Tình nghĩa sông nước

24 - Các vị La-hán 
chùa Tây Phương

Võ Quang Yến

Các vị La-hán chùa Tây Phương !
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Huy Cận
Chùa Tây Phương nằm trên ngọn núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất. Chùa được cho là xây dựng dưới thời Mạc nhưng chưa được chứng minh, trùng tu nhiều lần các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Lần cuối để lại hai tấm bia mờ hết chữ nhưng còn đọc được rõ ở mặt ngoài Tây phương sơn Sùng Phúc Tự thạch bi, mặt kia áp vào tường. Các hoa văn trang trí thuộc phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Năm 1632, vào đời vua Lê Thần Tông, chùa dựng thượng điện 3 gian, hậu cung hành lang 20 gian. Giữa những năm 1657-1682, Tây Ðô Vương Trịnh Tạc cho phá chùa cũ, xây chùa mới và tam quan. Năm 1794, dưới thời Tây Sơn, chùa được đại tu hoàn toàn kiến trúc như thấy ngày nay qua tên Tây Phương Cổ Tự. Tuy nhiên, tên Sùng Phúc Tự còn và Hoàng Sơn Thiếu Lâm Tự cũng được dùng. Chùa quay mặt về hướng đông, nhìn ra gò Rồng Sông (nay là xóm Đồng Sống) và gò Kim Quy, còn gọi là Núi Rùa. Chùa tọa lạc trên đỉnh núi cao hơn 100m, khách phải trèo 239 bậc lát đá ong mới lên đến tam quan, đạt đến ba ngôi chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng làm thành tiền đường, chính điện, hậu cung, sắp song song theo kiểu chữ Tam, từ thấp lên cao. Cách nhau 1,6m, cả ba chùa tuy có kiến trúc khác nhau, đươc sắp đặt hài hòa theo hình chữ công giữa một khu rừng um tùm trang nghiêm. Mỗi chùa có hai tầng mái lợp hai lớp ngói, lớp trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót hay ngói chiếu, hình vuông màu ngũ sắc xếp trên những hàng thanh rui gỗ thành ô vuông vắn. Xung quanh diềm mái đều chạm trổ tinh vi hình lá triện cuốn, trên mái gắn nhiều con vật bằng đất nung. Ðầu mái trình bày những hình hoa, lá cùng những hình rồng, phượng, sô (sư tử) kiểu "rồng quài, phượng mớm, sô đùa "cao vút, sinh động. Cột chùa kê trên những bệ đá chạm hình cánh sen tượng trưng cuộc sống trong sạch. Tường xây gạch Bát Tràng để trần nung đỏ quanh các cửa sổ tròn bán âm bán dương quét vôi trắng biểu tượng sắc tướng hư không tạo ra cảm giác Phật tính như khi đi viếng toàn thể ngôi chùa.
Kiến trúc độc đáo không thể làm mờ những tác phẩm đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ, phù điêu, tạc tượng, đặc biệt tôn giáo tập trung trong chùa. Những tác phẩm bằng gỗ sơn thể hiện trình độ rất cao về nghệ thuật lắp ghép cũng như cách bố cục các bộ phận. Ðề tài trang trí quần, áo, khăn, mũ, đai, hia, vũ khí,...hầu hết là những hoa quả miền đồng bằng sông Hồng như lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc hay những những hoạt cảnh thường thấy trong các lễ hội bình dân như hổ phù, tứ linh rồng lân rùa phượng, tinh tế, đa dạng, tỏ rõ một kết hợp hài hòa những đường nét mềm dẻo và cứng rắn. Tác giả là những nghệ nhân Chàng Sơn trong Tổng Nủa, một làng nghề mộc nối tiếng xứ Đoài. 72 pho tượng cùng các phù điêu đều được thờ trong các điện và nhà Tổ. Phần lớn các tượng cao hơn người thật, có khi đạt đến 3m. Trong tòa hậu đường, sau pho tượng Thích Ca màu đen có bộ tượng Tam Thế Phật (Quá khứ, Hiện tại, Tương lai) còn gọi Tam thân (Pháp thân, Ứng thân, Hóa thân) đầu thề kỷ XVII, sơn son thép vàng, ở tư thế tọa thiền trên bệ hoa sen. Dưới tượng Thích Ca có mười pho tượng Thập Điện Diêm Vương nhỏ hơn ngồi quanh hương án. Trong tòa trung đường