Tập truyện ngắn trong lòng bàn tay

Tập IV

Nguyên tác: Kawabata Yasunari (1899-1972)
Dịch: Nguyễn Nam Trân


Kawabata Yasunari (1899-1972)

Nội dung Tập IV:

Phần IV : từ 46 đến 60 :
46) Châu chấu và dế mèn 
47) Tấm ảnh
48) Đóa hoa trắng
49) Sự cố về khuôn mặt người chết
50) Biển
51) Cái cưa và sinh nở 
52) Chim sẻ đưa duyên
53) Mùa đông gần kề
54) Mắt của mẹ nàng
55) Nhà cầu của Bụt
56) Mái nhà
57) Ngựa trắng.
58) Tấm áo cô em gái
59) Đôi tất
60) Mấy quả trứng

Mục Lục

46) CHÂU CHẤU VÀ DẾ MÈN (BATTA TO SUZUMUSHI,1924)(1)

Tôi đi dọc theo bờ tường gạch (lợp ngói) của đại học và khi vừa đến trước ngôi trường cấp ba nằm bên ngoài bức tường ấy thì có tiếng côn trùng vọng ra từ những tàng anh đào lá (hazakura) (2) đen thẫm bên trong cái sân trường rào quanh bằng cọc gỗ trắng. Tôi đi chậm lại và lắng tai. Vì bị tiếng côn trùng quyến rũ, tôi không muốn rời xa khuôn viên của ngôi trường nên mới quành qua con đường bên tay phải và rẽ thêm lần nữa sang trái. Ở đây không còn những cọc gỗ nhưng là nơi bắt đầu của một ụ đất giống như bờ đê, trên đó có trồng một hàng cam cảnh (karatachi) (3). Ở góc quẹo sang bên trái thì, ối chà chà! Tôi phóng tầm mắt tới trước, mừng rỡ bước thật nhanh về hướng đó.

Dưới chân ụ đất, tôi thấy ánh sáng của một chùm đèn lồng ngũ sắc thật dễ thương đang lặng lẽ lay động. Đây là thứ đèn lồng thường thấy trong buổi lễ Inari (4) ở miền quê. Không đến gần tôi cũng hiểu đó là cảnh bọn con nít đang đi săn đám côn trùng nấp trong lùm cỏ dưới chân ụ đất. Chỉ có độ hai mươi cái đèn lồng. Không những chỉ có loại đèn từng chiếc chiếu đủ loại ánh sáng từ đỏ, hồng, xanh, lục đến tím, vàng, còn có một ngọn lấp lánh cả năm màu. Lại có những ngọn đèn màu đỏ be bé, hình như đã được mua từ ngoài tiệm về. Tuy vậy, phần lớn là những cái đèn hình vuông thật dễ thương mà bọn nhỏ đã cất công suy nghĩ và chế tạo. Để có được cái cảnh một nhóm hai mươi đứa trẻ tụ tập với nhau trên ụ đê hiu quạnh và đong đưa những ngọn đèn lồng thật đẹp như thế này, tất phải bắt nguồn từ một câu chuyện tựa hồ truyện thần tiên:

Trong xóm, có một đứa bé nghe tiếng côn trùng kêu trong ụ đất giữa đêm. Đêm hôm sau nó bèn đi mua một cái đèn lồng đỏ và đến chỗ có tiếng trùng kêu để tìm. Đêm tiếp theo, có hai đứa. Đứa trẻ mới nhập đám không có tiền mua đèn. Nó bèn cắt mặt trước và mặt sau một cái hộp nhỏ, dán giấy vào, đặt một ngọn nến dưới đáy, cột nắp hộp vào cái giây. Bọn con nít họp lại thành năm rồi thành bảy. Chúng cắt những cái hộp rồi dán loại giấy màu tỏa được ánh sáng vào những khoanh lỗ hổng rồi vẽ tranh lên đó. Thế rồi những nghệ sĩ tí hon và giàu óc tưởng tượng này đã biết khoét các hình tròn, hình tam giác, hình củ ấu hay hình lá cây trên bìa những hộp giấy để làm thành những khung của sổ phát ánh sáng rồi tô màu sắc khác nhau lên từng cái một. Cuối cùng, chúng đã hoàn thiện được một mô hình trang trí cơ bản có đủ hình tròn, hình củ ấu cũng như các thứ màu lục và màu hồng. Lũ trẻ mua đèn lồng màu đỏ từ cửa hiệu đã vứt đi những cái đèn không có gì đặc sắc của chúng. Rồi bọn con nít tự tay làm đèn nhưng không có ý tưởng tân kỳ cũng vứt đèn của chúng đã làm ra. Đèn mới mang hôm qua thôi nhưng hôm nay chúng đã không còn thấy thích nữa. Mỗi ngày, chúng dùng hộp giấy, giấy vẽ, bút, dao con, kéo và cồn để tìm cách chế cho được đèn lồng mới, chiếc đèn độc đáo của mình. Chúng như muốn nói: “Đèn của ta ơi, mi phải đẹp hơn và đặc sắc hơn, để tối này cùng nhau đi bắt côn trùng!". Nhờ đó mà giờ đây trước mắt tôi mới có cái cảnh tượng hai mươi đứa trẻ con với những chiếc đèn lồng đẹp đẽ của chúng.

Tôi đứng một chỗ và đưa mắt theo dõi chúng. Những chiếc đèn lồng vuông vức được cắt theo mô-típ cổ xưa. Không chỉ có mẩu hình hoa cỏ mà thôi. Có khi còn thấy "Yoshihiko" hay "Ayako" tức tên tuổi viết bằng văn tự katakana của những nhà nghệ sĩ tí hon đã sáng chế ra chúng. Khác với các tranh vẽ thấy trên loại lồng đèn đỏ, vì là những hình vẽ trên giấy và được dán lên trên lỗ hổng khoét trên những hộp giấy dày nên đã được chiếu ra với đầy đủ màu sắc và hình ảnh.

Thế rồi khi hai mươi chiếc đèn lồng đã chiếu sáng cả lùm cỏ, bọn trẻ con nhất loạt ngồi chồm hổm xuống ụ đất và nghe ngóng xem đâu là hướng có tiếng côn trùng.

-Châu chấu này! Có ai muốn châu chấu không nào?

Một cậu bé đang ngồi tách ra khỏi bọn trẻ con độ khoảng 5 ken(4) và đang tìm tòi trong đám cỏ chợt đứng thẳng người lên và nói như thế.

-Cho đây! Cho đây!

Sáu, bảy đứa trẻ bèn chạy đến bên cậu bé vừa phát hiện con châu chấu, cố nhìn cho được vào bên trong lùm cỏ và suýt nữa đè ập vào vai cậu. Cậu bé kia bèn giăng hai tay như muốn gạt đi những bàn tay của lũ trẻ vừa bâu đến, nhằm bảo vệ khu vực có côn trùng. Cậu lại phất chiếc đèn lồng đang cầm trên tay phải để gọi một bọn trẻ khác đang đứng cách đó cỡ bốn, năm ken.

-Ai muốn châu chấu không? Có châu chấu đây này!

Bốn, năm đứa trẻ chạy tới. Hình như chúng chưa bắt được con côn trùng nào quí bằng châu chấu. Cậu bé lại hô hoán thêm một lần thứ ba:

-Ai muốn châu chấu không nào?

Hai, ba đứa trẻ kéo đến bên cạnh.

-Cho mình xin, cho mình xin đi!

Một cô bé vừa mới đến, nhìn con vật rồi nói như thế từ phía sau lưng cậu. Cậu bé hơi quay đầu lại, nhẹ nhàng cúi người xuống, chuyển chiếc đèn lồng qua tay trái rồi quơ bàn tay phải vào trong đám cỏ:

-Châu chấu thôi đó nghe!

-Được mà. Cứ cho mình đi.

Cậu bé bèn đứng dậy và chìa bàn tay đang nắm chặt ra trước mặt cô bé và bất chợt nói:

-Đây này!

Cô bé bèn lấy sợi giây treo đèn lồng quàng quanh cổ tay trái của mình rồi đưa hai bàn tay ra trùm nắm tay của cậu bé.Cậu bé lẳng lặng mở bàn tay ra. Con châu chấu được chuyền qua tay cô nàng giữa ngón cái và ngón trỏ.

-Ôi chao! Dế mèn đó nghe!

Bọn con nít nhao nhao với vẻ thèm thuồng:

-Dế mèn! Dế mèn đấy!

Cô bé đưa đôi mắt sáng thông minh nhìn vội người con trai đã cho mình con dế, mở cái lồng nhỏ đựng côn trùng vẫn mang theo trên lưng và bỏ con vật vào.

-Dế mèn thật đấy!

-Ừ, dế mèn chớ sao!

Cậu bé bắt được con dế nói nho nhỏ rồi nâng chiếc đèn ngũ sắc xinh xắn của mình để soi cho cô bé lúc đó đang đưa cái lồng đựng côn trùng đến sát khuôn mặt mình và ngắm nghía. Vừa nâng lồng đèn, nhiều lần cậu đưa mắt liếc nhanh người đứng trước mặt.

-À, ra là thế!

Tôi vừa thấy ghen với cậu bé này vừa tức mình sao mà quá ngu ngốc vì đã không nhận ra chủ tâm và hành động của cậu ta từ nãy giờ.Thì vừa lúc ấy: "Ái chà!", tôi cất lên một tiếng kêu kinh ngạc. "Coi kìa!". Điều tôi đang thấy thì từ cậu bé cho dế cho đến cô bé nhận dế lẫn bọn trẻ đang nhìn hai đứa, chắc không một ai để ý đến những gì xảy ra nơi cô bé.

Thế nhưng trên ngực của cô đang hiện ra mấy chữ "Fujio", tuy chỉ in lên bằng một thứ ánh sáng màu lục yếu ớt, vẫn có thể đọc được rõ ràng. Mẫu hình do ánh sáng phát ra từ ngọn đèn lồng của cậu bé, khi đặt ngang tầm cái lồng chứa côn trùng cô bé đang nâng cao, đã in lên tấm áo mát (yukata) màu trắng của cô. Vì tấm áo ở sát bên đèn nên nó đã ghi lại cả hình ảnh lẫn màu sắc của mấy chữ "Fujio", tên cậu bé, vốn được vẽ lên trên tấm giấy màu dán ở lỗ khoét nơi lồng đèn của cậu.

Nhìn lại chiếc lồng đèn của cô gái thì thấy nó vẫn lủng lẳng nơi cổ tay cô. Tuy không rõ ràng như mấy chữ Fujio nhưng nếu nhìn vào luồng ánh sáng đỏ đang lay động ngang hông cậu bé, cũng có thể đọc được nó là "Kiyoko". Hai luồng ánh sáng xanh và đỏ như đang đùa giỡn với nhau – thật ra không chắc là chúng có đùa với nhau hay chăng - nhưng cả Fujio lẫn Kiyoko đều không hay biết!

Thế rồi, dù mai sau Fujio nhớ lại những chuyện như mình đã tặng cho Kiyoko và cô bé đã nhận lấy con dế mèn, có lẽ cậu ta có nằm chiêm bao cũng không tài nào hình dung được cái lần mà tên của cậu được viết bằng ánh sáng màu xanh lục lên ngực Kiyoko, cũng như Kiyoko sẽ không thể nào tưởng tượng rằng tên của mình từng được viết bằng luồng ánh sáng đỏ lên bên hông Fujio. Này cậu Fujio ơi! Đến khi đã thành một chàng thanh niên, lúc cậu bảo người con gái nào đó rằng "Đây là châu chấu!" và nghe cô nàng vui mừng nói "Ôi chao!" khi nhận ra đó là dế mèn, thì xin cậu hãy cười lên sảng khoái đi nhé! Rồi khi cậu bảo "Dế mèn đây nhé!" để thấy người con gái nhận được con châu chấu thất vọng kêu lên "Ôi chao!" thì xin cậu hãy nở một nụ cười sảng khoái như vậy.

Cậu đã khôn khéo tránh xa những đứa trẻ khác để một mình đi bắt côn trùng trong lùm cỏ, nhưng thưa cậu, trên cõi đời này, dễ gì cậu tìm được một chú dế mèn đâu! Có khi cậu chụp được một người đàn bà giống như châu chấu mà cứ đinh ninh đó là dế mèn.

Cuối cùng, đến một ngày nào, khi lòng buồn bã và đầy thương tích, cậu tìm được dế mèn mà cứ ngỡ là châu chấu và kết luận rằng cuộc đời này chỉ có độc một loài châu chấu. Ngay lúc ấy, xin cậu hãy nhớ giùm câu chuyện xảy ra đêm hôm nay, khi ánh sáng xanh lục chiếc đèn lồng xinh đẹp của cậu đã nghịch ngợm viết tên cậu lên trên bờ ngực của người thiếu nữ. Nếu cậu không nhớ ra được điều ấy thì tôi sẽ tiếc hận cho cậu biết chừng nào!

(Dịch ngày 28 tháng 10 năm 2018)
  1. Suzumushi, còn gọi là matsumushi. Dế chuông (cricket, bell cricket) hay dế thân đen, bụng vàng. Trong thơ, biểu tượng cho mùa thu. Tạm dịch là dế mèn cho gần gũi với người Việt.
  2. Hazakura: "anh đào lá" lúc hoa đã rụng hết và chỉ còn có lá.
  3. Karatachi: cây thuộc họ cam (mikan) cao khoảng 2m, gốc Trung Quốc, thường dùng làm hàng rào.
  4. Một buổi lễ thần bắt nguồn từ việc đồng áng mùa màng, có từ thời Edo.
  5. Ken (gian): đơn vị cổ để cho chiều dài, khoảng1, 8m.
47) TẤM ẢNH (SHASHIN,1924)

Có một người đàn ông xấu xí – buộc lòng phải gọi như vậy dù có hơi thất lễ – và chắc chắn anh chàng đã trở thành thi sĩ chỉ vì có tướng mạo xấu xí. Thi sĩ đó đã kể lại như sau:

"Tôi ghét chụp ảnh lắm. Cùng lắm thì mới có ý định ấy. Bốn, năm năm về trước, chỉ có một lần đi chụp nhân kỷ niệm lễ đính hôn với người yêu. Tôi hết sức yêu quí nàng. Không quí làm sao được khi mình là kẻ thiếu tự tin, nghĩ rằng suốt đời không thể nào tìm ra người thứ hai như cô. Cho đến bây giờ, bức ảnh ấy đối với tôi vẫn là một kỷ niệm đẹp đẽ.

"Thế nhưng hồi năm ngoái có một tạp chí tới xin đăng ảnh tôi trên mặt báo. Tôi bèn lấy bức ảnh chụp chung với người yêu và chị của nàng, cắt riêng phần có tôi ra và gửi cho cơ quan xuất bản tạp chí. Gần đây lại có tờ nhật báo muốn xin một bức ảnh của tôi. Tôi suy nghĩ một đỗi nhưng rồi cũng đành cắt phân nửa tấm ảnh hai người mà mình chụp với người yêu và đưa cho anh ký giả.Tôi cứ đinh ninh họ dùng xong sẽ đưa lại cho mình nhưng hình như họ đã không trả lui. Thôi, chuyện nhỏ!

