Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tây ..Ban Nha.. du ký

Phần VI: Las Meninas - Các nàng Thị Nữ, 
chứa chan ẩn dụ, góp mặt với đời.
 

Khả Tri

- Phần I : Dư âm sau chuyến thăm Granada
- Phần II : Phần V: 3 điều 4 chuyện về tiếng Tây Ban Nha
- Phần III: Hơi bị lạc đề vì mải tìm bóng dáng Herodotus
- Phần IV: Nhớ Alhambra - Recuerdos de la Alhambra.
- Phần V : 3 điều 4 chuyện về tiếng Tây Ban Nha.
- Phần VI: Las Meninas - Các nàng Thị Nữ, chứa chan ẩn dụ, góp mặt với đời. 

Hình 1 - Nguồn Wikimedia: Diego Velázquez - Las Meninas
Trong thế giới hội họa, hiếm thấy bức tranh nào lại được các nhà phê bình bàn tán xôn xao và dai dẳng như kiệt tác phẩm Las Meninas (sẽ được viết tắt là LM), tạm dịch "Các Thị Nữ" (Hình 1) của danh họa Tây Ban Nha Diego Velázquez (viết tắt DV). Ngay cả Michel Foucault, triết gia, sử gia và nhà hoạt động xã hội tiếng tăm ở Pháp, trong cuốn "The Order of Things/Trật Tự Vạn Vật" xuất bản năm 1966 - trên 300 năm sau khi LM mở mắt chào đời - đã đưa bức tranh này lên chiếm ngự trang bìa, rồi dành nguyên Phần 1, Chương 1 (từ trang 3 đến trang 18) để phân tích. Nói chung trong bàn dân thiên hạ, lời khen và ý kiến trung dung thì nhiều, nhưng tiếng chê bai thì như mò kim đáy biển, đốt đuốc tìm không thấy. Chẳng ai dám mở miệng dè bỉu vì choáng ngợp trước đại dương dậy sóng tung hô, hay nó thật sự là kiệt tác độc đáo?

Khách lữ hành từng du lịch Tây Ban Nha, ghé thủ đô và cố đô Madrid - tùy sở thích cá nhân, quỹ thời gian cho phép, hay trình độ hướng dẫn viên du lịch - Prado là một điểm đến quan trọng (địa chỉ trang nhà tiếng Anh https://www.museodelprado.es/en). Là viện bảo tàng nghệ thuật có hạng trên thế giới, Prado lưu giữ rất nhiều tranh vẽ của các danh họa Tây Ban Nha thời kỳ Hậu Phục Hưng, được gọi chung là phong cách Baroque, như Goya, El Greco, và dĩ nhiên DV với kiệt tác LM. Có thể DV chỉ mất chừng 4, 5 tháng để hoàn thành tác phẩm sơn dầu khá đồ sộ, cao 3,20 m rộng 2,80 m, nên các nhân vật trong tranh, cùng độ lớn và chiều cao bình thường của con người, góp phần xóa nhòa ranh giới giữa hư và thực, tạo nên ấn tượng "người thật việc thật". Bức vẽ - theo tài liệu chính thống - chào đời năm 1656 khi người cha đẻ ra nó đã 57 tuổi, đang chiếm lĩnh đỉnh cao sự nghiệp, hơn 30 năm giữ vai trò họa sĩ chân dung chính thức, kiêm cố vấn tài chính, ngoại giao, nghệ thuật, cho vương triều Tây Ban Nha. Ông là họa sĩ rất được vua Philip đệ tứ ưu ái. Trong cung đình có lời đồn đại, nếu DV vô tình đánh rơi cọ vẽ, nhà vua sẵn sàng cúi xuống nhặt giùm.

DV (1599-1660), vốn quê quán tại thành phố Seville, nhưng gia đình không thuộc dòng dõi quý phái. Ông thậm chí từng phải minh chứng, mình không mang dòng máu Do Thái hay Ả Rập, mới được thăng quan tiến chức. Tuy nhiên mãi đến gần cuối đời - tháng 11 năm 1659 - tức 3 năm sau ngày hoàn thành kiệt tác LM, DV mới được phép gia nhập hội thánh quân lệnh - Order of Santiago - xem như loại câu lạc bộ đặc biệt, chỉ dành riêng cho thành viên đã mấy đời thuộc đẳng cấp quý tộc. Nhưng DV, nhân vật số 9 trong tranh (Hình 2) và (Hình 1), trên ngực lại mang huy hiệu hình thập tự của hội. Điều này khiến người ta tin rằng, bức tranh về sau được thêm thắt chi tiết cho hợp thời, theo lệnh từ vua Philip IV.
 

