Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Giới thiệu nhà văn Nakajima Atsushi

Biên soạn: Nguyễn Nam Trân


Nakajima Atsushi (1909-1942) bên con trai

Nakajima Atsushi sinh năm 1909 ở Tokyo và qua đời năm 1942 cũng tại nơi đây do chứng suy tim, hậu quả của bệnh suyễn kinh niên. Vỏn vẹn 33 năm làm người, ông đã chứng kiến toàn chuyện bất hạnh trong đó có cảnh tổ quốc Nhật Bản nhảy vào chiến tranh Thái Bình Dương một năm trước khi ông tạ thế. Lúc nhỏ đau yếu mãi, rốt cục tốt nghiệp đại học, ông lại lao đao vì sinh kế. Sau khi tìm được chỗ dạy văn ở trường Nữ Cao Đẳng Trung Học Yokohama trong một thời gian, ông đành để vợ con ở Tokyo đi nhận chân thư ký ngoài đảo Saipan đổi gió chữa bệnh. Được ít lâu, ông lại từ chức trở về Tokyo, lao đầu viết và viết nhưng chẳng mấy lúc lên cơn suyễn nặng, suy tim rồi mất.

Văn chương ông phần lớn bắt nguồn từ cổ điển Trung Quốc, có lẽ vì xuất thân từ một gia đình cựu Nho. Thời trẻ, theo cha qua Triều Tiên, Mãn Châu, sau đó có dịp sinh sống và du lịch Trung Quốc, quần đảo Ogasawara, Saipan... nên hơi văn phảng phất hương vị trời xa xứ lạ. Ông thường lồng khung tác phẩm trong bối cảnh cổ xưa như thời Xuân Thu (với các nhân vật như Khổng Khâu, Tử Lộ, Vệ Trang Công, Thúc Tôn Báo), Hán (Lý Lăng, Tô Vũ, Tư Mã Thiên), Đường (Sa Ngộ Tịnh)... Ngoài Hàn Phi Tử, Vương Duy, Cao Thanh Khâu (biệt hiệu của Cao Khải đời Minh), các bộ sách Sử Ký, Tả Truyện...ông còn ham đọc các tác giả Âu Mỹ như Herodotus,, Anatole France, Aldous Huxley, Robert Stevenson, O'Henry và Goethe nên lối hành văn của ông chính ra chịu nhiều ảnh hưởng Tây Phương.

Từ những đề tài cũ, ông chỉ giữ lại những chi tiết làm mình xúc cảm rồi dàn dựng một cách tài tình một thế giới hư cấu huyền ảo và qua đó, bày tỏ quan điểm về con người và cuộc sống. Phong cách hiện sinh (quan tâm đến sự tồn tại của chủ thể cá nhân) của ông đã làm nên cái gạch nối giữa văn chương Shôwa tiền chiến với văn chương Shôwa hậu chiến.

NIÊN BIỂU NAKAJIMA ATSUSHI


Thời dạy cao đẳng trung học nữ ở Yokohama (1935)

Meiji 43 (1910, 1 tuổi): Ông nội Nakajima là Keitarô, học giả Hán văn, cha là Tabito, giáo sư chữ Hán bậc Trung học. Mẹ, bà Chiyoko, cũng là nhà giáo cấp tiểu học. Atsushi sinh ngày 5 tháng 5 năm 1909 ở vùng Yotsuya (nay thuộc khu Shinjuku), Tokyo. Cha mẹ vì một nguyên do gì đó đã sớm ly hôn, ông được bên nội nuôi và hầu như không biết gì về người mẹ đẻ. 

Meiji 44 (1911, 2 tuổi) : Ông nội mất ở tuổi 84.
Taishô 3 (1914, 5 tuổi) : Cha tái hôn.
Taishô (1915, 6 tuổi). Đi học tiểu học. Nhà dọn về Nara, nhiệm sở mới của cha.
Taishô 5 (1916, 7 tuổi): Theo học tiểu học ở Nara.
Taishô 7 (1918, 9 tuổi) Theo cha về Shizuoka, chuyển trường.
Taishô 9 (1920, 11 tuổi) : Theo cha đi Seoul (Triều Tiên), lại chuyển trường.
Taishô 11 (1922, 13 tuổi) : Bắt đầu lên Trung học ở Seoul.
Taishô 12 (1923, 14 tuổi): Em gái là Sumiko ra đời nhưng mẹ kế mất.
Taishô 13 (1924, 15 tuổi) : Có mẹ kế thứ hai.
Taishô 14 (1925, 16 tuổi) : Bố từ chức, sang Mãn Châu dạy trung học ở Đại Liên.

Taishô 15- Shôwa nguyên niên (1926, 17 tuổi) : Nhờ học giỏi, thi đỗ vào khoa Văn Đại học Tôkyô (năm Dự Bị Đại Học).