"Dù bảo là chuyện nhỏ, nhưng này nhé, khi nhìn thấy phân nửa tấm ảnh với mỗi hình ảnh người yêu sót lại, thực tình tôi hơi ngạc nhiên. Đây có phải là người con gái mình biết chăng? ...Xin thưa trước là người yêu trong tấm ảnh trông thực dễ thương lại đẹp nữa, ông ạ! Hồi đó nàng mới 17 thôi mà! Hơn nữa, lúc ấy nàng đang yêu.Thế nhưng nhìn lại phân nửa trên tay chỉ có mỗi mình nàng, tôi bỗng thấy con bé này sao mà nhạt nhẽo đến thế! Một người mà cho đến giây phút trước, mình vẫn cho là đẹp nhất trần đời. Tôi như một người vừa ra khỏi một cơn mê dài dằng dặc. Báu vật tôi ôm ấp bao lâu giờ đây đã vỡ tan tành".

Nói đến đó, giọng của nhà thơ trầm hẳn xuống:

"Tôi nghĩ nếu nàng nhìn thấy gương mặt của tôi đăng trên báo, nhất định là nàng cũng sẽ suy nghĩ giống tôi thôi. Nàng chắc sẽ tiếc hận vì đã đem lòng yêu một gã đàn ông như thế dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn. ...

"Câu chuyện về tấm ảnh chỉ có chừng đó.

"Dù vậy, tôi vẫn nghĩ là nếu bức tranh có đủ hai người như xưa và hình ảnh song đôi của chúng tôi được đưa lên mặt báo thì biết đâu từ một nơi nào đó, cô gái cũng có thể tìm cách bay đến gặp tôi. Và lúc đó nàng sẽ bảo là ôi chao, cái anh chàng năm xưa không ngờ giờ đây đã vv .... ".

(Dịch ngày 13 tháng 10 năm 2018)
48) ĐÓA HOA TRẮNG (SHIROI HANA, 1924)

Vì đời đời kết hôn với nhau trong vòng bà con, cả một họ nhà nàng đều mắc bệnh phổi và dần dần đi đến chỗ tuyệt tự.

Nàng có đôi vai mảnh khảnh. Nếu bọn con trai thử ôm nàng, chắc cậu nào cậu nấy đều phải ngạc nhiên.

Có người bạn gái thân tình khuyên nhủ:

-Khi bồ lấy chồng, nhớ cẩn thận. Đừng lấy anh nào quá mạnh mẽ. Nên lấy một người bề ngoài trông yếu đuối nhưng không bệnh tật, da dẻ trắng trẻo. Cốt cách như thế khó mắc bệnh phổi. Người lúc nào ngồi lưng cũng ngay ngắn, không rượu chè và miệng luôn luôn tươi cười... thì mới được.

Dù vậy, nàng vẫn mơ được ôm trọn trong vòng tay của một người đàn ông mạnh mẽ. Và vòng tay đó phải mạnh đến độ xương sườn nàng kêu lên răng rắc.

Bởi vì, nhìn ngoài mặt thì cứ tưởng nàng là người thanh thản nhưng bên trong, người con gái ấy đã mất hết hy vọng. Khi nhắm mắt, nàng tưởng chừng mình đang bồng bềnh trôi giữa lòng đại dương của cuộc đời, mặc ngọn thủy triều xô đi không biết về đâu. Điều đó lại làm cho nàng có thêm vẻ tình tứ, diễm kiều.

Có ông anh họ gửi cho nàng bức thư:..."Bệnh phổi của anh đã khá nặng. Đây chỉ là thời điểm định mệnh đón chờ anh, cái định mệnh mà anh đã biết trước từ những ngày thơ ấu. Anh chấp nhận nó một cách lặng lẽ. Duy có mỗi một điều tiếc nuối. Đó là tại sao trong khi còn khỏe mạnh anh đã không xin được hôn em dù chỉ một lần. Như thế, anh sẽ khỏi phải làm hoen ố môi em với những con vi trùng lao".

Cô gái bèn chạy như bay đến chỗ người anh họ. Thế rồi chẳng bao lâu, nàng được người ta đem ra điều trị ở một dưỡng đường ven biển chuyên về bệnh phổi. Người y sĩ trẻ đã săn sóc nàng như con bệnh duy nhất của ông. Mỗi ngày, ông đặt nàng lên cái ghế bố trông giống như ghế xích đu và khuân ra ngoài mũi đất. Nơi đó, ở đằng xa, có một cánh rừng trúc lúc nào cũng ngập tràn ánh nắng.

Một sáng khi mặt trời mọc.

-Ôi chao, hôm nay em khá ra nhiều lắm. Thực ra, em đã lành rồi đấy. Tôi đợi cái ngày này từ lâu.

Nói xong, người y sĩ trẻ đỡ nàng từ chiếc ghế xích đu và ôm nàng, nhẹ nhàng nhấc bổng trong đôi tay mình:

-Như mặt trời kia, sinh mệnh tươi mới trong châu thân em cũng đang vươn lên. Nhưng tại sao những con thuyền trên mặt biển hãy còn chưa chịu giương cánh buồm màu hồng của chúng để mừng em nhỉ? Hay chúng còn chưa chịu tha thứ cho tôi. Tôi đã mang hai trái tim chờ đợi cái ngày hôm nay. Một là trái tim của người y sĩ đang chữa cho con bệnh, một là trái tim riêng tư của tôi...Có biết tôi đợi cái ngày hôm nay từ bao lâu chưa? Có biết tôi khổ đau là dường nào khi không thể gạt bỏ lương tâm của một người thày thuốc ? Bây giờ em đã thực sự khỏe ra. Em đã hoàn toàn khỏe, khỏe đến mức độ có thể dùng thân thể mình để biểu lộ tình cảm...Thế nhưng tại sao biển cả không chịu nhuộm cho chúng ta một màu hồng tươi thắm?


Làn da trắng đang nhạt dần để trở thành trong suốt...

Nàng ngẩng đầu lên nhìn y sĩ với tất cả lòng biết ơn. Thế rồi đưa mắt nhìn ra ngoài khơi xa, nàng chờ đợi.

Thế nhưng bất chợt vào lúc này nàng ngạc nhiên vì mình không còn để tâm một chút nào đến vấn đề trinh tiết trong tình yêu. Từ lúc ấu thơ, nàng đã nhìn thấy cái chết của mình. Cho nên nàng không tin vào thời gian. Nàng không tin rằng thời gian là một chuỗi liên tục. Như vậy, chuyện giữ gìn trinh tiết hầu như không thể thực hiện.

-Bao lần tôi đã ngắm thân thể em bằng tình cảm. Nhưng cũng có khi tôi nhìn từng ngõ ngách của nó với lý trí nữa. Đối với một y sĩ thì thân thể em nào có khác gì một phòng thí nghiệm.

-Thế ư?

-Một cái phòng thí nghiệm thật xinh xắn. Nếu tôi không xem việc chữa trị là thiên chức của người thày thuốc thì chắc tôi đã giết chết em bằng tình yêu mãnh liệt của tôi rồi.

Thấy thế, nàng đâm ra ghê tởm người y sĩ và sửa đổi tư thế để lảng tránh ánh mắt ông ta.

Trong dưỡng đường ấy lại có một tiểu thuyết gia trẻ tuổi. Anh ta bảo nàng:

-Chúng mình nên chúc mừng nhau. Hãy xuất viện cùng một ngày đi.

Ra đến cửa, họ leo lên cùng một chiếc xe hơi và chạy về khu rừng tùng.

Tiểu thuyết gia lặng lẽ vòng cánh tay mình ôm lấy bờ vai của người con gái. Nàng ngả người tựa vào anh, thân thể nhẹ tênh như không chút sức lực nào.

Hai người cùng lên đường du lịch.

-Đây là bình minh màu hồng của cuộc đời. Buổi mai của em, buổi mai của tôi. Trong cuộc đời này nếu đồng thời có hai buổi mai thì em thấy có lạ lùng không? Hai buổi mai hợp thành một. Phải rồi, được như thế là tốt. Tôi sẽ viết một cuốn tiểu thuyết với nhan đề "Hai Buổi Mai" (Futatsu no asa) cho em xem nhé.

Lòng tràn ngập niềm vui, nàng ngẩng đầu lên nhìn tiểu thuyết gia.

-Hãy nhìn đây. Bản phác thảo (sketch) về em hồi ở trong bệnh viện đó. Cho dù sau khi cả em và tôi đều chết, có thể hai chúng ta hãy còn sống trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, giờ đây, chúng ta là hai buổi mai. ...Nó có vẻ đẹp của sự trong suốt và mang dấu ấn của sự thiếu cá tính. Như phấn hoa thơm quyện vào cánh đồng mùa xuân, em đem đến cuộc đời này một vẻ đẹp mà mắt thường không thể nhìn thấy. Cuốn tiểu thuyết của tôi đã tìm ra được cái hồn thiêng đẹp đẽ ấy. Để miêu tả nó, tôi không biết mình phải viết sao đây. Em hãy để tâm hồn của em đậu trên lòng bàn tay tôi như một hạt thủy tinh trong suốt để tôi thấy được nó đi! Tôi sẽ dùng ngôn ngữ để phác họa nó...

-Thế ư?

-Với một chất liệu đẹp đẽ như thế...Nếu tôi không phải là tiểu thuyết gia thì có lẽ với tình yêu mãnh liệt của tôi sẽ không để cho sinh mệnh của em kéo dài đến một tương lai xa đâu.

Nhưng nàng lại đâm ra chán ngán tiểu thuyết gia này. Nàng quay người đi để tránh tia mắt của anh ta.

...Nàng thui thủi trong căn phòng mình. Người anh em họ đã chết trước đó không lâu.

-Màu hồng. Màu hồng. (1)

Vừa nhìn làn da trắng của mình đang dần dần nhạt đi để trở thành trong suốt, nàng sực nhớ đến mấy chữ "Màu hồng" và cười lên. Phải chi có chàng trai nào đến tỏ tình với nàng chỉ bằng một chữ thôi. Nàng gục đầu như gật gù và lại cười.

(Dịch ngày 14 tháng 10 năm 2018)
  1. Nguyên văn Momo iro tức màu của quả đào (momo, peach)
49) SỰ CỐ VỀ KHUÔN MẶT NGƯỜI CHẾT (SHINIGAO NO DEKIGOTO, 1925)

-Anh thử nhìn mà xem. Bây giờ em nó ra thế đấy. Để anh thấy em nó mong được gặp anh biết bao, dù chỉ trong thoáng chốc!

Bà mẹ vợ nói như vậy và hấp tấp đưa anh vào gian phòng. Một số thân nhân đang ở cạnh đầu nằm của người chết, họ đồng loạt ngẩng nhìn anh.

Bà mẹ vợ nhắc thêm một lần nữa:

-Nhìn mặt em nó đi.

Bà dợm đưa tay gỡ cái khăn màu trắng úp trên mặt xác chết.

Lúc đó anh bỗng buột miệng nói ra một câu bất chợt đến trong đầu:

-Khoan đã mẹ ạ. Mẹ cho phép con gặp riêng nhà con, có được không? Hãy để một mình con trong phòng này thôi.

Câu nói này làm dậy lên một niềm cảm động trong lòng cha mẹ anh em của người vợ. Họ lẳng lặng kéo cánh cửa ngăn, đóng gian phòng lại và bỏ ra ngoài.

Anh đưa tay kéo tấm khăn vải lên.

Khuôn mặt của người chết cứng đờ, biểu lộ một sự đau đớn. Giữa đôi má hóp, hàm răng đã đổi màu như thể đang hô ra. Thịt trên riềm mi đã khô se và dán chặt vào nhãn cầu. Những sợi gân hằn trên trán như đang đông cứng vì thống khổ.

Khi cúi xuống nhìn gương mặt xấu xí của xác chết, anh lặng người trong một đỗi.

Thế rồi anh đưa hai bàn tay run rẩy về hướng đôi môi của người vợ với ý định khép dùm chúng. Như bị ép phải đổi tư thế, mỗi khi anh rời ngón tay ra thì đôi môi ấy lại từ từ mở ra như cũ. Anh cho tay định khép thêm một lần nữa. Nó vẫn mở ra. Anh lập đi lập lại động tác của mình nhiều lần nhưng rốt cuộc đã nhận ra rằng chỉ có mấy nét cứng nhắc bên khóe miệng là hơi dãn ra thôi.

Anh cảm thấy tất cả nhiệt tình của mình đang tụ lại ở những đầu ngón tay và với nó, anh có thể giúp cho giây thần kinh đang căng thẳng của người chết được thư giản. Anh bèn dùng tay chà xát thật mạnh vầng trán của vợ mình. Đến độ bàn tay anh nóng ran.

Một lần nữa, anh ngồi chăm chú nhìn xuống khuôn mặt đã bị mình mặc tình dày vò.

Lúc đó, bà mẹ bước vào phòng và nói:

-Con đi tàu hỏa chắc mệt lắm nhỉ? Ăn trưa xong thì lên nằm nghỉ đi nhé!

-Vâng ạ!

Đột nhiên, nước mắt tuôn lả chả trên gương mặt bà:

-Người chết khôn thiêng lắm. Thấy không, từ lúc con lên đường cho đến khi về đến đây, con bé này nó không đành lòng nhắm mắt. Có lạ chưa? Chỉ cần con nhìn cho một cái, khuôn mặt của nó đã thanh thản bình yên như thế đấy...Tốt lắm. Giờ đây, vợ của con đã mãn nguyện rồi.

Mắt anh trống vắng như người ngây dại còn cô em gái của người vợ thì đang nhìn về phía anh với đôi mắt trong vắt và đẹp nhất trần đời. Thế rồi cô phục xuống khóc òa.

(Dịch ngày 15 tháng 10 năm 2018)
50) BIỂN (UMI,1925) (1)

Trên con đường núi giữa một ngày tháng bảy, một đoàn người Triều Tiên di trú (2) đang bước đi. Lúc mặt biển hiện ra trước mắt thì họ đã thấm mệt.

Bọn họ vừa đắp xong đoạn đường vượt núi. Chỉ có bảy mươi người nhưng họ đã làm việc suốt ba năm trời để mở một con đường lên đến ngọn đèo. Bên kia đèo có một nhà thầu khác thi công, họ không được chủ mướn tiếp.

Bọn đàn bà từ tinh sương đã bắt đầu đi từ ngôi làng trên núi. Khi vừa thấy biển, cô con gái tuổi độ 16, 17 dường như kiệt sức, gương mặt trắng bệt tựa tờ giấy.

-Em đau bụng quá. Không bước nổi nữa.

-Khổ quá nhỉ! Thôi, nghỉ một lát đi rồi theo mấy người đàn ông phía sau.

-Đằng sau có người hay không nhỉ?

-Có chứ! Họ còn đông như nước cuốn.

Bọn đàn bà vừa nói vừa cười. Họ đeo hành lý và tay nải lên vai rồi xuống mé biển.

Cô gái mới hạ mớ đồ đạc của mình và ngồi bệt lên vệ cỏ.

Có một đám dân phu làm đường chừng mươi người đi ngang qua chỗ cô gái.

-Em kia! Sao thế?

-Đằng sau còn có ai sắp tới không?

-Dĩ nhiên là có.

-Em đang đau bụng. Sẽ đi sau.

