Chim Việt Cành Nam           [  Trở về  ] 
Võ Quang Yến

CÂY NHÀ LÁ VƯỜN

Cây thuốc và vị thuốc

- Tập 2 -
22- Thạch lựu bạch lựu
Công anh gánh đất đắp cội cây đào,
Công anh rào dậu để cho ai vào hái hoa.
Cây lê, cây lựu cây đào,
Ba bốn cây đứng đó, cây nào còn không ?
Ca dao
Trong thế giới đa sắc, muôn màu của các loài hoa, nếu hoa đào biểu tượng mùa xuân, hoa lựu tượng trưng cho mùa hè. Nếu hai hoa đào và mận quấn quít như tình yêu đôi lứa,
Muốn cho mận ở với đào
Tình ở với tính lúc nào chẳng vui.
hai hoa đào và lựu không khi nào gặp nhau : khi xuân tàn, hoa đào rụng, hè vừa đến thì hoa lựu mới nở ra, hai hoa nầy mang trong đôi lứa mối tình trắc trở, mãi mãi xa nhau,
Sen xa hồ sen khô hồ cạn
Lựu xa đào lựu ngả đào nghiêng.
Lựu là một cây được nói đến từ thời thượng cổ. Tục truyền bên xứ Ba Tư có anh chàng Farhad mê muội nàng Shirin trong cung cấm vua Khosrô. Vào lúc hạn hán, dân tình khổ sở vì thiếu nước, vua ban chiếu thưởng bất cứ ai tìm ra nguồn nước, riêng Farhad sẽ được ân huệ tặng nàng Shirin. Sau nhiều ngày tháng tìm kiếm, Farhad may mắn tìm ra được một ngọn suối ngầm. Trong khi mọi người sung sướng với nguồn nước, Farhad xin vào yết kiến vua để lãnh giải thì được báo cho biết Shirin đã từ giả cõi trần. Farhad buồn phiền ném rìu xuống đất và gục xuống chết luôn. Nơi rìu chạm vào đất mọc lên một cây lựu thân lá sum sê, hoa tươi đỏ thắm, trái cũng rực rỡ lại là một chất thuốc chữa trị muôn bệnh. Lẽ tất nhiên Shirin luôn vẫn còn sống.... Màu đỏ của lựu trở nên biểu tượng của sức khoẻ, thịnh vượng, bất tử. Ở vùng Lưỡng Hà, Babylone gọi lựu là nuarmu trong ngôn ngữ akkadien, armunta phía đông, romuno phía tây trong ngôn ngữ assyrien mới, tên được ghi trong những văn bảng chữ hình góc. Người ta thường bảo nếu nước Chaldée hãnh diện với những cây thông tuyết (cèdre), vùng Lưỡng Hà nổi tiếng với những cây lựu. Qua thời đại Trung Đế chế (- 2003 đến -1786), không biết nhờ ai, lựu vượt Địa Trung Hải nhập vào Ai Cập. Nhiều dấu vết lựu được tìm ra trong ngôi mộ những nguời hầu cận của vua Thutmose I, của nữ hoàng Hatshepsout, rồi ở Karnak, màu lựu đỏ chói còn tồn tại giữa những hình vẽ thảo mộc đã phai màu. Nhưng mẫu được xem đẹp nhất là một bình hình lựu tìm ra trong ngôi tháp chôn vua Toutankhamon (-1354 đến - 1346).

