Tôi thương em từ dạo
Em mới tròn đôi mươi
Cũng vào mùa Hoa Gạo
Ðã bắt đầu rơi rơi...
HoaTiNa (Hoa Gạo)
Phim
Mê Thảo (phỏng theo cuốn tiểu thuyết Chùa Đàn
của Nguyễn Tuân) qua tay nhà đạo diễn Việt Linh (*) để
lại trong tôi một ấn tuợng khó quên : cõi âm nhạc "ca trù
- chầu văn " hầu như văng vẳng trong từng màn. Song song, trong
trí óc tôi trong rất lâu còn nhuốm một màu đỏ rực rỡ
hoa gạo. Thật vậy, khi xem phim tôi chẳng biết là cây gì,
hỏi chị Việt Linh mới được giải thích là cây gạo. Ở
Huế tôi không thấy, trong Nam được gọi là mộc miên hay
hồng miên, ngoài Bắc thì có nhiều lắm, Ba Vì, Nam Định,
trên bờ ao Long Trì chùa Thầy cũng như trên bờ hồ Hoàn Kiếm
ở Hà Nội, ...mỗi vùng, mỗi làng có cây gạo và truyền
thuyết dính theo : Viên Đình, Diên Uẩn, làng Choán, đền Mõ,
cây gạo đại thụ, cây gạo 200 tuổi,... Có lẽ hoa gạo đẹp,
thơm nên nhiều chuyện thần tiên ma quỷ đã được gắn vào
cây. Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề.
Trong
sách Truyền ký mạn lục của Nguyễn Dữ có Chuyện
cây gạo. Chuyện kể có chàng trai đẹp đẽ, giàu có đất
Bắc Hà tên Trình Trung Ngộ, đỗ thuyền đưới cầu Liễu
Khê. Trên đường đi chợ Nam Xang, chàng gặp cô Nhị Khanh
ở Đông thôn là một giai nhân tuyệt sắc. Được nàng năn
nỉnay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối,
thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi,
được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp
như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa, chàng không đành
lòng từ chối và cùng nàng xuống thuyền
ái ân. Cuộc hoan lạc kéo dài nhiều ngày...
Giấc xuân mê mệt chốn hoang liêu,
Bỗng sượng sùng thay cuộc ấp yêu. .
Măng ngọc vuốt ve nghiêng xuyến trạm,
Dải là cởi tháo trút hài thêu
Nhưng khi về thôn Đông thì biết
được Nhị Khanh là một
cô gái 20 tuồi chết đã nửa năm. Trung Ngộ đau đớn cũng
chết theo và hai linh hồn cùng nhau phá phách dân chúng, bắt
phải khấn cầu lễ bái, không được như ý thì làm tai vạ.
Khi thấy không thể chịu đựng được hơn, dân làng đào
mả phá quan tài, vứt bỏ hai hài cốt xuống sông. Từ đây
linh
hồn của hai người nương tựa vào cây gạo cạnh chùa làm
yêu làm quái, hễ ai động đến cành lá cây gạo thì dao gẫy
rìu mẻ, không thể nào đẵn phạt được. Năm Canh Ngọ (1330)
niên hiệu Khai Hựu nhà Trần, có một đạo
nhân đi ngang qua, cùng dân làng lập đàn tràng cúng tế, viết
ba đạo bùa đóng vào cây gạo, thả chìm xuống sông, đốt
giữa trời và quát lớn đuổi bọn dâm quỷ. Lời bình câu
chuyện có câu kết thúc : Không nên lấy cớ huyễn
thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất
cái hay, ngõ hầu mới hợp cái ý nghĩa người quân tử trung
hậu đối với người khác.
