Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Tái ngộ 
(Saikai) 

Nguyên tác: Kawabata Yasunari 
Dịch: Nguyễn Nam Trân 


Một cảnh hoang tàn sau Thế chiến thứ II

Truyện ngắn này gồm một phần chính đã được đăng ở tạp chí Sekai (Thế giới) số tháng 2 1946 kết hợp với hai phần phụ đều có nhan đề là Kako (Quá khứ) trong Tạp chí Bungei Shunjuu (Văn nghệ xuân thu) số tháng 6 và 7 cùng năm.

Bối cảnh của câu chuyện là vùng Kamakura, một thành phố lịch sử nằm cách Tôkyô khoảng trên 40 cây số, cũng là nơi Kawabata đã định cư sau thời chiến. Những từ "quá khứ", "hiện tại", "sống", "tái ngộ"... trong truyện này đều mang một ý nghĩa đặc biệt vì nó miêu tả tâm trạng của những người vừa mới "thoát nạn" hay tỉnh dậy sau một cơn ác mộng. Trong một hoàn cảnh như vậy, nhân vật Yuuzô đã có dịp nhìn về quá khứ khi tình cờ gặp lại Fujiko, người tình cũ lâu ngày không tin tức.

***

Sau khi bại trận, dường như cuộc đời của Atsugi Yuuzô chỉ bắt đầu tiếp tục từ ngày tái ngộ Fujiko; đúng hơn phải nói đó cũng là ngày anh gặp lại chính mình.

"Ôi chao. Nàng còn sống kia kìa!" Khi nhìn thấy Fujiko, anh không khỏi ngạc nhiên. Đó là sự ngạc nhiên đơn thuần, bên trong không có một niềm vui hay nỗi buồn nào lẫn lộn.

Phút giây nhận ra hình dáng của Fujiko, Yuuzô không thể nghĩ rằng nàng là một con người hay vật thể. Chỉ vì anh đang gặp lại quá khứ của mình. Quá khứ ấy đã mượn hình vóc của Fujiko để hiện ra trước mắt anh. Anh cảm thấy Fujiko tuy là vật cụ thể nhưng đã đến từ một quá khứ trừu tượng

Tuy nhiên, nếu quá khứ đã mượn hình vóc của Fujiko để tiếp tục sống thì quá khứ nay đã trở thành hiện tại.Việc quá khứ kết hợp với hiện tại đang xảy ra trước mắt anh đã làm cho Yuuzô kinh ngạc.

Cái đã cắt Yuuzô ra khỏi quá khứ và hiện tại vốn có tên là chiến tranh. Dĩ nhiên chiến tranh là nguyên do khiến Yuuzô ngạc nhiên đến bàng hoàng khi gặp lại người đàn bà. Có thể nói là cái ngạc nhiên của anh đến từ sự phục sinh của một hình bóng chiến tranh đã chôn vùi.Nào ngờ những ngọn sóng cuồng loạn của phá hoại và giết chóc đã không tiêu diệt nổi mối ràng buộc mong manh giữa đôi thanh niên nam nữ.

Yuuzô phát hiện được Fujiko sống sót mà như phát hiện được sự sống của chính mình.

Anh đã chia tay với người con gái này cũng như quá khứ của mình một cách êm thắm và ngỡ rằng, nếu sống với cuộc chiến tranh đang xảy ra, mình có thể quên lãng cả hai. Thế nhưng đời con người ta lại là một dòng chảy liên tục kể từ lúc lọt lòng.

Yuuzô tái ngộ Fujiko khoảng hơn hai tháng sau khi Nhật Bản tuyên bố đầu hàng, lúc mà mọi người hầu như đã đánh mất khái niệm về thời gian. Đó là giai đoạn mà đối với rất nhiều người, quá khứ, hiện tại cũng như tương lai của đất nước và của cá nhân đều đã giải thể để sa vào vực xoáy của sự hỗn loạn và họ hầu như đều bị chết đuối trong.

Yuuzô bước xuống ga Kamakura và khi anh ngẩng đầu nhìn lên hàng cây tùng cao trên đại lộ Wakamiya, đã cảm thấy được dòng chảy bình lặng hài hòa của thời gian đang trôi về hướng những đỉnh cây. Trong một thành phố bị tàn phá vì ngọn lửa chiến tranh như Tôkyô, người ta thường bỏ qua cơ hội theo dõi sự thay đổi của thiên nhiên theo bước mùa đi. Kể từ hồi chiến tranh, những thân tùng chết héo xuất hiện khắp nơi như vết nám trên thân thể người bệnh để báo điềm gỡ cho vận mệnh đất nước. Tuy vậy, những cây tùng ở Kamakura này hãy còn đầy sinh khí.

Sở dĩ Yuuzô tìm đến đây vì anh vừa nhận tấm bưu thiếp của một người bạn, dân Kamakura, cho biết sắp có một buổi lễ gọi là Bunboku (Văn Mặc) [1] được tổ chức ở đền Tsurugaoka Hachiman [2]. Khởi đầu từ một câu thơ của Shôgun Sanetomo [3], người ta đã đặt ra lễ này để chứng tỏ - ít nhất như một ao ước – là vị thần chiến tranh như Hachiman cũng có thể đem lại một chế độ chính trị mới và tốt đẹp. Từ khi hòa bình lập lại, người ta không còn thấy những kẻ chen chúc đến xem lễ hòng cầu thần lập được chiến công hay thu lượm nhiều chiến thắng.

Sau khi đến trước khu văn phòng của đền, Yuuzô mắt sáng rỡ khi thấy ở đó một đám các cô tiểu thư xúng xính trong những chiếc áo kimono tay thụng (furisode) [4]. Trong khi hầu hết những người khác vẫn còn chưa cởi những bộ áo lính cũ kỹ hay bộ đồ tỵ nạn mặc dưới mấy trận mưa bom, màu sắc của thứ kimono tay thụng mặc trong những dịp lễ lạt của các cô phải nói là có hơi sặc sỡ.

Mấy anh lính của lực lượng chiếm đóng [5] cũng được mời đến tham dự ngày hội. Các cô ăn mặc đẹp là để ra mời họ uống trà. Có lẽ những anh lính Mỹ trẻ vừa đổ bộ này mới được nhìn áo kimono lần đầu tiên trong đời. Họ có vẻ thấy lạ nên đua nhau bấm máy ảnh.

Ngay Yuuzô cũng vậy, chỉ cách đây ba bốn năm thôi, anh cũng không thể tin sẽ có những phong tục mới mẻ như thế này. Anh được hướng dẫn vào chỗ khách ngồi của địa điểm cử hành buổi trà đạo vốn nằm ngoài trời đằng sau một lùm cây. Anh thật ngạc nhiên khi chứng kiến sự dạn dĩ và năng động của các cô tiểu thư áo xống lòe loẹt này giữa một đám đông toàn những người ăn mặc xập xệ và buồn thảm. Làm như màu sắc hoa mỹ của những bộ quần áo hội hè đã ảnh hưởng lên dung mạo và thái độ của các cô và bắt đầu kéo anh ra khỏi dòng suy tưởng.

Chỗ uống trà được đặt giữa lùm cây. Mấy anh lính Mỹ đã ngoan ngoãn ngồi thành hàng, dọc theo một cái bàn gỗ tạp hẹp và dài mà người ta thường thấy ở các đền Thần Đạo và đang ngây người ra chờ đợi với một vẻ hiếu kỳ. Vài cô bé trên dưới mười tuổi bưng nước trà loãng ra mời họ.Những bộ áo có vẻ mô hình chấm phá nho nhỏ và cung cách nghiêm trang của các em làm cho Yuuzô nghĩ rằng chúng đang đóng mấy vai đào con trong một pho tuồng cổ. Còn như tấm kimono tay thụng với dải lưng obi quấn cao của một em lớn hơn trông ngỡ ngàng và mâu thuẫn với cuộc sống đang xảy ra. Kiểu áo lành mạnh của các cô bé con nhà nền nếp này, ngược lại, đã gieo vào lòng Yuuzô một ấn tượng buồn bã lạ lùng.

