Trở về
Trang chủ
Tác giả

Truyện ngắn Endo Shusaku

Nhà văn sinh ngày 27/3/1923 và mất ngày 29/9/1996, đều tại Tokyo. Tốt nghiệp khoa văn chương Pháp tại Đại học Keiô. Khi còn nhỏ, nhân cha ông - một viên chức ngân hàng - phải thuyên chuyển nhiệm sở nên ông lớn lên ở thành phố Đại Liên (Mãn châu), đến năm 1935, cha mẹ bất hòa, mới theo mẹ trở về nước và học tiếp ở Kobe.Thời gian bậc trung học, ông đã chịu phép rửa tội và trở thành tín đồ Ki Tô Giáo. Ông bắt đầu viết bình luận văn học từ khi còn ở trên ghế trường Đại học. Sau đó ông gia nhập nhóm Văn học Mita (Mita Bungaku) của ĐH Keiô và thân thiết với nhà văn Hara Tamiki (1905-1951), tác giả của "Những đoá hoa mùa hạ" (Natsu no Hana, 1947) vv...Sau khi tốt nghiệp, ông sang Pháp du học tại Đại học Lyon (1950-53) và nghiên cứu về văn học Pháp đương đại, chủ yếu về vai trò của các nhà văn Ki Tô Giáo. Đến lúc về nước, ông ra mắt truyện đầu tay "Cho đến Aden" (Aden made, 1954), sau đó là tác phẩm "Người trắng" (Shiroi hito, 1955) và đoạt giải Akutagawa. Từ ấy, ông xác định được thế đứng trên văn đàn. Ông lại cho ra mắt "Biển và thuốc độc" (Umi to dokuyaku, 1957) kể lại việc Nhật Bản đã bắt tù binh Mỹ trong giai đoạn cuối Chiến tranh Thái Bình Dương để làm vật thí nghiệm, "Im Lặng" (Chimmoku,1966) nói về những việc cấm đạo, tuẫn đạo và bội đạo dưới thời Tokugawa hay "Vụ bê bối" (Sukandaru, 1986), một trong những tác phẩm có tính cách tự truyện bàn về tình dục của người cao tuổi. Ông còn là một cây bút trào phúng có hạng với những mẩu văn nghị luận dưới bút hiệu Hồ Ly Am Sơn Nhân (Korian Sanjin) và được nhiều người yêu mến. Cuối đời, ông thường trầm tư về những xung khắc giữa tư tưởng Ki Tô Giáo đến từ Tây Phương và văn hóa bản xứ trong tâm thức những con chiên Nhật Bản ngoan đạo như ông.

Tác phẩm của ông còn có "Du học" (Ryuugaku, 1965), Người Vàng (Kiiroi Hito, 1955), "Quả nho xanh nho nhỏ" (Aoi chiisana budô, 1956), "Đời chúa Giê Su" (Yesu no isshô, 1973), "Bên bờ Biển Chết" (Shikai no hotori, 1973), "Người Samurai" (Samurai, 1981), "Phản nghịch" (Hangyaku, 1989), "Sông Thăm Thẳm" (Deep River, 1993) nếu chỉ kể có chừng đó. Ông đã nhận giải Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Nhật Bản (Nihon Geijutsuin-shô, 1979) và Giải Công Lao Văn Hóa (Bunka Kunshô, 1995) của nhà nước. Được nhiều người, trong số đó có văn hào Graham Greene kính nể như một nhà văn Ki Tô Giáo quốc tế xuất sắc, ông nhiều lần được họ tiến cử cho Giải Nobel Văn Học.

VERONICA 
(Beronika, 1958) 

Nguyên tác: Endo Shusaku 
Dịch: Nguyễn Nam Trân

Tác phẩm ra mắt bạn đọc trên Tạp chí phụ nữ Fujin Gahô số tháng 5/1958 và được chọn để đưa vào sách giáo khoa bậc trung học Nhật năm 1981.

The Veil of Veronica (Georges Rouault)

Buổi chiều cách đây hai ba hôm, sau khi mệt mỏi vì công việc, tôi bất chợt nẩy ra ý định đến viếng thăm một phòng triển lãm tranh. Tình cờ là phòng tranh ấy đang trưng bày các tác phẩm di cảo của Rouault (1), một danh họa Pháp chuyên về tranh Ki Tô Giáo và vừa mới mất hồi năm ngoái.

