Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 
Lung tung thời đại dịch (phần I)

Khả Tri & Nguyễn Thị Hòa Vang

- Lung tung thời đại dịch (phần I)
- Lung tung thời đại dịch (phần II)
Đến ngày 05-04-2020 (trong ngoặc là con số vào cuối tháng 3) số bệnh nhân toàn thế giới được xác định nhiễm Covid-19 đã vượt qua mức 1.227.000 (825.000), với hơn 66.500 (40.000) ca tử vong. Tuy nhiên cũng xấp xỉ 260.000 (175.000) con bệnh may mắn đã bình phục, trong tình hình chưa có thuốc chủng ngừa, hay thuốc điều trị hiệu quả rõ ràng. Xin được giới thiệu với bạn đọc trang mạng đặc biệt về đại dịch Covid-19 của Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, từng ngày từng giờ cập nhật tin tức tổng hợp từ nhiều nguồn, theo đường dẫn sau: https://coronavirus.jhu.edu/map.html.

Nhưng chúng ta cần biết rằng, tất cả những con số nêu trên không thể nào phản ánh chính xác thực trạng đại dịch. Đó là tổng hợp các báo cáo từ chừng 180 quốc gia, mà không phải báo cáo nào cũng hoàn toàn trung thực. Nó có thể trầm trọng hơn nhiều, vì thật sự hệ thống y tế tại nhiều quốc gia trong cuộc khủng hoảng hiện nay, không đủ khả năng kiểm soát, thống kê, hay vì lý do chính trị nào đó v.v. Thí dụ Bắc Hàn khẳng định, đất nước họ không bị Covid-19 tấn công, mặc dù quốc gia này nằm giữa 2 ổ dịch: Trung Quốc và Nam Hàn. Chính quyền Bắc Hàn chỉ xác nhận có áp dụng biện pháp cách ly người dân để phòng ngừa. Riêng tại Việt Nam, các con số vào ngày 05-04-2020 là 241 ca nhiễm, không có tử vong và 90 trường hợp bình phục.

Tại rất nhiều quốc gia khác, đa số các ca nhiễm mới từ giữa tháng 3 chẳng liên quan trực tiếp tới du lịch nước ngoài, hay từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là người dân sống chung đụng trong cộng đồng, trong thành phố v.v. bắt đầu lây lan cho nhau. Điều này cũng có nghĩa là các ca nhiễm mới sẽ tăng vọt trong vài tuần lễ sắp tới. Thí dụ Hoa Kỳ, từ ngày 27-03-2020, trở thành quốc gia đầu tiên có số ca nhiễm bệnh vượt mức 100.000, và gia tăng một cách đáng quan ngại, bỏ xa các ổ dịch như Ý, Trung Quốc, Tây Ban Nha v.v. Tuy nhiên số tử vong tại Mỹ ngày 05-04-2020 là 8.500/so với số ca nhiễm 312.500, vẫn còn thấp hơn Ý (gần chạm mức 16.000/số ca nhiễm 125.000), Tây Ban Nha (chừng 12.500/số ca nhiễm 131.000), vượt Pháp (7,600/số ca nhiễm 91.000) và cả Trung quốc (chừng 3,400/số ca nhiễm 82.000). Một hiện tượng lạ khác là tỉ lệ nhiễm bệnh, tử vong của giới trẻ từ 20-39 tuổi cao hơn mức bình thường. Nói chung nhiều con bệnh bị cảm sốt, ho hen, khó thở trong vòng 2-3 tuần, rồi bình phục. Riêng những ai có tiền sử bệnh đường hô hấp, thành phần cao niên, yếu sức khỏe, rất dễ trở nên trầm trọng hơn, thậm chí tử vong. Khắp nơi trên thế giới lệnh phong tỏa 14-21 ngày, cấm ra đường, tụ họp đông người đã được ban bố. Ấn Độ phải áp dụng lệnh giới nghiêm toàn quốc, cấm tuyệt 1.3 tỉ người dân ra đường nếu không cần thiết, đồng thời tung ra gói cứu trợ khẩn cấp 22 tỉ USD cho thành phần nghèo đói.

