Ðường Trúc Lâm đá vàng cát
trắng
Cảnh Trúc Lâm, cảnh vắng người thanh
Dòng khe lượn khúc như tranh
Rừng cây rợp bóng tươi xanh bốn mùa
Bs Lê Đình Thám

Cách
đây hai mưỏi năm, 1998, trong chuyến đi tìm tài liệu cho luân
văn nhà tôi, hai vợ chồng chúng tôi về Huế và được mấy
cháu ở Nam Phổ chở xe máy đưa viếng chùa Trúc Lâm, nhân
tiện xem các bảo vật của chùa từng có tiếng trong giới
Phật giáo. Con đường thôn dã ít người biết bao thú vị
chay xe giữa những hàng tre cao vút lung lay trong gió như chào
đón chúng tôi. Nhà tôi được thỏa mãn vì sau khi dẫn viếng
chùa, mấy vị sư thấy tôi là dân Huế chính cống lại đem
người vợ ngoại quốc về thăm quê chồng, không lưỡng lự
đem kho báu ra trình bày (và khoe) với tất cả hảnh diện
của những con dân biết trọng của quý ông cha để lại.
Vật chính của kho báu là bức kinh thêu từ mấy trăm năm,
được cuốn tròn thận trong trong một hộp gỗ chạm trổ
tinh vi. Tuy nhiên mở ra đóng lại nhiều lần, bức kinh hết
còn giữ màu sắc năm xưa, lại không có phương tiện bảo
quản nên cũng mất đi ít nhiều phẩm cách một tấm lụa
mới thêu, thiếu chăng là hương thơm của tác giả. Tuy nhiiên,
bức thêu vẫn còn đẹp với một sức quyến dũ tuyệt vời
nên các vị sư rất sợ có người lại lấy mất, hoặc những
nhà bảo quản "nhà nước’’mượn
về trưng bày ỏ một viện bảo tàng mỹ thuật nào đó! Vâng
theo lời dặn trong tinh thần giữ kím bảo vật cho nhà chùa,
chúng tôi hoàn toàn không phổ biến, không nói và cũng không
viết gì về bức kinh thêu nhiều năm sau. Thậm chí nhà tôi
cũng chỉ nói miêng cho ông giáo sư điều khiển luận văn
và không đã động gì đên trong bản viết. Nay thấy trên
internet có nhiểu bài viết và ảnh chụp, ngay cả với mấy
vị sư, chúng tôi hiểu là đến lúc không cần phải im lặng
bảo vệ kho báu như đã được dặn dò nữa.
 
Một vât quý báu như vậy ắt phải có nơi bảo
vệ xứng đáng. Chùa Trúc Lâm tọa lạc trên đồi Dương Xuân
Thượng làng Thuận Hòa, huyện Hương Thủy, bao quanh có núi
non hùng vĩ: gần nhất là núi Kim Phụng luôn có mây trắng
điểm màu, xa xa nằm dài dãy Trường Sơn núp bóng trong mây
mù phủ kín như để gợi thêm bí ần của chốn núi rừng.
Dưới chân đồi khe suối uốn khúc, róc rách chảy dưới
Cầu Lim dẫn vào địa phận Dương Xuân Hạ, gây nên một
bản nhạc đơn điệu, nhẹ nhàng. Hai bên bờ suối là cát
trắng trước chùa, dưới đáy lòng khe chen lẫn đá cuội
đủ màu sắc, đủ kích thước hình dáng, trong nước tung
tăng nhiều loại cá nhỏ tự do bơi lội thờ ơ với khách
lại viếng thăm. Bức kinh không phải được thực hiện ở
chùa Trúc Lâm. Khi vua Gia Long đi đánh nhà Tây Sơn ngoài Bắc
năm 1801 đem về, thấy bức kinh có niên đại Tây Sơn lại
thấy chưa đánh giá đúng mức giá trị mỹ thuật, lịch sử,
tạm đem thờ trong Khương Ninh các, thuộc cung Diên Thọ hoàng
thành Huế rồi bỏ quên, bản kinh một lúc coi như bị thất
lạc (*). Không phải tình cờ mà Napoléon cùng thời đi chinh
phục Ai Cập không quên đem theo nhiều họa sĩ, sử gia, các
nhà khoa học, thực vật học… Mãi đến thời Khải Ðịnh
(1916-1921) hơm một thế kỷ sau, hòa thượng Phước Huệ ở
chùa Thập Tháp (Bình Định) về Huế giảng dạy Phật pháp,
nghe chuyện bản kinh, nhận định là pháp bảo bèn nhờ các
đệ tử truy tìm. Đến lượt Ni trưởng Diệu Không ở chùa
Hồng Ân (Huế) tiếp tay và các đệ tử của bà đã tỉm
ra trong một nhà thường dân. Tuy quỳ bản kinh hơn, nhà chùa
chấp nhận mua bức kim cang với giá cao (tương đương bảy
lượng vàng đương thời) ít vì lịch sử, mỹ thuật mà chủ
yếu nhờ hộp gỗ trầm çhương chạm trổ công phu. Bản kinh
được chuyển về cho hòa thượng Thích Mật Hiển. Hòa thượng
Giác Nhiên ở chùa Tây Thiên (Huế) nhận bảo quản nhưng đến
năm 1943, khi chùa Tây Thiên bị mất cắp một số đồ vật,
bản kinh được chuyển về chùa Trúc Lâm.

