Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chuyện nước chuyện nôi 
(3)
Phần III: Nói thêm về nàng Tô Thị. 
Khả Tri
Phần I
Phần II: Từ giọt nước mắt đến phụ nữ hóa đá
Phần III: Nói thêm về nàng Tô Thị. 
Chuyện nàng Tô Thị, Lạng Sơn hóa đá tuy là huyền thoại, nhưng xét về mặt y học vẫn có thể xảy ra. Căn bệnh nan y quái ác, cũng "may" là rất hiếm hoi, được gọi phổ thông là Hội chứng người hóa đá/Stone Man Syndrome, từ chuyên môn: fibrodysplasia ossificans progressiva/FOP, theo thống kê, thế giới trung bình cứ 2 triệu người thì 1 mắc bệnh. Nói một cách đơn giản, bệnh thường bùng phát từ lứa tuổi vị thành niên, vì hệ gen đột biến, khiến các mô nối kết như gân, dây chằng, thậm chí bắp thịt, bỗng biến chuyển thành xương cứng. Đa số bệnh nhân đến tuổi ngoài 20 hầu như mất khả năng đi lại, tự di chuyển, đạt tuổi thọ chỉ chừng xấp xỉ trên dưới 40.

Nàng Tô Thị Lạng Sơn, như đã nhắc đến trong Phần II, có một số "chị em" ở nhiều địa phương khắp đất nước ta. Mọi "chị em" nói chung đều ẩn chứa trong người một nội dung căn bản tương tự nhau: vợ chờ chồng rồi hóa đá. Nhưng tùy thuộc vào điều kiện sống cụ thể từng địa phương, nguyên nhân khiến người chồng phải ra đi lại biến đổi. Thí dụ Hòn Vọng Phu Quảng Nam còn được gọi là "Đá Bà Rầu" và tiểu sử cũng hơi khác. Nội dung đại khái như sau: "Chồng đi buôn xa, lúc trở về nhà ghen bóng ghen gió, nghi vợ ngoại tình, rồi bỏ đi mất tăm. Vợ chờ chồng hóa đá." Phải chăng Hòn Vọng Phu Quảng Nam là tổng hợp 2 bi kịch: Nàng Tô Thị Lạng Sơn và Thiếu Phụ Nam Xương? (tôi chỉ phỏng đoán chứ không có bằng chứng cụ thể từ nghiên cứu). Nàng Tô Thị ở nước ta, lần đầu tiên xuất hiện trong văn học chữ viết qua sách Lĩnh Nam Chích Quái (thế kỷ XV hay XVI?). Tương tự, "Chuyện người con gái Nam Xương" xuất hiện trong sách Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ (thế kỷ XVI hay XVII?), kể về "một thiếu phụ tên là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, chồng là Trương Sinh phải đi lính phương xa. Bà ở lại nhà một mình vò võ nuôi con, tối tối dỗ dành, an ủi thằng bé bằng cách chỉ vào chiếc bóng trên tường bảo đó là bố về thăm con. Sau khi Trương Sinh mãn hạn đi lính trở về, đứa bé không chịu cho ông ta bế, quả quyết rằng bố của con đến tối mới xuất hiện, mẹ ngồi đâu, bố bám theo đó. Trương Sinh nổi cơn ghen đánh vợ đuổi ra khỏi nhà. Không thể chứng minh được tấm lòng trung trinh trước người chồng ghen tuông và vũ phu, bà trầm mình ở dòng Hoàng Giang."

Như vậy Hòn Vọng Phu hay "Đá Bà Rầu" Quảng Nam hình thành qua sự biến chuyển các yếu tố thời gian, địa phương v.v. bằng cách: nhập mô-típ vợ chờ chồng hóa đá, nhưng xóa mô-típ "loạn luân" từ nàng Tô Thị Lạng Sơn, cộng với mô-típ "ghen", nhưng xóa mô-típ trầm mình tự sát từ thiếu phụ Nam Xương. Xin được nhắc lại tóm tắt chuyện nàng Tô Thị Lạng Sơn như sau: "Xưa ở Lạng Sơn có hai anh em Tô Văn và Tô Thị. Một hôm Tô Văn vô tình gây ra vết thương rất nặng trên đầu em gái máu chảy lênh láng. Tưởng rằng em gái đã chết, quá sợ hãi anh ta bỏ trốn. Bao nhiêu năm trời trôi qua Tô Văn lập gia đình, rồi vô tính khám phá ra vợ mình lại chính là Tô Thị (qua vết sẹo trên đầu, lẫn chuyện vợ kể rằng ngày xưa có anh trai bỏ nhà trốn đi biệt tăm biệt tích). Thế là Tô Văn trốn nhà đi lính thú, vợ/em gái ngày ngày bế con chờ chồng đến hóa đá."