bộ Di Ðà Tam Tôn gồm có Phật A Di Ðà ở giữa, hai bên có Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát hầu. Trước Phật A Di Ðà có tượng Tuyết Sơn màu đen, da bọc xương sau kỳ tu khổ hạnh trên núi tuyết, mắt trũng sâu lim dim, khoác áo cà sa mỏng, tay trái đặt lên một chân bó gối chống thẳng. Hai bên có các tôn giả Ca Diếp và A Nan, đứng chắp tay, chân không. Trong tòa tiền đường có tượng Di Lặc tay ôm đầu gối, phanh áo lộ bụng tròn, toàn thân toát ra lạc quan, sung sướng. Hai bên có tượng Ðại Diệu Tường còn gọi Văn Thù Bồ Tát, chắp tay, chân đi đất, bấm ngón xuống mặt bệ, và tượng Pháp Hoa Lâm tức Phổ Hiền Bồ Tát, râu đen, dang một tay trước mặt. Hai bên chính điện các tòa trung đường và tiền đường có 8 pho tượng Bát bộ Kim Cương.
Nhưng được biết và có tiếng nhiều nhất là 18 pho tượng ngồi trên bệ dọc tường, chạm trổ mặt mày, y phục hoàn toàn khác nhau và cử chỉ điệu bộ mỗi vị một khác : ta thường gọi là các vị La Hán hay A La Hán, mang tên Ấn Độ arhat (Phan tự) hay arhant, arahant (pali), là những bậc thánh hiện thân của sự giác ngộ trong thời kỳ Phật giáo nguyên thủy. Lúc ban đầu con số 500 (nghĩa là vô số) được đưa ra. Theo quan niệm Thiền tông họ là những vi Tổ truyền đăng (Tổ trao đèn), đăng là đèn, tức là ánh sáng giác ngộ mà Tổ trao lại cho người sau. Theo quan niệm nầy, đức Phật Thích Ca trước truyền cho 28 vị Tổ người Ấn Ðộ gọi là Tây thiên nhị thập bát tổ, sau qua Trung Quốc truyền cho các vị Tổ Thiền tôn, rồi truyền tiếp cho các vị Tổ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam 16 vị, thêm tiếp tôn giả Khánh Hữu và tôn giả Tân Đầu Lô thành 18, nên có tên Thập bát La Hán. Về sau, Sa môn Giáp Phạm và Đại thi hào Tô Đông Pha (1036-1101) dựa vào con số 18 này mà làm ra 18 bài văn ca tụng. Mỗi bài đều có đề tên một vị La Hán. Tiếp đến, họa sĩ Trương Huyền dựa vào 18 bài văn ca tụng của Tô Thức mà tạc tượng 18 vị La Hán, nhưng lại thay hai vị 17 và 18 bằng tôn giả Ca Diếp và Quân Đề Bát Thán. Từ đời Nguyên trở đi, tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, con số 18 này được mọi người mặc nhiên chính thức công nhận, con số 16 chỉ còn lưu giữ trong sổ sách mà thôi. Nhưng, tại Tây Tạng, ngoài 16 vị trên, người ta thêm Đạt Ma Ða La và Bố Ðại Hòa Thượng; hoặc thêm hai tôn giả Hoàng Long và Phục Hổ, hoặc thêm Ma Da Phu nhân và Di Lặc. Các Ngài đã đạt được Tam minh, Lục thông và Bát giải thoát, vâng thừa giáo chỉ của Phật, kéo dài thọ mạng, trụ tại thế gian để hộ trì chánh pháp và làm lợi lạc quần sanh. Thập bát La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Tranh tượng La Hán trình bày những nét sống động của các bậc Thánh hết sức hồn nhiên phụng hiến năng lực của mình. Sự tích 16 vị La Hán (danh tánh, trú xứ, sứ mệnh) được chép trong sách Pháp Trụ Ký do đức Phật thuyết giảng, vị Ðại A La Hán Nan đề mật đa la (Nandimitra) tức Khánh Hữu lượt thuật và Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang (600-664) dịch ra chữ Hán. Tiếp theo, Thiền sư Quán Hưu (832-912), vốn là một họa sĩ tài ba đã vẽ ra hình ảnh 16 vị A La Hán. Tương truyền Thiền sư nhân nằm mơ cảm ứng thấy được hình ảnh của các Ngài rồi vẽ lại. Người ta còn tìm thấy những hình ảnh này ngày nay tàng trữ trên vách tường Thiên Phật động tại Ðôn Hoàng thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Sau Thiền sư Quán Hưu còn có các hoạ sĩ Pháp Nguyện, Pháp Cảnh và Tăng Diệu cũng chuyên vẽ về các vị La Hán.
 