Bản kinh Kim Cang (Cương) còn goi Bát nhã kinh,
nhìn chung còn nguyên vẹn nhưng trải qua thời gian hơn 200 năm
hiện trạng của bảo vật đang xuống cấp: chỉ thêu phai
màu, gấm vàng nhiều chỗ nứt rách và lớp lót nhiễu điều
lỗ chỗ vết mục do thời gian tàn phá. Như vậy, trải qua
chặng đường dài lưu lạc, bản kinh tìm đến chùa Trúc Lâm,
như sự tùy duyên của đạo Phật, nơi đâu duyên lành thì
bảo vật tìm đến. Cuối cùng bản kinh được đặt trang
trọng ngay chính giữa, trước bàn thờ Phật tổ trong ngôi
chùa Trúc Lâm đại tự và được gìn giữ đến ngày nay.
Như vậy, ngoài gấm vải đẹp, chữ thêu tinh vi, hộp đựng
bằng gỗ trầm hương quý, bản kinh còn được xem như là
một bảo vật vì hành trình của nó cũng là một hành duyên
lý thú. Tổ khai sơn chùa là Thiền sư Giác Tiên. Năm 1895,
thời Thành Thái, chùa Phổ Quang ở dốc Bến Ngự, nguyên là
một thảo am, ngày càng hư hỏng. Bấy giờ có một tỳ kheo
ni là bà Hồ Thị Nhàn người làng Chuồn, sau ngày chồng mất
bà xuất gia thụ giáo với hòa thượng Cương Kỷ chùa Từ
Hiếu (1898) pháp danh Thanh Linh hiệu Diên Trường. Bà xin phép
đại lão hòa thượng được trùng tu chùa Phổ Quang.
Bà
còn được Thái hoàng Thái Hậu Trang Ý Thuận Hiếu cấp cho
hai mẫu ruộng dùng vào việc đèn hương. Đấy cũng là thời
điểm đang mở đường xe lửa chạy ngang qua dưới chân đồi,
chùa Phổ Quang trở nên thị tứ ồn ào, dân cư đông đúc,
chợ búa ghe thuyền tấp nập... nên sư bà Diên Trường
tìm đường rẻ lối tới chốn sơn lâm cùng cốc xa hơn lập
một thảo am khác để tiện việc tu hành. Duyên lành đã hạnh
ngộ trên đỉnh đồi Dương Xuân, khi thảo am xong thì sư thì
Diên Trường mời sư Giác Tiên về làm trụ trì và sư cũng
là vị tổ khai sơn của chùa Trúc Lâm.
Giác đạo kiếp không Tiên
Không không bát nhã Thuyền
Quả nhân phù hạnh giải
Xứ xứ tức an nhiên.
kệ Tâm Tinh
(Ðường giác kiếp không trước, thuyền bát nhã không không,
hạnh giải hợp nhân quả, ở đâu cũng thung dung).
 
Bản kinh Kim Cang (Cương) 7.000 chữ Hán được
thêu bằng chỉ ngũ sắc, như tên gọi, nhuộm năm màu đỏ,
vàng, xanh, trắng, lục cách đều và liên tục, trên nền gấm
vàng có viền và lớp lót bằng vải điều, dài 2,47m, khổ
23,4cm. Trong kinh điển nhà Phật có nói Dây Ngũ Sắc cũng là
đại biểu cho Kim Cương Giới của Ngũ Phật (màu vàng), Tâm
quán tưởng Tây Phương A Dì Đà Phật (màu đỏ), Nam Phương
Bảo Sinh Như Lại Phật (màu vàng), Bắc Phương Bất Không
Thành Tựu Phật (màu xanh lá), Đông
Phương A Súc Bệ Phật (màu xanh da trời), Chính Giữa
là Tỳ Lô Giá Như Lai còn gọi Đại Nhất Như Lai Phật (màu
trắng) !Năm phương Đại Phật đều
chiếu Phật Quang ánh sáng vàng chói của giải thoát, tức
là có thể đắc được Ngũ Phương
Kim Cương Đại Phật bảo hộ thân mình. Chỉ Ngũ Sắc
có tác dụng trừ tà ma, đem lại cát tường cho mọi người.
