Chim Việt Cành Nam             [  Trở Về  ]                 [ Trang Chủ ]               [ Trang trước ] / [ Trang sau ]

HOÀNG XUÂN-HÃN
Lý Thường Kiệt
LỊCH-SỬ NGOẠI-GIAO TRIỀU LÝ
Phần II - Kháng Tống - Đòi đất

CHƯƠNG VIII : TỐNG SỬA-SOẠN PHỤC-THÙ 

1. Tướng-tá
2. Bộ-binh
3. Thủy-binh
4. Lương-thực
5. Chuyên-chở
6. Y-dược
Chú-thích

Trên kia đã nói, sau khi nghe tin Khâm và Liêm đã mất, vua Tống và tể-tướng Vương An-Thạch quyết định một mặt ngăn ngừa quân ta tiến đánh sang mé đông và mé bắc; một mặt sắp-sửa binh-mã, đánh thẳng vào nước ta, để gỡ vây cho thành Ung.

Nhưng trong khi sửa-soạn, Ung-châu cũng mất, và sau đó, quân ta cũng tự-ý rút về. Cho nên An-Thạch phải đổi lại chiến-lược. Mục-đích mới là chinh-phục nước ta và sáp-nhập đất-đai ta vào Tống. Trong lời dặn tướng Quách Quì, ngày 28 tháng 2 (G. Dn, DL 6-3-1076; TB 273/13b) vua Tống nói: "Sau khi bình được Giao-châu, sẽ đặt châu huyện như ở nội-địa".

Muốn chắc-chắn đạt mục-đích chuyến này, Tống đã sửa-soạn một cách châu-đáo lạ thường. Trong gần một năm, từ tháng chạp năm Ất-mão 1075 đến tháng mười năm sau, Tống sửa-soạn kỹ càng về đủ mọi phương diện: tướng-tá, quân thủy, quân bộ, khí-giới, lương-thực, chuyên-chở, thuốc-thang, tuyên-truyền, phủ-dụ và mưu-lược.

1. - Tướng-tá
Chương trên đã kể rằng ngày 25 tháng chạp năm Ất-mão (DL 2-2-1076) Tống Thần-tông cử Triệu Tiết làm tướng, Lý Hiến làm phó, cầm quân xuống đánh ta. Tờ chiếu xuất quân là tự tay Vương An-Thạch thảo ra. Ngày 24 tháng giêng, vua giục Tiết về chầu (TB 272/8b).

Triệu Tiết, xuất thân tiến-sĩ. Bấy giờ còn coi Diên-châu (Diên-an ngày nay, ở Thiểm-tây). Vì có công ngăn Hạ (1), nên mới được vua bạt-thăng làm thiên-chương-các đại-chế (TS 332), và được An-Thạch thích. Còn Lý Hiến là một hoạn-quan, tuổi mới hơn ba mươi; đáng lẽ chỉ được coi nơi cung cấm. Nhưng từ nhà Đường, có tệ hoạn-quan, gần-gũi vua, nên được tin cậy và được trao việc chính và việc quân.

Việc chọn tướng như vậy không làm cho triều-đình hài lòng; huống chi An-Thạch thường định-đoạt điều gì, cũng chỉ bàn bạc với vua, chứ không hỏi ý-kiến đại-thần khác. Có quan ngự-sử Thái Thừa-Hi tâu (ngày 28 tháng giêng) rằng :"Người ta phàn-nàn sự vua không hỏi ý-kiến hai phủ trung-thư và khu-mật, và sự Lý Hiến trần-tình thẳng, chứ không qua hai phủ. Vậy vua nên cho các quan hai phủ biết đến các việc, để họ bàn. Rồi vua hãy định sau" (TB 272/12b).

Nhất là sự chọn hoạn-quan Lý Hiến cầm quân càng bị chỉ trích. Có Dương Hội dâng sớ can vua không nên dùng hoạn-quan và không nên bỏ ngỏ bắc-biên (VKT 9). Lời sớ có đoạn nói rằng :"Tôi nghe sách Quân chí có nói : kẻ giỏi đánh, đánh chỗ tưởng không cần giữ; kẻ giỏi giữ, giữ chỗ tưởng không đánh đến. Nay đưa tướng giữ những nơi Đàm, Quảng (Hồ-nam và Quảng-tây), mà ở Mân, Tuyền, Phúc (Phúc-kiến) chưa hề bàn đến cách giữ. Tuy rằng giặc phải vượt qua Quảng rồi mới đến Mân, nhưng tôi lo rằng chúng tiện gió vượt bể, bất-ý sẽ tới. Như thế thì hóa ra ta nhãng giữ chỗ tưởng không đánh đến.

