Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Mối họa của văn tự
(Môjika, 1942) 

Nguyên tác: Nakajima Atsushi 
Dịch: Nguyễn Nam Trân


Người Assyria giỏi chiến đấu

Văn tự có ma quỷ hay không?.Đó là một câu hỏi đáng được đặt ra.

Người Assyria [1] tin rằng có rất nhiều loại ma quỷ. Khi đêm đến, những con Lill và giống cái của chúng là Lilitsu nhảy nhót, đi lại khắp nơi trong bóng tối. Có giống Namtal gieo rắc bệnh dịch, có giống Etinmu vốn là linh hồn của người chết, còn Habas là loại chuyên môn dụ dỗ và bắt cóc vv...Trên bầu trời xứ Assyria, yêu ma kiểu đó nhiều không kể xiết. Tuy vậy, không nghe ai nói có một giống ma quỷ nào có liên quan đến văn tự.

Lúc ấy vào khoảng năm thứ hai mươi dưới thời Đại đế Ashul Bani Apal trị vì, nhằm khi trong cung điện ở thủ đô Nineveh có lan truyền những lời đồn đại nghe mà phát khiếp. Số là thiên hạ kháo với nhau rằng mỗi đêm, trong bóng tối, có những tiếng động như ai đang nói chuyện vọng ra từ thư viện của hoàng gia. Nhân vì vụ mưu phản của vương huynh Shamashu Shumu Ukin vừa được bình định từ hồi quân triều đình hạ thành Babylon, nhà cầm quyền ngờ rằng có một nhóm bất mãn khác đang thập thò âm mưu gì đây. Họ đã ra sức truy lùng nhưng họ chưa tìm ra bằng chứng cụ thể. Riêng việc ma quỷ thì thầm trong đêm thì chắc là phải có. Kẻ cho rằng đó là tiếng nói chuyện của những hồn ma bọn tù binh Babylon vừa bị Đức Vua đem ra xử tử, người lại bảo lối giải thích ấy không đủ thuyết phục. Hơn một nghìn tù binh Babylon đã bị rút lưỡi rồi đem đi hành hình. Đống lưỡi đã được góp lại và đắp thành một hòn non bộ nho nhỏ. Đó là một sự kiện mà trong dân chúng, không ai không biết. Có điều phi lý là ma bị rút lưỡi còn cách nào nói chuyện được. Do đó, sau khi các thầy chiêm tinh và thầy bói bằng phương pháp đọc trên gan dê đã tìm tòi một cách vô vọng, chỉ còn lại thuyết cho rằng những tiếng động trong thư viện kia ắt phải đến từ những lời trò chuyện giữa mấy cuốn sách hay đống văn tự mà thôi. Tuy nhiên, bản chất của những con ma văn tự (nếu như bọn này hiện hữu) như thế nào thì không ai đoán ra. Đại đế Ashul Bani Apal bèn cho vời viên quan Bác sĩ lão thành đầu sói mắt lồi Nab Ae Eliba đến và ra lệnh cho cụ phải nghiên cứu xem có giống vật nào gọi là con ma văn tự không?

Kể từ ngày đó, học giả Nab Ae Eliba mỗi ngày cứ phải lui tới cái thư viện đang có vấn đề (thực ra, nói về số phận của thư viện này thì được biết là nó đã bị vùi chôn dưới lòng đất khoảng hai trăm năm sau đó và mãi đến hai nghìn ba trăm năm sau nữa mới được khai quật nhờ một sự tình cờ). Như thế, theo lệnh nhà vua, cụ già đã phải chúi mũi vào việc nghiên cứu, mò mẫm trên hàng vạn pho sách .

Vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia) khác với Ai Cập ở chỗ không sản xuất được Papyrus, loại thực vật dùng vào việc chế giấy. Để viết, họ phải dùng bút cứng khắc lên các tấm bảng bằng đất sét những phù hiệu của một hệ thống văn tự hình thù rất phức tạp.giống như những cái nêm bánh xe (cuneiform). Sách vở là những tấm ngói thành ra những thư viện trông chẳng khác nào nhà kho một cửa hàng bán đồ gốm. Còn trên bàn làm việc của cụ già (chân bàn được làm bằng chân sư tử thứ thiệt còn nguyên móng) thì cùng với thời gian những tấm ngói đã chồng chất lên như núi. Trong mớ trí thức cổ xưa và nặng nề này, cụ già loay hoay tìm kiếm nhưng chỉ là công cốc bởi vì sách vở không lưu lại một lý thuyết khả dĩ làm sáng tỏ sự hiện hữu của những con ma văn tự. Thế nhưng, dù văn tự có linh hồn hay không, cụ bắt buộc phải tìm ra câu trả lời. Cụ bèn bỏ đống sách qua một bên và suốt một ngày trời, chỉ chuyên chú nhìn vào một chữ. Thường thì các ông thầy bói khi tập trung nhìn vào một lá gan dê, họ có thể đoán được một số điều. Cụ cũng bắt chước phương pháp tập trung tinh thần và trầm tư của họ những mong tìm ra một sự thực nào đó.

Giữa lúc ấy thì có một tia chớp lóe lên trong óc cụ. Một con chữ mà cụ đã chăm bẳm nhìn thật lâu bỗng dưng tự giải thể làm cho cụ thấy trước mắt mình chỉ có một nhúm đường nét mà mỗi nét khi đứng riêng rẽ sẽ không mang một ý nghĩa nào cả. Nhưng cớ sao những đường nét vô nghĩa ấy khi quấn quít lấy nhau lại sinh ra âm thanh và có ý nghĩa nhỉ? Vị học giả giàu kinh nghiệm Nab Ae Eliba của chúng ta cũng không cách chi hiểu nổi. Cụ kinh ngạc vì từ ngày chào đời, đây là lần đầu tiên cụ mới phát hiện một điều kỳ lạ như thế. Những gì mà suốt 70 năm nay, cụ xem là đương nhiên và bỏ qua thì bây giờ không thể gọi là đương nhiên hay tất nhiên nữa. Làm như có một cái vảy đã rớt ra khỏi con ngươi. Cụ tự hỏi không biết cái gì đã làm cho những đường nét lẻ tẻ, không ăn nhập gì với nhau mà khi kết hợp, lại có thể tạo ra một âm thanh và mang lấy một ý nghĩa. Nghĩ đến đây, cụ không còn do dự nữa. Nhất định là những con chữ phải có một linh hồn. Nếu một con người mà tay, chân, đầu, móng và gan ruột không được kết hợp bởi linh hồn thì không thể gọi là người, lẽ nào những đường nét vô nghĩa lại có thể tạo ra được âm thanh và ý nghĩa nếu chúng không chịu sự dẫn dắt của linh hồn?

Đi từ khám phá sơ khởi này, quan Bác sĩ từng bước một đã suy ra tính chất của cái con ma văn tự. Đó là một sự tồn tại mà đến lúc đó cụ chưa hề biết. Tính ra thì những con ma văn tự này nhiều vô số kể. Chúng rất mắn, sinh con đẻ cái đấy dẫy giống như đám chuột đồng.

Cụ Nab Ae Eliba mới cất bước dạo quanh thủ đô Nineveh, bám lấy mấy người vừa mới biết đọc chữ gần đây, hỏi thăm họ thật tường tận để xem thử trước và sau khi biết chữ, cuộc đời của họ có gì thay đổi không. Cụ định tìm hiểu xem những con ma văn tự có tác động gì lên con người hay không? Nhờ đó mà cụ kiếm ra những con số thống kê thật là độc đáo.