Qua Hy Lạp, trên Thiên đình, khi thừa lệnh thần Zeus, Diêm vương Hades bắt cóc con gái đẹp của chính Zeus là Persephone, bà mẹ Demeter buồn rầu tức giận ngừng mọi việc sinh sản ở thế gian. Thấy dân tình khổ sở, Zeus cho phép Demeter xuống âm phủ đem Persephone về với điều kiện là trong thời gian ở dưới ấy cô gái không được ăn bất cứ gì. Hades là một người xảo quyệt, đem biếu Persephone một trái lựu ngọt ngào, nàng không tránh được cám dỗ, hậu quả là mỗi năm nàng phải ở dưới âm phủ sáu tháng, chỉ về được với mẹ những tháng gieo mạ và gặt hái. Những thủy thủ Phenicien cũng là những nhà nông, mỗi chuyến đi không quên đem theo hạt giống. Công chúa Elissa tức Didon, quả phụ của Sichée bị Pygmalion giết chết, chạy trốn trên thuyền, không quên đem theo giống hột lựu. Khi họ chiếm Carthage ở Bắc Phi, Didon trở thành nữ hoàng, cho trồng cây lựu trong vườn. Enée, con của Aphrodite và Anchise, trên đường đi đánh giặc ở Troie về, ghé ngang Carthage, thấy trái lựu đẹp hái tặng Didon, từ đấy đôi trai trẻ yêu nhau đắm đưối. Nhưng theo lệnh của Zeus, Enée phải rời Carthage đi Latium. Didon không chịu nỗi cuộc chia ly, dùng thanh kiếm Enée tặng đâm mình tự tử. Dân chúng gào khóc, tiếng than lên đến Thiên đình. Sau nầy người Romain đến Carthage đặt tên cây lựu là pomma punica,có người cho là có hình phạt đã đỗ lên đầu dân chúng. Theo nhà thảo mộc Pline ở đầu Công nguyên trong lưu vực Địa Trung Hải có đến bảy giống lựu. Ngày nay trên thế giới cũng có đến 2000 loại.

Người Hê brơ gọi lựu là rimmon, một trái quý, được dùng để trang hoàng mũ miện rimmonim đặt trên cuộn kinh Do Thái và quyết định lựu có 613 hột như số giới luật Thượng đế đã ban cho cùng với đất lành. Trong bài thánh ca, lựu được ca tụng là xinh đẹp, đa tình. Người Hồi giáo cho chà là và lựu là những cây của Thiên đàng, hột lựu đỏ chói tượng trưng những giọt nước mắt của Mahomet và của cô con gái Fatima khi được tin con là Hussein từ trần ở Kerbala. Trong kinh thánh, lựu có đức tính xa đưổi đố kỵ, hằn thù. Sách truyền thống hadith về cử chỉ và lời giảng của đấng Tiên tri dạy nên ăn lựu vì không có một hột nào vào dạ dày mà không soi sáng tâm can và bịt miệng quỷ sứ Xa tăng. Theo những tín đồ khổ hạnh soufi, lựu là hình ảnh tính đa dạng của Tạo hóa, là "Ngôi vuờn của Bản thể". Cụ thể hơn, lựu đã được dùng làm mực viết, nhiều bản chép tay hiên còn giữ ở viện bảo tàng British Museum bên Anh. Lưu cũng được làm thuốc nhuộm. Còn bên Tây Ban Nha thì lựu là tên của một thành phố ở miền nam. Khi người Ả Rập lại đấy thì đổi tên của người Do Thái thường dùng là Abaicin thành Granat-al Yahoud. Tuy người Ả Rập gọi lựu là romann, tiếng La Tinh chỉ định tên cây là malum granatum hay granatum punica (punica chỉ định Carthage, granatum có nghĩa đầy hột), còn là một bí ẩn chuyện đặt tên thành phố Grenada sau khi lần lượt được gọi Iliberis (tên bán đảo Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha) và Florentia (tên La Tinh). Mang tên pume grenate từ thời Trung Cổ, lựu được nói đến ở Pháp từ năm 1314 qua tên grenade. Như nho, lựu nhập cảng vào Trung Quốc vài thế kỷ trước Công nguyên, thường được biếu tặng cho vợ chồng mới cưới vì là xem như là biểu tượng cho thịnh vượng và đem lại khả năng sinh sản. Trong đông y, vỏ lựu được dùng để chữa kiết lỵ kinh niên, xuất huyết, khí hư. Nhưng dưới đời Tống (960-1279), lựu lại được biết đến dưới một danh từ ít dễ thương hơn : lựu đạn !

