Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chuyện nước chuyện nôi 
(4)
Phần IV: Uống nước trả vàng 
Khả Tri
Phần I
Phần II: Từ giọt nước mắt đến phụ nữ hóa đá
Phần III: Nói thêm về nàng Tô Thị. 
Phần IV: Uống nước trả vàng
Uống một ngụm nước trả một cục vàng,
may túi ba gang mang theo mà đựng.

Nhại theo cổ tích Việt Nam "Ăn khế trả vàng"

"Một bóng ma đang ám ảnh nhân loại", bóng ma của viễn tượng cạn kiệt nước dùng. Mấy thế kỷ trước đây, chẳng ai nghĩ rằng nước lại có thể trở thành một trong những tài nguyên quý giá. Phải chăng với tình trạng dân số thế giới sắp đụng mức 8 tỉ; hột xoàn, vàng, ngọc v.v. sau hàng ngàn năm chiếm địa vị ăn trên ngồi trốc, dần dần tụt hạng, đang bị nước bám sát nút về mặt giá trị?

Nước có thể trở nên quý hơn vàng hay chăng? thật tình tôi không dám quả quyết như đinh đóng cột. Nhưng quanh khu vực chúng tôi đang sống, đôi khi có nhiều vũng nước mưa nhỏ đọng lại. Chim chóc thỉnh thoảng lại sà xuống nhấp vài hụm nước, chào hỏi nhau ríu rít, rồi vỗ cánh bay đi hẹn ngày tái ngộ. Tôi bỗng liên tưởng đến chuyện "Ăn khế trả vàng", hy vọng có chú chim be bé xinh xinh nào đó, "Uống một ngụm nước trả một cục vàng," làm theo chuyện cổ tích nói trên. Nhưng đã bao nhiêu mùa mưa trôi qua - túi một gang vẫn nằm mốc meo trong trí tưởng tượng, nói chi đến túi ba gang - chẳng cánh chim nào đoái hoài trả ơn trả nghĩa bằng cách đưa ta đến mỏ vàng mỏ bạc.

Tay chơi toàn cầu, ngân hàng Mỹ Bank of America, rất nhạy bén khi ngửi thấy hơi hướm của lợi nhuận, đã đánh giá rằng, doanh thu các đại công ty liên quan đến xử lý, biến chế và quản lý nước sẽ gia tăng lên mức 1,000 tỉ (1,000,000,000,000) USD trong tương lai. Rồi sẽ đến lúc, giá nước, như giá dầu thô, kim loại, nông sản v.v. sẽ được niêm yết thường xuyên tại các thị trường chứng khoán thế giới? Viễn cảnh các nhà đầu tư đổ xô mua mua bán bán, khi mưa to, hạn hán, băng tan, tuyết rơi v.v. là chuyện không quá xa vời? Tuy nhiên đại đa số con người hiện đại hình như vẫn chưa nhận thức thấu đáo về tầm quan trọng của nước, cho nên nguồn tài nguyên này vẫn tiếp bị loài người phung phí, lạm dụng.

Nước - nhìn khái quát - xuất hiện khắp mọi nơi; vấn vương theo mây trời, đại dương dạt dào phủ kín 70% diện tích bề mặt quả đất, ngược xuôi trong hệ thống sông ngòi hồ ao chằng chịt, mai phục trong rừng rú, hoa quả, cây xanh v.v. Thực tế này khiến người sống tại những quốc gia không bị khủng hoảng nguồn nước, mở vòi là có nước chảy ra, dễ đi đến nhận định thiếu sót. Nhưng thật sự là nước ngọt chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn, tương đương 2.5% tổng lượng nước toàn cầu. Lượng nước ngọt này phần lớn, được tích trữ trong các tảng băng hà 68%, hay chảy ngầm dưới lòng đất 30%. Như vậy để chúng ta thấy rằng, "nước dùng được ngay" kiểu mì ăn liền, rất khan hiếm. Đó là chưa kể tình trạng mất quân bình về lượng nước dùng, phản ánh mức độ giàu nghèo trên thế giới. Tại những nước nghèo khó, 10-30 lít/ngày trên mỗi đầu người là con số bình thường, thậm chí đụng mức xa xỉ, trong khi tại các quốc gia giàu sang, con số này có thể vọt lên 250-400 lít/ngày. Nói cho đúng, tổ tiên loài người đã từng biết quý nguồn nước, thậm chí xem nó như là một cái gì đó thiêng liêng. Cây có cội nước có nguồn là lời nhắn nhủ thế hệ sau; đại dương, sông ngòi, thác ghềnh, hồ ao đều là vùng trú ngụ của thần linh, con người không được phạm thượng, làm ô uế.
 

