Ôi Cham Pa ngàn năm còn di hận.
Mãnh lụa đào phảng phất gái Cham Pa.
Rầm rập phương nam một dải sơn hà.
Nhớ những lúc phất cờ Chiêm bắc tiến
Vân Trang (Nổi buồn Cham Pa)
Sau những buổi đi học lớp nghệ thuật Cham Pa
do hội AFAO tổ chức ở Viện bảo tàng Á Đông Guimet tại
Paris, vợ chồng chúng tôi quyết định đi xem tận nơi những
ngôi tháp Chăm ở Việt Nam thường đuợc xem là có
tiếng nhất trong số những di tích độc đáo ở Đông Nam
Á như Borobodur ở Nam Dương, Pagan ở Miến Điện hay Angkor
ở Cao Mên. Thế là trong hai năm liền (1998-99), mỗi lần
về nước là chúng tôi thuê xe đi từ Sài Gòn ra Đà Nẵng,
ghé lại viếng thăm những ngôi tháp nằm dọc bờ biển hay
xích vào trong một chút trừ những di tích trên Tây Nguyên
hơi trái ngã đường. Thường xe chạy đến chân mỗi tháp,
trừ vài cái thì phải leo đồi như Po Romê, Po Klaung Garai,
vượt đồng án như Bình Lâm. Riêng Po Dam thì phải cuốc bộ
dọc đường rầy, cẩn thận nhảy xuống cạnh bên trong bụi
rậm khi có tàu chạy ngang và nghe trước nhìn sau tránh qua
cầu vào lúc tàu gần đến. Sau mấy tiếng đồng hồ lặn
lội dưới ánh nắng gắt gao tháng tám, nuớc dừa mấy trái
được dân làng hái xuống cho uống thật là ngon ngọt, mát
dịu, xóa bỏ mọi nhọc nhằn...
Tháp Chăm nằm rải rác
khắp miền Trung, từ Đèo Ngang vào đến Đèo Cả, được
lần lượt xây dựng từ trước thế kỷ VIII rồi tiếp tục
trong luôn mười thế kỷ sau. Chỗ chọn xây thay đổi từ
nơi : trên đồi như Po Klaung Garai, Thốc Lốc, Po Dam, Po
Romê ; trên đồi gần cửa biển như Po Nagar, Phú Hài ; trên
đồi ven sông như Bánh Ít - Tháp Bạc, Tháp Nhạn ; ngay giữa
đồng bằng gần sông như Bằng An, Thủ Thiện, Khương Mỹ,
Bình Lâm ; hay trong thung lũng dưới chân một ngọn núi - thường
đuợc gọi "Núi thiêng" -, quanh một con sông nhỏ như tổng
thể Mỹ Sơn.... Những nhà khảo cứu tin trước kia những
đền tháp đều được dựng bằng gỗ, đến thế kỷ VIII
mới xây bằng gạch nhưng chỉ các điện thờ còn nhà trú
thì vẫn còn bằng gỗ. Vật liệu nầy không chịu đựng được
sức tàn phá của thời tiết, chiến tranh nên nay không còn
tồn tại. Độc đáo của nghệ thuật Chăm là chế tạo một
thứ gạch nung nhẹ lửa (khoảng 850°), không cứng để có
thể chạm trổ hoa văn nhưng lại vô cùng bền chắt. Họ ít
dùng sa thạch là vật liệu khan hiếm chỉ để trang trí ở
các lanh tô, tym pan, khung cửa, trụ cửa, chóp tháp, đỉnh
tháp,... Để kết dính các viên gạch, họ không dùng thạch
cao, xi măng mà có sáng kiến dùng một loại hồ nhựa cây,
có thể là dầu nước Dipterocarpus alatus Roxb. còn gọi
dầu rái là một cây mọc nhiều ở miền Trung, rẻ tiền,
thường dùng để trát ghe thuyền chống nước, trộn với
gạch vụn hay đất sét, khi khô trùng hợp trở nên rất cứng.
Nhiều thế kỷ sau, không còn dấu vết nhựa cây, chất kết
dính nầy là một vấn đề nan giải cho các nhà khảo cổ,
một bài toán bận đầu cho các nhà khảo cứu. Khi tường
dựng xong, hoa văn đã chạm trổ, dầu trong suốt còn được
phết lên một lớp trên gạch bên ngoài. Phối hợp gạch nung
nhựa cây nầy đã bảo vệ được vách tường mọi sức ăn
mòn, tác động của mưa nắng gió sương nhiều trăm năm sau.
