Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chuyện 'Con Người' 
(phần II )

Khả Tri

Phần I      - Từ vu vơ qua vớ vẩn đến viển vông 
Phần II    - 
Phần III   - Qua ngõ nhà cụ Kant, u đầu vì va chạm triết học nhập môn.
Phần IVa - Đùa với lưỡi/lửa.
(tiếp theo phần I )

Voltaire: "Those who can make you believe absurdities can make you commit atrocities." Ai khiến bạn tin vào những điều phi lý, có thể xúi dục bạn gây tội ác.

Trong phần I của bài này, người viết đã nhắc đến các cụm đề tài như sau:

- Cố Tổng Giám mục Ái Nhĩ Lan James Ussher, dựa vào Thánh Kinh mà tính ra ngày Chúa Trời tạo dựng vũ trụ là 23-10 năm 4004 BCE/trước công nguyên. Cụ Ngô Đình Diệm lúc đang là Thủ Tướng, vào năm 1955 vô tình? chọn 23-10 làm ngày Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại để chuẩn bị đưa mình lên chức vụ Tổng Thống nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam.
- Ziony Zevit vị giáo sư nghiên cứu về Thánh Kinh ở Mỹ, đưa ra giả thuyết: Giê-hô-va Đức Chúa Trời thay vì lấy xương sườn, đã lấy "xương dương vật/baculum" từ cụ A-đam để tạo ra bà Ê-va!

- Đề tài hiếu thảo và tình yêu cha mẹ con cái, quan hệ vua tôi thông qua các thí dụ sau: 1/ Stephen Gough "gả dạo chơi trần truồng" ở Anh, hy sinh tự do cá nhân để có thể chăm sóc mẹ già. 2/ Chọn lựa giữa tình mẫu tử và lòng yêu nước, với lý luận của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre. 3/ Quách Cự trong Nhị Thập Tứ Hiếu, nhà quá nghèo nhưng thương mẹ già, quyết định chôn sống con trai nhằm giảm bớt miệng ăn để đủ điều kiện nuôi mẹ. 4/ Dịch Nha trong Đông Chu Liệt Quốc, làm thịt con trai dâng Tề Hoàn Công thưởng thức, hòng mưu cầu lợi ích riêng tư.

Nhân tiện đây xin được nêu câu chuyện "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Tình cờ "lướt sóng" đi tìm tài liệu trên mạng, người viết phát giác ra một câu danh ngôn nổi tiếng mà không ít người Việt chúng ta (kể cả người viết bài) hay gán ghép cho cụ Voltaire "I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it." Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ quyền anh được nói điều đó. Thật ra tác giả là bà Evelyn Beatrice Hall, thường viết xã luận dưới bút hiệu S. G. Tallentyre. Câu danh ngôn thứ hai, tuy rằng ít phổ biến hơn, của Ralph Waldo Emerson, cũng bị trao nhầm cho Voltaire: "The religion of one age is the literary entertainment of the next." Tôn giáo của thời đại này là nền văn học giải trí của thời đại tiếp theo. Rõ thật sướng cái thân cụ Voltaire nhà ta. Hy vọng câu danh ngôn nằm ở đầu bài này "Those who can make you believe absurdities can make you commit atrocities." Ai khiến bạn tin vào những điều phi lý, có thể xúi dục bạn gây tội ác. là của ông ta thật sự. Nhưng thôi xin được tạm từ giã cụ Voltaire để quay lại các chủ đề chính.

Đầu thế kỷ XIII, Frederick đệ nhị, Hoàng đế trị vì Đế quốc La Mã Thần Thánh đã thực hiện một cuộc thí nghiệm quái đản. Nhiều trẻ sơ sinh mới lọt lòng mẹ liền bị bắt đi cách ly ngay. Tuy các em được bà mụ ngày ngày chăm sóc, nhưng nựng nịu, trò chuyện thì tuyệt đối cấm. Nhà vua hy vọng qua đó, các em vẫn giữ được thứ ngôn ngữ cội nguồn của con người, thứ ngôn ngữ mà Đức Chúa Trời đã dùng để trò chuyện với A-đam và Ê-va trong vườn Địa Đàng. Nhưng sau một thời gian sống thiếu điều kiện phát triển bình thường, các trẻ sơ sinh xấu số biến thành những đứa bé chẳng biết nói, dở hơi, chết sớm hay sống suốt đời tàn phế về mặt tâm thần.

