Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Cô đào miền Izu 
(Izu no odoriko)

Nguyên tác: Kawabata Yasunari (1926)
Dịch: Vũ Thư Thanh (1969)
Hiệu đính: Nguyễn Nam Trân (2020)


Dịch giả Vũ Thư Thanh

Dẫn nhập:

Theo kế hoạch đào tạo của chính phủ VNCH đương thời, sinh viên Việt Nam đến Nhật trong giai đoạn 1955-1975 thường theo học những ngành khoa học thực dụng và không ai học văn chương. Tuy nhiên, tình yêu đối với văn học nghệ thuật của mỗi người nhất định không nhỏ. Do đó nhiều anh chị đã xuất hiện và nổi tiếng như nhà văn, nhà thơ trên các tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn. Riêng anh Vũ Thư Thanh (1942-2004) - một trong những trưởng ban văn hóa của Hội Sinh Viên (VSJ) lúc đó – dù chuyên ngành Kinh Tế ở Đại Học Tôkyô, đã có nhiều tác phẩm dịch thuật văn học từ tiếng Anh (như Người Mỹ trầm lặng của Graham Greene) hay Nhật (Cô đào miền Izu, một phần Tiếng rền của núi, Ngàn cánh hạc...của Kawabata Yasunari) trước khi trở thành một chuyên gia sống bằng dịch thuật tài liệu thương mại và kỹ nghệ.

Cô đào miền Izu đã được đăng lần đầu tiên trên Giai Phẩm Tôkyô, nội san của một nhóm sinh viên VN tại Nhật vào mùa xuân 1969 (do anh Nguyễn Đình Long chủ trì) và sau đó trong Tạp chí Văn (của nhà văn Trần Phong Giao) số đặc biệt ra ngày 15/10/1969 về nhà văn Kawabata lúc đó vừa đoạt giải Nobel (1968). Trên nửa thế kỷ, bản dịch của Vũ Thư Thanh vẫn được yêu chuộng cho dù từ khi nó ra đời, nhiều dịch giả khác đã vào cuộc. Bản dịch của Vũ Thư Thanh vừa sử dụng tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên, tươi tắn, vừa toát ra hương vị Nhật Bản (chẳng hạn cách nói trổng trong những câu đối thoại) là một bản dịch đáng trân trọng. Vì lẽ đó, từ lâu chúng tôi đã cất công tìm kiếm để phục hồi. May mắn là có hai văn hữu đã sao chụp lại được từ một số báo Văn cũ nằm trong thư viện và gửi tặng. Tuy lần này có vài chỗ hiệu đính nho nhỏ với tất cả thành tâm của một người bạn cũ mến tài anh nhưng đã cố gắng giữ lại cái duyên dáng, tài hoa cùng tất cả những gì hay đẹp đã làm nên phong cách dịch thuật Vũ Thư Thanh.

Cần nói thêm là chúng tôi cũng nhân cơ hội này dịch thêm một bài giải thích ngắn của chính Kawabata về tác phẩm để in kèm theo bản dịch..

***

1.
Đường núi thành ngoằn ngoèo, đi mãi vừa chừng đã tới được gần đèo Amagi thì màn mưa nhuộm trắng cả khu rừng sam [1] rậm ào ào từ dưới chân núi chạy dồn lại phía tôi nhanh khủng khiếp.

Tôi dạo đó hai mươi, đầu đội mũ đồng phục học sinh cao đẳng, khoác ra ngoài bộ áo kasuri [2] xanh nước biển một manh hakama [3], cặp học sinh khoác vắt qua vai. Một mình xuống Izu ngao du tính ra tới nay đã được bốn hôm. Một bữa ở lại suối nước nóng Shuzenji, hai hôm ở suối nước nóng Yugashima, sáng nay chân đi guốc cao lõi gỗ phác [4] mà leo lên đến đèo Amagi. Dù mải mê ngắm mùa thu của núi đồi trùng điệp, của rừng thẳm vực sâu, lòng vẫn không quên ước mơ đã khiến tôi phập phồng rảo bước. Đúng lúc đó thì những giọt mưa nặng bắt đầu đập vào người. Vội vàng trèo lên ngọn đèo dốc ngược khúc khuỷu, mãi rồi cũng nặng nhọc tới được quán nước chè ở đầu phía bắc, tôi vừa thở phào nhẹ người thì cùng lúc đó đứng khựng ngay lại ở cổng. Điều tôi hoài tưởng biết bao nhiêu đã tới đích một cách tuyệt diệu. Đám người nhà hát rong ngồi nghỉ cả ở đấy. Thấy tôi đứng chết trân, cô đào lẹ làng lấy ngay cái đệm cô đang ngồi lật mặt lại đặt sang bên cạnh.

Tôi thốt độc một tiếng: "Ê [5]...", đặt mình ngồi xuống. Phần vừa mệt gần đứt hơi leo dốc ban nãy, phần vì ngạc nhiên, mấy chữ "cám ơn" của tôi đã bị vướng ngay lại trong cổ không làm sao thốt ra được.

Ngồi ngay bên cạnh, mặt giáp mặt với cô đào khiến tôi luýnh quýnh móc vội bao thuốc lá trong tay áo ra. Cô đào hát lại kéo cái gạt tàn thuốc đặt trước mặt mấy người đàn bà con gái cùng đi lại gần giùm. Tất nhiên là tôi vẫn im.

Cô đào trạc chừng mười bảy. Tóc vấn theo lối cổ tôi không biết, bạnh ra thành hình lạ lùng làm cho dù khuôn mặt trái xoan đoan trang trông nhỏ hẳn lại nhưng vẫn cân xứng xinh xắn. Cảm thấy như mình đang ngồi trước một nàng tóc rậm dài của những bức tranh trong tiểu thuyết cổ. Cùng đi với cô đào là một người đàn bà cỡ bốn mươi và hai cô gái trẻ tuổi khác. Ngoài ra còn một người đàn ông trạc chừng hai lăm, hai sáu tuổi, mặc áo cánh có dấu riêng của quán trọ suối nước nóng Nagaoka.

Đây là lần thứ hai tôi gặp cô đào hát. Lần trước tôi đi Yugashima đến giữa đường thì gặp cô gần cầu Yugawa đi về hướng Shuzenji. Lần đó tôi thấy có ba người con gái trẻ thôi và cô đào hát thì tay bưng trống cái. Tôi ngoái đầu đi ngoái đầu lại ngắm, nghĩ thế là tình giang hồ đã vướng vào người. Đêm thứ hai ở lại Yugashima, không hiểu cô ở đâu trôi rong đến quán trọ. Lúc thấy cô đứng múa hát trên sàn gỗ ngoài cổng tôi ngồi bệt ngay xuống giữa cầu thang ngây người xem. Bữa đó đã ở Shuzenji, hôm nay lại ở Yugashima thì hẳn ngày mai cô sẽ vượt đèo Amagi theo hướng nam xuôi xuống suối nước nóng Yugano. Thế nào trên bảy lý [6] đường đèo Amagi tôi lại chẳng theo bắt kịp. Tôi đã dấn bước và nuôi một huyễn tưởng như thế trong đầu, đâu ngờ gặp mưa phải ghé vào trú trong quán nước mà lại tình cờ gặp gỡ cô khiến tôi đâm ngượng nghịu.

Ngồi được một lát thì bà lão chủ quán đưa tôi sang phòng khác. Phòng này hình như ít khi dùng nên cửa chướng tử [7] không có. Nhìn xuống là một cái vực đẹp, sâu hút không thấy đáy. Tôi nổi gai ốc đến độ hai hàm răng đánh vào nhau, người run lên lập cập. Bà lão vào châm trà, tôi than lạnh.

- Úi dào, thưa thầy, chẳng ướt hết cả rồi là gì. Nhà thầy tới đằng này mà sưởi, với lại hong quần áo cho khô một chút.

Bà cụ vừa nói mà vừa như thể kéo tay lôi tôi vào phòng sinh hoạt của gia đình mình. Trong phòng có một lò sưởi than mà vừa kéo mở cửa tôi đã thấy hơi nóng rực phà lại. Tôi trù trừ đứng ngoài mép buồng. Ngồi khoanh chân bên lò sưởi là một ông lão người xanh lè như thây ma chết đuối. Cặp mắt bệnh hoạn vàng khè, vàng đến cả đồng tử, lờ đờ hướng về tôi. Chung quanh ông cụ chất đống thư từ cũ với bao giấy cao lên như núi, có bảo ông lão bị vùi trong đống giấy lộn đó cũng không ngoa. Tôi thành đứng cứng đơ ngó vật kỳ quái - khó có thể gọi được là một sinh vật - của cái đống đó.

- Thưa để nhà thầy thấy những cảnh hổ thẹn thế này thì thật là... Ấy vậy chứ ông cụ nhà tôi đấy, nên xin nhà thầy yên tâm cho nhé. Biết là làm khổ mắt nhà thầy nhưng không cử động được thành thử nhà thầy chịu khó cứ để như thế cho.

Sau khi biện bạch như thế rồi, theo chuyện bà cụ thì ông cụ đã bị trúng gió từ lâu, toàn thân đã thành ra bất toại. Núi giấy đó hoặc là thư từ từ các xứ viết gửi về chỉ cách dưỡng bệnh, hoặc là bao giấy đựng thuốc trúng gió gửi mua từ khắp các nơi về. Ông cụ nào ngồi ngóng chuyện của những khách vượt đèo hay xem quảng cáo trong báo chí để rồi nghe theo hết tất cả các phương cách, đặt mua hết tất cả mọi thứ thuốc trị trúng gió không bỏ sót một thứ nào. Để rồi những bao giấy hay thư từ ấy không hề bị vứt đi một tờ nào mà còn đem chất đống chung quanh cho ông lão vừa sống vừa nhìn ngắm. Lâu ngày đống giấy đã ố vàng thành một đống rác.

Tôi không một lời đáp lại bà lão, ngồi gục mặt xuống bên lò sưởi. Chiếc xe hơi nào đó vượt đèo làm rung quán nước. Tôi trầm ngâm nghĩ ngợi thắc mắc mùa thu mà đã lạnh thế này thì rồi tuyết sẽ phủ kín ngọn đèo, tại sao ông cụ không chịu xuống núi. Lò sưởi nóng hừng hực khiến tôi thấy rức đầu, lại còn quần áo hơi nước bốc lên. Bà lão quay trở ra quán nước nói chuyện với đám đàn bà con gái nhà hát rong.

