Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Phu nhân Yasui 
(Yasui Fujin, 1914)

Nguyên Tác: Mori Ôgai
Dịch: Nguyễn Nam Trân


Tuyển tập Mori Ôgai (9/2020)

Dẫn nhập:

Tác phẩm dưới đây trích từ Tuyển tập Mori Ôgai gồm 14 truyện ngắn do Nguyễn Nam Trân dịch vừa được xuất bản trong nước (9/2020) mô tả hình ảnh người phụ nữ Nhật Bản tiêu biểu của buổi giao thời (cuối Mạc Phủ đầu Duy Tân) dưới ngòi bút tiểu thuyết lịch sử thực chứng của Mori Ôgai. Tuy cổ kính rườm rà vì chủ ý bám sát tư liệu của tác giả nhưng phải nói là nó có nội dung rất sâu sắc, giúp chúng ta hiểu thêm về câu nói thời danh: "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật". Truyện được dùng để dạy môn Quốc văn trong các trường cao trung (Kôkô) hiện giờ.

***
-Cậu Chuuhei (Trọng Bình) [1] mai sau thế nào cũng làm nên danh phận cho coi!

Bên cạnh cách đánh giá như vậy, cũng có lắm lời đàm tiếu sau lưng:

-Eo ôi, cậu Chuuhei xấu trai quá đi!

Cả hai ý kiến, khắp làng Kiyotake ai cũng từng nghe.

Bố của Chuuhei người làng Kiyotake thuộc quận Miyazaki trong phiên Hyuuga, đất làm nhà có khoảng 2 mẫu 8 sào, trên đó ông xây được 3 nóc gia và sống ở đấy. Về tài sản thì ông cũng có ít ruộng đất nằm cách xa khu nhà ở một chút. Xưa nay, ngoài việc mở lớp dạy chữ Nho cho con em trong làng ở nhà riêng, ông cũng không hề xao lãng việc cày cấy. Thế nhưng hồi năm 38 tuổi, ông đã bỏ nhà lên Edo học hỏi thêm, có lần ở lại cả năm, đến lúc 40 mới trở về. Từ đó, ông được bổ nhiệm làm việc cho phiên Obi [2] cho nên ruộng nương hầu như phó thác cho bọn tá điền.

Chuuhei là con trai thứ. Năm anh cả Bunji lên 9 còn cậu lên 6, cha họ phải để hai con ở nhà, một mình lên Edo. Khi người cha trở về thì hai anh em đã lớn lên hẳn. Từ dạo đó, mỗi buổi sáng khi đi ra ngoài đồng vỡ đất, họ thường mang sách học theo người. Lúc những người khác nghỉ ngơi hút thuốc thì hai anh em cậu chúi mũi vào sách.

Sau đó là giai đoạn cha họ được bổ làm giáo thụ của phiên. Bunji đã 17, 18 và Chuuhei khoảng 14, 15. Mỗi khi hai người ra đồng làm việc, những người gặp họ, nếu đang có bạn đi cùng thì sẽ không khỏi quay sang bên cạnh xì xào để so sánh hai anh em. Cũng là một cha một mẹ nhưng ông anh Bunji tướng tá cao to, nước da trắng trẻo, mày ngang mũi dọc, trong khi đó, chú em Chuuhei khổ người thấp bé, da dẻ đen đủi lại chột mất một mắt. Thật họ không tương xứng chút nào. Hai anh em đều mắc bệnh đậu mùa cùng một lúc nhưng anh bệnh nhẹ còn em bệnh nặng. Mặt cậu em đầy nốt rỗ to và không những thế, còn hỏng mất con mắt phải. Ông bố của hai người hồi nhỏ từng lên đậu và mất một mắt, sang đến đời Chuuhei cũng bị y như thế. Nếu bảo chẳng qua là một sự ngẫu nhiên thì phải nói là một sự ngẫu nhiên quá tàn nhẫn.

Chuuhei khổ tâm khi phải đi cùng với anh. Vì vậy buổi sáng cậu thường điểm tâm cho nhanh rồi đi trước, còn chiều thời hay nán lại làm việc thêm để về chậm hơn một tẹo. Thế nhưng dù có đi một mình, cậu cũng chưa hết bị những cắp mắt dòm ngó và nghe lời bình phẩm của bọn người gặp trên đường. Nào đã thôi đâu! So với lúc đi cùng người anh, thái độ của người cậu gặp còn lộ vẻ khinh thường nữa. Những lời dè bỉu của họ nghe to hơn, có kẻ còn cố tình lên giọng:

-Xem này. Hôm nay chỉ độc mỗi con khỉ!

-Khỉ mà biết đọc sách, lạ thật!

-Giỡn hoài. Khỉ còn đọc sách còn nhiều hơn cái đứa dắt khỉ nữa đấy.

Vùng ấy đất hẹp, người ta biết nhau cả, ra đường là đụng đầu. Khi cậu thử đi một mình, Shuuhei phát hiện được 2 điều. Một là cho đến lúc này, mình đang được núp dưới sự che chở của ông anh mà không ý thức về việc đó. Nay biết thêm một điều khác là họ đã gán cho hai anh em những biệt hiệu để chế diễu: mình là một con khỉ xấu xí và ông anh là người dắt khỉ. Chuuhei giữ kín trong lòng hai điều mình phát hiện được. Tuy không đem kể cho ai nhưng cũng từ đó khi phải ra đồng, cậu không còn có ý tách khỏi ông anh để đi một mình.

Bunji là anh nhưng thể chất yếu ớt nên đã chết trước. Cậu ta qua đời nhằm lúc Chuuhei lên Ôsaka học thêm nơi trường tư của thầy Shinozaki Shôchiku [3] . Năm Chuuhei 21 tuổi, cậu nhận được từ tay bố 10 lạng vàng và rời làng Kiyotake ra đi. Thế rồi cậu lên Ôsaka đến khu phố Tosabôri sanchome nơi có kho hàng của phiên [4] , mướn một gian trong căn nhà trọ dành cho gia đình phiên sĩ [5] sống cuộc đời tự túc nấu ăn. Để đỡ tốn, cậu thường ninh sẵn đậu nành với muối và nước tương để ăn với cơm. Người làm việc trong kho hàng ấy ai cũng biết đến món "đậu ninh của Chuuhei". Bạn bè sống bên cạnh cậu lo rằng nếu ăn uống kiểu sẽ đó khó giữ sức khỏe nên khuyên cậu uống rượu. Chuuhei mới nghe theo và mỗi ngày cậu mua một be nhỏ. Mỗi tối cậu lấy giấy cột cái be ấy và hơ nó trên ánh lửa đèn lồng đi đường. Dưới ánh sáng của ngọn đèn lồng ấy, cậu đem sách mượn được của nhà trường ra đọc. Đến nửa đêm, khi chung quanh yên ắng cả, miệng be nãy giờ được ánh lửa hâm nóng từ dưới trôn đã bắt đầu tỏa hơi, Chuuhei mới cỡi thắt lưng và nhắm rượu ngon lành trước khi lăn ra ngủ. Được hơn năm, lúc đến tuổi 23 thì ở quê nhà, ông anh Bunji tạ thế. Tuy tài học không so được với em trai, nhưng cũng là một thanh niên ưu tú, chẳng ngờ bệnh tật đã cướp ông đi khi mới vừa 26 tuổi. Vừa nghe tin dữ, Chuuhei đã vội vàng rời Edo để về quê.