"Giao-chỉ quấy phương nam, mà tướng-tá chọn lấy tại chỗ phải phòng-bị là miền tây. Vạn nhất ở đó, giặc (nước Hạ) thừa hư vào cướp, thì điều lo lại lớn hơn. Làm thế cũng trái với phép phải giữ chỗ tưởng không đánh đến.

"Tôi lại thấy chiêu-thảo phó-sứ Lý Hiến tuổi mới hơn ba mươi, chức mới đến phòng-ngự. Mà nay Bệ-hạ mưu đánh Giao-chỉ ắt là thành công. Vậy xin Bệ-hạ nghĩ đến sự sau khi thành công. Hiến sẽ được yêu dùng. Tuổi y chưa cao, mà quyền sẽ sớm thịnh. Bệ-hạ xử-trí sẽ khó. Xin nghĩ đến sự có thể có nguy-cơ...".

Vua Tống cũng không nghe lời can ấy.

Nhưng hai tướng Tiết và Hiến bất-hòa. Tiết lại sợ Hiến cậy thế được vua thân-tín, lấn quyền chánh-tướng. Cho nên Tiết tâu rằng :"Triều-đình đặt chức phó-đô-tổng-quản (cho Hiến) là cốt để bàn góp việc quân. Còn tiết-chế hiệu lịnh thì xin quy-nhất vào tay chánh-đô-tổng-quản (Tiết)". Hiến thấy vậy, lấy làm mếch lòng. Và Tiết muốn rằng phàm việc gì cũng tâu qua hai phủ, mà Hiến thì muốn tâu thẳng lên vua (TB 273/1b).

Một hôm, Hiến hỏi Tiết : "Trong việc quân, nếu có chỉ vua về việc chỉ-huy, thì làm thế nào ? có tuân theo không ? ". Tiết trả lời :"Chỉ ấy phải thì nên theo, chỉ ấy không phải thì nên không theo. Trong quân phải tiện-nghi". Tiết hiểu rõ quyền và bổn-phận một tướng tại-ngoại; còn Hiến quen tính tôi-tớ ở cấm-đình, nên chỉ chịu sai-bảo mà thôi.

Hai người trở nên ghét nhau, nhiều lần cãi nhau trước mặt vua (TB 273/1b). Tiết xin vua bãi Hiến (TS 332). An-Thạch bênh Tiết nói :"Không nên bắt chước đời Đường lúc suy, giao việc nước cho hoạn-quan"(TB 273/1b). Vua bằng lòng nghe theo, và hỏi Tiết :"Nếu Hiến không đi, thì lấy ai thay ?" Tiết tâu :"Có Quách Quì đã lão luyện biên-sự".

Nguyên, tại triều, Vương An-Thạch và Ngô Sung không ăn-ý với nhau về việc đánh Giao-chỉ. An-Thạch nói đánh chắc được. Sung nói nếu có được cũng vô-ích. (TB 273/1b)

An-Thạch lại không thích Quách Quì. Trước đó An-Thạch đã đổ cho Quì đã làm hỏng việc đào sông Hi-hà, và đã truất Quì. An-Thạch lại là người thích Tiết, nên chỉ muốn để Quì làm phó mà thôi. Trái lại, Sung che chở Quì và xin cho Quì làm chánh. Hai bên cãi nhau. Vua hỏi thẳng Tiết rằng:"Khanh thống-soái, mà Quì làm phó hay sao ?"

Câu hỏi làm Tiết lúng-túng, vì bụng muốn làm chánh-soái mà không lẽ nói ra. Nên Tiết tâu một cách miễn-cưỡng rằng :"Vì nước mà làm việc chung. Sao lại hỏi ai chánh, ai phó ? Tôi chỉ xin giúp việc mà thôi". (TB 273/1b).

Thế là Quách Quì được cử làm nguyên-soái, và vô-cớ, Tiết tự truất mình xuống làm phó. Đó là một cớ lớn làm cho sau nầy hai người trở nên bất-hòa, và sự hành-binh thất-bại cũng căn-do ở đó phần lớn. Trong cuộc xung-đột giữa Ngô Sung và Vương An-Thạch, An-Thạch đã thua. Ảnh hưởng An-Thạch từ đó sụt kém.