Hình 2: 11 nhân vật trong tranh. Nguồn Wikimedia

Thời cận đại, dùng máy móc tinh vi khảo sát các lớp sơn dầu, một vài nhà nghiên cứu, lại quả quyết bức tranh "trước sau như một, không có chuyện ai đó về sau vẽ thêm huy hiệu hình thập tự". Hiện nay, tuy đa số học giả chính thống, vẫn tiếp tục chọn 1656 là thời điểm LM mở mắt chào đời, các nghiên cứu gia thuộc trường phái "xét lại" đưa ra một giả thuyết mới, theo đó DV bắt đầu dựng giá vẽ vào tháng 11/1659 - khi ông vừa chính thức được nhận vào hội thánh quân lệnh Order of Santiago - hạ cọ lần cuối vào tháng 04/1660 - trước khi ông tháp tùng vua Philip IV vượt rặng Pyrenees trong chuyến đi ngoại giao sang Pháp. Bức tranh nhằm bày tỏ lòng biết ơn mưa móc, quà tặng đặc biệt dâng vua, người đã góp tiếng nói giúp DV nhận được tước phận vinh dự nói trên.

DV từ trần năm mới 61 tuổi, để lại chừng 120 bức tranh cho hậu thế, trong đó LM là đứa con tinh thần chứa đựng rất nhiều tâm huyết, ra đời khi cha đẻ tuổi cao xế bóng, mong nó sẽ góp mặt với đời, trơ gan cùng tuế nguyệt. Nội dung tranh có thể chỉ là hư cấu, góp nhặt từ tổng hợp ký ức của nhà danh họa qua nhiều thời điểm khác nhau, mà nhìn vào đâu cũng thấy ẩn dụ. Chi tiết này đã khiến nhiều nhà phê bình hội họa đánh giá ông ta là họa sĩ khác thường, không chỉ chuyên vẽ chân dung vương triều Tây Ban Nha.
 

Đầu thập niên 1650, thời đại vàng son của vương triều Tây Ban Nha "một đi không trở lại". "Cuộc chiến 30 năm (1618-1648)" tranh dành thế lực giữa hầu hết mọi đế chế Âu Châu, khiến triều đình vua Philip đệ tứ kiệt quệ nhiều mặt. Nhà vua này tuy có khá nhiều con cái, chính thức và không chính thức, nhưng đa phần chết yểu, hoặc bệnh tật, vì đường lối kết hôn với người gần hay cùng huyết thống (chú bác cô cậu dì cháu anh chị em họ cứ lập gia đình với nhau loạn xạ) nhắm bành trướng, thâu tóm và giữ chặt quyền bính trong dòng họ, không để lọt ra ngoài. Sau khi bà vợ đầu của vua Philip IV quá cố, ổng cưới bà hai Mariana, cũng là cháu gái. Nàng mới 13 tuổi, chàng thì đã 44 cái xuân xanh. Thật ra ban đầu triều đình để dành nàng Mariana, vừa chớm dậy thì, cho con trai ông ta. Nhưng con trai đoản mệnh, nên vua Philip IV đành phải "thâu tóm", hy vọng giải quyết vấn nạn truyền ngôi báu cho đám hậu duệ. "Bà" bị hư thai vài lần, hạ sinh được mấy mụn con, có trẻ sơ sinh chết ngay khi lọt lòng mẹ, 1 hoàng tử sống sót, nhưng có vấn đề tâm thần. Công chúa Margarita, sinh năm 1651, nhân vật số 1 trong tranh LM, tuy không bệnh tật nhiều nhưng cũng chẳng trường thọ, sau khi lập gia đình 6 năm, lại về nơi chín suối lúc mới 22 tuổi (1673). Đó là sơ lược bối cảnh vương triều Tây Ban Nha khi DV dựng giá vẽ, phóng bay phóng cọ chuẩn bị làm nên lịch sử.