Lý do là khi nhìn lại, anh thấy màu sắc và mẫu hình sặc sỡ trên áo xống đời nay như có gì tục tằn và dã man. Nó làm cho anh nghĩ không lẽ công nghệ chế tạo kimono lẫn sở thích ăn mặc trước thời chiến tranh đã xuống dốc đến mức này sao. Về sau, khi anh so sánh nó với quần áo của các nàng vũ công thì ấn tượng này còn mạnh mẽ hơn nữa.

Màn múa được diễn ra ở điện diễn vũ nằm bên trong đền. Xưa kia, khi trình diễn, các nàng vũ công phải mặc trang phục đặc biệt, trong khi những cô khác chỉ cần ăn mặc kiểu thông thường. Ngày nay thì các cô đi dự hội lại chưng diện cực kỳ đặc biệt làm như thể các cô ấy cũng là cái đích của người xem. Nói về sự khác nhau so với thời tiền chiến thì không những nó chỉ thể hiện qua phong tục mà ngay cả thân thể nữa, các cô bây giờ có khuynh hướng để lộ ra quá mức. Ngược lại, áo xống mặc khi múa thường sẫm màu nên còn có phẩm cách.

Những điệu múa như Urayasu no mai [6], Shishimai [7], Shizuka no mai [8], Genroku hanami odori [9] tuôn chảy vào lòng Yuzô như tiếng sáo hoài niệm một Nhật Bản đã tiêu vong.

Một số chỗ được dành cho khách mời tức là đám lính trong lực lượng chiếm đóng. Yuuzô và những người khác được xếp vào góc phía tây cạnh một cây bạch quả (ginkgo) cổ thụ tán lá hơi vàng úa.

Lũ trẻ con trong đám khách thông thường tràn cả vào vùng dành cho nhóm khách mời đặc biệt Với những đứa trẻ quần áo xơ xác, thê thảm đứng dàn ra sau lưng, mấy bộ kimono lòe loẹt với ống tay thụng của các cô tiểu thư trông chẳng khác nào những cánh hoa đang bị nhúng vào ao bùn.

Trên mặt sàn và dưới chân những cây cột sơn son trong điện nơi trình diễn vũ, mặt trời chiếu xiên xiên in lên đó bóng những ngọn cây của khu rừng tuyết tùng bên cạnh. Một cô con gái trong trang phục kỹ nữ thời Genroku [10] đang bước xuống khỏi mấy bậc thang điện vũ, làm như vừa mới chia tay người tình hẹn hò sau một cuộc thưởng hoa để về nhà một mình. Khi đưa mắt nhìn theo vạt áo dài của nàng đang kéo lê trên sỏi cát, Yuuzô chợt cảm thấy lòng buồn rười rượi.

Tấm kimono ấy, với lớp vải bên ngoài phồng lên tròn trịa, phần bằng lụa sẩm màu lật ra trọn vẹn, lại he hé cho thấy cả cái áo lót màu sáng bên trong. Vạt dưới của nó mượt mà chẳng khác nào làn da của một mỹ nhân. Như muốn cho thấy nét diễm tình và định mệnh cuộc đời một nàng kỹ nữ Nhật Bản, nó khoan thai kéo lê trên mặt đất để ban bố cái vẻ đẹp não nùng của mình và đã phô bày trước mắt Yuuzô một nỗi đau thương đượm màu nhục thể, tuy xa hoa nhưng tàn nhẫn.

Đối với Yuuzô, quang cảnh bên trong ngôi đền lúc ấy sao mà tĩnh lặng, nó giống như một bức bình phong mạ vàng.

Điệu vũ của nàng Shizuka Gozen [11] là một điệu vũ thời trung cổ, còn điệu vũ thưởng hoa thời Genroku là một điệu vũ cận đại. Thế nhưng, đôi mắt Yuuzô, một người vừa sống qua cảnh chiến bại mới đây, chẳng phân biệt được điệu vũ nào là của thời nào..

Ánh mắt đuổi theo điệu múa trên điện diễn vũ của anh cũng hướng về một chỗ, nơi có khuôn mặt của Fujiko.

Sau khi thốt lên một tiếng "Ôi chao!" vì kinh ngạc, ngược lại, Yuuzô đã thừ người trong một thoáng, Lòng anh bỗng dậy lên một tình cảm đề phòng như muốn nói: "Gặp lại con nhỏ này thì mệt lắm đây!". Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng anh vẫn biết rằng dù Fujiko còn sống, cô chẳng phải là một kẻ địch có thể làm gì để hãm hại anh đâu. Vì thế anh đã không lảng tránh đôi mắt của cô.

Ngay lúc nhìn thấy Fujiko, sự thương cảm đối với bộ trang phục cổ điển của nàng vũ công đã biến mất trong anh. Không phải vì sự hiện diện của Fujiko gây được ấn tượng mạnh mẽ đến mức đó. Chỉ vì hình ảnh ấy đã đập vào đôi mắt anh, một người đánh mất thần hồn vừa mới tìm lại trạng thái ý thức. Hai dòng sinh mệnh và thời gian đã hiện ra và tiếp nối với nhau trong tròng mắt anh đấy thôi. Thế rồi, trong một khe hở của trái tim mình, Yuuzô cảm thấy có một cái gì ấm áp dâng lên từ thân thể. Nó mang đến cho anh một tình cảm thân mật thật sống động lúc con người gặp lại được một bộ phận của chính mình.

Đôi mắt Fujiko đang mơ màng đuổi theo hình dáng nàng vũ công nên chẳng để ý đến sự có mặt của Yuuzô.Việc Yuuzô nhận ra Fujiko trong khi nàng không hề hay biết về sự có mặt của anh khiến cho anh cảm lấy lạ lẫm. Và anh còn lấy làm kỳ quái hơn nữa về quãng thời gian nàng không nhận ra anh dù cả hai đứng cách nhau chưa đầy hai mươi mét (10 ken).

Có lẽ thấy Fujiko vẫn đờ đẫn như người mất hồn, Yuuzô không cần suy nghĩ lâu la nữa, anh bật người đứng dậy và rời khỏi chỗ. (Đến nơi), anh chuẩn bị tư thế đánh thức con người đang bị thôi miên kia rồi bất chợt đưa tay đặt lên vai nàng:

-Này!

Mới đầu Fujiko nghiêng người tựa hồ muốn ngã nhưng sau đó cô đã lấy lại thăng bằng. Người cô run lên như bị điện giật và Yuuzô thấy cảm giác đó truyền sang cả cánh tay mình.

-Anh còn sống đây nè? Ôi chao, anh làm em giật bắn cả người. Khỏe chứ anh?

Fujiko đứng như trời trồng, thân thể cứng nhắc. Thế nhưng Yuuzô lại có cảm tưởng cô đang muốn ép người sát vào anh để được anh ôm lấy trong vòng tay.

-Anh ở đâu?

-Hả?

Yuuzô không hiểu là cô muốn hỏi anh nãy giờ đứng ở đâu để xem người ta múa hay muốn hỏi từ khi chia tay cô, anh đã sống nơi nào giữa thời buổi chiến tranh. Có khi anh chỉ nghe tiếng Fujiko mà không biết cô đang nói gì!