Lựu không phải là một cây đòi hỏi nhiều : nó chỉ muốn nắng mùa hè để trái mạnh chín và chút lạnh mùa đông để hoa dễ nảy nở. Nó chịu đựng dễ dàng vừa khô hạn tuy phải tưới nhiều nếu muốn có trái nhiều, lớn, ngay cả khi nhiệt độ thấp xuống -15 độ. Tuy vậy, ở nhiều nước như Ấn Độ, thiếu nước, thường được sử dụng phương pháp "định chỗ" hay "nhỏ giọt" tưới vào ngay rễ câ, vừa tiết kiệm nước, vừa tăng gia năng suất. Vỏ trái dày giúp trái chống lại sâu bọ và bệnh tật, đồng thời giúp trái giữ được lâu nước bên trong mặc dầu nắng nóng ngoài trời, từ đấy bảo quản được nhiều ngày, có khi đến sáu tháng nếu đặt ở chỗ khô và mát mẻ. Đằng khác, trong thời gian bảo quản, trái tiếp tục chín mà tính chất dinh dưỡng và dược liệu không bị phá hư. Còn gọi thạch lựu, bạch lựu, tháp lựu, lựu mang tên khoa học Punica granatum L., thuộc họ Lựu Punicaceae. Cao chừng 3-4m, cây lựu có lá dài, nhỏ, mềm, đơn, hoa nở mùa hạ màu đỏ tươi, có khi màu trắng, trái to bằng nắm tay, vỏ dày, ngoài da sắc xanh, khi chín màu vàng, đỏ, trong có tám ngăn xếp thành hai tầng, tầng trên năm ngăn, tầng dưới ba ngăn, giữa có màng mỏng phân cách, nhiều hột sắc hồng trắng. Mỗi hột bao quanh một lớp cơm là phần ăn được, chiếm khoảng 55% trái. Vị ngọt, hơi nhôn nhốt chua của trái lựu phát xuất từ một sự cân đối hài hòa giữa những glucid và những acid hữu cơ. 100g phần cơm chứa 0,4g lipid, 14g glucid gồm có một nửa fructose, một nửa glucose (có rất ít saccharose), cống hiến 1g protein, 62kcal, ngang hàng với trái xoài. Vị nhôn nhốt chua là do citric acid chiếm phần lớn trong trái, malic acid cũng cho cùng vị nhưng số lượng ít hơn. Những acid hữu cơ khác là : punicic, oleic, palmitic, stearic acid. Lựu thường được trồng khắp nơi để lấy trái và làm cảnh. Vỏ rễ, vỏ cành, vỏ thân chứa đựng một số hóa chất alcaloid, trong 1kg vỏ : peletierin 0,7-1g, pseudopeletierin 1,5-2g, isopeletierin 1,3-15g, methylpeletierin 0,04g, bên cạnh các galantanic, punicotanic acid và 22% tanin (28% trong vỏ trái), tỷ lệ thay đổi tùy theo phân bón, cách chăm sóc và bảo quản. Trong số các sinh tố, trái lựu chứa đựng nhiếu nhất vitamin C (20mg mỗi 100g), nhiều nhất trong các trái tươi, và một loạt vitamin B : B3 (0,3mg), B5 hay pantothenic acid (0,6mg), B6 hay piridoxin (0,2mg), rất ít vitamin E, vitamin F hay linolenic acid, provitalin A (0,04mg). Trong trái lựu cũng có các khoáng chất (700mg mỗi 100g), nhiều nhất là K (250mg), P, Ca, Mg và kim loại : sắt (1mg), kẽm (0,4mg), mangan (0,13mg), đồng (0,12mg).

