Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 
Lung tung thời đại dịch (phần II)

Khả Tri & Nguyễn Thị Hòa Vang

- Lung tung thời đại dịch (phần I)
- Lung tung thời đại dịch (phần II)
Một "bóng ma" đang ám ảnh thế giới, bóng ma Covid-19. Chừng 1/3 dân số thế giới - tròm trèm 2,6 tỉ - ít nhiều đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng cách ly xã hội, cấm tụ họp, đóng cửa hàng quán, dịch vụ không thiết yếu. Mặc dù trên 100 phòng thí nghiệm toàn cầu đang chạy đua nghiên cứu, nhưng cụ thể bao giờ có thuốc chủng ngừa, thuốc trị bệnh hữu hiệu? dự đoán: cuối năm 2020, đầu năm 2021. Trong vòng 4 tháng, trung tâm đại dịch đã di dời từ Trung quốc sang Âu châu, rồi vượt biển sang Mỹ, đâm xuống Ba Tây, quay ngược về Nga? Dựa vào thống kê từ trang mạng đặc biệt của Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, thu thập báo cáo từ gần 190 quốc gia, chúng ta sẽ thấy sự phát triển đại dịch Covid-19 chỉ trong vòng 6 tuần lễ như sau (trong ngoặc là con số vào cuối tháng 3): số ca nhiễm toàn cầu cho đến giữa tháng 05 đã vượt qua mức 4,5 triệu (825.000), với trên 300.000 (40.000) ca tử vong, đều là những mốc điểm thật đáng buồn cho nhân loại. Tuy nhiên cũng xấp xỉ 1,6 triệu (175.000) con bệnh may mắn đã bình phục. Nói chung đây chỉ là con số thống kê dựa vào các báo cáo, ca nhiễm thực tế có thể cao hơn, vì những khó khăn kỷ thuật, khả năng xét nghiệm của rất nhiều quốc gia còn quá giới hạn. Dù sao, đây không chỉ là các con số thống kê lạnh lùng, mà là muôn vàn mảnh đời bất hạnh.

Làm sao thiết lập được một trật tự cân bằng, vừa bảo vệ dân chúng chống dịch bệnh, vừa giữ cho nền kinh tế không bị suy thoái nặng nề, cũng như điều tiết cuộc sống xã hội đa dạng (giáo dục, tín ngưỡng, thể thao, giải trí, du lịch v.v.) là những thách thức hằng ngày hằng giờ đòi hỏi giải pháp cấp bách đối với mọi chính quyền. Ngày càng có nhiều người than thở, chúng tôi chưa kịp chết vì Covid-19, thì đã toi vì mất nguồn thu nhập. Cho nên cuối tháng Tư, nhiều quốc gia đang cân nhắc biện pháp mở cửa trở lại. Đối phó với đại dịch là cuộc đua nước rút, chạy việt dã, hay marathon đường dài, bộ mặt cuộc sống thời kỳ "hậu Covid-19" sẽ ra sao?

Nhưng trước tiên xin điểm lại một vài mẫu tin ngắn thuộc loại không bình thường trong vài tuần qua, liên quan gián tiếp đến Covid-19:

-12-03-2020 kênh truyền thông Mỹ CBS News: Mục sư truyền giáo qua TV rất nổi tiếng Jim Bakker (từng ngồi tù vì lường gạt) lại bị tiểu bang Missouri cáo buộc tội quảng cáo thất thiệt bán thuốc trị được bệnh Covid-19 ... trong vòng 12 tiếng đồng hồ.

- 24-03-2020 trang mạng tuần báo Đức "Der Spiegel" về các quầy hàng trong siêu thị: Mì xuất hiện trở lại, giấy vệ sinh (chưa) có.

- 08-04-2020 trang mạng tạp chí Mỹ "The Rolling Stone": ... Súng ống đang bán chạy như tôm tươi ... Trong tháng 3, gần 2 triệu khẩu súng vào tay chủ mới ... FBI/Cục Điều tra Liên bang xác nhận phải kiểm tra lý lịch hơn 3,7 triệu người muốn mua súng - con số cao nhất trong hơn 20 năm qua ... Doanh số tăng 1.000% tại các tiểu bang Arizona, Colorado và Texas.

