Tình nghĩa sông nước

26 - Tam Cốc - Bích Động, 
danh thắng miền Bắc 

Bài và ảnh Võ Quang Yến (*)

Trập trùng đồi núi bao quanh
Ngô Đồng một giải sông xanh lượn lờ
Đường vào Tam Cốc như mơ
Như đưa hồn khách men bờ cảnh Tiên. Phạm Đình Nhân
H Long trên cạn
Vincent Pérez và 
Phm Linh Đan
Tam Cốc

Ai đi xem phim Indochine (Đông Dương) của của Régis Wargnier (1992) cũng đều chịu cho là một phim đẹp. Nhà đạo diễn đã khéo chọn nơi hữu tình để đôi uyên ương chàng sĩ quan Jean-Baptiste (Vincent Pérez) và công nương Camille (Phạm Linh Đan **) cùng nhau vui sống một cuộc yêu thương lãng mạn ngắn ngủi không ngày mai : trong vô số danh lăm thắng cảnh có thể làm phông cho cuộc ái tình tươi đẹp không tính toán nầy, nơi được chấm là vịnh Hạ Long, có thể cả vùng Hạ Long trên cạn tức khu Tam Cốc - Bích Động. Đứng trên đền Thượng có thể phóng tầm mới bao quát được toàn bộ cảnh đẹp của toàn khu, không những đẹp về phong cảnh duyên dáng hữu tình, về nghệ thuật văn hóa - kiến trúc, mà còn mang ý nghĩa là một di tích lịch sử của tỉnh Ninh Bình.
 


Tam Cốc có nghĩa là ba hang nối liền nhau qua một con sông Ngô Đồng đâm xuyên núi. Rộng trên 350ha, khu vực nằm cách thành phố Ninh Bình 7km, thành phố Tam Điệp 9km, thành phố Hà Nội 90km. Hệ thống hang động núi đá vôi chủ yếu trên xã Ninh Hải, Hoa Lư, di tích lịch sử văn hóa thuộc quần thể danh thắng Tràng An - Tam Cốc- Bích Động, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Khu du lịch Tam Cốc - Bích Ðộng gồm nhiều tuyến tham quan du thuyền, đi xe đạp và đi bộ trên một trục gần 20 điểm du lịch. Đòi hỏi it thì giờ, ít năng lực và có lẽ cũng thú vị, thoải mái nhất, lại hiến thêm thời gian yên tĩnh ngắm cảnh đẹp, là tuyến du thuyền khởi hành từ các bến Đình Cát, Văn Lâm. Khách theo sông Ngô Đồng uốn lượn quanh co trước các vách núi, thanh thản vượt qua các hang kỳ diệu, núi Cửa Quen, núi Vụng Gạo, núi Văn, núi Võ, Nghi Môn Ngoại, Nghi Môn Nội, rồi xuống bộ viếng chùa Bích Động. Trong khoảng hai tiếng đồng hồ, thuyền theo dòng sông lướt nhẹ giữa những cánh đồng thay đổi màu xanh, vàng tùy theo mùa nếu không thì phản ảnh màu nước bạc ngàu. Khách mặc sức ngắm nghía những dảy núi đá muôn hình muôn sắc hướng đỉnh lên mây, quan sát những loài thủy sản lắm màu lắm vẻ lay động dưới nước, chăm chú tìm kiếm những cô chuồn chuồn nhẫn nha trên các đọt cỏ dại, hay phóng tầm mắt theo dõi những đàn cò trắng dịu dàng vỗ cánh trên nền trời xanh. Ngay trong lòng sông, tùy nơi còn có những loại lúa nước thân cao, đầu vượt quá mặt nước, ngồi trong thuyền có thể dang tay vuốt những hột lúa đẩm ướt trên đầu cành, hớn hở chín rộ vào mùa xuân tuy với một năng suất tương đối thấp.


