Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
 
Thẩm phán Wakasugi

Nguyên tác : Wakasugi Saibanchou 
của Kikuchi Kan
Người dịch : Quỳnh Chi

Ông Wakasugi Kouzo, thẩm phán tòa hình sự ở địa phương nọ khi còn trẻ là một con chiên rất sùng đạo.

Nhưng hiện nay ông không còn theo đạo. Không ai còn nhận ra là ông thẩm phán Wakasugi đạo mạo trong bộ áo quan tòa ở pháp đình ấy, thời tuổi trẻ đã từng hết lòng mộ đạo. Tuy thế, cũng giống như thương tích của các cuộc so gươm nẩy lửa ở tuổi thanh xuân đầy nhuệ khí của các sinh viên người Đức vẫn còn sót lại giữa những nếp nhăn trên gương nặt già nua, sau khi họ đã trở thành quan chức chính phủ và giờ chỉ còn là người công bộc già yếu.

Dấu vết đó không gì khác hơn là ở chỗ thẩm phán Wakasugi tỏ ra có một sự cảm thông sâu xa đối với tội nhân. Nhất là nếu thấy tội nhân tỏ ra hối hận, dù chỉ đôi chút về tội mình đã phạm, có vẻ như đã ăn năn, thì ông thẩm phán liền tuyên án rất bao dung đến độ công tố viên cũng không ngờ. Dĩ nhiên là trong trường hợp này, nhất định là công tố viên thụ lý vụ án ấy sẽ kháng nghị. Có khi kháng nghị cũng bị phủ quyết, nhưng đôi khi trái lại, tòa trên bác bỏ phán quyết của tòa dưới và tuyên án còn nặng hơn.

Đối với các vị thẩm phán, việc phán quyết của mình bị bác bỏ là điều vốn không vinh dự chút nào. Nhưng dù thế đi nữa, các phán quyết của thẩm phán Wakasugi bao giờ cũng quá đỗi bao dung.

Hễ biết được là thẩm phán Wakasugi sẽ xét xử, các bị cáo đều mừng rỡ đến muốn nhẩy cẫng lên được.

Ở đời, chỉ trừ những người hết sức độc ác làm người ta phải rùng mình kinh hãi, còn thì hầu hết mọi người chẳng ai có ý muốn phản đối khi thấy bị cáo được tòa tuyên án khoan hồng. Nếu bị cáo ít nhiều có điểm nào khiến người ta cảm thông được, thì bản án càng nhẹ người ta càng có cảm giác khoan khoái là khác. Hơn nữa, những người có ít nhiều quen biết với bị cáo thì người ta vui mừng cũng là chuyện đương nhiên. Cũng vì vậy, cũng không gì lạ là không biết từ bao giờ thẩm phán Wakasugi đã trở thành vị quan tòa nổi tiếng.

Tất nhiên, suy nghĩ về tội phạm của thẩm phán Wakasugi hoàn toàn khác với các vị thẩm phán bình thường khác là chuyện đương nhiên. Có thể nói rằng ông hoàn toàn không phải là mẫu người để làm nghề thẩm phán. Là vị quan tòa mặt mày nghiêm nghị trong bầu không khí nặng nề u ám của tòa án, nhưng ông lại là người tinh tế, đa cảm quá. Thực sự là chính ông vốn cũng không một mảy may nào có ý muốn theo học ngành luật. Khi còn học trung học đệ nhị cấp ở Tokyo, ông đã theo ban Văn, hơn nữa còn muốn đi vào ngành Triết học. Dường như là ông có ý muốn trong tương lai sẽ trở thành nhà giáo. Tất nhiên, nếu là nhà giáo, ông muốn trở thành một nhà giáo chân chính có sức gây được ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với mọi người. Thế nhưng tại sao Wakasugi đã quyết chí trở thành nhà giáo, mà sau lại đổi sang ngành luật. Đó là vì có hai nguyên nhân. Một là vì bạn đồng song mà ông rất nể phục là Morita bỗng quyết định không theo ban Văn mà chuyển sang ban Luật. Nghe đâu là cậu Morita này là người luôn đứng đầu ban Văn trong suốt cả năm, nhưng đến lúc còn độ nửa năm nữa là ra trường, thì người anh ruột của cậu ta bảo "Học ban Văn thì sau này không sống nổi. Hay là hãy dứt khoát mà đổi sang khoa Luật đi xem nào." Thực tế là bấy giờ, thấy có nhiều trường hợp cụ thể ở ban Văn tốt nghiệp ra sống rất vất vả, nên một người rất thông minh như Morita liền quyết định đổi sang ban Luật. Bạn Morita có thành tích học tập tốt hơn, sở học cũng nhiều, nay vì lo cho sinh kế trong tương lai mà chuyển ban, thì Wakasugi lúc bấy giờ cũng phải dứt khoát đồng ý theo.