Đi tới đi lui, ngắm ngang ngắm dọc, rồi dừng chân trước Las Meninas, người xem tranh sẽ nhận ra nó là tập hợp của 11 nhân vật và 1 chú chó đang ngủ gà ngủ gật, với bố cục rất khác biệt so với tranh chân dung hoàng gia truyền thống. Xét qua mặt kỹ thuật màu sắc, nhân vật số 1 "La Infanta Margarita" (viết tắt LIM), nàng công chúa bé bỏng chan hòa ánh sáng, chiếm vị trí trung tâm. Như đã nhắc ở trên, cô bé là đứa con khỏe mạnh độc nhất, dự tính sẽ được gả cho Hoàng đế Leopold I, thuộc dòng đế chế Habsburg, vừa là ông cậu, vừa là anh họ. Thời ấy chưa có máy ảnh, nên DV được triều đì̀nh Tây Ban Nha trao nhiệm vụ, lâu lâu phải thực hiện một bức chân dung LIM gửi cho người chồng tương lai, vừa để cập nhật thông tin, vừa hy vọng giữ tình yêu đôi lứa gắn bó. Cuối cùng, khi nàng "xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" đủ 15 tuổi (1666), lễ thành hôn được tổ chức long trọng tại Vienna, Áo. Vợ sau đó vẫn tiếp tục gọi chồng là cậu. Mặn nồng với nhau 6 năm, nàng mang thai tổng cộng 6 lần, 2 lần hư thai, hạ sinh 4 người con, nhưng 3 chết yểu. Thời ấy khoa học chẳng biết gì về DNA, lờ mờ về di truyền, mông lung về hậu quả việc kết hôn cùng huyết thống, nên "La Infanta Margarita" cứ thế đổ hết tội vạ lên đầu cộng đồng người Do Thái đã làm điều gì phạm thượng, rồi ra lệnh đuổi họ khỏi thành Vienna.
 

Năm 1666 sau khi vua Philip IV băng hà, toàn bộ mọi sưu tập nghệ thuật của triều đình được kiểm kê. Trong danh sách cập nhật nói trên, người ta có nhắc sơ lược đến một bức tranh treo trong cung điện Royal Alcázar of Madrid, phòng làm việc riêng của nhà vua, do DV vẽ năm 1656, mô tả một khoảnh khắc đời sống hoàng gia, bao gồm công chúa cùng các nàng hầu, nhưng không ghi rõ tên. Có thể đây là thông tin chính thống đầu tiên về LM. Giữa năm 1819 nó được chuyển từ cung điện sang bảo tàng Prado, và hơn 20 năm sau mới được chính thức đặt tên là Las Meninas/Các Thị Nữ. Cần biết rằng, tại vương triều Tây Ban Nha, Las Meninas không phài là Thị Nữ bình thường như ở Á Châu. Muốn được vào cung cấm với chức phận ngày đêm túc trực hầu hạ công chúa, các cô gái này phải xuất thân từ gia đình có đẳng cấp, nên thường được kính trọng xứng đáng, "Các thị nữ" không mang ý nghĩa miệt thị, trái lại là khác.

Nhân vật số 2 và số 3, cũng tỏa sáng tương đối không thua gì La Infanta Margarita, là 2 thị nữ còn trẻ măng María Agustina Sarmiento và Isabel de Velasco. Một cô đang quỳ gối, dâng lên LIM chiếc bình đựng nước uống. Công chúa tuy quay đầu nhìn ra trước, nhưng nét mặt hoàn toàn không chứng tỏ thái độ chê bai. Chắc nàng chợt thoáng thấy chuyện gì hấp dẫn? Cô kia đang trong tư thế cúi thấp người chờ mệnh lệnh. 2 người lùn: nhân vật số 4 bà Mari Bárbola, đã lớn tuổi nên trông khá chững chạc, còn số 5 Nicolasito Pertusato còn trẻ, bị bắt quả tang nghịch ngợm đá vào lưng con chó đang ngái ngủ. Nhân vật số 6 Marcela de Ulloa, khăn trùm kín đầu, y phục như nữ tu, đang thì thầm nhỏ to trò chuyện với người hầu cận khác - số 7 - có thể là nhân viên bảo vệ không rõ tên. Số 8 là viên thị thần José Nieto, đứng ở cửa chính, chân trên chân dưới vén màn sửa soạn bước ra khỏi căn phòng, nhưng phải quay đầu lại, vì một chuyện gì đó quan trọng đang xảy ra? Nhân vật số 9 chính là DV, cha đẻ bức tranh. Và cuối cùng, số 10 và 11, tuy mờ mờ nhân ảnh nhưng dư thừa ánh sáng, xuất hiện trong tấm gương treo gần cửa ra vào, chính là Hoàng Hậu Mariana of Austria và Vua Philip IV. Sau khi xác định rõ danh tánh 11 nhân vật trong bức tranh, chúng ta bắt tay nhập cuộc vào chính sự.