Hình như khi nhìn thấy mặt biển mùa hạ, đầu óc cô tối sầm. Tiếng kêu của lũ ve sầu (3) thấm vào thân thể cô. Tính đi tính lại thì trong đám dân phu làm đường ra đi từ ngôi làng trên núi có nhiều toán, 4 người, 7 người rồi 2 người đã qua trước mặt cô gái và họ đều cất tiếng hỏi thăm. Mỗi lần, cô gái trả lời cùng một kiểu.

-Em kia! Sao thế?

-Đằng sau còn có ai sắp tới không?

-Dĩ nhiên là có.

Một anh dân phu đắp đường trẻ tuổi trên lưng gánh một cái rương hành lý thật to bằng nhành liễu đan, đi ra từ khu rừng tuyết tùng.

-Chào em. Tại sao lại khóc thế?

-Đằng sau có còn ai sắp tới không?

-Nào có ai nữa đâu em. Tôi cố tình ở lại đến cuối cùng vì bịn rịn từ giã người đàn bà ấy.

-Thật không còn ai nữa sao?

-Làm gì còn ai.

-Thật không?

-Thôi đừng khóc nữa. Sao thế hở em?

Anh dân phu ngồi xuống bên cạnh cô gái.

-Em đau bụng quá, không còn đi nổi.

-Vậy à? Để tôi dìu em đi. Thành vợ thành chồng với tôi nhá!

-Không được đâu. ...Bố em vẫn nói : Con không được lấy chồng trên mảnh đất nơi cha đã bị giết. Đừng có bao giờ làm vợ đứa nào ở trong đất liền cả. Về bên Triều Tiên mà lấy chồng.


Đến một nơi mà em không còn nhìn thấy biển nữa!

-Hưừm. Chính vì thế bố em mới chết thảm như vậy đấy. Nhìn quần áo em xem.

-Bộ đồ này hả anh?

Cô gái cúi đầu xuống nhìn tấm áo yukata mình đang mặc, có mẩu hình lá cỏ mùa thu.

-Của người ta cho đấy. Em muốn có tiền mua vé xe lửa và quần áo kiểu Triều Tiên.

-Bọc hành lý kia có gì trong đó?

-Nồi niêu, chén bát.

-Em muốn lấy tôi làm chồng không?

-Không còn ai đằng sau hở anh?

-Tôi là người cuối cùng rồi. Mà em có đợi ba năm nữa cũng chẳng có bóng người Triều Tiên nào qua con đường này đâu.

-Thật không còn ai nữa sao?

-Thành vợ thành chồng với tôi đi. Em coi bộ bước hết nổi rồi. Không thì tôi bỏ đi mất đấy.

-Có thực là không còn một người nào khác đến sau?

-Đúng thế. Cho nên hãy nghe lời tôi.

-Xin vâng.

-Thế là tốt.

Anh dân phu quàng vai và dìu cô gái đứng dậy. Hai người cùng gánh mớ hành lý to kềnh lên vai.

-Có thực là không còn một người nào nữa ở đằng sau?

-Em lắm chuyện quá!

-Hãy đưa em đi đến một nơi nào em không thể nhìn thấy biển nữa, nghe anh!

(Dịch ngày 12 tháng 10 năm 2018)
  1. Nhan đề cũ của nó là Chôsenjin (Người Triều Tiên) đã được sửa lại vì đó là một lối gọi có tính kỳ thị chủng tộc của thời thuộc địa.
  2. Tác phẩm ra đời năm 1925 giữa thời kỳ Triều Tiên trở thành thuộc địa của Nhật (1910-1945). Trong giai đoạn đó, nhiều người nước này bị cưỡng bách sang Nhật làm phu phen.
  3. Tạm dịch từ aburazemi, một giống ve tiếng kêu to khỏe.
51) CÁI CƯA VÀ SINH NỞ (NOKOGIRI TO SHUSSAN,1924)


Người con gái ấy đang sinh một đứa con cho ai đó...

Không biết vì lý do nào mà tôi nghĩ rằng nơi mình đang có mặt phải là nước Ý. Trên đồi cao có một mái lều (tent) kẻ sọc vằn trông tựa như cái dù to che nắng (parasol), Trên đỉnh lều thấy cắm một lá cờ. Nó đang phất phơ trong ngọn gió triều của một ngày tháng năm. Bên dưới cánh rừng chồi màu lục là mặt biển xanh (nó làm tôi nhớ đến bờ biển của vùng suối nước nóng Izuyama) (1) ...Dưới mái lều, tôi thấy một kiến trúc nhỏ giống như cái buồng con dành cho khách gọi điện thoại. Cái buồng ấy trông chẳng khác gì ghi-sê bán vé tàu hành khách chạy đường biển hay văn phòng hải quan. Thế nhưng hiện nay tất cả những gì tôi đang làm là nhận từ cánh cửa sổ của cái buồng đó là một món ngoại tệ lớn vừa đổi được. Người ta đặt một cọc tiền gói trong bọc giấy màu vàng mà tôi hay vỗ đôm đốp vào lòng bàn tay trái. Tôi cảm được là có tiền nằm bên trong bọc. Một người đàn bà mặc bộ quần áo Tây bình thường màu đen sậm đang đứng bên cạnh tôi. Tôi định bắt chuyện. Dù biết đó là một người Nhật nhưng khi nhìn bà, tôi chợt lo ngại về khả năng tiếng Ý kém cỏi của mình.

Những gì đã xảy ra sau đó ư? Bối cảnh của câu chuyện đã thay đổi. Sân khấu dời về một vùng nông thôn trên quê hương tôi.

Có khoảng mươi người hiếu kỳ đang trước sân căn nhà của một nông gia với cánh cổng đi vào thật hoành tráng. Họ toàn là những người tôi từng quen biết ở quê nhà nhưng khi thức giấc, tôi không nhớ từng người trong bọn là những ai. Dù sao, vì một lý nào đó, tôi và người đàn bà này đang phải quyết đấu với nhau.

Trước khi lâm trận, tôi muốn đi giải quyết một chút nhu cầu. Vì thiên hạ nhìn vào, tôi cứ phải đưa tay bụm lấy kimono nên rất khốn khổ. Bất ngờ khi ngoáy đầu nhìn lại, tôi thấy mình đang múa một lưỡi kiếm sáng lóa và giao đấu với người đàn bà ấy ở giữa sân. Thằng tôi thứ nhất nhìn hai bên đánh nhau, tuy là trong chiêm bao, đã hết sức ngạc nhiên khi thấy có mình trong đó:

-Kẻ nào thấy được huyễn ảnh về con người bị phân thân, về nhân cách nhị trùng của mình, kẻ đó sẽ phải chết.

Tôi cảm thấy như con người thứ hai của tôi sắp sửa bị người đàn bà kia giết. Vũ khí của bà ta hình thù như lưỡi cưa. Chính ra nó là một thanh kiếm nhưng lại giống loại lưỡi cưa to bản mà tiều phu thường dùng để đốn những thân cổ thụ.

Lúc đó, tôi hầu như quên cả mót tiểu. Thằng tôi thứ nhất bèn hiệp lực với thằng tôi thứ hai chiến đấu chống lại người đàn bà. Vũ khí của bà ta giống như một món đồ trang sức lộng lẫy. Cứ mỗi lần lưỡi kiếm của tôi chạm phải lưỡi kiếm của bà ta thì sau một tiếng động chát chúa, nó lại cứa lên thanh kiếm ấy những răng cưa lồi lõm. Rốt cuộc, lưỡi kiếm của bà đã trở thành một lưỡi cưa thực sự. Tôi nghe rành rọt những lời như thế này trong lỗ tai:

-Đó là cách thức để trui rèn một lưỡi cưa.

Tóm lại cuộc quyết đấu là cơ hội phát minh ra lưỡi cưa, chuyện nghe mà buồn cười. Tuy gọi là quyết đấu nhưng tôi không mấy tập trung, trong khi múa kiếm chém nhau mà tôi lại mang tâm trạng một kẻ đang theo dõi tình tiết của một cuốn phim.

Rốt cuộc tôi ra giữa sân và ngồi phịch xuống, kẹp lưỡi cưa của người đàn bà dưới gan bàn chân, tha hồ chọc phá bà ta, lúc ấy đang kẹt cứng, không làm sao đẩy hay kéo được lưỡi cưa.

-Tôi mới sinh em bé nên người hãy còn yếu.

Đúng vậy. Bụng dưới của bà lủng lẳng nhiều nếp nhăn.

Tiếp đó, tôi thấy mình đang chạy băng băng trên con đường ven biển xẻ ra giữa những ghềnh đá.(trông giống bãi biển ở suối nước nóng Yuzaki vùng Kii) (2). Tôi thấy mình chạy là để tìm gặp đứa bé sơ sinh mà người con gái mới cho ra đời. Trong một động đá ở đầu mũi đất, đứa hài nhi đang nằm ngủ. Mùi hương của thủy triều giống như một đốm lửa xanh biếc đang lập lòe. Nàng nở một nụ cười nhẹ nhàng và xinh xắn, nói cùng tôi:

-Chuyện sinh ra một đứa bé thật quá dễ dàng!

Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt, tôi đưa tay nắm lấy vai nàng và nói:

-Mình báo tin đi. Này, mình báo tin này cho cô ấy nhé!

-Mình báo tin nhé. Hãy cho biết là sinh một đứa bé thật quá dễ dàng!

Lần này nàng đã trở thành một con người nhị trùng nhân cách. Nàng muốn bảo rằng con người của nàng hiện ở đây muốn báo tin ấy cho con người thứ hai đang sống ở một nơi nào khác.

Mắt mở ra, tôi tỉnh cơn mơ.

......

Đã năm năm rồi tôi và người con gái ấy không gặp nhau và tôi chẳng biết giờ đây nàng ở chốn nào.Trong đầu tôi cũng không hề giữ lại cái huyễn tưởng là nàng đã sinh con. Thế nhưng giấc mơ kia có thể chứng minh rằng giữa tôi và nàng có một liên hệ đặc biệt. Nằm trên giường, tôi vừa thưởng thức niềm vui tươi sáng còn đọng lại trong đầu, vừa mơ lại giấc mơ xưa mà mắt vẫn mở. Phải chăng ở một nơi kia, người con gái ấy đang đẻ cho ai đó một đứa con.

(Dịch ngày 26 tháng 10 năm 2018)
  1. Izuyama: núi nằm trên bán đảo Izu, tây nam Tôkyô.
  2. Kii hay Kishuu, phía nam Nara.
52) CHIM SẼ ĐƯA DUYÊN (SUZUME NO BAISHAKU,1926)

Có lẽ lâu ngày quen với cuộc sống cô đơn, phóng túng nên bây giờ ngược lại, hắn bắt đầu ngưỡng mộ sự cao đẹp của những hành vi phục vụ tha nhân. Hắn đã hiểu ra cái gọi là sự hy sinh đáng tôn quí dường nào. Dù cảm thấy loài người chỉ là một hạt giống được truyền từ quá khứ đến vị lai nhưng hắn thấy đủ thỏa mãn với cách nhìn như vậy. Thực thế, nhân loại tuy là một cột trụ nhỏ bé nhưng đã biết kết hợp cùng với các khoáng vật lẫn thực vật để cùng nhau nâng đỡ, giúp cho một nguồn sống vĩ đại đang chuyển động trong lòng vũ trụ có thể tiếp diễn. Do đó, xưa nay hắn vẫn đồng cảm với lối suy nghĩ cho rằng loài người vốn chẳng có gì vượt trội nếu đem so với các khoáng vật hay thực vật khác.

-Đoán đi nhá!

Người chị họ xoay mạnh như chong chóng đồng tiền bằng bạc trên mặt bàn kê tấm kính trang điểm. Thế rồi cô ta đưa bàn tay ra ập cho nó nằm xuống và nhìn hắn với vẻ nghiêm nghị. Hắn nhận ra rằng nỗi lo lắng của mình đang nằm gọn dưới lòng bàn tay trắng trẻo kia.Thế rồi hắn đáp với một giọng tươi vui:

-Ngửa!

-Ngửa phải không? Nhưng mà trước khi trả lời, phải định sẵn thế nào mới được! Nếu đúng là mặt ngửa thì cậu chịu cưới cô ấy chứ? Hay là không đấy?

-Cứ cho là cưới đi vậy!

-Hỏng rồi.... Nó ra mặt sấp.

-Thật hở chị?

-Trả lời gì mà yếu xìu!

Người chị họ cười lanh lảnh. Nàng vung tay vứt tấm ảnh của cô gái rồi đứng dậy bỏ đi. Người chị ấy vốn hay cười. Tiếng cười nghe rất trong và kéo dài không biết dứt. Bọn đàn ông trong nhà khi nghe nàng cười đều thấy nó ngầm chứa một sự ghen ghét không rõ nguồn cơn.

Hắn nhặt tấm ảnh lên và nhìn khuôn mặt cô gái bên trong. Hắn nghĩ người như thế này đáng cho mình cưới đây. Cô ấy là một đối tượng đầy thiện cảm vì đã phó mặc số phận của mình trong tay cha, anh để tiến đến hôn nhân với hắn. Hắn nghĩ những nàng con gái giống như cô có lẽ hãy còn nhiều trong xã hội Nhật Bản. Biết cư xử như thế mới gọi là đẹp. Trong khi bản thân hắn thì quá xấu xa, hắn đã lầm lạc vì muốn tìm cách đánh thức cái bản ngã vốn chẳng ra gì của mình.

-Bảo rằng kết hôn có nghĩa là được chọn lựa đối tượng nhưng nghĩ cho cùng, chuyện đó khác nào trò bắt thăm trúng số hay xoay một đồng tiền để đoán xem sấp ngửa đâu nào!

Khi nghe người chị họ nói như vậy, hắn cũng để muốn mặc cho định mệnh đưa đẩy mình theo đồng bạc đang nằm dưới bàn tay trắng trẻo của nàng và còn cảm thấy cả một niềm vui vì hưng phấn. Thế nhưng khi biết nàng ta chỉ làm như vậy để trêu ghẹo mình thì hắn buồn xo, đôi mắt chợt nhìn xuống dòng suối nhỏ đang chảy cạnh hiên nhà.

-Ngoài cô gái kia, nếu có ai đáng trở thành vợ mình thì xin cho người đó in bóng xuống mặt nước này!

Hắn cầu khẩn với dòng suối như thế. Hắn tin rằng con người là sinh vật có khả năng nhìn xuyên suốt không gian và thời gian. Hắn là kẻ cô độc đến độ suy nghĩ kiểu đó đấy!

Vừa lúc đang chăm chú dòm mặt nước suối thì trong tầm nhìn của hắn, có một khối đen từ đâu rơi mạnh xuống như có thần linh nào gửi tới. Mãi mê dính lẹo với nhau, hai con se sẻ đã lọt tỏm khỏi mái nhà. Đến sát mặt nước, chúng mới vội vã đập cánh để tách nhau ra rồi mỗi con bay vút về một hướng. Cảm thấy điều đó là tia chớp khải thị đến từ chư thần, hắn mới lẩm bẩm:

-Thì ra là vậy!