Truyện có ý nghĩa nên gần
đây, trên mạng TruyenViet.com, với phong cách hiện đại,
tác giả Tuyết Trinh, trong bài Cây gạo có kể lại một
chuyện tương tự với cậu học trò Đỗ Sinh, quê gốc Phủ
Lưu, Hà Nam, ái ân cùng cô Phương Lan trên một chiếc thuyền
ỏ Hồ Tây. Và khi chàng theo lời nàng về thôn Đông ở phía
Nam Thăng Long, tìm đến căn nhà cạnh cây gạo thì chỉ thấy
một cỗ quan tài sơn đỏ. Đau đớn chết đi, linh hồn Sinh
cùng với linh hồn Phương Lan tác oai tác quái thường
gây tai vạ khiến người dân không chịu nổi, quật mồ của
hai người lên, đem xương cốt ném xuống sông. Linh hồn hai
người phải bay về nhập vào cây gạo cổ thụ, lấy nó làm
chốn nương thân. Từ đó cây gạo trở thành cây gạo ma,
dao chém, rìu chặt cũng không làm nó suy suyển, hai con ma phong
tình thỉnh thoảng vẫn hiện hữu gây tai
vạ cho dân chúng trong vùng. Năm Canh Ngọ, niên hiệu Thiên
Hựu nhà Trần, có một nhà sư pháp hiệu Pháp Vân đi ngang
qua, dùng phép làm trọng thương hai con yêu, bắt chúng phải
trốn đi biệt tích....

Cây gạo làng Diên Uẩn (Tân Hồng, Từ Sơn,
Bắc Ninh), được xem là sinh vật gắn liền với một số
sự kiện lịch sử Việt Nam những
thế kỷ X, XI. Theo sách Thiền uyển tập anh, cây gạo
do thiền sư Ðinh La Quý trồng ở chùa Châu Minh, năm 936 thời
Tiết độ sứ Dương Ðình Nghệ. Thiền sư
muốn trấn 19 chỗ do Cao Biền đào đứt con sông Điềm và
những ao Phù Chân để trấn yểm. Như đã xảy ra tại chân
chùa Thiên Mụ ở Huế, thiền sư
nhằm khôi phục lại long mạch bị Cao Biền phá gãy, ngoài
mục đích sinh ra chân mạng đế vương, chấn hưng đất nước
còn vì bậc đế vương đó có thể phò dựng Chính pháp làm
hưng thịnh Phật giáo. Năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo
làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Tại chỗ sét
đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng
tác giả chính là sư Vạn Hạnh. Bài thơ được giải mã mang
nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê,
cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch
sử Việt Nam như nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh.
Vì sự kiện cây gạo bị sét đánh, làng Diên Uẩn còn được
mang tên là làng Dương Lôi hay Ðình Sấm. Làng
Diên Uẩn chính là nơi sinh ra Lý Công Uẩn. Không lâu sau khi
bài thơ sấm xuất hiện, Lý Công Uẩn lên ngôi vua thay thế
nhà Tiền Lê, tức là vua Lý Thái Tổ. Năm
1966, trong một trận bão lớn cây gạo già yếu quá bị đổ.