Thời gian sau, Chuuhei lại lên Edo lúc 26 tuổi và ghi danh làm môn sinh Koga Tôan [6] rồi theo học ở Shôheikô, ngôi trường của Mạc phủ. Nếu không muốn dựa vào các chú sớ của đời sau mà nghiên cứu thẳng và sâu các kinh điển, đáng lý ra Chuuhei phải tìm đến Matsuzaki Kôdô [7]- người ông mến mộ - thay vì Koga nhưng qui tắc của trường Shôheikô là họ chỉ nhận các môn sinh đến từ cửa Hayashi [8] hay Koga mà thôi. Vừa mắc bệnh đậu lại hỏng một mắt, khổ người thấp lùn, anh học trò nhà quê không khỏi bị các bạn đồng song ở Shôheikô đua nhau diễu cợt. Dù vậy, Chuuhei vẫn giữ bình tĩnh. Ông phớt lờ họ và chuyên chú học hành. Trên cái trụ trong nhà, ông có dán một tấm giấy viết câu châm ngôn cho bạn bè tới chơi đọc được: "Giờ đây là con tu hú trên đồi Shinobu[9] nhưng mai sau danh tiếng sẽ dội ven mây".

-Chu cha, thằng này chí lớn dữ nghen!

Bọn bạn cười ồ rồi bỏ đi nhưng trong lòng họ không khỏi cảm thấy khó chịu. Thực ra, cho đến năm 19 tuổi, lúc dốc toàn lực vào việc học Hán văn, ông chỉ nghiên cứu quốc văn một cách sơ sài nên đã cố ý phá lệ bằng cách làm một bài thơ theo thể Waka để trả thù chúng bạn.

Trong thời gian còn ở Edo, Chuuhei đã trở thành thị giảng cho chủ phiên [10] . Năm ấy ông 28 tuổi.Qua năm sau, chủ trở về phiên thì ông cũng đi theo.

Từ đầu tháng giêng năm này, trong khu Nakano thuộc làng Kiyotake , một ngôi trường được dựng lên và công sự đang tiến hành. Nếu trường khai giảng thì hai cha con, người cha là ông lão Sôshuu (Thương Châu Ông) [11] lúc đó 61 tuổi và ông con Chuuhei, 29 tuổi, năm ngoái vừa mới theo chủ phiên về quê, sẽ là kẻ được mời đứng trên bục giảng. Lúc đó, Ông lão Sôshuu có đả động đến việc tìm vợ cho con trai nhưng phải nói đó là một điều chẳng dễ dàng tí nào.

Ngay cả những người trong làng, tuy thấy Chuuhei từ Edo trở về với một bụng đầy chữ nghĩa của Shôheikô nên tán dương: "Cậu Chuuhei nay đã làm nên danh phận!" cũng lấy làm lo. Cái mặt rỗ, con mặt chột, khổ người thấp lùn kia đã khiến họ không thể nhịn nổi một câu nói lén: "Sao cậu ấy xấu trai quá đỗi!"

Cụ Sôshuu là người từng khổ công lên tận Edo cầu học. Nay cậu con trai Chuuhei được học hành thông suốt, sang năm đã đến tuổi 30 [12] nên thế nào cụ cũng phải tìm cho nó một nàng dâu. Tuy nhiên cụ ý thức mười phần là việc chọn lựa này thật còn nhiều trở ngại.

Bản thân cụ từng ở trong hoàn cảnh giống con mình. Tuy về chiều cao, cụ không đến nỗi thấp như Chuuhei nhưng cũng bị đậu mùa làm cho rỗ mặt và hỏng một mắt nên thân trai đã nếm đủ mùi cay đắng. Việc kiếm người mai mối cho Chuuhei gặp gỡ (miai) một cô gái không quen biết rồi tính toán chuyện hôn nhân (endan) thì cụ cảm thấy không có khả năng. Con nó không những đầy khuyết điểm như mình mà còn thấp lùn nên điều đó hầu như không thể thực hiện. Chỉ còn có cách chọn vợ cho Chuuhei từ trong đám con gái ngay từ đầu đã biết là hợp tính hợp nết với cậu ấy thôi. Từ kinh nghiệm bản thân, cụ đã suy ra vài điều. Trường hợp một cô gái được coi là trẻ đẹp nhưng sau khi quen biết một thời gian lại bộc lộ ra sự yếu kém về trí tuệ thì dáng vẻ xinh đẹp ấy sẽ không còn đủ sức thu hút ai nữa. Rồi qua cái tuổi 30 hay khi đến 40, sự kém cỏi về đầu óc sẽ hiện ra trên khuôn mặt và che lấp cả nhan sắc ngày xưa. Ngược lại, cho dù dung mạo có chút tì vết nhưng nếu cô ấy có tài năng thì sau một thời gian, người ta sẽ không còn chú ý tới khuyết điểm đó. Dần dà, cùng với tuổi tác, tài năng ấy lại hiện ra trên nét mặt và làm cho người ta thấy đó mới là vẻ đẹp. Chỉ cần nhìn vào con mắt còn lại nhưng đen láy của Chuuhei thì đủ thấy cậu ta là một người đàn ông không tầm thường chút nào. Đây không phải là thiên kiến của một người cha. Cụ chỉ muốn kiếm cho con trai một nàng dâu nhưng phải là người hiểu được giá trị của con mình cơ.

Cụ kín đáo moi óc xem có cô gái nào chưa chồng mà mình đã được gặp vào những dịp họp mặt với họ hàng thân thích như trong 5 ngày lễ tết [13] hay kỵ giỗ chính [14] Hình ảnh người con gái tươi tắn đập mạnh vào mắt cụ hơn cả là Yae mới 19 tuổi. Cô có người cha được phái đi hầu việc ở phủ của phiên trên Edo và có quyền đem vợ theo sống trên đó. Cô biết trang điểm, biết ăn nói theo phong cách Edo và được mẹ dạy cho múa nữa. Người như vậy thì cụ nghĩ ít có hy vọng xin về làm dâu mà cũng thấy là không nên. Nhắm xem có cô nào hình dáng thanh tao, nết na và thích đọc sách một chút vậy. Ngay chừng đó điều kiện thôi mà cụ cũng không tìm ra được đối tượng nào.