Dù sao đó là chuyện xảy ra thời Trung cổ. Vài trăm năm sau, một số các nhà nghiên cứu thần học vẫn chưa chịu tha cho cụ A-đam, họ tiếp tục lôi ông cụ ra làm đề tài tranh luận để bảo vệ niềm tin tuyệt đối vào Thánh Kinh. Một trong những câu hỏi làm tốn khá nhiều "bút mực": A-đam có rún hay không? Đối với những ai tin tuyệt đối vào từng câu từng chữ trong Thánh Kinh, câu hỏi này ngầm chứa một mâu thuẫn rất quan trọng? Nếu cụ A-đam và bà Ê-va không có rún, họ không phải là con người tuyệt hảo. Nếu họ có rún, cũng đồng nghĩa với việc họ đã được sinh ra từ bụng mẹ như bất cứ bao con người bình thường khác, điều này trái ngược với Thánh Kinh.

Vào đầu thế kỷ XVI (1508-1512), với tác phẩm vĩ đại vẽ trên trần nhà nguyện Sistine, thánh đường Vatican, thiên tài hội họa Michelangelo rõ ràng đã chấm cho cụ A-đam một cái rún trên bụng. Và dĩ nhiên chúng ta có thể suy luận là cụ A-đam có rún, vì bức tranh này mặc nhiên phải được Toà thánh Vatican công nhận. Cũng từ đó, đa số các họa sĩ làm theo đơn đặt hàng về đề tài rút từ Thánh Kinh, đều theo bài bản này mà phóng bay, phóng cọ không sợ phạm thượng.


Nguồn: Michelangelo, The Creation of Adam, Chúa truyền sự sống cho Adam.
https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/5/5b/Michelangelo_-_Creation_of_Adam_%28cropped%29.jpg

Tuy nhiên miệng tiếng thị phi, nhất là những bộ óc sáng tạo, luôn luôn ngọ ngoạy không chịu nằm yên, sau khi quan sát kỹ bức tranh đã đưa ra nhiều ý kiến. Có nhà phê bình hội họa khẳng định rằng: Michelangelo - rất giỏi về lý thuyết cấu tạo cơ thể - đã cố tình đưa vào tác phẩm nhiều ẩn dụ, để tranh luận với tư tưởng thống trị của Tòa Thánh. Thí dụ: nền bức tranh màu trắng ngà với những đường vân tinh vi chính là cách mô tả não bộ con người trần thế? Chiếc áo khoác màu đỏ phủ quanh Đức Chúa Trời có hình thù tử cung phụ nữ? Chiếc khăn quàng màu xanh lá cây là họa pháp biểu tượng cho sợi nhau vừa mới cắt? Tuy vậy đó chỉ là những câu hỏi cắc cớ của các nhà phê bình nghệ thuật, nhưng không thấy họ đưa ra trả lời thỏa đáng, thuyết phục. Các nhà bình phẩm hội họa trường phái chính thống thì lại mặn mà với một đề tài khác tiềm ẩn trong bức tranh: Ngón tay của cụ A-đam và ngón tay của Đức Chúa Trời có chạm vào nhau? Đa số khách du lịch, đứng từ sàn nhìn lên trần nhà nguyện xem lướt lướt, đều tin rằng 2 ngón tay chạm nhau! Nhưng nếu chúng ta quan sát kỹ, sẽ thấy có một khoảng cách nho nhỏ. Các sử gia nghiên cứu hội họa đều có những bài viết phân tích cái khoảng cách tuy nho nhỏ nói trên, nhưng để lại ấn tượng vĩ đại trong tâm trí con người. Tuy nhiên tôi xin được bàn đến đề tài này trong một dịp khác.

