Trở về
Trang chủ
Tác giả

Dấu hoa xưa

(Hana no ato, 1983)

Nguyên tác: Fujisawa Shuuhei
Dịch: Nguyễn Nam Trân

Vài cảnh trongphim Hana no ato
Vài cảnh trong phim Hana no ato (2010)

Một

Ngài Vân Giác Viện (Ungakuin), lãnh chúa hai đời trước của phiên, thọ đến 75 tuổi, tính tình vốn phóng khoáng nên cứ đến mùa xuân hoa nở là ngài cho phép đàn bà con gái nhà các gia thần được vào chơi tận khu vực sát cấm thành. Nếu là ngày nay, các bà các cô muốn xem hoa thì phải trà trộn vào đám con cái thường dân đi ngắm anh đào nở trên đê sông Omodachikawa, một nơi khá xa phố phường. Việc đi xem hoa vì thế không còn thú vị gì nữa vì con cái các gia thần cũng như gia đình danh giá hết được nghĩ đến chuyện mở hộp cơm và thức ăn nhiều tầng (juubako) để thưởng thức dưới bóng hoa. Họ chỉ có thể trùm khăn che mặt, đi vội đi vàng đến chỗ xem hoa như kẻ làm cho xong việc. Thế nhưng, so với nơi ấy, cảnh hoa nở cạnh bờ hào sát tường cấm thành mới thật là cái đáng xem. Hồi đó, cứ vào độ hoa mãn khai, đàn bà con gái nhà các gia thần được phép tụ họp và cùng đi vào bên trong bằng cổng Ni no maru. Tuy có lệnh cấm uống rượu nhưng họ vẫn có thể mở cơm hộp ra dưới những tàng cây, ăn uống thoải mái và chuyện trò rôm rả. Ôi thôi, cần gì phải nói. Cảnh tượng đó thật vui vẻ và vô cùng hấp dẫn.

Trong những điều thiên hạ nay hãy còn đồn đại, có một việc kỳ lạ hơn cả. Đó là việc lãnh chúa không những cho phép đàn bà con gái mà cả những thị thần ngoài giờ túc trực, người đã về hưu hay con trai những gia đình hầu hạ chưa hề có dịp, cùng đến xem hoa. Trong đám khách, thỉnh thoảng cũng có vài bóng đàn ông đeo hai kiếm bên hông nhưng mấy anh chàng này không hiểu vì sao lại có vẻ e dè phái nữ. Họ thường lảng ra xa và khi thấy các cô đi ngang, chỉ nhếch mép cười và đưa mắt nhìn. Tuy vậy, trong đám đông cũng có vài cụ tóc bạc quá tuổi hồi hưu, tính nết coi bộ khó khăn. Khi đến cạnh đám con gái đang mở miệng thật to ngấu nghiến cơm trong hộp và cười đùa ầm ĩ, họ liền tằng hắng hay lườm nguýt, tỏ ý không bằng lòng.

Thiên hạ cũng kháo nhau rằng trong số người đi xem hoa, có khi có cả lãnh chúa đang vi hành, dò xem trong đám thiếu nữ có cô nào nhan sắc yêu kiều để sau đó cho vời vào phủ. Tuy vậy, những điều ấy có lẽ chỉ là lời đồn đãi.

Ngài Vân Giác Viện (Ungakuin) thọ đến tuổi 75, là một người đàn ông tráng kiện. Ngài còn là một minh quân từng đem lại sự hưng thịnh và trù phú cho lãnh địa mình cai quản. Ngoài ra, ngài cũng nổi tiếng là kẻ yêu nữ sắc, và không hề dấu diếm việc ở trong nội tẩm, ngoài chính phu nhân ra, còn có trên 10 bà trắc thất. Khi nghe những lời bàn tán về tính háo sắc của ngài, các gia đình nền nếp đều lấy làm sợ, không cho phép tiểu thư nhà họ vào trong cổng Ni no maru thưởng hoa. Chỉ có bà cụ chúng bay là vẫn tỉnh như không. Thời đó bà đang chuyên chú tu luyện kiếm pháp Tịch Vân Lưu (Sekiunryuu) và không hề kiêng sợ lũ đàn ông con trai.

Ai đã nói thế nhỉ? Có phải thằng Kinosuke không đấy? Nó dám bảo rằng nhan sắc cỡ bà ngoại mình thì khó lòng lọt vào mắt xanh của lãnh chúa!. Nhưng thôi, xin tạm gác câu nói ấy của cậu ta cho đến phần cuối truyện, lúc mọi sự đã rõ ràng.

***
Thực ra thì 50 năm về trước, Ito không phải là một cô gái xấu xí đến độ cậu Kano Kinosuke – một đứa cháu ngoại của bà bây giờ – có thể chế diễu kiểu đó. Năm ấy, bà hãy còn là một cô gái 18, ăn mặc đỏm đáng, hợp với lứa tuổi của mình. Nhưng thật ra thì sự suy đoán của Kinosuke - đứa cháu ngoại xấu mồm kia - cũng phản ánh phần nào sự thực. Cô Ito này không được đẹp.

Khuôn mặt thon thon là cái cô thừa hưởng từ người mẹ, còn đuôi mắt hơi xếch với cái miếng rộng vốn nhận được từ phía cha và hai khuyết điểm đó đã làm uổng phí nước da trắng của cô. Thường ngày, Ito vẫn lo lắng cho cái miệng quá khổ của mình. Để khỏi phải lộ ra một nụ cười ngây ngô, cô hay làm bộ như đang cúi đầu để dấu mặt trước cái nhìn của người đối diện. Thế rồi, tuy sự thực là cô cũng có được di truyền nhưng không ai thấy cô lộ ra cái tính khí cương cường của người cha mà vẫn giữ một thái độ khép nép giống các thiếu nữ cùng trang lứa.

Người thị tỳ O-Fusa lên tiếng:

-Tiểu thư ạ, đã đến giờ mình phải về thôi. Nếu không...

Ngoảnh đầu lại, Ito thấy O-Fusa đã bắt đầu thu dọn mấy hộp cơm bày trên tấm chiếu lác trải dưới đất. Cuộc thưởng hoa được qui định phải kết thúc lúc chuông chùa đổ bảy tiếng (nanatsu, khoảng 4 giờ chiều). Tuy vậy, trên thực tế, lúc bảy tiếng chuông vang lên, bọn đàn ông tùng sự trong các nha thự ở San no maru cũng vừa tan tầm và đều túa cả ra ngoài. Do đó, mấy cô gái trẻ đến xem hoa có thói quen là khi nào chùa Thường Lạc (Jôrakuji) gióng bảy tiếng chuông, họ sẽ biến dạng khỏi khu vực Ni no maru.

Bọn đàn ông trong mấy nha thự chạy gấp rút thiếu điều đứt hơi về hướng có người xem hoa. Dĩ nhiên họ không vì hoa mà chỉ vì các cô gái trẻ, con cháu những gia đình trong phủ. Khổ thay, người mà các cậu đụng phải khi vừa đến nơi chỉ là những bà sồn sồn đáng tuổi mẹ hay những bà lão cỡ bà nội bà ngoại của họ. Những người này thì sau khi nghe xong bảy tiếng chuông được một hồi lâu, mới đủng đỉnh nhấc mông ra về. Các cậu này, ngược lại, đã bị mấy bà còn ngồi ở đó nhìn bằng con mắt thiếu thiện cảm và dò xét như muốn tìm hiểu họ là con cái nhà ai.

Làm như quá lo lắng về giờ giấc nên O-Fusa đã nhanh tay gói tất cả các hộp cơm vào trong tay nải và đang muốn cuốn tấm chiếu lác. Chỗ lót chiếu ngồi xem hoa vốn cách xa nha thự của các cậu kia một đỗi. Muốn trả chiếu, người xem hoa chỉ cần đem đến trạm gác nơi có kho quản lý vật tư mà lúc đó họ vẫn còn có đủ thời giờ.

-Được rồi, ngươi à!

Nói xong, Ito đứng dậy khỏi mặt chiếu và xỏ chân vào guốc. Cô nhìn thêm lần nữa những cành hoa anh đào đang nghiêng bóng bên bờ hào và nghĩ thầm: "Tiếc quá đi mất!" Mấy cành đầy hoa đâm ra và sà xuống hào như muốn trùm lên mặt nước và đang khoe mình dưới ánh nắng xế. Nhân vì mặt trong của buồng hoa hãy còn nhận được những tia nắng chiếu xuống nước và hắt ngược lên nên trông như hoa được ôm ấp bởi một vùng ánh sáng chói lòa. Cảnh quan này nếu bảo lộng lẫy thì thực có lộng lẫy nhưng cũng mong manh, dễ tan biến biết bao!. Bỗng dưng Ito cảm thấy mình không thể nào đành lòng rời khỏi nơi này.

Giờ đây phải chăng ta đang ngắm những đóa hoa cuối mùa? Đang lúc Ito muốn hắt ra một hơi thở nhẹ từ trong lồng ngực, bỗng cô nghe từ đằng sau lưng một giọng đàn ông:

-Xin cô nương cảm phiền...

Ito ngạc nhiên và quay đầu lại. Một thanh niên cao dong dỏng đang đứng ở phía đó. Cô tưởng là bọn con trai San no maru vừa mới đến nơi nên đang chuẩn bị tinh thần để đối phó nhưng hình như anh ta không thuộc bọn chúng.

Chàng thanh niên này ăn mặc bình thường, gọn ghẽ. Chỉ một tấm áo vải thô mặc trên người chứ không khoác thêm áo chẽn haori ở bên ngoài. Như thể anh là một cậu ấm còn sống với bố mẹ (heyazumi) [1]. Anh ta chợt nhận người con gái có vẻ lo lắng nên đã đưa tay phác một cử chỉ trấn an.

-Nếu tôi đoán nhầm thì bỏ qua cho nhé. Thế cô có phải là lệnh ái của ngài Terai không ạ?

-Ơ ơ....vâng.

Thủa giờ, Ito chưa bao giờ được đàn ông con trai ngỏ lời ở ngoài đường nên sau đó, cứ đứng ngây như khúc gỗ. O-Fusa cũng không khác gì cô chủ. Người thị nữ vẫn cắp y nguyên manh chiếu lác, ngơ ngác nhìn mặt người con trai.

-Mỗ tôi là người của võ đường Haga.

-.................?

-Hôm qua mới nghe nói cô có một trận thi đấu xuất sắc. Tiếc là lúc ấy tôi lại vắng mặt, không được dự khán.

-A!

Ito há miệng nhưng đã lật đật đưa bàn tay lên che. Thật ra cô đã quên bẵng là mình có cái miệng hơi rộng. Chỉ vì trong người cô đang rộn ràng như có sóng lòng trào dâng.

-Thế thì có phải ông Eguchi đấy không ạ?

-Vâng, Eguchi Magoshirô chính là tôi.

Chàng thanh niên với tướng mạo cũng như phong cách đơn sơ và điềm đạm ấy xưng tên, cùng lúc ánh mắt của anh như đang gửi đến cô một nụ cười nhẹ. Gương mặt dài với đôi gò má hơi gầy và nghiêm nghị bỗng như dịu dàng ra sau cái cười mỉm ấy.

-Thật tình tôi đã bỏ lỡ một cơ hội tốt.

-Vâng. Phần em, em cũng lấy làm tiếc....

Ito nhìn thẳng Magoshirô và bảo:

-Tiếc thật đấy ạ ...

-Tôi nghe nói cả Oguro lẫn Shirai đều bị cô đánh trở tay không kịp..

-Thưa không dám!

Ito đỏ mặt vì thẹn thùa:

-Hai ông ấy võ nghệ cao cường. Em có thắng cũng là nhờ may mắn.

-Cô khiêm tốn đấy thôi.

Magoshirô lại nheo mắt và mỉm cười với cô thêm một lần nữa:

-Khi nào mình có cơ hội, cô có thể cho tôi thỉnh giáo một lần nhé!

