Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
Chết giữa mùa hè 
(Manatsu no shi, 1952) 

Nguyên tác: Mishima Yukio
Dịch: Nguyễn Nam Trân 

Dẫn nhập:

"Chết giữa mùa hè" là một truyện ngắn của Mishima Yukio viết năm 1952 được chọn như nhan đề cho một tuyển tập truyện dịch sang tiếng Việt do Nguyễn Nam Trân chủ biên gồm 11 tác phẩm với sự phân công đóng góp của ba dịch giả Miêng (1/11), Nam Tử (2/11) và Nguyễn Nam Trân (8/11). Tuyển tập gồm 9 truyện ngắn và 2 vở tuồng Nô hiện đại, tất cả đều do Mishima sáng tác. Sách do nhà xuất bản Hội Nhà Văn xuất bản vào tháng 7/2020.

La mort ...nous affecte plus profondément sous le règne pompeux de l’été. Baudelaire (Les paradis artificiels)

Cái chết tác động đến ta sâu xa hơn cả khi mùa hè tráng lệ lên ngôi. Baudelaire (Những thiên đường giả)

***
Bờ biển A, nằm ở mút phía Nam bán đảo Izu vì thưa dấu chân người nên hãy còn có một bãi tắm tốt. Đồng ý là nơi đây đáy biển lồi lõm và sóng đánh hơi dữ nhưng nước của nó thật trong và bãi cát chỉ thoai thoải đến chỗ thật xa bờ. Nói chung, chỗ này hội đủ điều kiện để mọi người tắm táp thoải mái. Một phần lớn vì nằm ở một nơi biệt lập, xe cộ đi lại khó khăn, A không phải khổ vì tiếng ồn và rác rưởi vốn là tình trạng của các bãi biển sầm uất dành cho du khách nằm gần Tôkyô như vùng Shônan. Nó ở cách thị trấn Itô những hai giờ xe buýt.

Lữ quán duy nhất, hay hầu như thế, là Eirakusô (Vĩnh Lạc trang). Nơi đây người ta có cho thuê cả những túp nhà nhỏ nằm riêng biệt (bungalow). Chỉ có một hai quán nước bằng tre nứa mọc lên vào vụ hè là có thể làm choán mắt. Cát trên bãi đầy ắp và trắng tinh. Ngay giữa bãi lại có một ghềnh đá bao phủ bởi những rặng thông và nằm ngay sát mặt nước, trông chẳng khác nào cảnh trí thấy trên một hòn non bộ. Mỗi khi thủy triều dâng lên, sóng liếm tới phân nửa ghềnh đá.

Lúc gió Tây thổi đến xóa làn sương mai trên mặt biển, phong cảnh ở đây trông thật đẹp, có thể nhìn rõ mồn một những hòn đảo nằm ngoài khơi. Gần nhất là Ôshima và xa hơn một chút là Toshima, giữa hai hòn đảo này còn có một đảo nhỏ hình tam giác tên là Utoneshima. Ở phía Nam thì đằng sau bán đảo Nanago là mũi Sakai-no-Misaki, nơi một bộ phận của rặng núi Manzô cắm rễ dưới làn nước sâu. Xa hơn nữa là mũi đất có tên Yatsu-no-Ryuuguu rồi đến mũi Tsumeki-ga-saki mà mỗi khi đêm về, ở phía Nam mũi, người ta thường thấy có luồng ánh sáng của một ngọn hải đăng thiết kế theo phương thức xoay vòng.

Lúc ấy, trong một gian phòng của lữ quán Eirakusô, Ikuta Tomoko đang nghỉ trưa. Dù đã là mẹ của ba đứa trẻ nhưng khi nhìn dáng dấp của nàng trong giấc ngủ, không ai có thể ngờ tới điều đó. Hai đầu gối của nàng lộ ra dưới chiếc váy dài (one piece) - nhưng được cắt với khổ hơi ngắn - bằng vải hồng nhạt màu cá hồi. Đôi cánh tay tròn lẵng, khuôn mặt mịn màng và đôi môi vừa đầy đặn tạo cho nàng một vẻ tươi mát ngây thơ. Một vài giọt mồ hôi dâm dấp dính trên vầng tràn và ở chỗ lõm cạnh hai cánh mũi. Mấy con ruồi bay rì rầm và không khí nóng bỏng như bên trong một quả chuông đang nung. Lớp vải hồng trên vùng bụng của nàng phồng lên xẹp xuống theo hơi thở quá đổi nhẹ nhàng như muốn cho thấy cái nặng nề ngột ngạt của bầu không khí buổi trưa vắng gió..

Hầu hết những người khách trọ khác của lữ quán đều đã ra ngoài bãi tắm. Căn phòng của Tomoko nằm ở tầng gác. Bên dưới của sổ có một chiếc xích đu màu trắng dành cho lũ trẻ con.Vài cái ghế sơn trắng được đặt sẵn trên một thảm cỏ rộng chừng vài trăm thước vuông, ở đó có cả bàn và mấy cái trụ dùng vào trò chơi ném vòng. Vài cái vòng nằm rải rác bên trên mặt cỏ. Không một bóng người. Từ bên kia hàng rào, tiếng vo ve của một con ong đôi khi vọng tới rồi mất hút vào trong tiếng sóng vỗ. Ngay bên ngoài hàng rào lữ quán là một rừng thông nhưng sau lưng nó chỉ còn cát và sóng biển. Một con lạch chảy dưới chân lữ quán. Nó tạo thành cái đầm con trước khi đổ ra biển. Nơi đây, cứ mỗi xế trưa, lũ ngan độ 14, 15 con vẫn tranh nhau và kêu lên inh ỏi vào giờ ăn của chúng.

Tomoko có hai con trai: Kiyoo và Katsuo, một cậu lên 6, một cậu lên 3 và đứa con gái, Keiko, năm nay 5 tuổi. Cả ba đều đang ở ngoài bãi tắm với Yasue, cô em dâu của nàng. Tomoko không có gì ngần ngại khi phó thác cho Yasue trông hộ lũ trẻ lúc nàng ngủ trưa.

Yasue là một cô gái già. Sau khi sanh Kiyoo, vì nhà neo người, Tomoko cần có ai đó phụ một tay. Nàng bèn nói chuyện với chồng và quyết định gọi Yasue từ một thị trấn nhỏ miền quê lên. Không có một lý do đặc biệt khiến cho người con gái đó giờ đây vẫn chưa có một tấm chồng. Thực ra, tuy không thể gọi là quyến rũ nhưng cô cũng không đến nỗi xấu xí. Cô đã từ chối hết đám này tới đám nọ rồi rốt cục quá cái tuổi lên xe hoa. Sung sướng vì sẽ được đoàn tụ với ông anh – người cô ngưỡng mộ - ở Tôkyô, Yasue đã chấp nhận ngay lời mời của chị dâu. Một phần cũng vì gia đình dưới quê lúc đó đang muốn gả phứt cô cho một người tai mắt ở địa phương.

Yasue không nhanh nhẹn nhưng được cái hết sức đằm tính. Khi nói chuyện với Tomoko, người chỉ đáng tuổi em gái mình, bao giờ cô cũng khéo léo tỏ ra kính trọng và biết vâng lời. Giọng phát âm địa phương Kanazawa của cô rồi cũng mất đi, không còn làm ai khó chịu. Vừa làm công việc nhà vừa chăn mấy đứa bé, Yasue còn xin anh theo học mấy lớp may cắt đồ Âu và do đó, chẳng những may được đồ mình mặc mà dĩ nhiên còn may cho Tomoko và mấy đứa bé. Cô dùng một cuốn sổ tay để ghi lại những quần áo mẫu trưng bày trong cửa kính các hiệu thuộc khu sang như Ginza. Nhiều khi vì thế mà cô bị các cô bán hàng ở đó lườm nguýt hay buông lời trách mắng.

Yasue đang ngồi trên bãi biển. Cô mặc một chiếc áo tắm màu xanh lục thanh nhã. Đó là vật duy nhất cô không may lấy vì nó đến từ một cửa hiệu lớn. Cô rất tự hào với màu da trắng như da con gái miền Bắc của mình, dù ra biển rồi mà vẫn chưa bắt nắng bao nhiêu.

Từ dưới nước đi lên, Yasue vội vã chạy đến núp dưới tán dù che nắng của mình. Mấy đứa trẻ chơi gần bên bờ nước và đang loay hoay đắp mấy tòa lâu đài bằng cát. Yasue ngồi nghịch một mình bằng cách rắc cát ướt lên hai bắp đùi trắng. Cát khô ngay và tạo thành một bức tranh màu nâu thẩm li ti những điểm sáng do vụn vỡ của vỏ sò tạo ra. Yasue hối hả đưa tay phủi ngay như e rằng nó sẽ lưu lại mãi mãi. Một con côn trùng biển nhỏ xíu và hầu như trong suốt trồi ra từ lớp cát rồi lẩn đi đâu mất.

Yasue duỗi dài hai chân và chống hai tay ra đằng sau để ngắm biển. Cô thấy có những đám mây khổng lồ đang nổi lên cuồn cuộn trông rất hùng vĩ. Tựa hồ những đám mây ấy đang muốn hút trọn vào trong cái trầm mặc trang nghiêm của nó tất cả tiếng động đến từ bên dưới, ngay cả tiếng sóng biển gầm gừ.