Ananda
Canavara
Kasyapa

Có nhiều sự tích khác về 18 vị La Hán. 1- Sự tích thứ nhất được kể trong tập sách viết bằng chữ Hán của thầy Giáo thọ Hoằng Khai, trụ trì chùa Càn An, tỉnh Bình Định, vào năm Tự Ðức thứ tư (1851). Theo sách này thì nước Triệu có nàng công chúa tên là Hy Đạt, vốn rất chí thành mộ đạo, nàng chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà. Năm 15 tuổi, nàng ăn một đóa hoa sen vàng rồi hoài thai đến 6 năm mới sinh ra 18 đồng tử. Các đồng tử ấy về sau được đức Quan Âm hóa độ và thọ ký để họ trở thành 18 vị La Hán. Nội dung sự tích này khá lý thú, cốt truyện lại pha trộn tinh thần Phật, Khổng, Lão rất thịnh hành ở Á Đông. 2- Trong sự tích thứ hai, tương truyền ngày xưa tại Trung Quốc có 18 tên tướng cướp rất hung hãn. Về sau họ hồi tâm cải tà quy chánh, nương theo Phật pháp tu hành và đắc quả A La Hán. Sự tích này tương đối có ý nghĩa, nhưng lại có tính cách huyền thoại, nên ít được phổ biến. 3- Còn có một sự tích kể trong tập tiểu truyện được thực hiện nhân dịp thiền viện Thường Chiếu khánh thành La Hán Đường vào tháng chạp năm Ất Dậu (01-2006), để giúp các huynh đệ hiểu thêm về các vị La Hán, tăng trưởng niềm tin của mình đối với Phật pháp. Ðấy là chuyện 18 người ăn mày lần lượt vào xin ở lại ở hai chùa. Ngôi chùa thứ nhất nhờ có một nôi nước cốt, nước giếng trong vắt ngọt ngào lại có linh khí tương truyền do năm con rồng hóa thành nên còn gọi Ngũ Long Tuyền. Nước ban nhiều phép lạ, chữa lành bệnh, hóa phép có con, vua uống nước thành mạnh khoẻ, trăm bệnh đều tiêu, bảo nước chùa chữa bệnh thần kỳ bèn đổi tên chùa Xuất Thủy Tự. Bắt đầu từ đây càng khách đông, mỗi ngày hàng ngàn hàng vạn người. Tiền bạc nhiều để sửa chùa. chùa mỗi năm càng rộng lớn, phồn hoa, giàu đẹp. Nhưng một hôm, trời mây đen phủ, giò lạnh buốt xương, một bọn 18 người ăn mày y phục mỏng manh, bộ dạng lam lũ, lại xin ở nhờ một đêm. Không những bị đuổi đi, họ còn bị trách mắng, bèn ngước mặt lên trời cười thật to, múa hát mà đi.

Hồn nhiên mà đi chừ tùy duyên độ người
Từ bi để lòng chừ bổn phận thầy tăng
Công danh lợi dưỡng chừ vốn thuộc nghiệp ma
Nhân quả rõ ràng chừ Phật tại một tâm

và để lại trên bức tường trắng cạnh cửa một câu không sao chùi rửa được:

Xuất thủy chẳng xuất tăng,
Chỉ lưu một tăng đốt nhang đèn.


