Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Ngày cuối năm 
(Toshi no kure, 1940) 

Nguyên tác: Kawabata Yasunari 
Dịch: Nguyễn Nam Trân 


Ngày cuối năm (ảnh minh họa)

.. Một

Naki tomo no / tsuma izuko naran / toshi no kure
(Người bạn đã mất / vợ anh phương nào? / một ngày cuối năm)

Kashima Senta thì thầm một câu gì giống như bài thơ Haiku nhưng không phải vì mình muốn làm thơ.

Tự nhiên ông buột miệng thốt ra điều mình đang nghĩ trong đầu. Có thế thôi.

Senta không mấy khi đọc Haiku người khác làm. Tự mình viết ra thì lại càng hiếm. Do đó, ông cũng không thể biết là câu ông vừa thốt ra là một bài Haiku hay không nữa.

Ông lúng túng không biết phải chọn chữ nào giữa izuko, izuku và izuchi [1]. Một phần vì chữ đầu tiên đến trong đầu ông là izuko, phần khác vì ông nghĩ izuko có vẻ là tiếng Nhật hiện đại nếu đem so với hai từ izuku và izuchi và ít "kêu to" hơn chúng.

Senta chép câu ấy lên một tờ bìa cứng (shikishi) [2] và bên cạnh chữ izuko lại viết cả izuku và izuchi theo hàng ngang để so sánh:

Ông đưa cho Taiko, con gái mình xem và hỏi:

-Sao, dùng chữ nào thì hay?.

Taiko nhận tấm bìa cứng từ tay cha, ngắm khuôn mặt của ông một chút rồi mới đưa mắt ngó xuống nó và đọc nho nhỏ:

-Naki tomo no / tsuma izuko naran / toshi no kure....izuko na ran ....izuko na ran ...

-Con đọc thêm lần nữa cho bố nghe thử?

-Một lần nữa hở bố? ...Naki tomo no / tsuma izuko naran / toshi no kure ....Naki tomo no / tsuma izuko na ran / toshi no kure...Naki to mo no / tsuma izuko na ran / toshi no kure...

Senta nhắm nghiền đôi mắt và nghe. Cứ giữ tư thế như vậy, ông im lặng trong một đỗi.

Xong, ông nói với Taiko như thúc giục:

-Chữ nào dùng thì đạt con, nhỉ? Sao?

Tuy nhiên trong lòng Senta lúc ấy thì ba chữ đó, ông cho là dùng chữ nào cũng xong thôi. Từ đầu, Haiku đối với ông chưa bao giờ là một điều đáng bận tâm. Ông chỉ muốn đưa đẩy câu chuyện để nghe tiếng nói của con gái.

Cách đây vào một tuần, Taiko từ bên chồng trở về, Senta nghe được giọng nói của con và đã bật ra một tiếng A...a...khi ông chợt nghĩ ra một điều và điều đó có hơi khó giải thích một chút.

Tiếng nói ông đã quen nghe cho đến 8, 9 tháng trước, cái tiếng nói không thể nào thiếu trong nhà, tiếng nói của đứa con gái ấy, lâu ngày ông mới được nghe lại. Senta cảm thấy như có gì đánh thức mình. Đó không phải là tình thương mến khi gặp lại kẻ có chung dòng máu, đúng hơn là tình cảm tự thương thân. Tình cảm này hàng ngày vẫn có trong lòng nhưng ông tạm cất dấu ở đâu đó và bây giờ nó mới nở bùng ra như thể đóa hoa. Nó đã đem đến cho ông một ngạc nhiên sung sướng.

Chính ra chẳng có gì đáng cho ông vui mừng đến vậy. Taiko đang muốn ly hôn nên đã về nhà bố mẹ đẻ đấy thôi.

Với tư cách một người cha, dĩ nhiên Senta cảm thấy khó xử.

Dù vậy, khi nghe được tiếng nói của con gái, ông có thốt lên một tiếng A, a...nhưng đó chỉ là một phản ứng sinh lý.

Thịt trên má Taiko đã chảy xuống, lòng trắng của đôi mắt thoáng một vẻ xanh xao. Mi mắt cứ run run, chớp lên chớp xuống.

Khuôn mặt tươi tắn trước khi về nhà chồng đến nay vẫn không có gì thay đổi nhưng khi cô phải gượng cười thì hàng răng trắng chiếu vào trong mắt người đối diện như có chứa một nỗi buồn thương. Do đó đôi khi Senta cố tránh để khỏi phải nhìn mặt cô.

Tuy vậy, giọng nói của Taiko lúc nào cũng đem đến cho ông một niềm vui. Có lúc ông dặn lòng đừng để ý làm chi chuyện đó để tìm thấy niềm vui của một kẻ đang bị thiếu thốn mà được thỏa mãn.

Đây không phải là lần đầu Senta cảm thấy điều đó trong tiếng nói của con gái ông. Từ hồi Taiko đi lấy chồng, ông đã có dịp nhận ra khi nói chuyện với cô qua điện thoại công cộng [3].

Nghe tiếng của con trong điện thoại, Senta thường nghĩ "Ôi chao!" và ông thường bắt từ chuyện này sang chuyện khác để có thể nói với con cho thật nhiều.