Hơn nữa, Wakasugi còn gặp một chuyện như sau. Nghe đâu là đúng vào lúc đang học lớp đệ nhị, một đêm nọ Wakasugi đang trên dốc Tomizaka từ phố Kasuga đi về phía chùa Dentsu-in. Khi đi lên được chừng nửa con dốc, thì thấy có hai ba người đứng xúm xít trước của hiệu sữa ở bên phải đường đi lên dốc. Không biết có chuyện gì, Wakasugi bèn đứng lại, thì từ trong hiệu sữa có một người đàn ông lực lưỡng trông như bọn thợ thuyền đang giải các ông ăn mặc chỉnh tề mà tay thì bị trói lại, đi ra. Tưởng rằng chỉ có thế, nhưng nào ngờ sau đó có đến mấy tốp người như vậy đi ra. Tốp nào cũng thế, người trói có vẻ là người lao động, còn người bị trói là các vị ăn mặc chỉnh tề, nên trông rất kỳ quặc. Bây giờ nghĩ lại thì đó là các vị này đã sa chân vào chỗ cờ bạc nên cũng chẳng có gì lạ. Nhưng Wakasugi bấy giờ chưa từng trải chuyện đời, trông thấy thế thì quá đỗi ngạc nhiên, cứ ngẩn người ra. Đúng lúc ấy có một cậu thanh niên tiến đến trước mặt Wakasugi. Dường như cậu thanh niên này còn ít từng trải hơn cả Wakasugi, cậu ta cũng không hiểu gì về sự việc đang diễn ra trước mắt, nên đã tiến lại gần cửa vào hiệu sữa mà dòm vào trong nhà. Bấy giờ dường như không còn kẻ tội phạm nào để trói, một người đàn ông cũng có dáng dấp thợ thuyền, đi tay không từ trong hiệu sữa ra, thấy người thanh niên đứng chắn ở cửa vào làm vướng chân mình thì quát bảo "Tránh ra! Xem cái gì hả?" Chẳng những thế, anh ta còn hùng hổ đẩy người thanh niên phải lùi lại. Đương nhiên là cậu thanh niên này không biết rằng đó là viên cảnh sát, là hạng người nắm trong tay một thứ quyền lực mà cậu ta không có. Cậu vừa quát "Làm cái gì thế!", vừa xấn xổ xông vào viên cảnh sát.

Tức thì, viên cảnh sát ấy vừa quát lại "Cái gì! Chống hả? Muốn chống thì hãy tới đồn cảnh sát!" vừa hung hãn trói quặt cậu thanh niên lại. Chắc hẳn là trong khi những người đồng sự đều giải được con mồi tóm được đem về, chỉ có mỗi mình anh ta là ra về tay không, nên viên cảnh sát này cảm thấy hơi khó chịu. Vì vậy, nên có lẽ anh ta mới nẩy ra cái tà ý là hãy cứ trói một người giải về đồn đã, bất kể đó là ai,

Cậu thanh niên nhận ra đó là viên cảnh sát thì hơi lúng túng, thế nhưng cậu ta cũng cố kháng cự lại. Nhưng viên cảnh sát có sức lực hơn, không khó khăn gì để trói cánh tay phải của cậu thanh niên lại, cuối cùng anh ta đã lôi cậu thanh niên đi đấy là gì. Chắc là anh ta định bụng sẽ gán cho cậu thanh niên tội danh "Gây trở ngại cho việc thi hành công vụ", hay thế nào cũng được, miễn là lôi được cậu ta về đồn cảnh sát. Hơn nữa, lôi cậu thanh niên đi được một quãng cách chỗ Wakasugi và một vài người đang đứng đấy chừng mấy mét, hình như viên cảnh sát còn tát cậu thanh niên hai ba cái, đến nghe được cả tiếng tát. Có lẽ theo thể chế đã tiến bộ như hiện nay, hẳn là cảnh sát thời nay không còn hành hung như viên cảnh sát này. Nhưng vào thời Wakasugi còn học trung học, tức là mười mấy năm trước đây, rõ ràng là cảnh sát vẫn làm như vậy.