Lúc này là tột đỉnh của mùa hè, những tia sáng hừng hực của mặt trời như đang chứa đầy cuồng nộ.

Ba đứa con nít đã chán trò nghịch cát đắp thành. Chúng đổ xô chạy đuổi nhau, chân đá vào những lớp sóng đã ngập đến mé bờ để làm bắn tung tóe mấy vạt nước nhỏ. Giật mình vì bị kéo ra khỏi cái thế giới êm đềm mà cô đang chìm đắm, Yasue đứng dậy chạy theo bọn chúng.

Thế nhưng bọn trẻ không chơi trò gì nguy hiểm cả. Bởi vì chúng có vẻ sợ hãi mỗi khi nghe tiếng sóng gầm. Mỗi lần sóng kéo tới, lùi ra và trở lại một lần nữa, lúc nào cũng để lại một cái xoáy nhỏ giống như ao cạn. Hai anh em Kiyoo và Keiko, tay trong tay, bèn ra nơi đó, để nước ngập đến ngang ngực, tìm cách chống cự lại sức mạnh của những luồng nước đang bao vây lấy chúng, cố gắng sao cho cát không trôi khỏi lòng bàn chân. Lúc đó ánh mắt của chúng sáng lên và người đờ ra vì thích thú.

-Coi nè, anh thấy như có ai đang kéo mình đi!

Kiyoo nói với đứa em gái như thế.

Yasue tiến gần và cấm chúng không ra xa hơn nữa. Cô chỉ vào Katsuo đang đứng một mình trên bờ và dặn hai đứa không được để em như thế mà phải cùng chơi với nó. Thế nhưng Kiyoo và Keiko chẳng chịu nghe cho, cứ đứng nguyên, tay trong tay, và nhìn nhau cười lên sung sướng. Chúng đang chia sẻ với nhau một điều bí mật là cảm giác thấy cát di động ở dưới bàn chân.

Yasue sợ nắng. Cô nhìn bờ vai mình rồi nhìn bộ ngực nổi lên dưới lần áo tắm. Màu trắng của nó làm cô nhớ lại màu của tuyết ở quê hương Kanazawa. Cô đưa đầu ngón tay thử nắn phần trên bộ ngực và hơi ấm của nó làm cô mỉm cười một mình. Móng tay đã mọc hơi dài một chút và cô nhận ra rằng có ít hạt cát len vào dưới móng. Cô nghĩ rằng hôm nay sau khi về đến nhà thế nào mình cũng phải cắt móng tay.

Không thấy bóng Kiyoo và Keiko đâu nữa. Yasue nghĩ chúng đã lên bờ rồi cũng nên. Nhìn trên bãi, cô thấy mỗi Katsuo đang đứng một mình. Katsuo đưa tay chỉ về phía cô, và gương mặt của nó như đang bị ai bóp méo một cách lạ kỳ.

Bất chợt, Yasue thấy nhịp tim mình đập loạn. Cô nhìn xuống nước dưới chân. Nước lại rút ra lần nữa và trong khoảng bọt nước nổi lên cách đó chừng 2 mét, cô thấy có một vật thể màu trắng xám đang bị sóng đánh qua lại. Yasue nhận ra cả cái quần tắm màu xanh đậm của Kiyoo.

Bất giác, nhịp tim của Yasue càng đập loạn hơn nữa. Không nói được một câu, cô tiến về phía đó, gương mặt như người đang bị du vào bước đường cùng. Lúc đó không hiểu sao bỗng có một làn sóng dựng đứng lên, kéo đến tận trước mắt, trước khi vỡ tan nó đã đập ngay lồng ngực của cô. Yasue ngã vào bên trong lớp sóng. Cô bị lên cơn nhồi máu cơ tim.

Thấy thằng Katsuo bật khóc, mấy cậu thanh niên đứng gần bèn chạy tới bên cạnh. Thế rồi một vài người khác trên bãi cũng đến nơi. Họ nhảy ùm xuống nước. Nước biển chung quanh những tấm thân rám đen vỡ tung sáng lóa.

Có đôi ba người nhìn thấy cảnh Yasue ngã xuống. Họ nghĩ rằng cô sẽ đứng dậy được ngay nên lúc đầu không để ý. Thế nhưng một chuyện bất bình thường như vậy hay gây cho người ta cảm giác mình đang được dự báo về một cái gì đó nên một số đã chạy đến trợ giúp. Tuy còn bán tín bán nghi nhưng họ cảm thấy cách ngã của cô là không ổn.

Thân thể của Yasue được khuân lên và đặt trên mặt cát khô. Mắt của cô chỉ mở he hé còn hai hàm răng thì đang cắn chặt lại. Làm như thể nỗi kinh hoàng khi chứng kiến cảnh xảy ra trước mắt vẫn còn hằn trên khuôn mặt của cô. Một người nắm lấy tay cô và bắt mạch nhưng mạch ấy không còn đập nữa. Có vẻ như cô đã chết. Một người khác nhận ra cô, lên tiếng:

-Chết chửa, cô này là khách trọ Eirakusô đây mà!

Do đó, bọn họ đã cho gọi ông quản lý Eirakusô đến nơi. Mấy cậu thiếu niên trong xóm rất hăng hái, coi đây là một nhiệm vụ vinh dự nên không đứa nào chịu nhường cho đứa nào, cùng chạy như bay trên cát nóng về hướng Eirakusô để báo tin.

Quản lý đến nơi. Đó là một người đàn ông khoảng 40 tuổi mặc một một bộ đổ chạy bộ màu trắng rộng lùng thùng, quanh lưng lại quấn thêm một cái nịt bụng (haramaki) (1) mà đường chỉ viền đã tơi ra. Trước tiên, ông chủ trương phải khênh ngay người mắc nạn về nhà trọ cái đã. Có nhiều tiếng phản đối nhưng rồi hai cậu trai trẻ đã nắm hai đầu làm như cái cáng để khênh Yasue về. Trên bãi biển nơi cô vừa nằm chỉ còn khoanh cát ướt lưu lại dấu vết hình hài một con người.

Thằng bé Katsuo mếu máo chạy theo sau. Một người thấy tội nghiệp mới đến cõng nó lên lưng.

***
Tomoko vừa ngủ dậy. Ông quản lý biết điều của khách sạn chỉ lay nhẹ vai để đánh thức nàng. Tomoko nhấc đầu lên và hỏi ông đến có việc gì.

-Thực ra thì cô Yasue nhà bà...

-Yasue làm sao?

-Vâng, hiện nay mọi người đang cứu cấp cô và bác sĩ cũng đang trên đường tới nơi.

Tomoko chợt nhỏm dậy, cùng với ông quản lý bước ra khỏi phòng. Yasue nằm dưới bóng cây cạnh chiếc đu trên thảm cỏ ở góc vườn. Một người đàn ông xoay trần đang ngồi trên người cô trong tư thế đi ngựa để làm hô hấp nhân tạo. Bên cạnh họ là những đống rơm khô và thùng gỗ đựng cam được mở banh ra, một bọn hai người phụ trách đang hối hả châm cho lửa bùng lên. Ngọn lửa vừa cháy tới đã ngợp khói vì sau cơn mưa lớn hôm qua, những thanh gỗ thấm nước hãy còn chưa khô nên khó bén. Vì khói nhiều khi trùm cả khuôn mặt của Yasue nên một cậu con trai khác phải cầm quạt xua đi.

Đang được làm hô hấp nhân tạo, cái cằm của Yasue lúc thì nâng cao lúc thì hạ xuống, khiến người ta tưởng cô còn thở được. Trên cái lưng rám đen của cậu con trai đang cưỡi lên người cô để làm hô hấp, dưới ánh nắng chiếu xiên qua vòm cây, đã thấy những giọt mồ rịn ra và chảy thành dòng. Đôi chân trắng trẻo của Yasue xoạc ra trên bãi cỏ nhuộm một màu xanh mướt hầu như bị phình ra. Coi bộ hai bắp chân này đang nằm đờ ra đấy, không có một chút cảm xúc nào trước cuộc chiến đấu nhọc nhằn đang diễn ra ở phần trên cơ thể.

Tomoko ngồi bệt xuống cỏ và gọi liên tục:

-Cô Yasue! Cô Yasue ơi!

Vừa khóc, cô lắp bắp không thành lời. Chỉ nghe thoang thoáng: Có cứu được không, sao để ra nông nỗi này, tôi biết nói gì để xin lỗi anh ấy, vv và vv. Giữa lúc đó chợt có những cặp mắt quắc lên. Họ hỏi:

-Thế thằng bé đâu?

Người đàn ông làm nghề đánh cá nhận giữ Katsuo đang ôm nó trên tay bèn chỉ cho nó thấy:

-Má cháu kìa!

Thằng bé như đang bấn loạn không biết làm gì hơn là chu miệng nhìn. Tomoko thoáng thấy hình ảnh của đứa con lướt qua trước mắt nàng, mới lên tiếng nhờ ông ta trông hộ.

