Chim Việt Cành Nam           [  Trở về  ] 
Võ Quang Yến

CÂY NHÀ LÁ VƯỜN

Cây thuốc và vị thuốc

- Tập 3 -
29- Cỏ xương bồ 
trên bờ sông Hương
 Cỏ thơm có giống thạch xương bồ
Sanh ở hai nguồn Tả Hữu Trạch
Hơi thơm dầm nước, nước trong veo
Hợp thành sông thơm chảy róc rách....
Vân Bình Tôn Thất Lương
Một áng văn hay của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một bản nhạc gây nhiều cảm xúc của Trần Hữu Pháp, cả hai mang tựa đề : "Ai đã đặt tên cho dòng sông ?". Tôi không đi tìm tác giả tên sông mà chỉ muốn biết vì sao Hương Giang là tên con sông xứ Huế. Mỗi lần có người hỏi, tôi hết sức lúng túng và khỏi để nín thinh, phải kể chuyện thần thoại nàng cung nữ lỡ tay đánh rơi chai thuốc thơm xuống nước ; hay vì quá yêu con sông xinh đẹp của quê hương, con người ở hai bên bờ đã nấu nước trăm loài đổ xuống lòng sông để làm nước thơm tho mãi mãi (2). Người hỏi lẽ tất nhiên là biết tôi bí câu trả lời. Gần đây, sau một buổi nói chuyện về Huế, một anh bạn làm khoa học đòi hỏi một lời giải thích có sức thuyết phục hơn. Từ đấy tôi lục lọi sách báo thử tìm một chi tiết dẫn đường vào hương thơm của con sông dịu ngọt một thời tuổi trẻ của tôi.

"Cỏ thơm có giống thạch xương bồ ". A ra thế ! Câu thơ đầu bài Hương Giang hành của cụ Vân Bình là chìa khóa mở cửa bước vào thế giới hương thơm ấy. Chắc còn có nhiều cây cỏ khác trên bờ và trong lòng sông cũng cống hiến mùi thơm. Trong khi chờ đợi các nhà thảo mộc xác định các loài cây ấy, ta tạm khảo sát những hóa chất trong thân, lá, rễ cây xương bồ, còn được gọi bồ bồ, bồ hoàng (ACCT). Người Hàn QuÓc có tên changpo, Nhật Bản shyobu (nên sau nầy có tên chất shyobunon), còn Âu Mỹ thường gọi sweet flag. Thật ra có hai giống xương bồ : thạch xương bồ hay ngoại xương bồ (tiên xương bồ, can xương bồ, cửu tiết xương bồ (1)), mang tên khoa học Acorus gramineus Soland. và thủy xương bồ Acorus calamus Linn. thuộc họ Ráy Araceae. Còn có nhiều loại Acorus khác : A. latifolius, A. macrorrhiza, A. macrospadicus, A. xiangyeus, đặc biệt A. tatarinowii thành phần cấu tạo rất giống A. calamus không đề cập đến trong bài nầy. Bề ngoài, hai loại xương bồ gần giống nhau, thủy xương bồ tương đối to và cao hơn. Thạch xương bồ có thân rễ mọc ngang, lá mọc đứng, dài từ 30 đến 50 cm, rộng từ 2 đến 6 mm. Lá thủy xương bồ có thể dài đến 150 cm, rộng 30 cm. Chúng mọc hoang ở những miền núi, nơi chỗ mát, thường xen lẫn với hốc đá ở các khe suối, ghềnh thác.

Đông y biết dùng xương bồ từ lâu. Thường người ta thu hái vào mùa thu, cắt bỏ lá và rễ con, rửa sạch, phơi khô. Là một vị cay, tính ôn, vào hai kinh tâm và can, xương bồ có tác dụng tẩy uế, khai khiếu, tuyên khí, trục đờm, chữa thần kinh suy nhược, kém tiêu hóa, thông cửu khiếu, sáng tai mắt, ôn tràng vị, trị phong hàn tê thấp. Trên thực tế, xương bồ được dùng làm thuốc bổ, bổ dạ dày, giúp sự tiêu hóa, điều hoà nhịp tim cũng như chữa tai ù, hay quên, mệt mỏi, mụt nhọt lâu liền, hậu bối, ngoài chuyện dùng nó làm thuốc trừ sâu bọ, chống chấy rận (ĐTL). Đằng khác, căn hành sắc lấy nước có thể dùng để kích thích, bổ dưỡng, điều trị bệnh đau dạ dày, những tai biến của bệnh lậu giọt, nhai nuốt để trị bệnh đầy bụng, chứng khan tiếng, dùng nó thì tai lắng được tinh thêm, mắt trông được rõ thêm. Có nơi dùng làm thuốc thông tiểu tiện, điều kinh nguyệt, trị kiết lỵ, khích động tình dục (1).