Ở chốn thánh đô, kinh kỳ, đền tháp thường
đuợc xây dựng để thờ phụng tổ tiên, Phật-vua, chư thần
hay vương quyền. Những đền tháp
Chăm không to lớn như những di tích khác ở Đông Nam Á nhưng
nhờ không đồ sộ, chúng có một tính chất duyên dáng
như một vật trang sức hơn là một thành trì kiên cố. Kiến
trúc chịu ảnh hưởng nghệ thuật Ấn Độ, quần thể gồm
có phần chính là một ngôi đền kalan một cửa tượng
trưng cho ngọn núi Meru, trung tâm vũ trụ, bao quanh là những
đền thờ nhỏ bimong hai cửa, danaok (miếu nhỏ)
các thiên thể, những bờ tường thấp, các đại dương. Thường
các kalan, nơi trú ngụ của thần linh, hướng về phía
đông, phía mặt trời mọc, có khi về phía tây như ở Mỹ
Sơn, vì địa thế riêng biệt, hay phía nam như ở Po Dam trên
sườn núi. Bên trong kalan chứa đựng trên chánh điện
gharbarha
hoặc
bộ linh vật yoni-linga, hoặc tượng hình một vị thần
Ấn Độ, Phật giáo hay một ông vua Cham Pa. Dưới chánh điện
có một hầm vuông để rút nước thánh tẩy hay một lỗ soma-sutra
thoát nước thánh ra ngoài. Quanh chánh điện một lối hẹp
để tín đồ đi vòng theo chiều kim đồng hồ khi hành lễ
pradakshina-patha.
Ở chánh điện nhiều
kalan như ở Po Klaung Garai, Po Romê,
Po Nagar, còn tồn tại một cánh cửa bằng gỗ quý che kín
bên trong luôn bao trùm một màn bóng tối, thành tường lởm
chởm như một hang động. Chánh điện thông với bên ngoài
qua một tiền điện hẹp, dài, u tối, có thần Nandi canh giữ
như ở các
kalan Po Klaung Garai, Po Romê. Trước cửa tiền
điện, hai trụ bằng sa thạch hình tứ giác, bát giác hay tròn
chạm trổ hoa văn, có khi ghi khắc văn bia như ở Po Nagar, Po
Klaung Garai. Trên hai trụ có lanh tô cũng chạm trổ hoa văn,
ngay dưới một tympan thể hiện hình tượng vị thần được
thờ, thường là Shiva múa điệu vũ trụ
tandawa
trong
khung đá
ganuer mantri. Những phần nầy lúc trước được
sơn đỏ nay chỉ còn thấy chút ít ở Mỹ Sơn. Trước bậc
cấp bằng đá vào cửa, một phiến đá mỏng có chạm trổ
những cánh sen.
Kalan hình vuông, có mái tháp hình chóp
ba tầng, đỉnh nhọn bằng sa thạch, được chia làm ba phần
tượng trưng cho thiên giới (đế tháp), thế giới tâm linh
(thân tháp), thế giới thần linh (mái tháp). Đế tháp chạm
trổ hình tượng hoa lá, động vật như voi, sư tử, kala-makara,
vũ nữ, nhạc công, những hoạt cảnh thiên giới. Thân tháp
có bốn cột trụ tường pilastre đứng hai bên một cái
cửa giả lớn trang trí tinh vi, mang ở giữa hình tượng vị
thần hộ trì lokapala ngôi tháp, hai tay chắp ngực, cầm
đóa hoa sen. Trên các cửa giả nhỏ có ba tấm tym pan thường
thể hiện hình tượng Laksmi, vợ thần Vishnu. Các cột trụ
tường vượt quá đế tháp xuống đến chân tháp cũng như
coc nich tiếp giáp mái tháp đều chạm trổ hoa lá. Ở góc
coc nich thể hiện hình tượng thiên nữ apsara, thủy
quái makara hoăc ngọn lữa thiêng liêng. Mái tháp ba tầng,
càng lên cao càng thu hẹp như một ngọn núi, trang trí ngẫu
tượng và vật cưỡi của các vị thần Ấn Độ: chim thần
Garuda, ngỗng thần Hamsa, bò thần Nandi, voi, sư tử,...Tầng
thứ ba là chóp tháp amalaka, gồm có một phiến đá hình
tứ giác, bát giác hay tròn chạm trổ mặt nạ thần Thời
gian Kala, rắn thần Naga, bò thần Nandi hoặc tám vị thần
hộ trì tám phương Astadikpalakas. Trên cao chóp tháp là đỉnh
tháp, phần dưới trang trí những cánh sen, phần trên là khối
đá nhọn bốn cạnh, tượng trưng núi thiêng Kailasa, nơi ngự
trị thần Shiva.