Bao nhiêu năm rồi Yuuzô mới nghe lại giọng của người con gái. Anh quên lửng là có một đám đông đang bao quanh hai người. Anh chỉ biết mình đang được gặp Fujiko, mặt đối mặt. Cái vẻ tươi tắn của Yuuzô khi anh tìm thấy Fujiko đã được nàng cảm nhận và nhân đôi trước khi gửi trả lại phía anh.

Nếu như Yuuzô kết nối lại với người đàn bà này, nhất định anh sẽ đối mặt một số vấn đề đạo đức và nhiều rắc rối trong cuộc sống thực tế của hai người. Duy đó là điều do anh muốn chứ nào có ai bắt buộc anh nắm lấy cơ hội này để nối lại mối duyên đã một lần lở dở! Dù mới đây, một thoáng nghi ngại còn lóe lên trong lòng khi nhìn lại khuôn mặt ấy nhưng anh đã tiếp nhận nàng và hành động như một người vừa nhẹ nhàng nhảy qua rảnh nước để bước vào cái thế giới hãy còn tươi mới của bờ bên kia. Đó là một hiện thực trong vắt, rõ ràng và đã cởi bỏ được mọi giây trói.Anh chưa từng trải nghiệm cái cảnh quá khứ bỗng đột ngột biến thành hiện thực như thế này. Dẫu có nằm mơ anh cũng không dám nghĩ rằng một lần nữa, làn da của anh và của Fujiko lại có thể đụng chạm để sống lại cùng một cảm giác như trước đây.

Fujiko không có vẻ muốn trách móc hay dày vò Yuuzô tị nào.

-Em thấy anh chẳng thay đổi gì cả! Hoàn toàn không.

-Làm gì mà được như vậy, em! Có thay đổi chứ

-Nói thật mà. Em không thấy anh thay đổi gì cả.

Thấy Fujiko có vẻ xúc động, Yuuzô mới hạ giọng:

-Thật hả em!

-Từ dạo đó...anh sống ra sao?

Yuuzô thở hắt:

-Thì đi đánh nhau chứ sao!.

-Đừng có xạo! Anh trông không có vẻ gì là người mới về từ chiến trường.

Những người đứng chung quanh nghe thế không thể nhịn cười. Fujiko chẳng ngượng ngùng gì, nàng bật cười theo đám đông. Mọi người không ai tỏ ra muốn quấy rầy Fujiko. Ngược lại, họ còn có vẻ ưu ái khi chứng kiến cảnh một đôi nam nữ bất ngờ tìm lại được nhau và Fujiko cũng để mình buông thả vào trong cái không khí vui vẻ ấm áp đó.

Bỗng nhiên Yuuzô thấy mình lúng túng. Một vài thay đổi nơi Fujiko mà anh vừa phát hiện bây giờ lại càng lộ rõ ra hơn nữa.Xưa kia mũm mĩm cơ mà, sao giờ cô nàng lại gầy nhom! Nhất là đôi mắt lá dăm như đang ánh lên một tia nhìn bất thường. Ngày xưa Fujiko tô đôi mày thưa và hung hung của cô bằng mực màu đen nhưng nay anh không còn thấy vệt đen đó nữa. Đôi má cũng mất cả màu hồng và các bắp thịt như chảy ra làm cho mặt cô trông bèn bẹt. Làn ra trắng chỗ từ phía cổ đi lên nay hơi xạm đen. Bên dưới khuôn mặt mộc, từ cần cổ đổ xuống hõm xương vai, bao nhiêu mệt mỏi dường đang đọng lại. Có lẽ vì lơ là không chịu thu vén mái tóc dày cho gọn nên cái đầu của nàng thấy bé lại dễ sợ. Chỉ có mỗi đôi mắt là còn ánh lên như muốn làm chứng cho niềm vui và cảm động vì được tái ngộ với người xưa.

Quan sát nàng, Yuuzô không còn để ý về khoảng cách tuổi tác giữa hai người như hồi đó, một điều có thể là duyên cớ khiến họ phải xa nhau. Yuuzô giờ đây đã an lòng, không để ý đến chi tiết bất tiện ấy nữa, anh chỉ ngạc nhiên khi thấy con tim mình vẫn còn rung động như hồi trai trẻ.

Một lần nữa, Fujiko lại lên tiếng:

-Anh có thay đổi gì đâu!

Yuuzô đi ra phía đằng sau đám đông. Fujiko vừa theo chân vừa ngắm nghía khuôn mặt anh:

-Còn chị nhà thì sao anh?

Yuuzô không trả lời.

-Chị ấy...có mạnh giỏi không?

-Ờ...

-May quá! Thế còn mấy cháu?

-Ờ. Anh cho tụi nó sơ tán hết.

-Vậy à? Ở đâu?

-Vùng thôn quê gần Kôfu.

-Còn nhà cửa của anh? Có giữ được không?

-Cháy tiêu rồi.

-Kinh khủng! Nhà em cũng vậy.

-Bây giờ ở đâu?

-Tất nhiên là Tôkyô.

-Cái gì? Em ở Tôkyô à?

-Chớ anh muốn em ở đâu bây giờ? Đàn bà con gái một thân một mình...Em không biết ở đâu, đi đâu...

Yuuzô rùng mình như ớn lạnh. Bất chợt, mặt đất chao đảo dưới chân anh.

-Em không đến nổi nghĩ là nếu muốn chết thì lên Tôkyô mà chết có lẽ sướng hơn đâu. Nhưng rõ ràng là trong thời chiến, mình thường có thái độ dửng dưng, cho rằng có làm gì hay sống ở đâu cũng chả sao. Em còn sức khỏe, đâu đã phải cứ buồn khổ hay than vãn cho cảnh ngộ của mình!

-Không về dưới quê à?

-Có phải muốn về là về được đâu, hở anh?

Nàng hỏi ngược lại Yuuzô vì biết rằng nhất định là anh cũng đang đối phó với những vấn đề tương tự. Thế nhưng câu nói của nàng có vẻ như nũng nịu chứ không hàm ý trách móc.

Yuuzô hơi khó chịu cho mình vì đã vô ý khơi lại vết thương cũ. Thế nhưng lúc đó Fujiko có lẽ còn chưa thoát khỏi sự tê liệt do ảnh hưởng cuộc chiến. Yuuzô e sợ cái phản ứng khi nàng hồi tỉnh từ trạng thái đó.

Yuuzô lại ngạc nhiên khi nhận ra mình cũng từng bị tê liệt.Trong thời chiến tranh, Yuuzô đã quên tất cả, từ đạo nghĩa đến trách nhiệm. mà đáng lý anh phải có đối với Fujiko.

Cái gì đã khiến anh rứt áo ra đi và thoát khỏi mối liên hệ bất hạnh này? Có thể đó là dòng thác lũ của bạo lực chiến tranh, nó đã cuốn phăng đi cái trách nhiệm đạo đức vốn chỉ hình thành từ một vài ràng buộc nhỏ nhoi giữa hai người nam nữ

Giờ đây, khi gặp lại Fujiko của ngày đó, Yuuzô sửng sốt tự hỏi làm thế nào nàng đã sống sót sau khi trải qua những cảnh ngộ khó khăn của thời chiến. Ngoài ra, có thể là trong thời gian đó, nàng đã có nhiều việc phải lo toan thay vì dành thời giờ mà nuôi mối hận lòng đối với anh.

Yuuzô cũng nhận ra rằng trên khuôn mặt của Fujiko không còn thấy đâu dấu vết của trạng thái tâm lý cuồng loạn thường có ngày xưa. Anh không dám nhìn thẳng vào mắt nàng nhưng anh nghĩ là nó đang dâm dấp ướt.

