Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 
Chuyện nước chuyện nôi 
(2)
Phần II: Từ giọt nước mắt đến phụ nữ hóa đá
Khả Tri
Phần I
Phần II: Từ giọt nước mắt đến phụ nữ hóa đá
Thạch da ? Nhân da ? Bỉ hà nhân ?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân ...
Vọng Phu Thạch - Thanh Hiên Thi Tập/Nguyễn Du

Là người? Là đá? Hỏi là ai?
Đầu núi bao năm đứng giữa trời ...
(người dịch Nguyễn Thạch Giang)

Người đi ngoài vạn lý quan san
...
Người biến thành tượng đá ôm con
Hòn Vọng Phu/Lê Thương

Đề tài nước mắt, viết ngàn trang giấy e chưa hết chuyện. Tôi thử tham vấn cụ Google với từ khóa "nước mắt", thì cụ cho ra trên 200.000 kết quả, dĩ nhiên thượng vàng hạ cám. Con người đa dạng và phức tạp, có vị mau nước mắt, có vị cứng cỏi, nhưng nói chung dù vui, buồn, quằn quại, hạnh phúc, nhức mỏi, buồn ngủ v.v. lệ vẫn rơi lã chã. Đặt câu hỏi tại sao chúng ta khóc tuy ngớ ngẩn, nhưng cần biết rằng, loài người có thể là giống sinh vật duy nhất chảy nước mắt vì tình cảm hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, cụ; trong khi các sinh vật khác chảy nước mắt chủ yếu vì phản xạ sinh lý.

Đại đa số mọi đứa bé vừa chào đời đã cất tiếng khóc, nhưng đôi mắt thường ráo hoảnh, vì các tuyến, bộ phận liên quan chưa hoàn chỉnh. Bé sơ sinh đôi khi cần từ 4 đến 10 tuần, mới đủ khả năng khóc ra nước mắt. Trái ngược với cá sấu, người ta quan sát thấy chúng sau khi xơi tái con mồi, lệ đã tuôn trào. Thế là chúng ta vội lên án "bọn" này đạo đức giả, giả vờ khóc thương nạn nhân, "nước mắt cá sấu". Như đã nói ở trên, thật ra cá sấu trào lệ chỉ là phản xạ sinh lý, cũng như khi chúng ta thái hành tây, cay đến chảy nước mắt, chẳng thương xót gì ai.

Nước mắt tối cần thiết cho mọi sinh vật, giúp bảo vệ, làm sạch, bôi trơn, giúp chủ nhân nhìn rõ. Hằng năm con người mạnh khỏe trung bình sản xuất ra từ 60 đến 110 lít. Nhưng tuyến nước mắt của các vị cao niên ít hoạt động, thế nên người già hay bị khô mắt. Khoa học hình như đã chứng minh được hiện nay nữ giới khác nam giới ... về khả năng khóc: a/ nhịp độ khóc gấp 3-4 lần, cánh đàn ông mỗi năm trung bình khóc từ 6 đến 17 lần, và phái yếu (bị gọi như thế vì mau nước mắt? hay chỉ là thành kiến?) từ 30 đến 64 lần b/ cường độ khóc và nước mắt của phụ nữ cũng mãnh liệt hơn, đàn ông khóc khá âm thầm, thậm chí còn muốn che dấu biểu lộ tình cảm. Các cô các bà trái lại, ướt đẫm khăn mù-soa, hay bờ vai ai đó v.v.

Trong kho tàng cổ tích, huyền thoại v.v. thế giới, người nam lẫn nữ bị hóa đá xuất hiện khá nhiều, tuy nhiên bài này chỉ tập trung viết về nước mắt và phụ nữ hóa đá. Nàng Niobe có lẽ là một trong những phụ nữ đầu tiên trên thế giới đi vào văn học chữ viết, liên quan đến nước mắt và hiện tượng hóa đá. Xin được tóm tắt như sau: trong sử thi Iliad, tác giả Homer, xuất hiện vào thế kỷ VII-VIII trước công nguyên, nàng Niobe sinh được 7 gái và 7 trai (có nguồn dẫn khác cho là 6 gái, 6 trai). Vì thấy thần khổng lồ Leto chỉ hạ sinh được một cặp sinh đôi, Apollo và Artemis, Niobe tỏ ra ngạo mạn. Bị xúc phạm, Apollo và Artemis bèn ra tay hạ sát tất cả con cái của Niobe. Quá khổ đau, không cầm được nước mắt, nàng Niobe trốn về quê quán, và được/bị biến thành tảng đá trên đỉnh núi Sipylus (phía đông bắc Izmir, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Cứ sau mùa Đông, tuyết tan, những dòng suối nhỏ từ sườn núi chơi vơi đổ xuống, như nàng Niobe triền miên nhỏ lệ nhớ thương con cái, gia đình. Nàng Niobe gần 700 năm sau, lại tái hiện trong tập thơ Hóa Thân/Metamorphoses của thi nhân La Mã Ovid, với nội dung gần như đồng nhất với sử thi Iliad, và gần đây nhất một ngọn núi trong tỉnh bang British Columbia, Canada cũng được đặt tên là đỉnh Niobe.


Nàng Niobe trên đỉnh ngọn núi Sipylus (Carole Raddato)

Ở đất nước ta, có lẽ nàng Tô Thị ở Lạng Sơn là truyền thuyết phụ nữ thủy chung ngồi khóc chờ chồng đến hóa đá, phổ biến nhất so với "6 nàng khác ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên" (theo Sổ tay địa danh Việt Nam, NXB Giáo dục 1998). Một phần có thể do rất nhiều bà mẹ Việt Nam, suốt hàng chục, thậm chí hàng trăm năm qua, mượn câu ca dao "Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa. Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh ..." làm bài hát ru con, khiến đêm đêm nàng Tô Thị thấm dần vào ký ức và sống mãi với bao nhiêu đứa bé ngày xưa, nay đã trưởng thành.


