Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả

THỜI THANH XUÂN CỦA KAWABATA
Tuổi thơ và tình đầu
qua những thiên tự truyện

***

Thời thanh xuân của Kawabata
Nhật ký năm 16 tuổi
Dầu
Nàng Chiyo
Lời trù ếm của tác phẩm đầu tay
***
 

Dịch: Nguyễn Nam Trân 

Thời thanh xuân của Kawabata

Đây là bản thoát dịch lời Bạt đặt ở cuối Tuyển tập Hatsukoi Shôsetsushuu (Tuyển tập truyện Tình Đầu) dưới ngòi bút của Kawabata Kaori (tên thật là Yamamoto, sinh năm 1933) con rể của văn hào (lấy dưỡng nữ Masako và trở thành người nối dõi tông đường nhà Kawabata). Ông Kaori là giáo sư công huân ĐH Tokyo kiêm học giả văn học Nga và Hội trưởng Hội Kỷ Niệm Kawabata Yasunari. Nhan đề bài viết này do dịch giả đặt tạm.

Kawabata Yasunari lên 2 thì mất bố, lên 3 thì mất mẹ, sau đó, 7 tuổi mất bà nội, 10 tuổi mất chị và 15 tuổi mất ông nội. Ông một thân một mình sống dưới vòm trời này. Con người đó được sanh ra lúc cái thai mới bảy tháng. Bà mẹ đã không bị sẩy mà sinh ông ra an toàn, có lẽ vì ông may mắn được người cha là bác sĩ có phòng mạch.

Tuy cứu được con trai nhưng cha ông, một con người có văn hóa, giỏi thơ chữ Hán, thích hội họa kiểu văn nhân, lại qua đời sớm. Ông nội của ông là một người rành y học Đông Phương, dịch lý và tướng số. Có thể nói nếu Yasunari có tư chất văn chương, có lẽ là vì trong máu đã có yếu tố di truyền đến từ hai đời cha và ông nội.Chính Yasunari trong tác phẩm Matsuge no me (Ánh mắt lúc lâm chung) đã trình bày như sau: "Nhà tôi nếp xưa đời đời dòng dõi nghệ thuật, tôi có thành nhà văn cũng không có gì đáng làm lạ. Tuy nhiên, phần vì máu huyết các nhà gốc gác xưa (cựu gia) thường di truyền thể chất bệnh nhược nên tôi giống như một ngọn đuốc sắp tàn. Cuối cùng nó đã bùng lên một chút để sinh ra một nhà văn nhưng dòng máu ấy đã mất hết khí lực và đưa đến những tấn bi kịch".

Đau yếu kể từ khi học tiểu học, lại gặp cảnh người thân mất sớm nên Yasunari cứ vắng mặt ở nhà trường. Từ trước đến sau, thành tích của ông đều khá, nhất là môn tác văn, vẫn được đánh giá là thuộc loại học sinh ưu tú. Năm Meiji 45 -Taishô nguyên niên (1912), sau khi xong năm thứ 6 trường tiểu học (Jinjô), ông đỗ đầu vào Trung học Ibaraki của phủ Ôsaka. Đường từ nhà đến trường mất một lý (ri) rưỡi, ông phải lội bộ đi học nhưng cũng nhờ đó mà cải thiện thể chất yếu đuối bẩm sinh. Mặt khác cũng là nhờ học phong của nhà trường vốn chú trọng vào thể thao và rèn luyện thể lực.

Năm Taishô thứ 3 (1914), ông nội qua đời, Yasunari trở thành cô nhi và phải về sống bên ngoại (gia đình Kuroda), đến tháng giêng năm sau (Taishô 4 tức 1915) thì vào nội trú của trung học và ở trong ký túc xá cho đến khi tốt nghiệp. Ông không rành bao nhiêu về đời sống gia đình ruột thịt và cũng không biết mặt cha mẹ nên đã phải bắt đầu làm một cuộc hành trình dài đi tìm những cái gì có thể cứu ông khỏi cái mặc cảm của đứa trẻ mồ côi.

Theo Hasegawa Izumi, nhà nghiên cứu hàng đầu về Kawabata, thì có 4 cơ may đã giúp chàng tuổi trẻ Yasunari thoát ra cảnh ngộ đó:

1- Trải nghiệm về tình bạn (đồng tính) với Kiyono (tên giả) cậu học sinh lớp dưới cùng sống chung phòng ở ký túc xá trường trung học Ibaraki.
2- Tình bằng hữu của các đàn anh và bè bạn trang lứa cùng chí hướng văn chương thời ông theo học trường Ichi-Kô (Dự bị ĐH Tôkyô).
3- Trải nghiệm yêu đương (khác phái) thời mới lớn.
4- Tình người và phong cảnh đất Izu.

Chúng ta hãy thử khai triển về 4 yếu tố nói trên:

Tháng 4 năm Taishô thứ 5 (1916) khi Kawabata là học sinh năm thứ 5 trung học (theo học chế thời đó, NNT), ông trở thành học sinh trách nhiệm phòng (thất trưởng) trong ký túc xá. Cùng phòng với ông có một cậu học sinh năm thứ 2 tên là Kiyono (tên thật: Ogasawara Yoshito). Cậu bé này và Yasunari đã gắn kết một tình yêu đồng tính. Con người khổ muộn vì căn tính mồ côi như Yasunari đã tìm thấy một tình yêu thuần khiết trẻ thơ từ cậu thiếu niên Kiyono này.

Từ năm Taishô 5 (1916) bước qua Taishô 6 (1617), lòng của chàng thanh niên đang luyện thi Ichi-Kô đã rung động vì loạt bài nhan đề "Ichi-Kô Romance" (Tình tự trường Đệ Nhất Cao Đẳng) đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Chuugaku Sekai (Trung Học Thế Giới). Tác giả của nó là một sinh viên đã đỗ vào đó 2 năm trước, (sau này là nhà văn) Osaragi Jirô (1897-1973). Yasunari cũng cảm kích trước loạt bài này với lòng tự tin của một người từng là thủ khoa kỳ thi vào trung học. Thế nhưng mối quan tâm đến văn chương của ông càng sâu xa bao nhiêu thì đầu óc càng khó tập trung vào việc học hành nên thành tích sút kém hẳn. Mặc cho thầy hiệu trưởng khuyến cáo là học hành như thế khó lòng vào được Ichi-Kô, sau khi vừa tốt nghiệp xong, Yasunari đã nhờ người bà con ở Asakusa cho mình lên Tôkyô trọ học để luyện thi. Tháng 7 năm đó, ông dự kỳ thi tuyển kéo dài 4 ngày chủ yếu các môn Anh-Số-Quốc-Hán (tức Anh văn, Toán, Quốc văn và Hán văn). Đến tháng 8 thì có kết quả và Yasunari đã đổ được vào khoa Văn. Ông bắt đầu sống ở Cư xá trường Ichi-Kô nhưng sau một hai năm đầu vẫn không cảm thấy thoải mái. Từ khi làm chuyến lữ hành xuống miền Izu, cách suy nghĩ của ông mới có phần thay đổi. Về sau, ông có viết "Nếu tôi có trưởng thành về mặt con người thì phần lớn cũng là nhờ vào những năm tháng sống nội trú ở Ichi-Kô. Tôi nghĩ ít có nơi nào có thể là một nơi tập luyện (đạo trường = dôjô) để tu dưỡng con người bằng chỗ đó".

Việc thi đỗ vào trường Ichi-Kô đã mở ra con đường tiểu thuyết gia. Sự hổ trợ của các bạn cùng lớp giúp cho Yasunari tìm thấy mối tình đầu, hai bên đã tiến tới hôn ước. Thế nhưng bỗng chốc cuộc tình ấy đi đến chỗ tan vỡ. Bi kịch nếu có là vì tình yêu - như một liều thuốc để chữa lành mặc cảm của đứa trẻ mồ côi - đã có một tác dụng phụ kịch độc. Nó làm cho Yasunari mang lấy tâm sự đau thương trong một thời gian dài.

Bán đảo Izu có thể coi như là quê hương thứ hai của Yasunari. Lần đầu tiên Kawabata Yasunari đặt chân đến Izu là một năm sau khi ông vào học ở Ichi-Kô tức năm Taishô thứ 7 (1918). Ông đã gặp được một nàng con gái hát rong (tabi no odoriko) xinh đẹp và được đi theo đoàn nghệ sĩ rày đây mai đó xuống tận Shimoda. Từ ấy và mãi đến 10 năm sau, năm nào ông cũng xuống suối nước nóng Yugashima (sân khấu chính của Izu no odoriko) [1]. Trong một năm thì phân nửa thời gian ông đã lưu trú lại đây. Đối với ông, cái hấp dẫn của Izu là những con suối nước nóng (onsen). Trong thâm tâm, ông những mong: "Tôi muốn cả đời mình cứ đi hết từ suối nước nóng này qua suối nước nóng khác. Nếu sống được kiểu đó thì cái thân thể ốm yếu của tôi sẽ được trường thọ cũng không chừng".

Trong những lời bình luận của chương mở đầu cho luận đề "Mối tình đầu của Kawabata", nhà nghiên cứu Hasegawa Izumi đã cho biết từ chuyến đi Izu trở về, Kawabata giống như người được thay da đổi thịt. Ông bắt đầu nới rộng phạm vi giao du. Tuy nhiên trong đám bạn bè lúc đó, chỉ có 3 người từng sống với ông trong ký túc xá (Ishihama Kinsaku, Suzuki Ganjirô, Miake Eimu) là những bạn văn đã họp với ông thành một bộ tứ. Chỗ mà những người bạn thân thiết này hội họp là các phòng trà gọi là Cafe, lúc đó rất thịnh hành. Trong đó có Cafe Printemps, quán Cafe ở Nhật đầu tiên mô phỏng theo kiểu mẫu Paris. Nó đã xuất hiện vào khoảng năm Meiji 44 (1911) trên đường phố Ginza, có mục đích làm nơi gặp gỡ và trao đổi của các nhà nghệ thuật, văn sĩ vv...nhưng cũng đón tiếp các chàng sinh viên cao đẳng và đại học như khách quen. Nhóm 4 người của Kawabata hay gặp gỡ đều đặn Satô Haruo, Tanizaki Jun.ichirô và họa sĩ Tôgô Seiji ở một quán khác tên là Cafe Elan trong khu Hongô. Chính trong quán Cafe này, chàng sinh viên 20 tuổi Kawabata đã gặp cô hầu bàn tên Itô Hatsuyo lúc đó mới 13. Tên cô là Hatsuyo nhưng vì xuất thân vùng Đông Bắc (Tôhoku) nên nhiều người còn đọc là Hachiyo. Nếu muốn rút ngắn thì có thể gọi cô là Chiyo hay Chii-chan cũng được.


Bán đảo Izu, cánh cửa đi vào văn chương Kawabata

Có thể nói là ngay từ ngày còn nhỏ, Hatsuyo đã nếm hết đủ thứ khổ đau. Năm lên 9 mẹ mất, cô phải đến sống với dì nhưng bà dì không chăm lo nổi nên phải đi giữ em cho người ta. Đi đến trường tiểu học mà trên vai lại cõng theo đứa trẻ, tuy được tiếng khen là đảm đang nhưng việc học hành của cô không thể nào thông suốt. Sau khi thay đổi chỗ ở nhiều lần, Hatsuyo mới được Yamada Masu, bà quản lý (Madame) của Cafe Elan đem về làm việc. Ở đây, cô được đối xử đàng hoàng như con nuôi. Tuy được nuôi dưỡng trong một hoàn cảnh gọi là xa hoa và hào nhoáng như vậy nhưng Hatsuyo lúc nào cũng mang một tâm sự cô đơn và một nỗi buồn khó nén. Chính người thiếu nữ u buồn đó đã chiếm được trái tim của Kawabata. Tình cảm của ông đối với nàng mỗi ngày một tăng khi ông biết nàng có một nỗi đau khổ chẳng khác gì mình.

Thế nhưng đã có một sự cố xảy ra. Madame của quán Cafe phải lòng một sinh viên ưu tú ngành Luật của trường Đại học Đế Quốc (Đông Kinh). Khi anh này tốt nghiệp và được bổ đi làm ở Ngân Hàng Đài Loan vào tháng 7 năm Taishô thứ 9 (1920) thì bà đóng cửa quán để sang bên Đài Loan với anh ta. Hatsuyo được Madame gửi cho một người chị của bà. Người chị ấy là vợ một nhà sư (thế tục) trụ trì ở chùa Saihôji (Tây Phương Tự) ở Kanô (thuộc tỉnh Gifu). Hatsuyo trở  thành cư dân Gifu. Người đoán biết sớm tin này là Miake Eimu (bạn của Kawabata). Vì cũng xuất thân từ một ngôi chùa vùng Shimane nên Miake đã có thể tiếp cận trụ trì chùa Tây Phương mà không bị ngờ vực là có ẩn ý. Do đó, tháng 9 năm Taishô thứ 10 (1921), Yasunari và Hatsuyo đã có cơ hội tái ngộ. Vào những ngày đầu tháng 11, Miake và Kawabata đã xuống Gifu nhiều lần và lập được hôn ước giữa Yasunari và Hatsuyo. Chẳng bao lâu sau, nhóm bạn 4 người của Yasunari đã lên Iwate (vùng Đông Bắc) để chào thăm người cha của Hatsuyo, và được ông chấp thuận gả con gái.

Mặt khác, trong thế giới văn chương thì có một sự kiện quan trọng xảy ra. Năm Taishô thứ 9 1920, nhóm sinh viên tốt nghiệp Ichi-Kô (Dự Bị Đại Học) và đỗ vào khoa Văn Đại học Tôkyo đã theo đúng truyền thống mà kế thừa việc đảm đương Tạp chí Shinshichô (Tân Tư Trào). Sinh viên Kawabata đã đến thảo luận với Kikuchi Kan và Kikuchi Kan cũng vui vẻ nhận lời để nhóm Kawabata phụ trách việc phát hành tạp chí Shinshichô (lúc đó là đợt tái bản lần thứ 6). Tác phẩm Shôkonsai no ikkei (Một cảnh lễ chiêu hồn) của Kawabata đã được đăng trong số 2 của tạp chí vốn là một tạp chí do các nhà văn đồng chí hướng chủ trương. Nó đã được sự đánh giá với hảo ý của các nhà văn từ Kikuchi Kan đến Kume Masao. "Một cảnh lễ chiêu hồn" đã trở thành tác phẩm ra mắt làng văn của Kawabata.

Đến mùa thu năm Taishô thứ 10 (1921), Kawabata và vị hôn thê định tổ chức đám cưới. Kawabata đã chuẩn bị nhà mới và cuộc sống mới. Trước tiên, Kawabata đột ngột đến thăm Kikuchi Kan, xin Kikuchi giới thiệu công việc làm thêm như phiên dịch để kiếm sống "vì nhà có thêm người". Kikuchi Kan vui vẻ ủng hộ ông và còn nói: "Năm nay, tôi có dự định ra nước ngoài khoảng một năm, tôi sẽ cho bạn mượn cái nhà này và trả trước giúp bạn một năm tiền trọ. Ngoài ra tôi sẽ biếu bạn mỗi tháng 50 Yen để sinh hoạt. Còn như việc giới thiệu các tạp chí để in tiểu thuyết của bạn thì tôi sẽ dặn dò Akutagawa để anh ấy lo cho" (có chép trong "Hồi ký đời văn" (Bungakuteki jijoden) của Kawabata).

Tưởng là mọi chuyện thuận buồm xuôi gió thì đùng một cái, Kawabata nhận được từ Hatsuyo một bức thư đòi hủy bỏ hôn ước (đề ngày 7 tháng 11 và sẽ thấy trong tác phẩm Chuyện bất ngờ (Hijô)). Sau bức thư tuyệt tình đó, tuy ông và nàng còn có dịp gặp nhau nhưng trước sau, Hatsuyo vẫn giữ nguyên thái độ cứng rắn. Như thế, mối tình đầu của Kawabata Yasunari đã hoàn toàn tan vỡ.

Trong bức thư đề ngày 7 tháng 11 để tuyên bố một chiều cuộc hủy bỏ hôn ước, Hatsuyo khi đưa ra một câu nói bỏ lửng như mật hiệu: "Suốt một đời em sẽ không quên xxx với anh", đã viết tiếp: "có một chuyện bất ngờ mà em không thể nào trình bày". Chuyện bất ngờ (hijô) ấy đã khiến cho cô phải hủy bỏ hôn ước nhưng nó là gì thì hoàn toàn không được xác minh. Trong những lá thư sau, để bác bỏ những lời cáo buộc của Kawabata như "lung lạc con người bằng sức mạnh đồng tiền", cô đã đưa ra những lý lẽ mà Kawabata sẽ triển khai trong tác phẩm Bộ quần áo khi nàng lên khung (Kanojo no seisô) như sau:

"Người con gái 16 tuổi lên thủ đô ấy có chấp nhận viễn tượng mình sẽ gửi thân nơi hắn hay vẫn còn cảm thấy sợ hãi khi đứng trước viễn tượng ấy nhỉ? (lược một đoạn) Để cho nàng khỏi phải gắn liền nỗi sợ hãi ấy với việc kết hôn, cho đến nay hắn đã phải để ý từng ly từng tí trong lời nói hay trong những trang thư. Bao lần hắn đã nhắc nhở: "Cứ lên Tôkyô đi. Em không phải làm gì cả. Cứ vui chơi hồn nhiên như một đứa trẻ là đủ. Em đã sống cơ cực nhiều rồi, bây giờ hãy trở về với cuộc đời trẻ thơ của mình đi. (lược) Hắn đã nghĩ rằng nàng phải trở về với cuộc sống trẻ con một lần nữa mới được. Lý do là hắn nghĩ nếu có được nàng thì nhờ đó, hắn cũng sẽ muốn mình trở thành một đứa trẻ con (lược). Phải trở lại làm một đứa trẻ con hay đúng hơn là được sinh ra lần nữa để thành một đứa trẻ con và được thanh khiết như nó."

Vào thời điểm đó, lập luận như thế không biết có được Hatsuyo và những người chung quanh chấp nhận hay không? Trong Chuyện bất ngờ (Hijô), ta thấy việc kết hợp những hành vi cụ thể và hình ảnh ông muốn cô trở thành là điều khó khăn. Trong thâm tâm, có lẽ Hatsuyo thích tiếp tục sống với nghề hầu bàn (đúng hơn là chiêu đãi viên, NNT) quán Cafe, việc làm thích hợp với mình. Tuy vậy, có một điều phải nói rõ ở đây là vào thời buổi ấy, nghề hầu bàn quán nước là một nghề đã được xã hội chấp nhận. Hatsuyo cũng giống như Uno Chiyo (1897-1996, nhà văn nữ), Hayashi Fumiko (1903-1951, nhà văn nữ),Sata Ineko (1904-1998, nhà văn nữ) là những phụ nữ kiệt xuất cùng thời đại với mình, là một người có đủ tự tin để sống cuộc đời mình chọn..

Hatsuyo đã trở thành hầu bàn ở Cafe America và sau đó kết hôn với Nakabayashi Chuuzô, người quản lý quán này, và có một đứa con với ông ấy. Sau trận động đất lớn năm 1923 ở vùng Kantô (Tôkyô và phụ cận), quán của họ đổ sập, cả nhà dọn lên Sendai (miền Đông Bắc) rồi Nakabayashi mắc bệnh phổi. Họ lâm vào cảnh khốn cùng. Năm Taishô thứ 15 (1926), gia đình trở về thủ đô, Hatsuyo lại đi loanh quanh khắp nơi, làm hầu bàn các quán Cafe để sinh sống. Trong khoảng thời gian từ cuối năm Taishô 15 (1926) cho đến tháng 7 năm Shôwa thứ 2 (1927), Hatsuyo đã làm việc cùng một quán với nhà văn nữ Sata Ineko ở vùng Asakusa. Trong tiểu thuyết của Sata Ineko, bà có nhắc đến tên Restaurant Rayô (Quán ăn Lạc Dương) và nhân vật Natsue xuất hiện trong đó chính là hình ảnh của người bạn đồng nghiệp Hatsuyo. Qua lời kể của nhà văn nữ thì "người bạn đó phải làm lụng để nuôi một ông chồng phải nằm liệt giường và đứa con nhỏ". Cô ta lại được một người được đồn đại là cháu nội của Tokugawa Yoshinobu (vị Shôgun cuối cùng) "bảo trợ". "Có lần thấy đứa trẻ con bộ dạng rất dễ thương đến quán đón mẹ vì bà muốn giải sầu nên đã uống quá nhiều rượu". Những dòng chữ đó đã miêu tả hình ảnh của Hatsuyo một cách linh hoạt. Cuốn tiểu thuyết Restaurant Rakuyô đã được Kawabata khen tặng không tiếc lời nhưng có lẽ văn hào không ngờ rằng mô hình nhân vật Natsue trong đó chính là Hatsuyo, mối tình đầu của ông.

Chúng ta cần chú ý đến một việc là mãi về sau, cách suy nghĩ và hành động của Yasunari đều chạy lòng vòng chung quanh Hatsuyo (qua việc dùng những tên mượn như Chiyo hay Michiko) để làm nên một dòng văn gọi là Chiyo-mono (Những bài viết liên quan tới Chiyo), chứng tỏ ông đã làm hết sức mình, cố gắng đi vào bên trong tâm lý của người phụ nữ khó hiểu ấy. Cuối cùng, cuộc tìm kiếm ấy đã đưa đến sự ra đời của tác phẩm "Viết về người con gái tuổi Bính Ngọ" (Hinoe-uma musume san). Ông đã đặt câu hỏi vì lý do nào mà những người con gái sinh năm Bính Ngọ phần đông lại xinh đẹp, hiếu thắng, cương ngạnh, háo chiến, lanh lợi, dễ thay đổi, lang chạ, nhạy cảm, sắc bén, linh hoạt, tự do, tươi mát như vậy. Tuổi Bính Ngọ cũng có liên quan đến những chủ đề lần lượt được triển khai bằng nhiều hình thức trong Nampô no hi (Lửa phương Nam). Tuy nhiều như thế nhưng độc giả không cảm thấy nhàm chán. Yasunari đã mô phỏng Dostoievsky để dàn trải lòng mình ra mà ca tụng một thứ nữ tính kiên cường. Tình cờ chăng, Hatsuyo cũng là người đàn bà tuổi Bính Ngọ!