Bác sĩ đã tới nơi. Ông ta thay thế người đàn ông trong vị trí làm hô hấp nhân tạo. Lúc đó đống lửa đã cháy đủ. Mặt của Tomoko nóng bừng lên nhưng đầu óc của nàng thì trống rỗng, không nghĩ ra được điều gì. Thấy có một con kiến đang bò ngang khuôn mặt cô em chồng, nàng bèn lấy ngón tay dí cho nó chết và vứt đi. Được một lúc, lại có một con kiến khác đang đeo theo cọng tóc run rẩy buông người xuống và bò về phía lỗ tai của Yasue. Tomoko cũng giết luôn con này. Nàng làm như giết kiến là công việc mình phải phụ trách.

.............Hô hấp nhân tạo đã được thử liền trong 4 tiếng đồng hồ. Cảm thấy có dấu hiệu là thân thể người bệnh đã bắt đầu cứng lại, bác sĩ đành ngừng. Xác chết được bó vào bên trong một tấm vải trải giường và chuyển lên tầng gác. Căn phòng trên đó tối hù nên những người rảnh tay phải tránh đi cùng xác chết mà leo lên trước để bật đèn.

Tomoko mệt đứ đừ nhưng nàng tìm ra trong sự trống rỗng một tình cảm ngon ngọt. Nàng cũng không thấy buồn gì cả. Thế nhưng sực nhớ đến đứa con, nàng mới lên tiếng hỏi:

-Con tôi đâu?

-Nó đang ở trong phòng chơi với anh Gengo.

-Cả ba đứa à?

-Cái đó thì...

Mọi người đưa mắt nhìn nhau.

Tomoko đẩy lui bọn người và đi xuống tầng dưới. Anh chàng đánh cá có tên là Gengo đang khoác trên người một manh yukata, còn Katsuo thì được choàng một cái sơ-mi lên quần tắm. Hai người đang ngồi tựa lưng vào chiếc ghế dài và xem sách hình (ehon). Thế nhưng Katsuo không để mắt vào sách mà lơ đãng nhìn đâu đâu.

Khi Tomoko bước vào gian phòng đó thì cùng lúc, đám khách trong lữ quán nghe được tin dữ đã kéo tới. Họ ngừng tay quạt và mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Tomoko.

Nhìn thấy Katsuo, Tomoko tức thời đi về phía nó và chực ngồi xuống bên cạnh. Nàng hỏi nó với một giọng hầu như gây hấn:

-Anh Kiyoo với chị Keiko mày đâu?

Katsuo nhìn sắc mặt của mẹ với vẻ sợ hãi. Thế rồi vừa thút tha thút thít nó trả lời:

-Anh hai chị ba "bụp bụp" hết rồi.

....................Tomoko để nguyên chân đất một mình chạy vụt ra ngoài bờ biển. Cát ở bên dưới rặng tùng ngập đầy những lá rụng chích nàng đau điếng. Thủy triều đã dâng đầy bên dưới ghềnh đá. Nếu không leo lên ghềnh thì không ra đến bãi được. Từ trên đó nàng nhìn xuống và chỉ có mênh mông cát trắng một màu, không nhìn ra được gì cả. Trên bãi biển chiều hôm đã vắng hết những tán dù tắm hai màu vàng và trắng, chỉ còn sót lại mỗi một chiếc: cái tán dù nghiêng lệch qua một bên của gia đình Tomoko.

Bọn người đuổi theo những muốn bắt kịp Tomoko trên bãi cát. Nàng chạy một mạch ra tận mé nước, nơi sóng đánh vào bờ. Khi người ta ôm chầm để giữ nàng lại, Tomoko đã quay ngoắt và bực bội gào lên:

-Mấy người chưa hiểu sao? Hai đứa nhỏ đã chìm ở dưới đáy biển kia kìa.

Trong số những người đuổi theo nàng, nhiều người không chịu nghe lời giải thích của Gengo mà cứ chạy ra đấy. Đối với họ thì Tomoko chỉ là một người loạn trí.

***
Giữa lúc bỏ phí mất 4 tiếng đồng hồ để tìm cách cứu Yasue trong tuyệt vọng, không có ai để ý là Tomoko hãy còn hai đứa con khác hiện đang vắng mặt. Đó là một sự thực đáng lý ra không thể có bởi vì khách trọ trong lữ quán lúc nào cũng thấy 3 anh em chúng đi chơi với nhau. Thêm vào đó, có điều khó tin là một người mẹ như Tomoko dù ở trong trạng thái mất hồn đến đâu cũng không thể nào không linh cảm về cái chết của 2 đứa con yêu.

Thế nhưng khi một sự cố nào đó xảy ra thì cũng có thể là ngay tức khắc chung quanh nó sẽ có một vực xoáy cuốn vào đó tất cả tâm lý của đám đông đang tụ tập, làm cho ai nấy đều suy nghĩ một cách đơn thuần. Đứng được ở bên ngoài lối suy nghĩ ấy là chuyện không đơn giản. Cũng khó lòng bảo vệ một luận điệu nào bên ngoài ý kiến đám đông. Ngay cả Tomoko, vừa thức dậy sau một giấc ngủ trưa, cũng không thể làm gì khác hơn là cứ thế mà tiếp thu cách suy nghĩ của người khác cho mình và không vướng lấy một chút nghi ngờ.

Suốt đêm hôm đó trên bãi biển A, cứ cách vài mét người ta lại đốt một đống lửa, rồi mỗi nửa giờ đồng hồ, bọn trai tráng thay nhau ngụp lặn dưới nước để tìm hai thi thể. Cho đến hừng sáng, Tomoko không rời bãi biển nửa bước. Một phần vì nàng quá đổi phần khích, một phần vì trong ngày đã đánh một giấc trưa quá dài, nên không cảm thấy buồn ngủ.

Trời đã rạng ra. Buổi sáng hôm ấy, theo lời yêu cầu của đội dân phòng trong vùng, người ta ngưng việc kéo lưới trên biển.

Mặt trời lên cao trên mũi đất nằm ở phía tay trái bãi. Gió sớm phả nhẹ lên má của Tomoko. Đối với nàng, mặt trời lên cao là một cảnh hãi hùng. Vì nó sẽ chiếu rõ ràng toàn bộ sự cố và đây là lần đầu tiên tất cả sự thật sẽ được phơi bày.

-Thôi, bà cũng phải nghỉ ngơi một chút chứ! Nếu tìm ra được xác thì sẽ vớt lên thôi. Từ đây xin bà cứ giao cho chúng tôi lo liệu.

Một người lớn tuổi đứng đầu trong bọn khuyên bảo như thế.

Hai mắt đỏ hoe vì cũng thức trắng một đêm, ông quản lý khách sạn đáp thay:

-Vâng, xin các ông giúp cho. Đã gặp cảnh bất hạnh như vậy mà giờ đây bà còn lăn ra ốm nữa thì ở trên Tôkyô không biết ông nhà sẽ ra sao!

Tomoko sợ phải gặp mặt chồng. Bởi vì nàng có cảm tưởng chồng mình là vị quan tòa sẽ xét xử vụ án này. Thế nhưng bề gì nàng cũng phải gặp anh thôi. Giây phút gặp gỡ càng gần bao nhiêu thì y như là một sự bất hạnh khác sẽ tiến đến gần nàng bấy nhiêu.

Suy nghĩ một đổi, Tomoko quyết định đánh cho chồng một bức điện tín. Trên đường trở lại lữ quán, nàng đã nghĩ ra lời lẽ phải trình bày trong đó. Lời hứa của người chỉ huy các tay thợ lặn vớt xác hình như đã giúp cô lấy lại tinh thần.

Trên đường đi, Tomoko nhìn ngoái đằng sau. Mặt biển yên tĩnh. Ở mé biển phía gần bờ, nàng thấy thấp thoáng những vệt sáng bạc đang bay vụt lên khỏi mặt nước. Đó là một bầy cá. Tưởng chừng như lũ cá nhảy lên kia đang có gì mừng rỡ đến say sưa. Bất chợt, Tomoko nhìn lại nỗi bất hạnh của mình và thấy nó mới bất công làm sao.

***
Người chồng của Tomoko tên là Ikuta Masaru, năm nay 35 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường Gaigo (Đại học Ngoại ngữ), anh vào làm trong một hãng Mỹ thành lập từ trước chiến tranh. Tiếng Anh của anh khá sõi và tay nghề cũng vững. Tuy là mẫu người ít nói nhưng anh làm việc rất tháo vát. Hiện nay anh đang đứng đầu chi nhánh Nhật Bản của một hãng ô tô Mỹ. Anh có quyền dùng xe làm mẫu của hãng để di động khắp nơi, thu nhập hàng tháng khoảng 15 vạn Yen (2). Hơn thế, anh có thêm một quĩ đen để chi dụng cho nên gia đình anh, kể cả Tomoko, Yasue và một cô gái giúp việc, có thể sinh hoạt một cách thoải mái Chưa bao giờ họ thấy cần giảm bớt một miệng ăn nào.

Để báo hung tin, Tomoko không gọi điện thoại mà đánh điện tín. Lý do là nàng sợ cái cảnh phải đối đáp trực tiếp với chồng. Thế nhưng theo tập quán ở khu vực ngoại ô nơi họ cư trú, khi có một văn thư nào tới nơi, nhà Bưu Điện sẽ gọi điện thoại thông báo cho người nhận biết vào trước giờ đi làm. Tưởng là cái gì liên quan tới công việc hãng, Masaru thoải mái ra ngoài bàn phòng khách bắt máy để nghe.

-Tin khẩn đến từ bãi biển A.