Thạch xương bồ

Âu Mỹ và đặc biệt Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc đã có khảo cứu về thạch xương bồ. Cây nhà lá vườn, xin kể trước công trình của các nhà khảo cứu Việt Nam (3). Hai chất chính được tìm ra là asaron và shyobunon bên cạnh myrcen, camphor và methyl isoeugenol. Công thức asaron là trimethyl propenyl benzen : dấu nối đôi hiến hai chất đồng phân quang học alfa-asaron và bêta-asaron còn gọi isoasaron ;  đằng khác, dấu nấu đôi có thể thay chỗ, đem lại thêm một chất đồng phân hình học : trimethoxy allyl benzen. Trong tinh dầu thạch xương bồ còn có gramenon, bisasaricin, cũng gọi acoradin. Dùng phương pháp mao sắc phân kết hợp vói máy phổ ký, một công trình phân tích loại xương bồ mọc ở Guiyang bên Trung Quốc xác định được 39/43 hoá chất trong ấy ngoài bêta-asaron và shyobunon có tetramethyl chromanon và isopropenyl dimethyl bicyclo decaon. Cũng nên biết thêm là thân và rễ cỏ còn chứa nhiều kim loại, khoáng chất : Sr, Zn, Cu Ni, Fe, Mn, Ti, Cr, Pb, Ca và K.

Nếu thạch xương bồ có mùi hương thì chắc là do asaron mà ra. Ở Ấn Độ, để có mùi hương nầy, người ta chưng lá cây hoắc hương patchouli (tên khoa học Pogostemon cablin (Blanco) Benth.). Thật ra, asaron có nhiều hơn trong thuỷ xương bồ nên thường người ta chiết nó từ cỏ nầy. Cỏ được dùng làm chất thơm cho các rượu Vermouth, Dantzig hay mấy thứ rượu thơm của các dòng Bénédictins, Trappistes (1). Hàn QuÓc có thứ rượu Pyunsan Palsun làm với gạo lên men và nước sắc thạch xương bồ cùng một số cỏ khác (5). Nước sắc ấy có thể cho cô lại làm thức uống giảm nhiệt khi bị đau tim, gan, dạ dày (7), thuốc chống béo (8,15), chữa các chứng đau ngực, đau vai (6). Bên ta sách Đạo tạng kinh coi xương bồ là thuốc tiên : ngâm nước vo gạo, sấy hay phơi khô, uống vào thì tiêu cơm, trừ đàm, lâu ngày xương tủy đầy, đẹp người, đen tóc, răng rụng lại mọc ! (ĐTL). Những năm sau nầy, thạch xương bồ thường được kê trong các văn bằng sáng chế vì nó có rất nhiều tính chất dược liệu hay ho. Hoạt động phản oxi hóa đưa nó vào các liều thuốc bổ, thuốc chống già, những thuốc bôi bảo vệ da, bổ dưỡng tóc. Nó được trộn với nhiều cỏ khác làm thuốc viên chữa tim mạch (12), hư não (9), đau xương (14), đau mắt (4), khó tiêu (11), thiếu máu (13), mất ngủ (10). Nhờ bêta-asaron, nó có tính chất khử nấm tác nhân gây bệnh loại Magnaporthe grisea, Colletotrichum orbiculare hay Nilaparvata lugens, Plutella xylostella. Riêng bêta-asaron được dùng để bảo vệ hột bắp chống Prostephanus truncatus Horn rất hiệu nghiệm. Cả hai đồng phân asaron đều có tính chất sát trùng, nồng độ tối thiểu gây chết cho đợt hai ấu trùng Toxocara canis ở chó là 1 ,2 mM. Đồng thời, nó cũng là một chất phá hoại các tuyến sinh dục nên được đề nghị dùng làm tác nhân kiểm tra sâu bọ. Nhiều văn bằng sáng chế dùng tinh dầu với liều lượng nhỏ trong các công thức dược học phòng ngừa chứng mạch vành hay chữa bệnh trị cúm ở gia cầm.