Yuuzô chen giữa đám trẻ con đang đứng đằng sau chỗ dành cho khách mời và bước về phía thang đá của chính điện. Leo được năm sáu bậc, anh đặt người ngồi xuống trong khi Fujiko vẫn đứng nguyên.

Ngoảnh đầu nhìn lên phía trên, nàng nói:

-Dạo sau này, không còn mấy ai đi lễ đền. Nhưng hôm nay, người ở đâu ra mà đông quá!

-Nhưng chẳng thấy ai đến ném đá cái đền có ông thần chiến tranh!

Trên quãng trường nằm dưới thang đá vây quanh điện diễn vũ, quần chúng đang lượn thành vòng tròn cho nên các lối đưa vào đền như bị nghẽn. Một cô kỹ nữ múa điệu vũ thời Genroku! Rồi đội quân nhạc của Mỹ lên sân khấu của đền thần Hachiman nữa chứ! Cảnh tượng hiếm có như vậy, cho đến hôm qua, nào có ai dám nghĩ tới.

Khách đến tham dự không có trang phục hay thái độ thích hợp với buổi lễ. Tuy nhiên, chỉ nhìn đoàn người nối dài liên tục trong khuôn viên của đền, từ bên dưới lùm cây tuyết tùng cho đến rặng anh đào đối diện với cổng chào Thần đạo (torii), kéo đến tận chỗ có mấy cây tùng cao, là đủ để cảm thấy bầu không khí của một ngày thu đẹp trời đang căng phồng lồng ngực của mình.

-May mắn quá! Thành phố Kamakura không bị thiêu rụi. Có đúng không? Cháy tiêu hay không cháy tiêu, nó khác nhau một trời một vực. Tất cả cây cối và cảnh vật, vẫn y nguyên sắc thái của Nhật Bản ngàn xưa. Riêng có áo xống mấy cô tiểu thư là làm em hơi choáng.

-Em nghĩ thế nào về mấy bộ kimono đó?

-Anh biết không, ăn mặc như thế, không thể lên xe điện được đâu. Em đã có lần ăn mặc như thế đi dạo phố đấy chứ!

Fujiko cúi nhìn Yuuzô và nói với anh như thế. Xong, cô ngồi xuống bên cạnh anh và nói tiếp:

-Hồi đó, nhìn kimono của mấy cô, em cảm thấy họ vui sống và thấy sao hay quá nhưng bây giờ, khi nhớ lại những gì đã xảy ra thì em lại thẩn thờ và thấy cuộc sống của mình thật là buồn khôn tả. Em không biết mình đã trở thành giống gì nữa.

-Ai cũng cảm thấy như em thôi.

Yuuzô nói mà như muốn tránh né câu chuyện.

Lúc đó, Fujiko mặc một bộ kimono kiểu kasuri màu xanh dương với quần mompe cũng màu xanh điểm chấm trắng như đồ cũ của đàn ông được sửa lại. Yuuzô nhớ lại mình đã từng mặc quần một thứ quần áo với mẫu hình như vậy.

-Chị nhà và mấy cháu ở dưới Kôfu hở anh? Thế thì trên Tôkyô anh chỉ một thân một mình à?

-Phải.

-Thật không? Anh không thấy bất tiện sao?

-Nếu có gì bất tiện thì cũng giống như "mọi người" (sekennami) thôi.

-Chắc em là một trong số "mọi người" ấy, phải không?

Không thấy Yuuzô trả lời.

-Thế chị nhà có khỏe như "mọi người" không anh?

-Chắc là khỏe thôi.

-Chị không thương tích chứ?

-Không.

-Thế thì may lắm! Phần em thì một hôm ... gặp lúc có báo động, em đã tự hỏi ngộ nhỡ có gì xảy ra cho chị ấy trong khi mình là người thoát nạn. Mọi sự đều tùy thuộc vào số mệnh thôi. Tất cả là số mệnh! Phải không?

Yuuzô rùng mình nhưng Fujiko lại giải thích cho anh nghe bằng một giọng trong thanh và nhỏ nhẻ: "Em thấy mình thật lòng lo lắng cho chị đó. Không hiểu tại sao trong khi mình đang đối đầu với bao nhiêu nguy hiểm mà em lại đi lo cho bà vợ của anh. Em thấy mình là một con ngốc nhưng điều đó không khiến cho em bớt lo lắng. Em tự nhủ: Khi chiến tranh chấm dứt, nếu có thể, mình sẽ đến gặp anh ấy chỉ để nói ra điều mình đang suy nghĩ trong đầu. Em không biết anh có tin lời em hay vẫn còn ngờ vực ...nhưng sự thực là vậy. Trong thời gian chiến tranh, em đã quên những lo lắng của riêng mình mà chỉ cầu nguyện cho người khác".

Lời nàng vừa thốt ra gợi cho Yuuzô nhớ lại những điều mà anh cũng có lần cảm thấy. Sự hy sinh bản thân đến cực độ hay thái độ chỉ nghĩ đến bản thân thôi nhiều khi trộn lẫn làm một, cũng như những gì xảy ra giữa những yếu tố như phản tỉnh và tự mãn, bác ái và vị kỷ, đạo nghĩa và gian ác, tê liệt và hưng phấn...chúng đã hòa trộn vào nhau một cách hỗn loạn và kỳ quái để rồi kết hợp trong con người anh cũng không chừng.

Biết đâu Fujiko chẳng vừa mong bà vợ của Yuuzô có một cái chết bất đắc kỳ tử nhưng mặt khác lại khấn khứa để tình địch được bình yên vô sự. Có thể nàng không ý thức về phân nửa độc ác nằm trong lòng mình và lại quá say sưa với phân nửa tốt lành trong bản tính. Nhưng dù sao đó chỉ là một kiểu sống hai mặt của con người để có thể vượt qua thời chiến loạn.

Cách ăn nói của Fujiko có vẻ chân thành. Phía đuôi của đôi mắt lá dăm, anh thấy nước mắt đang ứa ra.

-Tại em nghĩ chị nhà mới là người đáng để anh lo lắng chớ không phải em nên em mới thắc mắc về sự an nguy của chị ấy đó.

Thấy Fujiko cứ nói mãi về chuyện vợ mình, dĩ nhiên tâm trí Yuuzô cũng hướng về người đàn bà ấy. Tuy nhiên, anh cũng có lắm mối ngờ. Trong thời gian chiến tranh, không lúc nào anh xao lãng việc liên lạc với gia đình. Có thể nói là anh thương vợ thương con đến độ có thể quên cả Fujiko. Người vợ là phân nửa quan trọng của cuộc đời anh.

Thế nhưng khi Yuuzô nhìn thấy Fujiko, anh lại có cảm tưởng như đang gặp chính mình. Để có thể nhớ lại hình ảnh của người vợ, anh cần làm một cố gắng như thể băng ngang qua một khung thời gian giờ đã nhòa nhạt.Yuuzô nhìn thấy lòng mình mệt mỏi.Anh coi mình như một con thú đực đang đi lang thang và dắt theo con cái bên người.

-Mới vừa gặp lại anh thành thử em đâm bối rối, không biết trước tiên phải nhờ anh giúp cho chuyện gì đây?

Cách ăn nói của Fujiko giống như một người đang bám theo chân và muốn quấn lấy anh.

-Này, nghe em nói đây. Không nghe là em giận đó nghe.

....................................

-Này, anh nuôi em nhé!

-Hả? Nuôi?

-Nuôi vài bữa thôi cũng được. Em dễ lắm, không gây rắc rối cho anh đâu.