Xin được trình thêm một câu chuyện chỉ gián tiếp liên quan đến cụ A-đam qua xương sườn, hay xương dương vật của cụ ta: việc sinh con đẻ cái. Như bạn đọc biết, y khoa đã tiến những bước dài, giúp tăng khả năng sống còn cả mẹ lẫn con, trong tiến trình mổ bụng lấy thai nhi, tức Caesarean section, gọi tắt là C-section. Giai thoại kể rằng bà Aurelia mẹ của Julius Caesar rất tin tử vi. Sau khi có bầu bà liền vấn kế chiêm tinh gia, xem giờ giấc thích hợp để sinh con mạng đế vương. Có ngày lành tháng tốt rõ ràng, bà chờ đến đúng thời điểm liền yêu cầu bác sĩ mổ bụng mình, lôi cổ Julius Caesar ra ngoài. Từ đó người ta gọi phẫu thuật mổ bụng mẹ lấy thai nhi là Caesarean section.

Đây rõ ràng là huyền thoại vì vào thời xa xưa ấy, đại đa số các ca mổ như trên, chủ yếu là thí mẹ cứu con, đều dẫn đến hậu quả trái ngược hoàn toàn với mẹ tròn con vuông. Mẹ tử vong là quy luật, còn thai nhi sống sót cũng là chuyện hiếm hoi năm thì mười họa. Thế mà Julius Caesar (và cả bà mẹ) vẫn sống phây phây đến tuổi già thì không đáng tin cho lắm. Dù sao thì tình nghĩa mẹ con vẫn cao hơn núi rộng hơn biển (và chắc ít nhiều cộng thêm lòng ham muốn danh vọng, quyền lực cá nhân) khiến bà mẹ sẵ)̃n sàng hy sinh mạng sống cho con mình. Quả thật Julius Caesar sau này đi vào lịch sử, không chỉ với tước hiệu Dictator perpetuo (Nhà Độc tài trọn đời), Quốc phụ v.v., tên riêng ông còn được dùng làm danh hiệu Hoàng đế nói chung.


Nguồn: Fictional 15th-century depiction of the birth of Julius Caesar/
Tranh thế kỷ 15 hư cấu về sự ra đời của Julius Caesar. https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/2/2c/Birth_of_Caesar.jpg

Huyền thoại nói trên là một trong hàng trăm ngàn thí dụ về sự quyết tâm (mà đôi khi điên rồ) của con người, sẵ)̃n sàng hành động dựa vào tình thương, thậm chí tôn giáo, niềm tin, lý tưởng để đạt mục đích "cao xa". Thời hiện đại, bọn khủng bố tự sát dùng danh nghĩa Hồi giáo là thí dụ điển hình. Chúng ta cũng đã thấy nó thấp thoáng xuất hiện với dụ ngôn Quách Cự trong Nhị Thập Tứ Hiếu.

Để tạm ngưng các câu chuyện liên quan đến cụ A-đam, người viết bài xin đưa ra một số tài liệu vô tình tìm thấy trên mạng (hoàn toàn ngẫu nhiên), theo đường liên kết sau: (https://www.gotquestions.org/Viet/nhung-adam-eva.html) "A-đam và Ê-va có lỗ rún/rốn không? Lỗ rún được hình thành bởi dây rốn dùng để nối kết em bé trong tử cung với mẹ của nó. A-đam và Ê-va đã được tạo dựng nên trực tiếp bởi Đức Chúa Trời, nên đã không phải trải qua quá trình được sinh ra theo cách thông thường. Vì vậy, rất có thể là A-đam và Ê-va đã không có lỗ rún." Một trang nhà khác chuyên bàn luận về Thiên chúa giáo, Sách Khải Huyền/revelation.co thì kết luận: cụ A-đam chắc không có rốn, nhưng nhiều khả năng có núm vú, và tinh hoàn.


Thiên sứ ngăn cản Abraham chuẩn bị hiến tế Isaac. 
(Hiến tế Isaac, do Rembrandt vẽ). 
Nguồn: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/4/4f/Rembrandt_Harmensz._van_Rijn_035.jpg

"Bước thêm bước nữa", xin được trích câu chuyện tổ phụ Abraham sẵ)̃n sàng hiến tế con trai Isaac để chứng minh đức tin và sự phục tòng tuyệt đối với Thượng Đế. Kinh Cựu Ước, Sáng Thế Ký đoạn (22:1-19) ghi rõ ": ... Đức Chúa Trời phán rằng: ‘Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Y-sác, hãy đi đến xứ Mô-ri-a mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.’ Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Y-sác con ông lại, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Áp-ra-ham đưa tay ra cầm lấy dao để hiến tế con mình. Nhưng sứ thần của Chúa từ trời gọi ông: ‘Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!’ Ông thưa: ‘Dạ, con đây!’ Người nói: ‘Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!’ Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông Áp-ra-ham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình...". Chú thích: câu chuyện Abraham hiến tế con trai với nội dung tương tự cũng xuất hiện qua hình ảnh cụ Ibrahim trong Thánh Thư Koran của Hồi giáo (37: 99-111).