Tính từ khi được sư Ðinh La Quý trồng tới khi chết, cây
gạo tồn tại 1030 năm (theo Wikipedia). Lời phê trong Khâm
định Việt sử Thông giám cương mục : Bờ cõi Bắc Nam
tuy có khác, nhưng vận hội vẫn như nhau: nhà Lê thì có chuyện
khoác áo long cổn, nhà Lý thì lời sấm truyền ghi trên thân
cây, sao mà giống chuyện với bên Tống thế ! Hay
là người làm sử thấy thế, gò ép gán gẩm vào với nhau
để cho thần dị câu chuyện, chứ trời kia có ý làm ra như
thế đâu.:
(Bài thơ sấm dịch)
Gốc rễ thăm thẳm
Ngọn cây xanh xanh
Dao chặt cây rụng
Mười tám hạt thành
Cành đâm xuống đất
Cây khác lại sinh
Ðông mặt trời mọc
Tây sao náu mình
Khoảng sáu, bảy năm
Thiên hạ thái bình (**)
Ðền Mõ thuộc thôn Nghi Dương,
xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, thờ Huyền Trân
công chúa, người có công khai hóa mảnh đất nầy.Nơi
đây có cây gạo hơn 700 năm tuổi được Hội Bảo vệ thiên
nhiên và môi trường (VACNE) công nhận là cây di sản Việt
Nam. Cây có hai thân, cao khoảng 30m, đường
kính hơn 2m, tàn cây phía bắc 18m, hướng đông 25m, phía nam
16m, phía tây 12m, diện tích toàn tàn cây khoảng 1200 m2, hoa
đỏ nở vào tháng 2. Năm Quí Mùi (1283), công chúa Quỳnh
Trân xin vua Trần Thánh Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật,
chọn đất làng Nghi Dương làm nơi lập am. Bà đến nơi thôn
dã, dạy bảo dân lành khai khẩn ruộng nương, gieo hạt, ươm
mầm, trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt vải. Bà chiêu mộ
dân đến khai hoang lập ấp, rồi cùng với dân xây dựng ngôi
chùa Mõ. Huyền thoại truyền tụng đến ngày nay rằng đêm
đến công chúa gõ mõ, tụng kinh niệm Phật, ban ngày tiếng
mõ cũng là hiệu lệnh tập hợp nhân dân. Công chúa đặt
hiệu lệnh bằng tiếng mõ để mọi người nghe đó mà nghỉ
ngơi, ăn uống, đi làm... rồi tụ tập trai tráng mở hội
vật, cầu trời mưa thuận gió hòa, có nước cho nhà nông
cấy trồng, mùa màng tươi tốt. Vì thế mọi người gọi
công chúa là Bà chúa Mõ. Trong những tháng ngày tu hành
ở chùa Mõ, năm 1284 công chúa Quỳnh Trân đã trồng cây gạo
với ước nguyện thóc gạo dồi dào, nhân dân no đủ
và cho đến nay cây gạo vẫn tươi tốt. Tháng 11 năm Mậu
Thân, công chúa viên tịch. Vua Trần Anh Tông ra sắc chỉ tặng
phong Trần Triều A Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa,
ban cấp 300 quan tiền đồng cho 5 xã rước sắc phong về xã
Nghi Dương lập đền thờ. Ðền Mõ có từ đó và được
lưu giữ đến ngày nay. Hằng năm, lễ hội đền chùa Mõ được
tổ chức vào mồng 6 tháng Giêng (lễ Kỳ Phúc) và thường
kéo dài ba ngày, với nhiều hoạt động như lễ rước Thành
Hoàng làng, hội vật Cầu Đảo, các trò chơi đánh cờ, chọi
gà, tổ tôm điếm. Ðền Mõ là một công trình kiến trúc
nghệ thuật cổ, một di tích lịch sử văn hóa (baohaiphong.com.vn)

Một cây gạo đại thụ
cũng được vinh danh và được Hội đồng Di sản Việt
Nam (VACNE) công nhận là Di sản văn hóa Việt Nam mọc ở làng
Hồ Đàm (Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa),
Cây
cao khoảng 40 - 45m, chu vi thân cây tại độ cao cách mặt đất
1,3m là 7m, đường kính 2m, tính ra có tuổi trên 200 năm. Người
làng Hổ Đàm cho rằng cây gạo mọc ở đầu làng là tượng
trưng của đầu con hổ, biểu hiện cho sức mạnh quật cường
trong chiến đấu và trong lao động của người dân nơi đây.
