Giông gió thâu đêm đã trút sạch lá cây lựu. Lá rụng làm thành một vòng tròn bao quanh cội cây như để lại dấu vết của mình trên mặt đất. Khi kéo liếp cửa lên, Kimiko ngạc nhiên nhận ra cây lựu không còn mang một chiếc lá nào nhưng cũng lấy làm lạ là những chiếc lá rụng đã khéo vẽ trên mặt đất một vòng tròn thật tròn. Đáng lý ra chúng đã tán loạn theo luồng gió . Trên đầu ngọn cây, có một quả lựu óng ả. -Mẹ ơi, quả lựu kìa! Kimiko gọi mẹ mình. -Ừ nhỉ. Mẹ quên khuấy. Thế nhưng mẹ nàng chỉ đưa mắt nhìn rồi lại trở vào trong bếp. Nghe mẹ mình bảo đã quên khuấy, Kimiko mới chạnh nhớ đến nỗi buồn trong cuộc đời của hai mẹ con. Họ đã nối tiếp một chuỗi tháng ngày hờ hửng, không để tâm tới quả lựu trước hiên nhà. Mới nửa tháng trở lại thôi, một đứa cháu họ có tới thăm họ. Chú bé đã mau mắn phát hiện ra quả lựu. Nhìn cảnh đứa bé trai 7 tuổi hăng hái trèo cây, Kimiko cảm thấy có một cái gì tràn trề nhựa sống. Đứng dưới hiên nhà, nàng nói vọng ra: -Bên trên còn có một quả to hơn đấy, con! -Thấy rồi dì. Nhưng nếu leo lên tới đó hái, con không biết cách xuống đâu. Đúng như nó nói, mỗi tay nắm lấy một quả lựu thì làm cách nào mà tuột xuống nhỉ. Kimiko chợt cười thành tiếng. Thằng bé đáng yêu thật. Cho tới hôm cậu bé đến, trong nhà chẳng ai ngó ngàng đến quả lựu. Và họ quên lửng cho tới sáng hôm nay. Ngày cậu bé ghé chơi, quả lựu hãy còn như ẩn trong chòm lá thế mà sáng tay nó đã lồ lộ giữa khung trời. Quả lựu này cũng như cái vòng tròn được vẽ bằng xác lá trên nền đất quanh cội cây đều toát ra một cái gì mạnh mẽ và sắc lạnh. Kimiko bước ra ngoài, nàng cầm ngay cái sào trúc khều nó xuống. Quả lựu đã chín muồi. Nó chực tách làm đôi như bị sức sống đầy ắp bên trong làm cho vỡ ra. Kimiko đặt quả lựu lên hàng hiên và thấy từng cái hạt một lấp lánh như có tia nắng của mặt trời xuyên thấu. Kimiko bỗng thấy tội nghiệp cho quả lựu. Nàng leo lên gác hai, nhanh nhẹn lấy đồ ra khâu vá. Khoảng 10 giờ, nghe có tiếng nói của Keiichi vọng tới. Có lẽ vì cánh cửa gỗ để mở, anh chàng đã đi vào bên trong sân. Giọng anh nhanh và khỏe. Người mẹ gọi to: -Kimiko, Kimiko ơi. Kei-chan (1) đến rồi đấy con! Sợi chỉ tuột khỏi trôn kim. Người con gái vội vã chọc cây kim vào cái bọc cắm. -Kimiko cũng nói nó muốn gặp Kei-chan một lần trước khi cháu nhập ngũ đấy nhưng nó hơi ngần ngại. Mà phía cháu cũng không thấy động tĩnh.Thôi thì hôm nay ... Mẹ nàng nói như thế, làm như muốn giữ cậu ta lại dùng cơm trưa. Thế nhưng Keiichi có vẻ gấp gáp. -Tiếc quá!... Cháu ăn thử quả lựu vườn nhà đi vậy!
Nói xong, bà cất tiếng gọi Kimiko thêm lần nữa. Khi Kimiko xuống đến nơi, Keiichi như đón nàng bằng ánh mắt. Anh nhìn Kimiko như đã ngóng đợi nàng từ nảy giờ. Ánh mắt đó làm đôi chân nàng bủn rủn. Bất ngờ giữa khi ánh mắt của Keiichi đang toát ra một cái gì trìu mến thì: -Ấy chết! Anh chợt đánh rơi quả lựu. Mắt nhìn nhau, họ cùng mỉm cười. Nhận ra là hai đứa đang cười với nhau, Kimiko thấy đôi má mình nóng bừng. Từ hàng hiên, Keiichi ra chiều gấp rút, anh bật mình đứng dậy: -Kimi-chan, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé! -Nhất là Kei-chan đó, cẩn thận nghe...! Giữa khi Kimiko còn chưa dứt lời thì Keiichi đã ngoảnh mặt sang một bên, chào giã từ người mẹ. Keiichi đi rồi nhưng Kimiko vẫn đứng thêm một chút cạnh cái cửa gỗ trong vườn nhìn theo bóng anh. Mẹ nàng nói: -Kei-chan vội chi mà vội quá thể. Uổng chưa, lựu ngon như vậy! Rồi bà khom người xuống gần đụng thành hàng hiên, với lấy quả lựu và nhặt nó lên. Hồi nãy, khi ánh mắt của Keiichi vừa toát ra một cái gì trìu mến đối với nàng thì anh cũng vô tình làm cử chỉ tách quả lựu làm đôi như muốn chia sẻ nhưng đã để nó vuột khỏi bàn tay. Quả lựu chưa được tách ra hẳn nhưng phần có hạt lại rơi sấp xuống mặt đất. Bà mẹ rửa quả lựu trong nhà bếp rồi đem ra chìa cho nàng: -Này, Kimiko! -Không. Bẩn quá, mẹ ơi! Nàng cau mày, rụt người lại nhưng bỗng cảm thấy đôi má mình nóng ran, bối rối một chút nhưng không ngượng ngùng nữa mà chìa tay tiếp lấy. Mấy hạt phía trên như có in chút dấu răng của Keiichi. Vì mẹ mình còn đang đứng đấy, không ăn sẽ khiến bà sinh nghi. Kimiko bèn làm như không có chuyện gì xảy ra, đưa lên miệng nhấm lấy vài hạt. Vị chua của lựu thấm vào chân răng. Nàng cảm thấy tất cả niềm vui nỗi buồn cũng theo vị chua đó mà thấm vào tận lòng mình. Chẳng hiểu chút nào nỗi niềm của con gái, bà mẹ vô tâm đã đứng dậy. Khi đi ngang qua bàn trang điểm, bà nhận xét: -Chết chửa, đầu tóc tôi sao lại thế này! Nãy giờ mình cứ mang cái đầu này mà đi tiễn Kei-chan, bậy thật. Thế rồi, bà ngồi xuống đó. Kimiko đứng bất động, lắng nghe tiếng lược chải. Mẹ nàng chậm rãi nói: -Hồi bố mới mất đó con...Thời gian đầu, mẹ cứ sợ, không dám chải tóc...Bởi vì mỗi khi cầm lược đưa lên, trí óc cứ hoang mang chi đâu. Đến khi bất chợt cảm thấy như có bố đứng bên cạnh và đang chờ mẹ chải gỡ cho xong thì lúc đó mẹ mới hoàn hồn. Kimiko còn nhớ mẹ nàng xưa có thói quen hay ăn nốt đồ thừa của chồng. Một tình cảm se sắt trào dâng trong lòng cô gái. Đó cũng là niềm hạnh phúc khiến nàng muốn ứa nước mắt. Mẹ nàng hay ăn nốt có lẽ sợ bỏ mứa và hôm nay chắc cũng vì lý do đó, đã trao quả lựu cho con. Bà từng sống suốt đời như vậy, nên một lần nữa, đã hành động theo thói quen. Kimiko cảm thấy hơi mắc cở với mẹ vì mình đã thưởng thức một niềm vui riêng tư mà không cho bà biết. Thế nhưng nàng tự nhủ là mình đã gói trọn tâm hồn vào trong cách chia tay ấy dù Keiichi có biết đến hay không. Nàng cũng tin chắc rằng mình sẽ mãi mãi đợi chờ anh. Lén nhìn về chỗ mẹ ngồi, Kimiko thấy ánh nắng đang chiếu qua cánh cửa giấy như vách ngăn, rọi đến bên bàn trang điểm. Ý tưởng cho răng cắn vào quả lựu đang đặt trên đùi từ đây sẽ là một chuyện kinh khủng đối với nàng.
Ngôi làng trên núi có một con đường rất đỗi hoành tráng chạy xuyên qua. Nó không nhắm phục vụ cái làng lạnh lẽo này mà chỉ là cách để vượt được ngọn núi phía nam làng và cắt ngang bán đảo. Khi con đường vừa được làm ra, trong làng đã có những tiếng xôn xao: chiến tranh sắp sửa xảy ra, con đường sẽ là phương tiện vận chuyển trọng pháo và binh lính về mỏm cực nam. Dân chúng vẫn phải sử dụng chiếc cầu treo bắc qua ghềnh đá như thủa giờ mỗi khi đi tắm những con suối nước nóng nằm dọc theo bờ sông dưới thung lũng. Nói là dọc chứ thực ra những chỗ tắm ấy nằm ngay giữa lòng sông. Ở đó, có những con chim tích linh (1) đập đuôi ven thành bồn tắm nữa.
Tuy trọng pháo chưa được đưa qua nhưng đã thấy xe cộ tới lui, rồi dân nhà giàu cũng tìm đến. Có một ông lão giàu có tuyên bố rằng mình rất thích những ghềnh đá trắng, sạch mát của con sông dưới thung lũng và muốn xây biệt thự trên đó. Sau khi cho dẫn nguồn nước suối về biệt thự xong rồi, ông đã đưa nước nóng ấy về một hồ tắm công cộng nằm dưới gốc cây sơn đào (2) nằm ngay giữa làng. Thế rồi ông đặt tên cho nơi đó là “Suối nước nóng Sơn Đào”. Ban đêm, đôi khi quả sơn đào rụng xuống lộp độp trên mái nhà đã khiến cho bọn con gái đang ở trong hồ tắm sợ hãi chạy lên. Thế rồi lão già đó cho đắp thêm một con đường nhỏ dọc bờ sông. Ông mở rộng nguồn suối nước nóng và làm thành một hồ chứa bằng bê-tông. Hơn nữa, ông còn chịu mua lại mấy vạt đất ven sông nơi chỉ có cúc dại và lau sậy mọc cho nên dân làng càng thấy hài lòng. Mười năm trôi qua. Lần này, lão già dùng mìn khơi nguồn nước suối rộng ra một bề ngang 3 shaku (gần 1m). Dĩ nhiên nó nằm trên phần đất ông ta sở hữu. Nguồn suối tức khắc thấy có gì không ổn, nước đổ ra chỉ hâm hẩm. Riêng cái ao mà lão già đã phá toang bây giờ giống như một cái chảo địa ngục, hơi nước bên dưới bốc lên dày đặc. Dân làng ngơ ngác nhìn nhau. Rồi lại nhìn nhau ngơ ngác. Họ tìm đến lão già, người đã hưởng được bao nhiêu là lợi ích. Lão cười mà bảo: -Các chú lo gì ba việc đó! Ta chỉ khơi mạch nước để giúp làng mình thôi mà. Ta sẽ xây ở nguồn nước này một hồ tắm công cộng cho cả ngàn người. Lão ta thực hiện đúng như vậy. Trong bồn tắm mới làm ra, đầy ắp một thứ nước màu như gốm sứ.Trên vòm cao của phòng tắm, lão già còn cho xây thêm một chỗ thay quần áo rộng đến 20 tấm chiếu tatami (độ 32,4 m2, NNT). Thế rồi trong ngôi biệt thự của mình, lão già vừa thưởng thức những thứ rau quả tươi mà dân làng đã đem đến biếu, vừa sáng tác những bài Hán thi và Haiku để ca tụng vẻ đẹp của phong cảnh trên sông. Trong lúc đó, nguồn nước suối cũ đã bị lá cây shii (3) rụng che lấp mất. Khi lão già chết, dân làng dựng một cái bia để tưởng nhớ. Hôm vén màn khánh thành, con trai của lão đã đến dự. Chưa đầy nửa tháng, ông ta đã bắt đầu cho thi công một lữ quán suối nước nóng. Hồ tắm công cộng bị che đi bằng những bức tường đá và trở thành hồ tắm dành cho khách trọ. Dân làng lần nữa lại đưa mắt nhìn nhau ngơ ngác. Rồi ngơ ngác nhìn nhau. Thấy thế, ông con trai chỉ cười nhạt. Dân làng bèn bảo nhau: -Ông con sao mà quái quỷ, chẳng giống cha tị nào. Ông này không hiểu được ý nguyện của cụ cố! -Hừừm. Tôi đúng là con của bố tôi đấy. Khác chăng là chỗ tôi không nhát nhúa như ông ấy. Nhờ có người bố như thế, tôi không cẩn phải lừa đảo các anh thêm gì nữa mà cũng xong việc. -Uổng chưa! Bây giờ ngay cả việc đi trên con đường cụ cố đắp, chúng tôi cũng không còn thấy thích thú. -Bọn giòi bọ các anh! Con đường đó chỉ đủ rộng cho một chiếc xe đạp. Nếu như tự lúc đầu các anh kinh ngạc khi biết chủ tâm của người đã làm ra con đường nhỏ như thế thì nay hãy mở mắt cho to mà nhìn và suy nghĩ xem đâu là chủ tâm của người làm những con đường lớn cho xe hơi chạy!
Shii (pasania, chinquapin): loại cây cao to, mọc ở vùng đất núi ven biển. Có hoa thơm và quả ăn được.Gỗ dùng làm vật liệu xây dựng, vỏ để nhuộm.
Lão già và cô gái trẻ đang sóng bước. Hai người này có nhiều điểm lạ lùng. Khoảng cách tuổi tác giữa họ phải đến 60 nhưng hình như cả hai đều không cảm thấy điều đó mà cứ dựa vào nhau như đôi tình nhân. Tai lão già đã lãng, hầu như lão không còn hiểu cô gái nói gì. Cô gái mặc một tấm áo kimono có in hoa văn mũi tên màu tím và trắng, bên dưới là cái hakama tím với một thoáng đỏ bầm. Ống tay áo cô có hơi dài. Quần áo của lão già thì trông như bộ đồ các bà khi ra cắt cỏ ngoài đồng. Ông ta không mang găng tay mà cũng không quấn xà cạp. Áo khoác bằng vải và cái quần mặc khi làm việc của ông toát ra một vẻ gì phụ nữ. Bộ quần áo lụng thụng bọc lấy tấm thân gầy guộc. Hai người vừa đi ngang qua bãi cỏ được một đỗi thì đã thấy một tấm lưới sắt cao dựng đứng trước mặt. Nếu muốn tiến lên nữa, họ buộc lòng phải va vào tấm lưới nhưng hình như cả hai đều không ngại ngùng gì. Họ không ngừng mà cứ tiến bước rồi đi xuyên qua. Như một làn gió thoảng... Sau khi qua được thông suốt, hình như cô gái mới để ý đến tấm lưới sắt. Cô đưa mắt nhìn lão già, tỏ vẻ ngờ vực: -Ủa? Shintarô mà cũng đi xuyên được qua tấm lưới à? Lão già không nghe rõ lời cô nói. Thế nhưng lão đưa tay ra nắm lấy một cái mắt trên tấm lưới sắt, lung lay nó và buông lời chữi rũa: -Cái lưới chó chết, cái lưới chó chết này! Chắc vì lão dùng sức quá mạnh nên tấm lưới bị đẩy về phía bên kia. Lão già như hụt hẫng, tay vẫn nắm lấy tấm lưới nhưng đã chúi mũi ra đằng trước. -Shintarô ơi, coi chừng nguy hiểm! Anh có sao không? Cô ôm chầm người lão để đỡ lên. -Anh buông tấm lưới ấy ra đi. Bây giờ người nhẹ đi rồi, phải không? Cuối cùng, lão đã đứng dậy được. Hơi thở khó nhọc làm đôi vai lão nhô lên. -Ôi chà! Cám ơn em. Một lần nữa, lão lại đưa tay ra nắm lấy một mắt của tấm lưới sắt. Thế nhưng kỳ này, lão chỉ dùng mỗi một cánh tay và vin lên được nhẹ nhàng... Thế rồi với tiếng nói to của người điếc, lão bảo: -Hết ngày này sang ngày khác, đằng sau tấm lưới sắt này, anh đã phải lượm biết bao nhiêu là quả bóng. Ròng rã 17 năm trời đấy chứ. -Chỉ 17 năm mà bảo là dài. Có bao lăm! -Những quả bóng bay tới vùn vụt. Thiên hạ quất mạnh cho đã tay, có nghĩ ngợi gì đâu. Bóng đập vào tấm lưới sắt gây thành tiếng. Hồi còn chưa quen với nó, anh sợ đến khiếp, co đầu rụt cổ lại. Tại ba thứ tiếng động như vậy mà anh điếc đấy. Khốn nạn thật! Trong cái sân luyện đánh gôn (Golf) này, tấm lưới sắt là vật dùng để bảo vệ những người đi nhặt bóng, bên dưới có gắn bánh xe cho tiện bề di động đằng trước đằng sau, sang trái sang phải. Khu vực thi đấu chính thức (course) và bãi luyện tập nằm ngang hông được ngăn ra bằng cây xanh. Trước kia nó là một khu rừng lớn đủ loại cây nhưng nay đã bị đẵn hết chỉ còn trơ lại một con đường cắt đôi hai khu vực với hàng cây mọc không trật tự. Hai người vẫn bước đi, bỏ tấm lưới sắt lại đằng sau. -Nhớ ghê, cái tiếng sóng biển! Muốn cho lão già nghe được câu nói của mình, cô gái phải ghé miệng vào tận tai lão: -Em nghe tiếng sóng này giống hệt tiếng sóng ngày xưa! -Gì hở em?... Lão già nhắm mắt lại, nói thêm: -Misako ơi, hơi thở của em vẫn ngọt ngào, có khác trước đâu nào! -Anh không nhớ tiếng sóng biển hồi xưa à? -Biển, biển hả...? Nhớ, nhớ cái gì ...? Không phải biển đã dìm chết em à? Cớ gì em lại quyến luyến nó nhỉ? -Em vẫn nhớ mãi đấy chứ! Sau 55 năm trời, em mới về lại quê hương thì vừa vặn Shintarô cũng vừa về tới. Nghĩ lại chuyện xưa, thấy thương làm sao! Tuy tai lão già không còn nghe được gì nữa, cô gái vẫn nói tiếp: -Chuyện em tự trầm là điều hay đấy! Gieo mình xuống nước như vậy, em vĩnh viễn giữ được trọn vẹn tình yêu của em đối với Shintarô ngày đó...Hơn nữa, ký ức của em, dòng liên tưởng của em đều đọng lại ở tuổi 18. Hình ảnh trẻ trung của Shintarô sẽ mãi mãi lưu lại trong em... Phía Shintarô chắc cũng thế thôi. Nếu em không tự trầm ở tuổi 18, thì hôm nay trở lại quê nhà, em sẽ mang dáng dấp một bà cụ già chứ gì? Thế thì chán lắm, em sẽ không dám đến gặp anh đâu!