Taiko thường nói:

-Con chỉ đem theo có một đồng 50 Sen thôi đó nghe! Đã cắt máy được chưa?

-Sao không chuẩn bị đầy đủ gì hết vậy, cái con này. Phải đem theo ít nhất 2, 3 đồng giống như vậy chứ!

-Thôi, con biết rồi mà bố...

Điện thoại bị ngắt sau đó.

Senta nở một nụ cười trên môi.

Bất chợt, ông nhớ lại tiếng nói của vợ mình ngày còn trẻ.

Không hiểu sao vẻ mặt của ông chợt lộ vẻ đau khổ..

Đến tuổi này mà phải cậy vào giọng nói của đứa con gái, ông mới nhớ được vợ mình, thế thì có đoảng không! Thế nhưng chuyện không đơn giản như thế.

Thực ra thì Taiko rất giống mẹ, bà Tsunako. Giống cả đến giọng nói. Người ngoài bảo Senta là nếu sống với hai người đàn bà như vậy, chắc ông phải kiếm xem họ khác nhau ở chỗ nào thì ông đã thấy ngờ ngợ. Đến khi nhận xét ấy được họ lập đi lập lại nhiều lần, ông lại đâm ra khó chịu. Có lẽ vì tính ông vốn cả thẹn.

Riêng chuyện hai mẹ con có cùng một một giọng nói thì ông nhận thức được rõ ràng. So với tuổi tác, Tsunako có phần trẻ, đặc biệt là tiếng nói thì từ hồi bà qua tuổi 40, nó không già đi thêm. Điều này có hơi khác với luật thiên nhiên. Nếu nghe tiếng bà vọng ra từ bên kia cái vách ngăn (fusuma), cứ tưởng đó là chị hay em gì đó của Taiko thôi.

Vì cái giọng nói trẻ trung của Tsunako mà nhiều khi đến Senta còn tưởng lầm. Do đó, việc ông nghe Taiko trong điện thoại công cộng mà nhớ lại giọng nói thời son trẻ của vợ mình cũng không có gì lạ. Tuy vậy, lúc Taiko còn ở nhà thì chuyện đó chưa xảy ra tuy không thể nói là hoàn toàn không. Hoặc giả lúc đó vẫn có cái bóng của Tsunako ngày trẻ trùm lên trên Taiko cũng không chừng. Dù vậy, tiếng nói nghe trực tiếp lúc giống như bộ quần áo mặc trong nhà (fudangi), còn tiếng nói trong điện thoại là bộ quần áo diện lúc ra đường (gaishutsugi).

Từ khi Taiko lấy chồng, cặp mắt Senta khi nhìn đứa con gái đương thì của mình cũng có phần đổi khác.

Đang đi ngoài đường, có khi nhìn thấy một người con gái đằng lưng, ông chợt sửng sốt:

-Ủa kìa, con Taiko nhà mình đây mà!

Và bước nhanh tới trước. Thế nhưng, bà Tsunako đã gạt phắt:

-Không! Không phải đâu, ông!

Senta hơi tiu nghỉu nhưng vẫn tin mình đúng nên đuổi theo cô gái. Dù bất mãn với chồng, bà Tsunako không thể làm gì khác hơn là bước theo ông.

-Chán ông quá! Tôi biết là không phải nó mà.

-Nhưng cô này trông xinh quá há!

Tsunako nói một cách không thích thú mấy:

-Ừ, coi cũng được. Nếu nói là xinh thì chắc gì bằng được con vợ thằng Akio nhà mình đâu nào. Tôi thấy ông sao sao đó!

-Đàn bà bạc tình thật!

-Bạc bẽo là ông đó chớ ai. Không bao giờ chịu buông ra. Nếu ông còn tiếc của thì cần gì phải gả bán nó...

-Tôi có tiếc gì đâu.

Xem ra thì một bà mẹ luôn luôn buông con ra dễ dàng hơn ông bố. Bà chỉ mong sao dù con gái mình có ra khỏi nhà, nó sẽ có hạnh phúc đằng nhà chồng. Nói khác đi, các bà mẹ thường thực tế.

Về phía Senta, có một tình cảm không xác thực nào đó đã khiến ông đuổi sau lưng đứa con gái trong tưởng tượng. Làm như ông còn chưa thể cắt đứt thâm tình.

Gặp con gái nhà ai ở ngoài đường, ông đã nghĩ những chuyện như một cô gái xinh đẹp thế này mà phải đi lấy chồng mất ư!.

Có lẽ bắt đầu từ việc nhớ về con gái mình, ông mới chú ý đến người con gái lạ đang đi trên đường nhưng chắc không chỉ có chừng đó.

Ông cũng không phải chưa từng đóng vai trò đối tượng luyến ái của những người giống như cô gái này, nên mặc dầu đã có tuổi, cái căn tính khó coi đó vẫn ngoi lên trong đầu ông.

Nhưng cũng có thể là hình thức đột biến của tình lưu luyến ông có với Taiko.