Dharitaka
Misamta
Upagupta

Từ đây trong chùa việc tai họa xảy ra liên miên. Quan viên địa phương đến lục soát chùa, sung công của cải nhập vào quốc khố. Điền sảng miếu bị quan phủ thu làm doanh trại quân lính, chỉ để tăng nhân còn lại làm Phật sự. Không bao lâu chỉ còn một ông thầy già bịnh hoạn ốm yếu, cô đơn linh đinh lo việc hương hỏa cho chùa. Xuất Thủy Tự dần dần bị tàn phá. Bọn 18 người ăn mày kéo nhau qua chùa Hương Tích. Là một ngôi chùa cổ, Hương Tích ngày càng vắng khách hành hương, trở thành đổ nát, vách sụp tường nứt, Phật hoại tăng tàn. Chiều hôm ấy, trong tuyết bay sương lạnh, ba vị tăng đã sớm tu khóa chiều, ngồi thiền xong, chợt thấy 18 người ăn mày đến. Ba vị Hòa thượng thấy vẻ đói lạnh bức bách của 18 người, liền vội vàng đốt củi sưởi ấm, lấy rơm làm nệm cho họ nằm, nhưng không đủ, tính chuyện vào thành hóa duyên mượn thêm mền nệm, rồi còn cơm cháo sáng mai. Đêm hôm ấy, Vương Quán sát nằm mộng thấy 18 vị La Hán giáng lâm xuống phủ đệ, tay nâng một biển vàng vuông, trên biển khắc tám chữ lớn: Lạc thiện hảo thí tất hữu hậu phước (Vui làm lành ham bố thí ắt sẽ có phước về sau). vội sai người gom góp mền bông chở lên chùa. Sáng hôm sau, trời vừa hửng sáng, các Hòa thượng thấy một đoàn bóng đen, bay vùn vụt như chim hồng, từ trong chùa phiêu diêu về phương xa. Ðược tin, lại chùa xem thì Quán sát thấy tượng hình La Hán trên bản cửa, ở mỗi giường một hình La Hán và một cuốn kinh La Hán. Ông liền bàn bạc với ba vị tăng, đóng tiền, bỏ lương mau mời thợ đúc tượng La Hán, đồng thời sửa sang Ðại Ðiện La Hán Ðường, xây dựng Tàng kinh lâu chứa kinh La Hán. Nhưng các vị Hòa thượng vẫn tiếp tục lối sống như xưa. Tiểu thiếp của Vương Quán sát đến ngày Đông chí sanh được một con trai, rất vui sướng, đem gia đình, đến Hương Tich Tự để hoàn nguyện, thuận tiện xin quy y với Hòa thượng trụ trì và làm cư sĩ. Tiếng tăm La Hán Tự chợt như mầm lúa ra khỏi đất, tự trong lòng người đón gió lớn lên, thiện nam tín nữ theo nhau đến, tiền vật bố chất chồng như núi. Không hơn nửa năm, bên cạnh Hương Tích Tự hoàng tàn đổ nát, một La Hán Tự lộng lẫy huy hoàng bạt đất nổi lên. Về sau con Vương Quán sát lớn lên, đậu Tiến sĩ, kế thừa nghiệp cha, trọn đời làm Hộ pháp cho La Hán Tự, tạo ra vô số công đức. Hòa thượng Trù trì cũ Xuân Thủy Tụ cũng lại thăm hỏi, hối hận chỉ biết tâm tiền, mất hết tâm Phật, hổ thẹn muôn bề, xin ở lại làm tăng thường bên cạnh đức Phật sống, kiên định được tâm Phật, song song thành tựu chứng quả với Hòa thượng Trù trì La Hán Tự.
 
 
Amirta
Anandi
Kapimala

Trong những sách tiếng pali theo truyền thống phái Nguyên thủy Theravada tức Nam tông, khi những người thanh cao đạt đến ngưỡng giải thoát mà không có ý chí nhập cõi La Hán vì lòng thương chúng sinh thì nguyện làm Bồ Tát giúp đở nhân loại cho dến lúc giác ngộ. Bắt đầu từ đây họ phải trải qua đoạn đường dài dẫn đến cõi Phật, tức là con đường tất nhiên của vị La Hán chứng quả được phú cho một khả năng lớn hơn La Hán thường. Theo những sách phái Ðại thừa Mayahana tức Bắc tông, mỗi khi đạt đến trạng thái giải thoát, vi La Hán có thể mải mê trong tình trạng ấy nhiều hệ thống vũ trụ kalpa như bị trang thái ấy cầm tù và không còn nghĩ đến giải phóng chúng sinh. Chỉ khi nào những tia sáng của từ các mắt urna các vị Phật chói đến, vị La Hán mới tỉnh giấc để bước vào con đường các Bồ Tát dẫn đến giác ngộ. Thập Bát La Hán tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Cuộc đời của các Ngài siêu nhiên kỳ bí nhưng rất mực gần gũi chúng sanh. Hệ thống tượng Tổ trình bày ở chùa Tây Phương là 18 cá thể, mỗi người một dạng vẻ, một tư thế, ai nấy có cuộc sống riêng biệt rất đậm nét, sống động. Những nhà khảo cúu đối chiếu những tượng này với hình vẽ trong thư tịch cổ thì thẩy hầu hết có bố cục giống nhau, chỉ một ít tượng khác hẳn về cách sắp xếp song vẫn đồng nhất về căn bản và nhất là ở những chi tiết đặc thù. Vì thế qua nhận diện có thể khôi phục chính xác tên và xây dựng lai lịch cho từng nhân vật. Bám theo hình mẫu trong thư tịch cổ, nhấn mạnh tính cách cá nhân, các nhà điêu khắc xưa đã sáng tạo được những tác phẩm điêu khắc mang đậm chất chân dung, chẳng những nắm bắt cấu tạo cơ thể chính xác, mà còn đi sâu vào cuộc sống nội tâm của nhân vật, đảm bảo được cả hai mặt của loại hình tác phẩm chân dung là giống và sống, cái giống ở đây là chất người của nhân vật đã tạo thành mẫu hình ổn định trong ý thức người xem. Các vị Tổ đều là người Ấn Độ, song ở chùa Tây Phương tượng các vị đã được các nghệ nhân Việt Nam sáng tạo mang phong cách riêng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Chúng ta gặp ở đây cuộc pha trộn những lớp người Việt đang sinh sống trên mọi miền quê đất nước. Nó đạt tính dân tộc ở thời điểm ra đời và giữ mãi tính dân tộc ấy để đóng góp một diện mạo Việt Nam vào kho tàng nghệ thuật tạo hình thế giới. Trong một buổi chiếu hình nhưng các vị La Hán chùa Tây phương trên màn ảnh điện Louvre nhân giảng dạy về mỹ thuật Á Ðông, nhà Bảo quản trưởng Pierre Baptiste ở viện Bảo tàng Guimet đánh giá những kiệt tác nầy là những tượng bằng gỗ xưa, đẹp, quý nhất Việt Nam. Thi sĩ Huy Cận cũng đã khéo léo đưa các vị La Hán vào điêu khắc bằng lời, vào thơ ca trong bài Các vị La Hán chùa Tây phương, nhưng, như tác giả Hành Vân đã nhận xét trong một buổi học làm văn lớp 12 bổ túc (2013), nhà thơ với những ý tưởng về thời đại mới, không mang sự thành kính của người thợ xưa.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Huy Cận (1960)
 