Một bố cục cũng rất quan trọng trong bi kịch nàng Tô Thị Lạng Sơn liên quan đề tài định mệnh trớ trêu. Đề tài này đã xuất hiện trong Tục U Quái Lục – Định Hôn Điếm, chuyện Nguyệt Lão của Lý Phục Ngôn, nội dung như sau: "Vào đời nhà Đường (chú thích của người viết: tức là từ thế kỷ VII đến thế kỷ IX), có chàng thư sinh Vi Cố, nhân đêm trăng sáng đi dạo chơi chợt gặp ông lão râu tóc bạc trắng, ngồi ven đường, tay cầm cuốn sổ, tay xe sợi chỉ hồng. Tò mò đến hỏi chuyện, Vi Cố mới biết cụ là Nguyệt Lão, được Ngọc Hoàng Thượng Đế trao nhiệm vụ quản thủ sổ định hôn của dân gian, phải tìm những cặp vợ chồng tương lai mà xe tơ duyên xích thằng buộc họ dính với nhau. Theo lời khẩn cầu của Vi Cố, Nguyệt Lão tiết lộ duyên số của chàng ta như sau: vợ Vi Cố sẽ là con bé 3 tuổi, đang cùng mẹ ăn xin ở chợ Đông Đô, và là duyên tiền định, không thể thay đổi. Giận quá hóa liều, Vi Cố thuê người chém chết con bé, tuy nhiên nó được mẹ ẵm chạy trốn kịp thời và chỉ bị thương ở đầu. Hơn 10 năm sau Vi Cố đi thi đỗ đạt, thành công trọn gói 2 trong 1, đại đăng khoa tiểu đăng khoa, được quan lớn gả con gái. Đêm động phòng chàng chợt khám phá ra nàng có vết sẹo lớn, hỏi ra thì chính vợ mình là con bé 3 tuổi năm xưa, được quan lớn thương tình đem về làm con nuôi." Theo câu chuyện Nguyệt Lão nói trên, thì đúng là duyên số vợ chồng hoàn toàn do trời định đoạt, lên đông xuống đoài cũng chẵng thoát. "Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định/Mạnh Tử". Con chim dù có bay đi khắp bốn phương trời, cái lồng vẫn bám theo chụp bắt lấy nó.

Chuyện Nguyệt Lão và chuyện nàng Tô Thị còn có thêm một chi tiết chung: người vợ tương lai đã bị thương tích. Vết sẹo do thương tích rồi sẽ trở thành bằng chứng rõ ràng, cũng bàng bạc cái không khí định mệnh éo le, cay nghiệt. Tô Văn trốn chạy em gái ruột tổng cộng 2 lần. Lần đầu chỉ là trốn tội "ngộ sát" (thật ra là gây thương tích). Lần hai là tội loạn luân. Cả 2 lần rõ ràng là do "trời đất xui khiến, sắp đặt", Tô Văn, vì số phận đã an bài, không kiểm soát được hậu quả việc mình làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như em gái. Nàng Tô Thị cũng không trốn chạy khỏi định mệnh trớ trêu, lần đầu mất anh trai, lần hai mất chồng (thật ra vẫn là anh trai), rồi hóa thân thành đá nên chẵng bao giờ biết sự thật.