- 10-04-2020 trang mạng nhật báo "Người Việt" tại Westminster, California: Một số nhà thờ Tin Lành Mỹ nhất định tổ chức thánh lễ Phục Sinh, bất chấp lệnh cấm tụ tập ... "Chúng tôi không sợ hãi. Chúng tôi được sự kêu gọi của Thượng Đế là đứng lên chống lại thành phần Chống Chúa đang xâm nhập vào biên giới Mỹ. Chúng tôi sẽ cùng nhau truyền bá Phúc Âm," cũng theo Mục sư Spell.

- 11-04-2020 kênh truyền thông Mỹ CNN: ban lãnh đạo Walmart xác nhận thuốc nhuộm tóc đang trở nên khan hiếm.

- 21-04-2020 trang mạng báo "Tuổi Trẻ": Vì sao giá dầu lại rơi về mức âm, người bán phải trả tiền cho người mua? ... Giá dầu WTI ban đầu rơi xuống tận -40,32 USD/thùng rồi quay đầu tăng lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch.

- 21-04-2020 trang mạng tuần báo Đức "Der Spiegel" về tình hình tại Mỹ: ... từ ngày có dịch bệnh, số người phải đi cấp cứu vì sử dụng hóa chất tẩy rửa, sát trùng không đúng phương pháp gia tăng đáng kề, đặc biệt trẻ em ...

- 24-04-2020 kênh truyền thông Canada CBC: ... Bác sĩ rùng mình vì bình luận "nguy hiểm" của TT Trump liên quan đến chất khử trùng ... trong phiên họp báo hôm thứ Năm 23-04-2020 TT Trump đã gợi ý các chuyên gia y tế thử tìm hiểu cách thức chích thuốc sát trùng vào cơ thể con bệnh nhằm chống Covid-19 ... (Chú thích: sau khi bị chỉ trích, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc vòng vo đổ lỗi truyền thông đã hiểu sai ý của TT Trump, riêng ông TT thì chống chế rằng mình chỉ nói đùa kiểu châm biến. Hãng sản xuất thuốc khử trùng Lysol phổ biến tại Mỹ phải lập tức khuyến cáo người dân chớ vội uống hay chích Lysol bậy bạ. TT Trump ngoài ra cũng có những đề nghị chữa bệnh bằng ánh sáng, tia cực tím khiến thiên hạ lắc đầu quầy quậy)

- 29-04-2020 kênh truyền thông Canada CBC: ... thành phố Lund, miền Nam Thụy Điển phải đổ đẩy phân bón bốc mùi hôi thối lên các bãi cỏ công viên, nhằm ngăn ngừa thành phần dân chúng trẻ trung mượn cớ cử hành lễ hội truyền thống (có thể lên đến 30.000 người) để tụ tập nhậu nhẹt như các năm trước ...

- 05-05-2020 kênh truyền thông Mỹ CNN: ... đa số nhà tù tại Mỹ không cho phạm nhân dùng thuốc sát trùng rửa tay. ... Lý do: thuốc chứa cồn, khiến phạm nhân có thể sử dụng để nổi lửa làm loạn, hay nhậu thay rượu. (Chú thích: khoảng 2,3 triệu phạm nhân đang bị giam cầm tại Mỹ, tương đương với 698 trên 100.000 đầu người, là tỉ lệ cao nhất tại các nước phát triển trên thế giới)

...

"Bóng ma" không trống không kèn, không cờ không xí, chẳng cần khẩu hiệu, đảng tiên phong. "Bóng ma" chẳng đếm xỉa quốc gia, dân tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo, chức phận, ngôn ngữ v.v. cứ "đi là đi chiến thắng", vượt biên giới, chẳng cần thông hành, chiếu khán, con dấu, chẳng sợ lính canh, súng đạn. Ngay cả Tòa Bạch Ốc, một trong những địa điểm được bảo vệ kỹ lưỡng nhất, trung tâm quyền lực thế giới, mà còn bị "bóng ma" thâm nhập. Người hầu cận riêng của TT Trump và nữ phát ngôn viên cho PTT Mike Pence, đều bị xác nhận dương tính với COVID-19, khiến 3 nhân viên cao cấp khác phải tự nguyện cách ly.

