…………………………
Hỏi nguyên ủy mới hay Cầu
Hến Shizimibashi
chẳng có đâu một mảnh
vỏ sò xinh xắn biết điều ấy,
ngắn ngủi thay cho một
buổi trời thu của chúng ta trên cõi đời này.
- Lưu luyến qua bao nhiêu
cầu trong tuồng "Ten no Amijima"-
***
Đêm
rằm tháng 8 âm lịch, buổi múa hát tiếp khách ở nhà hàng
vừa vãn vào lúc 11 giờ rưỡi, Koyumi và Kanako về đến chỗ
bà thầy là nhà Wakekatsuraya ở khu Itajinmachi trong phố Ginza
liền vội vàng thay ra áo yukata. Thật ra thì họ muốn đi nhà
tắm công cộng, nhưng tối nay không có thì giờ để đi.
Koyumi đã bốn mươi hai, người
đẫy đà thấp bé chưa đầy thước rưỡi, mặc áo yukata
in hình thu thảo màu đen trên nền vải trắng. Còn Kanako mới
hai mươi hai, múa đẹp nhưng không có duyên gặp được người
bao bọc, hàng năm đến ngày hội mùa hát vào hai mùa xuân
thu, chẳng được giao cho một vai chính nào. Cô mặc áo yukata
cũng màu trắng nhuộm hoa văn hình gợn sóng loang màu lam.
-Không biết tối nay Masako mặc
áo hoa gì nhỉ?
-Chắc là hoa hagi rồi. Người
ta đang mong chóng có con mà.
-Đã đến giai đoạn ấy rồi
cơ à?
-Đến thế nào được! Chuyện
ấy hãy còn xa vời lắm. Chỉ yêu trộm nhớ thầm mà có con
được, thì có họa là Đức Bà Maria!
Koyumi đáp thế. Trong giới
geisha, người ta vẫn tin dị đoan là mùa hè mặc áo hoa hagi,
mùa đông măc áo vẽ hình núi non thì thế nào cũng hoài thai.
Đúng lúc sắp ra cửa thì Koyumi
chợt thấy đói. Cô thường hay thấy đói bụng như thế mà
lần nào cũng cảm thấy như tai họa từ trời giáng xuống.
Trước đó cô thường chẳng thấy có dấu hiệu gì là đói
cả. Vả lại, cũng may là giữa các buổi múa hát tiếp khách
thì dù có giờ trống, cô cũng chẳng bị phiền hà gì vì
đói bụng. Thế mà cứ trước hay sau buổi diễn, lúc mà cô
quên bẵng chuyện bụng đói hay no, thì cơn đói thường đột
ngột nổi lên. Koyumi lại không thể ăn cầm chừng vào lúc
nào tiện để đề phòng trước. Ví dụ như vào buổi chiều
ở hiệu làm tóc, trong lúc ngồi đợi, các cô geisha trong phố
thường đem theo hộp cơm có món thịt nướng của hiệu Okahan
mà ăn thật ngon lành. Nhưng dù trông thấy cảnh tượng ấy,
Koyumi vẫn dửng dưng. Ấy thế mà chỉ độ một giờ đồng
hồ sau, thình lình Koyumi bắt đầu thấy đói, từ dưới chân
những chiếc răng khỏe, nhỏ nhắn, nước dãi cứ như nước
ôn tuyền ứa ra.
Koyumi và Kanako đóng tiền bảng
hiệu và tiền cơm tháng cho nhà Wakekatsuraya. Tiền cơm của
Koyumi đặc biệt tốn kém, vì Koyumi ăn nhiều và ăn ngon. Nhưng
từ khi có cái tật kỳ lạ hay đói bụng vào khoảng trước
hay sau buổi múa hát tiếp khách, thì tiền cơm của cô lại
giảm dần, đến nỗi bây giờ còn ít hơn cả Kanako. Cái tật
kỳ lạ ấy bắt đầu có từ bao giờ chẳng biết. Cũng không
biết từ bao giờ, mỗi khi sắp ra tiếp khách ở hiệu nào,
Koyumi lại có lệ vào bếp của hiệu ấy hối thúc vòi vĩnh
"Có cái gì dằn bụng không?" Bây giờ đã thành lệ là trước
hết, trước khi tiếp khách ở hiệu đầu tiên, Koyumi ăn bữa
chiều trong bếp của hiệu ấy, rồi khi đến hiệu sau cùng,
sau khi khách đã ra về thì lại vào bếp của hiệu ấy mà
ăn tối. Thành ra bụng dạ cô cũng tự điều chỉnh cho ăn
khớp với thông lệ này, và tiền cơm phải đóng cho nhà Wakekatsuraya
cũng nhờ vậy mà giảm dần.
Koyumi và Kanako xúng xính trong
chiếc áo yukata đi từ khu phố Ginza còn im lìm say ngủ, đến
hiệu Yoneiya ngoài phố Shimbashi. Kanako đưa tay trỏ bầu trời
cao tận bên trên tòa nhà ngân hàng với những khung cửa sổ
kéo cửa sắt kiên cố, mà bảo Koyumi:
-Trời trong đẹp quá. Trông
như có con thỏ trên mặt trăng.
Thế nhưng Koyumi còn đang mải
lo cho cái bụng của mình. Tối nay họ đã đi múa hát, trước
hết là ở hiệu Yoneiya, và sau cùng là ở hiệu Fuminoya. Lẽ
ra phải ăn tối ở hiệu Fuminoya rồi hẵng đi, nhưng vì không
có thì giờ nên phải về thay ra áo yukata ngay. Bây giờ lại
tới hiệu Yoneiya là nơi đã ăn bữa chiều, chẳng lẽ chỉ
trong một tối mà đòi người ta dọn cho những hai bữa cơm.