Theo thống kê đó thì có những người kể từ ngày biết chữ đột nhiên không còn khéo tay bắt rận như xưa nữa, lại có những người đâm ra mau nước mắt [2], có những người trước đây khi ngẩng lên trời thấy được bóng chim ưng thì nay những con chim ấy đã biến mất khỏi tầm nhìn của họ, lại có những người không còn nhìn được màu da trời xanh như ngày xưa nữa. Những loại người có triệu chứng nói trên chiếm đại đa số trong các trường hợp thăm dò."

Cụ Nab Ae Eliba còn chép trong một cuốn bị vong lục (memorandum) dưới dạng đất nung những câu như sau: "Con ma văn tự khoét tròng mắt của người ta và ăn nó đến rỗng tuếch giống như dòi bọ biết đục qua cái vỏ cứng của hạt óc chó và xơi gọn bên trong". Đó là chưa kể đến sự gia tăng về con số những kẻ từ khi biết đọc chữ liền bắt đầu mắc bệnh ho hen hay khổ sở vì hắt hơi, nấc cụt và cả tiêu chảy. Cụ đã ghi chú tiếp:"Phải hiểu là con ma văn tự còn muốn phá hoại các cơ quan khác như mũi, cổ họng và phần bụng của người ta nữa. Khi biết đọc chữ rồi, một số người bỗng rụng tóc rất nhanh, một số khác thấy chân cẳng của họ trở nên yếu ớt, hay run lẩy bẩy, còn cằm thì dễ bị lệch khớp. Cuối cùng nhà học giả đã phải kết luận: "Văn tự rất có hại và khi đến chỗ cực độ, nó sẽ làm tê liệt tinh thần người ta. Nếu so sánh với thời kỳ trước khi biết đọc thì văn tự đã làm cho tay thợ giỏi trở thành vụng về, chiến sĩ dũng cảm trở thành nhút nhát còn người đi săn thì khi gặp sư tử, sẽ không còn biết cách bắn cho trúng nữa". Những điều đó đều được chứng minh một cách hùng hồn bằng con số thống kê.

Có kẻ còn tuyên bố rằng từ khi quen với văn tự, nếu có ôm gái, hắn ta cũng chẳng còn thấy khoái cảm. Ở đây, cụ Nab Ae Eliba có chú thích thêm rằng, nếu lời đó được thốt ra từ miệng một ông lão đã quá 70 thì có thể không phải lỗi của văn tự. Người Ai cập thường bảo cái bóng của một món đồ nào đó có thể được xem như là một phần linh hồn của món đồ ấy. Nếu vậy thì văn tự chắc bản chất cũng không khác gì với cái bóng của một món đồ

Chữ "sư tử" chẳng hạn, nó không phải là "cái bóng" của con sư tử đó sao? Một khi người đi săn đã biết đọc hai chữ "sư tử", anh ta không còn nhắm bắn con sư tử thật nữa mà chỉ nhắm vào cái bóng của nó. Một anh con trai khi đã biết đọc chữ "nữ"女, thay vì ôm lấy người con gái bằng xương bằng thịt, phải chăng anh chỉ có thể ôm được cái bóng của cô ta? Thuở chưa có văn tự nghĩa là thời trước cả trận đại hồng thủy ở Pil Napishumchi, niềm hoan lạc cũng như tri thức đều từ ngoài đi trực tiếp vào bên trong con người. Chứ như ngày nay, chúng ta chỉ còn biết mỗi cái bóng của hoan lạc và cái bóng của tri thức được gói ghém bên trong một cái vỏ bọc gọi là văn tự mà thôi. Mấy lúc sau này, trí nhớ của loài người có vẻ kém sút. Cái này cũng là một kết quả khác đến từ trò chơi khăm của văn tự đấy.

Ngày nay, nếu loài người không ghi lại bằng văn tự thì họ không nhớ được điều gì nữa. Cũng như từ khi biết mặc quần áo. da thịt nhân loại trở nên yếu đuối mong manh. Thế rồi lúc người ta chế được những thứ như xe cộ thì chân cẳng của họ cũng trở nên yếu đuối khó coi. Kịp đến khi văn tự được phổ cập khắp nơi thì đầu óc con người không còn dùng được vào việc gì nữa.