Những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước đã tan biến đi. Hắn tiếp tục chăm chú nhìn xuống suối. Lòng của hắn giờ đây đã yên tĩnh và trong như tấm kính, tựa như dòng suối. Nơi đó có cái bóng tươi tắn của một con chim sẻ in lên. Con chim sẻ ấy đang hót và tiếng hót của nó như muốn ngỏ cùng hắn rằng:

-Hỡi anh, con người còn chưa quyết đoán kia. Cho dù hình ảnh người vợ của anh trong kiếp này có chiếu lên trên mặt nước đi nữa, anh chắc cũng không chịu tin đâu nhỉ? Vậy em xin cho anh thấy hình ảnh của người vợ trong kiếp sau của anh đây.

Hắn mới nói với con chim sẻ:

-Sẻ ơi, ta cám ơn sẻ. Nếu như kiếp sau ta sinh ra làm chim và kết duyên với mi thì ta xin quyết định là trong kiếp này, ta sẽ lấy người con gái kia làm vợ. Chẳng có ai thấy được vận mệnh kiếp sau của mình mà còn mê muội trong kiếp này cả. Chính mi, cô vợ xinh đẹp và yêu quí của kiếp sau, đã có lòng mai mối cho ta mối duyên trong kiếp này đó.

Thế rồi khi cúi chào tấm ảnh của nàng con gái với một tình cảm trong sáng, hắn càng cảm thấy sự vĩ đại của thần linh.

(Dịch ngày 9 tháng 11 năm 2018)
53) MÙA ĐÔNG GẦN KỀ (FUYU CHIKASHI,1926)

Nhà sư một ngôi chùa trên núi đang đánh cờ vây (Go):

-Sao thế? Hôm nay ông không được như mọi ngày. Nước đi thấp quá!

-Mỗi năm khi trời trở lạnh, tôi cũng úa vàng như cây cỏ. Không cách chi để khá hơn.

Trong lòng, anh cảm thấy mình là người hoàn toàn chiến bại, không dám cả đưa mắt nhìn trả đối thủ.

Tối qua, như mọi lần, bên ngoài khu nhà trọ ở suối nước nóng, khi anh và người con gái cùng nghe tiếng gió đuổi theo lá rụng, nàng đã nói với anh:

-Mỗi năm khi cảm thấy lạnh đôi chân, em bỗng thèm một mái nhà. Em mơ sao có được một khung cảnh gọi là gia đình.

-Còn anh, mỗi khi mùa đông gần kề thì lại nghĩ mình không xứng đáng với em. Anh không có giá trị gì với bất cứ người phụ nữ nào. Ý tưởng này theo ngày tháng càng cắm rễ.

Thế nhưng giờ đây những câu trao đổi trên đây không còn giúp họ thông cảm một cách trung thực với nhau nữa. Lời của anh có kèm thêm một chút ý định bào chữa:

-Mỗi khi mùa đông gần kề, anh cảm thấy mình hiểu được tâm tình của những kẻ cầu xin thần thánh. Đó không phải là tình cảm tôn sùng nhưng chỉ là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Phải chi anh chỉ thờ một ông thần độc nhất rồi mỗi ngày cầu xin sao cho có miếng ăn là đã đủ cảm thấy hạnh phúc. Mỗi ngày một bát cháo thôi cũng được.

Thực ra hiện nay mỗi ngày hai người được nuôi nấng quá đầy đủ. Có điều là họ không rời nỗi khu nhà trọ ở suối nước nóng này. Cứ theo cách nghĩ thông thường của người đời thì khi sống chung với anh, người con gái cứ đến mỗi mùa hè đã tìm lại được khung cảnh gia đình mà nàng đánh mất bốn, năm năm về trước. Cách đây sáu tháng, bọn họ không tính toán trước sau, đã đến đây như hai kẻ đào tẩu và sống một cuộc đời hầu như ẩn dật. Tuy nhà trọ quen biết này sẵn sàng dành cho họ một gian phòng biệt lập cho đến lúc nào cũng được nhưng vì không biết chỗ kiếm tiền nên họ bắt buộc nằm lì ở đây. Trong khoảng thời gian ấy, niềm hy vọng tàn lụi trong lòng và anh chàng đâm ra chán chường. Lối suy nghĩ của anh về mọi vấn đề đều nhuốm màu sắc bi quan như thể muốn phó mặc tất cả cho định mệnh.

-Ông thấy thế nào? Hay ta đốt lò sưởi lên rồi chơi thêm ván nữa?

Anh nghĩ rằng kỳ này mình sẽ nắm lợi thế thì chẳng ngờ thì hòa thượng đã không nương tay mà đặt một con cờ vào trong góc ngay trước mũi anh. Hòa thượng nhà quê mới vào nghề coi bộ giỏi cách đánh thọc góc địch thủ mà anh thì không ưa ngón đòn hạ cấp này. Anh chợt thấy hết cả thích thú, người uể oải.

-Thế hôm qua trong lúc chiêm bao, ông có ngờ rằng sẽ bị tấn công với ngón đòn này không? Nước cờ vừa rồi của tôi là cách phân thắng bại đấy.

Biết vậy mà anh chỉ đáp trả bằng một nước cờ không đủ chín chắn. Hòa thượng bèn cười lớn:

-Ông nỡm! Sao có thể hạ địch thủ được với nước cờ non kém như vậy!

Thế rồi trong một góc bàn cờ, thế trận của anh đã vỡ tan tành. Trận đấu đến hồi chung cuộc, nhà sư tấn công hết chỗ này đến chỗ khác khắp trên bàn cờ và luôn luôn giữ thế thượng phong. Bất chợt lúc đó, đèn tắt ngấm.

-Ối ôi. Đáng sợ thật. Ông còn tài hơn vị khai tổ. Sức thần thông của ông đánh bạt cả ngài khai tổ chùa này. Ông không phải ông nỡm đâu. Tôi nể ông đấy!

Hòa thượng đứng lên trong bóng tối, tay mày mò tìm một ngọn nến. Cơ sự xảy đến một cách thình lình như thế, giờ đây mới làm cho anh cảm thấy sảng khoái và bật cười.

Những cách nói như "một chiêu thấy trong chiêm bao" hay "ông nỡm" là cái hòa thượng vẫn quen mồm khi họ chơi cờ. Truyền thuyết về vị khai tổ của chùa này mà hòa thượng thường kể cho anh nghe là nguồn gốc của cách ăn nói như thế.

Ngôi chùa được xây lên vào thời Tokugawa. Vị tăng khai tổ xưa vốn là samurai. Đứa con của ông samurai vốn mắc chứng si ngốc. Người con của chức gia lão (karô, đại thần) trong cùng một phiên mới sỉ nhục cậu ấy. Ông ta bèn trả thù bằng cách diệt quan gia lão, giết đứa con của mình rồi bỏ phiên mà đi. Lúc trốn đến một suối nước nóng cách đó 70 dặm, một hôm ông nằm chiêm bao. Trong giấc mơ, ông thấy mình bị giết ở một thác nước cách suối nước nóng đó có mỗi một dặm. Đứa con của quan gia lão hiện ra dưới chân thác và chém sả ông từ vai xuống theo đường chéo góc. Khi bừng tỉnh, cả người ông toát mồ hôi lạnh. Ông thấy giấc mơ này quả là kỳ lạ. Một là vì ông chưa từng nghĩ ra lý do nào khiến ông có thể bị giết ở ngọn thác đó. Hai là ông không thể nào ngồi điềm nhiên để mặc cho một lưỡi kiếm chém tới như vậy. Hơn nữa, một người vẫn tự phụ là kỹ thuật đánh kiếm của mình không thua kém tài nghệ - tuy có khác nhau - của các nhà chỉ đạo các võ đường trong phiên như ông thì cho dù có bị người như con trai của chức gia lão đánh lén, không thể nào bỏ mạng chỉ vì một nhát chém. Thế nhưng chuyện không lường trước vẫn có thể xảy ra, giấc mơ ấy ngược lại đã khiến ông lo lắng. Việc này có phải là do số trời đã an bài hay chăng? Nếu như chuyện sinh ra đứa con si ngốc là do định mệnh thì bị chém dưới chân thác lại là một định mệnh khác chăng? Và phải chăng định mệnh cũng đã dự báo cái chết của mình bằng một giấc mơ. Có thể gọi nó là một giấc mộng báo điềm hay không nhỉ? Rồi sau đó, như bị giấc mộng ấy xui giục, người samurai đã tìm đến ngọn thác.

-Thôi được. Ta sẽ chiến đấu để chống trả lại định mệnh.Ta sẽ xoay chuyển số phận cho xem.


Thác Kegon ở Nikkô

Kể từ ngày ấy, ông ta bắt đầu lui tới ngọn thác.Tắm dưới thác xong, ông lên trên ghềnh đá ngồi chỉnh tề nhưng mỗi ngày đều thấy giấc mộng đó hiện ra thực sự. Ông nhìn thấy có một vết thương vô hình như bị kiếm chém sả xuống nơi vai trái của mình. Ông nghĩ cách thoát ra khỏi huyễn tưởng đó, bắt lưỡi kiếm vô hình kia thay vì chém trúng vai mình sẽ chém lệch xuống ghềnh đá. Một hôm, sau khi đã tập trung tinh thần trong vòng một tháng, ông thấy lưỡi kiếm vô hình nhanh như ánh sáng đã trượt khỏi vai ông và chém trúng mặt ghềnh. Ông bèn nhảy cởn lên, mừng rỡ.

Dĩ nhiên huyễn ảnh mà ông nhìn thấy cũng đã xảy ra trong thế giới của thực tại. Người con trai của quan gia lão dù có tuyên bố mình sẽ phục thù và gọi ông là kẻ khiếp nhược, ông vẫn nghiêm trang ngồi đó, trầm tư mặc tưởng, phiêu diêu trong trạng thái vô ngã. Ông đã hoàn toàn đánh mất tự kỷ giữa tiếng réo của nước thác.

Đôi mắt nhắm nghiền, ông đột nhiên nhìn thấy huyễn ảnh của lưỡi kiếm sáng lên như điện quang. Đứa con của gia lão vừa chém xuống mặt đá, cánh tay đã tê dại. Lúc đó, người samurai bất thần mở mắt:

-Ông nỡm! Mới học đòi được vài chiêu kiếm mà đã nghĩ mình có thể trảm được thiên địa chư thần hay sao hử? Kẻ hèn này vì muốn tránh một lưỡi kiếm duy nhất - lưỡi kiếm của ông – nên đã tìm đến mọi thần linh trong thiên địa. Vì đã tương thông được với sức mạnh của đất trời nên ta vừa tránh được đường kiếm của ông trong gang tấc.

Từ khi kể lại câu chuyện về nguồn gốc của cách gọi "Ông nỡm!" của vị khai tổ, đôi khi hòa thượng lại có dịp dùng nó để trêu người khách, và lúc đó, ông ta cười rung cả bụng.

Hòa thượng tìm được một ngọn nến và mang đến. Thế nhưng khách đã xin kiếu từ. Hòa thường bèn đem ngọn nến gắn vào chiếc đèn lồng bằng giấy, tiễn anh đến tận cổng sơn môn. Trên trời, con trăng sáng đến lạnh lẽo. Núi rừng đồng ruộng, không đâu có một ánh đèn. Anh nhìn khắp núi non rồi nói:

-Con người chúng ta bây giờ không còn biết đâu là niềm vui thực sự khi thưởng thức phong cảnh đêm trăng. Nếu không phải là người thái cổ thủa chưa biết đến đèn đóm thì không thể nào hiểu được niềm vui khi gặp một đêm trăng sáng.

Hòa thượng cũng nhìn lên núi:

-Đúng thế thật.

-Nếu đi sâu vào hẻm núi này, sẽ nghe tiếng nai kêu liên hồi. Chúng nó đang ở giữa mùa động tình.

-Con nai cái của mình thì thế nào nhỉ?

Anh vừa suy nghĩ như thế vừa lần theo bậc đá để rời cửa chùa.

-Hay nàng vẫn cứ khoành tay làm gối và nằm trên nệm giường?

Mấy đêm gần đây, các cô hầu phòng thường hay đến trải nệm làm giường sớm cho họ.Thế nhưng anh không lên nệm ngay. Làm biếng chui vào trong chăn, anh cứ nằm dài thẳng chân bên trên tấm đệm, như thế, anh có thể ủ đôi chân bên trong tấm kimono dày mùa lạnh (dotera) và khoành tay qua đầu làm gối. Không biết tự lúc nào, người còn gái cũng đã nhiễm cái thói quen ấy của anh.Và như vậy, mỗi đêm, từ ban chiều, họ vẫn nằm cùng một tư thế, trên hai cái nệm giường đặt song song nhưng mắt mỗi người lại nhìn về một phía.

Khi anh đi ngang qua cổng chùa, khuôn mặt của người con gái bồng bềnh hiện ra như hình ảnh của định mệnh. Có phải anh là người duy nhất đã không thể cưỡng lại được định mệnh?

-Hãy nhảy ra khỏi tấm đệm ấy và ngồi thẳng lên đi!

Trong lòng, anh thầm ra lệnh cho nàng.

-Mau!

Anh cũng kêu lên một tiếng như tự nhủ.

Nhận ra mình đang quơ tay phất mạnh ngọn đèn lồng, anh cảm thấy cái lạnh của một đêm mùa đông gần kề đến đậu trên riềm mi.

(Dịch ngày 15 tháng 10 năm 2018)
54) MẮT CỦA MẸ NÀNG (HAHA NO ME, 1928)

Tôi đang trọ ở một lữ quán vùng suối nước nóng nằm trên núi. Đứa trẻ con nhà chủ khoảng chừng 3 tuổi với khuôn mặt cau cau, xồng xộc vào phòng tôi. Nhanh như cắt, nó chụp lấy cây bút chì trong ống đựng bút bằng bạc đặt trên bàn rồi chạy như bay biến, miệng không nói một lời nào. ...Một lát sau, cô hầu phòng đến gặp tôi.

-Cây bút chì này có phải là của ông khách không ạ?

-Vâng, của tôi đấy. Khi nãy, tôi vừa mới cho thằng bé.

-Thế nhưng cây bút lại thấy ở đằng cô vú em cơ mà.

-Sao cô ấy lại lấy đi mà không để cho thằng bé chơi nhỉ?

Cô hầu phòng bèn cười. Hỏi ra mới biết là cây bút ấy đã được tìm ra từ dưới đáy bọc hành lý của cô vú em. Trong bọc hành lý ấy ấy, cô ta còn dấu rất nhiều đồ ăn cắp. Nào là hộp đựng danh thiếp của khách, nào là áo lót dài của bà chủ quán, nào là kẹp tóc với lược các cô hầu phòng. Đó là chưa kể năm, sáu tờ giấy bạc.

Sau đó khoảng nửa tháng, cô hầu phòng lại đến nói:

-Bực mình không chịu được. Con nhỏ đó làm mọi người phải mang tiếng xấu vì nó ...

Chứng bệnh ăn cắp vặt của cô vú em coi bộ càng ngày càng nặng kể từ ngày đó. Người ngoài tiệm bán vải may quần áo (gofukuya) trong làng thấy cô ta cứ tiếp tục mua những món hàng khá xa xỉ và trả bằng tiền mặt nên đã ngấm ngầm thông báo cho lữ quán biết. Do đó, bà chủ quán mới nhờ cô hầu phòng đến gạn hỏi cô vú em.