Song song với sách thánh các đạo nêu cao tính chất của lựu, trong dân gian từ lâu lựu là một chất thuốc được dùng để bài trừ giun, sán, chữa những chứng ỉa chảy, kiết lỵ, nói chung những cơn đau bụng, dựa lên tác dụng làm se của tanin lên màng ruột bị dịch vị phá hư. Hột trái thường được dùng làm thuốc chống viêm nhờ chứa đựng một acid mỡ omega-5 hiếm có là punicic acid. Những phytostyrol trong hột có tính chất làm êm dịu, yên lòng nên được cho vào các thuốc bảo vệ chống da nhăn, tóc khỏi hư. Những flavonoid và những vitamin C, E chống oxy hóa là những chất có tác dụng chóng già, phòng ngừa chứng nhồi máu. Những tính chất kiềm hóa và khử lọc có thể đưa lựu vào các môn thuốc chữa thống phong liên quan đến những vấn dề uric acid. Ngày nay, những cuộc khảo cứu thăm dò và dịch tể học cho thấy ăn nhiều trái cây nói chung, lựu nói riêng, thì thấy giảm bớt các bệnh tim mạch, ung thư cùng những bệnh kinh niên. Vài cơ chế đã được đề nghị để giải thích tính chất ấy và những chất phản oxy đã đóng một vai trò quan trọng. Phản oxy hóa là tính chất những chất bảo vệ các tế bào chống lại những gốc tự do khởi đầu sự phát triển các bệnh tim mạch, ung thư cũng như lão hóa. Trong một cuộc khảo cứu trên 40 loại trái cây, lựu đứng hàng đầu về số lượng các chất oxy hóa. Nỗi trội trong số nầy là những flavonoid, đặc biệt những anthocyanin, những tanin và ellagic acid. Những anthocyanin (cyan có nghĩa xanh đậm) nhuộm màu từ đỏ qua đen cho trái lựu còn tanin thì cống hiến vị chát cho nước lựu ép và màng trắng bao bọc các hột. Chính các màng nầy, cũng như tanin, mang nhiều chất phản oxy nhất nên khi ép trái lựu thì cũng ép luôn các màng nầy, kết quả là nước ép lựu chứa nhiều chất phản oxy hóa hơn trái lựu, hơn cả trà và rượu đỏ từng có tiếng có nhiếu các chất ấy. Những flavonoid có khả năng bảo vệ máu chống oxy hóa, giảm hạ tỷ lệ các cholesterol, đặc biệt LDL là những cholesterol xấu. Kết quả rất rõ ràng trên các bệnh nhân bệnh đái đường sau 8 tuần uống mỗi ngày 40ml nước lựu ép, hay trên các bệnh nhân huyết áp cao sau 2 tuần 50ml mỗi ngày. Đằng khác, những bệnh nhân uống trong một năm mỗi ngày 50ml nước lựu ép thấy giảm hạ những thương tổn xơ cứng động mạch, cũng như những bệnh nhân mắc chứng động mạch vành uống trong ba tháng mỗi ngày 240ml thì thấy máu chảy rất lưu thông.

Để trị tiêu chảy hoặc tiêu ra máu, di tinh, bạch đới, lỵ trực khuẩn :cho 15g vỏ quả lựu vào nước, sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh. Để chữa giun, sán : cho 250g vỏ lựu vào 1250g nước (125cl) rồi đun sôi 10 phút trong một cái son bằng inox (tránh son bằng sắt, đồng, thiết, nhom hay bạc), cho hãm 15 phút rồi lọc qua một cái rây. Uống mỗi ngày 4 tách 6cl cách nhau 2 tiếng đồng hồ. Giữa hai lần nước sắc vỏ lựu, phải uống thuốc nhuận tràng : những alcaloid tách rời giun, sán khỏi màng ruột và được nước đào thải ra ngoài. Có thể uống luôn một lần 20g nước sắc. Cũng có thể ăn trái luôn 1 hay 2 ngày, nhưng đừng ăn hột khó tiêu, dù sao phải nhai thật kỹ. Một phương pháp hơi khác là cho hột 8-10 trái lựu vào máy ly tâm, lấy nước chứa cơm hột cho vào 1l rượu trắng (hay 900ml nước nhưng phải cho thêm vào 100ml nước chanh ép) rồi đem sắc. Uống nhiều lần trong mỗi ngày. Đừng quên uống thuốc nhuận tràng ngay sau đấy. Về mặt ung thư, chưa có nhiều khảo cứu về lựu. Tuy nhiên trong các cuộc thử nghiệm in vitro, nước lựu ép có khả năng ngăn chận sự tiến triển của những loại ung thư vú, ruột kết, tiền liệt tuyến. Tuy cần phải đón nhận với tất cả thận trọng cần thiết vì không có đối chứng, một cuộc thử nghiệm trên những bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến uống trong nhiều tháng mỗi ngày 250ml nước lựu ép thấy thuyên giảm cuộc sinh trưởng những tế bào ung thư, đồng thời tăng gia cuộc oxy hóa các lipid. Đằng khác đáng để ý là nước lựu ép có kết quả khả quan hơn các thuốc chống oxy hóa, như vậy là vì có thể có những tác dụng đồng vận với một hay nhiều chất khác trong nước lựu ép. Một cuộc thử nghiệm trên chuột mở đường cho những tác dụng bảo vệ thần kinh, chẳng hạn nước lựu ép bảo vệ não bào thai chống những thương tổn do thiếu dưỡng khí, có tác dụng tốt lên những dấu hiệu thần kinh liên quan đến bệnh sa sút trí tuệ Alzheimer.

