-Hôm nay ba vừa gặp
lại một "người lâu không gặp".
Mấy lúc gần đây,
khi từ trường về nhà, người cha hay nói câu đó với con
gái và mỗi ngày lại có thêm một câu chuyện về "người
lâu không gặp" của ông. Có khi cách nhau ba hôm, có khi năm
hôm, ông lại kể một chuyện như vậy.
Người cha là giáo
sư môn quốc văn ở một tư thục. Quá tuổi về hưu nhưng
ông vẫn được giữ lại giảng dạy trong trường. Hai tháng
trước, con trai ông lập gia đình và ra riêng nên bây giờ
ông chỉ sống với cô con gái. Cậu con trai lấy vợ trễ,
năm nay 33 tuổi. Cô con gái cũng đã 26. Cha của họ ly hôn
với bà vợ đầu tiên sau 4 năm chung sống và vẫn chưa có
một mụn con nào. Còn bà vợ thứ hai tuy có được hai người
con với ông nhưng rồi cũng chia tay khi cô con gái vừa lên
6. Kể từ ngày đó, ông không bước thêm bước nữa. Ông
có một bà giúp việc trong nhà đã lâu năm mà theo lời thân
quyến kể lại thì ông có lần muốn lấy luôn bà ta làm vợ.
Khổ cho ông là cả con trai và con gái đều không chấp nhận.
Vì xảy ra sự cố như vậy, bà giúp việc thấy khó lòng sống
chung trong nhà nên đã xin thôi.
Từ khi các con còn
nhỏ, người ta vẫn thấy ông yêu cậu con trai hơn cô con gái.
Cậu con trai vốn nhiều nữ tính. Hơn cả cô em, cậu thường
để tâm chăm lo mọi sự cho cha. Hồi còn đi học, cậu đã
thích đỏm đáng, mỗi lần đánh giày cho mình là đánh cả
giày của cha, mỗi lần là quần áo của mình là là cả mấy
bộ đồ Tây của cha nữa. Từ cà vạt cho đến quần áo lót,
tất cả những gì cha mang trên người đều được con trai
mua cho theo kiểu cậu chưng diện. Cậu cũng thích nấu nướng.
Thấy con trai vào bếp sửa soạn bữa ăn tối, có lần người
cha bảo với con gái sao con không vào giúp anh một tay. Cô gái
đã nhẹ nhàng trả lời:
-Con thấy ảnh thích
làm bếp nên mình cứ để ảnh tự nhiên. Nếu con vào phá
đám, ảnh sẽ không bằng lòng! Chứ không phải chính ba đã
khiến tính ảnh trở thành tính con gái như vậy sao?
-Đâu có! Từ hồi
nhỏ, nó đã quen bắt chước má con rồi.
-Con nghĩ có lẽ
trong lòng anh con, ảnh muốn làm công việc giống như má để
lo cho ba, nhằm bù đắp sự vắng mặt của má. Bản thân con
lại không thích như vậy.
Thế rồi sau khi
cậu con trai kết hôn và ra riêng, thay vì tỏ ra đồng cảm
với nỗi buồn của người cha già, cô gái lại có những
giây phút nổi cơn bực tức và ghét bỏ bố. Ngay ngày hôm
đó, lúc người cha lúng túng, không biết phải chọn cái cà
vạt nào, thắt đi thử lại những ba, bốn loại, cô gái vẫn
im lặng, thản nhiên nhìn cảnh tượng đang diễn ra. Dáng điệu
của cha cô khi từ trường về nhà, so với trước, đã thấy
khá mệt mỏi, làm như ông chợt già hẳn.
-Bữa nay, ba gặp
lại một "người lâu không gặp".