Cô vú em bất chợt đứng dậy bỏ đi:

-Nếu chị nói thế thì để em đến gặp bà chủ trình bày thẳng với bà tất cả mọi sự.

Giọng điệu cô ta như muốn nói:

-Tôi đời nào thèm thú tội với hạng gái hầu phòng cỡ các chị.

Thế rồi, theo lời cô hầu phòng thuật lại, cô vú em đã đến ngồi trước mặt bà chủ, cúi đầu báo cáo một cách trung thực, không sót một vụ ăn cắp nào của mình. Về tiền bạc thì cô ta chỉ lấy của văn phòng lữ quán và khách hàng tổng cộng có 150 Yen thôi.

-Cô ta nói đã dùng tiền để mua áo khoác (haori) và may cho mình 3, 4 tấm kimono. Kỳ dư là dùng vào việc mướn xe hơi chở mẹ đi bệnh viện.

Khi người quản lý cho cô ta nghỉ việc và gửi trả về với cha mẹ thì hai ông bà đã sẵn sàng tiếp nhận cô, không có lấy một lời quở trách.

Cô vú em xinh xắn đi khỏi lữ quán rồi, chẳng bao lâu tôi cũng lên đường về nhà. Có một chiếc xe hơi chạy thật nhanh như muốn cắt ngang cánh rừng xanh để đuổi theo xe ngựa chở khách tôi đang đi. Xe ngựa nép qua một bên để nhường đường. Chiếc xe hơi ngừng lại sát rạt bên hông xe ngựa. Cô vú em, áo xống đỏm đáng, bước xuống xe hơi, chạy như phóng đến bên xe ngựa, cất tiếng kêu mừng rỡ:

-Ôi chao, gặp được ông, em mừng hết sức! Em đang đưa mẹ đi đến gặp bác sĩ ngoài tỉnh đây. Tội nghiệp mẹ em quá, chắc bà chỉ còn giữ được mỗi một bên mắt. Thôi, ông lên xe hơi này mà đi với chúng em. Em sẽ đưa ông tận bến xe đò. Ông chịu chứ?

Tôi bèn nhảy phóc xuống khỏi chiếc xe ngựa. Gương mặt của cô vú em lúc ấy ánh lên một niềm vui khôn tả.

Qua cửa sổ chiếc xe hơi, tôi thấy mắt của mẹ nàng đang được băng bó trong một lớp vải ga trắng toát.

(Dịch ngày 10 tháng 11 năm 2018)
55) NHÀ CẦU CỦA BỤT (SETSUCHIN JÔBUTSU, 1929) (1)


Mùa anh đào ở Arashiyama (Kyôto)

Ngày xửa ngày xưa, ở vùng Arashiyama (2) vào độ xuân về.

Các bà mệnh phụ ở thành phố Kyôto, những cô tiểu thư, các nàng geisha xóm hương phấn, mấy cô gái trẻ... đều chưng diện quần áo đẹp đi xem hội anh đào.

-Xin phép làm phiền ông bà. Chúng tôi có thể dùng chỗ rửa tay ở đây không ạ?

Họ đỏ mặt thẹn thùa, cúi đầu hỏi thăm trước cửa những căn nhà nông dân lụp xụp. Quành ra đằng sau thì thấy chỗ để làm cái chuyện riêng tư ấy chỉ là một nơi được che bằng một cái mành lác cũ và ố bẩn mà mỗi lần gió thổi tung, da thịt của những người con gái kinh đô phải lạnh se. Lại còn nghe đâu đây có tiếng trẻ con khóc oa, oa nữa.

Cảm thương cho tình cảnh của những người con gái kinh đô, một anh nhà quê bèn nẩy ra ý định cất cho họ một cái nhà cầu giản dị nhưng tươm tất.

Thế rồi, anh ta dựng một tấm bảng có viết bằng mực đen: "Cho mướn nhà cầu, một lần giá 3 mon". Vào dịp xem hoa, người ta chen chúc rợp đường sá nên anh chàng trúng mánh, chẳng mấy lúc đã giàu to.

-Dạo sau này, Hachihei nhờ cho mướn nhà cầu mà kiếm bộn bạc. Tôi cũng định dựng lên một cái như vậy vào mùa xuân này để đánh bại hắn mới được. Bà mầy nghĩ sao?

Thèm thuồng địa vị của Hachihei, một anh khác tên Matsukata mới ngỏ lời với vợ mình như vậy.

-Ông tính như vậy là không xong rồi. Cho dù ông mở thêm một cái nhà cầu nhưng phía bác Hachihei người ta kinh doanh từ lâu, khách đã có sẵn. Mình chỉ là tiệm mới mở. Nếu làm ăn không chạy chắc vợ chồng mình sạt nghiệp mất.

-Bà nói sao mà kỳ cục. Cái nhà cầu tôi định làm không phải bẩn thỉu như nhà cầu của Hachihei đâu. Nghe nói dạo này ở trên Kyôto, người ta đang sính Trà Đạo nên tôi muốn cất một cái nhà cầu theo kiểu trà thất ấy mà. Trước tiên là từ bốn cây cột chính. Nhân vì gỗ Yoshino nguyên con trông bẩn mắt, ta ghép thêm gỗ Kitayama vào. Còn như trần nhà sẽ được lợp cói và đóng đinh, ta lại buông xích sắt để treo ấm nước thay vì dùng giây thừng. Bà mầy thấy có thông minh không? Cửa sổ thì mình đặt nó thấp hơn mặt đất, chỗ để chân làm bằng gỗ cây du, tấm chắn trước bồn cầu với gỗ tuyết tùng phiên Satsuma. Mấy bức vách sẽ được quét lên một lớp sáp ong và ta chọn những thanh gỗ bách dài để làm cửa. Tôi còn lấy vỏ tuyết tùng và cỏ tranh Yamato lợp mái rồi dùng tre, lạt đan vào nhau mà giữ chúng cho chặt. Bậc leo lên phải được làm bằng đá Kuruma. Chung quanh nhà cầu rồi sẽ dựng một hàng giậu trúc và có bồn nước bằng đá cho khách rửa tay (3). Tôi trồng thêm một cây tùng đỏ ở lối vào làm chỗ tiếp đón họ. Bố trí đầy đủ như vậy là nhằm lôi kéo các trường phái trà đạo từ Senke, Enshuu, Uraku cho đến Hayami, tất cả về đấy!

Bà vợ nghe một cách lơ đãng rồi đặt câu hỏi:

-Thế thì ông lấy tiền vào cửa là bao nhiêu, hử ông?

Khổ sở chạy vạy khắp nơi, rốt cuộc ông chồng cũng cất được một cái nhà cầu lịch sự vừa vặn lúc hoa anh đào nở. Tấm biển chào mời thì ông đã xin nhà sư viết mấy chữ đại tự cho giống bên Tàu.

“Đại tuyết ẩn nhất độ bát văn"

(Nhà cầu cho thuê mỗi bận trả 8 mon)

Thế nhưng những người đàn bà kinh đô chỉ đến ngắm nghía và xuýt xoa chứ không dám sử dụng vì nhà cầu quá sang và quá đẹp đối với họ. Mới nhìn thái độ của đám khách, bà vợ đã đập tay xuống mặt chiếu:

-Ông có thấy chưa? Tôi đã bảo mà! Ông dồn cả núi bạc vào đó, giờ tính sao đây?

-Không có gì phải ầm lên cho to chuyện. Ngày mai, nếu tôi đi rảo quanh vùng chào khách thì họ sẽ kéo tới đông như kiến cỏ, sắp hàng mà vào thôi. Bà mầy mai cũng nên dậy sớm, soạn cho tôi một hộp cơm nắm (o-bentô) đi. Tôi chỉ cần đánh một vòng là khách sẽ kéo tới đông như xem hội.

Ông chồng dịu giọng trấn an. Thế nhưng sáng hôm sau, ông ta lại ngủ trưa hơn mọi ngày. Mãi đến tám giờ sáng, ông mới mở mắt, chỉ quấn tấm áo kimono lên cho gọn và đeo hộp cơm vào cổ, xong quay lại nhìn bà vợ với ánh mắt buồn rầu:

-Này má nó ơi! Má nó bảo việc tôi làm là ngốc nghếch, là mơ mộng hão huyền chứ gì. Rồi bà coi. Tôi chỉ cần đi chào hàng một vòng là khách đến ầm ầm. Khi thùng cầu nhà mình đầy ắp thì nhớ treo bảng "Bên trong có người" để tạm đóng cửa và nhờ Jirôbê bên láng giềng nó qua xúc bớt một hai gánh đi cho.

Bà vợ thấy chồng mình sao mà quái lạ.”Đi một vòng”. Có phải ông ta định đi khắp phố phường Kyôto để gào lên: "Nhà cầu cho mướn! Nhà cầu cho mướn!" hay sao nhỉ? Trong khi bà còn đang tự đặt câu hỏi thì có một cô con gái đến ném 8 mon vào hộp đựng tiền rồi chạy nhanh vào nhà cầu. Sau đó khách hàng hết người này đến người kia cứ thi nhau tới. Bà vợ ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt để theo dõi nhưng chả mấy chốc bà đã phải treo bảng "Bên trong có người" để đổ bớt đi. Vừa xong khách lại bu tới rần rần. Đến chiều hôm đó, bà vợ đã thâu được 8 kan (quan) tiền (4) và thay thùng cầu đến năm bận.

-Trời đất ơi! Chẳng lẽ ông xã nhà mình là Đức bồ tát Văn Thù (Monjuu) (5) tái sinh hay sao chứ! Ông ta nói mình nghe cứ tưởng chuyện chiêm bao nhưng lần đầu trong đời mới thấy đó là chuyện có thực.

Mặt mày vui vẻ hẳn, bà bèn đi mua rượu mang về và ngồi đợi chồng nhưng than ôi, cái người ta khiêng vào nhà chỉ là thi thể của ông:

-Chồng bác chết đột ngột trong nhà cầu của Hachihei, chắc vì lên một cơn đau gãy lưng.

Thực ra, buổi sáng khi ông rời nhà, đã bỏ ra ngay món tiền 3 mon để vào ngồi trong nhà cầu của Hachihei và khóa trái lại. Lúc nào có ai định mở cửa thì ông giả dạng ho sù sụ. Ông cứ tiếp tục như vậy suốt một ngày dài đến khản cả họng và cuối buổi chiều xuân dài, ông không còn đứng lên được nữa.

Dân chúng trong thành Kyôto nghe câu chuyện mới bảo nhau:

-Thật tiếc cho con người hào hoa phong nhã như ông!

-Thiên hạ đệ nhất trà nhân là cái ông này!

-Một lối tự tử kiểu cách nhất Nhật Bản!

-Chỉ xây nhà cầu mà thành Bụt. Nam mô A Di Đà Phật.

Không ai mà không tỏ lời khen ngợi.

(Dịch ngày 11 tháng 11 năm 2018)
  1. Trong cụm từ Setsuchin Jôbutsu (Tuyết Ẩn thành Phật ) thì Tuyết Ẩn Tự là tên một ngôi chùa bên Trung Quốc, xưa kia có thiền sư Settô (Tuyết Đậu) tu hành. Ông chăm lo làm công quả bằng cách lau chùi nhà xí và nhờ tu hành lối đó mà đắc đạo. Do dó "tuyết ẩn" là cách nói ví von về nhà xí, nhà cầu. Phật (Hotoke) còn có nghĩa thư hai là người chết.
  2. Arashiyama (Lam Sơn), một thắng cảnh ở thành phố Kyôto, đến nay vẫn còn đông đảo du khách.
  3. Đoạn này nói về quang cảnh một ... nhà cầu-trà thất, rất nhiều danh từ chuyên môn nên mạn phép không dịch trọn vẹn.
  4. Một kan (quan) có khoảng 1000 mon (văn). Vào thời Edo thì kan tương đương với 960 mon.
  5. Văn Thù bồ tát, một vị Phật tượng trưng cho trí tuệ siêu việt.
56) MÁI NHÀ (KATEI, 1928)

.... Dưới đây, khi bảo ai là mù, không hẳn tôi muốn nói tới việc mắt của kẻ đó không nhìn thấy được.

Anh chồng dắt tay vợ leo lên con dốc, đi tìm một ngôi nhà cho thuê.

-Tiếng gì đó anh?

-Tiếng gió khua trong rừng trúc.

-Phải rồi anh nhỉ! Lâu ngày không có dịp ra khỏi nhà, ngay cả tiếng lá trúc lao xao mà em còn không nhận ra. ...Mấy cái nấc thang leo lên gác hai ở ngôi nhà mình ở hiện nay hẹp dễ sợ. Hồi mới dọn về, chân bước chưa quen, em đi không vững. Vậy mà giờ đây khi đã hết sức sành sõi thì anh lại bảo em cùng nhau đi kiếm một ngôi nhà mới. Đối với người mù, ngôi nhà cũ là nơi họ biết rõ từng ngõ ngách như thân thể mình cho nên thân thiết với nó tựa hồ nó chính là con người mình vậy. Đối với người sáng, ngôi nhà là một vật không có linh hồn nhưng đối với người mù, họ cảm thấy nơi đó, có dòng máu của mình chảy ở bên trong. Hơn nữa, chả phải là khi vào một ngôi nhà mới, mình thường đụng cột đụng kèo và vấp vào ngạch cửa hay sao?

Anh chàng buông tay người vợ để mở cánh cổng gỗ quét sơn trắng.

-Ôi chà. Cái sân này cỏ mọc rậm nhỉ, coi bộ tối tăm quá.

-Tường cũng như cửa sổ đều theo kiểu nhà Tây nên chi u ám. Hình như chủ trước là người Đức. Còn sót lại cái bảng tên Liederman đây này.

Thế nhưng khi anh đẩy cửa ra vào để bước vào trong thì mắt anh bị một luồng ánh sáng làm lóa mắt, bật cả người lại.

-Đẹp thật. Sao lại sáng thế này. Ngoài vườn như ban đêm mà ở đây tựa ban ngày.

Bên trong lộng lẫy như một phòng khánh tiết. Các vách tường vây quanh mấy bức màn hai màu trắng, đỏ đều được dán bằng giấy hai màu vàng, son có kẻ những vạch thẳng đứng. Màn cửa sổ toàn một màu hồng đậm khiến những vuông cửa ấy ánh lên như dãy đèn màu.

-Có trường kỷ này, cả lò sưởi nữa đây! Bàn ghế đủ hết. Tủ đựng quần áo, đèn bàn trang điểm....Đồ đạc gia dụng không sót thứ gì. Này, em xem ...

Anh chàng đặt vợ lên trường kỷ nhưng có hơi mạnh tay, suýt xô ngã cô ta. Hai tay cô vợ chới với chẳng khác một người trượt băng vụng về, thân hình nàng lắc lư như có gắn lò xo.

-Có cả piano nữa kìa!

Được chồng đưa tay nắm lấy, người vợ đứng dậy và ngồi xuống bên chiếc đàn piano nhỏ đặt ngang chiều với lò sưởi, thử cho tay gõ lên phím mà như thể đang đụng vào một vật gì đáng kinh hãi.

-Ôi chao! Nó phát ra tiếng.

