Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Khúc tình ca 
(Jojôka, 1932) 

Nguyên tác: Kawabata Yasunari 
Dịch: Nguyễn Nam Trân 


Ảnh minh họa

Khúc tình ca (Jojôka) được đăng trến số báo tháng 2/1932 của tạp chí Chuuô Kôron (Trung Ương Công Luận). Nhan đề viết bằng 3 chữ Hán là "Trữ tình ca" nhưng các dịch giả Âu Mỹ - có lẽ dựa theo nội dung - thường dịch là Elegy hay Elégie (khúc hát thương khóc người chết), tương đương với một từ khác trong tiếng Nhật là Hika (Bi ca) hay Banka (Vãn ca), một hình thức thơ ai điếu, vốn đã có từ thời cổ đại.

Trong truyện ngắn này, tác giả đề cập nhiều lần đến hiện tượng thần giao cách cảm (telepathy). Cùng với khái niệm di truyền (genetic), một chủ đề được khai thác trong Huyễn tưởng pha lê (Suishô no gensô, 1/1931), có lẽ nó là bằng cớ cho thấy nhà văn của chúng ta là người có bộ óc hiếu kỳ, thích quan sát những hiện tượng siêu nhiên, khó dò trong tâm lý con người. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Kawabata được mệnh danh là một con chim đầu đàn của trường phái tân cảm giác (neo-sensualism). Tuy là một người gắn bó với truyền thống Đông phương nhưng ông đã chịu ảnh hưởng cách viết văn tiền vệ kiểu Âu Tây đầu thế kỷ 20 (của các trường phái Đa đa, Vị lai, Ấn tượng vv ...) sớm hơn ai hết.

***

Việc người sống tìm cách trò chuyện với cả người chết có thể xem là một tập quán hết sức đau thương của con người.Thế nhưng việc tin tưởng rằng dù đã về thế giới bên kia, người ta vẫn có thể tiếp tục sống với hình hài lúc sinh tiền thì còn là điều đáng buồn hơn thế nữa. Trong đầu, em vẫn không thể nào chấp nhận ý tưởng đó.

Cẩm xúc khi đứng trước sự tương cận giữa định mệnh các loài thực vật và định mệnh của con người đã trở thành đề tài cho những vần thơ trữ tình (trữ tình thi, lyrics) từ thời xa xưa. Em không nhớ tên triết gia nào đã nói như vậy và cũng không nhớ sau đó, ông đã nói tiếp những gì nhưng trong đầu em chỉ còn sót lại có mỗi câu ấy. Có phải định mệnh của thảo mộc chỉ được biểu lộ qua việc sớm nở tối tàn (khai hoa lạc diệp) hay nó còn ngụ ý một điều gì sâu xa hơn nữa? Chuyện đó em không được rõ.

Dạo sau này, em nhận ra rằng những bộ kinh của Phật giáo thường là những bài thơ trữ tình quí báu không chi sánh được. Do đó, khi nhắc đến anh – người nay đã chết – em chỉ muốn tưởng tượng ra anh qua hình ảnh một cành hồng mai đơm đầy nụ được đặt trong hốc tokonoma của gian phòng và ở trước mặt em. Phải chăng, từ cõi bên kia, anh đã mượn hình dáng của hoa để hiện về đây? Hơn nữa, có phải là anh đã chọn một loại cây cỏ gần gũi, thân mật để làm em vui thay vì chọn một loài hoa em không biết tên, nằm trên một ngọn núi em không biết chỗ, từ một xứ sở xa xôi nào đó như nước Pháp chẳng hạn. Đối với em, anh đã đầu thai vào nhánh hoa này để em có thể trò chuyện với nó như đang nói chuyện với anh. Anh thấy không, điều đó chứng tỏ là mãi đến bây giờ, em vẫn còn yêu anh tha thiết.

Nói như thế, em làm như đang muốn nhìn về một xứ sở thật là xa xăm nhưng em không thấy nó đâu cả. Em chỉ cảm thấy mùi hương của gian phòng mà em đang ở.

Đó là mùi hương của sự chết.

Thì thầm một câu như vậy nhưng em lại bật lên cười.

Em là một cô gái chưa từng dùng nước hoa.

Anh có nhớ điều đó không? Đã hơn 4 năm rồi ấy nhỉ, một hôm trong bồn tắm ofuro, em đột nhiên cảm thấy có một làn hương hết sức nồng nàn bao bọc lấy mình. Dù em không biết đó là loại hương gì nhưng ngữi mùi của nó khi không mang một mảnh vải trên người đã làm cho em hết sức thẹn thùng. Thế rồi giữa lúc ấy, mắt em hoa lên rồi ngất đi. Dạo đó vào đúng lúc anh vừa bỏ rơi em, lẳng lặng đi lấy vợ. Chuyện em bị ngất đã xảy ra cùng thời điểm khi anh cho rảy nước hoa của cô dâu lên trên chiếc nệm trắng giường khách sạn nơi anh chị đang hưởng tuần trăng mật. Tuy em không biết là anh vừa kết hôn nhưng sau đã kết hợp được thời điểm của các sự kiện ấy. Rõ ràng là chúng đã xảy ra vào cùng một thời khắc.

Khi rảy nước hoa trên cái giường tân hôn với người vợ mới, không biết anh có muốn gửi đến em một lời xin lỗi? Và anh có chợt nghĩ rằng phải chi cô dâu ấy là em không?

Mùi nước hoa Tây phương là cái mùi nồng hắc của cuộc đời hiện tại.

Tối hôm nay, có 5, 6 người bạn gái quen nhau đã lâu đến nhà em để chơi trò bắt bài Karuta [1]. Kể ra cũng đã hơi chậm vì tuy còn trong tháng giêng, ba ngày đầu để bày biện cành tùng (Matsu no uchi) đã trôi qua mất. Bọn bạn em đều có chồng con. Bố em không muốn hơi thở của mọi người làm vẩn đục không khí nên đã cho đốt mấy thỏi hương trầm của Tàu. Bầu không khí có mát mẻ hơn nhưng không vì thế mà nhộn nhịp lên, bởi vì mỗi người trong bọn tuy ngồi đó những ai nấy đều chìm đắm vào trong kỷ niệm riếng tư.

Em tin rằng kỷ niệm là cái bao giờ cũng đẹp. Tuy vậy, trong một căn phòng có mái che như một cái nhà kính với 40 đến 50 người đàn bà tụ họp và đua nhau nhớ về kỷ niệm thì cái mùi hôi tanh bốc lên từ đó chắc sẽ làm cho những đóa hoa trong cái nhà kính ấy phải héo đi mất. Không phải vì những người đàn bà kia có hành vi xấu xa gì cho cam.Chỉ vì khi đem so sánh với cái gọi là tương lai, quá khứ mới là cái hơn hẳn về tính động vật tươi rói của nó.

Nghĩ về một chuyện quái gỡ như vậy, em bỗng nhớ về người mẹ của mình.

Lần đầu tiên em được người ta ca tụng như thần đồng là dịp một cuộc hội họp để chơi bài Karuta. Lúc đó, em mới được 4 hay 5 tuổi và hãy còn chưa đọc được hai thứ chữ viết katakana và hiragana. [2] Trong khi em đang ngây người xem cuộc sát phạt của họ như trận đại chiến Genpei [3], không biết tại sao mẹ đã nhìn em và bảo:

-Con có hiểu gì không hở Tatsue. Mẹ thấy con lúc nào cũng chăm chú theo dõi.

Lấy tay xoa đầu tôi, bà hỏi:

-Con muốn bắt thử một lá không?

Thấy em chỉ là cô bé con, các bà khác đều rút lại bàn tay đang đưa ra và tất cả tập trung nhìn vào em.

-Lá này, hả mẹ?

Em đặt một ngón lên lá bài nằm ngay trước đầu gối của bà. Một cử chỉ hoàn toàn không có chủ tâm. Bàn tay em hồi đó còn bé hơn cả lá bài. Em ngước nhìn mẹ như dò hỏi.

-Đúng rồi! Ối cha ơi.

Mẹ em là người đầu tiên ngạc nhiên nhưng khi thấy mọi người cùng chơi đồng thanh nói theo thì bà lại bảo là em chỉ ăn may, bởi vì em hãy còn là một đứa bé con chưa rành mặt chữ. Thế nhưng kết quả em đạt được đã vượt khỏi sức tưởng tượng của các bà khách. Và có lẽ để lấy lòng mẹ em, các bà đều không muốn tiếp tục chơi nữa.

-Này cháu bé, đã sẵn sàng chưa?

Người hô bài (yomite) [4] hỏi em như thế và đọc câu thơ ba bốn lần liên tiếp cho mỗi mình em. Một lần nữa, em đã bốc trúng. Nhiều lần như vậy nhưng lúc nào em cũng bốc trúng.Không hiểu nội dung những câu được xướng lên, không nhớ nó trong đầu và cũng không biết đọc, lần nào em cũng chụp trúng ngay lá bài bằng một cử động tự phát.Em cảm thấy bàn tay của mẹ đang vuốt tóc em và niềm vui trong lòng em thật là rộn rã.

Tất cả những điều đó khiến em nổi tiếng ngay tại chỗ. Mẹ con em bao lần đã trao đổi với nhau những cử chỉ trìu mến. Khi thì trước mặt mấy bà bạn của mẹ, khi thì trước những người quen đã rủ mẹ con em đến chơi. Không phải chỉ để em trổ tài bóc bài mà thôi bởi vì tài năng thiên phú của em còn được chứng tỏ trong nhiều trường hợp khác nữa.