Xin quý vị bình tâm đọc kỹ lời dạy nói trên vài lần, và suy nghĩ về ý nghĩa nhân văn đạo lý tốt đẹp nào dành cho người trần mắt thịt thời hiện đại (tôi xin nhấn mạnh thời hiện đại), lồng trong đoạn Kinh Thánh nói trên. Người viết bài tự vấn óc não mãi không ra, cố tìm tòi để học hỏi và xin được trích ra đây lời suy niệm từ mạng Internet:

.. "B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: St 22,1-2.9a,10-15

Theo nghiên cứu, người ta thấy dường như việc dùng trẻ con để tế lễ rất thịnh hành vào các thế kỷ thứ 8 và thứ 7 trước công nguyên. Cho nên khi nhắc nhở rằng mọi con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, lề luật liền nhấn mạnh đến việc buộc phải chuộc con đầu lòng bởi một của lễ thay thế. Câu chuyện tế lễ Isaac minh hoạ cho lề luật trên, đồng thời nhấn mạnh đến hành động đặc biệt của Abraham.

Thiên Chúa đã hứa với Abraham là ông sẽ trở thành tổ phụ của một dân lớn lao. Ông chỉ có một người con duy nhất là Isaac do bà Sara sinh ra. Thế mà Thiên Chúa đã truyền cho ông phải hiến tế người con yêu dấu của mình. Như thế làm sao có thể dung hòa được giữa việc hiến tế Isaac và lời hứa của Thiên Chúa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trời cát biển ?

Abraham tiến thoái lưỡng nan, không biết theo con đường nào. Tuy thế, ông đã phải trấn áp nỗi đau khổ của người cha, ông lấy nghị lực đức tin mà thưa "Xin vâng" với thánh ý Chúa. Ông đã làm một việc vượt trên cả mức độ anh hùng. Dù Abraham chưa giết con, nhưng Chúa kể ông đã dâng con cho Chúa.. Đức tin và lòng tuân phục của ông sẽ được phần thưởng liền sau đó." ...

Người viết bài, xin được khẳng định bản thân không phải là nhà nghiên cứu lịch sử, thần học, mà chỉ có một ít kinh nghiệm sống, một ít "kiến thức" tối thiểu và vớ vẩn về khoa học, nên tự mạo muội gạch dưới 2 câu Ông đã làm một việc vượt trên cả mức độ anh hùng và Đức tin và lòng tuân phục của ông sẽ được phần thưởng liền sau đó. Thú thật khi vừa đọc xong 2 hàng chữ trên, phản ứng đầu tiên của tôi bao gồm cả căm giận lẫn kinh hoàng, (mong tác giả bài TÌM HIỂU LỜI CHÚA, cũng như quý bạn đọc thứ lỗi cho) nhưng ngay sau đó tôi nghĩ mình có thể đã sai lầm trong cách "ứng xử", bởi vì câu chuyện trên đây không đơn giản. Tôi cố vặn óc ra nước, nhưng vì dốt nát, thiếu kiến thức, nhất là đức tin, nên không tài nào hiểu được một người cha bình thường như bao người cha khác, lại dự tính thí mạng con cái mặc dù nó chẳng gây ra tội ác nào cả, chỉ vì đức tin, trao đổi lời hứa được trở thành tổ phụ của một dân tộc lớn lao, thì hành động đó trên cả mức độ anh hùng ở cái chỗ nào? Sẵ̃n sàng giết, thay vì bảo vệ con mình, mà Abraham lại được phần thưởng liền sau đó, và trở thành một biểu tượng, tấm gương sáng về đức tin và lòng tuân phục, cho hàng tỉ người? Sau khi bình tâm suy xét, tôi cảm thấy bản thân nên có cái nhìn "cởi mở" hơn? với những câu chuyện mang tính dụ ngôn xuất hiện vài ngàn năm trước, xem như mình đang đọc cổ tích, thần thoại!

