Từ độ lên bảy lên tám cho đến tuổi mười bốn mười lăm, khi lên sân khấu, nàng chỉ biết khóc. Khán giả hồi đó cũng hay mau nước mắt. Lúc đầu, cách nhìn của nàng đối với cuộc đời là mình chỉ cần khóc đã đủ làm họ khóc. Khuôn mặt của những người đến xem hát khiến nàng đoán chắc họ sẽ khóc mỗi khi mình cất lên tiếng khóc. Không có một khuôn mặt nào trong đám họ mà nàng không hiểu. Như thế, khuôn mặt của cuộc đời không có gì bí hiểm trước cái nhìn của nàng. Cả một gánh hát, không lấy ai thủ được một vai đào con xinh đẹp và khiến khán giả cảm động đến rơi nước mắt như nàng. Thế nhưng năm mười sáu tuổi thì nàng sinh con. -Đứa bé này không giống tôi tị nào cả. Nó không phải là con tôi.Tôi không thừa nhận nó đâu! Người cha của đứa bé nói như vậy. Nàng bèn trả lời anh ta: -Nó cũng chẳng có nét nào của em cả nhưng nó là con em. Có đúng không? Khuôn mặt của đứa bé gái ấy là khuôn mặt con người đầu tiên mà nàng không hiểu được. Có thể nói rằng, cùng với việc sinh đẻ, cái nghề thủ vai đào con của nàng đến lúc phải cáo chung. Điều đó làm nàng cảm thấy có một hố sâu ngăn cách giữa sân khấu cải lương (Shingeki) - nơi tiếng khóc của nàng có thể làm bao người đổ lệ - và thực tế ngoài đời. Nếu dòm vào, sẽ thấy nó là một cái hố đen như mực. Trong khoảng tối tăm đó, xuất hiện vô số những khuôn mặt người mà nàng không hiểu được, giống như khuôn mặt của con gái nàng. Không biết ở một nơi nào đó trên đường lưu diễn, nàng đã chia tay với người cha của đứa bé. Thế rồi theo thời gian, nàng bắt đầu cảm thấy khuôn mặt đứa bé ấy giống như khuôn mặt của người đàn ông nàng đã chia tay. Chẳng bao lâu sau, khi đứa bé thủ những vai đào con như công việc của nàng hồi xưa, nó bắt đầu làm cho khán giả nhỏ lệ. Không biết ở nơi nào đó trên đường lưu diễn, nàng đã chia tay với cả đứa con. Từ khi mẹ con xa nhau, nàng lại cảm thấy khuôn mặt của con giống tựa mặt mình. * * * Ở một rạp hát nhỏ vùng quê, mười mấy năm sau người đàn bà trẻ ấy tình cờ gặp lại cha mình vốn cũng là kép hát rong. Thế rồi nàng được mách cho biết nơi mẹ nàng đang sống. Khi gặp mẹ, ngay cái nhìn đầu tiên, nàng đã thốt lên: -Trời đất ơi! Thế rồi nàng ngả vào lòng mẹ và khóc.Từ khi cất tiếng chào đời, đây là lần đầu nàng mới gặp mẹ và cũng là lần đầu nàng mới được khóc một lần thật mùi mẫn. Lý do là khuôn mặt của đứa con gái mà nàng đã chia tay giống như đúc mẹ nàng. Cũng như chuyện nàng không giống mẹ tí nào, con gái của nàng và nàng cũng không giống nhau.Thế nhưng giữa đứa cháu và bà ngoại thì y như rập khuôn. Có thể bảo rằng khi gục đầu vào ngực mẹ và khóc, một người chuyên đóng vai đào con như nàng đã làm rất thực lòng. Giờ đây, với trái tim của một kẻ hành hương tìm về thánh địa, người đàn bà ấy đã trở lại gánh hát rong ngày nào để gặp con gái mình và cha của nó, giải bày cho họ câu chuyện về những khuôn mặt.
Nàng không hề nghĩ rằng sẽ có một ngày nào mình phải sửa lại lần áo lót kimono đã mặc từ hồi mười ba mười bốn tuổi. Mấy hôm trước, khi dọn dẹp đống quần áo mùa đông và tìm ra nó từ dưới đáy tủ áo cũ, Miyako thấy tuy vòng cổ quá hẹp không còn mặc được nữa nhưng tự dưng lại đem tháo rời ngay rồi giặt giũ cẩn thận. Thế rồi hôm qua khi đã là xong và đo thử, nàng thấy nó vẫn còn đủ dài, chỉ cần sửa ống tay là có thể mặc lại bởi vì bề ngang của ống tay chỉ thiếu độ một tấc ta (shun = 3cm). Hai ống tay áo được làm thành từ hai mảnh vải nối ở mức một phần ba độ dài. Miyako lẩm bẩm: -Eo ôi! Đường viền lật ra ngoài nhỉ! Cùng lúc, nàng nhớ lại cái thời mình đến tuổi mặc tấm áo lót này, vừa vặn khi ấy, cả nhà dọn lên sống ở Tôkyô. Mãi về sau mẹ nàng mới giải thích cho nghe là theo phong tục ở Kansai (vùng Kyôto-Ôsaka), thông thường người ta khâu đường viền bằng cách xếp một phân (bu = 0,3 cm) lần lót rồi lật nó từ trong ra ngoài, trong khi ở Kantô (vùng Tôkyô), họ cứ để nguyên thế mà khâu (không có mặt trái mặt phải, NNT) hay lật ngược mé ngoài vào trong lần lót. Theo bà thì cách khâu của người Kansai đỡ tốn kém hơn nhưng cũng nói thêm rằng Miyako là một cô gái trẻ, nhiều dịp cần phải ra ngoài. Kể từ ngày đó, Miyako khám phá ra rằng sinh hoạt của mẹ nàng nhất nhất đều theo phong cách Kansai. Bà không chỉ sống với tập quán của một phụ nữ thời trước. Nơi bà còn thấy đọng lại nét dịu dàng và sự trân trọng đến từng chi tiết của lớp người cũ. Mặt trái màu đỏ nơi cổ tay áo lót tuy đã phai thắm nhưng đó là cái màu gợi bao hoài niệm của loại hàng mút-xơ-lin (merinos). Mặt ngoài cũng làm bằng hàng mút-xơ-lin và được trang trí với những mô hình kiểu Yuuzen (1) rất dễ thương. Trên thân tấm áo lót bằng hàng fla-nen (flanel) ấy là những khuôn hình mắt cáo bình dị với hai màu vàng và hồng hoàng, vì giặt đi giặt lại nhiều lần có hơi tơi ra nhưng vẫn là thứ vải tốt. Mút-xơ-lin hay fla-nen là những mặt hàng giờ đây không mấy khi được thấy và điều này chợt làm lòng nàng ấm lại. Vì vậy Miyako ước ao được sử dụng những mẩu vải cùng loại như thế để sửa ống tay áo. Nơi cổ tay, vì cần nối thêm ở mặt trong lẫn mặt ngoài, tại sao mình không ráp thêm một mẩu vải mượn lên nền fla-nen nhỉ? Miyako vừa lấy cái hộp đựng các mẩu vải ra vừa tự nhủ. Cái hộp ấy đến từ một cửa hàng bán quần áo đàn ông và bên trên, nàng có dán thêm giấy Chiyogami (2) sặc sỡ. Cái hộp này đã có từ thời nàng còn là học sinh trường nữ trung học, và khi trang trí như vậy, nàng muốn xác định nó là món đồ của riêng mình. Nàng lấy những mẩu vải từ trong hộp và bày ra. Chúng nhiều đến nỗi hai đùi nàng như bị ngập dưới đống vải. Đó là những mẩu vụn còn sót lại khi người ta may quần áo tây chứ không phải khi may đồ ta nên chẳng thấy mẩu nào có thể dùng vào việc nối dài một cổ tay kimono bằng fla-nen. Tuy không tìm ra nhưng đó không phải là điều làm cho Miyako đau khổ. Mặt khác, nàng cũng thấy không cần phải vội vàng nên cứ ngồi yên một chỗ, duy cái đầu hơi có hơi cúi xuống đằng trước ra chiều tư lự. Dĩ nhiên, mỗi mẩu vải đều gắn liền với một kỷ niệm của thời thiếu nữ. Thế nhưng những kỷ niệm đó cũng không đến nỗi tuôn ra ào ạt trong đầu nàng, chỉ biết lúc ấy, đối với nàng, thời gian trôi qua thật êm ả. Nàng chỉ có ấn tượng là mỗi mẩu vải giống như một vật thể sống động, đang chiếu những tia sáng của chúng về hướng nàng. Nàng nhớ lại một người bạn gái của mình dưới Kansai. Cô bé kia đã giữ lại trong một tập ảnh tất cả các mẩu vải kimono cô có từ khi mới ra đời. Chúng được sắp theo thứ tự thời gian cô ấy được may kimono, mỗi lần đều có chú thích tuổi tác, năm tháng. Khi được xem tập ảnh đó, Miyako sững sờ và có phần ganh tỵ. Nàng thấy từ con người cô bé xinh đẹp kia như có cái gì tỏa sáng đến lóa mắt. Sở dĩ cô gái kia có được sở thích như thế cũng vì bà mẹ của cô ta là nhà sưu tập những mẩu vải cổ xưa. Lúc Miyako trở về nhà và kể chuyện lại, mẹ nàng tỏ ra khâm phục vì theo bà, đối với một đứa bé gái, có lẽ đó là những kỷ niệm còn quí giá hơn cả tranh ảnh và sẽ làm cho cô ấy hết sức vui mừng được nhìn lại chúng khi lớn lên. -Mẹ không hề nghĩ tới. Cho dù có ý tưởng đó đi nữa, mẹ cũng không đủ sức làm. Đáng lý ra mẹ phải giữ những mẩu vải cũ cho Miyako. -Mẹ ơi, giữ cho Miyako đi. Từ bây giờ thôi cũng được mà! Bề gì mấy mẩu vải cũ vẫn còn đấy chứ, mẹ nhỉ? -Vớ vẩn thật. Ba chuyện như vậy con nhà thường dân không ai người ta làm. Ông bố nói như tát. Bà vợ ngơ ngác nhìn chồng rồi nín thinh. Ông ta lại tiếp tục: -Suy nghĩ gì mà kỳ cục. Nuôi dạy con cái kiểu này làm sao chúng nên người được. Trước đó, Miyako không hiểu tại sao cha mình lại giận dữ đến vậy nhưng bây giờ nàng bắt đầu vỡ lẽ. Không nên bị ru ngủ bởi kỷ niệm. Để lòng mình vương vấn những chuyện thuộc về quá khứ hay muốn níu kéo nó đều không ổn. Nhưng ở đây, điều quan trọng hơn hết là những mẩu vải của Miyako không có một bóng đen nào che phủ lên. Toàn là những kỷ niệm tuy bình dị nhưng trong sáng và hạnh phúc. Trong khi đó, những mẩu vải đẹp đẽ của cô bạn kia biết đâu chẳng mang vết tích sự ô nhục hay bất hạnh của người mẹ hoặc người con. Phải chăng hai mẹ con đang gìn giữ sự đau buồn của đời họ như một thứ bảo vật? -Ô kìa! Ô kìa! Mẹ của Miyako đến đứng bên cạnh nàng, mắt nhìn như dò hỏi. Cô gái hơi đỏ mặt vì e thẹn. -Con muốn sửa lại áo lót kimono à? Chuyện không dễ đâu nhé! Nhất là ống tay, phải không? Chắc mẹ có đủ đồ nghề đấy. Đem cái rương cũ của mẹ lại đây coi! Miyako lấy cái rương cũ đựng đồ lề, nặng nề đặt nó trước đầu gối của mẹ. Bà mở nắp rương và đưa tay thoăn thoắt kiểm điểm những xấp mẩu vải được xếp cẩn thận bên trong như thể đang đếm giấy bạc. -Mẩu này dành cho ống tay đây. Còn lần lót bên trong thì phải dùng đến thứ này. Bà vừa nói vừa rút ra một xấp mẩu vải mút-xơ-lin có hoa văn hoa cúc nhỏ và vải cô-tông đỏ. Miyako nhìn quang cảnh với vẻ thán phục trước khi bật cười. -Sao con lại cười? -Đâu. Không có lý do gì cả. Thế nhưng khi nhìn mẹ kiếm vải, con có cảm tưởng như có một phép lạ vì từ trong rương mẹ muốn lấy ra cái gì cũng có. -Chỉ vì mẹ đã quen việc thôi, con ạ. Bà ngắm nhìn con gái đo mấy mẩu vải trong một khoảnh khắc rồi nói với một giọng bình thản: -Dạo này Miyako vẫn còn viết thư thăm cậu Tayama đấy chứ? -Vâng, hầu như mỗi tháng một lần. Nàng trả lời nhưng đã bỏ bớt đến một phần ba sự thật. -Lâu quá con nhỉ! -Bốn năm rồi, mẹ ơi... Miyako cảm thấy lòng nôn nao và những muốn đặt một câu hỏi cho người mẹ nhưng rốt cuộc chỉ cúi gầm. -Chiến tranh đã kéo dài từ độ tấm áo lót kimono này không còn vừa với thân hình con nữa. -Vâng, đúng thế. -Con đã trở thành người lớn giữa cuộc chiến tranh. -Nhưng con hãy còn nhút nhát lắm mẹ ơi. -Có nhiều điều mà khi còn trẻ, chúng mình không bao giờ ngờ có ngày nó sẽ xảy đến đâu con ạ ... Chưa dứt lời, người mẹ đã đi ra khỏi phòng. Đúng như vậy, Miyako đã trở thành một thiếu nữ ngay giữa lòng cuộc chiến. Khi nghĩ đến đó, những thớ tim nàng bỗng nhiên quặn thắt. Nàng đưa mắt nhìn lên bầu trời và nghĩ về trận bão lửa của định mệnh đối với những cô con gái mới lớn cùng trang lứa. Tuy vậy, Miyako lại cầm lấy mũi kim khâu. Nàng chợt thấy mình có một tình cảm trìu mến thật tươi mới đối với những mẩu vải lót kimono cũ kỹ này. Thêm vào đó là một cảm giác kỳ lạ. Nàng thấy như thể những mẩu vải đó - trong suốt thời gian cuộc chiến kéo dài – cũng đã âm thầm chờ đợi nàng từ dưới đáy rương. Nàng mới khâu xong một bên ống tay áo thì bà bác của nàng vừa tới. Nhân có tiếng bước mạnh mẽ như đàn ông đi bên cạnh bà, Miyako chần chờ chưa muốn đứng dậy nhưng mẹ nàng đã ra ngoài cửa đón tiếp họ. Khi đưa khách vào nhà, mẹ nàng đi ngang qua cánh cửa phòng mà không hề lên tiếng gọi con gái khiến nàng hơi lấy làm lạ. Thế nhưng chẳng mấy chốc, cánh cửa kéo fusuma ngăn hai căn phòng đã mở hé. Mẹ nàng nói mà như chỉ để mình nghe: -Thật khó xử với bác Shimamura của mày quá ... Mẹ lấy trà ra mời bác ấy đây, con pha hộ mẹ nhé? Bà nhờ Miyako như vậy rồi quay ngoắt lại phía phòng khách, mặt hơi bối rối. -Bác Shimamura định giới thiệu cho mình đám nào đó chăng? Miyako tự hỏi, lòng lo lắng. Nàng sửa soạn bình trà rồi không hiểu vì sao lại đi ra gian tiền đường. Nàng thấy một đôi ủng sĩ quan ai cởi ra để đó. Lại có một chiếc mũ lưỡi trai được đặt trên bậc thang. Miyako chìa tay ra, chần chờ một chút rồi nhẹ nhàng nhấc lấy nó và gác lên cao. Nàng trở lại phòng mình, cầm lấy kim khâu nhưng lần này cánh tay chợt cứng ra và bàn tay có hơi run. -Miyako ra chào bác đi con. Tiếng người mẹ gọi nàng từ phía hành lang. Bà bác Shimamura giới thiệu trung úy Ôsawa với nàng rồi tiếp tục nói sau khi đưa mắt liếc nhìn cô cháu thật nhanh: -Này cháu Miyako! Trung úy Ôsawa phải đi ngay đó. Cháu có tiễn được ra đến ga không? Tuy là nhờ nhưng giọng bà giống như ra lệnh. -Vâng ạ! Lính quính không biết phải làm sao, Miyako nhón chân đứng dậy rồi lại quì một bên gối lên mặt chiếu. Mẹ nàng đi ra trước về phía hành lang vừa ra hiệu cho nàng bằng mắt và thì thầm: -Mẹ đã trình bày cho họ xong chuyện cậu Tayama rồi. Vậy Miyako cứ lễ phép tiễn chân trung úy ra ngoài ga đi con! Miyako chợt cảm thấy có luồng hơi nóng bừng lên đôi mắt và một tình cảm thỏa nguyện lan khắp châu thân. Hai người vừa mới ra khỏi cổng được bảy tám bước thì trung úy Ôsawa chợt đứng lại: -Thôi, để tôi ở đây cũng được. Xin lỗi đã làm phiền cô! -Dạ không sao đâu. Để em tiễn trung úy tận ga. Miyako trả lời và lần đầu tiên Miyako ngước mắt lên nhìn khách. Anh ta có vẻ suy nghĩ: -Cũng được. Xin mời cô đi cùng vậy. Người sĩ quan nói với giọng cả quyết. Anh ta kể cho cô hay là nhân lãnh một công vụ, anh được lui về hậu phương khoảng hai tuần lễ nhưng sẽ ra tiền tuyến trở lại. Bác Shimamura của nàng bảo là nếu anh có ý định lập gia đình, bà sẽ làm mai cho một người thật xứng đáng. -Như cô cũng biết tính bác ấy đấy, bác lôi tôi đi mà chẳng nói trước gì cho tôi cả. Rồi chúng tôi lại đột ngột đến thăm nhà mà không thông báo gia đình cô hay. Xin lỗi cô thật nhiều vì đã quấy rầy, cô nhé.Thế nhưng bà bác của cô đã nhắc đi nhắc lại với tôi rằng cô là một người con gái tuyệt vời và quả đúng như vậy. Miyako không biết trả lời làm sao. Nàng cảm thấy một nỗi buồn thật thanh khiết nhưng nó lại giống như sự bình yên trong sáng. Hình bóng của Tayama bỗng dưng hiện ra trong tâm trí nàng. -Cảm ơn cô đã tiễn tôi. Trước quầy bán vé, viên trung úy làm một cử chỉ trang trọng: anh chào Miyako theo kiểu nhà binh. -Cô nhớ giữ gìn sức khỏe nhé! Anh ấy nhìn mình kìa, Miyako tự nhủ, và cảm thấy như bị người đàn ông kia cuốn hút. Nàng không biết phải đối phó làm sao, đành để cho nước mắt ứa lên. Anh ấy có một cái nhìn không khác gì Tayama. Những người ra đi đều có chung cái nhìn như thế hay sao? Tayama và nàng chưa hề trao đổi một lời giao ước. Thế nhưng cái nhìn của anh ấy vẫn còn sống trong lòng nàng và đã giúp nàng trưởng thành từ bốn năm qua. Thế là đã đủ đầy ắp khiến cho giờ đây nàng phải tìm cách xóa khỏi trái tim mình cái nhìn của viên trung úy. Thế nhưng, cùng một lúc, nàng lại không muốn quên nó để còn có thể cầu nguyện cho anh. (1) Yuuzen (Hữu Thiền) là một nghệ nhân thời Edo đã nghĩ ra phương pháp nhuộm và trang trí hàng vải nổi tiếng mang tên mình. (2) Chiyogami (Thiên
đại chỉ): Giấy trang sức nhiều màu có hoa văn hoa, cỏ,
nai vv..in bằng mộc bản.