Nhóm Po Klaung Garai
Trái:tòa nam,mặt cắt dọc
và mặt hướng bắc.
Giữa mặt cắt ngang và
đầu hồi đông
Mặt,trên:tháp vào và cửa
phòng, mặt bên phía đông;
dưới:kalan, mặt chính
đông
Mỗi đền tháp gồm có lúc đầu một kalan
ở trung tâm, đối diện với một tháp cổng gopura có
hai cửa hướng đông-tây. Trước tháp cổng là một nhà dài
mái ngói mandapa có nhiều cửa sổ, hai cửa chính hướng
đông-tây, nơi chuẩn bị lễ vật, múa hát cũng là nơi cầu
nguyện, tĩnh tâm trước làm lễ thánh tẩy trong kalan.
Bên mặt tháp nầy là kho lễ vật kosagrha bằng gạch,
mái cong hình thuyền, cửa chính luôn hướng bắc, tượng trưng
kho báu và sự trù phú cho vương quốc. Kho lễ vật, người
địa phương gọi "Tháp lửa", còn là nơi nấu nướng thức
ăn dâng cúng chư thần. Ngoại trừ những nhóm riêng biệt
Po Klaung Garai, Po Romê, Tháp Bạc, Cánh Tiên hay những quần
thể lớn Pô Nagar, Mỹ Sơn, có những nhóm gồm có ba kalan
xây sát nhau như Hòa Lai, Khương Mỹ, Chiên Đàn, Dương Long,
hay hai kalan như Hưng Thạnh. Hai, ba tháp những nhóm nầy
thường được xây dựng trên những gò đất thấp, không
đồng thời, trừ hai nhóm Hưng Thạnh (cuối thế kỷ XII) và
Dương Long (giữa hai thế kỷ XII và XIII), nhưng kéo dài nhiều
thập kỷ : nhóm Hòa Lai giữa hai thế kỷ VIII và IX, nhóm Khương
Mỹ trong thế kỷ X, nhóm Chiên Đàn giũa hai thế kỷ XI và
XII. Lúc đầu, những ngôi đền nhỏ, phụ, được xây cạnh
kalan
lớn,
dần dần mới trở thành nhóm hai hay ba kalan. Chương
trình cách thức xây dụng nầy do ảnh hưởng nghệ thuật
Khơ me giải thích vì sao ba ngôi tháp thường không có kích
thước giống nhau, đằng khác ngôi giữa không nhất thiết
phải lớn hơn hai ngôi kế cạnh.
Đền tháp Cham Pa được
khám phá từ những năm cuối thập niên 1880. Những người
nói đến đầu tiên, tuy không chuyên gia nhưng sáng suốt, như
Camille Paris, Charles Lemire, nhận ra một nền văn minh gần như
xa lạ. Đồng thời, ở Paris, Auguste Barth và Abel Bergaigne thành
công đọc được những văn khắc tiếng Phạn, khai trương
cho ngành khảo cứu Cham Pa cổ. Đầu thế kỷ 20, cho đến
1913, có đến 82 bản báo cáo bàn luận nền văn hóa Ấn giáo
trên đất Việt Nam nên từ 1904, Louis Finot và Henri Parmentier
đã đưa ra bản kê khai đầu tiên nghệ thuật Cham Pa theo triều
đại trong lịch Phật giáo : 1- Sambhuvarman
(thế kỷ V-VI),
2- Vikrantavarman I (thế kỷ VI-IX), 3-
Harivarman III
(cuối thế kỷ X-đầu thế kỷ XI) và 4-
Jaya Harivarman I
(cuối thế kỷ IX-đầu thế kỷ XII). Năm 1918, Henri Parmentier
đề nghị chia hai thời kỳ theo niên đại : I- Thời kỳ
sơ đẳng (1- nghệ thuật nguyên thủy, Mỹ Sơn A1,
thế kỷ VII-X ; 2- nghệ thuật lập thể, Hòa Lai, thế
kỷ VII-IX ; 3- nghệ thuật hỗn hợp,
Đồng Dương, thế kỷ X) ; II- Thời kỳ trung đẳng
(1- nghệ thuật cổ điển, Tháp Bạc, thế kỷ XI ; 2-
nghệ thuật chuyển đạo, Po Klaung Garai, thế kỷ XII-XIII