Chỉ nghĩ vậy Koyumi thấy áy náy quá.
Xong vừa bước vào cửa sau
của hiệu Yoneiya, mối lo ấy của Koyumi tiêu tan ngay tức khắc.
Masako, cô con gái rượu của hiệu Yoneiya đang đứng đợi
bên cửa bếp, trong chiếc áo yukata may bằng vải chirimen in
hoa hagi đúng như Koyumi tiên đoán, Vừa thấy Koyumi, Masako đã
biết ý, nói ngay:
-Sao các chị đến sớm thế?
Không đi đâu mà vội! Hẵng vào ăn lót bụng cái đã.
Nhà bếp rộng còn bừa bãi
chưa dọn dẹp xong. Dưới ánh đèn, bao nhiêu là chén đĩa
và bát con sáng bóng đến lóa cả mắt. Masako chống một tay
vào cột cửa sau, nên người cô che khuất ánh đèn, mặt cũng
bị tối. Ánh đèn cũng không soi tới mặt nên Koyumi mừng
thầm vì không bị nhìn thấy nét mặt bỗng tươi hẳn lên.
Trong lúc Koyumi đang ăn, Masako
kéo Kanako về phòng mình. Trong số những geisha đến hát cho
hiệu nhà mình, Masako thân với Kanako nhất. Phần nào là vì
họ cùng lứa tuổi. Lại học cùng trường tiểu học. Ngoài
đủ mọi duyên cớ linh tinh như thế, thì còn vì họ hợp
tính hợp nết thế nào ấy.
Kanako trông hiền lành yếu
ớt như thể gió thổi bay đi được, thế nhưng lại từng
trải, nên lắm lúc cũng khuyên Masako được nhiều điều đích
đáng. Còn Masako thì đáo để thế chứ nói đến chuyện yêu
đương thì còn nhút nhát, trẻ con lắm. Masako có tiếng là
còn trẻ con, nên mẹ cô cũng yên trí, vì vậy khi cô may áo
yukata in hình hoa hagi bà cũng chẳng để ý gì cả.
Masako đang học khoa Nghệ thuật
ở đại học Waseda. Một lần nam tài tử điện ảnh tên R
mà lâu nay cô hâm mộ đến hiệu Yoneiya, thế là từ đó cô
si mê anh ta, trong phòng treo đầy ảnh của anh. Cô lại cho
in lên bình hoa bằng sứ tấm ảnh chụp ở bàn tiệc với
R, để cắm hoa bầy trên bàn.
-Hôm nay đã phân công ai múa
vai nào rồi đấy.
Vừa ngồi xuống chiếu, Kanako
vừa chu cặp môi mỏng lại nói.
-Thế à?
Masako thương bạn, nên vờ
như không biết.
-Cứ đóng vai phụ mãi thế
này bảo sao không nản!
-Sang năm thế nào rồi cũng
sẽ được giao vai chính thôi.
-Ngoảnh đi ngoảnh lại, thế
nào mà thành bà già như chị Koyumi là hỏng kiểu.
-Chỉ nói nhảm. Còn những
hai mươi năm nữa mới đến tuổi ấy!
Cứ thế, họ trò chuyện với
nhau, nên tuy không ai được nói cho người khác biết tối
nay mình sắp cầu xin điều gì, xong cả Masako lẫn Kanako đều
biết rõ điều ước của nhau.
Masako thì muốn lấy được
R. Kanako muốn tìm được người bảo bọc. Và cả hai cô đều
biết rõ là Koyumi thì chỉ mong có nhiều tiền.
Những điều ước của họ,
ai nhìn vào cũng thấy là hợp lý. Có thể nói đó là những
mong ước đường đường chính chính. Nếu họ không được
toại nguyện thì đó là lỗi tại ông trăng. Những điều
ước của họ hiện cả ra mặt, rất chân thành, là những
mong ước rất tự nhiên của con người. Nhìn họ bước đi
trên đường trăng sáng, hẳn là ông trăng cũng biết được
và mủi lòng muốn giúp họ ước gì được nấy.
Masako chợt nói:
-Tối nay lại có thêm một
người nữa đấy.
-Ơ, ai thế?
-Một con bé ở vùng Tohoku mới
đến giúp việc được độ một tháng nay. Tên là Mina. Mình
đã bảo là không cần, nhưng mẹ mình cứ bảo thế nào cũng
phải có một người đi theo, chứ không thì mẹ lo lắm.
-Con bé ấy thế nào?
-Cứ gặp khắc biết. Con bé
"tốt sữa" lắm.
Đúng lúc ấy thì cánh cửa
dán giấy shoji mở ra, và chính Mina đang đứng ngây người
, chìa cái mặt ra đấy.
-Đã bảo là khi mở cửa, phải
quỳ xuống rồi hẵng mở cơ mà!
Masako cất giọng lanh lảnh.
-Vâng.
Giọng nói ồ ồ và nghe thật
vô cảm. Còn dáng dấp thì chợt nhìn, Kanako đã bất giác
phải cố nhịn cho khỏi bật cười. Con bé mặc một cái váy
đầm bằng vải dùng để may yukata được chắp nối xiên
xẹo, tóc thì uốn quăn queo rối bù, thò ra ngoài ống tay áo
là những cánh tay to đến phát khiếp. Mặt mày đen nhẻm đen
nhèm làm sao, thì tay cũng đen thủi đen thùi làm vậy. Một
cái mặt thật dầy đầy ứ cả lên, hai con mắt bị bắp
thịt của hai gò má căng phồng ép vào chỉ còn ti hí như
sợi chỉ. Cái miệng che cách nào cũng bị hở ra vài chiếc
của hàm răng khập khiễng. Thật khó mà tìm được ở khuôn
mặt ấy một thứ cảm xúc nào.
