Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tây ..Ban Nha.. du ký

Phần III: Hơi bị lạc đề 
vì mải tìm bóng dáng Herodotus.

Khả Tri

- Phần I : Dư âm sau chuyến thăm Granada
- Phần II : Cát bụi Granada
- Phần III: Hơi bị lạc đề vì mải tìm bóng dáng Herodotus
- Phần IV: Nhớ Alhambra - Recuerdos de la Alhambra.
- Phần V : 3 điều 4 chuyện về tiếng Tây Ban Nha.
Thời bình, con chôn cất cha. Thời chiến, cha chôn cất con.
Herodotus (sống khoảng thế kỷ V trước công nguyên)
Ai cũng biết rằng, trước khi đi thăm viếng những nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hóa v.v. chúng ta cần chuẩn bị tìm hiểu, thu thập một số kiến thức cơ bản. Có như vậy, đến tận nơi, ta thấy được nhiều hơn những gì ta nhìn, cảm được nhiều hơn những gì ta thấy, và hiểu được nhiều hơn những gì ta cảm. Đúng như Ryszard Kapuściński,nhà văn Ba Lan thường viết hồi ký theo thể phóng sự, lập luận "Mọi hành trình, thật ra đã bắt đầu trước khi chúng ta khởi hành, và vẫn tiếp diễn sau khi chúng ta trở về mở cửa vào nhà, thậm chí không bao giờ chấm dứt."

Nhiều vị khách lữ hành, chắc cũng từng sống với cảm giác tương tự như trên, cứ mỗi lần có điều kiện du lịch, lại thấy mình đi ít nhất 3 chuyến, vừa trong mộng tưởng vừa "người thật việc thật". Chuyến đầu tiên, vài tuần, vài tháng trước ngày khởi hành, như đứa bé chập chững dò từng bước đi, lạc trong những huyền thoại do mình tạo ra, qua tài liệu, sách vở, mạng internet, kênh youtube v.v. Cho nên người thân, bè bạn, ông xã hay bà xã v.v. thường khuyên bảo, này này xem đây đó đầy đủ cả rồi, đâu cần phải đi du lịch làm chi cho tốn tiền! Nghe cũng có lý ra phết. Đó là chưa kể bao nhiêu thứ linh tinh rất quan trọng phải chuẩn bị: xin chiếu khán, sổ thông hành, giấy tờ tùy thân, tiền bạc, phương tiện di chuyển, thuốc men, bảo hiểm sức khỏe, quần áo, điện thoại v.v. Chuyến thứ hai, tận mục sở thị các điểm đến như lăng tẩm, cung điện, giáo đường, đền đài, chùa chiền, thành quách, bảo tàng, phố xá, chợ búa, núi non, sông biển v.v. Khi thì hòa theo dòng người tấp nập phố phường, lúc thì thả bước chân tĩnh lặng giữa hoa lá, đón tiếng thì thầm của nắng mưa, lao xao sáng sớm mù sương hay xốn xang bóng đêm mịt mù. Rồi hàng muôn triệu hương vị, tín hiệu thẩm thấu óc não, bên cạnh những vật thể, hình hài tưởng rằng vô tri vô giác, lại biến thành chìa khóa giúp ta mở cánh cửa đi vào không gian xa lạ. Chuyến thứ ba, cứ tạm xem là chuyến cuối, một hành trình đầy đủ cả phân tích, tổng hợp, ngộ nhận, hài lòng, thất vọng v.v. Lại phải mượn lời Ryszard Kapuściński: "... đúng thế, du lịch có cái gì đó như căn bệnh nan y dễ lây lan không có thuốc chữa". Dù trẻ mệt theo trẻ, già mệt theo già, nhưng vẫn bị đam mê lôi cuốn, đi để nhận chân cái giới hạn, u mê, nghèo nàn của bản thân, đối diện cái bao la, đa dạng, phức tạp muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.

