Nghe nói tết Trung
Thu năm nay nhằm ngày 3 tháng 10 dương lịch thì phải!
Ngày 1 tháng 10,
tôi đã đem bức tranh thủy mặc Sôtatsu (Tông Đạt) (1) vẽ
thỏ ra và treo sẵn ở hốc phòng rồi mới rời nhà. Tôi phải
đi Hakone để ngồi viết nên có lẽ chỉ có thể ngắm trăng
rằm ở vùng đó thôi.
Tuy vậy, đúng ngày
sinh nhật của Tsukiko (Nguyệt Tử) tôi lại không có mặt ở
Tôkyô nên đã lo xa gửi lời chúc mừng từ bốn, năm hôm
trước.
Tsukiko là con của
cô em gái tôi. Nhân vì cháu sinh vào đúng ngày rằm Trung Thu
cho nên mới được đặt tên là Tsukiko.
-Sinh đúng vào ngày
rằm Trung Thu là tốt lắm đấy, con!
Đã bao nhiêu năm
rồi, cứ đến ngày sinh nhật của Tsukiko tôi đều lập li
lập lại lời chào thăm như thế.
Thế nhưng vào dịp
sinh nhật của cháu hồi năm ngoái thì tôi lại nói với Tsukiko
cách khác:
-Mỗi ngày đều
có những đứa trẻ sinh ra. Sinh đúng rằm Trung Thu thì cũng
chẳng phải là một chuyện lạ.
Thường thường
để chúc mừng sinh nhật, mỗi năm chỉ cần dùng lại câu
nói cũ là đủ nhưng cái câu nói "Mỗi ngày đều có những
đứa trẻ sinh ra" vốn đương nhiên như thế, nhưng chẳng
phải ai cũng có thể dễ dàng nói ra được. Thật ra thì nó
là câu mà tôi đã mượn của bà Hayashi Fumiko (2).
Mùa hè năm ngoái,
bà Fumiko qua đời. Để soạn in Toàn Tập về bà, tôi cũng
đã có cơ hội đọc lại những sáng tác của bà và ghi vào
lòng những câu văn, câu thơ nổi tiếng tìm thấy trong đó.
Một câu tôi còn nhớ là "Mỗi ngày đều có những đứa trẻ
sinh ra. Chúng đến từ đủ loại đàn bà và từ trong những
giấc mộng đẹp đẽ của họ". Thế như câu nói của bà
Fumiko không chỉ ngừng lại ở đó. Bà đã viết tiếp: "Làm
sao tôi có thể tìm thấy điều gì để có thể khinh miệt
người đã sinh ra tôi". Bà Fumiko là một đứa con hoang, cha
không thừa nhận, nên bà mới hạ bút như thế.
Mùa thu năm ngoái,
nhân sinh nhật của Tsukiko, tôi chỉ mượn bà câu trên tức
là "Mỗi ngày đều có những đứa trẻ sinh ra" mà thôi.
Vì giữa dương
lịch và âm lịch có một sự chênh lệch cho nên rằm Trung
Thu không phải năm nào cũng là ngày 3 tháng 10 dương lịch
đâu. Thế như sinh vào ngày rằm trong cái tháng trông trăng
như trường hợp của Tsukiko thì chính ra phải chúc sinh nhật
của cháu theo ngày âm. Khoảng hai mươi năm trước, tôi đã
khuyên em gái tôi nên tổ chức sinh nhật cho con theo lối ấy.Giữa
tôi và Tsukiko có một khoảng cách tuổi tác trên ba mươi năm
nên cảm giác của cháu và của thế hệ chúng tôi về rằm
Trung Thu cũng có chỗ khác nhau, nhưng dù sao, tôi cảm thấy
việc sinh đúng vào ngày rằm Trung Thu cũng là một trong những
hạnh phúc hiếm hoi. Mỗi năm, đến ngày rằm Trung Thu, khi
đến chúc mừng sinh nhật cô gái nhỏ đó và cùng nhau đợi
vầng trăng tròn ló dạng cùng gia đình họ, tôi không khỏi
cảm thấy một hạnh phúc nhỏ bé đang đến với mình. Đêm
rằm đừng có mưa thì tốt, đêm rằm đừng có mây thì tốt.