Suy nghĩ quanh quẩn và không tìm ra lối thoát, sự chọn lựa của cụ rốt cuộc hướng về cô gái nhà Kawazoe là người có gần những tiêu chuẩn đề ra. Gia đình Kawazoe là người sống ở xóm Oka khu Izumi cũng trong làng Kiyotake đây thôi. Họ là bà con phía cụ bà. Hai cô con gái trong nhà ấy vai em họ của Chuuhei. Cô nhỏ tên là O-Sayo năm nay 16, so với một người con trai 30 như Chuuhei thì còn quá trẻ. Hơn nữa, cô lại được khen là xinh xắn. Giữa đám con trai với nhau, họ thường gọi cô ấy là "Nàng Komachi [15] xóm Oka". Như vậy thì làm sao đem ghép với Chuuhei cho được! O-Toyo, chị cô thì may ra vì cô nầy đã 20, coi như đã chậm lấy chồng và không cách tuổi của Chuuhei quá xa. Nhan sắc của cô thuộc loại trung bình, tính tình không có gì vượt trội ai nhưng tuy con gái mà rất nhanh nhẩu, nghĩ gì nói nấy. Điều đó cho thấy cô là người thành thực, không bao giờ để bụng. Mẹ cô thường trách "Không biết giữ mồm thì khổ thân đấy con !" nhưng cụ Sôshuu lại thích cái tính ấy.

Tuy cụ định bụng như thế nhưng kẹt một cái là không biết phải nói chuyện với bên kia bằng cách nào. Hai cô gái trẻ đó mỗi khi nghe cụ bảo gì đều vâng vâng dạ dạ nhưng dĩ nhiên cụ không thể nào bàn trực tiếp với họ. Từ khi bố mẹ của cụ bà thất lộc thì vai vế của cánh nhà Kawazoe không còn được coi trọng như trước cho nên nhỡ cụ nói năng thất thố, có khi làm cho họ khó xử. Nếu là người dưng kẻ lạ, dù kế hoạch không thành, việc giao du có thể bị gián đoạn ít lâu nhưng vẫn phục hồi được. Giữa thân thích dù sao cũng tế nhị hơn nên cần phải cẩn thận.

Nhân cụ có cô con gái, chị của Chuuhei, nay đã về làm dâu gia đình phiên sĩ Nagakura, cụ bèn đem tâm sự bộc bạch thì bà ấy bảo:

-Nếu thầy hỏi vợ cho ông anh con đã mất (Bunji) thì mấy cô sẽ kéo tới ầm ầm chứ không phải một, hai cô thôi đâu. Còn như...

Không nói hết lời nghĩa là bà có tỏ ý do dự. Như thế là từ góc độ đó mà nhìn, bà chị thấy giải pháp O-Toyo vẫn chưa ổn thỏa. Thế nhưng đã được cha nhờ, lại không tìm ra tên một cô nào khác cho vị trí đó và nhất là chưa nghe O-Toyo từ chối, bà đành nhận lời cha để đóng vai trò bà mối.

Nhà Kawazoe lúc đó đang chuẩn bị cho lễ Hinamatsuri [16], phía bên trong nằm lăn lóc những cái hộp có viết chữ lên trên. Cô chị O-Toyo đang lấy từ đó ra từng con nộm một. Có đủ thứ con nộm, nào là nhà vua và hoàng hậu (Dairisama), nào là ban nhạc năm người (Goninbyashi). Xong rồi, cô mở các bọc vải và mấy lớp giấy Yoshinogami mỏng dùng để bọc và bày chúng ra cạnh nhau. Cô em O-Sayo tý toáy định cho tay vào. O-Toyo mới rầy em:

-Thôi, đừng đụng, để một mình chị lo!.

Mở cánh cửa ngăn, bà chị họ Nagakura thò mặt vào trong. Trên tay bà là một cành đào đỏ (himomo) mới chặt xong, mang tới để làm quà.

-Cha chả! Nhà mình bận bịu quá nhỉ!

Lúc đó, O-Toyo đang lấy hình nộm Ông già bà già (Jôuba) [17] ra, gắn chổi và bừa cào tre vào tay hai nhân vật. Chợt thấy cành đào đỏ, cô bèn nói:

-Ôi chao, cây đào đằng nhà chị đã ra lắm hoa đến thế cơ à? Vườn chúng em mới có nụ nhỏ xíu xiu thôi.

-Tại chị đi gấp nên chỉ chặt có một nhánh nhỏ. Nếu mấy em cần nhiều để chưng thì cứ nói, bao nhiêu chị cũng đem tới.

Nói xong bà bèn trao cành hoa cho họ. O-Toyo tiếp lấy và nói với em gái:

-Chỗ này cứ đặt đúng y như thế cho chị nghe em.

Dặn dò xong, cô cầm cành hoa và đi về phía nhà bếp. Bà Nagakura đeo theo sau lưng.


Jôuba cầm cây chổi và bừa cào bằng tre

Đến nhà bếp, O-Toyo lấy từ trên gìàn bếp một cái chậu gỗ con và đi ra bờ giếng gần bên múc nước đổ vào chậu rồi ngâm cành đào vào. Động tác của cô thoăn thoắt. Bà Nagakura, người đang lãnh nhiệm vụ kiếm vợ cho em, mới thấy thế đã nghĩ ngay rằng nếu cô này về làm dâu nhà mình thì sẽ mau chóng giúp đỡ được cậu em nên không khỏi mỉm cười thú vị. O-Toyo bỏ đôi guốc gỗ (gheta) qua một bên rồi bước vào bếp trở lại, lấy cái khăn treo trên sào trúc giăng trên tường để lau tay cho khô. Bà chị họ Nagakura cũng vẫn bám sát bên cô:

-Bên nhà Yasui định kiếm vợ cho Chuuhei đấy em.

Bà đi thẳng vào đầu đề của câu chuyện.

-Vợ hở chị?

-Ừ!

Rồi bà nhìn chăm chăm vào mặt Toyo nói tiếp:

-Mà người họ định hỏi làm vợ là...em đó!

Mặt O-Toyo ngơ ngác vì ngạc nhiên, cô im lặng một hồi xong mới cười hỏi:

-Chắc chị đùa em?

-Không, thật đấy! Chị đến gặp em để nói chuyện này mà. Chặp nữa chị định thưa với mẹ em nữa.

O-Toyo bỏ cái khăn đang lau, buông thỏng hai tay và nhìn ngay vào mắt bà chị họ. Nụ cười đã biến mất khỏi khuôn mặt của cô. Cô phát biểu một cách lạnh lùng:

-Theo em, anh Chuuhei là một con người rất tài giỏi nhưng lấy anh ấy làm chồng thì em không muốn đâu!

Lời cự tuyệt của O-Toyo quá giản dị và minh bạch, bà chị Nagakura không còn biết nói gì thêm. Tuy nhiên vì có chuyện quan trọng như thế này bà mới phải đến đây nên không thể bỏ về trước khi gặp mẹ của cô gái. Bà bèn thuật lại một lèo đầu đuôi cuộc đàm phán trực tiếp và thất bại của mình cho mẹ cô nghe, xong cầm cốc rượu trắng mà nhà chủ bày ra mời uống cạn rồi xin cáo lui.