Nỗ lực đi sâu vào nội tâm của đối tượng phụ nữ đã bắt đầu với tác phẩm Trời mới tạnh (Shinsei). Sau đó mới đến Lửa phương Nam (Nampô no hi, tháng 7 / 1923), Lửa tuần đêm (Kagaribi, tháng 3 / 1924), Chuyện bất ngờ (Hijô, tháng 12 / 1924), Mưa pha tuyết (Arare, tháng 5 / 1927). Bắt đầu với Trời mới tạnh, một tác phẩm đơn sơ nhưng đã được tô thêm màu sắc với 4 tác phẩm tiếp nối. Vai trò của nó trong trường hợp này cũng giống như vai trò của Kỷ niệm về Yugashima (Yugashima no omoide) đối với Cô đào miền Izu (Izu no odoriko). Sau khi thất tình và đau khổ, Yasunari đã làm một cuộc hành trình xuống vùng suối nước nóng Yunoshima để tìm sự nghỉ ngơi cho thể xác và tinh thần đã quá mệt mỏi của mình. Tuy ông định bắt đầu việc đó với chủ đề Chiyo nhưng đã cầm bút lên để viết một lèo 700 trang giấy về cô đào hát miền Izu và kỷ niệm với cậu Kiyono (thiếu niên lớp dưới, đã sống cùng phòng với ông trong ký túc xá trung học, NNT).

Rõ ràng là tác phẩm Cô đào miền Izu đã in dấu hình ảnh của Kỷ niệm về Yugashima một cách hết sức tự nhiên và nó có thể được xem như thành tựu văn học lớn nhất của Kawabata. Mặt khác, trong hệ thống của Trời mới tạnh (Shinsei), chùm truyện đầy cay đắng tiếp theo mà ông đã trút hết tâm hồn để viết ra thì không có truyện nào được nhìn nhận là thành công, và trong một thời gian dài, tác giả cũng không tìm cách đưa mình vào trong những cuốn truyện nữa. Trước đây, nhà phê bình Kawashima Itaru có nhận định là trong khi Một cảnh lễ chiêu hồn (Shôkonsai no ikkei) - tác phẩm ngẫu hứng [2] - được khen thưởng thì Dầu (Abura) - xuất phát từ trải nghiệm cá nhân của nhà văn - lại không được hoan nghênh cho lắm. Có thể nói điều này cũng đã xảy đến cho các tác phẩm trong chùm truyện Cô đào miền Izu và chùm truyện Trời mới tạnh vốn nằm trong một hoàn cảnh tương tự. Tóm lại thì vào thời đại ấy, người ta không tin vào những tình cảm thực sự (thực cảm) hay những lời tự bạch (confessions) vốn tỏ ra quá ngây thơ (naive). Đó là giai đoạn mà quan điểm văn học về tiểu thuyết tự bạch (watakushi-shôsetsu) kiểu truyền thống đang bị băng hoại. Một nhà văn mới đến với văn đàn như Kawabata vẫn còn phải mò mẫm về cách viết cho nên sự phân liệt và tương khắc giữa hai hệ thống (tượng trưng bằng hai dòng truyện nói trên) là việc thường xảy ra.

Như nhà phê bình Nakamura Mitsuo (1911-88) đã dẫn ra, khi viết tiểu thuyết tự bạch (watakushi shôsetsu, confessions) nếu tác giả biết dùng một thủ pháp khác "trừu tượng hóa" được cái tôi (watakushi) trong vai người kể chuyện (katarite) như trường hợp Cô đào miền Izu thì sẽ đưa tới thành công. Thế nhưng cái khó của việc này là làm sao "tác phẩm hóa" được những tư liệu đã bắt rễ trong cuộc sống thực tế và từ những trải nghiệm thiết thực của mình. Các tác phẩm được thu thập trong "Tuyển tập Truyện Tình Đầu"(Hatsukoi Shôsetsu-shuu) này đều có những yếu tố gắn bó với hiện thực và gần gũi tác giả. Thế nhưng tác giả đã không viết loại này nhiều cũng như ít khi công bố chúng. Phần lớn đã được giữ lại ở trạng thái bản thảo để ông có thể tiếp tục xem đi xem lại. Nếu trong cuộc sống, con người phải luôn tôn trọng sự thực và tư liệu thì ngược lại, trong tác phẩm, mới nhìn qua, chúng ta đã thấy nó đòi hỏi một thế giới có sự hư cấu hay tưởng tượng. Dù vậy, không vì thế mà tác giả coi thường việc tôn trọng sự thực bởi vì giống như hai mặt âm dương, chúng đều phải có để hổ trợ cho sự cấu tạo của tác phẩm.

Tháng 2 / 2016
Kawabata Kaori


Phụ lục: Loạt tác phẩm với chủ đề Chiyo (Chiyomono)

Tên tác phẩm in đậm là tác phẩm (gồm cả Truyện ngắn trong lòng bàn tay) đã được Nguyễn Nam Trân dịch sang Việt ngữ.
 
Nhan đề Ngày ra mắt Khái lược nội dung
Vô đề I

(Mudai I)

chưa Vì Chieko bỏ trốn khỏi Tokyo, Toshio phải rủ bạn xuống Gifu để gặp nàng
Hướng nắng

(Hinata)

11/1923 Bị người yêu chỉ trích là hay nhìn chòng chọc người khác, bất chợt chàng trai nhớ về người ông mù lòa.
Hoa đua nở

(Saki arasou hana)

7/1924

3/1925

Cậu sinh viên trường Luật Shimura được thày gả con gái nhưng lại muốn sống với nàng O-Haru, một người đàn bà mạnh tính.
Món đồ dễ vỡ

(Yowaki utsuwa)

9/1924 Người đàn ông nằm mơ thấy thiếu nữ nhặt mảnh vỡ của một pho tượng Quan Âm.
Người con gái đi về phía lửa (Hi ni yuku kanojo) 9/1924 Tôi chiêm bao thấy người con gái ấy tránh tôi và đi về hướng một đám cháy.
Cái cưa và sinh nở (Nokogiri to shussan) 9/1924 Trong giấc mộng, tôi và người con gái vừa mới sinh xong đánh kiếm. Kiếm gảy và kiếm thành cưa.
Bức ảnh

(Shashin)

 

12/1924 Nhìn bức ảnh kỷ niệm chụp chung với người yêu 17 tuổi nhưng không còn thấy đẹp)
Ước hẹn ngày mai

(Myônichi no yakusoku

12/1925 Trong trận động đất lớn năm 1923, Yoshimura dọn vào một gian phòng trọ có hai chị em người đẹp và chứng kiến cái chết của cô em.
Fuyu chikashi

(Mùa đông gần kề)

4/1926 Sau khi thua cờ với nhà sư trên núi, hắn trở về nhà trọ suối nước nóng và nghĩ về tương lai u ám của hắn và người tình.
Izu no kaeri

(Về lại Izu)

6/1926 Nhân vật đi cùng một chuyến tàu với Rikako, người vừa mới lấy chồng, tỏ ra lo lắng vì nét mặt đau khổ của cô.
Cái huông của tác phẩm đầu tay (Shojosaku no tatari) 5/1927 Truyện ngắn đầu tay Chiyo đăng trong tạp chí nhà trường đã ràng buộc cuộc đời tác giả với nghệ thuật.
Hành trình về miền Tây (Saigoku kikô) 8/1927 Ký sự và ấn tượng về chuyến đi Gifu,và miền Tây Nhật Bản.
Lễ đốt lửa trên biển (Umi no himatsuri) 8-12/1927 Một phần tác phẩm đã được biên tập lại trong Lửa phương Nam.
Cái dù đi mưa (Amagasa) 3/1932 Thiếu niên và thiếu nữ đến hiệu ảnh chụp hình kỷ niệm và đi dưới mưa chung một chiếc dù.
Thư gửi cha mẹ (Chichihaha e no tegami) 1/1932-1/1934 Người con gái 17 tuổi đã chia tay đột ngột hiện ra trước mặt tác giả. Nay nàng đã 30, chồng chết, tái hôn.
Thuật lại đời văn (Bungakuteki jijoden) 5/1934 Bước đầu đời văn, giao du với các bạn hữu. Đặc biệt là vai trò của Kikuchi Kan, người đã giúp đỡ khi ông gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chị tôi làm lành (Ane no wakai) 12/1934 Người yêu cũ Fusako hiện ra trước mặt Shinkichi để làm lành sau 8 năm không gặp, nhờ giúp đỡ.
Mối tình đầu của mẹ (Haha no hatsukoi) 1/1939 Sayama gả chồng cho Yukiko, con gái của Tamiko, người yêu cũ, với sự chúc phước của, Tokie, người vợ hiện tại.
Kẻ tái hôn (Saikonsha) 1/1948-

1/1952

Tokiko để con gái Fusako lại cho bà con để tái hôn với nhân vật đang kể chuyện. Liệu Fusako có chấp nhận sự lựa chọn của mẹ.
Ngày tháng

(Hi mo tsuki mo)

1/1952-

5/1953

Michiko, vợ kế của một nhà kinh doanh già chạy theo tình trẻ, con gái là Matsuko lại đi thăm người tình cũ mà mẹ mình đã bỏ ngày xưa .
Tan hợp

(Rigô)

8/1954 Anh chàng Tsuda từ Tôkyô lên Fukushima gặp một ông lão để xin cưới con gái, được ông tỏ lòng biết ơn.
Vẻ đẹp và nỗi buồn

(Utsukushisa to kanashimi)

1/1961-

3/1964

Nữ đệ tử Keiko tính kế phục thù cho bà thầy Otoko, một nữ họa sĩ xưa kia bị nhà văn Ôgi ruồng bỏ, bằng cách tiếp cận cha con Ôgi.
Nói chuyện một mình

(Dokuei jimei)

10/1970] Kawabata giải thích về các tác phẩm trong toàn tập của mình, đặc biệt là về nhân vật Michiko và cuộc tình xưa.

Theo Ban biên tập nhà xuất bản Shinchô (2016)

 

***

[1] - Nguồn gốc của Izu no odoriko vốn là một tác phẩm có tên là Yugashima no omoide (Kỷ niệm về Yugashima).

[2] - Ý nói viết theo cảm hứng (sokkyô. improvised) chứ không theo trải nghiệm bản thân.

***
Nhật ký năm 16 tuổi
(Juurokusai no nikki, 1914)

Ngày 4 tháng 5:

Bây giờ là 5 giờ rưỡi chiều.Tôi từ trường trung học về nhà. Cánh cửa nhìn ra đường đã được đóng lại để tránh tiếp khách đến thăm..Nhân ông tôi nằm đó chỉ có một mình, nếu không làm thế sẽ bất tiện cho ông.

(Dạo ấy, mắt của ông tôi không còn thấy gì nữa do chứng thủy tinh thể vẩn đục) [3].

-Thưa ông ạ! ....

Không có tiếng trả lời. Im lặng bốn bề.Tôi cảm thấy buồn và đơn chiếc.Tôi tiến lại gần bên tai ông cách một khoảng 1 ken (chừng 1, 8m).

-Thưa ông, con mới về đây, ông!

Thế rồi tôi tiến gần thêm chút nữa, khi cách một thước, tôi lại nói to hơn:

-Con đây mà ông!

Tôi chỉ còn cách đầu nằm của ông khoảng 5 sun (0, 15m)

-Con mới về đây mà!

-Ủa! Con đó à? Ông mắc tiểu từ sáng đến giờ. Ông cứ đợi con mà rên siết mãi. Ông muốn quay người về hướng Tây. Con giúp ông đổi thế nằm nhé!

-Đây! Ông nhỏm người lên một chút ...

-Thôi! Như thế là đủ. Đắp hộ tấm chăn ngay ngắn lại cho ông!

-Nhưng ông chưa nằm thoải mái mà. Mình thử lại một lần nữa đi!

-Thôi mà ...(Ở đây có 7 chữ bị nhòa). Ông vẫn chưa thấy dễ chịu. À, bây giờ được rồi đó. Con đã đun nước pha trà chưa? Chờ một chốc đi vậy. Đưa ông đi tiểu cái đã.

-Khoan, ông ơi. Làm tất cả một lượt không được đâu.

-Ông biết! Nhưng bề gì ông cũng phải báo trước con hay chứ!

Một lát sau:

-Bonbon (Cậu ấm) nhà ta đấy à? Thằng Toyomasa của ông!

Giọng của ông không còn hơi sức, làm như nó thoát ra từ cái miệng của một người đang hấp hối.

-Con không cho ông đi tiểu được à?

Ông nằm bất động trên giường bệnh và từ chỗ đó, gọi tôi một cách khó khăn.

-Ông bảo con phải làm cách nào?

-Thì con đưa cái bô nước tiểu đến đặt trước con cu của ông ...

Tôi bắt buộc phải cởi quần ông đằng trước và làm những điều ông tôi nhờ một cách bất đắc dĩ.

-Sao ông có thấy thoải mái trong tư thế này không? Thôi nghe...Con đi đây!

Ông không còn cảm giác gì thân thể mình nữa.

-Ôi chao. Đau quá con ơi! Ông đau!

Khi tiểu, ông tỏ ra đau đớn.

Thế rồi tôi bỗng nghe lẫn vào bên trong những tiếng rên siết là tiếng nước róc rách của một dòng sông ở dưới đáy bình.

Tôi chực khóc khi nghe tiếng kêu than như thể ông đã hết sức chịu nổi sự đau đớn.

Pha trà xong, tôi giúp ông uống. Ông kiên nhẫn nhấp từng ngụm, từng ngụm một. Đây là một thứ trà hạng xoàng (bancha). Khuôn mặt ông xương xẩu. Mái tóc bạc đã thưa thớt. Hai bàn tay run rẩy không còn gì ngoài da bọc xương. Mỗi lần ông nuốt, tôi thấy trái cổ (yết hầu) của ông đưa lên đưa xuống cần cổ cò của ông. Ông uống hết ba tách trà.

-Ngon! Ngon quá!

Ông đánh lưỡi tanh tách

-Ôi! Bây giờ ông đỡ ra rồi. Này! Ông có dặn con mua loại trà nào ngon hơn một chút, phải không nào? Thế nhưng, uống quá nhiều trà ngon thì lại độc, con nhỉ? Trà xoàng (bancha) là tốt hơn cả.

.Một chặp sau:

-Con đã gửi bưu thiếp về Tsunoe chưa? (Đây là tên ngôi làng của cô em út ông tôi)

-Có ạ. Sáng nay...

-Thế à?

(Ông đã nhờ tôi gửi một tấm bưu thiếp về cho cô em gái út của ông mà ông không có tin tức, để gọi bà ấy lên.Chắc ông tôi có linh cảm "cái ấy" (sự chết) nó sắp đến viếng và ý tưởng đó khiến ông tôi sợ hãi)
 

Tôi chăm chú nhìn gương mặt xanh xao của ông như một người mất hồn. Chợt tôi nghe một tiếng động:

-O-Miyo đó hở?

-Vâng....Cậu làm gì đấy?

Đang ngồi cạnh bàn đọc sách, tôi bỗng bồn chồn như linh cảm có ai bên cạnh.. Khi quay đầu lại mới nhận ra là O-Miyo đang đối mặt với tôi.

(Thuở đó, tôi có đặt giữa phòng khách một cái bàn lớn. Người có tên là O-Miyo là một bà nhà quê độ 50 tuổi. Mỗi ngày bà đi từ nhà đến đây để giúp việc như nấu cơm hay dọn dẹp các thứ cho chúng tôi)

-Phải rồi, ông cụ năm nay đã 75 và cứ nằm miết...thế nhưng đã đến 30 hôm mà không thấy cụ đi đồng. Tôi đã cho cụ ăn toàn những thức ăn lành không đấy chứ! Cụ mới gọi tôi lại để hỏi về việc đó nhưng tôi thưa là "Cụ ơi. Cụ đã lớn tuổi. Bệnh già đấy cụ ạ. Không có gì nguy hiểm xảy đến ngay đâu!"

Tôi và bà cùng cất tiếng thở dài. Thế rồi O-Miyo lại nói tiếp:

-Tôi có thưa với cụ là nếu ăn được cơm mà không đi đồng được thì chắc là có con quái vật nào trong bụng nó ăn hộ mất rồi. Khi nào thức ăn còn chui qua cổ họng được thì còn ăn được, có khi còn ăn khỏe hơn trước cơ. Con quái này lại thích uống rượu. Không biết mình phải xử trí thế nào đây! Hình như nếu mình đưa cho con bệnh xem mấy lá bùa của thần Myôken [4] và thắp nhang ở giữa phòng khấn khứa để tỏ lòng biết ơn ngài thì con quái đó sẽ bị vật vã và không còn biết gì về thời khắc. Sau đó, nó không có cách gì phá phách mình nữa. Trường hợp bệnh nhân mắc cổ vì một miếng cá ngừ (katsuo) hay mấy miếng cơm nắm cá (sushi) nuốt không trôi thì phải cầu thần Inari [5] để ngài hiện ra làm phép cho cổ họng di động. Lúc đó con bệnh mới ăn uống được. Không hiểu mình có nên thử mấy cách chữa trị như thế cho cụ không?

Ngồi ngay trước mặt O-Miyo, tôi khó lòng bảo với bà là những điều bà vừa kể chỉ là chuyện dị đoan. Bỗng nhiên, tôi bỗng cảm thấy có một nỗi lo âu chưa từng có đè ép lên người mà không biết phải làm gì.

-Cụ ông bảo tôi hãy về lại dưới quê tôi ở Itsuka-ichi rồi sau hãy lên thăm cụ. Tôi cứ tưởng cụ mất rồi đấy chứ nhưng không ngờ...mấy ông già sống dai quá. Không hiểu bệnh cụ là bệnh người già hay cụ bị ai đó thư. Ba mươi ngày mà không đi đồng được....Vì vậy, tôi mới lên đây đó chứ!....Mỗi khi đi học về, tôi khuyên cậu phải thắp hương ngay. Ngày xưa, trong mấy gia đình nề nếp, người ta vẫn làm như vậy .Con quái đó nó không chịu được khói của nhang. Không hiểu sao chứ nó hại người ta bằng nhiều cách lắm. Nếu nó đòi ăn món gì ngon, mình phải tức khắc đem cho nó xơi. Hay là cậu thử đi kiếm một thanh kiếm lớn? Nhưng cậu phải tháo vỏ kiếm ra và dấu ở dưới chăn...

-Vú nói là làm như vậy sẽ có hiệu lực à?

-Ừ, chắc là thế!

Tôi mới đến gần lỗ tai ông tôi:

-Ông ơi! Có một lá thư của bà Kanô nào đó từ làng Onokawa gửi tới.Ông có mượn tiền của bả không?

-Có!

-Hồi nào?

-Cách đây bảy, tám năm.

(Lần hồi, tôi mới khám phá ra rằng ông tôi đã mượn tiền của một số người quen biết ở khắp nơi.).

O-Miyo lên tiếng:

-Ô! Chuyện đó à! Nó không dính líu gì tới tôi!

(Ông từng bàn chuyện tiền bạc này với bà ta)

Đến bữa cơm tối, chúng tôi dọn cho ông cơn nắm bọc rêu khô (norimaki). Nhưng không biết có phải để cúng cho con quái vật ấy hay không? Ô kìa, cổ họng ông di động! Để đưa được thức ăn vào cổ một người mà phải làm đủ chuyện ba lăng nhăng như thế sao? Dù vậy, câu nói "Con quái trong bụng nó ăn hết cả đấy!" đã in dấu trong trí óc tôi và tôi không thể nào quên. Tôi còn buồn cười hơn nữa khi nghĩ đến việc tôi đã đi kiếm một thanh kiếm lớm, chém qua trên lại bên trên chỗ ông tôi nằm rồi đem dấu nó dưới chăn. O-Miyo nhìn cảnh tôi dùng gươm chém gió để đuổi tà ra khỏi căn phòng bằng con mắt thật nghiêm trang.

Đứng bên cạnh giường, tôi hô lên:

-Cút đi! Cút khỏi nơi đây ngay!

Nếu có đứa bé nào đang đứng gần, chắc nó phải cười vì thấy tôi quá khôi hài.

Trong gian phòng, trời bắt đầu tối. Tôi bỗng nghe tiếng thều thào gọi:

"O-Miyo! O-Miyo!".

Đang cắm cúi đọc sách nhưng tôi cũng ngóng xem có tiếng chân của O-Miyo đến để giúp đỡ ông tôi không.

Thôi, chắc O-Miyo đã đi đâu, bà ấy sắp về đằng nhà. Tôi bèn mang trà đến cho ông.

-Này ông, uống một ngụm nào! Được lắm. Uống thêm cho con ngụm nữa.

Yết hầu của ông bắt đầu di động bên dưới lớp da. Con quái vật ấy nó có biết uống trà không nhỉ? Lạ thật. Làm gì đã học đến năm thứ ba trung học mà mình lại còn tin những thứ tào lao như vậy?

-Ôi chao. Ngon quá. Trà này ngon thật...vì vị nhàn nhạt thôi. Tốt hơn phải uống thứ trà này...Hễ đậm quá là không tốt. Ngon thật. Thế còn thuốc lá của ông đâu, con?

Tôi đưa ngọn đèn đến sát mắt ông. Ông hé riềm mi .

-Cái gì đấy?

Ông vừa hỏi tôi vừa mở mắt ra nhìn. Tôi đã tưởng là đôi mắt này không bao giờ còn có thể mở ra được nữa.Ông có vẻ hạnh phúc như vừa có một luồng ánh sáng rọi vào để soi rõ cái thế giới đầy bóng tối của ông.

(Tôi không tin rằng bệnh mắt của ông có thể chữa khỏi. Hồi đó đôi mi ông đã sụp lại và tôi nghĩ cho đến chết, mắt ông vẫn ở trong trạng thái như vậy).