Khi "đại dịch Cúm Tây Ban Nha" lan tràn (xin xem phần I của bài này để hiểu về sự sai lầm khi đổ tội cho Tây Ban Nha là nơi phát tán bệnh), người ta vẫn tưởng rằng thủ phạm gây bệnh là vi khuẩn/bacteria. Vì thế một số bác sĩ sử dụng thuốc kháng sinh, dĩ nhiên chẳng ăn thua gì với đám vi-rút. Vào thời đó, chưa có kính hiển vi điện tử nên chẳng ai "thấy" được mặt mũi vi-rút đầu cua tai nheo ra làm sao. Triết gia và nhà thơ Mỹ gốc Tây Ban Nha George Santayana có nói đại khái (tôi không dịch sát từng câu từng chữ) "Ai chẳng chịu rút ra được bài học từ thất bại trong quá khứ, không sớm thì muộn sẽ lập lại các thất bại này trong tương lai". Và quả thật "đại dịch Cúm Tây Ban Nha" là một bài học đau đớn đầy chết chóc, nhưng qua đó kiến thức của nhân loại về vi-rút đã tiến những bước đáng kể. "Bọn chúng" thật ra có mặt khắp nơi, trong không khí, đại dương, đất đai. 1 giọt nước biển chứa chừng 10 triệu vi-rút, đông hơn dân số một vài quốc gia trên thế giới. Dịch bệnh do vi-rút gây ra, là hiện tượng luôn luôn đi kèm với cuộc sống tiến hóa của mọi sinh vật, đi kèm với lịch sử con người. "Có giang sơn thì vi-rút đã có tên" như cụ Nguyễn Công Trứ khẳng định trong bài thơ Kẻ Sĩ. Kính xin cụ Nguyễn Công Trứ tha thứ cho kiểu đùa dai nêu trên.

Nói cho đúng, kể từ khi loài người dần dần bỏ lối sống săn bắt hái lượm, quay sang định canh định cư (chừng 10.000 năm trước), do tình trạng đông người sống tập trung và gần gụi với cả nhiều gia súc khác, trên diện tích nhỏ hẹp hơn trước, đã tạo điều kiện cho đủ các loại mầm bệnh dễ lây lan, bùng phát dịch bệnh. Trong quá trình tiến hóa, không chỉ người lây người, mà cả gà vịt, heo bò, chim chóc, kể cả dơi, chuột v.v. cũng có khả năng lây lan bệnh tật cho người. Từ đó chúng ta có đậu mùa, dịch hạch, sởi, quai bị, thương hàn, ho lao, cúm, viêm, sốt rét v.v. Vì thế việc chúng ta phải "giữ khoảng cách" như hiện nay là tối quan trọng.

Mầm bệnh có thể là vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi-rút v.v. Trong đó vi-rút đóng vai trò khá đặc biệt. Mọi sinh vật đều sở hữu một bộ phận đặc biệt: tế bào (từ đơn bào đến đa bào), nhưng chẳng hiểu "Thượng Đế" sáng tạo muôn loài toan tính cái gì mà lại không cho vi-rút "bộ phận" quý báu này. Nói thật đơn giản, thiếu tế bào nên vi-rút không tự "sản sinh" được "con cái", đành phải xâm nhập vào tế bào của sinh vật, khuynh đảo tế bào này ép buộc nó sản sinh ra vi-rút "con cái". Vi-rút như vậy là "tế bào tặc", mượn tế bào của sinh vật khác - thí dụ con người - làm lò đẻ. Vi-rút "con cái" mới được "sản sinh" ra lại xâm nhập vào các tế bào khác, và quy trình "tế bào tặc" tái diễn.