Sông Ngô Ðồng dẫn đến ba hang xuyên qua một quả núi lớn với ba tên gọi khác nhau. Hang Cả còn gọi Hang Ngoài, Hang Lớn, dài khoảng 180m, rộng ước chừng 30m, cửa hang rông trên 20m, trần cao không quá 5m. Do có vòm hang khá cao, nước không khi nào chạm đến trần, ngay ở mùa nước lũ, nên các nhũ đá thiên hình vạn trạng rủ xuống trông rất đẹp mắt, ít bị hao mòn, luôn bảo tồn một số lượng tương đối lớn so với các hang khác, Hang Hai còn gọi Hang giữa, Hang Trung, dài 90m bằng phân nửa Hang Cả. Cửa hang ngoài rộng khoảng 30m, phía trong loe ra hơn 30m, phần giữa hơi thắt lại. Trần hang cao chừng 4m, thạch nhũ tuy mòn đi ít nhiểu còn rủ xuống óng ánh như những khối châu ngọc kỳ ảo. Hang Bé còn gọi Hang Ba, dài 80m, gần bằng Hang Hai. Cửa hang ngoài rộng 20m tương đối nhỏ hơn nhưng phía trong loe rộng ra khỏang 30m. Trần hang chỉ cao 3m nên thường xuyên bị ngập nước, nhủ đá bị hao mòn nhiều, có chỗ đến mức thành vết nhẵn. Sau Hang Ba thì sông chỉ còn cống hiến cảnh sông, suối, núi, rừng. Khách có thể lướt qua ba hang nhưng cũng có thể thương lượng với người lái thuyền nán lại lâu hơn, hay hơn nữa dừng lại ở một vài chỗ để tiện leo lên mỏm đá quay phim, chụp ảnh. Đoạn cuối du thuyền dẫn khách lại đền Bích Ðộng.


Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, trên một nhánh sông Ngô Đồng, là một tập thể gồm có hai động : một động khô trên lưng chừng núi được xây dựng thành chùa Bích Động, một hang động dưới nước đâm xuyên qua lòng núi tức là Xuyên Thủy Động. Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài khối núi Bích Động, có hình đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía đông sang phía tây. Bình quân bề rộng của động là 6m, chỗ rộng nhất 15 m. Trần và vách động bằng phẳng, mái vòm cung, bán nguyệt là những phiến đá lớn được thiên nhiên khéo léo sắp dặt. Lối vào động nằm phía sau núi, đối diện với đương vào chùa. Tương truyền khoảng năm 1705 có hai vị hòa thượng pháp danh Trí Kiên và Trí Thể quê gốc Nghĩa Hưng, Nam Định, kết nghĩa anh em, có lòng mộ đạo, sau nhiều năm đi truyền bá đạo Phật, đến đây thấy núi Bích Sơn, tức là Núi Xanh, có địa thế vững vàng, quyết định dừng chân và sửa sang ngôi Chùa Động cũ xây dựng từ thời Hâu Lê (1428) làm nơi tu hành, đặt tên Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng nghĩa là ngôi chùa bằng đá đẹp và trong trắng như ngọc ớ chốn thâm sơn cùng cốc. Năm Giáp Ngọ 1774, trong chuyến đi tuần miền Sơn Nam Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm viếng chùa, nhìn toàn cảnh núi động, sông nước, đồng ruộng, cây cối xanh tươi, chùa thấy như hội tụ nền xanh đất nước, xúc cảm đổi thành tên Bích Động tức là Động Xanh. Cùng đi có Tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ nhà đại thi hào Nguyễn Du, thấy động vừa đẹp đẽ vừa nguy nga liền phong Bích Động Nam Thiên Đệ Nhị Động, đứng sau động Hương Tich Nam Thiên Đệ Nhất Động và trước động Địch Lộng Nam Thiên Đệ Tam Động. Phong cảnh của khu đệ nhất danh thắng tỉnh Ninh Bình này thật là sự kết hợp hài hoà giữa cảnh đẹp kỳ thú hang động, núi non hiểm trở sông ngòi, suối thác say mê thơ mộng và khiếu thẩm mỹ, tài nghệ thuật con người sắp xếp xây dựng thành một tổng thể cân đối, hoàn hảo.


Chùa Bích Động là một ngôi chùa gắn liền với dảy núi đá vôi Trường Yên, mang đậm phong cách Á Đông. Được xây dựng đơn sơ từ đầu nhà Hậu Lê, dần dần chùa có thêm mộ tháp các vị hoà thượng có công mở mang chùa. Năm 1707, hai hòa thượng Trí Kiên và Trí Thể đã đúc một quả chuông lớn, hiện còn treo ở Động Tối. Bài Minh Bia ghi trên chuông được xem là bài minh bia của chùa, viết bằng chữ Hán, trong đó có đoạn:

Tư sơn lũy tích
Phúc ngộ thiên duyên
Khai sơn tạc thạch
Uẩn khí lưu truyền
Dịch nghĩa:
Từng lên núi ấy
Có phúc, có duyên
Mở núi, đục đá
Tịnh khí lưu truyền