Tuy nhiên "cởi mở" với nội dung các dụ ngôn, cổ tích, thần thoại v.v. không đồng nghĩa với việc chấp nhận lối "ăn theo, nói theo, nói lấy được" tâng bốc lên tận mây xanh, hành vi đạo đức mà thời nay coi chẳng được con mắt chút nào! Nhưng đọc thêm phần đầu của bài suy niệm nói trên thì tôi mới "bể cái óc bùn của tôi" theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: "... Chúng ta sẽ không hiểu tại sao lại có những thử thách ấy ! Chúa không thương yêu chúng ta sao ? Không thắc mắc, chúng ta hãy bắt chước ông Abraham hoàn toàn tin tưởng phó thác đời mình trong tay Chúa quan phòng, vâng theo thánh ý Chúa, Ngài sẽ lo liệu, ...".

Xin để bạn đọc tự suy nghĩ, tôi chỉ xin gạch dưới câu Không thắc mắc, chúng ta hãy bắt chước ông Abraham. Dụ ngôn Abraham trong Kinh Cựu Ước, Sáng Thế Ký, có thể phù hợp để răn dạy một cộng đồng người (Do Thái cổ) sống trước đây vài ngàn năm. Chúng ta có thể và rất nên tiếp tục tranh luận đúng sai, ý nghĩa, tình huống, hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dụ ngôn nói trên. Cha mẹ giáo dục con cái chưa quá 2, 3 tuổi, vì trẻ chưa đủ khả năng suy luận phức tạp, gặp hoàn cảnh liên quan đến mạng sống các em, chẳng đặng đừng phải sử dụng mệnh lệnh, không giảng giải chi tiết, không biện minh dài dòng lý do, buộc các em phải tuân lệnh, đừng thắc mắc, đừng hỏi tại sao. Nhưng khuyên răn người đã trưởng thành đừng thắc mắc, hãy bắt chước một cách máy móc là lối giáo dục nhồi sọ, học vẹt, biến con người thành một xác chết chỉ còn biết gật gù, mất dần thói quen suy xét.

Hơn nữa cố o ép những khuôn mẫu luân lý không còn hợp thời - thậm chí quái đản - vào xã hội hiện đại, bất chấp những hạn chế khách quan mang tính lịch sử, là một hành vi không thể chấp nhận. Tiêu chuẩn luân lý, đạo đức loài người ở thế kỷ XX, XXI đã khác nhiều so với tiêu chuẩn của thế kỷ XVI, XVII, huống hồ là so sánh với tiêu chuẩn đạo đức của mấy ngàn năm trước. Chúa Trời? đã cho chúng ta bộ óc phát triển cao độ, giúp con người vượt lên trên loài cầm thú, dạy chúng ta sử dụng não bộ một cách thông minh, biết phán đoán, phân biệt phải trái. Các nhà thần học Ki-tô giáo còn cố diễn giải khái niệm "Free will/Ý chí tự do" coi như Thiên Chúa tạo điều kiện cho con người tự do lựa chọn để hành động. Thế nhưng bài suy niệm lại kêu gọi chúng ta đừng sử dụng bộ óc quý giá nói trên, đừng thắc mắc, đừng suy nghĩ, cứ mù quáng bắt chước ông Abraham. Hay là bài suy niệm nói trên suy diễn sai lời Thiên Chúa? Dù sao thì sao, quả thật trong thế kỷ XX, ông Cristos Valenti ở Mỹ đã làm đúng như lời khuyên của bài suy niệm nói trên. Ông không thắc mắc, ông bắt chước ông Abraham. Rồi chuyện gì đã xảy ra? Xin quý bạn đọc tiếp.