Ngày mồng 2 tháng hai (M. Ti, DL 9-3)*, vua hạ chiếu cử Quách Quì lên chức tuyên-huy-nam-viện-sứ, thay Triệu Tiết làm An-nam đạo-hành doanh mã-bộ-quân đô-tổng quản chiêu thảo-sứ và kiêm chức tuyên-phủ-sứ ở các lộ Kinh-hồ, Quảng-nam. Triệu Tiết thay Lý Hiến. Hiến bị bãi. Yên Đạt vẫn làm phó đô tổng-quản.

Quì là một võ-tướng như Địch Thanh xưa. Vì anh có quân-công, nên Quì được tập-dụng. Quì đã từng giúp Phạm Trọng-Yêm giữ biên-thùy giáp Hạ. Bấy giờ Quì còn coi phủ Thái-nguyên (TB 273/1a và ĐĐSL 62).

Tính Quì cẩn-thận, bàn việc rất đứng-đắn, nhưng có bề cẩn-thận quá, hoá ra rụt-rè chậm-chạp. Vua Tống Thần-tông cũng biết vậy. Vua muốn hai tướng tương-đắc với nhau để làm việc. Lúc Tiết vào chào để xuống trước miền nam (15-2, T. Su, DL 22-3), vua dặn Tiết rằng :"Muốn dùng thổ-binh, phải lấy lợi mà nhử chúng. Quách Quì tính hạ-tiện; khanh nên dụ y rằng triều-đình không sợ tổn-phí đâu. Quì lại hay nghiêm quá, không hiểu hạ- tình. Tướng-tá không dám nói gì với y. Khanh nên nói thay cho họ, chớ có khinh-dể họ quá". (TB 273/8b).

Ngày hôm ấy, chính là ngày ti kinh lược Quảng-tây tâu việc Ung-châu mất. Vua rất lo-lắng. Được tin Tô Giàm tử-nghĩa, vua nhịn ăn để tỏ lòng thương tiếc.

Ngày 18 tháng hai, vua ban cho Quì 1000 lượng bạc và 1000 tấm quyến (G. Th, DL 25-3; TB 273/11b).

Ngày 20 (B. Ng, DL 27-3; TB 273/11b), Quì về đến kinh, yết-kiến vua. Vua đặc-biệt tiếp tại điện Diên-hòa. Vua hỏi :"Dẹp An-nam bằng chước nào ?" Quì cẩn-thận trả lời :"Về việc binh, khó lòng ở xa mà tính được. Xin đợi đi đến Ung-châu, rồi sẽ hiến phương-lược". Vua lại hỏi :"Dùng quân phải thế nào ?" Quì đáp :"Xin đưa theo tất cả tướng, lại, quân, sĩ cũ ở các châu Phu-Diên tại Hà-đông (Thiểm-tây)". Đó là vì Quì vừa cầm quân ở châu ấy, muốn đem bộ-thuộc quen dùng của mình đi theo. Ý ấy cũng hợp với ý vua. Từ ngày 13 tháng giêng (C. Ng, DL 7-2), đã có lệnh chọn những tướng được sung vào việc cầm các đạo quân nam-thảo. Các tướng ấy đều lấy ở các doanh tại tây-bắc (2).

Vua Tống bằng lòng, rồi cắt công việc. Bèn sai Triệu Tiết xuống miền nam trước, để trông coi những quân đã mộ tại các miền ấy. Ngày 21 tháng 2 (Đ. Vi, DL, 28-3), lại sai Tiết coi riêng về việc lương-thực (TB 273/11b, 12b).

2. - Bộ-binh
Bộ-binh phần lớn lấy ở các doanh-trại đóng gần biên-thùy Liêu, Hạ. Một phần lớn là quân có sẵn, đã được tập-luyện hẳn-hoi. Một phần là quân mới mộ ở các lộ Hà-bắc, Kinh-đông. Lại thêm quân mộ dọc đường từ kinh tới Ung-châu và quân khê-động. Tổng-số hơn mười vạn, chia ra chín đạo. Quân tuy nhiều, nhưng giá-trị chiến-đấu không đều. Lại là ô-hợp, ngôn-ngữ bất-đồng; cho nên hiệu-lệnh khó thông-tri, làm thêm khó điều-khiển.

