Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tây ..Ban Nha.. du ký

Phần II: Cát bụi Granada. 

Khả Tri

- Phần I : Dư âm sau chuyến thăm Granada
- Phần II : Cát bụi Granada
- Phần III: Hơi bị lạc đề vì mải tìm bóng dáng Herodotus
- Phần IV: Nhớ Alhambra - Recuerdos de la Alhambra.
 
When I die,
bury me with my guitar
under the sand.

Khi mô chết,
để tui ôm đàn
rồi đem chôn dưới cát.

Federico Garcia Lorca (1921)

 
  Ước nguyện đơn giản của Federico Garcia Lorca chưa được thực hiện. Năm 1936 phe phát xít Tây Ban Nha ở Granada hành quyết ông ta rồi quăng mất xác.
Như đã nhắc đến trong phần I loạt bài viết này, mặc dù Granada không phải là quê quán của nữ hoàng Isabella và vua Ferdinand, nhưng theo ý nguyện của 2 vị, Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada (LaCapilla Real de Granada) sẽ là nơi an nghỉ cuối cùng cho mọi thành viên hoàng gia. Vì thế con gái và con rể kế vị ngôi báu, Joanna và Philip, cũng được an táng tại đây.
 
Mộ phần của Quốc vương Công giáo
Mộ phần của Philip và Joanna

Đầu thế kỷ XV, TBN vẫn còn là một tập hợp của nhiều tiểu vương quốc, không ít thì nhiều kình chống nhau như Castile, Navarre, Aragon, Majorcađó v.v. Riêng nữ hoàng Isabella và vua Ferdinand rất được dân chúng kính nể và nhớ ơn, vì họ có công thống nhất và gây dựng cơ đồ, mở đường cho Tây Ban Nha (viết tắt là TBN) từ thế kỷ XVI trở nên một đế chế hùng mạnh. Năm 1492, chiến thắng tại Granada, cùng với việc Christopher Columbus vô tình khám phá ra Châu Mỹ là 2 biến cố lớn góp phần đẩy mạnh tiến trình nói trên. Cả 2 biến cố này đều mang dấu ấn hoàng hậu Isabella và vua Ferdinand.

Từ Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada, đi bộ mất chừng 10 phút, đến giao điểm đại lộ Gran Via và Calle Reyes Católicos, chúng ta sẽ dừng chân ở quảng trường mang tên chính thức Plaza Isabel la Catolica. Tọa lạc tại đây là tượng đài kỷ niệm, do Mariano Benlliure thiết kế năm 1892, bệ xây đá cẩm thạch, phía trên là tác phẩm điêu khắc bằng đồng thau mô tả cảnh tượng hoàng hậu Isabella ngồi trên ngai vàng, lắng nghe Christopher Columbus trình bày kế hoạch đi thám hiểm bằng đường biển. Tuy quảng trường mang tên chính thức Plaza Isabel la Catolica, nhưng người dân Granada lại thường gọi nó là Quảng trường Columbus, vì theo họ Christopher Columbus mới là nhân vật đáng được vinh danh. Cần biết thêm rằng: hoàng hậu Isabella cho đến lúc băng hà vẫn lầm tưởng rằng: Christopher Columbus đã tìm ra đường tắt dẫn đến Ấn Độ hay Trung Hoa (thay vì Châu Mỹ). Riêng Christopher Columbus nghe đâu cuối cùng chết trong cảnh nghèo đói.


Plaza Isabel la Catolica/Quảng trường Isabel

Người thứ ba nằm trong Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada là Joanna, nổi tiếng hơn với danh hiệu "Juana la Loca/Juana khùng". Bà sinh năm 1479 tại Toledo, kinh đô vương quốc Castile - con gái nữ hoàng Isabella và vua Ferdinand - một phụ nữ đầy cá tính, đa dạng, thông minh, nói giỏi mấy thứ tiếng: Pháp, La-Tinh, và các thổ ngữ phổ biến tại các vương quốc như Castilian, Catalan và Galaico trước khi TBN thống nhất. Có giai thoại cho rằng vì bất đồng về các tư tưởng Công giáo quá cực đoan của mẹ (chúng ta cần biết rằng nữ hoàng Isabella là nhân vật góp phần đẻ ra Toà Án Dị Giáo TBN), Joanna bị miệng tiếng chốn cung đình (có thể do chính bà mẹ tung ra) gán ghép là có triệu chứng tâm thần, và phải chấp nhận chữa bệnh bằng phương pháp "La cuerda" (dùng sợi dây một đầu cột dính vào chân, đầu kia vào một tảng đá).

