Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Hoa không hề ngủ 
(Hana wa nemuranai, 1950) 
Tùy Bút
Nguyên tác: Kawabata Yasunari 
Dịch: Nguyễn Nam Trân 

Hoa hải đường

Đôi khi những chuyện tầm thường lại khiến ta phải ngạc nhiên. Hôm qua khi đặt chân đến một lữ quán ở Atami, ngoài hoa trưng bày ở hốc phòng (tokonoma), người ta còn đem hoa hải đường cho tôi. Vì hơi mệt nên tôi đi ngủ sớm. Vào khuya, khoảng bốn giờ sáng, tôi chợt mở mắt. Hoa hải đường vẫn chưa đi ngủ.

Tôi ngạc nhiên khi nhận ra rằng hoa là loài không hề ngủ. Có những loài hoa (buổi tối) như tịch nhan hay dạ lai hương. cũng như các loài hoa (ban ngày) như triêu nhan hay hợp hoan nữa nhưng nói chung thì hoa thường nở suốt cả ngày đêm [1]. Ban đêm, hoa không ngủ. Đã biết thừa như thế nhưng đây là lần đầu tiên tôi mới nhận thức rõ ràng về điều đó. Giữa khuya vào lúc 4 giờ sáng, ngắm đóa hải đường, tôi càng thấy nó còn đẹp hơn nữa.Tôi cảm thấy một vẻ đẹp se sắt như thể hoa đang nở với tất cả sức sống của mình.

Hoa không ngủ. Dù biết rõ điều đó, tôi bất chợt thấy mình có duyên may được ngắm hoa với cái nhìn mới mẻ. Vẻ đẹp của thiên nhiên thật vô hạn nhưng cái đẹp ấy chỉ được con người nhận được đến một mức độ nào thôi. Có thể bảo rằng khả năng cảm xúc trước cái đẹp của con người là vô hạn nên cái đẹp họ mới cảm thấy bị giới hạn nhưng đồng thời cũng có thể xem điều đó nếu có là vì cái đẹp của thiên nhiên vốn nhiều vô tận. Ít nhất là cái đẹp con người cảm thấy trong đời mình là cái bị giới hạn, nghĩa là không có là bao. Đây là điều tôi thực sự cảm thấy.và rất lấy làm vui. Năng lực cảm được cái đẹp nơi con người không thể tiến bộ theo dòng thời gian hay tăng thêm cùng tuổi tác. Do đó, được ngắm một đóa hải đường vào lúc 4 giờ sáng cũng là một điều quý hóa. Tôi có lần thầm nhủ: nếu mình đã là một đóa đẹp thì cứ tiếp tục sống như thế.

Nhà danh họa Renoir [2] có nói rằng khi mới vừa tiến bộ thêm một chút là ta đã tiến gần tới cái chết và điều đó thật là thê thảm. Câu nói cuối cùng của ông là "Tôi vẫn tin mình còn tiến bộ".Câu nói cuối của Michelangelo [3] cũng vậy: "Mãi đến khi thể hiện được đôi điều mình mong mỏi thì cái chết đã gần kề!" Năm đó Michelangelo 89 tuổi. Khuôn mặt trên chiếc "Mặt nạ người chết" (Death Mask) ông chế ra là tác phẩm tôi yêu thích.

Nói về năng lực để cảm được cái đẹp thì chúng ta có thể dễ dàng tìm đến nó nhưng chỉ tới mức độ nào đó. Chỉ bằng lý trí thôi thì khó lắm. Chúng ta phải đi gặp cái đẹp. Phải thân tình với nó. Đấy là một sự tập luyện dày công. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy là một cổ mỹ thuật phẩm thôi cũng có thể dạy dỗ và mở mắt (khai nhãn) cho ta nhìn thấy cái đẹp. Điều đó giải thích tại sao có khi ta chỉ cần một đóa hoa thôi.