Thời xửa thời xưa con người chưa biết mầm bệnh, vi sinh vật, vi khuẩn, vi-rút gì ráo trọi. Thế cho nên mọi thứ cứ thế đổ lên đầu lực lượng siêu nhiên, ma quỷ, thần thánh, thượng đế v.v. Dịch bệnh té ra là do con người làm phật lòng những vị đầy quyền lực nêu trên, nên bị các vị ấy trừng phạt. Tại Phi châu - dĩ nhiên không chỉ Phi châu - cho đến nay việc tin rằng bệnh sốt rét do phù thủy, tà ma bày ra vẫn còn rất phổ biến. Người trong xóm thư, yểm bùa nhau để trả thù v.v. chứ không phải do bị muỗi Anopheles đốt rồi truyền bệnh. Mới hôm qua ta còn khỏe khoắn, hôm sau đã bị kẻ thù ếm bùa ngải gây sốt cao, mồ hôi đầm đìa, rét run, hôn mê, quằn quại v.v. khiến ai tin bùa phép thì mời pháp sư đến giải. Trên thế giới hiện nay, chủ yếu tập trung tại Phi châu, hằng năm khoảng 200 đến 300 triệu người nhiễm bệnh, chừng 1/2 triệu tử vong, tỉ lệ này tương đối thấp, phần lớn nhờ vào sự cải thiện hệ thống y tế. Khi mầm bệnh thâm nhập cơ thể chúng ta, hệ thống đề kháng lập tức bày binh bố trận, chống lại bọn xâm lấn, tìm cách tiêu diệt chúng, hoàn toàn độc lập với ý chí, suy nghĩ, tự giác hay không tự giác. Bởi vậy, "không sát sinh" chỉ đúng trên phạm vi vĩ mô, chứ vi mô thì hoàn toàn sai. Đó là chưa kể cứ mỗi bước chân chúng ta đi, vô tình có thể đạp chết hàng triệu vi trùng, vi khuẩn v.v.

Nhân loại đã tiến những bước khá xa trên con đường tìm hiểu và "cải tạo" thế giới, chủ yếu dựa vào các phương tiện khoa học. Tuy vậy Friedrich Engels vào năm 1925 từng lập luận trong bản thảo chưa hoàn tất "Dialektik der Natur/Biện Chứng của Tự Nhiên": "Chớ vội quá tự mãn vì những chiến thắng của chúng ta đối với thiên nhiên. Cứ sau mỗi chiến thắng, thiên nhiên lại ăn miếng trả miếng/Schmeicheln wir uns indes nicht zu sehr mit unsern menschlichen Siegen über die Natur. Für jeden solchen Sieg rächt sie sich an uns." Tư tưởng lớn gặp nhau? 95 năm sau, trước dịp Lễ Phục Sinh 2020, Đức Giáo hoàng Francis, cũng đưa ra nhận định tương tự "Phải chăng thiên nhiên đang tìm cách trả thù? Rõ ràng đây là phản ứng mạnh mẽ của thiên nhiên, hậu quả những tác động tiêu cực tới môi trường của con người"

Như đã nhắc đến ở phần trên, khoảng 10.000 năm trước, khi con người dần bỏ lối sống săn bắt hái lượm, quay sang định canh định cư, nổ ra cuộc cách mạng nông nghiệp, tổng dân số thế giới được ước lượng chỉ chừng vài triệu đến chục triệu. Nhưng đến 2020 con số này đã gần đạt mức 7,8 tỉ. Thiên nhiên vài ngàn năm trước dư thừa tài nguyên nuôi sống loài người. Thiên nhiên ngày nay trái lại đã bị loài người vắt kiệt cạn tàu ráo máng. Đằng sau đại dịch, thiên tai, tuyệt chủng v.v. có bàn tay phá hoại lạnh lùng thật vô tình của nhân loại. Thử nhìn công nghiệp thực phẩm, để thấy đại đa số các quy trình sản xuất đều tấn công trực diện vào thiên nhiên. Chúng ta đã từng nghe bò điên, cúm heo, cúm gia cầm, lở mồm long móng v.v. Theo khảo cứu của tạp chí khoa học Science cuối năm 2018, lấy số liệu từ chừng 40.000 nông trại thuộc 119 quốc gia, công nghiệp sản xuất thịt và sữa chỉ cung cấp chừng 18% lượng calories, 37% lượng protein, nhưng chiếm hết 83% diện tích đất đai canh tác, cũng như tạo ra 60% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Gần 33% đất chỉ dành riêng để trồng thức ăn cho gia súc. Bạn đọc có biết tổng số bò nuôi trong trang trại thế giới để lấy thịt, vắt sữa, thuộc da v.v. là bao nhiêu? Tròm trèn 1 tỉ con, trong đó nước Mỹ đứng đầu. Nói về heo, tròm trèm 700 triệu con, Trung quốc số 1 (310 triệu con), Liên Âu số 2 (trên 148 triệu con), Mỹ số 3 (78 triệu con). Về gà qué, thế giới nuôi gần 24 tỉ con (con số năm 2018) để ăn thịt và lấy trứng. Trung quốc cung cấp 529 tỉ quả trứng gà, Mỹ gần 107 tỉ. Nhưng Mỹ lại đứng đầu trong thị trường cung cấp thịt gà quay. Hàng triệu con vật chen chúc sống trong diện tích nhỏ hẹp, có khác gì hình ảnh biểu tượng, khoảng 10.000 năm trước khi loài người quay sang định canh định cư, khởi động tiến trình đô thị hóa, chen chúc sống bên nhau, nhưng lại đạt được những tiến bộ, tiện nghi trước mắt. Phải chăng nhân loại từ đó chóa mắt trong hào quang chiến thắng, tối mắt vì những món lợi khổng lồ, nhắm mắt làm ngơ trước những tiếng kêu than bất bình thường của thiên nhiên. Chỉ 1 thí dụ: phá rừng nhằm lấy đất lập nông trại, trang trại, lấy gỗ cho kỹ nghệ xây cất, nhà cửa, kéo theo tình trạng tuyệt chủng của nhiều sinh vật, ảnh hưởng rất tiêu cực tới môi trường v.v..