Nội cái chuyện mong mỏi những điều đó từ hai ba hôm trước
cũng đã làm cho tôi đủ thấy vui rồi.
Còn năm nay thì
vì có một bài viết cần nộp gấp, tôi buộc lòng phải rời
Tôkyô Tôi đã đến chúc mừng sinh nhật của Tsukiko từ bốn,
năm ngày trước bằng cách ra ngã tư Hibiya nơi có một hiệu
buôn của Mỹ và mua một cái xách tay - thuộc loại hàng bây
giờ còn hiếm - làm bằng tơ nylon màu. Tay xách này dùng với
Âu phục hay Hòa phục (3) trông đều hợp cả. Thường thì
khi tổ chức sinh nhật cho cô trong đêm Trung Thu, hầu như năm
nào cũng cắm hoa lau (susuki), ăn bánh nếp vo viên (dango), khoai
môn, quả hồng và hạt dẻ cho nên tôi chọn mừng sinh nhật
cô bằng cơm Tây cho nó lạ.
Tsukiko có vẻ hết
sức hài lòng. Ra khỏi quán, cô tỏ ý muốn đi dạo một vòng.
Sáu giờ trời đã ngả chiều nên có hơi tối. Chúng tôi đi
dọc bờ hào thành trên con đường nằm giữa công viên và
Hoàng Cung để về phía nhà của tôi ở mạn Akasaka.
Tôi nói:
-Ở Hakone có nhiều
hoa Hagi (hồ chi) (4) lắm nghe. Vào cữ này hoa đang nở rộ
đấy. Từ trên ghềnh đá rũ xuống bên đường nên hoa Hagi
(hồ chi) ở Hakone được xem là đẹp hơn nơi khác những một
bậc. Còn mùa hè thì lại có nhiều hoa Ajisai (cẩm tú cầu)
-Ô kìa! Đây cũng
có hoa Hagi này, bác ạ!
Tsukiko chợt thốt
lên và dừng chân đứng lại.
Đúng thật, dưới
rặng liễu cạnh bờ hào, có một lùm Hagi, Nhưng vì trời
tốt, không sao nhìn rõ hoa được
-Bác đợi tí nhé...!
Chút nữa có xe chạy tới, nhờ ánh đèn xe, mình sẽ thấy
cho coi.
Nói xong, Tsukiko
đã đưa cánh tay lên nâng lấy cành Hagi và đứng chờ.
Phía cổng Sakuradamon
đối diện, nơi có đặt đèn xanh đèn đỏ (go-stop), có vài
chiếc ô-tô đang ngừng. Rốt cuộc, ánh đèn những chiếc
xe đó đã tiến lại gần hai bác cháu.
Ngay tôi cũng đã
thấy được hoa Hagi. Mỗi lần ánh đèn xe hơi lướt qua, màu
sắc của hoa Hagi lại hiện ra rồi biến mất.
-Nếu là thứ hoa
Hagi trắng, có lẽ mình còn thấy rõ hơn nữa.
Nói thế xong, Tsukiko
bèn buông cành Hagi ra.
Nhân thấy Tsukiko
sau khi xem hoa nhờ ánh đèn của một chiếc xe hơi trước khi
nó đi ngang, đã đợi khi chiếc sau tới mới nâng cành lên,
tôi thấy cả một sự thông minh nơi cô bé.
Ở một nơi không
ngờ tới và chỉ nhờ ánh đèn xe hơi đi qua đó, Tsukiko đã
cho tôi được thấy màu sắc của hoa Hagi và có lẽ đó là
một kỷ niệm tôi sẽ nhớ cả đời. Đối với Tsukiko, việc
đó
chẳng có gì lạ và cô sẽ quên ngay thôi nhưng nó đã khắc
ghi trong lòng tôi. Chắc tại tuổi già sinh lẩm cẩm.