Kanako ghé vào tai Masako thì
thầm:
-Có người bảo vệ ra trò
rồi đấy.
Masako cố làm ra mặt nghiêm
nghị dặn dò Mina:
-Nghe này! Lúc nãy đã dặn
rồi, nhưng bây giờ nhắc lại đây. Tức là từ lúc ra khỏi
nhà cho đến lúc qua được hết bảy chiếc cầu, cấm không
được nói gì cả đấy nhé. Hễ nói, là hỏng hết, ước
gì cũng chả được nữa. Còn một điều này nữa, là hễ
có người nào quen bắt chuyện là cũng hỏng đấy nhé. Nhưng
mày thì không phải lo chuyện ấy nhỉ. Khi đi, không được
đi trở lại cùng một con đường hai lần. Đã có chị Koyumi
đi trước, cứ đi theo chị ấy là được.
Ở trường, Masako đã từng
viết bài nghiên cứu về tiểu thuyết của Proust, thế nhưng
những lúc như thế này, nền giáo dục hiện đại lãnh hội
được ở trường hình như đã đi đâu mất.
-Vâng ạ.
Mina đáp, nhưng chẳng biết
là có thực sự đã hiểu hay không.
-Đã đi theo thì cũng nhân dịp
này, muốn ước điều gì thì cứ ước. Mày đã nghĩ ra được
điều gì muốn ước chưa?
-Dạ.
Mina cười nhăn nhở.
Kanako ở bên cạnh nói chen
vào:
-Chà! Chỉ hỏi một câu mà
trúng phóc!
Đúng lúc ấy thì Koyumi vừa
vỗ vào chiếc thắt lưng vải Hakata quanh bụng mình, vừa nói:
-Nào, có thể yên tâm đi được
rồi đấy.
-Chị Koyumi, chị đã chọn
được những chiếc cầu nào tốt chưa?
-Mình sẽ bắt đầu đi từ
cầu Miyoshibashi nhé. Đi từ cầu này thì được tính ngay là
đã qua được hai cầu. Như thế cũng đỡ mệt. Thế nào?
Thấy cái đầu này thông minh chưa?
Vì sắp phải im lặng không
được nói chuyện, nên ba người nhao nhao tranh nhau nói bù
vào trước. Họ nói cho đến lúc tới cửa sau.
Trên thềm cửa sau đã có để
sẵn đôi guốc của Masako. Đó là đôi guốc sơn mài đen nhánh
của hiệu Iseyoshi. Dù trong bóng đêm, những móng chân tô sơn
đỏ chót của Masako xỏ vào guốc vẫn sáng lên óng ánh. Bấy
giờ Koyumi mới để ý trông thấy.
-Ối giời! Cô tiểu thư điệu
nhỉ? Móng chân tô son đỏ chót rồi đi guốc đen bóng. Đến
ông trăng cũng phải ngẩn ngơ.
-Móng chân mà tô son à? Chị
Koyumi lỗi thời rồi đấy!
-Tôi biết chứ sao không! Bây
giờ các cô gọi là "sơn ma- nê –kin" chứ gì?
Masako và Kanako nhìn nhau rồi
cùng cười rộ lên.

Koyumi đầu dẫn cả bọn bốn
người đi ra đường Showa. Trong bãi đậu xe của hiệu xe hơi,
những chiếc xe chở khách đã xong việc cả ngày hôm ấy về
nằm nghỉ. Thân xe đen bóng lấp loáng dưới ánh trăng. Nghe
như có tiếng côn trùng từ dưới những chiếc xe ấy vọng
lên. Trăng sáng vằng vặc.
Trên đường Showa, vẫn còn
nhiều xe cộ qua lại. Nhưng con phố đã ngủ yên. Tiếng xe
ba bánh (*)
nghiến trên mặt đường không còn bị lẫn vào tiếng ồn
ào huyên náo của khu phố, vang lên, nghe thật quạnh quẽ.
Vài cuộn mây bồng bềnh dưới
ánh trăng nối tiếp với mây trầm tích bao phủ phía chân
trời.
Trăng sáng vằng vặc. Lát sau
không còn có tiếng xe cộ qua lại, chỉ có tiếng guốc của
bốn người rộn ràng vang lên dưới ánh trăng xanh lạnh lẽo.
Koyumi đi đầu, hài lòng thấy
trước mặt là vỉa hè rộng thênh thang không một bóng người.
Niềm tự hào của Koyumi là lâu nay không phải dựa dẫm vào
ai mà sống. Và mãn nguyên là có cái ăn no chắc bụng. Đi
như thế này, Koyumi không hiểu mình còn mong gì hơn nữa mà
muốn có tiền. Koyumi cảm thấy như điều ước của mình
tan đi vô nghĩa trong ánh trăng chiếu trên vỉa hè trước mặt.
Có mảnh thủy tinh sáng lấp lánh dưới khe, giữa những viên
đá lát vỉa hè. Dưới ánh trăng, cho đến mảnh thủy tinh
mà cũng sáng lấp lánh như thế. Koyumi thấy điều ước ngày
thường của mình phải chăng cũng giống như mảnh thủy tinh
này.
Masako và Kanako móc hai ngón
tay út vào nhau đi theo sau, chân dẫm lên cái bóng của Koyumi.
Hơi đêm lành lạnh, làn gió nhẹ từ phía Yatsukuchi luồn qua
cổ áo, hong khô dần mồ hôi rịn ra trên đôi nhũ hoa vì sự
háo hức lúc mới bắt đầu đi. Cả hai đều cảm thấy sự
êm ả kín đáo ấy. Điều ước của họ truyền qua hai ngón
tay út đan vào nhau, trong sự lặng thinh không lời lại càng
cảm thấy rõ hơn.