Không ăn, con người vẫn có thể sống sót một thời gian, nhưng không uống, thì chết chắc. Xét trên lý thuyết về mặt sinh học và vệ sinh tổng quát, mỗi cá nhân hằng ngày cần tối thiểu 10-20 lít nước ngọt, sạch sẽ, vệ sinh. Nhưng hiện nay, khá nhiều nông trại, sử dụng một lượng nước nhiều gấp 200-400 lần, để cung cấp thực phẩm tính trên mỗi đầu người. Thí dụ: để trồng 1 kg trái bơ/avocado trung bình cần trên 250 lít nước, hay 70 lít/trái bơ, tương tự: 22 lít/cam, 5 lít/cà chua v.v. Lượng nước dùng còn có khuynh hướng gia tăng gấp đôi so với tỉ lệ tăng trưởng dân số toàn cầu. Tiến trình biến nước mặn thành nước ngọt, hiện tại còn kém hiệu quả, ngốn nhiều năng lượng, nên ít nhất trong vòng 50 năm tới, không phải là đáp số an toàn, đứng trước tình trạng dân số tăng nhanh ở Phi, Á châu và vùng Trung Đông. Tranh chấp nguồn nước đã từng, đang, và sẽ xảy ra tại các khu vực nói trên. Quả đất có hơn 250 con sông lớn, chảy qua nhiều vùng chủ quyền lãnh thổ khác nhau. Nếu không có những hiệp ước, biện pháp hạ nhiệt thích hợp, mâu thuẫn quyền lợi sinh tồn, rất dễ dẫn đến chiến tranh trong tương lai.
 

Liên Hiệp Quốc từ 1993 đến nay đã chọn 22 tháng 03 làm "World Water Day/Ngày Nước Thế Giới", để cố truyền đi thông điệp báo động là xấp xỉ 1 tỉ dân số thế giới không có đủ nước sạch dùng hằng ngày. Rất nhiều phụ nữ ở những quốc gia nghèo đói Phi châu, ngày này qua ngày khác, phải đi bộ ít nhất 6 cây số mới múc được chừng 20 lít nước mang về cho cả gia đình. Việt Nam chỉ vài năm trước đây, ngay tại các vùng cao như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu v.v. nước quý đến dường nào. Người dân đôi khi phải thức giấc sớm, khởi hành từ 4 giờ sáng, đi bộ mấy cây số, hứng về 2 can nước tổng cộng 20 lít. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa bao la của nước ta, đặc biệt các tỉnh miền Tây, đã bao năm nay bị tình trạng ngập mặn, thiếu nước ngọt đe dọa. Bà con các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang, Long An v.v. dạo này hay nhìn trời than thở "Lóng rày coi bộ nước ngọt quý hơn vàng". Chẳng có gì lạ, nhiều nơi người dân phải thuê xà lan chở nước ngọt về dùng hằng ngày, theo báo Vietnamnet.

Có câu chuyện tưởng như đùa mà các kênh truyền thông Hoa Kỳ đã nhắc đến vào năm 2011. Nhân viên trực thuộc cơ quan quản lý nước nôi ở Portland, tiểu bang Oregon, xem video kiểm tra đã phát giác ra một ông nhóc Mỹ nghịch ngợm, đái bậy vào hồ chứa nước uống dự trữ lộ thiên của thành phố. Ban giám đốc sau đó quyết định xả toàn bộ nước cũ, chùi rửa hồ sạch sẽ, thay nước hoàn toàn mới. Chi phí tổng cộng chừng 36,000 USD. Chỉ vì chừng 1/10 lít nước tiểu, khiến 31 triệu lít nước bị xả bỏ (tương đương với tỉ lệ thấp hơn 1 trên 1 tỉ). Tuy nhiên ban giám đốc và rất nhiều người bình thường lại quên rằng, trước khi cậu bé "tè", bao nhiêu chim chóc, thú hoang đã vô tình bài tiết vào đây qua bao nhiêu năm tháng. Thậm chí trong hồ nước lộ thiên còn hoà tan biết bao nhiêu lá cây mục nát, xác chim chóc, sâu bọ, loài bò sát v.v. Nhưng hể nghe "nước tiểu" lẫn với "nước uống" tâm lý chúng ta thường cảm thấy bất ổn.

Khi nhìn vấn đề một cách lạnh lùng, dựa vào tính toán khoa học (tôi xin miễn không viết lại chi tiết ở đây, quý bạn đọc nào muốn tìm hiểu thêm xin vào youtube xem đường liên kết dành cho trẻ nhỏ sau đây) Dinosaur Pee?: Crash Course Kids #24.2, cứ mỗi lần chúng ta uống một cốc nước, xát suất khá cao là chúng ta đã uống vào ít nhất một phân tử nước từng đi qua hệ thống bài tiết của các con khủng long, thậm chí kinh khủng hơn: trôi qua quả thận của 18 vị vua Hùng, Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Cleopatra, Võ Tắc Thiên, Tây Thi, Hằng Nga, Napoleon, Stalin, Hitler, ông già Ba Tri, cô Ba Sài Gòn, hay từ bản thân chúng ta v.v. Tương tự, một giọt nước mưa, sau khi rơi xuống sông Thames, phải chui qua bàng quan của 8 cư dân Luân Đôn, trước khi nó trôi ra biển. Vì thế kinh tởm khi nghe tin thằng bé "tè" vào hồ chứa nước uống dự trữ, chỉ là thói quen tâm lý, không có cơ sở khoa học. Nói chung đun nước cho sôi trước khi uống là tương đối an toàn nhất, tuy rằng không khử được các hóa chất gây ô nhiễm. Trong bài viết tựa đề " ... tiện " đăng trên Chim Việt Cành Nam tôi đã bàn sơ lược về "tiểu tiện", cũng liên quan đến lượng nước trong cơ thể chúng ta, nên xin khỏi phải lập lại trong bài này.

Khả Tri

(còn tiếp)