Lão già lẩm bẩm như người điếc đang nói để mỗi mình nghe: -Tôi có lên Tôkyô nhưng làm ăn thất bại. Đến khi già nua tàn tạ mới trở lại quê hương. Ngày xưa, có người con gái vì bị bắt phải chia tay với tôi nên đau khổ mà gieo mình xuống biển. Bên bờ biển ấy có một sân gôn và người ta đã mướn tôi vào làm việc. Tôi đã phải khóc lóc ỉ ôi họ mới thương tình. -Chỗ hai chúng mình đang đi đây ngày xưa là khu đất rừng thuộc về gia đình của anh đấy chứ, anh Shintarô? -Tôi chẳng biết làm gì hơn là nhặt mấy quả bóng ở khu tập chơi gôn. Trẹo cả lưng, đau vô kể...Có người con gái đã vì tình yêu đối với tôi mà gieo mình xuống biển. Cái vực đá ấy nằm ngay sát đây nên dù chân bước loạng choạng, tôi nghĩ mình vẫn phóng xuống đó được. -Em không chịu đâu! Phải sống mạnh, nghe anh...Nếu Shintarô chết đi thì trên cõi đời này, hỏi làm gì có người thứ hai nào nhớ đến Misako như Shintarô. Lúc đó em sẽ chết hoàn toàn, không còn tồn tại nữa, phải không? Dù cô gái tựa sát vào người lão già để nói nhưng lão vẫn không nghe ra. Bất chợt Shintarô ôm chầm lấy cô gái đang bám vào người lão: -Thôi, được rồi. Chúng mình cùng chết chung đi vậy. Lần này nhé!... Có phải em đã về để đón anh theo không? Cô gái ngước mắt nhìn lên qua bờ vai của Shintarô, cao giọng đáp trả : -Chết chung à...? Thế nhưng anh phải sống, Shintarô phải sống vì em chứ? Này, đằng kia hãy còn nguyên một chòm cây thật lớn. Ba thân cây ấy vẫn nguyên vẹn như hồi xưa. Em nhớ rõ mà. Vì cô gái đưa tay ra để trỏ, lão già cũng nhìn về hướng cây cổ thụ. -Bọn khách đánh gôn sợ cái cây ấy lắm, có lần đòi đốn nó đi. Chúng bảo những quả bóng đánh về phía cây ấy đều bị sức mạnh ma quái của nó hút lấy và đẩy lệch hết về bên tay phải cả. -Bọn khách chơi gôn mai mốt sẽ chết hết thôi. Chúng còn chết trước cây cổ thụ sống hàng trăm năm này. Chúng ăn nói như thế vì không hiểu gì về giới hạn tuổi thọ của con người. -Tổ tiên của anh từ hàng trăm năm về trước, đời này qua đời khác, đã chăm sóc cây cổ thụ rất cẩn thận. Khi bán miếng đất, anh đã bắt họ hứa là không bao giờ được chặt 3 thân cổ thụ. -Thôi, mình đi đi anh! Cô gái tức tốc nắm lấy tay của lão già và lôi đi. Bước thấp bước cao, họ tiến sát đến bên thân cổ thụ. Cô gái băng mình cái một vào bên trong thân cây. Lão già cũng đi theo trót lọt -Ô kìa? Cô gái lấy làm quái, nhìn đăm đăm lão già: -Shintarô cũng chết rồi sao? Chết thật hở anh? Từ bao giờ vậy? - ........ -Anh chết rồi nhỉ? Thật sao anh?...Kỳ lạ quá! Trong Cõi Chết, em có bao giờ gặp anh đâu!Thôi, hãy thử một lần nữa xem mình đang sống hay chết bằng cách đi xuyên qua thân cây này đi. Nếu Shintarô chết thật và hai đứa mình có phải ở lại trong thân cây với nhau thì cũng không sao chứ, hở anh? Hai người biến mất trong thân cổ thụ. Không còn thấy lão già lẫn cô gái bước ra nữa. Đằng sau lưng cây cổ thụ 3 thân ấy, mấy bụi cây mảnh mai đã bắt đầu nhuộm ánh chiều. Bầu trời phía bên kia, nơi vọng lại tiếng sóng biển, nhàn nhạt sắc hồng.
Anh em nhà họ thường dùng chung một cái ví. Muốn chính xác hơn thì phải nói là ông anh đôi khi mượn đỡ cái ví của cô em. Đó là một loại ví đựng bạc cắc bằng da màu đen, hình thù như móng ngựa với những đường viền đỏ bọc quanh, chứng tỏ nó là đồ dùng dành cho con gái. Do đó, dầu thấy Anna cũng có một cái ví cùng kiểu, anh chẳng ngờ vực điều gì. Không những thế, anh còn nghĩ rằng chẳng qua cô gái người Nga đáng yêu này cũng chạy theo cái "mốt" đang lưu hành trong giới sinh viên.... Quả như vậy. Hôm cô em gái kéo anh ra khỏi nhà để đi đến một cửa hàng bách hóa và trong khi nhìn lên một cái giỏ đặt bên trên tủ kính trưng bày mỹ phẩm, cô gái dẩu môi ra hiệu cho ông anh nhìn về cái bảng giá "Tất cả đồng giá 50 sen (1)" và nói: -Trong lớp em, bạn nào cũng có cái ví cùng kiểu này. Sau đó họ đã mua nó ngay. Anna cũng có một cái ví như vậy....Anh chàng đã nhận ra điều đó hôm anh bắt gặp cô mua đậu muối. Cái khăn san màu đen của cô buông chùng và phủ lên trên quầy gánh hàng rong trông như cánh một con dơi chết đang giăng ra. Nhân biết cô có một cái ví giống y như mình, anh bất chợt muốn tiến lại gần để bắt chuyện. Anna đang phủ tấm khăn quàng của cô lên trên bờ vai của Israel, em trai cô, lúc đó không mặc áo khoác ngoài. Còn Daniel, cậu em út, thì đang dụi cái đầu trần không đội nón của nó vào túi đằng sau của một cụ già. Từ những cánh cửa của các rạp hát nhỏ trong Công viên Asakusa, những nghệ sĩ diễn tuồng và bọn con gái đi bán vé đang túa ra ngoài đường. Đó cũng là giờ giấc người ta gặp bọn vô gia cư nhiều hơn cả. Dù vậy, nhóm nhạc sĩ người Nga vẫn lê những bước chậm chạp như người ăn xin, len lỏi dưới bóng những hàng cây trụi lá và lạnh cóng. Anh đi theo sau họ rồi vượt ra đằng trước, cuối cùng tất cả dừng chân trước một khu nhà trọ rẻ tiền (3) đằng sau công viên. Để có thể nhìn thấy bóng Anna bước đi trong hành lang ở tầng hai, anh bèn tựa lưng vào bức tường trắng của bệnh viện khoa tiêu hóa nằm đằng trước nhà trọ đó và đứng đợi. Thực ra, bên bức tường trắng ấy đã có một cậu học sinh trung học đang dán người như con thằn lằn và vươn cổ lên cao để nhìn chăm chắm cái tầng hai của khu nhà trọ. Chắc hẳn anh chàng này đã theo gót Anna đến tận nơi đây. Hồi đó, anh đã là một sinh viên cao đẳng. Anh sinh viên cao đẳng lẫn cậu học sinh trung học đều tránh nhìn nhau để khỏi thấy nét mặt căng thẳng đến độ như đang chực khóc của người kia vốn chẳng khác gì mình. Họ đứng nguyên như thế trên mươi phút đồng hồ, hai chân lạnh cóng. Đột nhiên cậu học trò trung học chụp lấy cái mũ măng-tô đặt lên đầu rồi bỏ chạy như một con chó. Anh bèn đi vào khu nhà trọ. Khi anh xin người quản lý nhà trọ giữ cho mình căn phòng bên cạnh phòng của Anna thì ông ta nói: -Xin lỗi ông. Qui tắc của nhà trọ chúng tôi là phải trả tiền trước. -Vậy à? Giá một yen ba mươi sen, ông nhỉ? Thế nhưng khi cho tay lên túi áo trên thì anh không thấy ví tiền đâu cả. Anh vội vàng lục tất cả bảy cái túi trên người nhưng không vẫn hoàn không.
"Hồi nãy cái ví của mình đã bị Anna chôm mất rồi!" Anna và nhóm bạn của cô sau khi ra khỏi cánh cửa hậu của rạp N. đã dừng chân một đỗi trước quầy rạp trượt băng trên bánh xe (roller skate) để chen vào bên trong dòng người đi xem trượt băng. Lúc đó, anh đứng ngay đằng sau Anna. Dù không cố ý để cho ống tay áo măng-tô của mình đụng phải tấm khăn san của cô ta nhưng rốt cục nó đã phớt nhẹ vào. Khi Anna quay mặt lại như muốn rời khỏi nơi đó, cô ta đã dẫm phải bàn chân anh. Anh bất chợt lên tiếng: "Xin lỗi!" và Anna cũng đỏ mặt nhìn anh, cô hơi mỉm cười. Với đôi mày hình cánh cung và khóe miệng hơi nhếch, đó là nụ cười của giống chim săn mồi hung dữ đi kèm theo một tia nhìn lạnh lùng, ném ra như để lườm anh trước khi cúi mặt xuống. Anh quyết định đi theo chân cô gái...Và cũng chính lúc đó, anh đã bị móc mất ví. Người quản lý nhà trọ – tay vẫn còn đặt trên nền hành lang (2) – ngước mắt nhìn anh rẻ rúng. -Tôi nghi mình đã đánh mất ví tiền. Sáng mai em gái tôi đem tiền đến trả sau thì có được không? ... Kẹt quá! Tôi phải gọi điện thoại về đằng nhà đang trọ học. Gọi thì gọi nhưng chưa chắc tối nay, cô em tôi đã lại đây được. -Nguyên tắc của chúng tôi là khách phải trả tiền trước. -Như vậy là bác không cho tôi ở lại đây? -Cậu cảm phiền cho. Giờ này chắc tàu điện còn chạy. Hơn nữa, xóm Hongô (4), chỗ cậu ở, cách đây có bao lăm, lội bộ cũng tới. Không nhìn đâu khác, mắt anh chỉ dừng lại ở chiếc giày diễn trò mà Anna đã cởi ra và vứt lại ngoài tiền đường, rồi bước xuống bậc thang của ngôi nhà trọ rẻ tiền. Anh đi về phía Hongô, miệng hát một điệu nhạc Nga với ca từ bằng tiếng Anh. * * * -Chào ông ạ! Đêm hôm sau, người quản lý đó lại ra đón anh nhưng tỉnh tuồng như gặp người chưa từng quen biết. Anh bèn thử nhìn vào phòng Anna qua khe vách bằng giấy (fusuma) ngăn nó với phòng mình. Dưới sàn, anh thấy vương vãi vài bộ quần áo lót nhàu nát của Anna và mấy đứa em cô với hai cái rương cũ kỹ. Bên trên một cái rương là gói đậu muối và cái khẩu cầm (harmonica) đã han rỉ, còn trong rương dùng để đựng quần áo thì có một vòng hoa đầy bụi bặm và một con ngựa được kết lại từ những thanh gỗ...Ngoài ra không một món nào khác. Trên cổ con ngựa thấy có treo một tấm huân chương của người Nga, nhưng không có vẻ là đồ chơi. Cô hầu phòng đến trải tấm nệm sửa soạn chỗ ngủ, gọi anh: -Ông chủ ơi! Từ khi cha sinh mẹ đẻ, lần đầu anh mới được người ta xưng hô như vậy. Cô ta mở tấm vách ngăn hai căn phòng: -Nếu ông chủ không chê, em sẽ giới thiệu con bé ngoại quốc này cho! -Hả? -Ông chủ chịu bỏ ra 20 Yen không ạ? -Mà này, cô ơi! Cô bé đó mới có 13 tuổi thôi đấy! -Ủa? Mới mười ba tuổi thôi sao? Bọn Anna đã trở lại phòng. Cô trao đổi hai ba câu với mấy cậu em rồi đi ngủ ngay thì phải. Còn anh thì nằm run lẩy bẩy trên tấm nệm cứng nhắc. * * * Qua buổi chiều thứ ba, anh trở lại sau khi đã góp được số tiền 20 Yen từ chúng bạn, mới nhận ra người hầu phòng của mình bây giờ là một cô gái khác. Tuy cha cô và mấy cậu em đã đi ngủ, Anna vẫn hát nho nhỏ một mình. Lén nhìn vào bên trong thì anh thấy Anna đang ngồi, chỉ có hai chân là chui vào trong chăn. Chiếc váy của cô đặt trên mặt sàn nhưng đã được gấp xếp li lai. Một đống quần áo lót chất bên trên đầu gối, Anna đang cầm cây kim khâu kiểu Nhật để mạng lại chúng. Đến khi nghe tiếng động cơ xe hơi rú lên trong khu phố, anh lại lén nhìn qua bên kia một lần nữa nhưng anh chỉ thấy mái tóc của Anna, lúc đó đang ngủ say trong vòng tay thằng bé Israel. Giường bên kia là ông bố với Daniel, cả hai cũng đang ngủ. Anh bèn nhẹ nhàng mở hé cánh cửa và bò vào, đặt một cái ví tiền cạnh đầu nằm của Anna. Đó là cái túi tiền đựng bạc lẻ làm bằng da màu đen, hình thù như móng ngựa, trang trí bằng những đường viền màu đỏ mà hôm nay anh đã cố tình ra tiệm bách hóa để có cho được một cái giống y vật mà anh đã mua lần trước. Khi anh lại thức dậy lần nữa với đôi mắt sưng vều vì khóc nhiều thì ở dưới chân cánh cửa kéo ngăn hai căn phòng, anh ngạc nhiên tự hỏi không phải có hai cái ví giống như đúc đang được đặt bên nhau đấy sao? Cái ví mới có 20 Yen của đêm qua, cái cũ thì có 16 Yen và ít đồng lẻ....Đó là số tiền tương đương với món tiền từng có trong cái ví mà Anna đã trộm lấy, nay đem hoàn lại nguyên vẹn cho anh. Trong căn phòng bên cạnh giờ đây chỉ còn mỗi cái vòng hoa giả bám bụi bên cạnh rương quần áo. Cả nhà Anna đã trốn mất. Anh không ngờ nghĩa cử phát xuất từ tấm lòng ngay thật nhưng trẻ con của anh đã làm cho gia đình cô khiếp sợ. Anh bèn bẻ lấy một đóa cúc từ vòng hoa giả, bỏ nó vào trong ví của mình rồi vội vã đi về phía rạp N. Thế nhưng lịch chiếu phim của rạp nay đã đổi. Tên tuổi của Anna và chúng bạn không còn thấy ghi trong chương trình. Mấy đứa trẻ nhà Rupowsky này là lũ con mồ côi dòng dõi quí tộc người Nga, đã phiêu bạt sang đây sau khi bị Cách Mạng đuổi đi. Trong rạp N. vào giữa giờ nghỉ của hai cuộn phim, Anna 13 tuổi đánh dương cầm, Israel 9 tuổi tấu đàn xen-lô (cello) còn còn Daniel mới lên 7 thì hát những bài hát ru em của nước mình. Về đến ngôi nhà mình đang trọ học (geshuku), anh bảo với cô em: -Cái ví hôm trước đã về lại tay mình rồi. Anh ra bót cảnh sát Asakusa xem sao thì họ cho biết có một cô gái người Nga đã nhặt được hộ. -May quá nhỉ. Anh có cảm ơn cô ta chưa? -Cô ta là dân rày đây mai đó, biết đâu mà tìm....Đành chịu thua. Thôi thì để tưởng nhớ đến cô ấy, mình nên tìm xem có món đồ nào đó của người Nga mà mua giúp đi em. -Từ hồi Cách Mạng tới giờ, còn ai đưa hàng Nga qua đây đâu. May ra là mấy người đi bán thảm len (raxa). -Dù sao mình kiếm mua cái gì thật oách để dùng được lâu dài nhé! Anh lại đến tiệm bách hóa kia và mua biếu cô em gái một cái hộp đựng đồ trang điểm làm bằng da màu đỏ....Ba bốn năm sau, khi lên đường về nhà chồng, cô có mang theo hộp đồ trang điểm đó. * * * Một buổi tối tháng ba ngoài phố Ginza, một toán thiếu niên – ra dáng dân du đãng - đang tiến tới. Chúng giăng hàng ngang thiếu điều chiếm hết mặt đường. Anh tránh ra và nép mình đằng sau một thân cây bên bờ lề. Đằng sau nhóm người ấy có một gã trẻ tuổi, trông trắng trẻo và xinh xắn chẳng khác búp bê nặn bằng sáp. Gã mặc một cái áo kimono xanh thẫm kiểu Kurume (5) dệt bằng vải thô, đội cái mũ đen cũ kỹ hình quả chuông che sụp xuống mi mắt, choàng áo khoác kiểu sinh viên mà đường viền dưới đáy đã tơi ra. Hai bàn chân trần dận trong đôi dép geta cao khều, trông xinh xắn đến độ ai cũng muốn cắn cho một phát. Con gái chăng?...Vừa khi chúng đi lướt qua bên cạnh, anh chợt kêu lên: -Ôi chao, Anna! Đúng là Anna! -Không, không phải Anna. Tôi người Nhật mà! Gã thiếu niên đáp lại một cách rành mạch trước khi biến đi, nhanh như cơn gió lốc. -Không phải Anna. Tôi người Nhật mà! Anh lẩm bẩm như vậy trước khi bất chợt cho tay vào cái túi bên trong ngực áo khoác để thấy... ôi thôi, cái ví tiền của mình đã biến đi đâu mất.
