Trách ai mang
cánh "ti gôn" ấy
Mà viết tìm em được
ích gì ?
T.T. Kh (Bài thơ cuối cùng)
Vào khoảng
giữa năm 1937, tạp chí "Tiểu thuyết thứ bảy" ở Hà Nội
có đăng một truyện ngắn "Hoa Ti-gôn"
của ký giả Thanh Châu. Đây là một chuyện tình bi đát
của chàng họa sĩ Lê Chất. Vừa mới ra trường, trên đuờng
đi tìm phong cảnh làng quê để
vẽ, anh thấy một cô gái đẹp đang víu một cành hoa
ti gôn màu đỏ trước một biệt thự ven Hà Nội. Mấy ngày
liền, anh mê mẩn trở lại nhìn cô ta nhưng đến một hôm
thì hết còn thấy. Chín năm sau, công thành danh toại, anh vẫn
không quên cô gái đẹp thời xưa. Một hôm, trong một buổi
dạ vũ ở toà lãnh sự Pháp ở Vân Nam bên Trung Quốc, anh
gặp lại cô gái, nay đã có chồng, một viên chức cao cấp,
mà cô ta không hề yêu thương. Sau kỳ tái ngộ đó, họ tâm
sự và quyết định trốn qua Nhật cùng sống với nhau. Nhưng
cuối cùng, cô gái từ chối ra đi và gởi cho Lê Chất một
lá thư kèm một chùm hoa ti gôn. Bốn năm
sau, anh nhận được một lá thư của chồng cô gái báo
tin nàng đã mất. Từ đó cho đến
suốt cuộc đời, cứ đến mùa hoa ti gôn nở, buồn đau, anh
không quên mua một chùm hoa trang hoàng phòng làm việc
để nhớ đến người yêu xa
xưa.
Mấy ngày sau truyện ngắn
trữ tình nầy được đăng báo, một
thiếu phụ khoảng 20 tuổi, dáng dấp thùy mị, mang lại
toà báo một bài thơ tựa đề "Hai sắc hoa ti gôn" ký tên
T.T.Kh., đề ngày 30.10.1937. Bài thơ nghe nói bị tòa soạn vứt
vào sọt rác, may có người lấy ra lại
được, lột tả những đau xót của
một ngưòi con gái phải xa người yêu đi lấy chồng
và suốt đời ray rức như mình là người phụ bạc, càng
não nùng qua giọng ngâm của người tốt giọng như Hoàng Oanh.
Một mùa thu trước, mỗi
hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng
thấy buốn
Nhuộm ánh nắng tà qua
mái tóc
Tôi chờ ngưòi đến với
yêu đương.
Sau bài thơ lời lẽ mộc mạc
nầy đã gây xôn xao trong giới yêu văn thơ, tòa soạn nhận
được qua bưu điện một bài thơ
khác tựa đề "Bài thơ thứ nhất" cùng tác giả, lời
lẽ tương tự, mô tả kỹ lưỡng hơn mối tình dang dở. Giới
văn nghệ lại càng bàn tán xôn xao. Trong
bầu không khí xao động, tờ "Phụ nữ thời đàm" ở
Hà Nội nhận được, cũng qua bưu
điện, bài thơ "Đan áo cho chồng" cùng tác giả, cùng
giọng điệu, than vãn, oán trách thân phận mình. Bài báo nầy
vừa ra mắt thi tờ "Tiểu thuyết thứ bảy" lại nhận thêm
một bài thơ nữa kỳ nầy có tựa
đề "Bài thơ cuối cùng" (1938) cùng tác giả, ý tứ
có phần khác ba bài thơ trước và, như tác giả đã báo truớc,
không còn một bài thơ nào khác ký tên T.T .Kh để
độc giả hoang mang không biết nàng là ai.
Năm
lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng
làm quên
Và người vỡ lỡ duyên
thầm kín
Lại chính là anh, anh của
em.
Trong suốt bốn bài thơ luôn
có nói đến hoa dáng tim vỡ, nhưng, ngoài tên bài "Hai sắc
hoa ti gôn", chỉ trong "Bài thơ cuối cùng" là có chỉ định
hoa ti gôn : Trách ai mang cánh "ti gôn" ấy. Tuy nhiên nội
dung ngây thơ của người con gái lúc đầu gặp gỡ người
yêu dưới giàn hoa rồi luôn buồn tưởng tới nhà nghệ sĩ
trong cuộc sống lạnh lẽo bên người chồng,.... những dữ
kiện hoà hợp rất khắng khít với cốt truyện "Hoa Ti-gôn".