![]() Cô gái Âu châu trong bộ đồ cưỡi ngựa Vừa đặt chân tới khách sạn ở London, Eiko đã kéo thật kín màn cửa sổ, ngã người nằm vật ngang giường. Nàng nhắm nghiền đôi mắt. Nàng quên cả cởi giày nhưng chỉ cần duỗi cái cổ chân, lắc qua lắc lại bên thành giường là đã đủ làm đôi giày tuột ra và lọt xuống sàn. Nàng không chỉ mệt mỏi vì cuộc hành trình đơn độc bằng phi cơ xuyên qua Alaska và Đan Mạch. Làm như thể cái mệt mỏi đến từ chuyến bay đã tạo ra cơ hội cho những cái khác - sự mệt mỏi của đời người đàn bà và sự mệt mỏi trong cuộc sống vợ chồng với Eguchi – ùa ra và nổi lên bề mặt. Nàng nghe có tiếng chim lảnh lót vang lên từng chặp. Chắc là vì khách sạn này nằm trong một khu dinh cơ yên tĩnh kế bên Công viên Hòa Lan (Holland Park) nên trong các bụi cây chim chóc mới có nhiều đến thế. Thời tiết ở đây chậm hơn Tôkyô nên bây giờ là tháng năm rồi mà mùa xuân mới đến ở London với vòm lá xanh non, những đóa hoa và tiếng chim hót. Thế nhưng giờ đây sau khi đóng kín cửa sổ, không nhìn thấy gì bên ngoài và nằm nghe chim hót, Eiko không thể nghĩ rằng mình đang ở trên một đất nước xa lạ. -Thành phố London nước Anh đấy nhá! Dù Eiko dặn dò mình như vậy nhưng nàng vẫn thấy như đang ở trên một cao nguyên bên Nhật. Nói đến tiếng chim thì trên núi cũng có nhưng trong đầu Eiko, đó lại là hình ảnh một cao nguyên. Bởi vì nàng có nhiều kỷ niệm đầy hạnh phúc thời sống ở một vùng cao. .......Năm mười hai mười ba tuổi, Eiko có lần cùng hai người khác – ông bác và cô chị họ – cưỡi ngựa đi trên một con đường xanh bóng lá của vùng cao nguyên. Nàng hình dung ra cái vóc dáng nhỏ bé của mình ngày ấy. Trước khi Eiko được gửi nuôi trong cái gia đình đầy tiếng cười của ông bác, nàng đã sống với mỗi cha mình. Giai đoạn trước u ám như thế nào thì về sau, nhờ sống với bác, nàng càng thấm thía hơn. Mỗi lần được cưỡi ngựa là nàng hoàn toàn quên đi cái chết của người cha. Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy không kéo dài được bao lâu. -Eiko-chan! Hai người có bà con đấy! Không nên đâu! Lời khuyến cáo của Shigeko, cô chị họ, đã làm cho hạnh phúc của nàng bị tổn thương. Eiko, lúc đó là cô gái vừa tròn mười bốn tuổi, đã hiểu ý nghĩa của câu nói đó trong bức thư ngắn Shigeko gửi cho nàng. Tình yêu hay ý định kết hôn với Yôsuke, ông anh họ, là điều "không nên". Shigeko đã xác định rõ như vậy. Eiko thích cắt móng tay hay lấy ráy tai cho Yôsuke, nàng vui lên khi Yôsuke khen cô khéo léo. Mỗi lần làm mấy công việc đó, cô hầu như quên hết mọi sự xung quanh và điều đó khiến cho Shigeko khó chịu. Nó làm Eiko bắt đầu giữ khoảng cách với Yôsuke. Eiko hãy còn là một cô bé và về tuổi tác, Yôsuke lại hơn nàng xa lắc, chuyện kết hôn này kia chỉ là một giấc mộng hão huyền nhưng vì câu nói của Shigeko, trái tim của người con gái như được đánh thức. Mãi mãi về sau, Eiko vẫn xem đó là mối tình đầu trong đời. Yôsuke lập gia đình và có một mái nhà riêng. Đến lượt Shigeko lấy chồng rồi ra khỏi nhà, chỉ còn Eiko ở lại. Dầu vậy, e rằng điều ấy vẫn làm phật ý Shigeko nên Eiko mới dọn vào cư xá của trường đại học nữ. Nàng vâng lời ông bác lấy chồng qua một cuộc hôn nhân dàn xếp. Người chồng mất việc, Eiko phải đi dạy tiếng Anh ở lớp luyện thi vào trường cấp ba. Chuyện như thế kéo dài được bốn năm năm cho đến cái hôm Eiko tìm gặp ông bác hỏi ý kiến để ly hôn. Eiko thổ lộ với ông bác về chồng nàng: -Anh Iguchi dần dần trở thành một con người giống y bố cháu. Nếu bố không như vậy thì cháu vẫn còn có thể chấp nhận anh ấy. Thế nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện của bố, cháu có cảm tưởng mình là người suốt đời bị những kẻ vô tài bất tướng bám theo, khổ tâm đến độ không chịu nổi. Cảm thấy mình là người có trách nhiệm về cuộc hôn nhân giữa nàng và Iguchi, người bác nhìn dáng điệu bực tức của nàng, khuyên thôi thì cháu chịu khó đi du lịch ba tuần hay một tháng ở đâu đó như bên Anh chẳng hạn, để có thời giờ suy nghĩ cặn kẽ. Về lộ phí bác sẽ chi cho. Trong khách sạn ở London, Eiko vừa nghe tiếng chim hót, vừa tưởng tượng ra hình ảnh ngày thơ bé của mình trong bộ đồ cưỡi ngựa. Giữa lúc ấy, nàng cảm thấy có tiếng rít trong lỗ tai và tiếng rít ấy trở thành tiếng thác đổ. Thác nước đổ ầm ầm, dần dần to ra làm cho nàng chợt thét lên một tiếng "Ôi chao!" và vùng mở mắt. ......Eiko ngại ngùng bước vào văn phòng nhà lãnh đạo một xí nghiệp nằm ở tầng thứ bảy trong bin-đinh. Trên tay nàng là lá thư cha nàng gửi cho nhân vật ấy, người vốn là bạn cùng lớp với ông trên ghế trường cấp ba. Khi ông ta nhìn thấy Eiko, đã hỏi ngay: -Em kia, mấy tuổi? -Thưa ông, cháu mười một. . -Hưừm. Về nói với bố cháu đừng bắt con nít đi làm những việc như thế này nữa nhé!...Tôi nghiệp cho trẻ con lắm đấy. Với vẻ mặt không bằng lòng, ông trao cho Eiko ít tiền. Eiko cứ thế mà thuật lại với người cha đang đứng đợi nàng bên dưới bin-đinh. Ông vung cây gậy, người lảo đảo, nhìn lên trên bin-đinh và nói: -Thằng khốn! Thác nước đang trút xuống đầu tao đây này. Tao đang bị cả cái thác nó ụp vào người. Eiko cảm thấy từ trên tầng bảy của bin-đinh như đang có một thác nước đổ ụp xuống cha mình. Eiko còn phải cầm lá thư của người cha đến ba bốn hãng khác nhau. Đó là những xí nghiệp nơi ông có bạn học cùng lớp. Nàng cứ tuần tự đánh vòng hết hãng này qua hãng khác. Mẹ nàng vì quá ngán ngẩm ông chồng nên đã bỏ đi mất. Sau một cơn tai biến nhẹ, chân tay ông không còn tự điều khiển nữa, đành phải chống gậy. Sau hôm đến viếng cái hãng có thác đổ, ông đã tìm tới một hãng khác: -Cháu không đến một mình, có đúng không? Chắc bố của cháu đang nấp ở đâu quanh đây! Người ra tiếp chuyện nàng nói như vậy. Eiko bất chợt đưa mắt nhìn về hướng cửa sổ. Người ấy bèn mở cửa sổ nhìn xuống và thốt lên: -Chết chửa, cái gì thế này! Như được mấy âm thanh ấy mời mọc, Eiko tiến đến gần cửa sổ và nhìn xuống thì thấy bên dưới, cha của nàng đang ngã lăn ra đất. Khách đi đường tụ tập chúng quanh. Sau lần tai biến thứ hai này, cha nàng đã không qua khỏi. Eiko cảm thấy như có một ngọn thác nước đổ xuống từ cánh cửa sổ cao của hãng buôn và giết mất cha nàng. Vừa mới đặt chân đến cái khách sạn ở London này, cái tiếng mà Eiko nghe được là tiếng của thác nước ấy. Ngày chủ nhật, Eiko ra công viên Hyde Park, ngồi xuống chiếc ghế dài bên thành cái hồ nhỏ ngắm đàn vịt trời. Có tiếng vó ngựa đến gần làm nàng quay đầu lại nhìn. Hai vợ chồng với hai đứa con, tất cả là một gia đình bốn người, đang sóng ngựa đi tới. Một cô bé độ mười tuổi và người anh trai lớn hơn cô độ hai, ba tuổi. Ngay cả trẻ con như chúng mà cũng được mặc những bộ đồ đi ngựa may cắt đúng kiểu cách. Điều đó làm cho Eiko không khỏi ngạc nhiên. Quả là họ có dáng vẻ của cô tiểu thư và cậu công tử con nhà. Sau khi đã nhìn theo như để tiễn chân cái gia đình kỵ sĩ, Eiko bỗng thèm được đi tìm trong thành phố London này một cửa tiệm có bán những độ đồ đi ngựa hình thù như vậy, dù chỉ là để cho tay sờ lên chúng mà thôi.
Hắn có lần đọc quyển sách về ngôn ngữ học, trong đó, một người Mỹ là Tiến sĩ Rush đã báo cáo một số dữ kiện như sau: -Một nhân vật tên là Tiến sĩ Scandila, quốc tịch Ý, giáo sư dạy ba thứ tiếng Ý, Pháp, Anh. Về sau, ông chết vì bệnh sốt rét vàng da. Có cái là lúc bệnh mới phát, ông chỉ nói tiếng Anh. Khi bệnh nặng hơn, ông dùng tiếng Pháp và đã nói bằng Ý ngữ, tiếng mẹ đẻ của mình, vào cái ngày hấp hối. Dĩ nhiên là lúc lên cơn sốt cao, ăn nói lung tung, ông không thể nào chọn lựa ngôn ngữ phải sử dụng một cách có ý thức. -Một người đàn bà đang lên cơn điên đã trải qua kinh nghiệm như sau: Khi mới bắt đầu lên cơn, bà bập bẹ mấy câu tiếng Ý, khi cơn đó đến tột đỉnh, bà dùng tiếng Pháp rồi lúc cơn điên hạ xuống, bà diễn đạt bằng tiếng Đức. Cuối cùng, sắp sửa lành, bà trở về với tiếng Ý, tiếng mẹ đẻ của mình. -Một viên chức ngành kiểm lâm về già, thời niên thiếu sống ở vùng biên giới Ba Lan rồi sau đó chủ yếu là ở Đức trong vòng 30, 40 năm gì đó và không còn có dịp nói, ngay cả nghe tiếng Ba Lan. Có thể xác định là ông ta hầu như đã quên bẵng ngôn ngữ này. Thế nhưng một hôm, sau khi bị gây mê thì trong vòng hai tiếng đồng hồ, ông ta chỉ nói, cầu nguyện và ca hát bằng một thứ tiếng: tiếng Ba Lan. Tiến sĩ Rush lại quen biết một người Đức làm nghề truyền giáo, đã phục vụ nhiều năm trong hội thánh Tin Lành phái Luther ở thành phố Philadelphia. Thầy truyền đạo ấy đã kể lại cho ông Rush câu chuyện như sau: -Ở phía nam thành phố có một nhóm cư dân gốc Thụy Điển sinh sống. Kể từ ngày di dân đến Mỹ, nghĩa là 50, 60 năm về trước, bọn họ không có bao nhiêu dịp nói tiếng Thụy Điển. Đến độ người ta không thể nào tin rằng họ còn giữ được tiếng mẹ đẻ trong ký ức. Lạ thay, trên giường bệnh, phần lớn những cụ già khi sắp sửa trút hơi thở cuối cùng – không biết có phải vì ký ức bị chôn vùi từ một nơi xa xôi đã tìm về hay chăng – mà họ lại cất tiếng cầu kinh bằng ngôn ngữ thời thơ ấu. Tất cả các giai thoại vừa kể đều có liên quan đến ngôn ngữ. Thế nhưng thử hỏi những sự kiện kỳ quái đó có ý nghĩa gì? Các nhà tâm lý học sẽ trả lời rằng có lẽ đó chỉ là vài "lệch lạc dị thường của ký ức". Riêng một người thiên về tình cảm như hắn thì chỉ muốn giăng hai cánh tay dịu dàng và thân ái để ôm choàng lấy mấy ông già bà cả này, những kẻ không thể cầm lòng thốt ra những câu "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ". Thế nhưng một lời nói có nghĩa gì đâu? Nó chỉ là phù hiệu. Còn tiếng mẹ đẻ là cái chi nào? "Đó là sự dị biệt giữa các ngôn ngữ. Đối với người trong xã hội cổ xưa, chúng được xem là cần thiết để giữ gìn những bí mật của nòi giống và bộ lạc họ sinh sống". Dường như cũng đã có nhiều tác phẩm được viết ra để chủ trương như vậy. Theo đó thì khi "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ", bạn chẳng những không muốn vứt bỏ những tập quán xưa cũ đã ràng buộc đến độ làm cho mình không nhúc nhích được, mà ngược lại, sử dụng nó như một điểm tựa tâm lý để có thể sống còn. Nhân vì nhân loại đã trải qua một lịch sử lâu dài nên giờ đây con người đã trở thành xác chết bị cột vào một cái trụ bằng sợi giây thừng của tập quán. Nếu chặt phứt sợi giây đang giữ cái xác ấy, nó sẽ đổ xuống cái ầm. Chuyện "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ" còn thể hiện nỗi khổ tâm ấy nữa. Đây là điều mà hắn nghĩ hay đúng hơn là điều đã đến trong đầu hắn khi đọc một tác phẩm về ngôn ngữ học, cũng bởi vì lúc ấy, hắn đang nhớ đến Kayoko. -Đối với mình, Kayoko có phải là một thứ "tiếng mẹ đẻ" hay không nhỉ? Hai "Tuy thân hình không đẫy đà tựa bồ câu nhưng nếu nó giăng cánh thì sẽ rộng ngang tầm cánh bồ câu". Đó là hình dáng của con dế gáy (kirigirisu) (1). Khi hắn vừa thức giấc thì câu nói trên mơ hồ hiện ra trong đầu. Trong giấc mơ, hắn đã thấy một con dế gáy cực kỳ to lớn. Ngoài việc này, hắn không còn nhớ gì khác xảy ra trước đó. ........Dầu sao, bên tai hay đúng ra là bên cạnh gò má, hắn cảm thấy đang có một con dế gáy đập cánh và bay vụt ngang. Hắn thấy rõ ràng như thế. Để có thể chia tay với Kayoko, hắn chưa biết phải dùng phương pháp nào nhưng con dế gáy kia đã chỉ cho hắn cách thức. Sau đó một chốc, hắn thấy mình đang nhanh chân bước trên một con đường ở miền quê. Đúng là hắn chứ không ai khác. Dưới ánh sáng nhợt nhạt, mấy hàng cây thưa thớt lờ mờ hiện ra. Một con dế gáy to cỡ chim bồ câu bay đến, cuối cùng dừng lại và đập cánh bên tai hắn. Nhưng không thành tiếng. Tuy vậy, kỳ lạ làm sao, hắn cảm thấy tiếng đập cánh ấy hàm chứa một ý nghĩa đạo đức cao siêu. Hắn có cảm tưởng là khi bắt gặp tiếng đập cánh, hắn đã tiếp xúc được với lời giáo huấn bí ẩn của Mật giáo. Điều đó có nghĩa là con dế gáy với thân hình to lớn tựa bồ câu là sứ giả của Chân Lý. Việc hắn bỏ rơi Kayoko là chính đáng về mặt đạo đức. Sự chính đáng này là điều mà con dế gáy có thể khẳng định với hắn vào bất cứ lúc nào. Chừng ấy là ấn tượng hắn có trong khi đang rảo bước – dù không biết để đuổi theo cái gì - dọc một con đường màu trắng như sữa. Rồi ngay lúc đầu óc còn đang mường tượng hình dáng con dế gáy đó, hắn choàng thức giấc. "Tuy thân hình không đẫy đà tựa bồ câu nhưng nếu nó giăng cánh thì sẽ rộng ngang tầm cánh bồ câu". Trên đầu nằm của hắn, có một chậu hoa củ (tuperosu) (2) đang nở những đóa hoa cánh kép, màu trắng và thơm. Đó là một loại hoa tháng 7. Thời điểm này chưa phải mùa dế gáy. Thế nhưng việc gì mình lại chiêm bao thấy dế nhỉ? Trong quá khứ, vào lúc nào đó, giữa Kayoko và dế, chắc phải có một mối liên hệ? Thời còn chung sống bên nhau ở vùng ngoại ô, hắn và Kayoko tất có lần được nghe dế gáy. Có lẽ là khi dạo bước trên cánh đồng mùa thu, hai đứa từng thấy cả cảnh dế bay. Thế nhưng: -Tiếng đập cánh của dế sao có thể tượng trưng cho đạo đức nhỉ? Thì ra đó chỉ là một giấc mộng! Hắn không thể nhớ ra nơi chốn của một kỷ niệm đã chôn vùi nào có thể giúp hắn phân tích được giấc mộng trong đó có con dế gáy. Hắn mỉm cười rồi lại chìm vào trong giấc ngủ. Trong gian phòng rộng với nền đất nện của ngôi nhà nông dân, một cánh cửa sổ trổ lên trần. Nơi đây có cái phòng chỉ nhỏ bằng tổ én và ghép vào như chỗ để đặt lò sưởi trên nóc (yaguro-gotatsu). Hắn đang thu mình nấp trong cái tổ kỳ quái đó. Thế nhưng không biết vì sao hắn vẫn cảm thấy bất an và không thể nằm im ỉm dưới mái nhà này lâu thêm được nữa. Hắn bèn ôm lấy một cây sào trúc dài và khéo léo như người làm xiếc, tuột xuống đến sân trong. Thì vừa lúc đó, có một gã đàn ông đuổi theo hắn và bắt kịp. Hắn bèn chạy bay ra phía cửa sau....Nơi mọi chuyện đang xảy ra là ngôi nhà của ông chú hắn ở miền quê. Đằng sau ngôi nhà có một đứa bé giống như Cậu bé tí hon (Issun-bôshi) (3). Cậu bé vừa cầm một cái chổi hươi qua hươi lại vừa đứng ngáng đường hắn, lúc đó đang định chạy vào bên trong vựa thóc: -Không được, không được. Trốn vào trong này không xong đâu. -Xin cậu chỉ cho tôi chỗ trốn. -Vào trong phòng tắm (ofuro) đi! -Phòng tắm nào? -Chỉ còn có mỗi cái bồn thôi. Nhanh, nhanh đi nào! Cậu bé tất bật giúp hắn cởi quần áo. Vừa e ngại gã đàn ông đuổi theo có thể khám phá ra mớ quần áo vừa cởi đang nằm trong tay cậu bé, hắn vội vàng leo