Yuuzô chợt làm mặt khó chịu, đưa mắt nhìn Fujiko:

-Bây giờ, em đang sống bằng cách nào?

-Thì cũng có miếng ăn. Nhưng em không muốn sống cứ như thế nữa. Em muốn làm lại cuộc đời. Em muốn đi chung đường với anh.

-Không phải cùng nhau tiến bước mà là muốn quay về chớ gì?

-Không quay về đâu anh. Em chỉ muốn có người thêm sức để mình có thể tiến lên. Thế nào em cũng phải tiến lên dù chỉ một mình. Cứ thế này thì hỏng mất, anh ạ. Này, cho em bám vào anh một ít lâu thôi.

Yuuzô không biết trong lời Fujiko nói có bao nhiều phần thật lòng. Có thể cô đang khôn khéo giăng cho anh cái bẩy. Hay đó là một lời kêu gọi lòng thương xót của anh. Thế nhưng người đàn bà bị ruồng rẫy trong chiến tranh như cô có thể nào tìm từ nơi anh nghị lực để vượt qua thời hậu chiến bằng cách sửa soạn cho một cuộc sống mới bên cạnh anh không?

Phải nói là về phía Yuuzô, cuộc tái ngộ với quá khứ này đã giúp anh tìm lại được hương vị của cuộc sống nhưng không hiểu Fujiko có khám phá ra điểm yếu này của anh không? Nếu có thì lời kêu xin của cô chỉ bằng thừa vì trong đáy lòng mình, Yuuzô đã sẵn sàng để cho cô níu kéo. Thế nhưng lòng anh bỗng chùng xuống khi nghĩ rằng mình phải bỏ lại sau lưng những ngày tháng bê tha, phóng đãng để tìm về một cuộc sống tươm tất hơn nên mặt cứ cúi gầm.

Tiếng vỗ tay của đám đông nổ ra khi ban quân nhạc của đội quân chiếm đóng bước lên sân khấu. Đầu đội mũ sắt, họ đi đứng thoải mái, không thành hàng. Khoảng hai mươi người tất cả.

Ngay lúc những cây kèn vừa đồng loạt phát ra âm thanh đầu tiên, Yuuzô đã thót cả người. Anh bừng tỉnh. Đám mây u ám trong đầu anh như bị quét sạch. Âm thanh trẻ trung và sắc cạnh từ mấy nhạc khí giống những ngọn roi quất mạnh vào thân thể. Đám người đứng quanh cũng trở nên linh hoạt.

Yuuzô lấy làm lạ cho nước Mỹ. Dân xứ ấy coi bộ tươi vui thật!

Được cảm giác mới mẻ đó kích thích mãnh liệt, Yuuzô bỗng tìm lại sự tự tin đầy nam tính của mình. Nó đã làm cho mối quan hệ giữa anh và Fujiko trở nên giản dị.

***

Lúc hai người qua khỏi Yokohama, cảnh sắc bên đường đã mờ nhạt. Hình ảnh của chúng như bị hút xuống mặt đất và ánh hoàng hôn cũng chìm theo.

Rốt cuộc, họ không còn cảm thấy cái mùi hôi khét bám trên mũi từ nảy giờ. Những vết tích hoang tàn, tưởng chừng từ nơi đó bụi bặm sẽ bốc lên không biết cho đến tận bao giờ, đang nhòa đi trong bầu không khí của mùa thu.

Nhìn vào đôi lông mày thưa màu hung hung của Fujiko và những sợi tóc mong manh của nàng, Yuuzô nghĩ về mùa đông lạnh lẽo sắp đến gần và lo lắng. Anh không khỏi nở một nụ cười ngao ngán khi nghĩ đến việc ngay giữa một năm hạn (yakudoshi) khó khăn, mình còn gánh thêm trên vai cái của nợ là cô gái này. Lòng anh dậy lên một niềm cảm khái lạ lùng khi thấy trên mảnh đất cháy xém, bốn mùa vẫn tiếp tục chu kỳ của chúng như muốn khuyến khích anh cứ phó mặc mọi sự trôi theo dòng đời.

Đáng lẽ Yuuzô phải xuống Shinagawa như định trước nhưng anh đã để chuyến tàu vượt khỏi ga đó.

Anh đã qua tuổi "tứ thập" được một năm rồi và cảm thấy những lao khổ và buồn phiền của kiếp người sẽ biến mất vào trong dòng thời gian ở một lúc nào đó. Anh từng nhiều lần chứng kiến những trở ngại hay khổ muộn tự nó được giải quyết bởi thời gian. Kêu gào lên, lo lắng đến điên cuồng hay im lặng ngồi đó bó tay, cũng sẽ đưa đến kết quả giống nhau thôi.

Ngay cả cuộc chiến tranh kia cũng chẳng đã kết thúc là gì? Mà lại nhanh hơn dự tưởng nữa chứ! Không, người như Yuuzô có lẽ không có một thước đo nào để phán đoán rằng 4 năm trời ấy (1942-45) là quá ngắn hay quá dài, nhất là khi nói về một cuộc chiến tranh.Nhưng dù sao, nó đã chấm dứt.

Lần này, khi gặp lại nhau, anh đã manh nha ý định là sau một thời gian, anh sẽ bỏ mặc nàng. Anh chẳng đã làm một lần như vậy trong chiến tranh là gì? Thế nhưng hồi đó, giữa hai bên có một cuộc xung đột và giống như một cơn bão lốc, nó đã quét bay mối liên hệ giữa hai người. Anh có lần đã cảm thấy thích thú khi thấy mình đã thanh toán được một sự ràng buộc. Bây giờ thì cùng với sự thích thú đó, anh còn thấy mình là người giảo hoạt và tính toán,

Tuy vậy, thái độ tính toán xem ra còn lương thiện hơn sự thích thú mà anh cảm thấy khi cắt đứt mối tình. Vì vậy, giờ đây Yuuzô vẫn lưỡng lự, không quyết đoán.

Fujiko nhắc anh:

-Shimbashi rồi đó nghe!.

-Ờ, phải.

Có lẽ vì lúc đó, Fujiko nhớ lại rằng, ngày xưa, từ ga này, hai người có thói quen dắt nhau ra khu Ginza.

Mấy lúc sau này, Yuuzô không dạo chơi Ginza. Từ Shinagawa, anh thường đi thẳng đến ga Tôkyô để làm việc.

Yuuzô hỏi lửng lơ:

-Em xuống đâu?

-Đâu...là đâu? Em tới chỗ anh mà! Tại sao còn hỏi?

Gương mặt nàng thoáng lộ nét lo âu.

-Không phải! Chỗ em đang ở kìa!

-Nơi đó có ra gì. Đâu đáng gọi là chỗ ở...

-Đằng này cũng thế thôi.

-Chỗ nào anh đưa em tới là nhà em đó.

-Vậy chớ cho đến nay em ăn uống ở đâu?

-Chẳng có được bữa cơm nào cho ra hồn hết!

-Muốn biết em nhận phần cơm phát chẩn ở đâu kìa?

Nhìn thấy Yuuzô hỏi mà như có sắc giận, Fujiko im lặng không trả lời.

Yuuzô nghi là cô không muốn tiết lộ nơi đang ở.

Yuuzô chợt nhớ là khi nãy khi xe đi ngang qua Shinagawa, nàng cũng giữ im lặng nên mới nói:

-Em coi, anh ở đậu nhà một đứa bạn.

-Ở chung à?

-Thì ở đậu một người đang chia chỗ với người khác. Đứa bạn mượn được một gian 6 chiếu tatami. Nó cho anh ở ké.