Một trong các thắc mắc chủ yếu, cần lời giải thích là sự hiện diện "gián tiếp trong tấm gương" của Hoàng Hậu Mariana of Austria và Vua Philip IV. Phải chăng 2 vị này chỉ đóng vai trò thứ yếu trong tranh? Tưởng "dậy" mà không phải "dậy". DV đã mượn Las Meninas để chứng minh rằng, nhân vật "hậu trường" cũng quan trọng không kém. Khỏi cần bàn luận lung tung, nhìn hình ta biết ngay La Infanta Margarita là nhân vật trung tâm, thơ ngây kháu khỉnh ngời ngời, biểu hiện cho tương lai tươi sáng của vương triều Tây Ban Nha. Đang đứng trước giá vẽ đồ sộ, tay cầm cọ và bảng màu, chính là DV. Nhưng rõ ràng đa số các nhân vật trong tranh - tỏa sáng hay không - nằm ngoài tầm ngắm của họa sĩ. Ông ta nhìn thẳng về phía trước, nhắm vào vị trí người đang đứng ngắm tranh, vào thời điểm này chính là Hoàng Hậu Mariana of Austria và Vua Philip IV, phản chiếu trong tấm gương treo. Cũng có thể sức khỏe Vua Philip IV đã xuống cấp đáng kể, nên ông ta không muốn ai phác thảo chân dung mình rõ mồn một, chỉ có hại, khi chưa thể xác định người nối ngôi? LIM trong tranh, cùng 5 nhân vật khác lại đang quay nhìn ra ngoài. Hóa ra chúng ta - những người đang xem tranh - vừa đang quan sát, lại đang bị quan sát - nên dễ hòa nhập hẳn vào cái không gian sống động, 2 phía cứ nhìn qua ngắm lại. Mặt khác chúng ta đứng chung hàng ngũ với vua chúa, như vậy vương triều trở nên gần gủi hơn, mang tính người nhiều hơn, trong mắt những người xem tranh.
 

Kỹ thuật hội họa nói trên - vào thế kỷ XVII là một trong những sáng tạo mới mẻ - khơi lên nhiều ấn tượng khác biệt so với những bức hoạ "bình thường". Nhưng đồng thời nó cũng dễ khiến chúng ta có thể giải thích chủ tâm của tác giả theo 2, 3 hướng khác nhau. Nói cho đúng, gián tiếp đưa nhân vật nào đó vào tranh vẽ, qua hình thức tấm gương phản chiếu, đã từng được áp dụng trong thời kỳ Phục Hưng. Rất nổi tiếng là bức tranh sơn dầu "The Arnolfini Wedding/Đám cưới Arnolfini" (1434) hay còn được gọi là "Chân dung Arnolfini" của họa sĩ Jan van Eyck (Hình 3). Quan sát tấm gương tròn khung 9 cánh màu nâu treo ở cuối căn phòng, chúng ta cũng thấy mờ mờ nhân ảnh xuất hiện 2 nhân vật khác, 1 trong 2 vị này chính là họa sĩ Jan van Eyck?
 

Hình 3: Nguồn Wikimedia Chân dung Arnolfini/Jan van Eyck – 
National Gallery, London
Hình 4: Nguồn Wikimedia, Venus vor dem Spiegel/Vệ nữ trước gương. 
Diego Rodríguez de Silva y Velázquez - The National Gallery, London.

