. Gặp đúng mùa lá phong ra nhiều, không cặp mắt nào có thể nhìn thấy cô. Bên trong bức tường nằm đăng sau cây phong lại có thêm một cây du (keyaki) cổ thụ cao sừng sững.

-Anh nhớ là phải đến từ 3 đến 5 phút trước giờ hẹn đó nghen! Nếu Mitsumura đến trễ thì em sẽ không đợi anh quá 5 phút đâu đó.

Amiko cứ dặn đi dặn lại với người yêu như thế nên hiếm khi có cảnh Amiko phải nấp dưới bóng lá phong để chờ anh.

-Anh cũng vậy, anh chỉ đợi được em cùng lắm là từ 3 đến 5 phút. Anh đi bằng xe hơi mà xe thì không thể nào leo bậc thang đá, Còn như đậu xe trên đường trong khu biệt thự là nơi vắng vẻ thì sẽ bị thiên hạ nghi ngờ. Anh không thể nào ngồi lâu trước tay lái được.

-Chuyện đó, em hiểu! Tuy vậy, nếu anh xuống xe rồi lửng thửng vào khuôn viên nhà chùa đi dạo thì đã sao nào...?

Mitsumura bèn cười:

-Thế nhưng lần này, tại sao Amiko lại tìm ra một ngôi chùa cổ làm chỗ cho mình hẹn nhau vậy?

-Từ xưa chùa này vẫn là nơi thờ phượng vong linh (bodaiji) của người trong họ em cơ mà. Đằng sau chính điện có nghĩa trang dành cho gia đình em đó.

-Theo như Amiko nói thì gia đình em đã lên Tôkyô từ thời Edo cơ à?

-Phải. Trước niên hiệu Genroku (Nguyên Lộc, 1688-1704), gia đình em đã từ Wakayama lên sống ở Edo đấy anh! Dĩ nhiên chúng em chỉ là dân hàng phố (chônin) thôi. Hồi đó các cụ làm nghề buôn gỗ (zaimoku).

-Nếu chùa này lại có nghĩa trang thì trong khi đợi em, anh có đi thăm mộ chắc cũng được chứ gì?

-Anh muốn thăm mộ mẹ em à? Để khi nào anh Mitsumura với em quyết định làm đám cưới thì chúng mình sẽ ra đó. Chuyện đó bây giờ em vẫn còn chưa biết khi nào. Em không thích nói dối với người chết. Ngay việc khấn khứa người chết để có cảm tưởng là được họ phù hộ, che chở, em cũng không thích nữa.

-Mình sẽ cưới nhau mà!

Mitsumura nói thế nhưng anh không thấy Amiko đáp lại.

-Thực ra em không hề tin chuyện mồ mả. Đối với em, mẹ vẫn còn ở trong nhà em chứ không phải nằm dưới lớp đất kia. Hễ em còn sống ngày nào, mẹ sẽ còn sống bên em ngày đó. Lần đầu tiên anh Mitsumura ôm ấp yêu thương em, cùng lúc, mẹ em cũng đã được anh ôm ấp như vậy. Lúc đó, em đã gọi tên mẹ và muốn ứa nước mắt.

-.............................

-Chắc anh không thể nào hiểu được chuyện như vậy đâu nhỉ? Chắc anh chỉ coi đó như hành động của một cô gái hãy còn non nớt. Có đúng không?

-Thì em hãy còn ít tuổi mà!

-Xưa mẹ nói sẽ cố gắng sống đến ngày hôn lễ của em. Bà như muốn bám víu lấy sự sống. Lúc đó em mới có 13, 14 tuổi nên cảm thấy lời nói ấy sao mà nghiêm trọng quá. Thế nhưng, ngược lại, điều đó đã ám ảnh, làm cho em không còn dám kết hôn với ai cả. Chẳng bao lâu sau, mẹ đã qua đời. Tuy mẹ em muốn sống cho đến ngày đứa con gái duy nhất đi lấy chồng để có thể giúp đỡ nó nhưng ước vọng của mẹ đã không thành. Lúc mẹ chết, em vừa 15 tuổi nên có lần em đã nghĩ rằng nếu mình đi lấy chồng ở tuổi đó, chắc mẹ chưa phải chết.