Vừa lên đôi tám (1496) - nằm trong kế hoạch mở rộng vùng ảnh hưởng, cạnh tranh với Pháp - Joanna được hoàng gia bày binh bố trận để kết hôn với Philip công tước xứ Burgundy, nâng khăn sửa túi theo chồng về "bển", tuốt ở vùng Flanders (một phần Bỉ, Hòa Lan, Pháp ngày nay). Tôi xin được nhắc đến những "món hàng" đổi chác chẳng hiếm có gì trong lịch sử, như Iphigenia/huyền thoại Hy Lạp, Chiêu Quân/nhà Hán, Huyền Trân/nhà Trần v.v. Tuy nhiên đó sẽ là đề tài trong một bài viết khác.

Chẳng biết có anh chàng nào đau khổ khi Joanna lên xe hoa về nhà chồng, nhưng chuyến đi không chỉ đơn giản như kiểu "tôi đưa em sang sông", mà kéo dài gần 30 ngày vượt biển động. Sóng to gió lớn đánh đắm 3 con tàu, cô dâu say sóng nôn mửa mật xanh mật vàng, khi cập bến tình yêu, bao tử trống vắng, con tim dại khờ. Để dằn mặt vợ mới cưới lẫn hoàng gia TBN, mượn lý do bận bịu đi săn bắn với cha ruột ở Tirol (thuộc nước Áo ngày nay) không về kịp, hoàng tử của lòng em cử bà chị gái thay mặt mình ra bến tàu. Tuy vậy tiếng sét ái tình lại bùng nổ khi đôi trai tài gái sắc diện kiến. Chúng ta cần nhớ rằng, cái thời xa xưa ấy chưa có internet, điện thoại thông minh, phây/facebook v.v. để đôi bên hò hẹn, biết mặt nhau trước đêm động phòng. Biết mặt nhau thường chỉ qua tranh vẽ chân dung, mà hình vẽ diện mạo con vua cháu chúa thì hay được tô vẽ thêm, không đáng tin cậy. Dù sao thì sao, họ sinh hạ được tổng cộng 6 mụn con, với cậu con trai Charles, chân mạng đế vương, về sau trở thành Hoàng đế đầu tiên của Đế quốc TBN.

Năm 1504 sau khi nữ hoàng Isabella băng hà, Joanna nghiễm nhiên trở thành hoàng hậu kế vị. Cuộc tranh dành quyền lực cung đình khởi động. Bắt đầu với nước cờ của vua Ferdinand (cha ruột của Joanna): ông ta lập tức cho đúc tiền in hình ông ta và cô con gái. Philip vị hôn phu của Joanna - nổi tiếng với tên gọi là "Philip bảnh trai" - cũng chẳng chịu kém, các đồng tiền đúc hình vợ chồng ông ta xuất hiện. Không chịu đựng được áp lực từ 2 phía, bên cha bên chồng, bên hiếu bên tình, Joanna liễu yếu đào tơ gục ngã, và lại bị thiên hạ gán ghép đang nổi cơn điên. Vua Ferdinand quá mệt mỏi? đành bỏ cuộc chơi, nhường lại đấu trường cho con rể. "Philip bảnh trai" dành ngôi báu nhưng ngồi trên ngai vàng không được lâu. Có thể vì chàng lợi dụng cái mác bảnh trai quá đáng, tứ đốm tam khoanh, thất điên bát đảo, sau đó nhuốm bệnh (hay bị đầu độc?) rồi cũng về nơi chín suối, mới 28 tuổi (1506). Chàng là người thứ 4 nằm tại Nhà Nguyện Hoàng Gia Granada.
 

Johanna von Kastilien (năm lên 16)
Philip the Handsome
Các vua triều Nguyễn nhà ta, đa số chôn nhau cắt rốn tại Huế, sau khi băng hà, được an táng xây lăng xây tẩm cũng tại Huế (chỉ 7 khu lăng mộ so với tổng cộng 13 vị vua). Riêng 4 vị Isabella, Ferdinand, Joanna và Philip, tuy không phải là người quê quán Granada, đều đã mồ yên mả đẹp tại đây. Nhưng có hàng trăm người cũng sinh ra tại Granada nhưng chết mất xác, không bia không mộ, cát bụi lại trở về cát bụi. Tiêu biểu là Federico Garcia Lorca.