lên tận cánh cửa sổ phòng tắm. Thế rồi hắn ngồi thu hình giữa làn hơi nước của cái bồn. Và lạ chưa! Hắn cảm thấy nước nóng kia chỉ là làn da của Kayoko: nàng đã vào trong bồn trước khi hắn đến. Da thịt nàng trơn láng chẳng khác gì dầu. Bồn tắm thật hẹp như chỉ vừa đủ chỗ cho hai người. -Thôi, chết rồi. Nếu gã đàn ông kia tìm thấy hai đứa mình cùng có mặt ở đây thì hắn sẽ nghi ngờ mất. Nỗi sợ hãi đó làm hắn chợt tỉnh giấc trong khi trên toàn thân hãy còn cảm thấy da thịt của Kayoko. Chiếc gối hình hộp của vợ hắn - làm bằng gỗ, lõm xuống như lòng thuyền (funazokomakura) – lấp lánh màu kim nhũ. Những ngọn đèn đã tắt, trong phòng chỉ còn có ánh nắng mai len vào. Hắn lần mò thân hình của vợ mình. Chiếc nemaki mặc khi ngủ bó sát vào người và trùm kỹ nàng đến bên dưới. Do đó, không phải làn da của nàng đã xui hắn nằm thấy giấc mộng ấy. Thế thì gã đàn ông trong giấc mộng muốn tìm giết hắn là ai vậy nhỉ? Chắc phải là chồng hay người yêu của Kayoko thôi! Nhưng trước khi gặp hắn, Kayoko không có người đàn ông nào cả. Trong trường hợp đó, gã kia bắt buộc phải là kẻ đến sau hắn, nhưng kỳ thực, vào thời điểm hắn và Kayoko chia tay nhau, hắn chưa hề gặp cũng như nghe nói về một một người yêu nào khác của nàng như gã đàn ông đó. Nếu vậy, cớ chi hắn lại nằm mộng thấy gã kia đuổi bắt? Hoặc giả giờ đây, vì lòng tự ái, hắn vẫn còn ghen tuông khi nghĩ đến Kayoko. Có thể như vậy lắm. Bởi vì cho đến lúc này mà hắn còn phải đợi một con dế gáy đến bảo thêm một lần nữa là cuộc chia tay tám năm về trước, hoàn toàn chính đáng về mặt đạo đức. Nếu không phải thế thì giả thuyết sẽ được đặt ra như sau: "Biết đâu dưới mắt Kayoko, hắn cũng là một thứ giống như tiếng mẹ đẻ?" Ba -Tôi là chú của Kayoko đây ạ? Làm như được câu nói đó cho phép, gã đàn ông đi một cách tự nhiên vào nhà hắn. -Thực ra, Kayoko có gửi cho tôi một lá thư lạ lùng cho nên hôm nay tôi đến đây để gặp ông nói chút chuyện. Gã đàn ông nhìn người vợ chủ nhà đang bưng trà ra với cặp mắt nghi ngờ và nói tiếp: -Nếu cô ấy đang ở đây, có thể nào ông gọi giùm ra không ạ? -Gọi Kayoko à? -Vâng. -Thế nhưng tôi không biết chỗ cô ấy ở! -Tôi nghĩ chắc có điều không tiện nói ra nhưng xin ông cứ thẳng thắn cho tôi biết. Ngoài ra, lá thư của cô ấy đã đến từ địa chỉ của ông. Nói xong, ông chú lấy bức thư từ trong ngực áo và đưa hắn xem. Ngoài phong bì có ghi nơi nhận là "Tỉnh Kagawa" (4). Như thế, ông chú đã lặn lội từ quê nhà Shikoku của nàng để lên gần đến Tôkyô à? Đúng là Kayoko ghi địa chỉ người gửi là địa chỉ hiện tại của hắn. Hắn ngạc nhiên nhìn vào con dấu nhà Bưu điện. Nó phát xuất từ thành phố mang tên Atami (5), nơi hắn đang cư ngụ. -Ông có biết thư ấy nói gì không? -Để tôi đọc xem nhé. Số phận của cháu hiện tùy thuộc vào anh Kitani. Không những số phận mà cả đám tang của cháu nữa...Cháu xin chú tha lỗi cho vì cháu không thể về quê, dù là bản thân cháu hay một sợi tóc con (di hài) của cháu. Nếu chú có dịp gặp Kitani thì xin hỏi thăm anh ấy việc đó. Hãy nghe những gì anh ấy giải thích về cháu... Gửi đến chú của cháu. Người gửi: Kayoko (qua ông Kitani) Không thể hiểu nổi! Làm sao Kayoko có thể biết nơi anh đang sinh sống? Mà sao cô ấy lại có mặt ở vùng bờ biển này? - Để cố ý gửi bức thư đi à? Hai hôm sau có tin đồn rằng những người làng chài đi thăm lưới đã phát hiện một cặp nam nữ quyên sinh vì tình ở mỏm Uomizaki. Họ cho biết từ trên thành đá cao dễ chừng 300 shaku (6), họ đã nhìn thấy xác chết rõ mồn một như cá trưng bày trong bồn kính. Có lẽ vì lúc đó bắt đầu mùa hè nên nước mới trong đến thế. -Kayoko đây rồi! Dĩ nhiên trực giác của hắn trúng phong phóc. Như vậy, Kayoko đã đến đây và chọn thành phố hắn đang cư ngụ để làm chỗ quyên sinh với một người khác. Xác của người đàn ông kia giống như một con cá, nó không diễn tả một cảm tình nào đặc biệt. Thế nhưng anh chàng này đã ghen với hắn. Ngay cả lúc chọn lấy cái chết. Khi giây phút cuối cùng sắp điểm, ký ức của con người bắt đầu yếu dần. Đầu tiên, ký ức đến sau cùng sẽ phai nhạt trước tiên. Đến khi sự hủy hoại sắp hoàn tất, sẽ có một ngọn lửa, dù chỉ trong một thoáng phù du, bùng cháy lên rực rỡ, giống như khi ngọn đèn sắp tắt. Đó là lời "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ". Như thế, ở dưới đáy nước, chắc chắn là trước khi chết, Kayoko đã khắc sâu trong tim mình hình ảnh của hắn, người tình đầu tiên trong số những tình nhân của nàng, chứ không phải cái người mà nàng chọn để chết chung. Điều này cũng vậy, nó là một lời "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ" ai oán. Hắn nói với ông chú: -Cô bé đó khùng thật! Như bị cuốn vào một cơn giận không kìm hãm nổi, hắn thiếu điều muốn đưa chân đá cái xác chết. Và hắn lại tiếp lời, tuy là nói cho ông chú nghe nhưng cũng để tự nhủ: -Cô ấy bị những bóng ma quá khứ ám ảnh cho đến lúc chết! Cô ấy đã không đủ can đảm để chạy trốn khỏi tôi, người chỉ sống chung với cô ta vỏn vẹn có hai năm! Suốt đời, cô ấy đã chịu kiếp nô lệ. Tôi thù ghét cái giống người "cầu trời bằng tiếng mẹ đẻ"! (1) Kirigirisu (sauterelle, grasshopper) đáng lẽ phải dịch là châu chấu hay cào cào nhưng người Nhật vẫn thường dùng chữ này trong văn chương (như thơ Waka trong Kokinshuu hay Haiku của Bashô) để chỉ một loài dế biết gáy (chữ Hán là tất xuất). Theo từ điển Kôjien, kirigirusu là âm cổ của koorogi (dế, cricket). Thiết tưởng theo văn mạch, nên dịch là dế mới đúng vì không nghe nói châu chấu gáy. (2) Có lẽ là một loại hoa trồng làm cảnh như dạ lan, nguyệt hạ hương hay thủy tiên. Hương thơm và nở về đêm. Xin xem thêm Truyện số 30: "Nguyệt hạ mỹ nhân". (3) Câu bé tí hon (Issunbôshi hay Nhất thốn pháp sư) từ truyện chép trong Tập cổ tích Nhật Bản (Otogi Zôshi) được in ra ở Edo vào đầu thế kỷ 18. Tuy thân hình cao có mỗi một tấc (ta) nhưng cậu rất giỏi giang, lập nhiều công trạng hiển hách như diệt quỉ sứ, cứu dân lành, sau được cưới công chúa. (4) Kagawa là một tỉnh nằm ở miền bắc đảo Shikoku. (5) Thành phố du lịch nằm phía đông nam, cách Tôkyô khoảng 150 km. (6) Một shaku là
30, 3 cm, vị chi độ cao trên 90 m, ý nói rất cao.
Trang điểm bằng chanh là cách tiêu hoang duy nhất của người con gái. Nhờ đó mà da thịt của nàng trắng mịn tựa một làn hương mát rượi. Nàng cắt quả chanh làm tư rồi lấy một miếng vắt ra làm dung dịch trang điểm cho hôm ấy. Ba miếng còn lại thì dùng giấy thật mỏng dán lên trên vết cắt và để dành qua một bên. Nếu da thịt nàng không mát dịu nhờ cái kích thích nhẹ nhàng của những giọt chanh vắt kia thì nàng không thể nào cảm thấy được buổi mai trong ngày. Khi người yêu không có mặt, nàng lén thoa chất nước quả ấy cho thấm vào bầu vú và lên đùi mình....Khi hôn nàng, chàng ta nói như thế này: -Mùi chanh! Em là người con gái đã bơi trên một dòng sông chanh để đến đây....Này, nếm xong vị chanh, anh đâm ra muốn ăn cam quá. -Vâng được. Nàng trả lời như vậy rồi lấy một đồng bạc 5 sen đi mua một quả cam nhỏ. Làm như thế nàng đành đánh mất niềm vui được cảm thấy hương chanh tỏa trên da thịt khi từ bồn tắm bước lên. Trong nhà của hai người, ngoài một đồng bạc trắng và hương chanh, không còn có gì khác. Thế rồi, trên đống tạp chí cũ chất cao tạm dùng làm bàn viết, người con trai ngồi soạn những vở kịch bán ra chẳng ai mua, còn thêm cái tội là dài lê thê nữa. -Vì em, anh sẽ đưa cảnh một rừng chanh vào trong một màn của vở kịch này, em nhé. Anh chưa bao giờ nhìn thấy rừng chanh nào nhưng màu sắc những đồi cam quít vừa chín tới thì đã có lần được ngắm ở vùng Kii (1) rồi. Vào những đêm mùa thu trăng sáng, du khách từ Ôsaka nườm nượp kéo đến xem. Dưới ánh trăng, những quả cam ẩn hiện như đốm lửa ma trơi (2) để rồi tất cả trở thành một biển lửa lung linh chỉ có thể thấy được trong giấc mơ. Màu vàng của chanh tươi sáng hơn màu cam quít nên dễ gây được cảm giác nồng ấm hơn. Nếu như mình biểu lộ được cái ấn tượng đó lên sân khấu thì... -Ừ nhỉ! -Nó nhảm lắm sao, em? ...Thực ra, anh thấy mình khó lòng viết một vở kịch có màu sắc tươi sáng của vùng nhiệt đới (Nangoku) như thế. Thôi để khi nào anh nổi tiếng, góp mặt được với đời rồi hãy tính... -Tại sao con người ai cũng cứ phải nghĩ đến chuyện nổi tiếng? -Bởi vì họ không thể sống thiếu nó. Thế nhưng hiện nay anh vẫn chưa biết chắc là tiếng tăm có đến với mình không. -Riêng em, em không cần nổi tiếng. Tiếng tăm mang lại được gì nào? -Hưừm. Ở điểm này, cách suy nghĩ của em mới mẻ đấy. Cứ xem lớp sinh viên thời nay, chúng không hiểu có nên thù ghét cái nền móng mà chúng đang đứng trên đó hay không. Nếu không thù ghét thì chúng cũng nghi ngờ. Chúng cảm thấy phải đạp đổ nền móng ấy và biết rằng nó sẽ bị hủy hoại. Thành công trong xã hội có nghĩa là leo lên những nấc thang vốn đặt lên trên một nền móng mà con người thấy cần phải đạp đổ. Cho nên càng leo cao càng nguy hiểm.Tuy nhiên điều này không ngăn bất cứ ai, dù đương sự hay những người chung quanh, cố gắng leo tiếp. Ngày nay, chuyện thành công trên đường đời có nghĩa là đánh mất lương tâm nhưng đó lại là dòng chảy chính của thời đại. Kẻ vì nghèo mà đâm ra bi quan như anh thuộc nhóm người cổ hủ. Còn em tuy nghèo nhưng tươi tắn như một quả chanh nên mới là tân tiến. -Tuy nhiên, em chỉ là người yêu của kẻ nghèo. Đàn ông ai cũng muốn làm nên danh phận và trong đầu họ chỉ bị ám ảnh vì điều đó. Đàn bà thì không thế, họ có thể được chia làm hai loại: người yêu của kẻ nghèo và người yêu của kẻ giàu có. -Đừng có tự cao! -Nhưng anh thế nào rồi cũng có danh phận cho coi. Thật đấy. Con mắt nhìn đàn ông của em chính xác không thua gì mắt vị thần quản lý vận mệnh con người. Đương nhiên là anh sẽ thành công. -Rồi bỏ rơi em chứ gì? -Nhất định là thế. -Cho nên em muốn cản bước danh vọng của anh? -Không đâu anh ạ. Bất luận người nào thành công, em đều mừng cho họ. Em thấy mình giống như một cái tổ chim mà nơi đó, những cái trứng gọi là danh vọng sẽ được nở ra. -Đừng ăn nói vớ vẩn. Nghe em gợi chuyện mấy ông bồ cũ, anh bực cả mình. Em chỉ quí phái ở cái chỗ là biết dùng chanh làm đồ trang điểm. -Coi kìa, chuyện đó à?. Một quả chanh giá chỉ có 10 sen, đem cắt ra làm tư vị chi mỗi miếng là 2 sen 5 ri. Em chỉ tốn có 2 sen 5 ri mỗi ngày thôi mà. -Thế em có muốn khi chết đi, anh trồng cho em một cây chanh ở trước mồ không? -Ừ nhỉ, nhiều khi em cũng hay mơ mộng chuyện này chuyện nọ. Nếu như em chết, trước mộ em sẽ không có bia, chỉ có cái bài vị (stupa) (1) dành cho người nghèo nhưng thế nào cũng sẽ có nhiều nhân vật quan trọng mặc áo đuôi tôm đi xe hơi đến viếng em và cúi đầu trước nó. -Ngừng ngay chuyện mấy nhân vật sang trọng của em đi. Hãy dẹp quách cái ảo vọng thành công đó cho anh nhờ. -Nhưng thế nào anh cũng chóng có danh phận thôi mà! Đúng như lời nói, niềm tin của nàng chẳng khác gì định mệnh, nó không hề lay chuyển. Cách đánh giá của nàng về tương lai đám đàn ông cũng giống như của vị thần quyết định vận mệnh con người, nghĩa là chưa bao giờ lầm lẫn. Vì vậy nàng không chịu đi lại với những ai bất tài, khó có cơ hội thành công. Ông anh họ, người yêu đầu tiên, vốn đã đính hôn với một vị hôn thê, người cũng là cô em họ khác của anh ta. Thế nhưng anh chàng đã bỏ rơi cô gái giàu có này để đến với nàng trên một căn nhà trọ ở gác hai và họ sống một cuộc đời nghèo khó như một manh yukata rách mướp. Năm tốt nghiệp đại học, anh đậu hạng ba trong cuộc thi tuyển viên chức ngoại giao và được bổ nhiệm ở Tòa đại sứ Nhật tại Roma. Người cha của cô em họ giàu có đã đến lạy lục nàng để buông tha anh ta và nàng đã nhận lời. Người yêu thứ hai của nàng là một sinh viên y khoa túng quẫn. Anh này đã bỏ nàng để đi lấy vợ vì muốn có tiền mở phòng mạch. Người yêu thứ ba là một tay buôn bán ra-đi-ô nghèo, cửa hàng nằm trong đường hẻm. Lấy cớ là lỗ tai nàng có tướng tán tài, anh chàng đã bỏ trốn nhưng kỳ thực là dọn ra một con đường lớn. Ngoài mặt đường lớn vốn có nhà của cô nhân tình. Còn nàng, anh ta đã để mặc trong con hẻm mà hai người đã sống bên nhau suốt thời hàn vi. Đến anh người yêu thứ tư thì...Người yêu thứ năm lại là .... Nhà soạn kịch nghèo, người yêu sau này của nàng, thì kể từ sau khi các nhà nghiên cứu khoa học xã hội có khuynh hướng cấp tiến đùn đùn ra vào căn nhà anh ta, cuối cùng đã viết xong một vở kịch dài. Y như lời đã hứa với nàng, anh đã đưa vào đấy một đoạn có cảnh cái rừng chanh.Thế nhưng anh không thể tìm ra trong thực tế xã hội một rừng chanh tươi sáng nên đành để nó vào màn vĩ thanh (epilogue) của vở kịch. Trong màn đó, một đôi nam nữ – sau khi lật đổ cái mà anh gọi là nền móng – đã trò chuyện với nhau về một xã hội lý tưởng là cái rừng chanh ấy. Dù sao, nhờ ở vở kịch này mà anh đã có được người yêu mới là cô đào tài sắc của một gánh cải lương (Shingeki). Giống như mọi lần, nàng - cô gái thích chanh - lại rút lui. Đúng như những gì nàng tiên liệu, danh vọng đã đến với nhà soạn kịch. Anh ta leo được lên thang. Người yêu kế tiếp của nàng là một công nhân, đôi khi có đến nhà anh soạn kịch và hùng hổ lên tiếng kêu gọi. Thế nhưng, khổ thay, không biết có phải vì cái tài tiên đoán thiên phú về vận mệnh đàn ông của nàng giờ đã chậm lụt mất hay sao mà anh đàn ông này không hề tìm ra danh vọng. Chẳng những thế, bị xem là một kẻ chuyên đi khích động, anh ta còn mất việc nữa. Lúc đó, coi như nàng đã mất hết tài đánh giá đàn ông. Nàng chỉ sống khi còn có được cảm giác đó. Đời nàng vậy là chấm hết. Có phải vì nàng đã quá mệt mỏi với câu chuyện danh vọng hay lầm lẫn trong cách phán đoán ở một tầm cỡ nào đó. Hôm đám tang của nàng, nhà soạn kịch vinh quang bước lên sân khấu. Lời đối thoại của cô đào thủ vai chính cũng là người yêu mới giống như lập lại những điều cô gái yêu chanh thường phát biểu. Ngay khi vở kịch thành công rực rỡ này vừa chấm dứt với màn vĩ thanh, nhà soạn kịch đã thu thập tất cả những quả chanh có trên sân khấu và chở bằng xe hơi chạy vù đến bên ngôi mộ "người yêu của kẻ nghèo". Thế nhưng trước tấm bài vị, chẳng hiểu ai đã đem tới cúng vô số những ngọn đèn hình quả chanh. Chúng chồng chất lên nhau và sáng rỡ như những vầng trăng sắp tròn (4) -Ô kìa, nơi đây
có cả một rừng chanh cơ à!