-Em cũng đang chờ một dịp như vậy. Mong ông cho phép em học hỏi.

Ito nói câu đó với tất cả tấm lòng. Cô tự biết là giọng nói của mình đang biểu lộ một sự sôi nổi. Nãy giờ vẫn đứng như trời trồng và nhìn khuôn mặt của hai người như theo dõi động thái của họ, O-Fusa như chợt nhớ ra, mới nói đủ cho Ito nghe:

-Đã tới giờ rồi đó!

Chuông chùa Thường Lạc (Jôrakuji) lại gióng lên một hồi nữa. Bóng người đi dưới những vòm anh đào không biết tự lúc nào dần dần thưa thớt. Magoshirô cũng nhận ra ngay điều đó. Làm như muốn mở đường cho hai cô cháu đi qua, anh bèn lùi lại một bước.

-Chúng em xin lỗi đã giữ chân ông lâu quá.

-Có gì đâu. Hôm khác nhé!

-Vâng, xin chia tay ông. Hôm nào mình sẽ lại gặp.

Sau khi cùng nhau cúi đầu thi lễ, Magoshirô nhanh chân rời khỏi nơi đó. Nhìn thấy anh đang vội vã tiến về phía trong quảng trường cạnh bờ hào của Honmaru, cô mới biết Magoshirô chỉ vừa tới nơi và từ đây mới bắt đầu đi xem hoa.

Ito và O-Fusa cùng rảo bước để băng qua quảng trường Ni no maru. Mấy cô gái trẻ đã về hết nên số người đang đi dạo về cánh cổng nằm ở giữa quảng trường hầu như chỉ có các bà lớn tuổi. Lúc hai cô cháu vừa ra khỏi Ni no maru, chợt họ nghe một hồi trống đại vọng lại từ bên trong thành. Hình như đã chờ sẵn hồi trống đó nên từ cửa ra vào của nha thự nằm tít mãi phía trong, những toán người mặc đồ đen lũ lượt kéo ra. Hai cô cháu cảm thấy họ vừa thoát được những cặp mắt hau háu của bọn đàn ông này chỉ trong đường tơ kẻ tóc.

O-Fusa ướm lời:

-Người hồi nãy là ai đó, tiểu thư?

Hai người đi ngang qua cổng Ôtemon và băng qua cầu. Sau khi đã trình danh tính cho vọng gác (Kidoban) dựng ở mé cầu, họ đi vào trong phố.

-Cô ơi, ông ấy con nhà ai vậy?

Ito trả lời:

-Ta không rõ lắm.

-Gia đình Eguchi thuộc về tổ kế toán tài chính (Kanjôgumi) nhưng ông này hình như chưa có chức phận.

-Ừ, chắc ông ta chỉ là một phiên sĩ trơn (heihanshi)

Gia đình họ Terai của Ito vốn giữ chức tổ trưởng (kumigashira). Gia thần trong phủ thì cứ 25 phiên sĩ lại họp thành một tổ. Nhà Terai đứng đầu hai tổ như vậy. Nhiều người xuất thân từ tổ này về sau còn được gọi ra giúp việc cho các vị quan lớn như Chuurô (Lão Trung) hay Karô (Gia Lão). [2] Tóm lại, gia đình cô là một trong số vài gia đình có trọng trách nhất trong phiên.

Hình như O-Fusa cũng đoán già đoán non là Magoshirô chỉ là một anh chàng heyazumi nghĩa là chưa có sự nghiệp hẳn hoi. Bà nghĩ nếu cô chủ Ito nói chuyện thân mật với một phiên sĩ trơn và lại là thanh niên còn phải sống chung với bố mẹ thì đúng là đã làm một hành động thất thố nên giọng nói lộ vẻ bất mãn. O-Fusa năm nay tuổi khoảng 35 là một thị tỳ cũ trong nhà Ito. Hồi mới ngoài 20 đã lấy chồng một lần rồi. Được vài năm chồng mất, vì cũng chưa sinh con nối dõi cho họ nên bà đã xin ra và trở về nhà Ito làm việc trở lại Bà vừa chỉ bảo bọn thị nữ trẻ vừa trông coi việc bếp núc. Nhân vì còn là một phụ nữ giữ đúng truyền thống nên bà còn ra sức lo cả chuyện canh cửi trong dinh.

O-Fusa hiểu tường tận gia phong của nhà Terai nên mới đây khi nhìn những hành động của Ito mà bà cho là khinh suất, đã nghĩ rằng với tư cách người tháp tùng cô chủ, bà cũng phải chịu phần nào trách nhiệm nên đã có giọng điệu như muốn trách cứ:

-Tiểu thư ơi, làm sao cô lại quen biết với ông ấy?

-Ông Eguchi Magoshirô là tay kiếm số một của võ đường Haga đấy!

- ...................

-Fusa chắc phải biết chứ nhỉ?

Lúc đó, O-Fusa đi đằng sau Ito khoảng nửa bước nên Ito mới quay đầu lại giải thích:.

-Hồi tháng hai năm nay, phụ thân có đưa ta đến võ đường Haga để thi đấu nhưng hôm đó, ông Magoshirô lại đi vắng.

-.....................

-Nếu ngươi đem chuyện hôm nay thuật lại cho phụ thân thì ta cũng không màng bởi vì ta chỉ bàn với ông Magoshirô về kiếm đạo. Thế nhưng chớ có cho mẫu thân ta hay. Bà là người kỹ tính nên có khi lại đâm lo mất công.

-......................

-Fusa ơi, chúng mình đừng để cho phu nhân biết nhé!

Nói như thế rồi nhưng Ito vẫn cảm thấy lòng mình không yên ổn vì có cái gì khiến cô cứ phải bồn chồn.

Cái tình cảm nôn nao vốn thăng hoa từ những khát vọng tầm thường ấy dĩ nhiên có dính líu đến Eguchi Magoshirô, tay kiếm tài danh hiếm có của võ đường Haga, bao gồm cả niềm vui được gặp gỡ anh. Ito không thể nào không nhìn Magoshirô với cái nhìn kính nể. Còn trong con mắt của Magoshirô thì Ito là người từng tấn công và thắng được đệ tử số hai và số ba của võ đường Haga là Ogura Kinjuurô và Shirai Kippei. Khi nhớ lại được những lời khen ngợi chân thành từ phía anh, niềm vui trong lòng Ito tăng lên gấp bội.

Eguchi Magoshirô không hề coi đường kiếm của Ito thuộc loại xoàng chỉ vi nó thuộc kiếm pháp phụ nữ, anh cũng không tâng bốc cô vì cái gia thế ái nữ một ông tổ trưởng. Anh chỉ đến nơi đó để ngỏ lời cho Ito biết là anh đã nhìn nhận cô như một đối thủ xứng tay. Điều này đã làm cho Ito sung sướng. Tình cảm vừa nói là cái chỉ có thể chia sẻ với nhau giữa những người cùng đeo đuổi kiếm thuật.

Thế nhưng Ito đã thừa biết là sự nôn nao trong lòng cô không đến từ chừng ấy nguyên do. Thành thực mà nói, sau cuộc chuyện vãn với Magoshirô, cô mới phát hiện ra rằng trong lúc hai người trao đổi, cô hoàn toàn không có thái độ tự ti nghĩa là cúi mặt để tránh cặp mắt người ta, một thái độ thường thấy nơi cô mà chẳng ai hiểu tại sao. Lý do rất đơn giản: trên khuôn mặt của Magoshirô không có dấu hiệu nào cho thấy anh đang nhìn cô như một cô gái có cái miệng quá khổ cũng như cặp mắt chồn đuôi xếch vốn thừa hưởng từ ông bố Terai. Điều này cũng làm cho Ito sung sướng nữa. Khổ là niềm vui ấy từ từ lan rộng đến độ khiến cô đánh mất sự bình tĩnh.

Ngay việc cô muốn giữ bí mật với mẹ cũng là chứng cứ khác của niềm vui ấy. Giữ riêng cho mình chuyện tiếp xúc với một chàng trai lạ - nếu nói quá một chút – đã cho thấy trong lồng ngực của cô gái đang có một sự xôn xao đáng nghi ngại lắm rồi.

Hai

"Ối chà! Các cháu đoán hay thật! Chuyện này đúng là thiên tình sử thời trẻ của bà chúng bay đấy! Tình yêu không chỉ toàn là những cái gì êm ả như điều chúng bay tưởng tượng một cách sai lầm đâu. Tình yêu còn là cay đắng và đau khổ, những gì làm nhưng nhức con tim mình nữa. Hãy ngồi yên đó để ta kể tiếp cho nghe!

Này nhé! Người cha của bà – tức là ông cố ngoại của bọn bay – tên là Terai Kanzaemon, người đã khôn khéo gìn giữ để địa vị một gia đình trưởng tố không bị suy suyển. Tuy nhiên cụ cố không leo được lên tới những cấp bậc cao như Chuurô hay Karô. Nhưng bù lại, cụ đã có cơ hội theo đuổi kiếm pháp Tịch Vân Lưu (Sekiunryuu) đến nơi đến chốn và cuối đời lại được người đời tặng cho danh hiệu cao thủ (meijin).

Khi còn trẻ, cụ Kanzaemon theo học Nhất Đao Lưu (Ittôryuu) ở võ đường Shimazaki dưới chân thành nhưng nay võ đường ấy không còn nữa. Lớn lên, tay kiếm của cụ tiến bộ thấy rõ. Thế nhưng vừa đến tuổi 18, cụ lại nhận được lệnh lên làm việc ở phủ đệ của phiên trên thành Edo (Edozume), và chính lúc đó, cụ bắt đầu làm quen với kiếm pháp Tịch Vân Lưu. Đôi khi cụ có nhắc lại là cơ may này đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của cụ đối với kiếm thuật.

Khi người cha của bà chúng bay tức cụ Kanzaemon được 17 tuổi, ông đã nắm quyền thừa kế nghiệp nhà (katoku). Đến năm 18, cụ lấy vợ. Phu nhân cụ chính là mẹ của bà và cũng là bà cố ngoại của chúng bay. Bà cố ngoại lúc đó chỉ là một cô gái mới 14 tuổi. Hai vợ chồng trẻ không khác nào một cặp chim non. Tuy nhiên, năm cụ ông lên Edo và hạnh ngộ với kiếm pháp Tịch Vân Lưu, người vợ trẻ bị bỏ quên tại quê nhà và suốt mười năm, cụ ông không trở về phiên. Cụ ông hành động như vậy thật là không phải nhưng vị lãnh chúa hai đời trước - người chấp nhận lời thỉnh cầu của cụ – cũng đã tỏ ra quá dễ dãi với bọn gia thần. Bởi vì, khi có hành động ích kỷ như cụ ông thì vào thời đó, đúng ra phải bị cắt bổng lộc tức khắc.

Cơ sự như vậy nên năm trở về phiên thì cụ ông đã 28 tuổi. Lúc đó cụ mới sáng mắt ra vì chỉ được phiên sắp xếp vào chiếu dưới trong hệ thống quan quyền, ngoài ra còn phải gắng làm sao để có ngay một mụn con trai nối dõi. Thế nhưng mọi sự đều đã trễ tràng. Bởi vì khi đang ở lứa tuổi cần thiết, cụ lại không có mặt ở phiên. Cái vận xui xẻo ấy còn tiếp tục đeo đẳng cụ đến phút cuối. Rốt cục, ngay địa vị một Chuurô (Trung lão) [3], cụ cũng không thể với tới.

Tuy bảo cụ hết sức cố gắng để có được một mụn con trai nối dõi nhưng người vợ mới 14 tuổi ngày nào có thời sánh đôi với cụ như một cặp chim non đã qua cái thời trẻ trung sung mãn. Dù vậy, đợi mãi đến 3 năm sau thì phu nhân cũng có thai và đứa con sinh ra chính là bà chúng bay đấy. Có giai thoại khó nghe là dù được làm cha nhưng khi biết vợ sinh con gái, ông cụ đã khóc vì cay cú. Không hiểu bà chúng bay có biết chuyện đó hay chăng?