Một giọng nữ của nhân viên Bưu Điện cho biết. Masaru bắt đầu cảm thấy tim mình đập loạn lên vì lo lắng.

-Xin đọc nội dung điện tín. Được không ạ? "Yasue chết. Kiyoo, Keiko mất tích. Tomoko".

-Cô đọc lại lần nữa cho tôi!

Lần thứ hai cũng chỉ có cùng một nội dung nghĩa là "Yasue chết, Kiyoo và Keiko mất tích". Lòng Masaru nóng như thiêu đốt. Đột nhiên đầu óc anh trở nên trống rỗng và cảm thấy phẫn nộ như một người đột ngột bị chủ đuổi việc. Cắt điện thoại xong, lồng ngực anh nghẹn ngào, tức tối.

Đã tới giờ phải lái xe đi làm. Anh bèn điện thoại ngay tới sở cho biết mình sẽ nghỉ việc hôm nay. Anh định tới bãi A bằng xe hơi của hãng. Thế nhưng đoạn đường lại xa và nguy hiểm, anh lái không giỏi và nhất là hiên nay tinh thần đang ở trong trạng thái dao động. Hơn nữa, mới đây anh vừa gây ra một vụ tai nạn xe cộ. Vì vậy, anh quyết định đi bằng xe lửa đến Itô rồi từ đó sẽ lấy tắc xi.

Biến cố không ngờ này đã len lỏi theo một quá trình kỳ lạ trước khi tìm ra được chỗ đứng trong tâm hồn của một con người như anh. Có thể anh chưa hiểu tính cách của nó thế nào nhưng trước khi lên đường, việc đầu tiên của anh là chuẩn bị ngay một số tiền mặt. Bởi vì đã là sự cố thì thường gây ra tốn kém.

Để đi cho nhanh đến bờ biển A, Masaru bắt tắc-xi thẳng tới ga Tôkyô. Trong lòng anh lúc đó không có cảm xúc gì đặc biệt, nếu có thì cũng chỉ na ná như tâm sự một viên cảnh sát hình sự đang muốn tiến hành gấp rút một cuộc điều tra cho biết hư thực. Thay vì tưởng tượng, anh là mẫu người thiên về suy luận cho nên giờ đây anh như run lên vì hiếu kỳ trước một biến cố trọng đại liên quan sâu xa tới mình.

Trong những dịp như thế này, chúng ta hay dễ dàng chấp nhận sự trả thù của những nỗi bất hạnh, cái mà ngày thường ta muốn lánh xa. Còn như hạnh phúc là cái mà mỗi ngày chúng ta tiếp nhận dễ dàng chỉ vì nó phù hợp với ta thì nay không còn giúp ích gì cho ta nữa. Hình dáng của sự bất hạnh là cái lâu ngày chưa gặp nên chúng ta không còn nhận ra nó nữa.

Nếu cô nàng điện thoại cho mình thì có phải tiện hơn không? Chắc Tomoko ngại phải trực tiếp nói chuyện. Với trực giác của một người chồng, anh đã đoán đúng sự thật. "Nhưng dù sao điều tiên quyết là mình phải đến tận nơi và xem tận mắt".

Anh nhìn phong cảnh ngoài cửa khi chiếc tắc-xi sắp đưa mình vào trung tâm thành phố. Mặt trời buổi sáng mùa hạ càng chói chang thêm vì màu trắng những tấm áo sơ-mi của đám đông trên đường phố. Hàng cây dàn theo con đường đang đổ những bóng sẫm màu ngay dưới chân chúng như một vạch thẳng đứng và trước cửa ra vào của một khách sạn, ai đó đã treo một bức mành mành rực rỡ hai màu trắng đỏ như muốn cho nó đỡ lấy cái ánh nắng kim thuộc gay gắt của mặt trời. Vạt đất vừa dược xới lên để làm công sự sửa chữa trên con đường, chưa gì đã khô ran.

Thế giới vây chung quanh anh vẫn bình thường như trước. Không có gì đang xảy ra và anh cố gắng tin tưởng theo rằng, nếu mình muốn, cũng sẽ không có gì xảy đến cho mình cả. Một sự bất mãn lạ lùng và ấu trĩ xâm chiếm hồn anh. Ai dè một biến cố xảy ra ở vùng đất xa lạ đó đã cắt anh khỏi thế giới quanh mình.

Từ ga Atami đi Itô, dĩ nhiên phải lấy tàu điện của công ty Shônan Dentetsu. Chuyến ngày thường bắt đầu gần giữa trưa, kiếm được chỗ ngồi chẳng mất công là bao.

Đã quen với tập quán ở sở, ngay giữa mùa hè mà Masaru cũng thắt cà-vạt, mặc áo tây quần dài. Mùi nước hoa đàn ông của anh khử được mùi mồ hôi. Thế nhưng nhiều khi Masaru cũng cảm thấy nó dâm dấp trên lưng áo và ướt hai bên nách.

Khi nghĩ rằng hành khách đi cùng toa hôm nay không có ai bất hạnh cho bằng mình, anh đã bất chợt tự đặt mình vào một vị trí khác với vị trí của một Masaru ngày thường, chỉ không biết là nó cao hay thấp hơn thôi. Anh coi anh đã trở thành một con người đặc biệt, một kẻ đứng ngoài luồng. Điều này xưa kia anh chưa lần nào cảm thấy. Con trai thứ hai trong một gia đình giàu có ở địa phương, được ông bác, nay đã quá cố, nuôi trong nhà và cho đi học ở Tôkyô kể từ bậc trung học, cha mẹ lại gửi tiền chu cấp đầy đủ nên chưa một lần nào anh có cảm tưởng là kẻ đi ăn chực nhà người. Hồi chiến tranh, nhờ làm trong ngành an ninh, anh cũng được miễn quân dịch, sau đó lại lấy vợ là con nhà gia giáo ở Tôkyô. Đến khi ra riêng, anh có một tổ ấm đàng hoàng và đến thời hậu chiến, lại có địa vị đàng hoàng trong xã hội. So với người cùng trang lứa, anh thấy mình may mắn và tài cán hơn họ rất nhiều nhưng anh chưa bao giờ nghĩ mình là một mẫu người khác thường nên không hề lên mặt mà cũng không cảm thấy thua kém ai.

Có lẽ một kẻ mang một cái bớt lớn trên người khi mới ra đời đôi khi thấy cần phải gào lên: "Nghe tôi nói đây. Các người không biết gì hết. Tôi có một cái bớt đỏ sẩm trên lưng từ lúc mới sinh ra kìa!".

Và như thế, Masaru đang muốn nói cho cho những hành khách khác trong toa: " Tất cả, nghe đây! Các người không thể biết đâu nhưng mà tôi vừa mất một cô em gái và hai trong ba đứa con!"

Anh đã đánh mất lòng can đảm. Phải chi ít nhất mấy đứa con anh được cứu...! Anh bắt đầu tìm cách diễn giải nội dung bức điện tín. Mấy chữ Kiyoo trên đó không biết là tên thằng Kiyoo con trai mình hay chỉ có nghĩa là "hôm nay" (kyoo). Hoặc giả Tomoko, hoảng hốt trước cái chết của Yasue, đã ngờ rằng hai đứa bé kia mất tích trong khi chúng chỉ đi lạc mà thôi. Biết đâu lúc này ở nhà mình người ta đang mang đến một bức điện tín thứ hai để đính chính tin trước? Masaru hoàn toàn bị chi phối bởi cảm xúc của mình, như thể muốn xem rằng biến cố kia tự nó không quan trọng bằng phản ứng đến từ anh ta. Anh tiếc mình đã không chịu gọi điện thoại cho lữ quán Eirakusô ngay lúc đó.

Quảng trường trước nhà ga Itô rực nắng của một ngày thịnh hạ.Gần nơi bến tắc-xi có một cái văn phòng với bảng thông tin, hẹp chỉ bằng cở bót gác. Bên trong, ánh nắng chói chang ùa vào đã làm cho những mẩu giấy ghi giờ xe khởi hành ghim lên tường vàng úa và cong cả mép.

-Đến bãi A mất bao nhiêu tiền?

-Hai ngàn Yen.

Người đàn ông đội chiếc mũ lưỡi trai của tài xế và quấn một chiếc khăn lông quanh cổ trả lời. Không biết có phải vì muốn giúp đỡ khách hàng hay để tránh bị phiền nhiễu, ông ta nói thêm một câu không cần thiết: "Nếu không gấp gáp, ông có thể lấy ô-tô-buýt thì đỡ tốn hơn. Năm phút nữa là nó chạy!".

-Tôi gấp lắm.Có người trong gia đình vừa mới mất ngoài đó!

-Ấy chết, ông là thân nhân của những người chết đuối ngoài bãi A đấy à? Tội nghiệp chưa!. Hình như là cả một người đàn bà với hai đứa bé?

Dưới ánh nắng mặt trời, Masaru cảm thấy choáng váng.Từ lúc đó cho đến khi tới bãi A, anh không nói một lời với người tài xế.