Thế rồi, nàng dạo một khúc nhạc trẻ thơ. Có lẽ nàng đã học được và vẫn hay hát bài đó lúc mắt nàng hãy còn sáng. Anh chồng thì tiến về căn phòng đọc sách nơi có đặt cái bàn viết lớn, bên cạnh đấy là căn phòng ngủ với một cái giường đôi. Dĩ nhiên là những tấm đệm giường độn rơm cũng được phủ bằng mấy tấm vải thô có kẻ sọc dọc ngang hai màu trắng đỏ. Nhảy lên thì thấy mềm mại, nẩy tưng tưng như lò xo. Lúc đó, nhịp đàn piano của người vợ đã đến đoạn linh hoạt như đang báo một tin vui. Thế nhưng anh chồng cũng cảm thấy nỗi buồn của kiếp mù lòa khi nghe tiếng người vợ cười lên mỗi lần gõ nhầm phím vì mắt nàng không phân biệt được.

-Này em, đến đây mà xem cái giường lớn!

Lạ lùng làm sao...cô gái tự mình tiến về căn phòng ngủ trong ngôi nhà nàng chưa hề tới bao giờ bằng những bước chân vững chãi của một người mắt sáng.

Hai người ôm lấy vai nhau, cùng ngã người xuống chiếc giường, thích thú để cho thân thể mình nẩy lên nẩy xuống như hai hình nộm có gắn lò xo. Người vợ khe khẻ huýt sáo và cả hai quên hết thời gian đang trôi.

-Đây là đâu vậy anh?

-Đâu hở ta?

-Thật ra đây là đâu nhỉ?

-Không rõ, nhưng chắc chắn không phải là ngôi nhà cũ.

-Phải chi có nhiều nơi như thế này thì hay biết mấy!

(Dịch ngày 13 tháng 10 năm 2018)
57) NGỰA TRẮNG (SHIROUMA, 1963)

Trong đám lá sồi có một mặt trời màu trắng bạc.

Khi bất chợt ngẩng đầu nhìn lên, Noguchi bị lóa bởi ánh sáng nên anh nháy mắt rồi thử nhìn trở lại. Ánh sáng không đập thẳng vào mắt. Ánh sáng chỉ đọng trong đám lá dày.

Nếu cây sồi này thuộc loại sồi Nhật thì thân nó không thể to đến mức này và cành cũng không sao vươn cao cỡ ấy. Có nhiều cây sồi khác mọc vây quanh cội cây lớn đó. Chúng chắn được ánh mặt trời đến từ phía Tây. Những cành phía dưới của lùm cây cũng không buông sà xuống thấp. Mặt trời mùa hạ ở phía tây đang ngả về phía bên kia rặng cây sồi và từ từ lặn.

Vì lá sồi đan vào nhau thật dày, từ bên này không tài nào nhìn thấy hình thù của mặt trời mà chỉ thấy ánh sáng của nó tỏa ra trong vòm lá. Noguchi đã quen nhìn như thế. Nơi đây là một cao nguyên trên một nghìn mét nên màu xanh của lá cũng sáng như màu lá sồi thấy ở các nước phương Tây. Khi nhận được ánh mặt trời từ phía tây, lá sồi đổi qua một màu xanh nhạt như có thể nhìn xuyên thấu. Còn như mỗi khi gió nhẹ làm lay động, có lúc chúng loang loáng như những làn sóng lăn tăn làm bằng ánh sáng.

Nhưng chiều hôm nay, lá sồi im ắng và ánh sáng trong đám lá dày ấy cũng không lay động.

-Có gì thế nhỉ?

Noguchi buột miệng thốt lên. Bởi vì anh chợt nhận ra rằng bầu trời đã tối đi. Đáng lý ra nó không thể nào như vậy khi nắng vẫn còn chiếu xuống giữa lùm sồi. Nhưng đây là cái màu chỉ thấy khi mặt trời đã lặn. Thì ra ánh sáng giống như những tia bạc trong chòm lá sồi mà anh thấy đã đến từ một đám mây trắng nhỏ trôi bên kia lùm cây và đang phản chiếu những mảng nắng cuối ngày. Về phía tay trái của lùm cây, hoàng hôn đã nhuộm tất cả rặng núi trải dài như sóng lượn ở ngoài xa một màu xanh đậm mênh mang.

Bỗng nhiên những tia nắng bạc trong lùm sồi vụt tắt. Đám lá xanh đan khít vào nhau giờ đã chuyển sang màu đen. Từ trên ngọn của lùm cây, một con ngựa trắng phóng lên và bay ngang qua bầu trời xám.

-Ôi chà!

Noguchi nói như vậy nhưng không hề ngạc nhiên. Bởi vì đó không phải là một huyển tưởng xa lạ gì với anh.

-Đúng là đang cưỡi ngựa. Đúng là mặc áo đen!

Người con gái đang cưỡi ngựa mặc cái áo đen, vạt đằng sau dài, bay phấp phới. Nhưng không, cái đang phấp phới phải là đôi cánh của con ngựa đã kéo dài và phủ trên khúc đuôi của nó. Nó giống như một mảnh vải màu đen trùm lên trên bộ đồ màu đen nhưng hình như hoàn toàn không phải là tấm áo. Vừa khi Noguchi đang tự hỏi: "Cái gì vậy nhỉ?" thì huyễn tưởng kia đã biến mất. Trong lòng anh chỉ còn đọng lại ấn tượng những bàn chân màu trắng của con ngựa đang phi.

Dáng con ngựa chạy giống như nó đang đua nhưng nhịp chân trông phơi phới. Trong huyễn tưởng của Noguchi, chỉ có bàn chân của con ngựa với những cái móng nhọn sắc là đang chuyển động.

-Cái vạt dài như tấm vải sau lưng là gì vậy hở ta! Vải hay không phải vải?

Noguchi có vẻ bận tâm về điều đó.

......

Hồi Noguchi còn học những năm cuối bậc tiểu học, trong sân trường nơi có hàng giậu nở đầy hoa trúc đào (1), đã nhiều lần cậu chơi trò vẽ tranh với Taeko. Chúng cùng vẽ tranh ngựa. Bởi vì Taeko hay vẽ tranh ngựa như chúng đang phi trên bầu trời, Noguchi cũng bắt chước theo.

Taeko giải thích:

-Ngựa này đạp văng cả núi, chọc được những ngọn suối thần phun nước đấy!

Noguchi hỏi:

-Sao không thấy cánh của ngựa đâu vậy?

Trong những bức tranh của Noguchi, ngựa đều có cánh.

-Cần gì cánh! Móng nó nhọn sắc cơ mà!

Taeko trả lời như thế.

-Ai đang cưỡi nó vậy?

-Taeko chớ ai! Taeko mặc áo hồng cưỡi ngựa trắng đấy!

-Hưừm. Ngựa đạp văng cả núi, làm phun nước suối thần mà Taeko cũng cưỡi được à?

-Được chứ. Còn ngựa của bạn Noguchi tuy có cánh nhưng sao không thấy ai cưỡi cả?

-Để rồi coi!

Trong bức tranh của mình, Noguchi mới vẽ thêm một đứa con trai ngồi lên mình ngựa. Taeko từ bên cạnh đưa mắt ngắm nghía.

Thế nhưng câu chuyện giữa hai người ngừng lại ở đó bởi vì Noguchi đã kết hôn với một thiếu nữ khác chứ không phải Taeko. Anh có con và bước vào tuổi già, rồi quên bẵng ba chuyện như thế.

Anh nhớ lại được vì giữa những đêm mất ngủ, đột nhiên câu chuyện xưa đã hiện về. Đứa con trai của anh hỏng thi vào đại học, mỗi đêm phải thức đến hai ba giờ sáng để ôn tập là điều đã làm cho anh lo lắng, thao thức hết đêm này đến đêm khác. Mất ngủ lâu ngày, Noguchi đâm ra chán đời. Con trai anh còn chuẩn bị cho kỳ thi năm sau và vẫn nuôi hy vọng nên ban đêm không ngủ. Thế nhưng người cha thì chỉ nằm suông trong giường, mắt mở thao láo. Noguchi khó ngủ không phải vì con nhưng vì cảm thấy nỗi buồn của đời mình. Vướng mắc vào nỗi buồn này, anh không sao đuổi đi và cứ phải để nó bám rễ sâu vào mọi ngõ ngách của lòng mình.

Để ngủ cho ngon, Noguchi đã thử nhiều cách, chẳng hạn lẳng lặng nghĩ ra những hình ảnh thơ mộng và ôn lại kỷ niệm. Thế rồi một đêm anh đã tình cờ nhớ lại bức tranh ngựa trắng Taeko đã vẽ. Anh không nhớ rõ nội dung của nó cho lắm. Trong màn đêm, khi sụp đôi mi xuống, cái huyễn tưởng đến với Noguchi không phải là bức tranh do trẻ con vẽ nhưng là hình ảnh một con ngựa trắng đang phi giữa bầu trời.

-Ôi! Có phải là Taeko-chan trong tấm áo màu hồng đang cưỡi ngựa đó chăng?

Hình ảnh con ngựa một màu trắng đang bay trên nền trời trông thật rõ nhưng màu sắc và hình dáng của người đang cưỡi thì khó nhận ra. Hình như đó không phải là một người con gái.

Tuy vậy, khi tốc độ của con ngựa trắng trong huyễn tưởng bay lượn giữa không gian chậm dần để rồi biến mất ở chân trời xa thì Noguchi đã bị cuốn vào trong giấc ngủ.

Kể từ đếm hôm đó, Noguchi đã dùng huyễn tưởng về con ngựa trắng như một phương tiện để dỗ giấc ngủ. Đã một dạo, chứng bệnh mất ngủ thường quấy phá anh. Nó đã trở thành thói quen khi anh có mối lo hay gặp phải chuyện buồn phiền.

Như thế, từ mấy năm nay, cái huyễn tưởng ngựa trắng đã cứu Noguchi khỏi chứng bệnh khó ngủ. Tuy hình ảnh của con ngựa trắng trong huyễn tưởng rõ ràng và linh hoạt, thế nhưng hình ảnh của kỵ sĩ thì có lẽ là một người con gái trong tấm áo màu đen. Không phải cô nữ sinh áo hồng. Hơn nữa, hình ảnh của người con gái áo đen này cùng với năm tháng, dường như đã già yếu đi và kỳ quái hơn trong huyễn tưởng của Noguchi.

.....

Không chỉ vào lúc nằm trên giường mà nhắm mắt lại, hôm nay lần đầu tiên, giữa khi đang thức và ngồi trên ghế, huyễn tưởng ngựa trắng đã đến với Noguchi. Hôm nay cũng là lần đầu tiên anh lại thấy hình bóng hư huyễn của người con gái trong tấm áo đen với cái vạt thật dài như mảnh vải màu đen tỏa rộng sau lưng. Gọi là bay phấp phới nhưng thật ra mảnh vải đen đó rất dày và có vẻ nặng nề.

-Cái gì đấy nhỉ?

Ngày chưa tắt hẳn và bầu trời vẫn nguyên một màu tro xám. Dù hình ảnh ngựa trắng đã biến mất khỏi nền trời, Noguchi vẫn ngước mắt lên và dõi nhìn theo.

Đã trên 40 năm, anh không gặp lại Taeko. Tin tức cũng không.

(Dịch xong ngày 21 tháng 10 năm 2018)
  1. Kyôchikutô (hiệp trúc đào, oleander) một giống hoa thơm đến từ Ấn Độ, thân cao đến 3m, hay được dùng làm rào giậu. Trong thi ca, tượng trưng cho mùa hạ.
58) TẤM ÁO CÔ EM GÁI (IMOTO NO KIMONO, 1932)

Mấy lúc này, người chị hay mặc quần áo của cô em gái. Ngoài ra, ban đêm cô thường đi dạo trong công viên nơi cô em hay tản bộ với người chồng chưa cưới. Từ mùa xuân cho đến mùa thu, trong cái công viên ít đèn đóm và nhiều bóng cây này, khi chiều xuống, vẫn có hàng chục, ngay cả hàng trăm cặp tình nhân nắm tay nhau đi dạo.

Nhà của hai chị em vốn nằm sau lưng công viên ấy.

Khi đưa em gái ra khỏi nhà, cô chị thường dặn dò em mình phải tiễn chân vị hôn phu ra đến tận bến xe phía trước công viên.

Thế nhưng bây giờ, người chị chỉ ra tới phòng mạch của ông bác sĩ ở đầu công viên để lấy thuốc về cho em.

Mấy lúc này, quần áo xưa cô em từng mặc và nay cô đang mặc, tất cả đều do một tay cô mua về.

Cô em đôi khi than phiền:

-Sao áo quần chị mua cho em toàn là loại khắc khổ hơn quần áo chị mua cho chị vậy?

-Tại chị không muốn em cả đời ăn mặc hoa hòe, vớ vẩn như chị. Chính vì ăn mặc kiểu đó, đời chị giờ đây mới cơ cực thế này.

-Do đó mà chị bảo em đừng ham chơi mà phải chăm chỉ làm việc, có đúng không?

-Một cuộc sống mà đồ mặc đi chơi và đồ mặc ngày thường không có gì khác nhau nó sẽ ra sao thì chỉ cần nhìn hoàn cảnh của chị thôi là em đủ rõ.

-Kệ nó chị ơi, sống kiểu đó em thấy vẫn tốt hơn là ngồi không .
 
 


Chị không muốn em cả đời ăn mặc hoa hòe, vớ vẩn như chị

Người chị hết làm geisha, diễn viên điện ảnh, vũ công ở tiệm nhảy, thay đổi nghề nghiệp đến chóng mặt. Hiện cô đang là đào hát ở Asakusa, trình diễn trong một cái rạp nhỏ chuyên về "vũ hiện đại". Nhân vì được ông chủ trẻ của cái rạp nói trên mua cho một căn nhà, cô có lợi thế là chỉ lên sân khấu khi nào cô có hứng. Cô đã gọi người em gái từ dưới quê lên sống với mình lúc cô mới đi đóng phim được ít lâu. Chuyện mà cô coi mình không còn khả năng thực hiện được nữa và cũng là sự kiện mà cô nghĩ là hạnh phúc nhất trong cuộc đời này - một cuộc kết hôn tốt đẹp – cô muốn làm cho được thông qua người em gái.

Người chồng của cô em là do cô chị chọn. Việc sửa soạn cho cô em về nhà chồng cũng một tay cô chị lo. Người chị gửi gắm giấc mộng của mình nơi đứa em. Cô đã làm lụng không biết bao nhiêu mà kể trong suốt quãng thời gian hai, ba năm với mỗi một mục đích là chuẩn bị cho đám cưới của đứa em gái, nay đã trở thành con người thứ hai của mình.

-Con em tôi không hiểu tí gì về thế giới bên ngoài. Nó dường như không biết ai ngoài tôi.

Cô nhìn vị hôn phu của em gái mình và cảm động đến ứa nước mắt. Lòng cô như say sưa như có diễm phúc vì đã nói lên được câu ấy.

Giống như việc cô đã chọn các kiểu quần áo cho đứa em, người chồng mà cô chọn cho em mình là một người đàn ông bình thường. Cô chị nghĩ em mình cả đời chưa bao giờ phải đối mặt với những khó khăn thì chắc khó lòng hiểu đến nơi đến chốn lòng tận tụy của một người chị. Ngoài ra, cô cũng kinh ngạc với cách đối đáp dạn dĩ trước mặt đàn ông con trai của người em gái. So với ngôn ngữ sống sượng của cô chị, cách ăn nói ôn tồn của cô em còn bạo dạn hơn nhiều. Dần dần, cô chị cũng trở nên mạnh miệng, nhiều khi chỉ trích cả người bạn trai của cô em.