Cụ Kanzaemon - cha của bà nhà ta – vốn là một con người tính nết như vậy nên khi ông biết rằng vợ chồng cụ không còn khả năng có một đứa con nào khác, đã cho bà học đánh kiếm tre (shinai). Còn nhớ là lúc ấy bà mới lên năm.

Dù sao, có lẽ do có dòng máu con nhà võ, bà rất sung sướng khi được cha cho cầm kiếm tre nên không bao giờ ngơi luyện tập, hầu hết là trên mặt đất ngoài vườn nhưng cả những hôm trời đổ tuyết, bà vẫn đi chân trần và đứng ở căn buồng nền đất lạnh cóng cạnh cửa bếp mà vung kiếm múa may. Đến năm 15 tuổi bà đã tiến bộ đến mức có lần đâm trúng vào người của cha. Đó chỉ là dịp may đầu tiên nhưng chẳng bao lâu sau, bà đã phát huy được tài nghệ một cách đáng sửng sốt và làm cho cha mình hết sức hãnh diện.

Nếu tháng hai năm đó ông cụ có dắt con gái đến võ đường Haga ở xóm Suô cũng vì từ mùa thu trước, ông vừa dàn xếp xong việc hôn nhân của cô sau khi quyết định rằng đã đến lúc phải đón một anh con trai về ở rể. Có lẽ ông muốn trong lúc đứa con gái - mà mình đã dồn hết tâm lực để rèn cập - còn chưa đi lấy chồng, phải có cơ hội ra ngoài để đọ sức với thiên hạ. Chủ nhân Haga Ichiryuusai (Nhất Liễu Trai) của võ đường Haga vốn là người bạn đối ẩm, vẫn thường đến tư dinh của ông chén thù chén tạc. Đó là một ông già tóc bạc râu dài, tiên phong đạo cốt. Vì là hai ông bạn thân nên những cuộc tỉ thí cũng đã được họ sắp xếp một cách dễ dàng, trót lọt.

Như ta đã nói khi nãy, khi bà chúng bay và hai cao đồ của võ đường Haga thi đấu, phần thắng đã nghiêng về bà. Rồi chỉ chừng hai tháng sau thì xảy ra cuộc gặp gỡ giữa bà và ông Eguchi Magoshirô, người không thể đến dự buổi thi đấu đó.

Tuy bà thị tỳ O-Fusa làm ra vẻ mặt không thèm lý tới Magoshirô là cha căng chú kiết nào nhưng ở võ đường Haga, khi nói đến cái tên Eguchi, hầu như ai nấy – ngay cả những chàng trai tự phụ về tài nghệ của mình - cũng đều câm miệng hến. Nói thế đủ hiểu là vào thời đó, Magoshirô được xem như tay kiếm lừng lẫy nhất trong phiên, không ai không biết tiếng. Bà chúng bay nhận ra rằng nếu thi đấu với ông ta, chắc chắn bà sẽ nắm lấy phần thua. Biết là biết thế nhưng kể từ cái hôm được gặp ông dưới bóng hoa anh đào ở Ni no maru, bà luôn ngóng đợi cái ngày được so kiếm với ông. Cùng với thời gian, ý tưởng đó trở nên bức bách đến độ bà không sao cưỡng nổi.

Ban đầu, cô gái không xem đó là một tình cảm yêu đương mà chỉ là lòng mong ước gặp lại địch thủ xứng tầm để thi đấu một trận cho ra trò .Tuy nhiên sau đó cô lại nghĩ rằng tình cảm muốn gặp lại người đó biết đâu chẳng phải là bằng cớ cho thấy mình đã vướng phải lưới tình!

Dù sao đi nữa, bà chúng bay đã làm một việc không ngờ là đem câu chuyện cuộc gặp gỡ dưới bóng anh đào – mà bà từng dặn tới dặn lui O-Fusa phải giữ kín – thổ lộ với cha, nhân đó cũng van xin ông hãy tổ chức một cuộc tỉ thí giữa Magoshirô với mình. Đáng ngạc nhiên là khi đang nói như thế, bà chúng bay chợt đỏ hồng đôi má. Người cha ngắm nghía con gái như một con vật quái lạ và sau khi trầm ngâm một lúc lâu, đã cho cô biết là ông sẽ cố gắng thực hiện lời cầu xin.

Tuy nhiên, địa điểm được ấn định cho cuộc thử sức không phải là võ đường Haga nhưng lại là khuôn viên tư dinh ông. Tay kiếm Magoshirô sẽ được gọi đến đó. Bà chúng bay dĩ nhiên là rất sung sướng nhưng không hề nhận ra rằng việc cha mình cố ý dời nơi thi đấu như thế vốn có một ý nghĩa nào đó.

Eguchi Magoshirô đeo theo cái bọc đựng thanh kiếm tre đến nơi, dáng điệu thoải mái.

-Mời ông bước lên nhà. Ông có dùng trà không ạ?

Ito ra tận gian tiền đường để đón khách và mời mọc nhưng phần Magoshirô thì cũng như lần gặp gỡ trước đây, chỉ mỉm miệng, cười bằng mắt với cô và lắc đầu:

-Thưa cô, không!. Để thi đấu xong cái đã!

Nữ diễn viên Kitagawa Keiko
Nữ diễn viên Kitagawa Keiko (2010)

-Ông gấp thế cơ à?

Ito nói mà thấy có một tình cảm giống như là sự thất vọng đang băng qua lòng mình. Trước đây Magoshirô có nói này nói nọ nhưng nay xem ra thì anh chàng dường như không muốn thi đấu với mình cho lắm. Có lẽ chỉ vì trước mệnh lệnh của một vị tổ trưởng, anh không biết cách nào hơn là nhận lời tới đây.

Tuy nhiên những điều nói trên chỉ đến giữa vùng ý thức và tiềm thức của Ito và chỉ là mối nghi ngờ phát sinh từ những trải nghiệm thường ngày khi cô suy xét về tướng mạo bên ngoài của mọi người. Phần Magoshirô thì anh vẫn nói năng một cách rõ ràng, mạch lạc và không có vẻ gì là có chuyện gấp.

-Ngày thường tôi vẫn nghe đồn là trong khu dinh thự này có một khu vườn đẹp lắm. Những mong được phép đến đây ngoạn cảnh một lần. Nhưng trước đó, cho tôi được học hỏi kiếm pháp của tiểu thư cái đã.

-Thưa vâng!

Lồng ngực của Ito rộn ràng. Cô đang lo với tâm trạng mất bình tĩnh như thế này, làm gì mình thi đấu cho được. Thế nhưng niềm vui đang kích thích trái tim cô vẫn không chịu tan biến. Cô vui vì biết chắc là anh chàng này đã thừa nhận mình là một đối thủ ngang tầm và nghĩ rằng mình cũng phải đấu thế nào để hai bên có được một cuộc tỉ thí thật xứng đáng.

-Vâng, xin phép ông cho em vào trong sửa soạn. Hình như cha em sẽ là người giám định hơn thua.

Magashirô trả lời:

-Thế thì quá vinh dự.

Khu dinh thự của gia đình Ito vốn được bao bọc bởi những hàng dậu cao, rộng khoảng trên 1.000 tsubo (3, 3 m2 x 1000). Ngoài sân trước, sân ngang nằm bên hông, phía sau hãy còn một mảnh vườn rộng chuyên trồng rau quả để dùng trong nhà. Ở góc vườn, có một cái bãi phủ cát với đất sét, đã được nện thật cứng và bằng phẳng. Đó là nơi họ dùng để luyện kiếm.

Vào thời điểm đó, những cơn mưa tháng năm dai dẳng vừa bắt đầu ngớt, mặt trời xuyên qua những ngọn cây xanh rậm rạp nằm trong bốn bờ dậu chung quanh dinh thự để chiếu bàng bạc lên vùng đất khoảng khoát dùng làm sân tập.

Trên mặt đất nện màu trắng, hai người đứng đối mặt. Ito mặc một cái quần váy hakama dùng khi tập tành, thắt dây tasuki bằng vải trắng, quanh đầu buộc một vòng vải (hachimaki). Magoshirô chỉ lấy một sợi dây gai nhỏ (hosobiki) giản dị đem theo sẵn để siết lại hai ống tay áo. Trong khi thanh kiếm tre lẫn túi dùng của anh đều là loại bình thường thì thanh kiếm Ito cầm trên tay là một thanh kiếm dài lại được bọc trong da thú.

-Nào, bắt đầu!

Kanzaemon vừa nói xong là hai người đã nâng kiếm lên. Hai cặp mắt cùng nhìn thẳng vào nhau nhưng Ito chỉ thấy trước mắt mình có gì giống như một bức tường mềm mại. Thế tấn của Magoshirô không lộ một khe hở cỏn con. Nó không giống như kiểu đứng tấn cứng nhắc mà Ito đã nhận ra nơi hai kiếm sĩ thuộc võ đường Haga bữa trước. Khi đối đầu với Magoshirô hôm nay, chỉ sau một lúc, Ito đã cảm thấy là từ phía trước, có một sức ép đang đè lên người mình.Tuy nhiên kiếm thuật mà cha đã dạy cô là kiếm thuật tấn công, phải cho người ta đâm để mà quật ngược. Cho địch tấn công và tìm cách quật lại có nghĩa là đánh cược để có thể dành lấy phần thắng trong một sát na tùy theo nhanh chậm. Do đó, Ito bèn phóng tới trước và nhập nội.

-Này!

Đưa kiếm lên cao, đồng thời chém xuống trong lúc nhảy vào người đối thủ liên tục là lối tấn công thần tốc, một tuyệt chiêu bí mật mà Ito đã sử dụng để đánh bại hai tay cao đồ của võ đường Haga. Thế nhưng Magoshirô không xem nó ra gì và đã nhanh nhẹn phản đòn khi cô gái vừa lăn xả vào người mình. Anh đổi tư thế và hai bên lại ra đòn. Theo đà ấy, họ chạy suốt mươi thước, mấy lần xáp lại so kiếm, lúc vào sát cạnh lúc lại lùi ra.

Trong lúc hai bên đang đâm chém như thế, không hiểu tại sao Ito lại cảm thấy đầu óc trở nên rối loạn. Có một khoảnh khắc người cô ướt đẫm và đôi mắt tối sầm lại. Tuy nhiên khoảnh khắc lúc mắt cô như mờ đi không có gì làm cô khó chịu, ngược lại, cô chỉ thấy nó sao mà ngọt ngào. Cũng không phải cảm giác ngọt ngào đó chỉ đến từ những tia nắng đang chiếu lấp lánh. Cô không hiểu tại sao có cái gì ướt át đến từ trong người mình, ngay cả tình cảm rối loạn ấy cũng đến từ bên trong thân thể.

Itô hất mặt để những giọt mồ hôi đang vã trên mi rơi xuống và mở đôi mắt thật to. Đôi mắt ấy nhìn thấy phần trên thanh kiếm của Magoshirô đang phất qua phất lại. Ngay cả khoảng cách giữa những sợi lông trần trên khuỷu tay anh, cô cũng nhận ra rõ ràng.

Itô phấn chấn, như một làn chớp, cô lại nhập nội thêm lần nữa, nhắm khuỷu tay của địch thủ chém xuống. Thế nhưng trong khi lưỡi kiếm tre của cô còn đang lơ lửng giữa tầng không thì ngược lại, ở tay mặt của Ito bỗng phát ra một tiếng động. Cánh tay cô tê dại. Và giữa khi cái màn đen ngọt ngào ập lấy Ito và làm cho cô chực ngã, cô cảm thấy có cánh tay của Magoshirô đang ôm lấy thân hình cô để giữ cho nó khỏi rơi. Cứ để thân hình mình ở trong ttư thế như vậy, Ito lả đi, đầu gối bên phải của cô quị xuống mặt đất.