Vòng đeo tay kết chỉ Ngũ Sắc được gia trì Ngũ Phật Tâm
Chú, được 5 Ðức Phật gia hộ, nên khi mang dây Ngũ Sắc
thì nên thường Tâm Niệm hình ảnh 5 vị Phật như kể trên
mang lại bình an, may mắn, thành đạt và hạnh phúc cho tất
cả những ai sở hữu nó. Nếu thường trì chú thêm vào cho
Dây Ngũ Sắc thì công hiệu càng lúc càng mạnh. Nội dung kinh
gồm ba phần: phần đầu có hai bản tựa, tiếp đến là toàn
văn kinh Kim Cương và lời bạt cuối cùng. Lời tựa đại
ý ca tụng sự thâm sâu của giáo lý Phật giáo được thực
hiện trong bản kinh Kim Cương, cho rằng kinh Kim Cương là
một trong những bản kinh Phật nói chuyện nhà Phật lấy lòng
từ bi và dùng trí huệ soi sáng thế gian, làm thế nào để
thế nhân thoát khỏi bể trầm luân, thoát khỏi cõi u minh
để đi đến giải thoát. Với ý nghĩa đó, hai nhân vật
được nhắc tên trong bài tựa thấy bản kinh rất hay và cũng
muốn thực hiện như vậy trong việc cai trị đất nước của
mình. Bài tựa thứ nhất với câu mở đầu "Thái thượng
hoàng đế ngự chế...", và bài
sau là "Cảnh Thịnh...". Thời gian hoàn thành việc thêu
cũng được ghi rất rõ là "Cảnh Thịnh bát niên thập nhất
nguyệt sơ nhất nhật" tức là ngày 1.11 năm Cảnh Thịnh
thứ tám (16.12.1800). Do đó xưa nay giới nghiên cứu cho rằng
bài tựa thứ nhất là của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ và
bài tựa thứ hai là của vua Cảnh Thịnh - Quang Toản. Nếu
được nghiên cứu kỹ lưỡng và khẳng định được điều
này thì bản kinh càng có giá trị về mặt văn hóa lịch sử,
khi mà những hiện vật văn hóa thời Tây Sơn phần lớn đã
bị tàn phá sau biến cố thay đổi triều đại. Đạo
giáo truyền thống lại có nói ngũ sắc là đại biểu
cho Mộc, Hỏa, Thổ, Kim, Thủy tất cả 5 hành, cũng là Đông
Tây Nam Bắc Trung cũng 5 phương.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, bản kinh Kim Cang thêu
là một văn vật đặc biệt nói riêng với Phật giáo và nói
chung cho nền văn hóa Việt Nam bởi trong vô số các tàng kinh
Phật, kinh Kim Cang là một trong những bộ kinh có ý nghĩa thâm
sâu. Kinh được nhiều người ca tụng và đã được nhiều
lần được dịch thuật ra thành ngôn ngữ bản địa của
từng dân tộc để Phật tử khắp nơi trực tiếp tham cứu
và tu hành. Bản kinh Kim Cang tại chùa Trúc Lâm được xem là
một quốc bảo không chỉ bởi giá trị lịch sử, mà còn
ở giá trị nghê thuật. Nội dung của hai
bài tựa này cho thấy sự ngưỡng mộ của hai vị vua triều
Tây Sơn đối với kinh Kim Cang, ca tụng bản kinh chứa đựng
lời dạy thâm sâu của nhà Phật. Nội dụng chính của bản
kinh là phần kinh văn, tức là thêu lại nguyên văn vào khoảng
7.000 chữ của nội dung kinh Kim Cang. Cuối cùng, trong phần
hậu bạt ghi rõ về việc thực hiện bản kinh thêu của Tỳ
kheo ni Diệu Tâm, khi đó là trụ trì chùa Sài Sơn (tức chùa
Thầy ngày nay) tại Sơn Tây với mục đích để cúng
dường Ðức Phật và cung tiến thân phụ là Nguyễn Gia tướng
công và thân mẫu là Quỳnh Liên công chúa Trịnh Ngọc Tuân,
cầu cho ông bà, tổ tiên được siêu thoát. Theo Ông Hồ Tấn
Phan, một nhà sưu tầm cổ vật, thì Cứ mỗi lần thêu