Hắn vừa tiễn chân người đàn bà quí phái ấy xong. Vì thấy khu hành lang và gian đại sảnh của khách sạn quá đìu hiu với mặt sàn bóng như tấm kính đang phản chiếu hình ảnh những đám mây thu nhàn nhạt và nếu cứ thế mà leo thẳng lên phòng mình ở tầng hai thì lại làm một quyết định không ổn nên hắn đã tần ngần ở lưng chừng cầu thang và rút một cuốn sách nằm tận cùng bên phải của giá sách ven tường. Giả sử từ đó có một con dế theo cuốn sách phóng ra ngoài thì điều đó cũng chẳng làm cho hắn giật mình. Quyển sách ấy là một từ điển bách khoa. Hắn mở trúng ngay trang có mục nói về "Nữ sĩ Gió Thu" (Akikaze no Nyobô) (1): "Bà là cháu gái nhà thơ cuồng ca (2) Yoshiwara Daimonjiya Bunrô thời Edo và là vợ của người tên Kabocha Motonari. Nhân bà từng viết bài cuồng ca "Akitatsu wo / kaze ga shirasu ya / fumidzuki no / fuji wo kiri no / hitoba chirashite" (3) nên được người đời tặng danh hiệu ấy. Ngoài ra, bà còn giỏi về thơ Waka." ...Ối chà chà, lại ba cái chuyện lẩm cẩm! Hắn không hiểu ý nghĩa của bài cuồng ca này cho lắm. Chuyến du lịch này đã buồn tẻ rồi, nhớ thêm chi những điều thừa thãi. Nghĩ thế, hắn bèn trở về phòng.Thoảng đâu đây mùi thơm đồ trang điểm của phụ nữ. Trong chiếc giỏ để rác vụn trên bàn trang điểm, hắn thấy có vài dúm tóc nhỏ được vất chung vào đấy.
-Ôi chao, sao tóc rụng lắm thế. Tội nghiệp chưa! Hắn nhặt chúng lên và nhìn. Chắc người đàn bà ấy cũng kinh ngạc khi thấy tóc mình rụng nhiều như vậy nên đã thử cuộn nó chung quanh ngón tay và ngồi ngắm. Có lẽ vì thế món tóc mới có hình vòng tròn nhỏ. Hắn ra ngoài bao lơn. Trên con đường lớn như một vệt trắng, hắn thấy chiếc xe của người đàn bà đó đang chạy. Hắn nhắm con mắt phải và áp cái món tóc cuộn tròn ấy vào bên mắt trái như tròng kính rồi nheo lại, nhìn đuổi theo bóng chiếc xe đang xa dần và có cảm tưởng nó là một đóa hoa giả hay món đồ chơi bằng kim loại. Hắn thấy mình thích thú như một đứa trẻ. Thế nhưng về cái mùi của món tóc thì phải nói là lâu ngày bà ta không có dịp gội đầu. Trong món tóc ấy, hắn thấy có mùi của sự lao khổ. Phải chăng bây giờ đã đến thời tiết mà khi ôm đầu con người ấy trong vòng tay, ta phải giật mình trước cái lạnh lẽo của vầng tóc. Liên hệ giữa hắn và người đàn bà quí phái đó sở dĩ có là vì hắn đã cho bà ta mượn căn phòng mình khoảng chừng 30 phút. Chồng bà mắc bệnh lao nên được đưa về khách sạn này để thay đổi không khí. Ông ta xưa nay vẫn là người tự hào về sức mạnh tinh thần của mình và luôn luôn tin tưởng sẽ chiến thắng bệnh tật bằng ý chí. Bà lại luôn luôn ở bên ông, không rời một bước.Thế nhưng giờ đây cái chết đã gần kề, ông chỉ còn hai, ba ngày nữa. Bà phải trở về nhà mình ở Tôkyô để sửa soạn hậu sự. Có lẽ là chuyện tiền nong hay một vấn đề phức tạp nào đó. Vì thế bà đã phải kín đáo đem quần áo đến căn phòng mượn của hắn, thay đồ và sửa soạn tóc tai thật chỉnh tề trước khi rời khỏi khách sạn. Cuộc sống của bà là như thế nên thường ngày hắn vẫn thấy bà mặc bộ quần áo làm bếp màu trắng, bước trong hành lang khách sạn với nét mặt buồn rười rượi. Vào vụ hè hay vụ đông, có rất nhiều người Tây phương đến cái khách sạn huyên náo và tươi vui này nhưng đối với hắn, chỉ có cái dáng dấp bình dị đời thường của bà mới là một nét đẹp thấm được vào lòng. Chiếc xe hơi đã bị mũi đất che khuất. -Mummy! Mummy! Có giọng nói trong vắt của một đứa con gái người Anh độ bốn năm tuổi, nó phóng ra ngoài bãi cỏ và gọi mẹ. Đằng sau lưng nó là người mẹ đang dắt theo hai con chó kiểng giống Bắc Kinh (4). Cái dáng dịu dàng thánh thiện của đứa bé con làm hắn nghĩ ngay rằng những bức tranh vẽ các thiên thần không thể nào là vật chỉ có trong tưởng tượng. Thảm cỏ đã khô héo hãy còn sót lại phía dưới một chút màu xanh đã gợi cho hắn hình ảnh yên lặng của một tu viện khi mà các nhà nữ tu đã bỏ đi. Đàn chó và đứa bé chạy ngã lên ngã xuống rồi mất hút vào bên trong khu rừng tùng. Đáng lẽ mặt biển phải hiện ra như một cái băng vải màu xanh trên khu rừng, ấy thế mà chỉ có hai năm kể từ lần hắn ghé qua đây, những ngọn tùng hình như đã đã vươn cao và che mất hết biển.Trên nền trời từ phía biển nơi mà hắn không nhìn thấy, có những đám mây đang vần vụ kéo tới. Hắn dợm lui về phòng thì bỗng nghe tiếng nhạc khiêu vũ nổi lên. Lúc này là giờ thiên hạ uống trà. Thế nhưng không thấy ai đến uống trà trong gian đại sảnh đã bắt đầu lên đèn. Nhìn qua bên kia khung cửa sổ, hắn thấy người quản lý khách sạn và bà chỉ huy các cô hầu phòng đang làm thành một cặp nhảy Waltz (5). Bà ấy béo, mặc một bộ đồ Tây phương không được gọn cho lắm ở phía hông. Cách họ nhảy cũng buồn tẻ. Từ bao lơn, hắn trở về phòng mình, lên giường quành tay làm gối rồi cứ thế mà thiếp đi. Khi bừng mắt ra thì đã nghe có tiếng lá rụng đuổi nhau trong sân sau và tiếng cửa kính rung bần bật. Tất cả là tín hiệu của một cơn giông mùa thu đang kéo đến. Lòng lo lắng, hắn tự đặt câu hỏi -Người bệnh bây giờ ra sao nhỉ, mà không biết bà vợ đã về chưa? Hắn định quay số bàn tiếp tân của khách sạn để hỏi thăm tin tức nhưng thấy như từ dưới đáy sâu của mùa thu có một con mắt đang nhìn mình và ngược lại, hắn bất chợt nhận ra lòng mình cũng đang dậy lên một tình cảm quyến luyến khác thường với người đàn bà ấy.
Da trời xanh như nước men ngày càng thắm lại của một món đồ sứ đẹp. Từ nơi mình nằm, tôi lặng ngắm dòng nước con sông Kamo (1) đang dần dần nhuộm màu bầu trời mai. Chỉ mười hôm nữa diễn viên thủ vai chính của cuốn phim này sẽ đóng tuồng trên sân khấu. Thành thử đoàn quay phim chỉ còn một tuần cuối và phải thức trắng đêm liên tục để kết thúc mọi việc. Dù chỉ có vai trò nhẹ nhàng của một người viết kịch bản nhưng tôi cũng đã mệt mỏi đến độ môi khô nẻ và mắt không còn dám mở khi đứng bên cạnh ánh đèn các-bon bùng cháy trắng lòa. Những đêm như vậy, tôi chỉ về đến nhà trọ khi những vì sao đã tắt. Thế nhưng màu xanh men sứ của bầu trời đã làm cho tôi sảng khoái và còn khiến tôi nghĩ rằng tình cảm ấy biết đâu sẽ chẳng gợi cho mình một hình ảnh hư cấu đẹp đẽ nào đó. Cảnh vật hiện ra trong đầu tôi trước nhất là cái khu Shijô (1). Ngày hôm qua, tôi đã ăn cơm trưa ở một hiệu cơm Tây tên là Kikusui (Cúc Thủy) ở gần cầu Ôhashi (1). Từ cửa sổ tầng ba của tiệm ăn, tôi có thể nhìn thấy màu xanh của lá mới trên Higashiyama (1). Từ giữa đại lộ Shijô mà nhìn được ngọn núi hiện ra trước mắt là chuyện hầu như đương nhiên đối với dân Kyôto nhưng với một kẻ đến từ Tôkyô như tôi thì đó là một cảm giác tươi tắn đến kinh ngạc. Hình ảnh tiếp đến là nụ cười của cái mặt nạ tuồng mà tôi đã thấy trưng bày trên cánh cửa sổ của một cái tiệm bán đồ cổ ngoạn. -Chao ôi, mình đã nghĩ ra được một cảnh tượng đẹp quá thể! Miệng lẩm bẩm mà lòng vui rộn ràng. Tôi lấy ra mấy trang giấy dùng để viết bản thảo và tóm tắt cái hình ảnh vừa bắt được ấy bằng ngòi bút. Tôi dùng nó để chỉnh lại cái xen chót đã dự trù cho kịch bản phim. Xong xuôi, tôi viết thêm một bức thư dặn riêng người đạo diễn: "Trong đầu, tôi hình dung ra được cái last scene (xen cuối) (2). Tôi quyết định nó phải mang hình ảnh nụ cười đầy bình yên thoải mái của một cái mặt nạ. Trong phần cuối của cuốn phim đen tối này, người viết kịch bản tưởng mình đã đem đến được một nụ cười tươi sáng như chủ ý của tác giả (trong nguyên tác) nhưng vì không thành công nên mới tính dùng nụ cười xinh đẹp của chiếc mặt nạ để bao phủ lên toàn cảnh đó". Tôi cầm bản thảo trong tay và đến phim trường.Trong văn phòng chỉ có mấy tờ báo ra buổi sáng. Bà phụ trách căng-tin một mình đang hốt mớ rác vỏ bào trước gian phòng chứa đạo cụ. -Chắc ông đạo diễn còn ngủ. Bác để bức thư này ngay bên đầu nằm ông ấy giúp tôi nghe! Cuốn phim lần này lấy bối cảnh nhà thương khoa tâm thần. Tôi rất xót xa khi mỗi ngày đều phải chứng kiến nơi phim trường khung cảnh sinh hoạt đầy thống khổ của những người mắc bệnh. Vì lý do đó mà tôi đã cảm thấy nếu mình không kết thúc cuốn phim bằng một hình ảnh tươi sáng thì không ổn. Cho đến nay, nếu không tìm được một happy end (kết luận có hậu) (2) chắc cũng vì cái bản tính bi quan của mình. ![]() Mặt nạ Hyottoko vả Okame Do đó khi nghĩ được giải pháp mặt nạ, tôi mới vui như thế. Tôi khoái chí nghĩ đến cái cảnh những bệnh nhân tâm thần nằm trong nhà thương - không sót một ai - đều đeo cái mặt nạ có nụ cười kia. Lúc ấy, cái mái làm bằng kính của studio (phim trường) (2) đã ánh lên một màu xanh lục. Vì ánh nắng nên màu xanh men sứ của bầu trời nhòa đi thấy rõ. Tôi yên tâm, trở lại nhà trọ và đánh một giấc thật say. Người có nhiệm vụ đi mua mặt nạ đã quay về phim trường vào quãng mười một giờ đêm. -Từ sáng sớm, tôi đã lái xe chạy lòng vòng thành phố Kyôto, ghé mấy tiệm bán đồ chơi nhưng không nơi nào có một cái mặt nạ cho ra hồn. Ngay khi mở cái bao giấy ra xem, tôi đã không ngăn được nỗi thất vọng nên mới nói: -Cố kiếm cho nhanh mặt nạ đó đi chú nhá! Chứ cái thứ này thì ... -Đúng đấy. Cái này không dùng được đâu. Cứ tưởng rằng mặt nạ đâu mà chẳng có và hơn nữa, mình đã đi hết các cửa tiệm. Thế mà suốt một ngày chỉ được bấy nhiêu. -Cái mà tôi muốn là một mặt nạ kiểu tuồng Nô. Nếu nhìn mà thấy không toát ra được phong cách nghệ thuật thực sự thì khi lên màn ảnh, nó chỉ tổ làm cho khán giả phì cười. Cầm lấy cái mặt nạ kết bằng giấy bồi chỗ lồi chỗ lõm như mặt nạ hyottoko (3), tôi thiếu điều bật khóc. -Trước tiên, cái mặt nạ này xám xịt. Nếu không phải là một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trắng trẻo sáng láng, tất không xong... Cái lưỡi đỏ của nó đang thè ra khỏi một khuôn mặt màu nâu. -Bây giờ ngoài văn phòng người ta đang thử tô một lớp sơn trắng lên để xem sao đấy. Phim vừa quay xong được một đoạn độc lập, người đạo diễn bước ra khỏi cái phông thiết kế khung cảnh bệnh viện, ngắm mặt nạ rồi cười với mọi người. Sáng mai đã phải quay last scene (cảnh cuối) rồi mà đoàn vẫn chưa tìm ra cách thu thập đủ số mặt nạ cần thiết. Mặt nạ đồ chơi thì coi như không xài được, nếu như đến mai mà không góp lại được một số mặt nạ kiểu cổ thì buộc lòng phải dùng tới những thứ làm bằng celluloid (nhựa dẻo) đã có sẵn. -Không tìm ra được những mặt nạ có tính nghệ thuật thì dẹp việc này đi còn hay hơn. Chẳng biết có phải vì thông cảm với sự thất vọng của tôi không mà một người trong nhóm phụ trách kịch bản đã lên tiếng: -Hay là mình thử đi tìm lần nữa xem sao! Bây giờ mới 11 giờ tối thôi, xóm Kyôgyoku (1) có nhà còn thức đấy! -Bác có đi hộ được không? Chúng tôi vội vã lên xe hơi, phóng thẳng một lèo dọc theo con đê sông Kamo. Từ ngôi bệnh viện đại học ở bờ bên kia, những ngọn đèn thật sáng đang hắt qua khung cửa sổ và chiếu xuống mặt nước. Tôi không thể nào hình dung là bên trong vô số những cánh cửa sổ đó những con bệnh đang sống đời khổ não lại đông đảo như thế. Nếu không tìm ra loại mặt nạ thích hợp, chắc tôi phải đưa lên màn ảnh những cánh cửa sổ sáng ánh đèn của một bệnh viện tâm thần mất thôi! Chúng tôi bắt đầu bước đi kiếm từng cái tiệm một của khu Shin-Kyôgyoku (1) nơi có bán đồ chơi. Các tiệm đã bắt đầu đóng cửa. Chúng tôi cầm chắc mình đang làm một việc bất khả nhưng rốt cuộc đã mua được hai mươi cái mặt nạ kiểu Okame(4). Thấy thì cũng xinh xắn đấy nhưng chẳng toát ra được một chút xúc cảm nghệ thuật nào. Đại lộ Shijô giờ thì đã ngủ cả. -Chờ một chút! Người bạn trong ban soạn kịch bản thốt lên khi rẽ vào một con đường hông. -Con đường này có nhiều tiệm đồ cổ chuyên môn bán đồ thờ Phật. Tôi nghĩ họ cũng có một số dụng cụ dành cho tuồng Nô. Thế nhưng trên con đường đó chẳng có tiệm nào còn thức.Tôi thử đưa mắt nhưng qua khe hở của vài cánh cửa tiệm. -Thôi để sáng mai chúng mình tới đây vào khoảng 7 giờ. Bề gì tối nay làm sao ngủ được nữa. -Cho tôi đi theo với. Nhớ đánh thức tôi nhé. Tôi nói như vậy nhưng người đó bảo anh muốn thì cứ tự ý đi riêng thôi. Khi tôi tỉnh dậy, người ta đã bắt đầu quay đoạn phim nói về mặt nạ. Họ đã kiếm đâu được năm cái mặt nạ kiểu Kogaku (5). Tôi dự trù phải có tất cả hai hay ba mươi mặt nạ cùng một loại nhưng khi nhìn thấy nụ cười phiêu diêu tự tại nở trên khuôn mặt của năm chiếc mặt nạ Kogaku, tôi cảm thấy yên lòng. Tình cảm của tôi khi ấy là coi mình đã hoàn thành trách nhiệm đối với đám con bệnh tâm thần. -Giá cao lắm, bọn tôi không mua nỗi nên chỉ mượn đỡ. Nhỡ mà vây bẩn sẽ không trả lại được đâu. Cẩn thận giùm nhé. Nghe nói như thế, bọn tôi đã phải coi mấy cái mặt nạ này như của báu, mỗi lần nhìn ngắm cứ phải rửa tay cho sạch sẽ rồi mới dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng nâng lên. ![]() Mặt nạ kiểu Kogaku Thế nhưng không hiểu lý do gì mà sau khi đoạn phim đã quay xong, có một chiếc mặt nạ đã bị bút vẽ rây vàng lên má. -Rửa thì sạch ngay chứ gì? -Thôi, để tôi mua đứt luôn. Thực ra tôi cũng muốn có nó. Tôi cứ nghĩ vẩn vơ rằng nếu trong tương lai, thế giới muốn có được một sự hòa điệu đẹp đẽ thì mỗi con người chúng ta đều phải có cùng một khuôn mặt thanh thản giống y như cái mặt nạ ấy. Khi về đến nhà ở Tôkyô, tôi bèn trực chỉ đến bệnh viện là nơi vợ tôi đang nằm. Bọn con nít nhà tôi thay nhau đeo chiếc mặt nạ ấy lên và cười đùa ầm ĩ. Không biết sao tôi cảm thấy vui vui. -Bố thử mang mặt nạ cho chúng con xem nào! -Thôi mà. -Mang đi! -Thôi thôi. Thằng con thứ đứng dậy dí sát cái mặt nạ vào ngay mặt tôi. -Có đẹp không nào? Vợ tôi vào cuộc để cứu chồng: -Thôi, để mẹ đeo thử! Giữa tiếng cười đùa của lũ trẻ, tôi tái mặt nói: -Ô kìa, mình đang ốm cơ mà? Trên giường bệnh mà lại có một con bệnh đang nằm đó với vẻ mặt tươi cười, hỏi có gì đáng sợ hơn? Khi gỡ chiếc mặt nạ xuống bỗng hơi thở của vợ tôi dồn dập, ngắt quãng. Nhưng đó không phải là điều làm tôi ngạc nhiên. Chỉ vì vừa gỡ chiếc mặt nạ xuống, khuôn mặt bà trở nên xấu xí làm sao. Khi ngắm khuôn mặt kiệt lực ấy, tôi bỗng nổi da gà.Tôi ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên được chứng kiến những nét kỳ dị này trên gương mặt vợ mình. Cái nụ cười thanh thản đẹp đẽ đã che khuất nó trong 3 phút đồng hồ nên bây giờ là lần đầu tôi mới thấy vẻ xấu xí đó. Không hẳn là sự xấu xí. Đúng hơn nó chỉ là hình ảnh của khổ muộn và suy nhược. Bị cái mặt nạ đẹp đẽ che lấp, bây giờ cuộc đời bi thảm ấy mới lộ diện đấy thôi. -Bố đeo mặt nạ xem nào! -Đến lượt bố phải đeo đấy nhé! Bọn con nít lại nhao nhao ép uổng. -Không được! Tôi bèn đứng dậy. Nếu tôi đeo mặt nạ vào rồi gỡ nó xuống, có lẽ vợ tôi sẽ nhìn thấy cái mặt xấu như quỷ sứ của tôi. Cái mặt nạ xinh đẹp kia làm tôi khiếp hãi. Sự khiếp hãi ấy không phải đã đến từ cái mặt nạ của bà vợ, người lúc nào cũng tỏ ra tươi cười và hiền dịu bên cạnh tôi sao? . Nó khơi dậy trong lòng tôi một mối nghi ngờ: nụ cười của một người phụ nữ phải chăng cũng chỉ là một tác phẩm nghệ thuật như cái mặt nạ này! Trăm thứ tội đến từ mấy cái mặt nạ. Trăm thứ tội chỉ vì nghệ thuật. Tôi thảo một tờ điện tín để gửi cho phim trường ở Kyôto. "Cắt hết chỗ liên quan mặt nạ". Nhưng một lần nữa, tôi cầm tờ giấy ấy lên và xé vụn.