Từ ngày 27 tháng chạp năm Ất-mão (G. Dn, DL 25-2-1076), đặt An-nam hành-doanh và giao cho Triệu Tiết, thì đã định chuẩn-bị mười vạn quân, tự Biện-kinh đến Ung-châu, và hai vạn quân từ Biện-kinh đến Quảng-châu. Lại sai biện một tháng lương, hẹn đến tháng giêng năm sau phải có đủ (TB 271/17a).

Vua Tống sai đình chỉ các công việc không gấp, như việc đào sông Câu-hà, để lấy phu dùng vào việc nam-chinh. (TB 271/18a).

Viên coi Quảng-châu, là Lưu Cẩn xin mộ các xạ-sinh và lính dũng-lực ở các châu, để sung vào việc ấy. (13-1. C. Ng, DL 20-2; TB 272/4a).

Ý triều-đình là tùy-tiện đâu mộ động-đinh ở đó (lời chiếu cho ti kinh lược Quảng-tây ngày 28 tháng giêng; TB 272/12a). Còn binh, nghĩa là lính chính-thức, thì phải mộ ở vùng bắc : Thiểm-tây, Hà-đông, vì đó là nơi kỵ-binh rất giỏi (Theo chiếu ngày 13 tháng 2, TB 273/8a).

Đến lúc Quách Quì xin đem hết quân-sĩ mình cai quản ở Phu-Diên theo xuống miền nam (20 tháng 2), vua bằng lòng ngay, và hỏi :"Quân, cần chừng bao nhiêu ?" Quì tâu : "Cần nhiều, miễn sao cho đủ dùng, chứ nói ra không hết". (TL và TB 273/11b).

Cho nên, ở các lộ gần miền nam đều phải mộ quân : Quảng-tây, Quảng-đông, Giang-tây, Phúc-kiến (TB 273/14b). Trong khi mộ quân, vua Tống sợ quân ta lẩn vào làm gián-điệp. Ngày mồng 5 tháng 3, có chiếu dặn các lộ ở ven bể, như Quảng-đông, Giang-tây, Phúc-kiến phải coi chừng sự ấy. Vua lại nói :"Tại Quảng-đông ít người khỏe mạnh, phải chọn người Quảng-châu. Họp 500 người thành một chỉ-huy, đặt tên là tân-đằng-hải như ở Quảng-tây" (TB 273/14b).

Ngoài các quân tuyển mộ còn có các tướng tự ý tình nguyện đem quân mình theo để lập công. Đổng Việt xin mộ 1000 quân nghĩa dũng ở các châu Thi và Kiềm; Lưu Vĩnh-An có tội xin tòng quân chuộc tội.

Theo lời Quách Quì chép, Bộ-binh có mười vạn người và một vạn ngựa (CN và TB 274/1a). Quân miền bắc đưa xuống có chín tướng. Mỗi tướng quản chừng 5.000 quân. Vậy có 45 nghìn quân chính-thức; còn dư là quân tuyển-mộ ở miền nam, động-đinh và quân tình-nguyện.

3. -Thủy-binh
Trong cuộc xuất quân lần này, Tống ít chú ý về thủy-quân. Các tướng thường quen trận-địa miền tây-bắc, là vùng cao-nguyên và sa-mạc, cho nên ít nghĩ đến cách lợi-dụng đến chiến-luợc thủy-quân.

Ban đầu, lúc định sai Triệu Tiết cầm quân, Vương An-Thạch chỉ định sai Hứa Ngạn-Tiên Lưu Sơ đem 35 người qua Chiêm-thành, Chân-lạp, xui các nước ấy đánh biên-thùy phương nam nước ta. (25-12 năm Ất-mão; TB 271/16b).

Sau khi Ung-châu mất và quân ta đã rút về nước, Tống mới có ý dùng đường biển đánh tập-hậu. Ngày 18 tháng 3, theo lời thỉnh-cầu của mình, Dương Tùng-Tiên được bổ làm chức Chiến-trạo-đô-giám thuộc An-nam-đạo hành-doanh. (Q. Ma, DL 23-4; TB 273/20b) Trước đó, Tùng Tiên tâu :"Xin mạo hiểm đại-dương vào sâu tới góc tây-nam, quanh sau lưng giặc đánh chỗ không-hư, và nhân đó đem binh bảo Chiêm-thành, Chân-lạp cùng giúp đánh." Vua Tống khen kế hay, bổ Tùng-Tiên chức ấy và sai mộ thủy-binh. (TB 273/20b theo công văn gửi cho Quách Quì).