Địa điểm và thời gian xuất phát đại dịch toàn cầu (viêm phổi, đường hô hấp) lần này được xem là thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, từ tháng 12-2019, với ca tử vong đầu tiên ngày 9-1-2020. Giữa tháng 01-2020 nhiều trường hợp dương tính Covid-19 bên ngoài Trung Quốc xuất hiện tại Thái Lan, kế đó là Nhật Bản, Nam Hàn, Phi Luật Tân, Mỹ, Âu Châu v.v. với ca tử vong đầu tiên ngày 02-02-2020 tại Phi Luật Tân. Ngày 11-03-2020 WHO/Tổ chức Y tế Thế giới phải chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Có 3 thuật ngữ căn bản để chúng ta hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra. 1) Coronavirus, 2) Sars-CoV-2, 3) Covid-19. Tuy nhiên trước khi đi sâu vào nội dung những thứ khô khan, tôi xin được mời quý bạn đọc thư giãn, xem video youtube hoạt hình từ Việt Nam tựa đề "Ghen Cô Vy", yết lên mạng từ 23 tháng 2, dài chừng 3 phút và cho đến nay được ít nhất trên 30 triệu lượt người xem, với khuynh hướng gia tăng, theo đường dẫn sau: https://www.youtube.com/watch?v=BtulL3oArQw. "Ghen Cô Vy" dựa vào video clip nhạc "Ghen" (2017) cũng nổi tiếng từ đó.

1) Coronavirus/Họ vi-rút Corona: thường được viết tắt CoV, gọi đùa tiếng Việt "Cô Vy", là một dòng họ vi-rút "tiếng tăm", trong đó có cô nàng vi-rút tuy mới "mở mắt chào đời", lại đang gây điêu đứng cho chúng ta. 2) Sars-CoV-2: ban đầu khi người ta vừa khám phá ra sự hiện hữu của "Cô Vy", WHO/Tổ chức Y tế Thế giới chỉ gọi tắt là Sars-CoV-2/Severe Acute Respiratory Syndrome-Coronavirus-2:nghĩa là loại vi-rút gây hội chứng đường hô hấp trầm trọng. 3) Covid-19/Coronavirus-Disease-2019: ngày 11 tháng 2, WHO mới công bố tên gọi chính thức căn bệnh gây hội chứng đường hô hấp năm 2019 do cô nàng vi-rút nói trên gây ra.

Xin được đưa thêm một vài dữ kiện để chúng ta so sánh và suy nghĩ. Theo thống kê của WHO, từ 2010 đến nay, số bệnh nhân toàn cầu tử vong liên quan đến nhiễm influenza/cúm hằng năm biến động từ 290.000 đến 650.000. Riêng tại Mỹ các con số tương đương là 12.000 đến 61.000. Phải chăng bệnh cúm hằng năm, có thể gây tử vong nhiều hơn so với Covid-19 hiện tại? Vì kiến thức của chúng ta về "Cô Vy" còn chưa đầy đủ, nên mọi khẳng định vào thời điểm này là quá vội vàng. Nói chung, khoảng 1 tỉ người trên toàn thế giới nhiễm cúm hằng năm. Tuy nhiên y khoa đã có thuốc chủng ngừa và trị cúm khá hữu hiệu, ngoài ra một bộ phận dân chúng với thời gian đã phát triển được phần nào khả năng tự đề kháng.

Dịch bệnh trong quá khứ.