Cụ Nab Ae Eliba có quen với một ông lão mê sách. Ông lão này còn thông thái hơn cả cụ, một người vốn đã thông thái quá cỡ rồi. Ông lão vừa được nhắc tới không những biết hai ngôn ngữ là tiếng Sumerya và Alameya mà còn đọc làu làu loại văn tự mà người Ai Cập viết trên giấy Papyrus hay da cừu. Có thể nói là không có chuyện gì về thời cổ đại được chép bằng văn tự mà ông lão không rành rẽ. Lão biết cả những chuyện như dưới đời vua Tsukuruchi Ninibu cai trị, vào năm nào tháng nào, khí hậu ra sao. Thế nhưng lão không thèm để ý đến việc ngày hôm nay trời nắng hay có mây. Lão thuộc lòng những câu nói đã làm dịu bớt mối sầu của người đẹp Sabitsuga Gilgamesh [3] nhưng không biết tìm ra câu chữ để an ủi ông hàng xóm của mình vừa mất một cậu con trai. Lão biết Hoàng hậu Samuramatto của vua Adaddo Nilali thích mặc loại xiêm y nào nhưng khi hỏi lão là cụ đang mặc bộ đồ nào trên người thì lão hầu như không tìm ra câu trả lời. Tóm lại, ông lão đó thật là một người yêu sách vở và văn tự hết cỡ nói!


Cổ văn tự và sách vở bằng đất nung ở vùng Lưỡng Hà

Không những chỉ cầm lên để đọc, để ngâm nga rồi mân mê chúng, có lẽ thấy mình chưa đủ chán sách nên có lúc lão đã lấy răng cắn đến vỡ vụn một phiên bản tối cổ của cuốn sách bằng đất nung trong đó có chép truyền thuyết về nàng Gilgamesh rồi đem nó hòa với nước và uống đến cạn. Con ma văn tự đã ăn mòn đôi mắt của lão không thương tiếc làm lão bị cận thị nặng. Bởi cứ mãi mê dán mắt vào mấy bộ sách và đọc chúng suốt ngày, cái mũi quặp như chim ưng của lão đã quét qua quét lại trên những miếng đất nung đến độ đầy chỗ chai cứng. Không những thế, văn tự còn ăn phạm vào tủy sống của lão nữa làm cho lưng lão gù đi và cái cằm của lão giờ đây đã dính liền với lỗ rốn. Có lẽ lão cũng không ý thức rằng mình có một cái bướu trên lưng. Nội một chữ "bướu" thôi, lão có thể diễn tả bằng năm thứ chữ viết của năm nước khác nhau. Theo cách nhìn của quan Bác sĩ Nab Ae Eliba thì lão già này có thể được kể vào hàng đầu trong đám nạn nhân của con ma văn tự. Nhìn bên ngoài người ta thấy lão thật thảm hại nhưng thật ra, bên trong, lúc nào lão cũng tỏ ra là mình rất hạnh phúc với một niềm hạnh phúc khiến cho người khác phải thèm thuồng. Nếu bảo đây là một thái độ không thể hiểu nổi thì quả đúng như vậy. Cụ Nab Ae Eliba xem đó là một thứ ma lực giảo hoạt của con ma văn tự một khi nó trở thành thứ ma túy làm cho nạn nhân phải say sưa.