Là một công trình kiến trúc cổ, chùa được xây dựng bằng gỗ lim, mái lợp bằng ngói ta không mấu, mũi lượn tròn, góc mái có đâu đạo cong vút lên như hình lưởi dao hoặc như hình đuôi chim phượng làm cho mái uốn lượn như sóng nước thủy triều. Nhìn chung, chùa trông như một chiếc thuyền rồngn la trên mặt nước hay như hai cánh chim dang rộng bay lên. Dưới thời Lê Hiển Tông (1740-1787) chùa được trùng tu mở rộng ra ba tòa còn goi là điên: Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Chùa được xây dựng theo kiểu chử Tam, ba tòa không liền nhau, tam cấp dọc theo sườn núi từ thấp lên cao thành ba chùa riêng biệt. Đặc sắc là núi, động, chùa xen lẫn bổ sung cho nhau, hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên, cây cối um tùm, mái ngói rêu phong. Toàn cảnh hiện ra như một bức tranh hùng tráng cây rừng, chùa Phật, trên có núi cao, dưới có hang động mà người xưa gọi là Bích sơn bát cảnh : Phượng tập tam quan - Long bàn cửu tỉnh - Thạch tượng tham thiền - Mai miết xuất động - Ðộng Bích thông thiền - Tây kiểu độ khách - Bình san điệp thúy - Kê lưu oanh hồi. Dịch gọn : Chim phượng tam quan - Rồng cuốn chín suối - Tượng đá chầu Phật - Ba ba ra động - Thuyền qua vách núi - Cầu tây khách qua - Núi bình phong xanh - Khe chảy quanh co. Ngoài ra, người ta còn nhận ra trên mái chùa có mười chữ Hán màu vàng Giá Lam Thần Ðại Hùng Bảo Ðiện Nam Thiên Tổ có nghĩa là tất cả các vị sư tổ ở trời Nam nầy đều xuất phát từ chùa.


Ðền dưới cùng là Ðền Hạ năm gian xây trên một nền cao dưới chân núi, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Các cột đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m, 8 mái hai tầng uốn cong, vì kèo xà ngang xà dọc đều bằng gỗ lim. Ở giữa, môt bức đại tư chữ Hán Thanh thản cổ mộ ghi rõ tâm chinh thanh bach của chùa. Ở trên là tòa Tam thế tức là ba vị Phật ba thời : quá khứ Phật Ca Diếp, hiện tại Phật Thích Ca Mâu Ni và tương lai Phật Di Lặc, nói rộng ra là vô lượng vô biên vô số chư Phật mười phương. Dưới có toà Tam thánh : giữa là Phật Di Ðà, bên mặt Quan Âm Bồ Tát, bên trái Thế Trí Bồ Tát. Ở hàng thứ ba là bà Chúa Ba đầu đội vương miện, công chúa thứ ba Diệu Trang Vương, đi tu đắc đao mà thành Phật. Qua hàng thứ tư, vị măc áo đỏ, tay chỉ thiên, tay chỉ địa là đức Thích Ca Mâu Ni còn gọi Phật Tổ Như Lai. Đứng bên mặt, mặc võ phuc là môt vị Bát Đại Kim Cương tức là một trong tám vị Hộ pháp trong Phật giáo Đại Thừa. Ðứng bên trái là môt vị Tứ Trực Công Tào tức là một trong bốn vị thần coi về thời gian (năm, tháng, ngày, giờ) trên Thiên đình Trung Quốc. Cũng ngồi bên trái là ba vi có công xây dựng chùa là Chí Kiên, Chí Thế và Chỉ Tâm. Những vị khác có đóng góp thì có tên trong tượng đá bên mặt. Hai tượng đá bên ngoài là Nam Tào và Bắc Đẩu, hai vị giám sát chúng sinh, xem xét sổ sách sinh tử, có chức trách giải ách, diên thọ, hộ mệnh, ban tước lộc cho những người làm việc thiện, trừng phạt những ai làm việc ác.