Có tiếng của người cha hô lên:

-Thôi! Chừng đó đủ rồi....Cha tưởng đã dạy con được một đôi điều, hóa ra khi đấu với anh Eguchi đây, tài nghệ của con chỉ là trò trẻ.

Kanzaemon nói như vậy nhưng giọng nói của ông không biểu lộ một thái độ khó chịu. Ito mở mắt ra. Đôi mắt của Magoshirô đang lặng lẽ nhìn vào đôi mắt của cô. Khi quay đầu lại phía cha, cô thấy Kanzaemon đang nhìn mình với một cái nhìn lạ lẫm, kỳ quặc giống như cái nhìn ông có lúc cô đến xin cha cho phép giao đấu với Magoshirô. Thế rồi, ông hất hàm và bảo:

-Con hướng dẫn Eguchi xem vườn rồi pha trà mời anh ấy đi.

Hai người chầm chậm dạo một vòng quanh khu vườn và ngoạn cảnh. Sau khi uống trà do Ito tự tay pha, Magoshirô trở về nhà lúc mặt trời vừa xế bóng. Sau khi đã tiễn chân anh đến ngoài cổng và quay trở lại thì Ito đã được Kanzaemon gọi tới nói chuyện.

-Sao hở con? Như thế con đã thỏa lòng chưa?

Ito trả lời cha:

-Thưa có ạ!

-Eguchi Masagorô đúng là một trang hảo hán nhưng con chớ gặp lại anh ta một lần thứ hai. Nên nhớ là con đã hứa hôn rồi.

-Con biết chứ. Xin cảm ơn cha.

Ito lại nói với ông như thế.

Lúc ấy thì chính Ito cũng biết là cơ sự sẽ là như vậy. Khát vọng muốn có cho bằng được một cơ hội tỉ thí với Eguchi Magoshirô phải chăng là dấu hiệu của tình yêu. Tình cảm ấy không hiểu đã lộ liễu trên khuôn mặt cô đến độ nào để người cha có thể khám phá ra. Tuy vậy, thay vì mắng nhiếc, ông đã làm một cử chỉ đẹp là cho phép cô được gặp Magoshirô, Nhưng nay thì nếu như cô có tình yêu với anh thì buộc lòng cô phải cắt đứt. Điều đó ông không cần phải nói ra bằng lời.

Việc Ito cảm thấy mắt tối sầm lại là một triệu chứng chỉ đến với cô trong vòng một hôm rồi biến mất sau đó.

Kanzaemon nói tiếp:

-Vả lại hình như phía anh Eguchi, chuyện hôn nhân cũng đang tiến triển, sắp được quyết định đến nơi.

Ito nghe thế nhưng không hỏi cha xem cô gái kia là con cái nhà ai. Trong lòng, mỗi mình cô đang đuổi theo dấu vết của mối tình chưa nở mà đã kết thúc.

Việc cô không gặp lại anh một lần thứ hai là một tình cảm mà cô cảm thấy rất rõ ràng. Cô đã quen với những quyết đoán gãy gọn khi xảy ra mâu thuẫn giữa tình và lý. Tuy nhiên, Ito không muốn điều đó làm bận lòng mình và cảm thấy việc ấy cũng không cần thiết. Tình cảm của cô đối với anh sẽ trở nên sâu sắc hơn và không cần e dè với ai một khi cô đặt được một khoảng cách hợp lý giữa hai người.

Ra khỏi phòng của Kanzaemon, vừa đi về phía phòng mình, Ito đưa bàn tay đè lên cánh tay mới bị Magoshirô đả thương. Cái đau còn đọng lại nơi đó chắc không khác bao nhiêu cái nỗi đau phải chấm dứt một tình yêu mà người ta chỉ cảm thấy một lần trong đời.

Ba

"Việc bà chúng bay muốn tìm hiểu đối tượng kết hôn của Magoshirô là người thế nào cũng là một câu chuyện hết sức kỳ lạ". Biết mình chỉ cần đặt câu hỏi là cha sẽ cho biết nhưng Ito không chịu làm như vậy. Cô chỉ còn cách duy nhất là tự tay điều tra nhưng việc đó cô cũng không muốn, có lẽ bản tâm cô còn sợ cả việc mình biết được tên của người đàn bà sẽ về sống dưới một mái nhà với anh. Mà tình cảm thực sự của cô đối với việc đó là thế nào thì chắc chính cô cũng chưa được rõ.

Sau đó, cô đã nhận được một tin khá lạ lùng. Người báo cho cô là bà Tsuse. Chắc chúng bay chẳng biết bà Tsuse là ai đâu nhưng bà đó chính là vợ ngài Mizuno Gemba, người từ lâu giữ chức đầu lĩnh (bangashira) phụ trách huấn luyện lớp người trẻ trong phiên.

Tiếc thay vì bạo bệnh năm trước bà Tsuse đã qua đời nhưng hồi trước, bà xuất thân là con gái gia đình Takeoka ở phố Sanai. Còn về dòng họ Takeoka thì gần đây ta nghe nói gia chủ vì hay đau yếu, đã phải cáo quan và nay không còn ai biết tới. Chứ vào thời cô Tsuse về làm dâu nhà Mizuno, thân phụ cô hãy còn giữ chức quan coi kho vũ khí, oai phong ghê lắm.

Bà chúng bay với bà Tsuse trước đây cùng theo lớp học pha trà và thư pháp của sư cụ chùa Tông Lâm (Shuurinji). Họ là hai cô bạn học. Nói về thư pháp của sư cụ chùa Tông Lâm thì vào thời ấy, trong phiên không người nào sánh kịp. Gần đây, viết đẹp được như cụ, không biết có ai chăng?

Dù sao, vì cớ trên nên bà Tsuse và bà của chúng bay, mỗi lần tan học vẫn thường đến nhà nhau. Nhiều khi họ không cần có lý do. Hai cô gái tuổi 18 thoải mái lấy bánh trái nhấm nháp, kể cho nhau nghe những chuyện thiên hạ đang đồn đại ở trong khu phố hoặc trong thành. Sau đó hai cô tung ra mấy tin sốt dẻo về các bạn cùng lớp và cảm thấy những giờ phút như vậy thật vô cùng thú vị

Giữa hai bạn gái, bà chúng bay thường đóng vai người nghe. Nói ra thì xúc phạm tới kẻ đã khuất nhưng đáng lý ra khi mình là con nhà võ, cô Tsuse không nên lắm điều như thế. Tuy vậy, phải nói cô ấy biết nhiều chuyện và cô nói xong mười câu thì bà chúng bay mới xen vào được một. Thực vậy, hồi trẻ, bà chúng bay vốn ít ăn ít nói. Mấy đứa hỏi bố đang nói về ai à? Ừ, có thể khi nghe lời ta kể, chúng bay không tin nhưng tất cả đều là sự thực về bà đấy.

Rồi đến một ngày, trong câu chuyện giữa hai người, cô Tsuse đã rò rỉ cho bà chúng bay nghe danh tánh của người sắp trở thành vợ tương lai của Eguchi Magoshirô. Đó là một cái tên mà bà nhà ta không thể làm ngơ.

-Ủa, cô Kayo à?

Sắp sửa đưa miếng bánh lên miệng, bàn tay Ito bỗng khựng lại. Lòng cô xốn xang như đang dậy sóng.

-Đúng đấy. Chứ bạn không hay biết gì sao?

Tsuse có vẻ thích thú khi tthấy Ito hoàn toàn không biết là cuộc dàn xếp hôn nhân giữa Kayo và Eguchi Magashirô sắp đi tới đích. Sau khi tiết lộ cho bạn cái tin ấy với sự tự hào của một người rành rẽ, Tsuse chầm chậm nhấp mấy ngụm trà như để cho khỏi khô miệng

Chỗ hai người đang ngồi là một gian phòng trong dinh thự của họ Terai. Bên ngoài cửa số, một khu vườn cây cối cành lá tươi tốt rậm rạp. Giữa bóng cây thẫm màu, hãy còn thấy len lỏi những tia nắng xế của một ngày cuối hè. Ito đang chăm chắm nhìn mấy vòm lá đang ngả nghiêng như điên cuồng trong một vùng nắng đọng mỗi khi có trận gió mạnh thổi qua.

Gia đình Kayo giữ chức tâu trình (Sôshaban) [4] trong phủ, ăn lộc 300 thạch thóc. Còn như Eguchi Magoshirô thì anh là con trai thứ ba một gia đình phiên sĩ hạng xoàng làm việc trong tổ kế toán xuất nạp (Kanjôgumi) và ăn lộc 100 thạch. Thói thường, khi gia thế hai bên trai gái không cân xứng như vậy, việc dàn xếp hôn nhân có thể sinh ra nhiều phức tạp. Thế nhưng trong gia đình của Kayo có một ông cụ rất mến mộ Magoshirô, biết anh là một danh thủ trong làng kiếm, nên đã hết sức thôi thúc để cuộc nhân duyên này sớm thành tựu. Tsuse cũng đã cho Ito biết một cách nhẹ nhàng rằng chỉ nội mùa thu này thôi, hôn lễ thế nào cũng được cử hành nhưng Ito vẫn không chịu tin lời bạn kể. Từ ngày Tsuse để rò rỉ cái tên Kayo, Ito không ngừng tập trung ý nghĩ của cô vào mỗi một điểm. Nhưng cô không hiểu về phía Magoshirô, anh ấy có biết về điều đó hay chăng?

Mắt của Ito lại hướng về phía cô bạn gái, giọng trầm xuống:

-Không biết anh Eguchi Magoshirô có biết về điều đó hay không nhỉ?

-Ái chà, khó đoán thật.

Giọng Tsuse cũng hạ theo theo nhưng đôi mắt cô nhìn Ito thì lại sáng long lanh. Làm như cô đã sửa soạn và đợi cho câu chuyện đi đến chỗ đó.Tsuse thè cái lưỡi dễ thương và liếm lấy môi:

-Không chừng anh Magoshirô cũng biết là có chuyện gì đó?

- ........................

Tsuse hơi cúi người về phía trước:

-Giả sử anh ấy có biết chăng nữa thì...

-Bên kia là một gia đình ăn lộc những 300 thạch thóc. Đối với anh Eguchi, đó là dịp may nghìn năm một thuở, có phải không nào? Cũng có khi người ta thừa biết nhưng lại giả vờ như không biết.

-Không thể có!

Trong bụng, Ito thầm nghĩ như thế. Theo cô, nếu "câu chuyện kia" lọt vào tai anh, Magoshirô nhất định sẽ không bao giờ nhận lời cái đám này!

Cô Kayo này cũng nằm trong đám con gái đến chùa Tông Lâm học tập như Ito và Tsuse. Nói vậy chứ Kayo lớn hơn họ đến hai tuổi. Học chung với nhau chỉ được một năm thì Kayo thôi học những đã để lại cho người chung quanh ấn tượng hết sức mạnh mẽ về mình.

Kayo vừa đẹp lại lanh lợi, Không hiểu có phải vì cô xuất thân trong một gia đình chuyên ngành tâu trình (Sôshaban) hay không - cha cô không những được vời đến Mạc phủ Edo mà còn đi làm việc ở những nơi xa hơn như triều đình Kyôto - mà từ vật dụng cô dùng cũng như áo xống cô mặc, cái gì màu sắc cũng tươi tắn, sặc sỡ, đập vào mắt mọi người. Thế nhưng cái lôi cuốn sự chú ý của Ito và các bạn không phải là vẻ bên ngoài đó. Họ nhận ra một điều là chiều chiều, khi tan lớp, lúc nào cũng có người đến đón Kayo. Nhân vật đó là một samurai trẻ tuổi. Hai người thường sánh vai bên nhau, nói chuyện hết sức thân mật rồi cùng ra về. Trước cảnh đó, Ito và các bạn chỉ biết há hốc nhìn theo.