một chữ là niệm 10 lời kinh văn của kinh kim cang. Bản kinh
có tới 7 nghìn chữ, do sư bà Diệu Tâm đã để công sức
làm công việc này trong một thời gian lâu dài. Chính điều
đó đã nói lên tâm đức của sư bà. Vì những lý do này,
hiện nay bản kinh được xem như một Pháp bảo của Phật
giáo…Hơn nữa, cũng theo ông, thêu
bằng chỉ kim tuyến năm màu trên vóc vải nâng cao giá trị
thập nhị của bản kinh cang, số năm cũng là một khái niệm
rất quan trọng trong tư duy của người Phương Đông mà rõ
ràng nhất người ta thường gọi là ngũ hành…

Trong số các bảo vật của chùa Trúc Lâm, ngoài
bản kinh thêu, còn có thể kể bức tiểu tượng treo trên
tường hậu tổ, chiếc lư đốt trầm bình bát chu sa và muỗng
gỗ . Những báu vật nầy nguyên thờ ở chùa Khánh Vân bên
bờ bắc song Bạch Yến. Lư đốt trầm, cao khoảng 32cm, đường
kính 22cm gắn liền với phần đế bên dưới, nhiều chỗ
đắp nổi, có minh văn theo phong cách gốm sứ thời Mạc được
cho là tráng men Tam Thái (ngà, trắng và xanh). Minh văn còn ghi
rõ chiếc lư được sản xuất vào thời Lê niên hiệu Chính
Hòa (1680-1704), là tự khí của chùa Bảo Sơn, phủ Từ Sơn,
huyện Đông Ngạn, Bắc Ninh. Nhiều tài liệu cho biết lư trầm
này được thượng thư Hồ Ðắc Trung, thân phụ sư bà Diệu
Không, đem từ Thanh Hóa vào dâng cúng nhà chùa. Bình bát bằng
chu sa và muỗng gỗ được xem là của dâng tặng hòa thượng
Thạch Liêm-Thích Đại Sán, tác giả cuốn sách Hải ngoại
ký sự nổi tiếng. Sư ông Ðại Sán, người Giang Tây,
Trung Quốc, được chúa Nguyễn Phúc Chu mời từ Quảng Ðông
về giúp nhà chúa xây dựng triều đình rất hợp lòng dân
và bình bát này là một trong những vật nhà chúa tặng với
lòng thành. Lẽ tất nhiên, hai hiện vật gốm đặc biệt có
giả trị khi được ghép với bản kinh thêu. Lời tựa bản
kinh thêu đại ý ca tụng sự thâm sâu của giáo lý Phật giáo
được thực hiện trong bản kinh Kim Cang, và cho rằng Kim Cang
là một trong những bản kinh Phật nói chuyện nhà Phật lấy
lòng từ bi và dùng trí huệ soi sáng thế gian, làm thế nào
để thế nhân thoát khỏi bể trầm luân, thoát khỏi cõi u
minh để đi đến giải thoát.
Ngũ sắc, Ngũ Phật Tâm
Chú
Thành Xô Mừng Phật Đản
2562
Ðọc thêm
-Hà Xuân Liêm, Những ngôi chùa
Huế, nxb Thuận Hóa, 2000
-Thái Lộc, Những pháp bảo chùa Trúc Lâm
Huế, Tuổi Trẻ, 20.05.2008
-Trịnh Nguyên Phước,
. Đọc và Hiểu
kinh Kim Cương Bát Nhã Ba la Mật Đa,Thư
viện Hoa Sen 24.10.2010
. Đọc
và Hiểu kinh Kim Cương ... , Viện
Phật Học Trúc Lâm :
http://vienphathoctruclam.free.fr/VPHTL_Viet/kinhdien/trinhnguyenphuoc/tnp_KinhKimCuong_a.htm
-Thăng Long, Bảo vật chùa Trúc Lâm, Khám
phá Viêt Nam, 26.06.2014
-Nguyễn Toàn, Báu vật chùa Trúc Lâm, Doanh
nhân Sài Gòn cuối tuần, Giác Ngộ,
-Hồ Ðắc Duy, Chùa Trúc Lâm ở Huế, Chim
Việt Cành Nam
(http://chimviet.free.fr/quehuong/hodacduy/hdds_ChuaTrucLamHue_a.htm)
(*) xin xem Võ Quang Yên, Tẩm thảm thêu lịch
sử Bayeux (Chim Việt Cành Nam, sẽ đăng) tuy không so sánh
vởi nhau được : kích thước, màu sắc, vật liệu, nội dung,
phong cách.
Chim Việt Cành Nam 73 15.1.2019
|