Ðền Hạ

Giữa lưng chừng dãy núi Ngũ Nhạc, sau đường chữ S 120 bậc từ Đền Hạ thì đến Ðền Trung, độc đáo ít thấy, một nửa lộ thiên, một nữa gắn vào hang động. Trên vách núi đằng trước có tạc hai chữ Bích Động. Bên trong có ba gian thờ Phât. Đức Phật Tổ Như Lai có cửu long phù giá. Hai tượng phía ngoài bên mặt là Văn Thù Bồ Tát, bên trái Phổ Hiền Bồ Tát. Bên trong là chính cung Thánh hiền, nơi cầu xin học hành thành đạt. Từ Thượng điện, 21 bậc đá dẫn lên Động tối thâm nghiêm, tĩnh mịch với những hình tượng thiên nhiên : ông tiên, bà tiên, tiểu đồng, voi chầu, hổ phục, rồng lượn, rùa bơi. Ngay trước cửa động, chiếc chuông đồng cổ kính với những nét chạm trổ tinh vi, khi đổ hồi cho ngân nga như một lời cầu xin khẩn cấp. Ngay trước mặt chuông là cầu Giải Oan. Tập quán khách viếng chùa là khi đi ngang qua đây thi thường thỉnh ba tiếng chuông để giải oan không những cho tâm hồn mình mà cho cả gia đình, những người chết tức, chết tối, chết vì cướp đâm, giặc giết,…ở nơi cửa Phật từ bi

Con xin chắp tay trước phật đài,
Phật ân vi diệu bóng hào quang,
Tỏa chiếu muôn phương ánh đạo vàng
Tỏa đức từ bi tan khổ lụy phiền
Quỳnh Hoa

Ðền Trung

Rời Ðền Trung, khách phải leo 40 bậc đá nữa theo sườn núi mới đạt đến Ðền Thượng. Còn gọi Chùa Đông tuy quay về hướng đông nam, ngôi chùa nhỏ nầy nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi, cao hơn so với sân gạch dưới đất khoảng 60 m. Hai hồi bắc nam của chùa đều xây bằng đá thước, phía tây chùa áp sát vào vách núi, lấy núi làm tường. Cột, vỉ, kèo của chùa làm bằng gỗ lim, mái cong, có đầu đao cong vút lên như hình con chim phượng. Chùa có 2 gian theo kiểu nhà dọc, gian ngoài là tiền đường có một bàn thờ bằng đá phiến to. Gian trong đặt thờ một tượng duy nhất là Phật Bà Quan Âm. Hai bên chùa có hai miếu thờ : miếu quay sang hướng bắc thờ Sơn Thần, miếu quay sang hướng nam thờ Thổ Ðịa. Cạnh đền có bể nước Cam Lộ của Phật Bà Quan Âm. Sân chùa được xây thành bao lơn. Đứng ở đây vào mùa hè gió thổi mát lạnh. Từ đền, nhìn xa về phía đông, du khách thấy có năm ngọn núi đứng độc lập chầu về núi Bích Ðộng, trông giống như năm cánh hoa sen, gọi là Ngũ Nhạc Sơn rất có ý nghĩa nơi cảnh Phật, gồm núi Tầm Sặng, núi Gia Ðịnh, núi Con Lợn, núi Ðầu Cầu và núi Hang Dựa. Nhìn xuống cánh đồng Ngũ Môn là núi Chồng sách, núi Voi. Thời xưa, quanh Ðền Thượng ở núi Bích Ðộng có một loài hoa quý hiếm, Sơn kim cúc, cánh hoa nhỏ xíu , màu vàng. Muốn uống ngon trà Sơn kim cúc phải pha với nước lấy từ các nhũ đá trong Động Tối ở núi Bích Ðộng nhỏ xuống. Lấy hoa đem pha với trà uống mắt sẽ sáng lên, chỉ ở núi Bích Động và núi Dục Thuý ở thành phố Ninh Bình mới có, nhưng ngày nay loại thuốc quý này không còn nữa. Tương truyền Thái hậu Từ Dũ vợ vua Thiệu Trị bị bệnh nước mắt luôn tự tuôn chảy, không danh y nào chữa khỏi. Sau đó có một thầy lang gia truyền xin vào chữa với hoa Sơn kim cúc sắc uống, Mẫu hậu khỏi bệnh, mắt sáng trở lại.