Masako mường tượng ra trong
đầu hình ảnh R với giọng nói ngọt ngào, con mắt liếc
đa tình, mái tóc bỏ mai dài kiểu cách. Cô đâu phải như
những khách mộ điệu tầm thường khác, mà là cô tiểu thư
của một nhà hàng thượng hạng trong phố Shimbashi, chắc hẳn
là ông trăng không thể nào mà không cho cô toại nguyện. Mỗi
khi R nói, hơi thở phả ra bên tai cô chẳng hề có mùi rượu
hôi hám mà còn thơm tho là khác. Mỗi lúc một mình nhớ lại,
cô thấy như có gợn sóng nhẹ lan từ đầu gối lên đùi,
sự hiện diện của R, hiện đang ở đâu đấy trên cõi đời
này, vừa là một điều xác thực cũng như những điều mà
cô đang nhớ lại, vừa lại không có gì là xác thực, làm
cô trăn trở không yên.
Kanako thì mơ gặp được một
người đàn ông đứng tuổi giàu có đẫy đà. Không đẫy
đà thì cô thấy như là không giàu. Cô nghĩ mình sẽ chỉ
việc nhắm mắt lại mà tận hưởng sự bao bọc không chút
nuối tiếc của người đàn ông ấy. Cô thường hay nhắm
mắt lại như thế. Nhưng cho đến nay, mỗi khi mở mắt ra
thì người mà cô mơ ước lại biến đi mất.
…..Như thể đã có hẹn trước,
hai cô cùng ngoảnh lại nhìn ra phía sau. Mina lặng lẽ theo
sau họ. Hai tay áp vào má, nó lê đôi guốc ghê ta có quai đỏ,
chân đá vào gấu váy mà đi theo họ, mắt lơ đãng nhìn về
một hướng vô định, nét mặt chẳng có vẻ gì là thành
khẩn cả. Masako và Kanako thấy dáng điệu ấy của Mina như
thể là khinh miệt lòng thành khẩn cầu xin của họ.
Đến chỗ tiếp giáp khóm 1
và khóm 2 của khu phố Higashi Ginza, bốn người rẽ phải sang
đường Showa. Trong dãy phố của những tòa nhà cao tầng, chỉ
có ánh đèn đường vẫn rọi xuống như thể đều đặn rải
nước xuống mặt đường. Trên con đường hẹp này, ánh trăng
bị khuất bởi bóng của những tòa nhà cao tầng.
Bốn người đi được một
lát thì trông thấy cầu Miyoshibashi cao vòi vọi trước mặt,
chiếc cầu đầu tiên mà họ sắp phải đi qua. Đó là cây
cầu khác thường, bắc ở ngã ba sông nên có hình chữ Y,
ở một góc bên kia sông lù lù mấy tòa nhà hành chính quận
trông tối om. Trên bệ đồng hồ, mặt đồng hồ trắng bệch
loạn xạ chỉ giờ.

Thành cầu thấp, ở giữa ngã
ba trên cầu hình tam giác ba góc, mỗi góc có một chùm đèn
đường kiểu cổ hình hoa linh lan thật đẹp. Mỗi chùm đèn
có bốn ngọn, nhưng không phải là cả bốn ngọn đều được
thắp sáng. Dưới ánh trăng, chao đèn hình cẩu bằng thủy
tinh của những ngọn đèn không được thắp sáng trông trắng
toát. Quanh những ngọn đèn sáng, vô số những con ngài lặng
lẽ xúm xít bâu lại.
Mặt sông xao động dưới ánh
trăng.
Cả bọn làm theo Koyumi đi dẫn
đầu. Trước hết, họ chắp tay thành khẩn khấn vái ở ngay
chỗ đầu cầu bên này.
Một ánh đèn trong tòa nhà
cao tầng nhỏ gần đấy vừa phụt tắt, người đàn ông có
lẽ chỉ có một mình ở lại làm thêm vừa xong việc, từ
trong tòa nhà bước ra, toan khóa cửa, thấy cảnh khấn vái
lạ lùng thì đứng sững lại nhìn.
Bọn đàn bà khấn vái xong,
sắp sửa qua cầu. Cũng vẫn là tiếng guốc gõ xuống mặt
đường nhựa, nhưng đến lúc thực sự sắp bước lên chiếc
cầu thứ nhất, bước chân của họ có phần thận trọng
như thể đang bước trên sân khấu bằng gỗ bách hinoki.
Chỉ trong giây lát họ đã
đến giữa cầu Miyoshibashi, tuy chỉ là trong giây lát, xong
đi được đến đấy họ thấy trong lòng nhẹ nhõm, như thể
vừa làm xong một việc to tát.
Koyumi đến dưới chiếc đèn
hoa linh lan, ngoảnh nhìn lại, rồi lại chắp tay vái, ba người
kia cứ thế làm theo.
Theo tính toán của Koyumi, đi
qua được hai đoạn của cầu Miyoshibashi thì kể như là đã
qua được hai chiếc cầu, xong phải thành khẩn khấn vái trước
và sau mỗi khi đi qua được một đoạn, thành ra họ đã chắp
tay khấn vái cả thảy là bốn lần trên cầu Miyoshibashi .
Sau ô cửa của một chiếc
tắc xi tình cờ đi qua, có một người vẻ mặt ngạc nhiên
đang dán mặt vào cửa nhìn ra, Masako để ý trông thấy nhưng
Koyumi thản nhiên như không.