Trong phần I bài này, tôi có nhắc đến cuốn sách "Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How It Changed the World". Tác giả Laura Spinney nhắc đến giai thoại liên quan đến vị Giám mục gíáo phận Zamora trong thời Đại dịch cúm Tây Ban Nha. Cuối tháng 9-1918, đứng trước tình trạng số ca tử vong gia tăng, Giám mục Antonio Álvaro y Ballano cương quyết chống lại lệnh cấm tụ họp đông người của chính phủ, 9 đêm liền cử hành liên tiếp các phiên lễ cầu nguyện Thánh RôCô/St Rocco (vị thánh chuyên trị ôn dịch) ban phước lành, tha thứ cho những tội lỗi của loài người, với rất đông giáo dân tham dự. (Chúng ta có thể tìm hiểu thêm về vị thánh này ở liên kết mạng thuộc Trung tâm mục vụ Sài gòn: KINH THÁNH RÔCÔ (XIN THOÁT KHỎI ÔN DỊCH), http://ttmucvusaigon.org/nguyen-cau/kinh-thanh-roco---xin-thoat-khoi-on-dich-/). Sang tháng 10 số ca tử vong tại Zamora đã tăng kỷ lục: 10,1% so với tỉ lệ trung bình 3,8% tại Tây Ban Nha. Dĩ nhiên theo ý kiến của Giám mục Antonio Álvaro y Ballano - thể hiện qua lá thư luân lưu gửi giáo dân ngày 20-10 - đây là bằng chứng cho thấy khoa học không thể đối phó hữu hiệu bệnh cúm. Ông kêu gọi người dân dốc toàn lực tham gia các buổi cầu nguyện. Và quả thật sang tháng 11 dịch cúm dần dần rút lui (nhưng không chỉ riêng tại Zamora). Đa số người dân Zamora tin rằng các buổi cầu nguyện đã giúp chiến thắng đại dịch. Giám mục Antonio Álvaro y Ballano sau đó được thành phố Zamora tặng thưởng huân chương cao quý và tiếp tục giữ chức phận giám mục đến năm ông từ trần (1927). Chắc vị Giám mục này, giây phút trở về cát bụi, lòng vẫn thanh thản, không bao giờ nghĩ rằng mình có thể là người gián tiếp gây ra cái chết của hàng trăm giáo dân?