Đang ở tuổi thanh niên đa cảm, không lạ gì là Wakasugi thấy vậy đã tức giận đến tột độ. Nhân quyền bị hủy hoại, con người bị nhục mạ. Người coi trọng chính nghĩa như Wakasugi bất bình quá, đến nổi cả da gà. Và toàn thân run rẩy kinh hãi, vì thấy quyền lực quốc gia bị bọn người man rợ lạm dụng đến như thế.

Tối hôm ấy, về đến cư xá rồi Wakasugi vẫn không nguôi được lòng căm phẫn trước hành vi bất chính của viên cảnh sát. Đi nằm rồi, Wakasugi vẫn còn thao thức mãi. Lúc ấy trong lòng Wakasugi chợt nẩy ra ý nghĩ sau này sẽ học Luật, để dùng lời lẽ khẳng khái cương trực mà biện hộ cho những người vô tội.

Nguyên nhân sâu xa khiến Wakasugi chọn ngành Luật hẳn là từ đó. Nhưng nguyên nhân trực tiếp có lẽ là vì bạn Morita mà cậu vẫn nể phục bỗng bỏ ngang ban Văn mà chuyển sang học Luật. Thời bấy giờ chưa có tình trạng sinh viên khoa Luật quá đông như hiện nay, nên việc đổi sang học Luật cũng dễ dàng. Nhưng lẽ ra sẽ trở thành luật sư, xong Wakasugi thấy nghề thầy cãi có vẻ phàm tục và thực tế quá nên không thích, do đó ngay trước khi ra trường, cậu đã đổi ý mà trở thành công chức ngành tư pháp.

Với lý lịch như thế, so với các vị thẩm phán thông thường khác, thẩm phán Wakasugi là người hướng nội, nhân đạo hơn, nên ông không hề có cái tật coi kẻ ác hay tội nhân là tạo vật khác với người bình thường, thì cũng là điều đương nhiên. Ngoài ra, quan niệm về tội lỗi của ông Wakasugi đa phần chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, theo đó có thể thấy động cơ đưa đến mọi hành vi phạm tội đều là thuộc tính của con người, vậy thì làm sao ta có thể hoàn toàn ghét bỏ tội nhân được. Máu chảy trong huyết quản của tội nhân có khác gì với máu chảy trong huyết quản của ta đâu, quan niệm quá đỗi nhân đạo như thế nơi một vị thẩm phán có lẽ luôn có tác động tâm lý đến ông khi đưa ra phán quyết. Một tình cảm khác nữa cũng có tác động tâm lý đối với ông Wakasugi, đó là bằng bất cứ giá nào, ông nhất quyết không để cho có người bị tội oan. Về chuyện xét xử ở tòa, người ta hay nhắc đến câu cách ngôn như một điều răn rằng

"Dù tha nhầm chín người có tội, cũng đừng kết tội oan một người ". Có lẽ điều răn này luôn tác động mạnh đến những suy tư trong lòng ông Wakasugi.

Nói cách khác, các phán quyết của thẩm phán Wakasugi rất đỗi bao dung có lẽ cũng là kết quả đương nhiên, từ phẩm cách nhân đạo của vị thẩm phán này.

Tuy thế, thỉnh thoảng không phải là không có trường hợp thẩm phán Wakasugi cũng bị chỉ trích là quá bao dung mà quên rằng cũng cần phải có hình phạt. Nhưng, ngay cả những người đã từng phê phán ông như thế, khi biết được rằng nhân cách của thẩm phán Wakasugi đã hình thành trên nền tảng sâu xa của một lý tưởng rất vững chãi, thì chẳng bao lâu họ cũng quên hẳn và không còn chỉ trích ông nữa.

Trong những phán quyết của thẩm phán Wakasugi có không biết bao nhiêu bản án rõ rệt là đã được suy xét thấu đáo đến cả về tình, và đầy sự cảm thông.