Nhưng hình như Tùng-Tiên thi hành chậm-chạp. Ngày mồng một tháng 6, viên chuyển-vận-sứ Quảng-đông là Trần Sảnh xin triều-đình chọn các viên-chức có kinh-nghiệm về thủy-chiến để tuyển quân thủy.Vì ngặt ngày quá, vua ban rằng :"Sắp đến ngày xuất quân rồi. Nếu triều-đình tự chọn, thì không kịp nữa. Vậy ti chiêu-thảo cứ chọn và tìm cho rõ chỗ lợi hại mà thi-hành". (A. Zu, DL 4-7; TB 276/1a)

Con Tô Giàm là Tô Tử-Nguyên được bổ làm tuần-kiểm coi dọc bờ bể miền nam. Ngày mồng 7 tháng 6, Tử-Nguyên bắt các dân thuyền chài phải theo lệnh các chủ hộ kiểm-điểm, rồi chực sẵn, để khi nào đại-binh phát thì đi theo thủy-quân. (TB 276/6b)

Thủy-quân có bao nhiêu, ta không được rõ. Nhưng ta sẽ thấy quân ấy yếu và tướng bất-tài, sau này bị thủy-quân ta đánh đại-bại, và sẽ không giúp cho lục-quân được một việc gì.

4. - Lương-thực
Trong việc viễn-chinh này, quân phải qua nhiều miền hoang-mãng, không thể trông-cậy vào tiếp-tế ở chỗ đi qua, cho nên việc lương-thực là việc hệ-trọng bậc nhất. Tống lo sao có đủ gạo cho mười vạn lính, đủ cỏ cho một vạn ngựa. Lương ấy, cỏ ấy, cần nhiều phu tải. Các phu ấy lại phải có lương riêng. Vậy không những phải cung cấp cho 10 vạn người ăn, mà thật ra phải gấp bội.

Tống đã hiểu rõ sự quan-trọng ấy, cho nên trong khi sửa-soạn nam-chinh, việc lương-thảo rất được chăm-nom. Ngày 21 tháng hai, vua đã ủy riêng Triệu Tiết coi về việc ấy (TB 273/12b). Vả chính Tiết cũng tự tình-nguyện phụ-trách (MC Tiết và TB 283/16b). Trong lời tâu ngày mồng 5 tháng 3, Tiết nói :"Việc lương-thảo rất quan-hệ, xin cho tuyển người tài-cán giúp việc." (DL 10-4; TB 273/14b).

Lúc đầu, trong thời kỳ phòng-thủ, Tống đã dự-bị một tháng lương trữ dọc đường từ Biện-kinh đến Ung-quảng. (TB 271/17a). Nhưng sau, Tống định sang đánh đất ta cho nên ti An-nam-chinh-thảo tâu rằng : "Sẽ phát binh 8 vạn, thì phải dự-bị 10 tháng lương khô, tức là 8.000 cân. Xin giao cho ti chuyển-vận biện được bao nhiêu thì làm, còn thiếu bao nhiêu, giao cho hai châu Quế và Tuyền biện". Vua chiếu cho tam ti, tức bộ tài-chính, lấy 20 vạn quan tiền; giao cho lái buôn mua lương-thực ở Quảng-đông (26-1, Q. Mu).

Không những các lộ gần biên-thùy nước ta phải biện lương, mà Hồ-nam, Phúc-kiến cũng nhận được lệnh phải mua lương gúp. Ngày 25 tháng 5, vua chiếu :"Nếu Phúc-kiến, Hồ-nam, Quảng-đông không thể biện đủ lương, thì tâu lên để tìm ở các lộ khác". (C. Th, DL 29-6; TB 275/14a).

Còn kỵ-binh mộ từ miền Phu-Diên (Thiểm-tây), chúng phải tự mang theo lấy cỏ. Triệu Tiết ra lệnh phải mua cỏ tươi và khô ở vùng ấy (9-2, A. Ho, DL 16-3; TB 273/7a).

