Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Lá thư về một nốt ruồi
(Hokuro no tegami, 1940)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari 
Dịch: Nguyễn Nam Trân 

Đêm qua, em vừa thấy một giấc chiêm bao thật buồn cười về cái nốt ruồi.

Em chỉ gọi nó là nốt ruồi thôi nhưng chắc anh đã hiểu em định nói chuyện gì rồi. Đó là cái nốt ruồi đã khiến cho em bị anh trách mắng không biết mấy trăm lần.

Thay vì nói nó nằm trên vai mặt, có lẽ nên bảo là nằm dưới chân cần cổ thì mới đúng hơn.

-Nốt ruồi ấy to hơn bình thường đấy. Cứ cho tay nghịch thì thể nào cũng mọc mầm ra cho mà xem.

Anh nói đùa em thôi nhưng thật sự nó là một cái nốt ruồi hiếm có, không những to còn đen và mọng nước.

Từ ngày còn nhỏ, mỗi lần vào giường ngủ, em vẫn có tật cho tay nghịch cái nốt ruồi đó. Lần đầu tiên khi bị anh bắt gặp lúc đang làm cử chỉ như vậy, em nhớ là mình đã hết sức xấu hổ. Nước mắt rưng rưng, em đã khóc, khiến anh phải ngạc nhiên không hiểu tại sao.

-Nữa, nữa, này Sayoko, sao con cứ làm thế mãi? Cứ sờ vào, nó lại lớn ra cho mà coi.

Đến mẹ cũng có lần khiển trách em, chuyện xảy ra từ lâu lắm rồi, thời đó em còn chưa đến 14, 15. Về sau, em xem thói quen ấy như là của riêng mình, cho nên sinh ra một cái tật xấu là nhiều lần đã để lộ thói quen ấy ra trong khi cứ tưởng mình đã quên mất nó rồi.

Thuở anh nhận ra điều đó và lên tiếng quở trách thì em chưa có thể gọi là một thiếu phụ, họa chăng là một thiếu nữ, nên đã thẹn thùng biết bao. Có lẽ đàn ông các anh không hiểu cho đâu như sự thực là em hết sức mắc cỡ. Em đã nghĩ mình không thể xem thường một chuyện như thế này, lại thấy cuộc sống vợ chồng là một điều phức tạp và kinh hãi lắm chớ chẳng phải chơi.

Em có cảm tưởng mình là kẻ vừa đánh mất đi một điều bí mật. Hơn thế nữa, hãy còn có nhiều điều bí mật khác về mình mà chính bản thân còn chưa biết hết. Nỗi sợ hãi bị chồng mình khám phá những bí mật đó chẳng khác nào nỗi sợ hãi của người sợ đánh mất đi căn cước của mình.

Sau khi anh đã êm đềm đi vào giấc ngủ, một đằng em cảm thầy buồn, một đằng em lại cảm thấy thoát nạn, thế rồi vô tâm đưa tay về phía nốt ruồi và có lúc sửng sốt không hiểu tại sao mình lại làm cử chỉ ấy.

Khi nghĩ đến việc viết một lá thư cho mẹ để nói rằng: "Mẹ yên tâm đi! Con không sờ vào nốt ruồi nữa đâu!" thì mặt em lại nóng bừng như bên trong đang có lửa đốt. Còn như khi nghe anh nói với một giọng chắc nịch: "Ối thôi! Ai hơi đâu nghĩ chi đến ba chuyện nốt ruồi vớ vẩn!" thì em lại vui mừng. Và bây giờ nghĩ lại thì em thấy có lẽ mình sẽ hạnh phúc biết bao nếu anh không tị hiềm cái thói quen khó thương ấy mà vẫn một dạ yêu em.

Lúc đầu em cho rằng đâu có ai lại đi dòm vào tận trong cổ áo đàn bà con gái nên không để ý đến cái nốt ruồi ấy cho lắm. Người ta vẫn nói "Con gái tật nguyền thì tươi mới như căn phòng đóng cửa" nhưng một cái nốt ruồi thôi thì dù có to đến đâu nào đã có thể xem bị như một khuyết tật.

Dù vậy, thói quen sờ mó vào nốt ruồi nó đã đến với em bằng cách nào vậy nhỉ? Và tại sao cái thói quen như thế nơi em đã khiến cho anh phải bực mình?

-Này, này...!

Anh đã mắng em như vậy hàng trăm lần và nói như ghét bỏ:

-Tốt hơn là đừng cố tình động đậy cánh tay trái nữa!