Cristos Valenti là một tài xế lái xe buýt lâu năm, rất ngoan đạo, sống tại tiểu bang California, Hoa Kỳ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Tuy sinh ra trong một gia đình Công giáo, đến tuổi trung niên, ông cùng vợ và 6 đứa con chuyển sang giáo phái Tin lành Ngũ Tuần (Pentecostal Church). Sau khi được nghe tiếng gọi thiêng liêng, giữa đêm hôm khuya khoắt ông bế cô con gái út lái xe đến địa điểm mà "Thiên Chúa" đã chọn lựa. Ôm chặt vào lòng đứa bé mà ông ta yêu quý nhất đời, ông dặn con cùng đọc kinh "Lạy Cha chúng con ở trên trời ..." rồi rút dao hiến tế ... Ngồi cạnh bên thân xác bé bỏng cứ lạnh dần giữa sương đêm, ông ngước mắt nhìn trời và chợt thấy lòng thanh thản. Có 2 vì sao sáng đang tiến gần đến nhau, Cristos Valenti cúi đầu tạ ơn, miệng mĩm cười vì biết mình đã hoàn thành sứ mệnh. Ông ôm xác con lái xe về nhà, đánh thức cô con gái lớn và sai cô ta gọi cảnh sát, đồng thời thông báo tin mừng: "Em gái con đã được về nước Chúa". Đấy là tóm tắt lời khai của ông Cristos Valenti trước tòa.

Cái khác biệt quyết định là trong Sáng Thế Ký cuối cùng Thiên Chúa đã ngăn cản Abraham không được hiến tế con trai. Trong khi trường hợp ông Cristos Valenti, tiếng gọi thiêng liêng ấy chắc không phải là của Thiên Chúa? Nhưng làm sao để chúng ta người trần mắt thịt ngay từ đầu phân biệt đâu là lời Thiên Chúa thật, đâu là lời Thiên Chúa giả? Nếu bất cứ ai có đức tin cao độ đều sẵ)̃n sàng hành động theo chuyện cụ Abraham trong Sáng Thế Ký thì xã hội đi về đâu?

Vài ngàn năm trước cụ Abraham nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵ)̃n sàng đem con trai đi hiến tế. Vài chục năm trước (6 tháng 1 năm 1990 tại tiểu bang California, Hoa Kỳ) ông Cristos Valenti nghe tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵ)̃n sàng đem con gái đi hiến tế. Hiện nay nhiều người vẫn xem cụ Abraham là tấm gương sáng về đức tin và lòng tuân phục, còn ông Cristos Valenti thì phải vào nhà thương điên vì tòa án trần thế xử cụ ta mắc chứng điên loạn. Có bất công quá cho Cristos Valenti hay chăng?

Thời hiện đại nếu bị đẩy vào hoàn cảnh ngặt nghèo, khó xử, và tiến thoái lưỡng nan như của cụ Abraham, (hay cụ Ibrahim bên Hồi giáo) bản thân tôi tin chắc chắn như đinh đóng cột, đa số các bậc cha mẹ không cần suy nghĩ đắn đo, ưu tiên tìm cách bảo vệ con mình đến cùng. Chống đối không xong thì ôm con chạy, trốn chui trốn nhủi đâu đó, hoặc xin đem thân mình ra thế mạng cho con, hay bất cứ một biện pháp tuyệt vọng nào khác tương tự, chứ nhất quyết không thể làm theo tiếng gọi của Sáng Thế Ký. Thà làm khỉ đột, đười ươi v.v. biết thương con theo bản năng "thú tính", còn hơn làm người có bộ óc to chần dần, "trời" cho để suy nghĩ, mà nỡ lòng nào đem mạng sống con cái đánh đổi lấy một tiếng gọi nào đó, có "trời" mới biết rõ xuất xứ. Cũng chẳng thấy ai đoái hoài đến Isaac, tương lai sẽ sống ra sao sau khi bị chấn thương tâm lý trầm trọng, trải qua biến cố thập tử nhất sinh, bị cha đem ra - cố nói cho văn vẻ là "hiến tế, sát tế" - thực chất là "thí mạng" đổi chác.