Giờ đây thì em đã biết đọc và nhớ trọn 100 bài (bách thủ) trong tập thơ của trò chơi (Bách nhân nhất thủ). Thế mà đêm hôm nay, em không còn nhanh tay bốc bài như hồi thơ ấu, khi bàn tay em như được một cái lực nào đó dẫn dắt.

Người mẹ của em ...ôi thôi, người mẹ xưa kia hay đòi hỏi em bằng chứng của tình thương đối với bà, thì nay trong lòng em, bà đã trở thành một kẻ đáng ghét, chẳng khác nào một loại nước hoa phương Tây.

Còn anh, người yêu của em. anh đã bỏ rơi em. Có thể anh đã chán chê những bằng chứng của tình yêu vì nó có quá nhiều trong cuộc sống của chúng mình.

Kể từ khi trong bồn tắm, em ngửi được mùi nước hoa của cái đêm tân hôn giữa anh và người vợ mới trong một ngôi khách sạn một miền xa, một cánh cửa đã đóng lại với em.

Rồi kể từ khi anh chết, em không nhìn lại khuôn mặt anh một lần nào nữa.

Em cũng chẳng nghe tiếng nói của anh lần nào nữa.

Vị thiên sứ, người đưa đường cho linh hồn em, đã gãy cánh.

Cũng vì em không muốn bay về phía thế giới của những người chết, nơi anh đang ở.

Thực lòng mà nói, em đã có thể hy sinh cả cuộc đời mình cho anh.Nếu như em có thể sinh ra trở lại dưới dạng một nhánh cúc, em sẽ bước theo vết chân anh. Lúc em bắt đầu phá lên cười sau khi đã nói rằng em vừa đánh hơi được mùi tử khí, thì chỉ là để cười chơi thôi, bởi vì em chưa bao giờ có dịp ngửi (ngửi)mùi nhang khói kiểu người Tàu lúc tống táng hay kỵ giỗ ai đó. Nhưng dù sao, nó cũng nhắc cho em nhớ lại hai câu chuyện về mùi hương mà em vừa được đọc trong hai quyển sách gần đây.

Một quyển có dẫn lời trong kinh Duy Ma về một đất nước của mọi thứ hương (gọi là Chúng Hương Quốc), nơi có các bậc thánh triết ngồi bên dưới những thân cây thơm tho, họ giác ngộ và hít thở chân lý, ít nhất là chân lý của một mùi hương, rồi nhờ đó mà hiểu thêm chân lý khác đến từ một mùi hương khác.

Người bình thường khi đọc một quyển sách về Vật lý học, cứ tưởng rằng hương thơm, âm thanh và màu sắc nếu có khác nhau chỉ vì nó được cảm thấy theo cơ năng cảm giác khác nhau của từng người, chứ về căn bản, chúng vẫn là một vật đồng nhất. Các nhà khoa học đã dựng lên những câu chuyện mà theo đó thì sức mạnh của linh hồn - cũng như điện lực và từ lực - đều là những vật không khác gì nhau.

Xưa kia có một người dùng bồ câu đưa thư như sứ giả của tình yêu. Ông ta lên đường du hành. Từ bất cứ từ địa điểm xa xôi nào ông đặt chân tới, bồ câu cũng bay về nơi người đàn bà ông yêu thương.Bằng cách nào? Những người yêu nhau đã giải thích rằng đó là nhờ ở sức mạnh của niềm đam mê mà hai người gửi gắm trong những bức thư tình buộc vào chân chim.

Lại có câu chuyện về một con mèo đã nhìn thấy ma. Biết bao nhiêu loại động vật nhìn trước được vận mệnh tương lai và linh cảm của chúng còn bén nhạy hơn chúng ta nhiều.Ngày em còn bé, có hôm bố em khi đi săn ở vùng Izu đã lạc mất con chó săn giống English Pointer của ông. Chuyện này chắc anh đã từng nghe em kể. Đến ngày thứ 8, con vật gầy guộc với dáng đi lảo đảo ấy đã trở về ngôi nhà của gia đình em. Đó là một còn chó chỉ ăn những thức mà chủ mang đến cho. Không hiểu bằng cách nào mà nó đã đi được từ Izu về đến Tôkyô? [5] một mình!

Việc con người đã dựa vào những các mùi hương để ngộ được những chân lý khác nhau không phải chỉ là cách nói hoa mỹ ví von của các nhà thơ đâu. Các bậc thánh triết trên Chúng Hương Quốc (đất nước của mọi hương thơm) đã dùng những làn hương ấy để làm thức ăn. Giống như thế, trong câu chuyện của anh Raymond (sau đây) thì những cư dân trên Linh Quốc (đất nước của các linh hồn) cũng dùng màu sắc làm lương thực để nuôi dưỡng lòng mình.

Thiếu úy lục quân Raymond Lodge là người con út của Sir Oliver Lodge. Năm 1914, anh tình nguyện nhập ngũ và ra trận trong màu áo của đệ nhị liên đội thuộc binh đoàn miền Nam xứ Lancashire. Ngày 14 tháng 9 năm 1915, trong trận tấn công ngọn đồi Feuchy, anh tử trận. Mãi về sau, qua trung gian của hai cô đồng (medium, linh môi) là bà Reynods và ông Harvey Peters, chúng ta mới có những thông tin về cảnh vật của xứ sở gọi là Linh Giới. Sir Lodge, cha anh, đã thu thập và in lại tin tức về đất nước của những linh hồn ấy trong một quyển sách dày cộm.

Người được hồn nhập (control, túc linh) và chịu sự điều khiển của bà Reynolds là Fiida, một cô Ấn Độ. Về phía ông Harvey Peters thì có một túc linh khác: nhà ẩn tu già Mustone, người gốc Ý.

Lúc đó anh Raymond đang ở khu vực (tầng) thứ 3 của Linh Giới nhưng có lúc, anh đã thử đi về phía khu (tầng) thứ 5 để xem sao. Thì anh thấy nơi ấy hiện ra một tòa lâu đài mà anh ngỡ như được làm bằng một loại thạch cao (alabaster, tuyết hoa thạch cao) trắng toát. Nó được chiếu lung linh bởi muôn ngàn tia sáng đủ màu, đôi chỗ đỏ au như quầng lửa nhưng ngoài ra là màu xanh...ở trung tâm có cả màu vàng cam nữa. Tuy nhiên, không thể nói đó là thứ màu sắc rực rỡ nhưng chỉ là một thứ màu sắc hỗn hợp và dịu dàng. Thế rồi "người ấy" (chữ Fiida dùng khi nói về Raymond) bèn đứng ngắm những màu sắc kia và tự hỏi nó đã đến từ đâu. Sau đó," người ấy" thấy trong tòa lâu đài, có nhiều cánh cửa sổ rộng trên đó có gắn những tấm kính mang các màu sắc ấy. Những người hiện diện bên trong tòa nhà có thể đi qua khỏi những tấm kính đỏ để đi vào trong các khu vực màu hồng hay màu xanh và dừng chân ở đó. Có cả những người được tắm mình trong các thứ ánh sáng màu vàng tươi hay vàng cam. "Người ấy" cho biết không hiểu sao những nhân vật đó lại làm như vậy. Thế rồi có ai đó đã giải thích cho anh ta rõ. Ánh sáng màu hồng mà anh thấy là ánh sáng của tình yêu, ánh sáng màu xanh có thể đem đến sự an ủi cho lòng, còn ánh sáng vàng cam là ánh sáng của trí tuệ. Mỗi người có thể đi tìm loại ánh sáng mà họ mong muốn và vào đứng ở bên trong vùng đó. Theo lời của người hướng dẫn của Raymond thì đó là những điều còn cần thiết hơn cả những gì mà con người sống trên mặt đất từng biết tới. Và ông ta còn cho biết thêm là trong thế giới của loài người hiện nay cũng sắp có những công trình nghiên cứu chuyên sâu về hiệu quả do các loại ánh sáng đem đến.

Chắc anh thấy những điều nói trên đáng tức cười nhưng chẳng phải chúng mình đã từng trang hoàng căn phòng tình yêu – tổ ấm dưới trần gian của chúng mình – bằng những món đồ có hiệu quả ánh sáng đấy sao? Những bác sĩ trị bệnh thần kinh cũng từng chú ý đến ảnh hưởng của màu sắc lên trên con người nữa là.

Khi một đóa hoa tàn đi trên mặt đất này, hương thơm của nó sẽ bay lên tới trời và lúc ấy, sẽ có một đóa hoa nở ở trên đó. Mọi vật thể của Linh Giới đều được tạo thành bởi những làn hương từ mặt đất bay lên. Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng khi một sinh vật trên mặt đất chết đi hay bị hủy hoại, nó sẽ bốc lên cái mùi của nó và như thế, ta có đủ các loại mùi. Mùi hương bay lên trời đã được tái tạo từ các mùi của chúng từng có trên mặt đất. Chẳng hạn như mùi của cây nhục quế (acacia) sẽ không giống mùi của cây tre, mà mùi của tơ gai bị thối vữa cũng không giống mùi của tấm thảm len đã rã rời.