-Cánh tay trái hở....?

Em hỏi lại anh như thể ngạc nhiên trước câu nói ấy..

Nhưng thực tình thì đúng là như vậy. Đó là lần đầu tiên em mới để ý đến việc mình lúc nào cũng dùng bàn tay trái để sờ mó nốt ruồi.

-Nếu nốt ruồi nằm bên vai mặt thì người ta dùng tay phải để sờ chứ?

-Thật sao anh?

Nói xong, em mới thành thực đưa bàn tay phải về phía nốt ruồi.

-Em thấy kỳ kỳ...

-Có gì mà kỳ.

-Tại em thấy sờ bằng tay trái mới tự nhiên.

-Không phải là tay phải mới gần hơn sao?

-Gần thì gần nhưng không được thuận chiều.

-Không được thuận....?

-Phải. Tóm lại vấn đề chỉ còn là vòng tay qua đằng trước hay ra đằng sau cổ mà thôi.

Em trả lời như thế vì cái tính thắng thắn không chịu thua ai đã bắt đầu từ hồi đó. Tuy nhiên, miệng thì nói vậy nhưng em chợt nhận ra rằng nếu đưa cánh tay trái quàng qua ngực về phía đằng sau vai phải thì tự nhiên em thấy như đang chuẩn bị một tư thế ngăn chặn anh, giống như lúc em quàng tay để tự ôm mình. Lúc đó trong lòng em nghĩ" Ra là thế. Nếu thật như vậy thì mình có lỗi với anh ấy quá".Thế rồi, em đã thử đặt một câu hỏi nhẹ nhàng:

-Mà coi này, dùng tay trái thì xấu ở chỗ nào hở anh?

-Tay trái hay tay phải đều không được vì tật đó không tốt.

-Vâng.

-Anh đã nói với em nhiều lần là nếu có nốt ruồi, phải đi bác sĩ để người ta đốt cho. Có đúng thế không?

-Em không chịu đâu. Mắc cỡ lắm.

-Họ lấy đi cái một mà.

-Có người đi bác sĩ nhờ cắt nốt ruồi sao hở anh?

-Trường hợp đó hình như phổ thông lắm.

-Thật à? Nhưng chắc đó là loại nốt ruồi mọc ngay giữa mặt hay sao chứ! Em nghĩ mọc như ở chỗ của em thì họ không cắt đi đâu.Sẽ bị mấy ông bác sĩ cười chết. Em có cảm giác như họ nói "Nhất định là bà này mới bị ông chồng nói gì rồi!".

-Em chỉ cần nói với bác sĩ là tại tôi có tật hay sờ nốt ruồi này là họ sẽ thông cảm.

-Eo ôi...! Em tỏ ra chán ngán và nói tiếp:

-Một cái nốt ruồi mọc ở chỗ không ai thấy mà anh. Thôi, anh tha cho em đi!

-Em có nó cũng chẳng sao, miễn là đừng sờ vào.

-Em đâu có chủ ý sờ.

-Nhưng dù sao em lì lợm lắm đấy. Ai có nói gì, em cũng không lo sửa đổi tật xấu của mình.

-Có, em muốn sửa đổi. Đã có lần khi đi ngủ, em đã mặc áo bó chặt cần cổ để khỏi phải cho tay sờ vào nốt ruồi.

-Chuyện đó làm sao em có thể tiếp tục mãi được!

-Nhưng không lẽ cho tay sờ nốt ruồi là chuyện xấu xa đến thế sao anh?

Em đã phản kháng mà không sợ là mình đang nói ngược lại anh.

--Có thể không có gì xấu hết nhưng anh chỉ bảo là anh thấy khó chịu và khuyên em ngưng mà thôi.

-Nhưng sao anh lại khó chịu đến mức đó?

-Cần gì anh phải nói lý do. Anh thấy chuyện sờ là không cần thiết. Có tật xấu thì ngừng thôi. Được chứ?

-Em đâu có nói là em không ngừng..

-Anh thấy lúc nào tay sờ vào nốt ruồi, mặt em cứ thẫn thờ như người mất hồn. Trông "thảm" lắm!

-"Thảm" à...?

Em đã gật đầu nhẹ và thấy có gì như đang thấm vào lòng bởi vì em nghĩ điều anh nói cũng có thể đúng.

-Nếu lần sau em thấy mình còn sờ vào nốt ruồi thì hãy cho tay lên tát trên má hay đâu đó một cái bốp đi.