Phong cảnh suốt đoạn đường dài chạy ven biển này không có gì gọi là đẹp đẽ. Ban đầu chiếc tắc-xi leo lên một quả núi đầy bụi rồi sau đó lại xuống để leo lên một quả núi khác. Ít khi thấy mặt biển lộ ra. Lúc tắc-xi phải tránh một chiếc xe buýt ngược chiều trên con đường chật hẹp, những cành cây bên đường đã quệt vào bên trong cửa kính đang mở nửa vời, phát ra âm thanh như tiếng những con chim đập cánh vì hoảng sợ và bắn bụi lẫn cát lên cái quần dài vốn được là thẳng thớm của Masaru.

Masaru chưa biết sắp tới đây anh sẽ hỏi chuyện Tomoko với thái độ nào. Anh không nghĩ rằng mình có thể tiếp cận cô một cách "tự nhiên" được bởi vì anh sẽ không kềm giữ được dù chỉ là một trong những tình cảm đang trào dâng trong lòng. Giữ một "thái độ tự nhiên" sẽ thành ra đáng ngờ. Mất tự nhiên mới là thái độ tự nhiên hơn cả.

Khi tắc-xi gần đến bãi A, anh thấy có một ông lão trên vai vác một cái giỏ đầy cá trích đang đứng sát bờ cỏ bên đường để tránh bụi xe qua. Có lẽ bao mùa hạ rồi, ánh nắng mặt trời đã hằn lên trán khiến cho đôi ngươi của ông giờ đây đã đục lờ. Hình như ông ta vừa ở ngoài bãi câu gần đó mới về. Thổ sản vùng này có các loại cá trích, cá lưỡi trâu và cá mực cũng như các loại cam quít và nấm.

Chiếc xe đã vượt qua cái cổng gỗ đen đũi của lữ quán Eirakusô. Nó đang leo lên con đường đưa vào chỗ đậu thì anh đã nghe tiếng ông chủ quán với đôi guốc gỗ lọc cọc dưới chân bước ra đón.Như một hành động phản xạ, Masaru đưa tay vào ví kiếm tấm danh thiếp:

-Dạ, tôi là Ikuta đây ạ.

-Xin thành thực chia buồn cùng ông.

Người quản lý cúi thật thấp. Trước hết, Masaru lấy tiền trả cho người tài xế rồi mới cảm ơn ông quản lý và dúi vào tay ông ta tờ giấy bạc 1 nghìn Yen.

Tomoko và Katsuo ngủ ở căn phòng kế bên phòng đặt quan tài của Yasue. Di hài đã được ướp bằng một loại nước đá khô (dry ice) mua từ Itô, và đợi Masaru đến thì sẽ được đem đi hỏa táng (lễ trà tì).

Masaru đi vượt qua người quản lý và mở cánh cửa. Nghe tiếng động, Tomoko đang nằm ngủ trưa để lấy sức chợt nhỏm dậy. Thực tình thì nàng đã không sao chợp mắt.

Đầu tóc bù xù, nàng đang mặc trên người một manh kimono nhàu nát.Như cung cách một nữ tù nhân, nàng hối hả kéo áo lại cho tề chỉnh và quì gối trước mặt chồng. Những động tác ấy xảy ra thật nhanh làm như nàng đã chuẩn bị từ trước. Nàng liếc nhìn chồng rồi bất giác gập người xuống và chan hòa nước mắt.

Masaru hơi ngại nếu người quản lý thấy cảnh mình đặt tay lên bờ vai của vợ để làm một cử chỉ an ủi. Chuyện đó còn tệ hơn là việc bị người lạ bắt gặp lúc hai vợ chồng âu yếm trong buồng riêng. Masaru cởi cái áo vét và đưa mắt tìm một chỗ để máng áo.

Không biết sau đó bao lâu Tomoko mới hiểu được ý anh, bèn lấy một cái mắc áo sơn xanh từ trong tủ và nhận tấm áo vét đẫm mồ hôi từ tay chồng rồi máng lên. Masaru ngồi xuống bên cạnh thằng bé Katsuo, vừa bị tiếng khóc của người mẹ đánh thức. Nó vẫn nằm đó và nhìn hai người. Masaru đặt con lên đùi mình, và giống như một búp bê vô cảm, nó không có phản ứng gì cả. Masaru kinh ngạc vì nó lại có thể bé bỏng như thế. Sao mà mình thấy nó chẳng khác nào một món đồ chơi.

Tomoko vẫn quì và khóc ròng ở trong một góc phòng. Nàng nói:

-Trăm sự lỗi tại em!

Đây là câu nói mà Masaru muốn nghe hơn hết.

Đằng sau lưng họ, ông quản lý cũng đang thút thít.

-Tôi biết mình là người chẳng liên hệ gì với gia đình nhà mình nhưng tôi cũng xin ông đừng trách cứ gì bà. Tất cả đã xảy ra trong khi bà đang nghỉ trưa, đâu có phải lỗi vì bà sơ sẩy đâu nào!

Masaru có cảm tưởng đã từng nghe hay đọc câu nói như thế này ở đâu đó rồi.

-Tôi hiểu. Vâng, tôi hiểu chứ!

Nói xong, theo đúng theo qui tắc ứng xử của người ở trong một hoàn cảnh như thế này, anh đứng dậy, bế đứa con đi đến ngồi cạnh vợ và đặt một bàn tay lên vai nàng. Động tác ấy anh đến với anh một cách dễ dàng nhưng nó đã khiến cho Tomoko một lần nữa vỡ òa trong nước mắt.

Sáng hôm sau, người ta đã tìm ra thi hài hai đứa con của họ. Sau khi động viên tất cả lực lượng canh phòng trên bãi và từng người từng người ngụp lặn nhiều lần để mò dưới đáy biển, họ đã phát hiện hai các xác đang chìm ở vùng chân núi Manzô. Đôi chỗ trên thi thể đã bị những giống côn trùng nhỏ dưới nước rỉa nát, hai ba con còn nằm ngay bên trong lỗ mũi của mấy đứa trẻ.

***
Chuyện can thiệp của đám cảnh sát và dân phòng đó thật sự đã vượt quá mức tập quán công việc thường ngày của họ. Tuy vậy không có gì bắt buộc họ chỉ làm tới giới hạn của tập quán mà thôi. Riêng hai vợ chồng Masuru thì không quên điều mà tập quán đòi hỏi nên đã đi chào hỏi hết mọi người để bày tỏ lòng biết ơn và chi một món tiền kết xù như món quà cảm tạ họ.

Cái chết nào cũng gây ra lắm vấn đề thủ tục. Hai người hết sức bận rộn, đến điên đầu. Có thể nói là Masaru, với tư cách chủ gia đình, là người đặc biệt có nhiều trách nhiệm hơn hết. Bảo anh không có một phút giây để mà buồn nữa cũng không phải là nói quá lời. Còn đối với thằng bé Katsuo thì đó là chuỗi ngày nhộn dịp như Tết nhất mà mấy người lớn ai nấy đều thủ vai trò của mình chẳng khác nào đang diễn kịch.

Dù sao, đối với gia đình Ikuta, bao nhiêu chuyện rắc rối linh tinh ấy rồi cũng đến hồi kết thúc. Tiền người ta đem đến phúng điếu khá nhiều. Tiền phúng điếu nhiều là khi gia chủ hãy còn sống và đủ sức tiếp tục làm việc, còn nếu như là chính đám tang của ông ta thì dĩ nhiên số tiền ấy không thể cao bằng.

Bề gì cả Masaru và Tomoko cũng phải gồng mình lên để giải quyết những việc cần thiết. Tomoko không thể nào hiểu tại sao nàng có thể làm hai chuyện cùng một lúc: đang buồn đến phát điên đi được mà cứ phải theo dõi đến từng chi tiết vụn vặt. Nàng cũng ngạc nhiên thấy mình ngốn cơm nhiều đến thế trong khi mặt mày thì ủ dột và chẳng thấy ngon lành chi cả.

Cái mà nàng lo lắng nhiều nhất là phải gặp cha mẹ của Masaru. Hai người đã từ Kanazawa đến Tôkyô vừa kịp buổi lễ tang. Nàng bắt buộc lập đi lập lại câu nói: "Trăm sự lỗi tại con!" nhưng bù lại, đã than vãn với một thái độ hậm hực với chính cha mẹ mình:

-Ai khổ cho bằng con chứ. Không phải con mới là người mất cả hai đứa nhỏ sao? Thế mà mọi người miệng thì ngậm câm mà trong lòng lại trách móc con. Cớ sao đem hết tội lỗi và trách nhiệm đổ lên đầu một mình con và khiến con phải xin lỗi khắp nơi. Tại sao mọi người lại xem con như một cô vú em lơ đễnh đã làm cho trẻ con phải rơi xuống nước? Không phải cô Yasue mới là người đáng trách hay sao? Yasue có lợi thế là chết rồi nên khỏi phải bị phiền nhiễu. Tại sao không ai chịu hiểu rằng con mới là nạn nhân trong câu chuyện này. Dù sao con cũng là mẹ của hai đứa trẻ chết đuối chứ!

-Con cứ tưởng tượng ra như vậy chớ nào có ai nhìn con với cặp mắt trách móc đâu! Bác gái mẹ anh Masaru cứ khóc với mẹ và nói sao mà tội nghiệp cái con Tomoko nhà mình thế!.

-Bà ấy chỉ nói thế ngoài miệng thôi.