Vì đó là buổi chiều một ngày trong tuần, phòng tranh càng thêm vắng lặng. Ngoài tôi ra chỉ có bốn, năm người khách dừng chân lại trong căn phòng sâm sẩm tối, hoặc đứng một chỗ hoặc chậm rãi bước qua bước lại. Ở góc phòng, một thiếu nữ đầu đội mũ bê-rê màu đỏ đang đứng trước một bức tranh và chăm chú nhìn nó.

Từ xa vọng lại tạp âm của khu phố và những hồi còi xe hơi. Tôi bèn ngồi xuống chiếc ghế cho khách tạm nghỉ chân, lim dim đôi mắt suy nghĩ bâng quơ. Và trong khi nghe ngóng những tiếng động sinh hoạt của khu phố lúc chiều về, bỗng nhiên ký ức một buổi hoàng hôn từ nhiều năm trước ở Paris, lúc tôi cũng đi xem một cuộc triển lãm tranh của nhà danh họa Rouault, như sống lại trong ký ức.

Ừ, phải rồi...buổi chiều hôm đó, người đi xem cũng thưa thớt và gian phòng cũng vắng lặng như hôm nay ấy nhỉ? Và một số bức tranh mình xem hôm đó thì ngày nay đã vượt qua mấy biển để về tới nước Nhật xa xôi này. Nhớ lại những chi tiết không đâu vào đâu như thế rồi mở mắt ra nhìn, tôi mới thấy cô gái đội bê-rê đỏ vẫn còn đứng nguyên chỗ đó, bị thu hút bởi bức tranh mà cô đã say sưa ngắm nãy giờ.

(Không hiểu cô đang xem bức tranh nào vậy ta?)

Tôi bị thôi thúc bởi lòng hiếu kỳ nên đã thử bước lại gần cô gái xem sao. Vẫn thấy thiếu nữ đứng lặng người, đăm đăm nhìn vào bức trang như kẻ bị thôi miên.

Bức tranh cô đang ngắm nghía nhan đề Veronica vẽ hình ảnh của chúa Ki Tô đầu đội mão tết bằng gai, chịu đựng bao thương khó, với ánh mắt nhìn về phía người xem tranh như đang chực bày tỏ điều gì. Dĩ nhiên, không nói cũng hiểu, đó là vẻ mặt đầy cay đắng xót xa của Đức Chúa gánh trên vai cây thập tự giá, khi bị bắt leo lên ngọn đồi Golgotha giữa tiếng chửi bới và sỉ nhục đầy phẫn nộ của đám đông.Thế nhưng hình ảnh xanh xao và nhuốm đầy bi thương này lại là cái mà họa gia Rouault yêu thích vì ông đã vẽ một loạt tranh với nhan đề "Veronica" hoặc là "Vuông khăn của Veronica"...

***

Veronica là tên một phụ nữ. Bà được sinh ra trong hoàn cảnh như thế nào thì ngày nay chúng ta không ai biết tới. Điều chúng ta có thể biết là Veronica vốn bắt nguồn từ Berenice, tên gọi của phụ nữ Hy Lạp và được đọc trại đi.

Thời điểm đó là khoảng 11 giờ sáng ngày thứ sáu mùng 7 tháng 4 năm 30 sau kỷ nguyên. Chắc quí độc giả không cần phải nghe giải thích thêm chi nhiều về việc ngày hôm đó chúa Ki Tô và hai tù nhân đã được phán xử là sẽ bị hành quyết trên ngọn đồi Golgotha (2). Vì cớ đó họ đã phải vác thập tự giá và đi bộ một đoạn đường khoảng nửa cây số phủ đầy sỏi đá, chạy ngoằn ngoèo từ dinh thự của quan Tổng trấn Pilate cho đến nơi ấy. Theo ký lục còn ghi lại thì thập tự giá này được biết là vật kết hợp từ hai khúc gỗ, chiều dọc độ 10 shaku (hay 30, 3 cm x 10) và chiều ngang độ 7 shaku (hay 30, 3 cm x 7) và nặng khoảng 70 ki lô. Đương thời, mỗi kẻ thụ hình đều bị bắt buộc vác cây thập tự dành cho mình đến địa điểm hành quyết.