Tôi nhớ lại rất nhiều chuyện trong khi vẫn tiếp tục viết. Cái cách tôi vung thanh kiếm rồi múa tít trông thật kỳ cục. Thế nhưng câu nói: "Đó là con quái vật trong bụng nó đang xơi" vẫn in đậm trong đầu óc tôi. Đầu óc tôi minh mẫn và tôi ý thức được điều đó. Tôi thừa biết rằng câu chuyện có một con quái vật phá phách trong bụng người ta không thể có thật.

Đến khoảng 10 giờ thì O-Miyo đến để giúp ông tôi đi tiểu.

-Tôi muốn xoay người một chút. Bây giờ, mặt tôi đang nhìn về phía nào? À, phải rồi, về hướng đông.

-Để tội xoay cụ qua hướng khác.

-Hừm!

-Cụ ráng thêm một chút.

O-Miyo nói thế. Ông tôi tỏ vẻ than phiền:

-Ôi chao! Giờ đây, có đúng là mặt tôi đang nhìn về hướng Tây không?

-Nào, cụ nghỉ ngơi một chút đi. Tôi xin phép về. Công việc hôm nay ở đây đã xong xuôi.
 

Ngày 5 tháng Năm

-
Buổi sáng. Mấy con chim sẻ bắt đầu hót. O-Miyo đến nơi.

-Thế sao? Cậu đã thức dậy hai lần để cho cụ đi tiểu lúc nữa đêm và hồi 3 giờ sáng à? Tôi nghiệp cho một thanh niên trẻ như cậu. Cậu lo cho cụ chu đáo thật. Con O-Kiku nhà tôi (tức con dâu của O-Miyo vừa mới sinh con đầu lòng) bây giờ biết thế nào là chuyện sinh một đứa con nhưng nó còn chưa biết cách nuôi dạy. Từ khi sinh con mình sẽ không bao giờ được ngơi tay.

Nghe bà nói tôi chu đáo lo cho ông, tôi rất bằng lòng.

Tôi đi đến trường.Trường tôi là một chốn thiên đàng. Nói như thế thì mọi người đủ hiểu về cảnh ngộ của tôi trong gia đình.

Sáu giờ. Kìa, O-Miyo lại đến.

-Tôi có lên trên đền để khấn cho cụ đấy chứ! Thế mà đâu cũng hoàn đó. Tôi không hiểu gì cả. Con quái vật không hề yếu đi. Mình cứ quấy phá cho đến khi nó chịu hàng mới được. Hơn nữa, bệnh của cụ là bệnh già. Cuối cùng, thân thể sẽ từ từ mất hết khí lực.

Mấy tiếng "Cuối cùng thân thể sẽ mất hết khí lực" bổ vào đầu tôi như những nhát búa. Tôi nín thở hỏi tiếp:

-Vú tin là thế sao?

-Thần Inari khiển trách rất đúng. Mấy lúc này, mình không điều độ. Mình đã cho cụ ăn uống nhiều quá. Này cậu ấm (bon bon), cậu có biết bây giờ cậu đã lớn rồi không?

Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy thần Inari can thiệp vào sức khỏe của con bệnh đến mức đó.Tôi bắt đầu tự đặt câu hỏi về giá trị của những lời lẽ đầy mê tín của vú.

Làn khói mong manh của cây nhang vòng mà tôi đã mua với ít tiền lẻ còn sót lại trong nhà đang bay lên ở đầu giường, gần cái gối kê đầu của ông tôi. O-Miyo lại lên tiếng:

-Hè đến, cụ còn khổ hơn nữa!

-Tại sao?

-Thì tá điền họ phải ra đồng cả và tôi sẽ không có mặt. Còn với thời tiết bây giờ thì nên để một cái lò than cạnh giường cho cụ.

Tôi tiếp tục viết những dòng chữ này (độ 100 trang) nhưng với tình trạng bi đát hiện tại, không biết lúc tôi viết xong thì sức khỏe của ông tôi đã ra thế nào rồi?

(Tôi đã chuẩn bị một trăm trang giấy để viết bản thảo và tôi có ý đính dùng tất cả.Tôi lo là ông tôi sẽ chết trước khi tôi lấp kín những trang giấy đó.Ông phải cố giúp con cho xong một trăm trang. Đó là tâm cảnh của tôi khi ngồi viết. Nhưng ông tôi lúc đó đã đến giờ hấp hối, tôi muốn ít nhất giữ lại được hình ảnh của ông trong những dòng nhật ký).

Có một dạo, lời lẽ của ông chẳng còn ra đầu ra đuôi. Không hiểu chuyện con quái vật hãm hại ông có phải chỉ bắt nguồn từ những ý nghĩ mê tín?

Ngày 6 tháng Năm

-Bon bon nó đi học rồi hở?

Ông tôi hỏi O-Miyo.

-Dạ không...Sáu giờ chiều rồi cụ ạ.

-Thế à. Ha ha ha ha...

Ông tôi cười với một giọng buồn bã.

Phần cơm buổi chiều là hai cuốn norimaki mà người ta đút cho ông và ông nuốt trọn.

Vừa khi tôi đang tắm -một chuyện ít khi xảy ra - tôi chợt nghe tiếng ông hỏi:

-Tôi không ăn quá nhiều chứ?

Thế rồi, một lúc sau:

-Hãy còn sớm... nhưng bụng tôi đói meo...

-Gì thế. Tôi vừa mới cho cụ ăn bữa chiều mà...

-Hở?

Sau đó, tôi không nghe gì nữa...Rồi cái giọng nói quen thuộc ấy lại vọng lên. Trong buồng tắm, tôi cảm thấy buồn vô hạn.

Buổi tối, trong nhà chỉ có tiếng đồng hồ treo tường và tiếng ngọn bấc trong chiếc đèn dầu.

Đột nhiên từ gian phòng đằng sau và chìm trong bóng tối, vọng ra tiếng của ông tôi:

-Đau quá! Đau quá! Trời ơi, tôi đau quá!

Rồi không nghe gì nữa, Tất cả trở nên im lặng.

Giọng nói cất lên một lần nữa:

-Ôi trời! Tôi đau quá!

Đó là một âm thanh cộc lốc và đau đớn mà tôi phải chịu đựng liên tục cho đến lúc tôi đi vào giấc ngủ. "Cuối cùng, thân thể sẽ từ từ mất hết khí lực!" Tôi cảm thấy lời của vú O-Miyo đang bổ xuống như những nhát búa trong óc tôi.

Dần dần đầu óc ông tôi tỉnh táo ra. Ông bắt đầu ý thức và để ý không ăn nhiều.

Nhưng mỗi ngày, sức lực ông mòn đi dần...

Ngày 7 tháng Năm

Tối hôm qua, tôi thức dậy một lần để đưa ông đi tiểu, một lần để giúp ông trở bên và hai lần để đem trà cho ông uống. Ông mắng: "Sao mày không dậy nhanh nhanh một chút? Làm tao hò hét muốn đứt hơi".

Lúc đó, tôi đã đi ngủ và không sao mở mắt dậy vào lúc nửa đêm.

Khi O-Miyo đến nơi, tôi đem chuyện đó ra than thở.

-Tiếc quá! Phải chi tôi hết đau đầu thì đã có thể ở lại với cụ và cậu đến tận nửa đêm. Hồi trưa, tôi đã có mặt. Sau đó tôi về nhà và cứ hai tiếng đồng hồ là tôi quay trở lại vì ông cụ không ngớt rên la.

-Đêm qua, ông có đánh thức tôi dậy và nói những điều tôi chẳng hiểu gì cả. Ông làm tôi nổi điên. Tôi bèn túm lấy ông nhưng sau đó tôi đã suy nghĩ lại. Tôi khóc vì thấy ông quá khổ sở.

Tôi sắp sửa đi học. Ông tôi hỏi:

-Chừng nào ông mới khỏe được hở con?

Giọng của ông như có lóe lên một tia hy vọng, trong khi tận 9 giờ hôm nay, ông còn giống như một người tuyệt vọng.

-Chừng nào thời tiết tốt thì ông sẽ khỏe ra thôi.

-Cảm ơn con đã lo cho ông. Ông xin lỗi con.Ông nằm chiêm báo thầy Nữ thần Thái Dương đền Ise và chư thần đến tụ họp trên nóc nhà mình.

-Tin vào thần thánh là một điều tốt.

-Ông còn nghe được cả tiếng của Ngài nữa. Điềm lành đấy con nhỉ? Trời Phật và thần thánh còn chưa bỏ rơi ông. Phải thế mới được chứ!

Ông tôi nói với một giọng mãn nguyện.

Từ trường về nhà, tôi thấy cánh cửa ra vào để ngỏ. Tôi bèn gọi to ba lần:

-Con mới về!

-Con đó hả, Bon bon? Giúp ông đi tiểu được không?

-Ái chà!

Đây là phần việc tôi ghét nhất. Sau bữa cơn, tôi lật ngược tấm nệm và đưa bình đựng nước tiểu cho ông. Mười phút trôi qua nhưng ông không ra được một giọt.Tôi chờ đợi. Tôi thốt lên mấy câu bộc lộ sự thiếu kiên nhẫn và ghê tởm. Tôi không thể ghìm lại được.Ông tôi lẳng lặng xin lỗi. Tôi biết giờ đây ông đã yếu lắm rồi. Hôm nay, tôi đã thấy mặt ông xạm đi vì bóng đen của sự chết. Tôi cảm thấy xấu hổ.

-Ôi chao! Đau quá, đau quá!

Cái giọng run rẩy và the thé của ông làm tôi lặng người, sau đó có một tiếng động nhỏ, trong trẻo và ngắt quảng.

Buổi tối.

Khi lục lọi trong hộc bàn, tôi tìm ra dược một quyển sách nhan đề: "Vai trò quan trọng của phong thủy trong việc xây cất nhà cửa"(Cấu trạch an nguy luận). Đó là quyển sách ông đã đọc cho người ta chép. Trong đó có những đoạn ông chú thích:"Đây là một cuốn sách về phong thủy mà tôi đã đọc cho một người đàn ông ở làng bên chép lại. Anh ta là học trò của tôi về bói toán và phong thủy". Ông tôi đã tìm mọi cách để xuất bản nó. Ông còn nói chuyện đó với Toyokawa (một người giàu có ở Ôsaka) nhưng những tờ giấy chẳng được dùng này rốt cuộc phải nằm trong ngăn kéo. Tuy ông tôi đã theo đuổi mục đích này suốt một đời nhưng bao cố gắng của ông chỉ gặt được toàn thất bại. Không biết ông nghĩ thế nào về điều đó. Cho dù gặp nhiều trở ngại, ông đã sống đến cái tuổi 75. Trái tim ông rắn rỏi và điều đó giải thích lý do ông có thể kháng cự những khó khăn và sống thọ như thế. Không biết đứa con hay đứa cháu nối nghiệp mình sẽ làm được những gì nhưng làm gì mà ông không cảm thấy một tình cảm cô độc khi ông không có được một người đối thoại và còn chịu đựng cảnh mù lòa điếc lác? Nhất định là ông cảm thấy mình bị bỏ rơi và cô đơn vô cùng. Đó là số phận hiện tại của ông. Cách nói" Sống trong đau khổ và nước mắt" thật chính xác khi dùng để diễn tả cảnh ngộ của ông.

(Thuật bói toán và phong thủy mà ông tôi đeo đuổi đã đem đến nhiều kết quả trong thực tế, giúp ông có được ít tiếng tăm.Nhiều người lặn lội từ xa để xin ý kiến.Tôi nghĩ nếu ông xuất bản được cuốn sách đó chắc cuộc đời của ông không đến nổi điêu đứng như thế này. Tôi nhớ hồi xưa có thời tôi đã tự hỏi mình có nên tin vào thuật tướng số của ông không. Lúc đó, tôi đã học đến năm thứ ba trung học, đang sống ở miền quê và chưa có lần nào có ý định mời bác sĩ đến khám bệnh cho ông, một người đã không đi đồng từ 30 hôm rồi. Tôi cứ đinh ninh giống như những kẻ mê tín dị đoan là trong bụng người ta, có một con quái vật đang nằm chực để quấy phá và đó là kết quả của sự trù ẻo của thần chồn Inari. Dù rằng câu chuyện này có vẻ kỳ khôi nhưng khi nhớ lại nó, tôi không thể nào cười nổi).

(Mặt khác, nhân nói về một chuyện liên quan đến chùa chiền, thì ông tôi có quen người tên Toyokawa, một kẻ giàu có ở vùng Ôsaka. Trong làng của chúng tôi, có một ngôi chùa sư nữ.Tổ tiên tôi đã dựng lên ngôi chùa ấy. Rừng thưa, rừng rậm và những cánh đồng bao chung quanh đều thuộc về dòng họ nhà tôi.Các ni cô đều có tên trong sổ hộ tịch của gia đình tôi. Chùa ấy là một ngôi chùa thờ Đức bồ tát Kokuzô (Hư Không Tạng tức Địa Tạng) và thuộc về phái Ôbaku (Hoàng Bá). Mỗi năm vào ngày "Hành hương của lứa tuổi 13" (Juusan-mairi), các em vừa đến tuổi 13 từ các làng lân cận đến chùa thật đông đảo.Vào thời ấy, có một vị hòa thượng sống ẩn cư trong một ngôi chùa danh tiếng trên núi, cách làng chúng tôi khoảng 4 cây số (1 ri) được gửi đến để trụ trì ở chùa làng tôi. Ông tôi xem điều đó là một vinh dự nên đã xóa tên các ni cô ra khỏi cuốn sổ hộ tịch gia đình và biến họ thành người của nhà chùa. Riêng ngôi chùa thì được trùng tu thật tráng lệ và còn được đổi tên. Trong thời gian sửa chửa, chúng tôi đã giữ trong nhà bức tượng Bồ tát Kokuzô cũng như 5, 6 bức tượng bồ tát khác. Nhờ các vị này mà trong nhà chúng tôi đã có dịp trải chiếu tatami mới. Trước đây, vì túng tiền, chúng tôi chỉ trải nệm rơm trên diện tích của căn phòng. Người đã đưa nhà sư này đến trụ trì ở đấy và bỏ tiền ra trùng tu ngôi chùa cũng như mua chiếu mới để lót là cái ông Toyokawa, một tay cự phú ở Ôsaka).

Đôi khi ông tôi cũng chứng tỏ mình là người tốt bụng. Sáng nay, khi O-Miyo nói với chúng tôi:

-Nhân dịp tôi vừa có đứa cháu nhỏ, ba mươi gia đình ở đã đến mừng, ngay cả những người tôi không biết từ đâu tới. Tôi đã sửa soạn ít bánh dẻo mochi biếu họ để trả lễ nhưng không đủ. Tôi phải cất công làm lại một lần nữa.

-Ôi chao! Những 30 gia đình cơ à? Vú định nói trong một ngôi làng chỉ có năm mươi nóc gia mà đã có đến 30 nhà đến để mừng vú à?

Lúc đó, ông tôi không than vãn như mọi lần, nước mắt ứa ra và ông bắt đầu khóc.

(Sở dĩ ông tôi hạnh phúc là vì ông thấy O-Miyo - một người đàn bà nhà quê nghèo khó và làm lũ - đã được nhiều người đến chia vui như thế).

O-Miyo khổ tâm vì phải để tôi đứng ra chăm sóc cho ông tôi. Vào khoảng 8 giờ tôi, khi bà sắp phải về nhà, ông lại nhờ:

-Tôi mót đi giải quá!

-Được. Thế thì tôi sẽ quay lại ngay.:

-Vâng. Phải rồi. Vú đến khi nào tiện cho vú.Tôi có mặt đây mà.

Tôi trả lời bà nhưng hơi do dự.

Ngày 8 tháng Năm

Trời sáng ra. Tôi đợi O-Miyo. Tối hôm qua, ông tôi không cho rằng tôi đối xử với ông không tốt và bày tỏ sự bất mãn. Có thật là tôi đã xử tệ với ông không? Ông đã bắt tôi thức dậy nhiều lần trong đêm, làm tôi mệt lã. Tôi chán ngấy việc cho ông đi tiểu. O-Miyo nói với tôi:

-Cụ nhà không bao giờ bằng lòng.Cụ chỉ nghĩ cho cụ chớ không cần biết gì về những người chung quanh đang phải chăm sóc cụ. Làm như chúng mình không có chuyện gì khác để làm. Cụ còn muốn kéo chúng mình theo khi ông trời bắt cụ đi.

Sáng hôm nay, tôi đã nghĩ đến việc bỏ rơi, không còn muốn làm gì cho ông tôi nữa. Mỗi ngày, trước khi đến trường, tôi thường hỏi ông tôi có cần tôi làm gì không, nhưng sáng nay, tôi đã lẻn đi mà không nói không rằng. Lúc về đến nhà, tôi mới tiếc là mình đã xử sự như thế.

O-Miyo nói với tôi:

-Hôm nay, chúng tôi đã nói chuyện với nhau về cái thời cụ còn làm nghề coi phong thủy. Cụ nhớ mang máng là lúc đó cụ rất khỏe, ăn uống veo veo.

Nghe lời bà ta, tôi bèn nghĩ đến con quái vật đang nằm trong bụng của ông tôi, nó cũng chỉ biết ăn uống!

Sau bữa cơm tối, ông tôi đã đưa ra nhận xét:

-Tôi cảm thấy an tâm vì đã có thể nhắc lại những kỷ niệm tôi vẫn ôm ấp trong lòng.

Có thể là ông tôi cảm thấy an tâm nhưng điều này có hơi ...kỳ cục.

O-Miyo vừa cười vừa bẻ lại ông tôi:

-Khi gợi lại những cảnh ngộ khó khăn cụ gặp phải, tôi không hiểu làm sao cụ lại cảm thấy an tâm!

Trong khi tôi đang suy nghĩ về nhận xét ấy thì ông tôi lại tiếp lời:

-Con có cái gì cho ông ăn không?

-Ông mới ăn xong mà!

-Thế sao? Ông đâu có nhớ. Ông quên béng.

Lòng tôi chùng xuống. Lời ông nói càng ngày càng khó hiểu. Nhiều khi ông lập đi lập lại 10 lần cùng một câu.

Tôi bày xấp giấy ra trước mặt. Tôi đang ngồi trước bàn viết còn O-Miyo ngồi trên chiếu tatami. Chúng tôi đang sẵn sàng nghe ông kể lại những kỷ niệm ông vẫn ôm ấp trong lòng.

(Tôi muốn ghi lại thật trung thực những điều ông nói ra)

"Các người có biết con triện của Bon bon dùng cho công việc ở ngân hàng không nhỉ?. Phần tôi thì từ khi sinh ra, ttôi không hề biết cách dùng con dấu bao giờ. Tôi chỉ để tiền bạc thất thoát. Tôi đã làm tiêu tán tài sản của tổ tiên. Dù vậy, tôi vẫn sống tự hào suốt một đời. Ôi, phải chi tôi được gặp Ôkuma Shigenobu [6]! Ngồi trên chiếu tatami trước mặt ông ta, chắc tôi phải run lắm. Ôi chào, 17 mẫu ruộng bán cho Matsuo, tôi đã định tìm cách mua lại để trả về Bon bon, thế mà không cách chi thực hiện.

(Từ hồi rất trẻ, ông tôi đã lăn vào bao nhiêu thứ kinh doanh, nào là trồng trà, làm thạch trắng (kanten), nhưng lần nào cũng thất bại.Ông cũng thích bói toán, phong thủy, phá nhà để sửa lại, xây cất nhà vv..và cuối cùng phải bán dần những ngọn đồi và cánh đồng thừa tự với một giá rẻ mạt. Một phần đất cát đã rơi vào tay một tay buôn rượu sake tên là Matsuo, một thầu khoán giàu có ở Nada, và ông tôi lúc nào cũng nuôi mọng thâu hồi lại phần gia sản ấy).

-Tôi nhất quyết trả lại cho Bon bon mươi mẫu ruộng để nó khỏi phải sống nghèo túng, nhỡ khi nó không đi xa được ở Đại Học, Tôi rất tiếc đã phải gửi nó cho bên nhà Shimaki (phía cậu nó) và nhà Ikeda (phía dì nó) trông nom. Tôi vẫn thường nói với thầy Go-Zen (một nhà sư) phải chi Bon bon giữ được ngôi nhà thừa tự và mấy mẫu ruộng đó thì hay biết mấy.Tôi chi mong mớ của cải này giúp nó khỏi đổ mồ hôi để có lấy bát cơm. Từng nuôi bao nhiêu hy vọng như thế nên ngày nó phải đi lên Tôkyô, tôi hết sức buồn. Nhưng giờ đây, dù có than thở, cũng chẳng đem lại được gì. Nếu tôi ra tay sớm thì Bon bon đã có thể sống như một cậu con nhà địa chủ, suốt đời chẳng phải nhờ vả ai. Nếu tôi đủ sáng suốt thì tôi đã đi tìm gặp ông Ôkuma rồi. Thế có phải dễ dàng hơn không? Tôi đã bàn bạc với thầy Jikô (nhà sư trông coi ngôi nhà thờ họ của các gia đình trong làng) về khả năng của chuyến đi này nhưng mọi người nghĩ là tôi điên vì muốn lên tận Tôkyô.