-Nhưng hồi Amiko 15 tuổi thì anh đã gặp Amiko đâu nào?

-Đúng vậy. Tuy nhiên, sau đó em mới nghĩ ra rằng nếu em muốn kết hôn thì khả năng kết hôn ở tuổi 15 đâu phải là không có.

-Đó là kiểu suy nghĩ làm anh thấy mình là người đáng trách, nhưng như thế thì nó cũng khiến cho Amiko phải tự trách mình. Thế nhưng, có thực là để cứu sinh mạng mẹ em, Amiko bằng lòng kết hôn ở tuổi 15 à?

-Đúng là lối suy nghĩ của em đã làm cho cả hai đứa đều cảm thấy mình đáng trách. Em xin lỗi anh vậy. Dù sao thì lúc đó, em bắt buộc phải đặt vấn đề như thế tuy rằng không ai có thể kết hôn khi chưa tìm ra đối tượng. Vả lại, em không tin có ai chịu rước một cô gái 15 tuổi về làm vợ. Nhất là chưa chắc cha em đã cho phép...

-Từ lúc Amiko mới 15, em đã tiết ra hương thơm như thế rồi à?

-Lúc đó à, em không biết. Bây giờ cũng không biết nốt. Thôi, anh ơi, đừng lái qua chuyện khác...Chớ bộ anh Mitsumura yêu em tại người em thơm hay sao?

-Nói gì kỳ vậy?...Bởi vì anh yêu Amiko nên Amiko mới gửi đến anh cái hương thơm đó chứ!

-Em nghĩ ngược lại, anh ạ! Khi Mitsumura bảo là người em thơm tho, anh làm em mắc cỡ quá chừng, nhưng cùng lúc, em chưa hề cảm thấy một hạnh phúc nào to lớn hơn. Nếu trước những chàng trai khác mà em cũng tỏa ra một thứ hương thơm như vậy thì chắc em phải chết mất.

-Những lời dùng để diễn tả một mùi thơm thường rất nghèo nàn, anh không thể nào diễn tả một cách đích xác về mùi thơm nơi em nhưng anh tin là trong một vạn cô gái, chỉ một người thơm như em thôi..

-Anh đã làm gì quen đến một vạn cô đâu để có thể so sánh như thế! ...Người con gái nào cũng tỏa ra một mùi thơm gì đó cho anh con trai cô yêu. Có thể mùi hương em có là do mẹ em truyền lại. Thường thì khi đi tắm, mẹ thường vào phòng tắm trước, còn em vào sau. Khi em vừa vào, trong phòng đã thơm lừng rồi. Do đó, em mới nhớ rằng cái mùi thơm của em mà anh Mitsumura nhắc đến chính là mùi thơm mẹ em ngày xưa. Mẹ thường ôm em vào lòng và xối nước tắm cho em. Lúc ấy em thấy lòng mình tràn ngập hạnh phúc.

Thế nhưng, mẹ của Amiko đã tự sát. Ít nhất là đối với Amiko, cái chết của mẹ mình là một sự tự sát. Nhân vì cha cô có người yêu mới, mẹ của Amiko bị chứng mất ngủ, nếu bà không dùng loại thuốc ngủ mạnh thì không thể nào chợp mắt. Khi cha cô từ sở làm về trễ, ông thường gọi điện thoại trước. Đó là một thói quen từ nhiều năm, ngay đến khi có bạn gái mới rồi, ông vẫn không hề thay đổi.Mẹ của Amiko rất nhạy, mới nghe qua, bà đã phân biệt được ngay trường hợp chồng về trễ vì bận bịu công việc hay về trễ vì bận bịu với gái. Khi nào nghĩ rằng ông đang bận vì sự có mặt của một người đàn bà khác, thay vì ăn cơm chiều, bà đã lấy thuốc ngủ ra uống rồi vào giường thật sớm.

-Này Amiko, mẹ thấy trong người không được khỏe nên đi nằm trước nghe con. Đừng buồn mẹ! Con ăn cơm chiều một mình nhé!

