Tình nghĩa sông nước

25 - Phủ Tây Hồ linh thiêng trên bờ Hồ Tây

Võ Quang Yến

Hồn ta lọc trong vàng nắng
Gió Tây Hồ thổi suốt mái rêu phong
Thái Thăng Long
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây; nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Phủ là nơi thờ Mẫu, đây là nơi thờ Liễu Hạnh Công chúa, một nhân vật một trong bốn vị thánh bất tử thuộc tín ngưỡng của người Việt. Hồ Tây trước đây còn có các tên gọi khác như Đầm Xác Cáo, Hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội. Hồ rộng hơn 500 ha với một chu vi 18 km, chiếm vị trí phía tây bắc trung tâm Hà Nội. Ngành địa lý lịch sử chứng minh hồ Tây là một đoạn của sông Hồng xưa trong quá trình ngưng đọng lại sau khi sông đổi dòng chảy. Các khu vực liền kề xung quanh hồ Tây được quy hoạch để trở thành trung tâm của Thủ đô Hà Nội mới trong tương lai gần. Thay thế dần vị trí hiện nay đang là Hồ Hoàn Kiếm. Hồ Trúc Bạch cũng chính là một phần của Hồ Tây, từ thế kỉ XVII khi dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đắp con đê ngăn góc đông nam Hồ Tây để nuôi bắt cá. Từ khi thành một hồ biệt lập, hồ đã đi vào thư tịch cổ. Sách Tây Hồ chí cho biết nguyên ở phía nam hồ có làng Trúc Yên, có nghề làm mành, do đó nhà nào cũng trồng trúc, trúc mọc như rừng từ dấy phát sinh tên Trúc Lâm. Vào thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Giang cho xây một cung điện để nghỉ mát cạnh hồ và cũng gọi là Trúc Lâm. Sau đó Trúc Lâm trở thành nơi giam giữ các cung nữ phạm tội, họ buộc phải tự dệt lụa để nuôi sống bản thân. Lụa của họ rất đẹp và trở nên nổi tiếng khắp vùng. Lụa đẹp, bóng bẩy gọi là lụa trúc (chữ Hán là trúc bạch). Từ đó xuất hiện một làng chuyên dệt lụa với tên là làng Trúc, và hồ cũng được gọi là hồ Trúc Bạch (không có nghĩa Tre trắng). Theo truyền thuyết, phủ Tây Hồ được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII nhưng có thể có muộn hơn vì trong các sách nói về di tích của Thăng Long - Hà Nội cổ ra đời đầu thế kỷ XX đều không ghi chép về di tích này. Phủ Tây Hồ đã được Bộ Văn hóa cấp bằng di tích Lịch sử-Văn hóa năm 1996. Ngoài ra, tại sân phủ có một cây si cổ thụ cũng đã được công nhận là cây di sản Việt Nam, và ở kề bên phủ còn có đền Kim Ngưu thờ Trâu Vàng. Ngày nay Phủ Tây Hồ mở hội vào 2 ngày lễ chính là mùng 3 tháng 3 và 13 tháng 8 âm lịch mất vẻ yên tĩnh của mọi ngày, náo nhiệt ồn ào không kém gì những đền chùa khác.