Đôi khi Đại đế Ashul Bani Apal hay ngả bệnh. Quan Ngự y Alad Nana xem triệu chứng thì biết không phải là bệnh nhẹ nên đã mượn áo xống của ngài quấn quanh người mình để giả dạng đức vua với ý định đánh lừa cặp mắt của Thần chết Eleshukigal để thần chuyển bệnh tật từ người Đại đế sang người mình. Đây chỉ là một tập quán thường thấy trong giới y khoa cổ truyền nhưng điều đó đã làm cho một nhóm thanh niên không bằng lòng và nhìn việc đó với cặp mắt nghi ngờ. Họ bảo rằng hành động của quan Ngự y không hợp lý. Lẽ nào Thần Chết Eleshukigal có thể bị qua mặt như một đứa trẻ con vì một cái kế mọn như vậy của ông ta.

Quan Bác sĩ - con người thông thái Nab Ae Eliba - khi nghe họ nói như thế, đã lộ vẻ khó chịu. Cũng như đám thanh niên nọ, khi tìm đủ mọi cách để đi đến sự nhất quán trong ý nghĩ, lại để lộ ra những chỗ kỳ khôi trong lối lập luận. Chỗ kỳ khôi ấy giống như cảnh một anh chàng người thì cáu bẩn từ đầu đến gót mà lại muốn chừa ra một nơi - như chân hay đầu móng chân - và giữ nó thật sạch sẽ bóng láng. Bọn thanh niên đó không phân biệt được vị thế của một con người đang bao quanh bởi một vầng mây thần bí. Theo ý của quan Bác sĩ già thì một chủ nghĩa hợp lý thiển cận cũng có thể bị xem như bệnh hoạn. Không còn gì để nghi ngờ nữa, cái bọn đã dàn xếp để cho chứng bệnh này xuất hiện chỉ có thể là những con ma văn tự.

Một hôm có sử gia trẻ tuổi (gọi anh ta là chuyên viên ghi chép trong cung thì cũng được) tên là Isshudei Nabu đến gặp quan Bác sĩ già và đặt câu hỏi: "Lịch sử là gì hở cụ?". Rồi khi nhìn bộ mặt đang nghệch ra vì ngạc nhiên của cụ ta, anh sử gia kia mới lên tiếng trình bày quan điểm của mình:

-Về trường hợp cái chết của vương huynh Shamashu Shum Ukin - vua thành Babylon - mới đây, có rất nhiều thuyết được đưa ra. Trong số đó, có thuyết cho là vào tháng cuối cùng, vì quá tuyệt vọng, ông vua này đã có một cuộc sống truy hoan dâm dật không bút nào tả xiết. Ngược lại, có thuyết cho hay là trong thời gian đó, mỗi ngày ông đều giữ trai giới và tiếp tục cầu khấn để xin Thần Shumashu phù hộ. Mặt khác, nếu có giả thuyết cho là chỉ có vị Đệ nhất vương phi là đã gieo người vào trong đám lửa để theo chồng thì cũng có thuyết cho rằng sau khi bắt hàng trăm phi tần cung nữ đưa lên giàn hỏa, ông ta là người cuối cùng đã nhảy vô đống củi đang cháy. Dù trong hai trường hợp, các nhân vật ấy đều tiêu ra khói cả nhưng không ai biết nội dung thuyết nào mới là chính xác. Hình như gần đây Đại Đế đã tự mình tuyển chọn một trong những lối trình bày sự việc và ra lệnh giữ nó lại như ký lục chính thức. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ nhoi thôi nhưng xin hỏi cụ, nếu chúng ta xem đó là lịch sử thì có thỏa đáng hay không?

Thấy viên quan Bác sĩ lão thành lịch lãm giữ một sự im lặng khôn ngoan, người chép sử trẻ mới đổi cách hỏi:

-Lịch sử có phải là những chuyện từng xảy ra vào thời xưa hay không? Hoặc giả nó chỉ là những gì đã được chép lại trên tấm đất nung kia?

Viên quan Bác sĩ cảm thấy trong câu hỏi của anh chàng này có một sự đánh đồng giữa việc người xưa đi săn sư tử và cái phù điêu chạm khắc cảnh săn sư tử, nhưng vì cụ không tiện nói trắng ra nên đã chọn kiểu trả lời như sau:

-Lịch sử là điều ngày xưa từng xảy ra, sau đó lại được chép trên những tấm bảng đất nung. Theo tôi, hai thứ đó có chỗ nào khác nhau đâu!