Amiko chỉ nghe loáng thoáng mẹ nói như vậy và cô cảm thấy tủi thân. Bữa cơm nhạt nhẽo.Tuy người mẹ không muốn thổ lộ cho đứa con gái 13, 14 tuổi về việc chồng mình có nhân tình nhưng Amiko làm gì không rõ. Cô chỉ biết một mình lủi thủi ăn cơm và nhiều khi không cầm được những giọt nước mắt lả chả rơi vào bát.

Người cha họa hoằn mới qua đêm ở nhà. Amiko đợi mãi đợi hoài, có khi đến 3, 4 giờ sáng. Buồn ngủ gật lên gật xuống mà cô vẫn cứ đợi ông. Có lẽ vì tác dụng của thuốc nên mẹ cô đang ngáy nhè nhẹ.

-Mẹ ơi mẹ! Bố về rồi kìa!

Amiko lay người mẹ dậy nhưng bà chỉ trở mình một cái. Đôi khi bà ngồi trên giường, mắt nhìn mông lung, miệng lẩm bẩm những lời không ai hiểu nổi, rồi cứ thể mà ngã lăn ra. Amiko đặt mẹ nằm ngay ngắn và đắp chăn cho. Khi người lớn ngủ trong trạng thái mệt mỏi, thân thể họ thường trở nên nặng nề. Thành thử về sau Amiko cứ để thây kệ, không còn muốn xốc vác mẹ nữa.

Dĩ nhiên ông bố đã làm chuyện không phải nhưng trong lòng Amiko – đứa con gái đêm nào cũng thức đến thật khuya để chờ đợi – lúc đó cũng thấy có tia sáng vui mừng như được thắp lên mỗi lần nhìn thấy bóng cha. Cha cô cũng lấy làm ngạc nhiên khi thấy con gái vẫn còn thức đợi mình về. Chị giúp việc trong nhà lúc đó đã đi ngủ.

-Mai còn phải đến trường đó nghe! Coi chừng dậy trễ.

-Không sao đâu bố. Con sẽ ngủ gật trên xe điện hay trong giờ ra chơi.

Bố cô có vẻ không muốn làm phiền ai nên đã tự tay dọn bộ quần áo tây lẫn bí tất và cho tất cả vào tủ. Amiko kiểm soát xem nếu viền cổ và đầu ống tay áo của cha có chỗ nào vây bẩn thì sẽ xử lý ngay với bàn tay không được khéo léo lắm của cô. Đồ nào cần phải đem giặt, cô để qua một bên. Cô cũng bật hơi đốt để nấu nước nóng pha trà mang ra mời bố. Người cha vừa cầm chén trà lên uống ngon lành vừa ngắm nghía đứa con gái nhỏ. Thế nhưng ông không nói câu nào về người đàn bà mà ông vừa gặp.

-Cái bồn tắm thì con chỉ cần bật hơi đốt lên một chút, nước sẽ đủ nóng ngay, bố ạ!

-Thôi, thôi. Được rồi con.

Người mẹ của Amiko có lẽ vì lạm dụng thuốc ngủ nên ngay giữa ban ngày, bà cũng không còn tỉnh táo, chân đi liêu xiêu và, có vẻ gầy yếu và suy sụp. Amiko không còn vào phòng tắm để tắm chung với bà nữa và cô nghĩ rằng cái mùi thơm đàn bà của mẹ đã phai nhạt gần hết và cô cũng không còn muốn tìm cách sờ vào chân tay khô nẻ của mẹ nữa.

Thế rồi thầy thuốc đến khám cho biết chắc mẹ của Amiko đã chết vì nhầm lẫn về liều lượng khi dùng thuốc ngủ. Có lẽ vì nghĩ đến việc giữ danh dự cho gia đình Shiba mà ông đưa ra kết luận như thế cũng nên. Chứ như thời bây giờ, nếu biết dùng đủ mọi cách chữa trị, họ vẫn có thể cứu được tính mệnh của bà.