Bọn Ito lúc ấy là những thiếu nữ độ 13 nghĩa là đã bắt đầu bước vào tuổi dậy thì nên không thể nói là họ không quan tâm tới anh chàng samurai son trẻ này và họ cũng có nhiều lời to nhỏ đồn đại về anh nhưng nói chung họ không hề biết anh là ai và đến từ đâu.

-Các bạn tài gì biết được!!

Người vừa lên mặt mạnh dạn trình bày quan điểm của mình không ai khác hơn là Tsuse, mới ở lứa tuổi đó mà đã cho bao kẻ chung quanh thấy mình là một thiếu nữ mồm mép.

-Cái ông đó nhất định là người tình vụng trộm của chị Kayo đấy.

Cả bọn con gái nhìn nhau, rúng động như vừa bị sét đánh sau khi nghe xong mấy chữ "người tình vụng trộm" và kể từ đó họ đã ngắm nghía Kayo với cặp mắt vừa ngưỡng mộ vừa sợ hãi. Ito và các bạn đều hiểu rằng Kayo đã trở thành một người đã trưởng thành và thế giới của đàn chị không phải là thế giới của họ nữa.

Thế rồi ai cũng nghĩ rằng thế nào người đàn ông trẻ đến đón Kayo ở chùa Tông Lâm và cô ta đã thề ước với nhau, dự đoán là sau đó họ sẽ đi tới hôn nhân. Thế nhưng các cô đã nghĩ sai.

Đến năm thứ ba, nghĩa là hai năm sau ngày Kayo từ giã chùa Tông Lâm, họ vẫn chưa thấy tín hiệu nào về chuyện cưới xin của cô. Thế rồi năm ngoái, nghĩa là vào năm thứ tư thì có một tin đồn hết sức lạ lùng đã lọt vào tai Ito. Lần này thì cô được biết Kayo đang đi lại với một người đàn ông đã có vợ con. Thêm vào dó, Ito còn nghe đồn rằng vì lý do đó nên duyên phận của Kayo mới thành ra chậm trễ. Người đưa tin đồn đến tai Ito không ai khác hơn là cô bạn Tsuse.

Gã đàn ông trong câu chuyện tên là Fujii Kageyu. Năm 30 tuổi xong lễ Nhược Quán [5], ông được phiên cất nhắc lên địa vị một gia thần tín nhiệm. Tuy vậy, khoảng 2 năm về trước, ông ta lấy cớ đau ốm để xin nghỉ ngơi và hiện nay cứ lông bông quanh nhà.

-Nhưng chỉ là tin đồn thôi, đúng không nào?

Ito làm như vừa mới nghe một điều gớm ghiếc, nói một câu ra vẻ trách cứ nhưng Tsuse vẫn không chùn bước:

-Có người chứng kiến cảnh hai người đó lén lút gặp nhau trong quán Aoyagi xóm Obana giữa đêm khuya đấy! Nguồn tin này chính xác lắm.

-Chu cha! Hai người này cách nhau những 15 tuổi.

-Đúng hơn là 17. Vì ông Fujii kia năm nay đã 36 thì phải.

Hai cô bạn đưa mắt nhìn nhau. Hai thiếu nữ ngày nào nay đã thành hai con người trưởng thành, nếu có về làm dâu nhà ai thì cũng đã đúng thời. Hai cặp mắt ngày xưa từng nhìn Kayo với vẻ thèm thuồng thì nay chỉ thấy người đàn chị đó chẳng qua là một cô gái trắc nết, trụy lạc vì quá mê trai.

Một năm sau kể từ ngày ấy, có tin là đằng gái đã thỏa thuận cho Kayo kết hôn với Eguchi Magoshirô. Ito tự hỏi chẳng hiểu Fujii và Kayo có nhân đấy mà cắt đứt mối liên hệ của họ hay không?

-Này chị Tsuse, chị nghĩ thế nào?

Tuy lúc đầu hơi lúng búng trong miệng một chút nhưng sau đó Ito đã tiếp tục đặt câu hỏi rất rõ ràng:

-Chị có nghĩ ông Fujii kia đã dứt tình hay không?

-Theo mình có lẽ là không.

Tsuse trả lời lửng lơ với cái giọng hơi thiếu trách nhiệm rồi nhanh tay bốc một mớ bánh mứt.

-Nhưng chị Kayo có gan dạ đến đâu cũng không thể nào vừa đi lấy chồng mà lại dắt theo một anh nhân tình nhỉ?

-Phải rồi.

-Mặt khác, chị Kayo năm nay đã 20 tuổi và gia đình chị ấy đang hối thúc việc hôn nhân.

- ............................

-Tuy vậy, bạn đừng mãi bàn chuyện thiên hạ mà không lo là bản thân cũng sắp đến kỳ rồi đó nghen.

Tsuse nghe thế mà vẫn tỉnh bơ, thoăn thoắt cho bánh vào mồm nhai rôm rốp. Dù dạo này Tsuse bắt đầu để ý việc mình có hơi đẫy nhưng vẫn thích ăn. Mỗi lần sau khi Tsuse ra về, mâm bánh kẹo vừa mới vun đầy mà đã vợi hết khiến cho đôi lúc, Ito đã bị mẹ nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ.

-Bạn thì đã đính ước rồi thì không có vấn đề chứ tôi bây giờ mới bắt đầu mà. Tôi đang không biết phải làm sao nếu người ta bảo trong nhà Takeoka đang trữ một món hàng ế ẩm!

Sau khi Tsuse từ giã, Ito về phòng mình. Cô ngồi lại thẳng thớm và tập trung đầu óc suy nghĩ. Cô vẫn chưa muốn thu dọn phòng ốc ngay. Cây ngoài vườn đang xào xạc trong gió, còn ánh nắng chiều đang dọi vào và nhảy múa trong phòng. Nắng chiếu lên cả vầng trán của Ito nhưng cô vẫn không để ý.

Ito thầm nghĩ:

-Anh Magoshirô không hợp với người con gái đó tí nào!

Kayo đẹp, tính tình nóng bỏng, có thể so sánh với đóa mẫu đơn đang độ mãn khai, nhưng cô ta lại là một phụ nữ sống bê bối vì có quan hệ trai gái thầm lén với đàn ông đã có vợ và quan hệ ấy có lẽ hiện nay vẫn còn tiếp tục.

-Hơn nữa, anh Magoshirô cũng không hợp với cái nghề tâu trình.

Dung mạo Magoshirô mà Ito vẽ ra trong lòng là một thanh niên giản dị, chân thực và đáng mặt nam nhi. Nếu thừa kế công việc của một gia đình chuyên nghề tâu trình thì chỉ việc tiếp tục nếp nhà đã có sẵn nghĩa là thông thạo "lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên" của cái thế giới đó.Như thế, Magoshirô sẽ không sống bằng tài đánh kiếm của mình. Phải chăng Magoshi rô đã lầm lẫn khi chấp nhận cuộc hôn nhân này? Trong ánh nắng chiều của một ngày cuối hạ, vừa suy nghĩ miên man, Ito không khỏi cảm thấy như sắp có một điềm gở sắp xảy đến cho người trong cuộc.

-Hay là...mình đi gặp anh Magoshirô và kể hết mọi điều mình biết về Kayo cho anh ấy nghe nhỉ?

Trong thoáng chốc, tình cảm đó đã xuất hiện làm lay động con tim của Ito nhưng cô vội xóa sạch nó ngay. Tuy hình ảnh của Magoshirô vẫn còn cháy âm ỉ trong đáy lòng của Ito nhưng cô nghĩ anh là người mà mình đã cắt đứt sợi dây liên lạc. Hơn nữa, Ito chợt nhận ra rằng sự "căm phẫn vì chính nghĩa" của cô nói cho cùng cũng có dính dáng với lòng ghen tuông đố kỵ cô đã dành cho Kayo.

Ngoài ra, cô còn nghĩ nếu như Kayo tuyệt đối không tái diễn những hành vì đã làm cho đến nay để đóng trọn vẹn vai trò người vợ của Magoshirô, chắc cô sẽ không còn gì để nói nữa. Không thể nói là một việc như vậy không có khả năng xảy ra. Cô nghĩ lòng người là cái rất khó dò. Cô thầm khấn nguyện sao cho những điều tốt đẹp như vậy đến với Magoshirô và như thế là đã đủ.

Không ngờ chưa đầy một năm sau, vào một ngày cuối tháng 4, chính mắt Ito đã nhìn thấy những lời ước nguyện thầm kín của mình đã bị phản bội một cách phủ phàng.

***

Cách khu vực thành quách độ chừng hai dặm và nằm dưới chân núi có một chỗ có suối nước nóng dành vào việc trị liệu mà bất luận gia thần hay người hàng phố đều đến đấy. Nơi đây tụ tập khoảng chừng 10 lữ quán, tất cả đều dành cho khách đến tắm. Gọi là khách đến tắm để trị bệnh nhưng trong đó có cả các bà thuộc hậu phòng của lãnh chúa nữa nên các lữ quán đã thiết bị đúng qui cách để phù hợp với việc tiếp đón những vị đó. Ba mặt của khu vực đều có những ngọn đồi cây xanh bao phủ, khe suối chảy bên cạnh lại không có bóng ếch nhái (kajika), quang cảnh vùng đất đó nói chung rất đẹp mắt.

Gia đình Ito cũng có một lữ quán đã chỉ định sẵn trong khu vực suối nước nóng này. Mỗi năm, người trong gia đình thay phiên nhau đến đấy và có thông lệ là ở lại một số hôm. Năm đó, bà mẹ của Ito sau khi đã đến trị liệu trong một khoảng thời gian khá dài là nửa tháng, đã về nhà, nên bây giờ đến lượt Ito lên đường với người tháp tùng là nữ tỳ O-Fusa.

Tuy nhiên Ito không thích việc ngâm mình trong nước nóng (yuami) cho lắm.

Đúng ra cô chỉ thích tản bộ ven mấy con đường mòn trên những ngọn đồi đầy lá mới.

Hôm đó sau khi để thị nữ O-Fusa – một người thích ngâm người trong nước nóng và đã xuống bồn tắm ngay từ sáng sớm - ở lại lữ quán, Ito bước ra ngoài đi dạo một mình. Mọt mình cô leo lên đồi. Những vòm lá mới trên cây đang tỏa ra một mùi hương thật nồng thiếu điều làm cho cô phải ngạt thở. Có lẽ vào thời điểm này, nhà nông đang bận rộn cấy mạ dưới đồng bằng hay sao nên trong khu rừng sâu thẳm này không thấy một bóng dân làng mà chỉ có tiếng những con chim nhỏ đang ríu rít gọi nhau. Trong khi vừa nương theo con đường mòn trên đồi vốn chỉ lên cao và đổ xuống thoai thoải, Ito đi càng lúc càng sâu vào bên trong. Vừa đúng lúc ấy, Ito nghe vọng lên tiếng nước réo từ một cái khe chảy dưới chân đồi có lẫn tiếng người đang nói và có lẽ là tiếng đàn bà, nên cô bèn dừng bước.

Cô đã không lầm. Bây giờ là một tiếng cười đàn bà nổi lên.Chỉ vì lòng hiếu kỳ, cô bèn đi đến bờ một ghềnh đá nằm sát bên vực sâu để nhìn cho rõ.

Giữa dòng nước khe, có một bóng đàn ông và một bóng đàn bà. Người đàn bà đã băng qua đến nửa khe và đang nằm bất động trên một ghềnh đá ở nơi đó. Người con trai thì đã qua tuốt bờ bên kia, đang nói cái gì nghe không rõ và vẫy tay mời gọi cô ả. Bên hông gã cho dắt một thanh đao ngắn, có vẻ là người thuộc giới samurai.

Người con gái lại nói thêm câu gì nữa mà thấy anh con trai đi ngược lại phía ghềnh đá đang bị những bọt nước mạnh bắn lên trên, đến bên cạnh cô ta. Anh nắm lấy tay cô và thận trọng dắt cô đi. Khi vừa qua đến bờ bên kia thì cô gái liền ẻo lả ngả người nép vào ngực anh ta. Ánh nắng mặt trời chiếu sâu đến tận đáy vực đã soi rõ khuôn mặt trắng phau của cô gái đang ngửa lên tươi cười.