Sân sau một lữ quán vùng suối nước nóng trên núi có một cây hạt dẻ thật lớn. Tượng Địa Tạng O-Shin nằm dưới bóng cây dẻ ấy. Theo sách hướng dẫn du lịch địa phương, được biết O-Shin qua đời vào năm Meiji thứ 5 (1873) ở tuổi 63. Năm 24 tuổi, chồng mất sớm, nàng sống góa bụa như thế suốt quãng đời còn lại. Điều đó cũng có nghĩa là nàng đã đi lại với các cậu trai làng không sót một ai, miễn là họ trẻ. Nàng tiếp đón các chàng trai vùng núi ấy một cách hoàn toàn bình đẳng. Giữa chúng với nhau, bọn trai trẻ cũng biết lập thời khóa biểu để chia chác O-Shin cho có trật tự. Một gã thiếu niên đến lứa tuổi nào đó sẽ được đám trai trẻ cho nhập bọn để cùng sở hữu O-Shin. Khi nào một đứa trong nhóm lấy vợ thì hắn sẽ phải rút ra khỏi đám. Nhờ có O-Shin mà bọn con trai miền núi không phải vượt bảy dặm đường đèo để tìm đến những người đàn bà trên bến cảng mà những đứa con gái miền núi đến tuổi dậy thì vẫn giữ được trọn vẹn sự trinh trắng, các bà nội trợ vẫn chính chuyên. Chuyện tất cả những cậu con trai trong cái hẻm núi này đều phải bước qua chiếc cầu treo bắc qua con sông dưới thung lũng để vào ngôi làng mình cũng giống y việc tất cả bọn họ đều đã dẫm lên thân thể của O-Shin để trở thành người lớn. Hắn nghĩ đó là một truyền thuyết đẹp đẽ và O-Shin là một người con gái đáng ngưỡng mộ.Thế nhưng bức tượng Địa Tạng O-Shin không truyền lại được hình ảnh nàng O-Shin của ngày xưa. Nó chỉ có mỗi cái đầu trọc của một nhà sư mà cả mắt lẫn mũi đều lờ mờ không sao phân biệt. Làm như nó là một bức tượng cũ kỹ bị bỏ lăn lóc trong nghĩa trang mà ai đó đã bê về. Đối diện với cây hạt dẻ có một ngôi nhà trông có vẻ khả nghi. Khi đám khách đi tắm lén lút lướt qua dưới bóng cây dẻ để đến ngôi nhà đó hay đến lữ quán của suối nước nóng, họ đều nhẹ nhàng xoa cái đầu trọc lóc của O-Shin rồi mới bước tiếp.
Mùa hè, có hôm hắn và vài ba người khách tụ họp để ăn nước đá bào. Vừa hớp một ngụm, hắn đã vội vàng nhổ toẹt và chau mày. Người con gái trong quán trọ bèn nói: -Có gì vậy hở ông khách? Hắn bèn chỉ tay về ngôi nhà đối diện với cây dẻ: -Nước đá này lấy từ đó à? -Vâng. -Mấy người đàn bà đằng đó bào ra phải không? Bẩn chết được! -Cái chuyện đó thì...Dù sao, em chắc chắn là bà chủ bào đấy. Hồi nãy em đi lấy đá đã nhìn thấy tận mắt. -Nhưng cốc và thìa đều do các cô ấy rửa chứ gì? Hắn đặt mạnh cái cốc xuống như muốn quẳng đi và nhổ phẹt một bãi nước bọt. Sau khi đi xem thác xong trở về, hắn ra hiệu cho một chiếc xe ngựa chở khách dừng lại. Vừa leo lên xe hắn đã sững sờ. Có một cô gái đẹp không thể tả đang đi cùng chuyến. Càng nhìn càng thấy rõ nét rất đàn bà nơi cô ta. Nhất định là ngọn lửa tình nồng nàn của những xóm thanh lâu đã thấm đẫm vào châu thân từ khi thơ bé và đã làm cho da thịt cô trở nên tươi nhuận. Người cô tròn trịa, toàn thân mềm mại như không chỗ nào có sức lực. Da gan bàn chân không một nơi nào dày. Đôi mắt đen to rõ giữa một khuôn mặt phẳng phiu là dấu hiệu của sự tươi tắn, vô tư lự và bất tri lao. Nhìn đôi má hồng kia thì đã đoán được màu sắc và cái trơn láng của da thịt bàn chân, nó kích thích nơi hắn niềm ham muốn được giày xéo nó dưới hai bàn chân trần. Cô nàng là một cái giường êm ái và không biết phân biệt thiện ác. Người con gái này như thể đã sinh ra để làm cho bọn đàn ông phải quên đi cái lương tâm cố hữu của chúng. Hắn vừa đụng chạm để tìm hơi ấm nơi đầu gối của nàng vừa đưa mắt nhìn ra phong cảnh bên ngoài thung lũng và thấy ngọn núi Fuji hiện ra ở đằng xa. Hắn quay lại nhìn nàng. Nhìn ngọn Fuji. Rồi nhìn cô gái một lần nữa. Đã lâu rồi hắn mới cảm thấy cái vẻ đẹp của nhục thể là thế nào. Cô gái xuống xe theo chân bà già nhà quê đi cùng. Họ vượt cái cầu treo và đi về phía thung lũng rồi vào bên trong ngôi nhà nằm đối mặt với cây hạt dẻ. Hắn ngạc nhiên. Nhưng khi nghĩ đến định mệnh mà cô gái phải chấp nhận, hắn lại cảm thấy có một sự hài lòng. -Một cô con gái như vậy thì có lẽ dù gặp bao nhiêu đàn ông cũng không hề mệt mỏi và không thể biến chất. Một người con gái buôn hương thiên phú thì từ mắt đến làn da, từ đầu, ngực, eo lưng ...sẽ không bị biến dạng như bao người con gái buôn hương tầm thường trên cõi đời này. Hắn vui mừng đến ứa nước mắt như vừa phát hiện được một vị nữ thánh. Và hắn nghĩ rằng mình đã thấy được hình bóng của nàng O-Shin ngày xưa. Vào thu, mùa săn bắn hằng chờ đợi giờ mới bắt đầu, một lần nữa hắn lại tìm đến miền núi ấy. Người trong căn nhà trọ đã túa ra cái sân sau. Anh bếp của lữ quán cầm một cái gậy ngắn ném lên ngọn cây dẻ. Những hạt dẻ còn nguyên vỏ và đã bắt màu rơi xuống đất. Mấy cô gái nhặt chúng lên rồi bóc vỏ. -Được rồi. Cho tớ thử tài một phát coi! Hắn rút khẩu súng săn từ trong bọc ra và ngắm vào ngọn cây cây hạt dẻ để bắn. Tiếng hạt dẻ rơi vọng trong thung lũng. Bọn con gái cất tiếng hò reo. Tiếng súng làm con chó săn của lữ quán cũng nhảy cỡn lên. Hắn bất chợt nhìn về phía đối diện của cây hạt dẻ. Cô gái kia đang đi tới. Nàng vẫn bước với làn da mịn màng đẹp đẽ nhưng nó đã đổi sắc thành một màu trắng xanh. Hắn quay đầu nhìn cô phụ việc trong lữ quán đang đứng bên cạnh mình. -Cái cô đó mắc bệnh nên cứ nằm trong nhà suốt. Hắn mới thấy tình yêu xác thịt là hư ảo, nó chợt đến chợt đi và làm người ta đau đớn đến mực nào. Không biết có gì khiến mình tức giận mà hắn ra tay bóp cò súng liên tục. Tiếng súng làm vỡ tan tác mùa thu trên núi. Hạt dẻ rụng xuống như mưa. Con chó săn tưởng có con mồi bèn chạy đến, thích chí sủa lên một tiếng rồi gục đầu, duỗi hai chân trước. Nó lấy hai chân đá nhẹ mấy hạt dẻ lăn lóc rồi thích chí sủa thêm một tiếng nữa. Cô con gái dáng xanh xao mới nói: -Ô kìa! Chó thì chó, hạt dẻ nó cũng biết đau chứ! Bọn con gái chợt phá lên cười. Hắn cảm thấy bầu trời thu trên kia cao biết mấy. Thêm một phát súng nữa. Như giọt nước nâu từ trận mưa thu, một quả dẻ rơi trúng ngay cái đầu trọc lóc của O-Shin, làm hạt bắn ra tung toé. Thêm một dịp để bọn con gái cười như nắc nẻ và cất tiếng hò reo.
Trên chiếc xe ngựa, năm bà già lim dim gà gật bàn về vụ cam mùa đông sắp tới mà họ chắc chắn sẽ sai quả. Con ngựa vừa chạy vừa quẫy đuôi như muốn đuổi kịp mấy cánh hải âu đang lượn ngoài biển. Kanzô, người đánh xe, rất quí con ngựa. Hơn nữa, chủ nhân một chiếc xe có đến tám chỗ ngồi thì trên tuyến đường này, chắc chỉ có mỗi mình Kanzô. Anh lại là người rất kỹ tính, luôn luôn sửa soạn sao cho cỗ xe mình đẹp đẽ và tươm tất nhất so với những chiếc chạy cùng tuyến đường. Sắp đến đoạn hơi có dốc là anh đã rời bục lái và nhảy xuống. Anh vẫn âm thầm tự hào về cách leo lên nhảy xuống nhẹ nhàng, điệu nghệ của mình. Hơn nữa, khi ngồi vào bục lái, tùy theo nhịp đu đưa của cỗ xe, anh còn biết được có đứa trẻ nào đang bám đằng sau hay không. Và lúc đó, anh sẽ nhẹ nhàng nhảy xuống, đến cạnh lũ nhóc và ký đầu chúng một cái rõ mạnh. Do đó mà lũ trẻ trong vùng tuy thích cỗ xe của Kanzô hơn mọi chiếc khác nhưng cũng e sợ bác tài này không kém.
Thế mà không hiểu tại sao hôm nay, Kanzô vẫn chưa tìm ra đứa nào. Nghĩa là anh chưa bắt quả tang một phạm nhân đang đu bám đằng sau như bầy khỉ để mà trị tội. Thường thì anh sẽ nhảy xuống nhẹ nhõm như một con mèo, chờ chiếc xe vượt lên trước rồi đến bên cạnh lũ trẻ vốn vẫn chưa hay biết gì, ký cho mỗi đứa một cái. Lúc đó anh sẽ vênh mặt mắng mỏ: -Cứ tưởng bở! Anh lại bỏ bục lái nhảy xuống xem. Đây là lần thứ ba. Một đứa con gái tuổi độ 12 hay 13, má đỏ ửng vì phải cố gắng, đang hấp tấp bước theo xe. Hai vai của nó thắt lại theo nhịp thở dồn dập, mắt nó sáng long lanh. Con bé mặcmột bộ quần áo Tây màu hồng. Đôi tất của nó trễ xuống tận mắt cá. Chân không giày. Kanzô trừng trừng nhìn nó, trong khi đó, nó lại ngoảnh mặt nhìn ra phía biển và đôi chân vẫn mải miết bước theo xe. -Chà! Kanzô chậc lưỡi và quay về bục lái. Anh chưa từng thấy đứa con gái nào trông đẹp và sang như đứa bé này. Nghĩ rằng nó là con nhà ai đến từ một ngôi biệt thự nào đó nằm ven biển nên anh có hơi ngại ngùng về cách xử trí. Thế nhưng sau khi nhảy xuống ba lần mà vẫn không bắt được cô ả, Kanzô đâm ra bực tức. Con bé chắc đu theo chiếc xe cả một dặm (1) rồi là ít. Kanzô đã phải ra roi quất con ngựa hết sức yêu quí của mình, nó mới chịu chạy cho. Chiếc xe ngựa đi vào một ngôi làng nhỏ. Kanzô thổi một hồi còi lanh lảnh và xe chạy càng lúc càng nhanh. Khi anh quay mặt lại nhìn đằng sau thì vẫn thấy đứa con gái – ngực ưỡn đằng trước, tóc ngắn để xỏa bờ vai và bay tung trong gió – đang chạy theo xe. Trên tay nó, một chiếc tất lủng la lủng lẳng. Một lát, hình như đứa con gái đã đến thật gần chiếc xe ngựa. Kanzô nhìn qua tấm kính đặt sau chỗ người lái ngồi thì mới thấy khoảng cách giữa đứa bé gái và cỗ xe giờ đây đã sát rạt. Thế nhưng lần thứ tư khi Kanzô nhảy xuống thì đứa bé ấy lại lùi ra xa và đang bước một mình. -Ê! Em kia, đi đâu đó? Đứa bé cúi mặt không đáp. -Định bám theo xe ra tận ngoài cảng à? Nó vẫn lặng im không trả lời. -Bến cảng hả? Nó mới gật đầu. -Nè, coi cái chân. Tóe máu rồi đó. Nhỏ này vậy mà lì lợm ghê, có đúng không? Như thói quen, Kanzô nghiêm nét mặt: -Lên xe nào! Cho đi không mất tiền đó! Vô phía trong mà ngồi. Em đu theo sau, ngựa tui kéo không xuể. Thôi, vô bên trong cho tui nhờ. Đừng để thiên hạ tưởng tui ngốc. Kanzô mở cửa xe cho cô bé. Một lúc sau, Kanzô lại ngoái đầu nhìn từ chỗ người đánh xe, anh ta thấy cô bé đang ngồi bất động, không thèm sửa lại một mảng quần vẫn bị kẹt vào cửa xe. Cái quyết tâm trước đây của nó giờ đã biến mất. Con bé ngồi im, thẹn thùa, mặt cúi gầm. Thế nhưng xe đi thêm một thôi đường độ một dặm (1) nữa đến được bến cảng rồi quay trở về thì không biết từ đâu lại xuất hiện cũng một cô gái đó, chạy đuổi theo xe như ban nãy. Một lần nữa, Kanzô lại mở cửa cho cô ta lên. -Bác tài ơi, cháu không muốn ngồi phía trong. Không, cháu không lên nữa đâu. -Em nhỏ, em không thấy chân em bắn máu, ướt đỏ cả chiếc tất kia rồi sao? Em chịu đựng giỏi quá nghe! Chiếc xe ngựa kĩu kịt đi thêm được chừng 8 cây số nữa (= hai ri) thì đã về gần đến ngôi làng. -Bác tài ơi, thôi cho cháu xuống đây. Kanzô bất chợt nhìn xuống vệ đường thì thấy có đôi giày nhỏ trắng tinh như hai đóa hoa nở giữa một vùng cỏ khô. -Mùa đông mà cũng đi giày trắng à? -Tại cháu tới đây từ hồi hè cơ! Cô bé xỏ chân vào đôi giày, rồi không ngoảnh lại phía sau, cô ta chạy nhanh về phía quả đồi nhỏ nơi có trại giáo hóa thiếu niên phạm pháp, chẳng khác gì cánh cò trắng tung bay.