Còn linh hồn người ta thì chúng không bất chợt bay lên như một quả cầu lửa ma trơi (như ta nghĩ) mà sẽ quyện vào nhau như những sợi tơ làm bằng mùi hương rồi nhẹ nhàng lìa bỏ xác chết. Ở một nơi nào đó trong không trung, những sợi tơ ấy sẽ kết hợp lại, tạo thành thân xác mới (linh thể) của người chết, dựa theo hình dáng vật chất của người ấy thuở sinh tiền (nhục thể). Do đó, hình dạng của người ấy khi ở trên trời và khi ở dưới đất sẽ giống nhau như đúc. Raymond tìm lại được hàng mi cũng như những vân tay không suy suyển, ngay cả hai hàm răng thật đẹp, không có lấy mấy cái răng sâu của thời anh còn sống nơi hạ giới.

Trên đó, người mù có thể nhìn lại, người xưa kia què nay đi dược với hai chân thẳng thớm. Ngựa, mèo, chim đều giống như dưới đất. Có những ngôi nhà gạch và (cả điều có thể làm anh tức cười là) xì gà, rượu uýt-ki xô đa đều giữ được cái tinh chất của hương vị trần thế. Trong Linh Giới, những đứa bé chết non tiếp tục lớn lên. Raymond đã gặp được người em của anh qua đời lúc còn trẻ trong hình dáng một thanh niên nhưng anh chàng không biết chi nhiều về chuyện xảy ra dưới đất. Khuôn mặt của các linh hồn đều xinh đẹp, đặc biệt nơi một người con gái trẻ tên là Lili. Phải chi có một nhà thơ nào đó để cả tụng nhan sắc của cô khi cô mặc bộ quần áo vải dệt bằng ánh sáng và cầm đóa hoa huệ trên tay.


Hoa tử la lan (pansy), 
tình nhớ mong

Nếu đem so sánh với một tác phẩm như Thần Khúc (Divine Comedy) của thi hào Dante hay Thiên Đàng và Địa Ngục của nhà thần học Swedenborg thì "Thông tin từ Linh Giới" của anh Raymond chỉ là những lời nói bập bẹ của một đứa trẻ con, khiến cho ta phải mỉm cười khi cầm lên đọc vì nó giống như một câu truyện cổ tích. Trong tập ký lục dài lê thê này, em chỉ xin mạn phép chép ra những đoạn có tính chất thần tiên mà em yêu hơn cả. Sir Oliver Lodge cũng không tin tưởng cho lắm về các hình ảnh thế giới ở trên kia mà các cô đồng đã gợi ra. Tuy nhiên, vì quyển sách là lời chứng từ về sự hiện hữu của một thế giới bất tử, ông mới đem nó tặng cho hàng trăm ngàn người mẹ và người tình đã mất đi kẻ họ yêu dấu trong cuộc Thế chiến (thứ nhất) ở châu Âu. Những tác phẩm bàn về cuộc chiến tranh này thì có rất nhiều nhưng không quyển nào trong số sách mà em được đọc đã đề cập đến một thế giới vĩnh cửu với tất cả sự chân thành như quyển sách của anh Raymond. Em, người đã vĩnh viễn mất anh, đang muốn tìm một nguồn an ủi. Không hiểu khi trích một hai câu chuyện thần tiên như thế từ quyển sách ấy ra, em có làm một việc gì ngô nghê, kỳ quặc hay không nhỉ?

Có thể huyễn ảnh về thế giới bên kia được người phương Tây trình bày chỉ hạn hẹp và phẳng phiu như thế thôi cho dù chúng có được viết bởi một Dante hay một Swedenborg, nhất là khi ta đem chúng ra để so sánh với những huyễn ảnh thấy trong các tạng kinh nhà Phật về những thế giới có không biết bao nhiêu vị Phật xuất hiện. Em phải nhìn nhận rằng, ở phương Đông, đã có người như Khổng Tử từng phủ nhận sự hiện hữu của Thế giới bên kia khi ông bảo: "Chuyện người sống ta còn chưa biết, huống chi chuyện của người chết!". Thế nhưng lúc sau này, đối với em thì viễn tượng về thế giới của những kiếp trước (tiền thế) và kiếp sau (lai thế) mà Phật giáo mang đến cho chúng ta mới là những vần thơ ai điếu (trữ tình ca) rung động nhất và an ủi dược nhiều nhất.

Raymond đã kể cho chúng ta nghe về niềm vui và cảm xúc của anh khi gặp được Đấng Christ nhưng nhân vì túc linh (control) của bà Reynolds là một cô gái Ấn Độ, ta hơi ngạc nhiên không thấy Raymonds đề cập việc gặp được Đức Thích Ca Mâu Ni trong phạm vi của Linh Giới? Làm sao anh không nói đến cấu tưởng rất phong phú về Thế giới bên kia trong lời giáo huấn của các bộ kinh Phật giáo?

Em nhớ lại rằng Raymond từng than thở cho nỗi buồn của những hồn ma khi họ kể lại chuyện đã trở về thăm ngôi nhà trên mặt đất vào một ngày lễ Giáng Sinh (Noel). Thế nhưng lúc đó, cha mẹ và những người thân của họ lại nghĩ rằng sau khi chết đi, linh hồn con người đã bị tiêu diệt một lượt cùng với thân xác. Em thì từ khi anh qua đời, vào mỗi năm khi tổ chức lễ Vu Lan, em chưa lần nào muốn hồn anh quay về dù thói thường cho là linh hồn người chết vẫn hiện hữu qua sự tôn thờ họ bởi những người còn sống. Thế anh có đau khổ giống như những hồn ma kiểu Raymond không?

Em còn thích một số bộ kinh như Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh viết về truyện tích Mục Liên tôn gỉả (Mục Kiền Liên) [6] hoặc Thiêm (?) tử kinh (Senjikyô) trong đó có chép công đức đọc kinh của Đạo Phi (Dôhi) khiến cho đầu lâu của cha ông vui mừng nhảy múa. Em cũng thích câu chuyện về tiền thân bạch tượng của Đức Thích Ca Mâu Ni....ngay cả nghi thức trong ngày hội cúng cô hồn (Seirei matsuri) khi người ta tiếp nhận ngọn lửa thiêng Ma Kha đón người chết (ogara no mukaebi) bằng một sợi giây tết bằng tơ rồi chuyển đi thắp sáng những ngọn đèn đặt trên thuyền nhỏ và thả cho chúng trôi đi. Tuy là trò chơi của trẻ con đấy nhưng vô cùng đẹp đẽ. Người Nhật chúng ta không quên bất cứ thần linh nào, ngay cả những linh hồn vất vưởng không dính líu gì đến con người như lũ ngạ quỉ trên sông (Kawase-gaki). Ngoài ra còn có nghi thức cúng tế những món đồ bé mọn như những cây kim gãy (Harikuyô) [7] một lần trong năm nữa.

Tuy vậy, đối với em thì bài thơ của thiền sư Nhất Hưu (Ikkyuu) vào dịp lễ cúng cô hồn là đẹp hơn cả. Trong đó ông đã nhắc đến những quả dưa và cà tím vừa mới hái của vùng Yamashiro và nước sông Kamo dùng như đồ cúng:

"Đây là cuộc đại lễ của các cô hồn. Những quả dưa hái được mùa này là cô hồn. Cà tím cũng là cô hồn, nước sông Kamo, những quả đào và quả hồng đều có linh hồn cả đấy. Kẻ chết là cô hồn mà người sống cũng là cô hồn. Các linh hồn này tụ họp lại với nhau và sự gặp gỡ này đã tạo ra một khoảng chân không của vô tâm và vô niệm. Thế không phải làm điều quí hóa khiến ta phải cảm tạ chư Phật hay sao!"

Sau đây là lời bình của Shôô (Tùng Ông) [8] về bài thơ của Nhất Hưu

"Chỉ cần tả quang cảnh thống nhất của một buổi lễ chiêu hồn như vậy mà Ikkyuu đã có thể thuyết về "Nhất tâm pháp giới". Nhân vì "Pháp giới tức nhất tâm" cho nên "Nhất tâm tức pháp giới". Buổi lễ là để kỷ niệm ngày mà "thảo mộc quốc thổ tất giai thành Phật" (Cây cỏ sông núi thảy thảy đều thành Phật)".

Còn như bộ Tâm Địa Quán Kinh (Shinjikankyô) [9] thì cho rằng nhất thiết chúng sinh đều phải luân chuyển (luân hồi) qua ngũ đạo trong một trăm nghìn kiếp, và trong khoảng thời gian ấy, có thể đóng vai trò cha mẹ ở một nơi nào đó và vào một thời nào đó.

Kinh chép rằng đó là lý do khiến cho bất cứ người đàn ông nào trên đời đều là từ phụ và mọi người đàn bà trên đời đều là bi mẫu (bà mẹ nhân đức).Nó cũng cho biết đã là con người, ai cũng nhận được "từ ân" của cha và "bi ân" của mẹ.

Nếu hiểu chữ "bi" ở đây là "buồn" thôi thì quả là cách suy nghĩ nông cạn [10]. Thế nhưng trong lời dạy của nhà Phật thì cái ân mà con người nhận từ bà mẹ lúc nào cũng nặng hơn cái ân đến từ người cha.

Chắc anh còn nhớ thời gian em vừa mất mẹ chứ nhỉ?

Lúc đó anh bất chợt đặt câu hỏi: "Thế em có nhớ mẹ không?" và em đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên.