Tam quan vào cổng Phủ Tây Hồ kiến trúc chính 3 nếp, mái làm giả ngói ống, dưới diềm khắc 4 chữ Hán TâyHồ phong nguyệt (Ðài gió gác trăng), câu đối hai bên trụ nói về sự tích Phùng Khắc Khoan gặp Liễu Hạnh. Phủ chính có quy mô kiến trúc lớn, mặt trước. Phủ có cửa tam quan 2 tầng, mái giữa có ghi Tây Hồ hiển tích (Dấu để Tây Hồ), được trang trí tỉ mỉ, công phu. Bốn cánh cửa giữa phần trên chạm tứ quý, phần dưới chạm tứ linh (bốn vị thánh bất tử của hệ thống điện thần: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) giữa chạm đào thọ. Qua tam quan vào là phương đình 2 tầng 8 mái. Nhà tiền tế xây sát sau phương đình. Phần thờ tự theo thứ tự từ ngoài vào: lớp thứ nhất thờ Tam phủ cộng đồng, Tứ phủ vạn linh và Hội đồng các quan, có tượng ông Hoàng Bảy, Hoàng Mười, 3 đôi câu đối ca ngợi chúa Liễu Hạnh. Lớp thứ hai, thờ Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu, có câu đối ca ngợi thắng cảnh Tây Hồ. Lớp thứ ba thờ Tam Tòa Thánh Mẫu có cửa võng đề Tây Hồ phong nguyệt (Ðài gió gác trăng) và đôi câu đối ca ngợi bà Liễu Hạnh. Trên nóc mái giáp cửa hậu treo đại tự Mẫu nghi thiên hạ, hai bên có câu đối bằng gỗ. Lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng của bà Liễu Hạnh và tượng Chầu Quỳnh, Chầu Quế. Trên cao là bức đại tự Thiên tiên trắc giáng (Tiên trời xuất hiện) và Mẫu nghi thiên hạ (Làm mẹ thiên hạ). Sát Phủ chính là lầu Sơn Trang 3 tầng, 8 mái cong, lòng nhà có 2 tầng, tầng trên thờ Quan Âm, tầng dưới là 3 động Sơn Trang chiếm 3 gian. Phía ngoài Phủ chính xây 2 am thờ nhỏ thờ Cô và Cậu. Phía trước lầu có tháp nhỏ, dưới gốc si là tấm bia Từ chỉ của xã Vĩnh Thuận dựng năm Thiệu Trị 5 (1845). Di vật trong Phủ còn khá phong phú với nhiều câu đối, cửa võng, long ngai, bài vị, sập thờ. Cửa cuốn, cửa võng được chạm khắc đẹp, mang nét nghệ thuật thế kỷ XIX. Ngoài ra còn có các loại tàn, tán, lọng, 3 quả chuông đồng, 1 bát hương đồng ghi Ðông Cung Ðiêu, bát hương đá, 10 đạo sắc phong (3 đạo phong chúa cho Liễu Hạnh, 7 đạo phong cho thần Kim Ngưu), 50 pho tượng tròn lớn nhỏ.Đây là di tích trong quần thể di tích ven Hồ Tây, một thắng cảnh đẹp của Thủ đô. Ðền Kim Ngưu đã bị đổ trong chiến tranh chống Pháp, nhưng vẫn còn dấu tích là cây đa cổ thụ trên đó có bàn thờ mà dân làng Tây Hồ dựng lên để thờ vị thần Kim Ngưu (Trâu Vàng). Trong những năm gần đây, quận Tây Hồ đã có các cuộc hội thảo khoa học về đền Kim Ngưu, để từ đó có cơ sở phục hồi một điểm di tích gắn với vùng Hồ Tây.


Theo truyền thuyết, tiếng chuông làm bằng đồng đen của nhà sư Nguyễn Minh Không đời Lý đã làm cho con trâu vàng bị giam giữ ở Trung Quốc tưởng là tiếng trâu mẹ gọi, lồng về phía Việt Nam. Đường trâu vàng chạy lún thành sông Kim Ngưu. Đến phía tây Kinh thành thì tiếng chuông tắt, trâu đã lồng và xéo nát một vùng thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ Tây ngày nay. Đền Kim Ngưu đã bị đổ trong chiến tranh chống Pháp, nhưng vẫn còn dấu tích là cây đa cổ thụ trên đó có bàn thờ dân làng Tây Hồ dựng lên để thờ vị thần Kim Ngưu. Một con đường rợp bóng cây bát ngát hương hoa dẫn khách lại viếng phủ. Vượt qua cổng tam quan và cây đa cổ, giữa hàng liểu rũ, đường đạt đến hai cây vối lớn và một cây si cổ thụ bao trùm rễ cây vương ra mặt nước gây nên một cảnh đẹp nên thơ. Thảo nào công trình văn hóa tín ngưỡng nầy được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia nầy thu hút nhiều đám du khách không ngớt tán thưởng. Không có gì lạ khi truyền thuyết kể chính tại mảnh đất Phủ Tây Hồ, Quỳnh Hoa đã tái ngộ xướng họa thơ văn cùng Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (lần thứ nhất đàm đạo tại xứ Lạng) trong vai cô chủ quán tửu lâu Tây Hồ phong nguyệt, ít ngày sau Trạng Bùng quay lại đã thấy biến mất cả người lẫn quán, chỉ còn hồ nước mênh mông. Quỳnh Hoa đã được dân chúng lập phủ thờ, đặt tên là Bà Chúa Liễu Hạnh, xem là một trong bốn vị tứ bất tử, một tấm gương về sự tự mình tạo lấy hạnh phúc.