Sau những đêm mất ngủ vì phải chịu bao nhiêu thẩm vấn, mệt mỏi đến cùng cực, lại thêm roi vọt tàn nhẫn, mất nhiều máu, còn phải vác cái thập giá nặng 70 ki lô này trên vai mà bước đi thì đó quả là một công việc quá tàn nhẫn đối với chúa Ki Tô.

Khác với Nhật Bản, tháng 4 ở xứ Giu Đê (Judea) (3) trời vô cùng nóng. Vả lại đoạn đường chúa đi - như người ta ghi lại - vốn "bắt đầu từ núi Moria xuống một vùng đất trũng rồi khi đến cửa Tây của kinh thành lại phải leo lên một con dốc rất gắt". Đi đầu đoàn người là một kẻ mở đường, anh vừa rao cho đám người đến dự khán tên tuổi và tội trạng của những người bị hành quyết. Đằng sau anh ta là một toán lính La Mã xếp thành hàng. Phía sau họ, một nhóm vừa người lớn vừa con nít mang theo đinh, giây thừng và chùy sắt cùng tiến tới. Cuối cùng là hai tên tù cùng với chúa Ki Tô, đang lê lết với đôi bàn chân đẫm máu và những bước chân xiêu vẹo. Đầu chúa đội mão tết bằng gai, máu rịn xuống gò má và bộ râu làm cho cả mặt mày biến dạng không sao nhìn được rõ. Trong lúc Chúa đang liêu xiêu, mỗi lần quệt mồ hôi và thốt ra vài tiếng rên rỉ từ cái cố họng đã khô cháy vì cơn khát, bọn lính kia đã vung cao ngọn roi.

Con đường bắt đầu từ chỗ dinh thự của Pilate, qua ngọn đồi nơi một ngôi đền thần được dựng lên, đổ xuống dốc và về hướng Tây. Được chừng 200 mét, nó gặp một con đường lớn. Rẽ qua đường này và đi thẳng chừng nửa cây số là đến ngọn đồi Golgotha. Trên đường, chúa Ki Tô đã ngã xuống không biết bao lần và điều này cho thấy sự thống khổ ông phải nếm trải là nhiều đến ngần nào.

Mỗi lần chúa Ki Tô ngã, dân chúng hai bên đường không ngớt buông lời thóa mạ. Đó là chuyện đáng buồn nhưng trong một trường hợp như thế này, quần chúng thường bộc lộ cái bản năng dã man nguyên thủy của họ. Mới đây khi lính Nazi tấn công những gia đình Do Thái vốn chẳng có tội tình gì, quần chúng chẳng đã phụ họa trước những hành vi tàn khốc của chúng đấy sao? Ngày hôm đó, chúa Ki Tô càng rên rỉ bao nhiêu, càng ngã xuống chừng nào thì như chúng ta có thể mường tượng, bản chất hung bạo của quần chúng càng bị kích thích thêm chừng nấy.

Khi lên được tới ngọn đồi, một lần nữa, chúa Ki Tô lại khuỵu đầu gối và coi bộ không còn đủ sức để đứng lên trở lại. Thấy thế, người ta bèn cho gọi một nông dân tên là Simon đến nhấc hộ một bên thập giá cho chúa. Simon không kháng cự mệnh lệnh. Có lẽ vì ông sợ là nếu từ chối công việc khổ sở này, người ta sẽ đánh đập hay sát hại mình cũng nên. Hoặc giả ánh mắt của một người không còn chút sức lực kia đang buồn bã hướng về ông như muốn nhờ ông giúp đỡ và cái dáng dấp đau khổ của chúa Ki Tô đã làm dậy lên trong tấm lòng chất phác của ông một sự đồng tình. Nhờ có sự giúp sức đó mà cái thập giá bị đổ lăn mãi rồi cũng được nhấc lên và chúa Ki Tô bắt đầu di chuyển trở lại với những bước chân chậm chạp.