Vasumatra
Nagarjuna
Pareva

Giáo sư Chu Quang Trứ, trong cuốn Chùa Tây Phương, dẫn Nguyễn Đổ Cung (viện Bảo tàng Mỹ thuật 1960), Nguyễn Phi Hoành (Lược sử Mỹ thuật Việt Nam 1970), khẳng định tượng La Hán ở chùa Tây Phương là tượng 18 trong 20 vị Tổ đầu tiên của Phật giáo. Các vị Tổ những kiếp trước đã tu hành thành đạt được danh hiệu La Hán, tất cả đều được tôn xưng Tôn giả. Các nghệ nhân trình bày những tượng ở chùa không lầm khi để tên dưới tượng là Tổ. Các Tổ là những Phật tử xuất gia đã đến mức dứt tuyệt các phiền não trong lòng, không còn lầm lỗi, được tự do tuyệt đối, tâm trí tự tại, không sinh không tử. Hạng người nầy về mặt đạo đức là những mẫu người chuẩn mực rất đáng tuyên dương làm gương sáng cho mọi người học tập, song trong nghệ thuật tạo hình thì là những người mất hết cá tính không thể trở thành nhân vật sống động, và một tập thể đều thế cả thì đâu phải là những tác phẩm đẹp. Chính vì vậy mà tượng các vị Tổ là đặc sắc, chân thật, tư thế, điệu bộ, không có vị nào giống vị nào, thật đúng mỗi người một vẻ. Các pho tượng đã thoát ra ngoài các khuôn mẫu chuẩn mực của các tượng Phật, Bồ tát, để mang lên mình những sáng tạo, cảm hứng sống động. Các tượng Phật thường được tạo ở trong trạng thái Tĩnh: ngồi chắc vững trên tòa sen, mắt nhắm hờ, bất động chìm trong cõi bất khả tư nghị, các nếp áo đều phủ xuống lặng lẽ. Các tượng Tổ chùa Tây Phương đươc trình bày trong trạng thái Ðộng: đứng, ngồi, nói, thuyết, quạt, ngoáy tai... rất sinh động phong phú, các tà áo tung bay, các bước đi khoang thai. 18 vị tổ người đứng kẻ ngồi, pho thì ngước mặt lên trời chỉ vào mây khói, pho thì hững hờ với ngoại vật, tì cằm trên đầu gối nhếch môi cười một mình nửa tinh nghịch nửa mỉa mai. Có pho vẻ mặt hân hoan tươi tắn, khổ người đầy đặn tròn trĩnh, pho khác có vẻ mặt đăm chiêu, lại có pho như đang đắn đo phân bua hay đang thì thầm trò chuyện cùng ai...Các nghệ nhân dân gian đã thổi hồn cuộc sống vào các tượng Tổ này, hơn bất cứ pho tượng nào trong chùa. 18 pho tượng Tổ chùa Tây Phương được coi là một bộ tượng hoàn thiện nhất của điêu khắc gỗ Việt Nam trong thế kỉ XVIII.
 