Ngay sau khi đám cưới được tổ chức xong, cô em đã nhìn thấy những khuyết điểm của anh chồng và thường báo cho chị mình biết.

-Em có phước lắm đấy nghe. Em còn có quyền được trách móc chồng em với một người thiếu may mắn là chị đây.

Khi em gái bị bệnh, cô đã tức tốc bỏ về nhà chị. Xem phong cách thì cô có vẻ vui thích như thể căn bệnh của cô chỉ là cớ để ly hôn. Thế nhưng cái bệnh cột sống ấy về lâu về dài chắc chắn sẽ đưa tới cái chết. Cô em nào có hay biết chuyện đó. Vì hiểu rõ như vậy nên lần này, cô chị lại cảm thấy cô em như đứa con mình đẻ ra.

-Thôi, tới nước này thì con bé nó là đứa con của mỗi mình mình thôi.

Cô em đặt một cái cóc-xê (corset) dưới lần áo kimono giống như chiếc áo giáp để nâng thân người đứng thẳng. Áo ấy có khoét hai cái lỗ tròn để đặt đôi vú, nó làm cô ta trông tựa một người đàn bà đang có mang. Rồi khi mùa thu vào sâu, tay cô em cũng dần dần lạnh giá. Vì thân thể suy yếu nên ngược lại, cô trang điểm đậm hơn cả người chị. Đôi má cô hồng ra và đôi mắt to ướt át hơn, một vẻ đẹp có được nhờ ở sự bôi trét.

Chẳng bao lâu, cái cóc-xê ấy được đem ra phơi nơi có nắng dọi ở ngoài hiên, khi đó, cô em mới có thời giờ để ngả lưng. Nhưng chẳng bao lâu, người ta đã đem cái cóc-xê đó vứt ở một xó vườn vì cô em không còn ngồi dậy được nữa. Gặp lúc tuyết rơi thì cái cóc-xê trong vườn trắng xóa. Hai cánh cửa sổ lớn ôm lấy lồng ngực và hai cánh cửa sổ con hình tròn, qua đó, người ta có thể nhìn thấy đôi vú của cô em, giờ đây là chỗ ngụ của bầy chim sẻ. Tuyết lạnh ban mai làm chúng phải rùng mình. Tất cả như từng được thấy trong một truyện cổ tích đau thương!

Cô chị đánh thức người chồng của em gái và định bụng sẽ cho anh chàng xem cảnh tượng ấy. Cô muốn nói rằng cái chết của đứa em mình một ngày nào đó sau khi đã cạn kiệt sinh lực chẳng phải là một nỗi đau thương đang bộc lộ rõ ràng trước mắt đó hay sao?

Kể từ khi vợ mình không còn ra khỏi giường được nữa, anh chồng của cô em đã ngủ trọ trong nhà cô chị để đến hãng đi làm. Trên giường bệnh, cô em dần dần đổi tính giống như trẻ con và bày tỏ lòng yêu thương với mỗi người chồng của mình. Trong đôi mắt người chị, việc em gái mình tự ý thay đổi thái độ như thế thật là thê thảm vì chỉ cho thấy trong tình yêu giữa họ với nhau, cô ấy và anh chồng đã quên bẵng cái chết.

Cô em giống như một bạo chúa si ngốc, cứ bắt chồng mình phải túc trực bên giường.

-Anh không được bỏ em đi tắm!

-Anh không được bỏ em đi đọc báo!

Ngoài những chuyện như vậy, nửa đêm có khi cô em chợt tỉnh và vì cảm thấy cô đơn không chịu nỗi nên đã lấy một giải thắt lưng để buộc tay mình với tay anh chồng lại. Cô ta cứ giật giật cái giây và như thế, mỗi đêm đánh thức anh chồng đang nằm ở giường bên cạnh không biết mấy lần.

-Anh tận tụy với cô ấy quá thể!

Người chị nói như vậy và muốn tự kiểm tra xem mình có vẻ gì là ghen tuông với cô em gái hay không.

-Tội nghiệp cho anh thật nhưng anh chỉ còn phải chịu khó ít lâu nữa thôi.

Khi anh chồng của cô em từ hãng trở về chẳng hạn, có nhiều khi anh chợt đứng lặng khi thấy cô chị ra đón anh ngoài tiền đường. Cô chị cũng cảm thấy đẫn đờ.Thế nhưng cả hai không thốt lên một lời. Bởi lẽ người chồng đã thấy cô em nơi người chị.

Từ khi cô em trở về nhà cô chị và nằm bệnh ở đấy thì chuyện cô chị mặc quần áo của cô em xảy ra thường xuyên.

Người chị xưa kia tiếp tục sống trong bao nhiêu năm với ba bốn tấm áo màu sắc thật tươi sáng dùng cho mọi mùa. Hai ba năm trước, khi sắm sanh quần áo cho em gái về nhà chồng, cô đã mua một số quần áo mà bây giờ bị em mình chê là quá nghiêm khắc. Cô trẻ chẳng thua gì em và họ lại giống nhau nữa nên cứ bị xem là sinh cùng năm. Cô em gái từ khi mắc bệnh thì đã suy yếu, không còn vẻ gì là con người mà chỉ giống như cái cóc-xê nằm giữa tuyết kia hay đóa hoa héo úa của một thân cây nào đó. Thế rồi, khi cô chị nhìn em, cô không nhìn qua hình ảnh của người con gái bây giờ, không cả người con gái hồi chưa lâm bệnh mà có lẽ cả hai một lượt. Cô chị khi ra đứng trước tấm kính, có lần đã nhận ra trong đó hình ảnh của em mình. Cô không chỉ mặc khính áo quần của người em, và trong lúc cô không dè, thấy mình đã bới một kiểu tóc giống như người em gái thời hãy còn khỏe mạnh.

Người chị vẫn hay đi lấy thuốc về cho em bằng cách băng qua công viên nơi cô em thường tản bộ với anh chồng chưa cưới là một người chị như vậy đấy. Dạo này nhiều khi đang đi trên con đường đó, cô vừa bâng quơ nghĩ rằng sao mà mình càng ngày càng giống đứa em.

Đó là một đêm đầu xuân khi công viên bắt đầu đón những cặp tình nhân đưa nhau đi dạo. Để đến báo cho bác sĩ biết là cô em gái vì cộng thêm biến chứng của chứng viêm phúc mạc, coi bộ chỉ còn độ vài tiếng đồng hồ nữa là sẽ ra đi vĩnh viễn, cô chị một lần nữa đã mặc tấm áo của người em gái và vội vã bước trên con đường đó. Hình như lúc đó thư viện trong công viên đã tới giờ đóng cửa, cô nhớ mình đã phải chen lấn để vượt qua đám đông đang tụ tập đằng trước nhưng chợt nghe có tiếng chân của ai đang đuổi theo sau.

-Kotoko ơi!

Cô nghe có tiếng gọi tên người em gái nên quay đầu lại.

-Đúng là cô Kotoko rồi đây nhỉ?

Một người đàn ông không quen đang đứng cạnh vai cô chị.

-Thưa không, Kotoko là ...

-Tôi còn nhớ tên cô mà chả lẽ cô lại quên tôi rồi hay sao?

-Kotoko đang ở nhà và đau sắp chết.

Cả cô chị và người đàn ông đều nghẹn ngào.

-Nữa! Không phải cô có lần nói với tôi là hãy xem Kotoko như đã chết rồi à? Không phải cô bảo là để trả nghĩa cho chị mình nên cô phải đi lấy chồng và coi mình như đã chết à?

Tuy ngạc nhiên khi nghe thế, cô chị ngược lại cảm thấy lòng mình lắng dịu. Thế ra em mình nó cũng có người yêu. Việc đó, giữa một đêm tăm tối, giữa hôm cô em sắp chết, người chị đã nghe từ miệng người yêu của em mình ở ngay bên cạnh và đang lầm mình với em mình. Thật là một trường hợp hy hữu.

-Hãy xem như em đã chết...Em đã từng nói với tôi như thế!

Người đàn ông đó bỗng ôm ghì lấy đôi vai cô.

-....trong khi em vẫn còn sống thư thế này hay sao?

Anh ta lay mạnh làm cho cô suýt ngã.

-Xin lỗi anh.

Cô chị lẩm bẩm mà như đang muốn tạ tội với cô em. Phải chăng em gái cô đã dấu diếm việc cô ấy có người yêu để có thể kết hôn với anh chồng mà chị mình chọn cho. Để mà trở thành một con rối chỉ biết nghe theo mệnh lệnh chị. Thân thể cô chị như mất hết sức lực đến độ cô không còn cảm thấy sức mạnh của đôi tay người đàn ông nữa.

Người đàn ông bèn ôm lấy cái thân thể đang lảo đảo và chực ngã ấy vào lòng.

Người yêu của cô em mình giờ đây có còn yêu cô ấy không nhỉ? Bất chợt cô chị nghĩ rằng bằng cách giả làm người em gái như thế này, mình có thể hiểu được điều đó mà về báo lại cho cô em đang nằm đợi chết. Điều đó làm cho cô xúc động đến ràn rụa nước mắt.

-Rõ ràng là em hãy còn yêu anh. Yêu đến mức này có phải không em?

Người đàn ông bèn dìu cô chị đến dưới một bóng cây.

Cô chị để người đàn ông ôm ấp, trong đầu thấy rõ như in cái cảnh em gái mình trước giờ sắp chết cũng được yêu dấu cùng một kiểu trong vòng tay của chồng cô ấy. Rồi vừa để cho gã đàn ông mặc tình làm theo ý muốn, cô chị mơ màng nghĩ đến việc mình có thể sẽ kết hôn với người chồng của cô em nếu một mai cô ấy chết. Viễn tượng đó đã làm cô cảm thấy trong người có một luồng máu nóng trào lên như cơn bão lốc.

Cô chị đi tìm những gì mình đã đánh mất qua cô em gái. Và với cái chết của người em, cô đã tìm lại được tất cả bằng chính bản thân.

(Dịch ngày 24 tháng 10 năm 2018)
59) ĐÔI TẤT (TABI, 1948)

Cớ sao cô chị của tôi, một con người dễ thương đến thế mà giờ đây phải lăn ra chết kiểu này, quả tình tôi không hiểu nỗi.

Hôm đó, lúc sập tối, chị hôn mê, mình mẩy vặn vẹo, hai tay cứng đờ còn bàn tay thì nắm chặt và co giật thật dữ dội. Khi động tác đó ngừng, đầu của chị đã lệch hẳn qua bên trái chiếc gối, như chực rơi khỏi đó. Giữa lúc ấy, từ trong cái miệng đang mở hé nửa chừng, một con sán chậm rãi bò ra.

Con sán này trắng nhợt trông đến lạ lùng, và kể từ ngày đó, nhiều lúc cái màu trắng ấy vẫn hiện ra trong đầu tôi hết sức rõ ràng. Vào lúc ấy, tôi thường nhớ lại màu trắng của những đôi tất tabi (1)..


Tôi thường nhớ lại màu trắng của đôi tất

Khi đang đặt một số đồ vào trong áo quan cho chị, tôi nói:

-Mẹ ơi, còn đôi tabi. Có đặt đôi tất tabi vào không ạ?

-Có chứ! Thế mà mẹ lại quên mất đôi tabi. Chân của chị mày hồi xưa xinh lắm cơ.

Tôi nhắc nhở:

-Phải là loại đo đúng 9 mon(2) . Đừng lẫn với tất của con hay của mẹ nhá!

Tôi nhắc đến đôi tất của chị tôi một phần vì chân của chị ấy nhỏ nhắn và xinh xắn nhưng phần khác cũng vì tôi đang nhớ lại một vài kỷ niệm liên quan đến đôi tất.

Chuyện xảy ra vào tháng chạp năm tôi 12 tuổi. Ở thị trấn kề bên, lúc đó đang chiếu phim quảng cáo cho loại tất tabi hiệu Isami. Một ban nhạc kèn trống diễu hành quanh đường phố thị trấn cũng đã đến làng tôi, giương cao trước gió mấy tấm phướn màu đỏ và đi lòng vòng trong làng. Trong khi rải tờ rơi (3) để quảng cáo, họ đã rải lẫn vào đó mấy cái vé vào cửa cho nên bọn con nít chúng tôi mới bám theo họ hòng nhặt cho được. Thực ra mọi sự đã được họ dàn xếp trước. Vé là những tấm nhãn (label) gắn trên tất, cho phép người mua được một suất xi-nê. Thời đó, nếu không nhằm ngày hội hay lễ Vu Lan, chúng tôi ít khi có dịp xem phim. Vì vậy, mấy đôi tất đã bán chạy như tôm tươi.

Tôi cũng nhặt cả những tờ rơi có vẽ hình những nhân vật ác ôn trong truyện kiếm hiệp. Chiều đến, tôi đã vội vã đến làm đuôi trước cái rạp hát cỏn con của thị trấn. Lúc đó trong bụng tôi hồi hộp, lo rằng cách đó không thể lọt qua mắt họ. Đến trước cửa rạp, tôi đã bị chế nhạo:

-Ủa, tưởng gì! Tờ rơi à?

Thất vọng, tôi bỏ ra về nhưng không hiểu tại sao tôi lại không vào nhà mà cứ đứng tần ngần bên thành giếng, lòng buồn rười rượi. Lúc ấy chị tôi từ bên trong ra, trên tay cầm cái chậu gỗ con. Khi chị đặt tay lên vai tôi hỏi xem có chuyện gì, tôi bụm tay che mặt. Chị bèn để cái chậu nguyên tại chỗ, đi lấy tiền đem đến:

-Nhanh lên, đi mà xem!

Đến góc đường, tôi quay lại còn thấy bóng chị nhìn theo.

Tôi vùng chạy thật nhanh đến tiệm bán tất:

-Chân cỡ mấy mon đấy?

Nghe người bán hàng hỏi thế, tôi lúng túng không biết cách trả lời.

-Ờ ờ, bà cứ cởi cái tất đang mang ra mà xem.

Trên cái móc để cài đôi tất, có viết "9 mon".

Sau khi về đến nhà, tôi đưa đôi tất ấy cho chị. Thì ra khổ chân của chị cũng vừa đúng 9 mon.

Thế rồi, khoảng hai năm sau, cả nhà chúng tôi dời qua Triều Tiên. Chúng tôi sống ở vùng Keijô (4). Đến năm thứ ba trường nữ học, vì tôi quá thân thiết với cô giáo Mitsuhashi nên gia đình bị cảnh cáo, họ cấm không cho tôi đến thăm cô ấy nữa. Nhân vì bệnh cảm mạo của cô trở nặng, cuộc thi cuối học kỳ của chúng tôi đã bị hủy bỏ.

Trước lễ Giáng Sinh, tôi theo mẹ ra phố. Vì có ý định biếu cô một món quà nên đã chọn mua cái mũ cao (top hat) bằng lụa xa-tanh (satin) màu đỏ tươi. Giây băng của nó có trang trí lá cây ô-rô màu lục đậm kèm theo nhiều trái đỏ.Trong mũ lại chứa những thỏi xô-cô-la bọc giấy bạc.

