Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tây ..Ban Nha.. du ký

Phần IV: Nhớ Alhambra - Recuerdos de la Alhambra.
 

Khả Tri

- Phần I : Dư âm sau chuyến thăm Granada
- Phần II : Cát bụi Granada
- Phần III: Hơi bị lạc đề vì mải tìm bóng dáng Herodotus
- Phần IV: Nhớ Alhambra - Recuerdos de la Alhambra.
 
Hình 1: Quán rượu kèm món nhậu truyền thống, tồn tại từ 1929 đến nay, tuy ở Madrid nhưng mang tên Alhambra.
Hình 2: Một phần quần thể Alhambra với danh hiệu "pháo đài đỏ". Nhìn từ xa, khá thô kệch, vào bên trong mới thấy những nét đẹp tiềm ẩn.

Trong số các kiến trúc phong cách Hồi giáo, cổ thành Alhambra và đền Taj Mahal là 2 điểm đến khá nổi tiếng với khách du lịch thế giới. Đền Taj Mahal ở Agra, Ấn Độ, tổ chức đi thăm viếng quá nhiêu khê, nên tôi phải (tạm?) gác lại, chưa may mắn được trực tiếp mắt thấy tai nghe. Quần thể Alhambra, tôi đã thực mục sở thị trong chương trình 2 ngày lang thang tại thành phố Granada.

Xin được phép nêu câu hỏi rằng có phút giây nào quý bạn đọc đã bị tiếng nhạc "Recuerdos de la Alhambra/Nhớ Alhambra" của Francisco Tárrega làm cho mê hoặc? Nhiều người quả quyết như đinh đóng cột, bất cứ ai chơi Tây Ban Cầm phong cách cổ điển hay flamenco, nếu nhuần nhuyễn với tremolo (kỹ thuật dùng từ 2 đến 3 ngón tay phải, móc dây đàn liên tục, là đòi hỏi cơ bản khi chơi "Recuerdos de la Alhambra") thì coi như "đạt". Bỏ qua kiểu đánh giá này, bản thân tôi - chỉ đủ khả năng ôm guitar năm thì mười họa, ngày đực ngày cái - từ mấy chục năm qua, vẫn cảm thấy nhạc phẩm này rất quyến rũ, mà không thể giải thích tại sao. Cứ mỗi lần cung đàn "Nhớ Alhambra" vang lên, tôi nghe như tiếng một loài chim ăn đêm nào đó, lìa cành rời cội bay đi, thảng thốt vang vọng, chọc thủng không gian tù mù của ký ức. Hay đó là linh hồn Thục Đế, đầy tiếng khắc khoải, như trong bài thơ chữ Nôm "Cuốc kêu cảm hứng" của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.

Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ?
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
...

Nhưng từ vài năm nay, sau khi tôi được ghé thăm cổ thành Alhambra, những nốt nhạc quyến rũ nói trên lại chuyển hướng, dần dần đi sâu vào các ngõ ngách khác của tâm hồn, tìm cách ngự trị mọi cung bậc rung cảm không thể nào nắm bắt cụ thể. Nhiều nhà phê bình âm nhạc, khẳng định chủ đề của "Nhớ Alhambra" là ký ức về âm thanh vang vọng, từ các vòi phun nước róc rách thuộc khu vườn thượng uyển. Hơn 1 thế kỷ trước, đúng ra là vào năm 1896, Francisco Tárrega trong một chuyến lưu diễn, ghé Granada, rồi được đưa đi thăm viếng cổ thành Alhambra. Đã ngoại tứ tuần (44 tuổi), Francisco Tárrega không còn "máu mặt" sôi nổi của thời trai trẻ, nhưng thấm thía Alhambra đẹp ngây ngất, "chàng" bỗng biến thành cậu bé đang tuổi dậy thì, bất chợt tìm thấy mối tình đầu. Nhạc phẩm này mở mắt chào đời trong hoàn cảnh như thế đấy. Quý bạn đọc có thể nghe thử, qua tiếng đàn của nữ nghệ sĩ Kim Chung, theo đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=J3b2DKcBrPg