Rất dễ hiểu ký giả Thanh Châu khẳng định tác giả các
bài thơ là người yêu của ông. Nhưng ông không phải
là người độc nhất. Nhà thơ Nguyễn Bính, vì cũng đã sống
một cuộc tình duyên dang dở tương tự, cũng cho T.T Kh là
người tình vườn xanh xưa cũ của mình : Và tiễn người
đi bến cát xa, Ở lại vườn Thanh có một mình. Bên phần
thi sĩ Thanh Tâm (Nguyễn Tuấn Trình) thì dẫn cớ T.T. là những
chữ cái của bút hiệu mình, còn Kh là hai chữ đầu tên cô
Trần Thị Khánh, một nữ sinh ở phố Sinh Từ, Hà Nội, được
biết là không cho cưới người yêu mà phải lấy một ông
chồng nhiều tuổi hơn : Khánh ơi, còn hỏi gì anh, Ái tình
đã vỡ, ái tình lại nguyên (1940). Trong những bài thơ
viết tặng T.T.Kh. có bài "Mẩu máu Tigôn". Theo nhà thơ lão
thành Lương Trúc (1985) có gặp bà Trần Thị Khánh thì chuyện
nầy có thật. Tuy nhiên, sau nầy (1994), qua nhà văn
Thế Nhật, có giả thuyết chữ T đầu là họ nữ sĩ Trần
Thị Văn Chung, kết hôn với luật sư Lê Ngọc Chấn,
hiện còn sống ở miền nam nước Pháp; chữ T thứ hai là
Thanh, tên ký giả Thanh Châu, tác giả truyện ngắn ; còn Kh
là.....khóc, khóc cho mối tình dở dang !
Rút
cuộc, với vẻn vẹn độc nhất bốn bài thơ não lòng,
T.T.Kh. đã gây xốn xao dư luận cả một thời và đến nay
chưa ai biết chắc chắn tung tích tác giả. Theo thi sĩ Nguyễn
Vỹ, cô Khánh không biết làm thơ, những bài ký tên T.T.Kh.
là do Thanh Tâm làm, còn Nhà văn Vũ Hạnh thì cho tác giả những
bài thơ nấy là thi sĩ Jean Leiba ! Nhưng cần chăng biết nàng
là ai, và như tác giả một bài sưu tầm tỉ mỉ (1) đã
kết luận, chúng ta cần gì phải thắc mắc, nàng là ai cũng
thế mà thôi, dù nàng là cô Trần Thị Khánh ở Hà Nội hay
là cô Trần Thị Chung ở Thanh Hóa. Điều quan trọng mà chúng
ta biết rất rõ, những bài thơ của T.T.Kh. là những bài thơ
rất hay, sẽ mãi mãi bất tử trong thi đàn Việt Nam. Tuy vậy,
cũng nên tìm biết ti gôn là hoa gì, không lý chỉ có trong
trí tưởng tưởng của nhà văn lãng mạn, nhà thi sĩ
đa tình ! Thưa không : gần đây tôi
may mắn được đọc thơ cûa một cô "em gái "
Vườn có những
hàng cây yên ả
Mùa Ti-gôn chưa trổ hoa
Nắng nhìn nghiêng lá trổ
màu lục
Đôi
khi đợi chờ là hạnh phúc
Hồ
Đắc Thiếu Anh(Có một mùa Ti-gôn)
Thật ra, ti gôn là một loại
hoa nguồn gốc ngoại lai mà trong Nam nuớc ta thường nôm na
gọi là hoa nho hay nho kiểng, còn ở ngoài Trung và Bắc thông
thái phiên âm rút gọn danh từ Tây phương antigon hay antigone.
Trong thần thoại Hy Lạp có
một bà tên Antigone, con vua Oedipe thành quốc Thèbes (nay là
Thiba) bên nước Hy Lạp và hoàng hậu Jocaste. Vì là con của
một cặp loạn luân, bà đã phải chịu sống một cuộc đời
đau khổ, không chồng, không con và sau cùng bị kết
án giam lỏng trong mồ gia đình. Ngay lúc mới sinh, Oedipe bị
cha là Laios đem bỏ vào rừng cho chết đi vì ông tin một lời
nguyền rủa bảo con ông sẽ giết cha và lấy mẹ làm vợ.