Tuy nhiên, mặt khác, sau khi gả con, Senta cảm thấy thoát nạn, được giải phóng và người nhẹ nhõm. Có điều là hình như ông bị mất đi một chỗ nương tựa. Ông giương mắt nhìn cô gái trên đường và tưởng tượng đến một cuộc tình mình có với cô con gái trẻ.

Ông có cảm tưởng mùi hương của tuổi thanh xuân từ đâu đó đang tìm về. Có lẽ vì tiếng nói của đứa con gái ông trong điện thoại và hình ảnh thời son trẻ của bà vợ già vừa hiện ra trong trí.

Có phải đó là tâm lý chung của mọi người đàn ông bình thường khi phải gả con gái? Hay đó chỉ là tâm lý đặc biệt của một nhà nghệ thuật như trường hợp của ông thôi?

Senta vốn làm nghề soạn kịch nên khi Taiko còn ở nhà, ông thường nhờ con đọc lại lời đối thoại những vai nữ trẻ. Có gì không thuận tai thì ông sửa lại. Hơn nữa, phần nào liên quan đến cách dùng chữ của con gái thời mới, ông chỉ viết sau khi nghe lối nói của con.

Khi nhờ con gái đọc lại bài Haiku, Senta đã dựa vào kinh nghiệm đó. Ông cảm thấy nhân vật trong các sáng tác của mình là những con người có thực và có thể là họ đang sinh hoạt ở đâu đây.

Điều này có thực hiện được là cũng là nhờ sự góp sức của giọng nói con gái mình mà đã lâu, ông mới được nghe lại.
 
 

........ Hai
 
 

Senta lấy ra một tấm bìa cứng (shikishi) mới và chép lại bài Haiku một lần nữa.

Tuy ông viết là izuko nhưng ngay cả khi thử với izuku và izuchi, ông thấy câu thơ vẫn không suôn sẻ.

Không hiểu sao mà vế giữa nghĩa là "tsuma izuko naran" (vợ anh ta ở đâu?) có hơi cứng. Còn vế cuối "toshi no kure" (ngày cuối năm) thì quá xoàng xỉnh.

Bình tâm nhìn lại, ông thấy câu thơ vẫn còn lắm chỗ chưa vừa ý. Nét bút lông không được đẹp, tuy kiểu cọ nhưng trông chả ra làm sao.

Nếu đã không chuyên thì đừng có mó vào. Senta nghĩ thế mà rầu rĩ. Thứ nhất, Haiku viết kiểu này sẽ chẳng bán được cho ai. Khi viết trên tấm bìa cứng, Senta định đưa cho tòa báo của mình đấy chứ. Tòa báo đã định xin các tay danh sĩ viết cho họ Haiku về chủ đề "Ngày cuối năm (Toshi no kure) trên những tấm bìa cứng (shikishi) hay liễn ngắn (tansaku) để bán tại chỗ sau khi triển lãm trong một cửa hàng bách hóa. Những cuộc triển lãm này tổ chức hằng năm, tiền thu được sẽ dùng vào việc từ thiện như mua bánh dẻo bột gạo (mochi) biếu các gia đình nghèo nhân dịp Tết Nguyên Đán. Việc Senta tặng những tấm bìa chép thơ như thế cũng là một thói quen ông có từ nhiều năm.

Ông sợ không ai mua chi tấm bìa có câu thơ xui xẻo:

Naki tomo no / tsuma izuko naran / toshi no kure (Người bạn đã mất / vợ anh phương nào? / trong ngày cuối năm)

như thế này!

Ông chỉ cần chép một bức thành hai là được vì tòa báo đã gửi cho ông khá dư loại bìa cứng ấy. Chép Haiku có khác chi làm cái việc viết nhảm lên tường.

Trong câu này thì chữ Naki tomo (người bạn đã mất) còn có thể hiểu theo số nhiều, tsuma (vợ) cũng có thể hiểu theo số nhiều như vậy. Thế nhưng khi viết ra, Senta chỉ nhắm vào mỗi một người con gái.

Người con gái ấy - hay nói đúng hơn là một nữ độc giả thân mến - là kẻ trong khoảng trên dưới 10 năm trời đã tiếp tục mua giúp những tấm bìa cứng có chép Haiku của Senta.

Khi người con gái này gửi cho Senta một bức thư vào dịp cô mua tấm bìa ấy lần đầu tiên, cô tự giới thiệu trong đó mình là nữ sinh trung học và Senta đã cảm thấy nhột nhạt một cách lạ lùng. Cô đã viết với cung cách trẻ trung của một thiếu nữ khi kể cho ông nghe cảm giác hồi hộp của cô từ khi bước vào chỗ hội trường để mua cho đến khi trở về với tấm bìa đó trong tay, và dĩ nhiên lúc ấy lòng cô cũng tràn đầy xúc cảm.

Senta đã không trả lời lá thư ấy.

Cuối năm sau, cô lại viết một bức thư cho biết năm nay mình đã mua một bức khác của Senta. Cô cho biết vì sợ người khác mua mất sẽ không biết mình phải làm sao nên từ rất sớm đã đến trước cửa ra vào, đợi giờ hội trường mở cửa. Senta nghĩ làm gì cô phải chờ đợi như thế, nếu muốn shikishi của Senta thì cứ báo ông hay, ông sẽ viết cho cô và bao nhiêu cũng có. Lần này thì Senta đã trả lời. Ông còn nhớ tên cô gái ấy là Kiso Chiyoko [4].