Sự tích vị Thánh Mẫu thờ trong Phủ Tây Hồ được người dân tổng Thượng, huyện Phụng Thiên xưa (nay là vùng Yên Phụ, Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Xuân La, Vạn Dâu) cung kính kể lại: Quỳnh Hoa là con gái Ngọc Hoàng thượng đế ở Ðệ nhị Thiên Cung, do đánh rơi chén ngọc dâng rượu chúc thọ đã phải xuống trần gian đầu thai làm Giáng Tiên - con gái thường dân Lê Thái Công ở An Thái - Vân Cát - Vụ Bản - Nam Định vào năm 1557. Lớn lên, có nhan sắc tuyệt trần, lại giỏi thi thơ, song lấy chồng và sinh con - một trai, một gái - thì Giáng Tiên chớp mắt thăng thiên đình. Nàng giáng trần lần thứ nhất để gặp lại người thân, có hai nữ thần Quế Nương, Thị Nương hậu vệ; lần hai hiển linh để cứu nhân độ thế, trừng phạt kẻ bất lương trêu ghẹo người này, gia ơn cho kẻ khác và du ngoạn khắp chốn danh lam, giáng bút làm thơ. Bà Chúa Liễu Hạnh theo quan niệm dân gian đã trở thành một mẫu quyền năng vô lượng và phân thân, hóa thân thành các thần linh cai quản muôn mặt của vũ trụ: Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ cai quản trên trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản núi rừng, cai quản trên sông biển, thể hiện sự ngưỡng mộ chân thành, coi trọng vai trò của người mẹ. Độc đáo nhất ở Phủ thờ là ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu ThượngNgàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thủy (hay Mẫu Thoải) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước. Cũng theo quan niệm Tam phủ thì, cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ hấp dẫn mọi người.


Từ thuở nào, tâm linh đã đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Việt, trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và có từ lâu đời. Đấy là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thuỷ với các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa… đến các vị nữ anh hùng , các vị Công Chúa, Hoàng Hậu, hay bà Tổ cô của dòng họ, bà Tổ nghề của một làng nghề… trong dân gian. Các vị  nữ thần thường được nhân gian suy tôn là Thánh Mẫu, vừa là vị thần có quyền năng màu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở cho đàn con thơ, vừa huyền bí lại vừa gần gũi. Một tín ngưỡng có sức ảnh hưởng rộng rãi ở nước ta là tín ngưỡng thờ Mẫu và tam, tứ phủ với nghi lễ đặc trưng là hầu đồng (hầu bóng, lên đồng...).Trong tín ngưỡng này, Thánh Mẫu được tôn thờ là vị thần chủ quyền năng cai quản toàn vũ trụ. Theo quan điểm đó vũ trụ được chia ra làm ba miền (ứng với tam phủ) hoặc bốn miền (ứng với tứ phủ). Theo quan điẻm thứ nhất, Tam phủ gồm có : đê nhất Thiên phủ (Trời), đệ nhị Địa phủ (Đất), đê tam Thoải phủ (Sông nước) ; Tứ phủ gồm có đệ nhất Thiên phủ, đệ nhị Địa phủ, đệ tam Thoải phủ, đệ tứ Nhạc phủ (Núi rừng). Trong Tam phủ cũng như Tứ phủ, theo thứ tự các phủ thì: Thiên, Địa, Thủy, Nhạc. Theo quan điểm thứ nhì cũng rất phổ biến trong các khoa cúng và trong các bản chầu văn có một thứ tự khác: Thiên, Nhạc, Thủy, Địa. Vậy Tam phủ gòm có đê nhất Thiên phủ (Trời), đệ nhị Nhạc phủ (Núi rừng), đê tam Thoải phủ (Sông nước) ; Tứ phủ gồm có đệ nhất Thiên phủ, đệ nhị Nhạc phủ, đệ tam Thoải phủ, đệ tứ Địa phủ. Thật ra ngày nay rất ít người còn để ý đến chuyện xép đặt như xưa.Tuy vậy, quan niệm thứ tự của tứ phủ hợp lý nhất theo mặt không gian từ cao xuống thấp. Cao nhất là tầng trời (Thiên); sau đó đến vùng cao nguyên rừng núi ( Nhạc); sau đến vùng đại dương sông nước (Thuỷ hay còn đọc chệch là Thoải), rồi mới đến vùng đất (Địa). Bốn màu tượng trưng bốn phủ : Màu đỏ (thiên phủ), Màu xanh (nhạc phủ), Màu trắng (thoải phủ), Màu vàng (địa phủ). Tuy có nhiều quan điểm khác nhau nhưng không hề mâu thuẫn bởi vì chung quy tất cả đều là tôn thờ Thánh Mẫu tôn thờ toàn vũ trụ . Tương ứng với tam phủ là Tam tòa Thánh mẫu, quyền năng tối cao. Danh hiệu các vị Thánh Mẫu như sau: 1- Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên ,Cửu Trùng Thanh Vân Công Chúa; 2- Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, Liễu Hạnh Công Chúa ; 3-Mẫu Đệ Tam Thuỷ Cung, Xích Lân Công Chúa; 4-Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên, Sơn Lâm Công Chúa.