Bà Kawazoe là người xưa nay vẫn ân cần với Chuuhei cho nên rất tiếc khi thấy đám này không thành. Bà mới bảo mình sẽ hỏi lại O-Toyo cho kỹ và xin bà Nagakura khoan chuyển cho bên nhà Yasui câu trả lời mà bà nghĩ là vội vàng của con gái. Bà Nagakura cũng đồng ý giữ nó lại một ít lâu trước khi báo cáo cho cha nhưng trong lòng, bà vẫn nghĩ là khó có ai lay chuyển được quyết tâm của O-Toyo.

-Dì đừng ép em nó làm chi nhé!

Dặn dò xong, bà mới ra về.

Khi bà vừa bước ra khỏi cổng một thôi đường chưa được hai ba trăm thước thì bỗng từ đằng sau, Otokichi, anh người làm trong nhà Kawazoe đã tất tả đuổi theo và đưa tin là bà chủ anh có câu chuyện gấp muốn trình bày vậy xin bà chịu khó quay lại để bàn.

Bà Nagakura hết sức ngạc nhiên bởi vì bà không thể nào tin nổi là O-Toyo có thể thay đổi ý kiến. Chuyện gì vậy nhỉ? Bụng vừa nghĩ như thế, bà vừa đi theo Otokichi trở lại ngôi nhà.

-Dì xin lỗi nhé. Cháu vừa về mà dì đã kêu ngoắt trở lại. Thực ra là có một chuyện khó tin vừa xảy đến!

Bà Kawazoe như đã chờ sẵn nên nói luôn khi khách còn chưa đủ thời giờ ngồi xuống.

Bà Nagakura chăm chú nhìn khuôn mặt nữ chủ nhân như dò hỏi.

-Thưa sao ạ?

-Thì cái chuyện vợ con của Chuuhei ấy mà! Dì thấy đây là một cái mối tốt quá nên đã kêu con O-Toyo lên để thử nói chuyện nhưng đúng như lời cháu, nó trả lời là không muốn đám này. Sau đó, O-Sayo mới nghe chị nó kể nên đã tìm đến dì làm như nó cũng có chuyện gì muốn nói mà chưa nói được. Hỏi ra thì nó mới bảo con đến đây để thưa với mẹ là con bằng lòng về làm dâu nhà Yasui. Dì mới hỏi con có biết đi lấy chồng là thế nào không, con còn chưa biết gì sao lại muốn đi và còn có bao nhiêu đám khác nữa nhưng nó đã trả lời rất quyết tâm là chỉ cần bên nhà đó họ chịu thì con sẽ về làm dâu thôi. Cháu nghe có thấy nó ngang ngược chưa? Không biết việc này có tiện cho bên nhà Yasui không nhưng dù sao, dì thấy cần phải đem ra bàn với cháu.

Cách bà nói cho thấy câu chuyện có hơi khó xử.

Trong đầu bà Nagakura lúc đó đã có một ý nghĩ khác. Nó vừa mới đến đây thôi. Bà nhớ lại lời phát biểu: "O-Sayo còn quá trẻ!" hay "Mà nó lại quá đẹp!" của cha mình khi bà bàn chuyện với ông. Thế nhưng chắc chắn là thường ngày bà chưa thấy cha tỏ ra ghét bỏ O-Sayo bao giờ. Có lẽ ông cụ chỉ muốn giữ cái thế thăng bằng về mặt tuổi tác nên mới chọn cô O-Toyo nhan sắc trung bình cho con trai. Nếu như người vừa trẻ vừa đẹp như O-Sayo mà chịu về làm dâu thì cụ còn đòi hỏi gì hơn. Thế mà con người hiền hậu, ít ăn ít nói như O-Sayo lại tự tìm đến để đề nghị việc đó với mẹ của cô. Trong đầu, bà Nagakura thầm nghĩ dù sao mình cũng sẽ đem chuyện này nói cho cha và em trai hay. Nếu được, mình sẽ cố gắng thực hiện đúng với nguyện vọng của O-Sayo.

-À, ra thế! Bố cháu muốn xin em O-Toyo nhưng cháu thì cháu biết ông cũng không dám chê bai em O-Sayo gì đâu ạ. Để cháu chạy về đằng đó báo tin cho bố cháu nhé! Mà sao em O-Sayo xưa nay vốn ít ăn ít nói lại dám đi thưa thẳng với dì như thế nhỉ?

-Vậy đó cháu! Dì cũng ngạc nhiên không kém cháu đâu. Cứ tưởng hễ là con cái thì chuyện gì về nó mình cũng biết hết nhưng đúng là bé cái lầm! Nếu cháu định thưa chuyện với bố thì để dì gọi em nó ra đây hỏi trực tiếp một lần nữa cho chắc nhé!

Nói xong, bà mẹ mới gọi cô con gái thứ đến

O-Sayo rón rén mở cánh của ngăn bước vào phòng. Mẹ cô đặt câu hỏi:

-Nào, hồi nãy con có nói là nếu anh Chuuhei không chê thì con sẽ xin về làm vợ anh ấy. Có đúng không?

Mặt O-Sayo đỏ đến tận mang tai:

-Vâng, phải ạ.

Cô nói mà khuôn mặt đang gầm xuống lại còn cúi thấp hơn.

***
Sự ngạc nhiên của ông cụ Sôshuu cũng không kém gì sự ngạc nhiên đã đến với bà Nagakura trước đây. Thế nhưng người ngạc nhiên hơn cả là chàng rể Chuuhei. Tuy thấy là chuyện quái lạ nhưng ai nấy đều vui mừng. Còn như mấy anh thanh niên chòm xóm thì sự ngạc nhiên của họ có pha thêm một chút ghen tức. Trên nhiều cửa miệng đã có những câu châm chọc kiểu "Nàng Komachi xóm Oka đã đi lấy khỉ". Thế rồi chẳng bao lâu lời đồn đại đã lan ra hết khắp làng Kiyotake và không một ai là không lấy làm quái lạ trước cái tin này. Đó là một câu chuyện lạ lùng vừa làm người ta vui mừng, vừa khiến cho họ ganh tỵ.

Hai vợ chồng Nagakura đóng vai ông mai bà mối cho lễ kết hôn. Khi hoa đào còn chưa rụng hết thì mọi sự đã xong xuôi.Thế rồi O-Sayo, người con gái cho đến nay chỉ được khen ngợi về nhan sắc và bị coi như một con nộm để ngắm, đã phá vỡ cái kén vây bọc cô bấy lâu và hóa bướm. Cô không còn nhút nhát, e thẹn. Trước mặt đám học trò đi ra đi vào nhà mỗi ngày, cô đã xử sự một cách đường đường, đúng như vị thế sư mẫu của mình.

Qua đến tháng 10 thì ngôi trường Meikyôdô (Minh Giáo Đường) đã khánh thành. Khi gia đình Yasui mở tiệc mời thân bằng quyến thuộc đến chung vui thì đứng trước vị tiểu phu nhân vừa xinh đẹp lại còn thanh nhã, không ai bảo ai mà đám khách thảy cúi đầu. O-Sayo hoàn toàn không có chút hình ảnh nào của kẻ bị người chung quanh đem ra nhạo báng.