Ðược biết, trước đây, nơi cây gạo mọc lên là một cái
đình làng, về sau vào khoảng những năm 1967-68 do thiên tai
và chiến tranh tàn phá, đình làng không còn nữa nhưng cây
gạo vẫn còn đó, vẫn vươn cành, ra hoa mỗi độ tháng 3
về, thấy rõ sức sống mãnh liệt vô cùng. Thân cây gạo
to đến mấy người ôm, thời gian đã tạo nên những u bướu
xù xì, lồi lõm như mắt quỷ từ phần rễ cho đến giữa
thân cây, cành lá ngang tàng vươn lên và phủ xanh cả một
vùng trời như một thiên sứ. Các cụ già trong làng kể lại,
thời chiến, cây gạo là nơi gắn cái chòi phát thanh trên
đó, hễ có hội họp, đình đám là các thôn trưởng bắc
loa lên cái chòi đó để kêu gọi bà con. Trải qua bao nhiêu
thời gian, cây gạo chứng kiến bấy nhiêu những ngày bình
yên của xóm làng, những đêm trăng rằm gió mát là nơi hẹn
hò của những đôi trai gái, cũng là nơi người dân tìm đến
sau những mệt nhọc đồng áng, rồi cả những chết chóc
tang thương, những trận bom càn quét, những lần đốt phá
của giặc ngoại xâm. Khi có thông tin chính thức cây gạo
được công nhận là Di sản văn hóa Việt Nam, cán bộ, nhân
dân địa phương vô cùng phấn khởi (***). Đây là cây cổ
thụ không những có giá trị về mặt sinh thái, cảnh quan
mà còn có giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và về
nguồn gen quý hiếm (dantri.com.vn)
Thắp bông gạo đỏ đèn trời
Thoả cho ánh mắt xa vời mộng mơ
Một mai quả gạo vương tơ
Bờ vai hứng gió em chờ trăng lên.
Công Văn Dị (Ðến trời)
Cây gạo Nàng Niến được cho
là ly kỳ vì mọc lên trên nấm mộ nàng Niến, còn gọi Công
chúa Niến. Truyền thuyết kể rằng
năm 7 tuổi, nàng bị chết đuối ở sông Chảy, rồi được
chôn cất ngay bên bờ sông. Nhìn từ thôn Trung Đô (xã
Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) ra phía sông Chảy,
cây vươn cao hơn hẳn những lùm cây lớn khác.
Không có ngọn, nó tỏa ra 9 nhánh lớn trên cùng nên tán lá
trông như một chiếc lọng thiên tạo khổng lồ. Theo thần
phả và truyền ngôn trong vùng, nàng Niến là con gái của An
Tây vương Gia Quốc công Vũ Văn Mật, còn gọi là "Chúa
Bầu", người chủ tướng cầm quân cai quản cả mạn biên
giới phía Bắc vào thời Lê Trung Hưng và đang được thờ
cúng tại đền Trung Đô. Không ai rõ ông Vũ Văn Mật sinh,
mất năm nào. Nhưng ông và anh trai mình liên tiếp chống cự
Mạc Đăng Dung, thủy tổ nhà Mạc. Như vậy, thời gian nàng
Niến con gái ông mất, rồi cây gạo ngay sau đó tự mọc lên
bên mộ, tính ra đến nay cũng đã ngót nghét 500 năm. Đối
với cây gạo Nàng Niến, bà con đều có sự kính cẩn, không
ai dám xâm phạm. Trước đây, mỗi khi đi qua bến sông, những
người đang cưỡi trâu, cưỡi ngựa đều phải xuống dắt
từ xa, khi đi qua một quãng mới dám trèo lên cưỡi tiếp.
Ai đi qua cũng cúi đầu bước gấp, không dám bỡn cợt bao
giờ. Gần đây, trong làng có hai anh em trai họ Trần
bất chấp mọi lời cảnh báo, dám cả gan vác dao rựa đến
để hạ cây gạo Nàng Niến. Họ bập được ít nhát dao vào
thân cây thì bỗng thấy mặt mày xây xẩm, tinh thần hoảng
hốt, phải vứt đồ nghề đó mà bỏ về. Mấy năm sau, cả
hai anh em đều lần lượt chết trẻ. Sự việc là trùng hợp,
nhưng điều đó càng khiến bà con kính sợ cây gạo hơn (VTC
News).