Nhưng - như đã được nhắc đến sơ lược trong phần II của loạt bài này - vào chiều ngày 27 tháng 7 năm 1991, trong cơn mưa như thác đổ, nàng Tô Thị hóa đá ở Lạng Sơn rơi xuống chân núi. Ngay lập tức 2 người dân sống gần núi Vọng Phu, ông Đoàn Văn Quyết và ông Hà Văn Điều, bị tống giam vì tội danh cố tình dùng mìn đánh sập nàng Tô Thị để nung vôi. Xin quý bạn đọc xem lại phần II để biết thêm chi tiết. May thay vị giảng viên Khoa Địa lý trường Đại học Sư phạm HCM ông Trương Hoàng Phương, đã chịu khó lặn lội đến tận nơi để tìm hiểu chi tiết, thay vì về hùa với cơ quan nhà nước địa phương, báo chí, dư luận một chiều vội lên án người vô tội mà không cần chứng cớ. Kết quả khảo sát đất đai tại chỗ, giúp nhà địa chất học đưa ra lập luận trái ngược với những cáo buộc vô căn cứ. Trích 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan (Kỳ 2)"... Tượng nàng Tô Thị được hình thành do sự hoà tan không đều của các lớp đá vôi. Các lớp đá này có độ nghiêng 450, bao gồm bốn lớp: lớp hông, lớp vai – bụng, lớp cổ và lớp đầu. Lớp hông tựa vào vách núi tạo một lõm chứa nước nhỏ, nguồn nước này di chuyển và mở rộng khe nứt nghiêng đến 450 giữa lớp hông và vách núi. Sự hoà tan để lại một lớp đất đỏ mỏng (terra rosa) vẫn còn thấy rõ trên mặt trượt sau khi biến cố bức tượng tự sụp đổ xảy ra. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nàng Tô Thị trượt từ sườn núi cao xuống. Còn trận mưa lớn chiều ngày 27.7.1991 chỉ là nguyên nhân trực tiếp."
 

"Ông Đoàn Văn Quyết bên chiếc quán dã chiến. Quán nước mọc lên từ hai mươi năm về trước, bởi chủ quán muốn có cơ hội giải thích về số phận của bức tượng nàng Tô Thị Vọng Phu trên đỉnh núi. Thế nhưng đến tận bây giờ, "oan án" nung vôi Nàng Tô Thị liên quan đến câu chuyện của đời ông vẫn chưa thể kết thúc." Thế Sơn, Báo Pháp Luật mạng, Thứ Tư, 14/5/2014

2 nghi phạm bị bắt oan uổng, chừng 6 tháng sau đã được trả "tự do", vì không đủ chứng cớ buộc tội (Người đàn ông hai mươi năm ôm nỗi oan dưới chân nàng Tô Thị.) Tuy nhiên như nhà báo Thế Sơn, trong bài báo nên trên nhận định: "Hai mươi ba năm đã trôi qua, đã đến lúc cần phải có sự sòng phẳng cần thiết của các cơ quan chức năng đối với người thương binh Đoàn Văn Quyết. Tấm bảng bằng xi măng "NÚI TÔ THỊ - di tích quốc gia, đã xếp hạng, cấm vi phạm" kia cần phải có thêm dòng chữ: "Do tác động địa chất tự nhiên, bức tượng đã bị đổ và được phục chế lại". Sự thật về số phận bức tượng phải được trở về đúng sự thật của nó."

Tài liệu tham khảo:

1/ Sự thật về kỳ án "Xẻ thịt nàng Tô Thị" (Kỳ 1)

https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/su-that-ve-ky-an-xe-thit-nang-to-thi-ky-1-post19587.gd

2/ 20 năm chầu chực dưới chân nàng Tô để tự kêu oan (Kỳ 2)

http://i-dulich.blogspot.com/2011/11/20-nam-chau-chuc-duoi-chan-nang-to-e-tu.html

3/ Nàng Tô Thị mới (Kỳ 3)

http://i-dulich.blogspot.com/2011/11/nang-to-thi-moi-ky-3.html

4/ Người đàn ông hai mươi năm ôm nỗi oan dưới chân nàng Tô Thị

https://baophapluat.vn/dan-sinh/nguoi-dan-ong-hai-muoi-nam-om-noi-oan-duoi-chan-nang-to-thi-184827.html

5/ Kỳ án Ai phá Nàng Tô Thị?/Hoàng Nam (Youtube Video)

https://www.youtube.com/watch?v=domVLGNb52I

(còn tiếp)

Khả Tri