- Thế đấy nhỉ? Con bé lần trước còn dắt theo bây giờ đã chừng này rồi cơ hả? Lớn lên cho thành đứa con gái ngoan rồi sau này thế nào mày cũng sướng. Xinh thế này cơ mà. Con gái chóng trổ mã lắm đó.

Chưa được một giờ đồng đã nghe tiếng người nhà hát rong lục đục sửa soạn đứng dậy đi. Tôi cũng chẳng thấy thoải mái gì, nhưng ngực cứ đập thình thình, không có nổi can đảm đứng dậy đi ra. Tôi loay hoay bên lò sưởi tự nhủ cho dù cô ta có quen cuộc sống nay đây mai đó đi nữa thì so với bước chân con gái, tôi có đi sau mươi hai mươi chô [8] chạy theo một lèo vẫn còn kịp. Nhưng khi cô ta đi khỏi rồi, cơn mộng tưởng của tôi lại như được buông thả cho tự do quay cuồng nhảy nhót. Sau khi bà lão đưa mấy người nhà hát ra khỏi quán trở vào tôi hỏi ướm:

- Không biết hôm nay mấy người đó họ ngủ lại ở đâu cụ nhỉ?

- Thưa thầy, chứ cái giống ấy ngủ ở đâu ai là người biết được. Thưa thầy, cứ tùy theo đâu có khách thì ngủ lại ở đấy ạ. Đêm nay liệu liệu chứ chắc gì có chỗ nào mà ngủ.

Những lời hàm ý khinh bỉ quá đáng của bà cụ bốc tôi đứng dậy, nếu thế thật, tối nay ta sẽ cho cô đào ngủ lại ở phòng trọ của ta. Bà cụ nài nỉ tôi bảo ngồi đợi thêm mươi phút nữa cho trời quang trở lại nhưng tôi không làm sao ngồi yên được.

- Này cụ, cố giữ gìn cho khỏe cụ nhé. Vì trời đã trở lạnh rồi đấy.

Tôi với những lời phát ra từ trong tâm dặn cụ ông xong đứng dậy. Ông cụ nặng nề cử động cặp mắt vàng khè, khe khẽ gật đầu.

- Nhà thầy, nhà thầy.

Bà cụ vừa gọi vừa chạy theo.

- Nhà thầy cho như thế này phí quá.

Không biết nói sao rồi ôm cứng cái cặp của tôi, không chịu buông ra, từ khước thế nào cũng cứ bảo để cho tiễn ra đến đàng kia một tẹo không thì không bằng lòng. Đi đã được cả một chô rồi mà bà cụ vẫn lẽo đẽo theo lập đi lập lại mấy lời:

- Thưa phí quá. Thưa tiếp thầy đạm bạc quá. Đã nhớ rõ được mặt thầy rồi. Lần sau xin thể nào thầy cũng ghé qua cho.

Chỉ để lại có mỗi một đồng năm mươi tiền, khiến tôi thảng thốt đau đớn, nước mắt muốn trào ra vì cảm động. Nhưng vì muốn rảo bước đi cho kịp cô đào làm tôi một phần cũng thấy những bước chân chập choạng của bà cụ làm phiền. Mãi rồi cũng tới cửa hầm đèo.

- Xin cảm ơn cụ. Cụ ông ở nhà có một mình, xin cụ quay trở lại cho.

Lúc đó bà cụ mới chịu buông cái cặp cho tôi. Đường hầm tối, những giọt nước lạnh rơi lộp độp. Cửa ra hướng nam Izu là một khoang sáng nhỏ đằng trước.

2.
Ra khỏi hầm, con đường đèo với hàng cọc sơn trắng viền một bên uốn khúc lượn ngoằn ngoèo. Trong cảnh sắc đẹp như tranh vẽ dưới lưng chừng đèo đằng xa tôi thấy bóng dáng bọn nhà hát. Đi không đầy sáu chô, tôi đã theo kịp họ nhưng không biết làm thế nào để có thể lỏng chân bước ngay được một cách tự nhiên, tôi đành cứ phải làm ra vẻ lãnh đạm, vượt lên đi trước bọn đàn bà con gái mất. Anh đàn ông đang đi một mình trước độ mươi ken[9] thấy tôi liền dừng lại.

- Chân thầy đi nhanh quá hà. Đã tạnh hẳn rồi.

Tôi thở phào nhẹ bước đi ngang với anh ta. Anh ta hết hỏi chuyện này lại bắt chuyện khác. Thấy hai người nói chuyện, đám đàn bà con gái đằng sau cũng lon ton chạy lại.

Người đàn ông vác trên vai một hòm mây lớn. Người đàn bà cỡ bốn chục tuổi ẵm một con chó nhỏ. Cô gái lớn nhất xách tay nải, cô nhỏ một hòm mây, người nào người nấy khệ nệ hành lý. Riêng cô đào hai tay bưng trống cái được đặt trong khung. Người đàn bà bắt chuyện này chuyện kia hỏi tôi.

- Học sinh cao đẳng đấy.

Cô gái lớn thì thầm với cô đào. Tôi quay lại thì cô vừa cười vừa tiếp:

- Có phải không ạ? Em thì chỉ biết được bấy nhiêu.Mấy thầy học sinh hay ra đảo chơi ấy mà.

Bọn họ ra toàn là người ở bến Habu của đảo Oshima cả. Từ xuân đến giờ bọn họ đã bỏ đảo đi lưu diễn. Dạo này, phần thì trời đã trở lạnh, phần thì công việc mùa đông chưa tới nên cả bọn mới tính đi Shimoda ở mươi ngày rồi sẽ theo đường suối nước nóng Ito quay về đảo. Nghe tiếng Oshima, tôi thấy lòng trào ý thơ, lại say đắm ngắm mái tóc mỹ miều của cô đào. Tôi hỏi đủ chuyện về Oshima.

Cô đào quay sang nói với mấy cô kia:

- Học sinh ra đấy bơi đông lắm nhé.

- Có phải hè không?

Tôi quay lại hỏi làm cô đào thẹn thùng khe khẽ nói chừng như thể đáp lại.

- Cả mùa đông nữa.

- Cả mùa đông nữa?

Cô đào liền quay sang nhìn mấy cô kia cười.

- Mùa đông mà cũng tắm được sao?

Tôi hỏi lại làm cô đỏ hồng mặt lên, làm ra vẻ nghiêm trang và khe khẽ gật đầu. Bà cỡ bốn chục tuổi cười bảo:

- Con bé này rõ vớ vẩn.

Đường đến Yugano chạy dọc theo thung lũng sông Kawazu xuống dốc trên một đoạn hơn ba lý. Vượt qua khỏi ngọn đèo thì từ sắc trời đến sắc núi cũng cảm thấy rõ là của một xứ miền nam. Từ nãy tôi với anh đàn ông mải mê nói hết chuyện này sang chuyện kia đã trở thành thân thiết. Chẳng mấy chốc đã qua khỏi mấy làng nhỏ như Oginori hay Nashimoto và khi Yugano hiện ra dưới chân núi với mấy nóc nhà mái rạ, tôi đánh bạo nói để tôi cùng đi cho xuống tới Shimoda. Anh ta hết sức mừng rỡ.

Khi tới trước nhà ngủ bình dân [10] của Yugano, người đàn bà cỡ bốn chục tuổi, vẻ mặt vừa như định nói dạ thôi xin chào thì anh ta nói giùm.

- Thày này bảo muốn được đi theo đấy.

Bà ta liền không khách sáo đáp:

- Đâu dám. Gọi là đi cho có bạn đường thì những kẻ ngu muội như chúng tôi cũng có thể đôi lúc giúp cho thầy đỡ thấy buồn chán. Mời thầy vào nghỉ chút ạ.

Mấy cô gái dáng chừng như nói có gì đâu, lặng yên bẽn lẽn ngắm nhìn tôi một chặp.

Tất cả cùng vào quán, trèo lên gác bỏ hành lý. Chiếu lót và vách giấy đều đã cũ bẩn. Cô đào bưng nước trà từ tầng dưới lên, khi ngồi xuống chỗ tôi thì mặt ửng đỏ, tay run lập cập làm tách trà như muốn rơi khỏi khay, vừa mới sợ rơi định đặt khay xuống thì nước đã sóng xuống chiếu rồi. Thấy cô đào thẹn luống cuống quá, tôi vội bưng lấy tách nước.

- Ấy, hư quá. Con bé này lại động cỡn lên rồi đấy. Này, này..

Bà cỡ bốn chục tuổi cau mày, ném cái khăn lau [11] xuống sàn, chừng như nóng giận lắm. Cô đào nhặt cái khăn, phục sát xuống mặt chiếu sợ sệt.

Mấy lời nói bất ngờ đó khiến tôi quay lại tự kiểm chính mình. Huyễn tưởng được khơi nhúm lên qua những lời bà lão bên đèo vụn vỡ trong tôi. Đúng lúc ấy bà ta nhìn tôi chăm chăm:

- Thầy học sinh có bộ kasuri xanh dương đẹp quá nhỉ?

Và quay sang hỏi đi hỏi lại cô gái ngồi bên cạnh.

- Bộ kasuri của thầy đây cũng giống như thứ của thằng Tamiji nhà mình nhỉ, giống chứ nhỉ? Chắc cùng một thứ nhỉ?

Bà cũng tự kiểm tra mấy lần cho chắc rồi bảo tôi:

- Tôi có thằng cháu để ở quê cho đi học, bây giờ nhớ ra nó. Bộ kasuri của nó đâu có khác. Độ này kasuri xanh dương lên giá thật là khổ cơ thầy.

- Trường nào thế?

- Trường tầm thường [12] năm thứ năm.

- Thế ạ. Năm thứ năm tầm thường thì...

- Cháu nó học ở trường tỉnh Kofu cơ đấy. Chúng tôi ở Oshima lâu thôi chứ thật ra quê ở mạn Kai, Kofu cơ.

Nghỉ được độ một giờ thì anh đàn ông đưa tôi lại một nhà trọ khác. Cho tới khi đó tôi vẫn cứ ngỡ là sẽ ở cùng một nhà trọ với mấy người nhà hát này. Tôi với anh ta đi xuống đường trải sỏi, bước qua một dãy bậc đá, khoảng được độ một chô thì tới một cây cầu vắt ngang qua vũng tắm công cộng của một con suối nước nóng nhỏ. Bên kia cầu là nhà tôi trọ.