Một Hôm nay là ngày kết thúc dịp lễ Vu Lan, lại trùng với một chủ nhật. Chồng của Kayoko từ sáng đã ra sân vận động của trường trung học để dự đại hội bóng chày (dã cầu) nghiệp dư trong tỉnh, giờ cơm trưa, anh có ghé ngang nhà một tẹo rồi lại lên đường. Trong khi đang nghĩ đã đến lúc phải sửa soạn buổi cơm chiều, Kayoko bỗng nhớ lại một sự việc kỳ quái. Lý do là manh yukata nàng mặc hôm nay vốn là chiếc áo đã được khoác lên hình nhân làm mẫu (mannequin) đặt trong cửa kính một cửa hiệu gần nhà nàng ở quê nhà. Mỗi ngày, khi đi ra chỗ xe điện đậu trên con đường từ nhà đến sở và khi trở về, bên trong cửa kính bày hàng của một cửa hiệu, nàng vẫn thấy hình nhân ấy đứng một mình lẻ loi. Tuy mỗi mùa hình nhân khoác lên người những bộ áo khác nhau nhưng lúc nào cũng giữ nguyên một tư thế. Trong cửa hiệu nằm heo hút ở cuối dãy phố, cái hình nhân bị buộc phải giữ nguyên tư thế kia đã làm cho Kayoko cảm thấy tội nghiệp làm sao. Thế nhưng suốt thời gian ngắm nhìn liên tục, Kayoko có cảm tưởng những biểu hiện trên khuôn mặt hình nhân cũng thay đổi từng ngày. Chẳng bao lâu nàng còn nhận ra là những tình cảm hiện ra trên khuôn mặt hình nhân là những tình cảm mình đang mang trong lòng. Đến một hôm thì ngược lại, cô đã dựa vào tình cảm biểu lộ trên mặt của hình nhân để phỏng đoán tình cảm của chính mình ngày ấy. Mỗi sáng mỗi chiều khi ngang qua đó, cô nhìn khuôn mặt của hình nhân như người đang xem bói. Khi cuộc hôn nhân của Kayoko đã được định đâu vào đấy, nàng bèn đến cửa hiệu mua chiếc yukata mà hình nhân đang mặc trên người. Nàng muốn có nó như món đồ kỷ niệm. Kayoko nhớ lại hồi đó, mỗi ngày nàng còn thấy trong lòng mình có nhiều lúc vui lúc buồn hơn là bây giờ. Trong ánh nắng chiều đến từ phía Tây, người chồng với gấu áo yukata giắt vào trong thắt lưng obi, gương mặt đỏ ké dưới cái nón rơm, đã về tới nhà: -Eo ôi, nóng quá. Đầu cứ quay mòng mòng.. -Mồ hôi nhễ nhại ra kìa. Mình mau đi tắm đi. -Ừ nhỉ! Tuy người chồng không mấy hứng khởi nhưng vì bị Kayoko đưa khăn và xà phòng đến tận tay nên đành đi ra nhà tắm công cộng. Lúc ấy, Kayoko vẫn chưa nướng xong mấy miếng cà tím trên vĩ (vỉ)sắt nên cảm thấy việc chồng đi khỏi nhà đã giải thoát cho mình. Thông thường, anh ta hay đến bên cạnh nàng, nâng nắp nồi canh, mở chạn đựng thức ăn (1) xem chừng ruồi nhặng trước khi giảng giải dài dòng về cách thức nướng cà tím và hình như không để ý đến sự bực bội của vợ. Người chồng từ nhà tắm trở về, vứt xà phòng và khăn tắm qua một bên rồi ngả lăn xuống mặt chiếu giữa phòng khách mà ngủ. Gương mặt còn đỏ hơn khi nãy và thở có vẻ khổ sở. Kayoko kê gối cho anh nằm và bắt đầu để ý đến tình trạng sức khỏe của chồng. -Em đắp khăn ướt cho mát nghe? -Ừ! Nàng vắt khăn ướt rồi đắp lên đầu chồng, mở cánh cửa giấy (shôij) qua một bên cho thông gió rồi lấy chiếc quạt lớn tráng bằng chất chát quả hồng (shibu-uchiwa) thường dùng trong bếp, quạt qua quạt lại cho anh. -Thôi, được rồi mà. Đừng lo cho anh thái quá. Người chồng đặt hai tay lên ngực, chau mày. Kayoko lặng lẽ để lá quạt xuống, đi mua ít nước đá để chuẩn bị chiếc gối ướp lạnh cho anh. -Nước đá à? Lạnh chết. Nói thế nhưng anh vẫn không từ chối, để yên cho vợ làm theo ý nàng. Một đỗi sau, người chồng ra ngoài hiên nhà và nôn thốc nôn tháo một chất lỏng màu trắng, đầy những tăm bọt. Anh không quay đầu lại nhìn cốc nước muối Kayoko đem đến cho mình nhưng nằm vật xuống và mặt ngửa lên trời. -Mình xơi cơm nhé? Chắc bụng đói rồi chứ? Bây giờ, khuôn mặt của người chồng không còn đỏ như ban nãy mà tái mét. -Đem mấy chậu nước dội giùm chỗ anh vừa nôn đi. Người chồng lên tiếng dặn dò xong, hơi thở trở nên điều hòa rồi chìm dần vào trong giấc ngủ. Kayoko đưa mắt nhìn xem chồng ngủ như thế nào. Sau đó một lúc, nàng mới bắt đầu lặng lẽ ăn cơm một mình. Trên mái nhà lợp tôn, có tiếng rơi lộp độp rồi cuối cùng một cơn mưa rào đổ ập xuống. -Này, đằng sau nhà có quần áo phơi không đấy? Tiếng mưa đổ mạnh đánh thức người chồng. Kayoko vội buông đũa. Khi nàng đem đồ đang phơi vào trong và trở lại bàn thì người chồng đã nhắc: -Mình đã đậy nắp bình sake uống còn thừa rồi chứ hở? Kayoko cũng chưa làm chuyện đó. Người chồng vẻ mặt khó chịu, thở dài một tiếng tỏ vẻ ngao ngán rồi nhắm mắt ngủ trở lại. Gặp ngày xui xẻo, mọi sự đều xui. Trong màn hình như có muỗi chui vào. Kayoko thấy ngứa bèn choàng tỉnh. Nàng bèn bật đèn lên và ngồi nguyên trong màn, rình cho muỗi xáp lại gần mình. Đợi mãi mà con muỗi không chịu ló mặt. Nàng bèn lấy quạt đập vào mọi góc nhưng vẫn không sao tìm ra nó. Nghĩ rằng bóng tối có lợi hơn cho mình nên Kayoko bèn tắt đèn điện. Một lát sau, khi muỗi vừa đến đậu trên trán, nàng bèn đập một cái rõ mạnh. Tất cả những động tác đó đều được làm với ý tứ không làm gì để cho giấc ngủ của người chồng bị quấy rầy. Vì mắt ráo hoảnh, Kayako bèn ra ngoài hiên, mở hé một tị cánh cửa kính. Tuy là đêm có trăng nhưng trăng lại bị mây che nên trời có hơi tối. -Này! Không ngủ à? Trời đã sáng đâu nào! Có tiếng cự nự của người chồng từ gian phòng. Khi Kayoko chui lại vào màn thì anh ta lại hỏi: -Khóc hả? -Không, em có khóc đâu! -Hưừm. Khóc thì cứ khóc. Đâu có sao nào! -Việc gì em phải khóc? Nhưng lúc đó, người chồng đã trở mình, nằm quay lưng lại phía nàng. Hai Hôm qua hình như Kayoko ăn phải món hàu không được tươi nên bụng hơi khó tiêu. Nàng không vào giường mà chỉ nằm dài ra trước lò sưởi bằng than (hibachi) đối mặt với người chồng. Bỗng dưng nàng muốn chồng mình thổ lộ thêm về Michiko nên dần dần, đặt những câu hỏi có vẻ thúc bách. Giọng của chồng nàng thì vẫn chậm rãi, bình thản. -Anh nhận ra Michiko thương anh từ cái hồi anh hỏi cô ấy: "Michiko-chan đã đến tuổi lấy chồng rồi đó, em muốn có người chồng như thế nào, nói anh nghe coi!". Lúc đó, hình như Michiko đang sửa soạn món trứng tráng (omelet) cho anh ăn nhưng sao không thấy cô ấy trả lời. Khi anh lên tiếng; "Này, nếu em không chịu nói làm sao anh đoán được!" thì cô ấy vẫn đứng nguyên tư thế, không quay lại nhìn anh, và trả lời thật nhanh: "Được người nào như anh là đủ". Nghe anh bảo: "Người như anh hả? Anh hay rượu chè mà cũng được à?" thì cô ấy đáp: "Uống rượu cỡ anh thôi thì đâu có vấn đề!" rồi thoắt cái, bỏ lên gác mất. Trước đây Kayoko đã có dịp nghe câu chuyện này nhưng cô vẫn thích nghe lại. Cô gái tên Michiko là em họ của người chồng. Giờ đây câu chuyện cũ ấy có phần nào khỏa lấp căn bệnh đau bụng của cô. -Thế thì phần mình thì mình nghĩ thế nào về chị Michiko vậy? -Có nghĩ gì đâu! Anh em họ mà! -Được người xinh đẹp cỡ đó lại thốt ra một câu như vậy mà không rung động. Mình vô tình quá đấy nhé! -Cô ấy thể chất hơi yếu đuối nên anh không dám lấy làm vợ. Đối với người mà mình không có chủ ý lập gia đình thì rung động để làm gì, hở em! -Thế rồi cái món trứng tráng chị Michiko đang làm cho anh lúc đó, nó đã ra sao? -Trứng tráng hở? Khéo hỏi chưa! Thì ăn mất chứ sao. Kayoko nghĩ rằng người chồng có lẽ cũng từng có lúc đứng bên cạnh Michiko để giảng giải về cách thức làm món trứng tráng cho nên khi cô em họ bỏ lên gác, anh ta phải tự tráng lấy trứng. Nghĩ đến đó, Kayoko thấy có gì hơi lạ lẫm. Người chồng bảo: -Thay vì hỏi mấy chuyện này, bà đi chợ nhanh lên cho tôi nhờ? Bốn giờ chiều rồi đó. Thoạt nhiên, trong lỗ tai Kayoko như có tiếng rít của cơn bão mùa thu và bụng cô đau. Biết rằng trong người cô không khỏe mà vẫn sai cô ra ngoài giữa khi trời lạnh lẽo thế này, người chồng của cô thật tệ. Có thể nào anh ta lại không phân biệt được vẻ tươi cười của mình khi nói chuyện với thái độ ỉu xìu lúc thúc vợ ra ngoài đi chợ. Trên đường đi chợ mua đồ, Kayoko cảm thấy lên cơn ớn lạnh, phải ngồi xuống nghỉ một lát trong một con hẻm. Nàng nghĩ chồng mình phải là một con người lạnh lùng tàn nhẫn nên mới có thể từ khước một cách thẳng thừng tình yêu của Michiko. Đứng trước một kẻ như vậy, có thể xem Michiko mới là người hạnh phúc vì cô ấy chỉ phải bày tỏ mỗi một lần và bằng một cách vụng về, chất phác tình yêu của mình thôi. Ngày nào đó biết đâu người chồng chẳng nghĩ rằng chỉ có Michiko là người con gái độc nhất đã đem lòng yêu anh. Cứ nhìn tính nết của anh là có thể nghĩ được như vậy. Khi Kayoko về đến nhà, người chồng đã đi tắm. Nàng xuống bếp thì trong người bỗng nổi một cơn rét run như có ai dội nước lạnh lên sống lưng. Bụng đau. Nàng vội bỏ ngang việc sửa soạn bữa cơm chiều và vào trong phòng nằm vùi. Từ nhà tắm công cộng trở về, anh chồng hỏi: -Ốm à? Để sửa soạn lồng ấp (2) cho nhé? Kayoko lắc đầu nhưng người chồng vẫn đem cái lồng ấp vào. Khi nàng tỏ ý lo lắng cho bữa cơm chiều thì anh ta nói: -Anh không hề chi đâu. Nói xong anh đóng ngăn cửa kéo lại và đi ra ngoài. Từ gian bên cạnh Kayako nghe tiếng húp cơm chan canh nước trà xanh (3). Dù nàng đã lấy đồ ra để làm cơm nhưng người chồng thích dạy dỗ chuyện bếp núc kia lại có vẻ lấy đó làm phiền toái. Dù sao, tiếng húp cơm chan trà kia giống như hành động của người muốn ăn cho xong bữa. Nhìn gương mặt của Michiko trong tập ảnh, Kayako thấy mình không có gì qua mặt được cô ta nhưng ít nhất, nàng khỏe mạnh và đây là ưu điểm khiến cho người chồng chọn nàng làm vợ. Kayako nghĩ là có thể nội ngày mai, nàng sẽ khỏe lại thôi. Nhưng lòng nàng vẫn nặng trĩu bất an và nếu đem đặt bên cạnh nó thì tiếng cắn dưa món takuan (4) ròn rã trong phòng bên cạnh cũng chưa thể làm nàng an tâm cho được. Nhưng lúc sau này, những tiếng lầu bầu khó chịu của người chồng cũng đã có phần giảm đi so với hồi mùa hè.