Asvaghosha
Samghayacas
Rahulata

Trừ hai tổ Ca Diếp và A Nan được đặt ngay trên bàn thờ chính điện, 18 tượng Tổ bày trong chùa thượng. Tượng Tổ Ca Diếp Kasyapa, cao 1,8m, qua pho tượng đậm chất chân dung, miêu tả cả dung mạo và tính cách, đứng bên trái Tuyết Sơn, là một người tuổi cao lớn, ăn mặc nghiêm chỉnh, ánh mắt tinh tường, bộ râu hí hỏm. Sống lên trong một gia đình Bà La Môn, ông quyết xả bỏ dòng dõi để tu theo Phật và trở thành người cao đạo. Một hôm đức Phật thăng hoa thuyết pháp ở núi Linh Thứu, chỉ cầm cành hoa thị chúng, đại chúng vô cùng kinh ngạc, chỉ một mình Ca Diếp tâm lãnh thần hội, nét mặt tươi cười. Thế là Ca Diếp được tâm pháp của Phật, được phong tôn là sơ tổ Thiền tông Ấn Độ. Sau khi Ðức Phật nhập diệt, ngài gõ chuông tập hợp chúng tăng kết tập ba tạng kinh điển tiểu thừa. Khi A Nan chứng quả A La Hán, ngài truyền cho y bát. Tượng Tổ A Nan Đà Ananda (gọi tắt A Nan), cao 1,78m, có nghĩa vui mừng, Hoan hỷ, Khánh hỷ. Ngài là em thúc bá của đức Phật sinh vào đêm Phật thành đạo, 25 tuổi xuất gia và theo hầu đức Phật suốt 25 năm liền, được thụ trì tất cả Phật pháp, là người hiểu biết nhiều và sau nầy đọc lại tất cả các kinh Phật. Ngài có mặt bên Phật đến lúc cuối, được Phật truyền cho những giáo điều sau cùng và cách giữ gìn đạo lý. A Nan được tạc ở thế đứng với hình dáng chung nuột nà, trẻ trung, đang ôm sách kết tập kinh tạng, ánh mắt và khóe miệng tươi cười vui vẻ. Dáng tượng đứng thẳng chững chạc, những nếp áo uốn quanh càng làm tượng vươn lên trong khối chung óng mượt, tỷ lệ các phần cân đối, cả hình dáng và nội tâm đều sáng láng. Sau khi đức Phật nhập diệt, Ca Diếp tổ chức kết tập kinh tạng. A Nan phiền não chưa hết nên chưa chứng được quả La Hán. Ca Diếp bèn dắt A Nan ra ngoài Hội nghị để ngồi thiền. Ðến cuối đêm mệt mỏi A Nan định nằm nghỉ, nhưng đầu chưa chạm gối thì bỗng nhiên giác ngộ thành Đại A La Hán. Ngay khi ấy, ngài xin vào Hội nghị tham gia, sau nầy soạn tiên kinh văn. Lúc Ca Diếp nhập tịch, A Nan được truyền làm Tổ nối nghiệp. Đến khi mệnh yểu nhược, ngài vắt chân ngồi yên trên dòng sông Hằng và thong dong vào cõi Niết bàn.
 