Mùa xuân năm sau nữa, Chiyoko cho biết mình vừa tốt nghiệp trường nữ trung học..

Năm đó, tức là cuối năm thứ ba, Chiyoko lại đến mua bức shikishi của Senta và cũng viết thư thông báo. Trong thư, Chiyoko cho biết mình muốn đến thăm ông ở nhà nhưng ông vẫn không thấy bóng dáng nàng. Mãi sau này nàng mới xuất hiện và lúc đó là vào mùa hạ. Nàng mặc một bộ kimono vải kếp của vùng Ochiya [5] thắt bằng dải lưng (obi) có in hình hoa thảo nhi [6]. Ăn mặc đơn sơ nên có hơi chìm nhưng với khổ người nhỏ bé, cô gái ấy trông thật khả ái.

Không hiểu sao Senta có cảm tưởng như mình vừa bị mắc lỡm. Ông nghĩ không lẽ cô bé con này lại là một độc giả ái mộ những kịch bản của mình bởi vì điều đó vượt ra ngoài sức tưởng tượng của ông. Ông hơi thất vọng:

-Em có đọc những gì tôi viết à? Thôi, ngưng đi nhé!

Senta phát biểu có hơi xẳng.

-Tại sao vậy thầy?

-Hay ho gì đâu. Tôi nói như vậy là vì em đó...

-Coi kìa...nhưng đọc hay không đọc là quyền tự do của em mà thầy!

-Tự do à ...? Tôi nói thật lòng những gì tôi nghĩ thôi!

Nhưng ông thấy nếu mình cứ khăng khăng giữ chủ trương ấy thì có hơi kỳ. Đúng ra, tác phẩm là cái mà khi đã đem ra mắt công chúng, ai muốn đọc thì đó là quyền tự do của người đó. Tuy vậy, Senta không dễ dàng tin tưởng tác phẩm của ông là loại dành cho đông đảo độc giả. Ông hay bị lương tâm cắn rứt về những gì mình viết ra. Ám ảnh thường trực ấy đã bùng nổ khi Chiyoko, một độc gỉa kiểu này, hiện ra trước mắt.

Những vở kịch của Senta thường có nội dung đen tối, u uất và tàn nhẫn.

Senta cười rồi buột ra một câu:

-Bộ cô thích mấy chuyện giết người lắm sao?

Chiyoko không biết phải phản ứng thế nào. Cô nhìn thẳng vào mặt Genta rồi mỉm cười hỏi ngược:

-Chứ bộ thầy không thích loại đó sao?

Ông thấy như cả riềm mi dài của cô cũng cười theo một cách khả ái. Hai mi mắt chơm chớp trên khuôn mặt bầu bĩnh.

Trong các vở kịch của Senta, có lắm cảnh giết người. Dĩ nhiên chuyện sát nhân không nằm trong sở thích của ông. Chẳng những thế, ông còn ghét nữa vì nó là một hành vi ác độc nhất trong những tội lỗi của con người.

Khi mô tả hành vi cực ác này, ngược lại, ông có mục đích làm nổi bật những đức tính cao đẹp của con người mà ông ngưỡng mộ.

Do đó, trong kịch của ông, không thấy vai ác lên sân khấu.

Việc kịch của ông ít khi được giao cho những ban kịch mới ra đời trình diễn cũng được giải thích là vì nó chỉ có vai thiện. Thế nhưng khi một diễn viên được phân vai sát nhân lại có định kiến vai mình đóng là một người lương thiện mà diễn xuất theo kiểu đó là điều không đúng ý Senta. Tuy là kẻ có bản chất lương thiện đấy nhưng vì một sự tình ngoài ý muốn, hay bất chợt bị một xung động nào đó dẫn dắt, hoặc không tự chủ được mà rơi vào tình trạng điên loạn phải giết người, thì kẻ đó đã xúc phạm đến ông Trời. Nói chung, lối suy nghĩ cứ xem mình như một người lương thiện không phải là thô thiển hay sao! . hãy để kỹ thuật diễn xuất bộc lộ nó ra ngoài mặt.

Theo Senta, cho dù có lúc ta đánh giá được người khác là lương thiện nhưng đôi với bản thân, ta không thể nào tự mình mà hiểu được..

Tuy nhiên, Sentakhông viết về kẻ ác. Phải nói là ông không có sức để viết về họ.

Bản tính Senta vốn thích được yêu chiều nên gần 50 tuổi, ông vẫn chưa cắt được hẳn tình yêu nam nữ. Muốn khiêu chiến với chính mình, ông đã phải mô tả cái tàn nhẫn của nhân vật, có khi là những hành động ác đức của họ. .

Một người đàn ông đi đứng chậm chạp và hay để ý về thuần phong mỹ tục như Senta thì không thể nào đạt được đến đỉnh cao của nghệ thuật vốn là nơi rất hiểm nghèo.