Trái lưụ nhờ ngọt lại có nhiều nước nên rất được ưa chuộng. người ta bảo trái phải nặng mới có nhiều nước. Trái nhỏ, khô thì chẳng ăn được. Vỏ trái cần phải nhẵn và láng, trái ăn mới ngon. Khi gõ vào trái chín phải nghe như âm thanh kim loại. Ngoài trái ăn, lựu được ép ra nước uống, làm thành xi rô : nhãn hiệu grenadine màu đỏ rất được thông dụng và trở nên thông thường. Có một dạo, để tránh bị cho chứa chất thuốc nhuộm, người ta chế biến xi rô grenadine trắng không có lựu thì không bán chạy, lập tức xi rô trở lại đỏ (có lẽ cũng chẳng có lựu !). Cũng như xi rô bạc hà thì phải là màu lục (có lẽ cũng chẳng có bạc hà !). Ở vùng Địa Trung Hải, lựu được đưa vào các món ăn. Ở nước Liban nước mật lựu gọi là raber'remane, gồm có nhiều acid cống hiến một vị dịu và nhôn nhốt chua. Nước mật nầy dùng để nêm nhiều món như baba-ghannouj là cà tím nghiền nướng với tỏi, lachmacun là một loai pizza có thịt. Ở vùng Punjab bên Ấn Độ, nơi trồng lúa bismati, hột lựu được dùng để đem lại vị chua trong những món ăn chay. Có lẽ ở nước Iran, trái lựu có vai trò quan trọng nhất trong ngành ẩm thực. Nước ép lựu được cô lại để nêm nhiều món, đặc biệt nhất là fessenjan, một món thịt vịt xào với hột hồ đào bằm nhỏ. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, muhammara là một nước xôt gồm có ớt bột nướng, ớt bột cay, hành, tỏi, hồ đào xay, vỏ bánh mì tán vụn, nước chanh, yoghurt, cumin, muối và nước mật lựu hay nước ép lựu cô đặc trộn với nhau trong dầu ô liu, dùng để ăn với rau sống, bánh quy giòn hay bánh mì. Một loại nước xôt khác là cho trộn bạc hà, tiêu, muối, mùi tây persil với nước chanh, dầu ô liu và nưóc ép lựu ăn với cà tím nướng. Trong món kisir miền Ấn Độ, trộn ớt, cà chua, hành, bạc hà, mùi tây persil, boulghour (một loại mì) và nước ép lựu, dọn trên những lá nho đã trụng nước sôi. Còn có cách nấu cháo đậu lăng (lentille) : tao hành trong chão, cho vào gạo, đậu lăng, tiêu, muối, nghệ, nấu 15 phút, cho thêm mùi tây persil, hành xanh và nước ép lựu (một chén cho 10 chén cháo), nấu thêm 10-15 phút, cho thêm bạc hà, nho khô. Chúc ăn ngon !