Vừa xuống chỗ tắm riêng của của nhà trọ thì anh đàn ông cũng xuống. Anh tự cho biết năm nay anh hai mươi bốn, vợ hai lần hoặc sẩy thai hoặc đẻ non làm con chết cả. Anh ta mặc áo cánh có dấu riêng của suối nước nóng Nagaoka nên tôi đoán anh ta cũng là người miền ấy. Nhất là anh ta, từ nét mặt cho tới cách ăn nói đều tỏ ra con người hiểu biết khá rộng khiến tôi nghĩ anh hoặc vì thích chuyện lạ hoặc vì yêu con hát mà đi vác hành lý đến đây chăng.

Tắm xong tôi liền ra ăn trưa. 8 rưỡi sáng mai đi khỏi Yugano mà bây giờ mới 3 rưỡi.

Anh đàn ông trước khi ra về, từ dưới vườn ngước lên chào tôi. Tôi gói tiền ném xuống:

- Cầm lấy mua hồng mà ăn. Xin lỗi vì đứng ở lầu hai.

Để từ chối, anh giả vờ như tôi ném quá tay không bắt được, nhưng vì gói giấy nằm rơi dưới vườn, anh ta quay lùi lại vừa nhặt lên vừa nói.

- Để rơi thế này có lỗi quá.

Rồi ném lên trả lại. Gói tiền rớt trên mái tranh. Tôi ném lại lần nữa anh ta mới bắt lấy đi.

Từ lúc mặt trời lặn đến giờ, mưa rơi như trút. Núi xa núi gần gì cũng trắng xóa cả, con suối nhỏ đằng trước thoắt chốc đã đục ngầu và như gầm lên. Tôi đã đinh ninh mưa to thế này chắc đám mấy cô đào không đi hát rong được mà vẫn không sao ngồi yên, dù đã thử xuống tắm hai, ba lần. Trong buồng trời đã nhá nhem tối. Ngọn đèn điện thả từ trên xà ngang xuống một cái khoang vuông thông với phòng bên cạnh đã được bật lên. Đèn điện ở đây một ngọn được thắp cho hai phòng.

Thì thình thình thình. Gữa tiếng mưa đổ rào rào tôi nghe tiếng trống cái vẳng xa xa. Tôi kéo mở cửa che mưa mà như xé toạc để nhoài người ra ngoài. Tiếng trống như đang gần lại dần. Mưa gió phật vào đầu tôi, tôi nhắm mắt lắng tai nghe, muốn biết xem tiếng trống cái đang ở đâu và đến đây bằng ngả nào. Chẳng mấy chốc nghe được tiếng shamisen [13]. Nghe được giọng con gái ngân dài. Nghe được tiếng cười nói ồn ào. Tôi hiểu ra là đám nhà hát đã được gọi tới chầu tiệc ở quán ăn trước nhà trọ bình dân. Tôi phân ra được hai, ba tiếng con gái với ba, bốn giọng đàn ông. Tôi đợi chắc xong ở đằng đó rồi sẽ rong lại đây. Nhưng bữa rượu dường như đã vượt khỏi giới hạn của sự vui vẻ và thành ra ồn ào cợt nhả. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng con gái lanh lảnh ré lên, xuyên qua màn đêm như những lằn chớp. Bao nhiêu thần kinh tôi dựng cả dậy, cứ để cửa mở ngồi ngây không biết trong bao lâu. Mỗi khi nghe một tiếng trống cái, lòng tôi lại tươi hẳn lên.

- À, cô đào vẫn còn ngồi hầu tiệc. Hãy vẫn còn ngồi đánh trống.

Tiếng trống cái mà dừng là tôi không chịu được. Tôi như luồn dưới đáy mưa để nghe.

Rồi tôi nghe thấy tiếng chân bước loạn xạ một hồi không hiểu là đang nhảy nhót hay là rượt đuổi nhau. Rồi im lìm. Mắt tôi sáng quắc lên. Tôi muốn nhìn thấu qua màn đêm để hiểu cái yên lặng này có nghĩa gì. Có phải đêm nay cô đào bị vùi dập ô uế không? Đóng cửa che mưa xong rồi mà vẫn thấy băn khoăn khổ sở. Lại vào tắm, dội nước ào ào. Mùa thu như được trời mưa rửa sạch cho trăng sáng vằng vặc.

Đi chân không ra khỏi bể tắm. Chẳng có thể làm gì hơn được. Đã quá 2 giờ.


Kawabata đến thăm trường quay Izu no odoriko (1963)
3.
Sáng hôm sau, khoảng mới hơn 9 giờ đã thấy anh đàn ông đến chỗ tôi. Vừa ngủ dậy nên tôi rủ anh ta đi tắm cùng.Trong một ngày thu tiết tiểu xuân ấm áp quang đãng sau một ngày mưa, nằm trong lòng con suối nhỏ lượng nước vừa dâng cao dưới ánh nắng miền nam Izu thì ngay nỗi băn khoăn tối qua tôi cũng chỉ còn thấy như một giấc mơ. Nhưng tôi cũng thử hỏi ướm anh ta.

- Tối qua mãi tới khuya mà hãy còn huyên náo quá nhỉ?

- Gì? Thầy nghe thấy à?

- Nghe thấy.

- Dân địa phương ấy mà. Cái giống dân địa phương là chỉ có ồn ào bậy bạ. Không sao mà thấy thú vị được.

Anh ta đáp như chẳng có chuyện gì khiến tôi cũng đành im.

- Ở vũng tắm đằng kia mấy thằng cha đó đang xuống đấy. Kìa, bọn hắn như đang ngó lại đằng này nhận ra cười, rõ ghét.

Theo tay anh ta chỉ, tôi chìn về phía vũng tắm đằng trước. Nổi bập bềnh trên làn hơi nước nóng là bảy, tám thân xác đàn ông trần truồng.

Từ phía trong tối, tôi thấy như vừa có bóng con gái khỏa thân đột nhiên chạy vụt ra, đứng sát mép bờ để quần áo, dáng như sắp nhảy xuống nước, hai tay duỗi thẳng ra đằng trước chừng đang gọi ai đó. Cô gái lõa lồ đến cái khăn mặt cũng không có. Nhìn kỹ thì ra là cô đào. Tôi ngắm nhìn cặp chân thon dài như hai cành vông non, toàn thân nõn nà mà thấy như vừa bị ai dội một gáo nước lạnh vào tim. Rồi tôi thờ phào ra một cái thật mạnh và cười lên sằng sặc. Rõ là đồ trẻ con. Trẻ con đến nỗi còn ham vui mà tồng ngồng chạy ra ngoài nắng, cái thứ trẻ con vẫn còn phải đứng kiễng chân lên cho bằng được người lớn. Tôi khoan khoái cười mãi. Đầu óc tôi trong sáng hẳn ra. Bao nhiêu bụi bậm trong đó đều như đã được rũ sạch.

.Vì mái tóc của cô đào quá dày, làm cô như gái 17, 18, lại còn thắng bộ để diễn trò đã khiến tôi suýt hiểu lầm.

Anh đàn ông lên phòng tôi được một lúc thì cô gái lớn cũng tới xem mấy luống cúc, cô đào qua đến giữa cầu. Bà cỡ bốn mươi lúc đó từ vũng tắm đi ra nhìn theo hai người. Cô đào tự nhiên rụt cổ lại, cười như thể nói bị mắng em phải về, rồi vội vàng trở gót. Bà cỡ bốn mươi tuổi đi lại đến tận cầu nói với sang:

- Mời thầy sang chơi.

Cô gái lớn cũng nói như thế rồi cùng về với mấy người kia. Anh đàn ông thì ở chơi mãi đến chiều.


Nữ diễn viên Yoshinaga Sayuri (vai Kaoru)

Buổi tối, đang đánh kỳ [14] (goban) với mấy người lái giấy thì nghe tiếng trống cái dưới vườn. Tôi nhỏm người định đứng dậy:

- Đám hát rong đến rồi.

- Ừm, chán chết. Cái của ấy. Nè, nè, tới phiên thầy đấy. Tôi đã đi đây rồi này.

Ông lái giấy đang mải mê thắng phụ, tay không rời nổi bàn cờ. Tôi đang bối rối không biết làm sao thì mấy người nhà hát chừng như đã sắp sửa quay gót. Anh đàn ông từ dưới vườn đánh tiếng:

- Chào thầy.

Tôi ra ngoài hiên vẫy gọi. Mấy người nhà hát đứng dưới vườn thì thầm bàn với nhau một hồi xong ba cô con gái lần lượt theo anh đàn ông đi lên gác.

-Chào mọi người.

Họ chống nhẹ tay xuống sàn cúi chào tôi như kiểu mấy người nghệ giả (geisha). Trên bàn kỳ, bất chợt trận thế của tôi bắt đầu lộ vẻ thua.

- Thế này thì chẳng còn cách nào. Cho tôi hàng.

- Làm gì có chuyện đó chứ. Bên tôi đây mới bết đấy. Kể ra cả hai đều đã hết quân.

Người lái giấy không ngẩng đầu lên nhìn mấy người nhà hát, càng đánh ông ta càng chăm chú, ngồi đếm từng ô. Mấy cô gái sau khi để trống với shamisen vào một góc, lấy bàn cờ tướng [15] ra chơi sắp năm [16]. Bàn kỳ tôi đã thắng để cho thua mất rồi mà ông lái giấy vẫn còn kèo nhèo:

- Đánh thêm ván nữa, một ván nữa thôi, thầy nhé.

Nhưng không còn thấy hứng thú, tôi chỉ cười trừ khiến ông lái giấy phải chịu bỏ cuộc đứng dậy.

Mấy cô gái xích lại gần bàn kỳ.

- Đêm nay thế vẫn còn đi quanh đâu nữa chứ hả?

- Vâng, còn phải đi nữa chứ.

Anh đàn ông đáp xong nhìn mấy cô gái.

- Làm thế nào? Hay là tối nay hãy nghỉ việc để chơi đi.

-Sướng quá, sướng quá.

- Thế có sợ bị mắng không?

- Mắng gì. Đi bấy nhiêu rồi cũng không có khách còn gì.

Thế là mọi người cùng chơi sắp năm vớ vẩn mãi cho tới 12 giờ khuya mới ra về.

Cô đào đã đi rồi mà tôi vẫn không làm sao ngủ được, đầu óc cứ tỉnh như sáo, đành ra hiên thử gọi:

- Này, ông lái giấy. Này, ông lái giấy.

- Hở?

Rồi một ông gần sáu mươi tuổi ở trong buồng hăm hở nhào ra:

- Tối nay cả đêm đấy. Đánh chờ sáng á.

Tôi cũng thấy mình hết sức là háo chiến.