Mưa đã tạnh và bầu trời sáng hẳn ra như có ai vừa hút hết nước.Dưới ánh nắng trong trẻo của một ngày sơ hạ, thế giới xung quanh như trống không. Từ bãi cỏ xanh ở trước cửa sổ, một làn hơi nước lung linh (kagerô) đang bốc lên. Ngồi trên bắp vế anh, em đang ngắm cánh rừng chồi mọc nhiều loại cây nằm ở phía Tây. Khu rừng hiện ra rất rõ ràng như đang muốn điều chỉnh lại đường nét của cảnh vật.Lúc đó em chợt nhận ra là một phần của bãi cỏ như được tô màu. Em tự hỏi không biết có phải do ánh mặt trời phản chiếu lên làn hơi nước vừa bốc lên hay không. Em bỗng thấy bóng mẹ em đang từ nơi đó tiến về phía em.

Dạo đó, em đang sống chung với anh, mặc cho cha mẹ ngăn trở. Tuy vậy, em không hề hổ thẹn về điều đó. Khi vừa nghĩ "Ấy chết!", em bật dậy khỏi anh thì đã thấy mẹ em như đang muốn nói gì nhưng chỉ đưa bàn tay trái lên chận lấy yết hầu, rồi sau đó, bất chợt, hình bóng của bà tan biến đi đâu mất.

Trước cảnh tượng đó, em buông cả sức nặng của thân hình mình, ngồi phịch xuống đùi anh. Anh mới hỏi có phải là em đang nghĩ về mẹ hay không?

-Ủa, anh cũng thấy nữa sao?

-Thấy cái gì?

-Mẹ mới đứng ở đằng đó mà!

-Ở đâu nào?

-Đằng đó chớ đâu!

-Chẳng thấy ai cả. Em có sao không vậy?

-Anh nói đúng. Bà ấy vừa biến mất. Có lẽ mẹ đến đây để báo tin cho con gái về cái chết của mình.

Em bèn tức khắc quay về nhà bố mẹ. Tuy mẹ đã mất nhưng xác vẫn còn quàng ở bệnh viện chứ chưa kịp đem về tới nhà. Vì không liên lạc với gia đình từ lâu nên em hoàn toàn không biết gì về bệnh tình của mẹ lúc gần đây. Mẹ đã qua đời vì chứng ung thư vòm lưỡi. Có lẽ vì thế mà bà đã đưa tay ra đè lên yết hầu như muốn gửi đến em một tín hiệu!

Lúc em nhìn thấy huyễn ảnh của mẹ cũng chính là thời điểm mà mẹ tắt thở trong bệnh viện, không sai lệch một khắc.

Thế mà đối với người mẹ đầy lòng nhân từ (bi mẫu) ấy, em không lập được một cái đàn tràng cho bà trong dịp lễ Vu Lan. Hơn nữa, em không hề có ý muốn mượn lời của cô đồng (miko) để nghe bà kể lại chuyện thế giới bên kia. Có lẽ điều thích hợp cho em nhất là ra ngoài khu rừng chồi đó, chọn một cây con, tưởng tượng nó là mẹ mình, và thủ thỉ tâm tình.

Đức Phật Thích Ca có lần thuyết pháp, nhắc nhở chúng sinh phải thoát khỏi sự ràng buộc của vòng luân hồi chuyển sinh để có thể vĩnh viễn nhập Niết Bàn. Do đó các linh hồn còn cứ phải đầu thai từ kiếp này qua khiếp khác đều là linh hồn lạc lõng đáng thương. Theo em thì không có truyền thuyết nào được dệt bởi những hình ảnh mộng mơ phong phú cho bằng pháp môn về luân hồi chuyển sinh. Đó là khúc hát về tình yêu đẹp nhất mà loài người có thể viết ra. Bên Ấn Độ thì vào thời đại Vệ Đà (Vedas) xa xưa cũng đã có tín ngưỡng này rồi, cho nên có thể nói lòng tin về sự hóa thân là dấu ấn nguyên thủy của tâm hồn phương Đông. Dù vậy, thần thoại Hy Lạp từng có những truyền thuyết về hoa và thi hào Goethe cũng có bài thơ "Hoa cúc trong tù". Cho nên ở phương Tây cũng vậy, những nhân vật xuất hiện dưới hình dáng của thú vật hay hoa cỏ còn nhiều hơn cả sao trời.

Các bậc hiền triết đời xưa cũng như những nhà tâm linh học gần đây tức là những kẻ hay tìm hiểu về linh hồn con người, thường chỉ tôn trọng hồn người và miệt thị hồn động vật cũng như hồn cây cỏ. Đã hàng mấy nghìn năm, nhân loại đã tìm đủ cách để phân biệt con người với vạn vật trong vũ trụ nghĩa là đi theo một con đường mù quáng dẫn đến hủy diệt.

Có phải vì cứ hành động một cách tự mãn như thế mà ngày nay, con người đã đi đến chỗ thất bại và rơi vào buồn khổ?

Có lẽ một ngày nào đó, nhân loại sẽ phải đi ngược chiều ngay trên con đường mà họ vừa mới đến.

Anh sẽ tức cười vì cho đó là khuynh hướng phiếm thần (pantheism) đã có trong những xã hội cổ đại và ở nơi các dân tộc kém văn minh, phải không anh? Thế nhưng anh cũng biết rằng các nhà bác học muốn tìm hiểu về nguồn gốc của vật chất thì càng nghiên cứu chi li bao nhiêu họ càng thấy rằng những yếu tố cơ sở thường lưu chuyển trong bất cứ cấu trúc nào. Một vật chất đánh mất hình thể ở thế giới bên này nhưng mùi hương của nó sẽ tạo ra một hình thể mới ở thế giới bên kia. Tuy câu nói đó chỉ là ví von nhưng cũng tượng trưng cho một sự thực có tính khoa học. Năng lượng của vật chất không thể biến mất, đó là điều mà một người đàn bà trẻ, kiến thức nông cạn như em, đã cảm thấy trong đoạn đời em vừa mới trải qua. Vi lẽ đó, tại sao ta lại nghĩ rằng linh hồn lại là cái duy nhất có thể bị tiêu diệt cho được! Theo em thì linh hồn phải chăng chỉ là một từ ngữ để diễn tả thuộc tính của một nguồn năng lượng lưu chuyển khắp nơi, trong mọi tạo vật trên trời hay dưới đất?

Khái niệm bất tử có thể là biểu hiện sự luyến tiếc của con người đối với cuộc sống cũng như tình yêu của họ đối với những người thân yêu đã chết. Thế nhưng nó là một huyễn tưởng đáng thương hại khi chúng ta ngỡ rằng mình sẽ giữ được ở thế giới bên kia nguyên vẹn nhân cách của mình từng có trên mặt đất này kể cả tình yêu và lòng thù hận. Chúng ta cứ tưởng sự chết có chia rẽ cha mẹ với con cái nhưng cha mẹ và con cái vẫn giữ được mối liên hệ! Bên kia thế giới, anh em vẫn là anh em!Hình như các hồn ma ở phương Tây đã trình bày hình ảnh một thế giới của đời sau khác hẳn với thế giới theo quan niệm của chúng ta. Chao ôi, thật đáng buồn cho lối suy nghĩ chỉ tin tưởng một cách ngoan cố vào tính ưu việt của loài người.


Hoa dạ hương lan (hyacinth), 
tình chung thủy

Sau khi em chết đi, thay vì sống trong một thế giới nhợt nhạt của những hồn ma, em muốn mình biến thành một con bồ câu rừng (colombe) trắng, một cành hoa thu mẫu đơn (anemone). Một cấu tưởng như thế có thể giúp chúng ta nuôi dưỡng được những tình cảm thân ái rộng lớn hơn và tự do hơn khi còn sống trong cõi đời này.

Ngày xửa ngày xưa có một học phái theo Pythagoras (580?-500?BC) thì phải, đã chủ trương rằng linh hồn của những kẻ ác trong một đời sau sẽ trở thành thú vật hoặc bị giam giữ trong thân xác của chim chóc và chịu đựng nhiều điều cực khổ để đền bù tội lỗi họ đã phạm

Vào ngày thứ ba, khi giòng máu trào ra trên thập tự giá còn chưa khô, Đức chúa Jesus Christ đã bay về trời còn thi thể của ngài thì đà biến mất.

"Có hai người trong bộ quần áo sáng như tia chớp, hiện ra trước mặt các người nữ. Trong khi các bà đang sợ hãi cúi đầu thì hai người đó mới nói với họ rằng: Tại sao các ngươi lại đi kiếm một người sống ở nơi chỉ có người chết? Ngài không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại rồi. Các người có nhớ lời ngài phán khi ngài hãy còn ở trong xứ Ga-li-lê hay không? Ngài đã bảo: Con của Người sẽ bị giao vào tay những kẻ ác, chịu đóng đinh trên thập tự giá và sẽ phục sinh vào ngày thứ ba".

Jesus Christ, người Raymond được gặp ở trên Linh Giới cũng mặc áo xống sáng như tia chớp giống hai người này và tất cả các cư dân trên đó. Áo xống của những linh hồn đều được dệt bằng trái tim, hay nói khác đi, đời sống tinh thần của con người đã biến thành quần áo họ mặc sau khi chết. Như thế, một bài học luân lý về cách sống trong xã hội đã được lồng vào bên trong câu chuyện về quần áo của các linh hồn. Cũng như kiếp sau (lai thế) thấy trong giáo lý nhà Phật, cõi nước trời của Raymond có 7 giới (tầng) khác nhau. Tùy theo kết quả của sự tu hành, dần dần các linh hồn có thể thăng tiến để lên một tầng cao hơn.