Cũng giống như
câu "Ngày nào cũng có những đứa trẻ sinh ra" bình dị như
thế nhưng dễ gì ai thốt ra được, hình ảnh sinh động của
một cô gái giữa đêm thu Tôkyô nâng cành hoa Hagi trước ánh
đèn xe mà tôi thấy đó, có thể chỉ là một cơ hội có
một không hai trong cuộc đời ngắn ngủi này.
Lúc nhìn hoa Hagi
ở Hakone, cái hiện ra ngay trong đầu vẫn là những đóa Hagi
màu đỏ nhạt trên cánh tay trắng ngà của Tsukiko bên bờ
hào thành cái đêm hôm đó. Đối với cô gái trẻ Tsukiko thì
những đóa hoa Hagi nhỏ bé bên bờ hào kia đâu có gì để
cô phải nhớ tới nhưng bức tranh vẽ thỏ của Sôtatsu đối
với cô sẽ là kỷ niệm về tôi cũng không chừng,
Đó là bức tranh
tôi đã hứa tặng cho Tsukiko. Năm tôi mua nó, có lần tôi đã
mang nó đến nhà cô vào ngày sinh nhật và treo trong hốc phòng
đặt đồ trang trí (tokonoma) để mọi người xem.
-Con thỏ cung trăng
đó nha.
Tôi có lần đã
nghe một câu như vậy nhưng không nhớ rõ người nói ra là
mình hay một người khách đến chơi nhà và vào dịp nào nữa.
Thế nhưng lần đầu trông thấy bức tranh thủy mặc này,
tôi đã đinh ninh rằng nó phải là con thỏ cung trăng.
Trong số những
bức thủy mặc được coi là tranh Sôtatsu, có lẽ đây là
bức được vẽ với những nét bút giản dị nhất. Có thể
xem đây là chỗ cực đoan trong khuynh hướng hội họa của
Sôtatsu. Ông không vẽ một con thỏ, đúng hơn chỉ làm cho
hình ảnh một con thỏ nổi lên mơ hồ giữa một nền tranh
nhàn nhạt.
Ông đã bôi khắp
mặt giấy một màu đen nhạt, chỉ chừa một khoảng trắng
tương xứng với hình ảnh con thỏ. Cái màu đen gọi là nhạt
ấy thực ra hết sức nhạt, nó không phải là thứ màu đen
có chỗ đậm chỗ nhạt (nôtan) cũng không phải lối phối
màu bằng nhiều đợt (tarashikomi) (5) của họa phái ông. Ông
chỉ điểm tròng mắt cho con thỏ ấy thôi. Ông không dùng
đường nét để qui định thân hình thỏ. Ông chỉ chấm phá
vài nét ở phần móng chân thỏ.Tướng mạo thỏ uy nghi và
cách ngồi trông rất đáng yêu. Dáng nó tự nhiên như một
chú thỏ non.
Con thỏ không cầm
chày dùng để giã thuốc và ở trong tư thế đứng mà chỉ
nằm ở bên dưới mặt tranh nhưng đủ tạo ra cảm giác nó
là con thỏ cung trăng.Màu đen nhàn nhạt của bức vẽ giống
như bầu trời của một đêm trăng. Nó nhòa nhạt và mềm
mại, rộng rãi và ấm áp. Trong những bức thủy mặc của
Sôtatsu, người ta thấy có loại tranh vẽ thỏ bên cạnh hoa
cỏ mùa thu cùng với một vầng trăng thật to. Thế nhưng,
có lẽ sau khi đã thử vẽ như vậy, ông đã loại bỏ cả
trăng lẫn nhúm cỏ thu và chỉ còn giữ lại con thỏ cung trăng.