Amiko buồn và cũng đồng cảm với mẹ. Thế nhưng trong cùng tận đáy lòng, vẫn có một tình cảm chống đối, làm như cô không chịu chấp nhận cái chết ấy. Căm giận cha mình là lẽ đương nhiên nhưng cô không thể nào đơn thuần nhìn cảnh ngộ của mẹ bằng cặp mắt xót xa. Có lẽ vì một người con gái trẻ như Amiko, bao giờ cũng tràn trề sức sống. Sức sống mạnh mẽ ấy chỉ giảm đi đôi chút trong cô vì cái chết của người mẹ. Vả lại, cô bắt đầu nghi ngờ rằng phải chăng cái chết của mẹ mình chỉ là kết quả của một hành động thiếu suy xét. Khi mẹ chết, Amiko 15 tuổi. Amiko tự nghĩ là ở cái tuổi 15 đó, cô hầu như dã rành rẽ mọi việc. Tuy nghĩ rằng mình cái gì cũng biết nhưng phải lo liệu mọi việc trong nhà là điều cô không kham nổi. Cô còn phải đến trường nữa chứ và như thế, thời gian có mặt ở nhà đâu có bao lăm. Cha cô lại là mẫu người không thích giao mọi sự trong nhà cho một bà giúp việc (kaseifu). Cha cô đã phản bội vợ và xô đẩy bà vao cái chết nhưng từ khi bà qua đời, ông cũng trở nên u ám, nặng nề và điều này đã không thoát khỏi cặp mắt của Amiko.

-Bố ơi, hay là bố tái giá đi vậy! ...Amiko không phiền chút nào đâu. Con đủ tự tin để lo được mọi việc.

Khi cô nói như thế, ông đã nhíu mày:

-Chuyện lấy vợ bố đã ngấy tới cổ rồi!

-Còn cái người đó, bố thấy thế nào?

-Người đó? À, con muốn nói người đàn bà khiến cho mẹ con nổi máu ghen lên đấy phải không?

Ông nói với một vẻ bực tức. Thế rồi sau đó, ông đã cười khẩy nhưng tỏ ra buồn bã:

-Này, Amiko! Hồi mẹ con chết, bố chỉ có một bà bạn thôi. Nhưng hiện nay, bố có những ba bà cơ!

Lúc đó, Amiko chưa hiểu được ngay ý nghĩa của câu ông nói.

-Bố không muốn đem chuyện này ra nói với con gái nhưng hiện nay bố đã chấm được ba người đàn bà rồi đấy. Ba bà này đều biết rõ về nhau. Tuy họ biết nhau đi nữa nhưng không ai trong bọn lại uống thuốc ngủ, làm rùm beng lên hay đi tìm cái chết như mẹ con đâu.

Amiko tái mặt, môi cô run lên:

-Kể từ hôm nay, con không thích nằm ngủ ở phòng bên cạnh phòng bố nữa đâu!

-Thế à?

Kể từ khi mẹ cô mất, người cha muốn cô ngủ ở căn phòng bên cạnh phòng ông, cho đến hôm nay thì vẫn thế.

-Không biết có phải vì mẹ con uống thuốc ngủ lâu ngày hay vì nổi cái máu ghen khó chịu mà ngay giữa ban đêm vẫn nói mớ làm cho bố sợ. Mỗi khi nhớ lại cái tật xấu trong giấc ngủ của mẹ con, bố không sao chịu nổi, nên muốn Amiko đến ngủ ở phòng bên cạnh cho bố nhờ.

Nghĩ rằng cha mình buồn và trong lòng ông chắc có khi cũng tự trách móc nên Amiko đã vâng lời cho đến hôm nay, Ấy thế mà ông lại dám tuyên bố mình đang đi lại với cả ba người đàn bà! Chẳng những thế, mẹ cô vừa chết chưa được nửa năm.

Cuối cùng, Amiko mới nói được một câu:

-Có phải người chết là kẻ thiệt thòi không?

-Làm gì có chuyện hơn hay thiệt ở đây. Người chết đâu còn nghĩ đến hơn thiệt. Không đúng sao? Nếu mẹ con còn sống, có lẽ một lúc nào đó, biết đâu bố chẳng chia tay người đàn bà đó để trở lại với mẹ con và kể với bà là ngày xưa, từng xảy ra một chuyện như vậy.

-Thế là bố quá tự tiện, chỉ nghĩ cho riêng mình!