Thủy xương bồ

Vì thủy xương bồ được dùng để chiết xuất asaron nên trước đây người ta khảo sát cỏ nầy nhiều hơn, từ đấy thành phần hóa học cùng ứng dụng cũng được biết rõ ràng hơn. Cứ 100 g cỏ khô thì chiết xuất được 3,84-6,16 ml tinh dầu, 0,62-0,93% tanin ở rễ ; 0,39-1,02 ml tinh dầu, 1,36-2,18% tanin ở lá ; vitamin C thì ở rễ chỉ có 2,40-3,99 %, ở lá có nhiều hơn 18,7-57,7 %. Đường trong thân và rễ cỏ nhiều nhất là fructose rồi đến glucose, có ít maltose. Amin acid gồm có nhiều thứ : nhiều nhất là oleic, linoleic, palmitic, palmitoic, sau đến arachidic, myristic acid tương đối ít. Ở rễ cỏ, ngoài protein, amin acid có nhiều nhất là tryptophan, người ta còn đo carbohydrat, độ ẩm, chất béo và tro cùng các khoáng chất, kim loại như Ca, Fe. Về các hóa chất hữu cơ, một công tác phát hiện được 243 thành phần dễ bốc hơi. Ngoài asaron là chất có nhiều nhất, đã được tìm ra shyobunon, isoshybunon, acolamon, isoacolamon, acoragermacron, calamendiol, isocalamendiol, preisocalamendiol. Những chất nầy có thể biến hóa từ một phân tử nguyên lai giả định theo một sơ đồ phát sinh sinh vật học với acoragermacron làm chất trung gian.

|->shyobunon + epishyobunon -> isoshyobunon
Farnesyl pyrophosphat -> acoragermacron -> acolamon + isoacolamon

|->preisocalemendiol -> camamendiol + isocalamendiol

Đồng dạng với asaron có một vài chất chỉ khác nhau ở dãy bên: asarylaldehyd hay trimethoxy benzaldehyd, acoramon hay trimethoxy phenyl aceton, trimethoxy phenyl propenal bên cạnh acoradin hay bisasaricin đã thấy ở thạch xương bồ, ethyl methyl trimethoxy indan có thể tổng hợp từ asaron. Nếu vận dụng ở áp lực cao thì chiết xuất được những chất đắng ít ổn định là acoron, isoacoron. Dùng ethanol thì được ba chất tatarin đều có thể dùng trong cuộc chữa trị bệnh Alzheimer (23). Ngoài ra, còn có một số chất đã thấy trong các cây cỏ khác : dimethoxy benzoquinon, galangin, sitosterol, isoeugenol methyl ether, epoxy isoacora germacron , calamenon hay calamen sesquiterpinol, cadalatrien. Sau cùng, một chất khá quan trọng được tìm ra trong lá, đặc biệt trong tanin và tinh dầu là một enzym mang tên chalcon synthetase mà nhiệm vụ là xúc tác việc chế tạo chalcon, hóa chất trung gian trong cuộc tổng hợp sinh học flavonoid và isoflavonoid. Tác dụng và công dụng của tinh dầu chiết xuất từ thủy xương bồ trước tiên là tác dụng và công dụng của asaron, đặc biệt của bêta-asaron đã thấy.