![]() Cành dâu trông như chuỗi san hô Hiu hiu làn gió,
Cô bé học sinh tiểu học vừa hát như vậy khi men theo con đường núi về nhà. Lá những cây sơn đã nhuộm sắc đỏ. Căn gác hai của cái tiệm ăn nhỏ cũ kỹ làm như không ngại làn gió thu, cứ để cửa mở toang. Từ con đường nhìn lên nơi đó, có thể thấy cả những bờ vai của mấy anh thợ vỡ đất đang lặng lẽ chú tâm vào canh bạc. Anh chàng phát thơ ngồi bệt xuống hiên nhà, thọc ngón tay cái ấn vào bên trong đôi giày vải (tabi) (2) đã rách để chỉnh lại. Anh ta đợi người đàn bà vừa nhận xong cái bưu kiện nhỏ đi trở ra. -Này, có phải bộ áo đó không em? -Đúng, chính nó. -Ừ, anh cũng nghĩ đã đến mùa phải gửi áo kép. -Bực mình ghê. Làm như mọi chuyện của em anh đều biết hết... Giờ đây người đàn bà đã mặc kimono kép mới toanh mà cô vừa lấy ra khỏi bọc gói bằng giấy quang dầu. Cô ngồi xuống hàng hiên và vuốt lại những nếp vải nhàu trên đầu gối. -Không biết sao được. Này, thơ người ta gửi cho em hay thơ em gửi đi tôi đều đọc hết. -Bộ anh tưởng những gì viết trong thơ đều là sự thật hay sao? Nó không phù hợp với cái nghề em làm. -Nhưng tôi thì không đi theo một cái nghề gian dối như em. -Thế hôm nay có ai gửi cho em lá thư nào không? -Không. -Cả loại thư không dán tem? -Cũng không nốt. -Cái mặt anh đáng nghi quá! Em cho anh vay nhiều rồi đó nghe. Coi bộ chừng nào anh thành bộ trưởng bưu điện, anh dám đặt ra luật miễn dán tem cho mấy bức thư gạ tình lắm, thế nhưng nay chưa phải lúc đó đâu nhé! Bây giờ anh chỉ biết viết mỗi mấy câu tán tỉnh cũ rích như kẹo Triều Tiên bị ỉu (3). Chao ôi, đem thư mình viết ra rồi đi phân phát và bảo là thư của em đây nè. Trả tiền phạt đi. Ít nhất là tiền tem. Em đang cần tiền tiêu vặt. -Nói nhỏ chút coi! -Thế thì xùy tiền ra đi! -Chịu thua em thật! Anh ta mới móc trong túi ra một đồng tiền bằng bạc và thảy nó xuống hiên nhà. Nhặt giây xách kéo cái túi da về phía mình, anh vươn vai đứng dậy. Một anh thợ vỡ đất với mỗi manh áo vắt vai xuống nhanh như tuột từ căn gác hai. Nhìn cặp mắt và cái mũi nhọn sắc, có cảm tưởng như Đấng Tạo Hóa đã đặt nó lên mặt anh ta trong lúc ngài buồn ngủ vì đã chán chê cái việc chế tạo loài người. -Tiền để rơi đó à? Cho mượn đỡ đồng 50 sen kia nghe, chị cưng! -Nói gì kỳ cục vậy, cha nội. Cô vội vã nhặt đồng bạc lên và nhét vào bên trong giải obi. Một đứa bé chạy đuổi theo cái niềng bánh xe nó đang đánh. Âm thanh của kim loại vang lên tiếng động của mùa thu. * * * Cô gái con nhà người đốt than vác một bị than trên lưng đi xuống núi. Cô còn đèo thêm một cành dâu bạc thật lớn, oai phong như Cậu bé quả đào (Momotarô) (4) từ đảo Quỷ vương (Onigashima) trở về. Cành lá màu xanh (bạc) ấy chi chít những quả dâu chín đỏ, tựa hồ một nhánh san hô. Cô mang cả than lẫn cành dâu xuống dưới làng là để đi cảm ơn một ông bác sĩ. -Chỉ biếu than thôi thì có được không hả bố? Trước khi ra khỏi túp lều đốt than, cô đã hỏi người cha đang nằm trên giường bệnh. -Con thưa với thày là nhà mình chẳng có gì ngoài mớ than. -Nếu là than bố đốt thì đủ lễ rồi đó nhưng đây là than con đốt cơ mà. Con mắc cỡ quá. Hay là mình đợi lúc bố khỏe đi đốt lấy thì có hơn không? -Lên núi kiếm thêm ít quả hồng đi vậy. -Mình làm thế nhé! Tuy nhiên, giữa khi chưa hái trộm được quả hồng núi nào thì cô gái đã xuống tới vùng có ruộng lúa mất rồi. Màu đỏ tươi tắn những cây dâu bạc mọc bên bờ ruộng đã quét sạch khỏi đôi mắt cô niềm u ẩn của người đang muốn trộm đồ. Cô đưa tay lên víu lấy cành. Cành chỉ oằn mà không gãy. Cô lại đưa hai tay lên đu và kéo thật mạnh. Bất chợt một cành lớn bị gãy lìa khỏi thân cây khiến cho cô té bệt mông dưới đất. Vừa cười thật tươi vừa nhón vào mồm hết quả dâu này đến quả dâu khác, cô tiếp tục đi xuống phía làng. Nhựa chát của quả làm tê tê đầu lưỡi. Có mấy cô bé tiểu học đang trên đường từ trường về: -Cho em xin! -Cho em xin! Cô gái mỉm cười và lẳng lặng chìa cành cây đỏ thắm như nhánh san hô về phía chúng. Năm sáu đứa trẻ thay nhau bứt những chùm quả đỏ cho mình. Cô gái đã tới làng. Người đàn bà trong cái quán ăn nhỏ đang ở ngoài hiên. -Ôi chao, đẹp quá! Dâu bạc phải không nào? Em đem đi đâu vậy? -Đem biếu ông bác sĩ. -Có phải em là người mà gia đình đã đem cáng xuống rước bác sĩ lên núi khám bệnh đấy không? ......Dâu này còn đẹp hơn mấy viên kẹo đỏ Triều Tiên. Cho chị một quả! Cô gái chìa cành dâu bạc về phía trước. Khi cành cây nằm ngang đùi của người đàn bà thì cô bỏ tay ra. -Thế chị xin có được không? -Được ạ. -Nguyên cả cành cơ à? -Vâng, phải. Cô gái như ngơ như ngẩn trước bộ kimono kép bằng tơ Meisen (5) của người đàn bà. Thẹn đỏ mặt, cô vội vã đứng lên rồi đi khuất. Người đàn bà nhìn xuống cành dâu bạc dài ít nhất hai lần rưỡi chiều ngang đùi mình và ngạc nhiên không kém. Cô nhón một quả vào miệng. Cái vị chua và lạnh làm cô nhớ lại ngôi làng xưa của mình, nơi người mẹ từng gửi tấm kimono kép cho cô nay cũng không còn ở đó nữa. Đứa bé chạy đuổi theo cái niềng bánh xe nó đang đánh. Âm thanh của kim loại vang lên tiếng động của mùa thu. Người đàn bà cho tay vào giải obi được che bởi cành dâu quả đỏ như nhánh san hô và lấy ra cái đồng bạc 50 sen. Cô gói nó trong mảnh giấy và ngồi đợi cô gái con nhà người đốt than khi đi qua đây trên đường về. Có cô bé học trò vừa men theo con đường núi về nhà vừa cất tiếng hát: Hiu hiu làn gió,
(5) Meisen: một loại lụa do vài thành phố vùng Kantô (miền Đông Nhật Bản chung quanh Tôkyô) sản xuất.
Một người bạn cũ của tôi là họa sĩ tranh Tây phương đem đến tặng hai bức tranh vẽ cảnh trời tuyết. Chúng tôi vừa xem tranh vừa ngồi trò chuyện với nhau trong phòng khách. Bất đồ người bạn ấy đứng dậy, bước đến đầu hành lang và nhìn ra ngoài vườn. -Chim thước tới kia kìa! -Chim thước gì? Tôi lập đi lập lại cái tên ấy nhiều lần. -A, đó là chim thước đấy ư? -Phải, chim thước. -Thật sao? Ở Kamakura mà cũng có chim thước nhỉ? Tôi nói như không dám tin là sự thật. Bạn tôi là họa sĩ chuyên vẽ phong cảnh, đã từng đi nhiều nơi núi đồi đồng ruộng để vẽ cho được sống thực. Anh cũng rành về chim chóc nên không thể nói là anh lầm. Thế nhưng không hiểu tại sao tôi vẫn thấy khó chấp nhận rằng con chim vừa đến ở ngoài vườn là một con chim thước. Sự ngờ vực của tôi không phải vô cớ. Vừa khi nghe cái tên chim thước, tôi đã nhớ lại những bài thơ (Waka) xưa của Nhật Bản mà trong đó cái tên chim thước (kasasagi) đã bao lần được nhắc đến. Còn có chuyện "chiếc cầu chim thước bắc qua" (kasasagi no wataseru hashi) nữa kia. Đêm Thất Tịch (Tanabata, mồng bảy tháng bảy âm lịch), để giúp cho Ngưu lang (Hikoboshi) và Chức nữ (Tanabata) có thể gặp nhau bên bờ sông Ngân (Amanokawa), lũ chim thước đã giăng cánh bắc cầu. ![]() Một giống chim thước Con chim thước đó mỗi ngày cứ thế mà đến ngoài vườn nhà tôi. Hôm tôi được nghe người bạn nói về chim thước nhằm năm sáu bữa sau lễ Thất Tịch. Dù người bạn tôi có nói sai và chim kia không phải là chim thước, mỗi bận có ai tới thăm thì có lẽ tôi vẫn bảo: -Ngoài vườn hay có chim thước đến chơi đấy. và chỉ cho họ xem con chim ấy. Thế nhưng trong lúc người bạn họa sĩ bảo "Chim thước tới kia kìa" và đi ra đầu hành lang để xem chim thì tôi vẫn ngồi nguyên trong phòng khách. Tuy có lên tiếng: "Khoảng sáu bảy cho đến mươi con chim ấy thường đến vườn tôi!" nhưng tôi lại không đứng lên đi theo bạn ra đầu hồi để xem chim. Chỉ vì tôi đã bao lần nhìn và quen mắt với những con chim đó. Thay vì ra ngoài hành lang, tôi ngồi lại và suy nghĩ về cái tên của giống chim ấy. Khi vừa nghe bạn nói xong, cái tên "chim thước" kia đã thấm sâu vào trong tâm khảm của tôi rồi. Nay biết được nó là giống chim ấy, nếu đem so với thời tôi chưa biết về nó như trước đây, thì trong lòng tôi, con chim này không còn là con chim ngày xưa nữa. Thật ra, không thiếu chi những cái tên có thể gây ra hiệu quả như thế nhưng tên "chim thước" đã khơi dậy bàng bạc trong lòng tôi dòng thơ Waka cổ điển Nhật Bản và khiến tôi có cảm tưởng như mình đang nghe một tiếng suối reo xa vắng. Vì lũ chim kia thường xuyên đến bên vườn nên chúng đã trở thành thân thiết với tôi. Đến nay, đôi khi tôi vẫn đặt câu hỏi cho nhà tôi: "Chim gì vậy nhỉ? Trông giống như giống ác là đuôi dài (onagadori) nhưng so với ác là thì thân hình nó lại quá to. Tên nó là gì hở bà?" Trong khi chưa biết đến tên chim tôi vẫn thầm mong ngày ngày chúng sẽ đến thăm vườn. Tôi cầu mong năm nay, năm sau và những năm sau nữa, chúng vẫn tiếp tục đến cho. Khi đến, chúng thường đi thành đàn gần mươi con. Từ cành cây trong vườn, chúng hạ cánh xuống bãi cỏ và đi kiếm mồi. Tuy tôi muốn rải mồi cho chúng nhưng lại chẳng biết mồi ấy phải làm bằng những thức gì. Ngôi nhà tôi nằm gần tượng Daibutsu (Đại Phật) (2) ở Kamakura, đâu lưng vào một ngọn đồi nhỏ. Đằng sau ngọn đồi ấy lại có biết bao đồi núi khác kéo dài mãi vào sâu cho nên chim chóc thường lui tới nhà tôi. Tùy theo mùa, có từng đàn chim nhỏ không biết từ đâu bay về nhưng trên ngọn đồi phía sau nhà, còn có những con chim sống ở đấy tự lâu đời. Se sẻ thì không nói làm gì, còn có cả diều hâu, oanh, cú vọ (konohazuku) nữa. Tiếng kêu của chúng dễ phân biệt và tôi rất thích nghe. Mỗi mùa, lúc thì được nghe oanh hót, lúc thì được nghe cú rúc nên tôi luôn vui mừng: -A ha, năm nay chúng mầy lại ghé thăm ta lần nữa đấy! Vì sống trong ngôi nhà này từ hai mươi năm, tôi đã quen với lũ chim suốt ngần ấy năm.Tôi cứ ngỡ chúng đã tiếp tục sống không thay đổi trong hai mươi năm trời đó. Không lần nào tôi thử tìm hiểu về tuổi thọ của loài chim. Lúc chợt nhận ra sự lơ đễnh của mình, tôi giật bắn người như bị ai chích. “Đời của chim oanh dài khoảng mấy năm nhỉ? Còn diều hâu thì sống được bao lâu hè?" Tôi có lần hỏi nhà tôi: "Mỗi năm, mình cứ tưởng vẫn là con oanh ấy, vẫn là con diều ấy nhưng từ hai mươi năm trước cho đến nay, có lẽ đã đến thế hệ oanh thứ mấy hay thế hệ diều thứ mấy rồi cũng không chừng, bà nhỉ?" Vào những ngày đầu xuân, chim oanh mới nở cất tiếng kêu chiêm chiếp như đứa bé sơ sinh, sau khi luyện tập một cách năng nổ từ ngày này sang ngày khác, chim đã biết hót. Mỗi năm tôi đều được nghe chim tập hót nhưng tôi không biết đó có phải là con chim non năm ngoái vì quên cách hót nên phải tập luyện để ôn lại giọng hay chỉ là một con chim oanh mới sinh năm nay và sẽ bắt đầu tập dượt từ đây. Trong khoảng hai mươi năm, trên ngọn đồi đằng sau nhà tôi, lũ chim kia tuần tự sinh ra rồi chết đi, sinh rồi lại chết, bao đời con cháu đã đến để cất tiếng hót trên những ngọn cây trong vườn, vào lúc đêm về hay vừa hót vừa bay lượn trên mái nhà. Thế mà cớ sao tôi lại cứ ngỡ đấy là những con chim đã sống một mạch hai mươi năm liền. Tuy vậy, sau khi được người bạn họa sĩ cho biết đến tên của nó thì những con chim quen thuộc trong khu vườn nhà đã đi ngay vào chiều sâu tâm thức của tôi. Nghĩ ra thì thấy cái tên "chim thước" (kasasagi) đã nằm ở trong lòng những bài thơ của bao thế hệ thi nhân từ muôn năm cũ. Chim thước giọng hót không thanh tao, thân thể lại gầy còm, còn động tác có phần lấc cấc.Tôi thấy giống chim này không có gì để móc nối được với sự tích "ô thước bắc cầu" (kakasagi no hashi) trong thơ cổ. Thế nhưng nếu như không lập được mối liên hệ như thế thì thử hỏi tôi còn có thể ra nhìn chúng trong vườn nhà nữa hay không! Những con chim bay đến vườn nhà tôi vốn không hề biết mình đã được đặt cho cái tên "chim thước" từ thuở xa lắc xa lơ và đã được nhắc đến bao lần trong những vần thơ quả là một giống chim vô cùng năng động. Anh bạn cho tôi
biết cái tên "chim thước" là người lớn lên ở vùng Kyuushuu
(3).