Ito hấp tấp dấu mình dưới một bóng cây. Cô biết người con gái đó là Kayo. Thế rồi cô cũng nhận ra rằng gã đàn ông kia không ai khác hơn là Fujii Kagefu. Anh ta vẫn là một người đàn ông đẹp trai và thanh lịch nhưng nói về tuổi tác thì đối với Kayo, là một đối tượng có hơi già.

-Ngay giữa ban ngày và ở một nơi không có ai...

Nấp mình dưới bóng cây nhưng lồng ngực của Ito đang phập phồng vì lên cơn giận. Tuy đến nay đã nghe không biết bao nhiêu lời đồn đại từ cô bạn Tsuse nhưng trong đầu mình, Ito vẫn không tài nào hình dung ra hành động của Kayo một cách cụ thể. Cô vẫn nghĩ lẽ nào lại có thể như vậy. Hơn nữa, làm như cô còn muốn nuôi một chút hy vọng viễn vông là sau khi đã kết hôn với Magoshirô, Kayo sẽ ngưng ngay những hành vi đê tiện ấy.

Thế nhưng chứng cớ ngoại tình giờ đây đã hiện ra trước mắt cô. Có lẽ hai người này đã bàn sẵn với nhau để đến khu lữ quán này vào cùng một lúc. Có lẽ mỗi người lấy phòng riêng nhưng hai bên đã liên tiếp có những cuộc hẹn hò kín đáo. Ito nghĩ mình vừa nhìn thấy một chuyện thối tha. Ngoài sự phẫn uất, cô cảm thấy còn pha lẫn vào đó tình cảm của một kẻ vừa bị lăng nhục. Và lý do của cảm tưởng bị lăng nhục kia phải chăng đã bắt nguồn từ tình yêu của cô đối với Magoshirô. Làm như mối tình đó hãy còn sống và nằm ẩn khuất ở một nơi nào đó trong lòng cô.

Cô đã nhìn thấy bằng chứng là Magoshirô bị coi thường và điều đó khiến cô chua xót. Thế rồi nỗi đau đớn đó đã làm gia tăng sự khinh miệt và lòng căm ghét của Ito đối với Kayo cũng như gã tình nhân của cô ta.

Ito bước ra khỏi bóng râm. Cô thử nhìn xuống phía dưới vực nhưng không còn thấy bóng của hai người kia. Họ đã men theo con đường nằm cạnh bờ khe lên phía thượng nguồn hay đi ngược lại để về khu lữ quán mất rồi? Mặt trời xiêu xiêu đổ về hướng chính nam (maminami), chiếu tràn trề xuống hẻm núi, trên đầu những ghềnh đá khô, trên những bọt nước đang bắn tung tóe, phủ lên tất cả một màu sáng trắng khiến cho Ito tưởng chừng những gì cô vừa thấy được chỉ là một huyễn ảnh. Duy có bóng dáng đôi nam nữ ôm ghì lấy nhau bên kè đá là cái không thể nào biến mất khỏi ký ức của cô.

-Ta không thể để chuyện này chấm dứt nơi đây được!

Vừa nghĩ như thế, lòng buồn bã, Ito lửng thửng quay về con đường nằm trên ngọn đồi. Nếu hai kẻ kia đã dám có hành vi táo bạo cỡ đó, lẽ nào anh Magoshirô lại không hay biết. Nhưng càng biết thì càng dễ sinh chuyện. Sẽ có lưu huyết và bản thân Magoshirô cũng không thể an toàn.

Những lý do trên đã làm Ito lo lắng cho số mệnh Magoshirô. Vừa nghĩ cô vừa ngước mắt nhìn lên bầu trời tạnh ráo, không có lấy một cụm mây. Ngược lại, Ito thấy mảng trời xanh và phẳng phiu như thế này mới là cái thường đem đến những điềm gở. Tuy biết thế nhưng cô tự nói với lòng là đến nay, mình đã làm được gì để giúp anh ấy đâu!

Khi thi đấu với anh, có một lúc cô đã thấy trời đất tối sầm lại và ngã xuống trong vòng tay anh. Nghĩ tới cánh tay mạnh mẽ của Magashirô và sự bất lực hiện nay của mình, Ito cảm thấy nước mắt trào lên đôi mi.

Tuy nhiên, dự cảm của Ito về một điềm gở dù đến chậm một chút nhưng đã trở thành một hiện thực hai năm sau đó và dưới một hình thức không ai ngờ tới, Magoshirô đã mổ bụng tự sát.

Bốn

"Bà chúng bay phải gọi Saisuke đến đấy! Cái gì? Đúng rồi! Ông ta là người đã hứa hôn với bà nhà ta ấy mà. Vào thời đó, ông ta chỉ mới là cậu ấm con trai thứ 5 của ngài Katagiri, một viên chức cai trị đại diện cho quận thú [6]. Ông còn là một gã đàn ông sống ngoài khuôn phép. Mùa thu năm ông bà hứa hôn thì bà mới có 17 tuổi. Sau ngày đó, không biết ông đã lên Edo và theo học ở trường của một vị danh sư nào đó thì không rõ nhưng nấn ná những 5 năm trời chẳng chịu về quê. Giữa lúc mẹ của ta [7] đang lo là mình lại lỡ làng thêm lần nữa thì ông Saisuke rốt cuộc đã mò về. Lúc đó thì bà chúng bay đã bước vào mùa xuân thứ 21 và qua thời son trẻ.

Nói thế thành ra tạo ấn tượng là bà chúng bay mòn mỏi đợi ngày chồng về nhưng thực ra chuyện đó không hề có mảy may. Bà chúng bay vốn là người dù có thất bại cũng không nản lòng. Vả lại, nói về dáng dấp phong tư thì Saisuke không có gì nổi trội hơn các người đàn ông khác để bà phải tiếc công chờ đợi.

Nói tóm lại, ông mình sở hữu một cái mặt tròn như mâm mà mắt mũi cũng tròn vo, người chỉ tầm thước và đã bắt đầu béo ngay từ thời trẻ, cho nên không thể nói là có tướng đẹp. Hồi bà chúng bay gặp cha ta lần đầu, bà đã nghi ngờ khả năng đem ông ấy về làm rể nhà mình vì không thấy ông có chỗ nào coi được. Ngay cái tên Saisuke thôi cũng có cái gì ngô nghê và cổ lổ sỉ, làm bà không ưa tí nào.Vì lý do đó mà bà đành nhường bước cho cô bạn Tsuse đi lấy chồng trước, tuy đôi lúc có thoáng buồn nhưng cho đến ngày Saisuke trở về, bà vẫn tìm được niềm vui trong cuộc sống đơn chiếc.

Tuy nhiên cái ông Saisuke này, không biết có bé cái nhầm hay không mà từ khi trở về quê hương, vẫn lăng xăng lui tới tư dinh của họ Terai chúng ta. Khi cơ hội tiếp xúc riêng tư giữa hai người tăng lên thì ông Saisuke này muốn lợi dụng mà sờ soạng bà chúng bay một cách thái quá. Sở dĩ ông có hành động như vậy, một là vì chưa xét lại mặt mũi của mình, hai là cứ tin tưởng rằng mình là người mà nàng xưa nay mỏi mòn chờ đợi. Có khổ cho ông không chứ!

Chẳng hạn vào dịp gia đình của Saisuke có lễ lạc, bà chúng bay cũng được mời tới. Đêm đến, khi đi lướt ngang qua nhau trong hành lang, ông bèn dở trò nắm nhẹ lấy tay bà. Chuyện này được lập đi lập lại nhiều lần. Nhưng thôi, thế cũng chả sao. Bà chúng bay giờ đây cũng không còn là một cô gái trẻ trung nữa nên cũng chả cản trở ông. Thế nhưng thấy bà cứ im ỉm, ông bèn bốc hỏa. Nhân đêm lễ Tenjin-sama [8] vào tháng tư, trong đền có tổ chức diễn kịch Nô để cúng dường, ông bèn trà trộn vào đám đông khán giả, và lần này định sờ mông (oido) bà. Bà chúng bay vốn có ngón võ Tịch Vân Lưu (Sekiunryuu) nên đã không nói năng gì, chỉ chụp lấy bàn tay phiêu lưu ấy và bẻ trẹo lên. Quái thật, cái chú đàn ông này, tiếng rằng lên Edo học tập, chẳng hiểu đã học hành được những món gì!

Nhưng đây không phải là câu chuyện để cười đâu nhá! Bọn bay nay mai rồi cũng nắm quyền thừa kế trong nhà (katoku) và phải thay nhau lên Edo làm việc cho phiên (Edozume) đấy thôi. Phải để ý, đừng học những thói hư tật xấu ở đất kinh thành rồi đem về quê như một số con trai thiếu phẩm cách.

Tuy rằng Saisuke là một anh con trai hơi bất cẩn giống như bọn họ nhưng khi ông nghe bà chúng bay đem chuyện ông Magoshirô mổ bụng tự sát ra hỏi ý kiến thì ta lại thấy nơi ông có một con người khác. Bà chúng bay vì không còn cách khác, đã kêu gọi ông Saisuke. Nghe mình được sai bảo là Saisuke đã thoăn thoắt bay đến bên nàng như một chú chó con.

***

-Hừm, coi bộ hơi khó đó nghe!

Katagiri Saisuke hạ giọng như thấy trong vụ này có điều gì chưa tiện nói. Hai cánh tay anh vừa mới vòng trước ngực đã buông thỏng và đặt ngay lên đầu gối. Anh làm thế vì cứ mỗi lần anh có dáng điệu gì mà Ito không vừa ý là cũng bị cô mình quở trách không chút kiêng dè.

Ito đặt câu hỏi:

-Hồi sống trên Edo, anh Saisuke chắc phải quen biết nhiều người lắm chứ nhỉ?

Cô biết là trong lúc du học ở Edo, Saisuke đôi khi có đến biệt phủ của phiên trên đó để vay tiền. Chuyện này có lần lọt đến tai cô. Nhà dưới quê đã gửi tiền chu cấp cho anh đầy đủ nên Ito nghi ngờ rằng số bạc anh vay mượn khắp nơi chỉ để dùng vào việc ăn chơi.

Nhưng dù sao, nơi Magoshirô mổ bụng tự sát là biệt phủ của phiên ở Edo. Cho nên cô mới nhờ anh điều tra chân tướng của cái chết này.

-Thực ra, muốn điều tra thì cũng có nhiều cách. Nhưng mà...

Saisuke cúi gầm, đưa bàn tay xoa lên cái cổ đã có hai ngấn múp míp dù tuổi anh hãy còn trẻ. Xong, anh nói ngay một câu ngắn gọn.

-Thôi được! Để đó anh liệu. Anh sẽ ra tay.

Từ hôm xảy ra sự kiện trong khuôn viên ngôi đền ngài Tenjin, Saisuke đã nhận được một bài học nên không còn dám có thái độ sàm sỡ với Ito nữa. Anh vùng đứng ngay dậy vì thực ra anh còn là một người đàn ông rất năng động, đã nghĩ ra việc gì là chuyển qua hành động lập tức.

-Có lẽ phải mất một ít thời gian nhưng đầu thu này, thế nào anh cũng cho em biết đầy đủ chân tướng của việc này.

-Em tin ở anh.

-Nhớ là mùa thu này mình cưới đó nghe. Anh muốn trước hết, phải thanh toán những gì đang làm bận lòng mình.

Ito tiễn anh ra ngoài gian tiền đường. Sau khi nhắn nhủ cô câu ấy, Saisuke như thể quen tay đã lộ ra cái cố tật thích máy mó. Anh chợt đặt nhẹ bàn tay lên vai cô và cười bẽn lẽn, xong mới đi thật nhanh như gió cuốn.