Phụ nữ Nhật thời trước (ảnh minh họa)

Sang năm sau, khi Chuuhei 31 tuổi còn O-Sayo 17 thì họ sinh người con gái đầu lòng là Sumako. Trường phiên được thiên về vùng Obi. Năm sau đó ông cụ Sôshuu được bổ vào chức hiệu trưởng của Shintokudô (Chấn Đức Đường) ở đó, dưới tay ông là Chuuhei giữ chân trợ giáo. Ngôi nhà ở Kiyotake giờ có người láng giềng cũ tên là Yuge muốn dọn về đấy ở nên gia đình Yasui đổi lại với họ được miếng đất ở Kamo thuộc Obi.

Năm Chuuhei 35 tuổi, một lần nữa, ông được chủ phiên cho tháp tùng lên Edo, năm sau thì về. Từ lúc này trở đi thì O-Sayo bắt đầu có những khoảng thời gian dài phải trông nhà khi vắng bóng chồng.

Cụ Sôshuu bị tai biến (xưa gọi là trúng phong, NNT), qua đời ở tuổi 69, nhằm vào thời điểm Chuuhei trở về từ Edo lần thứ hai.

Năm Chuuhei 38, một lần nữa ông phải lên Edo hầu việc. O-Sayo 25 tuổi phải ở lại dưới quê để trông nhà thêm lần nữa. Năm sau, Chuuhei được giữ chức saichô (trai trưởng) tức nhân vật đứng đầu nhà học ở Shôheikô (ngôi trường cũ ông học, NNT). Còn đối với phủ đệ của phiên ở Soto-sakurada, ông cũng được bổ vào chức đứng đầu lực lượng cảnh bị (Daibansho Bangashira). Năm sau nữa, Chuuhei tạm được về xứ nhưng tức thời đã có lệnh phải thu xếp lên sống hẳn ở Edo. Lần này, ông có hứa là khi kiếm ra được chỗ ở rồi sẽ cho đón O-Sayo và gia đình lên luôn. Ngoài ra, ông quyết tâm sẽ từ chức ở phiên và ra mở tư thục, dạy học luôn trên đó.

Cuối cùng, học vấn của Chuuhei đã được người đời biết đến.Trong đán bạn bè thân của ông có những người xuất sắc như Shionoya Tôin [18] Khi cùng đi tản bộ với nhau, hai ông đều bị xem là thuộc dạng xấu trai nhưng nói về chiều cao thì Shinoya cao hơn nhiều. Vì vậy mới có câu nói "Shinoya một trượng nằm lưng mây, Yasui ba tấc vùi dưới cỏ"[19]

Dù đã lên hẳn Edo đô hội nhưng Chuuhei vẫn giữ một nếp sống cực kỳ giản dị. Hồi mới trở lên đây và trước khi vào Shôheikô làm việc, trước tiên ông sống trong khu nhà trọ cấp thấp của phiên thuộc khu Sendagaya sau đó mới đến ở trong khu nhà trọ cấp cao vùng Soto-Sakurada, rồi Konjiin (Kim Địa Viện) của chùa Zôjôji (Tăng Thượng Tự) [20], nhưng lúc nào ông cũng tự nấu ăn. Đến lúc lấy quyết định cho vợ con lên cùng, có một lúc ông lại về sống ở Sendagaya nhưng vì hỏa hoạn mới đi mua một căn nhà ở Gobanchô có đủ đồ lề với giá khoảng dưới 20 lượng bạc.

Sau khi gọi bà O-Sayo lên thì họ dọn từ Gobanchô về Jô-nibanchô trong một ngôi nhà cho thuê. Nơi đó ông mở trường Sankeijuku (Tam Kế Thục) [21]. Tầng dưới nhà có hai, ba phòng rộng cỡ 3 hay 4, 5 chiếu tatami, còn tầng trên có một thư trai, ngạch cửa treo bức hoành phi đề 4 chữ "Ban Trúc Sơn Phòng". Số là lúc rời quê nhà để lên ở hẳn Edo, ông đã cho bứng nguyên cả rễ loại trúc có đốm như là da cọp (hổ ban trúc) của vùng Kariya thuộc làng Noda trong phiên đem theo nên mới có cái tên như thế. Năm đó Chuuhei 41 tuổi và O-Sayo 28. Sau cô gái cả Sumako, họ có thêm cô thứ hai Mihoko và cô thứ ba Tomeko. Tuy tất cả là 3 cô con gái nhưng Mihoko bị cảm mạo mà mất sớm, nên ngày đến trường Tam Kế Thục, bà Sayo chỉ dắt theo được Sumako 12 tuổi và Tomeko vừa mới lên 5.

Lúc đó, vợ chồng Chuuhei không thuê một cô giúp việc nào cả. Bà O-Sayo nấu ăn còn Sumako thì lo chợ búa. Tiếng nói của Sumako có âm sắc địa phương Hyuuga làm cho những người bán hàng nhiều khi không hiểu. Vì giải thích không xong điều mình muốn, nhiều khi cô bé thất vọng bỏ ra về.

Bà O-Sayo không nề hà gì cách phục sức hay bề ngoài của mình khi làm việc. Thế mà ở nơi bà, vẫn còn phảng phất đâu đó hình bóng của nàng "Komachi xóm Oka" ngày xưa. Thời điểm này có một anh chàng tên gọi Kuroki Magoemon hay đến gặp Chuuhei. Trước kia anh ta là dân đánh cá ngoài biển Yohi, vì rành rẽ về các mặt hàng buôn nên được gọi lên Edo giúp vào việc cảnh bị.Thấy bà Sayo đem trà ra mời rồi đi xuống bếp thì anh ta mới vờ vỉn nửa đùa nửa thật hỏi Chuuhei:

-Thưa thầy, người vừa rồi là cô nhà ta phải không ạ?

Chuuhei trả lời tỉnh tuồng:

-Vâng, vợ tôi đấy!

-Thế cô cũng là người học thức?

-Không. Bà ấy không được như ông nói đâu.

-Thế mà dưới mắt tôi thì coi bộ kiến thức của cô nhà còn rộng hơn học vấn của thầy đấy!

-Sao thế?

-Nội cái chuyện một người xinh đẹp như vậy mà biết rõ giá trị của thầy để chịu về làm vợ thầy, chớ sao...

Chuuhei không biết nói gì, chỉ bật cười.Thế rồi ra chiều thích thú vì câu nịnh khéo và táo bạo của Magoemon, ông cho phép người bạn cờ Zarugo [22] đánh với mình một ván để trả lễ.