Thành phố Granada tưởng nhớ Federico Garcia Lorca và những linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa, với công viên mang tên Parque de Federico Garcia Lorca, nằm ở ngoại ô phía tây nam, cạnh giao điểm 3 con đường Virgen Blanca, Arabial và Camino de Purchil. Công viên khánh thành năm 1995, rộng gần 80,000 mét vuông, trồng đủ loại cây cối, dĩ nhiên phải có cây lựu, ô-liu, một vườn hồng bao la, bao bọc căn nhà mà gia đình Lorca thường đến nghỉ hè, phố Huerta de San Vicente. Nơi đây, đứa con tài hoa nhưng vắn số của Granada (05/06/1898-19/08/1936) đã cho ra đời nhiều tác phẩm bất hủ. Ông làm thơ, viết kịch, yêu thương xứ sở của mình đến mức cao hứng quá sức thốt ra lời tâm sự "Chẳng có nơi nào trên thế giới được như Tây Ban Nha, kẻ sống người chết không bao giờ xa cách".


Một góc vườn hồng trong công viên Parque de Federico Garcia Lorca

"Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La". Người Hà Tĩnh sau 45 năm hòa bình thống nhất đất nước, vẫn nghèo xác xơ phải bỏ xứ đi kiếm sống. Như hoàn cảnh thảm thương của cô Phạm Thị Trà My, trước khi chết ngạt trong chiếc xe tải trốn sang Anh, cố gửi tin nhắn cuối cùng "Mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều, Con chết vì không thở được ..." cho gia đình quê ở Hà Tĩnh. Tôi xin được gửi đến bạn đọc 1 đoạn ngắn trong bài thơ MẸ ƠI, CON ĐANG CHẾT của ông Thái Bá Tân:

...
Đồng bào ơi, đau lắm.
Đau không nói nên lời.
"Mẹ ơi, con khó thở.
Con đang chết, mẹ ơi..."
Con gái ơi, con chết,
Lỗi bố mẹ, ông bà.
Những người đang khó thở
Ngay ở trên quê nhà.
...

Người Quảng Nam "Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi," phải xa xứ nhưng cứ nhớ quê hương, gia đình, công cha nghĩa mẹ, nhìn về chân trời mà tưởng tượng mình đang ngó lên ngọn Hòn Kẽm Đá Dừng nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Tôi nghĩ rằng, dân Granada dĩ nhiên "đi mô rồi cũng nhớ về … Granada", họ cũng quay quắt hình bóng rặng núi Sierra Nevada, soi bóng lững lờ trên cả 2 dòng sông Darro, Genil. Federico Garcia Lorca đi mô cũng nhớ đến hàng ngàn hồi chuông chiều vang vọng, hòa chung với nhịp thở dài muôn thuở của 2 con sông, cùng với vô số vòi phun nước lao xao dấu mình đâu đó, sau những bức tường ngăn cách chung quanh nhà Carmenes.


Federico García Lorca thời trai trẻ

Khi nền Đệ nhị Cộng hòa được thành lập (tháng 4/1931) bởi Mặt trận Bình dân, lực lượng này chiếm đa số phiếu trong các cuộc bầu Hội đồng Địa phương, Federico García Lorca đã nổi tiếng trên văn đàn. Ông tuy không trực tiếp hoạt động chính trị, nhưng đứng hẳn về phía Cộng hòa, ủng hộ các cải cách: phân định rõ rệt thế quyền và thần quyền, chấm dứt mọi đặc quyền của giai tầng quý tộc, hợp pháp hóa quyền ly dị, bầu cử phổ thông cho phụ nữ v.v. Kinh tế tuy thế phát triển không mấy thuận lợi, cuộc sống người dân chao đảo, ngày càng thêm khó khăn. Lợi dụng tình thế, tháng 7/1936 bọn quân phiệt do tướng Francisco Franco cầm đầu, đảo chánh lật đổ chính quyền cộng hòa. Nhờ có Phát xít Đức và Ý chống lưng, chính sách "lùng và diệt" những ai đối đầu chính kiến được bọn chúng thực hiện triệt để. Chỉ riêng tại tỉnh Granada, hơn chục ngàn "phạm nhân" bị đem ra pháp trường, hay xử bắn ngay tại các bãi tha ma. Ngày 19/08/1936 Federico García Lorca và một số nạn nhân khác bị vất xác xuống một hố chôn tập thể nào đó.

Federico García Lorca phải chết, không chỉ vì bất đồng chính kiến với bọn phát xít; chúng còn căm ghét vì ông là người tài hoa mà lại đồng tính luyến ái. Đấy là vết nhơ, là mầm bệnh, phải trừ khử, phải tiêu diệt. Tuy nhiên cái thời xa xưa ấy - trên 80 năm trước - áp lực xã hội đè nặng, đa số người đồng tính luyến ái, cùng gia đình họ, phải cố che dấu khuynh hướng yêu người cùng phái. Federico García Lorca không phải là ngoại lệ. Ngay cả gia đình, bà con ông ta mãi đến đầu thế kỷ XXI cuối cùng mới chấp nhận cái "sự thật mất lòng". Có thể những uẩn ức tâm lý đã khiến ông tìm cách trút tâm sự qua các dòng thơ phú tuyệt vời? Ở Việt Nam, người ta tin rằng ít nhất 2 nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu đồng tính luyến ái?
 