Dầu vậy, vẫn còn cảm thấy vẻ thanh cao của vầng trăng
ở nơi nào đó trong tranh. Đối với nhiều bức tranh thủy
mặc gọi là của Sôtatsu còn truyền lại đến nay, vài chuyên
gia lịch sử mỹ thuật hãy còn dặt nghi vấn nên bức tranh
thỏ này chắc cũng sẽ bị họ phủ nhận nhưng tôi thì hiện
giờ vẫn nghĩ nó là một sáng tác của Sôtatsu.
Hôm đi gặp người
buôn tranh, anh bạn chuyên gia lịch sữ mỹ thuật, đã hỏi
tôi:
-Sao, đã thấy con
thỏ chưa?
Tôi trả lời:
-Thấy rồi.
Anh đã nói như
đang cần đến sự đồng ý của tôi:
-Tranh chẳng ra gì,
phải không?
Nhưng tôi đã mua
và đem nó về. Nói chung, tôi thuộc loại người hay nghe lời
người khác nhưng hôm đó đã bị cái ánh trăng mơ hồ kia
thu hút.
Nếu đúng là con
thỏ cung trăng thì đây không phải là bức tranh vẽ thỏ mà
là tranh vẽ trăng. Dĩ nhiên nó phải là một vầng trăng thu.Đem
nó mà tặng cho một người sinh ra vào một ngày rằm trung
thu như Tsukiko là làm một việc chí phải.
Nếu là Tsukiko thì
cô chắc cô không có cơ hội để biết đến lập luận của
vài ba chuyên gia lịch sử mỹ thuật đó đâu. Cô sẽ tin rằng
cái mà ông bác làm quà là bức tranh tiêu biểu về trăng do
chính tay Sôtatsu vẽ. Suốt đời, cô sẽ không bao giờ nghĩ
đến việc chia tay nó và cứ mỗi năm đến ngày sinh nhật,
sẽ đem ra treo ở cái hốc trang trí (tokonoma) trong phòng. Nếu
như có được một người con gái biết bày cỗ trông trăng,
chắp tay nhìn lên vầng trăng một chút, rồi vừa khấn vái
vừa ngắm bức tranh thỏ này thì tôi nghĩ mình có lẽ đã
chọn đúng người để gửi gắm món quà.
Nghĩ đến đấy,
hình ảnh Tsukiko như một thiếu nữ dễ thương, xinh xắn chợt
hiện ra trong tôi
Tuy còn tiêng tiếc
cái bức tranh thỏ, tôi đang ray rứt không biết mình có thể
nào gửi nó đến địa chỉ của Tsukiko cho kịp ngày mốt,
sinh nhật của cô, tức thời điểm tốt nhất.
Từ ga Tôkyô, tôi
không đủ thời giờ để gọi điện thoại về nhà để nhờ.Tôi
nghĩ đến quán trọ ở Hakone sẽ gọi, chắc hãy còn kịp.
Khi tôi lên xe điện,
trời vẫn chưa tối hẳn. Tuy là giờ đó, đèn đã được
thắp trong toa nhưng cái màu tối tôi thấy là một cái màu
tối trông rất dị thường. Trận bão Polly, mang cái tên của
một phụ nữ Mỹ, chỉ thổi đến những luồng gió bấc lạnh
lẽo và không đến nỗi cuồng loạn nhưng những đám mây
báo bão đang trùm lên khắp nơi, chỉ chừa mỗi một mảng
rách nhỏ trên bầu trời phía Tây. Ở phía Tây đó, tôi thấy
giữa tầng mây và mấy khu phố nằm bên dưới, có một vạt
ráng chiều màu vàng lạnh lẽo và buồn bã đang nằm vắt
ngang, Những ngôi nhà trong khu phố đang chìm dần vào trong
một bóng tối đen kịt. Làm như chúng đang thu mình lại vì
khiếp đảm trước một điều tàn khốc nào đó sắp xảy
ra.Ngay cả những ngọn đèn điện và bảng hiệu bằng đèn
huỳnh quang (neon sign) cũng sáng lên vội vàng như xua cái lạnh
đến nơi.