***
Năm bà O-Sayo từ dưới quê lên, Chuuhei dọn nhà đến Ogawamachi, năm sau họ lại mua một căn nhà bên ngoài vùng Ushigome-mitsuke, chỉ tốn có 10 lượng. Nhà gồm một căn phòng 8 chiếu, có cả hốc tokonoma (dùng để đồ trang trí, NNT) với hàng hiên bao quanh, phía ngoài là một gian 4 chiếu rưởi và một gian khác 2 chiếu, chưa kể một căn bếp nhỏ. Chuuhei đặt một cái bàn viết trong phòng 8 chiếu và chất sách cao như núi rồi ngồi đọc. Lúc này thì tay phú hào Kashima Seibê đã bắt đầu cho người ngoài mượn sách từ kho sách của ông ta. Có chuyện lạ là tuy Chuuhei thông kim bác cổ như vậy, ông không phải là người có tật lưu trử sách vở. Ông chỉ là một người sống bình dị, nhờ không lãng phí nên chưa từng bị khốn khó trong sinh hoạt nhưng không dư dả đến nỗi muốn mua sách thì cứ mua. Ông chỉ đi mượn sách, đọc xong ghi chép đôi chỗ quan trọng rồi đem trả. Hồi ông ghi danh nơi tư thục thày Shinozaki ở Ôsaka cũng vậy, ông không có ý định học thầy mà chỉ muốn có chỗ mượn sách đọc thôi. Còn như khi đến trọ học ở Konjiin (Kim Địa Viện) khu Shiba thì cũng vì nơi đó, ông có thể lục lọi thư khố nhà chùa. Vào năm này, cô con gái thứ 3 là Tomeko bị bệnh cấp tính mà qua đời nhưng họ lại sinh được cô thứ 4 là Utako.

Sang năm sau thì nhân chủ phiên được cử vào chức đón tiếp tân khách cho Mạc Phủ, Chuuhei có lệnh theo chủ lên Edo hầu việc nhưng viện cớ mắt yếu, ông xin từ chối.Thực vậy, cứ đọc sách trong chỗ thiếu ánh sáng nên thị lực của ông mau suy giảm

Rồi đến năm sau nữa, Chuuhei lại dọn về đằng sau con dốc Nagazaka khu Azabu (nay gần Ginza, NNT). Ông đã cho chuyển nguyên căn nhà cổ ở Ushigome về đó cất lại. Dọn nhà về đấy xong, Chuuhei làm một chuyến đi quan sát dân tình mãi vùng Matsushima (Đông Bắc, NNT). Trong chuyến đó, trang phục của ông là áo khoác haori màu xanh nõn làm bằng bông vải, mặc quần váy hakama, bên hông đeo kiếm dài kiếm ngắn, đầu đội nón lá sugekasa, mang dép rơm waraji. Khi ông trở về từ chuyến đi thì O-Sayo sinh được cậu con trai đầu lòng ở tuổi 31. Lớn lên, cậu đẹp trai vì giống như đúc nàng "Komachi ở xóm Oka". Tên của cậu là Tôzô (Đống Tàng), một người học giỏi, có tham vọng dịch xong 29 chương sách Thượng Thư (Kinh Thư) sang kim văn nhưng tiếc thay, việc chưa thành thì cậu mắc chứng dịch tả và qua đời vào mùa hạ năm 22 tuổi.

Được khoảng một năm sau, hai vợ chồng Chuuhei mới tạm thời chuyển về sống ở khu nhà trọ cao cấp của phiên thuộc khu Bancho Sodefurizaka. Mùa đông năm ấy, ở tuổi 33, O-Sayo sinh cậu con trai thứ hai tên là Kensuke (Khiêm Trợ). Thế nhưng mẹ cậu thiếu sữa, phải gửi cho ông thôn trưởng ở Zoshigaya làm con nuôi. Lớn lên, Kensuke lại có dị tướng giống cha ruột nhưng về sau, được nhiều người biết dưới biệt hiệu là Andô Ekisai và trở thành thầy thuốc trong hai y viện ở vùng Tôgane thuộc tỉnh Chiba. Bên cạnh đó, ông còn dạy thêm chữ Hán nữa. Mắc chứng suy thần kinh (kanshaku) mạn tính, ông đã tự sát ở Chiba lúc mới 28 tuổi. Mộ ông nằm trong chùa Dainichiji (Đại Nhật Tự) ở Chiba.

Cái năm thiên hạ xôn xao vì vì chiến hạm của người Mỹ đến Uraga [23], Chuuhei 48 tuổi, O-Sayo 35. Chuuhei bây giờ đã được mọi người biết tới như bậc đại nho Yasui Sokken. Có thể nói là suýt nữa thì ông cũng bị cuốn vào trong cơn lốc của thời cuộc lúc ấy.

Trong phiên Obi, Chuuhei giữ chức cố vấn. Ông đã hiến kế bảo vệ bờ biển. Năm ấy, Chuuhei 49 tuổi. Đến năm 54 tuổi, ông có dịp giao du với Fujita Tôkô [24] và nhân đó được ngài Cảnh Sơn Công (Keizankô) [25] biết tới. Năm ông 55 tuổi thì có sự kiện Perry đem chiến hạm tới Uraga, ông mới đưa ra thuyết "Đuổi giặc ngoài, đóng cửa biển" (Jôihôkôron = Nhương di phong cảng luận), và nhân vì bất mãn với chính trị của phiên, ông từ chức. Dù từ chức cố vấn và chỉ còn giữ mỗi tư cách phiên sĩ lão thành (yôjinkaku)nhưng ông vẫn đến nha sở xử lý công việc như trước. Năm 57 tuổi ông đề ra chủ trương khai thác đất đai trên miền Bắc (Ezo Kaitakuron = Hà Di khai thác luận). Năm 63 tuổi, ông xin phép chủ phiên cho mình về hưu trí. Đó là năm xảy ra vụ đại thần cố lão Ii no Naosuke [26]  gặp nạn ngoài cửa Sakuradamon và cũng là năm ngài Cảnh Sơn Công [27] tạ thế.

Về nhà cửa thì hồi 51 tuổi, ông bà có một thời về ở Hayabusachô, năm sau gặp hỏa hoạn nên phải bán tháo cái nhà kho và ít đồ đạc còn chưa bị cháy và về ở đằng Banchô, năm 59 tuổi thì dọn về Zenkokujidani ở khu Kôjimachi [28]. Không được bàn luận đến quốc phòng (henmu = biên vụ), ông viết ra giấy rồi đem dán lên ở ngoài cửa gác hai. Chuyện này xảy ra thời ông ở Banchô.

Năm O-Sayo được 45 tuổi thì bà bị bệnh khá nặng, tuy đã lành nhưng đến khoảng cuối năm 50 tuổi thì lại đau liệt giường, đến ngày mồng 4 tháng giêng năm 51 tuổi bà mất. Năm đó ông Chuuhei bước qua tuổi 64. Ngoài hai cậu con trai Tôzô và Kensuke về sau sẽ chết sớm, bà còn để lại cô con gái cả là Sumako và cô thứ 4 hay đau yếu là Utako, tất cả 4 người. Trưởng nữ Sumako đã đi lấy chồng – con trai một gia nhân của gia đình Akimoto [29] tên là Tanaka Tetsunosuke – nhưng sau đó cô ly hôn. Được (bạn của cha là) Shionoya mai mối, cô tái hôn với một nhà chí sĩ ở Shimabara vùng Hizen tên là Nakamura Teitarô, có bí danh là Kita Arimatarô. Ông này về sau chết trong ngục và Sumako phải đem hai người con, gái là O-ito và trai là Kotarô, trở lại với gia đình Yasui. Về phần Utako thì chỉ 7 tháng sau ngày O-Sayo mất, cô cũng nối gót theo mẹ ở cái tuổi 23.