Trong việc mua lương-thực, kẻ tùy-hành quấy-nhiễu dân-gian. Ngay lúc đầu, vua Tống hạ chiếu cấm không được nhiễu dân (28-1, A. Zu, DL 6-3: TB 272/12b). Sau vua bảo phải đem tiền, vải để mua lương, cỏ cho đắt ở các châu, động. Viên coi việc thị-dịch tính thấy phải chi 6.000 lượng vàng mới đủ tiêu vào việc chiến-tranh (8-4, Q. Ti, DL 13-5; TB 274/6a)

Tuy vậy, việc biện-lương không dễ dàng, và bị chậm-trễ. Phần vì có nhiều nơi bị mất mùa, phần vì sự chuyên-chở khó khăn. Cho nên lúc quân đã xuống đến Đàm-châu (Tràng-sa), mà Quảng-tây chưa nhận được số lương đã hứa. Ti chuyển vận lộ ấy xin hơn 46 vạn quan, để mua 36 vạn thạch thóc (mỗi thạch bằng 10 bát), 44.800 thạch đậu, hơn 36 vạn bó cỏ, và trâu, dê, lợn, rượu. Vua sai Lý Bình-Nhất, Châu Ốc, Thái Dục cấp cho đủ số (9-7, Q. Ho, DL 11-8; TB 277/2b).

Lúc quân sắp tiến vào đất ta, nhiều nơi chưa nộp đủ số lương dự-định. Ti chiêu-thảo phải dọa. Ngày 12 tháng 10 (A. Vi, DL 11-11; TB 278/6a), nói rằng :"Nếu ai thiếu tiền, lúa, cỏ về việc đánh quân An-nam, thì lúc quân trở về sẽ thu gấp đôi". Và ngày 28 tháng 10, để bù số thiếu, vua Tống cấp 150.000 quan, giao cho Quảng-đông mua lương-thảo. (TB 278/13b).

5.- Chuyên-chở
Các số lương dự-bị được chở tới Quảng-tây, trữ tại những nơi căn-cứ, để đợi ngày phân-phát cho quân.

Sau khi quân ta rút lui, việc làm trước nhất của các viên-chức Tống là sửa-chữa các nơi căn-cứ ấy. Ngày 11 tháng 2, Quảng-đông xin 5 vạn quân để sửa-chữa thành hào. Ấy vì bấy giờ còn sợ quân ta đến đánh Quảng-châu nữa. (Đ. Zu, DL 18-3; TB 273/7b).

Ung-châu là nơi căn-cứ quan hệ nhất. Cho nên viên chuyển-vận-sứ Quảng-tây là Lý Bình-Nhất muốn tu-bổ gấp. Y xin bắt cả dân-phu Quảng-đông tới đắp lại thành. Nhưng vua bảo không nên (8-3, Q. Ho, DL 13-4; TB 273/16a). Đến tháng 4, thành Ung cũng chưa đắp xong; vả đường vận lương cũng chưa thông, vì sông Ung trước bị ta đổ đá lấp (theo chiếu ngày 19 tháng 4, G. Th, DL 24-5; TB 274/9a).

Đến tháng 6, lương đã được tải xuống. Ngày mồng 1, có lệnh đắp các thành, trại can-hệ ở vùng Ung-châu để chứa lương (A. Zu, DL 4-7; TB 276/1a).

Còn cách chuyên chở thì dùng đủ mọi phương-tiện. Trong địa-phận Trung-quốc, có thể dùng thuyền theo các sông đến các nơi căn-cứ. Đi lại trong vùng Lưỡng-Quảng, có sông Tây-giang, và các sông nhánh như Quế-giang, Bắc-giang.

Từ đồng bằng ở triền sông Dương-tử tới Lưỡng-Quảng, có sông đào Linh-cừ, nối sông Tương ở Hồ-nam đến sông Quế. Từ đời Tần đã xây nhiều cửa cống để thuyền con có thể xuyên qua núi. Vào đất nước ta bằng thuyền thì không có đường sông mà chỉ có đường bể mà thôi. Nhưng, như ta đã thấy trên, bấy giờ Tống không dùng đường bể một cách khẩn-thiết, cho nên chỉ dùng đường bộ để chở lương theo quân mà thôi.

Ngày 21 tháng 4, chuyển-vận-sứ Quảng-tây là Lý Bình-Nhất yêu cầu các lộ Hồ-nam và Quảng-đông cho 1.000 thuyền bằng đáy để chở tiền và lương trên các sông cạn ở Ung-châu (B. Ng, DL 26-5; TB 274/9b).