(Ông tôi muốn lên Tôkyô gặp Ôkuma Shigenobu với một mục đích rõ rệt. Ông vốn có một số kiến thức về Đông y. Hơn nữa, cha tôi lại là bác sĩ, tốt ngiệp Y khoa Đại học Tôkyô. Ông tôi có một chút ít kiến thức Tây y và biết phối hợp hai thứ kiến thức Đông Tây đó cho nên trong một thời gian đã thử hành nghề bằng cách bốc thuốc cho toa để trị bệnh cho nông dân trong làng. Ông rất tự tin về tài nghệ của mình trong lãnh vực y khoa..Chẳng hạn bệnh kiết lỵ (đi tiêu ra máu) - đương thời là một hiểm họa- đã là một cơ hội để ông có thêm xác tín về điều đó. Dạo ấy đang mùa hè, trong phòng khách của gia đình chúng tôi có trưng tượng các vị bồ tát bởi vì ngôi chùa nơi các sư nữ tu hành mà tôi nhắc đến bên trên đang phải trùng tu.Trong số 50 gia đình cư trú trong làng, mỗi gia đình đều có trung bình 1 người mắc bệnh kiết lỵ. Dân chúng bèn cấp tốc cất hai bệnh xá để cách ly mấy người bệnh này. Mùi thuốc khử trùng xông ra đến tận cánh đồng làng. Một số cho rằng lý do gây ra bệnh dịch là vì người ta đã dời tượng Phật cổ ra khỏi chùa. Lúc đó ông tôi đã trị bệnh nhân hoàn toàn bị cách ly này bằng phương pháp của ông và đôi khi cũng có hiệu quả. Nhiều bệnh nhân trong bệnh xá đã vứt thuốc bệnh viện phát cho để dùng thuốc của ông tôi. Ông cũng theo dõi những người đã xuất viện và bốc thuốc cho họ nữa.Thực ra, không hiểu thuốc của ông tôi có một giá trị y học gì không nhưng không ai chối cãi được là nó khác thuốc thường dùng và có hiệu quả tích cực. Vì lẽ đó, ông tôi muốn mở rộng phạm vi áp dụng của nó. Ông đã viết một bản báo cáo về các phương thuốc của mình trình cho Bộ Nội Vụ và đã được bộ này cho phép bán 3, 4 món thuốc do ông sáng chế. Ông cho in khoảng 5, 6 nghìn bao đựng thuốc với nhãn hiệu như là "Higashimura Sanryuu dô" (Đông Thôn Sơn Long Đường) hay gì đó nhưng việc chế tạo đã không phất lên được. Cho đến ngày qua đời, ông tôi vẫn ấp ủ ý nghĩ này trong đầu. Ông tin tưởng rằng nếu ông có dịp trình bày chuyện này với một nhân vật mà mình kính trọng như Ôkuma Shigenobu thì có thể được ông ấy giúp đỡ. Ngoài việc chế thuộc, ông tôi còn viết một cuốn sách nhan đề "Vai trò quan trọng của phong thủy trong việc xây dựng nhà cửa" (Cấu Trạch An Nguy Luận))

-Gia đình nhà mình có từ thời Hôjô Yasutoki [7] Nó đã kéo dài suốt 700 năm và sẽ còn kéo dài mãi. Với thời gian, thế nào cánh nhà mình cũng sẽ tìm lại vinh quang thuở trước.

O-Miyo cười và đưa ra nhận xét:

-Thôi, cụ ơi! Toàn chuyện trời biển. Bây giờ mà cụ còn có thể huênh hoang như thế à!

-Ôi! Ông chỉ cầu mong sao trong lúc ông còn sống, cháu chưa cần đến sự giúp đỡ của hai nhà Shimaki và Ikeda. Hy vọng là chưa đến nỗi thế! Này O-Miyo, khi tôi nghĩ về những chuyện như vậy, tôi buồn lắm, bà ạ. Bà có nghe tôi nói gì không? Đó là những điều phát xuất từ đáy lòng đấy.

Nãy giờ chỉ cười sơ sơ nhưng giờ đây bà vú O-Miyo lại cười đến rũ cả người. Còn tôi thì vẫn điềm nhiên tiếp tục ghi chép những điều ông nói.

-Mỗi lần thở mạnh, tôi thấy rất mệt. Nếu khoảng 2, 3 nghìn Yen, mình còn kiếm được, chứ 120, 130 nghìn Yen, hỏi tìm đâu cho ra? Đó là một món tiền vô cùng lớn, khó xin ai lắm. Giờ đây, đau ốm như thế này, làm sao tôi đi đâu được, họa chăng ông Ôkuma chịu khó tìm đến đây thôi. Bộ chuyện tôi nói khôi hài lắm sao mà mấy người cười? Đừng làm như thể tôi là thằng dở hơi nhá. Chuyện này khó đấy nhưng tôi phải gắng cho kỳ được. Nếu không thì còn đâu là sự nghiệp 700 năm của gia đình!

-Nhưng cậu Bon bon đang còn đây để chăm sóc cho cụ mà. Thôi, cụ ơi, đừng có bực bội vì ba chuyện không đâu.

-Ủa! Vú tưởng tôi khùng à? Nếu có cơ hội, thế nào tôi cũng đi gặp cho được ông Ôkuma. Từ rày về sau, tôi ngày càng yếu. Cho dù tôi thành Phật (= chết) thì tôi vẫn giữ mãi ý nguyện này trong đáy lòng.Các người tưởng tôi là thằng khùng à? Sao, không ai cho tôi đi giải cái coi. Nếu không ai giúp là tôi không biết đường nào mà rờ. Thà chết còn hơn.

Lòng tan nát, tuy có ngượng ngùng, tôi vẫn tiếp tục chép từng chữ một những điều ông thốt ra. O-Miyo cũng không cười nữa. Bà vừa nghe vừa lấy tay chống cằm.

-Sức yếu như thế này thì nếu đi Tôkyô, tôi sẽ rước lấy toàn chuyện rắc rối. A ! Nam mô A Di Đà Phật! Nếu không làm được chuyện này, coi như tôi thất bại hoàn toàn, thà chết đi còn hơn. Mọi người cười cợt khi thấy tôi cứ kể lể chuyện xưa. Tôi không muốn sống trong thế gian này nữa. Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!

Tôi thấy ông như ánh sáng một ngọn đèn đang lu dần.

-Ôi trời! Ôi trời! Tiếng rên đau đớn của ông càng lúc càng rít lên. Con người ta không thể nao sống với những hoài bão không thực hiện được. Một người đã sống suốt 50 năm với một ý kiến duy nhất trong đầu, đó là Ôkuma Shigenobu.(Lúc đó, ông này đang là Thủ tướng). Tiếc thật, phải chi ông ấy có thể giúp tôi.

O-Miyo nói lên vài câu an ủi:

-Đúng là cụ thiếu may mắn. Nhưng Bon bon rồi sẽ tìm ra đường hướng. Cậu ấy sẽ thành công trong đời. Cụ đâu có gì phải lo.

Đột nhiên, ông trừng mắt nhìn thẳng vào tôi và cất cao giọng.

-Khi nó ra tiếp xúc với đời, nó sẽ hiểu thế nào là việc có được tiếng tăm.

Ông đã lẫn hoàn toàn.

-Tôi không dám nói là tôi thích những người có của. Cứ xem Matsuo với Katayama thì biết. Họ chỉ coi trọng mỗi đồng tiền. Xin Đức Phật phù hộ cho tôi!

(Matsuo là tay mối lái bán sake sau chuyển qua ngành xây dựng còn Katayama là một người trong gia đình mới tập tểnh trong lãnh vực địa ốc).

Bộ râu dài màu trắng của ông tôi phản chiếu ngọn lửa của cây đèn làm lóe lên những ánh bạc.

-Sống ở đời, không nên bám víu vào một cái gì cả. Cuộc sống ở thế giới bên kia mới là cái quan trọng. Thế nhưng người ta không thể đi về cõi Cực Lạc với những chương trình thất bại.

Lợi dụng lúc ông ngừng nói để lấy hơi, O-Miyo giảng nghĩa cho tôi hiểu lý do ông tôi trở nên khó tính:

-Mấy lúc sau này, cụ hay sai tôi đi kiếm hòa thượng trụ trì ở chùa Saihôji (Tây Phương Tự) cho cụ, nhưng lần nào tôi hỏi, nhà chùa cũng nói là thầy ấy đi vắng...Đó chính là nguyên nhân làm cụ khó ở trong người.

Tôi thông cảm với thái độ của ông. Tôi cũng cảm thấy tức giận. Ai đời mình lại để cho thiên hạ coi thường.

-Còn con, này, trong đám người đó chỉ có mình mầy là chưa học hết trung học.

Sáng nay, ông tôi đã nhìn tôi với một cặp mắt hung dữ và khinh miệt như thế.

Chúng tôi đổi bên nằm cho ông. Tôi mở cuốn sách giáo khoa tiếng Anh để chuẩn bị cho giờ thi ngày mai. Tôi có cảm tưởng mình như đang bị giam trong một cái hộp vuông. Tối nay, tiếng nói của ông nghe như không còn thuộc về thế giới này nữa. Sau khi O-Miyo ra về, tôi nói với ông về dự tính tương lai của mình những mong nó sẽ làm ông bớt lo lắng.

Đêm đã vào khuya.

-Thật khó biết trước mai sau mình sẽ làm gì, sống như thế nào.

Đột nhiên ông nói với tôi bằng một cái giọng vọng ra từ cổ họng:

-Phải, rất khó.

Ngày 10 tháng Năm

Buổi sáng.

-Hòa thượng trụ trì đã ghé qua chưa?

-Thưa chưa.

-Thầy Jiraku đó độ rày chẳng còn tới thăm ông, dù chỉ một lần. Trước đây, ngày nào mà thầy ấy chả ghé! Ông chỉ mong sao thầy ấy đến thăm. Ông chẳng thay đổi bao nhiêu. Người ta đâu thay đổi chóng vánh đến mức ấy. Phải chi có dịp gặp thầy ấy một lần để chuyện vãn thì vui biết mấy.

Cách nhả chữ từng chữ một biểu lộ sự xác tín của ông tôi:

-Ông muốn gặp Hòa thượng Jiraku quá!.

Riêng tôi, tôi chỉ thì thầm:

-Còn đối với những người tuyệt đối cần gặp ông thì ông tính sao đây?

Ngày 14 tháng Năm

Tôi bị đánh thức bởi tiếng ông tôi gọi:

-O-Miyo! O-Mkiyo! O-Miyo!

Tôi choàng dậy và hỏi:

-Có gì vậy hở ông?

-O-Miyo đã tới chưa?

Chưa, ông ạ. Mới có hai giờ sáng thôi mà!

-À, ra thế!

Cho đến khi ngày rạng sáng, cứ mỗi 5 phút, ông lại réo tên O-Miyo.Tôi nghe tiếng ông mà cứ ngỡ trong mơ. O-Miyo đến nơi vào khoảng 5 giờ sáng.

Lúc tôi từ trường về nhà thì đã 5 giờ chiều.

O-Miyo nói với tôi.

-Hôm nay, cụ toàn nói xàm. Tôi không rời cụ được một phút. Hết cho cụ đi giải, tôi phải đổi hướng nằm cho cụ, cho cụ uống trà, hút thuốc.Tôi không sao về nhà được.

-Phải chi gọi được bác sĩ tới xem cho cụ.

Điều này, tôi đã nghĩ đến từ lâu. Chúng tôi có đủ tiền để mời một bác sĩ giỏi.Tuy nhiên, ông tôi lại không muốn vì không muốn ai đụng vào người. Ông sẽ cáu lên và chữi rủa bác sĩ và sẽ gây nhiều rắc rối. Đó là mối lo của chúng tôi.

Buổi sáng hôm đó, ông hỏi:

-Bác sĩ, họ có ... cắt móng tay cho mình không?

Rồi đến tối, đến lượt:

-O-Miyo! O-Miyo! O-Miyo!

Tiếng gọi đó đã nhẹ nhàng đi đến tận lỗ tai tôi nhưng thực ra tôi không để ý đến nữa.

-Cái gì đấy ạ?

-O-Miyo có thể cho ông ăn sáng không?

-Nhưng ông vừa mới ăn cơm tối đây mà. Chưa đến 1 tiếng đồng hồ.

Ông tôi có vẻ vô cùng thất vọng. Không biết ông có hiểu lời tôi nói?

-Cháu đổi thế nằm cho ông được không?

Ông tôi nói điều gì đó năm lần bảy lượt nhưng tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi bắt ông lập lại nhưng ông không thèm trả lời.Tôi hoàn toàn tuyệt vọng.

-Ông có muốn uống trà không?

-Hả? Trà hở con? Hẩm quá. Nguội mất rồi cũng nên. Trà này là loại nào vậy?

Giọng của ông nghe thật tội nghiệp.

-Thôi, ông muốn nói gì cũng được!

Nói xong, tôi im lặng và rời khỏi chỗ đầu nằm của ông.

Một lát sau:

-O-Miyo! O-Miyo!

Ông không còn gọi tên tôi nữa.

-Có gì vậy ông?

-Hôm nay khi đi đến đằng nhà Ikeda (gia đình người dì của tôi sống cách đó mươi cây số), cháu có gặp Eikichi không?

-Nhưng con đâu có đi đến nhà Ikeda!

-Thế sao? Mày đi đâu vậy?

-Không đi đâu cả.

-Lạ quá nhỉ!

Không hiểu vì lý do gì ông tôi lại đặt câu hỏi đó. Đó mới là điều đáng lấy làm lạ. Lúc đó, tôi đang làm bài luận.

Ông lại kêu lên:

-O-Miyo! O-Miyo! O-Miyo!

Giọng của ông sắc nhọn, nghe như người đang khó thở.

-Cái gì vậy ông?

-Cho ông đi giải cái coi.

-Nhưng O-Miyo về nhà rồi. Đã hơn 10 giờ tối.

-Thế có ai cho ông ăn cơm không?

Tôi bối rối, không biết trả lời làm sao.

Ông tôi giống như một manh kimono cũ, nó đã sờn rách và nhúm nhó. Da của ông không đàn hồi được nữa. Nếu có bấu vào da thịt ông, nó vẫn cứ y nguyên. Hôm nay ông lại nói toàn những câu làm tôi bực mình. Sắc mặt ông càng ngày càng đáng lo ngại.

Ngày 15 tháng Năm

O-Miyo bận công chuyện trong vòng 4, 5 hôm tính từ hôm nay, bà già O-Tsune sẽ đến để thế chỗ (Đó là một người láng giềng mà chúng tôi biết rõ).

Khi từ nhà trường về, tôi nói với O-Tsune:

-Hy vọng là hôm nay ông tôi không nói điều gì khó nghe.

-Không. Hoàn toàn không. Khi tôi hỏi cụ có cần gì không thì cụ chỉ nói là muốn đi giải. Cụ ngoan ngoãn lắm.

Câu trả lời kín đáo này đối với tôi là câu nói đằm thắm nhất.

Hôm nay có lẽ ông đau đớn nhiều dù chúng tôi đã tìm đủ cách làm cho ông đỡ đau.

-Ôi chao! Ôi chao ơi!

Ông cứ lập đi lập lại những câu khó hiểu và không ai biết là ông đang muốn bày tỏ điều gì hay ông đang bị ngạt thở. Tiếng rên rỉ của ông rền trong óc tôi từng chặp và tôi cảm thấy mệt mỏi như cuộc đời của tôi đang rã rời theo mỗi phút giây.

-Ôi! Ôi! O-Miyo! O-Miyo! O-Miyo! Tới nhanh lên. Đây, ở đây này!

-Có gì vậy ông?

-Ông sắp xón đái...nhanh nhanh!

-Con tới ngay đây!

Tôi ngồi đó khoảng 5 phút để giúp ông đi tiểu.

-Đây, ông đái nhé!

Ông không còn cảm giác gì cả.Tôi buồn vì không giúp được ông.

Hôm nay, ông lại sốt. Một mùi hôi hám bốc lên từ thân thể ông. Tôi ngồi đọc sách cạnh bàn viết. Tôi nghe tiếng kêu than nhức nhối và the thé của ông. Đó là một đêm mưa tháng Năm.

Ngày 16 tháng Năm

Vào khoảng 5 giờ chiều, Hyôe Shirô đến thăm chúng tôi. (Ông ta là một người già thuộc dòng thứ trong nhà. Thực ra ông chỉ có quyền được mang tên của tộc chứ không còn có liên hệ gì đến dòng trưởng. Thế nhưng ông đặc biệt thân thiết với ông tôi). Ông ta nói đủ mọi điều để an ủi nhưng ông tôi chỉ trả lời bằng những âm thanh Mmm...Mmm...

Ông Hyôe Shirô căn dặn tôi đủ điều. Cuối cùng, ông còn nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Có thể đối với một người hãy còn quá trẻ như cháu thì đây là một trách nhiệm nặng nề nhưng cháu hãy ráng lo cho ông cháu nhé!". Nói xong, ông ra về.

-Cháu đi chơi một chút.

Khoảng 7 giờ chiều, tôi nói với ông tôi như thế và ra khỏi nhà.

Khi tôi trở về vào khoảng 10 giờ tối, từ đầu ngỏ tôi đã nghe tiếng kêu đâu đớn của ông. Ông không ngừng réo:

-O-Tsune! O-Tsune!

-Có gì vậy ông?

-Chứ O-Tsune đâu?

-Bà ấy về nhà rồi. Đã mười giờ tối.

-Bà ấy đã cho ông ăn chưa?

-Dĩ nhiên là ông đã ăn xong.

-Bụng ông đói quá. Con không đem được cho ông cái gì để ăn à?

-Nhà hết cơm rồi.

-Thế à? Giờ mình phải tính sao?

Cuộc đối thoại của ông với tôi không bao giờ diễn ra hợp lý. Ông tôi chỉ lập đi lập lại mỗi một câu. Lời của ông chui vào lỗ tai này lại lọt ra lỗ tai khác của tôi bởi vì ông sẽ lại bắt đầu với cùng một câu nói. Ông đã lẫn thật rồi.

............. HẬU TỰA I

Nhật ký của tôi chấm dứt nơi đây. Bản thảo này tìm lại được từ nhà kho chú Shimaki 10 năm sau ngày nó được viết ra. Ngoài 30 trang chép trên thếp giấy học trò thì chẳng có thấy có kèm theo gì khác. Có lẽ tôi ngừng viết chỉ vì chiều ngày 24, ông tôi đã qua đời. Ngày cuối cùng ghi trên tập nhật ký là 16 tháng Năm tức 8 ngày trước khi ông mất. Từ hôm 16 đó trở đi, bệnh tình của ông càng ngày càng nặng. Ở nhà, tôi lu bu công việc nên không tìm đâu ra thời giờ để viết nhật ký. Khi tôi tìm lại được tập nhật ký này thì có một điều lạ xảy ra là tôi không còn nhớ một điều gì về những chuyện hằng ngày trong khoảng thời gian tôi viết nó.Những ngày tháng ấy đã trôi về đâu để đến đỗi tôi chóng quên đi một cách dễ dàng đến thế? Nó đã biến mất ở nơi nào? Có thể là con người đã tan loãng vào trong quá khứ. Thế nhưng những năm tháng này thì vẫn còn được cất giữ nguyên vẹn trên rường nhà kho của chú tôi dưới đáy một cái rương có quai da. Đó là cái rương con mà bố tôi vẫn mang theo người khi đi chung quanh vùng chẩn bệnh cho người ta. Sau khi đã làm tiêu tán tài sản của gia đình trong những lần đầu tư chứng khoán sai lầm, chú Shimaki của tôi đã bán đổ bán tháo đến cả tủ bàn trong phòng khách. Trước khi những món đồ trong nhà kho chưa kịp sang tay kẻ khác, tôi đã đến cái nhà kho này xem thử có món đồ nào thuộc về chúng tôi chăng. Tôi đã tìm ra chiếc rương con được khóa trái này. Tôi bèn dùng con dao nằm bên cạnh kể cắt cái quai da của nó. Trong đó, tôi đã tìm thấy nhiều hồi ký về thời trẻ của tôi đặt để lộn xộn, trong đó có tập "Nhật ký năm 16 tuổi" này. Nhật ký đã biểu lộ một cách trung thực tâm trạng của tôi trong đoạn đời thuộc về cái quá khứ đã bị lãng quên ấy. Theo đó thì tình trạng của ông tôi còn đáng sợ hơn là những gì tôi còn giữ trong ký ức. Trong 10 năm trời, ký ức của tôi đã không ngừng thanh lọc hình ảnh của ông tôi.

Tôi không nhớ từng từng từng ngày mà tôi nhắc đến trong cuốn nhật ký này nhưng tôi còn nhớ cái lúc người bác sĩ đến bên đầu nằm của ông. Ông tôi có thói quen là khinh miệt và nghi ngờ những ông bác sĩ nhưng lần đó lại chịu tiếp và không làm khó dễ gì cả. Ông lại vừa cảm ơn vừa khóc nữa. Tôi cỏn có cảm tưởng là ông thực lòng biết ơn người thầy thuốc. Thế những tình cảnh cô độc của ông trông thấy mà buồn thảm. Ông chết đúng hôm đại tang Hoàng hậu.[8].

Tôi không nhớ năm đó mình có bị bắt buộc tham dự lễ bái vọng để điếu tang bà ở trường trung học hay không. Trường học cách nhà tôi những 2 cây số rưỡi. Không hiểu sao mà hôm ấy tôi lại cảm thấy bồn chồn nên không lòng dạ nào đứng xếp hàng ngay ngắn để tham dự buổi lễ. Không biết ông tôi có mất vào giờ phút ấy không nhỉ? Khi O-Miyo xin phép hộ cho tôi đi, ông đã trả lời:

-Dĩ nhiên nó phải đi dự chứ! Đó là nghĩa vụ của mọi người dân nước Nhật.

-Thế lúc con về, ông có còn sống không hở ông?

-Còn chứ! Con cứ đi đi.

Tôi vội vã lên đường ngay nhưng lúc đó đã trễ vì buổi lễ bắt đầu từ 8 giờ tối. Cái quai guốc gỗ (gheta) của tôi bị đứt (Thời đó, ở trường, chúng tôi ăn mặc theo kiểu ta). Tôi bèn tức tốc quày trở lại nhà. O-Miyo đang có ở đó. Lạ lùng thay, bà lại bảo tôi đừng có tin dị đoan (vì bị đứt dép, NNT) và khuyến khích tôi quay lại trường ngay Tôi bèn thay guốc rồi đi một mạch đến đó.

Khi buổi lễ cầu siêu (cho Hoàng hậu) đã chấm dứt, tôi càng cảm thấy trong người bất an.Trời đêm tối đen. Mỗi ngôi nhà đều có thắp một ngọn đèn cầu hồn.Tôi tháo guốc rồi với hai bàn chân đất, lội bộ thêm hai cây số nữa để về nhà.

Tối hôm đó, tôi về đến nhà khi đã quá nửa đêm nhưng ông tôi vẫn còn sống.

Tháng 8 năm ông tôi qua đời, tôi đã ra khỏi nhà của ông tôi và về ở với người chú. Ông tôi rất gắn bó với ngôi nhà và tôi rất láy làm buồn vì sau đó đã phải bán nó đi.