; 3- nghệ thuật hình tháp, Po Nagar, thế kỷ X-XIV). Bắt
đầu từ đây, một số khám phá quan trọng buộc các nhà
khảo cổ xem lại các bảng kê khai kia : Jean-Yves Claeys ở Trà
Kiệu (1927-1928), Tháp Mắm (1934), khai quật ở Chánh Lộ (1938),
trùng tu Louis Bezacier ở Mỹ Sơn (1938). Năm 1934, Gilberte de Coral
Rémusat, đề nghị trong danh mục viện Bảo tàng Guimet năm
phong cách: 1- phong cách Trà Kiệu (thế kỷ VII-VIII), 2-
phong cách Đồng Dương
((thế kỷ VIII-IX), 3- phong cách cổ điển, 4- phong cách
Bình
Định (sau thế kỷ X), 5- phong cách muộn. Năm 1938,
Philippe Stern đặt cách chỉ định phong cách một tháp theo
trang trí trong tháp có cùng đặc tính với một đền đài
đã được xác định. Sau khi kiểm điểm tại chỗ những
đền đài khmer cùng như Chăm, ông xếp mỹ thuật Chăm thành
bảy phong cách : Phong cách xưa (Mỹ Sơn E1, F1) và phong
cách chuyển tiếp ; 2- Phong cách Hòa lai (Hòa Lai,
Po dam, Mỹ Sơn F3, A7) và phong cách chuyển tiếp ; 3- Phong
cách Đồng Dương ; 4- Phong
cách Mỹ Sơn A ; 5- Phong cách chuyển tiếp (Bình
Lâm, Mỹ Sơn A4, Chiên Đàng, tháp tây-bắc Po Nagar, Tháp Bạ,
có thể Tháp Nhạn) ; 6- Phong cách Bình Định (Hưng Thạnh,
Tháp Ngà, Dương Long, ..) ; 7- Phong cách muộn (Po Klaung
Garai, Po Romê, Yang Mum, Yang Prong). Bắt đầu từ 1956, Jean Boisselier
thêm chi tiết vào bản kê khai của Philippe Stern : 1- Phong cách
Mỹ
Sơn A1 (# 629-757) ; Chạm khắc miền nam, đồ đồng thanh
Hòa Lai (# 758-859) ; 3- Phong cách Đồng
Dương (# 875-915) ; 4- Phần đầu phong cách Mỹ Sơn
A1 (thế kỷ 10) : phong cách Khương Mỹ ; 5- Phần nhì
phong cách Mỹ Sơn A1 : phong cách Trà Kiệu ; 6- Phần tiếp
phong cách Mỹ Sơn A1 : phong cách Chánh Lộ ; 7- Phong cách
Tháp
Mắm (cuối thế kỷ 10) ; 8- Tượng hình 1220-1307 : phong
cách Thắp Mắm kéo dài ; 9- Phong cách Yang Mum, phong cách
Po Romê (sau 1471, khi thành Vijaya bị chiếm).
Sau đây xin trình bày thành 4 phần những nhóm
tháp chúng tôi đã viếng theo thứ tự niên đại, phỏng theo
cắch xếp đặt của Philippe Stern, thiếu những đền đài
thuộc các phong cách Mỹ Sơn A, E, Đồng Dương, Trà Kiệu,
Chánh Lộ, Tháp Mắm, Yang Mum.
Phần
1: Từ phong cách Hòa Lai qua phong cách Mỹ Sơn A1
- Phú Hài, Po Dam, Hòa Lai: phong cách Hòa Lai (thế
kỷ VIII-IX)
- Khương Mỹ: phong cách Mỹ Sơn A (đầu thế
kỷ X)
Phần
2: Từ phong cách Mỹ Sơn A1 qua phong cách chuyển
tiếp Mỹ Sơn - Bình Định
- Bằng An, Po Nagar, Chiên Đàn,
Bánh Ít, Bình Lâm, Thủ Thiện: phong cách chuyển tiếp Mỹ
Sơn - Bình Định (thế kỷ XI-XII)
Phần
3: Từ phong cách chuyển tiếp Bình Định - Mỹ Sơn qua
phong cách muộn
- Tháp Nhạn, Hưng Thạnh, Cánh
Tiên, Dương Long, Phú Lốc: phong cách Bình Định (thế kỷ
XII-XIV)
- Po Klaung Garai, Po Romé: phong
cách muộn (thế kỷ XIV-XVI)
Phần
4: những phong cách Mỹ Sơn và Bình Định
-Thánh địa Mỹ Sơn:
nhiều phong cách (thế kỷ VIII-XIV)