Một trong những vụ án khiến thẩm phán Wakasugi nổi tiếng, là trường hợp người anh phóng đãng thường hay vòi tiền cha mình cuối cùng bị cha từ chối, đã tức giận cầm gậy đánh cha, khiến người em cũng có mặt ở đấy đã đập một gậy làm anh lăn ra chết. Nếu là những vị thẩm phán thông thường thì cho dù cảm thông mà thương tình cho bị cáo, nhưng cái tội danh "giết thân tộc bề trên mình" khiến vị quan tòa dù độ lượng đến đâu chăng nữa, có lẽ cũng tuyên án tù 5 năm. Thế nhưng đồng thời với án tù 5 năm trừng phạt tội đã gây ra, thẩm phán Wakasugi đã không quên cho tội nhân được hưởng ân huệ tù treo.

Bị cáo này đã được đến 150 người làng- đứng đầu là ông trưởng thôn- ký thỉnh nguyện thư xin tha tội, nên khi nghe tuyên án, đương sự và cả làng ai nấy đều nhẩy múa vì vui mừng.

Nếu đã kể ra vụ này, thì còn mấy vụ nữa cũng đáng kể. Thẩm phán Wakasugi đã tận dụng tối đa ân huệ án tù treo, có thể gọi đấy là những giọt lệ hình sự chan tình người vào công việc vận hành pháp luật vốn có tính cách máy móc, và chắc hẳn là đối với quan tòa thì đó cũng là một điều thú vị.

Vì thế, trong thành phố nọ với dân số trên năm vạn người, hễ nói đến thẩm phán Wakasugi thì đó là vị thẩm phán danh tiếng, tiếng tăm lẫy lừng.

Thế nhưng đúng vào thời điểm danh tiếng ông Wakasugi lên đến tột đỉnh, đã xẩy ra câu chuyện sắp kể sau đây. Có lẽ ai cũng đã từng một vài lần đọc thấy trên báo địa phương, là ở vùng Kansai thỉnh thoảng lại xẩy ra một vụ đạo tặc Zigoma mà thủ phạm là học sinh trung học đệ nhất cấp. Đây là một yếu tố khiến cho các bậc thức giả vin vào đấy mà phê phán phim ảnh, cho rằng đó là do ảnh hưởng xấu của phim ảnh. Vừa đúng lúc ấy, ở địa phương nọ cũng xẩy ra một vụ Zigoma học sinh, đã thu hút sự chú mục của dân chúng trong vùng. Hơn nữa, bị can là một học sinh ưu tú đang làm trưởng lớp, lại thêm mặt mày trắng trẻo khôi ngô tuấn tú, nên không lạ gì là mọi người đều rất đỗi kinh ngạc.

Cách phạm tội thì cũng rập khuôn, đó là cậu thiếu niên đã gửi thư hăm dọa một nhà phú hộ ở ngoài thành phố, nội dung dài dòng đại khái là "Đến tối ngày mấy tháng mấy phải đem 200 yên- gói trong giấy báo - để ở dưới cổng đền Hachiman. Nếu không, sẽ bị ném bom nổ thiêu rụi cả nhà". Nhà ấy cho đây chỉ là trò nghịch ngợm ác ý, nên mặc kệ không thèm để ý, thì mới kinh ngạc làm sao là vào tối hôm trước ngày giao hẹn trong thư, trước cổng nhà phú hộ ấy nghe có tiếng nổ thật lớn. Tuy nhiên, cũng có thể đây chỉ là chi tiết do báo chí thêm thắt vào bản tin. Vì cậu thiếu niên thủ phạm khai rằng cậu đã ném cùng một lúc cả ba quả pháo lớn, nên sự thực là tiếng nổ cũng không lớn lắm đâu. Vì có thư hăm dọa, nên nghe đâu cả gia đình nhà phú hộ cũng có thắc thỏm, nên khi nghe thấy tiếng nổ thì sợ xanh cả mặt- chi tiết này thì hẳn không phải là do người kể chuyện thêm thắt vào-. Nếu bỏ qua sẽ thành chuyện lớn, nên nhà ấy liền tức tốc sai người đến sở cảnh sát khai báo đầu đuôi sự việc từ khi có thư hăm dọa gửi đến. Đã lâu ngày không có án mạng nào xảy ra, cảnh sát đang khổ sở vì nhàn rỗi chẳng có việc để làm, nên nghe khai báo thì như có làn sinh khí thổi vào, hớn hở bắt tay ngay vào việc. Đến ngày giờ hẹn, do thủ phạm đã định, tức là vào đêm hôm sau đó, trưởng ty cảnh sát cùng một viên chức và sáu nhân viên dưới quyền, tất cả đều cải trang, đến vây quanh khu rừng có đền thờ, trong đó có hai viên cảnh sát- một người có võ nhu đạo bậc sơ cấp và một người đấu kiếm bậc đệ tam cấp-, tới nấp sẵn trong bóng của cổng đền. Và rồi một gói giấy báo trông như thể là bọc tiền đã được đặt ngay dưới chiếc cổng ấy.