O-Sayo là người đàn bà như thế nào vậy nhỉ? Đó là một người nước da xinh xắn nhưng chỉ biết ăn mặc thô sơ, một đời chăm lo cho chồng đến khi mình nhắm mắt. Cách khu vực Hoshikura trong làng Agatamura của phiên Obi chừng 2 ri (= 8km) ở nơi gọi là Kofuse, có một người cùng họ với bà tên là Yasui Rimpê. Bà O-Kazu, vợ của ông này, hãy còn giữ lại một vật mà bà bảo là vật kỷ niệm của O-Sayo. Đó là một cái áo kimono bằng vải bông vải. Có lẽ ngay một chiếc áo đơn sơ như vậy, O-Sayo cũng không mấy khi đem ra mặc.

O-Sayo không từ nan bất cứ việc gì nếu là để giúp đỡ chồng mình. Trái lại bà không đòi hỏi ông đền đáp cho mình một phần thưởng nào hết. Không những cam chịu mặc quần áo xoàng xĩnh, bà cũng không muốn sống cảnh nhà cao cửa rộng, không đỏi hỏi phải có đồ dùng tốt, món ăn ngon hay đi xem những chỗ vui mắt.

Không ai tin rằng O-Sayo có thể thờ ơ trước những món đồ xa xỉ, đến mức độ bị xem là khờ khạo. Cũng không ai tin rằng bà là một người vô dục vô cầu về cả hai phương diện, vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng chắc chắn là bà có nuôi trong lòng một niềm hy vọng và nó không thể nào tầm thường. Đứng trước niềm hy vọng đó thì mọi sự trên đời này đều hèn hạ và bẩn thỉu như rác rưởi.

Thử hỏi O-Sayo mơ ước những gì nào? Có lẽ người đời sẽ bảo đã là một người vợ hiền đức, bà chỉ mong cho chồng mình hiển đạt. Việc đó thì bút giả là tôi đây cũng không dám phủ nhận. Thế nhưng dù bà có giống một thương nhân bỏ vốn đầu tư và muốn lấy về lợi lộc đi nữa, thì trước cái cảnh O-Sayo nhẫn nại và tận tụy giúp đỡ cho chồng nhưng chưa được báo đáp gì mà đã nhắm mắt xuôi tay, tôi thấy bà là một người thực đáng thương và không thể nào đồng ý với luận điệu nói trên cho được.

Chắc O-Sayo phải mong chờ một cái gì đó ở tương lai.Và cho đến khi nhắm mắt thì đôi mắt đẹp của bà đã phải phóng một tia nhìn về một chốn thật xa xôi và qui tụ lại ở nơi xa xôi đó. Hay là bà không đủ thời giờ để thấy cái chết của mình là một nỗi bất hạnh. Có lẽ bà còn chưa giải thích được đối tượng của niềm hy vọng của mình là một vật thể như thế nào!,.

***
Tháng thứ 6 sau khi O-Sayo mất, Chuuhei được triệu lên thành Edo ở cái tuổi 64. Đợi ở đấy hai tháng mới được Shôgun Tokugawa cho yết kiến và bổ ông vào chức "dụng nhân" (yônin = người hữu dụng), làm bồi thần trực thuộc [30]. Sang năm sau, nhà chúa lại sung ông vào một vị thế cao hơn trong "lưỡng ban" (hai tổ chức thân cận Shôgun). Cha có vinh dự làm "trực tham" cho Shôgun nên Kensuke, con trai ông cũng được phiên mời ra làm việc. Thế rồi cậu còn được lên giảng dạy ở Shôkeikô (ngôi trường cũ của bố mình ở Edo) nữa. Do đó, việc nối nghiệp nhà trong phiên thì vào năm Ansei (An Chính) thứ 4 (1857) đã phải ủy thác cho người tên Takahashi Keisaburô vốn là chồng Itoko, trưởng nữ của ông Nakamura và bà Sumako. Cặp vợ chồng này lại mất sớm, người thừa kế chức đó là Kotarô, con trai thứ của Sumako. Đến năm Chuuhei 66 tuổi, ông được phong chức"đại quan" (daikan) quản lý một lãnh địa trực doanh 63.900 thạch thóc của nhà chúa nhưng vì bệnh tật ông phải mướn người gọi là "tiểu phổ thỉnh" (kobushin) đi thay và đại diện tại chỗ. Về nhà cửa thì năm 65 tuổi, ông dọn về vùng Shitaya Karamachi, lúc 67 lại về sống tạm thời trong chung cư cao cấp của phiên, mua một ngôi nhà ở phía ngoài hào thành khu vực Kôjimachi Hanzômon rồi dọn về đó. Kaigakurô (Hải Nhạc Lâu), nơi tương truyền Chuuhei từng ngắm trăng với "quân sư" Kumoi Tatsuo [31] chính là cái gác hai của ngôi nhà này.

Lúc Mạc Phủ diệt vong, ảnh hưởng chính trị lan đến Edo. Trong cái năm đầy biến động đó, Chuuhei 70 tuổi, trên danh nghĩa thì đã về hưu. Chẳng bao lâu, Kaigakurô (Hải Nhạc Lâu) bị nhà kế bên gây hỏa hoạn cháy lan, ông lại về sống ở chỗ trọ cấp thấp của phiên. Giữa khi thành phố bày ra cảnh loạn lạc, ông về ẩn náu trong nhà Takahashi Masakichi, em trai Takahashi Zempe người vốn là một nhà nông sống lãnh địa mà ông có thời được chỉ định cai quản ở khu vực Ôji (phía bắc Tôkyô). Sumako (con gái cả của ông bà) thì đã lui về phiên Obi từ 3 năm trước, chỉ có người vợ của Kensuke là Yoshiko (con nhà Amano) và Sengiku, đứa con mà cô mới sinh ra tháng 8 năm trước, đến làm bạn với ông trong căn nhà ông trú ẩn. Tuy nhiên, sau khi sanh nở, sức khỏe Yoshiko sa sút và 6 tháng sau khi đặt chân đến đó, cô mất lúc mới 19 tuổi. Cô không gặp được cả chồng (Kensuke), lúc ấy đang ở Shimotsuke (nam Ibaraki / bắc Chiba bây giờ).

Chuuhei sống ở nơi ẩn náu cho đến hết mùa đông, sau mới về ngôi dinh thự của phiên Hikone ở Yoyogi (trung tâm Tôkyô, NNT). Nhờ đó mới hiểu tại sang phiên Hikone đã xuất bản cuốn sách "Tả Truyện Tập Thích" (Saden Shuushaku) của ông. Năm sau, lúc 71 tuổi, ông về ở trong phủ đệ Sakurada của phiên cũ và năm 73 tuổi, một lần nữa lại dọn tới xóm Dote sanbanchô.