Alhambra nguyên thủy chỉ đóng vai pháo đài quân sự (cho đến cuối thế kỷ IX), tọa lạc trên ngọn đồi cao áp sát dòng sông Darro, chảy qua thành phố Granada. Chiếm vị thế chiến lược quan trọng, từ thế kỷ XIII nó dần dần được xây cất mở rộng thêm ra, biến thành một quần thể kiến trúc bao gồm cung điện, thành quách, doanh trại, vườn thượng uyển v.v. Alhambra có thể bắt nguồn từ gốc tiếng Ả rập mang ý nghĩa "pháo đài đỏ/al-Qal’ah al-Hamra", là thành trí cuối cùng của lực lượng Hồi giáo trên báo đảo Iberian, theo kiến trúc Hồi giáo, hay nói chính xác hơn, phong cách người Moor. Chủng tộc người Moor (chỉ là tên do người Âu châu thời Trung cổ đặt ra, không có giá trị về mặt chủng tộc học) là hỗn hợp nhóm người du mục thiện chiến Berbers Bắc Phi, người Ả Rập quanh vùng Damascus. Các triều đại vua chúa gốc Moor thay nhau cai trị miền Nam Tây Ban Nha (Andalusia) suốt gần 800 năm, đến 1492 mới hoàn toàn cáo chung.

Sự giao thoa mang tính lịch sử, từ tất cả những yếu tố nói trên, đã sản sinh ra nền văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Alhambra được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1984, là một minh chứng cụ thể, cái đẹp bao gồm nhiều chi tiết cột kèo, khung hình cung, hoa văn, chạm trổ, gạch lát tường, sàn, trần nhà. Tiếc là khả năng nhiếp ảnh của tôi quá tệ, nên nhiều hình ảnh trưng ra trong bài viết này, không diễn tả được hết các nét đẹp tuyệt vời, sáng tạo từ bàn tay quý báu của nhiều nghệ nhân, thợ xây cất, công trình sư v.v. mà tên tuổi tiếc thay đã tan biến và bị xóa nhòa trong quá khứ. Chiến tranh thắng bại, gặm nhắm thời gian, thiên tai v.v. cũng để lại khá nhiều dấu tích hủy hoại:

a) Sau thời kỳ Reconquista (1492), Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh Charles V, ra lệnh phá bỏ một số di tích để lấy chỗ xây cung điện mới theo kiến trúc phong cách Phục Hưng (1526). Hậu duệ ông ta sau đó từ chối về sống ở đây, hậu quả: quần thể Alhambra bị bỏ hoang cho đến đầu thế kỷ XVIII, có thời gian từng bị sử dụng làm nhà tù, nên xuống cấp trầm trọng.
b) Quân đội Napoleon (1812) sau trận đánh chiếm Granada đã gây ra bao nhiêu hư hại cho cổ thành Alhambra, thậm chí ông ta còn dự tính phá hủy nó sau khi rút quân. Hoàng đế Napoleon Bonaparte - nổi tiếng trong lịch sử - vì trong chiến dịch càn quét các vương quốc Âu châu, đã thâu tóm/cướp trắng trợn rất nhiều tác phẩm mỹ thuật, đa số là họa phẩm nổi tiếng, đem về Pháp.

c) Tường thành nứt nẻ, đất chuồi v.v. xảy ra sau nhiều cơn địa chấn nhỏ trong quá khứ, với trận động đất cuối cùng năm 1821.

Nhưng trước tiên xin được lướt qua một số khái niệm kiến trúc căn bản, liên quan đến quần thể Alhambra. Trên nguyên tắc, Hồi giáo không cho phép con người sáng tạo ra sinh vật qua bất cứ hình thức nghệ thuật nào, vì đó là quyền năng tối thượng duy nhất của Allah (Thượng Đế), vừa vô hình lại vừa hiện hữu khắp mọi nơi. Thăm viếng Alhambra, chúng ta hầu như sẽ không thấy kiểu trang trí dùng hình tượng sinh vật, con người (với ngoại lệ là Cung điện Sư tử/Court of the Lions, chi tiết xin xem tiếp ở phần sau). Thay vào đó là các họa tiết kết hợp từ hoa lá, hay thư pháp dùng chữ viết Ả rập, đa số trích từ kinh Qur’an, vừa lộng lẫy, vừa tinh xảo, mượn ảnh hưởng tổng hợp màu sắc, ánh sáng để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có một không hai.
 