Thuốc xương bồ

Như thạch xương bồ, thủy xương bồ cũng có tính chất phản oxi hóa nên được dùng làm thuốc bổ (27). Tinh dầu của thủy xương bồ có khả năng ức chế sự tiết của dạ dày, đồng thời bảo vệ niêm mạc tá tràng chống mọi thương tổn do buộc thắc môn vị hay thuốc chữa viêm, cao huyết áp gây ra. Cho thử lên chuột, người ta thấy nó có tác dụng chống gây loét do những nguyên do vừa kể nên được đề nghị dùng chữa trị các bệnh ở dạ dày (21). Đông y đã có sử dụng tính chất ấy và cũng đã thấy thủy xương bồ có tác dụng dự phòng, điều hòa nhịp tim, sát khuẩn, kích thích đối với da (ĐTL). Một loạt văn bằng sáng chế dùng tinh dầu hay dùng ngay lá cho trộn với những cây khác hoặc hóa chất để làm nước tắm, có khả năng làm thấm nước da, hoặc để gội tóc, bảo dưỡng da đầu, kích thích tóc mọc, giảm hạ thành gầu, tăng gia hoạt động tiêu mỡ (19), điều hòa máu (25,28), phòng ngừa béo phì (24). Thủy xương bồ đuợc ủ cùng một số cây khác thành rượu mùi (18). Chất thơm của cỏ được dùng trong nhiều loại hỗn hợp bảo vệ sức khỏe có thể vận dụng trong nhà, lọc sạch khí quyển, trong thuốc đánh răng có khả năng kích thích quá trình trao đổi ở các tổ chức khớp răng (16). Cỏ còn được dùng trong thuốc chống cao huyết áp (22, 24), chữa bệnh Sida theo y học Ayurvedic (17). Rễ cỏ đem sắc rồi trộn với thuốc mê được dùng làm dự phòng viêm ổ răng sau giải phẩu (20). Phần chiết cỏ được trộn với nicotin và carragenan, calcium citrat và nước thành một thứ kẹo nhai có mùi thuốc hay cho rải lên lá thuốc làm thuốc hút bổ sức. Trong lãnh vực canh nông, dầu thủy xương bồ có tính chất diệt những trùng Sitophilus oryzae, Callosobruchus chinensis. Trộn với sầu đâu Azadirechta indica, cỏ ngừa ăn và ngăn chận sự trưởng thành của sâu đục trái Earias vitella. Có tính chất diệt vi khuẩn như Toxocara vitulorum ở trâu, bò, cỏ được dùng chữa giun sán (26), để làm thuốc chữa trị chứng đầy hơi và bệnh ỉa chảy ở thú vật. Trộn với ngải cứu, nó là một chất phân tốt đem lại chất bổ cho cây đồng thời hấp thu ion kim loại nặng.

Nói tóm lại, xương bồ không chỉ cống hiến hương thơm cho dòng sông Hương mà còn là những vị thuốc cho Đông y và Tây dược, những chất cần thiết cho canh nông. Nếu Đông y biết dùng cây cỏ từ lâu, sắc uống để trị bá chứng, Tây dược thường phải phân tích thân, lá, rễ cây, xác định các hoạt chất rồi từ đấy mới làm thành thuốc. Trong trường hợp xương bồ, phần lớn ứng dụng phát xuất từ tinh dầu chiết xuất bằng cồn (methanol, ethanol) hay hexan với hoạt chất chính là asaron. Tuy nhiên cũng nên cần biết asaron có khả năng gây ung thư nên trong thuốc men cần phải giảm hạ liều lượng chất ấy. Cần chăng nhắn những người dùng các thuốc gội tóc bảo vệ da đầu nên yên tâm vì tỷ lệ xương bồ rất nhỏ trong các thuốc ấy nên tính chất gây ung thư không đáng kể. Có lẽ trong Đông y thuốc sắc từ lá cũng vậy.

Bây giờ chỉ còn trông đợi công trình xác định các cây cỏ khác trên bờ và trong nước sông Hương của các nhà thảo mộc để tiếp tục tìm kiếm các chất thơm đã đặt tên cho dòng sông, không ngoài mục đích "gởi gắm vào đấy tất cả ước vọng muốn cái Đẹp và tiếng Thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử" (2).

Thông tin Khoa học và Công nghệ 1 (1990)


Tham khảo

1- Thái Văn Kiểm, Cố đô Huế, Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn (1960) 224-6, dẫn sách Pételot, Les plantes médicinales de l’Indochine

2- Hoàng Phủ Ngọc Tường, Huế, di tích và con người, nxb Thuận Hóa, Huế (1995) 49

Acorus gramineus

3- Phạm Xuân Sinh, Nguyễn Thị Tam, Chemical composition of Acorus gramineus var. variegatus Hort, Tạp chí Dược học (5-6) (1987) 22-3

4- T. Mihara, Compositions containing asarones extracted from plants for prevention and improvement of vision disorders, Jpn Kokai Tokkyo Koho JP 10324636 (1998) 10 tr.