Hơn 100 năm sau, vị Giám mục lãnh đạo một giáo phái Tin Lành ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, ông Gerald O. Glenn, lại không được may mắn như vị đồng nhiệm Tây Ban Nha. Ông đã từ trần 1 đêm trước Lễ Phục Sinh sau khi nhiễm Covid-19 và bị không ít người chê trách. Trước đó 3 tuần ông còn gián tiếp phản đối lệnh cấm tụ họp trên 10 người với lời thuyết giảng "Tôi tin Thiên Chúa mạnh hơn loài vi-rút đáng sợ này". Chẳng có gì lạ, vào năm 2007 kết quả thống kê thăm dò ý kiến người dân Mỹ từ tổ chức Pew Research Center cho thấy, vẫn còn 23% tin rằng "bệnh AIDS/HIV là do Thượng Đế trừng phạt loài người vì hành vi tình dục vô đạo đức". Trong tác phẩm Dịch Hạch/The Plague văn hào Albert Camus đưa ra những suy nghĩ thấm thía như sau: "Tội ác trên thế gian hầu như luôn luôn xuất phát từ tình trạng u mê, không chịu học hỏi thêm, và ý định tốt đẹp vắng bóng sự hiểu biết, cũng có thể gây hại nhiều không kém."

James Wisser bị cảnh sát San Francisco, Mỹ bắn trọng thương, không chỉ vì ông ta từ chối đeo khẩu trang ngừa đại dịch, mà còn lớn tiếng cãi cọ, xông vào hành hung cảnh sát. Ông ta sẽ bị tống giam: lý do vi phạm luật lệ thành phố. Tuy nhiên câu chuyện nói trên xảy ra ngày 27-10-1918, cách đây trên 100 năm, khi mà đại dịch khiến 26 triệu người Mỹ nhiễm cúm, tương đương 28% tổng dân số, với gần 675,000 ca tử vong. Hiện nay vào giữa tháng 5 các con số tương đương: trên 1,5 triệu người Mỹ nhiễm cúm, với hơn 90.000 ca tử vong. Với dân số chỉ bằng tròm trèm 5% tổng dân số thế giới, nhưng nước Mỹ chiếm gần ⅓ ca nhiễm cúm cũng như ca tử vong. Chiến lược của chính phủ TT Trump, bằng bất cứ gía nào, ưu tiên tránh bóp nghẹt kinh tế, thả lỏng Covid-19 khi đại dịch mới xuất hiện, hy vọng "em chợt đến, chợt đi", cuối cùng khiến dân chúng Mỹ đang điêu đứng. Với chiến lược này, nước Mỹ thua trên cả 2 mặt trận: nền kinh tế Mỹ vẫn đi xuống, trong khi Covid-19 mặc sức tung hoành. Chỉ trong vòng 8 tuần, thêm 36 triệu người phải sống bằng tiền thất nghiệp, và trong số này 27 triệu mất bảo hiểm y tế, phải xin trợ cấp đặc biệt.

Một bài học quan trọng được rút ra sau Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918-1919 ở những quốc gia phát triển, là chính quyền phải nắm trách nhiệm quản lý hệ thống y tế, phối hợp với các tổ chức tư nhân, phi chính phủ, từ thiện v.v. nhằm bảo đảm tối thiểu dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Hiến chương năm 1948 của WHO/Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định quyền được chăm sóc sức khỏe là quyền căn bản con người. Đa số hệ thống y tế đang áp dụng ở các quốc gia phát triển hiện nay, ít nhiều đều dựa trên kinh nghiệm Đức (1883) từ thời Bismarck. Tuy nhiên hiện nay trên phân nửa dân số thế giới, hằng ngày chỉ có thể chọn lựa giữa vừa đủ ăn, thì không có tiền cho y tế, sức khỏe, hay ngược lại. Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao? Không thể chỉ nhìn vào các chỉ dấu tăng trưởng kinh tế để đánh giá quốc gia. Điều này thật ra chẳng có gì mới, nhưng hệ thống y tế quốc gia nói chung, phải là bài học loài người cần rút ra sau đại dịch Covid-19. Vì với tình trạng toàn cầu như hiện tại, câu hỏi không còn là: một đại dịch khác sẽ xuất hiện hay chăng, mà là bao giờ nó sẽ xuất hiện?

Khả Tri & Nguyễn Thị Hòa Vang (tháng 5-2020)

(còn tiếp)

Khả Tri & Nguyễn Thị Hòa Vang 
(04-2020)


Tài liệu tham khảo: Spain/Rick Steves 2017