Khi đến chỗ tòa hành chính
quận, quay lưng lại tòa nhà này và chắp tay khấn vái đến
lần thứ tư, cả Kanako và Masako đều yên tâm vì đã đi qua
trót lọt được chiếc cầu thứ nhất và thứ hai, đồng
thời họ cảm thấy những điều ước, mà trước đó chưa
phải là tha thiết lắm, bỗng trở nên như cứu cánh của
cuộc đời họ.
Masako tưởng chừng như nếu
không được ở bên chàng thì thà chết còn hơn. Chỉ mới
qua được hai chiếc cầu, điều ước của cô đã trở nên
mãnh liệt gấp mấy lần. Kanako cũng chẳng còn thiết sống
nữa nếu không có người đàn ông khấm khá nào bảo bọc
cô. Khi chắp tay khấn vái, Masako thấy nghẹn ngào trong ngực,
và khóe mắt cay cay.
Masako chợt quay sang nhìn Mina
thì thấy nó cũng đang mím môi và chắp hai tay lại. Cô nghĩ
bụng, so với mình thì chắc là nó cũng chẳng có điều ước
gì ghê gớm lắm, rồi vừa có cảm giác giống như coi thường,
vừa lại thèm thuồng sự trống rỗng vô vị trong tâm hồn
Mina.
Theo bờ sông đi về phía nam,
bốn người ra đến đường xe ô tô ray chạy từ Tsukiji đến
cầu Sakurabashi. Đương nhiên là chuyến xe chót cũng đã đi
qua từ lâu rồi, đường ray ban ngày bị nung dưới ánh nắng
đầu thu, giờ chỉ còn là hai thanh sắt trắng lạnh toát.
Trước khi ra đến đây, nãy
giờ Kanako bị đau bụng dưới một cách lạ lùng. Đúng là
bị đau bụng, không biết vì ăn phải cái gì. Ban đầu có
triệu chứng đau như quặn. Cứ đi độ hai ba bước tưởng
chừng như quên được rồi, thì cơn đau lại kéo đến.
Chiếc cầu thứ ba là cầu
Tsukijibashi. Đến đây rồi mới để ý thì thấy ở đầu
cây cầu trơ trụi chẳng có gì này cũng có trồng một cây
liễu. Cây liễu đơn độc, ngày thường đi xe qua cũng chẳng
ai để ý đến, mọc trên miếng đất nhỏ lọt thỏm giữa
những khối bê tông, vẫn đón gió sông, làm lá liễu đong
đưa. Giữa đêm khuya, những tòa nhà đông người náo nhiệt
giờ đã chết, chỉ có cây liễu là vẫn sống.
Khi đến cầu Tsukijibashi, trước
hết Koyumi đứng dưới cây liễu, chắp tay hướng về phía
cầu Sakurabashi.
Koyumi chắp tay trước tiên.
Không biết có phải vì lãnh
trách nhiệm dẫn đầu hay không, Koyumi tròn như hạt mít đã
cố đứng thật thẳng khắc hẳn mọi ngày. Thực sự là dường
như Koyumi đã quên bẵng điều ước của mình, mà chỉ nghĩ
đến mục tiêu quan trọng trước mắt là làm sao đi qua lọt
đủ bảy chiếc cầu, thể nào cũng phải đi qua cho bằng được,
Koyumi tưởng chừng như chính điều đó mới là điều ước
của mình. Tâm trạng ấy kể cũng lạ, nhưng cũng như cơn
đói đột ngột kéo đến. Koyumi muốn mình lúc nào cũng sống
như thế. Đi dưới ánh trăng đêm nay, ý nghĩ ấy càng trở
nên chắc chắn hơn, khiến Koyumi càng vươn người lên đi
đứng ngay ngắn hơn, mặt nhìn thẳng mà bước tới.
Cầu Tsukijibashi là chiếc cầu
chẳng có chút gì là thơ mộng. Bốn cột đá ở đầu cầu
hình dáng cũng chẳng theo kiểu cách gì đẹp đẽ. Nhưng đi
qua đây, bắt đầu ngửi thấy có mùi gì như mùi thủy triều,
gió cũng có vẻ như là gió từ biển thổi tới, ánh đèn
nê ông của công ty bảo hiểm nhân thọ trông thấy ở phía
nam hạ lưu sông như cái mốc báo hiệu sắp tới gần biển.
Đi qua được chiếc cầu này,
lúc chắp tay lại khấn, cơn đau lại nổi lên, Kanako thấy
bụng nổi gồ hẳn lên. Băng qua đường xe điện, khi đi giữa
tòa nhà cũ kỹ màu vàng của công ty giải trí S và dòng sông,
Kanako bước chậm dần, Masako cũng để ý bước chậm lại
nhưng chẳng may là không thể mở miệng hỏi han điều gì.
Kanako lấy hai tay chận bụng dưới và nhăn mặt ra dấu, nên
rồi Masako cũng hiểu ra được.
Nhưng Koyumi đi đầu thì như
người đang lên đồng, chẳng còn biết gì nữa, cứ mải
miết đi, bỏ ba người lại đằng sau mỗi lúc một xa dần.
Kanako có tâm trạng như thể
đúng lúc có người bảo bọc tốt bụng ở ngay trước mặt,
hễ giơ tay ra là sẽ nắm lấy được, thì cánh tay ấy lại
không tài nào với tới.
Kanako mặt tái nhợt không còn
một giọt máu, mồ hôi rịn ra lấm tấm trên trán..
Lòng dạ con người kể cũng
hay thật, bụng càng lúc càng đau, dần dà Kanako mới nhận
ra là cái điều ước mà nẫy giờ mình thành khẩn cầu xin
đến thế, và đã tưởng chừng rất có thể sẽ thành sự
thực, bỗng trở thành hão huyền, ngay từ đầu vốn đã không
thể nào thành thực được, như chuyện trong mơ và có vẻ
trẻ con. Và vừa lê bước một cách khó khăn, vừa chống
chỏi với cơn đau từng đợt không đợi cứ kéo đến, cô
tưởng chừng chỉ cần vứt bỏ điều ước viển vông không
mong gì thành thực được ấy đi, là sẽ hết đau ngay tức
khắc.