Thì vào giữa lúc ấy....

Từ dưới bóng vài túp nhà bên vệ đường ở phía tay trái, có một bóng đàn bà đang vội vã chạy đến.

Trong cuốn "Truyện chúa Ki Tô" của P. Bert, ông đã mô tả cảnh tượng đó như sau đây:

"Người phụ nữ đó không đếm xỉa gì đến sự can thiệp của toán lính đang muốn chắn lối, tiến đến gần bên chúa Ki Tô, nhìn dáng dấp không còn nhìn ra nổi ấy một hồi rồi lấy vuông khăn mình đang bịt trên trán để lau mồ hôi, nước dãi và vệt máu đang đầm đìa trên khuôn mặt của ông. Từ đôi mắt Ki Tô đang nhìn bà thoáng hiện một ánh cám ơn".

"Sau đó, người đàn bà ấy trở về nhà mình và nhìn lại vuông khăn thì nhận ra có khuôn mặt chúa Ki Tô trên đó và nó đã in nguyên vẹn cái dáng xanh xao, buồn rười rượi của ông. Khi các thánh tông đồ chép lại câu chuyện này để ghi nhớ, đã gọi tên người phụ nữ ấy là Veronica".

Đó là nàng Veronica mà chúng ta biết tới. Rouault cũng như nhiều họa sĩ khác đã vẽ y nguyên hình ảnh thống khổ của chúa Ki Tô như những điều họ thấy trên vuông khăn của người đàn bà.

Như đã trình bày bên trên, ngày nay chúng ta không ai biết gì về thân thế và cảnh ngộ của người phụ nữ này. Ban đầu, bà ta xuất hiện trong sách của Thánh Lucas với cái tên là người đàn bà ở Bethania (4) và được phỏng đoán là nàng Martha? Tuy nhiên, có thuyết lại cho rằng bà là một phụ nữ đã được chúa Ki Tô chữa cho lành một chứng gọi là "bệnh xuất huyết" (chirô). Nếu đúng là người đàn bà được Chúa chữa lành bệnh xuất huyết thì chúng ta hãy dựa vào sách của thánh Marco để thử tìm hiểu về quá khứ của nàng.

"Có người đàn bà bị bệnh xuất huyết dai dẳng 12 năm trời" - như sách của thánh Marco, chương 5 từ câu 25 cho đến 34) - đã đi gặp nhiều thầy thuốc và chịu bao điều cực khổ, tiêu phí hết tài sản nhưng bệnh chẳng những không thuyên giảm mà càng ngày càng nặng thêm lên. Người đàn bà này nghe tiếng chúa Ki Tô nên đã lẩn vào trong đám đông, đến từ sau lưng mà sờ vào vạt áo của Chúa. Lý do là bà nghĩ rằng chỉ cần sờ vào vạt áo của Chúa thôi thì sẽ được lành bệnh....Tức thời huyết không còn chảy và người đàn bà cảm thấy thân thể mình hoàn toàn sảng khoái. Chúa bèn phán với người đàn bà đó: "Này con gái ta! Chính đức tin của con đã cứu được con đấy! Hãy yên tâm và đi đi".

Dĩ nhiên chúng ta không có bằng cớ chính xác để khẳng định rằng người đàn bà bị bệnh xuất huyết được chúa làm phép lạ chữa lành kia chính là Veronica. Nếu bạn muốn biết cảm tưởng của bản thân tôi thì tôi xin thưa rằng dù người đàn bà đó là ai, tôi cũng không cần biết tới. Tôi chỉ biết người phụ nữ ấy đã trà trộn trong đám đông và chứng kiến cái dáng bước đi thống khổ của một tù nhân sắp bị đem ra xử tử. Có thể bà ta không hề biết chúa Ki Tô là người như thế nào cả. Và như thế là cũng đã đủ.

Duy có một điều là lúc đó trong lồng ngực của bà, một tình cảm trắc ẩn (renbin) đang trào lên mãnh liệt. Cảm tình đó đã vượt lên trên những lời thóa mạ của đám đông cũng như bạo lực ngăn trở của đám lính canh khiến bà có thể chìa bàn tay mình về phía người đàn ông đang gặp khổ nạn. Và như thế thôi cũng đã đủ rồi.