Hắn ta dắt vợ và con đến một vùng núi có suối nước nóng. Đây là một ngọn suối nước nóng nếu tắm thì sẽ mắn con. Nước ở ngọn suối này có nhiệt độ cao, dĩ nhiên rất tốt cho các cô các bà nhưng người còn thêm thắt vào đấy mấy chuyện mê tín như những cây tùng và ghềnh đá ở đây sẽ giúp cho họ dễ có con chẳng hạn. Hắn vừa để cho người thợ hớt tóc có khuôn mặt dài thưỡn như một quả dưa muối kiểu vùng Nara (Narazuke no uri) cạo mặt vừa nghe câu chuyện ông ta kể về cây tùng. (Vì sợ đụng chạm danh dự phụ nữ, tôi xin mạn phép không viết nội dung nó lên trên mặt giấy). -Hồi tôi còn trẻ, bọn tôi hay đi xem họ tắm lắm. Phải dậy thật sớm trước khi hừng sáng vì khoảng giờ đó, các bà các cô hay rủ nhau tới đó để ôm lấy thân tùng. Khi đã thèm con đến cỡ đó, người ta có thể làm nhiều chuyện rồ dại như thế. -Ngày nay, chuyện ấy còn xảy ra nữa không? -Chuyện đó hở, nó đã chấm dứt từ mười năm về trước. Dù sao, cây tùng ấy lớn lắm cơ! Gỗ của nó có thể dùng để cất cả hai ngôi nhà chớ không phải chơi! -Thật sao? Eo ôi, ai mà dám đốn nó nhỉ? Người nào đó chắc phải quyền thế lắm! -Đốn cây này là theo lệnh trên tỉnh sức xuống. Một phần cũng vì thời oanh liệt của nó đã qua rồi. Trước khi ăn chiều, hắn và vợ cùng nhau xuống Hồ Lớn (Ôyu). Cái bồn tắm lớn này là một dùng chung cho cả nam lẫn nữ, nhưng vì có tiếng là hiệu nghiệm cho các bà nên được người ở khu suối nước nóng này xem như báu vật. Trước tiên ai cũng phải kỳ cọ thân thể một lượt cho sạch sẽ ở bồn tắm nằm bên trong nhà trọ rồi mới nương theo bậc đá mà đi xuống. Đó là thói quen của khách khi đến nơi đây. Suốt ba mặt, người ta đã bọc những thanh gỗ để tạo ra hình thù một cái bồn tắm nhưng đáy của nó là đá tảng thiên nhiên. Phía không bọc ván có một ghềnh đá nhô cao như lưng voi khiến cho dáng dấp của bồn tắm hơi khác thường. Mặt đá đen thấm nước ướt đến phẳng lì và bóng láng. Người ta bảo nếu ai buông mình trượt từ trên ghềnh ấy xuống mặt nước thì sẽ thụ thai cho nên nó mới được gọi là "Ghềnh đá trượt" (Suberi iwa). Mỗi khi nhìn cái Ghềnh đá trượt ấy, hắn thường tự nhủ: "Con quái vật này muốn nhạo báng loài người hay sao chớ!". Đối với hắn thì những người nghĩ rằng mình bắt buộc phải có con và những người nghĩ rằng cứ trượt xuống ghềnh đá là mình sẽ có con đều bị cái khuôn mặt to lớn và ướt rượt kia cười cho thối mũi. Từ bên trong Hồ Lớn, hắn nhìn cái mặt của ghềnh đá hệt như một bức tường đá đen, miệng nở một nụ cười cay đắng: -Ghềnh đá ơi! Nếu như mi cắt được thủ cấp mụ vợ nạ dòng của ta mà vứt xuống cái hồ này, may ra ta mới tìm ra một cảm giác lạ. Trong cái Hồ Lớn đó, nơi chỉ có toàn những cặp vợ chồng và lũ trẻ con, hắn cảm thấy vợ mình là một người đã có phần xa lạ. Hắn nhớ là đã từ lâu, trong cuộc sống hằng ngày, mình không còn quan tâm đến sự hiện diện của nàng ta nữa. Một thiếu nữ khỏa thân, với mái tóc kiểu tân thời che cả hai tai, lần theo bờ đá bước xuống. Nàng tháo cái kẹp tóc kiểu Tây Ban Nha và đặt nó lên trên cái kệ: -Ô kìa, bé gái này trông xinh quá! Nàng ta nói như thế (với con gái hắn) trước khi dầm mình dưới nước. Khi cái thân hình trần truồng từ đó ngoi lên, đầu tóc ướt rượt của nàng trông giống như một đóa thược dược đã bị ngắt hết cánh và còn trơ mỗi nhụy. Thấy có người lạ - lại là một thiếu nữ nữa chứ - xuất hiện trong cái hồ tắm chung mà ngoài mấy cặp vợ chồng không có ai khác, hắn cảm thấy thương hại cho bản thân. Dù không muốn, hắn bắt buộc phải so sánh thiếu nữ ấy với bà vợ của mình nên tự xấu hổ và để lòng mình trầm xuống trong một sự trống vắng. -Ta sẽ đốn cây tùng kia và dựng lên một căn nhà. "Đây là vợ ta, đây là con ta!". Này, hỡi ghềnh đá, nói cho ta biết, có phải câu nói như vậy cũng đã chứa đầy sự mê tín hay chăng? Bên cạnh hắn, giữa làn hơi nước nóng của hồ tắm, người vợ đang khép riềm mi lại để dưỡng sức. Một luồng ánh sáng vàng chiếu xuống lớp sóng trên hồ tắm làm lộ ra màu trắng của hơi nước đang bốc lên. -Này chú em! Ở đây có bắt đèn điện à? Bao nhiêu bóng vậy? -Dạ hai. -Hai sao? Như vậy là có một cái trên trần chiếu xuống và một cái dưới đáy nước. Này chú em! Bóng điện mạnh dữ nha! Lặn xuống tận đáy hồ còn thấy nó đó. Mạnh không thể tưởng! Người con gái với mái tóc phủ cả mang tai nhìn đăm đăm vào mặt đứa con gái của hắn: -Em thật là một cô bé lanh lợi! Hắn cho vợ con đi ngủ trước rồi ngồi viết được trên dưới 10 bức thư. Từ chỗ thay quần áo của cái hồ tắm bên trong nhà trọ, hắn đứng sững như bị trời trồng. Nơi ghềnh đá trượt, có một cô gái - giống như con nhái màu trắng bám vào mặt đá – người thì nằm sấp, tay buông ra và gót chân nhón lên. Rồi cứ thế, cô ta thả nguyên thân hình và trượt xuống. Con suối cất lên tiếng cười vàng khúc khích. Người con gái bò ngược lên ghềnh đá, thân thể dính sát vào mặt đá như bị hút lấy. Đúng là cô ấy, cái cô hắn thấy hồi chiều nhưng với mảnh khăn tắm quấn chặt quanh mái tóc dài che cả mang tai. Tay vẫn nắm cái giải thắt lưng (obi), hắn tất tả leo lên thang gác trong cái im ắng của đêm thu đã về khuya. -Tối nay cô ấy đến là để giết con ta. Người vợ của hắn đang ôm đứa con trong tay mà ngủ, mái tóc buông dài trên mặt gối. -Hỡi ghềnh đá! Ngươi có biết là hành động của một người đàn bà vì mê tín mà tin tưởng vào ngươi một cách ngô nghê đã khiến cho ta sợ hãi đến mức nào không? Nếu thế thì có lẽ cái câu "Đây là vợ tôi, đây là con tôi!" mà ta vì mê tín nên phát ngôn bừa bãi, chẳng ngờ đã làm cho hàng trăm hàng nghìn con người trên cõi đời này phải kinh khiếp. Có đúng thế không, hỡi ghềnh đá? Thế rồi, hắn cảm thấy trong lòng mình dậy lên một tình thương mới mẻ đối với người vợ. "Này, thức dậy đi em!". Hắn nắm tay nàng và lay lay.
-Thấy chưa? -Thấy rồi! -Thấy chưa? -Thấy rồi! Vừa trao đổi với nhau như vậy, dân trong thôn mặt mày lo lắng, từ ngoài đồng, từ trên núi về tụ tập bên con đường. Họ vốn làm việc khắp nơi, ngoài cánh đồng hay trên núi, nhưng đã tụ họp đông đảo như thể có hẹn trước, cùng nhìn trong một lúc và về cùng một hướng. Bao nhiêu đó cũng đủ để cho thấy đó là một cảnh tượng khác thường. Hơn thế, ai nấy đều lộ vẻ kinh hoàng như nhau. Làng này nằm trong một thung lũng hình tròn. Giữa thung lũng mọc lên một quả đồi. Con sông chảy qua thung lũng vòng quanh ngọn đồi đó. Trên ngọn đồi có nghĩa địa của thôn. Những người dân trong thôn từ mọi nơi đều cho rằng cái tháp trắng nằm trên quả đồi đã đổ và lăn xuống như một vật thể ma quái màu trắng. Dù đứng ở vị trí nào, người trong thôn đều nói họ đã thấy được nó. Phải chi chỉ có một hai người thấy thì họ sẽ cho là vì mắt nhìn lầm, rồi cười mà bỏ qua. Thế nhưng làm sao có thể tin rằng cái mà chừng ấy con người đã nhìn thấy trong cùng một lúc lại là huyễn ảnh? Lúc đó, tôi đã nhập bọn với một toán dân thôn huyên náo, cùng họ leo lên ngọn đồi ấy để kiểm tra. Trước tiên chúng tôi đã xem xét chân đồi và lưng đồi, không chừa lấy một xó xỉnh, nhưng vẫn không thấy bia mộ nào rơi xuống cả. Sau đó, chúng tôi mới lên tận nghĩa trang, điều tra từng ngôi mộ một nhưng mọi cái tháp đá đều được sắp xếp ngay ngắn và đang nằm yên lặng. Một lần nữa, dân trông thôn lại lo lắng, đưa mắt nhìn nhau dò hỏi, vừa trao đổi qua lại với chừng ấy câu: -Thấy chưa?. -Thấy rồi. -Thấy chưa? -Thấy rồi. Và bỏ xuống đồi như chạy trốn. Thế rồi họ nhất trí với nhau về một ý kiến: chắc chắn đây là điềm gở báo trước sẽ có một tai họa xảy đến cho dân làng. Thần, ma quỷ hay người chết đang trù ẻo gì họ đây. Muốn đẩy lui lòng oán hận của những sức mạnh linh thiêng như thế, chỉ có nước là cầu khẩn. Phải làm cho nghĩa trang được thanh tĩnh trở lại. Dân trong thôn bèn tụ tập những cô gái đồng trinh (1). Hôm đó, trước khi mặt trời lặn, họ đã quây quần xung quanh một đội mười sáu, mười bảy cô gái ấy và cùng leo lên ngọn đồi. Dĩ nhiên tôi cũng trà trộn vào trong đám. Sau khi các cô gái đồng trinh đã đứng sắp thành hàng ở giữa nghĩa trang thì một vị bô lão tóc bạc trắng bước ra đằng trước và nghiêm nghị nói: -Hỡi các cháu gái còn trinh trắng! Xin các cháu hãy cười vỡ bụng cho. Các cháu hãy cười những kẻ muốn gieo tai họa cho dân thôn mình. Cười, cười mãi lên để tẩy đi mọi sự ô uế. Nói xong, ông lão cười to lên để dẫn đầu: -Ha ha ha! Ha ha ha! Ha ha ha! .... Các cô gái khỏe mạnh vùng sơn cước đồng thanh cất tiếng cười vang: -A ha ha! A ha ha! A ha ha! -A ha ha! A ha ha! A ha ha! -A ha ha! A ha ha! A ha ha! Chưng hửng trước cảnh tượng đang xảy ra, tôi cũng cất tiếng cười góp. Nó hòa một cách vụng về vào trong những tiếng cười đang vang lên, rúng động cả thung lũng. -Ha ha ha! Ha ha ha! ... Một người trong thôn châm lửa (2) vào đám cỏ khô của nghĩa trang. Vây quanh đám lửa với những cái lưỡi đỏ như quỷ sứ đang thè ra, các nàng trinh nữ tay ôm bụng, tóc rũ rượi, cười nghiêng cười ngả, lăn qua lộn lại dưới đất. Khi những giọt nước mắt ứa ra từ mấy tiếng cười đầu đã khô đi, mắt của họ ánh lên một cách kỳ quái. Nếu như cơn bão cười này được chồng lên một cơn bão của thiên nhiên nữa thì có lẽ con người sẽ tạo được một sức mạnh xô ngã cả đất trời. Các nàng trinh nữ răng nhe trắng hếu như một bầy thú đang múa may cuồng loạn. Cuộc khiêu vũ kỳ quái và hoang dại làm sao! Thế rồi, sau khi đã cười hết sức bình sinh, lòng của người dân trong thôn giờ đây cũng sáng lên như ánh mặt trời. Đột nhiên, tôi ngưng tiếng cười và một mình đến quì bên chân một bia mộ bằng đá, được chiếu sáng bởi ánh lửa từ đám cỏ khô. -Chư thần ơi, lòng con giờ đã sạch rồi. Thế nhưng âm thanh đó là một tiếng cười chưa đủ để chính lòng tôi nghe thấy. Còn đám dân trong thôn thì đang phụ họa các nàng trinh nữ và họ muốn cười mãi cho đến khi những đợt sóng cười kia ngập hết quả đồi. -Ha, ha ha! -Ha, ha ha! -Ha, ha ha! -Ha, ha ha! Một nàng trinh nữ đánh rơi cái lược, nó bị dẫm lên trên và gãy mất. Nàng trinh nữ thứ hai thì tuột cả giải thắt lưng (obi). Thắt lưng đó lại quấn vào một nàng khác, lôi cô ta ngã, và bị ngọn lửa liếm sém một bên vè.
Gorô, anh thợ đào đất, vừa nhìn tấm bản đồ in đằng sau tờ bìa một tập vé của công ty xe buýt chạy nội thành Tôkyô vừa nói: -Sẵn sàng chưa em, tuyến đường Senjuu - Shimbashi đây nhé! -Eo ôi, sợ quá! O-Asa, người vợ, đang ngồi trên thành cái cửa sổ nhỏ, kêu lên. Tuy vậy, cô ta bất chợt chống tay, thòng chân ra đằng trước, trong tư thế nhảy xuống. -Trạm Kita Senjuu! Vừa nghe xong tiếng đó, cô đã buông ngay bàn tay ra khỏi thành cửa, để mông mình rơi bệt xuống đất. Nhếch má như muốn tỏ ra mình đang nở một nụ cười, cô quay ngoắt lại cái chỗ cũ trên thành cửa. -Đừng té chổng mông ra đấy nhé. Này, tới Minowa! O-Asa một lần nữa lại để mông rơi bịch xuống sàn nhà. Một mùi chiếu tatami ẩm mốc dậy lên. Lúc đó trời đang ban trưa và ngay giữa mùa mưa. Gorô đã không có việc làm từ sáu hôm rồi. -Kurumazaka! Lại khổ thân cái mông tròn trịa. -Izumibashi! Rớt cái ầm thêm lần nữa. -Suitengu! -Bác tài ơi! Làm ơn chạy chậm lại chút coi. -Xe thì phải vồng chứ. Rêm bụng à? -Chớ sao. Em tưởng như có thanh sắt đâm thấu bụng dưới. -Nè, Suitengu! Lại ầm một cái. O-Asa dụi thật mạnh cái trán của mình vào lần vải lót của chiếc áo kimono và nhặt mấy cây kẹp tóc đã văng cả ra. Trên làn da gầy không còn dấu vết một chút mỡ lại xám như màu mực Tàu đã phai, chỉ còn lộ đôi chỗ có sắc hồng. Gorô tiến lại gần bên. Cô bèn hỏi: -Anh muốn gì hở? -Chùi sạch luôn hai cái má nữa đi! O-Asa lấy hai bàn tay quệt quệt, trông giống như cách rửa mặt qua quít của mấy con mèo.Thế rồi cô túm gọn lại mái tóc đang xô lệch của mình một cách mạnh bạo. Như một con cá chép dang cố bơi ngược dòng, cô cố rướn người để trèo lại lên bờ thành cửa sổ. Thế nhưng cử chỉ muốn chứng tỏ mình đã mệt nhoài ấy đã bộc lộ ngoài ý muốn của cô bản chất trẻ trung bấy lâu bị che dấu. -Trạm Tôkyô! Cái mông tròn trịa của cô lại rơi đánh ầm! Kondenmachô, Kamezawachô, Shinshibori. Cứ phải liên tục rơi hết lần này đến lần khác, O-Asa bắt đầu cười thành tiếng nhưng đôi mắt đã rớm nước mắt. -Em nhớ ra rồi! -Có phải chuyện hai năm trước? -Ờ, không. O-Asa ngúc ngắc cái đầu y như một đứa bé con. -Chuyện hồi tiểu học cơ! Hồi đó, em đi khắp nơi và chơi cái trò nhảy như thế này với mấy đứa bạn gái. -Chơi? Thôi đi chớ. Bộ em nhảy là để mua vui hay sao? -Em sẽ nhảy tới khi anh bảo ngưng. Nhưng bề gì đứa bé nó cũng sẽ ra đời cơ mà. Coi kìa, năm ngoái, em nhảy biết bao nhiêu lần mà có hiệu quả gì đâu. Hai năm về trước, O-Asa làm hầu phòng trong một quán trọ ở khu vực trên núi có suối nước nóng. Gorô là con một nông dân trong làng. Hồi đó, người ta đang định mở một con đường đi xuyên qua núi nối ngôi làng đó với phía nam bán đảo. Theo lời đồn đại thì mục đích làm con đường là để chuyển vận trọng pháo. Gorô đã bị cuốn vào dòng người lao động đến làm việc cho công trình đó. Những người bạn cùng làm nghề vỡ đất đã răn đe anh: -Thằng cù lần. Sao mà khờ quá cỡ vậy mậy. Mày cứ tưởng bở, coi đứa con của nhỏ kia là con mày. Mầy bị con đĩ non choẹt nó lừa rồi. Thứ mấy con đó hả, tụi nó nhà nghèo nên chỉ mơ làm vợ dân giàu có, dù một đêm thôi. Đến khi bị bỏ rơi, chúng mới cần đến một thằng nghèo mà tốt bụng như mầy. Con O-Asa biết thừa là mặt mũi cỡ nó không đủ để một thằng nhà giàu chịu nhận làm vợ bé. Khi mọi người trong quán trọ đã yên giấc, O-Asa ra chỗ hồ tắm nước nóng phía sau nhà, ngâm mình dưới đó để đợi Gorô. Cô ngủ, cái đầu kê lên thành hồ. Gorô băng qua con suối để đến đấy với cô. Anh đưa chân đá một cái vào đôi vai trần của O-A sa lúc ấy đã bị hơi nước nóng làm hiện lên những mần đỏ. O-Asa choàng dậy, đưa tay bắt lấy chân Gorô. -Chân sao lạnh thế này. Chắc anh lấy đường tắt phải lội qua suối? Cô kéo người con trai xuống nước và dạng chân ngồi vắt qua hai bên đùi anh, áp ngực cô vào ngực anh. -Em mới nhận được thơ nhà từ dưới quê. Má nói là em phải kiếm chỗ nào trên cao mà nhảy xuống. -Má có nói gì về anh không? -Không viết gì hết trơn. -Bộ má khuyên em nhảy thật à? -Ừ, má nói chỉ cần nhảy là được. -Trời ơi. Em không thấy tội nghiệp má chút nào sao? -Tai sao? -Chớ má không rầy la gì em hả? -Không. -Anh thì anh thấy tội cho má ghê! -Em nhảy nghe. Anh có theo giúp em không? Thế rồi cứ để nguyên thân thể trần truồng, O-Asa leo lên cái sạp người ta thường cất quần áo cởi ra khi xuống tắm. Từ trên cao, cô nhắm hướng thân hình của Gorô - lúc đó đang chờ ở bên dưới - mà nhảy. Cô làm như thế khoảng sáu bảy lần. Cô còn nhảy từ thành cửa sổ của gian nhà tắm xuống cái bờ đất dọc theo con suối nữa. Vầng trăng mùa đông lạnh giá như một lưỡi dao cạo trần. Hai người nương theo bờ suối ra đến con đường mới làm. Như một con nhái què, O-Asa tiếp tục nhảy xuống từ những bờ đá vừa mới được đào lên, màu hãy còn tươi rói. -Ông trăng này trông hãi quá! Hai người lập đi lập lại động tác như vậy trong bốn đêm liền. Thế nhưng hai ba tháng sau, khi sự biến đổi trên thân thể của O-Asa đã lộ ra rõ, họ bèn bỏ trốn lên Tôkyô và O-Asa hạ sinh một đứa con trai. Nơi đây, làm nghề đào đất như Gorô thì làm gì có việc. Trong cái thành phố Tôkyô mà bọn trai trẻ gốc gác ở đây đã đến nghỉ ở lữ quán nơi cô làm việc, cái thành phố cô từng ước mơ, O-Asa lần hồi mất đi màu tươi tắn của làn da và mỗi khi cô cười, đôi má chỉ còn hơi nhếch ra một chút. Ở Tôkyô, cô cũng không tìm ra chỗ để nhảy như trước. Đi xe buýt thì chắc là xong thôi nhưng hai người không cả tiền mua vé. Chính vì thế, O-Asa phải dựa vào tấm bản đồ có những lộ trình được in đằng sau tờ bìa tập vé không biết Gorô lượm được ở đâu. Từ thành cửa sổ, cô nhảy xuống dưới sàn nhà bằng mông, hy vọng nó sẽ có hiệu quả như khi ngồi trên xe buýt. Nhưng giờ đây O A-sa bắt đầu cười thực sự. Trên làn da mướt mồ hôi, màu hồng đã trở lại. Đôi mắt ươn ướt như lóe lên một tia sáng đầy sức sống. -Tuyến Suaki đi Eitaibashi nhé! -Nhảy kiểu này, em cảm thấy mình đang dự một trò chơi. Chưa bao giờ em được đùa nghịch như thế từ khi xong tiểu học. -Trạm Eitaibashi! Ầm! Nihonbashi, Shibaguchi, Shibazonobashi. Động tác của O-Asa mỗi lúc càng gợi tình hơn, giống một đứa con gái đang tuổi dậy thì. Ngực áo lót bên trong kimono của cô trễ tràng để lộ đầu vú thẩm màu như hai quả dâu đong đưa. Gorô hăm hở khuyến khích: -Bây giờ là tuyến Shinjuku đi Ôkido đó nghe! Đến đây, O-Asa lăn đùng qua một bên và rũ ra cười. Tiếng động họ gây ra làm đứa bé đang ngủ thức giấc, nó khóc ré lên. Vì đang cười ngặt nghẽo, O-Asa không đủ sức ngồi dậy. Gorô đành phải bế lấy nó và đem ra cạnh cửa sổ. -Chu chu chu chu...cha! -Hông, hông, hông... Đứa bé cho tay vả miết vào má Gorô. -Sao vậy? Sao con lại đánh bố? Gorô nói với một giọng điệu vui tươi khác hẳn ngày thường. Thế nhưng bất chợt anh tự hỏi ai mới là "bố" của thằng bé: tên nhà giàu quất ngựa truy phong sau khi tặng cho O-Asa cái bầu? Hay chính anh? Rước một đứa con nhà giàu về để nuôi cho khôn lớn trong cảnh bần hàn, biết đâu chẳng là một điều thú vị. Ngày hôm đó, anh đã tự nhủ với lòng như vậy. Thôi từ đây, đẻ được bao nhiêu đứa thì ta cứ đẻ. Anh nhớ lại cái trò tập trận mà mình chơi hồi còn nhỏ: trong đó có những người lính sắp hàng ngay ngắn, dũng cảm, biết nỗ lực tự kiếm lấy miếng ăn. -Thằng bố này hay thằng bố nào, chuyện đó có gì quan trọng đâu nhỉ. Thôi, con cứ đánh nó đi, đánh nó đi nào! Anh cầm lấy cổ
tay của đứa bé và cho vả liên tục lên má mình.