Cây gạo hay bông gạo là một
cây trung bình cao 15m hay hơn, cành mọc ngang với những gai
hình nón, thân cũng có gai. Hoa đỏ, nhiều, 5 cánh, mọc trên
những cành nhỏ, quả hình thoi, mặt trong có nhiều sợi bông,
hột hình trứng, xung quanh có lông dài, trắng, mịn. Nguồn
gốc Ấn Độ, còn mang tên mộc miên (cây bông thân gỗ), hồng
miên (bông đỏ), cây anh hùng (do thân cây cao và thẳng), ngày
nay mọc ở Trung Quốc, Đài Loan, Mã Lai, Indonesia, Campuchia,
Lào, miền nam, miền bắc nước ta. Tên khoa học là Bombax
malabaricum tức Gossampinus malabarica Merr. hay Bombax
heptaphilla Cav. hay Bombax ceiba L., họ Gạo Bombacaceae.
Ngoài cây gạo hoa đỏ còn con có cây gạo rừng, cây gạo
trắng Bombax anceps Pierre tức là cây pơ lăng của người
Tây Nguyên. Hoa, rễ, vỏ nhựa đều được dùng, thu
hái hoa vào mùa xuân; rễ vào mùa xuân hay mùa thu, rửa sạch,
thái nhỏ, phơi khô, vỏ vào mùa hè-thu. Hoa chứa nhiều amin
acid, pectin tanin, đường. Nhựa chứa catechutannic acid. Hạt
chứa 22,3% dầu béo khô với 0,5% stearin. Rễ của cây non có
chứa protein 1,2%, chất béo 0,9%, phosphatid (cephaclin) 0,6% semul
đỏ 0,5% tanin 0,4% arabinose và galactose 8,2% chất có pectin 6,9%
và tro 71,2%. Chất nhầy trong vỏ biểu hiện của một ester
salicophosphoric manogalactan (thuoc dong duoc.vn).

Người Trung Quốc và Hồng
Kông biết cây gạo rất sớm và chính họ đã sử dụng cây
này như một nguồn dược liệu điều trị rất nhiều bệnh
khác nhau. Nhiều bộ phận của cây, từ rễ, vỏ thân, đến
hoa, lá đều được dùng để chữa nhiều bệnh về đường
hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, trĩ, bong gân,
gãy xương, phù nề, sưng tấy... Hoa có vị ngọt, tính mát,
có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, được dùng trị viêm
ruột, lỵ. Cũng dùng như trà uống vào mùa hè. Nước hoa gạo
được xem như một dung dịch bổ âm, dùng chữa thiếu máu
suy nhược hoặc do các nguyên nhân khác (rong kinh, đa kinh, chảy
máu dạ dày - tá tràng, mất máu sau mổ vết thương, sỏi
thận mà tuỷ xương bình thường) và do cả trường hợp suy
tuỷ. Vỏ dùng trị thấp khớp, đụng giập gãy xương, bọc
máu. Cũng dùng cầm máu trong các chứng băng huyết, (phối
hợp với rễ non và hạt cây tươi). Rễ đắng, mát, có tác
dụng kích thích, bổ, cũng gây nôn và giảm đau, dùng chữa
đau thượng vị, viêm hạch bạch huyết dạng lao và làm thuốc
lợi tiểu. Vỏ có vị đắng, tính mát; có tác dụng lợi
tiểu, tiêu sưng, gây nôn. Trong dân gian, vỏ cây gạo,
rửa sạch được thái nhỏ phơi hay sấy khô sắc uống hay
giã nát dùng tươi để chữa các chứng bệnh như viêm loét
dạ dày, tiêu chảy, viêm đau xương khớp, tê thấp đau mỏi,
chấn thương bong gân, gãy xương, đau răng, sưng đau vú sau
khi sinh ,... Nhựa
cây gạo kích dục, làm nhầy, cầm máu, làm săn da, bổ và
gây khát. cho vào nước chữa bệnh lậu, cũng dùng chữa lỵ
ỉa chảy và rong kinh. Dĩa mật trong hoa dùng lợi tiểu và
tẩy. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ làm thuốc kích dục
cho trường hợp bất lực và dùng hoa, quả trị rắn cắn.