Tối hôm ấy là một đêm trăng đẹp, đẹp đến nỗi làm cho các viên cảnh sát đợi đạo tặc Zigoma xuất hiện cũng phải thấy nao lòng. Họ đã đợi, đợi mãi đến sắp phát chán, thì đúng lúc ấy có một người đàn ông choàng áo khoác, nhanh thoăn thoắt bước lên con đường dốc thoai thoải đi lên đền. Các viên cảnh sát nín thở thủ thế chờ xem người ấy có hành vi nào khả nghi thì sẽ xông ra. Tức thì người ấy đến dưới cổng đền, dừng chân lại, nhìn quanh một vòng, rồi, chẳng phải là hắn đã khẽ cầm bọc giấy báo ấy lên, dù trong bóng đêm cũng thấy rõ đấy là gì. Nhanh như ánh đèn điện bật sáng, viên cảnh sát có võ nhu đạo nhẩy ra như thể sư tử vồ mồi. Anh ta nhẩy chồm ra tưởng chừng sẽ phải một phen quần thảo ghê gớm lắm, nhưng không ngờ là cánh tay vạm vỡ của người cảnh sát đã chạm vào một thân mình mảnh mai như của nữ nhi. Theo tiếng còi của viên cảnh sát có kiếm thuật, năm người cảnh sát khác dưới quyền trưởng ty cùng xông vào, nhưng khi thoạt trông thấy cậu thiếu niên này, mọi người đã phải nhìn nhau ngơ ngác.

Thế nhưng, cậu thiếu niên yếu đuối ấy quả đúng là thủ phạm của vụ hăm dọa hụt này.

Khỏi phải nói là cậu thiếu niên này đã bị dư luận bàn tán rất xôn xao và đang chờ ngày ra tòa. Nhìn chung, vì còn là trẻ vị thành niên nên lẽ ra sẽ được xem là tội nhẹ mà không bị giam cầm, nhưng việc thực sự dùng đạn pháo hăm dọa đã đem lại hậu quả rất bất lợi cho cậu.

Tuy nhiên cho dù cậu có bị kết tội trong phiên tòa dự bị và sẽ bị đưa ra xét xử chăng nữa, những người tỏ ra thông cảm với cậu vẫn còn hy vọng. Là vì người xét xử sẽ là thẩm phán Wakasugi, họ nghĩ không đời nào mà quan thẩm phán lại xử cậu thiếu niên phải bị án ngồi tù.

Tòa đã mở phiên xử đầu tiên. Trong phần chất vấn mở đầu của thẩm phán Wakasugi, ông đã tỏ ra rất cảm thông với bị cáo. Cậu thiếu niên bị cáo cũng dõng dạc khai đúng tội của mình. Có lúc quan thẩm phán cũng phải ngao ngán vì sự táo bạo của cậu ta. Sự thực có lẽ là cũng giống như các cậu thiếu niên thích mạo hiểm thường hành động liều lĩnh, rồi cứ thế mà phạm tội lúc nào không biết.

Tóm lại, đây chỉ là khuynh hướng mơ mộng đặc biệt thường thấy ở tuổi thiếu niên, nhưng rồi đương sự đã lỡ sai đường lạc lối. Thẩm phán Wakasugi thừa hiểu tâm lý thanh thiếu niên và thông cảm được. Vì vậy khi nghe công tố viên trong phiên tòa này nghiêm khắc luận tội, mà tỏ ra không hiểu chút nào về tâm lý thanh thiếu niên, trong lòng ông đã cảm thấy không thể nào đồng ý được.

Trước khi nghe lời biện hộ thật hùng hồn của luật sư, dường như trong thâm tâm, quan thẩm phán đã định bụng sẽ ban án tù treo. Luật sư trổ tài biện hộ trong gần hai giờ đồng hồ. Bài hùng biện của luật sư nhấn mạnh đâu như là ở chỗ cái tội mà cậu thiếu niên đã phạm không phải là lỗi ở cậu, mà là lỗi ở xã hội.