Tôi lo lắng về
thời tiết ngày mốt nên mở tờ báo số buổi chiều ra đọc
thì thấy trên đó có đăng một bài tùy bút nhan đề "Trăng
và Thỏ" của một học giả Hán văn. Theo những gì ông viết
thì vào thế kỷ thứ 4 trước Tây lịch, trong Sở Từ, người
ta đã nói là có con thỏ nằm giữa mặt trăng, còn trong thơ
Đường thì Bạch Lạc Thiên cũng đã vịnh cảnh "Bạch thố
đảo dược" (Thỏ trắng giã thuốc). Thuốc ở đây tức thuốc
tiên để được trường sinh bất tử. Lại nữa, vào thế
kỷ thứ 2 trước Tây lịch, theo sách Hoài Nam Tử, trong mặt
trăng vốn có một con cóc (gama, thiềm thừ) ăn mặt trăng,
lại có một người vợ tên Thường Nga, đã ăn cắp thuốc
trường sinh bất tử Tây Vương Mẫu ban cho chồng mình, uống
lấy và trốn mất trên cung trăng. Ông cũng viết về nhiều
thuyết liên quan đến việc trốn lên trăng, Chuyện thế kỷ
thứ tư trước Tây lịch là chuyện đời xưa rồi.
Từ bao nhiêu năm
rồi, tôi vẫn có thói quen đến trông trăng với gia đình
Tsukiko vào ngày sinh nhật của cô, nhưng không nói về chuyện
trường sinh bất tử nhưng lúc nào câu chuyện cũng xoay quanh
việc thành nhân (seijin) (6) của cô. Là một người đến dự
sinh nhật của một người con gái đang từ tuổi mười mấy
bước qua tuổi đôi mươi, tôi không thể nào có trong đầu
những chuyện chết chóc. Vì vậy, giờ đây tôi mới nghĩ
ra rằng ngày rằm Trung thu đối với gia đình Tsukiko là một
"ngày dành cho sự bất tử". Và nó khiến tôi đâm ra tiếc
là năm nay, không thể đến nhà cô để chúc mừng.Thay vào
đó, tôi xin cố gắng nhớ ra càng nhiều càng tốt những kỷ
niệm về ngày rằm Trung Thu trong gia đình Tsukiko.
Tôi không biết
có dẫm chân vào nội bộ gia đình cô em gái tôi hay không
nhưng vì đó là một gia đình bình thường và ổn định,
nên cho đến nay, Tsukiko cũng có dịp sống một cuộc đời
không có gì lạ và khá hạnh phúc.Vào mỗi sinh nhật, hình
ảnh của Tsukiko tiến về phía tuổi thành nhân càng lúc càng
rõ rệt.
Lần sinh nhật thứ
17 của Tsukiko, trời mưa lớn. Từ trường về nhà, đã thay
đồ và mặc kimono bằng tơ Yuuzen (7) nhưng khi bưng đồ ăn
lên phòng khách, cô đã dẫm lên vạt áo khi đứng bật dậy
nên đã ngã lăn ra. Vì cô òa lên khóc, cả cha mẹ cô lẫn
tôi đều sửng sốt. Nếu có chuyện lạ xảy ra trong ngày
sinh nhật cô, chắc tôi chỉ kể ra được chừng đó.
Năm nay, vì không
thể đến dự sinh nhật của Tsukiko, tôi xin viết sẵn mấy
dòng này và chẳng qua để ghi nhớ trong lòng dịp Tết Trung
Thu mà tôi gửi tặng bức tranh thỏ của Sôtatsu cho cô.
Dịch
ngày 14/1/2023
(Trích Toàn Tập
Kawabata Yasunari, Nxb Shinchô, 1980)
|