Đó là một buổi trưa quá ngọ yên tĩnh, chỉ có những ngọn cây của cánh rừng tháng sáu in bóng trong bồn nước tắm là chao qua chao lại. Anh nghe tiếng cười nói vọng lại từ khu vực dành cho phụ nữ. Mỗi khi đám đàn bà – tất cả đều địu theo trước mặt một đứa bé sơ sinh làm bụng họ ểnh ra như bụng ếch – cho nhau xem con của mình thì lúc nào họ cũng ồn ào như vậy. -Này chị ơi, đứa nhỏ này đó nghen, nó không thích mấy thứ đồ chơi đâu. Bây giờ nó mới biết đi chập chững thôi nhưng em đã đòi chồng em phải dọn ra một căn nhà lớn, Chật hẹp nó sẽ không chịu. -Cháu trai nhà chị sao mà thông minh quá! Coi nhà cửa chỉ là món đồ chơi thì cháu này chẳng phải người phàm (2). Mai mốt còn lừng lẫy hơn cả những anh hùng như Yanagawa Shôhachi (3) đi nghe con! -Nhưng chị ơi, thời bây giờ, người ta coi trọng chữ nghĩa hơn mà... -Ừ, có thế thật ...Thằng con nhà em đây thì nó kỳ lạ lắm cơ. Nó chỉ thích báo chí hay sách có tranh vẽ thôi. Chỉ cần có cái gì giống như sách báo hay truyện bằng tranh là nó có thể ngồi yên xem suốt cả buổi. -Ôi chao, cháu giỏi quá! Thằng con nhà em đây thấy báo là chụp ngay lấy nhai, truyện bằng tranh thì nó cũng xé ra ăn. Cái gì nó cũng cho vào mồm tất. Em không biết làm sao! -Còn như thằng con em đây, nó không chịu cho gì vào mồm hết các chị ạ! -Chu cha, nó thanh cảnh như thế sao? Coi bộ nó không thích đụng vào đồ ăn, hở chị? Mấy người đàn bà ấy chỉ muốn đưa đẩy để phá lên cười mà thôi. Tuy làm vẻ ra thân tình nhưng nhất thiết họ không tiết lộ cho nhau điều gì cả. Khi ra khỏi bồn tắm công cộng, anh có liếc sang phía bồn tắm nữ. Trên mặt tấm kính của nơi thay áo xống, anh thấy hình ảnh những cặp vú giống như những con bạch tuộc chết, còn bên cạnh chúng là mấy cái đầu của bọn hài nhi, đong đưa qua lại như những bộ vú. Trong vài ngày trời tạnh giữa những trận mưa dầm mùa hè, người ta chất cát đá bị ướt lại thành đống bên đường để phơi cho khô. Một thiếu nữ trắng trẻo đang ngồi trên đống cát đá như vậy, vừa nhìn thấy anh đã kéo bản vẽ đang đặt trên đùi đến gần ngực mình. -Ông họa sĩ này nhà ở đằng kia đó! Cô ta vừa đưa ngón tay trỏ về phía xưởng tranh (atelier) của anh, má ửng hồng, thì thầm với mấy cô gái ngồi kề bên. Anh như bị lôi cuốn bởi nét đáng yêu đó nên đưa mắt nhìn về phía ngực cô. Đó là tấm tranh phong cảnh mái nhà tranh nằm ngay trước mặt, được vẽ bằng màu nước. Anh không chú ý cho lắm đến mái nhà tranh trong bức họa mà chỉ nhìn màu sắc của gò ngực vun lên bên trong bộ quần áo mùa hạ rộng và lơi là của thiếu nữ. Đôi chân không đi tất của cô đặt trên mặt cát đá đang duỗi ra chẳng khác nào hai nhành hoa. -Vẽ tranh thì phải đưa cho họa sĩ xem chớ! Anh vừa cho tay cầm lấy bức vẽ thì chợt thấy nó đã từ trước ngực cô trượt đến tay mình một cách nhẹ nhàng. Cũng vừa lúc đó, anh nghe tiếng cô kêu thật sắc : -Mẹ ơi! Giật mình, họa sĩ quay đầu nhìn lại thì thấy người đàn bà địu con lúc nãy đang đứng trước cửa một ngôi nhà đối diện. Không nhìn về hướng bà mẹ mà mình vừa gọi, cô gái bật người dậy như đang tiến đến để gắn một cành hoa trắng lên lồng ngực còn đang thấp thỏm của anh. Mắt cô vẫn nhìn vào bức họa bằng màu nước anh nắm trong tay còn người thì đã trượt nhanh xuống khỏi đống cát đá. Bà mẹ đi khuất vào trong ngôi nhà. Những cô gái khác cũng đều đứng dậy và đang chờ đợi lời bình phẩm của anh về bức tranh. -Đằng kia là nhà em đấy à? -Đúng rồi! -Cậu bé em của em là người đọc báo trẻ tuổi nhất thế giới, có phải không? Cô gái nghiêng đầu qua một bên giống con chim én nhỏ (4). Anh cười nhẹ rồi tấn công cô bằng một câu hỏi chế nhạo thứ hai: -Nhà em dòng dõi samurai đấy à? Oai quá nhỉ? Trên con đường đi về để đến nhà tắm công cộng, hiếm khi thấy có ngôi nhà nào có treo bảng tên như ngôi nhà của thiếu nữ cho nên không biết tự lúc nào, mỗi lần đi qua, anh có thói quen nhìn lên. "Okiyama Kanetake, dòng dõi võ sĩ phiên Date" (5). Một ngôi nhà mướn thuộc hạng sơ sài ở ngoại ô Tôkyô mà còn cố ý treo cho được một cái bảng tên "Dòng dõi võ sĩ phiên Date" như vậy thì chủ nhân của nó phải là người thế nào nhỉ? Anh nghĩ đến hình ảnh ấy mà không khỏi bật cười ngao ngán. Trong đầu, tên cái "phiên Date" chỉ làm anh liên tưởng đến một cuốn phim nhan đề "Yanagawa Shôhachi" mình đã đi xem để giải khuây ở một vùng suối nước nóng. Vì vậy, khi biết cái câu: "Mai mốt còn lừng lẫy hơn cả những anh hùng như Yanagawa Shôhachi đi nghe con!" nghe được từ trong bồn tắm là của vợ cái ông thuộc dòng dõi võ sĩ phiên Date thì anh nực cười đến độ muốn đánh đét một phát vào đùi. Hình ảnh đứa trẻ con chưa chi đã thích đọc báo và truyện bằng tranh cho đến khung cảnh sinh hoạt bên trong cái gia đình tự xưng là dòng dõi võ sĩ, tất cả đều hiện ra lồ lộ trước mắt anh. Thế nhưng cả bà vợ cũng như ông chồng dòng dõi võ sĩ kia có khi biết đến cái phiên Date và nhân vật Yanagawa Shôhachi chỉ vì được nghe nhắc tới trong những buổi diễn Kôdan (6). Giờ đây, nàng thiếu nữ lượt là trong bộ quần áo kiểu Tây phương kia cũng lại bay ra từ ngôi nhà có gắn cái biển "Dòng dõi võ sĩ phiên Date" thanh thoát và nhẹ nhàng như cánh én. Nhưng đã là chim én thì cô làm gì hiểu được những câu nói chế nhạo của anh! -Màu sắc đã chỉnh rồi đấy song đường nét cần phóng túng hơn. Vẽ theo kiểu con nhà samurai là không xong đâu nhé. Ví dụ nó phải như đường nét của đôi chân em khi hở đến ngang đùi...Anh những muốn nói thêm một chút như vậy. Trước câu chế nhạo thứ ba của anh, cô gái vẫn tươi cười, càng lúc càng giống như một đóa hoa trắng. -Nếu em thích tranh thì đến chỗ tôi chơi.Tôi sẽ cho xem đủ loại sách nói về hội họa. -Đi liền bây giờ sao cơ? Anh vừa gật đầu xong thì đã thấy cô gái nghiêm sắc mặt như đã quyết tâm và bước theo sau. Anh thong thả huýt sáo một điệu nhạc bâng quơ để khỏa lấp cái nụ cười "Ô hay!" ngán ngẩm của mình, xong cứ cúi nhìn chân mà tiến về phía trước. Rốt cuộc, anh nhận ra rằng cô con gái này quả có mang dòng máu samurai. Từ việc ngồi vẽ tranh màu nước giữa một đàn con gái hàng xóm nghèo nàn, từ việc muốn dụ dỗ anh chàng họa sĩ, từ lúc lên tiếng gọi mẹ dừng lại cho đến việc bỏ rơi chúng bạn để một mình theo anh về nhà...đó chẳng qua là những hành động để chứng minh rằng mình là con người có khí phách. Anh đặt bàn tay như muốn đập lên vai thiếu nữ. Những đầu ngón tay víu vào đó tựa chừng đang ra sức để bóp nát cái tính khí samurai kia. -Để tôi vẽ chân dung tặng em nhé! -Vui quá, thế thì còn gì bằng! Thật sao anh? -Thật đó. Trước tiên, hôm nay tôi sẽ vẽ em trong bộ quần áo màu trắng này. Chắc em đã đi xem nhiều cuộc triển lãm, phải không? Nếu người mẫu không khỏa thân thì họa sĩ khó lòng vẽ được. Nếu em không cởi hết áo xống, tôi không thể lột tả hết nét đẹp của em. Lần sau em chịu khỏa thân cho tôi vẽ chứ? Tuy khuôn mặt phảng phất nỗi lo âu tựa một cô dâu mới, cô gái vẫn gật đầu chấp thuận. Họa sĩ ngạc nhiên như vừa bị ai lấy kim chích vào người. Thế nhưng cảm giác ấy nếu có cũng vì
anh đang mang một trái tim chứa đầy truyền thống samurai.
Lý do là ở bên trong xưởng vẽ, khi chỉ có mỗi mình
anh với cô gái, anh bắt đầu cảm thấy lương tâm đạo
đức của người võ sĩ thức dậy bên trong... cho dù
giống đứa bé con thích gặm nhắm báo chí, anh cũng
đang muốn nhe răng cắn ngập vào thớ thịt của người
con gái dòng dõi samurai ấy và ngấu nghiến tất
cả, từ đôi chân giống như hai nhánh hoa trở lên...
Kôdan (giảng đàm): hình thức kể truyện và giải thích trên sân khấu với đề tài và nội dung đa dạng, phát xuất từ niên hiệu Genroku (1688-1704) thời Edo trung kỳ.
Anh chàng không biết mình là người yêu thứ mấy của nàng nhưng chắc chắn anh phải là người yêu cuối cùng. Bởi vì chẳng còn bao lâu, nàng sẽ chết. -Nếu biết phải chết sớm như thế này thì chi bằng trước đây, em để mặc người ta giết quách cho rồi. Nàng để anh ôm ấp trong vòng tay nhưng khi nhìn vào ánh mắt, anh thấy nàng như đang nhớ về những người đàn ông đi qua cuộc đời mình nên miệng nở một nụ cười tươi tắn. Cho dù mạng sống đã đến hồi chung cuộc, nàng vẫn không thể nào quên mình là một người đẹp. Nàng cũng không thể quên được bao nhiêu cuộc tình đã trải qua. Nhưng nàng không nhận ra rằng giờ đây những điều đó, ngược lại, đang gieo cho nàng biết bao nỗi khổ. -Đàn ông ai cũng muốn giết em cả.Tuy không bao giờ nói ra ngoài miệng nhưng trong lòng, bọn họ đều suy nghĩ như thế. So sánh với những người yêu cũ, đau khổ vì không có cách nào chinh phục được trái tim nàng ngoài phương pháp giết nàng cho chết, người yêu hiện nay – kẻ mà nàng muốn được chết trong vòng tay – không cần lo lắng đánh mất nàng, hay nói đúng hơn, anh có thể là người hạnh phúc vì được nàng yêu.Thế nhưng anh bắt đầu mỏi mệt vì cứ phải ôm ấp nàng. Một con người từng đeo đuổi tình yêu một cách mãnh liệt như nàng thì ngay trong những ngày bệnh hoạn, nếu không cảm thấy đang có một vòng tay đàn ông bao bọc, sẽ không thể ngủ ngon giấc. Tuy nhiên, nàng sắp sửa không được hưởng điều đó nữa. -Nắm lấy chân em đi. Chân em nó đang trống trải, không sao chịu nỗi, anh à! Như thể cái chết vốn len lỏi vào người từ những ngón chân, nàng thường cảm thấy sự cô đơn đến từ nơi đó. Chàng trai ngồi bên thành giường, đưa tay nắm chặt hai bàn chân nàng. Chúng lạnh lẽo giống như sự chết. Thế mà không hiểu làm sao, bàn tay chàng bỗng run lẩy bẩy. Từ bàn chân nhỏ đang nắm trong tay, chàng cảm được cái nữ tính nơi nàng một cách sống động. Bàn chân nhỏ bé và lạnh lẽo đã truyền đến cho chàng một niềm vui cũng như khi anh sờ gan bàn chân đó khi nó còn ấm nóng và đẫm mồ hôi. Chàng cảm thấy xấu hổ vì cảm tưởng ấy có thể làm hoen ố giây phút thiêng liêng khi nàng đang đối đầu với cái chết. Thế nhưng, câu nói "Nắm lấy bàn chân em đi!" phải chăng chỉ là một cách diễn tả màu mè trong tình yêu mà nàng đang dùng một lần cuối trên đời. Nếu quả như thế thì chàng sẽ không khỏi kinh sợ trước cái trò chơi ti tiện đầy nữ tính của nàng. -Trong thời gian chúng mình yêu nhau, anh không cần phải ghen tuông với ai cả. Chắc anh cảm thấy thiếu thốn điều đó? Nhưng khi em chết đi rồi, các tình địch để cho anh ghen tuông không biết đến từ đâu đến sẽ hiện ra trước mắt anh thôi. Chắc chắn là thế. Nàng nói câu trên trong lúc đang trút hơi thở cuối cùng. Câu nói ấy thật linh nghiệm. Đêm họp mặt tiễn đưa nàng (tsuuya), một người tình cũ, diễn viên tuồng cải lương (Shingeki), đã đến trang điểm khuôn mặt xác chết. Làm như thể anh ta đang muốn tái hiện nét đẹp tươi mát, linh động của nàng thuở hai người còn yêu nhau. Sau đó một nhà điêu khắc đến bôi trét thạch cao lên mặt nàng. Vì thấy anh diễn viên đã khéo trang điểm để làm sống lại gương mặt của người chết nên anh đem lòng ghen tức, bèn tô lên cho thật dày thiếu điều muốn giết người con gái (thêm lần nữa) bằng cách làm cho nàng ngạt thở. Nhà điêu khắc này có lẽ đang muốn chế tấm mặt nạ người chết (death mask) để mai sau tưởng nhớ hình bóng của nàng. Khi biết rằng cuộc tranh chấp tình yêu của người con gái vẫn chưa chịu chấm dứt sau cái chết của nàng, chàng trai mới cảm thấy việc nàng có chết trong vòng tay anh cũng chỉ là một thắng lợi nhất thời. Anh bèn tiến tới giật lấy chiếc mặt nạ người chết trong tay nhà điêu khắc. Thế nhưng anh thấy cái mặt người chết in trên đó giống đàn bà mà lại giống đàn ông. Nó vừa giống một cô gái trẻ, lại vừa giống bà già. Anh bèn cất tiếng với một cái giọng nguội lạnh làm như lửa lòng mình đã tắt: -Mặt nạ này giống cô ấy nhưng cũng chưa hẳn là cô ấy. Trước tiên là khi nhìn nó, không nhận ra đàn ông hay đàn bà. -Chính thế! Nhà điêu khắc cũng xụ mặt xuống, tiếp lời. -Thông thường thì mặt nạ người chết, nếu không biết là của ai thì khó lòng đoán được là mặt nạ đàn ông hay đàn bà. Chẳng hạn như khuôn mặt khôi ngô của Beethoven khi được in lại, nếu nhìn chăm chú, có khi ta thấy đó là khuôn mặt đàn bà. Tuy nhiên, nơi cô nàng vì không người con gái nào có nhiều nữ tính hơn cô, khi nhìn mặt nạ ấy, ta thấy ngay là một khuôn mặt phụ nữ. Thế nhưng đúng như những gì hiện ra trước mắt, nó cũng không thể thắng nỗi cái chết. Khi chết đi, sự phân chia về giới tính cũng phải kết thúc mà thôi. -Niềm vui được làm đàn bà suốt một đời là tấn bi kịch của cô ấy. Cho đến giây phút cuối, cô ấy hãy còn quá nhiều nữ tính. Giờ đây, cô đã hoàn toàn thoát ra khỏi tấn bi kịch ấy. Rồi làm như muốn quét cho sạch tan cơn ác mộng ấy, anh mới chìa tay ra đề nghị: -Chúng ta đã có cớ để bắt tay nhau rồi đó, trước cái mặt nạ của người chết mà chúng ta không còn biết là đàn ông hay đàn bà nữa.