Người Quảng Đông và Hồng Kông còn chế biến gạo thành
một loại trà giải cảm và trị bệnh, bày bán phổ biến
ở nhiều siêu thị. (ShopCaycanh 24h.com)
Bàn đến những môn thuốc
dùng cây gạo chữa bệnh, ngoài lá, vỏ, hoa, nhựa, mật, rễ
cây, cũng cần nhắc đến tầm gửi cây gạo (Scurrula parasitica
L.) tuy nó chỉ là cây nửa ký sinh, sống nhờ trên cây gạo.
Hạt
của tầm gửi được phát tán qua mỏ, chân và cơ quan tiêu
hoá của loài chim như chim chào mào. Đó là mối quan hệ đôi
bên cùng có lợi: Nhiều loài chim sử dụng tầm gửi để
làm tổ.Đến
nay, những kinh nghiệm chữa bệnh được lưu truyền trong dân
gian chứ chưa có một công trình hay tài liệu khoa học nào
nói về tầm gửi cây gạo và tác dụng chữa bệnh của nó.
Theo GsTs Nguyễn Lân Dũng, trên báo Công nghiệp Việt Nam,
trong nhân dân có nhiều người cho rằng tầm gửi cây gạo
có công dụng giải nhiệt, điều hòa huyết áp và tốt cho
người bệnh gan, thận. Tầm gửi cây gạo có mặt trong rất
nhiều các bài thuốc nam, thuốc bắc, sắc uống hằng ngày
làm mát gan, thải độc cho người bị thận (viêm cầu thận);
chữa sỏi thận, phù thận, chức năng gan yếu, tăng thể lực
cho người mệt mỏi, gây thèm ăn, dễ ngủ, tiêu phù. Vì vậy,
PgsTs Nguyễn Duy Thuần nhận định không thể phủ nhận giá
trị của y học dân gian vì y học dân gian là một bộ phận
của y học cổ truyền ; nhưng y học dân gian chỉ là kinh nghiệm
chữa bệnh của một nhóm người hay một khu vực nào đó,
nếu muốn y học sử dụng như một loại thuốc phổ biến
thì cần phải có sự nghiên cứu theo quy trình khoa học cụ
thể. Dù sao, ngày nay có phong trào đến xã Hiền Quan, huyện
Tam Nông, tỉnh Phú Thọ mua cây tầm gửi, giá rất đắc, về
làm thuốc. Được biết trong làng có hằng trăm cây gạo nhưng
chỉ có những cây gạo tía cho tầm gửi tốt còn những cây
gạo trắng thì không. Lúc trước, họ chỉ biết sao
khô cây tầm gửi để sắc lấy nước uống bồi
bổ sức khỏe cho phụ nữ sau sinh. Từ mấy năm nay,
khi tình trạng các quý ông uống quá nhiều rượu, bia khiến
những bệnh liên quan đến gan, thận tăng vùn vụt thì những
cây tầm gửi tưởng chừng chỉ là cây dại, vô giá trị
kia đã trở thành "cần câu cơm" của dân làng Hiền Quan....