Thuyết luân hồi chuyển sinh của nhà Phật hình như cũng là một biểu tượng cho luân lý của cõi đời chúng ta. Con chim ưng kiếp trước có thể trở thành người trong kiếp này, con người trong kiếp này có thể trở thành con bướm hay một vị Phật trong kiếp sau. Nó đem cái nghiệp và luật nhân quả báo ứng để giải thích về mọi hành vi của chúng ta trong cuộc đời. Điều này ( = thuyết định mệnh, NNT) đã làm giảm đi giá trị khúc tình ca đầy lòng nhân ái kia.

"Bài hát về chuyển sinh" chép ở "Quyển sách về người chết" [11], tác phẩm nổi tiếng thời Cổ Ai Cập lại có nội dung thành thực hơn. Còn như bộ quần áo cầu vồng của nàng Idris trong thần thoại Hy Lạp thì sáng hơn (áo xống trên Linh Giới của Raymond). Ngoài ra, sự chuyển sinh của hoa thu mẫu đơn (anemone) đã biểu lộ được một niềm vui tươi mới hơn.

Trong thần thoại Hy Lạp thì mặt trăng và các ngôi sao, thú vật và cây cỏ đều được xem như là những vị thần. Những vị thần này biết khóc, biết cười nghĩa là có tình cảm chẳng khác chi con người và còn biết sống lành mạnh nữa, như khi trần truồng nhảy múa trên một thảm cỏ thật xanh dưới bầu trời trong.

Thế rồi những vị thần này còn biến thành hoa hay cỏ như để cùng nhau chơi trò ú tim. Cô tiên bé nhỏ (nymphe) Herides sống trong rừng vì muốn tránh cặp mắt tình tứ của chàng trai không phải chồng mình nên đã thu nhỏ lại thành một đóa tử la lan (pansy). Nàng Daphné muốn thoát khỏi vòng tay của thần Apollo dâm đãng và giữ cho được tiết trinh của người xử nữ đã biến thành cây nguyệt quế (laurel). Để an ủi người yêu là nàng Venus đang tuyệt vọng vì cái chết của mình, cậu thiếu niên Adonis xinh trai bèn tái sinh dưới dạng một nhánh phúc thọ thảo (adonis, pheasant’s eye). Thần Apollo vì thương tiếc người yêu là nàng Hyacinth chết trẻ nên đã biến nàng thành một đóa dạ hương lan (hyacinth) cùng tên.

Giống như thế, em cũng có thể tưởng tượng rằng cành mơ hồng trưng trong hốc tokonoma gian phòng em chính là anh và tâm sự nỗi niềm của mình với nó chứ nhỉ?


Hoa thu mẫu đơn (anemone) trắng, 
tình chân thực

Lạ thật! Việc một đóa hoa sen sinh ra trong đám lửa được ví như sự hiện hữu của chính giác ngay giữa lòng ái dục. Khi bị anh ruồng bỏ, một người đã thấu hiểu tấm lòng của hoa thu mẫu đơn (anemone) như em mới thấy câu nói kia không chệch vào đâu vì em đã tìm ra chính giác (= giác ngộ) bên trong những đam mê. Anemone là tên gọi của một cô tiên nhỏ (nymphe) xinh đẹp sống trong rừng mà không biết tự lúc nào Thần Gió đã si mê. Rồi không hiểu tại sao cái tin ấy đã lọt vào tai nàng Flore tức Thần Hoa, người yêu của Thần Gió. Flore vì quá ghen tuông nên dù Anemone vô tội và không hay biết gì, thần vẫn đuổi nàng ra khỏi cung điện. Anemone bao đêm đã khóc tức tưởi ở ngoài đồng cỏ cho dến sáng và nghĩ rằng nếu phải đau khổ đến nước này thì thà làm thân cây cỏ cho xong và hãy sống như một đóa hoa đẹp cho đến ngày tận thế. Và lúc đó, cô tiên nhỏ ấy đem tấm lòng đơn sơ và thành thực của mình để tiếp nhận ơn huệ của đất trời và bất chợt ngộ được lẽ đạo.

Thay vì sống như một thần linh mà bất hạnh, ta đây chỉ muốn làm một đóa hoa xinh xắn. Được như thế thì sung sướng biết bao nhiêu.Sau khi ước nguyện như vậy, lần đầu tiên, lòng của cô mới cảm thấy sáng sủa.

Hết ngày đến đêm, em căm hận anh vì đã bỏ rơi em và ghen tuông với Ayako, người chiếm đoạt anh khỏi tay em. Bao nhiêu lần em đã tự dày vò, cho rằng tốt hơn nên biến thành một loài hoa dại để tìm ra hạnh phúc thay vì làm một nàng tiên đau khổ.

Giọt nước mắt của loài người là cái lạ lùng thay!

Nếu bảo là lạ lùng thì những lời em bày tỏ với anh đêm nay chẳng đầy những điều lạ lùng đấy hay sao? Thế nhưng suy đi nghĩ lại thì mới thấy những gì em phát biểu chỉ là để nói lên những nguyện vọng và giấc mơ của hàng triệu con người từ hàng nghìn, hàng vạn năm mà thôi. Là đàn bà, em đã sinh ra ở cõi đời này như một bài thơ trữ tình, một giọt nước mắt của loài người.

Khi em có một người tình và ôi thôi, người ấy là anh, nước mắt đã ràn rụa trên má em vào những buổi tối trước khi em đi ngủ.

Khi em mất đi một người tình và ôi thôi, người ấy lại là anh, nước mắt đã ràn rụa trên má em vào những buổi mai khi em thức dậy.

Thời gian em còn nằm ngủ bên cạnh anh, không có bao giờ em thấy anh trong những giấc mơ. Thế rồi từ khi chúng mình chia tay, em luôn luôn nằm mơ thấy em đang nằm trong vòng tay anh. Em nhớ là ngày xưa, dù đã chìm sâu vào trong giấc ngủ, nước mắt em vẫn rơi lã chã vì quá hạnh phúc. Chứ giờ đây, mỗi sáng thức dậy, em chỉ cảm thấy buồn mà thôi.

Nếu suy nghĩ theo kiểu là trong thế giới của những linh hồn (Linh Giới) con người ta có thể dùng mùi hương hay màu sắc thay cho thức ăn của tâm hồn thì cũng có thể bảo ái tình đến từ người yêu là suối nguồn của một đời đàn bà. Chuyện đó nào đáng ngạc nhiên đâu!

Khi anh còn thuộc về em thì em đã có thể bộc lộ cho anh thấy niềm hạnh phúc đàn bà đang dâng lên trong em qua những hành động như đi mua một cái lót cổ áo kimono (han.eri) ở cửa hàng bách hóa hay lướt một đường dao trên mình con cá trám đỏ (amadai, tilefish) trong nhà bếp.Thế nhưng sau khi đã mất anh rồi thì hương sắc của muôn hoa, tiếng hót của lũ chim non đối với em đều trở thành tẻ nhạt và vô nghĩa. Sự giao cảm của tâm hồn em với đất trời và mọi sinh vật đều như bị gián đoạn. Việc em đánh mất tấm lòng biết yêu thương còn làm em đau khổ hơn là mất đi một người yêu.


Hoa phúc thọ thảo (adonis), 
tình nuối tiếc

Thế rồi có hôm em được đọc khúc tình ca nói về việc luân hồi chuyển sinh. Nó đã dạy em nhìn lại mọi sự từ anh đến em như những sinh vật ở giữa thế giới của cầm thú thảo mộc và biết yêu trở lại với tất cả lòng quảng đại từ anh cho đến thiên địa vạn vật quanh em.

Khúc tình ca đưa em đến bến bờ giác ngộ đó đã bắt đầu từ nỗi buồn thấy trong những dục vọng yêu đương rất đậm chất người.Và em đã yêu anh đến mức độ như vậy.

Giờ đây, thêm một lần nữa, theo thói quen hồi mình mới quen nhau và còn chưa tỏ tình, em đang ngắm cành mơ hồng đương nụ và tập trung tinh thần để ước nguyện một cách mãnh liệt sao cho linh hồn em, như một làn sóng vô hình, có thể trôi đi để đến gặp anh ở thế giới bên kia, nơi mà em chưa biết là đâu.

Khi nhìn thấy bóng của mẹ hiện ra, trước khi em chưa nói lên được lời nào, anh đã quá chu đáo mà hỏi thăm xem mẹ có đau yếu gì không? Em đã tưởng rằng khi hai đứa chúng mình đã có sự đồng cảm đến mức xem nhau như một thì không thể có một sức mạnh nào tách chúng mình ra khỏi nhau. Với sự yên tâm như thế về mối liên hệ giữa chúng mình, em đã từ giã anh để đi dự đám tang của mẹ.Trên chiếc bàn phấn có 3 mặt kính mà em để lại nhà bố, em đã viết thư cho anh lần đầu tiên kể từ hôm mình chia tay.