-Vâng. Thế nhưng một cái tật nhỏ như vậy mà hai ba năm nay mà tự mình không sửa được, anh không thấy tội nghiệp em hay sao?

Thế rồi, em ngồi lặng thinh, nghĩ đến chữ "thảm" trong câu anh nói và nghiền ngẫm về nó.

Cái dáng tự mình quành tay ra trước ngực để sờ soạng nốt ruồi nằm sau cần cổ thật có một cái gì buồn bã đến thương tâm.Em không muốn dùng những chữ cao quí như là cô độc, nó chỉ là một dáng điệu co ro và nghèo túng. Có thể nói em giống một người đàn bà khó thương đang cố gắng bảo vệ cái tôi nhỏ bé của mình một cách cứng cỏi. Đúng như anh nói, lúc đó em có một khuôn mặt thẩn thờ và kỳ cục.

Em cảm thấy như thể đùng một cái, có một lỗ hổng xé toang ra giống như tín hiệu báo rằng giữa anh và em không còn có một sự thông cảm trọn vẹn. Cái tật xấu của em là hay bâng quơ đưa tay sờ nốt ruồi vốn dã có từ ngày em còn là một cô gái nhỏ. Chắc những lúc thờ thẩn quên bẳng cả chính mình, em đã để cho tình cảm thật sự lộ ra ngoài nét mặt.

Về phía anh thì chắc cũng đã có một sự bất mãn nào đó về em nên mới để mắt đến một cái thói quen nhỏ nhặt của người đàn bà. Nếu như đã có thái độ bằng lòng về em thì có lẽ anh chỉ mỉm cười và không thèm chấp chi chuyện ấy.

Có chuyện đáng sợ là nhiều khi em chợt rùng mình khi nghĩ rằng không biết có người đàn ông nào rủ lòng thương, chấp nhận cái cố tật như thế này của mình không đây?

Đầu tiên khi thấy anh khám phá ra thói quen của em, em nghĩ rằng điều đó đã đến từ tình yêu của anh đối với em. Từ đó và cho mãi đến bây giờ, lúc nào em cũng tin tưởng, không chút nghi ngờ. Thế nhưng dần dần, nó đã trở nên rắc rối và giữa hai vợ chồng, thói quen nhỏ như thế đã trở thành đầu mối của sự bất hòa. Đúng ra đã là vợ chồng thì người này không để ý làm gì đến những thói tật của người kia mới phải. Tuy em nhất định không bao giờ phát ngôn là vợ chồng có hợp ý nhau thì tình ái mới phát sinh, còn những cặp vợ chồng cãi cọ suốt ngày sẽ đi đến chỗ ghét nhau, nhưng em cũng tự đặt câu hỏi là những người không chấp nhận thói quen sờ nốt ruồi của em có một lối suy nghĩ thỏa đáng hay không?

Việc anh làm đối với em không khác chi anh đem em ra mà đấm đá. Anh đâu cần phải đối xử đến mức đó. Vô tâm đưa tay sờ nốt ruồi của mình có gì mà phải chịu cảnh khổ sở như vậy. Em đã khóc không biết bao nhiêu lần nhưng đó mới chỉ là biểu hiện bên ngoài.

-Trời ạ! Làm cách nào để em bỏ tật đó đây?

Nghe anh lạc cả giọng khi hỏi câu đó, em hiểu lòng anh lắm nên không oán anh đâu. Nếu em đem chuyện nhà đi nói với thiên hạ, chắc chắn họ sẽ bảo chồng cô sao mà vũ phu thế. Tuy nhiên, từ đầu em đã nghĩ rằng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, nếu em làm anh bực bội và giữa vợ chồng đã hết cách thì anh có xuống tay chăng nữa vẫn còn đỡ khổ cho em.

-Bề gì em không bỏ được đâu. Anh trói tay em lại vậy.

Thế rồi em đã chắp hai bàn tay và chìa nó ra trước ngực anh. Em làm như mình đang dâng hiến cả con người mình cho anh. Lúc đó anh mới nguôi ngoai và ra vẻ thẹn thùng, mới lấy giây ra buộc hai bàn tay của em lại.

Anh ngắm cách em dùng hai bàn tay bị trói để sửa lại mái tóc rối. Nhìn cặp mắt anh lúc đó, em cảm thấy vui. Và em tự hỏi không biết từ đây cái thói quen lâu năm của mình có mất được hay không?