4.
Đã hẹn sáng hôm sau 8 giờ khởi hành đi khỏi Yugano. Tôi lấy cái mũ săn mua ở trước bãi tắm công cộng đội vào đầu còn cái mũ học sinh cao đẳng nhét xuống dưới đáy cặp, đi đến nhà trọ bình dân bên đường cái. Thấy cửa lầu hai mở toang, tôi chẳng ngần ngại gì leo lên thì cả gia đình nhà hát hãy còn nằm trên sàn. Tôi chưng hửng, đứng chết trânngoài hành lang.

Trên sàn ngay dưới chân tôi, cô đào mặt cứ đỏ ửng lên, úp hai bàn tay che lấy mặt. Cô ta cùng nằm một chỗ với cô gái nhỡ, mặt hãy còn nguyên lớp phấn son trang điểm tối qua. Son ở môi và ở hai quầng mắt đã thâm lại. Dáng nằm dễ thương in thấm lòng tôi. Chừng cô đào bị chói nên trở mình lại, rồi vẫn che lấy mặt trườn người chui ra khỏi đệm, ra hiên ngồi xuống, gọn gàng gập mình lễ phép cúi chào cảm ơn thầy tối qua, làm tôi đứng đó bối rối luống cuống.

Anh đàn ông ngủ cùng với người con gái lớn nhất. Cho tới phút đó tôi vẫn không một chút nào ngờ hai người lại là vợ chồng.

- Thật quả là có lỗi lắm đấy. Vẫn tính là bữa nay lên đường nhưng dường như tối nay có đám hát chầu, chúng tôi đã định ở nán lại thêm một ngày nữa xem sao. Nếu thế nào hôm nay thầy cũng phải lên đường thì xin được thầy ghé qua thăm lại ở Shimoda. Chúng tôi đã định là sẽ ngủ lại ở quán bình dân tên Koshuya nên thầy sẽ tìm thấy ngay.

Nghe bà cỡ bốn mươi tuổi nửa người chui ra khỏi đệm ngồi trên sàn nói thế, tôi cảm thấy như mình bị tống cổ đuổi đi.

- Thầy để ngày mai đi được không thầy? Tại mợ tôi chẳng có chịu nghe, cứ bắt phải nán lại thêm một ngày. Có bạn đường thích lắm chứ. Ngày mai đi cùng thầy mà.

Nghe anh đàn ông nói thế, bà ta thêm vào:

- Thầy tính như thế đi. Biết là được thầy cho đi cùng thế này mà nói những chuyện ích kỷ đâu có được. Ngày mai thì dẫu cho có mưa gươm cũng vẫn xin đi vì ngày kia bốn mươi chín ngày đứa cháu đi đường mà mất. Từ lâu chúng tôi vẫn tính để xuống Shimoda, lòng không vẩn chuyện gì làm cho nó bữa kỵ bốn mươi chín ngày nên thế nào cũng phải xin đi cho kịp. Nói ra thì thật là thất lễ nhưng cũng là một cái duyên không ngờ run rủi, xin thầy ngày kia khấn giùm cho cháu bé một câu với nhé.

Và thế là tôi hoãn ngày đi lại, xuống dưới nhà. Để đợi mấy người trở dậy, tôi mới vừa vào gian làm việc sổ sách bẩn thỉu của nhà trọ để nói chuyện chơi với mấy người làm trong đó thì đã thấy anh đàn ông xuống rủ đi tản bộ. Đi dọc con đường cái xuống phía nam một chút là tới một cây cầu tuyệt đẹp. Hai chúng tôi đi dọc lan can cầu. Anh ta lại đem chuyện mình ra kể. Anh ta đã có lần gia nhập một ban tân kịch [17]. Ngay bây giờ, đôi khi anh vẫn còn diễn kịch ở Oshima. Tay nải của anh thò ra một bao kiếm nhưng theo anh, nó chỉ để dùng trong những khi ngồi hát hay diễn tuồng mà thôi. Quần áo chén bát hay những gia cụ khác đựng trong mấy cái hòm mây đó.

- Tôi vì lẫm lỡ, tấm thân này đã xuống bùn nhơ, nhưng may còn được người anh ở Kofu vẫn giỏi giang nối nếp nhà. Thế nên tôi cũng chỉ là tấm thân bỏ đi.

- Tôi vẫn cứ cho anh là người miệt suối nước nóng Nagaoka đấy.

- Thế ạ. Người con gái lớn nhất là nhà tôi đấy, kém thầy một tuổi, mười chín đấy mà màn trời chiếu đất thành ra hai lần đẻ non cả. Con thì nuôi khoảng được một tuần thì hết thở, còn nhà tôi bây giờ người vẫn chưa khỏe hẳn. Bà ấy là mợ sinh ra nhà tôi. Cô đào là em ruột tôi.

- Hả? Anh mà có em gái mới mười bốn thì...

- Nó đấy. Đành rằng chỉ có nó là tôi thấy không muốn bắt làm những công việc như thế này, nhưng tình cảnh lại còn nhiều chuyện éo le lắm.

Rồi anh ta cho tôi biết tên anh ta là Eikichi, vợ là Chiyoko và em là Kaoru. Chỉ có người con gái còn lại, mười bảy, tên là Yuriko, mới là người sinh trưởng và mướn được ở Oshima thôi. Eikichi hết sức mủi lòng, mặt gần như muốn khóc, đăm đăm nhìn theo dòng nước.

Quay trở về, tôi thấy cô đào hát mặt đã rửa sạch hết lớp phấn son, đang khom lưng xuống bên đường vuốt ve đầu con chó. Trước khi quay trở về nhà trọ tôi bảo cô:

- Lại chơi.

- Vâng, nhưng một mình thì..

- Thế thì cùng tới với anh cô.

- Em sẽ tới ngay.

Một lát sau Eikichi đến nhà tôi trọ,

- Tất cả đâu?

- Bọn con gái bị mợ nhà tôi mắng nên không đến được.

Nhưng hai người vừa chơi sắp năm được một lát thì tất cả cùng tới, qua cầu rồi rầm rầm leo lên gác. Cũng như mọi lần trước, tất cả cùng ngồi xuống hành lang, lễ phép gập mình cúi đầu chào xong vẫn ngần ngừ ngồi nguyên ở ngoài. Nhưng rồi Chiyoko đứng lên trước tiên.

- Đây là phòng tôi mà, tất cả muốn làm gì xin cứ tự nhiên.

Ở chơi được độ một tiếng, mấy người nhà hát xuống bến tắm riêng của nhà trọ. Mọi người đều vật nài tôi xuống tắm chung, nhưng vì có tới ba cô gái trẻ thành ra tôi giữ ý, nói dối họ là xin được xuống sau.

Cô đào hát thoắt một cái đã thấy lên ngay, lập lại lời của Chiyoko:

- Chị em bảo thày đến để chị cọ lưng cho [18].

Tôi thay vì xuống tắm lại đi đánh sắp năm với cô đào. Tôi không ngờ cô ta đánh hay đến thế. Nghe nói thì Eikichi với mấy cô gái kia đều bị cô ta hạ dễ dàng. Sắp năm thì thường thường đánh với người khác tôi đều thắng cả mà hôm ấy tôi phải dốc toàn lực ra. Được đánh mà không phải vờ đặt một quân nào hớ hênh thấy cũng khoái. Vì chỉ một mình hai người nên lúc đầu cô ta ngồi xa xa, lấy tay với tới đặt con. Nhưng dần dần mải đánh quên để ý xích gần lại, cúi sát xuống bàn, mái tóc đen óng đẹp kỳ lạ của nàng như chạm vào ngực tôi. Đột nhiên mặt nàng đỏ hồng lên.

- Em xin lỗi. Sắp bị mắng kìa.

Rồi bỏ hết đá xuống đứng bật dậy chạy đi. Bà mẹ đã đứng trước bãi tắm công cộng từ hồi nào rồi. Chiyoko và Yuriko cũng vội vàng đi lên, lén đi về thẳng không ghé cả qua chào tôi. Hôm đó Eikichi cũng ở lại chơi từ sáng cho tới mãi chiều. Ông chủ quán trọ tính mộc mạc tử tế khuyên tôi đừng tốn cơm cho những người như thế. Đến tối, khi tôi đến đằng quán trọ bình dân thì là lúc cô đào đang học bà mẹ đánh shamisen. Thấy tôi đến, cô ta liền dừng đánh, sau nghe lời bà mẹ mới lại ôm đàn lên. Mỗi lần giọng ca hơi cất cao lên tí là bà mẹ lại bảo:

- Đã nói cao giọng là không được mà cứ.

Eikichi đang bận ê a tụng gì không biết ngồi hát chầu trên lầu hai tiệm ăn trước mặt, ngồi ở bên này cũng trông thấy.

- Điệu gì thế nhỉ?

- Điệu utai [19]ấy.

- Utai mà sao lạ quá.

- Vì ông ấy trò nào cũng mó vào [20], có hiểu là đang hát gì đâu hở thầy.

Vừa lúc ấy thì người đàn ông khoảng trên dưới bốn mươi đến đây làm nghề hàng gà (toriya) mướn phòng ở quán trọ này kéo cửa ngăn gọi mấy cô gái sang cho ăn. Cô đào cùng với Yuriko cầm đũa sang phòng bên khoắng vào trong nồi canh gà torinabe còn thừa. Khi theo mấy cô trở về phòng bên này, đến nửa chừng ông hàng gà vỗ nhẹ tay vào vai cô đào. Bà mẹ làm mặt dễ sợ:

- Ấy này không có được đụng vào con bé đó chớ. Con gái tân đấy.

Cô đào hát vừa gọi bác, bác vừa vòi ông hàng gà đọc chuyện Mito Kômon mạn du kí [21] cho nghe. Nhưng ông ta bỏ về ngay. Không thể nói thẳng nhờ tôi đọc tiếp được, cô đào đánh bạo khẩn thiết xin bà mẹ nói tôi đọc giùm. Tôi cầm cuốn truyện lên chờ đợi một điều. Y như rằng cô đào xích lại gần tôi. Khi tôi bắt đầu đọc, mặt cô ta đã sát lại gần tưởng như cô ta áp người lên vai tôi, dáng hết sức chăm chú, mắt sáng long lanh, để hết tâm trí nhìn vào trán tôi không chớp mắt. Hình như cô đào có tật cứ đến giờ này thì phải có người đọc truyện cho thì phải. Lúc nãy tôi cũng thấy mắt cô ta chụm lên mặt ông hàng gà. Cặp mắt đen to như thế này thì chỉ một mình cô đào là người làm chủ đẹp nhất. Nếp gấp hai mí mắt xinh không thể nói được. Miệng cô cười tươi như hoa. Tả nụ cười mà dùng câu cười tươi như hoa thì thật đúng với cô đào.