Xưa giờ, Tomoko hay có thái độ giận dỗi không lý do. Cô thương thân vì thiếu may mắn nên không được đánh giá đúng với giá trị con người của mình. Đối với một người phải chịu bao cảnh khổ như mình hiện nay mà lại bị coi là kẻ đầy quyền lực, đủ để làm những chuyện phi nhân. Nay lại còn phải đứng trước mẹ chồng để tạ lỗi thì nàng làm sao mà không bất mãn cho được. Sự nhịn nhục đã làm cho toàn thân của nàng ngứa ngảy và nóng nảy như đang bị ai thiêu đốt.

Tomoko đã trút tất cả tâm sự cho mẹ mình những mong có lấy một lời an ủi từ bà.

Có lẽ Tomoko không để ý nhưng bản tính nàng vốn là con người đã tuyệt vọng vì sự nghèo nàn về lòng nhân ái của người đời. Một người chết hay mười người chết, ngoài chuyện nhỏ cho cùng một lượng nước mắt, thiên hạ không biết làm gì khác. Như thế có phải là bất hợp lý không? Chuyện nhỏ lệ hay cất lên tiếng khóc là cái thước họ dùng để đo thứ tình cảm nào vậy? Hỏi thử trong mắt họ hình ảnh của nàng là loại hình ảnh nào? Biết là thế nên khi đưa mắt nhìn vào nội tâm của mình, cái nỗi buồn bị cắt đứt sự thông cảm với người thân thuộc lại mơ hồ hiện ra và đem đến cho nàng một niềm tuyệt vọng khác.

Tomoko ngạc nhiên khi thấy mình chưa ngã quị. Mặc bộ đồ tang giữa cảnh trời oi bức như thế này trong cả tiếng đồng hồ mà chưa ngã quị thì thật là lạ.

Đôi khi nàng cảm thấy mình không đứng vững nữa nhưng cái kéo nàng ra khỏi nguy cơ chính là tình cảm sợ hãi trước cái chết, một tình cảm mới mẻ và không diễn tả được bằng lời nói. "Con thấy mình còn vững chãi hơn là mình nghĩ, mẹ ơi!." Có lúc Tomoko quay lại phía người mẹ ruột và nói như thế, trong khi mặt vẫn đầm đìa nước mắt.

Tomoko nhận ra rằng mình không còn cảm thấy buồn vì cái chết của Yasue một chút nào nữa. Một con người hiền lành như Tomoko vốn không bao giờ ghét bỏ ai thế mà giờ đây nàng lại tiến đến gần một tình cảm như thế đối với cô em chồng. Có thể là vì trong hơn 4 tiếng đồng hồ mãi lo cứu sống Yasue, người ta đã làm nàng quên đi rằng cái chết cũng có thể xảy ra cho hai đứa con mình.

Khi chồng nàng nói chuyện với cha mẹ anh về cái chết của Yasue, Tomoko thấy anh rớt nước mắt thương cho cô em chết đi mà chưa có một tấm chồng, nàng cũng cảm thấy trong lòng mình dậy lên một tình cảm oán ghét đối với anh. Cô thầm nhủ: "Giữa cô em với mấy đứa con, không biết cái anh này coi trọng bên nào hơn?".

Rõ ràng là đầu óc Tomoko căng thẳng cùng cực nên cái đêm túc trực bên áo quan, nàng không sao nhắm mắt dù biết mình cần ngủ để lấy sức. Dù vậy, nàng chẳng cảm thấy nhức đầu một chút nào. Đầu óc nàng hoàn toàn tỉnh táo và sảng khoái.

Nhiều người khách đến phúng viếng tỏ ra lo lắng cho tình trạng sức khỏe của nàng nhưng có lần họ gặp phải một câu trả lời khô khan như thể nàng cảm thấy bị họ làm phiền: "Các ông bà không phải lo giùm. Sống hay chết cũng thế thôi, xin để mặc tôi!".

Chuyện tự sát hay trở thành điên loạn không còn vướng vít trong đầu óc nàng nữa Sự hiện diện của thằng Katsuo có thể là một nguyên nhân khiến cho nàng thấy mình cần tiếp tục sống. Tuy nhiên, nhiều khi nàng nghĩ hãy còn có những lý do khác như sự hèn nhát hay vì nhiệt tình của mình đã nguội lạnh. Nhưng nói gì thì nói, khi nhìn thằng bé Katsuo đang được các bà mặc áo tang dạy cho đọc sách họa hình, nàng cảm thấy may mắn là giờ đây mình hãy còn sống. Lúc đó, vào những buổi tối, khi ngã người trong vòng tay của người chồng, mở to đôi mắt thơ ngây như mắt thỏ nhìn lên quầng ánh sáng chụp đèn đầu giường đang tỏa ra, nàng lập đi lập lại một câu nói nhưng không hẳn là một lời biện bạch: "Em đã gây ra lỗi lầm! Em là người thiếu trách nhiệm. Ngay từ đầu, nếu em không giao cho Yasue trông coi ba đứa nhỏ thì chẳng có chuyện gì xảy ra đâu".

Tiếng nói của nàng sao mà trống vắng như một tiếng kêu thương gửi về hướng núi để thứ xem có một tiếng nào dội lại.

Masaru hiểu tại sao vợ anh có thái độ cố chấp trong việc nhận lãnh trách nhiệm. Nàng chờ đợi một hình phạt đến với mình đấy thôi. Có thể nói lúc này Tomoko như đang thèm thuồng được như vậy.

Tuần chay 14 ngày qua đi, nhịp sống trở lại bình thường. Nhiều người khuyên hai vợ chồng nên đem con đi đến chỗ nào đó để tìm sự nghỉ ngơi cho tâm hồn và thể xác nhưng cả cảnh núi lẫn cảnh biển đều làm Tomoko sợ hãi như nhau. Nàng đang lo rằng tai họa còn có thể xảy tới một lần thứ hai.

Một buổi tối vào độ cuối hè, Tomoko dắt thằng Katsuo ra ngoài phố Ginza. Nàng đã hẹn với chồng cả nhà cùng đi ăn cơm tối sau khi anh tan sở.

Khoảng sau này, Katsuo mẹ được mẹ cưng chiều, đến mức độ kỳ cục là nàng chấp hành tất cả những điều nó muốn. Tomoko xem nó như một con búp bê thủy tinh dễ vỡ ngay cả lúc nàng làm một cái việc cỏn con là dắt nó qua phía bên kia đường. Người mẹ chăm chắm nhìn vào các cỗ xe, từ xe thường đến xe tải đang ngừng trước đèn đỏ và nắm tay nó thật chặt rồi hối hả băng qua.

Tomoko cảm thấy khó chịu trước những cái áo tắm chưa bán hết đang trưng bày trong cửa hiệu. Khi đi ngang một hình nhân người mẫu mặc cái áo tắm màu xanh lục giống chiếc áo của Yasue, nàng cúi gầm mặt để khỏi phải nhìn. Sau đó nàng mới nhận ra rằng những hình nhân kia chỉ có phần thân thôi chứ không có đầu. Nàng nghĩ nếu có đầu thì chắc cái đầu đó phải hoàn toàn giống cái đầu của người chết đuối với đôi mắt khép kín và mái tóc rũ rượi của cô em chồng. Dưới mắt nàng, tất cà hình nhân đều bị phình to như xác người chết đuối.

Phải chi mùa hè qua nhanh cho thì tốt biết mấy!. Một chữ "Hè" thôi cũng đủ làm cho nàng liên tưởng đến cái chết và sự thối vữa. Và trong ánh nắng quái một ngày cuối hè, nàng thấy có tất cả sự thối vữa.

Vì hãy còn sớm so với giờ hẹn, Tomoko dắt Katsuo vào trong một cửa hàng bách hóa. Còn nửa tiếng đồng hồ nữa hiệu buôn mới đóng cửa. Katsuo muốn xem máy món đồ chơi hai mẹ con mới lên tầng ba. Đi ngang qua quầy bày bán những món đồ chơi dành cho người tắm biển, họ bước thật nhanh. Có những người mẹ đang tranh nhau lục lọi đống quần áo tắm bán hạ giá để kiếm đồ vừa với con mình. Một bà đến đứng bên cửa sổ có ánh mặt trời chiều vào, giăng một chiếc quần tắm màu xanh đậm để có thể nhìn nó cho thật kỹ. Ánh nắng tàn làm chóa mắt khi chiếu vào chiếc khóa ở thắt lưng. Tomoko thì nghĩ bụng: mấy bà mẹ đây chắc đang thi nhau lựa cho con cái họ một tấm vải liệm.

Sau khi đã mua xong món đồ chơi trò xây cất, Katsuo muốn lên sân thượng tòa nhà. Trong khu vườn chơi trên đó, trời thoáng mát. Một luồng gió mạnh từ bến tàu thổi vào làm lay động mấy tấm rèm cửa.

Qua màng lưới bảo vệ trên mái, Tomoko nhìn thấy đằng xa bên kia thanh phố là cây cầu Kachidoki, những kho hàng ở Tsukishima và mấy con tàu vận tải buông neo trên bến.

Katsuo rời tay mẹ để đến chỗ chuồng thú xem khỉ. Tomoko lo lắng bước theo con. Có lẽ vì có gió hay sao mà mùi hăng nồng của khỉ xông lên tận mũi. Con khỉ nhìn họ và nhăn trán Khi nhảy từ cành này qua cành nọ, nó luôn đặt một bàn tay sát lên mông như muốn giữ gìn bộ phận này cẩn thận. Tomoko để ý thấy con khỉ đó có một khuôn mặt bé nhỏ và già khằn với cái vành tai nhỏ, bẩn, nổi đầy gân máu. Nàng chưa bao giờ nhìn kỹ một con thú đến như vậy.