Hiện nay phóng sự về các chuyến du lịch Tây Ban Nha thì hằng hà sa số. Tôi cũng cố gồng mình xoay sở để góp vào đây một vài hạt cát rất nhỏ bé, tuy nhiên xin bạn đọc cho phép tôi được lạc đề tí xíu, nhắc đến 3 nhân vật, từng sống và du hành đi đây đi đó ở 3 giai đoạn lịch sử khác nhau. Lạc đề bởi vì 2 vị đầu tiên (Herodotus, Huyền Trang) chẳng liên quan gì tới Tây Ban Nha, thậm chí thầy Huyền Trang đi thỉnh kinh Phật mất hết 17 năm nhưng không viết phóng sự, riêng vị thứ 3 (Washington Irving) dính dáng chút ít tới Tây Ban Nha qua tác phẩm "Tales of the Alhambra" chấp bút trong và sau thời gian ông sống ở Granada.

Herodotus.

Xin thú thật là với riêng tôi, cái tên Herodotus (sinh vào khoảng 485 trước công nguyên/TCN - mất 425 TCN) vẫn còn quá xa lạ so với sử gia Tư Mã Thiên (145 TCN - 86 TCV). Sự nghiệp cầm bút của 2 cụ tuy đều gắn bó mật thiết với lịch sử, nhưng Herodotus thường được phong làm người khai sinh ra ngành Sử học, một phần vì ông ta ra đời trước Tư Mã Thiên gần 350 năm. Bản thân Herodotus hoàn toàn không biết đến một số vĩ nhân hầu như sống cùng thời: Thích Ca Mâu Ni (mất vào khoảng 544 TCN), Lão Tử (571 TCN - 471 TCN), Khổng Tử (554 TCN - 479 TCN). Mở mắt chào đời tại Halicarnassus (thuộc địa của Hy Lạp nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), đến tuổi thành niên Herodotus bỏ quê quán tìm cách định cư tại Athens. Mặc dù được giới thượng lưu, học thức tại đây kính nể (anh ta hình như quen biết cả Socrates?) và ủng hộ tài chính, nhưng - một phần vì không đủ tiêu chuẩn xin quyền công dân Athens, phần khác chắc được sao Thiên Mã chiếu mệnh?? - anh ta lại khăn gói quả mướp lên đường. Bước chân phiêu bạt giang hồ dẫn anh ta sang miền Nam Ý, ghé đảo Sicilia, xông xáo trong nhiều khu vực bên bờ tây bắc và tây nam biển Đen, rồi xuôi theo dòng sông Euphrates trôi nổi đến tận Babylon và cả Ai Cập. Herodotus có thể là vị khách lãng du đầu tiên, vừa đi vừa hóng chuyện vừa suy diễn vừa ghi chép.


Herodotus

The Histories/Lịch sử (Historiai nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp là điều tra) công trình nổi tiếng của Herodotus, chủ yếu viết về cuộc chiến giữa đế chế Ba Tư và các thành bang Hy Lạp 499-479 TCN, đã đặt nền móng cho cách viết về những biến cố trong quá khứ. Theo ông các biến cố lịch sử xảy ra không chỉ hoàn toàn do thần thánh can thiệp, ông cũng không tập trung vào việc sắp xếp chúng theo thứ tự ngày tháng, như những học giả trước ông thường làm. Đào sâu hơn, Herodotus chú trọng giải thích những gì xảy ra một cách có hệ thống, tìm hiểu nguyên nhân, hậu quả, các mối quan hệ tương tác, đặt mọi sự kiện trong bối cảnh đặc thù về văn hóa, chính trị, địa lý; thay vì chỉ ghi chép lại một cách máy móc. Tuy nhiên ông đôi khi cũng sa đà phân tích, nhận định, thêm mắm thêm muối vào sự kiện lịch sử, khiến giới nghiên cứu từng đánh giá ông ta không chỉ là "Cha đẻ Sử học" mà còn là "Tổ sư phịa chuyện".