Về sau, khi đã ở hết nhà này đến nhà khác trong vòng thân thuộc, vào nội trú rồi trọ học nhiều nơi, tôi đã đánh mất khái niệm về một mái ấm gia đình.Tôi không nghĩ gì khác hơn là rong chơi khắp nơi và cho đến ngày nay, vẫn chưa hề muốn ghé mắt xem bản gia phả của dòng họ mình hiện đang được cất giữ trong một ngăn kéo của tủ thờ tổ tiên đặt ở nhà O-Miyo, người duy nhất mà tôi tin tưởng. Ngay cả ông tôi cũng đã dặn tốt hơn là đừng đem nó cho mấy người anh em họ của tôi xem. Tôi không hề trách móc ông về việc ấy, cho dù trong đầu tôi có hơi bấn loạn nhưng tôi luôn luôn tin ở sự sáng suốt và lòng cao thượng của những người đã khuất.

HẬU TỰA II

Tôi từng viết "Sau khi đã làm tiêu tán tài sản của gia đình trong những lần đầu tư chứng khoán sai lầm, chú Shimaki của tôi đã bán đổ bán tháo đến cả tủ bàn trong phòng khách". Chính ra việc bán đồ đó là do các người em họ của tôi chủ trì và chỉ xảy ra sau khi chú tôi đã mất chứ bình sinh chú ấy là một người đáng tin cậy và cẩn thận.Còn như khi tôi nói là cái rương con bố tôi dùng khi đi chẩn bệnh có đầy những cuốn nhật ký chứa đựng tâm tình của thời niên thiếu thì cũng hơi phóng đại. Những cuốn nhật ký này ghi chép từ thời vào trung học, tôi đã gìn giữ hầu như tất cả, ngoài ra, chúng không đến nổi nhiều như vậy.

Tôi vẫn nhớ cái rương con - tạm gọi như vậy - mà bố tôi đã mang theo mỗi khi ông đi chẩn bệnh. Mấy ông thầy thuốc thời đó ít khi dùng những thứ rương con đáy cứng và rộng như thế đâu. Mặt khác, tôi cũng không nhớ trong cái rương đó, có bao nhiêu trang trong số "30 trang nhật ký tôi đã viết hồi học trung học". Lý do là năm 27 tuổi, khi tôi chép lại nó, những tờ chép nguyên văn những kỷ niệm năm 16 tuổi đã tản mát cả và có nhiều chỗ bị rách. Tuy nhiên khi chỉnh lại thứ tự trước sau, tôi đã tìm ra được hai trang nhật ký, đó là trang thứ 21 và 22. Làm sao nó có thể bị nhét vào đây?. Có lẽ nó còn sót lại sau một cuộc hủy hoại. Tôi bèn đặt vào cuối bản in. Nhìn chung thì có thể nghĩ rằng cả một tập nhật ký chưa tới 30 trang. Bởi vì hai trang ấy ấy không được viết một cách bình thường với mỗi chữ trên dưới và đúng vào từng ô. Cho dù một trang có 20 hàng và trang kia 21 hàng, và tôi không chắc nó nằm trong một tập có 30 trang.

Rốt cuộc, tôi xem hai trang nói trên là một bộ phận của tập "Nhật ký năm 16 tuổi" và đã giữ chúng lại. Tuy không thấy ghi ngày tháng nhưng rõ ràng là nó ăn khớp với nội dung tập nhật ký tôi vừa kết thúc. Vì lẽ đó, tôi đã đặt hai trang ấy vào Hậu Tựa thứ hai này.

***

-Ôi tôi đau đớn quá. Ôi! Ôi! Biết rằng đã là con người ai ai rồi cũng phải chết cho dù kẻ đó muốn chống trả lại nó.

Tiếng của ông thều thào làm tôi phải lắng tai mới nghe nổi.

-Ông nói gì đó?

-...(đoạn này không đọc được).

-Ông muốn nói về mình à?

-Con người ai cũng phải chết!

-Hở?

Trong cửa miệng của tất cả mọi người - ngoại trừ ông tôi - thì câu nói trên không có gì đáng chú ý. Thế nhưng nếu đó là lời ông thốt ra, thì nó mang một ý nghĩa đặc biệt và đã khơi dậy trong tôi dòng liên tưởng đã khiến cho tôi rơi vào trong một thế giới hãi hùng (5 chữ không đọc được).

Giọng than vãn thật nhỏ và đứt quãng cũng như hơi thở ngắn của ông tôi nghe như âm thanh của người đang buồn nôn. Tình trạng sức khỏe của ông suy sụp trông thấy.

-Ô! O-Miyo đấy hả? Bà thấy tôi sao? Dù sáng hay chiều, bữa trưa bữa tối, tôi như người sống nửa thực nửa mơ. Nghe nói chuyện ông Trời, tôi lo quá. Chả lẽ ổng bỏ tôi sao?

O-Miyo trả lời:

-Làm gì có chuyện đó, cụ. Ông Trời đâu có thế...Ông Trời quí cụ lắm.

-Cả năm , tôi có trả đồng nào đâu! (Ông tôi muốn nói chuyện mình đã tiêu tiền đi vay mà không chịu trả lãi). Ví dụ...cho dù chỉ là một món nợ 10 Yen. Tôi lo quá...lo quá!

Ông tôi lập lại ít nhất mười lần câu nói ấy đến độ mỗi lúc ông càng kiệt sức.

-Ông ạ! Hay để con gọi bác sĩ đến? Nhỡ ông có mệnh hệ nào, con biết ăn nói làm sao với người trong nhà!

(Tôi không ghi lại câu ông trả lời. Tôi đã nghĩ ông sẽ từ chối nhưng ngược lại với điều tôi tiên liệu, ông đã ậm ừ chấp thuận. Tôi còn nhớ là ông có vẻ buồn bã.)

Bà già O-Tsune đã vội vã đi kiếm ông bác sĩ ở Yadogawara.

O-Miyo chủ trương rằng ông ấy hiện không có nhà.

-Thưa cụ, tôi đã nhận được tiền đằng Samba (ngôi làng của chú tôi) và tôi cũng đã trả cho cánh Obata tiền nhà ta vay bằng tiền của Tsunoe (làng cô em út của ông tôi). Thành thử cụ đừng lo lắng gì nữa.

-Thế ư? Càng tốt! Càng tốt!

Niềm vui của ông pha lẫn đau đớn.

-Con bảo ông nằm im nhưng ông phải khấn khứa mới được. Nam Mô A Di Đà Phật! Nam Mô A Di đà Phật.

Thôi rồi. Chắc ông tôi không còn được bao lâu nữa.Tôi không chắc mình có thể sử dụng tất cả những trang giấy đã mua về.

Trong khoảng thời gian O-Miyo vắng mặt, mắt ông tôi đã hết thấy đường. Giờ đây, cái chết đã đóng ấn lên ông.

Tôi ngừng viết và lo sợ về viễn tượng những điều sẽ xảy ra sau cái chết của ông tôi. Tôi nghiệp cho tôi, chỉ còn mỗi một thân côi ở giữa đất trời.

Ông tôi lắp bắp mấy câu niệm Phật.

-Xem này! Cại bụng tôi giờ đã mềm ra rồi. Cho tới bây giờ, lúc nào nó cũng cứng và sưng phồng.

O-Tsune từ xa về cho biết bác sĩ vắng mặt thật.

-Ngày mai, ông ấy mới từ Ôsaka về đến. Nếu cụ không đợi được thì tôi sẽ đi kiếm bác sĩ khác.

O-Miyo hỏi:

-Bây giờ, mình tính làm sao?

O-Tsune nhận xét:

-Nhưng đâu có gì gấp gáp phải không?

-Thật vậy, không có gì đến nổi khẩn cấp đâu ạ.

Tôi trả lời mà lòng se thắt khi nghe tin vị bác sĩ vắng nhà.

Ông tôi bắt đầu ngáy trở lại. Chẳng lẽ ông buồn ngủ?

Miệng ông mở lớn, hai mắt lim dim, nằm đó như cái xác không hồn.

Dưới ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu đặt ở đầu giường, hai cái bóng bà già ngồi im lặng, tay chống lấy cằm.

-Bon bon ơi! Làm sao bây giờ hở con. Ông đau quá!...Để ông như thế này có khi tốt hơn.

Mặt tôi đầm đìa nước mắt:
"Nhật ký năm 16 tuổi" kết thúc với câu chuyện xảy ra vào ngày 15 tháng Năm, theo dó thì O-Miyo vì bận công chuyện không thể đến nữa và được thay thế bằng O-Tsune. Nhưng tôi còn phải kể thêm về cái ngày O-Miyo trở lại nhà chúng tôi. Do đó, khi tôi viết trong phần Hậu tựa là "Nhật ký năm 16 tuổi của tôi chấm dứt nơi đây" thì đó là điều không chính xác. Thực ra thì lý do là khi văn bản được ấn hành, tôi chỉ có phần nhật ký chép đến ngày 16 tháng Năm. Phần còn lại, nghĩa là đoạn tính từ ngày 16 và đoạn mà tôi chép ra đây còn bao gồm vài ngày khác nữa. Nhưng có lẽ những trang ấy đã thất thoát.

Năm 15 tuổi [9], sau khi ông tôi mất, tôi không còn cha mẹ ông bà gì nữa và mất cả ngôi nhà.

Trong hậu tựa, tôi đã viết: "Khi tôi tìm ra tập giấy này thì có một điều mà tôi cho là quái dị: tôi không còn nhớ mảy may những chuyện xảy ra trong cuộc sống hằng ngày tôi đã viết ra. Những năm tháng ấy đi đâu mất rồi? Chả nhẻ nó lại bốc hơi? Có thể lã con người đã tan loãng vào trong quá khứ".

Cái làm cho tôi sửng sốt là tôi đã sống trong nhiều tháng trời mà không giữ lại một kỷ niệm nào. Có thể xem đó như một điều bí ẩn số một của tập "Nhật ký năm 16 tuổi" này.

Nếu tôi có quên đi cái quá khứ đó đi nữa, không có nghĩa là nó mất đi hoặc tôi muốn xóa bỏ nó khỏi ký ức. Tôi không phải là kẻ dám biến đổi dòng thời gian hay ý nghĩa của cuộc đời. Duy có điều chắc chắn là tôi từng trải qua các biến cố ấy và tôi muốn trưng nó ra như một chứng từ.

Trí nhớ tôi thuộc hạng tồi nên tôi không dám chắc về điều chi hết. Nhiều khi tôi còn nghĩ rằng người sống thoải mái là người quên được tất cả.

Điều bí ẩn thứ hai là lý do nào khiến tôi viết nhật ký. Một điều chắc chắn: khi biết cái chết của ông tôi gần kề, tôi muốn ghi lại diễn tiến của nó bằng văn tự.Thế nhưng, khi nghĩ lại, mới có 15 tuổi mà sao tôi đã có thể ngồi bên cạnh một người sắp chết để viết nhật ký hết ngày này qua ngày nọ.

Trong đoạn viết về ngày 8 tháng 5, tôi đã ghi rằng: "Tôi bày mấy trang giấy ra trước mặt. Tôi ngồi cạnh bàn viết trong khi O-Miyo ngồi trên chiếu tatami. Cả hai đang nghe ông tôi kể lại những kỷ niệm thân thương của mình.".

Tôi ghi là "bàn viết" nhưng chính ra chỉ là chiếc ghế đẩu có gắn một cây đèn cầy ở bên góc. Tôi nhớ là đã chép nhật ký ấy trên cái ghế đẩu.

Ông tôi hầu như đã mù nên không thể biết được là tôi đang ghi lại lời ông nói.

Cho dù là có nằm mơ, tôi cũng không thể tưởng tượng là tập nhật ký của tôi lại được in ra như tác phẩm văn học. Nếu độc giả có cơ hội đọc, xin xem đây như những ghi chép chớp nhóang tại chỗ chứ không phải là tác phẩm của một tài năng văn học lâu năm chín muồi.

Nhân vì tôi chỉ ghi chép lần hồi những lời ông tôi nói nên tôi không có thời giờ trau chuốt câu văn. Câu cú cứ tự nhiên nối đuôi nhau xuất hiện, nhiều nơi nét chữ còn không đọc được.

Ông tôi mất năm 75 tuổi.

Kawabata Yasunari (1914)
Tạp chí Bungei Shunjuu (5/1925)


Thư mục tham khảo:

-Kawabata Yasunari, Juurokusai no nikki (Nhật ký năm 16 tuổi) trong Tuyển tập Izu no Odoriko (Cô đào miền Izu) gồm 6 đoản thiên do Shôryuusha (Sáng Long Xã) xuất bản, Tôkyô, 1980. Nguyên tác Nhật Ngữ.

-Kawabata Yasunari, Juurokusai no nikki (Journal de ma seizième année) do Suzanne Rosset dịch sang Pháp văn, trong Kawabata L’Adolescent, Récits autobiographiques (Thời niên thiếu của Kawabata. Những thiên tự truyện), Albin Michel, Paris xuất bản, 1992. Bản ngoại văn tham chiếu.

 

***
[3] - In kiểu italique là những đoạn chú thích về sau của Kawabata khi ông 27tuổi)

[4] - Myôken (Diệu Kiến) : một vị sơn thần trong tín ngưỡng bình dân của người dân Ôsaka.

[5] - Thần chồn, liên quan đến lúa gạo, trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản.

[6] - Ôkuma Shigenobu (1838-1922) Bá tước, chính khách cấp tiến Nhật Bản, người đã thành lập Đại học Waseda.Từng làm thủ tướng.

[7] - Hôjô Yasutoki (1183-1242) một quân nhân và là nhà lãnh đạo tài ba của Mạc phủ Kamakura (thế kỷ 12-13)

[8] - Hoàng thái hậu Shôken (Chiêu Kiến), nguyên là chính cung của Thiên hoàng Minh Trị.

[9] - Các dịch giả Tây phương thường nhấn mạnh 16 tuổi là tuổi ta. Chính ra Kawabata mới có 15 vào lúc ấy.

***

Dầu
(Abura, 1921)

Cha tôi mất năm tôi lên hai và năm sau đã đến lượt mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không nhớ gì về cha mẹ mình. Ngay cả đến một bức ảnh của mẹ, tôi cũng chả có. Không biết có phải vì cha tôi đẹp trai mà ông còn giữ lại mấy tấm ảnh của mình nhưng tôi đã tìm ra từ 30 đến 40 tấm ảnh của ông ở mọi lứa tuổi trong kho khi phải dọn dẹp để bán nhà. Vì lý do đó, tôi đã trưng bức ảnh có dáng ông đẹp nhất trên bàn học khi vào nội trú trường trung học. Về sau, vì đổi chỗ ở liên miên, tôi đã đánh mất tất cả. Khi nhìn những bức ảnh ấy, tôi chẳng thấy có kỷ niệm nào sống lại trong đầu. Dù có lúc tự nhủ người đàn ông kia là cha mình nhưng tình thật, tôi chẳng mảy may xúc động.

Tôi nghe thiên hạ đồn đại rất nhiều chuyện về cha mẹ mình nhưng tôi không có ấn tượng là những thông tin đó đến từ những người thực sự quen biết ông bà nên đã quên ngay sau đó.

Năm ấy, vào dịp Tết, lúc viếng đền Sumiyoshi ở Ôsaka, nhân băng ngang qua một cây cầu vòm bán nguyệt (sorihashi), tôi chợt mang máng nhớ ra có lần mình đã đi trên một con đường như thế này hồi còn bé. Tôi nói với người chị họ đang đi cùng:

-Em có cảm tưởng đã đi trên chiếc cầu này hồi nhỏ.

-Có thể lắm. Bố em lúc còn sống thường đi mấy vùng Hamadera và Sakai cạnh đây. Có thể chú đã cho em theo.

-Không đâu chị. Em nhớ qua đây có một mình.

-Vô lý. Mới có ba bốn tuổi mà leo lên tuột xuống cây cầu này một mình được à. Không thể nào! Chắc bố hay mẹ đã bế em trên tay.

-Chị chắc không? Em thì có cảm tưởng đã đi một mình.

-Khi bố em mất, em hãy còn bé tí tẹo mà. Hôm ấy, em rất hài lòng vì thấy trong nhà có đông người đến. Thế nhưng em không chịu nổi cảnh họ đóng đinh vào nắp áo quan. Vì vậy mà mọi người phải dừng tay. Em chướng hết cỡ!

Một dịp khác, hồi lên trung học, tôi gặp lại một bà bác sau 10 năm xa cách. Bà ngạc nhiên thấy tôi đã thành người lớn:

-Cái chết của cha mẹ không thể ngăn sự trưởng thành của một đứa trẻ. Nếu cha mẹ cháu còn sống, chắc sẽ mừng rỡ thấy cháu to cao như thế này. Hồi cha mẹ cháu mất, cháu đã làm đủ trò quấy quả khiến mọi người phải phát cáu. Cháu ghét cái chuông nhỏ để gõ (chiêng / kane) đặt trước bài vị trên bàn thờ. Mỗi khi tiếng chuông vang lên, cháu lại òa khóc. Do đó, mọi người bèn quyết định không đánh chuông nữa. Cháu đòi tắt cho được ngọn đèn chong đặt bên bàn thờ và vì khó chịu trong người nên cháu còn bẻ trẹo mấy ngọn nến rồi đem đổ cả dầu cái đèn đất nung ra sân. Lúc chôn bố cháu, mẹ của cháu đã bật khóc vì quá bực cháu.

Lúc nghe người chị họ nói, tôi vẫn không hề nhớ rằng mình đã hài lòng vì hôm ấy nhà có đông người đến hay tôi đã khóc nhè đến mức thiên hạ phải ngưng đóng đinh vào nắp quan tài. Ngược lại, chi tiết do bà bác kể ra đã khiến cho tôi có cảm giác như gặp lại những người bạn thân lâu ngày mới tới thăm. Hình ảnh của thằng tôi ngày bé, một đứa trẻ ràn rụa nước mắt, người dính đầy vết dầu, tay khăng khăng nắm cái chân đèn đất nung, lại phảng phất trở về trong trí. Tôi còn nhìn thấy cả những thân mokkoku (mộc hộc) cổ thụ trong vườn của ngôi làng nơi tôi sinh ra. Cho đến năm 15, 16 tuổi, tôi vẫn leo lên cây chơi mỗi ngày. Lúc đó, vắt vẻo như một con khỉ trên cành, tôi hay lấy sách ra đọc.

Ký ức tôi hết sức chính xác đến độ hồi đó tôi còn dám nói:

-Đúng đấy. Cháu đã đổ dầu vấy cả cái bồn đá nhà dùng để rửa tay đặt dọc theo hàng hiên phòng khách, ngay đằng trước một thân cây mokkoku.

Thế nhưng, nếu nghĩ cho kỹ thì căn nhà chúng tôi sống cho đến ngày cha mẹ tôi qua đời vốn nằm bên bờ con sông Yodogawa, gần Ôsaka.

Tôi cũng nhớ về một ngôi nhà khác thời chúng tôi ở Yamamura, cách Yodogawa những 4, 5 dặm (ri). Sau khi cha mẹ tôi mất chưa được bao lâu, ngôi nhà ấy đã bị đem đi bán và bởi vì tôi phải trở lại nơi chôn nhau cắt rốn, tôi không còn giữ được kỷ niệm rõ ràng về nó nữa.Tuy vậy, tôi còn mường tượng rằng lúc làm đổ dầu, chúng tôi đang sống ở một ngôi nhà nằm trong núi. Cái đèn dầu ấy, hình như thường được bà tôi hay mẹ tôi cầm thay cho tôi nên nó khó lòng bị tôi đánh đổ chỗ bồn đá rửa tay cho được. Nhưng dù có cố cách nào thì trong đầu, tôi vẫn có khuynh hướng pha trộn những kỷ niệm về người cha lẫn vào với kỷ niệm người mẹ. Ngay cả bà bác của tôi cũng đã quên đi khá nhiều chi tiết.

Rốt cuộc, cái gọi là kỷ niệm có khi chỉ là cái đến từ mơ tưởng viển vông. Ngược lại, tôi xem những hình ảnh tiếng là kỳ quái nhưng liên quan trực tiếp đến tôi và tôi cảm thấy hết sức gần gũi như là sự thực. Cái gì người khác nói tôi lại quên ngay nếu nó không trực tiếp gắn liền với ký ức của mình.

Khoảng ba bốn năm sau cái chết của cha mẹ tôi, bà tôi qui tiên và khi bà chết được chừng ba bốn năm, lại đến phiên chị cả. Mỗi lần ông tôi buộc tôi phải cúi đầu trước bàn thờ tổ tiên (Butsudan), bao giờ ông cũng dùng lửa ngọn bấc của cây đèn chong để thắp nến. Cho đến hôm cô tôi nhắc lại chuyện đó, tôi chỉ nhớ mỗi cử chỉ ấy của ông nhưng hồi đó tôi không có ý định tìm hiểu tại sao ông hành động như vậy. Làm gì có chuyện tôi ghét tiếng chuông và ngọn đèn dầu ngay từ lúc lọt lòng! Mấy hôm đám tang của bà và chị, tôi đã quên mất chuyện đòi người ta đổ dầu đi hồi đám tang của cha mẹ mình và có thể tôi vẫn không phản đối việc dùng đèn thắp bằng bấc. Thế nhưng tôi nhớ ông tôi không bắt tôi lễ với cây đèn ấy bao giờ.

Đến khi nghe bà bác kể lại, tôi mới biết rằng những điều ngang bướng tôi làm đã gây ra không biết bao nhiêu đau khổ cho ông tôi. Lúc tôi bẻ mấy cây nến ở lễ tang và đánh đổ dầu đèn, ông tôi đã kịp thời châm lửa vào một ngọn đèn cầy khác.Cá nhân tôi có nhớ mang máng việc mình đánh đổ dầu nhưng không nhớ chuyện bẻ mấy cây nến. Với tôi, tất cả những chuyện đó chỉ đáng phì cười.