Nàng Tô Thị đã "tân trang" sau khi sụp đổ ngày 27/07/1991

Kể chuyện là một truyền thống đầy tính nhân văn xuất hiện từ ngàn xưa. Loài người từ thời mông muội, bất kể nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, địa lý, luôn phải đối phó với một thế giới đầy bất trắc, bấp bênh, khó hiểu, luôn bị thôi thúc phải giải thích tại sao trời lúc nắng lúc mưa, mùa màng khi thất bát khi trúng đậm, tại sao nên thờ phụng thần linh, anh hùng, liệt nữ, tại sao giữ gìn đạo lý gia tộc, tình nghĩa vợ chồng, tại sao phải sinh con đẻ cái, tổ tiên, ông bà, bệnh tật từ đâu tới, chết đi về đâu v.v. Khi chưa có chữ viết, thế hệ trước chỉ có thể truyền đạt cho thế hệ sau, những kinh nghiệm xương máu, thông qua hính thái kể chuyện. Vì thế chúng ta có Lạc Long Quân và Âu Cơ, Truyện Hồng Bàng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Sự Tích Trầu Cau, Thánh Gióng, Truyện Bánh Chưng, Thần Kim Qui, Tiên Dung - Chử Đồng Tử, Tấm Cám ... và dĩ nhiên Hòn Vọng Phu.


Lĩnh Nam Chích Quái
Nguồn: Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm Việt Nam

Nàng Tô Thị ở nước ta, sau thời gian sống nhờ dân gian truyền miệng, phải chăng lần đầu tiên xuất hiện trong văn học chữ viết qua sách Lĩnh Nam Chích Quái, văn xuôi chữ Hán, ban đầu được ghi tác giả là Trần Thế Pháp. Tuy nhiên những nghiên cứu gần đây cho thấy qua thời gian hơn 100 năm, nhiều tác giả khác nhau (Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Nguyễn Nam Kim, Vũ Đình Quyền, Vũ Khâm Lân, Đoàn Vĩnh Phúc v.v.) cũng đã tham gia hiệu đính, và bổ sung thêm một số truyện. Thư viện Khoa học Xã hội hiện nay còn lưu trữ 4 dị bản, Viện Sử học 1 dị bản, Thư Viện Hán Nôm 1 dị bản. Nhưng nói chung các nhà nghiên cứu đã xác định được ít nhất 14 dị bản, cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, với tổng số truyện khác nhau (từ 22 đến 43 truyện), thậm chí tên gọi cũng khác nhau. Lĩnh Nam Chích Quái ban đầu (cuối thế kỷ XIV?) chỉ có 22 truyện, không có "Truyện Thần Núi Vọng Phu". Truyện này về sau được bổ sung thêm trong phần Phụ Lục, nhưng lại kể rằng núi Vọng Phu nằm ở huyện Vũ Xương, cửa biển đạo Thuận Hóa, tức vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Huế hiện tại, chứ không phải Lạng Sơn. Ngoài ra sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tác giả Cao Xuân Dục, Lưu Đức Xứng và Trần Xán (1909) cũng nhắc đến Hòn Vọng Phu nhưng ở Bình Định.

Nàng Tô Thị Đồng Đăng thì bồng con, Hòn Vọng Phu trên Núi Bà Bình Định (thật ra là 2 hòn, 1 cao 1 thấp như mẹ nắm tay con) nội dung đều dựa vào chuyện anh trai lấy nhầm em gái. Đến khi vô tình khám phá ra bi kịch loạn luân, anh trai kinh hãi bỏ nhà ra đi. Em gái chẳng biết gì, cứ chờ chồng, rồi hóa đá. Trong khi đó trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương mượn chuyện Chinh Phụ Ngâm, cũng như Hòn Vọng Phu ở các địa phương khác, dựa vào mô-típ vợ chờ chồng đi lính thú không về.

Vào một buổi chiều cuối tháng 7 năm 1991, bỗng nhiên trời đổ cơn mưa như trút nước, kéo theo từng đợt gió lớn, khiến nàng Tô Thị ở Lạng Sơn bổ nhào xuống chân núi. Có thể chính quyền địa phương sợ bị cấp trên khiển trách, vì không làm trọn nhiệm vụ gìn giữ bảo quản các di tích văn hóa lịch sử, nên đã ra lệnh bắt ngay 2 người dân Tam Thanh, tội danh cố tình dùng mìn đánh sập nàng Tô Thị để nung vôi. Họ bị báo chí một chiều lên án, dư luận cả nước cũng xốn xang, thậm chí căm phẫn. Tuy nhiên sau đó 2 "can phạm" được trả "tự do", cho về với gia đình, không trống không kèn, không giấy tờ văn bản, không một lời xin lỗi bắt oan, theo kiểu "lặng lẽ ra đi, lặng lẽ trở về". ...

Khả Tri
(còn tiếp)
Tài liệu tham khảo:

- Lĩnh Nam Chích Quái,

1/ Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San phiên dịch từ Hán Văn. Tái bản Nxb. Hồng Bàng, 2013.

2/ Lê Hữu Mục phiên dịch từ Hán Văn. Nhà sách Khai Trí xuất bản, 1960

- Các kênh Youtube, Wikipedia v.v.