Ông dùng roi để đánh những nhân vật trong tác phẩm của mình và đồng thời định dùng nó để quất cả vào người mình. Có khi quan hệ ấy được sắp xếp theo theo một chiều ngược lại.

Có nhà phê bình cho rằng Senta là một nhà văn lạnh lùng và tàn khốc. Khi phải giáp mặt với những lời phê bình kiểu đó, Senta đã dùng đôi mắt ấm áp của nội tâm để dõi theo con đường mà nghệ thuật đang bước đi ở ngoài xa.

Thêm vào đó, khi dồn hết tình yêu để viết một một tác phẩm đáng lẽ phải chất chứa căm hờn và ghét bỏ, mình có thể sẽ bị người ta phê phán. Nghĩ đến khả năng đó, khuôn mặt của Senta bỗng trở nên khác thường. Tuy không thể nói là ông không vui nhưng ông ý thức ngay rằng những yêu ghét của mình đều trở thành nửa vời.Nó anh ách trong lồng ngực và ông không có cảm tưởng cảm là mình được an ủi.

Dù vậy, tình cảm yêu thương đối với các nhân vận mình đã tạo và đang tạo ra – giống như một mối tình một chiều không ai hay biết – nhất định đã đi qua lòng ông.

Sentatừng có thói quen đưa lên sân khấu những nhân vật cảnh ngộ cũng như tính tình càng khác mình chừng nào càng hay chừng ấy. Điều đó có nghĩa là ông không tìm cách viết những vở kịch theo phong cách tự bạch (watakushi-shôsetsu teki). Có người xem nhân vật trong một tác phẩm đều là hình ảnh "phân thân" của người viết, việc sử dụng những nhân vật nam nữ mạnh tính nơi Senta có thể là cách giúp ông bày tỏ nỗi buồn trong sinh hoạt nhỏ bé của mình.

Vì thế, dù cuộc sống của ông nghèo nàn, yếu ớt, dù cách viết của ông đen tối, u uất, nhưng những vở kịch Senta soạn ra đều có màu sắc cực kỳ lộng lẫy. Cốt chuyện của chúng đầy tình tiết gây ngạc nhiên với những thay đổi dồn dập, số phận của các nhân vật cũng vượt khỏi khuôn khổ bình thường. Chính vì thế mà kịch của Senta đã được không ít độc giả và khán giả theo dõi.

Với loại kịch mà mới nhìn đã thấy dữ dội thì nếu được, nên diễn xuất một cách trầm tĩnh. Đó là chủ trương của Senta. Đến độ ông đã viết những lời đối thoại mà diễn viên sẽ khó lòng cao giọng.

Dù sao đi nữa, Senta thấy rằng Chiyoko không phải là mẫu người thích hợp để đọc các tác phẩm kịch nghệ của ông. Nếu ai hỏi thế thì ai mới thích hợp, Senta sẽ thấy mình bị bắt bí, Cái mâu thuẫn không muốn ai đọc tác phẩm mình viết lúc nào cũng có trong lòng Senta nhưng Chiyoko là mẫu người đặc biệt mà ông thấy là không thích hợp như độc giả của mình..

Ngay trong khi Senta tiếp Chiyoko, mặt đối mặt, ông cũng không thấy thoải mái. Ông có cảm tưởng là đối với thiếu nữ này, mình chỉ gieo rắc những thứ độc địa trong tác phẩm vào đầu cô ấy. Thế nhưng ông không đoán được những giọt thuốc độc ấy sẽ thấm vào một người con gái đáng yêu như cô bằng cách nào!

Khoảng thời gian đó thì Taiko - con gái của ông – hãy còn là học sinh tiểu học. Senta có lần cười đau khổ mà nói với vợ:

-Khi nào con gái mình đến tuổi dậy thì, chắc tôi không thể viết những vở kịch kỳ quái như thế này nữa đâu nhỉ?

Thế nhưng dần dần Taiko đã biết tìm đọc bất cứ loại tiểu thuyết hay sách vở gì trong tầm tay cô. Senta lúc đó thấy mình không đủ tự tin để phán đoán là nên để mặc cô ấy muốn đọc gì thì đọc hay cần phải cấm cản.Nhưng trong nhà ông thì sách vở kiểu đó cứ đầy ra đấy, việc cấm đoán hầu như không thể thực hiện. Ông đành phải nhắm mắt làm ngơ để Taiko đọc theo ý thích. Khi gặp gỡ các bạn văn, ông thường đem chuyện đó ra bàn, hỏi thăm về tình hình con cái của bạn và thái độ của các bậc cha mẹ đối với con cái họ. Ông hơi lo nếu con gái mình có ý hướng trở thành văn sĩ. Rồi ông tự hỏi không lẽ từ đây khi viết cái gì, với tư cách là cha mẹ, mình có phải nghĩ là nó có thể được con gái mình đọc hay không? Ông bắt đầu để ý và lấy làm quái lạ là tại sao cho đến bây giờ, mình vẫn thản nhiên khi thấy vợ đọc những gì mình viết ra. Khi Senta bắt gặp Taiko đang đọc sách mình viết ở đâu đó thì ông vội ra khỏi căn phòng nhưng lúc đó thì Taiko đã thẹn chín người. Không biết một cô gái nhỏ như Taiko nghĩ thế nào khi khám phá ra rằng cha mình là một nhà văn chuyên viết những truyện đen tối và tàn nhẫn.