Tôi có lần tự hỏi là nhìn một đóa hoa trưng bày trong hốc tokonoma và nhìn cùng một loại hoa ấy khi nó nở giữa thiên nhiên, hai việc ấy có giống nhau không? Người ta thường cắt một đóa ra khỏi cành, bày như hoa cảnh (ikebana) trong hốc phòng, rồi từ đó mới bắt đầu nhìn kỹ. Không riêng gì hoa. Văn chương cũng vậy. Nói chung, các cây viết tiểu thuyết đời nay cũng giống như các nhà thơ Waka bây giờ đều không chịu nhìn thiên nhiên cho thật tận tường. Có thể họ không có cơ hội để nhìn kỹ. Có khi họ bày hoa trong hốc phòng, lại treo thêm bên trên một bức tranh cuốn có vẽ hoa nữa. Dĩ nhiên không thể có chuyện hoa trong tranh đẹp hơn hoa thật. Nếu hoa trong tranh tẻ nhạt thì hoa thật sẽ tăng thêm giá trị nhưng dù tranh vẽ hoa có đẹp chăng nữa, hoa thật vẫn ăn đứt. Tuy vậy, vì đã có hình ảnh hoa của bức tranh nằm trong đầu rồi nên ta thường không chịu nhìn hoa thật một cách chu đáo.

Dù là Lý Địch hay Tiền Thuấn Cử [4], dù là Sôtatsu (Tông Đạt) [5] hay là Kôrin (Quang Lâm) [6], dù là Goshuu (Ngự Chu) hay Kokei (Cổ Kính) [7], tranh vẽ hoa của họ thực ra đã dạy cho ta rất nhiều điều về vẻ đẹp của hoa. Không chỉ độc mỗi nơi hoa. Trên bàn làm việc của tôi có đặt hai bức tượng đồng (bronze) nhỏ: một bức tượng bàn tay đàn bà của Rodin [8] (Auguste, 1840-1917) và một tượng khác của Maillol [9] (Aristide, 1861-1944). Chỉ nhìn hai bức tượng này cũng đã thấy hai ông Rodin và Maillol khác nhau xa lắm. Thế nhưng với đường nét bàn tay trên tượng Rodin và thân thể đàn bà mà Maillol đã khắc, tôi nhận được rất nhiều thông tin.Tôi đã phải ngạc nhiên về tài quan sát của hai ông.

Một con chó mẹ tôi nuôi đã đẻ. Lúc lũ chó con bắt đầu biết đi chập chững, tôi có lần giật bắn người khi nhìn thấy hình thù lạ lùng của một con trong bọn. Nó giống như đúc một cái gì tôi đã thấy ở đâu đó! Về sau, tôi mới nhận ra là nó giống con chó con trong tranh Sôtatsu. Đó là hình ảnh của con chó con nằm trên bãi cỏ mùa xuân dưới nét bút thủy mặc của họa gia Sôtatsu. Con chó ở nhà tôi chỉ là một giống chó tạp chủng nhưng nó giúp tôi nhận ra họa phong tả thực cao diệu (kedakai) của Sôtatsu.

Hồi cuối năm ngoái, tôi có dịp ngắm bầu trời hoàng hôn ở Kyôto, nghĩ rằng sao mà cái màu trời đó lại giống màu đỏ gọi là akaraku (màu đỏ của trường phái Raku) trên bát uống trà của Chôjirô (Trường Thứ Lang) [10] đến thế. Trước đây tôi đã có dịp thấy tận mắt bát trà với màu trời chiều akaraku nổi tiếng do Chôjirô chế ra. Màu đỏ của những cái bát đó này được pha lẫn với màu vàng nhưng đều giống màu trời chiều Nhật Bản nên nó đã in sâu trong lòng tôi. Vì lẽ đó, màu trời chiều thực sự ở Kyôto hôm đó đã gợi nhớ màu đỏ men bát trà của Chôjirô. Lại nữa, khi tôi nhìn bát trà ấy, tôi cũng không thể nào không nhớ tới tranh của Sakamoto Hanjirô (Phồn Nhị Lang) [11]. Đó là cảnh bầu trời chiều trên một thôn xóm giữa cánh đồng buồn bã, có những đám mây hình chữ thập sắp lớp như những lát bánh mì cắt đang trôi nổi. Bức tranh ấy chỉ nhỏ thôi. Thế nhưng nó cũng đã biểu hiện được màu trời hoàng hôn Nhật Bản và thấm sâu tận lòng tôi. Màu sắc của cảnh trời chiều trong tranh Sakamoto Hanjirô và màu sắc bát trà Chôjirô đều có cùng nguồn gốc là Nhật Bản. Giữa cảnh chiều tà ở Kyôto, tôi cũng nhớ lại bức tranh này.Thế thì tranh Hanjirô, bát trà Chôjirô và bầu trời chiều thực sự ở Kyôto đã đến gặp nhau cùng một lúc trong tôi nên chúng lại càng đẹp thêm ra.