Giọng điệu ba hoa của bà bác khiến tôi nghĩ có lẽ bà đã vẽ vời, thêm thắt nhiều chi tiết. Hơn nữa, ông tôi không bày loại đèn dầu có bấc trên bàn thờ tổ tiên. Cho đến năm tôi lên trung học, ở trong nhà, hai ông cháu chỉ sinh hoạt với một cây đèn dầu loại bình thường. Một người mắt đã lòa như ông tôi không thể phân biệt sự khác nhau giữa hai loại đèn. Ngoài ra, thay vì đèn dầu hỏa, gia đình tôi chỉ dùng đèn với đĩa dầu trong cái chụp bằng giấy phết (andon) kiểu xưa thôi.
 

Hơn thế nữa, thừa hưởng thể chất ốm yếu của cha mình nên tôi bị sinh thiếu tháng và không hy vọng có khả năng phát dục như mọi người. Cho đến lúc vào trường tiểu học, tôi không ăn nổi cơm. Món ăn tôi ghét nhất là thức nấu với dầu thực vật vì nó làm tôi phát ói khi vừa đút miếng đầu tiên vào mồm. Hồi còn bé, tôi rất thích ăn trứng, cả lập-là và ôm-lết, nhưng tôi lại ghét việc chiên xào bằng dầu thực vật dù nó không dậy mùi chăng nữa. Tôi nhớ bà tôi và cô giúp việc hay cạo lớp trứng dính đáy chảo mà ăn. Tính kén ăn của tôi là mối lo lắng thường xuyên của người chung quanh. Có lần, người ta báo cái áo tôi mặc có dính dầu đèn, thế là tôi không chịu mặc nữa cho đến khi nào áo được giặt sạch. Khi đặt tay lên chỗ có dầu, tôi cảm thấy rất là khó chịu và cho đến nay, tôi không không thể nào chịu đựng được dầu. Trong một thời gian dài, tôi cứ nghĩ một cách đơn thuần là tôi ghét nó chỉ vì tính tôi khó mà thôi. Nhưng sau khi nghe bà bác kể chuyện, lần đầu tiên tôi mới hiểu tại sao tôi ghét dầu đến mức đó. Đồng thời tôi có thể tưởng tượng ra sự khổ tâm của ông bà tôi khi phải chiều theo ý của một thằng cháu ích kỷ và dấm dẳng.

Trong khi đang nghe câu chuyện bà bác kể, bỗng dưng một giấc mơ đã hiện ra từ dưới đáy ký ức của tôi. Việc này xảy ra vào hôm có lễ hội ở ngôi đền nằm trong núi khi tôi còn bé.Tôi thấy có những vật dùng để đựng làm bằng đất nung - mỗi cái đều toát ra ánh sáng - treo lửng lơ trong không trung. Người thầy dạy kiếm thuật (Kendô) cho tôi - quả là một lão già gian ác - đã kéo tôi đến trước dãy đèn này:

-Nếu mi có thể dùng kiếm tre và trong vòng hai nhát chặt đổ hết tất cả dãy đèn đất nung này thì ta sẽ xem mi như đủ trình độ để học đánh kiếm với ta.

Tôi bèn múa thanh kiếm tre thật to của mình và quật vào mấy cái chân đèn đó làm chúng tan nát thành nghìn mảnh. Mắt không cần ngó quanh ngó quất, tôi đã quật hai lần liên tiếp. Khi lấy lại thần hồn thì giàn đèn đã vỡ tan tành, chung quanh chỉ còn là bóng tối. Thấy ông thầy đánh kiếm đã để lộ dã tâm, tôi bèn bỏ chạy và lúc đó giật mình thức giấc.

Tôi hay nằm thấy giấc mơ ấy lắm. Khi đem so sánh nó với những điều bà bác tôi kể, tôi có thể cảm thấy rằng vết thương lòng gây ra bởi việc cha mẹ tôi chết sớm đã khơi dậy trong tôi một bản năng chiến đấu giúp tôi đứng dậy được mỗi khi gặp phải cảnh bất hạnh.

Những kỷ niệm ấy hiện ra trong ký ức của tôi một cách rời rạc nhưng càng ngày càng rõ nét và trở nên sinh động khi nghe được lời thuật sự kể bằng cái giọng nói thân mật và ấm áp của bà bác qua những lần gặp gỡ chào hỏi và trao đổi giữa hai bác cháu. Từ đó, tôi càng cảm thấy gần gũi họ hàng hơn và tự nhiên lòng cũng bớt u uẩn.

Đến tuổi thiếu niên, tôi đã nhiều lần viết thư đến các bạn thân, trai cũng như gái, để than vãn về những nỗi cay đắng của cảnh mồ côi tôi từng phải chịu đựng.Tôi cũng đã đem tấm ảnh chụp cha tôi đặt trên bàn học. Nhưng chẳng bao lâu, tôi lại tự hỏi bản chất nỗi đau khổ của một đứa trẻ mồ côi là cái gì thế và tôi nhận ra rằng mình không biết gì về nó hay đúng ra là không cần phải biết tới.

Nếu cha mẹ tôi còn sống, tôi sẽ được thế kia. Nay ông bà đã chết, tôi sẽ phải thế nọ. Nếu phân biệt được hai chuyện đó thì mới hiểu được nỗi cay đắng của kẻ mồ côi. Nhưng cha mẹ tôi nay đã chết hết rồi, làm sao giả dụ được chuyện xảy ra như thể họ còn sống? Chỉ có Ông Trời mới biết là thế nào. Nếu hai ông bà sống thêm một ít nữa, tôi còn bất hạnh hơn thế cũng không chừng. Có khi dòng lệ thương cha xót mẹ - những người mà đến mặt mũi mình còn chưa nhớ - chỉ là một màn kịch trẻ con. Tuy vậy, vết thương kia thì vẫn còn đó. Tôi đã nhìn thấy rõ nó khi bắt đầu khôn lớn và biết tìm hiểu về quá khứ của mình. Thế rồi tôi tự hỏi phải chăng cho tới thời điểm ấy, nỗi đau khổ kia chẳng qua là tình cảm sinh ra từ một thói quen hay mô phỏng theo một câu chuyện tưởng tượng nào đó.

Chỉ đến khi vào nội trú trường trung học, tôi mới nhận thức được rằng khả năng đề kháng này đã làm thay đổi tính khí của tôi. Kể từ khi cảm thấy có tự do, tôi đã dấu biến sự yếu kém về thể chất cũng như vết thương tình cảm của mình.

Lúc cần thiết, tôi đã chống cự lại được nỗi đau này không mấy khó khăn và chỉ cho người ta thấy mình đang cô đơn những khi tôi cần chứng tỏ. Bản tính thần phục đã ngăn trở việc tôi tìm cách thoát khỏi sự cô đơn cũng như việc chữa lành vết thương lòng.

Mất hết tình yêu của những người thân thuộc từ ngày thơ dại, tôi nhìn cuộc đời với màu đen, chọn một nhãn quan và thái độ mà người khác có thể chê bai.Tôi tự dày vò lương tâm và hét lên một tiếng kêu thống thiết rồi lún dần trong hố tuyệt vọng.

Không biết bao nhiêu lần tôi đã được ngắm cảnh đám trẻ con được cha mẹ, anh chị...nói tóm lại là cảnh một gia đình đoàn tụ, dắt nhau đến rạp hát hay ra ngoài công viên. Lúc ấy, tôi có lần tự coi mình là một thằng vô tích sự, giá chẳng đáng ba xu. Tốt hơn tôi không nên bám mãi bố mẹ là những kẻ đã chết. Vì lẽ đó, tôi quyết định vứt hết mớ 30 hay 40 tấm ảnh chụp cha tôi. Tôi phải vùng lên để chống lại cái khuynh hướng lúc nào cũng coi mình như một đứa trẻ mồ côi.

"Nhất định, mình có một tâm hồn đẹp và lành mạnh!" Thay vì ôm mãi những tình cảm tiêu cực, tôi thấy tốt hơn mình nên tiến về một khoảng không gian rộng rãi và thả hồn vào bầu không khí trong lành. Sau cùng tôi đã tìm ra được một thế thăng bằng gần như là hạnh phúc, đến độ sau khi đã đạt đến đỉnh cao của nó, tôi đâm ra chán chê và tự hỏi: "Làm thế này có phải hay không?" và đã tìm ra câu trả lời như sau: "Vì không có được một thời thơ ấu cho ra hồn, bây giờ tôi có quyền hưởng niềm vui của một đứa trẻ". Thế nhưng khi giải thích như vậy, tôi thấy mình đã tự đánh lừa. Hạnh phúc cuối cùng đã đến với tôi khiến cho tôi tưởng lầm là mình đã gột bỏ được cái bản tính cô nhi thuở giờ. Tôi giống như một con bệnh đang hồi phục, sau khi nhập viện một thời gian dài, lần đầu tiên nhìn được cuộc đời hằng ao ước đang diễn ra dưới mắt mình. Vì đã đổi cách nhìn như thế, giờ đây tôi mới biết đánh giá một cách khách quan mấy câu chuyện do bà bác kể sau khi thấy chúng phù hợp với các kỷ niệm hiện lên trong ký ức

Vì trực giác được rằng nỗi đau mất cha mất mẹ chỉ gây cho tôi toàn chuyện bất lợi, tôi bèn cố gắng ăn những món ăn nấu bằng dầu thực vật. Kỳ lạ thay, khi mua dầu về rồi chấm đầu ngón tay vào và đưa lên miệng nếm, tôi không còn cảm thấy mùi dầu nữa.Tôi hét lên: "Mình đã lành rồi! Lành rồi!"

Tôi nghĩ đi nghĩ lại về sự thay đổi này. Việc tôi ghét dầu chẳng ăn nhập gì với cái chết của cha mẹ tôi và tôi cảm thấy mình đã chiến thắng được trở ngại trong việc ăn uống. Đúng ra thì ngay chuyện này cũng chẳng có gì quan trọng. Tôi không chấp nhận mọi tương quan nhân quả giữa nỗi buồn khi nhìn thấy hình ảnh cha mẹ mình dưới ánh đèn leo lét của cái bàn thờ tổ tiên với việc tôi đánh đổ dầu trong khu vườn nhà cũng như việc tôi ghét ăn dầu thực vật.Tôi lại nghĩ là mối liên hệ này chẳng đem được lợi ích gì cho mình.

"Nhờ có dầu mà mình đã được cứu rỗi!"

Tôi nghĩ đến câu này khi cảm thấy vết thương của mình vừa được chữa lành. Tôi cho rằng ảnh hưởng hắc ám do cái chết của cha mẹ tôi sẽ yếu đi và không còn sức bao trùm lên tôi nữa vào cái ngày mà tôi được một người nào đó yêu thương hay trở thành chồng của cô gái ấy. Điều quan trọng nhất là giữ sao cho lòng mình trong trắng và tôi hy vọng rằng việc vết thương của tôi được chữa lành còn đến từ nhiều nhân tố khác chứ không riêng chi lý do duy nhất là dầu.

Thêm một niềm hy vọng dâng trào trong tôi. Tôi phải làm việc nhằm thực hiện hoài bão đời mình, nâng cao tinh thần và giữ gìn sức khỏe để có thể sống càng lâu càng tốt.

Để đùa với mình một chút, tôi tự hỏi không biết có nên uống thêm dầu gan cá thu, và mỉm cười với ý tưởng ấy. Hàng ngày, tôi bắt đầu uống một chút dầu và cứ mỗi giọt dầu trôi qua cổ họng, tôi lại có cảm tưởng là cha mẹ ở cõi bên kia đang đi vào trong người tôi để phù hộ cho con.

Đến nay, cha tôi đã mất được 10 năm rồi.

"Giờ đây, tất cả đều đã sáng trưng!"

Tôi muốn đem một bó hoa đến cúng và sụp lạy trước bàn thờ của cha mẹ tôi nơi có bày một ngọn đèn dầu.
 

Dịch ngày 2 tháng 10 năm 2020


Thư mục tham khảo:

1-Kawabata Yasunari, Abura (1921), trong Tuyển tập Hatsukoi (Tình đầu), do nhà xuất bản Shinchôin và phát hành, Sơ bản 2017. (trang 360-369). Nguyên tác Nhật ngữ.

2-Kawabata Yasunari, Huile (Abura) trong L’Adolescent (Thiếu niên), Tập tự truyện thời trẻ của Kawabata Yasunari do Suzanne Rosset dịch sang tiếng Pháp, Livre de Poche Biblio, Editions Albin Michel, Paris, 1995 (trang 207-214). Bản ngoại văn tham chiếu.

***

Nàng Chiyo
(Chiyo, 1919)


Itô Hatsuyo, một nguyên mẫu của Chiyo

Yamamoto

"Chiyo" ...

Nếu tôi không lầm thì hôm ông Matsu đột ngột đến tìm tôi ở ký túc xá trường trung học đúng vào độ hoa "Ngu mỹ nhân" [10] đang nở ngoài đồng. Tôi và ông đứng giữa cánh đồng nói chuyện nên được hoa cỏ vây quanh và cùng chung nhịp thở với những mảng tối của trời chiều đang cúi xuống hôn lên mấy đám lá xanh. Tôi còn nhớ là cuộc sống phải nương tựa nhà người khi hãy còn ít tuổi đã làm cho tôi trở thành một cậu bé đa sầu đa cảm. Dù ông Matsu chỉ là một nông dân lam lũ nhưng vì hổ ngươi trước bạn bè nên tôi phải kéo ông ra giữa cánh đồng trò chuyện. Ban đầu, tôi không biết ông đến để làm gì và cũng không sao phỏng đoán. Vì thế, khi ông nói ra lý do của cuộc viếng thăm, tôi đã ngạc nhiên không ít.

"Chiyo" ...

Ông Matsu đến gặp là để xin tôi đổi lại chữ ký trong chứng từ vay nợ ông nội tôi đứng tên vì giờ đây, ông tôi đã mất. Tôi nghĩ, trước tiên, ký túc xá không có nơi nào tiện để ngồi soạn những thứ như chứng từ vay nợ. Hai nữa, tôi đã phó thác tất cả việc nhà cho thân thích hay người giám hộ [11] lo liệu. Cứ tự tiện làm những việc như vậy quả là không nên. Khi gặp nhau, tôi có thoái thác rằng trường học không phải là nơi dành cho những chuyện đó, ngày chủ nhật tôi sẽ về Shuku-no-shô, tên ngôi làng của ông và của tôi vốn nằm cách trường trung học khoảng một dặm (ri) rưỡi, rồi sẽ ngồi ở nhà ông mà viết. Tôi gặp ông hình như vào thứ tư hay thứ năm thì phải. Từ hôm đó cho đến ngày chủ nhật, tôi định bàn bạc với người giám hộ của tôi và cũng nghĩ là ngày đó sẽ đến nhà ông thật, nhưng cuối cùng mọi sự đều không thể thực hiện.

Ngạc nhiên vì không thấy tôi tới nên ngày thứ hai ông đã trở lại ký túc xá để tìm. Lần này ông mang theo bản nháp chứng từ và bảo tôi cứ như thế mà viết cho. Một phần vì yếu lòng, một phần vì khó chịu, nhất là muốn đuổi ông già nhà quê bẩn thỉu này về cho nhanh, tôi mới cầm lấy tờ nháp ấy lên tầng hai, nơi có phòng chơi của cư xá. Tôi đã đặt nó trên bàn đánh ping-pông và chép lại: Về món tiền nợ, tôi hơi mắc cỡ nên không thể cho biết là bao nhiêu. Trong bản chứng từ đưa cho ông, tôi có chép con số gộp cả tiền vốn lẫn tiền lời để thành một món nợ mới. Ngoài ra kỳ hạn là cuối tháng 12 năm ấy. Tôi không khỏi nghĩ là nội dung chứng từ có ngầm chứa một ác ý nào đó. Khi nhìn chữ Shigeharu tôi ký thay cho ông nội tôi, tôi cảm thấy có gì không ổn. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ là bên góc trái của bản chứng từ mới, có in mấy chữ "Loại giấy dùng cho trường trung học Ibaraki phủ Ôsaka" màu đỏ.

Tôi đem chứng từ ấy đến phòng tiếp khách của cư xá và trao cho ông, đồng thời mang theo cả bản nháp của chứng từ. Đó chỉ là một khoanh nằm ở góc một cuộn giấy với nội dung cực kỳ đơn giản vì chỉ có con số tiền vay chứ không thấy tiền lời hay thời hạn gì cả. Mùa hè lên học năm thứ 3 trung học, tôi đã viết thay cho ông tôi lúc đó đã lòa.Tôi đã xé toang chứng từ cũ và vứt cả dưới chân. Ông Matsu nhìn nó với vẻ mặt không vui. Phần tôi cũng thấy mình đang khó chịu. Sau đó, trên đường tiễn chân ông ra cổng, tôi lửng thửng đi bộ dưới mấy hàng cây bạch dương trong sân trường. Chợt nhớ tới những ngày sống trong cảnh buồn bã và bần bách với ông nội, tôi không khỏi chạnh niềm thương cảm. Dù sao, tôi đã đồng ý gộp tiền lời vào với cái vốn cũ và ấn định cả thời hạn phải trả nợ mà không bàn bạc gì với thân nhân nên định bụng thế nào cũng phải viết thư để giải thích sự tình cho họ. Ông nội tôi mất vào tháng tám, tôi mới học năm thứ ba trung học, giờ thì tôi đã lên năm thứ năm, thế mà vẫn chưa thu xếp xong nhà cửa, lại còn gây lo lắng cho ba, bốn ông chủ nợ.

Chỉ nửa tháng sau khi viết lại chứng từ, tôi bắt đầu lo đến việc làm sao trả phứt món nợ và đã giữ đúng kỳ hạn thanh toán là trước cuối tháng 12. Số là mấy người bà con đã bán hộ ngôi biệt thự của gia đình tôi để lấy tiền trả nợ. Nếu không bán ngôi nhà ấy, chúng tôi sẽ có tiền trả nợ hay không thì điều đó không bắt buộc nói ra trong lúc này nhưng phải xin thưa là tôi cũng có một chút bất mãn. Giữa mấy người bà con với nhau cũng như giữa họ với dân chúng trong làng, không phải là không có sự lục đục. Cũng có nhiều người lặng lẽ đến gặp tôi và nói những câu thân ái nhưng tôi lại nghĩ nếu họ chẳng đoái hoài chắc còn may cho mình hơn nên trước sau vẫn giả mặt làm ngơ. Tôi không nói năng gì cả bởi vì tôi nghĩ rằng nếu mình không nói bất cứ chuyện gì vượt quá vị trí của mình, chắc sẽ không có ai khó chịu với mình đâu. Tôi muốn chứng tỏ trước mặt mọi người, tôi là một cậu bé ngoan ngoãn. Hơn nữa, họ là những kẻ đã giúp tôi thanh toán nợ nần.

"Chiyo"...

Tôi nhớ lại bản chứng từ tôi trao cho ông Matsu.Tôi hơi hối là đã không thông báo cho mấy người bà con về chuyện đó. Thế nên, cuối một cuộc tán gẫu sau bữa rượu, tôi vờ như chợt nhớ ra một câu chuyện đã quên bẵng và đem nó ra trình bày với họ. Khổ là kết quả đã xảy ra ngoài sức tưởng tượng của tôi. Mọi người nhao nhao lên, cho rằng hành động của ông Matsu là quá gian xảo và tỏ ra căm phẫn. Họ cũng đồng tình khi tôi thổ lộ cảm tưởng bực bội về những điều bị áp đặt xảy ra ở ký túc xá. Họ lại cười cợt chuyện ông ta quá ngốc ngếch khi để cho một đứa trẻ vị thành niên ký vào bản chứng từ. Ngoài ra họ còn thích thú khi đua nhau bảo phải siết sao cho thật sít sao, chỉ xùy ra mỗi tiền vốn của nợ gốc, để cho lão ấy biết tay.

Sau đó, tôi còn được nghe mấy người bà con này nói là họ đã thanh toán được những món nợ này cũng như mọi thứ khác. Đặc biệt là...

"Chiyo" ...

Họ nói đến chiến công buộc được ông Matsu cúi đầu, không dám ngẩng mặt lên và chấp nhận chỉ được trả món nợ gốc. Ngược lại, tôi thấy thương hại ông Matsu và bất mãn về hành động của mấy người bà con. Sau đó, khi về làng, tôi vẫn nghe họ lập đi lập lại mỗi câu chuyện đó. Nào là đi đến tận trường học của người ta, nào là hành động hầu như cưỡng ép một đứa trẻ vị thành niên ký vào giấy nợ. Với hai món vũ khí ấy, hình như mấy người bà con của tôi đã biểu lộ một thái độ khích bác, châm chọc đối với ông. Điều ngạc nhiên hơn cả là câu chuyện đã được truyền đi khắp làng cùng với sự cười cợt và phẫn nộ. Đối với một người tham lam, thích tích tụ tiền bạc như ông Matsu ...

"Chiyo" ...

Thường thì dân trong làng đã không ưa gì ông ta, nay họ làm như vừa bắt gặp một cơ hội trời cho để biến nó thành đề tài bàn tán. Hơn nữa, dân làng xem cái đích mũi tên ông nhắm bắn là tôi và gia đình tôi, những người đã bị nhiều nỗi bất hạnh liên tiếp giáng xuống đầu, nên càng tỏ ra đồng tình với chúng tôi. Đây chỉ là một thôn xóm quê mùa với khoảng 30 nóc nhà, khiến cho chuyện như vậy đã xảy ra dễ dàng. Lạ thay, khi nhìn cảnh tượng đó, tôi lại cảm thấy chua xót cho ông Matsu. Việc ông tìm đến trận trường tôi có thể chỉ là hành động đơn thuần đến từ nỗi lo lắng của một người dân quê muốn sống đúng phép tắc chứ không có ác ý gì đặc biệt. Còn cỡ như việc bắt ký chứng từ ngay ở nhà trường - kết quả của cuộc thăm viếng - cũng không đủ làm cho tôi đau khổ như mọi người đã bàn tán. Nói về chuyện tiền nong thì đôi khi tôi đã phải nhẫn nhục để xử lý nhiều tình huống còn khó khăn gấp bội. Kiểu này thì từ rày về sau, ông Matsu sẽ hiện ra trước mắt tôi với hình ảnh khúm núm của một phạm nhân nên tôi đã kiếm cách tránh khỏi gặp ông ta nữa.
 