Một anh sinh viên trường Luật nghèo rớt, sống bằng nghề dịch thuật, khi lên chơi vùng suối nước nóng, có đem theo ít bài vở để làm việc. Ba cô geisha đến từ thành phố lớn, quạt tròn che ngang mặt, đang ngủ trưa dưới một mái nhà mát nằm giữa cánh rừng. Anh sinh viên đi theo bậc đá lần xuống con suối ngoài bìa rừng. Nơi đây có một ghềnh đá lớn ngăn đôi dòng nước, từng đàn chuồn chuồn bay qua lượn lại. Một thiếu nữ trần truồng đang đứng trong cái bồn tắm con tạc vào hốc đá. Đoán cô bé chỉ mới 11, 12 tuổi nên anh chẳng chút ngại ngùng, cởi áo tắm vứt lại bên bờ suối rồi ngâm mình dưới dòng nước ấm bên chân thiếu nữ. Hình như không biết xử trí ra sao và đang muốn làm một cử chỉ thân thiện bằng cách mời mọc người con trai với cái thân thể mà hơi nước nóng đã ủ cho trắng hồng, cô gái bèn mỉm cười. Chỉ nhìn thoáng cái, anh chắc chắn cô phải xuất thân từ gia đình theo nghiệp geisha. Đó là một nhan sắc dị thường, chín sớm, đã lộ ra mục đích của nó là nay mai sẽ đem đến khoái cảm và lạc thú cho bọn đàn ông. Ngạc nhiên, anh mở to đôi mắt nhìn cô và cảm giác của anh cũng nở bung như cánh quạt. Bỗng nhiên cô gái đưa cánh tay trái lên, khe khẻ kêu: -Ôi chao! Em quên mất là phải tháo nhẫn ra mới được. Cứ đeo như thế mà ngâm trong bồn tắm. Anh bất chợt như được mời mọc, đưa mắt nhìn lên về hướng cánh tay ấy: -Con ranh! Không chỉ bực mình vì đã bị cô gái nhỏ khéo buộc vào tròng, trong lòng anh lúc đó còn dậy lên một tình cảm khinh ghét mạnh mẽ. Cô bé này muốn khoe chiếc nhẫn đây. Anh không biết khi vào ngâm trong suối nước nóng, cô đã tháo hay không tháo chiếc nhẫn ra nhưng rõ ràng là anh thấy mình vừa bị mắc lỡm một đứa con nít. Có lẽ nét bực dọc trên gương mặt anh đã hiện rõ ra còn hơn anh nghĩ nên thiếu nữ thẹn đỏ mặt, đưa tay đùa chơi với chiếc nhẫn. Anh lúng túng, cười để khỏa lấp sự thiếu quảng đại của mình. Rồi anh nói như chả có chuyện chi: -Cái nhẫn đẹp nhỉ? Cho anh xem tí nào! -Ngọc mắt mèo đó! Như có thể dự đoán, câu nói của anh làm cho cô bé hài lòng. Cô bèn ngồi xuống bên thành bồn tắm. Trong khi nghiêng người qua để chìa cánh tay có đeo nhẫn cho xem, cô mất đà phải đặt một bàn tay lên vai anh. -"Ngọc mắt mèo" hử? Nhân vì nghe cách phát âm của cô gái có cái gì già dặn so với tuổi tác, anh mới nhắc lại cùng một chữ. -Dạ phải. Ngón tay em chưa đủ đầy đặn nên mới đặc biệt đánh cái nhẫn bằng vàng để giữ nó cho chặt. Nhưng họ bảo hạt ngọc này có hơi quá khổ. Anh chàng mân mê bàn tay nhỏ bé của thiếu nữ. Hạt ngọc với màu vàng trứng ánh lên sắc tím, ấm áp và thanh nhã, trông thật bắt mắt. Thiếu nữ đưa người đến thẳng trước mặt và sát lại gần anh, nhìn chàng trai như muốn biểu lộ một sự bằng lòng. Nếu cô bé này muốn người con trai ngắm chiếc nhẫn của mình kỹ càng hơn nữa, khéo là cô cứ phải để nguyên thân thể trần truồng cho chàng ta bế lấy và đặt lên đùi cũng không chừng.
Một hôm, Yôko, cô vợ chưa cưới 15 tuổi của anh, về đến nhà, mặt tái mét. -Nhức đầu ghê. Em lỡ nhìn thấy một cảnh tượng quá đỗi thương tâm. Trong công xưởng chế tạo bình thủy tinh đựng sake, một công nhân trẻ đã thổ huyết. Sau đó, cậu bị phỏng nặng và ngất xỉu. Yôko chứng kiến cảnh tượng này. Vị hôn phu của nàng cũng biết là công nhân ở đấy làm việc bên lò nóng suốt năm nên cứ phải để ngỏ cửa sổ. Khách bộ hành có khi tụ thành một dúm hai ba, dừng chân bên ngoài nhìn vào. Phía bên kia đường là một dòng sông hôi thối mùi cống rảnh, nước ánh lên những vệt dầu loang và không còn trôi được nữa. Ở cái công xưởng tối tăm ẩm thấp, nơi mặt trời không soi tới đó, có những người công nhân dùng thanh sào dài để hươi mấy quả cầu thủy tinh quơ qua quơ lại. Áo họ mặc đẫm ướt mồ hôi như khuôn mặt họ và khuôn mặt họ cũng vấy bẩn chẳng khác manh áo đang mặc. Những quả cầu lửa ở đầu gậy duỗi dài ra rồi biến thành chai lọ. Cho vào trong nước rồi đợi một chốc lại kéo lên, đập cái bốp là cắt được ngay. Một đứa trẻ lưng còng dáng tựa con ma đói chạy đến, dùng thanh đũa sắt gắp chúng ra và đưa về cái lò dùng cho công đoạn cuối. Chỉ cần khoảng mươi phút thôi, hình ảnh những quả cầu lửa lượn vòng và âm thanh của thủy tinh đã đủ kích thích khiến những người đứng bên khung của sổ nhìn quang cảnh đó thấy đầu óc họ bị đập nát ra rồi se cứng lại như những mảnh vỡ thủy tinh. Khi Yôko đưa mắt nhòm vào, đứa bé phụ trách khâu vận chuyển chai lọ kia đang thổ ra một bãi huyết bầy nhầy. Nó lấy tay bụm miệng như muốn ngăn máu chảy, người thì quị xuống. Quả cầu lửa vẫn chưa ngừng quay và cứ thế đập lên vai nó. Đứa trẻ ngẩng cái quai hàm bê bết những máu, cất tiếng kêu như xé lồng ngực và tháo chạy. Vừa vặn lúc đó, nó bỗng xoắn người lại rồi ngã gục. -Coi chừng nguy hiểm! Cái thằng khùng. Người ta dội nước lên người cậu bé nhưng nước đã biến ngay thành nước nóng. Cậu ta ngất xỉu. -Cậu này chắc chắn không có tiền để vào nhà thương đâu. Em muốn đi thăm bệnh nó quá. -Được, em cứ việc thăm nom nó đi. Thực ra, những công nhân đáng thương kia đâu chỉ có mỗi mình nó. -Cảm ơn anh. Lời anh nói làm em rất vui. Chỉ độ hai mươi hôm sau, cậu bé công nhân đã đến nhà cám ơn. Vì cậu ta bảo mình đến cám ơn "cái cô đó" nên Yôko phải tự ra ngoài tiếp đón. Cậu bé đứng trong sân, tay nắm lấy thành cửa và đầu cúi thấp. -Ủa, em lành rồi đấy à? -Gì hở cô? Cậu bé có khuôn mặt xanh xao ra chiều ngạc nhiên. Còn Yôko thì thiếu điều bật khóc. -Vết phỏng đã khá ra chưa vậy em? -Dạ! Cậu áo cởi cúc áo sơ-mi định cho xem. -Không, em. Thôi được rồi... Yôko chạy ù vào bên trong nhà: -Này, anh ơi. Em ... -Em đem cái này mà ra biếu cậu ấy! Anh trao cho người vợ hứa hôn một món tiền. -Thôi, em không ra nữa đâu, Anh nhờ chị giúp việc đi. * * * Mười năm trôi qua kể từ ngày ấy. Anh có lần đọc trong tạp chí văn nghệ một truyện ngắn nhan đề "Thủy Tinh". Câu chuyện tả đúng cảnh vật quê anh.Trong đó anh thấy có con sông nước đọng và loang loáng những vệt dầu. Có cả phong cảnh địa ngục nơi những quả cầu lửa bay lượn. Có thổ huyết, cả vết phỏng cũng như tấm lòng nhân từ của nàng con gái "buốc-gioa" (1). -Yôko ơi, Yôko! -Gì đó anh? -Em nhớ có lần thấy cậu bé công nhân trong xưởng thủy tinh bị bất tỉnh, em đem tiền biếu cậu đó không? Lúc em đang học năm thứ nhất hay thứ hai gì đó ở trường nữ học ấy mà. -Ừ nhỉ, đúng là có chuyện đó thật. -Cậu bé nay đã trở thành nhà văn và viết tiểu thuyết. Có kể lại câu chuyện này. -Đâu? Anh cho em xem! Yôko chụp lấy quyển tạp chí từ tay người chồng. Thế nhưng khi đứng đằng sau vợ mình và theo dõi cảnh cô ta đọc truyện ngắn "Thủy Tinh" này, người chồng bắt đầu cảm thấy hối hận vì đã đưa nó cho vợ xem. Cậu bé cho biết rằng sau đó, cậu đã vào làm việc trong xưởng chế bình cắm hoa. Nhân vì cậu đã chứng tỏ một tài năng tuyệt vời trong việc thiết kế mẩu mã và màu sắc của những bình hoa nên tấm thân không còn bị ngược đãi đến mang bệnh như trước nữa. Và cậu cũng viết thêm rằng mình đã ra công tìm tòi để chế được một cái bình hoa thật đẹp gửi tặng người thiếu nữ năm xưa. Không chỉ thế thôi, phần mình thì (nếu tóm lược ý nghĩa những gì tác giả câu truyện đã viết) thì suốt khoảng thời gian bốn năm năm trời, mình đã chuyên chú chế tạo bao nhiêu bình hoa mà nguồn cảm hứng là người con gái "buốc-gioa" (1) nọ. Không biết có phải mình đã sáng mắt và có ý thức về giai cấp nhờ ở thể nghiệm sinh hoạt lao động bi thảm kia hay là nhờ ở tình yêu đối với nàng thiếu nữ "buốc-gioa" (1) thôi. Có lúc mình đã nghĩ là cứ tiếp tục mữa máu cho đến khi kiệt quệ mà chết đi mới là giải pháp đúng đắn nhất. Đó là ơn huệ nhận được từ kẻ thù định mệnh. Ôi, thế thì nhục nhã biết bao! Ngày xưa khi các samurai công hãm một ngôi thành, họ vì thương hại nên đã chừa mạng sống của những đứa bé con, nhưng lúc đó, trước mặt đứa trẻ ấy, chỉ có cha mẹ chúng đang chờ đợi định mệnh của họ là chồng bị giết và mẹ bắt làm tì thiếp. Cái ơn thứ nhất của thiếu nữ là đã cứu mạng mình. Cái ơn thứ hai là nàng đã giúp mình dư dả phương tiện để đi tìm một công việc khác.Thế nhưng trong công việc mới ấy thì những bình hoa đẹp mình chế ra sẽ được dành cho người của giai cấp nào đây? Như vậy, mình sẽ trở thành "tì thiếp" của kẻ thù mà thôi. Mình vốn biết lý do gì đã khiến mình có thể đem lòng yêu mến người con gái. Mình cũng biết tại sao đã nhận được ơn huệ từ nàng. Thế nhưng, cũng như con người không thể nào đi bằng bốn chân như sư tử, mình cũng không thể xóa bỏ những giấc mơ của thời niên thiếu. Ví dụ có lần mình đã tưởng tượng sẽ đốt phá tất cả lâu đài dinh thự của kẻ thù. Nhưng khi làm như vậy mình sẽ nghe vọng lại tiếng kêu than của người thiếu nữ kia khi thấy cái bình hoa trong căn phòng tươi sáng của nàng bị lửa táp và thiêu rụi. Chắc lúc đó, nàng sẽ đánh mất hết cả nét đẹp. Còn mình vốn là một tấm kính được dựng lên trên mặt trận giai cấp. Quả cầu chỉ là một khối thủy tinh. Thế nhưng ngày nay, trong đám đồng chí của chúng ta, có ai mà không gánh trên lưng một quả cầu bằng thủy tinh như thế. Trước hết hãy để cho kẻ địch đập nát quả cầu trên lưng chúng ta cái đã. Nếu như chúng ta và quả cầu ấy cùng biến mất một lượt thì đành chịu. Ngược lại, ví bằng khi quả cầu ấy biến đi, thân thể chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn thì chúng ta lại có thể tung tăng tiếp tục cuộc chiến đấu..... Đọc truyện ngắn nhan đề "Thủy Tinh" xong, đôi mắt của Yôko lộ vẻ suy nghĩ xa xôi. -Chiếc bình hoa ấy giờ đây đang ở nơi đâu? Anh chồng chưa bao giờ thấy vợ mình có khuôn mặt nhẫn nhục như vậy. -Nhưng hồi đó, em hãy còn quá trẻ con, có phải không anh? Anh chợt đổi sắc mặt: -Thì đúng thế. Cho dù phải đấu tranh với những giai cấp khác hay đứng trên lập trường của giai cấp khác để đấu tranh với chính giai cấp của mình, nếu một cá nhân không biết chuẩn bị tinh thần để có thể hy sinh bản thân khi tiến ra đằng trước thì đều hỏng bét. Tuy nhiên anh không khỏi lấy làm lạ. Từ xưa đến nay, chưa một lần nào anh cảm thấy cô vợ của mình là người đáng yêu và trong sáng như thiếu nữ được mô tả trong tiểu thuyết. Tại sao một bệnh nhân lưng còng và người xanh mướt như con ma đói lại tìm ra được chừng ấy năng lực nhỉ! (1) "buốc -gioa" (trong nguyên tác) đến từ tiếng Pháp bourgeois, ý nói giai cấp tiểu tư sản.