(phunu.net)
Ở nước ta cây gạo được các nhà thực vật
học ghi nhận phân bố khắp nơi, nhiều nhất là các vùng
nông thôn kể cả ở đồng bằng lên tới miền núi. Do hoa
đẹp, đỏ sặc sỡ, cánh hoa lớn, nở rộ khi cây trút lá
trơ cành vào mùa khô, khiến toàn cây nhuốm một màu đỏ
chói, như một đóm lửa sưởi ấm cho cái rét lộc đầu mùa
xuân đây đó, gây ấn tượng mạnh cho người nhìn, nên nó
đã được một số tỉnh thành chọn làm cây cảnh quan đô
thị. Ngoài chuyện công chúa Huyền Trân,
không hiểu bắt nguồn từ đâu mà người ta có tên
gạo cho loài cây có hoa đỏ chói này. Mặc dù mọc khá phổ
biến ở nhiều nơi, từ đồng bằng lên vùng trung du, miền
núi, cây gạo chỉ xuất hiện ở những điểm công cộng,
ít khi được trồng trong vườn nhà. Thường
cây được chọn trồng ở công viên, đền chùa và một
vài thắng cảnh có công trình văn hóa tâm linh. Ai yếu bóng
vía lại thuộc nằm lòng câu thành ngữ Thần cây đa, ma
cây gạo, cú cáo cây đề mà đi qua gốc gạo vào đêm,
đúng lúc những hoa lìa cành rơi đồm độp trên đám lá khô
bên vệ đường, có lẽ không khỏi thót tim, cứ tưởng mình
đang bị ma trêu chọc. Về mặt nầy, ở
miền Trung tôi chỉ thấy có một cây có thể so sánh với
cây gạo là cây ngọc lan Michelia alba. Hoa trắng đẹp,
đêm khuya hương thơm càng ngào ngạt, đáng sợ nhất là những
đêm trăng sáng, lá cây rung động chập chờn trong đêm tuởng
như có yêu ma thấp thoáng trên các cành cây.
Bông hoa gạo rơi rơi đầy dưới gốc
Để tình anh
bỗng chốc hóa tro tàn
Như hoa gạo rực đỏ một phím đàn
Buông một tiếng giữa muôn vàn tiếng gió
Cẩm Chi Châu (Ký ức cây gạo)
Một trong những màn luôn còn
lẩn vẩn trong đầu óc tôi sau khi xem phim Mê Thảo là
cảnh anh quản lý Tam, cũng là người đánh đàn, để làm
vui lòng ông chủ trang trại, đốc suất công nhân bứng chở
về trồng trong sân đình cây gạo đã nở hoa một màu đỏ
thắm. Biết đời sống tâm linh của người miền Bắc đối
với cây gạo, tôi không khỏi tự hỏi rồi đây linh hồn
nào sẽ lại cư trú trong cây chở về trồng trong sân đình
làng : trong số ba hai nhân vật chết bất đắc kỳ tử trong
phim, anh quản lý trang trại Tam xuất huyết chết gục trên
cây đàn linh thiêng, anh chủ ấp Nguyễn tuyệt vọng bỏ mình
trong đám lửa các vò rượu, hay cô Câm gia nhân mồ côi, đã
từng yêu thầm chủ ấp nhưng tuyệt vọng, bị dìm chết dưới
nước, mỗi người có một sự tích, một mối tình khác nhau
?
ảnh internet
khoahocnet.com 28.01.2017
(*) Nhà đạo diễn Việt Linh sinh năm 1952, từng học và thực
hành trong lĩnh vực sân khấu ở trường điện ảnh ở Liên
Xô. Là một phụ nữ làm nghề đạo diễn, lại thành công,
nổi tiếng như Đặng Nhật Minh bên nam nhi, bạn thân thiết
với nhà văn Nguyễn Tuân, chị là người hiếm có trong làng
điện ảnh. Những phim Gánh xiếc rong (1988), Dấu ấn
của quỷ (1992), Chung cư (1999), Mê Thảo-Thời vang
bóng (2002)... nói lên một phong cách vừa sâu lắng, trầm
lặng vừa êm ái, sôi nối, nhiều khi đầy ám ảnh, huyền
ảo, mang đậm chất văn học, đồng thời được xem như là
những phim tài liệu phong phú, miêu tả xã hội Việt Nam trong
cuộc tiếp xúc đầu thề kỷ XX với Tây phương. Phim Mê Thảo
được tán thưởng nhiều ở Liên Hoan Deauville, đạt giải
nhất Bông hồng Vàng tại Liên Hoan Bergamo. Nhà Bảo tàng Nghệ
thuật Queensland Art mời chị đem toàn bộ bốn phim của chị
sang giới thiệu tại Chương trình Cận đại châu Á. Những
tác phẩm của chị đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài
nước, để lại một tiếng vang hiếm có, nhất là trong giới
phụ nữ. Tuy về nước công cán nhiều lần, biên kịch những
vở Đảo lửa, Tro tàn rực rỡ, Visa, Giờ của quỷ,...vì
tình hình sức khỏe, chi thường định cư ở Pháp với chồng
và con.
htrong
trong

Đọc thêm
(**) Việt sử lược, bộ sử
cổ nhất Việt Nam, chép nội dung bài thơ chỉ có 8 câu. Các
sách sử đời sau như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử
tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép thêm
2 câu nữa thành bài thơ gồm 10 câu.