Hay nói cách khác, chủ đích của bài hùng biện là muốn nói rằng đó là tội của các nhà giáo dục và phim ảnh. Thực ra dưới mắt của quan thẩm phán, nhìn cậu thiếu niên mặt xanh rờn đang thành khẩn chờ đợi, có lẽ chẳng ai mà không động lòng thương. Cậu thiếu niên có khuôn mặt tròn trắng trẻo trông thật dễ có cảm tình. Người ta không khỏi có ý nghĩ cho rằng, chẳng qua đấy chỉ là trò đùa nghịch của thiếu niên đã bị cảnh sát phóng đại lên, tạo thành một vụ hăm dọa tống tiền.

Lúc ấy thẩm phán Wakasugi vừa nghe luật sư hùng biện mà vừa hồi tưởng lại thời niên thiếu của chính mình. Thế rồi ông nhớ rõ mồn một cái lần bị đứa bạn tinh nghịch bày trò ban đêm lẻn vào ăn trộm trong vườn táo nhà hàng xóm. Đó là một sự mạo hiểm khá lãng mạn khiến cậu cảm thấy rất thích thú. Theo kiến giải của luật pháp thì hiển nhiên đó là một vụ trộm cắp ngoài trời. Thế nhưng, nếu mọi trò nghịch ngợm tự do phóng khoáng có tính cách mạo hiểm ở tuổi trẻ đều bị coi là có tội, thì liệu là có chính đáng hay không. Thực sự là trong lòng thẩm phán Wakasugi đã đầy ắp sự cảm thông đối với cậu thiếu niên này. Và dĩ nhiên là việc cậu là học sinh giỏi lại làm trưởng lớp cũng khiến quan thẩm phán có cảm tình chứ chẳng không.

Phiên tòa hôm ấy bế mạc, và ngày tuyên án sẽ là Thứ Hai tới đây.

Các số báo ra ngày hôm sau tường thuật lại quang cảnh ở pháp đình đã dự đoán như thể là một điều chắc chắn rằng cậu thiếu niên đáng được hưởng án tù treo. Những người cảm thông với cậu thiếu niên cũng tin là thế mà không chút nghi ngờ.

Thế rồi vào tối Thứ Sáu, tức là ba hôm trước Thứ Hai, ngày sẽ đưa ra phán quyết, tình cờ có một sự việc đã xẩy ra cho thẩm phán Wakasugi.  

Số là vào tối hôm Thứ Sáu, hôm ấy lại nhằm vào một ngày nào đó trong tháng ba, là lúc ở nhà thẩm phán Wakasugi, vợ ông mới sinh con xong còn đang ở cữ. Bà đã sinh ba cậu con trai, nhưng vì lần này trở dạ lâu lắm mới sinh được, nên sinh xong thì bị yếu vì mất sức, ai trông thấy cũng phải ái ngại giùm. Các cậu bé thường vẫn còn nô đùa cho đến khuya, xong hôm ấy trời mới tối đã bị bắt phải đi ngủ. Chỉ còn thẩm phán Wakasugi là vừa thỉnh thoảng đánh tiếng hỏi thăm vợ nằm ở gian phòng bên cạnh, vừa đọc sách trong thư phòng mãi đến tận khoảng 12 giờ đêm. Khi đồng hồ vừa điểm 12 tiếng, quan thẩm phán đi nghỉ trên bộ nệm mà cô giúp việc đã trải trong phòng. Ông đánh tiếng hỏi thăm vợ ở phòng bên cạnh, nhưng dường như người vợ đã say ngủ nên không nghe có tiếng trả lời.

Khoảng vài giờ đồng hồ trôi qua, thẩm phán Wakasugi chợt thức giấc, bỗng nghe có tiếng lục cục trong phòng khách bên cạnh phòng của vợ ông. Ông đoán là lũ chuột chạy trên kệ trong phòng khách, nên nhắm mắt lại ngủ tiếp, nhưng tiếng động ấy vẫn kêu lục cục mãi.