Người chép sử lại hỏi:

-Còn trường hợp bỏ sót thì sao?

-Sao lại bỏ sót được nhỉ? Xin anh chớ có đùa! Nếu những gì không được chép lại, chỉ là vì nó không có. Nếu hạt giống không nẩy mầm chỉ vì ngay từ đầu, nó chưa bao giờ tồn tại. Thưa anh, lịch sử là cái chép trên mấy tấm bảng bằng đất nung đó ạ!

Khuôn mặt của người viết sử trẻ đanh lại. Anh ta nhìn tấm bảng bằng đất nung mà cụ già vừa đưa ngón tay ra chỉ cho mình xem. Đó là một trang kể lại cuộc chinh phạt xứ Haldia của vua Sargon đã được sử gia tên tuổi nhất nước này là Nab Shalim Shun chép lại. Trong khi nói chuyện, những hạt lựu mà quan Bác sĩ nhổ ra khi đang nhấm nháp đã làm lem luốc cả bề mặt của tấm bảng.

-Này anh Ishudi Nab ạ! Tôi thấy anh vẫn chưa hiểu hết sức mạnh khủng khiếp của những con ma văn tự mà vị Thần trí tuệ Nabuu - người được cả thành phố Borsippa [4] kia tôn thờ - đã ban cho bọn tôi tớ của ngài. Những con ma văn tự đó khi đã chộp được một sự kiện gì rồi, chúng sẽ khiến cho nó xuất hiện theo hình thù chúng định đoạt

Sự kiện ấy sẽ trở thành bất tử. Ngược lại, sự kiện nào không có bàn tay của những con ma văn tự ấy nhúng vào thì dù là cái chi chi đi nữa, cũng không thể nào tồn tại lâu dài. Từ thời thái cổ cho đến nay, những ngôi sao không được nêu tên trong cuốn sách của Nun Enrin thì không biết vì cớ gì, đều bị coi như không có. Chúng không có chỉ vì không được Nun Enrin đưa vào sách của ông ta dưới dạng văn tự đó thôi. Những chuyện như sao Marzuk (Mộc Tinh, Jupiter) khi xâm phạm vào vùng trời của người chăn dê (Mục Dương, Orion) [5], chư thần sẽ giáng cơn thịnh nộ, còn nếu vầng trăng bị ăn khuyết mất phân nửa trên thì bộ tộc Fumooru [6] sẽ gánh lấy tai họa...đều đã được ghi chép bằng văn tự trong các pho sách cổ. Ngay cả việc sắc dân Sumelya không hề biết ngựa là gì cho nên trong ngôn ngữ của họ, không có từ vựng nào dùng để chỉ ngựa. Thật không có gì kinh khủng bằng sức mạnh của những con ma văn tự. Cả anh lẫn chúng tôi, nếu cứ nghĩ rằng văn tự là một công cụ dùng để ghi chép, là bé cái lầm. Đối với những con ma văn tự, chúng ta chỉ là một lũ đầy tớ bị sai bảo một cách tàn tệ. Thế nhưng tai hại chúng mang lại mới kinh khiếp làm sao! Hiện nay tôi đang nghiên cứu dở dang về những con ma ấy. Bây giờ, nếu anh bắt đầu có sự nghi ngờ đối với việc dùng văn tự để ghi chép lịch sử là bởi vì anh đã quá gần gũi với những con ma ấy và bị trúng độc khí của chúng rồi.