Senta cảm thấy ngạc nhiên và hụt hẫng khi đứng trước đoạn đường mình đã đi qua, Những vở bi kịch ông viết ra chỉ mang được lên sân khấu một thằng bù nhìn (kagashi) biết dương oai diễu võ, vừa vung tay ra ngoài cánh tay áo rách vừa nhảy nhót mà thôi.Thằng bù nhìn ấy chính là hình ảnh của tác giả. Trên hàng ghế khán giả mà ông nghĩ là nơi khách đang ngồi, chỉ có những cơn gió lốc của mùa thu (nowake) thê lương đang thổi qua thôi.

-Chỉ là cơn lốc mùa thu thôi sao?

Senta thì thầm một mình và để giả dạng như có một cơn gió lốc của mùa thu đang thổi qua, bèn thổi phù phù vào mái tóc trước trán của Taiko, lúc đó đang nằm trong giường.

Từ khi cậu em Akio ra đời, Taiko được bố ôm ngủ mỗi đêm. Thói quen ngủ chung với bố vẫn tiếp tục kể từ ngày đó.

Khi Senta thổi như vậy, mái tóc trước trán để theo kiểu kappa [7] của Taiko bị hất ngược lên trên rồi lại rơi về chỗ cũ. Cuối cùng tóc rẽ ra hai bên, để lộ vầng trán.

Hơi thở ấm áp và nhẹ nhàng của người cha trên núm tóc trước trán của đứa con gai khiến cho nhà văn đáng thương này cảm thấy nó giống như một cơn gió lốc đang thổi qua cánh đồng hoang của cuộc đời. Công việc đầy tham vọng của Senta chắc không khác với nó bao nhiêu.,

Taiko vẫn ngủ say.

Senta tiếp tục thổi như vậy.

Đang nằm bên cạnh trên giường, bà Tsunako thấy thế bèn cất tiếng:

-Mình làm gì thế? Có ngưng cho tôi nhờ không nào?

-Ờ. Con bé này khi đi lấy chồng rồi, có biết mặc pyjama khi đi ngủ không đây?

-Mình khùng thiệt!

-Không mặc pyjama sẽ bị lạnh ngực dễ bị cảm. Chưa chi đã tập thói xấu!

Senta thầm nghĩ: những sinh vật thực sự mình sinh ra ở đời này chỉ có hai đứa con. Mấy vở kịch là những vật không có sự sống (tử vật).

Tuy ông có nghĩ tới việc viết những tác phẩm để con gái mình đọc nhưng không hiểu sao Senta lại cảm thấy buồn khôn tả.

Thái độ đối với Taiko và thái độ đối với một cô gái con của người dưng như Chiyoko là hoàn toàn khác. Trong trường hợp Chiyoko, ông không cảm thấy buồn.

Tuy nhiên, cũng như đối với con gái mình, ông không muốn đầu độc nàng bằng những tác phẩm mình viết.

Nếu muốn nói trắng ra thì câu ấy có thể là như sau:

-Mấy vở kịch của tôi có gì là hay ho? Nên biết rằng sự hiện hữu của cô mới đẹp dường nào!

Senta định buột miệng nói ra một ý nghĩ khác thường như vậy.

Chiyoko chăng nữa, cô cũng chỉ là con người. Ai có thể bảo là bên trong người cô không có một con ác quỷ nào đó đang nằm chờ! Lúc nào đó, biết đâu con quỷ sẽ thè cái lưỡi đỏ của nó ra và liếm láp mấy vở kịch của Senta.

Hơn thế nữa, có khi vì là một cô gái đáng yêu, cô chỉ thích đọc những tác phẩm có vẻ đáng ghét.

Cũng như Senta phải gồng mình để viết quá đà, có lẽ Chiyoko cũng yêu thích những vở kịch không thích hợp với bản chất của nàng.

Chiyoko mặc một tấm kimono bằng kếp vải gai thẳng và gọn khiến cho ống tay áo như dán sát vào người. Trong khi Genta phải lau mồ hôi vì quá nóng, ông không thấy Chiyoko đổ mồ hôi.

Đôi môi của nàng là cái đập vào mắt ông. Nó giống như một nụ hoa, một món đồ thủ công tinh vi mà người thợ đã cho vào đó nhiều công sức. Tuy là một bộ phận nằm trong khuôn mặt nhưng chỉ có đôi môi của nàng là cái nổi bật. Người ta cảm thấy như vừa khám phá ra cái nụ đầu tiên của một thân cây. Sau đó mới là cái thân hình bé nhỏ và tròn trịa của cô gái ẩn dưới làn áo.

-Ôi chao! Mới đó mà đã tốt nghiệp rồi cơ à?

Nhìn dáng nàng từ sau lưng khi tiễn ra cửa, bà Tsunako cũng tấm tắc.

-Người như cô ấy, nếu ăn mặc kiểu các cô gái nhỏ thì trông chẳng khác một món đồ chơi, đáng yêu quá thể.