Khi đến chỗ mà chiếc cầu
thứ tư sắp hiện ra trước mắt, Kanako khẽ đặt tay lên
vai Masako, ngón tay làm điệu bộ như người múa chỉ vào bụng
mình, những sợi tóc mai bê bết mồ hôi dính trên mặt, cô
khẽ lắc đầu ra dấu "hỏng kiểu rồi", đoạn xoay người
quay trở lại con đường có xe ô tô ray.
Masako định đuổi theo bạn,
nhưng chợt nghĩ hễ quay trở lại thì điều ước của mình
sẽ tan thành mây khói, nên chỉ đành bấm mũi guốc xuống
mặt đường, đứng lại, và quay lại nhìn bạn.
Còn Koyumi, mãi đến lúc tới
được đầu chiếc cầu thứ tư, mới để ý biết chuyện
và ngoảnh nhìn lại.
Dưới bóng trăng, cô gái mặc
áo vải trắng in hoa văn gợn sóng loang màu lam cắm đầu cắm
cổ chạy, bất kể dáng điệu thế nào, chẳng còn ngượng
ngịu gì nữa, tiếng guốc dội vào những bức tường bê
tông lại càng kêu vang. Vừa đúng lúc ấy, thấy có một chiếc
tắc xi cũng vừa trờ tới nơi góc phố, khẽ dừng lại.
Chiếc cầu thứ tư là cầu
Irifunebashi. Họ đi ngược chiều với lúc qua cầu Tsukijibashi
vừa rồi để qua chiếc cầu này.
Ba người xúm xít ở đầu
cầu, lại chắp tay khấn vái.
Masako cũng thấy ái ngại cho
Kanako, nhưng thay vì lòng trắc ẩn tự nhiên thường thấy,
thì cô lại dửng dưng đến độ tàn nhẫn mà nghĩ rằng đường
đời của kẻ bỏ cuộc từ nay sẽ phải theo một ngã rẽ
khác với mình. Dù sự tình thế nào, cầu xin là chuyện riêng
của mỗi người, không ai có thể cầu xin cho cả phần của
người khác. Đây là điều vốn không thể nào giúp được,
khác với việc người ta có thể vác hộ chiếc ba lô leo núi
nặng trĩu cho người khác.
Tên cầu Irifunebashi được
viết bằng chữ màu trắng, trên thanh thép trong đêm tối không
biết là màu đen hay màu xanh lục gắn trên trụ đá ở đầu
cầu. Chiếc cầu hiện ra rõ mồn một, dường như là nhờ
đèn đuốc sáng choang của trạm xăng Caltex bên kia hắt lên
những mảng tường bê tông lớn phản chiếu lại.
Trong lòng sông, dưới bóng
đen của chiếc cầu, có ánh đèn le lói. Có lẽ đó là ánh
đèn của ai đó còn thức trong túp lều nhỏ cũ kỹ dựng
trên bến đò, có để những chậu cây, và có bảng hiệu
ghi
Thuyền có mui
Thuyền câu
Thuyền câu bằng dây thừng
Thuyền câu thả vó
Từ quãng này trở đi các tòa
nhà cao tầng san sát bên dưới thấp dần, nên thấy được
bao quát bầu trời đêm mở rộng trên cao. Và chợt thấy vầng
trăng sáng vằng vặc là thế, giờ khuất sau quầng mây gần
như trong suốt. Tán mây cứ mỗi lúc một rộng hơn.
Ba người qua lọt được chiếc
cầu thứ tư.
Từ cầu Irifunebashi trở đi,
dòng sông hầu như bẻ quặt một góc vuông, vòng sang bên phải.
Từ đây đến chiếc cầu thứ năm còn một đỗi khá xa. Phải
đi theo con đường rộng vắng hoe dẫn đến cầu Akebonobashi.
Phía bên phải con đường có
nhiều hiệu ăn. Ở phía bên trái, dọc theo bờ sông, đây
đó chất đống nào sỏi, nào đá, nào cát dùng cho công trình
nào đó. Những đống đen ngòm ấy có chỗ lấn ra đến tận
giữa đường. Rồi chẳng mấy chốc đã nhìn thấy ở phía
bên trái bên kia sông là tòa nhà đồ sộ của bệnh viện
Thánh Luke.
Tòa nhà được ánh trăng gần
như trong suốt soi sáng trông thật đường bệ. Chiếc thập
tự giá thật lớn bằng vàng trên nóc nhà được chiếu sáng
chói, và như thể phủ phục xung quanh là những ngọn đèn
đỏ nhấp nháy đây đó giữa trời và trên các mái nhà làm
hiệu cho máy bay. Đèn trong tòa nhà hội trường phía sau bệnh
viện đã tắt, nhưng vẫn nhìn thấy rõ đường nét của những
khung cửa sổ trên cao có chạm trổ hoa hồng kiểu gô tích.
Cửa sổ của bệnh viện đó đây vẫn còn có ánh đèn đỏ
tù mù.
Ba người lặng lẽ bước.
Chỉ lo hối hả bước, Masako chẳng còn nghĩ ngợi được
điều gì. Ba người càng lúc càng nhanh chân rảo bước đến
nỗi mồ hôi rịn cả ra. Tuy vẫn còn trông thấy trăng nhưng
trời có vẻ sắp chuyển mưa, rồi Masako nhận ra được giọt
mưa đầu tiên rơi trên thái dương mình, mà mới đầu còn
ngỡ chỉ là do tưởng tượng. Nhưng cũng may là mưa không
có vẻ gì là sẽ rơi nặng hạt hơn.