Từ chỗ ngồi ngay cái lò sưởi đặt dưới bàn (1) bố mẹ nàng nhìn hai ba đóa hoa màu hồng mới nở trên cây mơ già, vừa tranh luận với nhau về chúng. Cha nàng bảo : Cây mơ già kia mấy chục năm nay vẫn bắt đầu ra hoa từ cái cành thấp nhất. Từ ngày bà về làm dâu nhà này, điều đó chẳng bao giờ thay đổi. Mẹ nàng thì cho rằng chuyện ấy làm gì có. Thấy bà vợ không biểu đồng tình với câu nói đầy cảm khái của mình, cha nàng lộ vẻ không hài lòng. Mẹ nàng nói từ ngày lấy ông, tôi có thời giờ đâu để mà ngắm hoa. Ông già đáp lại rằng tại bà lơ là, không để ý đến ngày tháng trôi qua đấy thôi. Mối cảm hoài cho kiếp nhân sinh quá ngắn ngủi so với tuổi thọ của cây mơ già trong lòng bố nàng như thể đã bị người vợ phá đám. Câu chuyện giữa hai bên lại chuyển qua đề tài bánh trái hồi Tết. Dù bố nàng quả quyết rằng mình có đến tiệm Fuugetsudô (2) mua bánh đem về nhà vào ngày mồng hai, mẹ nàng vẫn khăng khăng là không hề có chuyện đó. -Bà nhớ không? Hôm đó tôi cho xe đợi sẵn ở Meiji Seika (3) rồi dùng xe đó đến Fuugetsudô, rõ ràng là đã mua bánh của cả hai tiệm mang về nhà cơ mà! -Đúng là ông có mua bánh của hiệu Meiji Seika nhưng mà ...Từ hồi tôi về nhà này, có bao giờ thấy ông mua gì ở Fuugetsudô đâu! -Thôi đi, đừng có tào lao. -Ăn (d)ược miếng bánh Fuugetsudô hồi nào đâu mà chẳng nói. -Thôi đừng làm bộ quên. Không phải bà mới ăn hồi Tết vừa rồi sao? Nhất định tôi có mua về mà! -Chán chưa kìa! Ông nói như người ngủ mớ. Tôi lo cho ông quá! -Hảả...? Trong bếp, cô con gái đang sửa soạn bữa ăn trưa, nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Cô biết rõ sự thật nhưng không muốn lên tiếng làm gì, chỉ đứng bên cạnh nồi đồ ăn đang ninh và mỉm cười một mình. -Ông chắc chắn hôm đó có mang về nhà không? Hình như mẹ cô đã chịu nhìn nhận việc ông chồng có mua bánh ở Fuugetsudô, nhưng lại nói: -Tôi nào thấy nó đâu. -Có mang về chứ....Hay là mình bỏ quên trong xe, hở ta! Trí nhớ của ông bố cũng bắt đầu có lỗ hổng. -Sao lại có chuyện đó...Nếu ông bỏ quên trong xe thì bác tài làm gì chẳng đưa lại cho mình. Họ phải trình báo chứ. Xe của hãng mà! -Ừ nhỉ! Cô con gái bắt đầu cảm thấy lo. Việc mẹ nàng có vẻ như quên bẵng đã là chuyện lạ mà trong cuộc đôi co với mẹ, bố nàng từ từ đánh mất tự tin cũng là một chuyện lạ khác. Ngày mồng hai Tết, bố dùng xe đi dạo mát và ghé tiệm Fuugetsudô, mua rất nhiều bánh làm bằng gạo nếp (mochigashi). Và mẹ có ăn bánh đó. Sau khi khoảng im lặng kéo dài được một chốc, hình như bà mẹ chợt nhớ ra. Bà nói tỉnh queo: -À, à, cái bánh nếp đó hả? Ừ thì ông có mua về mấy cái bánh nếp thật. -Chớ sao! -Bánh dẻo rắc phẩm xanh (uguisumochi) với bánh nướng (dorayaki), đủ loại. Ngày Tết nhà mình đã đầy bánh gạo nếp (o-mochi) rồi, sao mua thêm chi lắm thế cho sinh phiền! -Nhưng tôi có mua về mà. -Bánh đó ở đâu mà chẳng thấy bán, việc gì phải ra tận Fuugetsudô để mua? Ba thứ bánh xoàng như vậy. -Phải rồi. -Ừ, đúng rồi. Chắc chắn là mình có đem bánh đi biếu người nào đó. Chính tôi đã bọc nó trong giấy kỹ càng....À, mà biếu ai đấy nhỉ? -Đúng rồi. Có đem đi biếu mà. Tiếng của người cha nghe như kẻ vừa trút được gánh nặng trên vai. Ông nói thêm ngay: -Có phải là mình biếu Fusae không? -Ấy, đúng rồi! Có lẽ là Fusae. Vâng, chính thế. Vì tôi dặn rằng đừng cho bọn trẻ con nó biết nên đã lấy giấy bọc lại. -Phải. Fusae đấy mà. -Ừ. Đúng là Fusae. Câu chuyện giữa bố và mẹ dịu lại. Ông bà già cảm thấy họ đã đi đến chỗ nhất trí nên cả hai đều mãn nguyện. Có cái là nó không đúng với sự thực. Người nhận được bánh biếu không phải là Fusae, cô giúp việc trong nhà, nhưng là một cậu bé hàng xóm. Cô gái đang ngóng đợi việc mẹ mình, một lần nữa, sẽ không nhớ ra như hồi nãy. Thế nhưng gian phòng khách vẫn im ắng, chỉ có tiếng nước sôi trong chiếc ấm sắt đặt trên lò. Cô gái mang bữa ăn trưa đã soạn xong đặt trên mặt cái bàn có sưởi bên dưới (kotatsu). Ông bố hỏi: -Yoshiko, con có nghe những gì bố mẹ tranh luận với nhau không? -Vâng, có. -Mẹ mày dạo này đâm ra lẩm cẩm, thực khổ. Càng ngày càng khăng khăng với chủ trương của mình. Này Yoshiko, từ đây, con ráng nhớ hộ cho mẹ, nghe con. Mẹ nàng đáp trả: -Ông nói chuyện ai đấy hở ông? Chứ ông thì sao? Hôm nay tôi xin chịu thua ông cái chuyện Fugetsudô, nhưng mà... Cô con gái không dám hé môi về vụ Fusae. Bây giờ thì bố nàng đã mất được hai năm rồi. Sau khi bị một cơn xuất huyết não nhẹ, hầu như ông không đặt chân đến hãng nữa. Những đóa hoa màu hồng trên cây mơ già mỗi năm lại đúng hẹn nở từ cái cành thấp nhất. Cô con gái vẫn nhớ cuộc tranh luận giữa cha mẹ cô về tiệm bánh Fuugetsudô. Thế nhưng cô không bao giờ định bụng nhắc lại cho mẹ mình nghe. Bởi vì ngay bà mẹ cũng không còn nhớ nữa....
Trời vừa hừng sáng là con cưỡng (1) đã bắt đầu kêu rộn ràng. Mở tấm liếp che mưa, Yoshiko thấy nó bay lên từ bên dưới cây tùng trước mặt nhưng rồi hình như lại quay trở về. Lúc ăn sáng, nàng có nghe tiếng đập cánh của nó. Đứa em trai chực đứng dậy: -Chim gì mà ồn ào quá thể. -Thây kệ nó, con ơi! Bà của nàng can ngăn. -Nó đang đi tìm con của nó đấy! Hôm qua hình như có con chim non bị rơi khỏi tổ. Hôm qua từ chiều tối nó cứ bay lượn vòng nhưng không tìm ra dấu vết con thì phải. Mà tội nghiệp thật, sáng nay nó lại kiếm cho kỹ thêm một lần nữa. Yoshiko tỏ vẻ thán phục: -Bà ơi, sao mà bà rành rẽ quá vậy? Mắt người bà của cô giờ đã mờ. Khoảng mươi năm về trước, thận của bà bị viêm. Ngoài nó ra, tuy không có thêm chứng bệnh nào khác nhưng vì mắt bị cườm từ hồi trẻ nên bây giờ nhìn bằng mắt trái thì khi tỏ khi mờ. Tách trà hay đôi đũa đều phải được đưa đến tận tay.Trong nhà, bà đã biết rõ từng ngõ ngách nên có thể lần tay mà bước nhưng chưa hề bước ra ngoài vườn một mình. Đôi khi bà đứng hay ngồi xuống trước tấm cửa kính, xòe bàn tay ra và đặt cả năm ngón ngang mày về hướng có ánh nắng xuyên qua cửa kính như để hứng lấy. Bà tập trung tất cả thị lực của mình để chỉ nhìn những gì gọi là nguồn cội của sự sống. Những lúc bà có dáng điệu như vậy, Yoshiko rất sợ hãi. Tuy định bụng lên tiếng gọi bà từ sau lưng nhưng rồi lại len lén bỏ đi và nấp ở đâu đấy. Một người bà đã lòa như bà mà chỉ cần nghe tiếng hót của con chim là có thể diễn tả như một người sáng. Đó là lý do khiến cho Yoshiko cảm kích. Sau bữa cơm sáng, Yoshiko vào trong bếp thu dọn. Trong khi đứng đó, cô nghe tiếng con cưỡng đang hót trên mái nhà bên. Sân sau nhà nàng có một cây hạt dẻ và hai ba cây quả hồng. Nhìn chúng, nàng biết được là trời đang mưa lún phún. Màn mưa mỏng đến độ nếu không có những vòm lá rậm đằng sau làm bối cảnh thì không tài nào thấy nỗi.
Bây giờ con cưỡng đã chuyền sang cành cây hạt dẻ. Đang tưởng là nó sẽ bay xuống chạm lấy mặt đất dưới thấp thì thoắt cái, đã thấy nó quay trở lại trên nhành và cất tiếng kêu liên hồi. Nếu con chim mẹ chưa chịu rời nơi đây, phải chăng vì chim non còn quanh quất đâu đó. Vẫn ôm lấy nỗi thắc mắc trong lòng, Yoshiko đi vào phòng. Nội buổi sáng nay, nàng phải chưng diện sẵn sàng cho chút việc riêng. Sau buổi trưa này, cha mẹ Yoshiko sẽ đưa bà mẹ của chú rễ tương lai đến nhà thăm. Yoshiko ngồi trước tấm kính bàn trang điểm. Nàng nhìn xuống móng tay mình và thấy có mấy cái đốm giống như ngôi sao nhỏ. Người ta tin rằng những ngôi sao nhỏ đó hiện ra là điềm sẽ nhận được quà nhưng nàng nhớ mình đã đọc ở đâu đó trên báo chí nó là dấu hiệu thiếu vi-ta-min C. Nàng đã trang điểm xong và có phần nào hài lòng. Từ cặp lông mày cho đến đôi môi, tất cả trông dễ thương làm sao. Áo kimono cũng mặc xong thoải mái. Tuy có chờ đợi bà mẹ đến giúp để mặc áo nhưng làm được một mình thì vẫn thấy dễ chịu hơn. Bố mẹ nàng đã ra ở riêng. Bà hiện tại là người vợ thứ hai của ông. Bố Yoshiko ly dị mẹ ruột nàng khi nàng 4 tuổi và cậu em mới lên 2. Lý do là mẹ Yoshiko sống hào nhoáng và phung phí. Nhưng không chỉ có chừng đó. Yoshiko mường tượng rằng nguyên nhân của sự tan vỡ ấy còn sâu sắc hơn nhiều. Hồi cậu em nàng còn bé xíu, nó hay lấy ảnh người mẹ ra để ngắm và có lần đưa cho bố xem nhưng ông ta không nói gì, mặt chỉ đanh lại đến phát sợ rồi bất thần giật lấy xé đi. Năm Yoshiko 13 tuổi, nhà nàng đón người mẹ mới. Sau đó, Yoshiko mới chợt nhớ rằng cha mình đã chịu khó sống đơn độc nuôi con ngót chục năm trời. Bà mẹ thứ hai này là một người tốt bụng nên gia đình nàng tiếp tục cuộc sống yên bình. Đến khi cậu em lên học cấp cao trung và vào ở nội trú thì thái độ của cậu đối với bà mẹ kế có cái gì thay đổi và điều đó hiện rõ ra ngoài. -Chị ơi, em vừa mới gặp má. Má tụi mình đã lập gia đình và sống ở Azabu (2). Má đẹp lắm chị ơi. Gặp em thấy má có vẻ mừng lắm. Đột ngột nghe em thuật lại như vậy, Yoshiko ú ớ. Mặt nàng thất sắc và tay chân run lẩy bẩy. Bỗng người mẹ kế từ buồng bên kia bước ra và nói: -Có sao đâu. Mẹ đẻ kia mà, đi gặp là tốt đấy chứ! Nào có gì xấu đâu. Chuyện tự nhiên mà. Việc này thì mẹ từ xưa vẫn nghĩ rằng một ngày nào đó nó cũng phải đến. Bà mẹ kế lúc đó như mệt rũ ra, người không còn chút sức lực. Nhìn cái dáng nhỏ nhắn và gầy yếu của bà, Yoshiko thấy sao mà tội nghiệp. Cậu em thì đã đứng phắt dậy, hờn dỗi bỏ đi. Yoshiko những muốn xáng cho nó một cái bạt tai rõ mạnh. Bà mẹ kế nhỏ nhẹ lên tiếng: -Này Yoshiko, đừng trách móc em chi hết nghe con! Có nói thì cũng chỉ làm cho nó đau khổ thêm thôi. Nước mắt Yoshiko trào ra. Cha nàng bèn gọi cậu em từ ký túc xá về lại nhà. Yoshiko những tưởng đâu đấy đã êm xuôi nhưng sau đó, cha nàng lại dắt bà mẹ kế dọn đi một nơi khác. Yoshiko sống trong sự kinh hãi, làm như nàng đã bị hạ đo ván bởi cái bạo lực đến từ sự căm phẫn và lòng oán hận thấy nơi đám đàn ông. Cô còn ngờ rằng vì mối liên hệ giữa mình với bà mẹ trước, hai chị em cô cũng còn là đối tượng của sự ghét bỏ của cha mình. Cậu em đứng phắt dậy bỏ đi kia có thể là đã thừa kế cái tính đáng sợ của đám đàn ông mà cha họ là điển hình. Thế nhưng Yoshiko lại nghĩ rằng bây giờ cô mới hiểu được nỗi buồn và sự khổ đau của cha cô suốt 10 năm trời, kể từ ngày ông chia tay người vợ cũ cho đến khi đón bà vợ mới về nhà. Thế rồi khi nghe tin người cha nay sống riêng rẽ lại muốn sắp xếp chuyện hôn nhân cho mình, nàng rất đỗi ngạc nhiên. -Ba rất tiếc đã bắt con phải chịu nhiều cơ cực bấy lâu nay. Chính vì cảnh ngộ của gia đình mình như thế đó cho nên nhiều lần ba đã nói khó với bà mẹ của chú rễ là thay vì bắt con làm dâu, xin hãy để cho con sống lại quãng đời yên vui của một thiếu nữ. Nghe cha nói, Yoshiko không cầm được giọt lệ. Một khi Yoshiko đi lấy chồng, sẽ không có người giúp việc lo cho bà nội và cậu em nên chi cha mẹ cô đã thu xếp để trở về nhà cũ sống chung. Đó là điều trước tiên đã thuyết phục được Yoshiko. Tuy từng lo lắng cho cuộc hôn nhân sắp tới vì đã thấy kinh nghiệm thương đau của cha mình nhưng khi mọi chuyện đi vào cụ thể rồi, nàng thấy dịu bớt phần căng thẳng. Trang điểm đâu đấy xong xuôi, Yoshiko đi đến chỗ bà nội, đứng bên cạnh: -Bà ơi. Bà có thấy bộ kimono này màu đỏ hay không? -Lờ mờ thôi! Bà thấy mấy đốm đỏ lỗ chỗ. Đâu nào, cho bà xem cái coi! Bà kéo Yoshiko đến gần và dán mắt sát vào bộ kimono và giải thắt lưng obi trên người nàng, vừa nói: -Bà đã quên mất khuôn mặt của Yoshiko. Bà muốn thấy bây giờ con ra sao rồi. Bà muốn xem quá! Yoshiko đứng thẳng người, bất động, cố gắng chống lại cảm giác bị khều nhột. Cô đặt nhẹ một bàn tay trên đầu người bà. Không muốn ngồi thẩn thờ một chỗ mà chẳng làm gì trong khi cha mẹ nàng và khách vẫn chưa tới để có thể tiếp đón, Yoshiko đi ra ngoài vườn. Nàng chìa lòng bàn tay ra xem thử nhưng thấy làn mưa nhẹ vẫn chưa đủ ướt. Nâng vạt áo lên, nàng len lỏi giữa những bụi cây thấp chen lẫn với lá trúc con và cố ý đi tìm cho thật kỹ, thì thấy dưới khóm hoa hagi (lespedeza) và bên trên mặt cỏ, có một con chim non. Lòng hồi hộp, Yoshiko tiến lại gần bên nhưng con chim nhỏ vẫn ở nguyên một chỗ, đầu run rẩy. Nàng chụp lấy nó đưa lên. Con chim đã mất sức nhiều. Nàng nhìn quanh nhìn quất mà chẳng thấy bóng chim mẹ đâu cả. Yoshiko chạy nhanh vào nhà: -Bà ơi. Chim non đây này. Con bắt được rồi. Nó yếu lắm. -Ôi chao. Thế hở con. Cho nó nhấp miếng nước thử xem. Bà cụ bình tĩnh trả lời. Khi đổ nước trong chén và đưa mỏ nó vào cho uống, những giọt nước trôi qua làm phồng cái cổ họng nhỏ, trông rất đáng yêu. Chẳng biết có phải nhờ nước mà khỏe ra không nhưng thấy nó cất tiếng kêu: -Chiếp chiếp chiếp chiếp chiếp ... Hình như chim mẹ nghe được tiếng kêu nên bay lại gần, dừng chân đứng hót trên sợi giây điện. Con chim non đang nằm trên tay Yoshiko cũng rên rỉ mấy tiếng kêu yếu ớt: -Chiếp chiếp chiếp.... Bà cụ già bảo: -May quá. Nhớ đem nó trả về với mẹ nó cho chóng, nghe con. Yoshiko bước ra ngoài vườn. Con chim mẹ đã bay khỏi sợi giây điện và bây giờ đang chăm chú nhìn Yoshiko từ ngọn cây anh đào ở phía bên kia. Yoshiko bèn nâng cao một cánh tay có con chim nhỏ trong lòng bàn tay như để cho chim mẹ thấy rõ rồi nhẹ nhàng đặt nó xuống mặt đất. Từ dưới bóng râm của khung cửa kính nhìn ra thì thấy chim mẹ đã từ từ tiến gần tới cạnh chim non, lúc này đang ngẩng đầu lên và cất tiếng kêu buồn bã gọi người mẹ nó tin cậy. Khi chim mẹ hạ cánh xuống phía cành cây tùng thấp nhất thì chim non đập mạnh cánh như dợm bay lên. Cái đà đó đã làm nó mất thăng bằng khi tiến về phía trước, có lúc thân hình muốn ngã lăn quay nhưng vẫn không ngưng tiếng gọi. Thế mà mẹ nó hãy còn hết sức nghi ngại, chưa dám hạ hẵn cánh xuống đất. Tuy vậy, đùng một cái, chim mẹ bay thẳng một lèo đến bên cạnh chim non. Không làm sao tả được dáng điệu vui mừng của con chim nhỏ lúc đó. Nó lúc lắc cái đầu, giương rộng đôi cánh, đập đập như vòi được ấp yêu. Hình như chim mẹ có tìm cách mớm mồi cho. Yoshiko chỉ mong sao cha nàng và bà mẹ kế đến được sớm hơn để nàng có thể cho hai người xem cái cảnh tượng này.
Azabu, một khu tương đối sang ở trung tâm Tokyo.