Samghanandi
Kumarata
Jayata

Nếu hai vị Ca Diếp và A Nan ở chùa nào cũng có, 16 vị Tổ - La Hán đủ bộ còn lại chỉ được thờ trong một số chùa. Và không một chùa nào có bộ Tổ - La Hán tuyệt vời như ở chùa Tây Phương. Các tượng đều bằng gỗ phủ sơn, niên đại cuối thế kỷ XVIII, sau đây sắp theo thứ tự số Tổ. Tượng Tổ Canavara cao 1,5m ngồi chân trái thỏng, chân mặt vắt ngang, tay mặt trên đùi mặt, tay kia thu trong bọc, áo nhiều nếp che bụng, để hở bộ ngực gầy xương. Dáng tư lự, mặt đăm chiêu, đôi mắt xụp, môi bĩu nhẹ, Ngài có vẻ lo toan, suy tư, khắc khổ, sống nhiều bằng nội tâm. Tượng Tổ Upagupta cao 0,92m ngồi trên gót chân trái quỳ gập, chân mặt gấp lên đở bàn tay mặt cầm một vật nay bị mất, tay trái cầm thẻ tre, mặc áo dài xỏa trùm xuống đất. Ðầu lớn, trán rộng, má đầy, tai dài, hàng ria mép, lông mày rậm, cánh mũi nở, râu quai nón, miệng chớm nở như Ngài đang thuyết pháp giáo lý uyên thâm. Tượng Tổ Dhritaka cao 0,96m ngồi xếp bằng, hai tay chấp lại, áo dài phủ toàn người kể cả tay, chỉ để lộ phần trên ngực. Khuôn mặt đăm chiêu, tai dài, gò má nổi trội, cặp mắt lim dim, Ngài có dáng suy tư, nghĩ ngợi.Tượng Tổ Misamta, cao 1,65m, đứng thẳng trong thế chững chạc, áo dài nghiêm túc chỉ để lộ ra phần trên ngực, tay mặt thu trong bọc, tay trái bấm đốt lần tính. Mắt lim dim, miệng hấp háy, Ngài có vẻ bàng hoàng, ngơ ngác. Đây Ngài đứng một mình trông như đang nói chuyện, thật ra trong tranh vẻ Ngài đứng trước một tiểu đồng dâng rượu. Tượng Tổ Vasumatra cao 1,65m là hình dáng một người cao tuổi, đứng thẳng, mắt lim dim, đầu buộc dây, tóc mọc dài, cổ tay đeo vòng, ngữa mặt lên trời. Ngài há miệng như đang đọc kệ hay thuyết trình, hai tay chấp lại trong tư thế một người cầu khấn. Tượng Tổ Boudhanandi cao 0,9 m ngồi chân mặt xếp bằng, chân trái chống nghiêng, tay trái đặt trên đùi, tay mặt cong lên như để ngoáy tai. Người béo tốt, hai tai dài, cổ nhiều ngấn, tay đeo vòng, miệng cười hoan hỉ, Ngài mặc áo phanh ra hở cả ngực và bụng với lỗ rún, quần xuê xoa buông thỏng. Tượng Tổ Boudhamitra cao 1,05m, ngồi hai chân buông thỏng, mình hơi nghiêng về bên trái, mặc áo nhiều nếp nhăn, hở ngực, khuôn mặt đầy đặn, tai dài, sung sướng, hân hoan. Ngài cong tay mặt lên (trong sách cổ cầm trượng), miệng hé, mắt nhìn xuống tay trái cầm cuốn sách cuộn tròn. Tượng Tổ Parsva, áo dài phủ tận chân,, để hở phần trên ngực, hai tay chéo nhau đằng trước, tay mặt cầm quạt. Mặt bóng bẩy, hóm hỉnh, hình vuông, đầu tròn, Ngài có tiếng là luôn tu hành à du hành, người đã thuyết pháp dưới gốc cây chú bé sau nầy trở thành Tổ thứ 8, không có tượng.

Tượng Tổ Asvagosha, cao 0,75m ngồi cạnh con rổng, chân mặt thả thỏng, chân trái co lên, áo dài phủ lên hai đùi, quần bọc chân chỉ chừa hai bàn, ngực và bụng để hở. Ðầu tròn, tai chạm vai, mặt tươi cười, miệng há rộng, tay trái gấp ngang bụng, ngón tay chỉ con rồng, Ngài có vẻ tự tin, điềm tĩnh, chan hòa với mọi người. Tượng Tổ Capimala cao 1,63m có mãng xà uốn quanh, đứng vững vàng, mặt nhìn lên, ngực để hở. Gò má cao, mắt mở to, miếng bím môi, Ngài toát ra một bản lĩnh hiên ngang chinh phục được ngay cả đối thủ cao cường. Tượng Tổ Nagarjuna, cao 0,88m ngồi xếp bằng trên tòa sen, dáng nhà hiền triết uyên bác, từng trải khắc khổ nhưng xem nhẹ đời thường, áo dài phủ tận chân, ngực để hở để lộ hai hàng xương. Trước mặt là một con rồng đội kệ sách kinh Hoa Nghiêm quay đầu nhìn Ngài. Không thấy tượng Tổ thứ 13. Tượng Tổ Rahulata cao 1,22m ngồi thẳng người, hai chân thả thỏng, ngực để hở, bàn tay mặt xòe ra trên đầu gối mặt để lộ móng tay dài của người trưởng giả, tay trái dang lên ngang ngực áp vào tích trượng dựa lên vai. Một con hươu ngồi cạnh, quay cổ và hướng đầu về Tổ như chờ đợi vỗ về. Tượng Tổ Samghanandi cao 0,81m, ngồi tì cằm lên hai bàn tay úp đè nhau trên đầu gối chân trái, áo bào choàng từ cổ xuống đất, để lộ khối chân mặt gấp nằm ngang và khối chân trái dựng đứng. Mặt chữ điền, gò má đầy, mắt lim dim, miệng mĩm cười, Ngài đang ngồi thiền trong một tư thế dân dã như đang ngồi nói chuyện. Trong một tư thế sống động, Tượng Tổ Samghayacas cao 1,7m, đang bước đi trong gió thổi bay các tà áo, hai ống tay bay phất phơ, tay mặt co lên ngang ngực. Gò má đầy, miệng hé mờ, đôi mắt mở to, Ngài cầm gương bên tay trái để soi lại chính mình từ tuổi thơ đến khi đắc đạo. Tượng Tổ Kumarata cao 0,88m, ngồi thoải mái, chân mặt gấp đứng, chân trái gấp ngang, tay mặt đặt trên đùi chân mặt, tay trái cầm cành hoa (tích trượng trong sách), áo choàng để hở ngực và bụng. Gương mặt bầu bĩnh, hai tai rất dài, miệng cười thỏa mãn, Ngài cho toát ra nét lãng mạn, yêu đời. Tượng Tổ Jayata cao 0,92m, người gầy yếu, ngồi cúi gấp người, chân chống chân gấp trên tấm thảm tròn, tay trái đặt trên đầu gối chân trái, tay mặt dang cao cầm que gãi lưng, áo phủ tận chân để hở xương ngực và nếp nhăn bụng mướp. Gò má cao dưới hóm sâu đôi mắt, trên cái miệng chụm lại, dưới các nếp nhăn trên trán, Ngài bị ngứa lưng nhưng tỏ ra nội lực mạnh.