Hoàn cảnh cụ Quách Cự trong Nhị Thập Tứ Hiếu cũng éo le, cũng khốn nạn không kém. Tuy rằng trước khi hành động, cụ ít nhất còn bàn tới bàn lui với vợ. Ngoài ra cụ chỉ tự vấn lương tâm, sau đó hành động, chứ không trực tiếp nghe theo tiếng gọi cụ thể nào cả. Cụ Abraham nhà ta thì trái lại - dựa theo Kinh Tân Ước, sách Lu-Ca: Các điều cần yếu để làm môn đồ Đức Chúa Jêsus (14:26) Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta’. - vì đặt Đức Tin Cứu Rỗi vào Thiên Chúa tuyệt đối ở vị trí cao nhất, sâu hơn, nặng hơn tì̀nh nghĩa cha mẹ, gia đình, con cái, bản thân v.v., nên nghe tiếng gọi thiêng liêng là chấp nhận và sẵ)̃n sàng ra tay. Ngoài ra không thấy sách vở cao siêu nhắc gì đến việc cụ có thèm lấy thêm ý kiến của bà vợ Sarah hay chăng? Chuyện hệ trọng như thế mà cụ độc đoán, gia trưởng xem bà vợ chẳng có kí lô nào?

Để tránh ngộ nhận, tôi xin được khẳng định, loạt bài này không nhằm đả kích một tôn giáo nào nói riêng. Cái gì thấy hay thì khen, cái gì thấy dở thì chê. Con người dù là tín đồ bất kỳ một tôn giáo nào hay không, thường là người đạo đức bình thường, không ai vượt trội hơn ai. Tôn giáo có thể là cái phao để bám víu, là nguồn động viên, an ủi, vực dậy chúng ta trong những giây phút tuyệt vọng, cô đơn nhất, hiu quạnh nhất, hoàn toàn không có người thân bên cạnh. Riêng người Việt Nam không nên quên một món nợ vay trả trả vay đặc biệt với những nhà thừa sai Công giáo vào đầu thế kỷ XVII, chính họ đã góp phần sáng tạo và phát triển Chữ Quốc Ngữ. Mặc dù về mặt chủ quan, ý đồ của các vị thừa sai chỉ là tạo phương tiện truyền giáo, không hơn không kém. Nhưng dòng lịch sử phát triển khách quan, với đóng góp qua tay bao nhiêu thế hệ (Nam Phong Tạp Chí, Đông Kinh Nghĩa Thục, cụ Trương Vĩnh Ký v.v.) trong đó có cả chính quyền thực dân Pháp, đã vô tình tạo điều kiện cho người Việt Nam có chữ viết sử dụng hữu hiệu, bao quát, thoải mái như ngày hôm nay. Khi tôi viết những dòng chữ này thì (không chỉ) ở Việt Nam/Đà Nẵ)̃ng đã rộ lên một cuộc tranh luận về việc có nên chọn Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina để đặt tên đường hay không? Ngoài một số ý kiến mang hơi hướm "nhìn đâu cũng thấy kẻ thù dân tộc" tôi xin được giới thiệu với bạn đọc:

1/ phần tìm hiểu khá công phu của ông Đoan Hùng về đề tài này (cũng như các bình luận) theo đường dẫn đến facebook sau: 
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=105770280907202&id=105309667619930

2/ sự phức tạp của vấn đề xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay (đài BBC),

2a) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50688707

2b) https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50903604

3/ đọc báo VNExpress ngày 03-06-2018 về "Nhà thờ trăm tuổi nơi giữ sách quốc ngữ đầu tiên. Trong nhà thờ Mằng Lăng ở Phú Yên còn lưu trữ cuốn sách đầu tiên in bằng chữ quốc ngữ của Linh mục Alexandre de Rhodes."
https://vnexpress.net/du-lich/nha-tho-tram-tuoi-noi-giu-sach-quoc-ngu-dau-tien-3756274.html
Ngoài ra chúng ta cũng cần nhấn mạnh đến các đóng góp quý báu của mọi tôn giáo cho xã hội, văn hóa nhân loại v.v. suốt hàng nghìn năm qua. Nhưng trong dòng lịch sử nhiều tôn giáo cho đến nay, tiếc thay cũng chứa đựng dấu vết tội ác nhân danh đạo đức, niềm tin, chính nghĩa v.v. Ngay cả thời hiện đại, những đánh gía của tôn giáo về đức tin, đồng tính luyến ái, ngừa thai, phá thai, nữ quyền, súng ống v.v. cũng gây ra bao nhiêu hệ lụy cho con người. Trong lòng các cộng đồng tôn giáo, không ít tín đồ thời nay cũng đang mang trong lòng một tâm nguyện: hãy bớt giáo điều, bớt gia trưởng, bớt cuồng tín, và tìm cách gạn đục khơi trong những lời dạy trong kinh kệ, không nhắm mắt tin theo một cách mù quáng. Tuy vậy có nghiều người không hiểu dựa vào đâu để lập luận một cách ngon ơ: tôn giáo và những giáo lý nằm trong hệ thống tôn giáo ấy là tuyệt đối linh thiêng, bất di bất dịch bất biến không ai được đụng chạm. Nói cho đúng trong thâm tâm người ta nghĩ rằng chỉ tôn giáo của mình đang theo là bất khả xâm phạm, còn các tôn giáo khác có bị chỉ trích cũng chả sao.