Hôm ấy là lần
đầu tiên ông kể cho cô nghe và từ đó về sau, cha cô đã
tiếp tục kể cùng một kiểu:
-Người này xưa
kia là một cô bé cùng lớp với ba thời tiểu học. Nói là
cô bé chứ bây giờ đã thành bà mất rồi. Tuổi tác tuy cùng
trang lứa nhưng trông bà ta còn trẻ hơn ba nhiều. Hai lần
bà đã để lại ấn tượng mạnh cho ba khi bà hãy còn là
một cô bé. Ngày xưa bọn học trò tiểu học ở vùng quê
như ba đây tính rất hung bạo. Trên đường từ trường về
nhà, tụi con trai thường nắm bím tóc bạn nữ mà kéo. Mỗi
đứa con trai phải nắm lấy và giật đuôi tóc một đứa
con gái để làm cô ấy mất thăng bằng và ngã. Cặp nào mà
cô bé khóc trước sẽ bị xử thua, cặp nào mà cô bé kháng
cự, ráng chịu được lâu vẫn không khóc, mới xem như thắng
cuộc. Cô bé cặp với ba đến cuối cũng không khóc nên trong
đám 5, 6 đứa con trai, ba được coi như người đoạt giải
nhất. Để biết đứa con gái có khóc hay không, con trai phải
vừa nhìn mặt cô ta vừa kéo. Cho đến hôm nay, ba vẫn chưa
quên được đôi mắt ngẩng lên nhìn về phía mình và ráng
nhịn để không chớp, trên khuôn mặt hết sức gan lì của
cô ấy.
Người cha còn cho
con gái biết là vài mươi năm sau, ông đã gặp lại cô ấy
ở một góc phố Tôkyô. Và cũng theo lời ông, lúc đó, cô
bé ngày xưa đã trở thành vợ của một viên chức cao cấp
ngành bảo hiểm xã hội và hình như còn con đàn cháu đống.
Ông kể là chính bà đã lên tiếng gọi ông trước.
"Người lâu không
gặp" thứ hai mà cha cô gặp lại sau đó là một cậu bé học
việc trong tiệm cầm đồ thời ông đang học cấp ba. Lúc
ấy, ông đã vào ký túc xá nhưng thời đó, kỷ luật trong
ký túc xá rất lỏng lẻo, cứ đến ngày nghỉ là ông lại
có thể về quê. Sau khi đã đem cầm cố chăn đệm ngủ (futon)
cho cửa hiệu cầm đồ kiếm tiền đường đi Hiroshima, ông
bèn xuống xe ở một ga dọc đường chẳng hạn Kyôto để
có được một ngày rảnh rổi xem phong cảnh. Lúc về lại
ký túc xá là vừa vặn lúc tiền nhà chu cấp đến nơi, đã
có thể ra tiệm chuộc đồ mình cầm và mang về.
Cậu bé học việc
ở tiệm cầm đồ là người đã vác đi cầm và vác tới
trả mớ chăn đệm ở ký túc xá cho ba đấy! Bây giờ cậu
ta đang sống ở khu Shiba và chắc đã mở được cửa tiệm
cầm đồ riêng cho mình rồi. Sao mà ba nhớ mấy chuyện hồi
đó ghê!
Lần khác, một
hôm từ trường về nhà, người cha đã kể cho con gái nghe
là trên đường, mình vừa gặp lại cặp vợ chồng ngày xưa
từng đứng ra mai mối cho đám cưới của ông. Người vợ
thuở ấy của ông sau đã đi lấy chồng khác nhưng vì cuộc
sống của bà phải trải qua quá nhiều gian khổ nên đã qua
đời cách đây hơn chục năm rồi.
-Sống với nhau
không được bao lâu nhưng dù sao bà ấy cũng là vợ mình.
Ấy thế mà ba hoàn toàn không có tin tức gì về cái chết
của bà!
Sau đó cha của
cô lần lượt có những cuộc gặp gỡ tình cờ ngoài phố
với các người ngày xưa ông từng quen biết mà bây giờ đều
đã chia xa. Cứ như là mỗi lần tái ngộ với ai, khi về,
ông đều kể cho con gái nghe. Nào là bạn đồng song thời
đại học, nào là người học trò khi ông vừa trở thành
nhà giáo và bước lên bục giảng lần đầu tiên, nào là
cô con gái bà chủ trọ năm xưa, nào là bạn thân của người
mẹ con gái mình, nào là ông bạn cùng thầy hồi học thổi
sáo shakuhachi (1), nào là bà chị của một anh bạn trong nhóm
leo núi, nào là một người chòm xóm dưới quê....Thế nhưng
nội dung những câu chuyện người cha kể lại ngày càng nghèo
nàn chi tiết làm cho cô con gái bắt đầu đâm ra ngờ vực..
-Hôm nay ba gặp
lại một "người lâu chưa gặp" nữa đó!