Thời buổi chạm trổ các tượng Tổ, không có người ngồi mẫu nhưng chất người của nhân vật đã tạo thành hình ổn định trong mắt người xem. Các vị Tổ đều là người Ấn Ðộ, qua tay Trung Quốc minh họa thời Minh trong sách Tam Tài Đồ Hồi, thời Tống trong Ngũ Ðăng Hội Nguyên, rổi đến lượt Việt Nam chuyển họa qua cuốn Thiền Uyển Kế Ðăng Lục soạn thời Lê, tranh đã được Á Ðông hóa phần lớn, và khi hoá thân vào gỗ thành tượng chùa Tây Phương thì được Việt Nam hóa hoàn toàn. Trong ngành nghệ thuật điêu khác cổ Việt Nam, từ những tượng cổ điển thời Lý đến những tượng Phật, tượng Tổ, tượng Hậu ở các thế kỷ XVI-XVIII với nhiều tác phẩm đặc sắc phẩm trong các chùa là sự khẳng định tài năng của những nghệ sĩ Việt Nam. Thế kỷ XVIII ít có điểu kiện cho điêu khắc phát triển, năng lực những kỳ tài Nguyễn Cong Hiệu, Tô Phú Vượng, Hoàng Đình Ức, Đào Thúc Kiên đành phải tích tụ âm ỉ cho đến thời Tây Sơn mới có dịp sáng tạo tuyệt vời, cho phát tiết những kiệt tác như các tượng chùa Tây Phương mà tột đỉnh là tượng các Tổ kế đăng.

Ảnh chup hai năm 1992,1995 
và mượn sách Chùa Tây Phương
 
Thành Xô mùa xuân 2017
Mừng Phật Ðản 2560
Tham kháo và trích dẫn :

- Louis Frédéric, Les dieux du bouddhisme, Flammarion, Paris 1992

- Chu Quang Trứ, Chùa Tây Phương, Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội, 1998

- Philippe Cornu, Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme, Editions du Seuil, Paris 2001

- Thích Trí Như, Sự tích 18 vị A La Hán, Thông Thủy Quán 08.11.2011 phongthuyquan.com

- Hành Vân, Phản biện nhà thơ Huy Cận về các vị La Hán chùa Tây Phương, Kiến thức 05.03.2013 kienthuc.net.vn

- Thích Nữ Như Ðức, Sự tích Thập bát La Hán, Thư viện Hoa Sen 01.07.2014

- Mai Trà biên dich theo Soundofhope, Thân thế của 18 vị La Hán, Ðại Kỷ

Nguyên 22.12.2015 dkn.live

- BBT Sưu tầm, Sơ lược và ý nghĩa 18 vị La Hán trong Phật giáo, Vườn hoa Phật giáo, vuonhoaphatgiao.com

Phụ lục
 

CÁC VỊ LA-HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG
Các vị La-hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương
Há chẳng phải đây là xứ Phật 
Mà sao ai nấy mặt đau thương? 
Ðây vị xương trần chân với tay 
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy 
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt 
Tự bấy ngồi y cho đến nay. 
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch 
Trán như nổi sóng biển luân hồi 
Môi cong chua chát, tâm hồn héo 
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi. 
Có vị chân tay co xếp lại 
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non 
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối 
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...
Các vị ngồi đây trong lặng yên 
Mà nghe giông bão nổ trăm miền 
Như từ vực thẳm đời nhân loại 
Bóng tối đùn ra trận gió đen. 
Mỗi người một vẻ, mặt con người 
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời 
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã 
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi. 
Mặt cúi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu 
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp 
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau. 
Có thật trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Ðã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đươngthời của NguyễnDu
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.
Ðứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La-hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân
Huy Cận
(Bài thơ cuộc đời. NXB Văn học, 
Hà Nội, 1963)
 27.12.1960

 [ trang trước ]  /   [ trang sau]