-Đúng là bố có tự tiện thật, nhưng khi mẹ con chết, mẹ cũng đã tự tiện theo cách của bà. Trong cuộc đời này, có nhiều lúc chúng ta không có quyền nghĩ tới việc tự thỏa mãn bằng cách tìm tới cái chết. Đối với người chết thì khi họ chết đi, sẽ không còn gì nữa nhưng đối với kẻ có liên quan với cái chết thì kể từ phút đó, mọi sự mới bắt đầu. Cũng có thể là trong trường hợp mẹ con, đúng như lời y sĩ chẩn đoán, bà đã chết vì nhầm liều lượng khi uống thuốc cũng không chừng.....Mẹ con thường đi ngủ sớm và bỏ cả cơm chiều. Rồi có khi chợt thức giấc nửa đêm, loạng choạng đứng dậy, tìm thuốc ngủ uống thêm vì ngỡ là chưa uống. Những lúc như vậy, mẹ con đang ở trong trạng thái vô thức nên đã có thể nhầm lẫn về liều lượng thuốc phải dùng. Riêng bố cũng đã bao nhiêu lần chứng kiến cái cảnh nửa mê nửa tỉnh của mẹ con. Phải chi lúc đó, bố cũng thức, đi ra theo và ngăn chặn hành động ấy thì hay biết mấy. Thường thì vào lúc rạng sáng, khi bố chợt nhớ ra, vừa nói ờ nhỉ xong là đã thấy mẹ con đi ngủ tiếp. Như Amiko cũng biết đó, buổi sáng chỉ có bố và con thức dậy trong khi mẹ ngủ dến khoảng 12 giờ trưa nên bố vẫn có thói quen là để mặc cho mẹ con được ngủ thong thả.

- ....................................

Amiko đã chọn chỗ đằng trước cổng của ngôi chùa cổ làm nơi gặp gỡ Mitsumura trong khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng cô không đi thăm mộ mẹ mình cũng như mộ của các bậc tổ tiên đời trước trong gia đình Shiba. Một phần cũng vì cô không cảm thấy buồn một cách đơn thuần trước cái chết của người mẹ. Mẹ cô là người đã tự làm khổ mình vì lòng ghen tuông đố kỵ với một người đàn bà khác. Dù vậy, khi mẹ cô chết đi, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, ông bố đã có thêm những ba bà bạn mới. Điều đó khiến cho Amiko phải hoang mang khi dừng chân trước ngôi mộ của bà.

Mitsumura năm nay mới 24 tuổi, hãy còn trẻ và vừa bắt đầu đi làm nên anh không thấy có gì hấp dẫn khi đứng trước ngôi mộ gia đình người yêu. Ngoài ra, việc chọn cánh cổng ngôi cổ tự của nhà Amiko làm chỗ hẹn hò cũng chẳng làm cho anh sung sướng. Anh chỉ nghĩ rằng đó là một nơi thuận tiện cho hai người vì sẽ giúp họ tránh được những cặp mắt tò mò.

Dịch ngày 8/1/2023
(Trích Toàn Tập Kawabata Yasunari, Nxb Shinchô, 1980)
Bên lề tác phẩm:

Phải chăng tình yêu có thể diễn tả bằng mùi khi các Cô gái thơm tho (Niou musume) nội tiết bị kích thích? Gửi một hương thơm đến ai đó còn giống như nói lên một lời tỏ tình, hay hồi đáp tích cực về một tình yêu mà mình vừa nhận được.

Amiko tỏa hương thơm vì cô đã được yêu và có khả năng đáp lại tình yêu. Còn người mẹ của cô đánh mất mùi hương bà vốn có vì chồng bà đi yêu người khác và tình yêu đối với ông cũng đã chết trong bà?

Ngoài ra, chúng ta biết trong Phật giáo, hương thơm được coi như một trong lục trần. Sáu giác quan (mục, nhỉ, tỷ, thiệt, thân, ý) khi tiếp xúc với ngoại giới (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sẽ kích thích lòng ham muốn. Đoạn 8 trong tập tùy bút Đồ Nhiên Thảo (Tsurezuregusa), Yoshida Kenko đã xếp hương xông quần áo và mùi lan xạ vào những thứ làm rối loạn lòng người đàn ông.