Vì lẽ đó mà đọc những ký lục ghi lại cảnh tượng ngày chúa Ki Tô tuẫn nạn, chúng ta đã cảm thấy đau khổ đến nghẹn ngào khi nhận ra rằng loài người chúng ta cũng như quần chúng đều mang trong lòng một tình cảm hung bạo và sự yếu đuối không sao hiểu nổi. Nó làm cho chúng ta liên tưởng đến tâm lý con người trong thời đại chiến tranh vừa qua. Lúc ấy, trong bầu không khí sợ hãi bao trùm lên tất cả, chỉ có một người đàn bà duy nhất dám đứng ra để che chở cho đồng loại. Điều đó đã khiến cho chúng ta cất được một tiếng thở phào. Hình như nó dạy rằng cho dù xã hội và quần chúng có sa đọa đến mức nào, chi cần sự tồn tại nhỏ bé của Veronica thôi, đã đủ giúp cho chúng ta vững lòng tin là trên đời này, hãy còn có một tấm lòng nhân ái.

Năm năm về trước, trong khi đang du học ở Pháp, tôi đã được kể cho nghe về một câu chuyện đã xảy ra trong một vùng núi non phía Nam nước Pháp, không xa Ardèche là bao nhiêu.

Vào một hôm, có anh lính Đức nọ, sau khi giao chiến với những thành viên của lực lượng kháng chiến Pháp đã bị trọng thương. Thoát thân được nhưng không biết trốn ở đâu, anh vào nấp bên trong kho lúa của một nông dân người Pháp.

Người khám phá ra sự hiện diện của anh là một nội trợ nhà quê. Bà khổ sở vì đang lưỡng lự giữa việc bắt kẻ địch giao cho phe ta hay cứ để anh trốn ở đây đến khi vết thương được lành. Cho anh ta nấp có nghĩa là phản bội làng nước và đồng bào của mình. Và lúc đó, bà sẽ có nguy cơ bị đem ra phán xử như một kẻ đã tiếp tay cho giặc.

Thế nhưng cảnh người lính Đức trẻ máu me bê bết đang cất tiếng rên rĩ đã khơi dậy trong lòng bà một tình cảm trắc ẩn. Bà bèn cho thuốc, mang thức ăn tới và trong suốt một tuần lễ, tiếp tục che dấu người lính đó.

Khổ là một ngày kia, bí mật của bà đã bị những thanh niên trong làng phát hiện. Bọn thanh niên không những đem anh tù binh Đức ra giết không cần xét xử mà lại giết luôn bà nội trợ kia trong khi họ không ngớt lời thóa mạ là "con đàn bà phản quốc". Thi thể của bà bị ném xuống một cái giếng cũ ở ngoài đồng, cách xa xóm làng.

Veronica cũng có ở đây nữa. Tấm lòng của người đàn bà trong cuộc đã vượt cao hơn cái đạo lý (moral) xã hội và đạo lý chính trị do bọn đàn ông đặt ra. Nó đẹp đẽ và rực rỡ xiết bao! Hình như bức tượng đầy vẻ sầu muộn của bà ngày nay hãy còn được dựng lên để tô điểm lối vào ngôi làng nhỏ đó. Thế rồi, phía bên dưới bức tượng, người ta đã khắc một dòng chữ với nội dung như sau: "Hơn cả chúng tôi, bà mới là một người Pháp đúng nghĩa. Bà là một con người..."

Dịch ngày 9/7/2022

 
(1) - Tác giả muốn nói đến nhà danh họa người Pháp Georges Rouault (1871-1958)
(2) - Tên một ngọn đồi ở ngoại ô thành Jerusalem, thủ đô nước Do Thái thời ấy, có nghĩa là đầu lâu (thường được dịch là Núi Sọ).
(3) - Vùng đất cổ phía Nam xứ Palestine nay là đất Do Thái.
(4) - Tên một ngôi làng nhỏ ngoại ô thành Jerusalem, cạnh ngọn đồi trồng ô-liu, một nơi nghèo khổ mà chúa Ki Tô từng ghé ngang qua và làm phép lạ.