Ngay cả chính bản thân DV, trong thời gian từ 1647 đến 1651, từng sáng tác bức tranh mang tên "Venus del espejo/Vệ nữ trong gương" (Hình 4), lấy ý tưởng từ nàng "Vệ nữ và gương soi" của Peter Paul Rubens, vẽ chừng 30 năm trước đó. Điểm khác biệt là vệ nữ của Rubens, dư thịt dư mỡ (đặc trưng lối vẽ phụ nữ của họa sĩ này), nhìn thoáng giống như miếng thịt nguội jambon khổng lồ, còn cô nàng của DV thon thả thắt đáy lưng ong, đúng là "đẹp như tranh vẽ". Chúng tôi sẽ viết về đề tài này trong tương lai, bây giờ xin được quay trở lại Las Meninas.

Các phê bình gia bức LM còn lưu ý chúng ta một chi tiết đặc biệt khác. Tranh tuy được vẽ vào thế kỷ XVII (lúc chưa có máy ảnh), nhưng DV hình như đã đi trước các đồng nghiệp cùng thời, đón trước tương lai. Ông cho ra đời bức tranh vẽ hầu như thu tóm hết mọi nét mặt, mọi cử động, thậm chí mọi suy nghĩ của nhân vật trong một tích tắc đồng hồ, nhưng không cứng đơ, gượng ép. Với bức tranh bất tử này, ông cũng hóa thân thành nhiếp ảnh gia, bấm máy đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đúng việc.

LM còn chứa đựng 2 bức tranh lớn treo phía trên tấm gương ở cuối phòng, là bản sao nhóm các họa phẩm của Peter Paul Rubens, nội dung lấy từ sử thi thần thoại Metamorphosis, tác giả người La Mã Ovid. Bức thứ nhất phỏng theo chuyện nữ thần Hy Lạp Athena (sang thời La Mã phải biến thành nữ thần Minerva cho hợp chuẩn) và nàng "phó thường dân" Arachne tranh tài dệt vải. Kết quả: bên 8 lạng bên nửa cân, với phần thắng hơi nghiêng về Arachne. Nữ thần Athena ghen tức bèn phù phép biến nàng "phó thường dân" thành con nhền nhện, suốt đời giăng tơ không ngừng không nghỉ. Bức thứ hai dựa theo chuyện con nhân dương Marsyas, nửa người nửa dê, thách đấu thổi sáo với thần Apollo. Apollo dĩ nhiên chiến thắng, bèn treo ngược con nhân dương Marsyas lên cây rồi lột da đến chết cho chừa cái thói hỗn xược, ngạo mạn. Điều đáng nói là 2 bức tranh đều mô tả chủ đề: "phó thường dân" tranh đua nghệ thuật với thánh thần. Vào thời đại DV đang sống, hội họa vẫn còn đóng vai trò thứ yếu, so với 2 bộ môn văn học nghệ thuật khác là âm nhạc và thi phú. Phải chăng DV cố ra sức cổ vũ cho hội họa, qua đó nâng tầm quan trọng của chính bản thân?

Chẳng có gì lạ, LM trở thành tác phẩm kinh điển, khiến không ít nhà danh họa về sau này, Francis Bacon, Pablo Picasso, Salvator Dali, Manet v.v. dựa vào nó để học hỏi thêm. Chúng ta chỉ là người xem tranh, vấn vương bao nhiêu thắc mắc, rồi hệ thống thần kinh không chịu nằm yên, cố cựa quậy tìm giải đáp này nọ. Có thật Diego Velázquez cố tình đưa vào tranh các ẩn dụ như trên? Hay chỉ là cách diễn giải của chúng ta, của các nhà phê bình hội họa mấy trăm năm sau? Xin mượn lời cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều để chấm dứt bài này:

...

Lời quê góp nhặt dông dài
Mua vui cũng được một vài trống canh.
 

Tài liệu tham khảo:

1- 100 Masterpieces of Painting/Michel Nuridsany

2- 149 Paintings You Really Need to See in Europe/Julian Porter

3- Chi tiết về Las Meninas tại Bảo tàng viện Prado.

Khả Tri