Ông Wakasugi nghĩ bụng, ngày thường lũ chuột có khi nào phá phách trong phòng khách đâu nhỉ, rồi mãi sau đó mới chợt hiểu ra nguyên nhân. Đó là vì trên kệ có để nhiều hộp bánh và giỏ hoa quả làm quà thăm sản phụ cho vợ ông. Khi nghĩ ra điều đó, ông định đánh tiếng đuổi chuột, nhưng rồi lại e làm vợ đang ngủ ở phòng bên cạnh sẽ giật mình, ông bèn nhỏm dậy, choàng chiếc áo khoác gập để bên gối, và bật đèn điện đã tắt khi đi ngủ. Ông đi rón rén để khỏi làm vợ thức giấc, bước về phía phòng khách, và mở cửa phòng ra. Qua cánh cửa đã được mở ra, ánh đèn trong thư phòng chiếu sang căn phòng bên cạnh nhưng chỉ soi sáng được một khoảng ở giữa phòng. Ông không nghĩ ngợi gì cả, cứ thế bước vào phòng bên cạnh, nhưng chỉ trong khoảnh khắc, một tình huống bất thường đã xảy ra ở góc phòng, phía có kê chiếc tủ khiến ánh sáng đèn điện không soi tới.

Có người, có kẻ trộm! Như bị điện giật, thẩm phán Wakasugi đứng sững lại. Tức thì trong bóng tối, một gã đàn ông to lớn vạm vỡ hiện ra sừng sững trước mặt ông. Cho đến nay, thẩm phán Wakasugi đã thấy không biết bao nhiêu là những tên trộm hay kẻ cướp, kẻ sát nhân khúm núm đứng sau vành móng ngựa. Họ thường cúi gầm đầu xuống, có vẻ thành khẩn và dúm dó.

Nhưng tối hôm ấy đứng trước mặt ông là tên trộm thực sự, là hạng người không hiền lành chút nào cả. Bị bắt quả tang, tên trộm lại có vẻ hung tợn. Tương quan lực lượng ở đây không phải là giữa quan tòa với bị cáo, mà là sự đọ sức không lường trước được giữa hai con người hoàn toàn xa lạ với nhau. Một giây, hai giây, rồi ba giây, tên trộm không động đậy, ông Wakasugi cũng đứng yên. Ông cảm thấy một cảm giác khó chịu như toàn thân bị đè xuống. Nhưng trong lúc như thế, lý trí của ông đã cố hết sức tìm một cách đối phó tốt nhất. Vì thể diện đàn ông cũng có, để giữ oai phong của một vị thẩm phán cũng có, ít nhất cũng phải bắt tên trộm. Thế nhưng, nghĩ đến việc tiếng vật lộn khủng khiếp sẽ làm kinh động người vợ bị hậu sản, và lại thêm sự kinh hoàng và nguy hiểm sẽ gây ra cho ba đứa con yêu thơ dại đang ngủ trong căn phòng ở bên kia phòng khách, ông không thể nào đưa tay ra được.

Ông còn nghĩ cả đến việc đưa cho tên trộm này một món tiền lớn và bảo hắn cứ thế rút lui đi cho là khác, nhưng làm thế thì còn gì là oai phong của một vị thẩm phán. Đúng lúc đó, ý tưởng " Hãy để cho tên trộm chạy thoát" bỗng lóe lên trong đầu ông, Ông bèn vừa lùi lại hai ba bước đề phòng tên trộm có thể bất ngờ tấn công, vừa lấy hết sức bình sinh ra hét thật to, nhưng nào hay là tiếng hét ấy đã đem lại một hậu quả không ngờ. Tiếng hét của ông chưa dứt, vợ ông nghe tiếng hét của chồng ở phòng bên đã hoảng sợ mà kêu rú lên. Đồng thời ba đứa con yêu ở bên kia phòng khách cũng giật mình khóc toáng cả lên. 

Tên trộm có vẻ như giật mình vì tiếng kêu của năm người vợ chồng con cái nhà này, nên biến mất lúc nào không hay. Và dĩ nhiên là hắn không lấy trộm một thứ nào cả.

Thế nhưng, vợ ông Wakasugi trong người đang yếu, lại bị kinh động như thế, nên chả trách mà bỗng bị sốt cao. Sáng hôm sau, thân nhiệt lên đến gần 40 độ và cứ thế nóng sốt suốt cả ngày. Hơn nữa, bà rất dễ bị kích động, chỉ một tiếng động nhỏ cũng đủ khiến bà run sợ. Bác sĩ riêng chữa bệnh cho bà còn bắt đầu cảm thấy lo ngại cho cả mạng sống của bà nữa. Lại thêm, ba đứa con yêu của ông từ đêm xảy ra vụ trộm đã trở thành những đứa bé nhút nhát hay sợ sệt.