Shôwa 2 (1927, 18 tuổi) Bị viêm lồng ngực, phải nghỉ học mất một năm. Viết tác phẩm đầu tay Shimoda no Onna (Người đàn bà ở Shimoda) đăng trên tạp chí nhà trường.

Shôwa 3 (1928, 19 tuổi). Mắc bệnh suyễn. Rời cư xá sinh viên ra ở nhà ngoài và đăng thêm 2 đoản thiên nhan đề Aru seikatsu (Về một nếp sống) và Kenka (Gây gổ) trên báo nhà trường.

Shôwa 4 (1929, 20 tuổi) : Đăng tiếp 2 đoản thiên là Warabi, take, rôjin (Đọt đuôi chồn, tre và ông lão) và Junsa no iru fuukei (Cảnh một nơi có lính tuần tra) cũng trên báo nhà trường lúc ấy đã thành một tạp chí không định kỳ do ông và 3 người bạn khác chủ trương.

Shôwa 5 (1930, 21 tuổi) : Tiếp tục theo học Văn khoa Đại học Tôkyô.
Nghỉ hè, dành thời giờ đọc Nagai Kafuu và Tanizaki Jun.ichirô.

Shôwa 6 (1931, 22 tuổi) Kết hôn với cô Hashimoto Takako. Để viết tiểu luận tốt nghiệp, ông phải đọc toàn văn các tác phẩm của Ueda Bin, Masaoka Shiki, Mori Ôgai vv...

Shôwa 7 (1932, 23 tuổi) : Thi vào ban biên tập tòa báo Asahi Shimbun.

Shôwa 8 (1933, 24 tuổi) : Tốt nghiệp khoa Quốc văn Đại học Tôkyô.
Đề tài tiểu luận là văn chương các nhà văn phái Đam Mỹ (Tambiha, School of Aestheticism) như Nagai Kafuu, Tanizaki Jun.ichirô. Thi vào ban Cao học (Daigakuin) và soạn đề tài nghiên cứu về Mori Ôgai

Shôwa 9 (1934, 25 tuổi) : Cho đăng Toragari (Săn cọp) trên Chuô Kôron. Phá ngang, không học tiếp Cao học. Dọn nhà về Yokohama. Mùa thu, bị suyễn nặng.
Shôwa 10 (1935, 26 tuổi) Trở thành giáo sư một trường nữ cao đẳng trung học ở Yokohama. Có hứng thú học tiếng La Tinh, Hy Lạp và hay tổ chức leo núi cùng các đồng nghiệp. Đọc Liệt Tử và Trang Tử, tổ chức một lớp học để giảng về tác phẩm Pensées của nhà tư tưởng Thiên chúa giáo Blaise Pascal.

Shôwa 11 (1936, 27 tuổi) Xây nhà trong khu Hongô ở Yokohama. Tháng 4, lên đường thăm viếng quần đảo Ogasawara. Mẹ thứ 3 cũng mất. Tháng 8, sang Trung Quốc chơi (Thượng Hải, Hàng Châu vv...). Ấn tượng về chuyến đi này được ghi lại trong tập thơ Tanka nhan đề Shutô (Cái tháp đỏ).Từ tháng 11 viết Rôshitsu-ki (Hồi ức đời bệnh tật), Camereon Nikki (Nhật ký kỳ nhông đổi màu). Trong thời gian này, đọc nhiều sách về Hàn Phi Tử, Vương Duy và Cao Thanh Khâu, cũng như Toàn tập Anatole France từ bản dịch qua tiếng Anh. Nhân đây, người ta nhận thấy có mối liên hệ giữa Le Jardin d'Epicure (Khu vườn của Epicuros), tác phẩm của A. France, với hai tác phẩm vừa kể của ông.

Shôwa 12 (1937, 28 tuổi) Tháng giêng, trưởng nữ là Masako ra đời. Đang khỏe mạnh có thể chơi dã cầu (baseball) với đồng nghiệp 2, 3 tiếng đồng hồ liên tục, thì bỗng nhiên qua mùa thu, bệnh suyễn kinh niên trở nặng. Lúc đó ông đang soạn Hoppôkô (Bắc phương hành) và Waka gohyaku shu (Năm trăm bài thơ Waka).

Shôwa 13 (1938, 29 tuổi) Năm này chuyên tâm trồng hoa cỏ. Nhiều bạn đồng nghiệp chuyển trường đi dạy chỗ khác.Tháng 8, đi chơi cao nguyên Shiga, một nơi nghỉ mát gần Tôkyô, và hoàn thành bản dịch một cuốn sách nói về Pascal của nhà văn Aldous Huxley (1894-1963).

Shôwa 14 (1939, 30 tuổi) Lên nhiều cơn suyễn nặng. Nhân có sự giới thiệu của bạn bè trong ngành giáo dục, được giao việc soạn sách giáo khoa dạy tiếng Nhật cho dân cư các thuộc địa phương Nam.Tháng 1, viết xong Gojô Tan.i (Ngộ Tịnh thán dị, Tâm sự của Ngộ Tịnh) và dịch thêm hai quyển sách khác của A. Huxley nhưng chưa hoàn tất.