Cố tìm kiếm cho ra dấu vết của Federico García Lorca trong các mồ chôn tập thể, có ngờ đâu là một tiến trình tế nhị, phức tạp. Nhà khảo cổ và nhân chủng học Javier Navarro tin tưởng rằng, để xác định được hài cốt của một người cao 1.68 mét, chân hơi khập khễnh, xương sọ khá to to so với chiều cao, không phải là việc lấy đá vá trời. Tuy nhiên một số thân nhân của nhà thơ lại không muốn khuấy động quá khứ, chỉ mong Federico García Lorca mãi mãi nằm chung với những người đồng cảnh ngộ. Và nếu có xây tượng đài kỷ niệm, danh tánh nạn nhân phải được sắp xếp theo thứ tự chữ cái, nói chung là tránh phân biệt đối xử giữa những người đã mất.

Trong trang nhà Chim Việt Cành Nam, tác giả Đan Tâm đã dịch mấy tác phẩm của Federico García Lorca. Tôi xin được góp thêm phần nhỏ, với bài "Điệu hò về ba dòng sông", tạm dịch rất "thoát", có nghĩa là dùng chữ khá thoải mái, từ bản tiếng Đức: "Kleine Ballade von den drei Flüssen". Chú thích: Darro và Genil là 2 con sông nhỏ chảy qua Granada, dòng Guadalquivir thì trôi đến thành phố Sevilla.
 
Điệu hò về ba dòng sông

Bên ni trồng cam bên nớ ô-liu

Guadalquivir thơm cả đôi bờ

Granada đón hai dòng sông

chỉ còn giá băng tưới hết ruộng đồng.

Lạ rứa cái tình chi,

mi chưa kịp đến mi bỏ mi đi!

Guadalquivir bên sông

lún phún những chòm râu

rung rung đỏ ung màu thạch lựu.

Granada một dòng tràn ngập oán than

một dòng còn bê bết máu.

Lạ rứa cái tình chi,

mi như cơn gió mi bay đi!

Sevilla cánh buồm lộng gió ra khơi

Granada -

trên sông chỉ nghe tiếng thở dài

lăn tăn khua mái chèo gợn sóng.

Lạ rứa cái tình chi,

mi chưa kịp đến mi bỏ mi đi!

Gió chướng luồn qua rừng cam

thong dong leo tầng tháp cổ. Guadalquivir.

Darro bên ni Genil bên nớ,

ủ rủ quanh xóm nhà chòi

chết mòn ao tù nước đọng.

Lạ rứa cái tình chi

mi như cơn gió mi bay đi!

Ai kể ai nghe chuyện đắng cay,

ánh lửa hồn ma nước đong đầy.

Lời ru chín cả vườn cam nhỏ

Sóng bỏ đi biển vẫn còn đây.

Lạ rứa cái tình chi,

mi chưa kịp đến mi bỏ mi đi!

Trôi đi mô hoa cam,

chảy về mô ô-liu,

tận những vùng biển xa,

Andalucía.

Lạ rứa cái tình chi

mi như cơn gió mi bay đi!

Kleine Ballade von den drei Flüssen

Durch Oliven und Orangen

strömt der Guadalquivir.

Die zwei Flüsse von Granada

Stürzen sich vom Schnee zum Weizen.

Oh Liebe,

die ging und nicht kam!

Der Guadalquivir hat Bärte

von der Farbe des Granates.

Aber Klage sind und Blut

die zwei Flüsse von Granada.

Oh Liebe,

in Lüften vergangen!

Ein Weg für Segelschiff

hat Sevilla. Doch Granada –

auf den Wassern von Granada

rudern einsam nur die Seufzer.

Oh Liebe,

die ging und nicht kam!

Wind im Haine der Orangen,

hoher Turm. Guadalquivir.

Dauro und Genil sind Türmchen,

die schon bei den Teichen enden.
 
 

Oh Liebe,

in Lüften vergangen!

Wer wohl sagt,

das Wasser trüge Schreie,

die wie Irrlicht zucken.

Oh Liebe,

die ging und nicht kam!

Nein, es trägt Orangenblüten,

trägt Oliven deinem Meere,

Andalusien, deinem Meer zu.
 
 

Oh, Liebe,

in Lüften vergangen!

(còn tiếp)
Khả Tri