Ngày 4 tháng ấy, vua Tống hạ chiếu cho lộ Tây-kinh phải lấy ở vùng Khai-phong 1.000 cỗ xe, để đưa xuống Quảng-tây, chở lương-thực. Xe phải đi hàng nghìn cây số mới đến nơi (K. Su, DL 9-5; TB 274/4a).

Thuyền và xe chỉ dùng được trong nội-địa Tống. Muốn mang qua núi non hiểm-trở đến cõi nước ta, thì phải cần tới người hay súc-vật. Từ ngày mồng 1 tháng hai, ti chuyển-vận Quảng-tây đã bắt phu rất nhiều. Tại chín huyện thuộc Quế-châu, bắt 8.500 bảo-đinh, 91.200 các hạng khác. Bảo-đinh được cấp tiền gấp hai những hạng kia, vì bảo-đinh có thể dùng làm chiến binh. (Đ. Ho, DL 8-3; TB 273/1a)

Chừng ấy cũng không đủ, viên chuyển-vận-sứ Lý Bình-Nhất tính cần có 40 vạn phu cả thảy. Ngày mồng 1 tháng 4 (B. Tu, DL 6-5), vua Tống sai Quách Quì xét lại, và dặn nên làm cho khỏi náo-động nhân-tâm. Quì nói :"Theo Bình-Nhất, lương-khẩu cần cho 10 vạn quân và một vạn ngựa ăn trong một tháng phải có 40 vạn phu chuyên-chở. Một tháng đã vậy; huống chi, từ nay đến lúc tới sào-huyệt giặc, không phải chỉ một tháng mà thôi. Nay tính cho rộng-rãi, trừ phần quân và ngựa tự chở lấy, trừ phần có thể lấy ở các địa-phương sản-xuất; còn dư, ta sẽ mua trâu bò mà chở. Dọc đường, ta lại làm thịt trâu bò ấy cho quân ăn. Nếu ăn còn thừa, sẽ cấp cho các đồn-điền cày. Làm như thế ta có thể giảm bớt phu. Ta lại bỏ bớt những đồ không cần gấp. Ta sẽ dùng xe lừa kéo; cho đi đi, lại lại, mà chở. Nói tóm lại, ta có thể bỏ bớt số phu đi một nửa, còn 20 vạn mà thôi." (Lời tâu vào tháng 11, CN, theo TB 274/1a).

Cũng vì thiếu phu khuân vác, mà ti An-nam chiêu-thảo đã phải xin bỏ bớt một nửa mũi tên bằng sắt, chỉ mang theo 32.400 cái mà thôi (9-2, TB 273/6b).

6.- Y-dược
Miền nam, khí-hậu nóng-nực; mà quân, phần đông từ miền cực-bắc kéo xuống. Lại phải qua các vùng rừng núi, thường đầy lam-chướng. Từ xưa, nước ta đã có tiếng là xứ độc. Mã Viện đã tả cảnh nước lụt mùa hè, khí độc xông lên, đến nỗi chim trên trời phải sa xuống nước. Vì vậy vua Tống Thần-tông, trong cuộc nam-chinh này, rất chú-ý về việc thuốc-thang cho quân-sĩ.

Ngay ban đầu, lúc nghe Khâm, Liêm bị mất, vua Tống sai viện-binh xuống Ung-châu, mà đã chiếu cho hàn-lâm y-quan-viện chọn 57 bài thuốc trị lam-chướng; và sai sở hạp-dược chế thành tễ, rồi mang theo quân (23-12 năm Ất-mão, DL 31-1-1076; TB 271/13b).

Đến lúc quân đã ra ngoài Lĩnh, vào Quảng-tây, người đau ốm càng nhiều. Ngày 17 tháng 5, có chiếu dụ rằng :"Sau khi qua Lĩnh, hễ quân có ai đau, thì lưu lại, bảo địa-phương đó chọn thầy thuốc mà cứu chữa. Ai chữa được nhiều, sẽ có thưởng" (N. Ta, DL 21-6; TB 275/10b). Vua lại dặn các tướng phải thân-hành vỗ-về lính ốm, và săn-sóc thuốc-thang rồi phải tâu số lính bị bệnh-tật chết (chiếu mồng 3 tháng 6, Đ. Ho, DL 6-7; TB 276/16).