-Có lẽ là như thế!

Từ dạo đó, Chiyoko còn đến nhà Senta hai ba lần nữa. Về sau, Tsunako càng yêu mến cô gái vì vẻ đẹp khả ái ấy. Còn Senta thì có lần mãi ngắm đôi môi nàng mà quên bẵng người chung quanh.

Vào cuối năm thứ tư, Chiyoko lại đến hội trường triển lãm mua bức shikishi của Senta. Năm thứ năm cô cũng mua nữa. Senta thấy tội nghiệp thân cô. Khi ông bảo em đã tới nhà chơi nhiều lần, nếu muốn bao nhiêu cứ nói tôi sẽ viết cho ngần ấy thì Chiyoko trả lời:

-Dạ, được mà thầy. Em mà không mua lại cảm thấy buồn làm sao ấy! Em có cảm tưởng như những tấm shikishi của thầy hàng năm nó vẫn chờ em ở hội trường.

Senta thấy cô ăn nói sao mà dễ thương.

Chẳng bao lâu sau ngày cô mua tấm shikishi lần thứ 5, Chiyoko đưa mẹ mình đến nhà ông chơi. Bà cho biết cô sắp đi lấy chồng. Senta chợt thấy đôi chân ông như bủn rủn.

Con gái đến lứa đến thì, kết hôn là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào nhưng đối với Senta, đó là một chuyện đáng ngạc nhiên.

Có lẽ vì e thẹn, Chiyoko đã nhờ mẹ đi cùng. Trước tiên, bà cảm ơn ông đã tiếp đãi tử tế với con gái mình bấy lâu, sau đó qua câu chuyện, bà mới báo cái tin ấy. Chiyoko mặt cúi gầm, riềm mi như đang cùng mỉm cười với nàng và đôi má ửng hồng nhưng không thấy ngượng nghịu. Thấy nàng còn vui vẻ nữa.

Senta bèn nói:

-Thế là em hết đến mua shikishi của tôi rồi.

-Đâu có! Tại sao thầy nói vậy?

Chiyoko ngẩng mặt lên, chăm chú nhìn Senta.

-Thầy cho phép em được tiếp tục mua chứ ạ!

-Không. Em đừng mua nữa. Thay vào đó, để làm quà tiễn chân, tôi sẽ viết cho em cái gì nhé!

Bức này cũng là một trong những tấm bìa cứng mà tòa báo gửi đến:

Senta viết mấy chữ Hán: " Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ" [8]

-Luận Ngữ đấy nghe!

Chiyoko gật đầu:

-Câu này em đã được học trong giờ Hán văn ở trường Nữ học.

Không quen viết đại tự nên chữ của Senta lần này lại càng xấu. Ông nhìn và có vẻ không bằng lòng. Có lẽ vì trong cuộc sống của mình, ông cũng chưa hề viết kiểu đại tự với những nét bút mạnh.

Sau khi giữ im lặng một đỗi, Senta nói như lắp bắp:

-Này nhé, chỗ "Văn đạo" (Nghe được đạo) xin em cứ hiểu nó là "Ái phu" (Yêu chồng) cho tôi. Vì hiện nay, tôi không cách chi viết "Ái phu" vào đó được..

-Thầy!

Chiyoko hơi ngẩn người.

-À! Vậy hở thầy. Thôi, Chiyoko, con cảm ơn lời thầy dặn đi!

Người mẹ nói như muốn nhắc con gái rằng thế là đã đủ. [9].

Thật ra khi nói câu đó, Senta chỉ muốn bày tỏ sự ân hận của mình.

Câu nói hàm ý là nếu buổi sáng ông yêu được Chiyoko thì buổi chiều có phải chết, ông cũng cam lòng. Ông nuối tiếc vì mình đã không cụ thể hóa mối tình với cô gái .Nó chỉ nói lên sự kinh ngạc và hụt hẫng muộn màng mà ông cảm thấy khi nghe tin cô đi lấy chồng.

Cuộc đời của Senta là một chuỗi ân hận như vậy. Bao nhiêu tiếc nuối đã chồng chất lên nhau.

Ân hận, tiếc nuối rơi xuống như là tuyết và đọng lại, khi gặp lạnh đã đóng thành một cánh đồng băng giá, cũng như lá khô rơi xuống rồi mục nát, chồng chất trong khu rừng. Đó là thế giới của cõi lòng Senta.

Phải chi lúc gặp được đối tượng của tình yêu mình biết đem hết sức để mà yêu, rồi ngày tiếp theo ngày, sống trọn vẹn với tình yêu để không có gì nuối tiếc. Đó là một nguyện vọng mà Senta đã để trôi vào vô vọng.

Senta cảm được thực sự ý nghĩa của câu nói trong Luận Ngữ. Cảm xúc ấy đã sinh ra từ kinh nghiệm và sự ân hận tích tụ từ bấy nhiêu năm.

Senta cũng đã nói với vợ:

-Khi gặp được một ai, hãy tỏ ra tử tế với họ.Vì biết đâu một ngày nào đó sẽ đến lúc phải chia tay.Và có thể là không còn gặp lại một lần thứ hai.