Bản thân ông Wakasugi cũng vẫn còn bị ám ảnh bởi cái cảm giác bất an nặng trĩu khó chịu đến ngạt thở, trong giây phút đã phải đối mặt với kẻ trộm.

Ông Wakasugi vừa nhớ lại rõ mồn một trong đầu cái cảm giác khó chịu vì bị trộm vào nhà lúc ấy, vừa suy nghĩ như sau. Trong suốt 14, 15 năm từ khi ra trường đến nay, mình chỉ nghĩ đến tội ác và cho rằng công việc của mình là có trách nhiệm dùng hình phạt nào cho tương xứng với tội ác ấy. Nhưng thực ra, liệu là mình đã thực sự suy nghĩ một cách đúng đắn về tội ác hay chưa. Phải chăng mình đã chỉ nghĩ về tội ác một cách trừu tượng, chỉ đứng về phía tội nhân mà suy nghĩ về tội ác mà thôi. Phải chăng mình đã quen chỉ nhìn thấy trước mắt các bị cáo khúm núm một cách thành khẩn, hiền lành, mà chưa bao giờ suy xét đến sự uy hiếp hinh hãi mà người bị hại phải hứng chịu.

Nghĩ như thế, thẩm phán Wakasugi cảm thấy lý tưởng làm nền tảng cho những phán quyết của mình lâu nay lần hồi bị lung lay. Kẻ đạo tặc đã vào nhà ông, nếu nói về tội danh thì đó là ăn trộm hụt, nhưng nghĩ tới ảnh hưởng tai hại mà cả gia đình ông đang gánh chịu, thì phải sợ đến nổi da gà. Vợ ông vì bị kinh động nên đã lên cơn sốt và vì thế mà suy yếu dần, giả sử là rồi vì vậy mà bị chết, thì cho dù hình thức chỉ là ăn trộm nhưng hậu quả hiển nhiên là đã giết chết vợ ông. Còn những ảnh hưởng nguy hại đến ba đứa con ông, không thể dùng tiền mà đền bù được, cũng là những thiệt hại lớn. Hơn nữa, cảm giác bị ức chế khó chịu và tâm lý bất an mà chính bản thân ông đang gánh chịu, cho dù là vô hình, nhưng đó cũng chính là thiệt hại lớn lao.

 Lần đầu tiên trong đời, ông Wakasugi mới thấu hiếu đến tận xương tủy, tác hại mà tội ác gây ra. Điều đó lật đổ tận gốc rễ quan niệm về tội ác của thẩm phán Wakasugi lâu nay. Sau đêm bị nạn, lần đầu tiên trong lòng ông mới trào lên cái cảm giác thù ghét đối với tội ác, mà những kẻ tội phạm trên đời đã gây ra. Tuy nhiên ông cảm thấy bối rối, vì động cơ của sự chuyển hướng trong tình cảm ấy của ông có vẻ riêng tư quá. Thế nhưng, sự thay đổi của ông Wakasugi không phải chỉ về tình cảm, mà tư tưởng của ông cũng cho thấy một sự chuyển hướng, làm nền tảng mỗi lúc một vững chắc cho những thay đổi có vẻ cảm tính ban đầu.

Sáng Thứ Hai, theo đúng dự định, phán quyết về vụ án Zigoma học sinh được tuyên đọc. Gia đình của bị cáo dự thính phiên tòa với một sự an tâm, tin chắc rằng cho dù không được xử vô tội, thì thể nào cùng được hưởng án tù treo.

Nhưng ngày hôm đó, gương mặt của quan tòa xanh xao khác thường. Và phán quyết đọc lên nghe cũng không sang sảng như mọi khi.

Sau phần chính của phán quyết là "Bị cáo bị án tù một năm", mọi người chờ mãi vẫn không thấy sau đó có nói gì đến án tù treo. Nỗi thất vọng thật sâu xa hiện rõ trên nét mặt của bị cáo cũng như những người dự thính.

Nhưng thẩm phán Wakasugi vẫn thản nhiên như không, sau khi đọc xong bản giải thích, ông liền đẩy cửa rời khỏi phòng xử.

(12/2/2020)
Quỳnh Chi dịch Wakasugi Saibanchou của Kikuchi Kan