Gần bên chuồng khỉ có một bồn phun nước nhưng cái vòi nằm chính giữa hồ đã tắt tị. Chúng quanh cái thành bồn bằng gạch, người ta đã trồng ken dày một loại hoa hình đồng tiền lá nhọn như lá tùng (matsuba botan), trên đó, một đứa bé trạc tuổi Katsuo đang chập chững bước đi. Không thấy cha mẹ nó ở đâu cả.

-Mình chỉ mong cho nó ngã. Chỉ mong sao nó ngã và chết đuối trong hồ.

Tomoko nhìn theo những bước chân loạng quạng của nó nhưng đứa bé vẫn không vấp ngã. Khi nó sắp đi thêm một vòng nữa thì bắt gặp cái nhìn của Tomoko nên phá lên cười với vẻ hãnh diện. Tomoko không cười trả. Làm như thể nàng thấy thằng bé đang muốn chòng ghẹo mình.

Tomoko cầm tay Katsuo rồi đi thật nhanh xuống khỏi sân thượng.

Bữa cơm tiếp đó bị bao phủ bởi một bầu không khí yên lặng kéo dài. Tomoko nói với chồng: "Em thấy anh có vẻ trầm tĩnh. Hình như anh chẳng buồn chút nào?".

Ngạc nhiên vì câu nói của vợ, Masaru quay đầu xem có ai khác nghe được không. "Em không biết gì cả. Anh chỉ muốn để em vui lên thôi"

-Anh không cần làm gì hết!

-Thật không? Phải nghĩ là điều đó còn ảnh hưởng tới Katsuo chứ!

-Bề gì em không xứng đáng là một người mẹ.

Đến đó thì cho bữa cơm không còn thấy ngon lành gì nữa.

Masaru càng ngày càng thối lui trước nỗi buồn cay đắng của vợ. Đàn ông như anh còn phải đi làm và công việc có thể giúp anh khuây khỏa. Riêng Tomoko vẫn giữ nguyên nỗi buồn ray rứt trong lòng. Masaru vì cứ phải chịu đựng những lời than vãn của nàng mỗi khi trở về nhà cho nên sau này anh có khuynh hướng càng ngày càng về muộn.

Tomoko cho gọi một người đàn bà giúp việc trước đây đã từng làm việc lâu năm với nàng rồi đem tặng hết quần áo và đồ chơi của Kiyoo và Keiko vì người này có con tròm trèm tuổi hai đứa nó.

Một buổi sáng, Tomoko dậy trễ hơn mọi ngày. Masaru hãy còn nằm co quắp một bên cái giường đôi vì tối hôm qua anh lại quá chén. Trên giường hãy còn nồng nặc mùi rượu. Giàn lò xo nệm nằm không ngớt kẽo kẹt đêm qua khi anh lăn qua lộn lại trong giấc ngủ. Giờ đây thì Katsuo chỉ còn một mình cho nên Tomoko kê thêm một cái giường trẻ con cho nó ngủ cùng căn phòng trên gác với họ dù nàng biết rằng làm như vậy là không nên. Xuyên qua cái màn trắng chắn muỗi của giường nàng và màn chắn muỗi của giường Katsuo, nàng lặng ngắm khuôn mặt của đứa con đang say ngủ. Lúc nào trong khi ngủ, cái miệng của nó cũng có dáng như đang phụng phịu.

Tomoko cho tay ra khỏi màn chắn muỗi để kéo dây mở màn cửa. Cái cứng nhắc của chuôi sợi giây bọc bằng vải gai (asa) làm cho bàn tay đang nóng hổi của nàng cảm thấy dễ chịu. Tấm màn hơi mở ra một tị. Phía trước của sổ, ánh sáng ban mai lọc qua tán lá ngô đồng đổ xuống bên dưới những cái bóng màu xanh lục đè lên nhau làm cho những chòm lá thấy còn mềm mại hơn bình thường. Có tiếng chim hót líu lo, hình như là mấy con chim sẻ. Sáng nào cũng vậy, mới thức dậy là chúng đã rộn ràng cất tiếng và dường như đang nối đuôi nhau đi dạo trên mấy ống máng. Những bước chân vững chắc và nhỏ bé của chúng bước vội vã từ đầu này cho đến đầu kia rồi đi quày trở lại, nhiều lần như thế. Tomoko lắng tai nghe và bất giác mỉm cười.

Đó là một buổi sáng đầy phước lành. Tomoko không hiểu lý do gì mình lại nhận được ơn phước đó nhưng thực sự là nàng cảm thấy nó đã có mặt. Nàng nằm duỗi người trên giường, đầu vẫn đặt nguyên trên mặt gối trong khi một luồng cảm giác hạnh phúc lan tỏa khắp châu thân.

Bỗng nhiên Tomoko chợt thở hắt ra. Nàng hiểu vì sao hôm nay khi thức giấc mình lại cảm thấy hạnh phúc như thế này. Chẳng qua đây là lần đầu tiên nàng không thấy bóng mấy đứa bé con hiện ra trong giấc chiêm bao. Đêm nào nàng cũng nằm mơ thấy chúng, ngoại trừ đêm vừa rồi thì nàng chỉ có mỗi một giấc mơ ngắn, dễ chịu và không có ý nghĩa gì đặc biệt.

Thế thì nàng đã chóng quên chúng và nàng cảm thấy sự bạc tình đó sao mà đáng sợ. Nàng để dòng nước mắt tuôn ra như muốn nói một câu xin lỗi đến linh hồn của hai đứa con. Masaru mở mắt ra và nhìn nàng nhưng anh cảm thấy có cái gì bình yên trong những giọt nước mắt ấy chứ không phải nỗi bất an mà anh chứng kiến mọi ngày.

Người chồng hỏi:

-Em vẫn nghĩ đến các con ư?

-Vâng.

Nàng chỉ trả lời gọn ghẽ vì nói ra sự thật thì hơi phức tạp.

Nhưng vừa qua, nàng đã nói dối chồng. Nàng đang bất mãn vì anh không thể cùng khóc với nàng. Nàng nghĩ nếu nhìn được những giọt nước mắt của chồng thì có lẽ nàng sẽ tin cả lời nói dối của mình.

***
Như vậy, Tamoko dần dần nghi ngờ không biết mình và chồng đã làm gì để hứng phải cái tai họa kinh hoàng kia. Chuyện đó hoàn toàn xảy đến do ngẫu nhiên nhưng dù nó phát sinh do may rủi nhưng hai vợ chồng nào có đáng là đối tượng của nó đâu. Tiếp tục suy nghĩ theo cách đó, nàng cảm thấy việc giữ cho được hình ảnh nguyên vẹn của biến cố ở trong lòng là một việc làm vượt khỏi sức chịu đựng rồi tự đặt câu hỏi tại sao mình không làm giống như thiên hạ là chờ đợi thời gian xóa dần nó đi cho.

Thế nhưng khi những tình cảm yếu đuối ấy nẩy sinh, nàng cố khôi phục lại lòng can đảm. Đôi khi nàng nổi cáu trước những câu nói kiểu: "Con người ta có số cả!" mà mấy cụ già thường dùng để an ủi. Đôi khi nàng cũng hối hận tại sao mình tỏ ra bực tức và chống đối họ như thế. Có lẽ lúc đó nàng sợ rằng mình phải chấp nhận lối suy nghĩ theo thuyết định mệnh. Chúng ta hãy còn có nhiều việc phải làm cho người chết. Hối hận chỉ là một thái độ ngu xuẫn. Tuy thái độ lo lắng "À, mình làm được chuyện này rồi!" "Ô, mình làm được chuyện kia rồi!" không còn đem lại lợi ích gì cho người chết nhưng ít nhất nó cũng bày tỏ ý hướng muốn phục vụ họ một lần cuối. Qua những hành động đó, ít nhất chúng ta tỏ ra được là mình muốn ngăn chặn cái chết, ngăn chặn tấn bi kịch của đời người.

Tuy Tomoko để mình mặc tình nếm lấy sự khổ đau của lòng hối hận và cảm thấy tuyệt vọng vì không đủ nước mắt để bày tỏ nỗi buồn nhưng nàng vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Bên cạnh tình cảm bó tay trước số mệnh, một mối hoài nghi lạ lẫm nhưng bắt rễ sâu sắc đã hiện ra trong đầu nàng. Nàng xem như biến cố xảy ra như là giả mạo. Có cái gì vô cùng khả nghi trong đó. Nó giống như một sự trù ẻo đối với một gia đình cho đến lúc đó đang sống những ngày tháng bình yên. Nó giống như một ác ý nẩy ra trước một cảnh tượng hạnh phúc. Thảm kịch của họ không phải là một cái chết hay vụ án giết người bình thường. Có cái gì khác lạ, đặt trên một cơ sở ở bên ngoài cõi đời. Ngay từ đầu nó đã vượt khỏi sức người. Có thể nghĩ là phải chăng kể từ giây phút mới rơi tuột vào bên trong cho đến giây phút cuối cùng, thảm kịch ấy không hề mang bộ mặt nào có nhân tính cả...