Lòng bố em tan nát kể từ ngày vợ mất nên đã chấp nhận cuộc hôn nhân của anh và em. Ông đã chuẩn bị cho em một bộ áo tang màu đen như bằng chứng của sự hòa giải. Bây giờ là lúc em đang buồn bã ngồi trang điểm để dự buổi lễ đó. Đây là lần đầu tiên em mặc lễ phục kể từ ngày bỏ nhà theo anh. Tuy có dáng mệt mỏi nhưng em trông xinh lắm nghe! Em muốn khoe cho anh khuôn mặt của em in trong chiếc kính soi này đấy. Thế rồi em đã dành một chút thời giờ trống để viết thư cho anh. Màu đen này trông cũng đẹp nhưng em sẽ vòi anh một chiếc áo sặc sỡ hơn để làm trang phục cho ngày cưới. Em muốn quay về gặp anh càng sớm càng tốt. Thế nhưng em là đứa con gái đã "bỏ nhà đi hoang" (iede) nên đây là một cơ hội tốt để được gia đình tha thứ. Do đó em sẽ phải chịu khó nán lại đây cho đến tuần thứ 5 (35 ngày) của mẹ. Nhưng chắc bây giờ cô Ayako đang ở bên anh, có phải không? Mọi việc trong nhà, anh hãy nhờ cô ấy lo liệu. Ở đây thì cậu em trai luôn luôn đứng về phía em. Nó còn trẻ nhưng đã biết che chở, bênh vực cho chị trước mặt bà con thân thích. Thật là dễ thương. À, mai mốt, em sẽ mang cái bàn phấn về đấy.

Buổi chiều hôm sau, bức thư của anh đã đến tay em:

"Chắc em mệt nhiều vì phải thức canh (tsuuya) trong tang lễ và lo trăm thứ việc khác. Nhớ giữ gìn sức khỏe. Về phần anh thì đã có Ayako chăm sóc".

"Em có nói đến cái bàn phấn, quà tặng của cô bạn người Pháp học chung trường các "sơ" nhà dòng (Mission School) trước khi cô ấy lên đường về nước. Em từng bảo với anh đó là món đồ mà (trước khi ra đi) em tiếc hơn cả. Có lẽ em đã tìm lại nó nguyên vẹn như xưa, ngoại trừ bụi phấn đã đóng cục trong mấy ngăn kéo, phải không? Cái dáng dấp xinh đẹp của em trong bộ lễ phúc in trong mặt kính thì từ xa anh cũng có thể tưởng tượng như đang có em trước mắt. Anh cũng mong sao em sớm được mặc áo cưới. Đằng này anh cũng có thể sắm cho em nhưng nếu làm nũng xin bố cho thì chắc chắn bố sẽ vui hơn. Đừng nghĩ rằng anh lợi dụng tình thế ông đang buồn nhưng nếu ông chấp thuận cho chúng mình cưới nhau, có lẽ vì ông đã hiểu thế nào là khổ đau từ ngày vợ mất. Còn cậu em trai ngày xưa Tatsue từng cứu mạng, thì cậu ấy đang định làm gì nào ?"

Lá thư này của anh không phải để trả lời em. Bởi vì lá thư em viết cho anh cũng không phải là để trả lời anh. Hai đứa chúng mình đã viết cho nhau cùng một lúc và cùng một chuyện từ hai phía. Giữa chúng ta, viết lách kiểu này không phải là điều hiếm có.

Sau đây còn thêm một bằng cớ nữa về tình yêu của chúng ta. Nó đến từ lòng tin cậy đã dành cho nhau trước cả ngày chúng ta cùng về sống dưới một mái nhà.

Anh thường nói: "Tatsue à! Khi nào có em bên cạnh, anh cảm thấy yên tâm vì sẽ không có tai họa nào xảy tới được!"Anh cũng nhắc lại câu nói đó lúc em kể chuyện là mình có lần đã ngăn kịp không để cho cậu em trai phải chết đuối.

Dạo đó, em đang xả nước mấy bộ quần áo tắm bên cái giếng của ngôi biệt thự gia đình thuê để nghỉ hè. Bất chợt em cảm thấy có tiếng kêu thất thanh của đứa em trai cùng với bàn tay của nó ngoi lên khỏi mặt nước, một cánh buồm, bầu trời bão tố và mặt biển dậy sóng. Em ngẩng đầu lên thì thấy trời vẫn đẹp. Tuy thế, em đã hối hả ra khỏi nhà: "Mẹ ơi! Em con nó đang gặp nguy hiểm!"

Mẹ em tái mặt và kéo lấy tay em, cả hai vùng chạy ra ngoài bãi tắm. Đứa em trai, lúc ấy 8 tuổi, sắp sửa leo lên một chiếc thuyền buồm con với hai cậu học sinh trung học mà em biết mặt và một thanh niên. Anh này là người duy nhất trong bọn biết lái thuyền. Cả bọn đang định khởi hành từ buổi sáng để đến một địa điểm hóng mát cách đó vài hải lý rồi từ đó sẽ cho thuyền men theo bờ. Họ đã chuẩn bị sẳn một phích kem , mấy cái xăng-uýt và một quả dưa.

Thế nhưng trên đường về, khi còn ở ngoài khơi, họ đã xui xẻo gặp phải cuồng phong làm cho thuyền xoay chiều và bị lật.

Ba người trẻ tuổi bị sóng cuốn đi nhưng còn bám được vào cánh buồm đã gãy. Khi ca-nô cứu hộ đến nơi thì cả bọn đã uống gần một bụng nước nhưng được đưa về bến an toàn. Thử nghĩ nếu cậu em trai của em đi theo họ hôm đó thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên thuyền khi chỉ có một người lớn mà hai cậu học sinh thì bơi không thạo lắm!

Sở dĩ mẹ em nhanh nhẹn phản ứng là vì bà đã biết được năng lực dự báo chuyện chưa xảy ra của em.

Từ khi em nổi tiếng nhờ tài bắt trúng các quân bài Karuta, thầy hiệu trưởng trường tiểu học đã muốn gặp cô bé thần đồng một lần cho biết. Do đó mẹ đã dắt em đến nhà thầy chơi. Lúc đó em còn chưa đến tuổi vào tiểu học và tập mãi mới đếm tới 100, số Ả Rập thì em vẫn chưa biết đọc nhưng đã thừa sức làm các thứ toán nhân, toán chia. Kiểu tính toán ứng dụng như cộng số chân rùa và chân hạc (Hạc qui toán) [12] thì em đã có thể có ngay đáp số. Những chuyện này quá dễ dàng đối với em nên em không cần phải viết ra hay tính thử làm chi cho mệt. Những câu hỏi về sử địa nếu không khúc mắc em đều có thể trả lời.

Lạ cái là thiên khiếu ấy của em chỉ bộc lộ ở trước mặt mẹ. Thầy hiệu trưởng có vẻ ngưỡng mộ em vì thấy đôi khi thầy vỗ đùi đánh đét. Mẹ kể cho thầy nghe rằng khi trong nhà đánh mất một vật gì, chỉ cần hỏi con bé là nó sẽ tìm ra ngay.

-À ra thế!

Nói xong, thầy hiệu trưởng bèn mở một quyển sách trên bàn và đưa cho mẹ em xem và nói rằng chắc cháu không thể nào biết được cái số trang tôi đang lật ra đâu.

Một lần nữa, em đã lẳng lặng đưa ra một con số và nó ...đúng. Lúc ấy, ngón tay thầy đang đặt lên trên một dòng chữ, thầy bèn nhìn em và hỏi: -Cháu có thể cho tôi biết hàng chữ này nói về cái gì không?

-Chuỗi hạt bằng pha lê. Hoa tử đằng. Tuyết rơi xuống những đóa hoa mơ. Đứa bé kháu khỉnh đang ăn dâu.

-Ôi! Trời đất! Tôi xin hàng! Cháu đúng là thần đồng có thiên lý nhãn. Thế chứ quyển sách này là sách gì vậy cháu?

Em hơi nghiêng đầu trong một thoáng rồi trả lời:

-Dạ thưa, đây là cuốn Makura no Sôshi (Chẩm Thảo Tử) của bà Sei Shônagon đấy ạ!

Lúc nãy em có nói đến Chuỗi hạt bằng pha lê, Hoa tử đằng. Tuyết rơi xuống những đóa hoa mơ. Đứa bé kháu khỉnh đang ăn dâu

Chẳng qua đó chỉ là cách đọc thiếu chính xác của một đứa bé con về một nội dung như sau đây: [13]

Tràng hạt để cầu kinh làm bằng pha lê. Hoa tử đằng. Tuyết rơi lên trên những đóa hoa mơ. Đứa bé kháu khỉnh đang ăn mấy quả dâu (ichigo).

.Tuy vậy em hãy còn nhớ gương mặt sửng sốt của thầy hiệu trưởng cũng như ánh mắt tự hào của mẹ em lúc đó.

Thời đó, em rất thích làm những việc như đọc vanh vách bảng cửu chương dùng làm toán nhân, hay tùy theo trường hợp mà dự báo thời tiết lúc nào mưa lúc nào nắng, bọn chó con sắp đẻ sẽ có mấy đực mấy cái,con số khách đến chơi nhà trong ngày, khi nào là giờ bố về, gương mặt của chị sen sắp mướn...ngay cả giờ qua đời của một bệnh nhân vốn không quen biết gì với gia đình. Hàng xóm thi nhau khen ngợi làm cho lòng tự ái của em được vỗ về nên em rất khoái chí. Tuy nhiên, tình thật mà nói, tuy em có lậm vào trong trò chơi tiên tri nhưng em vẫn còn giữ được sự thơ ngây của một đứa trẻ.