Được một lúc thì có người bên quán ăn sang đón. Cô đào hát vừa khoác áo vừa dặn:

- Vì em về liền nên chờ em về đọc tiếp cho nhé.

Rồi nàng đi ra hiên, ngồi xuống cúi đầu gập mình chào.

- Xin phép thầy em đi.

- Đừng hát đấy nhé.

Nghe bà mẹ dặn, cô đào vừa bưng trống vừa đầu nhè nhẹ. Bà mẹ quay sang tôi:

- Vì bây giờ là lúc đang vỡ giọng cho nên.

Cô đào leo lên lầu hai quán ăn, ngay ngắn ngồi vỗ trống. Tôi trông thấy rõ dáng lưng nàng như nàng đang ngồi ngay phòng bên cạnh. Nghe tiếng trống, tim tôi đập lên sung sướng. Bà mẹ nhìn sang bên kia nói:

- Có tiếng trống là thấy bữa hát chầu nổi hẳn lên thầy nhỉ?

Chiyoko và Yuriko cũng đi sang bên đó. Khoảng 1 giờ sau cả bốn người cùng về.

- Được bây nhiêu.

Cô đào bỏ vào tay bà mẹ năm mươi tiền bằng bạc kêu lách cách. Tôi lại đọc tiếp Mito Kômon mạn du ký một hồi. Mọi người lại đem chuyện đứa nhỏ vì đi lưu diễn mà mất ra kể. Đứa nhỏ sinh ra trong suốt như nước, không đủ sức khóc thế mà cũng sống được tới một tuần.

Lòng tốt bình thường của tôi, tấm lòng không một chút tò mò cũng không khinh rẻ như thể tôi đã quên đi họ là những người hát rong, dường đã thấm thía vào lòng họ. Chuyện bữa nào tôi sẽ đến thăm nhà cửa họ được định xong xuôi lúc nào không hay.

- Ở nhà ông mình được chứ nhỉ? Ở đấy vừa rộng mà đưa ông đi chỗ khác lại yên nữa, muốn ở đến bao giờ cũng được mà học hành cũng dễ.

Mọi người bàn tán với nhau xong bảo tôi:

- Có hai căn nhà nhỏ mà căn ở phía núi thì gần như để không ấy.

Lại thêm chuyện đến Tết tôi sẽ tới giúp họ, tất cả mọi người sẽ diễn kịch ở cửa Habu cũng định xong. Con tim lang bạt không khiến cho họ nhìn đời cay đắng như tôi nghĩ hồi mới đầu. Điều họ là những người phóng khoáng còn nguyên lành hương vị hoang dã cũng truyền qua người tôi. Vẫn biết họ đều là mẹ con anh em, nhưng tôi cảm thấy sợi dây ràng buộc gắn bó họ với nhau là tình yêu thương ruột thịt thân thiết. Riêng cô người làm Yuriko vẫn biết đang ở lứa tuổi dễ thẹn thùng nhưng trước mặt tôi lúc nào cũng trầm ngâm ủ dột.

Quá nửa đêm tôi ra về. Mấy cô gái theo tiễn chân. Cô đào đã quay guốc [22] lại cho tôi rồi. Cô thò đầu ra ngoài cửa, ngắm bầu trời sáng và bảo:

- Á á ông trăng. Ngày mai ở Shimoda, sướng quá à. Kỵ bốn chín ngày đứa nhỏ xong xin mợ mua cho cái lược mới rồi còn có nhiều mục khác nữa cơ. Dẫn em đi xem chiếu bóng nhớ thầy.

Bầu trời mang nhiều hương vị quê hương nhất cho cuộc đời lang bạt của những kẻ đi rong hát quanh các suối nước nóng vùng Izu Sagami chính là bầu trời bến cảng Shimoda.

5.
Mấy người nhà hát lại chia nhau mang hành lý giống bữa vượt đèo Amagi. Con chó nhỏ ôm trong vòng tay bà mẹ thò chân ra như đã quen cuộc đời hồ hải. Vừa ra khỏi Yugano là đường lại len giữa đồi núi. Ánh nắng ban mai trên biển chiếu ấm sườn núi. Chúng tôi ngắm nhìn về hướng mặt trời. Bãi biển Kawazu mở rộng chói lọi đón những kẻ đang đi về mạn sông Kawazu.

- Kia là đảo Oshima đấy nhỉ?

Cô đào đáp:

- Thầy có thấy nó lớn không nào?. Ra chơi nhớ thầy.

Không biết có phải tại trời thu trong xanh quá mà sao chỗ biển gần mặt trời mờ sương như giữa tiết xuân. Từ đây đến Shimoda còn phải đi ngót năm lý nữa. Biển bị che khuất một lúc không thấy. Chiyoko hồn nhiên cất tiếng ca.

Nửa đường thì đến một con đường tắt gần hơn được hai mươi chô nhưng là đường núi hiểm trở khó đi và một con đường cái dễ đi hơn. Hỏi tôi chọn con đường nào thì tất nhiên là tôi chọn con đường gần hơn.

Đường lá rụng trơn trượt, dốc ngược, len lỏi giữa các gốc cây. Càng mệt thở phì phò thì ngược lại tôi như kẻ đến lúc phải liều, càng đặt hai bàn tay nắm lấy đầu gối như muốn kéo dài thêm, cố nhanh chân bước. Nhìn đi nhìn lại thì cả bọn đều bị rơi lại đằng sau, thành ra chỉ còn nghe được tiếng nói vọng ra như từ mấy thân cây.

Cô đào một mình vén cao tà áo, thoăn thoắt và lầm lũi theo sau tôi. Cô không bước tới gần hơn cũng không lùi lại, lúc nào cũng giữ cách tôi khoảng một ken. Tôi quay lại bắt chuyện thì cô ta như thể giật mình vì bất ngờ, vừa chúm chím cười ngừng lại đáp. Thấy cô đào bắt chuyện, tôi đứng lại chờ, định để cho cô ta theo kịp thì cô ta cũng ngừng lại mất, cho tới khi tôi bước đi mới chịu bước. Đến những khúc đường khúc khuỷu hiểm trở hơn tôi lại càng rảo bước thêm nữa, cô đào vẫn theo sau tôi một ken không đổi và chăm chú leo tới. Rừng núi lặng im. Những người khác đã rơi lại tít đằng sau không còn nghe thấy cả tiếng nói chuyện nữa.

- Tokyo nhà thầy ở đâu?

- Không. Tôi ở trong ký túc xá của trường.

- Em cũng biết Tokyo nữa. Đi múa ngày hội thưởng hoa [23]. Ngày bé nên bây giờ chẳng còn nhớ gì.

Rồi cô đào hỏi tôi như là: "Thầy còn cha không?" hay "thầy đã đến Kofu bao giờ chưa?" Hết chuyện này chạy sang chuyện khác. Cô đem những chuyện đến Shimoda sẽ xem chiếu bóng hay chuyện đứa bé chết ra nói.

Đã đến đỉnh núi. Cô đào hát ngồi xuống cỏ khô, gỡ trống ra và lấy khăn lau mồ hôi. Rồi cô ta tự hào khen cặp chân của mình. Bất ngờ cô nhỏm dậy quỳ ngay dưới chân vuốt lại gấu manh hakama cho tôi. Tôi rụt người lại một cách bất chợt khiến cô đào sụm đầu gối xuống. Cứ quỳ nguyên như thế bò quanh phủi quần áo cho tôi xong kéo vạt áo vén lên xuống, cô đào bảo tôi lúc đó đang đứng hổn hển thở:

- Ngồi xuống đi thầy.

Vừa ngồi xuống thì một đàn chim nhỏ bay ngang tới. Yên lặng đến nỗi tôi nghe được cả tiếng lá khô xào xạc trên cành nơi đàn chim đang đậu.

- Sao thầy đi nhanh thế?

Cô đào hát chừng như thấy nóng lắm. Tôi lấy ngón tay gõ binh binh lên mặt trống làm đàn chim sợ bay đi.

- Hà, khát nước.

- Để em đi kiếm nhé?

Nhưng chẳng mấy chốc cô đào đã chui ra khỏi những lùm cây đã úa vàng rồi trở lại ngay với hai tay không

- Hồi ở Oshima em làm gì nhỉ?

Thế là đường đột cô ta kể hai, ba tên con gái, bắt đầu kể chuyện gì tôi chẳng hiểu đầu đuôi. Hình như không phải là chuyện ở Oshima mà là hồi còn ở Kofu, chuyện mấy cô bạn ngày cô ta còn đi học cho đến năm thứ hai trường tầm thường thì phải. Cô đào hễ nhớ gì kể nấy.

Mười phút sau thì ba người trẻ kia cũng nặng nhọc tới đỉnh núi còn bà mẹ phải đợi thêm mười phút nữa. Lúc đi xuống Eikichi và tôi cố tình chậm lại sau vừa thủng thẳng xuống vừa nói chuyện. Đi vừa mới được độ hai chô đã thấy cô đào từ bên dưới chạy lên:

- Ở dưới kia có suối, nhanh lên đi vì em chờ thày xuống mới uống.

Nghe thấy nước, tôi chạy đi. Từ trong khe đá dưới bóng cây, nước trong vắt tuôn trào ra. Mấy người đàn bà con gái đứng quanh suối. Bà mẹ bảo:

- Chà, xin mời thầy uống trước. Cho tay vào thì nước vừa đục lên mà nghĩ là nếu uống sau đàn bà con gái chắc là ô uế.

Tôi lấy tay vục nước uống còn mấy cô gái đứng thong dong chung quanh và không bỏ đi. Họ làm những việc như là cầm khăn mặt lau mồ hôi.

Lúc xuống núi để ra đường cái đi Shimoda, tôi thấy một vài đám khói đốt than. Tôi ngồi xuống đống củi bên cạnh đường nghỉ một lát. Còn cô đào thì ngồi ở giữa đường, lấy chiếc lược mầu hoa đào chải bộ lông xồm cho con chó. Bà mẹ mắng nhẹ:

- Không sợ gãy hết răng lược hả?

- Không sao, Đến Shimoda mua lược mới cơ mà.

Còn tôi, suốt từ Yugano vẫn định rồi sẽ xin cái lược gài tóc vòng [24] đó nên thấy nàng lấy chải cho chó thì không bằng lòng.