Thế rồi những chiếc cột
trắng toát đến rợn người của cầu Akebonobashi, chiếc cầu
thứ năm, hiện ra trước mặt.Trụ cầu bằng bê tông hình
thù thật lạ mắt sơn trắng. Khi đứng chắp tay khấn vái
ở đầu cầu, Masako suýt ngã vì vấp phải ống thép đã tróc
sơn trần trụi chìa ra ngoài. Qua khỏi cầu là đến thềm
cửa cho xe ngừng trước bệnh viện Thánh Luke.
Chiếc cầu ấy không dài. Lại
thêm cả ba người cùng đang rảo bước. Nhưng đúng lúc họ
sắp qua được chiếc cầu này thì điều không may đã xảy
ra cho Koyumi.
Là vì từ đằng kia có một
người đàn bà mặc áo yukata xộc xệch, hở cả cổ, tay ôm
chậu thiếc, tóc còn ướt, áng chừng vừa ở nhà tắm công
cộng ra, đang ba chân bốn cẳng chạy đến đón đường ba
người. Masako liếc thấy khuôn mặt với tóc còn ướt ấy
trắng bệch đến phát khiếp.
-Này, này! Nhà chị Koyumi đấy
phải không? Lâu ngày mới gặp nhau, sao lại làm ngơ thế?
Người đàn bà đứng lại
trên cầu, vươn cổ sang một bên mà dòm và dừng lại trước
mặt Koyumi cản đường. Koyumi sụp mắt nhìn xuống không đáp.
Giọng người đàn bà cao lanh
lảnh nhưng vẫn như tiếng gió lùa thoảng qua không biết tấp
vào đâu. Và tuy là chị ta gọi Koyumi nhưng giọng nói đều
đều như thể đang nói với một người nào đó không có
mặt ở đấy.
-Mình đi hiệu tắm công cộng
ở phố Odawara về đây. Lâu ngày nhỉ? Không ngờ lại gặp
nhau ở đây đấy, Koyumi nhỉ?
Bị vỗ vai, Koyumi đành ngước
mắt lên. Dù lặng thinh không trả lời, nhưng một khi đã
bị người quen đánh tiếng hỏi thăm thì điều ước cũng
không thành được.
Masako liếc nhìn mặt người
đàn bà, chỉ thoáng nghĩ rồi bỏ Koyumi lại rảo bước đi
tiếp ngay. Đó là khuôn mặt quen quen của một chị đã đến
Shimbashi làm geisha được ít lâu thì đầu óc dở hơi phải
bỏ nghề, tên là Shoen thì phải. Chị ta đã có tuổi, xong
khi đi múa hát cứ làm ra vẻ như ta đây còn trẻ, trông chướng
cả mắt. Sau này chị dưỡng bệnh ở nhà một người họ
hàng xa, nghe đâu độ này đã khá hơn trước nhiều.
Chị ta còn nhớ được Koyumi
là chỗ quen thân, xong cũng may là lại quên mặt Masako.
Chiếc cầu thứ sáu ở ngay
trước mặt họ. Đó là một chiếc cầu nhỏ chỉ lát bằng
những thanh thép sơn màu xanh lục, tên là cầu Sakaibashi. Masako
khấn vái qua loa ở chỗ đầu cầu, rồi đi gần như chạy,
qua khỏi được cây cầu rồi, thấy nhẹ cả người. Masako
chợt để ý thì không còn thấy Koyumi đâu cả, mà chỉ có
cái mặt đầy phèn phẹt của Mina theo sát sau lưng.
Bây giờ không còn ai dẫn đầu
nữa, Masako không biết chiếc cầu thứ bảy, chiếc cầu cuối
cùng, ở đâu cả. Thế nhưng cũng đoán biết là cứ con đường
này đi thẳng thì sẽ đến một chiếc cầu bắc qua sông,
song song với cầu Akebonobashi. Đi qua được chiếc cầu ấy
là điều ước sẽ thành sự thật.
Vài hạt mưa lại lác đác
rơi trên má Masako. Đến đoạn có nhiều nhà kho của các hiệu
buôn sỉ san sát ven đường ở cuối phố Odawara, một cái
kho của xưởng máy nằm chắn làm không trông thấy sông, tối
om. Đến phố lạ chỉ mong có đèn đường chiếu sáng, nên
đoạn đường ấy trông lại càng thêm tăm tối.
Khi hữu sự Masako thường tỏ
ra cứng cỏi, lại thêm có việc cầu xin, nên đêm hôm khuya
khoắt ở ngoài đường thế này cũng chẳng sợ sệt gì cho
lắm. Thế nhưng càng đi, tiếng guốc của Mina sau lưng càng
làm cô thấy nặng lòng. Khác hẳn với những bước chân đều
đặn của Masako, tiếng guốc ấy nghe như là bước thấp bước
cao lỏng chỏng, chẳng có vẻ gì là bén gót theo sau, làm cô
tưởng chừng như bị trêu ngươi.
Từ khi Kanako bỏ cuộc, sự
có mặt của Mina chỉ làm Masako có một tình cảm giống như
là khinh bỉ. Rồi bây giờ, khi chỉ còn có hai người, tuy
Masako không muốn nghĩ tới, nhưng rồi vẫn thắc mắc, không
biết có điều ước gì bí ẩn giấu kín trong lòng cô gái
này. Masako cảm thấy khó chịu, vì bị một cô gái ôm khư
khư trong lòng điều ước gì không biết, cứ lẽo đẽo theo
sau. Cảm giác khó chịu mỗi lúc một tăng lên gần như là
khiếp sợ.