Chuuhei mất ngày 23 tháng 9 năm ông 78 tuổi. Người nối dõi tông đường nhà ông là cậu bé Sengiku, con của Sensuke và Yoshiko, lúc đó mới lên 10. Nhân vì sau đó Sengiku lại yểu mệnh, phải đặt Saburô, con trai thứ 2 của của Kotarô vào địa vị đó. .

Dịch ngày 21/05/20

Yasui Chuuhei 
tức học giả Yasui Sokken (1799-1876)

Ông là một nhà tư tưởng và giáo dục cuối đời Edo, nổi tiếng về Khảo chứng học.Thường bàn về phương sách bảo vệ hải phận Nhật Bản bằng biện pháp quân sự. Đã đào tạo được nhiều học trò giỏi, cán bộ nồng cốt của các nội các Duy Tân như Tổng trưởng Nông Thương kiêm Trung tướng Tani Tateki (1837-1911), Tổng trưởng Ngoại giao Mutsu Munemitsu (1844-1897). Trong phái chống chính phủ, ông cũng có học trò giỏi và có cá tính như Kumoi Tatsuo (1844-1870).

Thư mục tham khảo:

Mori Ôgai, Takasebune / Saigo no ikku (Thuyền giải tù / Câu nói cuối), Tập truyện dùng trong Giáo khoa thư bậc Cao trung Nhật Bản, Chikuma Bunko xuất bản, Tôkyô, 2017. Nguyên tác Nhật ngữ.
___________

[1]- Tên tự của Yasui Sokken (1799-1876), nhà nho, học giả cuối đời Edo.

[2]- Phiên mới mở trong phần đất Hyuuga được Mạc phủ phong cho tướng Itô Suketaka để tưởng thưởng chiến công ở Shimazu. Trị giá 57.000 thạch thóc.

[3]- Shinozaki Shôchiku (1781-1851), một nhà Nho và giáo dục cuối đời Edo.

[4]- Gọi là Kurayashiki là nhà kho nơi chứa sản vật mà phiên sản xuất để đem bán ra ngoài gây quỹ cho phiên chi dụng ở Edo.

[5]- Gọi là Nagaya (cư xá chung cho samurai trong phiên)

[6]- Koga Tôan (1788-1847), nhà Nho cuối đời Edo.

[7]- Matsuzaki Kôdô (1771-1844), nhà Nho cuối đời Edo.

[8]- Tức Hayashi Jissai (1812-1874) thuộc gia đình Hayashi, nho quan của Mac Phủ.

[9]- Đồi Shinobu ở Ueno là nơi có trường Shôheikô, Shinobu còn có nghĩa ẩn nhẫn chờ thời.

[10]- Lúc đó là vị chủ phiên đời thứ 13 Itô Suketomo (1812-74) chắc lúc đó đang lên Edo hầu việc.

[11]- Sôshuuô (Thương Châu Ông), tên hiệu của cha Chuuhei khi lên lão. Ý kính trọng.

[12]- Quan niệm "tam thập nhi lập" của nhà Nho.

[13]- Gọi là Gosekku (Ngũ tiết cú): nhân nhật (mồng 7 tháng giêng), thượng tị (mồng 3 tháng 3), đoan ngọ (mồng 5 tháng 5), thất tịch (mồng 7 tháng 7) và trùng dương (mồng 9 tháng 9). Lúc này còn tính theo âm lịch.

[14]- Gọi là Nenki (Niên kỵ) tức các ngày kỵ thứ 3, 7 và 13 sau khi người ta chết, có tổ chức lễ cầu siêu.

[15]- Tức Ono no Komachi, nhà thơ tên tuổi và cũng là người đẹp tuyệt sắc đầu thời Heian (từ thế kỷ thứ 8 đến12).

[16]- Hinamatsuri là lễ dành cho các bé gái vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch tức tiết Thượng Tị, có trưng bày hình nộm.

[17]- Hình nộm hai người già trong tuồng Nô nhan đề Takasago với ý cầu chúc trường thọ.

[18]- Shionoya Tôin (1809-1867), học giả Nho học cuối đời Edo, học trò Matsuzaki Kôdô.

[19]- Diêm Cốc nhất trượng hoành vân yêu. An Tỉnh tam xích mai thảo đầu. Diêm Cốc và An Tĩnh là cách đọc tên bằng chữ Hán của họ.

[20]- Ngôi chùa quan trọng, bản sơn của phái Chân Ngôn, ở Shiba, khu Minato-ku, trung tâm Tôkyô.

[21]- Câu nói nổi tiếng của Yasui Sokken tức Chuuhei: "Kế 1 ngày phải định vào buổi sáng, kế 1 năm phải định vào mùa xuân và kế 1 đời ngay thời mình còn trẻ".

[22]- Một loại cờ Go nhưng không khó và tinh vi bằng.

[23]- Ám chỉ việc xảy ra năm 1846 với James Biddle (1783-1848) chứ không phải việc xảy ra năm 1853 với 4 chiếc của M.C. Perry (1794-1858).

[24]- Fujita Tôkô (1806-1855). Nho thần của phiên Mito (Ibaraki).Một nhà tư tưởng quan trong cuối đời Edo.

[25]- Tên kính xưng của Tokugawa Nariaki (1800-1860), phiên chủ phiên Mito, một gương mặt chính trị quan trọng cuối đời Edo.

[26]- Ii no Naosuke (1815-60), chức Đại lão ngang với Thủ tướng bây giờ, nhân vật cầm đầu chính trị thời đó, chủ phiên Hikone, bị các samurai vô chủ từ các phiên Mito và Satsuma ám sát ngoài cửa Sakuradamon thành Edo.

[27]- Cảnh Sơn Công, hiệu của Tokugawa Nariaki (1800-1860), bị giam lỏng ở quê nhà và chết cùng năm với Ii no Naosuke, địch thủ chính trị đã đàn áp ông.

[28]- Những địa danh này hiện tại đều nằm ngay giữa Tôkyô và rất sầm uất.

[29]- Gia đình Akimoto là phiên chủ một phiên nhỏ 6 vạn thạch ở Tatebayashi thuộc Kôzuke, nay là tỉnh Gunma.

[30]- Dịch thoát danh vị "trực tham" (jikisan) ám chỉ những bầy tôi làm việc trong thành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Shôgun và ăn lộc dưới 10.000 thạch thóc.

[31]- Kumoi Tatsuo (1844-1870), phiên sĩ phiên Yonezawa, một nhà chí sĩ cuối đời Edo .Được xem là sakushi (sách sĩ) tức quân sư hay lý thuyết gia. Học trò nhỏ của Yasui Sokken. Sau chống việc Liên minh Satsuma Chôshuu thu tóm quyền hành, bỏ về quê rồi nổi loạn chống chính phủ mới nên bị bắt và xử trãm.
 
 

***