Bên kia đường, rừng trúc thật nhiều. Tôi với Eikichi đi trước một vài bước, vừa đi vừa khen cây trúc này, cây trúc kia mà làm gậy thì vừa đẹp. Cô đào hát vụt chạy đi mang về một cây trúc to cao hơn người.

- Làm cái gì vậy?

Eikichi hỏi làm cô đào hơi luống cuống đưa tôi cây trúc nói:

- Em biếu thầy cây gậy. Em chặt cây trúc lớn nhất đấy.

- Không được đâu. Chặt cây trúc lớn người ta biết mình lấy trộm, nhỡ bị bắt hỏi có phải khổ không? Mang trả lại.

Cô đào quay trở lại bụi trúc, lần này cô đem về cho tôi một cây to vừa bằng ngón tay giữa. rồi đứng bên bờ ruộng gập người thở hổn hển chờ mấy người kia. Tôi và Eikichi vẫn cứ đi, trước khoảng năm, sáu ken.

- Cứ nhổ ra trồng răng vàng vào thì đâu có sao.

Tiếng cô đào đột nhiên lọt vào tai khiến tôi quay lại thì thấy cô ta đang cùng đi với Chiyoko còn bà mẹ đi với Yuriko, chậm hơn hai người một chút. Chiyoko hình như không thấy tôi ngoái đầu lại, đáp:

- Thì vậy. Bảo thầy ấy thế đi.

Dường như chuyện bàn tán về tôi thì phải. Chiyoko chê hàm răng tôi mọc xấu nên cô đào mới đem chuyện răng vàng ra đáp lại thì phải. Tôi cảm thấy mình đã trở nên có những tình cảm thân thiết với những người này đến cái độ nghe họ đem những chuyện mặt mũi mình ra bàn cũng không để tai nghe và cũng không thấy khó chịu. Sau một lúc họ thấp giọng, tôi lại nghe thấy tiếng cô đào:

- Người tử tế đấy nhỉ?

- Ờ thì vậy. Trông có vẻ là người tử tế.

- Thật đúng là người tử tế nhỉ. Người tử tế thì tốt chứ nhỉ?

Mấy lời nói đơn thuần này chứa đựng cả một âm hưởng mạnh mẽ. Đó là tiếng nói của tình cảm bộc lộ một cách non nớt. Ngay đến tôi cũng tự cảm thấy mình là người tốt. Mắt long lanh tôi ngước lên ngắm những đồi núi trùng điệp sáng rỡ. Dưới khóe mắt tôi thấy cay mờ đi. Hai mươi tuổi đầu mà bị dày vò đến khổ sở không chịu được vì tự thấy tại mình mồ côi khiến tâm tính bị hư hỏng, dằn vặt khổ sở đến nỗi tôi phải xuống Izu chơi cho khuây khỏa. Cho nên không một lời nào có thể tả hết được lòng tri ân của tôi khi được khen với những ý nghĩa tầm thường của thế gian rằng mình là người tốt. Những ngọn núi kia sáng rỡ lên vì đã đến gần biển Shimoda. Tôi múa cây gậy trúc lúc nãy làm đứt băng những ngọn cỏ mùa thu.

Giữa đường tôi thấy rải rác những tấm biển đề ở cổng làng: "Cấm dân hát rong ăn mày vào làng."

6.
Qua cửa bắc Shimoda một chút là tới nhà ngủ bình dân Koshuya. Tôi theo mấy người hát rong vào trong quán, leo lên tầng hai. Gọi là tầng hai nhưng chẳng khác gì một cái gác xép ngay sát dưới mái vì trần không có mà ngồi xuống thành cửa sổ là mái nhà đụng vào đầu.

Bà mẹ hỏi đi hỏi lại cô đào:

- Vai có đau không hả? Tay có đau không hả?

Cô đào tay vẫy như khi đánh trống đáp:

- Không đau. Đánh được mà, đánh được mà!

- Gớm, may quá.

Tôi bưng thử cái trống lên:

- Ái chà, nặng ghê.

Cô đào hát vừa cười vừa nói:

- Nặng hơn là thầy tưởng nhiều nhé. Nặng hơn là cặp sách của thầy nhiều nhé.

Bọn người nhà hát và những người trọ trong quán chào hỏi nhau rối rít. Thì ra ở đây toàn là những kẻ hát rong hay đi bán dạo cả. Shimoda chẳng khác nào là chỗ nghỉ cánh cho những con chim thiên di. Cô đào phát cho lũ trẻ đang chen nhau vào phòng những đồng xu bằng đồng. Tôi vừa định bước ra khỏi quán thì đã thấy cô đào vừa quay hộ guốc lại vừa nói thầm một mình.

- Nhớ dẫn đi xem chiếu bóng nhé.

Tôi với Eikichi được một người trông tướng mạo như dân giang hồ chỉ dẫn cho tới nửa đường về ngôi nhà trọ nghe đâu do ông trưởng xóm trên làm chủ. Vào tắm xong, tôi cùng Eikichi dùng cơm trưa với cá tươi mới đánh.

- Cầm lấy chút này ngày mai mua hoa cúng cháu hộ tôi.

Vừa nói tôi vừa đưa gói tiền nhỏ cho Eikichi đem về. Sáng mai tôi phải đáp chuyến tàu biển sớm để về Tokyo. Tiền đi đường đã cạn. Tôi nói tại công việc nhà trường thành ra những người nhà hát muốn cố giữ tôi lại cũng không được.

Ăn trưa chưa được ba tiếng đồng hồ đã thấy xong bữa cơm chiều. Tôi một mình qua một cây cầu lên mạn bắc Shimoda. Trèo lên ngọn Shimoda-fuji ngó nhìn xuống bến. Trên đường về tôi ghé vào Koshuya thì bọn người nhà hát đang dùng cơm với canh gà torinabe.

- Mời thầy vào xơi với chúng tôi một vài miếng. Bọn đàn bà con gái đã thò đũa vào làm ô uế cả nhưng là kỷ niệm mai mốt thầy còn nhớ lại mà cười cho vui.

Bà mẹ vừa nói thế vừa lấy trong hòm mây ra thêm một cái chén với một đôi đũa đưa cho Yuriko đi rửa đem vào. Tất cả mọi người lại bảo ngày mai vì là ngày kỵ của đứa bé nên xin tôi nán lại thêm nhưng tôi núp sau cái khiên công việc nhà trường không bằng lòng. Bà mẹ mới nhắc lại:

- Như thế đến kỳ nghỉ đông này chúng tôi tất cả sẽ xin ra đến tận tầu rước thầy. Thầy nhớ cho biết ngày đến nhé. Chúng tôi đợi đấy. Mà không có được ở nhà trọ đâu đấy nhé. Chúng tôi xin ra tới tận tầu đón thầy.

Khi trong phòng chỉ còn có Chiyoko và Yuriko tôi mới rủ đi xem chiếu bóng. Chiyoko lấy tay ấn vào bụng, mặt mũi xanh xao bảo:

- Em hãy còn mệt lắm. Cứ đi đường thế này thì người yếu đi.

Còn Yuriko lần lì không nói không rằng. Cô đào đang ở tầng dưới đùa với mấy đứa trẻ con trong nhà trọ, thấy tôi liền ôm lấy bà mẹ vòi xin cho phép đi xem, nhưng rồi quay ra, mặt mũi sượng sùng như vừa bị mắng, sửa quay lại guốc cho tôi.

- Sao thế? Thì cho nó đi một mình đã sao.

Eikichi cũng nói vào giúp mà bà mẹ vợ vẫn không bằng lòng.

Tại sao dẫn đi một mình thì không được, tôi hết sức lấy làm lạ. Lúc bước ra khỏi cổng tôi thấy cô đào ngồi vuốt ve đầu con chó, mặt mũi ủ rũ đến nỗi tôi muốn dỗ cô ta một vài câu. Nhưng cô đào không đủ can đảm cất đầu lên nhìn tôi.

Tôi đi xem một mình. Cô giải thích ngồi đọc lời thuyết minh bên một ngọn đèn dầu hỏa. Ra khỏi rạp, tôi về ngay quán trọ tì tay lên thành cửa sổ nhìn mãi xuống phố cảng ban đêm không biết trong bao lâu. Phố xá tối đen. Tôi nghe như có tiếng trống từ xa vọng về không ngừng. Nước mắt tự nhiên rơi lã chã không hiểu vì cớ gì.

7.
Buổi sáng hôm sau, đang ăn sáng lúc 7 giờ để đi thì Eikichi từ dưới đường gọi. Anh ta lụng thụng trong haori the vân đen. Anh đóng bộ đồ lễ này chắc để đưa tiễn tôi. Mấy người con gái không thấy đâu cả làm tôi chợt cảm thấy buồn. Eikichi lên phòng xong thì bảo:

- Mọi người đều muốn đưa thầy cả nhưng vì tối qua thức khuya quá không dậy kịp nên đành xin thất lễ cùng thầy. Có dặn tôi xin thầy mùa đông này thế nào cũng đến chơi cho.

Ngoài đường gió mùa thu buổi sáng lạnh. Đi được nửa chừng Eikichi ngừng lại mua bốn bao thuốc lá ngon hiệu Shikishima, hồng và thuốc ngậm cho thơm miệng hiệu Kaoru vừa cười tủm tỉm vừa đưa tôi:

- Em nó tên là Kaoru mà, trên tầu ăn quýt thì không tốt chứ hồng có bị say sóng ăn vẫn còn được, xin thầy dùng.

- Tặng anh cái này.

Tôi đội cái mũ săn lên đầu anh, lôi chiếc mũ đồng phục học sinh trong cặp ra, vừa vuốt lại các nếp nhăn vừa cùng cười với nhau.

Tới gần bến đò, lòng tôi thót lại vì thấy bóng cô đào ngồi co ro bên bờ nước. Nàng ngồi không nhúc nhích, im lặng cho tới khi tôi tới đứng bên cạnh. Lớp phấn son tối qua hãy còn nguyên trên khuôn mặt cô ta làm tôi thêm cảm động. Lớp phấn hồng quanh quầng mắt cho khuôn mặt còn hum húp của cô ta một vẻ đoan trang non dại. Eikichi hỏi:

- Mấy người khác có tới không?

Cô đào lắc đầu.

- Mọi người còn ngủ cả hả?

Cô đào gật đầu.