Dạo đó mùa hè. Trên mặt hồ (1) Shinobazu trong công viên Ueno, những búp sen mỗi sáng khi nở phát tiếng lụp bụp nghe thật dễ thương. Thế nhưng đây lại là câu chuyện đã xảy ra vào buổi tối khi tôi băng qua cây cầu Kangetsu (Khán nguyệt kiều) bắc ngang hồ. Mấy người khách bộ hành tựa mình vào thành cầu như một chuỗi ngọc dài. Họ đang chờ ngọn gió nồm. Ở ngoài phố thì màn che trước cửa tiệm - ngay cả mấy tấm mỏng manh nhất của xe bán kem lưu động – đều không lay động mảy may. Trong khi đó thì nơi đây, gió đang thổi nhè nhẹ khiến cho ánh sáng của vầng trăng chiếu trên mắt nước biến thành những con cá vảy vàng óng ánh dài cỡ năm sáu tấc. Tuy vậy gió vẫn còn chưa đủ mạnh để có thể lật lên mặt bên dưới của những chiếc lá sen. Trong đám khách ra đây hóng mát, có một số người vẫn đến thường xuyên. Vì đã rành hướng gió, mấy ông khách quen này hay bươn bả qua cầu cho nhanh rồi trèo hàng lan can bằng sắt để ra ngoài mép cầu. Xong, họ cởi guốc gỗ, chân để trần trong khi guốc thì được xếp lại và đặt dưới mông làm chỗ ngồi. Họ tháo nón ra, đặt lên đùi hay để bên hông. Hôtan Burutôze Thuốc cấp cứu Utsu Kem đánh răng Lion (2) Trong đám người hóng mát, mấy anh dáng thợ thuyền, đang bàn tán với nhau: -Đèn điện viết thành chữ Hôtan trông to nhất đám ấy nhỉ? Hãng lâu năm có khác! -Đằng kia là ngôi tiệm chính của nó đấy! -Mà độ rày coi bộ Hôtan làm ăn cũng không phấn phát! -Thế chứ trong loại thuốc đó, Hôtan đứng số một đấy. -Thuốc ấy có tốt không nhỉ? -Tốt chứ! Cỡ Jintan bán chạy chỉ là nhờ quảng cáo. Giữa lúc đó bỗng có tiếng kêu lớn: -Ấy! Chết tôi rồi! Đằng kia, cách chỗ họ năm sau thước, một anh trai trẻ hai tay nắm thành cầu, mắt nhìn xuống dưới. Một cái mũ rơm (3) đang nổi trên mặt nước. Bọn khách hóng mát đứng cạnh cất tiếng cười rồ một lượt. Anh chàng có chiếc nón bị rơi đỏ cả mặt, thiếu điều muốn bỏ trốn. -Này, anh! Anh kia! Có tiếng ai nghiêm nghị thốt lên. Người đang gọi đưa tay ra nắm lấy ống tay áo anh chàng vừa rơi mất nón. -Sao anh không vớt nó. Khó khăn gì đâu! Anh chàng đánh rơi nón tỏ vẻ ngạc nhiên, quay lại nhìn cái người gầy gò vừa phát ngôn, lúng túng nở ngay một nụ cười đau khổ của một người đang phải chịu trận. -Dạ thôi, được rồi ông. Để tôi mua cái nón mới. Như vậy hay hơn. -Tại sao? Ông kia sẳng giọng, hỏi một cách khác thường. -Tại sao à! Cái nón đó mua hồi năm ngoái, đã cũ. Vừa vặn gặp dịp mua nón mới thôi. Hơn nữa nó đã ướt nhem. Rơm lúa mạch mà ngấm nước thì hỡi ôi. -Vậy vớt nhanh lên khi nó chưa ngấm nước đi. -Thôi ạ. Giờ có muốn cũng không thể vớt được. -Có gì mà không vớt được. Làm như thế này nè: hai tay nắm lấy thành cầu, thòng người xuống đưa qua đưa lại thì chân với tới nơi thôi. Người đàn ông gầy gò ấy chìa mông ra phía hồ, làm bộ như đang đong đưa thân hình và nói: -Từ phía trên này, tôi sẽ giữ một bên tay cho anh. Nhìn bộ tịch của người đàn ông, đám khách hóng mát cười phá lên. Ba bốn người đứng dậy và tiến đến gần. Họ nói với anh chàng đánh rơi nón: -Này anh, vớt lên đi. Không lẽ anh lại đem nón đội cho hồ à? -Đúng rồi, cái hồ lớn thế này thì nón cỡ đó làm sao trùm hết hở? Đội nón cho hồ thì uổng quá. "Ai đem ngọc để ngâu vầy" (4). Vớt lên đi anh! Anh chàng rơi nón tỏ ra bực bội với đám người đang tụ tập chung quanh mình: -Có vớt lên thì cũng đã hỏng tuốt! -Cứ vớt đi, hỏng thì đem cho ăn mày đội cũng được mà. -Nếu vậy ngay từ đầu cứ để cho nó rơi xuống đầu ăn mày có phải tốt hơn không? Xen vào giữa tiếng cười của mọi người, người đàn ông gầy gò kia vẫn nói với một giọng không chút đùa cợt: -Chần chờ mãi trôi mất bây giờ! Thế rồi, một tay ông ta nắm lấy lan can sắt, một tay chìa ra về hướng mặt nước: -Này, nắm lấy tay tôi... -Để vớt cái nón à? Chàng thanh niên đánh rơi nón hỏi lại với một giọng như thể đó là một chuyện không liên quan tới mình. -Vớt chứ! -Thế thì để... Anh chàng đánh rơi nón mới tháo guốc ra và sửa soạn. -Nắm lấy tay tôi thật chặt nhé! Tất cả bọn người đứng xem đang cười bỗng đồng loạt im bặt vì không ngờ sẽ xảy ra chuyện đó. Anh chàng rơi nón đưa bàn tay phải nắm lấy tay của người đàn ông gầy gò kia, tay trái vin vào mép cầu, hai chân men theo rường cầu và tuột xuống từ từ. Anh đong đưa như treo lủng lẳng thân hình cho đến khi bàn chân chấm nước. Anh kẹp được cái đình mũ ở giữa hai chân và lấy mấy ngón của một bên chân khều được vành mũ. Thế rồi anh rướn vai bên phải lên cho đến khi khuỷu tay ngang tầm thành cầu và kéo mạnh cánh tay phải. Bất chợt, trong một tích tắc, từ mặt nước có những giọt nước nhỏ bắn lên và cả người anh đã lọt xuống hồ cái tỏm. Thì ra người đàn ông gầy gò đang nắm tay giúp anh đã thình lình buông tay ra. -Ối trời! -Rơi xuống rồi! -Lọt dưới đó mất rồi! Đám khách hóng mát lao xao chạy đến nhìn xuống mé nước. Đang nói với nhau như thế, không ngờ họ lại bị mấy người đằng sau chen lấn tới nên cả bọn nối đuôi nhau ngã ùm xuống hồ luôn. Người ta nghe giọng cười lanh lảnh nhọn sắc của gã đàn ông gầy gò ở đâu vọng lại, xuyên qua cả tiếng xôn xao của đám đông. -Ha ha, ha ha, hô hô hô hô.... Gã đàn ông đó chạy trên chiếc cầu trắng giống như một con chó đen, bóng hắn chúi nhủi về phía trước rồi mất dạng trong bức màn đêm của thành phố. -Hắn trốn mất rồi! -Thằng khốn! -Hay là dân móc túi? -Nhân viên hình sự? -......... -......... -Hay là Tengu (5) trên đồi Ueno? -Kappa (5) sống dưới
hồ Shinobazu cũng không chừng!
Chuyện đi đường có khi vào buổi tối mà còn phải kẹp dưới nách một con gà (1) là điều nàng vũ công (2) ghét không chịu nỗi. Huống hồ cô không phải là người nuôi con gà này. Mẹ cô cơ! Thế nhưng nếu cô trở thành một vũ công nổi tiếng thì có lẽ mẹ cô khỏi cần phải nuôi gà nữa. * * * -Người ta trần truồng tập thể dục ở trên sân thượng kìa. Bà mẹ hoảng hồn. -Có phải chỉ một hay hai người đâu. Họ sắp thành hàng, tất cả phải đến bốn mươi hay năm mươi người như một lớp thể dục ở các trường nữ. Nói là trần truồng nhưng chính ra họ chỉ để lộ có hai chân. Ánh sáng ngày xuân ngập đầy cái sân thượng đúc bằng xi măng. Nàng vũ công có cảm tưởng chân tay mình đang duỗi dài ra tựa những búp măng non. -À, mà ngay ở các trường tiểu học, bây giờ cũng không ai còn tập thể dục dưới đất nữa. * * * Bà mẹ đến đón con ở ngoài cửa nhà hát khi nàng vừa tập múa xong. -Mấy con gà cứ gáy đêm. Làm má không biết sẽ có chuyện gì không hay xảy đến cho con không. Bà mẹ đợi nàng ngoài phòng thay đồ cho đến khi cuộc diễn tập hoàn toàn kết thúc. "Kể từ ngày mai con sẽ ra múa trần truồng trước mặt khán giả". Câu này thì nàng để bụng nhưng lại buột miệng nói: -Nhiều người kỳ cục lắm. Gần chỗ thay đồ má đợi con là phòng tắm. Hình như có một cha đàn ông cứ đứng bâng quơ ở đó hơn một tiếng đồng hồ. Kính gắn ở của sổ là loại kính mài cho mờ và đặt trên cao, có dòm vào cũng không thấy được cái bóng, thế mà... Không lẽ anh chàng chỉ muốn ngắm hơi nước chảy xuống thành giọt lăn trên cửa kính? -Má hiểu tại sao gà nó gáy đêm! * * * Theo phong tục thì hễ gà nào mà gáy giữa đêm thì chủ phải đem nó ra đền thờ Kannon (Quan Âm) ở Asakusa vứt bỏ. Người ta nghĩ làm như thế sẽ tai qua nạn khỏi. Hình như những con gà sống cạnh bên đàn bồ câu ở đền Kannon đều là kẻ có khả năng biết trước tai họa sắp xảy ra cho chủ của chúng. Đêm hôm sau, nàng vũ công vừa về đến nhà đã vội trở ra và từ Honjô băng qua cầu Kototoi nhắm hướng Asakusa. Thế nhưng dưới cánh tay nàng và trong bọc vải, có một con gà. Đến trước đền Kannon, nàng tháo túi vải và đặt con gà xuống đất. Con gà đập cánh mấy cái rồi nhanh nhẹn chạy đâu mất hút. -Giống gà sao mà khùng vậy không biết! Nàng nghe ngóng xem con gà có bị kẹt ở đâu không vì thấy tội nghiệp cho nó nhưng tìm khắp vẫn không thấy bóng dáng. Nàng nhớ ra là có lần người ta khuyên nên đến đền này cầu khẩn: -Bạch Đức Phật Quan Âm, ngày xưa ngài có đi múa không ạ? Nàng cúi đầu làm lễ nhưng khi vừa ngẩng mặt lên thì hết sức ngạc nhiên. Trên những cành cây ngân hạnh (bạch quả, ichô), có bốn năm con gà đang chụm nhau lại ngủ. * * * -Con gà nhà mình giờ ra sao nhỉ? Trên đường đi đến rạp hát, nàng vũ công dừng lại trước đền. Không biết từ đâu, con gà tối qua bỗng xáp lại gần. Mặt đỏ bừng (3), nàng bỏ chạy nhưng con gà cứ bám theo chân. Những người ở trông công viên không hiểu duyên cớ, há hốc nhìn theo quang cảnh con gà đang rượt đuổi cô gái. * * * Con gà ấy đi lẫn vào trong dòng khách thập phương, theo ngày tháng đã trở thành gà hoang. Nó bay thạo hơn xưa. Hai cánh đã nhuộm trắng vì cát bụi mà vẫn giữ cái vẻ ngạo nghễ bất cần đời của bọn thiếu niên du đãng khu Asakusa. Có lúc nó đi mổ mấy hạt đậu cùng với đám bồ câu, lúc thì quay ra ngồi trấn giữ trên thùng phước sương của đền với dáng dấp thật oai vệ. Thế nhưng nàng vũ công không có ý định trở lại ngôi đền Kannon một lần thứ hai. Có đi qua chăng nữa, con gà đó cũng quên nàng rồi. * * * Ở nhà nàng vũ công, đã có được hai mươi chú gà con mới nở. Gà con ban đêm dù có kêu chiêm chiếp cũng không ai cho là điềm gỡ. -Này, con ạ! Cũng giống như thế giới con người vậy thôi. Con nít khóc đêm được xem là chuyện thường tình. -Đúng thật, người lớn khóc đêm mới là kỳ. Trả lời bằng một câu vô vị như thế nhưng rốt cuộc, nàng vũ công cảm thấy bên trong câu nói của mình cũng có chút gì thâm thúy. Nàng thường tản bộ cùng với một cậu học sinh trung học. Nữ vũ công chưa phải là loại nổi tiếng thường đi dạo với mấy cậu học sinh trung học. Một hôm về tới nhà thì nàng lại nghe mẹ nói: -Chịu thật, mẹ không sao hiểu được. Gà nhà mình lại gáy giữa đêm. Này con, nhớ lên đền khấn Phật Bà Quan Âm đi. Nàng vũ công thấy người ớn lạnh nhưng cũng mở miệng cười. -Nếu có tới hai mươi con gà mới nở thì con có thể đi dạo an toàn với hai chục đàn ông. Chừng đó người đã đủ cho cả một đời rồi. Thế nhưng nàng đoán sai. Lời tiên tri của con gà không liên quan gì đến cậu học trò trung học . Một gã đàn ông bộ điệu đáng nghi ngờ đã trờ tới quấy quả giữa khi cô nàng đang kẹp dưới nách con gà trùm trong bọc vải. Nàng vũ công không cảm thấy sợ hãi mấy, đúng hơn chỉ mắc cở vì cớ con gà. Nàng lúng túng không biết phải làm sao, vâng đúng thế, trong trường hợp này, chả lẽ lại đi la làng à! Thế nhưng kẹp theo một con gà bên sườn như cô gái, ai mà chẳng thấy kỳ khôi. Gã đàn ông kia như đoán được tình cảnh này sẽ thuận lợi cho hắn: -Này, cô em. Có cơ hội kiếm tiền chắc ăn lắm. Tớ mỗi ngày đi moi thùng rác đặt ở trước rạp hát của cô em đấy. Nhưng tớ không nhặt rác mà chỉ nhặt mấy bức thư tình mà bọn đàn ông gửi cho mấy cô vũ công vứt đầy trong đó thôi. -Trời đất! -Cô em hiểu chưa? Đem mấy thứ đó làm mồi câu bọn dê xồm. Thế nhưng tớ cần phải có người làm tay trong ở trong rạp thì công chuyện mới trơn tru. Nàng vũ công dợm thoát thân nhưng đã bị hắn chộp lấy. Không nghĩ ngợi gì cả, nàng tự động đưa cánh tay mặt lên - bàn tay có giữ con gà - ấn vào mặt gã đàn ông. Con gà nằm trong bọc vải bị ép vào mặt gã nhiều lượt, chỉ biết đập cánh loạn xạ. Chịu không thấu, gã đành phải thối lui. Chắc gã không biết đó là một con gà. Sáng hôm sau, nàng vũ công thử đi ngang trước đền Kannon (Quan Âm) thì thấy con gà tối qua đang ở đó. Đúng rồi, nó đang chạy đến bên chân nàng kìa! Lần này nàng không còn phải hấp tấp bỏ chạy để thoát thân nhưng đứng lại đấy mà cười ngặt nghẽo, sau đó mới lặng lẽ ra về. Thế rồi nàng đến rạp hát và nói với chúng bạn: -Này các chị, chúng mình phải cất giữ mấy lá thư cho cẩn thận chớ đừng đem vứt bậy vào thùng rác nữa nghe. Chuyện này còn phải đem báo cho cả mọi rạp khác trong công viên được biết. Đó là vấn đề đạo đức xã hội cơ đấy. Cứ xử sự kiểu như thế thì trong tương lai thế nào nàng vũ công này cũng sẽ trở thành một nhân vật được ái mộ.