Chiến tranh chấm dứt hơn một năm rồi. Mùa thu này, số các hộ có người sinh đẻ tăng lên trong khu vực tôi ở. Mười hộ đã đến bốn. Trong số bốn sản phụ ấy, người lớn tuổi và cũng là người từng đẻ nhiều nhất, lần này đã cho ra đời một cặp song sinh. Hai đứa bé đều là gái nhưng một trong hai đã mất khi vừa mới lọt lòng được nửa tháng. Vì lắm sữa nên bà mẹ đã đem số thặng dư tặng trẻ con hàng xóm. Nhà bên cạnh đã có hai cậu con trai lớn, lần đầu tiên mới có con gái đầu lòng. Họ nhờ đặt tên và tôi đã đặt cho nó là Kazuko (Hòa tử). Thông thường, chữ Hòa được phiên âm là Kazu và chẳng phải là một chữ có lối đọc khó khăn gì. Khi chọn chữ này, một phần tôi đã cố ý tránh dùng những chữ Hán có lối đọc phiền phức, phần khác lo ngại rằng, khi đứa trẻ lớn lên, một cái tên khó đọc có thể gây phiền hà cho sinh hoạt của nó. Vả lại, Hòa có nghĩa là hòa bình cơ mà! Trong số năm đứa trẻ sơ sinh bên hàng xóm, đã có đến bốn bé gái. Dĩ nhiên đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Nhiều người nói vui đó là kết quả của việc Hiến Pháp mới (1) được ban hành. Điều này cũng đem lại một cảm giác hòa bình. Việc trong 10 hộ đã có 5 người sinh đẻ có thể là hơi mắn và khác thường nhưng ít nhất các bà hàng xóm của tôi đã cho thấy rằng việc ấy phù hợp với nhịp gia tăng nhanh chóng của sinh suất trên toàn quốc mùa thu năm nay. Khỏi phải nói, ơn huệ này cũng là do hòa bình mang lại. Nếu trong thời chiến sinh suất hạ thấp thì nay đã lên cao vùn vụt. Đông đảo thanh niên đã được trở về với vợ nhà cho nên điều ấy có xảy ra thì chẳng làm ai ngạc nhiên.Thế nhưng chuyện mắn con không chỉ xảy ra trong những gia đình binh lính phục viên. Đối với những bà mà chồng không phải xa nhà, con số sinh đẻ vẫn cao. Ngay cả những gia đình không còn tính chuyện sinh con, khuynh hướng ấy cũng thấy. Sự yên tâm vì chiến tranh đã qua đi thúc đẩy các bà có bầu. Không có gì chứng tỏ rõ ràng hơn điều đó sự có mặt của hòa bình. Chuyện Nhật Bản bại trận, sự lo âu về những khó khăn của cuộc sống và mối ưu tư về nạn nhân mãn trong tương lai đều không làm cho các gia đình này chùn bước. Hành động ấy có tính cá nhân và do bản năng dẫn dắt. Như dòng suối nghẽn mạch nay được trào tuôn, như nhánh cỏ khô nay lại đâm chồi. Nếu xem sự gia tăng sinh đẻ đó như hình ảnh của một cuộc phục sinh hay một sự giải tỏa để chào đón hòa bình thì đó quả là một điều hạnh phúc. Dẫu hiện tượng đó bắt nguồn từ một bản năng động vật nhưng qua đó, ta cũng hiểu được lòng mong mỏi thiết tha của con người. Và sự hiện diện của những đứa trẻ sơ sinh sẽ làm cho cha mẹ chúng quên đi bao nỗi lao khổ trong thời chiến. Thế nhưng một người đã 50 như tôi thì buổi hoàng hôn của cuộc đời đã xích lại gần kề (2), chuyện có con là đã quá chậm. Cặp vợ chồng già chúng tôi vốn đã hết thiết tha với chuyện gần gũi nên nay hòa bình có trở về chăng nữa, tập quán ấy vẫn không sao thay đổi. Choàng tỉnh khi chiến tranh chấm dứt thì cuộc đời đà xế bóng. Tôi không thể tưởng tượng được nỗi buồn chiến bại đã làm cho tâm hồn và thể xác của mình bị ảnh hưởng nhiều đến thế. Làm như thể đất nước và thời đại của mình đều đã sụp đổ. Bị dồn vào một trạng thái buồn thương và cô độc, tôi tự hỏi phải chăng mình đang từ thế giới bên kia nhìn ngắm tia sáng tín hiệu của sự sống thông qua những cuộc sinh đẻ bên hàng xóm. Trong năm đứa trẻ sơ sinh, chỉ có một bé trai duy nhất và người đẻ ra nó là sản phụ cuối cùng trong số bốn bà. Tuy vẻ ngoài mập mạp nhưng vì xương chậu quá hẹp nên khi lâm bồn đã phải mất nhiều thời gian. Xóm giềng đã nhanh chóng tung tin là khi nằm cữ, bụng đau quặn chị ta không sao đi tiểu được nên bước qua ngày thứ hai là đã đứng dậy ra nhà vệ sinh. Tuy là lần sinh nở đầu tiên nhưng trước đó chị đã có một lần hỏng thai. Cô con gái mới 16 tuổi của vợ chồng tôi có vẻ quan tâm đến mấy đứa trẻ mới ra đời trong khu phố. Hễ nhà nào không tị hiềm là nó đến thăm nom và kháo chuyện. Đang tự hỏi không biết đang làm gì trong phòng thì thoắt cái đã thấy nó vùng chạy ra sang bên hàng xóm để thăm mấy đứa bé. Có lẽ sự thèm muốn đó cũng đã bất chợt đến với nó. Một hôm, con gái tôi về nhà, bước vào phòng, đến ngồi trước mặt tôi và hỏi: -Bố ơi, bố à! Bên nhà dì Shimamura ấy mà, họ nói đứa bé trước đây nó đã trở về đấy bố ạ! Có thật không hả bố? Tôi vội vàng bác bỏ: -Chuyện đó làm gì có! -Thế sao bố? Mặt con gái tôi dịu xuống nhưng không phải vì thất vọng. Có lẽ nó vừa đi một mạch về nhà nên cần nghỉ lấy hơi. Thế nhưng điều nó nói quả có làm tôi bối rối. Tuy phủ nhận một cách mạnh mẽ nhưng tôi không biết làm vậy là có nên chăng! Tôi mới hạ giọng nói với cháu một cách nhỏ nhẹ: -Con lại đi thăm em bé nhà dì Shimamura à? Con gái tôi chỉ gật đầu. -Em bé kháu lắm hả con? -Con không biết nó có kháu hay không? Mới đẻ mà bố! -À thế! -Trong khi Yoshiko đang chơi với em bé, có dì Shimamura đứng bên cạnh thì dì ấy mới nói với con: "Này cháu Yoshiko, đứa bé này là đứa trước kia trở về đấy!" . Có phải là dì ấy muốn nói đứa bé này là đứa mà dì có mang hồi trước hay không hở bố?". -Ừ, có lẽ! Lần này, tôi chọn một câu trả lời mù mờ nhưng vẫn thiên về hướng phủ nhận: -Có thể đó là cảm nghĩ dì ấy mang trong lòng. Thế như làm cách nào dì ấy dám đoan chắc như vậy? Đứa trước nào đã biết là gái hay trai. Nó chưa sinh ra kia mà! -Ừ nhỉ! Con bé gật đầu, không nói gì. Lòng tôi thì hãy còn đôi chút vướng mắc nhưng vì thấy con mình có vẻ không muốn tìm hiểu gì thêm bèn dừng cuộc đối thoại ở đó. Cái thai đã đến tháng thứ 6 thì việc phân biệt nó là gái hay trai chắc cũng đã có thể. Tôi chợt nhận ra điều đó, nhưng thôi, không trở lại chuyện ấy làm chi. Tuy nhiên, cái tin cả hai vợ chồng nhà Shimamura cho rằng đứa con trước của mình nay trở về qua đứa em đã lan ra khắp xóm giềng, trở thành đề tài cho họ bàn tán và lọt vào cả tai tôi. Cho là một lối suy nghĩ bệnh hoạn, tôi đã phủ nhận nó trước mặt con gái mình nhưng suy ra cho cùng thì chẳng thấy lý do gì để gọi điều đó là thiếu lành mạnh. Đối với người đời xưa, đó không phải là bệnh hoạn nhưng chỉ là lối suy nghĩ thông thường. Hiện nay thói quen này cũng chưa hoàn toàn mất hẳn. Có thể người ngoài không ai hiểu được là trong lòng vợ chồng nhà Shimamura, họ tin tưởng một cách thực thà và chắc mẩm rằng đứa con mình vừa sanh là đứa trẻ ngày xưa trở về. Cho dù đó chỉ là một câu chuyện chỉ đáng cho người ta thương cảm nhưng riêng với hai vợ chồng, chắc chắn là ý nghĩ đó đã làm cho họ vui và an ủi họ rất nhiều. Đứa con đầu là kết quả của một lần về phép ba ngày của Shimamura nhân một cuộc chuyển quân của phân đội anh. Vợ anh có thai nhưng cái thai lại bị hỏng trong lúc anh trở về đơn vị.Thế rồi sau khi anh phục viên được hơn một năm thì họ lại có đứa bé này. Việc đánh mất đứa con trước không khỏi để lại đau xót và nuối tiếc như thế trong lòng cặp vợ chồng. Con gái của tôi cũng gọi "đứa bé trước" bằng cái tên "thằng bé đó" như thể là một nhân vật mà nó cảm thấy là có thực. Thế nhưng người ngoài dĩ nhiên không một ai tỏ vẻ đồng tình. Chắc trước sau chỉ có vợ chồng Shimamura là hai người ăn nói như thể "đứa bé trước" có thực. Tôi không dám chắc là đứa bé ấy từng có một sự sống. Nó chỉ đã có mặt trong bào thai và chưa từng tiếp xúc với ánh sáng của cuộc đời. Có thể nó hãy còn chưa có một cái gọi là linh hồn. Thế nhưng biết đâu nó chẳng đã đi chung một đoạn đường với chúng ta dù chỉ là năm mươi hay một trăm bước và đã sống trong một trạng thái hết sức đơn thuần và hết sức hạnh phúc. Ít nhất ở nơi nó đã đọng lại một niềm ao ước được sống còn nào đó. Dĩ nhiên không thể chấp nhận là "đứa bé trước" và "đứa bé bây giờ" sinh ra từ một trứng. Thế nhưng chúng ta cũng không thể nào hiểu hết những tương quan sinh lý và tâm lý giữa lần hỏng thai kỳ trước và đậu thai kỳ sau. Hơn nữa, chúng ta cũng không hề nắm được việc thụ thai đã bắt nguồn từ đâu và vào lúc nào cũng như về ước vọng tồn sinh của cái bào thai ấy. Cũng có thể nói là chúng ta không biết sự sống của "đứa bé trước" và sự sống của "đứa bé sau" có độc lập với nhau hay bao hàm trong một khối hay không nữa. Chuyện xem "đứa bé trước" tức là kẻ đã chết nay lại thác sinh để trở về chỉ là một sự suy đoán xét về mặt tri thức thì hoàn toàn phi khoa học. Có điều là chuyện thác sinh tuy không có căn cứ khoa học nhưng việc đưa ra một chứng cớ để phủ nhận nó cũng khó khăn không kém. Khi tôi bắt đầu thấy mình có một chút đồng cảm với vợ chồng nhà Shimamura thì tự nhiên trong lòng tôi cũng dậy lên một sự đồng cảm nào đó với đứa bé bị hỏng từ trong thai mà trước đây tôi không hề để tâm. Tôi khởi sự nhận thức về nó như một người đã có lần sống. Chuyện chị vợ của anh Shimamura đau bụng mà không chịu đi bô trên giường cữ, qua ngày thứ hai đã đứng dậy, chứng tỏ chị là người ưa những gì đẹp đẽ, tươm tất. Con gái của tôi khi khâu đan hay có bài thủ công nộp cho nhà trường đôi khi vẫn thường qua vấn kế. Có lẽ con gái tôi thấy nhà của chị là nơi dễ qua lại vì cho đến khi thân tộc của họ vì mất hết của cải trong những đám cháy ở Tôkyô (3) đến nương náu, chị ấy chỉ sống với mỗi bà mẹ được gọi lên từ dưới quê. Với tư cách là người chịu trách nhiệm phòng hỏa trong khu phố, tôi cũng có bổn phận chăm sóc cho ngôi nhà của gia đình neo đơn vì có người ra trận, vỏn vẹn mỗi cô vợ đang mang thai và người mẹ già. Sở dĩ tôi được giao cho chức đội trưởng đội cứu hỏa vì cư dân trong khu phố toàn là công nhân viên, chỉ có mình tôi là có mặt ở nhà vào ban ngày. Tuy không hẳn là điều người ta chờ đợi, có lẽ tôi là người thích hợp hơn hết với vai trò này. Bản tính lười nhác, tôi không phải là người thích đẩy thiên hạ vào những chuyện nguy hiểm cho bằng được nên việc họ giao việc gác đêm cho tôi có thể xem như hợp lý. Là người thức khuya để đọc và viết cho đến sáng, tôi xứng đáng với vai trò canh gác này nhưng trước sau vẫn tìm đủ mọi cách để khỏi phá rộn giấc ngủ của bạn hàng xóm. Tôi có đi tuần để xem chừng củi lửa nhưng không đánh thức ai. May thay là ở Kamakura (4), người ta chỉ đòi hỏi có chừng đó. Một đêm vào độ hoa mơ nở, vì thấy có ánh lửa leo lét từ phía bếp nhà Shimamura, tôi mới bám tay vào cánh cửa hậu bằng gỗ của khu vườn và nhón chân xem, chẳng ngờ để rớt cây gậy cầm tay bên trong hàng rào. Định bụng là hôm sau sẽ trở lại lấy nhưng lại lo rằng việc đánh rơi cây gậy giữa đêm hôm trong khuôn viên một ngôi nhà chỉ có phụ nữ sẽ làm cho thiên hạ điều tiếng. Thế nhưng, chiều hôm sau, phía họ đã đem gậy đến trả lại cho tôi. Vợ anh Shimamura gọi đứa con gái tôi đến và nói: -Cây gậy này là do bố em hôm qua đi tuần đánh rơi đấy. -Ôi dào! Rơi ở đâu vậy hở dì? -Ngay bên trong cánh cửa gỗ sau vườn. -Sao lạ vậy nhỉ? Ông già cháu lơ đãng thật. -Chắc tại trời tối nên bác nhà mới ... Tôi nghe tiếng hai người nói với nhau như vậy. Khu gia cư của chúng tôi tôi tuy ở vùng Kamakura nhưng chỉ nằm ở một khu đất trũng tựa lưng vào đồi núi. Mỗi lần máy bay ném bom, tôi thuộc đám người nhanh nhẩu nhất chạy đi tìm chỗ trú. Sau khi leo lên tận cửa vào hố trú ẩn đào theo hàng ngang trên ngọn núi sau nhà là có thể phóng tầm mắt nhìn được cả xóm nhà mình. Ngày hôm đó, oanh tạc cơ đến từ mẫu hạm đã đến tấn công, có lúc tôi nghe những tiếng nổ lớn và tiếng súng réo dữ dội trên đầu. --Chị Shimamura, coi chừng, nhanh lên chút coi! Tôi vừa gọi vừa bước năm sau bước ra khỏi miệng hầm, nhưng: -Chết chửa, coi kìa, lũ chim nhỏ đang sợ đến cuống lên! Lúc đó, trong tàng cây mơ cổ thụ có vài ba con chim non. Chúng đang chuyền trên cành nhưng tuy đập cánh liên tục mà không tiến xa được chút nào. Những cái đập cánh kia giống như người kinh phong bị co giật, không chỗ dựa trong khoảng không gian chật hẹp nằm giữa tàng lá xanh. Cánh dù có đập nhưng chim tiến tới gần cành mà vẫn không sao chụp lấy được vì khi hai chân vừa đưa ra đằng trước thì người đã ngã xuống phía sau. Từ bên miệng hầm, chị Shimamura cũng đưa mắt nhìn mấy con chim non đang run rẩy. Chị ngồi xổm, móng chân như bấu xuống mặt đất, hai tay ghìm chặt lấy đầu gối và đầu ngẩng lên. Thân của lùm trúc bên cạnh như bị trúng một mảnh vỡ nào đó, phát ra một tiếng động sắc nhọn. Tình cảm đồng tình với câu chuyện thác sinh trong nhà vợ chồng Shimamura lại khiến hình ảnh những con chim non hoảng sợ hiện ra trong trí tôi. Chắc lúc đó đứa bé bị hỏng đang nằm trong bụng của mẹ nó. Thế rồi đứa bé lần này đã ra đời không có vấn đề. Trong thời chiến, chuyện đàn bà hỏng thai không phải là ít. Con số đậu thai cũng hiếm. Chu kỳ sinh lý của phụ nữ cũng thường bị đảo lộn. Thế mà mùa thu năm nay, trong khu dân cư mười hộ như ở đây đã có đến bốn hộ có sản phụ. Tôi dắt theo đứa con gái đi ngang nhà Shimamura thì thấy bên bờ giậu, hoa sơn trà (5) đã bắt đầu nở. Chắc chỉ vì chúng đã đến mùa chứ không có gì lạ. Một mặt, tôi đâm ra thương cảm cho số phận những đứa bé đã vì chiến tranh mà không hề được hưởng ánh sáng của cuộc đời. Mặt khác tôi cũng xót xa cho một phần của cuộc đời mình đã bị chiến tranh cướp mất. Và tôi tự hỏi không biết một mai khi lại thác sanh, mình sẽ trở thành một cái gì nào!
|