Đền Thượng

Ra khỏi chùa, sau khi leo trèo lên xuống, hai chân rã rời, du khách chỉ còn mong muốn dừng chân ngồi nghỉ. Cũng đúng vào lúc ấy, mấy chiếc thuyền đă đâu sẵn ở bến để đưa khách về. Không lúc nào hơn lúc nầy cuộc du hành trên sông nước để lại một ấn tương khoan khoái trong lòng du khách. Trong không gian tĩnh lặng, không còi xe, máy nổ, chỉ có tiếng ràn rạt mái chèo khua nước, tiếng vi vu gió lùa qua các hốc đá, khách mặc sức hồi tưởng lại những kiệt tác vừa xem. Hiểu biết ít nhiểu về lịch sử đât nước, khách không quên trong vùng nẩy ở gần đây, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngồi Hoàng đế, lập nên triểu đại đầu tiên Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở Hoa Lư triều Đinh 12 năm, triều Tiền Lê 41 năm. Sau đấy kinh đô dời về Thăng Long, bắt đầu những triều đại lớn, nước ta lập quốc từ đấy. Đất nước luôn thiêng liêng, những năm đầu thời kỳ dành độc lập, đặc biệt những năm kháng chiến chống Pháp, chùa và động lại là căn cứ quan trọng, nơi bảo quản lương thực, in tài liệu tuyên truyền, thành lập xưởng công binh, biến thành địa điểm huấn luyện chiến đấu cho bộ đội cũng như cho quân du kích. Ngày nay khu vực Tam Cốc - Bích Động góp phần vào một không gian văn hóa lễ hội truyên thống Hoa Lư diễn ra ở đền Trần ba ngày thượng tuần tháng ba âm lịch mỗi năm. Gần đây, trong các hang động ở Bích Động cũng quần thể Tràng An kế cạnh, khá nhiều di vật, cổ vật, bằng đá, đồng, gỗ..., chủ yếu từ thời nhà Nguyễn đã được tìm ra, đưa toàn danh lam thắng cảnh lên thành khu vực lich sử, văn hỏa, khoa học đươc chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Trên đường về, cô lái đò vừa chèo vừa tươi cười trình bày những hàng thêu do cô và gia đình thực hiên trong năm. Dịch vụ nầy giúp vào ngân quỷ gia đình khá khiêm tốn và cô bảo mỗi tuần phải đợi phiên chỉ chèo đươc một chuyến. Khách nhìn xem những nét thêu hồn nhiên nhưng biết bao cảm động, nhất là khi thuyền gần cập bến bạn bè chờ đợi trển bờ nhao nháo hỏi thăm có bán đươc nhiều không. Hiện chúng tôi có ở nhà hai bức thêu Vinh quy bái tổPhong cảnh đồng ruộng mỗi lần nhắc lại không chỉ Tam Cốc - Bích Động mà còn cả vùng đồng quê xa xăm thương mến.
 
Thành Xô mùa thu 2016

(*) Ảnh chụp năm 1995, sao từ dương bản và mượn trên internet.

(**) Cô Phạm Linh Đan sinh năm 1974 tại Sài Gòn là một diễn viên người Pháp gốc Việt, theo cha mẹ qua định cư tại Pháp từ 1975. Năm 1992 cô được chọn đóng vai Camille trong phim Indochine của nhà đạo diễn Régis Wargnỉer và được đề cử giải César cho Nữ diễn viên triển vọng. Năm 1994 cô đóng vai Jamila trong bộ phim thứ hai Jamila. Sau đó cô tạm nghỉ đóng phim, đi học thương mãi, công tác trong ngành nghiên cứu thị trường và lấy chồng (Andrew Huntley) năm 2000. Năm 2001, say mê điện ảnh, cô chuyển hướng tham gia khóa diễn xuất bốn năm tại viện Lee Strasberg ở New York. Trở về lại Pháp, năm 2005 cô đóng vai Lu Ann trong phim Les mauvais joueurs rồi tiếp theo vai Miao Lin trong phim De battre mon cœur s’est arrêté của nhà đạo diễn Jacques Audỉard. Năm 2006 cô được trao tặng giải César cho Nữ diễn viên triển vọng. Sau nẩy cô còn đóng trong hơn 15 phim, kể cả 4 phim cho các đài truyển hình. Năm 2007, thành thạo tiếng Việt tuy sống từ tuổi thơ ở nước ngoài, cô gải thuần Việt, má lúm đồng tiền, hân hạnh được gởi về Việt Nam giới thiệu bộ phim Pars vite et reviens tard cũng của nhà đạo diễn Régis Wargnỉer, trong khuôn khổ Chương trình Toàn cảnh điện ảnh Pháp tại Việt Nam lần thứ nhất. Nhân chuyến trở về quê cũ, với niềm vinh dự được nêu danh Hiệp sĩ Huân chương Nghệ thuật và Văn chương (Chevalier des Arts et des Lettres), cô thể hiện một mối hy vọng cho những thanh niên thiếu nữ Việt Nam luôn muốn vươn mình thành công trên thế giới.

Chim Việt Cành Nam 66 04.02.2017
 
 


 [ trang trước ]  /   [ trang sau]