Hình 3: trần nhà Sala de las dos Hermanas, cung điện Palacios Nazaries
Hình 4: hoa văn, thư pháp trên tường trong cung điện Palacios Nazaries

Có thể xuất phát từ các kiểu trang trí bằng hoa văn nói trên mà khái niệm nghệ thuật Arabesque xuất hiện tại Âu châu thời kỳ Phục Hưng. Và Arabesque sau này đã lan sang âm nhạc, múa ballet v.v. Tuy nhiên đây là đề tài còn gây nhiều tranh cãi và nhiêu khê, nên xin được bàn lại trong một dịp khác.

Thông thường kiến trúc mang phong cách Hồi giáo cổ xưa, nếu có tường cao bao bọc, nhìn từ bên ngoài, chúng ta khó biết đó là nơi thờ phượng, hay cung điện vua chúa. Nói thế để chúng ta hiểu rằng, kiến trúc đặc trưng Hồi giáo về đại thể khá uyển chuyển, quần thề ít nằm theo một trục đối xứng nhất định, thường không có một tâm điểm, các phần mở rộng, cũng ít dựa theo một quy luật nhất định. Ngoài ra kiến trúc phía bên ngoài (tương đối đơn giản) đôi khi đối kháng với trang trí bên trong (lộng lẫy, chi tiết).
 

 

Khung hình cung móng ngựa/ horseshoe arch không ít thì nhiều là đóng góp của kiến trúc Hồi giáo, phát triển từ loại khung hình cung thô sơ của các bộ tộc Visigoths, kể cả Hy Lạp, La Mã thời cổ đại.

Khung hình cung nhọn đầu xuất hiện trong nhiều kiến trúc của người Moor, sau này được phát triển và áp dụng trong kiến trúc Gô-tích.

Hình 6: 3 khu vực chính thuộc quần thể Alhambra

Diện tích quần thể Alhambra (không tính khu Generalife) khá khiêm tốn, bề dọc chừng 750 thước, bề ngang chỗ rộng nhất hơn 200 thước, toàn bộ chu vi tường thành bao bọc chừng 2000 thước, có 7 cửa ra vào và 29 vọng gác to nhỏ, cơ bản được chia làm 3 khu vực chính (Hình 6):

- Khu doanh trại quân sự Alcazaba: nơi sinh sống của binh lính lực lượng phòng vệ.
- Khu hoàng cung: Nasrid Palaces, Lion’s Court, Medina v.v. hoàn toàn dành riêng cho vua chúa, quý tộc, kẻ hầu người hạ v.v.

- Khu vườn thượng uyển Generalife Garden: nằm đối diện với quần thể Alhambra, nơi vua chúa đến nghỉ ngơi, xả xì-trét.

Hằng năm (đại dịch Covid-19 là ngoại lệ) số khách du lịch đạt mức kỷ lục, từ 2 đến 3 triệu. Tuy nhiên để tránh tình trạng ô nhiễm do quá đông người có thể gây hư hại di tích, ban tổ chức hiện nay chỉ cho phép chừng trên 8000 lượt du khách mỗi ngày được vào thăm viếng. Vì thế đặt vé trước khi vào tham quan Alhambra là việc tối cần thiết, đặc biệt các tháng mùa Xuân, mùa Hạ. 1 ngày thăm viếng có thích hợp chăng thì tùy sở thích khách lữ hành: vừa tạm đủ hay chỉ "cưỡi ngựa xem hoa"? Một trong các hình thức gây ô nhiễm là thực trạng đám khách vô trách nhiệm, cố ý khắc tên mình, ngày tháng viếng thăm lên các bức tường cổ, trong đó có cả nhân vật nổi tiếng như họa sĩ kiêm văn sĩ người Anh Richard Ford (1796-1858). Nhà văn Mỹ Washington Irving (1783-1859) trong thời gian ghé thăm Alhambra đã nổi sùng trước thảm trạng nói trên. Ông và người bạn thân năm 1829 quyết định trao tặng một cuốn sổ lưu niệm dày cộm cho ban quản trị, hy vọng khách viếng thăm sẽ ghi tên mình vào đó thay vì bôi bẩn lên di tích. Biện pháp "bảo tồn di tích lịch sử gián tiếp" đầu tiên này ngờ đâu thành công mỹ mãn. 351 trang giấy đầy kín tên họ ngày tháng của bao người không, lẫn có tiếng tăm như họa sĩ Henri Matisse hay Federico Garcia Lorca đứa con thân yêu của TBN v.v. và tự nó trở thành tài liệu lịch sử quý giá.
 