Thế rồi khi lớn lên, cái tài tiên tri ấy dần dần bỏ em đi khi sự ngây thơ của em không còn nữa. Vị thiên sứ với tính khí thất thường ngụ trong lòng em đã bay đi mất hay sao?

Nói vậy chớ vào thời con gái, em vẫn đón nhận những giây phút xuất thần và nó đã đến thăm em nhanh như tia chớp.

Thế rồi vị thiên sứ tính khí thất thường đó đã hoàn toàn gãy cánh – như em vừa nói trước đây với anh – vào cái giờ phút mà em ngửi được mùi nước hoa tưới lên chiếc giường tân hôn của anh và cô Ayako.

Lá thư em viết cho anh trong đó có nói về chuyện tuyết rơi có lẽ là lá thư lạ lùng nhất trong những lá thư em đã viết trong phân nửa quãng đời thiếu nữ của mình – bởi vì giờ đây em hãy còn trẻ - nay dã trở thành một kỷ niệm êm đềm. Một lá thư như thế, em không đủ sức để viết một lần thứ hai.

"Tuyết rơi nhiều lắm ở Tôkyô, có phải không anh? Trước cổng vào nhà anh, con béc-giê Đức đang kéo căng sợi giây xích thiếu điều làm đổ cả cái chuồng màu xanh của nó. Nó hùng hổ sủa một ông già đang cào tuyết.Nếu nó hành động kiểu này đối với em – dù là từ đằng xa – em cũng không tài nào bước qua cái cổng. Tội nghiệp ông ấy thật. Đứa trẻ ông buộc trên lưng bằng một sơi giây bắt đầu cất tiếng khóc. Anh lúc đó đã ra bên ngoài và đang dỗ dành đứa trẻ một cách dịu dàng và như đang tự hỏi không biết tại sao ông lão trông thảm hại kia lại có thể có một đứa con hiếu động và xinh xắn. Nhưng em nghĩ ông ta không thể lớn tuổi như vậy đâu, chẳng qua gian khổ đã làm cho gương mặt ông khằn đi thôi. Đầu tiên chị giúp việc trong nhà là người đảm đương việc cào tuyết phải không? Thế rồi ông già tướng như ăn mày này ghé qua. Mặc cho ông ta dập đầu xin xỏ nhưng một ông già gầy gò ốm yếu như thế này, trên lưng lại đèo theo một đứa con nít thì không nơi đâu nhận cho làm việc ngay cả việc cào tuyết. Ông thưa rằng từ sáng hôm nay, đứa bé chưa có lấy một giọt sữa trong bụng, xin cô cảm phiền. Không biết xử trí cách nào, chị giúp việc mới đi vào trong phòng khách, nơi đây anh đang ngồi nghe nhạc Chopin phát ra từ một cái máy nghe đĩa (chikuonki =gramophone). Bức tường căn phòng ấy màu trắng, trên đó có bức tranh sơn dầu của Koga Harue [14] và bức mộc bản của Hiroshige [15] vẽ cảnh trời tuyết ở vùng núi Kiso, treo đâu mặt vào nhau. Trên vách còn có một tấm thảm treo tường bằng vải sa Ấn Độ vẽ hình chim ở cõi cực lạc (gokurakuchô = phượng hoàng), còn ghế ngồi thì tuy ở ngoài bọc bằng vải trắng nhưng bên trong làm bằng da xanh nhạt. Ở hai phía cái lò sưởi bằng hơi đốt là những vật trang trí hình con chuột túi (kangaroo). Tập tranh ảnh đặt trên bàn mở ra đúng cái trang có đăng hình những điệu múa cổ điển Hy Lạp của Isadora Duncan [16]. Trên một góc của kệ sách có mấy đóa hoa cẩm chướng (carnation) đã héo từ hồi lễ Giáng Sinh nhưng anh chưa chịu đem đi vứt dù Tết Nguyên Đán đã trôi qua. Có lẽ nó là món quà của một người đàn bà đẹp nào đó. Còn rèm cửa thì ...phải nói là trí tưởng tượng của em đang tự ý dạo quanh gian phòng khách nhà anh, nơi em chưa hề đặt chân tới.

Tuy vậy, sáng hôm sau khi mở trang nhật báo ra xem thì em mới biết hôm trước đó, một ngày chủ nhật, trời không có tuyết mà ngược lại, ấm nắng và tạnh ráo, em mới bật lên cười.

Khung cảnh gian phòng em thuật lại trong lá thư không phải là một huyển ảnh, nó cũng không phải là những gì em thấy trong một giấc mơ.

Đây chỉ là những lời không biết từ đâu đã hiện ra và kết nối nhau dưới ngòi bút trong khi em viết thư cho anh.

Thế nhưng đến lúc em quyết định bỏ nhà ra đi để được thuộc về anh và (leo) lấy tàu hỏa để lên Tôkyô, đúng là một hôm trời tuyết lớn.

Cho đến lúc bước vào căn phòng khách nhà anh, em đã quên khuấy đã viết bức thơ nói về ngày trời tuyết đó.

Em chỉ cần đưa mắt nhìn một vòng quanh gian phòng – cho dù đến lúc đó, quan hệ của chúng mình là hai kẻ chưa từng một lần nắm tay nhau – em đã bất thần sà đến, gieo người vào giữa vòng tay anh. Và ôi chao, anh cũng đã yêu em đến mức này, có phải không anh!.

-Phải rồi, anh có dời cái chuồng chó ra phía sau nhà, đúng cái ngày bức thư của Tatsue đến nơi.

-Đúng là cái phòng khách này đã được anh trang trí theo ý em viết trong thư nữa nhỉ?

-Em đùa à? Căn phòng này vẫn được sắp đặt như thế từ xưa. Anh không hề thay đổi một ly.

-Thật sao hở anh?

Em nói thế và nhìn quanh gian phòng thêm một lần như để kiểm chứng.

-Chính cái chuyện Tatsue lấy làm lạ mới đáng lạ lùng.Hồi nhận được thư em, anh đã ngạc nhiên không thể tả. Anh tự nghĩ người con gái đó sao lại có thể yêu mình đến mức độ này! Anh tin rằng linh hồn của em đã đến đây thăm anh nhiều lần nên mới biết rõ đến từng chi tiết của căn phòng. Nếu như thế thì không lẽ linh hồn đến nhiều lần mà chỉ có thân thể là không đến thôi sao. Chính vì đặt câu hỏi như thế nên anh đã có đủ tự tin và can đảm để viết lá thư mời mọc em đến sống với anh cho dù vì thế, em phải lìa bỏ gia đình. Em đã thấy anh trong chiêm bao trước khi chưa gặp anh ở ngoài đời. Thế thì không phải chúng mình là hai con người đã được ràng buộc bằng sợi dây của định mệnh hay sao?

-Rõ ràng là lòng anh và lòng em đã có một sự tương thông. Đó lại là một bằng chứng khác về tình yêu giữa chúng ta.

Sáng hôm sau, đúng như lời em mô tả trong thư, ông già đã đến nhà để cào tuyết.

Từ đó, mỗi ngày em đều đến đón khi anh từ phòng nghiên cứu của đại học ra về. Giờ tan sở của anh không đều đặn và con đường từ nhà ga ngoại ô về đến nhà có thể đi bằng hai cách: một là qua khu phố buôn bán sầm uất, một là men theo khu rừng vắng vẻ. Thế nhưng lúc nào mình cũng gặp nhau ở giữa đường chứ không bao giờ sai chạy.

Từ miệng của hai đứa, trước sau chỉ thốt ra cùng một lời. Em có ở đâu và làm việc gì, mỗi khi anh cần đến em thì dù anh không gọi, em đã đến ngay bên cạnh anh.

Em đã bao lần sửa soạn bữa cơm chiều với những món ăn mà khi đang ngồi trong phòng làm việc ở nhà trường, anh nghĩ trong đầu mình đang thèm ăn.

Có thể là chứng cứ về tình yêu của mình đầy ắp như thế và đã vượt mức. Nó đã nhiều đến độ chỉ còn có cách là mình phải xa nhau.

Có một hôm khi tiễn chân cô Ayako ra ngoài cổng, em bất chợt tỏ ra lo lắng khi phải để cho cô ấy về và có ý muốn giữ lại thêm một đỗi. Chưa đầy 15 phút sau thì Ayako đã bị chảy máu cam (hanaji) thật nhiều. Nếu để cô về lúc nãy thì dọc đường cô đã gặp nguy to.

Có phải em làm như vậy cũng vì biết rằng anh đang yêu Ayako? Chúng mình đang thắm thiết với nhau như thế này nhưng em đã dự đoán được tình yêu chớm nở giữa hai người. Ấy thế mà không hiểu tại sao em không tiên đoán được về đám cưới giữa hai người cũng như cái chết của anh!

Tại sao linh hồn anh không đến báo cho em biết về cái chết của anh nhỉ?