Chuyện xảy ra vào dịp nghỉ hè năm ngoái. Cứ mỗi kỳ nghỉ là tôi lại về làng Shuku-no-shô và ngủ lại ở ngôi nhà trước đây vốn là của gia đình chúng tôi. Người mua lại nó là bà con xa nhưng khá thân tình với chúng tôi, đã cho phép tôi ra vào thoải mái. Ngôi nhà ấy nằm giữa làng, hơi hầm cho nên đêm tới, tôi thường đi đến trước cổng nhà một người bạn, vừa hóng gió vừa cà kê chuyện vãn. Nhà bạn tôi nằm ở cuối phía nam làng, được cất trên một gò đất nhỏ nhìn bao quát cảnh đồng lúa đằng trước. Mấy bậc đá nằm bên tay phải của cái cổng vào là nơi mát nhất làng nên mỗi buổi tối rất náo nhiệt. Nơi mát mẻ như vậy có một người hay lui tới...

"Chiyo" ...

Đó là ông Matsu. Lúc ấy, tôi đã lên học năm thứ 2 trường cao đẳng (Kôkô) và bắt đầu thoát ra khỏi cái tuổi ấu thơ đầy bi thảm. Lòng tôi bấy giờ cũng dần dần tươi sáng hơn. Tôi hầu như đã lãng quên những chuyện có liên quan tới ông Matsu nhưng việc phải chạm mặt ông lúc ấy chỉ khiến cho tôi nhớ lại chuyện cũ thành ra mất vui nên tôi không muốn.

Khi gặp ông lần thứ hai vào một buổi tối như vậy, ông ấp a ấp úng nhưng cũng đã mời tôi ghé nhà ăn cơm, bảo là sẽ không bày cỗ bàn gì. Tôi đâm ra khó trả lời. Ông có vẻ thẹn thùng trước người chung quanh nên chỉ nhắn nhủ tôi nhớ đến chơi ngay rồi thui thủi ra về.

Buổi chiều hôm sau ông lại thì thầm với tôi như muốn oán trách là tối hôm qua, ông đã sửa soạn cơm nước đâu đó và mọi người đều chờ nhưng tại sao tôi không chịu tới. Sau đó, giữ nguyên nét mặt buồn bã, ông bỏ về mất. Tôi còn đang lấy làm lạ thì một chặp sau, ông đã đến, cắp theo hai quả dưa hấu thật lớn để biếu tôi. Ông làm tôi cảm động thiếu điều rơi nước mắt. Tôi nhìn kỹ và lần đầu tiên mới nhận ra rằng ông đã suy yếu, hom hem đi nhiều so với lúc đến thăm tôi ở trường trung học. Cho dù ông được bồi bổ đi nữa, tôi e với tình trạng suy nhược này, ông sẽ khó lòng hồi phục. Đối với người làng thì họ ác miệng, nói xấu rằng từ hồi còn trẻ, ông Matsu đã lao động quá sức và lại hà tiện trong việc ăn uống nên mới ra nông nỗi.

Tôi không biết phải làm gì với hai quả dưa hấu.Tôi muốn bổ chúng ra mời mọi người đang có mặt tại chỗ cùng ăn nhưng lại nghĩ xử sự như thế thì thành ra phụ lòng ông. Tôi bèn gửi chúng ở nhà người bạn kia và bảo ông rằng tôi có hẹn với anh bạn đang làm giáo viên tiểu học và cứ thế mà bỏ đi về phía trường. Tôi vẫn không để ý về hành động bất lịch sự mà mình đã để lại sau lưng. Qua ngày sau, tôi đã đến lấy hai quả dưa đem về nhà người bà con và bổ ra. Những người cùng sống trong nhà với tôi lại...

"Chiyo" ...

Họ cứ kể xấu ông Matsu làm cho tôi có ác cảm với họ. Thế rồi, lòng tôi rưng rưng khi nghĩ đến kiểu xin lỗi quê mùa chất phác của ông. Thế nhưng, từ đêm hôm sau, tôi không còn thấy bóng ông ở chỗ hóng mát nữa.

Câu chuyện đó rồi cũng đã phai đi trong trí nhớ của tôi. Tuy nhiên, lúc trời vào thu, thì trận dịch cảm mạo (mà tôi có dịp nói đến) lần thứ nhất đã bắt đầu lây lan. Khi ở Tôkyô, bệnh tật ngơi bớt đi một chút, không ngờ tôi nhận được qua Bưu điện một phong thư bảo đảm. Thư đó đến từ gia đình Yamamoto ...

"Chiyo" ...

Lá thư báo tin ông Matsu đã qua đời vì mắc chứng cảm mạo, có kèm theo món tiền 50 Yen để lại cho tôi như lời ông viết trong di chúc. Trước khi chết, ông đã trăn trối hãy gửi món tiền ấy đến tôi thay lời xin lỗi. Tới đây tôi mới thấy những người thân thích của tôi và dân chúng trong làng đều đáng trách vì đã xé ra to ra một câu chuyện nhỏ không đáng bao nhiêu. Và tôi cũng cảm thấy đau đớn biết bao khi nhớ lại hình ảnh hom hem tiều tụy của ông. Tôi không tội nghiệp ông bằng bực bội về những gì đã xảy đến cho ông. Thế nhưng sau khi suy nghĩ cạn lẽ, tôi đã chấp nhận món tiền biếu này. Tôi dùng nó như chi phí cho một chuyến đi xa để tâm hồn tôi - lúc đó đang có một vấn đề làm cho nặng trĩu - được phần nào thanh thản.

Tôi đã du lịch hơn 10 hôm vòng quanh các địa điểm có suối nước nóng trên bán đảo Izu. Trong chuyến đi đó, tôi đã làm quen được một cô đào trong gánh hát rong quê ở đảo Ôshima. Không chỉ quen mỗi người con gái ấy mà cả đoàn hát. Thế nhưng từ những kỷ niệm hồi đó, tôi chỉ muốn nhắc về tâm tình của mình đối với người con gái ấy thôi. Người trong đoàn hát đó đã gọi cô con gái ấy là....."Chiyo".

"Chiyo" ...

Matsu và Chiyo: hai cái tên này đã gợi trong tôi những tình cảm lạ kỳ. Đó là những người mà ý nghĩ tối tăm bẩn thỉu tôi có trong lần gặp đầu tiên về sau đã được xóa sạch. Hơn nữa, người con gái ấy mới có 14 tuổi [12].Tôi đã tiếp tục đi cùng đoàn hát, lòng bình yên thanh thản và đối xử thân thiết với họ như một đứa trẻ con. Cô đào nhỏ đã nói chuyện với tôi một cách cực kỳ hồn nhiên. Lần đầu tiên tôi gặp họ là ở giữa đường, lúc tôi từ Shuuzenji xuống vùng Yugashima. Lúc ấy, cô bé tay đánh trống, đang đi ngược đường về hướng Shuuzenji để múa. Cảnh đó đã khơi dậy trong tôi cái tình lữ thứ đến độ xót xa. Thế rồi tối hôm sau, cô đã đến nhảy múa nơi quán trọ của tôi ở Yugashima. Lần thứ ba thì cũng tình cờ, tôi với đoàn hát cùng trú mưa ở quán nước chè trên đỉnh đèo Amagi và đã gặp lại nhau ở đấy. Chúng tôi xuống núi để đi chung đường đến tận Yugano. Ở đây được hai ba hôm thì trời tạnh, lúc sắp sửa lên đường cùng xuống Shimoda thì tôi với họ hầu như đã trở thành bạn bè. Tấm lòng lữ khách của tôi như đã hòa một nhịp với những người rày đây mai đó ấy trong một dịp chung đường. Ngày thứ hai sau khi đã đặt chân đến Shimoda là nhằm ngày kỵ 49 ngày của đứa bé con sinh ra giữa ông anh ruột cô đào với vợ anh ta và đã chết trên đường lưu diễn.Tôi dược họ mời ở lại thêm một hôm để cầu siêu cho đứa bé dù chỉ là dịp để tưởng nhớ trong lòng. Thế nhưng...

"Chiyo" ...

Một phần đã có cái chết của ông Matsu, nay còn phải dự buổi cầu siêu nữa thì...quá nặng nề, lòng mình sao kham nổi! Sáng hôm sau ngày mới tới nơi, tôi đã lấy chuyến tàu thủy sớm để về Tôkyô. Cô đào nhỏ không những ra tận cầu tàu để tiễn chân tôi còn ý tứ mua cả cho tôi thức ăn để ăn trên tàu và thuốc lá, tỏ tình lưu luyến [13]. Tôi cũng gọi người con gái ấy là Chiyo [14].

"Chiyo"...

Kỳ nghỉ mùa đông năm nay và vào dịp Tết, lòng tôi tràn đầy hối hận. Để tìm cách đáp lễ, tôi đã đến thăm tang quyến ông Matsu. Gọi là tang quyến nhưng ngoài bà góa phụ của ông, chỉ có một cô con gái, mùa xuân năm ấy cô mới học năm thứ tư trường nữ học. Mẹ con sống hẩm hút bên nhau. Họ đã đón tôi hết sức vui vẻ đến mức tôi phải ngạc nhiên. Tính tôi lại dễ xúc động trước lòng tử tế của mọi người nên đã ở lại đó đến hai, ba hôm. Bà Matsu trước sau cứ xin lỗi việc ông đã đến tận trường học để quấy quả tôi. Nó làm tôi thấy rõ rằng nếu bà có tiếp đãi tử tế là vì muốn chuộc lỗi hành vi không đẹp của người chồng quá cố. Thế rồi, đến lúc tôi về, bà còn muốn gửi tôi ít tiền tiêu vặt.

Hình như ông Matsu có trối trăn với bà là: "Những ai phải chịu sự chăn dắt của người giám hộ thường sống không được thoải mái. Mình phải xem cậu ấy có thiếu thốn gì không mà gửi cậu ít tiền tiêu vặt". Ngay cô con gái cũng bảo: "Thầy cứ xem đây như nhà mình. Bao giờ muốn trở về đây thì cứ về, chớ ngại ngùng gì cả!" Vì hiểu câu nói ấy theo một cái nghĩa khác nên tôi đã nhìn vào khuôn mặt cô với vẻ dò hỏi. Tuy nhiên, trước nụ cười hồn nhiên của cô, tôi không khám phá được một ẩn ý đặc biệt nào nên thấy mình rất đáng xấu hổ. Tôi thử phỏng đoán xem lý do gì đã làm cho mình cảm thấy xấu hổ như vậy, và từ lúc đó, tôi không cách nào xua đuổi đi được cái tình cảm xấu hổ đó nữa. Người con gái ấy cũng có tên là ..."Chiyo". Thế nhưng việc thừa kế dòng họ nhà nàng thì không đặt vấn đề cho tôi như trường hợp cô đào hát miền Izu. Tiền gia đình ông Matsu dúi cho lúc đó đã được tôi dùng để xuống Izu chơi lần nữa.

Mấy lúc sau này, tôi không suy nghĩ gì thêm về di tộc của ông Matsu. Tôi đã nhận được một bức thông tri ngắn gọn (của nhà trường) là phải dọn từ khu nhà số 4 Cư xá phía Nam sang khu số 3 Cư xá Giữa. Còn phía ông Matsu thì tôi không có thư từ gì hết.

Tôi nhớ đó là dịp anh đào đã rụng hết hoa và lá xanh trổ đầy cây. Đột nhiên tôi có cảm tưởng mình là người đang bị đặt trước một định mệnh đầy bất trắc như có ai trù ếm.Tuy không muốn nghĩ tới cô gái ấy nữa nhưng rốt cuộc tôi đã nghĩ về nàng. Lần hồi, tôi cảm thấy một cách mơ hồ là mình đang bị dồn vào một ngõ cụt. Làm như thể tôi như kẻ bị lôi cuốn vào một nơi nguy hiểm mà ý chí không sao cưỡng lại. Tôi cảm thấy trong tôi cái khuynh hướng muốn chấp nhận sợi dây phù thủy mà mình khó lòng thoát khỏi. Nhưng tôi đã khựng lại một chỗ.

"Chiyo"...

Nếu đánh giá về vóc dáng và tính nết của cô "Chiyo" - con gái ông Matsu - tôi thấy không có vấn đề gì. Tôi cũng không có một tình cảm mạnh mẽ nào đối với cô ta. Thế nhưng tôi đã khựng lại.

Sự tình cờ bao giờ cũng gây ngạc nhiên và trong ý nghĩa đó, cô "Chiyo" ở Izu đã trở thành điều đáng để tôi phải ngạc nhiên. Cả bà Matsu, cô con gái của ông bà và tôi đều như bị ma bắt. Ba chúng tôi đều cảm thấy có một tình cảm khó ở như người đang trượt nhanh xuống một con dốc tối tăm. Cô đào hát cũng vậy. Cô đã trở thành một thứ hồn ma mà tôi không hiểu được là thuộc về cõi mộng hay cõi thực.

"Chiyo"...

Tôi không thể không nhớ về ông Matsu thêm lần nữa nhưng cứ nghĩ tới ông là tôi lại đâm ra khiếp sợ. Đúng như vậy. Nhìn vào di chúc thôi cũng đã thấy rõ ràng là ngay lúc sắp chết, ông vẫn còn nghĩ đến tôi. Gạt qua một bên việc tìm hiểu tâm lý một người sắp chết vốn là chuyện khó khăn, nếu như ông có nghĩ đến một người nào khác lúc đó thì nhất định tôi là kẻ đã hiện ra giữa lòng cái chết. Khi hấp hối tức là giây phút mà linh hồn và thân xác sắp rời bỏ cõi đời, ông đã nghĩ đến tôi. ...Tùy theo cách nghĩ nhưng đây là một điều đáng ngạc nhiên. Không bàn đến việc linh hồn có tồn tại mãi hay không, nếu cho là nó sẽ vĩnh viễn mất đi, thì cái giây phút lâm chung lại còn đáng kinh hãi biết mấy.Làm như thể ông Matsu đã chết vì muốn tạ tội với tôi.

Tôi đi đâu cũng có cảm tưởng là hồn ma ông Matsu đang nhìn chòng chọc vào mình. Tôi thấy như không tìm ra lối thoát. Hai nàng "Chiyo" cũng là hai huyễn ảnh. Vì bị hồn ma của ông đeo đuổi nên bóng họ đã in lại vào trong lòng tôi.Người góa phụ, cô con gái của ông và tôi đều bị trù ếm và rơi xuống ổ kiến địa ngục. Ở dưới cái đáy ấy, nhất định là chúng tôi sẽ va phải nhau thôi nhưng tôi không còn chịu đựng thêm được nữa. Tôi hết còn kiên nhẫn. Tôi giống như người chểt đuối đang tìm một bè cỏ để bám vào.

"Chiyo" ...

Nhưng tôi muốn kiếm một người con gái không mang cái tên Chiyo!

Thế rồi trong khoảng từ ngày 10 cho đến ngày 15 tháng tư, thay vào nỗi sợ hãi, tôi đã có được một niềm vui như mong đợi. Thật may cho tôi bởi vì tôi đã thoát khỏi hai nàng "Chiyo" kia và có thể nghĩ về một người con gái khác. Thế nhưng, cùng lúc đó, tôi đã phải đối đầu với một tình địch. Và anh chàng này lại là bạn cùng lớp với tôi.... Cho nên sự việc vẫn chưa hết rắc rối. Vì anh bạn và cô gái, tôi xin tránh nói thêm chi tiết. Dù sao, chưa kịp tuyên chiến với tôi thì anh bạn đã mạo hiểm đi tấn công nàng một mình [15]. Kết cuộc là cô gái ấy cho biết nàng đã đính hôn với một người khác. Cả bạn tôi lẫn tôi đều không biết tin tức ấy là thực hay giả nhưng chắc chắn đó là một hình thức từ chối của nàng.

Trước khi sự việc xảy ra, hai đứa chúng tôi đã hành động riêng rẽ nhưng có hẹn là sẽ gặp nhau báo cáo kết quả. Và tôi đã được nghe anh ta kể cho nghe lần mạo hiểm và sự thất bại của anh.

Đến ngày 15 tháng 4, trong khi đi trong hành lang từ Cư xá Ichi-Kô sang bên một tòa nhà phụ trong trường và ngoài trời mưa đang đan xéo tạt vào, giữa đường tôi có dừng chân chuyện trò với bạn. Đến chỗ bạn cho biết là anh bị từ chối, tôi còn thấy là ổn thỏa. Cái làm tôi khiếp sợ là câu nói tiếp theo: Anh bạn vừa mỉm cười và nói nhỏ với tôi là:

"Chiyo"...

Thì ra người con gái này cũng mang cái tên như thế. Buổi ban đầu đầu, hai chúng tôi nào biết tên nàng!

Vâng, đó là "Chiyo".

Tôi còn nhớ mình đã nổi cáu ngay tại chỗ và muốn giết quách anh bạn. Lúc đó, chung quanh trời đã tối hẳn. Tôi cảm thấy nếu thế thì mình không còn vớt vát được gì nữa. Kể từ hôm đó, tính tình tôi trở nên lạ lùng, tôi không sao hiểu nổi mình.

"Chiyo" ...

Chuyện ông Matsu trước khi chết hãy còn nghĩ đến tôi khiến tôi thấy khó chịu trong người. Thế nhưng khi nghĩ lại, chỉ vỏn vẹn ba hay bốn người, trước khi chết là còn nghĩ đến tôi. Lòng tôi chùng xuống. Trong số đó có cha tôi, người đã qua đời khi tôi mới lên ba, cũng như mẹ tôi, qua đời vào năm tôi lên bốn. Tôi thường nghe ông nội kể lại là hai người đã rất đau khổ vì đã bỏ ra đi và để lại trên cõi đời này một đứa bé con bệnh hoạn, côi cút là tôi. Năm tôi lên tám, bà nội tôi lúc lâm chung đã cầm tay tôi bên giường và bảo con ở lại mạnh giỏi. Người chị gái- được gửi đi nuôi ở một nơi khác - hình như trước khi chết cũng gửi gắm tôi cho ông chú bà bác. Năm tôi 16, ông nội đã dặn dò tôi rằng ông có chết cũng sẽ phù hộ cho cháu rồi mới chịu ra đi. Năm tôi 18 thì bà trẻ -tức em gái ông nội và là người thân tích cuối cùng bên nội - đã để lại di chúc nhường hết gia sản cho tôi, nhưng vì một lý do, ước nguyện của bà trước khi qua đời đã không thực hiện được. Rồi đến phiên ông Matsu, người cha của một trong những nàng "Chiyo". Lại nữa, giờ đây bà ngoại của tôi đang nằm hấp hối trên giường bệnh, cũng vừa gửi gắm tôi cho cậu tôi.

Những chuyện như vậy, nếu không để ý thì sẽ thấy như không có gì, nhưng nó đã làm cho lòng tin của mình thêm vững chãi. Ngay bản thân tôi có lúc nghĩ rằng cho dù cho đến cuối đời mình không có tài cán gì nhưng vẫn có thể dựa vào sức mạnh của âm đức các hồn ma mà làm được một cái gì nên nỗi. Tuy nhiên, khi hứng khởi ấy trầm xuống, tôi cảm thấy lo sợ khôn tả. Chính vào lúc ấy lại có ....

"Chiyo"...

Ông Matsu và 3 nàng Chiyo...đều là những kẻ khiến tôi sợ hãi.

Khi nghĩ về các hồn ma và những kẻ còn sống bên tôi cho đến bây giờ, tôi hơi nghi ngờ về khả năng tự lực cánh sinh của mình.. Khi còn bé, vì sức khỏe èo uột, tôi đã không muốn sống. Mãi lâu sau có dịp ra ngoài gặp người này người nọ, họ đều ngạc nhiên khi thấy tôi đã khỏe ra, như có một phép lạ. Giống như mọi người, nhiều khi tôi cũng thấy điều đó quả là khó tin. Đêm nằm trên gác hai của Cư xá, tôi có lần bất chợt thức giấc, cảm thấy chung quanh có những hồn ma đang nhìn mình và tôi đã kinh hãi như kẻ bị trời trồng. Ý thức bị ma nhìn như thế khiến cho tôi có khi sợ cả chính mình.

Ba nàng "Chiyo" dĩ nhiên là những hồn ma. Ít nhất, tôi đã mang huyễn tưởng là nhờ sức của các hồn ma ấy mà tôi có thể sống và hoạt động.

Hôm qua, cùng với một người bạn, tôi đã hồi hộp và lo lắng đi đến nơi mà chúng tôi nghĩ là chỗ ở của "Chiyo". Khi người con gái tiến lại gần, tôi thấy đằng sau lưng nàng hình như có những linh hồn nàng mang theo bên mình. Từ cái lưng đó, một cánh tay xanh xao thò ra mời mọc. Tôi không thể nghĩ rằng nàng là người của dương gian.

Tuy sợ ma nhưng tôi vẫn thấy yêu thích bàn tay mời mọc chìa ra từ phía lưng nàng. Tôi và người bạn cùng nghĩ: "Chiyo" đây rồi. Nếu nàng lộ ra một khuôn mặt tươi cười, dù chỉ là trong giây phút, chắc chắn tôi sẽ chạy bay đến trước nàng. Tình cảm của tôi với cô đào hát "Chiyo" không biết tự lúc nào đã biến thành một tình yêu sâu đậm. Còn với "Chiyo" kia [16] thì cùng với sự sợ hãi, dần dần tôi đã có một tình cảm hầu như là tình yêu. Chuyện thật kỳ quái.

Mùa nghỉ hè sắp tới. Trong thời gian hè, chẳng lẽ tôi lại không đi thăm bà góa phụ của ông Matsu và cô con gái. Tôi đã có dự cảm là mình sẽ rơi xuống cái đáy thăm thẳm của một ổ kiến [17] và khó lòng thoát hiểm. Lúc đó thì dù là một hơi thở, một chớp mắt của tôi cũng sẽ bị các hồn ma theo dõi và dẫn lối đưa đường. Có lần tôi còn nghĩ phải chăng đây là số phận của mình!. .

Ở ngoài phố hay trong nhà hát, tôi không ngừng cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy có những cô gái đẹp. Tự nhiên tôi có ý tưởng lạ lùng là nhất định họ đều mang cái tên "Chiyo".