Chưa bao giờ Masako cảm thấy
khó chịu vì điều ước của người khác như thế. Masako
có cảm tưởng như có một khối đen đặc dí vào lưng mình,
khác hẳn với những điều ước nhìn xuyên thấu được cả
bên trong như của Kanako hay Koyumi.
...Nghĩ thế, Masako thấy mình
phải khơi dậy và ra sức bảo vệ điều ước của mình.
Cô nghĩ đến gương mặt, giọng nói, hơi thở trẻ trung của
R. Nhưng những hình ảnh ấy cứ tản mạn rời rạc, không
thể nối kết lại thành một hình tượng như trước được.
Phải đi qua chiếc cầu thứ
bảy nhanh được chừng nào hay chừng ấy. Cho đến lúc qua
được cầu, thôi đừng nghĩ gì nữa, phải nhanh lên mới
được.
Cũng vừa đúng lúc ấy, thấy
có ánh đèn đường ở đằng xa, có vẻ như đó là cột đèn
ở đầu cầu, rồi một quãng rộng trên đường lớn có vẻ
như sắp đến cầu.
Vết mưa rơi xuyên xuống bãi
cát trong công viên nhỏ ở đầu cầu được ánh đèn đường
mong đợi nẫy giờ soi sáng. Quả là đã đến cầu.
Trên chiếc cột bê tông có
hình dáng như thùng đàn shamisen có ghi chữ cầu Bizenbashi,
và trên đỉnh cột là một ngọn đèn tù mù. Nhìn quanh thấy
mái vòm của chùa Tsukiji Honganji sừng sững bên kia sông. Để
khỏi đi lại cùng một con đường, sau khi qua khỏi chiếc
cầu này Masako định sẽ ra phố Tsukiji, rồi từ Rạp chiếu
phim Tokyo vòng qua trước rạp hát mà về nhà là được.
Masako thở phào, để bù lại
lúc vội vã đi cho đến đây được, cô chắp tay cầu xin
rất thành khẩn chu đáo nơi đầu cầu. Xong liếc nhìn bên
cạnh, thấy Mina vẫn bắt chước như cái máy, đang chắp hai
bàn tay chuối mắn lại thành khẩn khấn vái thì cô lại thấy
ngứa cả mắt. Trong lòng Masako có một giọng nói cứ vang
lên:
-Biết thế thì dừng dắt theo.
Rõ ngứa cả mắt. Biết thế thì đừng dắt theo.
Đúng lúc ấy, Masako bị một
giọng nói đàn ông gọi giật giọng, làm cô điếng cả người.
Một người cảnh sát đi tuần
đang đứng đấy.
-Giờ này làm gì ở đấy hả?
Masako nghĩ bụng, bây giờ mà
nói thì hỏng hết, không thể trả lời được. Câu hỏi dồn
dập, nghiêm khắc của người cảnh sát khiến cô chợt hiểu
ra, hình như ông ta nhầm tưởng là cô thiếu nữ đêm hôm
khuya khoắt khấn vái ở đầu cầu là toan nhẩy xuống sông
tự vẫn.
Masako không trả lời được.
Phải cho Mina biết là trong trường hợp này, nó phải trả
lời thay mình. Có vô ý vô tứ thì cũng vừa vừa phai phải
thôi, Masako giật giật tà áo của Mina để ra hiệu.
Dù cho Mina vô tình đến đâu
chắc cũng không phải là không hiểu. Xong chỉ thấy Mina bướng
bỉnh, nhất định mím môi lại, Masako bàng hoàng hiểu ra rằng
con bé nhất định không chịu nói.
-Sao? Trả lời mau!
Người cảnh sát nói, giọng
cáu kỉnh. Masako nghĩ bụng, đã đến nước này thì cứ qua
cầu cho thật mau trước đã rồi giải thích sau, nên vùng
bỏ chạy. Khi bắt đầu chạy, cô mới nhận ra là Mina cũng
đã bỏ chạy rồi.
Đến giữa cầu, Masako bị
người cảnh sát đuổi theo kịp, túm lấy cánh tay cô.
-Định bỏ trốn à?
-Sao lại bảo người ta là
bỏ trốn! Kéo tay người ta đau quá!
Bất giác Masako kêu lên. Và
cô biết thế là điều ước của mình tan theo mây khói. Cô
nhìn sang đầu cầu bên kia với ánh mắt đau khổ để thấy
Mina đã bình an vô sự qua cầu được rồi và đang khấn vái
lần cuối cùng một cách thành khẩn.
*
Về đến nhà Masako vừa khóc
vừa ấm ức mách mẹ, mẹ cô không rõ nguồn cơn đã mắng
Mina và hỏi:
-Thế mày đã cầu xin cái gì?
Thế nhưng Mina chỉ nhăn nhở
cười mà không chịu trả lời.
Vài ba hôm sau, đang lúc có
chuyện vui, Masako vui vẻ trở lại mới hỏi đi hỏi lại mấy
lần và chòng ghẹo Mina.
-Này, mày cầu cái gì thế?
Nói đi nào. Bây giờ nói được rồi, có sao đâu!
Nhưng Mina vẫn cười ngây ngô.
-Dễ ghét! Mina dễ ghét thật!
Masako vừa cười vừa bấu
những móng tay sơn đỏ chót của mình vào bờ vai tròn lẳn
của Mina. Móng tay của Masako chạm phải khối thịt chắc nịch
săn cứng, bị trượt đi, không còn biết bấm vào đâu nữa.
(14/3/2021)
Quỳnh Chi
dịch Hashizukushi (2/1956) của Mishima Yukio
(*)
Xe tải ba bánh ở vào nửa sau thập niên 1950 ở Nhật Bản.

|