Khi Eikichi đi mua vé ra bến với vé lên tầu, tôi khơi hết chuyện này bắt sang chuyện khác nhưng cô đào chỉ đăm đăm nhìn ra chỗ lạch thông với cửa biển không đáp lại một lời nào. Tôi chưa nói hết câu mà nàng đã gật đầu như người ở trong mộng.

Đúng lúc đó thì:

- Ớ cụ, người này được hà.

Mấy người trông dáng như phu phen đến gần tôi.

- Thầy học trò, thầy lên Tokyo học đấy hả. Thấy thầy, muốn cậy một việc đây, đưa bà cụ này lên Tokyo giúp cho được không hà? Bà lão tội nghiệp. Thằng con làm phu mỏ bạc ở Rendaiji hà, vừa rồi có chứng cảm mạo hay lây làm chết cả con lẫn dâu. Còn có ba đứa cháu nhỏ như vầy hà. Không biết làm sao hơn, bọn này mới bàn nhau đưa bà lão về xứ. Quê ở Mito mà bà lão không biết gì hết trơn, nên tới Reiganjima thì đưa bà lão lên tàu đi Ueno cho nhá. Phiền thật đấy nhưng bọn này chắp tay lạy thầy, ấy cứ trông trình cảnh này mà giúp hộ cho nhá. Thầy cũng thấy tình cảnh tội đấy chứ há.

Bà cụ đứng ngơ ngác trên lưng địu một đứa nhỏ hãy còn bú, hai tay dắt hai đứa trẻ gái, đứa nhỏ ba tuổi, đứa lớn năm tuổi. Trong cái tay nải trông dơ dáy, tôi thấy lòi ra một nắm cơm to với mấy quả mơ muối khô (umeboshi). Mấy người thợ mỏ đã thương chăm nom bà lão, thì tôi cũng vui vẻ nhận thay cho họ.

- Nhờ thầy cả đấy.

- Cám ơn. Bọn tôi lẽ ra phải đưa bà lão cho đến Mito, nhưng như thế thì không được ạ.

Mỗi người một câu, mấy người thợ mỏ chào tôi. Bến đò đã rung mạnh lên mà cô đào vẫn chỉ đăm đăm nhìn một phía, không chịu hé môi. Khi tôi nắm vào thành cầu lên tầu quay lại thì thấy nàng như muốn nói Sayonara, nhưng rồi cũng chỉ gật đầu thêm một cái. Cầu treo đã rút xuống. Eikichi cầm cái mũ tôi cho lúc nãy vẫy lia lịa. Từ xa tôi bắt đầu thấy cô đào cũng cầm một cái gì màu trắng vẫy.

Cho đến khi chiếc tầu máy đã đi khỏi biển Shimoda và mũi nam bán đảo Izu đã khuất hẳn ở đằng sau, tôi vẫn đứng tựa lan can tầu rướn tầm mắt ra khơi cố nhìn về phía Oshima. Tôi cảm thấy như đã xa cô đào từ lâu lắm. Tôi quay nhìn vào khoang tầu xem bà lão bây giờ thế nào thì thấy mọi người trên tầu đã quây quần chung quanh an ủi. Yên tâm tôi mới sang buồng bên. Biển Sagami hôm đó sóng to, ngồi xuống lắm khi bị vật hết sang phải lại sang trái. Người làm trên tầu đã thấy đi qua đi lại phát mấy chiếc ống nhổ con bằng kim loại. Tôi kê cặp làm gối nằm xuống. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng nên tôi không còn ý niệm gì về thời gian. Nước mắt lã chã rơi xuống cặp. Đầm đìa đến nỗi thấy lạnh ở má phải lật mặt cặp sang bên kia. Đằng trước tôi có một cậu con trai đang nằm. Cậu là con một ông chủ xưởng máy ở Kawazu lên Tokyo sửa doạn thi nhập học nên khi thấy tôi đội mũ đồng phục của trường Ichi-kô [25] thì tỏ vẻ mến tôi. Nói chuyện được một vài câu thì cậu ta hỏi:

- Thưa anh, anh có chuyện gì buồn thế hả anh?

- Đâu có, tại mình vừa từ biệt người quen đấy mà.

Tôi đã trả lời hết sức thành thật. Cho dù có bị thấy là mình đang khóc tôi cũng vẫn coi như thường. Lúc đó tôi không còn nghĩ ngợi gì. Tôi chỉ như người đang thiêm thiếp ngủ trong niềm hân hoan thoải mái.

Biển tối hồi nào không hay mà đã thấy ánh đèn của Ajiro và Atami. Bụng thấy cồn cào đói. Cậu nhỏ mở vỉ tre ra, tôi lấy sushi quấn nori [26], ăn làm như quên đi mất đó là đồ của người khác. Tôi thọc cả tay vào trong túi áo măng tô của cậu ta lục lọi. Lòng tôi lúc đó đẹp đẽ thánh thiện như một khoảng hư không nên cho dù được đối xử niềm nở đến thế nào cũng vẫn chấp nhận như chuyện tự nhiên phải thế. Sáng mai, nếu có đưa bà lão đến tận trạm Ueno mua vé cho đi Mito sớm tôi thấy cũng là một chuyện quá ư tất nhiên. Tôi cảm thấy bất cứ điều gì cũng có thể dung hợp được.

Đèn trên tầu đã tắt. Mùi cá tươi trên tầu cùng với mùi biển càng lúc càng nặng. Trong bóng đêm đen, hơi nóng của cậu nhỏ truyền sang làm ấm người tôi. Tôi cứ để mặc cho nước mắt rơi lã chã, rơi đi hết để sau đó chỉ còn cái khoái cảm ngọt ngào của sự không còn gì.

(1926)
NHÂN NÓI VỀ TÁC PHẨM IZU NO ODORIKO

Nguyên tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Kawabata và nữ diễn viên Yoshinaga Sayuri (1963)

Lần đầu tiên tôi đi Izu là năm 20 tuổi (1919) và từ chuyến du hành ấy đã đẻ ra tác phẩm Izu no odoriko (Cô đào miền Izu) nay đã đưa vào quyển đầu tiên của bộ Toàn tập. Trong Yugashima no omoide (Kỷ niệm về Yugashima), nguyên là bản sơ thảo của Izu no odoriko, tôi đã thuật lại: "Hồi đó, tôi hai mươi tuổi, nhằm mùa thu tôi vừa lên năm thứ hai được nửa năm. Đây là lần đầu tiên từ khi lên thủ đô, tôi mới làm một chuyến du lịch cho đúng nghĩa". Lên lớp vào tháng 7, đến tháng 9 tôi bắt đầu niên học mới.

Trong Izu no odoriko, có đoạn tôi viết: "Hai mươi tuổi đầu mà tâm hồn đã bị dày vò khổ sở không chịu được, tự thấy mình vì mang mặc cảm mồ côi khiến tâm tính không bình thường, đến nỗi tôi phải tìm xuống Izu chơi cho khuây khỏa". Mặt khác, trong Yugashima no omoide tôi lại viết: ""Năm thứ 1, thứ 2, khi sống nội trú trong trường Ichi-kô, tôi đã vô cùng chán nản. Có lẽ vì so với 5 năm trên ghế trường trung học, khung cảnh phòng trọ lẫn nhà bếp đều khác hết. Hơn nữa, tôi chỉ lo lắng về cái mầm mống bệnh não sót lại từ buổi thiếu thời nên không ngớt cảm thương và xót xa cho số phận của mình. Vì thế mà tôi đã lên đường xuống thăm miền Izu". Tuy tôi có viết rõ ràng về động cơ của chuyến đi nhưng giờ đây nghĩ lại thì tôi thấy mình đã để cho tình cảm chi phối quá nhiều. Tôi nói là mình từng phản tỉnh một cách nghiêm khắc về điều đó nhưng tôi chẳng biết đã thực sự phản tỉnh hay không. Bởi vì tôi nghĩ rằng mình vốn không phải là loại người nghiêm khắc với bản thân.

Thế nhưng trong Yugashima no omoide tôi đã viết như sau:"Mỗi cái câu cô đào bảo tôi là một người tốt (ii hito) và được Chiyoko tán đồng đã đủ làm cho lòng tôi được gột sạch, trở nên trong vắt. Tôi nghĩ mình là một người tốt. Phải rồi. Mi là một người tốt. Tôi tự trả lời như vậy. Một câu nói bình thường gọi tôi là người tốt đã rọi sáng lòng tôi. Khi đi từ Yugashima xuống Shimoda, dù suy xét về mình thế nào, tôi cũng chỉ thấy tôi là một người bạn đường tử tế. Ý tưởng được trở thành một người như thế đã khiến lòng tôi vui. Lúc ở bên song cửa ngôi nhà trọ ở Shimoda hay khi ngồi trong con tàu biển, tôi đều cảm thấy thỏa mãn về mình vì đã được cô đào hát cho là một con người tốt.Tôi đã nhỏ những giọt nước mắt sung sướng khi nghĩ đến người con gái đáng yêu đã đánh giá mình như vậy. Bây giờ nhìn lại mới thấy điều đó thật là lạ lùng. Chả nhẽ lúc đó mình ngây thơ đến thế". Nhưng dù sao, chắc chắn điều đó đã là một phần của động cơ giúp tôi viết nên Izu no odoriko. Và có lẽ nó cũng là lý do khiến cho độc giả yêu mến tác phẩm này.

Với Izu no odoriko cũng như với Yukiguni (Xứ Tuyết, 1935-47), tôi đã viết để bày tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu. Izu no odoriko là tác phẩm bộc lộ điều đó một cách chân phương (sunao) nhất. Còn trong Yukiguni thì nó đã thể hiện sâu sắc với nhiều đau khổ hơn.

Trong Izu no odoriko, tôi hầu như không mô tả phong cảnh bên đường từ Shuuzenji đến Shimoda. Tôi không đặc biệt có chủ tâm tả cảnh. Mùa hạ năm 24 tuổi (1923), tôi viết nó ở Yugashima nhưng không định công bố, đến năm 28 tuổi (1927), mới sửa chữa vài chỗ rồi chép ra. Lúc đó tôi tính sẽ bổ sung vài đoạn tả cảnh nhưng rồi bỏ không làm.Tuy vậy, dĩ nhiên là tôi có tô chuốt (mỹ hóa) cho các nhân vật ở vài chỗ.