Một Tiếng sóng mỗi lúc nghe càng to. Hắn kéo tấm màn cửa sổ lên. Đúng là ngoài khơi có ánh lửa chài. Thế nhưng so với hồi nãy, bây giờ hắn thấy nó ở mãi xa tít. Có lẽ vì sương chiều đã phủ lên mặt biển. Hắn chợt thấy lồng ngực mình lạnh buốt khi quay lại nhìn chiếc giường. Trên đó không có chi khác ngoài một tấm vải trải giường rộng, bằng phẳng và trắng muốt. Thân hình của cô dâu mới nằm ở dưới tấm vải đó nhưng không biết nó có lún xuống cái nệm mềm mại ấy hay chăng? Bởi vì không thấy có gì làm phồng tấm vải trải giường lên. Chỉ có cái đầu của nàng đặt trên mặt gối rộng là dựng cao như ngọn núi. Khi chăm chú ngắm dáng nàng trong giấc ngủ, không hiểu vì sao mắt hắn lại ứa lên những giọt nước mắt âm thầm. Hắn thấy chiếc giường màu trắng ấy sao mà giống như một trang giấy trắng đang rơi vào bên trong ánh sáng của vầng trăng. Nghĩ đến đấy, cánh màn cửa vừa mới kéo lên chợt làm hắn sợ hãi. Hắn bèn ra kéo nó xuống rồi bước trở lại cạnh giường. Hắn tỳ chống khuỷu tay chỗ có đường thêu trên mặt gối và ngắm thật kỹ gương mặt của cô dâu mới một đỗi. Hắn đưa tay vuốt dọc mấy cái chân giường và quì xuống. Trán hắn ấp vào chỗ đượcđẽo tròn của chân giường và để cho cái lạnh của kim loại thấm vào trong thớ não. Hắn lặng lẽ chắp tay. -Em không chịu đâu. Em không chịu đâu. Sao anh lại có cử chỉ xem em như người chết vậy. Hắn bèn đứng bật dậy, mặt đỏ lên. -Em thức giấc rồi cơ à! -Em có ngủ chút nào đâu. Chỉ toàn thấy chiêm bao. Cô dâu mới ưỡn bộ ngực phồng căng như chiếc cung, rồi theo đà cái nhìn của hắn, từ từ chuyển động một cách đầy đặn và dịu dàng bên dưới tấm vải trải giường trắng muốt. Hắn vỗ nhẹ lên mặt vải: -Sương chiều đã xuống trên biển rồi đấy. -Thế thì những chiếc thuyền hồi nãy về bến hết rồi nhỉ? -Chúng vẫn còn nằm ngoài khơi. -Chứ không phải sương mù đã xuống rồi sao? -Có nhưng sương không dày lắm nên chưa sao. Thôi, em cứ nằm nghỉ đi. Hắn bèn vươn một cánh tay lên trên tấm vải trắng và đưa đôi môi tới gần nàng. -Em không muốn đâu. Em vừa thức dậy anh đã làm như thế. Còn lúc em ngủ thì lại coi em như là người chết. Hai Chắp tay là một thói quen hắn đã có từ ngày còn bé. Bố mẹ mất sớm từ ngày còn nhỏ nên hắn sống với ông bà ở một thị trấn miền núi. Ông của hắn đã lòa. Người ông thường đưa hắn trước bàn thờ Phật trong nhà. Thế rồi tay ông mò mẫm tìm hai bàn tay của cháu và bảo hắn chắp chúng lại. Sau đó ông chập hai bàn tay của mình lên tay cháu như thể tay cả hai chắp đôi lại. Lúc đó đứa cháu thầm nghĩ không hiểu vì sao tay ông mình lại lạnh đến thế. Khi lớn lên, tính tình đứa bé trở thành bướng bỉnh. Nó ăn nói vô lối làm người ông phải khóc. Mỗi lần như vậy, ông nó cho mời vị hòa thượng tu ở một ngôi chùa trên núi đến nhà. Khi có mặt hòa thượng, không hiểu sao đứa cháu lại trở nên trầm tĩnh ngay. Ông cụ không biết lý do nào đã làm nó thay đổi như thế nhưng khi hòa thượng đến nơi thì ngồi rất ngay ngắn trước mặt nó, tĩnh tọa và chắp tay một cách nghiêm trang cho nó thấy. Khi nhìn hòa thượng chắp tay, đứa cháu cảm thấy có một luồng hơi lạnh làm người nó run bắn lên. Đến khi hòa thượng ra về, đứa cháu bèn đến trước mặt ông và lặng lẽ chắp hai tay giống như vậy. Người ông đã lòa nên không nhìn được cảnh tượng đó. Ông chỉ mở đôi mắt trắng dã nhìn vào khoảng không. Riêng đứa cháu thì lúc đó cảm thấy lòng của nó như đã được tẩy sạch. Kinh nghiệm thời niên thiếu này khiến hắn tin vào sức mạnh của hành động chắp tay. Đồng thời, vì là một đứa bé mồ côi nên hắn được rất nhiều người thi ân, cũng như hắn đã xúc phạm không biết bao người trong quá trình trưởng thành của mình. Thế nhưng trong tính tình của hắn, có hai điều hắn đã không sao thực hiện được. Một là nhìn thẳng vào mặt ai đó để nói lời cảm ơn, hai là nhìn thẳng vào mặt ai đó để nói câu xin lỗi. Vì vậy, khi đến nhà ai, hắn không đợi được đến lúc vào giường nằm, mỗi tối đều chắp tay trước. Hắn nghĩ làm như vậy thì mình sẽ truyền đạt được đến mọi người những tình cảm mà mình không nói được thành lời. Ba Trong bóng râm của cây ngô đồng xanh lá, hoa thạch lựu nở đỏ như những ngọn đèn. Thêm vào đó, lũ bồ câu từ khu rừng tùng đã trở về dưới hàng hiên của thư trai. Lại nữa, những làn gió đêm trong một khung trời quang đãng, sạch hết mưa dầm tháng năm, đã làm cho ánh sáng của vầng trăng phải run rẩy. Từ trưa đến tối, hắn vẫn ngồi bất động bên khung cửa sổ. Hai tay cứ chập vào nhau. Hắn đang khấn sao cho vợ hắn - người đã để lại mỗi mấy hàng thư từ biệt vắn tắt trước khi cuốn gói theo một anh tình nhân cũ - sớm quay về. Tai hắn dần dần lắng lại và trở nên tinh tế lạ thường. Bây giờ hắn có thể nghe được tiếng còi của anh phó xếp của cái ga cách đó những mười con phố. Hắn cũng có thể nghe được tiếng chân bước rầm rập của khách bộ hành như tiếng mưa rơi vọng về từ một nơi thật xa. Thế rồi, lúc đó, hình ảnh của người vợ đã hiện ra trong đầu hắn. Hắn bước ra ngoài con lộ màu trắng mà hắn đã ngồi canh chừng từ nửa ngày nay. Vợ hắn đang bước đi trên đó. -Này! Hắn vỗ vai nàng và gọi. Người vợ nhìn hắn một cách lơ đãng. -Mừng em đã trở về. Anh chỉ cần em quay lại là đủ. Vợ hắn lảo đảo tựa vào người hắn và dụi riềm mi lên vai chồng. Hai người lặng lẽ sóng bước bên nhau. Hắn nói: -Hồi nãy ở ngoài ga, khi ngồi trên ghế dài, có phải em đã nhấm nhấm cái cán dù che nắng hay không? -Ờ ờ. Bộ anh nhìn thấy sao? -Thấy chớ! -Thế mà anh cứ im ỉm, không lên tiếng. -Phải rồi. Vì anh đã nhìn thấy em từ cửa sổ nhà mình. -Thật à? -Có thật thì mới ra đón em đấy chứ! -Anh nói gì nghe mà ghê ghê. -Em chỉ thấy ghê thôi sao? -Không. -Em chợt có ý định trở lại với anh từ hồi 8 giờ rưỡi mà thôi. Anh cũng nhận ra điều đó. -Thôi, anh nói bao nhiêu đó đã đủ. Giờ đây, đối với anh, chắc em đã chết rồi. Buổi tối hôm em mới về làm dâu, không phải anh đã chắp tay vái em như vái một người chết hay sao? Em đã chết kể từ giây phút đó, phải không? -Giây phút đó ư? -Thôi, từ nay em sẽ không bỏ đi nữa đâu. Tha lỗi cho em nhé!. Thế nhưng khi ấy, như để thử quyền lực của mình, hắn bỗng cảm thấy trong lòng dậy lên cái dục vọng muốn kết tình vợ chồng với tất cả những người đàn bà trên trái đất và sẽ đến chắp tay trước mặt họ.
Mùa này khí trời mát mẻ, chắc ông cũng khỏe ra? Tôi xin phép có đôi dòng hầu thăm ông. Về phần tôi, sau những tháng ngày sống khép kín khi vợ tôi vừa mất, bỗng đùng một cái, cảm thấy như mình thoát được tình trạng u uất và hồi sinh giữa đất trời, tìm lại được mối giao tình mật thiết và sinh động với người vợ quá cố qua một thứ trò chơi mà tôi vừa mới bắt đầu. Vậy xin ông chớ lo lắng cho tôi. Tôi đã thay mặt cho người vợ đã mất, thử tiến gần lại với gia đình bà ấy. Những đứa cháu yêu mến vợ tôi, gọi bà là cô là dì sao mà đông thế, đến độ tôi phải ngạc nhiên. Nhìn đàn cháu, tôi như thấy lại hình ảnh linh hoạt của vợ mình. Trong bọn chúng có hai đứa thông minh cho nên tôi định giúp chúng nó làm được cái chuyện mà sinh thời, vợ tôi rất yêu thích nhưng không thực hiện được. Đó là giấc mơ nghiên cứu nghệ thuật và quốc văn của bà. Với ý nghĩ đó, tôi mới thử bàn bạc với cha mẹ chúng thì các ông các bà cũng như hai cô đều tỏ ra hăng hái. Tôi sẽ sắp đặt để dìu dắt chúng vào hai con đường này. Người vợ quá cố của tôi, qua trung gian của hai cô cháu, chẳng bao lâu nữa, sẽ được thỏa nguyện ước vọng lúc sinh thời. Đối với cô cháu thừa kế con đường nghệ thuật của bà thì tôi đã nhờ phu nhân Kume nhận làm đệ tử để cô học các ca khúc dân gian (jiuta) (1). Nhân vì bà thầy rèn luyện một cách đặc biệt cho nên mới nhập môn được bốn năm tháng, cô đã được phép lên sân khấu trình diễn lần đầu tiên. Có lẽ cô may mắn vì đã có sẵn chút kiến thức về đàn Koto từ trước. Thế nhưng nếu cô được nâng đỡ quá mức như vậy cũng vì cả hai thầy trò đều được mọi người đánh giá tốt, cô lại là một đứa con gái khỏe mạnh, thông minh nên cái viễn tượng tài năng cô sẽ đạt đến đỉnh cao là chuyện khó thể nghi ngờ. Một tài năng có thể nở bùng thành thiên tài hay không hãy còn phải trải qua nhiều thử thách nhưng ít nhất cô đã cho thấy phần nào cái khả năng thực hiện được mộng ước của vợ tôi. Khi nhìn cô sử dụng trụ đàn Koto (kotoji) (2) bằng ngà mà người vợ quá cố của tôi hằng yêu chuộng cũng như đàn những bản trong nhạc phổ riêng (kanjinchô) (3) của bà ấy, tôi không sao cầm được nước mắt. Phần cô cháu định đi cho theo con đường nghiên cứu quốc văn thì đã vào được Khoa Quốc Văn của Đại học Keiô. Trước đây cô từng làm thơ Waka. Tuy phạm vi sáng tác còn hẹp nhưng thấy đã lộ được tố chất. Dạo sau này, cô còn cho biết là còn muốn viết tiểu thuyết nữa nhưng vì cái hồn thơ chưa đủ rộng rãi để tiếp cận thể loại này nên tôi muốn đợi đến khi cô được 25 tuổi, xem thử lúc đó thực sự có năng khiếu viết tiểu thuyết hay không rồi hẳn kết luận. Mới đây thôi, sau khi đi thăm mộ vợ về, tôi bỗng gặp được một người con gái lý tưởng, mẫu người mà cả hai vợ chồng từ lâu chủ tâm tìm kiếm.Tình cờ gặp nhau ở trên đường thôi. Người con gái ấy con nhà gia giáo, tính tình khoan thai lại xinh đẹp nữa. Cô cho biết tuổi mới 16. Đó là mẫu người đẹp của thời Momoyama (4). Nhân có bố mẹ cô ấy đi bên cạnh, tôi đã xin phép chụp một tấm ảnh của cô ấy và ông bà đã chấp thuận. Tôi nhờ một nhà nhiếp ảnh tên tuổi là ông Kaneda đến nhà cô ấy chụp. Khi nào ảnh rửa xong, tôi sẽ xin đến gặp. Nếu như hai nhà đi đến chỗ nhất trí trong mọi điều kiện thì tôi sẽ xin hỏi cưới cô gái ấy cho con trai của chúng tôi, điều mà người vợ quá cố của tôi và chính tôi từng ấp ủ trong lòng. Tuy vậy, nhân duyên là định mệnh của hai bên nam nữ nên tôi nhất quyết không nói xen vào. Bố mẹ cô gái cũng sẽ không can thiệp. Sau đó thì tôi chỉ âm thầm theo dõi và chờ đợi cho đến ngày cô gái ấy trưởng thành. Do đó, dù đã qua đời nhưng vợ tôi như hãy còn sống. Tôi thấy bà ấy buổi sáng thức dậy là ra khỏi nhà để đi chơi, còn tôi thì cũng bận rộn với công việc đến hoa cả mắt. Tôi tin chắc là vợ tôi đang sống một cách thực sự như tất cả mọi người. Cả tôi lẫn người vợ đã quá cố - qua trung gian của những người con gái nói trên – đã có cơ hội sống và sinh hoạt. Nhân vì muốn gặp lại vị thiền sư đã đi từ Toyama đến điếu tang vợ tôi nên khoảng đầu tháng sau, tôi sẽ lên đường đi ngắm lá hồng (momiji-mi). Cũng coi thử nhà sư này còn ám một chút mùi nhang khói (= thích thuyết pháp) nào không để đánh cho ông ấy một trận mà sửa trị. Bởi vì cái ông sư trẻ này khi nhận được tin vợ tôi nhắm mắt, đã từ vùng nhà quê Toyama vừa khóc vừa chạy xuống đây, đến ngôi nhà nhỏ của chúng tôi rồi ra ngoài mộ.Thế xong, ông lại vừa khóc vừa quay về chùa. Ông chỉ biết khóc liên tục. Ông bảo vòng rào khu mộ địa của vợ tôi có hoa trầm đinh hương (jinchôge) (5) nên ông cũng cho trồng hoa ấy trong sân chùa và nói là để tưởng nhớ đến vợ tôi. Thế nhưng vòng rào của khu mộ ấy vốn làm bằng những bụi shikimi (6). Ông bèn bảo rằng cần phải làm sao cho hai bên đều giống nhau nên sau đó đã đem trầm đinh hương xuống trồng bên mộ. Đối với hai chúng tôi, mộ địa chẳng qua là một nơi hò hẹn (rendez-vous) (7) giữa tôi và người vợ quá cố. Chúng tôi cùng đi ra đó và cùng trở về. Mấy lúc sau này, tôi không còn thấy cái sống và cái chết là hai hình thù cố định và tạo ra vấn đề nữa. Tôi có cảm tưởng là giữa cái cụ thể và cái trừu tượng, giữa quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, không có một ranh giới nào rõ rệt. Tình yêu không chút gián đoạn và vượt lên khỏi vòng sinh tử thấy trong suốt cuộc đời của vợ tôi đã bao trùm và tác động lên cả một con người còn mê lầm như tôi. Chính là lúc này, tôi muốn báo đáp lại công ơn bà ấy. Đối với ông là
chỗ quen biết lâu ngày nên tôi mới dám có đôi lời để
thử trình bày với ông câu chuyện về những nàng con gái
tôi có duyên gặp gỡ qua người vợ của tôi. Dám mong ông
thứ lỗi.
(2) Kotoji = bộ phận đặt trên trục để nâng giây đàn koto (đàn cầm), có thể điều chỉnh âm thanh. (3) Kanjinchô: nguyên nghĩa là tập chép kinh. Ở đây ý nói nhạc phổ cá nhân. (4) Momoyama = thời đại lịch sử hậu bán thế kỷ 16 lúc Tể tướng Toyotomi Hideyoshi nắm quyền và đóng ở Momoyama, một khu vực thuộc thành phố Kyôto. Đặc trưng của nó là mỹ thuật hoa lệ và hoành tráng. (5) Jinchôge = trầm đinh hương (a fragrant daphne), một loại cây thân cao khoảng 1m, hoa có mùi thơm lựng. (6) Shikimi = (japanese anise tree) một loại cây cao khoảng 3m, hạt (anise seed) có hương thơm và được dùng vào Phật sự. (7) Nguyên văn tiếng
Pháp.
(Xem tiếp Tập VI) |