Một trong những huyền thoại bị Herodotus biến thành sự kiện "người thật việc thật" là chuyện "Kiến vàng" (vàng đây là kim loại quý, chứ không phải kiến vàng khác với kiến đen, kiến lửa). Theo tác giả, ở vùng cực đông đế chế Ba Tư (nay thuộc Ấn Độ) nhiều bộ lạc đã bị thần phục, sống chung với loài kiến to hơn con chồn, nhưng nhỏ hơn con chó, chạy nhanh như mũi tên bay. Vì không chịu được ánh nắng gắt, nhiệt độ cao, chúng đào hầm di chuyển dưới đụn cát và vô tình qua đó đẩy vàng lên mặt đất. Thổ dân cứ thế thi nhau mà lượm, tuy rằng rất nguy hiểm, vì "Kiến vàng" đánh hơi người rồi tấn công. Herodotus mượn câu chuyện nói trên để tìm cách giải thích nguồn tài chính của đế chế Ba Tư, một phần dựa vào triều cống - kể cả vàng - từ các bộ lạc bên Ấn Độ? Cũng có thể Herodotus lầm lẫn vì hóng chuyện ba chớp ba nhoáng: tiếng Ba Tư cổ, từ ngữ chỉ loài sóc lông vàng óng ánh (sống trong hang nằm sâu dưới đất tại núi Hy Mã Lạp Sơn) phát âm nghe tương tự như từ ngữ chỉ loài kiến.

Huyền thoại thứ hai, bị Herodotus biến thành sự kiện là chuyện nghệ sĩ Arion được cá heo cứu mạng. Arion người có giọng hát thiên phú và chơi đàn dây thiện nghệ, thuê thủy thủ, thuyền buồm chở của cải về quê quán. Trên đường vượt biển, bọn thủy thủ nảy sinh ý định cướp hết của cải, nên đặt điều kiện với Arion: hoặc anh ta phải tự sát, rồi sẽ được chôn cất tử tế trên đất liền, hoặc bị đẩy vào đại dương chết mất xác. Arion xin được đàn hát lần cuối trước khi nhảy xuống biển khơi. Tiếng hát lẫn ngón đàn tuyệt diệu của anh ta vô tình lôi cuốn một con cá heo nấp dưới đáy thuyền, chờ khi Arion nhảy xuống thì vớt anh ta lên lưng rồi đưa vào bờ. Bọn cướp hình như sau đó bị tóm cổ, riêng Arion là nhân vật hư cấu hay "người thật việc thật" vẫn còn đầy nghi vấn. Herodotus khẳng định ông ta chỉ nghe người ta kể lại, thực hư ra sao chưa rõ ràng, nhưng ông đã nhìn thấy tượng Arion cửi trên lưng con cá voi.

Trên 2000 năm sau thời đại Herodotus, Walter Raleigh nhà thám hiểm kiêm thi sĩ kiêm cướp biển v.v. thuộc giai tầng quý tộc Anh được phong tước hiệp sĩ, với phóng sự về các chuyến đi đây đi đó tìm vàng (1595-1596) "The Discovery of Guiana/Khám phá Guiana" vẫn còn tin rằng có một giống thổ dân, đầu thụt xuống nằm trên ngực, sống ở Guiana, Nam Mỹ. So với vị hiệp sĩ sống 2000 năm sau thời đại của mình nói trên, Herodotus mặc dù chịu những giới hạn khách quan của lịch sử, xem ra còn đáng tin cậy hơn.


Người không đầu, hình trong phóng sự của Sir Walter Raleigh, 
The Discovery of Guiana.
Nguồn: wikimedia

Vào cuối thế kỷ thứ V TCN, kiến thức của giới tinh hoa, từng đi đây đi đó Hy Lạp còn rất giới hạn. Thế giới (theo Hecataeus 550 TCN-480 TCN) được chia làm 3 vùng đất rộng lớn: Âu châu, Á châu và Phi châu. Ngoài chủng tộc Hy Lạp, các giống người khác là bọn man ri mọi rợ. Họ biết khá sơ sài về biển Đen, thêm một ít thông tin về phía bắc vùng này dựa vào Herodotus. Phi châu là vùng đất hầu như hoàn toàn xa lạ. Những gì được xem là Á châu (nền văn minh Trung Hoa chưa phải là khái niệm cụ thể) kể cả khu vực có người Ả rập chỉ loanh quanh cho đến thung lũng Indus. Ngoài các vùng này thế giới là sa mạc bí hiểm, đại dương bao la không có người sinh sống.

(còn tiếp)
Tài liệu tham khảo: Sách "Travels With Herodotus", tác giả Ryszard Kapuściński, 2007;

và các kênh: TED ED, Youtube, Wikipedia v.v.