Tuy nhiên nếu lúc đó có người nào sờ hộ em cái nối ruồi, dù chỉ một chút thôi, là sẽ đưa đến cảnh nguy hiểm.

Anh đã làm hết cách mà em vẫn không bỏ được thói quen, chắc anh đến ngấy em, anh nhỉ. Chắc anh chịu thua cái lì lợm (kon.make) của em nên đã để mặc thây em. Dù em có sờ hay không sờ đến nốt ruồi, anh đều giả tảng như không nhìn thấy và không muốn nói thêm một câu nào nữa.

Thế rồi có một chuyện lạ lùng đã xảy ra.Cái tật xấu mà dù có mắng mỏ dù có đánh đập cũng không sao bỏ ấy, không biết lúc nào đã tự dưng biến mất. Anh có nhận ra không? Không cần ai phải ép uổng gì cả, tự nhiên không thấy đâu nữa.

Khi em nói như sực nhớ ra:

-Anh không thấy dạo này em không sờ vào nốt ruồi nữa sao?

Thì anh làm cái mặt như không để ý:

-Ờ hớ!

Nếu đúng là một cái việc có ra sao cũng được, cớ sao anh đã không tiếc lời la mắng em cho đến lúc gần đây? Em muốn nói lên một lời oán trách nhưng ngược lại, em sợ anh bảo rằng nếu có thể ngưng được một cách dễ dàng như vậy tại sao em không ngưng sớm hơn nữa, có phải hơn không. Nhưng thôi, em không đôi co với anh làm chi.

Bởi vì khi anh làm bộ mặt như thể bảo với cái thói quen không giúp ai mà cũng chẳng hại ai thì cô muốn thế nào cũng được, tôi sẽ để cho cô tha hồ sờ từ sáng đến chiều thì tinh thần đấu tranh của em cũng nguội lạnh đi. Rồi khi muốn làm cho ra lẽ, em định đến trước mặt anh để sờ vào cái nốt ruồi cho anh xem thì lạ lùng thay, cánh tay em không còn chịu tìm về chỗ có nốt ruồi nữa.

Em cúi mặt một hồi lâu, răng cắn lấy môi.

-Em tính sao với nốt ruồi đó?

Em đã chờ đợi một ngày nào đó anh sẽ hỏi em bằng một câu giống như thế đấy nhưng đã từ lâu hai chữ "nốt ruồi" không còn thấy xuất hiện trong những cuộc nói chuyện giữa anh và em. Hình như cùng với nó, vô số những thứ khác cũng đã biến đi đâu mất.

Tại sao trong quãng thời gian còn bị anh mắng mỏ, em đã không bỏ được thói quen này? Thật em là người đàn bà chẳng ra gì.

***
Dạo này, nhân về bên ngoại, như thói quen, em có lần vào bồn nước nóng tắm chung với mẹ.

-Người Sayoko độ rày không còn mịn màng như xưa, chắc vì bắt đầu có tuổi.

Nghe mẹ bình phẩm, em giật mình nhìn bà thì thấy bà vẫn mập mạp, da dẽ trắng trẻo, trơn láng.

-Nốt ruồi cũng hết dễ thương rồi nhỉ?

Em không muốn nói với bà rằng "Nốt ruồi này từng làm con khổ sở lắm đấy, mẹ ơi !" nên mới bảo:

-Con nghe nói có nốt ruồi chỉ cần đi bác sĩ, người ta cắt bỏ cái một.

-Thật à? ...Bác sĩ hở?....Có thể để lại chút sẹo đấy!

Mẹ đã trả lời như chuyện không có gì.

-Hồi đó khi nói Sayoko lấy chồng rồi chắc vẫn mân mê nốt ruồi, cả nhà cười ngất!

-Con có sờ thật.

-Mẹ cũng đoán vậy.

-Tật xấu quá hở mẹ? Không biết con có từ hồi nào?

-Ôi dào. Nốt ruồi là thứ mọc ra lúc nào đâu ai biết được. Hồi con bé tí hình như mẹ chưa thấy có.

-Mấy nhóc nhà con cũng chưa đứa nào có.

-Vậy à. Dù sao, khi lớn lên nó mới mọc ra. Thêm thôi chứ không bớt. Tuy nhiên nốt ruồi lớn cỡ con là hiếm lắm. Có lẽ nó đã bắt đầu có từ khi con còn khá nhỏ.

Mẹ nhìn vai em, cười và nói như thế.