Sau khi nói xong cái
câu quen thuộc trước khi thay đồ, người cha đã móc hết
thuốc lá và khăn tay ra khỏi túi quần. Duy lần này, ông chỉ
bảo là mình vừa gặp lại một người bạn cũ nhưng không
hề giải thích thêm để con gái biết người đó là ai. Cô
nhặt hộ khăn tay của cha lên và khi mở xem, cô thấy một
chiếc lá thu (momiji) khổ lớn màu đỏ từ đó rơi ra.
Cô con gái mới
hỏi:
-Ô, đẹp chưa kìa.
Lá này được bày trên mâm cơm (2) đấy hở ba? Thế ba vừa
đi ăn cơm tối với người bạn ấy sao ba?
-Không. Gió thổi
làm rụng đầy lá trong sân trường. Lá bay tán loạn lên đầu
ba nhưng chỉ có mỗi chiếc lá này là còn vương lại trên
tóc thôi.
Cô gái bắt đầu
muốn kiểm tra xem cha mình có thực sự gặp được những
"người lâu không gặp" chăng. Cô biết giờ giấc cha mình
chấm dứt buổi dạy nên đã đến nhà ga cạnh ngôi trường
và nấp ở một chỗ khuất để chờ và theo dõi. Cô nghe tiếng
chân vội vàng của người cha tiến về phía nhà ga rồi thấy
ông đưa nhẹ cánh tay phải lên như để ra hiệu. Nhìn người
phụ nữ ông vừa gặp, lồng ngực của cô con gái bỗng đau
nhói. Bà đó chính là mẹ của mình. Cô gái đã đứng ngây
ra.
Cô tự hỏi phải
chăng bao nhiêu "người lâu không gặp" trong những câu chuyện
cha cô kể cho đến hôm nay đều xuất phát từ lời nói dối
của ông và thực ra, và họ chẳng qua là bà mẹ của cô thôi?
Nhưng cớ sao ông lại dấu diếm con gái chuyện đó? Phải
chăng ông làm như thế vì mẹ của cô giờ đây cũng đã tái
hôn và có con với người chồng sau? Đã từ bao lâu và vì
cớ gì, ông lại tìm gặp người mẹ của cô nhỉ?
Sau kỳ đó, vì
bản thân cũng muốn gặp mẹ, cô gái đã ra nhà ga ba hôm liền.
Thế nhưng cô không thấy bóng mẹ mình đâu cả. Qua ngày thứ
tư, cô nhận ra là cha mình khi thấy người đàn bà xinh đẹp
nào tiến vào trong ga, đều đã dừng chân rồi nghiêng đầu
chào và đến gần bà ta bắt chuyện. Chỉ thấy trên khuôn
mặt người đàn bà đối diện lộ ra một vẻ ngờ vực và
làm như bà ta không nhận ra ông là ai cả. Hình như cha của
cô đã nhìn nhầm người. Cô gái muốn chạy đến bên cha.
Những người mà cha cô gọi là "lâu ngày không gặp" không
khéo chỉ là kết quả đến từ sự nhầm lẫn của ông. Cô
gái bắt đầu khiếp hãi và thấy trong lòng đang dậy một
mối hoài nghi khác. Việc cô ngỡ người đàn bà kia là mẹ
mình biết đâu chẳng là sự nhầm lẫn của chính cô thôi.
Dịch
ngày 13/12/2022
(Trích Toàn Tập Kawabata
Yasunari, Nxb Shinchô, 1980)
Bên lề tác
phẩm:
Kawabata cũng như
Tanizaki là những nhà văn hiểu rõ về sự suy thoái theo thời
gian của người già và diễn tả được nó một cách ý nhị.
Có thể thấy chủ đề về sự lú lẩn này trong một truyện
ngắn có tính tự truyện của ông nhan đề "Thị trấn Yumiura"
(Yumiura-shi). Chúng ta không khỏi thương cảm cho tình cảnh
một người đang đứng trước sự bào mòn của trí nhớ.
Thế nhưng rốt cuộc, đâu phải chỉ có người già mới nhớ,
mới quên.
____________________________
(1) - Shakuhachi (Xích
bát): ống sáo dọc, làm bằng một ống tre khá to, dài khoảng
54, 5 cm ( nhất xích bát thốn). Tương truyền được đưa từ
nhà Đường sang Nhật vào thời Heian (thế kỷ 8-thế kỷ 12).
(2) - Mâm cơm Nhật
Bản thường được trang trí. Có thể đây là bữa cơm có
những thức mùa thu. |