Không những chỉ dự-bị thuốc thang, cứu-chữa người ốm, phủ-dụ bệnh-nhân, vua Tống còn lưu-ý đến cách phòng-ngừa, đến phép vệ-sinh. Ngày mồng 5 tháng 8 (M. Ti, DL 5-9; TB 277/7b), được tin quân xuống miền nam có nhiều người ốm vua hạ chiếu rằng :"Nghe nói quân đi đánh An-nam đã qua Lĩnh; nhiều người bị tật bệnh. Truyền cho ti tuyên-phủ phải hiểu-cáo cho binh lính đừng ăn đồ sống, đồ lạnh, và cấm uống rượu." (M. Ti, DL 5-9; TB 277/7b). Lúc nghe tin quân đến Ung-châu, nhiều người bị chết, vua Tống liền quở "các tướng-tá đã không ngăn-cấm binh lính ăn những thứ mà người miền bắc phải kiêng" và vua dặn "nay phải hết sức điều-trị" (14-10, Đ. Zu, DL 13-11; TB 278/6b).

Rồi vua sai thái-y-cục chế 30 bài thuốc chữa lam-chướng, bảo sứ đem giao cho ti An-nam-hành-doanh-tổng-quản. Vua Tống lại bảo chọn dăm bảy lương-y chuyên trị bệnh lam-chướng, gửi gấp theo quân (21-10, G. Th, DL 20-11; TB 278/9a).

Khi thấy thuốc-thang cũng không ngăn nổi quân chết bệnh, vua Tống sai lập đàn cúng nhương. Ngày 21 tháng 11, có chiếu :"Quân bị tật bệnh nhiều. Vậy sai viên tri-lễ phải cầu thần Nam-nhạc ở Hành-dương, và sai trung-sứ lập đàn cầu phúc một tháng". (Q. Zu, DL 19-12; TB 279/5b).

Tuy vua Tống lo-lắng thuốc thang, cầu cúng như vậy, nhưng khí-hậu ẩm thấp miền nam, bệnh sốt-rét ở miền rừng núi, làm cho quân Tống chết dọc đường rất nhiều. Những quân được yên lành, lúc đến cõi nước ta, cũng bị yếu-ớt đi nhiều. Cho nên quân ta càng dễ đánh bại.

CHÚ-THÍCH
(1) Triệu Tiết xuất thân tiến-sĩ. Lúc nước Hạ chống Tống, Quách Quì được sai đi tuyên-phủ Thiểm-tây. Quì đóng quân ở Diên-an. Tiết giúp việc ở đó. Bấy giờ Quì, Tiết mộ kỵ-binh ở dân bản thổ được 17.000. Tiết tập-luyện chúng, trở nên hay hơn chính-binh. Tống Thần-tông rất khen, mới cất Tiết lên chức Thiên-chương-các thị-chế. Vì vậy, lúc muốn đánh Giao-chỉ, vua Tống và Vương An-Thạch liền cử Tiết cầm quân. (ĐĐ SL 91).1.

(2) Trong số những tướng ấy có : 1 - Diêu Tự hiện làm hàm-hạt ở Kinh-nguyên. 2 - Lý Hạo hiện làm hàm-hạt ở Hi-hà. 3 - Trương Chi-Giám tướng hiện đóng quân ở Tần-phương. 4 - Dương Vạn hiện làm đô-giám ở Hoàn-khánh. 5 - Lôi Tự-Văn tướng làm đô-giám ở Hoàn-khánh. 6 - Lữ Chân phó tướng hiện làm đô-giám Diên-phu. 7 - Lý Hiếu-Tôn hiện làm đô-giám ở Hoàn-khánh. 8 - Trương Thế-Cự hiện làm phát-khiển ở Phong-châu. - Địch Tường tướng hiện đóng ở Hà-bắc. 10 - Khúc Chẩn phó tướng hiện đóng ở Diên-phu. 11 - Quản Vi phó tướng hiện đóng ở Kinh-tây. 12 - Vương Mẫu phó tướng hiện đóng ở Hà-đông. (TB 22/3b).

Sau này các tướng Diêu Tự, Trương Thế Cự, Khúc Chẩn sẽ đem quân theo Quách Quì và có lập được chiến công, cho nên TB có nói tới. Còn các tướng kia, không biết có đi hay không. 1.