Oedipe không chết, được nuôi lớn lên ở vương triều
Corinthe như một đứa con mồ côi. Một ngày trên đuờng
đi, vì một chuyện xích mích, Oedipe giết Laios mà không
biết ông ta là cha mình. Trả lời là "con người" đúng câu
hỏi của quái vật Sphinx, thân phụ nữ mình sư tử, ai ban
sáng đi bốn chân, trưa đi hai chân,
chiều đi ba chân, sau khi quái vật đập đầu vào đá chết
đi, Oedipe được dân chúng đón tiếp như một người hùng
và tôn xưng lên ngôi vua. Sau đấy ông cưới hoàng hậu Jocaste
làm vợ mà không dè bà là mẹ mình, vô tình thực hiện lời
nguyền rủa. Vào lúc ấy có bệnh dịch hoành hành và thánh
nhân đòi tìm cho ra người đã ám sát Laios may ra cứu được
toàn dân Thèbes. Khám phá ra mình đã giết cha, Oedipe vô cùng
đau đớn, nhổ mắt thành mù,
được Antigone dẫn ra khỏi Thèbes làm người ăn xin trước
khi chết ở Colone. Còn Jocaste thì treo cổ tự tử. Ngoài hai
con gái, Antigone và Ismène, Oedipe và Jocaste có hai con trai, Polynice
và Etéocle. Hai anh em thỏa thuận luân phiên nhau thế cha lên
ngôi trị vì mỗi người một năm.
Etéocle bắt đầu lên ngôi nhưng một năm sau không chịu nhường
ngôi lại cho Polynice. Trong cuộc chiến huynh đệ tranh ngôi
cả hai đều tử trận. Em của Jocaste là Créon lên nối
ngôi, truyền lệnh khâm niệm Etéocle theo nghi lễ một nhà
vua nhưng cấm không được chôn cất Polynice xem như là kẻ
phản bội. Antigone không chịu tuân
lời cậu, lại rải một ít đất lên thi hài anh gọi
là lễ tang tối thiểu để linh hồn anh yên giấc ngàn thu,
vậy mà Créon lên án giam cháu. Không chịu sống giam cầm suốt
đời, Antigone treo cổ tự tử. Hémon, con của Créon, người
yêu của Antigone, tự sát ngay trên thi hài Antigone và tiếp
theo đó, vợ Créon cũng chết theo con. Rút cuộc người còn
sống trong đau khổ là Créon cùng một lúc mất con, góa vợ,
chỉ vì một xử lý thiếu suy nghĩ của mình. Lời nguyền
rủa thấy như còn tiếp tục lâu dài....
Trong bối cảnh
một thế giới đảo điên, con giết cha, anh em giết nhau, cậu
giết cháu, Oedipe không chủ ý phạm tội loạn luân, một hiện
tượng sau nầy được nhiều triết gia biện luận và
nhiều soạn giả viết thành bi kịch..., Antigone tỏ ra là một
người con có hiếu vì đã chịu chăm
sóc người cha mù cho đến lúc ông chết, lại là một
người em mang một tình thương anh vô tận nên mới đơn
thương độc mã bất tuân lệnh của ông vua cậu. Nhiều học
giả đã thấy qua nàng một bi kịch của những đối
lập : một bên là tình thương chị em, mệnh lệnh thần thánh,
sự tận tâm tận tụy, bên kia là ý chí nhà vua, luân lý thành
quốc, sự mù quáng của tuổi già. Lòng hiếu thảo, tình thương
của nàng phải chăn được thể hiện
qua một cây leo luôn quấn quít trên những cành cứng,
những bụi rậm như cây antigone thường thấy ở Nam Mỹ, phát
xuất từ Mexicô, mọc hoang nhiều ở các tiểu bang California,
Arizona bên Hoa Kỳ, ở tỉnh Phan Thiết bên ta. Mang tên khoa
học Antigona leptopus Hook. et Arn. (5,7) (có khi
viết Linn. (8,9)) thuộc họ
Răm Polygonaceae, cây ti gôn còn được
gọi hiếu nữ, Coral vine, Mountain Rose, Queen’s Wreath
hay
Love’s chain. Dây leo đa niên
nhờ có củ to, thân mảnh, lá có phiến không lông, hình tim,
xanh tươi, dúng. Chùm có vòi, to, ở chót nhánh, hoa hườnghay
trắng (var. alba Horst) (PHH) cho nên T.T.Kh. mới có tựa
bài "Hai sắc hoa ti gôn". Hoa có 5 tai đỏ, ngoài 3 trong 2, tiểu
nhị dính nhau ở đáy, noãn sào 3 cánh, 3 vòi, nhụy bế quả.