Ito nghĩ thầm:

-Ôi cái anh này, người gì không lúc nào yên!

Cô cảm thấy lòng hơi bất an vì không hiểu rồi đây anh có điều tra được gíup cô như lời đã hứa hay không?

Thế nhưng Katagiri Saisuke không cần đợi đến đầu thu để làm xong lời hứa. Vào giữa tháng 7, lúc thời tiết hãy còn nóng, anh đã điều tra xong xuôi và đến tư dinh của gia đình Ito để báo cáo cho cô.

-Ôi chao! Nóng ơi là nóng. Đi ngoài nắng, nóng đến chịu hết nổi!

Mặt Saisuke đỏ bừng bừng trông đến tội nghiệp. Anh cầm lấy vuông khăn ướt Ito vừa trao, lau lấy lau để cho hết mồ hôi đang vã trên mặt và quăng trả cái khăn về chiếc mâm rồi cầm cốc trà lúa mạch (mugicha) đã để nguội uống ừng ực từng ngụm lớn. Xong anh mới hạ giọng ra vẻ bí mật:

-Đúng như lời Ito đã suy luận, việc Magoshirô phải tự sát có bàn tay của Fujii dính vào.

-Ôi chao ôi! Thảo nào.

-Anh Magoshirô đã rơi vào cái bẫy do tên đó giăng ra. Chuyện giản dị như thế thôi. Có lẽ là đối với Fuji, việc đổi trắng thay đen đó dễ dàng như trở bàn tay.

Hai năm trước khi ông bố vợ lắm bệnh phải thôi việc thì Magoshirô được gửi vào trong thành để học nghề tâu trình.Ở đó, anh sẽ phải học hỏi lại mọi thủ tục và nghi lễ mà một sứ giả của phiên cần phải tâm đắc, để mai sau còn nắm quyền thừa kế trong nhà, lại có thể đối đáp với sứ giả các phiên lân cận rồi đi từng bước một trên con đường trở thành một nhà tâu trình chuyên nghiệp.

Năm nay sở dĩ Magoshirô lên Edo là vì đây là lần đầu tiên anh được cất nhắc để đóng vai trò sứ giả trước mặt Mạc phủ. Dù nói như thế, nội dung công việc của anh chỉ tương ứng với địa vị của một người tâu trình tập sự, khá là đơn giản. Anh chỉ cần mang bức thư của quan Karô (Gia Lão) trả lời những lời thăm hỏi của các yếu nhân trong Mạc phủ để trình lên họ. Tuy nhiên việc trình lá thơ hồi đáp này đã không được thực hiện theo đúng thủ tục nên thư đã bị trả về tại chỗ. Vì nghĩ rằng mình đã để phiên phải chuốc lấy sỉ nhục nên sau khi trở về biệt phủ của phiên ở Edo phục mệnh thượng cấp, đã vào trong căn phòng dành riêng cho mình mà tự sát.

-Trong khi việc trình thư bị xem là không theo đúng thủ tục, không ai giải thích rõ ràng là Magoshirô đã thiếu sót ở những khâu nào? Phần lớn những thiếu sót thường phát sinh từ việc chọn lầm người trung gian hay sai địa chỉ nha sở quản lý. Chuyện đó hãy còn trong vòng tìm hiểu. Tuy vậy, trên nguyên tắc, chỉ cần mắc phải một điều sai sót nào đó, lá thư đem trình sẽ bị trả lui ngay. Như vậy, với tư cách người đại diện cho phiên, Magoshirô đã phạm một lỗi tầy đình, không thể nào tha thứ.

- .............................

-Có điều lần này tuy Magoshirô đóng vai sứ giả nhưng hình như kẻ lên toàn bộ kế hoạch là Fujii Kageyu đấy!

-Tại sao lại thế?

Ito nhìn Saisuke với đôi mắt cực kỳ xót xa:

-Cớ sao ông Fujii kia lại xuất hiện vào lúc đó?

-Đối với những người tâu trình tập sự thì họ được những tiền bối nay đã về hưu cố vấn cho vì lễ nghi và thủ tục rất phức tạp và chi li. Các bạn đồng sự hiện dịch vì rất bận rộn, không thể chỉ giúp họ được.

Saisuke nâng chén trà lúa mạch lên, uống một hơi đến cạn.Anh đưa lòng bàn tay chùi mấy giọt nước trà đang lăn trên cằm. Đối với một anh chàng có những cử chỉ thô vụng như vậy, chắc không cần người dạy dỗ lễ nghi tập tục làm gì cho mất công.

-Fujii thường xuất hiện ở những lớp dạy về cách thức, thủ tục như vậy.Ông ta lấy cớ đau yếu để trễ nãi việc quan nhưng mỗi khi cần phải thăm hỏi hay lấy lòng ai, ông luôn luôn có mặt trong thành. Dần dà, vì giao thiệp giỏi và chịu cho thiên hạ sai bảo, ông ta trở nên thành thạo về mặt lễ nghi, không thua kém gì những cụ chuyên gia lúc đó đã già và bắt đầu lẩm cẩm.

- .........................

-Lý do Fujii nhảy vào được vào môi trường đó là như vậy nhưng trước cái hôm Magoshirô phải làm sứ giả và tiếp xúc người của Mạc phủ lần đầu tiên, có kẻ đã thấy ông ta đã đến bên cạnh Magoshirô và nghe ông ta chỉ vẻ cặn kẽ là phải làm thế này thế nọ. Nghĩa là việc can thiệp đó có người làm chứng hẳn hoi.

-Anh muốn nói là lợi dung cơ hội như vậy, Fujii đã chỉ vẻ cho anh Magoshirô những thủ tục sai lầm à?

-Có thể là như vậy. Đặc biệt nó chỉ là công việc của một anh tập sự. Một người đàn ông cỡ Magoshirô khó lòng làm sai những gì người ta chỉ bảo.

-Thế nhưng tại sao ông Fujii kia lại làm như vậy? Cho bỏ ghét thôi sao?

-Làm cho bỏ ghét ư? Tính ông ta đâu có đàn bà như vậy!

Saisuke cười lên hinh hích. Khuôn mặt đang cười có vẻ như mặt của một kẻ khinh bạc nhưng lời anh nói thì rất đích xác:

-Có lẽ Magoshirô đã đoán già đoán non việc vợ anh lén lút tư tình với Fujii. Khi dọ hỏi các bạn đồng môn của anh ở võ đường, họ cũng xác nhận điều đó.

- ............................

-Phần còn lại đến từ suy luận của tôi thôi.Việc Fujii thò mặt ra ở chỗ Magoshirô học việc – một nơi khá trớ trêu - phải chăng là ông ta muốn tạo một cơ hội tốt để thăm dò thái độ của người kia.Tôi không biết hai người đã nói gì, đã làm gì với nhau nhưng tôi chắc chắn rằng Fujii là người ra tay trước. Bởi vì tình địch của ông ta là tay kiếm cao thủ số một của võ đường Haga cơ mà. Fujii không có cách nào khác để chiến thắng trừ phi giăng bẫy cho anh trên một trận địa khác, trận địa nghi lễ.

Ito nghĩ thầm: "Nếu sự thực đúng là như thế thì ta không thể nào để cho tên Fujii Kageyu này sống sót."

-Tuy nhiên, vì có cuộc điều tra này mà tôi còn biết thêm rằng nơi người đàn ông tên gọi Fujii này, có một cái gì hắc ám sau lưng nhưng tôi chưa không hiểu là do đâu. Tôi chỉ linh cảm hắn ta là một kẻ gian tà.

Hình như Saisuke còn có thêm một điều lo lắng nữa nhưng mặc cho anh tiếp tục nói, Ito không còn để ý gì tới và chỉ nghe được chưa đến phân nửa.

-Này anh Saisuke, em có việc muốn nhờ!

-Gì đó? Cô còn muốn bắt tôi đi điều tra tiếp chắc?

-Em muốn anh tìm hiểu hộ em xem Fujii có còn đi lại với chị Kayo không. Nếu anh theo dõi họ ở quán Aoyagi xóm Obana thì thế nào cũng biết được thôi.

-Ha ha...

Saisuke nhe răng cười.

-Ôi chao. Tiểu thư Ito mà cũng biết những chốn thanh lịch như thế ư? Thật em còn tài hơn tôi nghĩ!

- .......................................

Ito phớt lờ khuôn mặt đang cười nhăn nhở của Saisuke.

-Thế thì nếu tôi gặp họ, em muốn tôi phải làm gì?

-Bảo với Fujii Kageyu là em muốn gặp.

-Gặp người ta xong, em định làm gì?

-Em sẽ chất vấn.

-Nếu chỉ chất vấn thôi thì hắn không phải là hạng người thích thổ lộ gan ruột ra đâu.

-............................

-Hay cho phép anh cùng đi với em?

-Không! Một mình em đã đủ.

-Hừm

Saisuke trừng mắt nhìn Ito nhưng rốt cuộc đã buông ra một câu:

-Tên Fujii xem thế mà biết cả chiêu thức tuốt kiếm nhanh (iai) [9] của lưu phái Vô Lạc (Murakuryuu) đấy nhé. Chớ có khinh thường!

Năm

Lúc bà chúng bay gọi Fujii Kageyu ra ngoài bờ sông Itsumagawa thì mùa hạ đã sắp hết. Giờ đó mặt trời nóng như thiêu đã lặn về núi Tây. Đúng như lời Saisuke tiên đoán, trước những lời cật vấn của bà, gã đàn ông dó chẳng thèm đáp lại lấy một câu.Trước sau hắn chỉ ngậm câm hay nhếch mép cười nhạt. Tuy con nhà võ, hắn chỉ cho người chung quanh có cái cảm tưởng khó chịu khi đang đứng trước một kẻ gian giảo, phản trắc. Một người dũng cảm như bà chúng bay mà cũng thấy lạnh cả sống lưng.

Chờ đến khi bà mình không còn có câu gì để hỏi nữa, Fujii Kageyu bèn nhẹ nhàng lui lại phía sau bà khoảng 3 ken ( năm sáu mét) nhưng tay hắn đã nắm lấy chuôi kiếm. Bà hiểu ngay là hắn đang định thủ tiêu mình để ém nhẹm. Đó là bằng chứng hắn là người đã giăng cái bẫy cho Magoshirô rơi vào. Đúng như lời Saisuke dặn dò bà phải coi chừng, cử động của Kageyu hết sức nhanh nhẹn. Tuy nhiên bà mình đã di chuyển theo bước chân của hắn không mấy khó khăn và cũng dễ dàng thu ngắn cự ly giữa hai người. Một giây trước khi lưỡi kiếm của Kageyu tuốt ra khỏi vỏ, bà mình đã đưa bàn tay tnuận đến sát bên người hắn rồi vung ngọn đoản đao dấu trong tay áo và đâm vào ngực hắn một nhát nhanh gọn. Đúng đấy, bà chỉ cần có một nhát.

***

Ito kiểm tra và thấy Fujii Kageyu đã thật sự tắt thở, bèn đứng lậy lấy khăn trùm đầu che lấy mặt rồi đi đằng sau lưng một xóm vắng để quay về khu vực Obana và chui vào dưới hiên quán Aoyagi.

Ở một căn phòng thật sâu bên trong quán, anh chàng Katagiri Saisuke giận dỗi ngang nằm vặt lông mũi nhưng vừa thấy bóng Ito đã tất tả ngồi dậy và thăm hỏi:

-Sao, sao! Đầu đuôi thế nào?

-Em vừa đâm chết Kageyu xong.

-Ôi trời!

Saisuke trợn mắt, kinh hãi nhìn Ito và khi cô vừa tháo vuông khăn ra đã bảo rằng cứ để nguyên thế này là hỏng bét. Anh chàng rối rít tang bồng, cứ đưa tay lên vỗ vỗ vào cổ áo của chính mình:

-Máu bắn lên cả kìa! Phải thay quần áo ngay. Cởi tất cả ra. Trần truồng cũng được...!