Nhìn lại quá khứ chừng 100 năm qua, cái gọi là "Spanish Flu/Cúm Tây Ban Nha" có lẽ là đại dịch kinh khủng nhất. Nó đột ngột xuất hiện vào mùa xuân 1918, khi Thế Chiến I sắp chấm dứt, kéo dài gần 2 năm trời, chia làm 3 đợt càn quét, cướp đi sinh mạng của chừng 40 triệu người (theo những dự đoán khác con số tử vong có thể đến gần 100 triệu), bất kể lớn bé già trẻ, nam phụ lão ấu. Đó là chưa kể hàng trăm triệu con bệnh – chiếm khoảng 1/3 dân số thế giới – cũng ngất ngư, thừa sống thiếu chết. Vào những năm 1918-1919 chưa có WHO/Tổ chức Y tế Thế giới, kiến thức y học còn thiếu sót, chưa ai nghĩ rằng bệnh cúm do vi-rút gây ra, chưa có thuốc chủng ngừa, thuốc trụ sinh chữa bệnh viêm phổi v.v. Tỉ lệ tử vong bình thường của người mắc bệnh cúm thấp hơn 0.1%. Nhưng trong đại dịch khởi đi từ 1918, tỉ lệ này cao hơn 2%, và phụ thuộc điều kiện y tế cụ thể, thậm chí còn lên đến 10% hay 20%. Thông thường thành phần dễ tử vong là trẻ nhỏ và người cao tuổi, nhưng với đại dịch Cúm Tây Ban Nha/ sẽ viết tắt là CTBN, gần 1/2 tổng số nạn nhân tử vong nằm trong lứa tuổi từ 20 đến 40, tức là nhóm người đang khỏe mạnh, chủ yếu trong vòng mấy tuần lễ đầu tiên. Đặc biệt, một số bệnh nhân vừa nhiễm cúm với những triệu chứng thông thường như cảm lạnh, ho hen, sổ mũi v.v. đã mất mạng nội trong vòng vài ngày, thậm chí vài giờ sau đó. Tại Mỹ 28% tổng dân số, tương đương 26 triệu người nhiễm cúm, khiến gần 675,000 người tử vong. Tại Nhật Bản các con số tương đương là 23 triệu và 390,000, trong khi tại Ấn Độ, người chết như rạ, 10-17 triệu ca. Khói thiêu xác bốc lên mịt mù không gian, nhiều thành phố như đang sống trong đêm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Riêng tại Việt Nam, tôi xin trích bài “Lược khảo về dịch bệnh ở Việt Nam hồi thế kỷ 19 qua ghi chép trong Đại Nam thực lục” của tác giả Phạm Hoàng Quân, theo đường dẫn sau: https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/luoc-khao-ve-dich-benh-o-viet-nam-hoi-the-ky-19

Phụ Lục 6 - “Đại dịch, kéo dài 5 tháng (từ tháng 12 năm 1918 đến cuối tháng 4, 1919). Dân số Nghệ An năm này khoảng 700.000 người. Nghệ An có dịch lớn, chết 12.900 người. ‘Quan tỉnh Nghệ An thống kê tổng số nhân dân trong hạt chết vì bệnh dịch (tráng đinh và trai gái già trẻ hơn 12.900 người. Tháng chạp năm trước bệnh dịch phát ra truyền nhiễm lây lan, đến hạ tuần tháng ấy mới chấm dứt) gửi cho Cơ mật viện tâu lên.’ (CBĐTK, tr.235)"

Dịch SARS/Severe Acute Respiratory Syndrome (2002-2004) cũng do vi-rút thuộc dòng họ

Coronavirus gây ra. Con này cũng xuất phát từ Quảng Đông, Trung Quốc tháng 11-2002 rồi lan ra khắp nơi. Suốt gần 3 năm, cả thế giới ghi nhận chừng trên 8.000 ca nhiễm, xấp xỉ 800 tử vong. Tỉ lệ tử vong (10%) như vậy cao hơn nhiều so với đại dịch Covid-19 hiện nay. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 tháng hoành hành, Covid-19 đã vượt xa dịch SARS kéo dài gần 3 năm (11-2002 đến 07-2004) về mặt lây lan gây nhiễm bệnh.

Đại dịch Cúm 2009 còn gọi nôm na là Cúm Heo gây ra bởi một loại vi-rút thuộc dòng H1N1 (tương tự dòng họ gây ra Cúm Tây Ban Nha), có thể đã xuất hiện lần đầu tiên trong tháng 01-2009 tại Mễ cũng như tháng 04-2009 tại Mỹ, lây lan khá nhanh khi y khoa chưa có thuốc chủng ngừa và điều trị, kéo dài đến đầu tháng 08-2010. Sau khi rất nhiều ca nhiễm bệnh bùng phát ngày 11-06-2009 WHO chính thức tuyên bố một đại dịch cúm toàn cầu mới. Theo thống kê, trên toàn thế giới, chừng 150.000 đến 300.000 ca tử vong, số ca nhiễm bệnh từ 700 triệu đến hơn 1 tỉ. Trong các ca nhiễm bệnh, thành phần trẻ em và thiếu niên từ 5 đến 19 tuổi chiếm 47%, so với 11% thuộc thành phần cao niên từ 65 tuổi. Sau 6 tháng trời nghiên cứu cật lực, may mắn thay từ tháng 12-2009 hệ thống y tế nói chung đã có thể bắt đầu chích thuốc chủng ngừa cho người dân, phần nào giúp ngăn ngừa sự lây lan.