Cho dù người con gái ấy không phải là "Chiyo" đi nữa, thì mẹ của cô hay bà ngoại của cô, hoặc tổ tiên mấy đời về trước đều có thể được gọi là "Chiyo". Những người không mang tên đó thì nhất định là một kẻ đang bị trù ếm như tôi sẽ không bao giờ để mắt tới. Và tất cả những con người xinh đẹp đó đều là hồn ma cả.

Tôi sợ những đám lá xanh vô cùng. Mấy lúc sau này, tôi có vẻ bị suy tim và trở nên dễ xúc động. Có lúc, tôi mắc một chứng bệnh lạ là khứu giác rất thính. Cả xúc giác nữa, nó cũng nhạy một cách bệnh hoạn.

Điều tôi nói ra đây sao mà giống như những lời cuối cùng của một cái đầu chưa bị điên hẳn. Thôi, xin hãy xem đây là những lời dự báo về trạng thái tinh thần của một gã thanh niên sắp phát cuồng.

Không phải là "hồn ma" theo kiểu Ibsen [18] nhưng nếu thật sự là trong mỗi gia đình đều có những con ma đeo bám thì trong gia đình tôi, nhất định những con ma ấy phải có tên là "Chiyo". Tôi không khỏi mong muốn được quay ngược lên đến các thế hệ trước để xem họ có gây thù chuốc oán với ai tên "Chiyo" hay không. Không những trong phạm vi tổ tiên tôi thôi, nhưng rộng ra hơn nữa, tôi muốn biết đến cả sự oán hận của mọi nàng "Chiyo".

Thế rồi tôi còn muốn tìm tòi thêm đủ mọi chuyện về những hồn ma khác nữa cơ. Nếu như không tìm được lời giải đáp từ những hồn ma đó thì tôi muốn tìm hiểu thật rõ ràng về tâm sự của ba cô "Chiyo" kia. Chỉ có cách đó tôi mới hiểu được mình sẽ bị họ đeo bám mãi như thế nào.

Bạn Nagamuro của tôi cho biết anh sẽ là người chủ biên số báo tháng năm Tạp chi hội đồng môn [19] nên có rủ tôi viết bài. Đến phút chót tôi mới nhận lời, lại còn trì hoãn và cù cưa đến bốn, năm ngày sau kỳ hạn nhưng rồi tôi cũng đã viết. Tuy nhiên lòng tôi lúc này đang tràn ngập một sự sợ hãi nên không thể làm được gì khác hơn là thổ lộ nỗi sợ hãi ấy lên mặt giấy. Tôi nghĩ nếu mình trút nó xuống bản thảo thì sẽ đuổi được ra khỏi đầu. Đó là một công việc khá khó khăn nên tôi cố tránh dùng những lời lẽ biểu lộ tình cảm cá nhân mà chỉ kể lại nó một cách trần trụi và vắn tắt. Nếu trình bày sự sợ hãi đó đúng theo sự thực mà tôi cảm thấy, có lẽ trạng thái tinh thần đã suy nhược của tôi sẽ không chịu nổi. Muốn kể cho thật rành rọt thì tôi e rằng mình phát điên mất.

Đặc biệt là "Chiyo"....

Nếu tôi kể ra hết khuôn mặt và vóc dáng của ông Matsu thì chắc hồn ma sẽ nhảy dựng ra từ trang bản thảo này mất!

Tôi sợ những đám lá xanh vô cùng. Cái dịp nghỉ hè, lúc tôi phải rơi xuống ổ kiến, cũng sắp đến rồi.

Đúng là cho tới lúc này, những hồn ma vẫn còn nhìn tôi chòng chọc như thế. Chẳng hiểu tôi có cần vứt bỏ thân xác của mình và xuất hiện dưới hình thù một hồn ma như chúng để thoát khỏi sự sợ hãi này không?

Dịch xong ngày 14/3/2021
(NNT)
Thư mục tham khảo:

Kawabata Yasunari, Chiyo, trong Kawabata Yasunari shuu: Kataude, Tuyển tập truyện kỳ quái, do Azuma Masao biên tập, Chikuma Bunko xuất bản, Tokyo, 2006. Nguyên tác Nhật ngữ.
 

***
[10] - Gubijinsô (Ngu mỹ nhân thảo),Loại hoa đồng nội có màu đỏ như máu của nàng Ngu Cơ đổ ra sau khi tự vẫn (field poppy, coquelicot). Trong thơ văn, dùng để chỉ mùa hè.

[11] - Kôkennin: người giám hộ và quản lý tài sản khi đương sự còn vị thành niên.

[12] - Tức 13. Nói 14 vì tính cả tuổi mụ theo lối Nhật,

[13] - Chính ra trong truyện cho biết đó là cử chỉ của người anh cô đào.

[14] - Tên thật của cô đào trong Izu no odoriko là Kaoru.

[15] - Có lẽ là cậu bạn tên Matsumoto ở Ichi-Kô trong "Lời trù ếm của tác phẩm đầu tay" (Shojosaku no tatari) ông viết 8 năm sau (1927)..

[16] - Cô con gái ông Matsu.

[17] - Nguyên văn arijigoku, tổ kiến nằm sâu dưới lòng đất như địa ngục, lối lên xuống rất bé.

[18] - Henrik Ibsen (1828-1906) kịch tác gia người Na Uy, đã viết những vở kịch tâm lý xã hội liên quan đến phụ nữ hay cuộc sống gia đình như "Căn nhà búp bê" (The Dolls’ House), Hồn ma (Ghost) vv...

[19] - Tạp chí đồng môn trường Tôdai (Đại học Tôkyô), số ra mắt nhân dịp Lễ truyền thống của nhà trường vào tháng 5 mỗi năm (Satsuki matsuri)

***
Lời trù ếm của tác phẩm đầu tay
(Shojosaku no Tatari, 1927)

Tôi đã cho đăng truyện ngắn nhan đề Chiyo trên Tạp chí bạn đồng môn của sinh viên trường Ichi-Kô. Nó là tác phẩm đầu tay của tôi. Lúc ấy, nhiều bạn trong đám sinh viên khoa Văn chúng tôi có thói quen đi đến các hiệu ăn của những cửa hàng bách hóa như Mitsukoshi hay Shirakiya để đeo đuổi mấy cô hầu bàn. Gọi là đến uống cà phê hay nước ép trái cây nhưng có khi chúng tôi ngồi trong hiệu ăn từ hai đến ba tiếng đồng hồ. Việc ngồi nán lại ở một nơi khó có thể ở lâu như thế, chúng tôi gọi là "thử gan" (kimodameshi). Chúng tôi dùng tiếng Đức để gọi các cô hầu bàn mà chúng tôi không biết cả tên bằng số hiệu gắn trên ngực áo của họ, chẳng hạn cô mắt to và ươn ướt, xanh xao như người mắc bệnh tràng nhạc là cô Thanh Đan phỏng theo tên một lá bài trong trò Hanafuda [20]. Cô số 16 (Zeichen) của hiệu Mitsukoshi và cô số 9 (Nein) của Shiragiya là hai cô hầu bàn được chúng tôi hâm mộ nhất. Tôi đã giải thích cho anh bạn Matsumoto như thế này:

-Cậu mà xách cặp, các cô sẽ nghĩ cậu là sinh viên vừa tan trường về. Họ cứ tưởng nhà cậu nằm cùng hướng với đường họ về nên sẽ không nghi ngờ gì hết. Cứ thế mà đi theo mấy cô và biết được nhà họ.

Thực ra thì ngày hôm trước, tôi đã xách cặp và đợi trước Shiragiya vào giờ tan tầm và đã lên cùng một chuyến xe điện với cô "Số 9". Thấy cô ấy xuống ở trạm Kanasugibashi rồi đổi qua tuyến đường đi về phía Meguro, tôi bèn đợi chuyến sau đi Tengenji (Thiên Hiện Tự) để leo lên. Vì mất dấu chuyến trước nên tôi không biết mình phải đổi xe ở đâu nữa. Đến khi sực tỉnh tôi mới thấy xe mình đang chạy giữa một vùng ngoại ô đã nhuộm màu của buổi chiều thu.

Tôi đợi mãi mới thấy Matsumoto trở vè cư xá và kéo hắn vào chỗ bán trà bánh. Nghe hắn nói mình đã xuống xe cùng một trạm với "Số 9" và bắt chuyện. Cô gái bảo hắn hãy đến nhà để thưa chuyện với mẹ nàng và cho hắn được đi chung dưới một chiếc dù. Nhà nàng là một cửa tiệm bán bánh phồng (senbei) xập xệ trong ngõ hẻm khu Azabu số 10. Nàng có mẹ và một em trai. Mẹ nàng cho hắn biết là "Số 9" đã đính hôn với một anh sinh viên trường Thuốc. Thế rồi bà cũng cho biết tên nàng là Yoshimura Chiyoko.

Nghe xong câu chuyện, tôi bèn xé bức thư tình dưới dạng giấy nháp mà tôi sẽ không có dịp trao cho nàng nữa và viết một truyện ngắn nhan đề "Chiyo". Nôi dung có thể tóm tắt như sau:

....Người tên Tanaka Chiyomatsu [21] đã đến Ký túc xá trường trung học để gặp tôi hai lần. Ông ta bảo muốn đổi chữ ký người vay tiền là ông nội tôi sang tên tôi.Hơn nữa, ông bảo tôi hãy gộp cả tiền lãi vào vốn và định kỳ hạn để trả tiền là tháng 12 năm ấy. Tôi không lo gì hơn là cuộc gặp gỡ giữa ông ta và tôi bị các bạn học nghe thấy nên đã lên phòng giám thị xin một tờ giấy có đường kẻ (keishi) để viết lại chứng từ. Một mặt thì văn bản do một kẻ vị thành niên soạn ra dĩ nhiên là trái luật, hai nữa là việc đến tận ký túc xá để đòi hỏi một đứa trẻ con phải làm việc đó thì quá tội nghiệp cho nó, Không những mấy người bà con tôi mà cả xóm giềng ai cũng nghĩ ông Chiyomatsu là người quỉ quái. Không biết vì muốn tạ lỗi hay không mà sau đó ông đã có nhiều hành động bày tỏ hảo ý với một đứa trẻ mồ côi như tôi.

Thế rồi đột nhiên cô con gái ông Chiyomatsu đã gửi đến Ký túc xá trường Ichi-Kô một lá thư, cho tôi biết là theo di chúc của cha mình, cô gửi đến tôi một món tiền là 50 Yen. Thấy rằng đến lúc chết mà ông Chiyomatsu còn bị dằn vặt bởi một câu chuyện xưa như thế, tôi thấy tội nghiệp ông vô cùng.

Tôi đã dùng số tiền đó để đi ngao du vùng Izu.Thế rồi, tôi đâm ra yêu một cô đào hát rong trong chuyến đi đó. Nàng ấy tên là Chiyo [22]. Chiyomatsu và Chiyo. Tôi cũng gọi tên người con gái của ông Chiyomatsu là Chiyo.

Thế rồi sau khi trở về Tôkyô, tôi có thêm một tình yêu mới. Người con gái nầy cũng mang tên Chiyo. Tôi vẫn tiếp tục nhận được những lá thư từ "Chiyo", cô con gái của ông Chiyomatsu. Tôi kinh hãi quá. Tôi muốn yêu một người con gái khác, miễn cô ta không có tên là Chiyo. Thế nhưng từ đây, bất cứ người con gái nào tôi gặp và yêu cũng sẽ trả lời tôi cùng một kiểu: "Em tên là Chiyo!". Phải chăng đó là lời trù ếm từ hồn ma của ông Chiyomatsu?

Người đứng ra làm mẫu (model) cho cô Chiyo thứ ba này là cô "Số 9" của cửa hàng bách hóa Shirakiya. Tên cô là Yoshimura Chiyoko và đó là lý do duy nhất để tôi đặt tựa cho truyện này là "Chiyo". Tuy nhiên tác phẩm đầu tay này lại là một lời trù ẻo nữa.

Vừa khi tác phẩm "Chiyo" xuất hiện trên Tạp chí đồng môn chưa được một tuần, có hôm trong thư viện nhà trường, mặt tôi đã biến sắc vì trên góc một tờ báo ở Ôsaka, người ta nhắc đến ngôi làng của tôi. Sau khi đọc thử, tôi thấy họ đưa cái tin về một người tên Horiyama Iwao. Ông ta sau khi phát điên đã chém chết vợ con rồi ra nhà kho treo cổ tự tử. Iwao là khuôn mẫu tôi đã dùng cho nhân vật Chiyomatsu trong truyện. Tôi chợt lạnh người vì ông ấy vốn là một người tỉnh táo và hiền hòa.

-Tôi không hề nguyền rủa và cũng chưa bao giờ oán hận ông ấy!

Trong truyện ngắn về ông, tôi chỉ viết là ông chết vì bệnh.

Sau đó, khi về làng, tôi hỏi thăm thì mới biết...

-Con nhỏ Chiyo nhờ nắm được con dao nên mới thoát nạn.Nhưng nó cũng bị chém đứt mất bốn ngón tay.
 

Mười hai năm sau, tôi đã yêu một thiếu nữ khác nữa. Nàng tên là Sayama Chiyoko. Thế nhưng với nàng thì sau khi hứa hôn được hai tháng, giữa chúng tôi đã tiếp tục xảy ra nhiều điều bất tường làm thay đổi cả cuộc sống. Chuyến xe lửa đưa tôi đi báo tin kết hôn đã cán chết người. Trước đó thì ở nhà trọ trên bờ sông Nagara nơi chúng tôi hẹn gặp, mưa to gió lớn đã làm đổ cả tầng gác khiến họ phải đóng cửa nghỉ việc. Đứng bên thành cầu Nagarabashi và nhìn xuống dòng sông, có lần Chiyoko đã nói: "Có một chị đồng tuổi với em và thân thế cũng giống em, mới đây đã nhảy xuống sông và chết ở khúc này. Trên đường về vì uống thuốc ngủ với liều lượng gần giống như thuốc độc, tôi đã ngã lăn kềnh trên bậc cầu thang bằng đá của ga Tôkyô. Còn khi nàng được phép cha lên một thành phố ở miền Tôhoku (Đông Bắc) thì vào lúc ấy, trận dịch thương hàn đầu tiên đã lan ra trong vùng khiến các trường tiểu học phải ngưng dạy. Đến khi nàng về đến ga Ueno thì đọc được trong tờ nhật trình đặc biệt ra cùng ngày ( gôgai) cái tin Thủ tướng Hara Takeshi vừa bị ám sát chết ở ga Tôkyô (cách đó không bao xa). Thành phố nơi phu nhân Thủ tướng Hara xuất thân cũng là quê hương của bố nàng.

Trong một lá thư gửi cho tôi, Chiyoko có viết: "Cô con gái tiệm bán dù trước mặt nhà em và anh con trai làm việc ở đây yêu nhau, nhưng cách đây mới một tháng, anh con trai kia đã bị chết. Từ đó, cô gái cứ lải nhải nhái theo lời anh ta nói rồi phát cuồng và cũng vừa chết xong hôm qua. Ở Gifu, một đám 6 em nam sinh trung học và 6 em nữ sinh, tụ họp thành một băng đảng và bỏ nhà ra đi (kakeochi),là một chuyện chưa từng có. Để đón nàng về, tôi đã đi thuê một căn buồng và dọn vào ở thì người nhà mới lật tờ báo buổi chiều cho xem và bảo là có một cô Chiyoko ở phố Ogimachi thành phố Ôsaka là tuổi Bính Ngọ (Hinoe-uma) vừa tự sát, lại thêm một anh Chiyotarô ở Sugamo cũng tự sát nữa. Khi tôi rút thanh đao Nhật Bản sáng loáng đang được trưng bày ở cái hốc tokonoma trong phòng ra xem thì bỗng nhiên nhớ lại những ngón tay của cô Chiyo nhà ông Iwao bị chém đứt đang rơi. Tỉnh Gifu còn có một trận mưa tuyết lớn nhất từ 60 năm nay. Và với bao tin tức khác nữa...

Những chuyện như vậy càng chồng chất, tình yêu của tôi đối với nàng càng mãnh liệt, nhưng ngược lại, Chiyoko bỏ đi đâu mất dạng.

Tuy nhiên, người con gái ấy đã lên Tôkyô rồi ra đứng bán ở những cửa hàng cà phê và trở thành đầu mối cho những cuộc lưu huyết (ninjôzata) của những nhóm xã hội đen loanh quanh mấy quán đó để phá phách. Tôi từng đi ngang những chỗ như vậy và thản nhiên nhìn cảnh họ đâm chém, vật ngã đến trật khớp xương hay siết cổ nhau bất tỉnh. Chiyoko cũng thơ thẩn đứng đó. Được hai ba lần, không còn thấy Chiyoko hiện ra trước mắt tôi nữa nhưng có chuyện lạ là mỗi lần như thế tôi đều biết chỗ cô ta đang ở.

Hai ba năm sau, vào thời điểm của trận động đất lớn (1923), phân nửa thành phố Tôkyô chìm trong biển lửa. Điều tôi nghĩ đến trước tiên là: "Ôi chao, không biết Chiyo có thoát nạn không nhỉ?!" rồi cứ đeo lủng lẳng bên mình ít nước uống và thủ mấy miếng bánh bít-qui trong bọc giấy, suốt cả tuần bước đi trong những con phố hoang tàn đổ nát. Một hôm, đến trước cửa trụ sở hành chánh của quận Hongô thì bỗng thấy có tấm giấy niêm yết:

-Sayama Chiyo ơi! Hãy tìm đến nhà trọ của ông Inoue, số 371 Kashiwagi, Yodobashi, ngoại thành. Katô ký tên.

Tự nhiên tai tôi ù đi, đôi chân nặng ra, bèn ngồi sụp xuống tại chỗ.

Từ ngày Sayama Chiyoko biến mất tính đến nay đã là năm thứ ba. Từ mùa thu bước qua mùa đông, tôi sống trong vùng núi non ở Izu thì có người địa phương đến bảo sẽ làm mai cho tôi một cô vợ. Đó là một cô gái giỏi giang học ở ban cao đẳng trường Bunkô Gakuen. Nhan sắc bình thường nhưng người có nhân cách. Đôi mắt đẹp, tính nết lanh lợi, ngay thẳng. Cô là con gái cả của một ông chủ nhà máy giấy. Tuổi Bính Ngọ nên năm nay 21. Cô tên là Sayama Chiyoko.

-Sayama Chiyoko tuổi Bính Ngọ à?

-Vâng, Sayama Chiyoko.

-Thế thì tốt quá. Tôi xin nhận lời ngay.

Được chừng vài hai ba hôm, tôi dược một người bạn ở Tôkyô báo cho biết là Sayama Chiyoko lại xuất hiện ở một quán cà phê trên đó.

-Này cậu, nếu đúng là cô Chiyoko năm nay 21, có đôi má bầu bầu, tướng cao giống một bà hoàng xinh đẹp, thì cậu phải có can đảm lên Tôkyô và chiến đấu với cô ta một trận nữa mới được chứ.

Thế rồi, anh ta lại thông báo là nàng có lần đã đọc tập truyện ngắn duy nhất của tôi hay nàng từng xem cuốn phim duy nhất mà tôi viết kịch bản. Những điều đó làm cho tôi thấy hứng khởi.

-Cô ấy bảo với tớ là chắc suốt đời em sẽ không bao giờ có hạnh phúc.

Nếu cô ấy có bất hạnh thì cũng đương nhiên, Cô đã bị lời trù ẻo từ tác phẩm đầu tay của tôi đuổi theo phá phách mà.

Ngoài ra, có một nhà văn tân tiến mới ghé vùng núi non này độ chừng một tuần đã bất chợt lên tiếng:

-Nghe đồn rằng anh đã tìm lại được người tình đầu tiên nên tôi tưởng anh về Tôkyô mất rồi chứ?

-Chà! Người ta đồn đại như thế sao??

Tôi chưng hửng một lúc nhưng sau đó đã đáp lại một cách hết sức nghiêm nghị:

-Tác phẩm đầu tay phải viết về một cái gì sáng sủa và hạnh phúc. Cũng giống như ta phải chúc mừng sự ra đời của một con người mới.

Chính ra, tôi đã muốn nói một câu như thế này:

-Những gì xảy ra cho cô ấy thì tôi đã dự cảm và bày tỏ trong tác phẩm đầu tay tôi viết từ xưa. Tôi đã ràng buộc định mệnh cô ta bằng tác phẩm đầu tay của mình.

Dù sao, từ khi tác phẩm đầu tay đó đưa tai họa tới, tôi bắt đầu hiểu được cái khủng khiếp của việc sáng tạo nghệ thuật. Từ cách chọn lựa tên tuổi của những nhân vật trong tác phẩm của tôi cho đến mọi sự kiện, nơi chốn đều giống như việc tôi được sinh ra trên cõi đời này. Chúng là một sự ngẫu nhiên nhưng cũng có thể gọi là tất nhiên nữa. Cho dù tôi có trở thành tin đồ của thuyết định mệnh hay suy nghĩ như người theo chủ nghĩa thần bí, xin hãy xem đó như lỗi của lời trù ếm đến từ tác phẩm đầu tay mà thôi. Ngòi bút của tôi không chỉ ảnh hưởng đến tôi, nó còn có ma lực chi phối cả vận mệnh những người khác nữa.
 

Dịch xong ngày 15 tháng 3 năm 2021
Thư mục tham khảo:

Kawabata Yasunari, Shojosaku no tatari (Lời trù ếm của tác phẩm đầu tay), trong Kawabata Yasunari-shuu: Kataude, Tuyển tập truyện kỳ quái, do Azuma Masao biên tập, Chikuma Bunko xuất bản, Tokyo, 2006. Nguyên tác Nhật ngữ.
 

 

***
[20] - Hanafuda (Hoa trát): trò chơi bài gồm 4 bộ 12 lá tổng cộng 48 lá mang tên các loài hoa và cây cối.

[21] - Trong truyện Chiyo (1919) thì nhân vật Matsu là Yamamoto chứ không phải Tanaka. Vì sao lại có sự thiếu thống nhất?

[22] - Thật ra, cô tên là Kaoru (xem thêm Cô đào hát miền Izu do Vũ Thư Thanh dịch).

***