Năm Shôwa thứ 8 (1933), lúc Izu no odoriko được dựng thành phim [27], vấn đề mỹ hóa nhân vật này đã được tôi đề cập đến:"Cô đào năm đó 14 tuổi (ta) thì năm nay (1933) cũng đã 33 . Kỷ niệm còn hiện ra rõ rệt trong tôi là vết son đỏ ở đuôi mắt khi cô đang nằm ngủ. Đó là một màu son kiểu xưa.Lần đó là chuyến đi hát rong của đoàn.Về sau họ về định cư ở cảng Habu trên đảo Ôshima và mở một cửa hàng ăn nho nhỏ. Họ còn trao đổi thư từ một ít lâu lúc tôi còn ở nội trú trong trường Ichi-kô. Tuy mặt mày không thể giống nhau nhưng phải nói là nữ diễn viên Tanaka Kinuyo (1909-1977) đã vào vai cô đào rất khéo. Đặc biệt là cái dáng đằng sau lưng của cô với cái cổ áo hanten [28] thả lửng trên vai. Nói chung cách cô đóng trò một cách đầy hứng khởi và thân tình làm tôi rất bằng lòng. Cô Wakamizu Kinuko trong vai chị dâu thể hiện được như thật cái mệt mỏi của vai một người đàn bà vừa sinh non đã phải đi đường. Vì cô không được dùng để diễn một cảnh nào nên vẻ biếng nhác u sầu lại càng hợp với vai của cô. Trên thực tế, đó là một sự phí phạm vì cô là một người đẹp. Chính ra cặp vợ chồng thật của người anh mà cô thủ một vai thì khổ sở vì viêm nhọt (haremono), sáng sáng đau nhức tay chân, không ra khỏi giường ngủ. Người anh mỗi khi đi tắm suối nước nóng đều phải thay thuốc cao dán nơi chân. Trong bể tắm, họ không thể nào tránh được cái nhìn của tôi. Còn chuyện đứa trẻ mới đẻ ra đã trong suốt chắc có lẽ là hậu quả của chứng bệnh này.

Tôi viết Izu no odoriko một cách trôi chảy. Duy có một vấn đề làm tôi hơi lúng túng là không biết có nên nói tới chứng bệnh này không. Nếu tôi viết nó ra, có lẽ Izu no odoriko đã biến thành một tác phẩm khác đi một chút.

Tuy không hề có ác ý nhưng không hiểu sao cái chứng viêm nhọt kia đã gây ấn tượng mạnh mẽ và bám theo tôi không thua gì vệt son đỏ nằm ở đuôi mắt cô đào. Bà mẹ thì bẩn. Con mắt, cái miệng của cô đào và đường nét trên khuôn mặt tuy đẹp một cách khác thường nhưng mũi có hơi nhỏ. Tôi không viết ra những điều ấy làm chi vì tôi thấy nó không đáng nói. Duy cái chứng viêm làm chân họ sưng phồng là điều mà 4, 5 hôm liền, tôi suy nghĩ cả đêm đến sáng, nhức cả đầu mà không biết có nên viết về nó hay không. Nếu viết ra chắc tôi sẽ hối hận, còn như không viết thì tôi sẽ bị hình ảnh viêm nhọt bám theo làm cho nhức đầu. Con người ta thật lạ, nơi họ có cái làm mình ghê tởm nhưng cũng có cái làm mình yêu mến.

Tôi bảo tôi và họ có "trao đổi thư từ" thì cũng là nói quá lời.Chỉ có ông anh cô đào gửi cho tôi hai, ba tấm bưu thiếp thôi. Phía họ tin chắc như bắp là tôi sẽ ra đảo Ôshima, ông anh viết rằng đến Tết sẽ có diễn tuồng và yêu cầu tôi xuống giúp. Lúc chia tay ở Shimoda, tôi cũng tin chắc là vào dịp nghỉ Đông, tôi sẽ ra đảo Ô shima để gặp lại họ.Thế nhưng vì không có tiền nên tôi đã bãi bỏ dự định. Nếu tôi cố gắng thì cũng sẽ tạo được dịp đấy nhưng tôi đã không thử cố gắng. Sau đó, tôi nhớ là tôi có nhận được bưu thiếp cho biết họ đã lên Tôkyô để múa vào dịp lễ thưởng hoa ở Asukayama [29]. Thế nhưng họ chỉ gửi bưu thiếp cho tôi sau khi đã về đến đảo.

Trong số các trứ tác của tôi, Izu no odoriko là tác phẩm được độc giả yêu mến nhất nhưng đối với tác giả của nó thì vẫn có chỗ chưa được bằng lòng. Tôi muốn bảo rằng hai tác phẩm Haru keishiki (Phong cảnh mùa xuân) và Onsen yado (Nhà trọ suối nước nóng) đáng được yêu chuộng hơn. Tuy nhiên, gần đây, lâu ngày đọc lại Izu no odoriko nhân nó được chọn vào Hosokawa tùng thư (?), tác giả mới có dịp đối mặt với tác phẩm của mình một cách trung thực.
 

K.Y.


Tư liệu tham khảo:

1. Kawabata Yasunari, Izu no odoriko, Vũ Thư Thanh dịch thành Cô đào miền Izu đăng trên số báo Văn, số ngày 15 tháng 10 năm 1969. Bản chụp ảnh do hai nhà giáo Nguyễn Nam và Đào Lê Na gửi tặng.

2. Kawabata Yasunari, Izu no odoriko, trong Tuyển tập 7 truyện ngắn cùng tên của Kawabata, Sôryuusha (Sáng Long Xã) , Tôkyô xuất bản, 1980. Nguyên tác Nhật ngữ.

3. Kawabata Yasunari, Izu no odoriko, trong Tuyển tập 8 truyện ngắn cùng tên của Kawabata (có phần bình luận, thuyết minh của tác giả và niên biểu sáng tác), Kadokawa Bunko, Tôkyô, sơ bản 1951, bản sử dụng: 1992.

Kawabata Yasunari, Izu no odoriko, Sylvie Regnault Gatier và Suematsu Hisashi dịch sang Pháp văn (La Danseuse d’Izu) trong Tuyển tập nhan đề Kawabata, Romans et Nouvelles, La Pochothèque, Livres de Poche xuất bản, Paris , 1997.
___________


[1] - Sam là tên Hán của cây Sugi (tuyết tùng, Japanese cedar)

[2] -Kasuri: Một thứ áo kimono may bằng vải dày, thường là vải xanh đậm có điểm chấm trắng.. .

[3] - Hakama: Một thứ khố để mặc ra ngoài kimono của đàn ông trong những dịp cần ăn mặc đứng đắn.

[4] - Hoo-no-ki (phác), một loại cây họ mokuren (magnolia) hay được dùng để làm dụng cụ, bàn tủ vv

[5] - Ê: một tán thán từ như những chữ hay dạ của tiếng Việt thay cho lời cảm ơn.

[6] - Lý: khoảng hơn 3, 9 km nhưng nói theo kiểu xưa thì chỉ có 700m.

[7] - Cửa chướng tử (shôji): trong một căn nhà Nhật, các buồng được ngăn bằng những cửa kéo dán giấy bản hoặc giấy bồi. Riêng những cửa không phải ngăn giữa các buồng mà thông với bên ngoài, để che cho mưa khỏi làm hư giấy còn có lớp cửa kéo khác bằng ván mỏng hay bằng tôn gọi là cửa che mưa. Tiếng Nhật hai thứ cửa này lần lượt là shôjiamado.

[8] - Chô: khoảng 109 mét.

[9] - Ken: Nếu là đơn vị đo chiều dài thì ken = 1, 818 m. Mươi ken = khoảng 20m

[10] - Nhà trọ bình dân (Kichinyado) giá rẻ hoặc lấy vật dụng (củi, gạo) thay cho tiền phòng..

[11] - Tenugui: vuông khăn có thể sử dụng nhiều cách như lau mặt hay đi tắm.

[12] - Trường tầm thường (Jinjô), ý nói giáo dục cơ sở (nghĩa vụ) trong chế độ giáo dục Nhật trước Thế chiến thứ hai và tương đương với bậcTiểu học bây giờ.

[13] - Shamisen: một thứ đàn giống như đàn tam (đàn ba dây) của ta.

[14] - Kỳ: một lối đánh cờ của Trung Hoa truyền sang Nhật và thành phổ thông. Trên thế giới, cờ này được gọi là cờ "go" hay cờ vây. Cờ được đánh trên một bàn vuông, mỗi chiều gồm 18 ô và định thắng thua theo đất ô trống vây chiếm được. Lối chơi rất giản dị nhưng chơi cho cao hết sức khó.

[15] - Cờ tướng của Nhật (Shôgi).

[16] - Chơi sắp năm: dịch chữ gomokunarabe, một thứ cờ ca rô nhưng không được đánh hai nước ba mà phải nước ba-bốn hay bốn bốn mới được.

[17] - Tân kịch (Shingeki, Shimpa), biến thể của nhà hát Kabuki, có thể xem như tuồng cải lương.

[18] - Phong tục cọ lưng hộ người khác (vì là chỗ tự mình thì khó đưa tay chạm tới) trong phòng tắm là chuyện thường thấy ở Nhật

[19] - Dao (utai): Khúc hát trong khi diễn tuồng Nô.

[20] - Yaoya : ý nói người bá nghệ, làm đủ mọi thứ.

[21] - Truyện dã sử về những cuộc du hành diệt trừ tham quan ô lại của ông phó Shôgun tên Tokugawa Mitsukuni (tức Mito Kômon).

[22] - Tục lệ Nhật Bản sắp xếp bằng cách quay đầu guốc lại cho người vào nhà để tiện cho họ lúc ra về.

[23] - Hanami: Hội thưởng hoa anh đào khoảng đầu tháng 4.

[24] - Lược vòng = lược hình bán nguyệt thường được cài trên búi tóc.

[25] - Trường Ichi-kô: Nguyên là Dai-ichi Kôtô Gakkô (Đệ nhất cao đẳng học hiệu), là trường nổi tiếng nhất ở Nhật như trường Bưởi của ta thời tiền chiến. Trường này là một phân bộ dạy những sinh viên trong mấy năm đầu của trường Đông Kinh đại học.

[26] - Nori: rong biển Nhật sấy khô.

[27] - Đây là bộ phim Izu no odori đầu tiên. Hãy còn 5 bộ tiếp theo với những nữ diễn viên thuộc các thế hệ sau như Yoshinaga Sayuri (1963), Naitô Yôko (1967) và Yamaguchi Momoe (1974) vv...

[28] - Áo khoác không cài khuy kiểu Nhật, giống như áo bông, người lao động thường mặc để phòng lạnh.

[29] - Một vùng đồi ở nội thành,thời Edo là địa điểm thưởng hoa (hanami) có tiếng. Nay đã trở thành công viên.