Lúc đó, em nghĩ trong đầu là lúc mình hãy là một đứa bé con, da thịt còn mượt mà thì cái nốt ruồi này giống như một điểm đen nhỏ, dễ thương khiến cho mẹ và các chị thường đưa đầu ngón tay ra khều khều véo véo xem sao. Và vì thế mình cũng muốn xem nó ra thế nào, rồi từ đó thành thói quen cũng không chừng.

Lúc vào giường nằm, em định đưa tay tẩn mẩn táy máy nốt ruồi để nhớ lại tuổi thơ cũng như thời con gái của mình..

Lần cuối sờ nốt ruồi có lẽ cách đây đã khá lâu, không biết mấy năm rồi.

Có lẽ vì đây là ngôi nhà nơi em sinh ra, không có anh bên cạnh nên em sẽ có dịp sờ nốt ruồi cho thật đã mà không phải kiêng dè ai cả.

Thế nhưng không xong, anh ạ! Khi tay em vừa chạm vào nốt ruồi thì dòng nước mắt lạnh lẽo đã tuôn ra.

Với ý định hồi tưởng lại chuyện ngày xưa của một mình em nên em đã cho tay chạm thử vào nốt ruồi nhưng những gì trở về trong trí toàn là những kỷ niệm em có với anh thôi.

Bị mắng mỏ như một người vợ không xứng đáng và có thể là đối tượng của một cuộc ly hôn nhưng đêm nay nằm trên giường ở quê nhà, vừa đưa tay sờ nốt ruồi vừa se sắt nhớ về anh là điều mà bản thân em cũng không ngờ rằng có thể xảy ra.

Lật mặt sau cái gối đã ướt đẫm để đổi bên nằm, sau đó em đã thấy nốt ruồi đó ngay cả trong giấc mơ của mình.

Ở trong căn phòng nào thì em không biết nhưng khi vừa thức giấc, không hiểu vì lý do nào mà ở trong đó, ngoài anh và em ra còn có một phụ nữ khác nữa.Lúc đó hình như em có uống rượu và đã say mèm thì phải. Chả thế mà em cứ lè nhè trình bày với anh một chuyện gì đó. Chẳng mấy chốc, em đã bắt đầu để lộ cái thói tật thảm hại của em ra. Như mọi gần, em đã vòng cánh tay trái ra đằng trước ngực để đụng được phía tay mặt của cổ áo, như thể muốn cho ngón tay nắm được một chút nốt ruồi đó. Em coi việc nắm được nó là chuyện đương nhiên và đã nắm một cách không mấy khó khăn. Em cảm thấy trên nốt ruồi đang nằm giữa ngón tay có một lớp vỏ không khác nào vỏ của một hạt đậu đen đã ninh rồi.

Em mới nhờ anh bỏ hộ cái nốt ruồi ấy vào trong một cái bọc đựng nằm ngang tầm lỗ mũi của anh. Em tỏ ra rất chướng khi đòi hỏi anh chuyện đó.

Anh lấy hai ngón tay bốc nuốt ruồi của em rồi vừa ấn mạnh nó lên trên nốt ruồi của anh, vừa kéo ống tay áo lên, đeo nó ra đằng trước ngực rồi kêu khóc om sòm.

Khi mở mắt ra, em lại thấy cái gối đẫm ướt và nước mắt của em cứ tiếp tục rơi.

Người em mệt nhừ, mỏi đến tận xương cốt.Dù vậy, em có cảm tưởng như vừa trút được một gánh nặng.Đôi khi em nhoẻn miệng cười khoan khoái và tự hỏi không biết cái nốt ruồi đó đã mất hẳn hay chưa .Thế rồi việc sờ vào chỗ có nốt ruồi của em đã trở thành không cần thiết nữa.

Câu chuyện nốt ruồi của em đến đây là chấm dứt.

Cái cảm giác khi nắm cái nốt ruồi mà cảm thấy như nắm vỏ một đậu đen vẫn còn đọng lại trên ngón tay em cho đến tận giờ. Còn chuyện cái nốt ruồi nho nhỏ nằm ngang lỗ mũi của anh thì em không mấy quan tâm, em cũng chưa hề mở miệng nói ra và chắc là em sẽ giữ mãi trong lòng. Vì để chấp nhận cái nốt ruồi to của em vào đó mà cái nốt ruồi bé của anh đã phải phồng ra một cách cấp tốc. Anh có thấy nó giống như một chuyện cổ tích ly kỳ hay không?