-Thêm một người nữa là em có được không. Ba người ở chung cũng được chớ sao!

Fujiko lộ rõ ý định là nàng vẫn muốn bám theo anh.

Trên sân ra Tôkyô, năm sáu cô khán hộ đang đứng cho hành lý lên xe. Yuuzô nhìn trước nhìn sau nhưng không có bóng một anh lính giải ngũ nào.

Yuuzô thường lấy tuyến đường Yokosuka để qua lại giữa Shinagawa và nơi đây nên vẫn thường thấy đám lính phục viên trên sân ga. Có nhóm cùng xuống xe một lượt với anh, có nhóm tới nơi trước và đang đứng thành hàng.

Có thể nói trong lịch sử chưa có một cuộc chiến tranh nào mà sau khi bại trận và đầu hàng, trên đường rút lui, không ai đếm xỉa gì đến đám binh lính bị bỏ tại ở những vùng xa xôi, với một con số đông đảo như thế.

Những người lính phục viên từ các đảo miền Nam đã về đến ga Tôkyô trong cái dáng bạc nhược của kẻ thiếu dinh dưỡng và như sắp chết đói đến nơi. .

Mỗi khi có dịp nhìn đoàn người như vậy, Yuuzô cảm thấy đau đớn đến nghẹn lời nhưng đồng thời, nó cũng cho anh cơ hội phản tỉnh để hối hận một cách chân thành và cảm thấy lòng mình được nhẹ nhỏm. Nghĩ đi nghĩ lại, khi gặp đồng bào cùng chia sẻ số phận của một dân tộc bại trận, hỏi có cách nào hay hơn là cúi đầu xuống. So với những người hàng xóm của anh trên đường phố hay trên những chuyến xe điện ở Tôkyô thì những người từ chiến trường trở về quê hương còn trong trắng hơn và điều đó đã khiến cho lòng anh dậy lên một niềm thương cảm.

Mà thực vậy, khuôn mặt của những người lính phục viên này có một vẻ gì thanh thoát nhưng có thể đó chỉ là dấu hiệu của con bệnh đã sống với bệnh hoạn trong một thời gian dài. Mệt mỏi, đói khát, khủng hoảng tinh thần...đã làm cho họ ở trong một trạng thái suy nhược, phờ phạc.Khuôn mặt xám màu đất với đôi má hóp, hai hố mắt trũng đã lạc thần, như thể hồn phách họ đã tiêu tán mất. Nhưng Yuuzô không chỉ nhìn thấy có bao nhiêu đó. Cái dáng dấp mệt mỏi thấy nơi một người Nhật chiến bại không giống như những gì người ngoại quốc có thể nghĩ về nó. Nơi những người lính phục viên này, vẫn có thể có những trào cảm xúc và đam mê mãnh liệt bên trong. Thế nhưng khi phải ăn những món người thường không bao giờ ăn, làm những việc người thường không thể làm, chịu đựng mọi thử thách để trở về đất nước mình thì trong huyết quản của họ, phải có những giọt máu trong sạch nào đó đang chảy chứ.

Mấy nữ khán hộ tụ tập quanh một chiếc băng ca. Lại có một thương binh được đặt nằm trên mặt kè ga bằng bê tông cốt sắt. Khi tìm cách đi ngang, nếu Yuuzô không tránh kịp thời, có lẽ chân anh đã dẫm phải đầu người nằm đó. Ánh mắt của người bệnh trong suốt. Anh nhìn những người lính chiếm đóng đang leo lên hay xuống xe nhưng không biểu lộ một vẻ hiềm khích nào.

Có lúc Yuuzô ngỡ rằng có giọng thì thầm của ai đó vọng vào tai mình mấy chữ "very pure" nhưng sau anh mới nghĩ đó chỉ là mấy âm "very poor" mà mình đã nghe nhầm.

Cảnh các cô khán hộ của Hội Hồng Thập Tự tháp tùng lính phục viên bây giờ - đối với Yuuzô – có cái gì đẹp đẽ hơn cảnh tượng y như thế nhưng xảy ra vào giữa thời chiến. Có phải vì anh so sánh nó với bối cảnh (cờ xí) chung quanh?

Khi Yuuzô theo mấy bậc thang đi xuống khỏi kè ga, tự nhiên hai chân đưa anh về phía cửa Yaesu (cửa Nam của nhà ga). Trên đường hầm xuyên qua ga, anh bất chợt nhận ra có một đám người Triều Tiên đang "cắm trại" nên mới bảo:

-Thôi, mình ra lối trước. Quên khuấy mất. Tại quen thói nên lúc nào cũng đi bằng ngỏ sau

Nói xong, anh bèn quày đầu lại.

Người Triều Tiên tụ tập ở đây để đợi tàu đưa về nước là cảnh Yuuzô đôi lần vẫn thấy. Có lẽ là lên kè ga mà đứng thì phải đợi lâu la, nên họ đã lấy cầu thang xuống đợi ở dưới này. Họ tựa vào đống hành lý rồi trải mấy tấm nệm con (zabuton) ố bẩn rồi ngồi đầy cả lối đi. Họ còn lấy giây cột cả nồi niêu soong chảo vào đống rương hòm đó nữa và hình như còn có ý định ở lại qua đêm. Phần nhiều họ đi với cả bầu đoàn thê tử. Khó lòng phân biệt trẻ con của họ với trẻ con Nhật.Trong đám họ, chắc cũng có những phụ nữ Nhật lấy chồng nước đó. Có khi còn thấy những bộ áo quốc phục Triều Tiên mới màu trắng và những cái áo khoác màu hồng.

Đó là những người đang tìm về tổ quốc vừa mới độc lập [12].Trong đám ấy, không ít người có vẻ là người đi tị nạn hay nạn nhân của cuộc chiến.

Từ đó để ra cửa Yaesu, hai người còn gặp phải những người Nhật đang sắp hàng mua vé. Những đêm về khuya đi ngang qua đây, anh đã gặp hàng người làm đuôi suốt đêm chờ đến giờ các quầy bán vé mở cửa để mua vé cho những chuyến đi dự định vào hôm sau. Kẻ ngồi xếp bằng, người ngủ gà ngủ gật tại chỗ, những ai đến trễ phải tựa vào thành lan can cầu. Dưới chân cầu rải rác mấy đống phân người theo một dọc dài. Có lẽ hàng người làm đuôi phải ngủ tại chỗ để chờ đã phóng uế ra cả đấy. Những ngày đi ngang qua đây, đôi khi Yuuzô thấy cảnh tượng ấy nhưng hễ trời mưa là anh cố tránh và dùng con đường dành cho xe điện đường mà đi.

Cảnh tượng hằng ngày ấy lại trở về trong trí Yuuzô nên anh bèn thoát ra ngoài bằng cửa trước [13]. Vòm lá rặng cây trên quãng trường reo xào xạc. Ánh trời chiều nhàn nhạt đang nằm vắt ngang bin-đinh Marunouchi.

Khi sắp dến trước bin-đinh, Yuuzô thấy có một cô gái khoảng 16, 17 tuổi, người bẩn thỉu , một tay cầm lọ hồ dùng để dán (nori) dài ngoẳng, tay kia nắm một cây bút chì ngắn và đứng đó. Trên người cô là tấm áo khoác ngắn vàng cam cũ kỹ với hai ống tay áo màu xám tro, chân mang đôi guốc gỗ đàn ông kiểu xưa to đùng, dáng dấp nửa giống như người vô gia cư, nửa giống kẻ ăn mày. Khi có mấy người lính Mỹ đi qua, cô ta bèn chạy đến gọi họ và làm cử chỉ như định níu áo. Thế nhưng không một ai chú ý đến sự hiện diện của cô. Những người lính bị cô chạm vào quần chỉ cúi xuống ném cho cô gái nhỏ đáng ngờ ấy một ánh mắt khinh miệt. Họ tiếp tục bước, không nói một tiếng và cũng chẳng quan tâm tới cô.