Câu nói không có gì cao xa nhưng trong đó, Senta đã gửi tiếng than của lòng mình về những tháng ngày qua. Thế nhưng câu nói tưởng chừng tầm thường ấy, thật ra không dễ gì thực hiện.

Tình yêu của Senta đối với Chiyoko sẽ không phẳng lặng đâu nhưng đó là tiếng nói đến từ con tim. Có nghĩa là sau ngần ấy năm đi lại quen biết với Chiyoko, Senta chưa hề được sống trọn vẹn một lần nào.

Senta còn bảo:

-Ngày người ta đi lấy chồng mà lại tăng cho một câu nói đến chết chóc...Thế nhưng nó cũng đã thể hiện được một sự quyết tâm...Sống hết lòng, hết sức và không bao giờ để phải ân hận!

Ngoài việc ước mong cho Chiyoko có được hạnh phúc bên chồng, Senta giờ đây chỉ biết bó tay.

Có phải Chiyoko là người đã đến để dạy cho Senta về tình yêu chăng? Nàng bảo ông phải yêu một cách mạnh mẽ để khỏi nuối tiếc tình yêu ấy, rồi mới từ giã ra đi.

Vào cuối năm thứ 6, Senta cũng đặt bút viết lên những bức shikishi nhưng không còn hứng thú. Mất một người mua như Chiyoko, ông cảm thấy lòng buồn kỳ lạ.

Tuy vậy, Chiyoko vẫn mua cho ông. Cả năm thứ bảy, cô hãy còn mua.

Đến năm sau, người chồng của Chiyoko tử trận. cô có sinh được một đứa con.

Dần dà, Chiyoko không gửi thư cho ông nữa. Rồi sau đó, nàng tuyệt vô âm tín. Senta đành chịu thua, không biết những bức shikishi ông viết có còn được nàng mua nữa hay không?

Thế nhưng mỗi lần đặt bút lên trên những bức shikishi, Senta bao giờ cũng hồi tưởng lại hình ảnh của nàng. Như thể là một điều đương nhiên!

Nếu ông đem gửi bức shikishi có chép câu thơ:

Naki tomo no / tsuma izuko naran / toshi no kure

(Người bạn đã mất / vợ anh phương nào? / trong ngày cuối năm)

cho tòa báo và nó lọt được vào mắt Chiyoko ở hội trường, biết cô sẽ nghĩ thế nào?

Không thể nói chồng Chiyoko là "người bạn đã mất" (naki tomo) của Senta.

Nàng có đưa anh đến chơi nhà ông hai ba lần rồi thôi.

Senta vì nhớ đến Chiyoko thành ra nhớ luôn "cô vợ của anh bạn đã mất" (naki tomo no tsuma) rồi liên tưởng rộng ra đến những người có số phận giống như thế.

Bây giờ nào biết nàng ở đâu? Nhưng những "cô vợ của anh bạn đã mất"mà không ai biết tung tích thì đâu có thiếu!

Nỗi niềm thế sự mang mang như đang trôi bên trong lồng ngực Genta.

Dịch ngày 30/03/2021

Thư mục tham khảo:

-Kawabata Yasunari, Toshi no kure (Ngày cuối năm) trong Tuyển tập Aisuru hitotachi (Tập truyện Những người yêu nhau) do Shinchô Bunko, Tôkyô xuất bản,. Sơ bản 1946, bản sử dụng, bản in lần thứ 82 năm 2018. Nguyên tác Nhật ngữ.
 

[1] - Cả ba từ này đều có nghĩa là ở đâu (doko, where) và sự khác nhau giữa chúng khá tinh tế như giữa ở đâu, nơi nao, chốn nào vv...trong tiếng Việt.

[2] - Theo phong tục Nhật Bản, người ta hay viết hoặc vẽ lên một tấm bìa cứng gọi là Shikishi (Sắc chỉ) những hình ảnh, bài thơ hay điều mình tâm đắc, sau đó còn có thể dùng để trang hoàng.

[3] - Năm 1940, Nhật Bản còn ở giữa thời chiến. Điện thoại công cộng (gọi là điện thoại tự động) phổ biến hơn điện thoại tư gia.

[4] - Thêm một nàng Chiyo nữa đây!

[5] - Nguyên văn Ochiya no chijimi. Vải chijimi là loại vải kếp (crêpe) cố tình làm cho co rút để tạo ra những vết nhàu. Thị trấn Ochiya thuộc tỉnh Niigata nổi tiếng vì món hàng thủ công này.

[6] - Azami (thistle) được Nguyễn văn Khôn dịch là thảo nhi, là loại hoa gai, họ Cúc (Kiku)

[7] - Thủy quái trong truyền thuyết Nhật Bản, giống rái cá nhưng đứng thẳng được như người.Đây muốn nói tóc như chia làm ba vá?

[8] - Nếu sáng nghe được đạo, chiều có chết cũng bằng lòng.

[9] - Nguyên văn Aizuchi wo utsu (Gõ búa để chuẩn y một kết luận) như cảnh trong tòa án hay phòng bán đấu giá.

***