Kinh Thánh nói chung, đặc biệt Kinh Cựu Ước, cũng bao gồm một số đoạn văn kỳ cục, thậm chí man rợ, mang tính ẩn dụ và biểu tượng. Nhưng một số nhà thần học Ki-tô giáo lại cố khẳng định nội dung Kinh Thánh là do Chúa thiên khải, là lời Chúa phán trọn vẹn, có sao nói vậy, đúng từng câu từng chữ. Tuy nhiên cũng tùy trường hợp, họ lại dạy rằng Kinh Thánh là những tư tưởng cô đọng thông qua sự cố gắng của con người tìm hiểu về Chúa. Khó khăn đối với những người trần mắt thịt như chúng ta khi đọc Kinh Thánh, làm sao biết đoạn nào thật sự là lời Chúa phán, đoạn nào là sáng tạo của con người khi tìm hiểu về Chúa?

Không ít nhà thần học Ki-Tô giáo hay dựa vào tác phẩm "Fear and Trembling/Sợ và Run" của triết gia Soren Kierkegaard để biện minh cho hành vi của cụ Abraham. Trong tác phẩm triết học này Abraham được đóng vai "Hiệp sĩ của Đức tin". Nhưng cho phép tôi khất lại, xin được bàn tiếp về Soren Kierkegaard trong tương lai, để quay trở về trần thế hiện tại, chỉ xin nhắc đến châm ngôn sau đây của ông ta, "Life can only be understood backwards; but it must be lived forwards/Đời người: cần lùi lại mới hiểu được; nhưng phải tiến lên mới sống được."

Một cách giản đơn và còn thiếu sót - chúng ta ít nhiều có thể nhìn những câu chuyện dụ ngôn như trên thông qua các lăng kính sau:

- Abraham trong Thánh Kinh sẵ)̃n sàng hiến tế con trai, cũng như chuyện Quách Cự trong Nhị Thập Tứ Hiếu dự tính chôn sống con trai, Dịch Nha trong Đông Chu Liệt Quốc làm thịt con dâng Tề Hoàn Công v.v. đều là dụ ngôn, phản ánh đạo đức thời xa xưa ấy, ít nhiều còn tàn dư của loại hủ tục man rợ, chấp nhận việc cha mẹ được quyền hy sinh con để đạt mục đích "cao xa". Tuy nhiên luân lý thời nay, không có chỗ đứng cho những khuôn mẫu đạo đức theo kiểu nói trên. Phải chăng các câu chuyện ấy nói riêng, kinh điển nói chung, dù thuộc tôn giáo, hay bất cứ hệ thống tư tưởng nào khác, độc thần hay đa thần, dù ngô nghê hay sâu sắc, dù hung tợn hay bác ái, dù hẹp hòi hay khoan dung, chỉ là sản phẩm trí tuệ của loài người vào một giai đoạn lịch sử nhất định, nên mang đầy những dấu ấn, nói rõ hơn là sự hạn chế khách quan của thời đại ấy.

- Lập luận của một số nhà nghiên cứu thần học: chuyện Abraham sẵ)̃n sàng hiến tế con trai là chuẩn bị tinh thần cho chúng ta hiểu rõ việc Thượng Đế cho Thiên Chúa con mình hy sinh trên Thập Tự Giá.

Các đề tài nêu trên và sự so sánh rất khái quát giữa huyền thoại 18 Vua Hùng và Kinh Cựu Ước sẽ lần lượt được bàn chi tiết trong những bài viết tiếp theo. Xin quý bạn đọc đón xem.

* Tài liệu tham khảo: Abraham On Trial/Abraham trước vành móng ngựa - Tác giả: nữ giáo sư Carol Delaney.

Khả Tri