Ưa chịu nóng mùa hè và thích nhiều nước. Vào mùa đông
lá rụng nhiều, chỉ ngọn cây chết nhưng chóng phục hồi
(2).
Là một loại hoa đẹp,
lại được mệnh danh là hoa lòng, hoa máu, hoa ti gôn
đã được nhiều nhà khảo cứu chú ý, nhất là về mặt
chất sắc. Nhóm Minocha ở viện Đại học Allahabad bên Ấn
Độ dùng methanol-HCl (1%) chiết xuất được hai anthocyanin pelargonin
và malvin (4). Thay đổi dung
dịch, dùng ethanol, họ đạt được hentriacontan và trimethoxy
propanoyl anthraquinon (5), quercetin, rhamnetin, quercetin
glucopyranosid và hydroxy methyl anthraquinon arabinofuranosyl glucopyranosid
(3).
Nhóm Valsakumari ở Trường kỷ sư Tiruchirapalli
cũng ở Ấn Độ thì tìm ra được trong hoa quercetin rhamnosyl
rhamnoside (7). Nhóm Kawasaki
ở viện Đại học Shinshu bên Nhật bản phát hiện trong lá
28 cây thuộc họ Răm 33 flavonoid. Quercetin glycosid có mặt trong
hầu hết các lá, nhiều nhất là rhamnodid và glucuronid,
còn myrcetin thì hiếm hơn (6). Những nhà khảo cứu
ở viện Đại học Michigan bên Hoa Kỳ dùng methanol thì chiết
xuất được từ tất cả các bộ phận khí sinh của cây,
kể cả hoa, hentriacontan, ferulic acid, hydroxy cinnamic acid, quercetin
rhamnosid, kaempherol glucosid đồng thời
với bêta-sitosterol, bêta-sitosterol glucosid và mannitol (16).
Trong một cuộc khảo cứu về các acid béo trên 15 cây đủ
loại mọc ở Rajasthan trong ấy có Antigonon leptopus, tinh
dầu hột cống hiến dimethyl oxazolin (10).
Cây
ti gôn không chỉ phô trương sắc đẹp. Người ta đã
tìm ra được trong những phần chiết methanol các bộ phận
khí sinh của cây có tính chất ức chế lipid peroxi hóa (89%),
cycloxygenase (50,4-72,5 %) với 250 microgam/mL (16), phản
thrombin (80%) (13). Ở viện
Đại học Victoria bên Canada, một cuộc khảo cứu đã được
thực hiện trên các cây dùng để
chữa các chứng thuộc đường niệu cùng bệnh đái đuờng
ở Trinidad và Tobago trong ấy có ti gôn (15).
Một văn bằng sáng chế Trung Quốc đề nghị dùng Antigonon
leptopus cùng nhiều cây khác như kha tử Terminalia chebula,
mã tiền Strychnos nux-vomica, đàn
hương Santalum album, thảo đậu
khấu Alpinia katsumadai, nhục
đậu khấu Myristica fragrans,
đinh hương Eugenia caryophyllata, ngũ linh chi Facces
trogopterpri… nhờ những tính chất
chống đau, chống viêm, chống siêu trùng, bài niệu,
giải độc, để chữa một loạt bệnh
viêm : viêm thận, viêm gan, viêm kết tràng,... (14).
Ti gôn đã được dùng làm thức uống (16).
Cũng cần biết thêm nhóm Krishna ở viện Đại học Andhra bên
Ấn Độ đã khảo cứu
cách đường hóa và lên men cùng lúc sinh khối ti gôn
để sản xuất ethanol với các chủng Trichoderma reesei
và Saccharomyces cerevisiae (8,11) hỗn hợp với
Kluyveromyces
fragilis (l2), bêta-glucosidase(9).
Hoa ti gôn không thơm tùy loại
có hai màu : màu trắng tượng trưng cho lòng trinh bạch (Và
phương trời thẳm mờ sương cát, Tay vít giây hoa trắng chạnhlòng
), màu hồng hay đỏ chỉ sự đau khổ
trong đời. (Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ, Và đỏ
như như màu máu thắm phai). Chỉ với hai màu, T.T.Kh đã
trưng bày đủ đời mình, kết
liễu với một nỗi nhớ tiếc không nguôi, ví mình như một
loài hoa vỡ, một trái tim phai :
Nếu
biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có
buồn không ?