Còn về phần anh, nếu trong giấc mơ của mình lại thấy xuất hiện cái nốt ruồi của em thì em sẽ vui mừng lắm đấy.

........... 

***

Em đã đặt bút viết xong câu chuyện giấc mơ về cái nốt ruồi lên mặt giấy.

Cái thói quen mân mê nối ruồi khi nằm trong giường của em đã bị anh mắng cho là "nhìn mà thấy thảm". Em đã thành thực nghĩ rằng câu nói đó biểu hiện tình yêu của anh đối với em và em phải biết ơn anh. Cái cảnh cơ hàn của gia đình em phải chăng đã được bộc lộ rõ ràng qua cái thói quen hay sờ vào nối ruồi và em cảm thấy đó là một cử chỉ không hay.

Tuy vậy, giống như lời em có lần nói, thói tật đó có thể đã kết tinh bằng tất cả tình thương mến của mẹ và các chị đối với em. Em xem nó như là một cái phao cứu mạng.

Em đã hỏi thử mẹ em:

-Hồi xưa, hễ lấy tay sờ nối ruồi là hay bị mắng lắm, có phải không mẹ?

-Ờ....Nhưng đâu phải chỉ có hồi xưa!

-Tại sao mẹ lại mắng vì chuyện đó nhỉ?

-Tại sao à? Chắc vì nó là một thói xấu.

-Lúc thấy con sờ nốt ruồi như vậy, trong bụng mẹ nghĩ thế nào?

Mẹ lắc đầu như không quyết rồi trả lời:

-Ờ hớ! Có lẽ vì mẹ không chấp nhận được nó.

-Dù vậy, nhưng không chấp nhận là vì lý do nào. Bộ mẹ thấy con tội nghiệp quá hở? Hay là con khó thương, ngang bướng?

-Cái đó thì...Mẹ làm gì nghĩ xa xôi đến thế. Tuy vậy thấy mặt con có vẻ buồn ngủ, mẹ nghĩ đâu cần phải lấy tay sờ nốt ruồi thì cũng có thể đi ngủ được.

-Tại mẹ coi đó là cử chỉ nghịch ngợm à?

-Ờ, thấy con lúc đó như đang chú tâm suy nghĩ về một việc gì.

-Chớ hồi con còn bé, mẹ với chị không đùa bằng cách đưa tay khều khều nốt ruồi của con hay sao?

-Có thể có lắm!

Nếu nói như vậy thì cái tật mân mê nốt ruồi một cách say sưa của em có lẽ đã bắt nguồn từ tình thương của mẹ và các chị đối với em từ buổi thiếu thời.

Phải chăng vì muốn khơi gợi lại hình ảnh của những người mình yêu thương mà em đã có thói quen sờ vào nốt ruồi.

Đó là điều em muốn bày tỏ với anh.

Có lẽ cách anh nhìn cảnh em sờ nốt ruồi đã có một sự lầm lẫn ngay từ căn bản.

Đang ở bên cạnh anh mà em lại cho tay sờ nốt ruồi. Chắc là em đang nhớ về một người nào khác mà em cũng chưa biết là ai. Giờ đây em lại nghĩ rằng đó là cách em bày tỏ tình yêu đến anh, người mà em không còn có thể trao đổi bằng ngôn ngữ, người luôn luôn tỏ ra khó chịu vì những cử chỉ của em.

Cái tật sờ nốt ruồi chỉ là một chuyện nhỏ, có đem ra biện bạch chắc cũng không đem lại ích lợi gì. Dáng vẻ của em, như một người vợ hư thân, bao lần hiện ra trước mặt anh, cũng như thói quen sờ nốt ruồi này, chỉ là những biểu hiện của tình yêu của em thôi, thế mà với cái nhìn sai lệch, anh đã buông lời mắng mỏ, rồi cuối cùng biến em thành một người vợ ác đức (akusai) thực sự.

Cho dù anh nghĩ rằng em là người ngang ngược, lấy ân làm oán đi nữa, thì cũng xin anh chịu khó nghe em thổ lộ mấy lời này.

Dịch ngày 10 tháng 10 năm 2020

Tư liệu tham khảo:

Kawabata Yasunari, Hokuro no tegami (Lá thư về một nốt ruồi, 1940) trong Aisuru hitotachi (Những người tôi yêu), Shinchô Bunko xuất bản, sơ bản 1951, bản sử dụng: ấn bản lần thứ 82 năm 2017. Nguyên tác Nhật ngữ.

***