Tam tòa Thánh Mẫu được coi là ba vị Thánh Mẫu quyền năng tối cao,tương ứng với tam phủ và tứ phủ như vừa trình bày. Có bốn vị thánh Mẫu tương ứng với bốn phủ nhưng tam tòa Thánh Mẫu thì chỉ nói về ba trong số bốn vị Thánh Mẫu mà thôi. Chính vì vậy nên có nhiều quang điểm giống nhau về thứ bậc trong Tam Tòa Thánh Mẫu. 2 quan điểm thường gặp trông như giống trong quan điểm về tam phủ đã nói ở trên (thiên - địa- thoải và thiên - nhạc - thủy). Mẫu Liễu Hạnh được xem là thần chủ là khởi nguồn của tín ngưỡng này nên cả trong hai quan điểm đều có nói đến ngài. Quan điểm thứ nhất thường thấy trong các bản văn cúng, các bản chầu văn. Quan điểm thứ hai lại rất thường gặp trong việc thờ tự. Mẫu Liễu Hạnh vừa là Mẫu Địa Tiên vừa được coi là Thiên Tiên Thánh Mẫu .Thần tượng của ngài thường được tôn trí với trang phục màu đỏ và ngự bên trái là Mẫu Thượng Ngàn ( trang phục màu xanh) và bên phải là Mẫu Thoải ( trang phục màu trắng). Tam tòa Thánh Mẫu  cũng ứng với tam thân Thánh Mẫu , là biểu tượng của quyền năng thâu tóm toàn vũ trụ. Xét về tâm linh thì bốn vị Mẫu chính là đại diện cho một vị Thánh Mẫu duy nhất đó là người mẹ của tâm linh.mà cũng có thể đơn giản đó là biểu tượng của người mẹ bất diệt trong lòng người dân Việt Nam. Phủ Tây Hồ vào hội còn có hầu bóng, một loại hình nghệ thật dân gian vừa có âm nhạc, vừa có ca hát và vũ điệu với trang phục sặc sỡ, mà điển hình là điệu hát chầu văn đã khá phổ biến hiện nay. Phủ Tây Hồ không có quy mô lớn lắm, nhưng ở vào vị trí mây nước hữu tình tuyệt đẹp. Trong phủ còn lưu giữ nhiều tự khí có giá trị văn hóa cao như: Hương án cổ thời Lê với hoa văn là những con dơi trụ lại cảnh Ngũ phúc hàm tiền, quả chuông cổ thời Tây Sơn, tấm bia ghi rõ một số nét hương ước của làng Tây Hồ. Bên cạnh đó, đến thăm Phủ, khách du lịch ai cũng phải trầm trồ trước cây vối cổ thụ nằm nghiêng đã mấy trăm năm như con kỳ lân ngóng ra sóng gợn, còn trong phủ là vàng son, nhang khói, tượng Mẫu, tượng Phật, tượng khu Sơn Trang, tượng Cô, tượng Cậu, các quan… Vào dịp Tết đến xuân về, du khách thường đổ về đây rất đông, vì cùng với việc lễ cầu may, họ còn thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ, nhớ về áo mây xe gió của bà chúa Liễu Hạnh. Được coi là nơi linh thiêng nên phủ Tây Hồ được nhiều người đến cúng lễ và cầu phúc, cầu lộc, nhất là vào ngày 3 tháng ba và ngày 13 tháng tám âm lịch.


ảnh chụp năm 1995 và lấy trên internet

 

Thành Xô Tết Kỷ Hợi

Đọc thêm

-H.Việt,Chất sống Hồ Tây-Ðẳng cấp của thế gia, Dân Trí 30.11.2017

-Trần Văn-Hà Trang, "Mướt mồ hôi" chen chân lễ Phủ Tây Hồ ngày Rằm tháng Giêng, Dân Trí, Xuân Kỷ Hợi

-Nguyễn Dương, Người dân phấn khởi được gửi xe miễn phí tại Phủ Tây Hồ,Dân Trí, Xuân Kỷ Hợi

-Nguyễn Đổng Chi, Bà chúa Liễu Hạnh, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, nxb

Trẻ tái bản 2015
-Hồng Phúc, Từ bà chúa Liễu Hạnh trong tín ngưỡng dân dã đến đức Vân Hương trong Tam kỳ Phổ độ, Nhịp cầu Giáo lý 20.09.2010

ChimViệt Cành Nam
 


  [ trang trước ]  /    [ trang sau]