Những năm gần đây, trái lựu trở nên một nguyên liệu đắc, quý. Ở Pháp người ta nói đến một sự kiện xem như một "cuồng loạn" : từ nước ép đến da trái lựu, ngay cả hột lựu đua nhau làm rộn các phòng thí nghiệm mỹ phẩm. Hãng Weleda đã cho bán từ năm ngoái dầu tái sinh cơ thể nhãn cuối cùng của một loạt đầy đủ những thương phẩm lấy hột lựu làm gốc. Sau đó lần lượt hãng Onagrine cho ra một kem bóp da, hãng Nivea một nước sửa thoa mình, hãng Biotherm một chất thuốc bảo vệ cơ thể,…luôn từ phần chiết hột lựu. Những hãng khác như Colibri cho nhập cảng từ Thổ Nhĩ Kỳ nước Elite Naturel (400.000 chai mỗi năm), hãng Petrossian từ Caucase nước Yablok (20.000 chai mỗi tháng !). Trước những thành công rõ rệt trong lãnh vực mỹ phẩm, ngành ẩm thực không thể đứng yên nhìn. Để bắt đầu, nhà làm kem Philippe Faur cho chế ra một sorbet lựu màu hồng, cam đoan "92% trái cây" có măt trong thực đơn các tiệm ăn lớn. Sự kiện nổi bật nhất là sự hiện diện trong các siêu thị nhãn hiệu một nước lựu Pom Wonderful nhập cảng từ Cali, nghe nói đã chiếm 90% thị trường Hoa Kỳ. Đặc biệt chai nước có hình chữ 8, vòng trên là một trái tim như để tỏ bày nước lựu là một nước uống gợi tình…Bên Cận Động, nước lựu chua được xem như là một vị thuốc thụ tinh nếu không là một chất kích dục, nhưng vượt biển qua Mỹ, nó trở thành một "món ăn bài thuốc" cường dương, chống tiểu đường cùng các bệnh tim mạch, ngay cả ung thư, đặc biệt ung thư tiền liệt tuyến. Chính Giáo sư niệu học François Desgrandchamps ở Bệnh viện Saint-Louis tại Paris cũng khuyên bệnh nhân uống mỗi ngày một ly nước lựu ngày nào chưa cần đến thuốc. Cơ sở khoa học của sự chỉ dẫn nầy là kết quả một cuộc khảo cứu bên Hoa Kỳ cho thấy chỉ số PSA (Prostate Specific Antigen) xác định mức bệnh ung thư ở tiền liệt tuyến, không thay đổi sau một thời gian uống nước nước lựu. Măc dầu lời cảnh cáo : "một ly nước lựu mỗi ngày là cơ thể tăng thêm một kilô mỗi tháng", tin tưởng ở những tính chất chữa bệnh của lựu, bà Lynda Resnick, Giám đốc hãng Pom Wonderful, vừa mới đóng 50 triệu Mỹ kim vào cuộc khảo lợi ích của lựu lên sức khỏe. Còn ở Pháp, nhà nông Jean-Claude Peretto đầu tư vào 10ha trồng cây lựu ở vùng Gard .....

Hoa đỏ, trái đỏ, tuy đã biết đến từ thuở xa xăm, gần đây mấy ai đoán thấy phát triển của nó trên thị trường.

Cây gì lá nhỏ cành mềm,
Hoa như đốm lữa thắp bên vườn nhà.
Hè về, cây đỏ rực hoa,
Sang thu, quả chín như là sơn son.
Nghiên cứu và Phát triển 6-7(104-105) 2014

Tham khảo

- Christèle Guinet, La Grenbade, le fuit médicament, Nexus 51 07-08.2007

- J.A .Dipage, Fleur et fruit du grenadier, Sainte-Liberté, 29.06.2009

- M. Fischer-Zom, M. Ara, Jus de grenade - Composition chimique et frelatages possibles, Science et recherche I- 09.2009 ; MedicatriX.co.uf

- Eve Roger, L'explosion de la grenade, le Nouvel Observateur, 1-07.07.2010

- Paulette Vanier, Le grenade au fil des temps, Fiche Grenade 05.10.2010

- Marie-Noelle Delaby, Les ‘'superfruits" sont-ils si riches en antioxydants ? Sciences et Avenirs 11.2011 

 

[ trang trước ]  /    [ trang sau ]