Bản đồ Đế quốc Assyria ở vùng Trung Đông trước Công nguyên

Một lần nữa, chàng sử gia trẻ tuổi lại mang bộ mặt kỳ dị khó hiểu còn quan Bác sĩ già thì từ nãy giờ đã lộ vẻ buồn bã khi thấy một người trẻ tuổi hãy còn đầy triển vọng như anh ta đã sớm bị những con ma văn tự đang tâm hãm hại. Một khi đã quá gần gũi với văn tự, thế nào anh ta cũng phải ôm lấy một mối hoài nghi về nó. Hai việc này hoàn toàn không mâu thuẫn với nhau. Như mới gần đây thôi, quan Bác sĩ đã thỏa mãn cái thói tham ăn bẩm sinh của mình bằng cách chén gần hết một cái đầu dê nướng nhưng rồi kể từ ngày đó, khi nhìn thấy dù là một cái đầu dê sống, cụ đã thấy ngán đến tận cổ.

Sau khi anh chàng sử gia ra về được một đỗi, bất chợt quan Bác sĩ Nab Ae Eliba mới đưa tay gãi cái đầu đã thưa tóc của mình mà ngẫm nghĩ. Rốt cuộc, hôm nay, khi đứng trước chàng trai trẻ kia, không khéo cụ đã ca tụng quyền lực của nhưng con ma văn tự ấy? Thế thì đáng tức thật. Cụ già chậc lưỡi. Đến như mình mà còn bị những con ma văn tự ấy đánh lừa nữa là!

Trên thực tế thì xưa kia, quan Bác sĩ có lần bị những con yêu ma văn tự này truyền cho một chứng bệnh khủng khiếp. Số là để xác nhận xem giống yêu ma văn tự này tồn tại hay không, cụ đã sống nhiều ngày liên tiếp chỉ để nhìn trừng trừng vào một con chữ. Những con chữ cho đến lúc đó đều có một ý nghĩa và âm thanh nào đó, nay đột nhiên tự phân giải và chỉ còn là một tập hợp những đường nét, y như điều đã được trình bày trong đoạn trên. Thế rồi kể từ ngày đó, hiện tượng này đã lập đi lập lại nhiều lần và không chỉ xảy ra trong lãnh vực văn tự mà bất cứ nơi nào. Chẳng hạn như trong lúc cụ nhìn một ngôi nhà thì ngôi nhà đó sẽ giải thể thành một tập hợp những thanh gỗ, phiên đá, vôi sơn vô ý nghĩa dưới mắt và trong đầu cụ. Nó làm cho cụ không còn hiểu tại sao người ta có thể chọn những thứ này làm nơi cư trú. Khi nhìn thân thể một người cũng vậy, cụ bèn phân tích nó thành từng bộ phận một và thấy mình đang đứng trước những hình thù kỳ quái, vô nghĩa. Tại sao những hình thù như thế này có thể được gọi là con người nhi? Cụ hoàn toàn không hiểu nổi! Vấn đề ấy không chỉ xảy đến cho những gì đã lọt vào mắt cụ đâu. Tất cả việc gì người khác làm hằng ngày cũng như thói quen của họ, cụ đều đem ra phân tích hết. Vì đã trở thành một người mắc "bệnh phân tích" nên cụ không còn hiểu được ý nghĩa của chúng và đi đến chỗ hoài nghi căn nguyên tất cả sinh hoạt của con người. Thành thử nhà thông thái Nab Ae Eliba trước đây bây giờ đã hóa thành một kẻ khật khùng. Cụ nghĩ nếu cứ tiếp tục nghiên cứu, mình sẽ có ngày toi mạng vì những con ma văn tự. Quá sợ hãi trước viễn tượng ấy, cụ vội vàng thu tóm kết quả nghiên cứu được để tâu ngay lên Đại đế Ashul Bani Abal. Dĩ nhiên là trong bản báo cáo này, cụ đã đưa vào một số nhận định chính trị. Cụ cho rằng một quốc gia thượng võ như Assyria không bao lâu nữa sẽ bị những con ma văn tự nuốt từ từ và cay đắng hơn nữa là trước sự điềm nhiên của mọi người bởi vì dân chúng hầu như không ai ý thức. Nếu từ ngay bây giờ nhà vua không cải tổ để khỏi chạy theo văn tự một cách mù quáng thì về sau, dù có hối tiếc thì đã muộn màng vv...