Em có lần nằm mơ thấy mình gặp một chàng thanh niên trên con đường mòn cạnh một bãi biển đẹp. Nơi đó có những cành hoa trúc đào (kyôchikutô) màu hồng vươn trên màu biển xanh ngắt, có một tấm bảng chỉ đường bằng gỗ trắng và khói suối nước nóng bay lờ lửng trên những ngọn cây trong khu rừng. Chàng thanh niên mặc một bộ đồ phi công và mang găng da, nét mày thật đậm, còn khi cười thì mép bên trái hơi trễ xuống. Đi bên nhau vừa được một lúc, em thấy trong lòng bỗng tràn ngập tình yêu. Thế rồi giấc mơ chợt bị phá tan nhưng sau khi thức dậy, em vẫn còn nghĩ rằng về sau, người chồng tương lai của mình có thể sẽ là một sĩ quan không quân. Em đã không xóa đi được giấc mơ này trong một thời gian dài. Em còn nhớ rõ mồn một hàng chữ Daigo Midorimaru in trên thành chiếc tàu chạy bằng hơi nước khi đó chạy men theo bờ biển. Hai ba năm sau đó, em đã gặp anh. Cũng trên lề một con đường mòn không khác gì phong cảnh trong giấc chiêm bao. Buổi sáng hôm ấy, em đang trọ ở một khu nghỉ dưỡng có suối nước nóng. Một ông chú đã dắt em tới đây chơi và đó là một nơi từ khi sinh ra, em chưa hề đặt chân đến.

Khi vừa thấy em, anh đã tỏ ra yên tâm như người vừa thoát nạn. Làm như bị em thu hút từ cái nhìn đầu tiên, anh đã đặt câu hỏi "Đường đi xuống phố phía nào đấy cô?".

Em đã ửng hồng đôi má và bất chợt quay mặt về phía biển để trốn cặp mắt anh. Ôi chao, lúc đó, em thấy rõ mồn một chiếc tàu thủy in bảng hiệu Daigo Midorimaru đang trôi qua vùng biển.

Em run rẩy bước đi trong im lặng. Còn anh thì lẽo đẽo theo sau. "Cô về dưới phố hở cô? Có biết nơi nào chữa xe hơi hay xe máy không cô? Đột nhiên vô phép quấy rầy cô nhưng mà tôi đang đi du lịch bằng xe gắn máy, giữa đường lại gặp phải một cỗ xe ngựa. Con ngựa nghe tiếng máy nổ lồng lên nên tôi phải tránh và vì mất đà nên đâm vào một tảng đá, máy móc hư hết.

Đi với nhau chưa đầy 200 mét, em đã thấy có thiện cảm với anh nên mới buột miệng thốt ra một câu như thể là:

-Em có cảm tưởng như đã gặp ông ở đâu đó một lần rồi.

-Còn tôi thì không hiểu tại sao mình không gặp cô sớm hơn. Tóm lại là tôi cũng nghĩ đúng như lời cô vừa nói.

Thế rồi kể từ ngày đó, ở khu suối nước nóng, mỗi khi nhìn thấy bóng anh, lòng em bỗng cất lên tiếng gọi thì dù đang ở mãi xa anh cũng ngoáy cổ lại nhìn.

Chỗ nào có dịp cùng đi với anh, em đều thấy như mình đã đến đấy một lần rồi.

Đến cỡ đó mà giờ đây giữa hai đứa mình, sợi giây gắn kết hầu như bất chợt đoạn lìa.Thật đúng như vậy. Khi gõ âm "la" (âm B) trên dương cầm thì cây vĩ cầm đáp lại bằng một âm "la" (âm B). Như thế, hai âm thoa (onsa = tunning fork) đã cộng hưởng với nhau. Cách hai linh hồn hòa điệu chắc cũng giống như thế nhỉ? Do đó mà khi không nhận được tin về cái chết của anh thì em nghĩ là bộ máy phát tin của anh hoặc nhận tin của em đã bị hỏng hay trục trặc. Ngoài ra, cũng có thể là cái năng lực tâm linh của em vốn vượt khỏi phạm vi không gian và thời gian – đã vì cớ e sợ mình khuấy động sự bình yên trong cuộc sống giữa anh và cô dâu mới – đã tự khóa chặt sau cánh cửa tâm hồn em mất rồi.

Cũng giống như trường hợp của thánh Franccois d’Assises, có những nàng thiếu nữ ngoan đạo khi nghĩ về cảnh Đức chúa Jesus bị đóng đinh bỗng thấy mình cũng bị chảy máu bên hông giống cảnh chúa bị ngọn giáo đâm trên thập tự giá. Biết bao người đã từng nói tới việc linh hồn của người sống (sinh linh) và người chết (tử linh) đều có thể giết người chỉ bằng một lời trù ẻo!

Khi nghe tin anh chết, em đã run lên vì sợ hãi và lại càng muốn mình hóa thành hoa đồng cỏ dại cho xong.

Có một đoàn quân đầy nhiệt tình với sự tham gia của những linh hồn thuộc thế giới bên này và thế giới bên kia, đang chống trả để đánh đổ tập quán suy nghĩ của những người bị ngăn cách bởi cái chết và sự sống, bằng cách mở ra con đường mà trên đó một chiếc cầu nối đã được bắt qua, để sao cho cuộc đời này không còn có những nỗi buồn tử biệt. Đó là điều mà những nhà tâm linh học thường hay phát biểu.

Về phần em, thay vì ngóng tai nghe về những bằng cớ tình yêu anh gửi từ thế giới của các linh hồn (Linh Giới) hay tiếp tục sống như người tình của anh tận trong cõi u minh (Hades) đến một kiếp mai sau, giờ đây em chỉ muốn cả anh lẫn em đều hóa thân thành một cành mơ hồng hay trúc đào, để cho đàn bướm chở phấn hoa làm đám cưới cho chúng mình. Được như thế sẽ còn hay đẹp hơn nhiều.

Lúc đó em sẽ không còn bắt chước người đời bàn mãi chuyện chết chóc và cũng không đem tâm sự của mình ngỏ cùng kẻ chết làm chi nữa.

Dịch ngày 24/4/2021
Thư mục tham khảo:

1. Kawabata Yasunari, Jojôka (Khúc tình ca) trích từ Tuyển tập Kataude (Cánh tay rời), tập truyện kinh dị Chikuma Shobô xuất bản, Tôkyô, 2006.
Nguyên tác Nhật ngữ.

2. Kawabata Yasunari, Jojôka do Sylvie Regnault-Gatier (với sự cộng tác của Suzuki S. và Suematsu Hisashi) dịch sang Pháp văn dưới nhan đề Elégie, in trong Kawabata, Romans et Nouvelles, La Pochothèque, Le Livre de Poche xuất bản, Paris, 1997. Bản ngoại văn tham chiếu.
____________________________________

[1] - Trò chơi nhanh tay bắt những lá bài có in thơ Waka của thi tập Hyakunin Isshu (Bách nhân nhất thủ), thường được tổ chức trong dịp xuân về. Ai bắt trước nhiều nhất là người thắng cuộc. Xin xem Bách nhân nhất thủ, thiên nhiên và luyến ái trong cổ thi Nhật Bản, bản dịch của Nguyễn Nam Trân, Nxb Hội nhà văn, tháng 4/2021.

[2] - Hai loại chữ viết biểu âm đơn sơ nhất của người Nhật, được dạy từ năm đầu tiểu học.

[3] - Ý nói cuộc tranh phong giữa hai tập đoàn vũ sĩ Taira và Minamoto nghĩa là lúccuộc đấu trở nên rất hào hứng.

[4] - Hô bài tức đọc câu thơ in trên lá bài để người chơi nhòm trên mặt chiếu và nhanh tay bộc cho trúng.

[5] - Bán đảo Izu nằm cách thành phố Tôkyô khoảng 150km về phía Đông Nam.

[6] - Sự tích đại đệ tử của Đức Phật là Mục Kiền Liên đã xuống hỏa ngục để cứu bà Thanh Đề, người mẹ đã gây nhiều tội lỗi.

[7] - Tập tục thu thập những cây kim may đã gãy xiên vào bánh đậu hủ để cúng cô hồn vào ngày 8 tháng 2 hàng năm. Đây là để tỏ lòng cảm ơn những cây kim đã tận tụy giúp mình trong công việc suốt năm qua.

[8] - Tên thật là Fuse Shôô (Bố Thí Tùng Phong, 1725-1784), một học giả Tâm học thời Edo trung kỳ. Tư tưởng đậm nét Lão Trang hơn là Nho giáo.

[9] - Bộ kinh nói về công đức của tứ thân (cha, mẹ, vua, dân chúng) và tam bảo (Phật Pháp Tăng)

[10] - Bi ở dây phải hiểu là lòng thương xót, trắc ẩn (compassion)

[11] - Shija no hon (Book of the Dead)

[12] - Trò chơi của người bình dân Nhật Bản, giống kiểu tính đố "một trăm cái chân có bao con trâu có bao con gà" nơi người Việt Nam.

[13] - Đây là phần sau của đoạn thứ 39 trong Chẩm Thảo Tử. Tác giả, bà Sei Shônagon, (khoảng 966-1017) đang tuần tự kể ra những hình ảnh thanh nhã, đáng yêu đối với mình

[14] - Koga Harue (1895-1933), họa sĩ tranh Tây Phương người Nhật, một thời chịu ảnh hưởng trường phái lập thể của Paul Klee, sau chuyển qua tranh siêu thực.

[15] - Tức Utagawa Hiroshige (1797-1858), họa sư tranh Ukiyo cuối đời Edo, học trò của Utagawa Toyohiro ( ? – 1829), người chuyên vẽ tranh mỹ nhân. Tranh mộc bản vẽ phong cảnh của Hiroshige giàu chất thơ.

[16] - Isadora Duncan (1878-1927), nhà biên đạo múa người Mỹ, một trong những người tiên khu của vũ ballet hiện đại.

***