Yuuzô lo lắng không biết thứ hồ loãng để dán ấy có vấy bẩn quần áo của mấy người lính ngoại quốc không.

Cô con gái đi xa dần, vừa nghiêng một bên vai đang bị giật lên giật xuống, vừa lê bước như thể đôi guốc gỗ to kềnh của cô đã tuột khỏi chân. Một mình một bóng, cô băng qua quãng trường trong màu chiều đang sập tối để tiến về phía nhà ga và mất dạng sau đó.

Fujiko quay đầu lại để nhìn theo bóng cô. Nàng nói:

-Kinh quá, anh nhỉ?

-Con khùng. Thế mà cứ tưởng là người ăn xin.

-Độ rày, mỗi lần thấy những người như vậy, em cứ nghĩ là mình bây giờ cũng đâu có khác gì. Sợ thật! ...Thôi, giờ gặp được anh rồi, em chẳng còn phải lo như trước. May là em chưa chết, còn sống thì mới có thể gặp lại anh chứ!

-Ừ, phải suy nghĩ kiểu đó mới được. Hồi năm có trận động đất lớn, anh cũng bị mắc kẹt dưới một ngôi nhà bị sập ở Kanda. Cột nhà đổ đè lên người, tưởng chết lúc đó rồi.

-Ờ, em nhớ chứ! Trên hông bên trái anh còn để lại một vết sẹo mà! Em có lần hỏi anh về nó đó.

-À....Hồi đó, anh còn học trung học thôi. Dĩ nhiên khi ấy thì đối với thế giới, Nhật Bản chưa phải là một tội phạm chiến tranh như bây giờ. Động đất có phá hoại nhưng chỉ là thiên tai ...

-Không biết năm có động đất lớn, em đã sinh ra chưa nhỉ?

-Sinh ra rồi chớ!

-Em ở dưới nhà quê nên có hay biết gì đâu! Nếu em có mang một đứa con trong bụng thì chỉ muốn đẻ nó ra khi đất nước mình kha khá một chút.

-Cái gì...? Đúng như hồi nãy em chẳng nói là gì! Chỉ trong khói lửa con người mới trở nên mạnh mẽ. Cuộc chiến tranh vừa rồi, anh không thấy nguy hiểm bằng hồi động đất xảy ra. Thiên tai đến trong chớp mắt mới là cái đáng sợ nhất. Không thấy bọn trẻ con lúc này, chúng chả sợ gì cả sao? Hình như ngay từ lúc mới sinh chúng đã không biết lo lắng.

Fujiko ghé sát bên Yuuzô và cọ người vào anh:

-Thật sao? ...Còn em thì từ lúc chia tay với anh, em có đôi lúc nghĩ rằng nếu anh có phải ra chiến trường thì, trước đó, em sẽ sinh cho anh một đứa con. Vì vậy, sống đến giờ và được gặp lại anh...thì chuyện đó lúc nào anh muốn cũng được hết.

-Như vậy nó thành con tư sinh mất. Từ rày về sau pháp luật đâu cho phép như vậy nữa.

-Hả...?

Yuuzô nhíu mày. Anh vừa bước lố một bậc thang và cảm thấy mình hơi chóng mặt.

Có lẽ Fujiko vừa nói với anh những điều thành thật. Thế nhưng từ lúc gặp nhau ở Kamakura, cả hai người đều trao đổi với nhau bằng lời lẽ xẳng xớm, khô khan và hàm chứa ẩn ý. Khi nhận ra điều đó, Yuuzô không khỏi ngại ngùng.

Như đã có ý nghi ngờ từ nãy, Yuuzô những muốn tìm hiểu xem những khẳng định chắc nịch của Fujiko có che đậy ý tưởng vụ lợi nào chăng? Nhưng ấn tượng nàng để lại cho anh là nàng đã ngã vào anh không tính toán chẳng khác nào một kẻ vừa tỉnh dậy sau cơn mê và còn đang hoang mang.

Đôi với Yuuzô, việc tái ngộ với Fujiko cũng như gặp lại chính con người của mình đã làm anh cảm thấy điểm tựa để phán đoán của mình như bị lung lay và anh không biết cách nào giữ cho nó được ổn định. Từ khi gặp lại nàng, anh đã có những tính toán thực tế khi đối đầu với nỗi lo lắng phải nối lại mối duyên lỡ làng này nhưng rốt cuộc, những tính toán thực tế đó dần dần đã bị mất thế đứng.

Chia tay với vợ con được gửi đi sơ tán và lạc lõng giữa một đô thị mà mọi trật tự đều bị băng hoại, anh hoàn toàn tự do, không ai câu thúc, nên đã dễ dàng kết nối lại với Fujiko. Tuy nhiên mặt khác, anh cũng cảm thấy có một ma lực mình không thể cưỡng nổi, giống như sự ràng buộc của bản năng, đã kéo anh lại bên nàng.

Anh đã thoát ra khỏi một thời đại mà anh đã say sưa đến nỗi cống hiến cả bản thân và thực tế cuộc sống cho chiến tranh. Thế nhưng, từ giây phút bắt gặp Fujiko ở đền Hachiman, lúc mà anh kinh ngạc như được tái ngộ với chính mình, rồi kéo nàng cùng đi, anh có cảm tưởng đã đeo thêm vào người một nỗi thống khổ bị ố nhiễm bởi một chất độc không rõ nguồn gốc.

Tuy là thế nhưng ngược lại, cái duyên số xui khiến anh tái ngộ với người tình trước thời chiến tranh cũng như hình phạt của nó đang bắt anh gánh vác quá khứ trên lưng một lần nữa lại cũng là nguyên nhân để anh động lòng xót thương cảnh ngộ của Fujiko.

Khi đến chỗ lằn đường có xe điện đi ngang, anh ngập ngừng, không biết mình nên rẽ về hướng Hibiya hay Ginza. Thấy công viên (Hibiya) hiện ra trong tầm mắt, anh đã đi đến cổng vào nhưng có lẽ ngạc nhiên trước những đổi thay của nó, anh bèn quay lui. Khi hai người đến Ginza thì trời vừa tối.

Nhân vì Fujiko không cho anh biết địa chỉ, Yuuzô không thể ngỏ lời muốn đưa cô về nhà. Biết đâu nơi đó, cô đang sống với ai đó. Có lẽ Fujiko cũng ngần ngại nên cứ kiên nhẫn bước theo Yuuzô, tỏ ra không muốn thôi thúc anh cho biết địa điểm họ sẽ tới. Cô cũng không bày tỏ nỗi sợ hãi khi đi trên con đường vắng người, tối tăm và bị bom đạn thiếu rụi. Còn Yuuzô thì có vẻ bực bội.

Nghe nói ở Tsukiji [14] hãy còn sót lại một số ngôi nhà có thể ở được nhưng Yuuzô không rõ về khu phố đó. Anh đi đại về phía Rạp hát Kabuki (Kabukiza).

Đến một ngã rẽ về phía cái xóm bên hông (yokochô), Yuuzô bất chợt lủi vào đó mà không báo trước gì cả. Fujiko phải tất tả chạy theo anh để bắt kịp.

-Đứng đó. Đợi giùm một chút đi.

-Không. Em sợ.

Yuuzô thiếu điều đưa cùi chõ hất tay Fujiko khi nàng đến đứng sát bên anh.