Hình 7: bên ngoài doanh trại Alcazaba
Hình 8: Torre de la Vela/Tháp canh hay
còn gọi là Tháp chuông

Mở đầu cuộc thăm viếng chúng ta ghé Khu doanh trại Alcazaba (Hình 7) bao gồm thành quách, vọng gác v.v. và sau này có giai đoạn trở thành nhà tù. Một trong những điểm thu hút khách du lịch là Tháp canh hay tháp chuông Torre de la Vela (Hình 8), thể hiện rõ nét sự vô thường của một quá khứ vàng son. Vào ngày 2 tháng 1 năm 1492, ngọn tháp canh này trở thành "chứng nhân" cho biến cố lịch sử bản lề: sự cáo chung của triều đại tiểu vương Hồi giáo Nasrid trên toàn cõi Tây Ban Nha/TBN. Phe Thiên Chúa giáo chiến thắng, đại diện bởi Vua Ferdinand II of Aragon và Hoàng Hậu Isabella I of Castile, cùng vị Hồng Y giáo chủ Francisco Cisneros, và khá nhiều tùy tùng, kể cả nhà thám hiểm đại dương tương lai Christopher Colombus. Cờ xí và quốc huy phe chiến thắng được mang lên treo trên ngọn tháp nói trên. Hiện nay 4 lá cờ khác nhau được treo tại đây, bao gồm cờ Cộng Đồng Châu Âu màu xanh dương, cờ TBN vàng và đỏ, cờ vùng Andalusia xanh lá cây và trắng, cờ Granada đỏ và xanh lá cây. Đặc biệt đoàn quân từ vương quốc Castile mang theo một quả chuông lớn, treo trên tháp canh làm biểu tượng chiến thắng. Hằng năm cứ vào ngày 2 tháng 1, chuông được gióng lên ăn mừng biến cố lịch sử Día de la Toma/Ngày chiến thắng. Tuy nhiên hiện nay tại TBN, đặc biệt trong vùng Granada có những phe phái muốn lợi dụng truyền thống văn hóa nói trên để kích động lòng thù hận, khơi dậy chủ nghĩa quốc gia và tôn giáo cực đoan.

Trong thời cận đại, tiếng chuông ngân (không còn là quả chuông nguyên thủy) từng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của thành phố, báo hiệu giờ giấc đóng/mở các cửa cống tháo và tưới nước cho vùng ruộng đồng Granada. Lại có giai thoại (chắc là từ mồm miệng, não bộ thành phần nam giới hoang tưởng, thành kiến, chút ít khinh rẻ phụ nữ) kể rằng, các cô gái còn độc thân muốn tìm ý trung nhân cứ việc leo lên tháp giật chuông liên tu bất tận, "hoàng tử của lòng em" sẽ lần theo "tiếng gọi của con tim" (mà có người cố tình nói trại ra "tiếng gọi của con chim") bất kể ngày đêm sẵn sàng đến bế em về.
 
Hình 9: một trong các vọng gác nhỏ
Hình 10: quá khứ vàng son
chỉ còn lại đống đổ nát
Hình 11: từ doanh trại Alcazaba
nhìn xuống Granada
Hình 12: đường rời doanh trại Alcazaba
đi bộ xuống chân đồi

...
(còn tiếp)
Khả Tri