Dịch sốt xuất huyết Ebola (2014-2016) xuất hiện lần đầu tiên tại Guinea, Phi Châu tháng 12-2013, bùng phát mạnh trong tháng 03-2014, kéo dài đến tháng 03-2016 mới chấm dứt. Mặc dù Ebola chỉ lan tràn chủ yếu (qua máu, mồ hôi, phân, nước tiểu, nước miếng, tinh dịch v.v.) tại chừng 10 quốc gia Tây Phi, với gần 30.000 ca nhiễm bệnh, tuy nhiên tỉ lệ tử vong xấp xỉ 50% tương đương 11.325 ca. Tuy đã có thuốc chủng ngừa khá hữu hiệu, dịch Ebola sau đó vẫn bùng phát tại Cộng Hoà Dân Chủ Congo những năm 2018 và 2019, vì hệ thống y tế yếu kém.

Nằm trong bối cảnh và quá trình phát triển tương đối khác biệt, tôi sẽ không bàn đến đại dịch HIV/AIDS được phát hiện vào năm 1981, cho đến nay có thể đã gây tử vong cho ít nhất 30 triệu người.

Từ quá khứ đến hiện tại

Nhìn lại các cơn (đại) dịch trong quá khứ, và Covid-19 hiện tại, chúng ta có thể khẳng định rằng nhân loại cần chuẩn bị đối phó với những trận (đại) dịch trong tương lai (theo chu kỳ cứ 4, 5 năm?) sẽ bùng phát. Thế nhưng loài người hình như vẫn chưa hoàn toàn tự giác về sự đe dọa nói trên. Nữ ký giả chuyên viết tiểu luận khoa học, kiêm văn sĩ người Anh Laura Spinney, tác giả cuốn sách xuất bản năm 2017 "Pale Rider: The Spanish Flu of 1918 and How It Changed the World/Thần Chết: Cúm Tây Ban Nha 1918 và Bộ mặt Thế giới đã thay đổi như thế nào", có đặt câu hỏi trong bài viết vào tháng 11-2018 (nhân kỷ niệm 100 năm CTBN), nghĩa là hơn 1 năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, tựa đề "Why don’t we remember these 100 million dead?/Sao chúng ta không nhớ đến 100 triệu người đã chết?" Xin được tóm tắt như sau:

"Ở Pháp, nơi tôi đang sống, có trên 170,000 công trình tưởng niệm Thế Chiến I. Thế nhưng, chỉ độc nhất một bia đá hình thánh giá, tưởng nhớ đại dịch Cúm Tây Ban Nha, đứng trơ trọi ở Lajoux thuộc địa hạt Jura, vùng núi non sát biên giới Pháp-Thụy Sĩ. Với dân Pháp, điều này còn có thể hiểu được. Ở đây số người chết trong Thế Chiến I cao gấp 6 lần con số tử vong trong đại dịch 1918. Tuy nhiên hiện tượng lơ là Cúm Tây Ban Nha xảy ra khắp nơi. Và nhìn qua góc độ toàn cầu, chúng ta càng khó lý giải sự mâu thuẫn nói trên. Trên toàn thế giới, từ 50 triệu đến 100 triệu người bỏ mạng vì đại dịch 1918, so sánh với 18 triệu trong Thế Chiến I. Tại sao chúng ta hằng năm vẫn cử hành lễ tưởng niệm Thế Chiến I mà không một lần nhắc nhở đến đại dịch 1918. Phải chăng cái chết vì bệnh tật ít giá trị hơn so với cái chết ngoài trận mạc? Nếu thế, đó là vấn nạn cần được chúng ta suy ngẫm …."

Với cuốn "Pale Rider" nêu trên, bà Laura Spinney dĩ nhiên cũng là một trong những người đầu tiên quay nhìn lại đại dịch 1918 dưới một lăng kính hoàn toàn mới, các bài học rút từ cái gọi là CTBN, tên gọi không chính xác, trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: Thế Chiến I đang tàn lụi, nhưng chưa hoàn toàn chấm dứt, bùng nổ vào tháng 07-1914, đình chiến ngày 11-11-1918, với 2 phe tham chiến bao gồm: phe Hiệp Ước, ban đầu chủ yếu chỉ là Anh, Gia Nã Đại, Pháp, Nga, sau (tháng 04-1917) thêm Hoa Kỳ, Ba-Tây v.v. đối đầu là phe Liên Minh gồm đế quốc Đức, đế quốc Áo-Hung, đế quốc Ottoman v.v.