Đường đi lổn nhổn những thứ giống như gạch hay ngói nên khó đặt bàn chân. Có bức tường hiện ra trước mắt Yuuzô, nhưng khi nhìn kỹ, anh mới chợt nhận ra nó chỉ còn trơ mỗi một mình, bởi vì chung quanh, nhà cửa đều đã bị cháy và đổ sập.

Yuuzô đứng lặng người. Anh thấy những cái khấc lồi lõm trên mỏm bức tường giống như nanh ác quỉ hiện ra trong bóng đêm, đang cùng với mùi cháy khét muốn hút anh vào. Còn khoảng không gian đen kịt bên trên dường như đang muốn xô ngã bức tường lên người anh.

-Em...Có lần em đã định bỏ thành phố để về dưới nhà quê đấy chứ! Buổi chiều đó, em đã ra ga Ueno [15] làm đuôi như người ta...Lúc đưa ra bàn tay ra sau lưng mới thấy..., eo ôi, nó ướt cả..

Lấy lại hơi thở hổn hển vì đứt quãng, Fujiko nói tiếp:

-Cái người đứng đằng sau làm bẩn hết áo em đấy anh!

-Hưừm.! Chắc hai người đứng quá sát vào nhau chứ gì!

-Đâu, không có! .Không phải vậy đâu anh! Em hãi quá, bỏ đi không sắp hàng nữa. Đàn ông lại có những kẻ kỳ cục như hắn. Trong những giờ phút như thế này mà lại..Chao ơi, em sợ quá thể!

-Thằng đó bệnh hoạn chắc.

-Người tản cư vì chiến tranh đó anh. Hắn có giấy chứng minh là nhà bị cháy để được rời thành phố.

Yuuzô quay người lại, định đi tiếp như Fujiko cứ ngồi đó, coi bộ nàng chưa sẵn sàng. Nàng còn tiếp tục kể:

-Lúc đó, người ta làm đuôi ra đến tận ngoài ga, gần một con đường tối thui...

-Thôi, mình đi hè!

-Vâng. Nhưng người em rời rã rồi, anh ơi. Nếu mình tiếp tục đi kiểu này, chắc em chui xuống đất đen mất. Em đi từ sáng kia mà...

Hình như Fujiko đang sụp mi mắt. Yuuzô đứng nguyên một chỗ và nhìn xuống cô. Có lẽ cả buổi trưa Fujiko chưa có miếng cơm nào vào bụng. Yuuzô thấy mình hơi ác. Anh bảo:

-Đằng kia hãy có một ngôi nhà còn đứng vững kìa!

-Đâu anh? ...Thật sao?

-Dám có ai trong đó lắmi!

-Ấy chết! Sợ quá. Anh làm em sợ!

Fujiko thốt lên câu đó đã đưa tay túm lấy tay Yuuzô để đứng thẳng dậy.

-Em không thích mà! Đừng có dọa em.

-Không sao đâu...Hồi trận động đất lớn, anh từng thấy người ta hẹn hò chim chuột với nhau trong mấy căn nhà cất tạm (barrack) như thế.Nhưng lần này sao hơi vắng vẻ há!

-Phải rồi.

Rốt cuộc không có chuyện Yuuzô bỏ rơi Fujiko. Đối với anh, nàng giống một cái gì ấm áp và mềm mại như tình thân ái có thể giúp cho anh có một dịp nghỉ ngơi đơn thuần và khiến cho anh lòng anh được bình yên, cộng với sự tê liệt của một kẻ đang thừ người trước một cái gì thần bí. Không phải là cái cuồng nhiệt bùng nổ sau một thời gian dài vắng hơi đàn bà nhưng là một tái khám phá dịu dàng về người con gái bởi một bệnh nhân vừa được hồi phục. .

Bờ vai Fujiko mà tay anh đang chạm tới chỉ gầy guộc xương xẩu và lồng ngực nàng tựa vào người anh chỉ có sức nặng của một sự mệt mỏi đọng lại tự lâu ngày nhưng Yuuzô bây giờ mới cảm thấy mình vừa tái ngộ với một người khác phái.

Từ trên đống gạch vụn ngói vụn, Yuuzô đi về phía căn nhà cất tạm.

Hình như căn nhà ấy chưa có cửa chính, cửa sổ cũng như mặt sàn.Khi tiến gần đến bên cạnh, anh nghe tiếng vỡ nhẹ của một tấm ván mỏng mình vừa dẫm lên.

Tuần báo Sekai (Thế Giới) số tháng 2/ 1946
 

Dịch giữa tháng 3/2021
Thư mục tham khảo:

-Kawabata Yasunari, Saikai (Tái ngộ) trong Tuyển tập Hatsukoi Shôsetsushu (Tập truyện Tình đầu) do Shinchô Bunko, Tôkyô xuất bản, 2017.

-Kawabata Yasunari, Saikai (Retrouvailles) do Sylvie Regnault- Gatier và Hisamatsu Hiashi dịch sang Pháp văn, trong Tuyển tập "Kawabata, Romans et Nouvelles", La Pochothèque, Livres de Poche, Paris, xuất bản, 1997.
 
 
 
 
 
 

[1] - Một cuộc lễ về thơ văn hội họa

[2] - Đền Thần đạo quan trọng của Mạc phủ Kamakura thờ thần Hachiman,kẻ bảo hộ chính quyền vũ gia.

[3] - Shôgun đời thứ 3 của Mạc phủ Kamakura, cũng là một thi nhân kiệt xuất.

[4] - Loại áo lễ phục của các cô gái chưa chồng.

[5] - Quân Đồng Minh, chủ yếu là Mỹ, chiếm đóng Nhật Bản từ 1945 đến 1952.

[6] - Điệu múa mới được đặt ra năm 1940 diễn trong các đền Thần Đạo để vinh danh hoàng thất.

[7] - Múa sư tử, giống như múa lân.

[8] - Điện múa theo kiểu bà Shizuka Gozen, một con hát ăn mặc theo kiểu nam trang nổi tiếng.

[9] - Điệu múa thưởng hoa dưới niên hiệu Genroku (một giai đoạn thanh bình và văn hóa phát triển mạnh của thời Edo)

[10] - Genroku (niên hiệu Nguyên Lộc: 1688-1704), một thời kỳ văn hóa rực rỡ.

[11] - Con hát ăn mặc dạng nam trang nổi tiếng tài sắc vẹn toàn. Là người yêu của đại tướng Minamoto no Yoshitsune (1159-1189), đã cùng ông chia sẻ nỗi bất hạnh trên đường bôn tẩu. Sau còn bị bắt buộc múa cho Shôgun Yoritomo, kẻ thù và cũng là anh chồng xem.

[12] - Triều Tiên bị sáp nhậpvào lãnh thổ Nhật Bản từ 1910 đến 1945. Sau khi Nhật bại trận, Triều Tiên trở thành quốc gia độc lập, người Triều Tiên hoặc đồng tình hoặc bị cưỡng bách lao động phải sang Nhật nay được tự do về nước. Có lẽ họ chỉ đi một đoạn bằng xe lửa để ra hải cảng (Yokohama, Niigata, Kobe vv…) và lấy tàu thủy đi tiếp.

[13] - Có lẽ tác giả muốn ám chỉ của Bắc (Marunouchi) nhìn về hướng Hoàng cung.

[14] - Khu vực chợ cá bán sỉ nổi tiếng bên vịnh Tôkyô, nằm không xa Ginza.

[15] - Một trong những nhà ga lớn ở Tôkyô có tuyến xe đi về vùng Tôhoku (Đông Bắc).

***