Ito nghĩ trong bụng không hiểu anh chàng này có biết là hắn ta đang nói gì không nhỉ? Riêng cô thì vẫn điềm tĩnh như không:

-Ăn mặc như thế này, em không thể làm sao về nhà? Để đi kiếm nơi nào có một bộ đồ trông hợp hợp mà thay.

-Phải! Thế là ổn rồi.

-Nhưng còn chuyện này. Thi thể của Kageyu hiện nay đang nằm ở gần cửa đập sông Itsumagawa. Anh đến đó xử lý cho em.

-Xử lý?

-Lúc quay về, em lấy con đường vòng đằng sau xóm, vắng vẻ lắm nhưng cũng có 2, 3 người thấy được em.

-Chết chưa!

Saisuke nói thế rồi nhanh chóng đứng lên. Vẫn giữ nguyên dáng đứng, Saisuke dợm bước ra khỏi phòng nhưng chợt lúc đó, anh quay đầu lại nhìn Ito:

-Nhân đây cho anh hỏi luôn. Đối với một người đã chết như Magoshirô mà đến nay, em vẫn còn quá tận tụy vì anh ấy. Làm anh cũng đâm ra nghi ngờ.

- ...........................

-Chứ em có gì với người đàn ông đó không?

Khuôn mặt của Saisuke bỗng trở nên nghiêm trang một cách không ngờ. Ito chỉ lắc đầu. Cô không muốn đem chuyện lòng ra để giải bày.

-Không có gì hết đâu anh. Chỉ có một lần em được phép thi đấu với ông ấy thôi.

-Hả. Một lần thôi à? Thi đấu à?

Saisuke lẩm bẩm như thế và lắc đầu. Thế rồi mặt anh thoáng nở một nụ cười. Ito thấy nó giống như nụ cười của một kẻ vừa bị ai đó cho mắc lỡm (kobaka ni suru).

- .........................

-Thôi, anh đi nghe!

***

"Kỳ thực chuyện Saisuke sau đó đã xử lý cái xác chết ấy như thế nào thì cũng điên điên khùng khùng lắm, chúng bay ạ. Saisuke đi dọc đường đã túm được một con chó hoang bèn đem nó đến cạnh cái đập nước ở trên sông. Sau đó anh giết con chó rồi rây máu nó ra chung quanh và bôi thật nhiều trên lưỡi kiếm của Kageyu. Xác con chó thì anh ném xuống sông và như thế là xong việc.

Tuy là một hành động có vẻ dở người đấy nhưng nó đã ngụy trang được cái chết của Kageyu, qua đó, Kagefu đã quyết đấu với một địch thủ, cuối cùng bị người kia sát hại. Phía địch thủ có thể chỉ bị một vết thương nhẹ khi chiến đấu. Bà chúng bay thì trên người không hề có một vết thương nào cho nên khỏi phải sợ bị nghi ngờ là người có can dự.

Chuyện đáng kể hơn nữa là ngay sau đó, phiên đã khám phá ra là trước khi chết, Kageyu đã nhận nhiều của hối lộ từ đám thương nhân làm ăn ở dưới chân thành và làm của riêng. Gia đình Fujii từ đó bị triệt hạ, không có chân trong thành phần samurai nữa. Có thể báo là không cần đến tài ngụy trang của Saisuke, kết quả cũng sẽ giống nhau thôi. Tuy nhiên, qua việc ông làm, người ta cũng thấy là khó thể coi thường một nhân vật có tài sắp xếp chi li mọi sự như Saisuke.

Đúng đấy, chính nhân vật Saisuke này sau đó đã vào ở rể trong gia đình bà chúng bay, thừa kế cái tên Kanzaemon của cụ cố nhà mình. Ông Kanzaemon đời sau có tất cả 7 người con, chắc đều là con bà chúng bay. Những người con này sau đã trở thành bố hay mẹ chúng bay đấy.

Ông Kanzaemon đời sau đã làm được nhiều điều mà bố vợ ông trước kia không làm nổi bởi vì ông đã leo được đến địa vị Chuurô (Trung lão) rồi Karô (Gia lão). Tuy bị gọi là Hỉru-andon (Trú Hành Đăng) [10] nhưng ông đã giữ chức Gia lão số một (hittô) của phiên trong một thời gian dài.

Ở nhà ông chẳng làm gì ra hồn, dưới mắt vợ, ông chỉ là một kẻ ngây ngô. Thế nhưng Kanzaemon lại có nhiều tài lạ chẳng hạn biết lãnh đạo người khác, tài mà bà chúng bay thấy là không đáng gì. Còn như việc ăn cơm thì rơi vãi, khi ngáp mở miệng quá to, hay cằn nhằn càu nhàu và lại chết trước...là những điều bà bay hãy còn tiếc nuối.

Còn như bây giờ cái bà đang nhớ lại là cuộc thưởng hoa ở Ni no maru.Từ sau cuộc gặp gỡ với ông Magoshirô, bẵng đi một dạo, bà không đi xem hoa nữa. Có lần như chợt nhớ ra, bà đã dắt theo thị nữ O-Fusa vào cổng Ni no maru. Đó là mùa xuân một năm sau khi lễ thành hôn với ông Saisuke đã xong đâu vào đấy. Lúc đó bà đã có mang mẹ của Kinosuke trong bụng.

Thật tình ta không hiểu vì sao. Hoa anh đào ở Ni no maru bây giờ vẫn còn in nguyên vẻ đẹp tươi tắn của chúng trong mắt người đi xem nhưng năm đó dù đã mãn khai, bà lại thấy màu hoa buồn bã. Làm như thể mùa hoa qua mất rồi. Và tình cảm đó đã thấm tận hồn người để chốn ấy chỉ còn đọng một nỗi buồn. Có phải vì đời hoa của bà chúng bay đã qua rồi hay không nhỉ? Bà chỉ trở lại xem hoa vỏn vẹn mỗi lần đó.

Dịch ngày 2/12/2022
Kitagawa Keiko, chủ diễn phim Hana no ato
Kitagawa Keiko, chủ diễn phim Hana no ato (2010)

Bên lề tác phẩm:

Dấu hoa xưa (Hana no ato) hay Truyện nàng Ito (Itojo no Monogatari) là một đoản thiên do Fujisawa Shuhei (1927-97) sáng tác, được đăng lần đầu trên tạp chí Ô-ru Yomimono vào năm 1983 và sau đó dựng thành phim năm 2010 (do Nakanishi Kenji đạo diễn với Kitagawa Keiko vào vai nữ chính). Về tác giả và tác phẩm, xin đọc trường biên Vang rộn tiếng ve" (Semishigure) (Nxb Hội Nhà Văn, 2022) và những truyện ngắn khác do dịch giả Phạm Vũ Thịnh chuyển ngữ.

Theo nhà phê bình Oketani Hideaki trong lời bình giảng truyện Dấu Hoa Xưa thì trong thể loại truyện dã sử (tạm dịch chữ Jidai Shôsetsu), nhân vật chính thường là người thuộc giai cấp samurai hay giai cấp bình dân. Ấn tượng ông có là Fujisawa Shuuhei tỏ ra thiện nghệ hơn khi viết về người bình dân hay những samurai cấp thấp. Cô Ito trong Dấu Hoa Xưa là một tiểu thư nhà quan nhưng người cô yêu lại là một samurai cấp thấp. Chỗ giống nhau họ đều sống trong một không gian giả tưởng, chỉ có trong đầu tác giả, mặc cho ông nhào nặn và không bị hạn chế về mặt lịch sử bởi vì cái mà Fujisawa muốn trình bày không phải là lịch sử mà cuộc sống của con người nói chung. Có thể hiểu Shuuhei không xem xã hội phong kiến như là cừu địch phải xóa bỏ, nó chỉ là một giai đoạn nhất định trong dòng lịch sử loài người.

Một chi tiết: trong nguyên tác, nhan đề Hana no Ato thì Ato được viết bằng Hiragana thay vì chữ Hán. Có dịch giả sang tiếng Anh dịch là After the Flowers vì hiểu Ato là Sau. Nếu dịch sang tiếng Việt thì có thể dịch là "Lỡ một mùa hoa" chẳng hạn. Nó có thể ăn khớp với những câu tác giả phục bút trong truyện. Tuy vậy, lợi dụng sự đa nghĩa của Hiragana, chúng tôi xin phép dịch theo nghĩa thứ hai (Ato = Dấu vết) để nhấn mạnh lòng hoài niệm và sự nuối tiếc của nhân vật chính về một mối tình hư ảo.

Ito dưới ngòi bút của Shuuhei là một cô gái không được đẹp (miệng rộng, mắt xếch vv...). Có thể tác giả cố tình trình bày như vậy để nhấn mạnh vẻ đẹp tinh thần, ca ngợi lòng chung thủy và nghĩa hiệp của cô. Thế nhưng trong khi đó, vai nữ chủ diễn của phim lại là Kitagawa Keiko, một người con gái quá đẹp, một ngôi sao lớn của làng điện ảnh hiện đại nên phim có thể không theo đúng nội dung, tác phẩm. Tuy nhiên, nếu Ito vừa đẹp vừa cao thượng thì chắc chúng ta cũng thấy không có điều gì để phải than phiền.

Tư liệu tham khảo:

Fujisawa Shuhei, Hana no ato (Dấu hoa xưa) in trong tập truyện cùng tên, từ trang 231 đến 268 trong loại sách bỏ túi của Bunshun Bunko (Văn Xuân văn khố). Nhà xuất bản Bungei Shunjuu (Văn Nghệ Xuân Thu) in lần thứ 54 năm 2019.
 _________________
[1] - Heyazumi chỉ các cậu ấm còn ở chung với cha mẹ chứ chưa ra riêng hay được cha trao quyền chỉ huy gia tộc (katoku).
[2] - Gia lão (Karô), Lão trung (Rôjuu), Trung lão (Chuurô) vv... là các chức quan hành chánh cao cấp, hoặc của Mạc phủ Edo hoặc ở các chính phủ thuộc phiên trấn địa phương.
[3] -Nói chung là những chức vị trung bình nhưng cũng thuộc tầng lớp lãnh đạo phiên.
[4] - Sôshaban (Tấu giả ban). Một chức vụ có tính nghi lễ dưới thời Mạc phủ Edo, phụ trách tuyên cáo  các lễ vật được đem đến dâng cho Mạc phủ hay triều đình trong những buổi lễ long trọng.
[5] - Nhược Quán (Jakkan) hay lễ đội mão, giống như lễ thành nhân, thường là ở lứa tuổi 18, 20 có khi còn sớm hơn. Ba mươi mới làm lễ Nhược Quán thì có hơi chậm, chứng tỏ ông Fujii này không phải là kẻ chí thú cho lắm.
[6] - Gundai (Quận đại): một chức quan đại diện để cai trị một quận (gun) thay cho (dai) một người lãnh chức ấy nhưng không muốn hay không có phương tiện đến phó nhậm. Tên này có từ đời Mạc phủ Muromachi sau tiếp nối với Mạc phủ Edo nhưng lại mang ý nghĩa khác nhau. Quận xưa kia là một đơn vị hành chánh lớn.
[7] - Mẹ của ta và bà (nội, ngoại) của chúng bay. Đây là lời người kể chuyện nói với các con và các cháu họ, trong đó có nhân vật Kinosuke, đứa cháu xấu mồm.Như vậy người kể truyện là con trai của Ito và Saisuke.
[8] -Tức ông thần văn học Sugawara Michizane (845-903), người được thờ phượng khắp nơi trên đất Nhật.
[9] - Iai là cách tuốt kiếm nhanh trong mọi tư thế, ngay cả lúc đang ngồi, để có thể tấn công địch thủ một cách bất ngờ.
[10] - Hiru-andon (Ttú hành đăng) hay "ngọn đèn lồng thắp giữa ban ngày" ám chỉ người vô tích sự, không cần thiết hay bù nhìn.