Vi-rút gây đại dịch xuất phát từ đâu, ngoài khá nhiều giả thuyết, cho đến nay chẳng ai biết chính xác. Một trong những phỏng đoán cho rằng loại vi-rút cúm đột biến gen bỗng xuất hiện năm 1917 tại miền Bắc Trung Hoa. Một phỏng đoán khác chọn căn cứ quân sự Étaples, Pháp, nơi đổ bộ của binh lính Anh vào lục địa, làm điểm xuất phát dịch bệnh. Tây Ban Nha (đứng trung lập trong Thế Chiến I) là quốc gia đầu tiên công bố các ca nhiễm bệnh vào tháng 05-1918. Tại Madrid gần ⅔ dân số nhiễm bệnh, ngay cả quốc vương Alfonso XIII đang ăn sung mặc sướng trên ngai vàng, vẫn bị tấn công. Cũng trong thời gian này, rất nhiều ca nhiễm bệnh xuất hiện tràn lan tại mặt trận phía Tây, Bắc Phi, Ấn Độ rồi lan đến Trung Hoa, Úc v.v. nhưng các quốc gia đang tham chiến, vì sợ lộ bí mật bất lợi, nên đều cố tình dấu nhẹm hiện tượng này. Trường hợp nhiễm bệnh "CTBN" đầu tiên có sổ sách chính thức ghi nhận, lại xuất hiện tại một bệnh viện thuộc căn cứ quân sự Kansas, Hoa Kỳ ngày 11-03-1918 (theo bà Spinney, phe Hiệp Ước, đặc biệt Pháp, đồng ý dùng cụm từ "CTBN" một phần vì chủ đích nêu trên, một phần vì con số ca nhiễm tại Tây Ban Nha tăng cao).

Cũng vì chủ trương dấu nhẹm, nên đại dịch đã có thể lan tràn dễ dàng mà không có bất cứ một đường lối hợp tác nào giữa các quốc gia, nhằm đối phó thích ứng. Thêm vào đó đại dịch hầu như biến mất dần vào cuối tháng 07-1918, khiến các tướng tá vội tưởng rằng đã có thể rảnh tay tiếp tục cuộc chiến. Nhưng chỉ vài tuần lễ sau Thần Chết đột ngột tái xuất giang hồ, lần này hắn ta lạnh lùng đi đến đâu khua lưỡi hái đến đó. Đại dịch cúm kéo dài gần 2 năm trời, chia làm 3 đợt càn quét, cướp đi sinh mạng của từ 40 triệu đến 100 triệu người. Oái ăm thay, đại dịch làm cho cả 2 phe phái đều kiệt quệ nhân lực, ít nhiều góp phần gây áp lực dẫn đến quyết định chấm dứt Thế Chiến I.

100 năm sau "CTBN" bộ mặt thế giới đã biến đổi như thế nào? Với con số tử vong ước đoán từ 40 triệu đến 100 triệu, nhưng "CTBN" 1918 chỉ tồn tại trong ký ức loài người như một "sản phẩm phụ" của Thế Chiến I. Tuy vậy, hiểu biết về vi-rút của nhân loại sâu sắc hơn nhiều, y học đã phát minh được thuốc chủng ngừa cúm nói chung, và hy vọng sẽ chiến thắng Covid-19. Năm 2005, trong phòng thí nghiệm, người ta đã có thể làm sống lại dòng vi-rút H1N1 gây "CTBN" để nghiên cứu và hiểu rõ hơn về tiến trình đột biến gen của nó.

Trong cuốn "Pale Rider" bà Laura Spinney có nhắc đến giai thoại liên quan đến dòng họ Tổng thống Donald Trump. Sau đại dịch CTBN, các công ty bảo hiểm tại Mỹ phải chi trả tổng cộng gần 100 triệu USD, giá trị tương đương với chừng 20 tỉ USD hiện tại. Một trong những người được hưởng tiền bảo hiểm là Friedrich Trump (tử vong vì đại dịch), ông nội của đương kim Tổng thống Mỹ, di dân từ Đức. Ông ta để lại số tiền cho vợ và con trai Fred Trump. Đó là một số vốn đáng kể cho phép Fred Trump đầu tư khôn khéo vào bất động sản....

(còn tiếp)

Khả Tri & Nguyễn Thị Hòa Vang 
(04-2020)


Tài liệu tham khảo:Spain/Rick Steves 2017