Khi tôi vào hiệu sách quen thuộc của khu phố thì gặp ngay chị tôi. Tôi bèn cho chị xem cái bọc gói mũ ấy.

-Chị thử đoán trong túi này có cái gì xem! Quà em định tặng cô giáo Mitsuhashi đấy.

Chị tôi hạ thấp giọng, thì thầm:

-À, không được. Chuyện đó em ngưng ngay cho chị nhờ. Em không thấy ở nhà trường, người ta không bằng lòng sao?

Niềm hạnh phúc của tôi tan biến. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy chị và tôi rõ ràng là hai con người hoàn toàn khác.

Cái mũ bằng xa-tanh màu đỏ cứ thế nằm nguyên trên bàn học của tôi. Mùa Giáng Sinh rồi cũng trôi qua. Thế nhưng vào ngày 30 cuối năm thì tự dưng cái mũ ấy biến đi đâu mất. Tôi cảm thấy là ngay cả cái bóng hạnh phúc của mình cũng đã tiêu tan. Thế nhưng không hiểu vì cớ gì, tôi không sao hở môi hỏi chị chuyện đó.

Hôm sau là đêm trừ tịch, chị rủ tôi đi ra ngoài tản bộ:

-Chị đã đem mấy thỏi xô-cô-la của em đi cúng cô Mitsuhashi rồi đấy. Khi đặt bên dưới bó hoa trắng, chúng trông chẳng khác nào những viên ngọc đỏ, đẹp lắm cơ. Chị đã nhờ người ta cho tất cả vào áo quan.

Tôi không hề biết tin cô Mitsuhashi qua đời. Kể từ khi chiếc mũ bằng xa-tanh được đặt trên bàn học, tôi không còn ra khỏi nhà. Hình như gia đình cũng muốn giấu tôi về cái chết của cô giáo.

Cho đến hôm nay, hai món đồ cái mà tôi cho đặt vào áo quan là cái mũ bằng xa-tanh đỏ và đôi tất tabi màu trắng mới dùng có hai lần đó. Hình như trong ngôi nhà trọ tồi tàn và trên tấm nệm mỏng tanh của mình, cô Mitsuhashi vì nghẽn đường hô hấp, đã ho khản cả cổ, thiếu điều bắn cả tròng mắt ra ngoài, để rồi chết đi trong thống khổ.

Cái mũ xa-tanh đỏ và đôi tất tabi trắng kia, thực tình chúng là gì vậy nhỉ? Điều này, một người hãy còn sống như tôi vẫn chưa thôi thắc mắc.

(Dịch ngày 20 tháng 10 năm 2018)
  1. Tabi có hai nghĩa: tất kiểu Nhật để mặc với kimono hay giày lao động có đế bằng gôm. Ở đây xin hiểu theo nghĩa đầu tiên.
  2. Tờ rơi: truyền đơn bươm bướm hay giấy quảng cáo khổ nhỏ.
  3. Mon: đồng xu thời Edo, đường kính của nó là đơn vị đo chiều dài một chiếc tất tabi.
  4. Keijô (Kinh Thành) tên cũ của Seoul thời Nhật thuộc (1910-1945).
60) MẤY QUẢ TRỨNG (TAMAGO, 1950)


"Bây giờ tớ sẽ đẻ ra một quả trứng!"

Cả chồng lẫn vợ đều bị cảm cúm nên cần nằm nghỉ, hai cái gối được đặt bên nhau.

Mỗi đêm, người vợ phải giữ đứa cháu nội trên giường nhưng chồng không thích bị trẻ con quấy rầy lúc hừng sáng nên hiếm khi chịu ngủ chung với vợ.

Lý do người chồng bị cảm kể ra thật buồn cười.

Ở Tônosawa trên vùng Hakone (1) vốn có một nhà trọ ở suối nước nóng mà ông đã quen biết từ xưa, ngay mùa đông cũng lên đó chơi. Năm nay, tuy mới chỉ là đầu tháng hai mà ông ta cũng đi. Qua ngày thứ ba, tưởng là đã một giờ trưa, ông mới hớt hải thức dậy đi tắm. Đến khi về lại phòng thì thấy cô hầu phòng với nét mặt còn ngái ngủ, đang châm lửa lò than.

-Sáng nay có chuyện gì vậy ạ. Sao mà ông dậy sớm thế, làm cháu hoảng hồn.

-Cái gì, cô muốn đùa tôi à?

-Mới hơn 7 giờ sáng ông ạ. Lúc ông thức dậy chắc khoảng 7 giờ 5 phút thôi...

Ông ta chưng hửng:

-Thật à? ....Nhưng thôi, tôi hiểu rồi. Tôi chắc đã coi nhầm kim ngắn với kim dài trên đồng hồ! Hỏng to! Tại cái con mắt già.

-Dưới phòng tiếp tân họ cũng đâm lo, không biết đêm qua kẻ trộm có vào phòng ông không?

Nhìn lại thì thấy cô hầu phòng đang mặc một cái áo khoác bằng tơ Meisen (2) lên bên trên áo ngủ. Có lẽ cô đã bị gọi dậy lúc hãy còn đang mơ màng, nên không kịp thay đồ. Hơn nữa, lúc ông ta đã gọi điện thoại xuống dưới nhà ra hiệu là mình đã dậy nhưng đợi một lúc, đầu kia vẫn không trả lời. Đúng là lúc đó, nhân viên tiếp tân còn đang ngủ thực.

-Tôi xin lỗi đã bắt cô thức dậy quá sớm.

-Không sao ạ. Bề gì cũng đã đến giờ phải dậy rồi. Nhưng ông có cần nằm nán thêm một chốc không? Để cháu đặt lại nệm giường cho ông nhé!

-Để tôi coi!

Ông chồng vẫn ngồi nguyên tư thế, lưng cúi trước lò than và bàn tay đưa ra để sưởi ấm. Nghe lời cô ta đề nghị, ông hơi muốn ngủ lại nhưng cái lạnh đã làm cho ông tỉnh mất. Cứ thế, ông ra khỏi nhà trọ, đội cái lạnh ban mai mà trở về nhà.

Thế rồi ông bị cảm.

Còn bệnh cảm của người vợ thì nguyên do không được rõ ràng như vậy. Có lẽ vì có một trận dịch cảm cúm đang hoành hành và bà ta bị lây chăng. Ông chồng về đến nhà thì người vợ đã nằm dài trong giường.

Khi người chồng kể lại câu chuyện mình vì nhìn nhầm kim đồng hồ mà thức dậy quá sớm, cả nhà cười như nắc nẻ. Anh mới đưa cái đồng hồ quả quýt ấy cho mọi người thay phiên nhau xem. Đồng hồ ấy tuy to, dễ nhìn, nhưng cả kim dài lẫn kim ngắn đều có hình thù giống nhau với một cái vòng tròn cắm ở đầu mũi, do đó người nhà đi đến kết luận rằng nó dễ bị nhìn lầm dưới ánh đèn tù mù cạnh giường trước cặp mắt của một người già đang ngái ngủ. Họ cũng thí nghiệm bằng cách quay mũi kim để so sánh xem tại sao lại ông ta có thể nhầm 7 giờ 5 phút với 1 giờ 35 phút.

Đứa con gái út lên tiếng:

-Với mắt bố thì phải là kim dạ quang mới được.

Người chồng vừa nhức mỏi lại lên cơn sốt, mới đặt chiếc gối của mình bên cạnh cái gối bà vợ bị cúm. Ông bảo:

-Xin phép tôi được ké bà một tí! Tôi uống thứ thuốc ông bác sĩ bốc cho bà được chứ? Mình đồng bệnh mà.

Sáng hôm sau, vừa mở mắt, bà vợ đã hỏi:

-Hakone thế nào hở ông?

-Ờ nhỉ, trên đó lạnh.

Ông chồng trước định trả lời phiên phiến nhưng sau lại nói thêm:

-Tối hôm qua bà ho quá trời, đánh thức cả tôi dậy. Thế mà khi tôi chỉ đằng hắng cho thông cổ thì bà lại sợ đến dựng đứng cả người. Bà làm tôi hết hồn.

-Thật sao? Tôi nào có biết gì đâu!

-Tại bà ngủ say.

-Có thằng cháu bên cạnh thì dễ tỉnh ngủ lắm chứ ông.

-Thế thì mắc mớ gì bà lại hoảng hồn như vậy? Già mà chưa nên nết. Chán ghê!

-Bộ tôi có vẻ hoảng hốt hay sao?

-Có chớ!

-Dù ở tuổi này, đàn bà vẫn phản ứng theo bản năng mà ông. Nếu có người lạ bên mình thì quên cả ngủ ...

-Người lạ? Tôi thành người lạ hồi nào?

Ông chồng cười đau khổ nhưng vẫn nói tiếp:

-À mà này! Tối hôm kia ở Hakone là thứ bảy, đúng không? Khách trọ diện đi theo nhóm đông lắm. Sau khi tiệc tối đã tan, khách chia tay thì có một đôi vào trong phòng kế phòng tôi để ngủ. Cô geisha đi cùng khách đã say khướt, lưỡi líu cả lại. Đến khi cô ta trao đổi qua điện thoại với một đồng nghiệp bên phòng khác thì cứ nói liên tu bất tận và có khi còn kêu ré lên.Vì cô ta phát âm không rõ nên tôi không hiểu cô ấy lầu bầu những gì, chỉ có lúc hình như cô ta bảo: "Tớ đẻ đây. Bây giờ tớ sẽ đẻ ra một quả trứng!". Cô ta nói như thế suốt. Ra tuyên bố kiểu đó, hỏi có buồn cười không?

-Hưừm. Tôi nghiệp cô ta!

-Tội nghiệp cái quái gì. Cô ta nói cứ như gào lên.

-Hay tại nghe cô ấy mà ông đâm ra ngớ ngẩn, mới bảy giờ sáng đã thức dậy.

Người chồng cười đau khổ:

-Làm gì có ba chuyện đó!

Chợt nghe có tiếng chân người.

-Mẹ ơi!

Cô con gái út hỏi vọng từ bên ngoài cửa phòng.

-Con không ngủ được à?

-Không. Bố cũng còn thức hả mẹ?

-Bố đang thức.

-Akiko muốn vào có được không?

-Được chứ, con!

Đứa con gái đã15 tuổi, mặt nghiêm trọng, ngồi xuống cạnh đầu nằm người mẹ:

-Akiko nằm chiêm bao thấy sợ quá!

-Chớ con thấy những gì?

-Con thấy mình chết. Akiko biến thành xác chết. Con nhận ra cái xác đó chính là con.

-Chao ôi. Chiêm bao gì mà hãi thế!

-Đúng rồi mẹ! Con thấy mình mặc một tấm kimono trăng trắng, đi trên con đường thẳng băng. Hai bên bờ đường mờ mịt như có sương giăng. Mà con đường ấy cũng trôi bồng bềnh và không biết kéo dài tới đâu. Bước chân của Akiko cũng nhẹ lâng như thế. Lại có một bà già trông rất khó thương cứ lẽo đẽo sau lưng con nữa chứ! Con đi đến đâu, bả theo đến đó. Chân bà ấy không có tiếng động. Akiko sợ đến nỗi không dám quay mặt lại nhìn nhưng biết bà ấy vẫn theo mình. Con không có cách thoát thân ...Này mẹ, bà ta có đúng là Thần Chết hay không nhỉ?

-Không, con. Làm gì có chuyện đó.

Người vợ vừa trả lời vừa đưa mắt nhìn chồng như dọ hỏi.

-Thế rồi sau thì sao?

-Vâng. Đi tiếp được một đỗi, con thấy hai bên đường loáng thoáng có vài túp nhà. Toàn là những ngôi nhà nhỏ, mái thấp, như thể cất lên để ở tạm! Tất cả đều xám xịt, mà hình thù của chúng cũng rất bãng lãng, mềm nhũn. Akiko mới bỏ chạy, trốn vào trong một ngôi nhà cất kiểu đó. Bà già hình như nhầm lẫn nên đi vào trong một ngôi nhà khác. Khi con vừa thở phào, thấy mình may mắn, thì nhận ra rằng ngôi nhà đó không kê giường chiếu gì cả mà chỉ đầy những đống không biết cơ man nào là trứng.

-Trứng à?

Vợ tôi buột miệng hỏi.

-Vâng, trứng. Con nghĩ đúng là trứng.

-Thế hở? Rồi sau đó thì sao?

-Con không hiểu làm sao mà từ trong ngôi nhà chứa đầy trứng đó, bỗng nhiên con bay lên như thăng thiên. Khi đang nghĩ ôi chao Akiko đang bay lên trời đây thì con choàng tỉnh.

Đứa con gái nhìn về phía bố:

-Bố ơi, có phải Akiko sắp chết không?

-Làm gì có chuyện đó!

Ông bố như bị tập kích bất ngờ, trả lời cùng một kiểu với bà mẹ. Đang nghĩ thầm cô con gái của mình mới có 15 tuổi mà đã nằm mơ thấy chết thì lại xuất hiện chi tiết mấy quả trứng, hai người càng thêm thảng thốt.

Cô con gái kêu lên:

-Ôi, con sợ quá! Bây giờ hãy còn sợ.

-Này Akiko, chuyện đó chẳng qua vì hôm qua, mẹ than đau cổ họng, nghĩ rằng nếu nuốt một quả trứng thì bệnh đỡ ra không chừng nên mới sai Akiko đi mua trứng về. Do đó con mới nằm chiêm bao thấy trứng!

-Có phải thế không? Bây giờ con mang trứng đến cho mẹ nhé! Mẹ có xơi không?

Đứa con gái đứng dậy và đi ra.

Người vợ lên tiếng:

-Ông thật là bậy! Chắc vì đầu óc ông cứ bị ám ảnh bởi ba chuyện geisha đẻ trứng, con nó mới nằm chiêm bao thấy trứng chứ gì! Tội nghiệp con tôi ...

- Hưừm!

Ông chồng nhìn lên trần nhà.

-Thế Akiko có hay chiêm bao thấy chết không bà?

-Tôi nào có biết. Chắc mới lần đầu.

-Có gì vừa xảy đến cho nó chăng?

-Ai biết!

-Thế nhưng nó thấy mình bay lên trời cùng với trứng mà.

Đứa con gái đã mang trứng tới. Đập một quả cho mẹ xong, nó bảo:

-Đây, mẹ!

Rồi bỏ ra ngoài.

Bà mẹ đưa mắt ngó chỗ trứng như ghê ghê:

-Không hiểu sao tôi thấy khó chịu, chả muốn nuốt nó tí nào. Ông xơi đi vậy!

Ông chồng cũng liếc sang nhìn trứng với vẻ lơ là.

(Dịch ngày 23 tháng 10 năm 2018)
  1. Tônosawa, một vùng suối nước nóng nằm trên cao nguyên Hakone, gần chân núi Fuji.
  2. Meisen: sản phẩm tơ lụa đặc chế của các vùng Isezaki, Kiriu, Ashikaga...thuộc miền Đông đảo Honshuu nước Nhật. Áo bằng tơ Meisen nhẹ, có thể mặc khi ngủ.