Có thầm nghĩ tới loài
hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa
máu hồng.
Theo kết quả của những tìm
kiếm, rất có thể T.T.Kh hiện còn sống. Một con người,
với một cuộc đời như vậy, có hảnh diện không khi thấy
những bài thơ mộc mạc nhưng chân thành của mình đã gây
náo động khắp nước, cả một thời,
không những ở quốc nội hồi thơ mới được đăng báo,
mà còn bây giờ, gần bảy mươi năm sau, khắp thế giới,
bất kỳ ở nơi nào có người Việt, còn người yêu thơ ?
Nghiên cúu và phát triển 2(79)
2010, vietsciences 02.2011
Tham khảo
1- Lưu An, TTKh và những khám phá về
thân thế tác giả, khoahocphothong.net/forum/archiv/index.php/t-8504.html
2- Lê Văn Lân, Mùa thu và hoa tim vỡ,
khoahoc.net 20.09.2007.
3- K.P. Tiwari, P.K. Minocha, Chemical constituents
of the flowers of Antigonon leptopus, Indian J. Chem.section B (5)
19B
(1980) 431-2
4- K.P. Tiwari, P.K. Minocha, Study of anthocyanins
from flowers of Antigone leptopus, Vijnana Parishad Anusandhan Patrika
(4)
23 (1980) 305-7
5- P.K. Minocha, M. Masood, K.P. Tiwari, 1,6,8-Trimethoxy-3-propanoylanthraquinone,
a new pigment from the flowers of Antigonon leptopus Hook and Arn,
Indian J. Chem.section B (3) 20B (1981) 251-2
6- M. Kawasaki, T. Komata, K. Yoshitama, Flavonoids
in the leaves of twenty-eight polygonaceous plants, Bot. Mag.(Tokyo)
(1053) 99 (1986) 63-74
7- M.K. Valsakumari, N. Sulochana, Phytochemical
investigation on the flowers of Antigonon leptopus Hook and Arn,
J. Inst.Chem.(India)
(1) 64 (1992) 38
8- S.H. Krishna, Y. Prabhakar, R.J. Rao, Saccharification
studies of lignocellulosic biomass from Antigonon leptopus Linn,
Indian J; Pharm. Sci .(1) 59 (1997) 39-42
9- S.H. Krishna, G.V. Chowdary, D.S. Reddy, C.
Ayyanna, Simultaneous saccharification and fermentation of pretreated
Antigonon leptopus Linn leaves to ethanol, J. Chem. Tech. Biotech.
(11)
74
(1999) 1055-60
10- M.M. Azam, M.R.K. Sherwani, Chemical investigation
of some seed oils from arid zone of Rajasthan, Oriental J. Chem.
(2) 15 (1999) 295-300
11- S.H. Krishna, G.V. Chowdary, Optimization
of simultaneous saccharification and fermentation for the production of
ethanol from lignocellulosic biomass, J. Agri. Food Chem.(5)
48
(2000) 1971-6
l2- S.H. Krishna, D.S. Reddy, T. Janardhan, G.V.
Chowdary, Simultaneous saccharification and fermentation of lignocellulosic
wastes to ethanol using a thermotolerant yeast, Biores. Tech. (2)
77
(2001) 193-6
13- N. Chistokhodova, Nguyen Chi, T. Calvino,
I. Kachirskaia, G. Cunningham, M.D. Howard, Antithrombin activity of
medicinal plants from central Florida, J.Ethnopharm. (2) 81
(2002) 277-80
14- J. Wu, Manufacture of traditional Chinese
medicine with antiviral, anti-inflammatory, and detoxicating effects,
Faming Zhuanli Shanqing Gongkai Shuomingshu CN 1840147 (2006) 6 tr.
15- C.A. Lans, Ethnomedicines used in Trinidad
and Tobago for urany problems and diabetes mellitus, J.Ethnobio.
Ethnomed. 2 (2006) 45
16- M. Vanisree, R.L. Alexander-Lindo, D.L. De
Witt, M.G. Nair, Functional food components of Antigonon leptopus tea,
Food Chem. (2) 106 (2008) 487-92 |