(Bài thơ nguyên văn)
樹根杳杳
木表青青
禾刀木落
十八子成
東阿入地
木異再生
震宮見日
兑宮隠星
六七年間
天下太平
(Bài thơ Phiên âm)
Thụ căn diểu diểu
Mộc biểu thanh thanh
Hòa đao mộc lạc
Thập bát tử thành
Đông a nhập địa
Mộc dị tái sinh
Chấn cung kiến nhật
Ðoài cung ẩn tinh
Lục thất niên gian
Thiên hạ thái bình
Bài thơ được người đời
sau cắt nghĩa
-Câu 3: chữ Hòa (禾)
+ chữ Đao (刀) + chữ Mộc (木)
ghép lại thành chữ Lê (黎). Câu 3
tiên đoán nghĩa cây đổ, nhà Tiền Lê mất
-Câu 4: chữ Thập (十)
+ chữ Bát (八) + chữ Tử (子)
ghép lại thành chữ Lý (李). Câu 4
tiên đoán nhà Lý thay nhà Lê.
-Câu 5: chữ Đông (東)
ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần
(陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào
nước Việt làm vua.
-Câu 6: cây khác lại sinh. Sấm
ra đời thời Lê. Cây lê khác lại sinh, tiên đoán nhà Hậu
Lê kế tục nhà Trần –Câu.
7: phương Đông có mặt trời,
ứng vào nhà Mạc khởi xuất từ phía Đông (Hải Dương) thay
nhà Hậu Lê.
-Câu 8: sao náu mình phía tây.
Có các ý kiến khác nhau về câu này. Có ý kiến cho rằng
câu này chỉ chúa Trịnh đóng phủ ở phía tây kinh thành Thăng
Long, "náu mình" là không ra mặt xưng vua nhưng lại nắm thực
quyền. Có ý kiến cho rằng "phía tây" trong câu 8 chỉ nhà
Tây Sơn.
-Câu 9 và câu 10: có ý kiến
cho rằng "lục thất" chỉ nhà Nguyễn, nhưng cũng có ý kiến
cho rằng chưa có lời giải đáp cụ thể cho 2 câu này. Tổng
quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc
nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại
kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ
11 đến thế kỷ 20, từ khi nhà nước phong kiến trung ương
tập quyền ở Việt Nam hình thành ổn định tới khi kết
thúc thời phong kiến.
Điều đáng lưu ý là Việt
sử lược ra đời thời Trần nhưng không chép 2 câu: "Đông
a nhập địa, Mộc dị tái sinh" liên quan tới chính nhà
Trần và nhà Hậu Lê. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đây
cho rằng :
-Bài sấm này được làm ra
để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi;
-Hai câu cuối này do người
đời sau (Trần, Hậu Lê) sáng tác xen thêm vào. (Wikipedia)
(***)
- Lê Đình Sáng, Công dụng chữa bệnh của
cây gạo, Cây thuốc quý, Bách Khoa Y Học agarwood.org.vn
2010
- Lê Bích, Hoa gạo
rực trời tháng Ba,vov.vn 30.03.2013
- Vũ Minh Quân, Hoa
gạo đỏ rực làng quê Bắc Bộ, vnexpress.vn 11.4.2014
- Việt Hoa, Ngắm cây gạo
trăm tuổi nở hoa đỏ rực, plo.vn.xa 06.04.2015
- Hữu Nghi, Ngắm hoa
gạo đỏ rực trên phố phường Hà Nội, dantri.com
23.03.2017
|