Buổi chiều ấy là lúc tôi trở về sau khi đi thăm mộ của Uragami Gyokudô [12] ở chùa Honnôji (Bản Năng Tự). Ngày hôm sau, tôi lại đi chơi vùng Arashiyama (Lam Sơn) [13] để xem tấm bia của Gokudô do Rai San.yô [14] lập nên. Vì là mùa đông nên ở Arashiyama không có bóng ai. Nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình khám phá được vẻ đẹp của Arashiyama. Tôi đã đến đây nhiều lần rồi nhưng Arashiyama là một điểm du lịch nổi tiếng, người qua kẻ lại xô bồ, nên biết đâu vì vậy mà tôi đã không thể nhìn ngắm nó cho rõ ràng. Chứ thực ra Arashiyama bao giờ cũng đẹp, giống như thiên nhiên bao giờ cũng đẹp vậy. Tuy nhiên, vẻ đẹp của nó thì phải là một người nào đó và vào một lúc nào đó mới có thể cảm thấy thôi chăng?

Việc bất chợt nhận ra là hoa không bao giờ ngủ xảy ra cho tôi trong gian phòng trọ của một lữ quán cũng chỉ vì tôi đã thức giấc vào 4 giờ sáng một đêm nào đó cũng không chừng.

(Tháng 5/1950)

Dịch ngày 17/3/2021
[1] - Tịch nhan (Yuugao, hoa bìm buổi tối), Dạ lai hương (Gekkabijin, hoa quỳnh). Triêu nhan (Asagao, Hoa bìm buổi sáng), Hợp hoan (Nemu no ki, hoa lụa, silk tree) giống như hoa phượng, hoa điệp.

[2] - Pierre Auguste Renoir (1841-1919), họa gia phái ấn tượng người Pháp.

[3] - Michelangelo (1475-1564), nhà điêu khắc, kiến trúc và họa sĩ người Ý

[4] - Lý Địch và Tiền Tuyển tự Thuấn Cử là 2 họa gia Nam Tống.

[5] - Sôtatsu (Tông Đạt, mất năm 1640), họa gia Nhật Bản thời Momoyama.

[6] - Ogata Kôrin (Quang Lâm, 1658-1716), họa gia Nhật Bản thời Edo trung kỳ, đứng đầu họa phái Kôrin.

[7] - Người dịch chưa rõ tiểu sử.

[8] - Auguste Rodin (1840-1917) nhà điêu khắc người Pháp.

[9] - Aristide Maillol (1861-1944) nhà điêu khắc người Pháp.

[10] - Chôijrô (Trường Thứ Lang, mất năm 1589), nhà nung đồ gốm dùng cho trà đạo, sống vào thời Azuchi Momoyama, thủy tổ của trường phái Raku, chịu ảnh hưởng phong cách và kỹ thuật gốmTriều Tiên.

[11] - Hanjirô (Phồn Nhị Lang) tức Sakamoto Hanjirô (1882-1969). Họa gia chuyên về tranh Tây phương nhưng nét vẽ có màu sắc Á Đông. Từng du học ở Pháp.

[12] - Uragami Gyokudô (Ngọc Đường1745-1820), họa gia kiểu văn nhân (bunjinga) thời Edo hậu kỳ. Giỏi về tranh sơn thủy.

[13] - Arashiyama là một thắng cảnh sơn thủy hữu tình ở phía Tây thành phố Kyôto, nơi các thiên hoàng và công khanh quí tộc ngày xưa lui về nghỉ ngơi.

[14] - Rai San.yô (Lại Sơn Dương, 1780-1832), nhân vật thuộc nhà họ Rai (Lại) danh tiếng trên văn đàn, Là một nhà nho thời Edo hậu kỳ, yêu văn chương và sử học. Có để lại thi tập. 

***