Tất nhiên những con ma văn tự không để cho kẻ dám sàm báng chúng được yên thân. Bản báo cáo của học giả Nab Ae Eliba đã khiến Đại đế cảm thấy bực bội. Từ cương vị một người ngưỡng mộ nhiệt thành Thần Nabuu và cũng là một nhà văn hóa hàng đầu đương thời, Đại đế đương nhiên phải có thái độ như thế. Vị học giả lão thành bèn bị triều đình ngưng chức ngay lập tức. Nếu Nab Aer Aliba không phải là bậc sư phó của Đại đế từ lúc ngài còn để chỏm thì có lẽ cụ đã bị cực hình tùng xẻo rồi cũng nên. Tuy có ngạc nhiên và không hài lòng vì bị cư xử như thế nhưng cụ đã biết thừa rằng đó là sự phục thù của những con ma văn tự xảo quyệt.

Nào đã hết đâu. Vài hôm sau, ở địa phương Nineveh Albara xảy ra một trận động đất và lúc ấy, quan Bác sĩ đang ở trong phòng đọc sách nhà ông. Vì ngôi nhà đã quá cũ kỹ nên mấy bức tường liền bị sập và kéo các giá sách đổ theo. Bao nhiêu là thư tịch, phải đến vài trăm tấm bảng đất nung - cùng với lời nguyền rủa khủng khiếp của những con ma văn tự - đã đổ ập lên trên người kẻ sàm báng nó. làm cho cụ ta dập xác và chết thảm thương.

Dịch xong ngày 31/07/2020


Thư mục tham khảo:
 

  1. Nakajima Atsushi, Môjika (Văn tự họa) bản Thư viện trên không Aozora Bunko 1997 cập nhật 2014 trích từ Toàn tập Chikuma Bungaku Zenhuu, quyển nói về Nakajima Atsushi, 1992. Nguyên tác Nhật ngữ đăng trên Tạp chí Bungakukai (1942).
  2. Ảnh minh họa từ trang Internet.
_____
 
 

[1] - Assyrie : tên một sắc dân thời cổ sống ở vùng Lưỡng Hà (Mesopotamia), sống bằng săn bắn và nông nghiệp. Họ đã dựng lên được một đế quốc lớn, lấy thành phố Nineveh làm thủ đô nhưng bị các nước lân cận tiêu diệt từ trước Công Nguyên.Những người tự xưng là hậu duệ của sắc dân nầy hiện sống rải rác tại các vùng thuộc lãnh thổ Iraq, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

[2] - Nguyên văn: Dễ bị bụi bay vào mắt.

[3] - Có lẽ là một nhân vật trong Epic of Gilgamesh, một bộ sử thi của người Assyria, đã ra đời 1000 năm trước Thánh Kinh, trước cả Odyssey và Illyad, hai thiên anh hùng ca của Hy Lạp.

[4] - Thành phố thời cổ đại ở vùng Lưỡng Hà, không xa Babylon (nay thuộc về Irak) là bao. Rất phồn vinh và phát triển mạnh về các lãnh vực như thiên văn và chiêm tinh, đặc biệt dưới thời vua Nepcadonezar II khoảng giữa thế kỷ thứ 6 TCN.

[5] - Theo các từ điển thông dụng thì Orion là tên một vị thần thời Cổ Hy Lạp, con trai Poseidon, có sức mạnh phi thường, thích săn bắn, rất đẹp trai và đa tình. Chòm sao Orion có 3 vì sao ở trung tâm. Chưa rõ ý nghĩa điều Nakajima muốn nói trong đoạn này.

[6] - Có thể là chuyện nhật thực, nguyệt thực nhưng chưa rõ điển tích.