5- S.H. Kim, I.S. Kim, H.J. Choi, Preparation method of pyunsan palsun liquor, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2000025268 (2000)

6- S.K. Shin, Chinese medicinal drink and Chinese pill composition for treatment of chest-ache, schoulder-ache and heart-disease, and manufacturing process thereof, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2000033287 (2001)

7- S.K. Shin, Drink composition for removing pimple and making method thereof, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2001017481 (2001)

8- Y.S. Cho, Y.H. Cho, M.G. Han, Tea composition for inhibition obesity including medicinal herbs, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2001088728 (2001)

9- J.H. Baek, H.C. Kim, S.Y. Kim, Y.O. Kim, Y.S. Kim, G.H. Lim, G.H. Suk, Acorus gramineus rhizoma extract having neuroprotective action and pharmaceutical formulation containing the same, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2002087721 (2002)

10- D.Wu, D. Niu, Medical composition of melatonin and "Yizhi" Chinese patent medicine, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1408378 (2003) 9 tr.

11- Y. Mao, Method for preparing compounded "Chenxiang" gastric dispersible tablet, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1456216 (2003) 5 tr.

12- J. Zou, Chinese patent medicine for treating cardiovascular diseases, its formulation and quality control, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1460509 (2003) 10 tr.

13- J. Zou, Chinese patent medicine for benifiting Qi, enriching the blood, keeping the heart in good shape, and relieving uneasiness of body and mind, its preparation and quality control, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1460510 (2004) 11 tr.

14- Z. Li, J. Zhao, "Fengshi Gubing Ke" medical composition for treating rheumatic bone diseases, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1466980 (2004) 5 tr

15- Y.S. Yoon, S.H. Kim, C.K. Han, W. Choi, H.J. Hyo, G.J. Im, Y.H. Kim, D.S. Kum, W.J. Kwak, Anti-obesity ingredients from medicinal plants and their composition, PCT Int. Appl. WO 2004058284 (2004)

Acorus calamus

16- N.A. Konstantinov, G.P. Kakhomov, I.M. Tuna, Tooth paste, USSR(1978)353

17- S. Khanna, A process of preparing anti-AIDS Ayurvedic pharmaceutical compositions, Indian IN 179810 (1977) 21 tr.

18- P. Schwarz, Bitter liqueur, Patentschrift (Switz) CH 644,630 (1984) 2 tr.

19- V.B. Nekrasova, V.E. Kovalev, N.B. Koroleva, A.P. Komissarova, Z.Ya. Zalem, O.M. Burylina, O.S. Rozhdestvenskaya, V.G. Mar’yandysheva, Hair care preparation, USSR SU 1,152,590 (1985)

20- A.K.A. Chowdhury, A.T. Ara, M.F. Hashim, M. Ahmed, A new phenyl propane derivative from Acorus calamus, Pharmazie (10) 48 (1993) 786-7

21- S. Rafatullah, M. Tariq, J.S. Mossa, M.A. Al-Yahya, M.S. Al-Said, M.S. Ageel, Antisecretory, antiulcer and cytoprotective properties of Acorus calamus in rats, Fitoterapia, (1) 65 (1994) 19-23

22- T. Zhan, Additives for cigarette, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1,092,958 (1995) 4 tr.

23- A. Lao, X. Tang, H. Wang, M. Wang, Extraction of tatarines A, B and C from Acorus calamus for therapeutic use, Faming Zhuanli Shenqing Gongkai Shuomingshu CN 1220260 (1999) 15 tr.

24- E.S. Kim, Processed meat products preventing obesity and having flavor, Repub. Korean Kongkae Taeho Kongbo KR 2002069592 (2002)

25- R. Govindarajan, A.K. Agnihotri, S. Khatoon, A.K.S. Ajay, S. Mehrotra, Pharmacognostical evaluation ofan antioxidant plant – Acorus calamus Linn., Nat. Prod. Sci. (4) 9 (2003) 264-9

26- L.J. McGaw, A.K. Jager, J. van Staden, Isolation of -asarone, an antibacterial and anthelmintic compound, from Acorus calamus from South Africa, South African J. Botany (1) 68 (2002) 31-5

27- C. Sun, A healthful Chinese traditional medicinal preparation optimizing the brain, PCT Int. Appl. WO 2003059367 (2003) 23 tr.

28- Gerent Biotech. Co, Taiwan, Herb composition for avoidance and/or treatment of conditions in connection with depression, Ger. Gebrauchmusterschrift DE 202004018534 (2005) 22 tr.

 

[ trang trước ]  /    [ trang sau ]