Hoa dâm bụt trắng ở vùng Nam đảo

Shôwa 15 (1940, 31 tuổi) Con trai thứ ra đời. Từ mùa hè, bắt đầu đọc R.L. Stevenson (1850-94) đặc biệt là cuốn In the South Seas (Ở vùng biển Nam) và Poems (Thi tập). Cũng tìm đọc Plato và các sách vở về xã hội cổ đại như Ai Cập, Assyria. Vì bệnh suyễn hành hạ phải bớt ngày dạy. Định sống kiểu nửa năm ở Mãn Châu nửa năm ở vùng biển Nam (Nam Dương).

Shôwa 16 (1941, 32 tuổi)Tháng 6, vì bệnh quá nặng phải từ chức giáo sư ở trường Yokohama, nhờ cha dạy thế còn mình thì trở thành một biên tập viên sách giáo khoa tiếng Nhật ở Nam Dương Sảnh thuộc Bộ Nội Vụ. Được gửi xuống vùng quần đảo Palao miền biển Nam (lúc đó dân số chỉ có khoảng 14 vạn người và 90% là gốc Nhật), rất ít trường học.

Shôwa 17 (1942, 33 tuổi) Tháng 2 đăng Kotan (Cổ đàm, Truyện cổ) gồm 2 tác phẩm Sangetsuki (Sơn nguyệt ký, Gào trăng trong núi) và Môjika (Văn tự họa, Mối họa của văn tự) trên Tạp chí Bungakukai (Văn học giới). Tháng 3, trở lại Tôkyô với ý định xin chuyển về sống ở quốc nội nhưng bệnh trở nặng và biến thành viêm phổi, đành phải lưu lại nhà cha mình trong khu phố Setagaya để tĩnh dưỡng. Cuối tháng 3, tạp chí Bungakukai nhận đăng Tsushitara no shi (Cái chết của Tsushitara) vốn lấy cảm hứng từ cuộc đời của R.L. Stevenson nhưng bị nhà xuất bản cắt bỏ đến phân nửa vì cho là rườm rà và lập đi lập lại. Dĩ nhiên là nhà văn không hài lòng.

Tháng 7, Hikari to kaze to yume (Ánh sáng, gió và mộng mơ) được nhà xuất bản Chikuma Shôbô cho ra mắt trong một tuyển tập gồm 4 truyện đã đăng trong Kotan (Truyện cổ) cùng với Tônan sensei (Đẩu Nam tiên sinh) và Toragari (Săn cọp). Tháng 9, đơn xin từ chức rời công việc ở Palao được Nam Dương Sảnh chấp thuận. Tháng 8 đã viết xong Kôfuku (Hạnh phúc), Fuufu (Vợ chồng) và Niwatori (Gà). Tháng 11, nhà xuất bản Konnichi no Mondaisha (Vần đề hôm nay) thu thập 3 bài nhan đề Nantôtan (Chuyện ở vùng Nam đảo), Anshô (Đá ngầm), Gojô shusse (Ngộ Tịnh đổi đời) và Gojô tan.i (Tâm sự Ngộ Tịnh), hai bài Kozoku (Tục lệ xưa) và 2 bài Kakyochô (Chép việc quá khứ) thành tuyển tập có nhan đề chung là Nantôtan. Giữa tháng 11, bênh suyễn lên cơn quá nặng thành suy tim trầm trọng rồi qua đời ở một bệnh viện trong khu Setagaya (Tôkyô).

Tháng 12 Meijinden (Danh nhân truyện / Kẻ đạt đạo) in trong Bunko (Văn Khố). Một di cảo khác, chưa có tên, được một người bạn thân đặt là Riryô (Lý Lăng), tên của nhân vật chính trong truyện, nói lên tâm sự của danh tướng nhà Hán bắt buộc phải đầu hàng Hung Nô. Cái đề thật đơn sơ, đúng như nguyện ước của ông với bạn bè là " hãy đặt cho nó một cái đề giản dị " của nhà văn trước khi nhắm mắt.

Shôwa 18 (1943) di cảo Takonoki no shita (Dưới bóng cây thông oằn),(1) Riryô (Lý Lăng) và Deshi (Đệ tử / Đứa học trò) ... lần lượt được đăng trên các tạp chí văn học danh giá như Bungakukai, Chuô Kôron vv...

Viết theo Ban biên tập Nxb Kôdansha (1968)
(1) - Thông oằn (screw-pine) vì có hình dáng ngoằn ngoèo?
 
- Mối họa của văn tự (Môjika, 1942) 
- Kẻ đạt đạo (Meijinden)
- Đứa học trò (Deshi)
- Gào trăng trong núi (Sangetsu-ki)

***