Tomoko còn có một nỗi sợ hãi nữa là những giọt nước mắt và tiếng kêu thương của nàng chỉ là vô ích. Lúc đó mùa hè sắp trôi qua. Nếu mùa hè qua mất thì trong vòng một năm, không ai lại có thể thưởng thức nó được. Có thể Tomoko sẽ cảm thấy cái gọi là mùa hè không tồn tại cũng nên. Không những thế, nàng còn thấy rằng thảm kịch đó chưa hề xảy ra cũng nên ...

Phần Masuru thì anh vẫn cho rằng không có cái gì mà mình không lý giải được. Trong anh chỉ có một con người hơi khác một chút là một Masaru lúc ngồi trong chiếc tắc-xi trên đường đi đến bãi A. Sau đó anh có dịp đọc bài tường thuật về gia đình mình trên mặt báo. Ngoài việc họ sai chừng 3 năm về số tuổi của Yasue thì anh phải nhìn nhận bài báo nói chung đã được trình bày một cách chính xác và gọn ghẽ. Anh hầu như không có điều gì để cảm thấy buồn. Đối với một người đàn ông khỏe mạnh thì nhu cầu than khóc cũng giống như nhu cầu ăn uống mà thôi.

Sự kiêu hãnh nơi Masuru rõ ràng còn cao hơn Tomoko một bậc. Anh thích thiên hạ nhìn mình như một người cha đang đau khổ trước cảnh bất hạnh. Hình ảnh một con người đởm lược và năng động như anh lại chịu qui hàng trước thảm kịch không những có hiệu quả giảm bớt sự đố kỵ của họ mà còn tạo ra một sức quyến rũ lãng mạn (romanesque) thấy nơi một người hùng nhưng mang vài nhược điểm.

Khi Masaru cảm thấy vợ mình xem sự đau khổ như đặc quyền của nàng, anh đã có một phản ứng chống lại bằng cách bỏ đi uống rượu đến khuya mới về nhà. Thế nhưng anh không cảm thấy rượu ở nơi nào ngon cả nên hiểu rằng ngay trong chính bản thân mình, luôn luôn có sự hiện diện của một nhân chứng và điều đó đem lại cho anh sự yên tâm. Uống bất kể những loại rượu không làm mình say, anh đã có một niềm vui là tự kiềm chế được bản thân.

Bữa kỵ 49 ngày đã xong. Masaru mua một khoanh đất trong nghĩa địa ở Tama. Mấy người vừa chết kia là những người đầu tiên trong dòng họ về nhánh gia đình anh và mộ cũng là những ngôi mộ đầu tiên. Yasue được sắp đặt để canh giữ các cháu ở dưới Suối Vàng (Higan) cho nên sau khi hội ý với gia đình cha mẹ anh, tro cốt của cô cũng sẽ được đặt vào cùng chung ngôi mộ với mấy đứa trẻ.

Nỗi buồn tuy có tăng lên nhưng ngược lại, Tomoko đã bớt âu lo. Hôm nàng cùng với Masaru và Katsuo đi đến thăm nấm mộ mới xây trong nghĩa trang thì trời đã vào thu.

Ngày hôm ấy thật đẹp. Cái nắng nỏ đã ra đi để nhường chỗ cho một bầu trời thu cao và quang đãng.

Ký ức đôi khi có thể song hành với nhau trong vùng ý thức của chúng ta theo dòng thời gian và cũng có thể chồng chất thành nhiều lớp lên nhau. Hôm đó, có hai chuyện lạ lùng tình cờ xảy dến cho Tomoko. Có lẽ dưới bầu trời quang đãng và ánh nắng dịu dàng, những mảng ký ức đi sâu vào trong tiềm thức của nàng đã trở nên trong suốt.

Hai tháng trước khi có tai nạn chết đuối, đã xảy ra một tai nạn ô-tô. Tuy là Masaru không hề hấn gì nhưng kể từ đó, khi phải dắt theo thằng Katsuo thì Tomoko không chịu lên xe do anh lái nữa. Hôm nay cũng vậy, cả nhà Masaru phải lấy xe điện.

Họ đổi tàu ở ga M. để lấy con đường sắt nhỏ cấp tỉnh về hướng nghĩa trang. Masaru bế Katsuo và xuống xe trước còn Tomoko theo sau. Bị đám đông tranh nhau, Tomoko chỉ có thể xuống một hai giây trước khi cánh cửa tàu đóng sập lại. Nghe một hồi còi lanh lãnh khi hai cánh cửa kéo đóng sầm sau lưng, nàng thiếu điều rú lên và định dùng sức mình để mở nó ra lại. Tomoko kinh hoàng vì ngỡ mình đã bỏ hai đứa Kiyoo và Keiko lại trong toa. Không hiểu đang có chuyện gì, Masaru mới đưa tay ra nắm lấy cánh tay nàng. Nàng ném một cái nhìn oán trách về phía chồng như thể anh ta là một viên cảnh sát đang truy lùng trong đám đông để bắt mình. Thế rồi một thoáng sau, khi bình tĩnh trở lại, nàng đã kể cho anh nghe những gì xảy ra vì nàng cảm thấy mình cần lên tiếng giải thích. Thế nhưng những lời giải thích đó chẳng có hiệu quả tốt với Masaru. Anh nghe đấy nhưng nghĩ rằng nàng chỉ đóng kịch để tạo ra không khí bi thảm.

Có thể Masaru qua một cái nắm tay hay cử chỉ nào đó có tính xung động bày tỏ tình yêu của anh và cũng là cách đuổi bắt những kỷ niệm trong quá khứ nhưng phần Tomoko thì nàng đã biểu lộ một cách quá vụng về sự bực dọc trong cuộc sống của mình.

Thằng bé Katsuo có vẻ hài lòng với cỗ đầu máy xe lửa kiểu xưa đã đưa họ đến nghĩa trang. Đầu máy này có một ống khói thật to hình cái loa và nó lại cao nghệu khiến cho người ta tưởng nó mang dưới chân mấy cây cà kheo. Cái thành gỗ nơi người lái chống tay lên đã ngả màu muội đen như đã được tạc ra từ than đá. Sau một chuỗi ho hen, thở dài và nghiến răng, cỗ đầu máy cuối cùng đã nổ máy được và chạy xuyên qua những khu vườn buồn tẻ của vùng ngoại ô.

***
Tomoko chưa bao giờ có cơ hội đến viếng nghĩa trang Tama nên đã sửng sốt trước qui mô của cảnh quan. Không lẽ một miếng đất rộng cở này lại chỉ dành cho người chết? Những bãi cỏ xanh xinh đẹp, mấy con đường lớn khoảng khoát viền bởi những hàng cây đang trải rộng ra thật xa dưới một bầu trời xanh và quang đãng. Thành phố của người chết xem ra sạch sẽ và ngăn nắp hơn thành phố của người đang sống nữa. Cuộc đời của cả nàng lẫn chồng đều chưa bao giờ dính líu tới các nghĩa trang nhưng kể từ đây nếu họ có phải đến đây thăm viếng thường xuyên thì chuyện đó cũng không phải là điều đáng kiêng kỵ. Cả hai không phải là kẻ tin theo Thần Phật gì nhưng có thể nói là giai đoạn chịu tang này, tuy có ảm đạm và đau thương nếu nhìn từ bên ngoài, đã đem đến cho họ một tình cảm an ninh, thăng bằng, dễ chịu, nếu không nói là khoan khoái hơn. Cả nhà giờ đã quen với cái chết, và cũng như những ai đã làm quen với một tật xấu, họ bắt đầu cảm thấy mình không còn phải e dè gì đối với cuộc sống nữa.

Khoanh đất Masaru mua nằm ở phía bên kia nghĩa trang. Ba người băng ngang dưới một cánh cổng và đi bộ một đỗi đến vã mồ hôi. Họ nhìn ngôi mộ của Đô đốc hải quân T. với cặp mắt hiếu kỳ rồi khi đến trước một ngôi thật hoành tráng dành cho cả một đại tộc và được lắp với những mảnh kính soi, họ phì cười vì sự lố lăng và kệch cỡm của nó.

Tomoko nghe tiếng kêu rền rĩ của những con ve mùa thu, ngửi mùi khói nhang và mùi thơm của những bãi cỏ nằm dưới bóng râm. "Chỗ này hay thật. Kiyoo và Keiko có cả nơi để chơi đùa thì làm sao chúng chán cho được nhỉ? Mình nghĩ rằng mọi người sẽ sống khỏe mạnh và hạnh phúc nơi đây. Thế có lạ không chứ?

Katsuo khát nước. Ở giữa con đường, có một cái tháp màu nâu. Một phần bậc thềm bằng bê-tông nằm dưới chân tháp đã xỉn lại vì nhuộm màu nước của cái bồn phun nằm ngay chính giữa. Nhiều đứa trẻ, sau khi mệt mõi vì săn bắt chuồn chuồn, dựng mấy cái sào tre của chúng bên thành tháp rồi uống nước và chơi đùa tạt nước vào nhau. Đôi khi nước bắn tóe ra bên ngoài, làm hiện ra trong không khí hình thù những cái mống trời nhàn nhạt.

Katsuo là đứa bé hiếu động, hễ định làm gì là nó làm ngay. Lợi dụng lúc mẹ không nắm tay, nó bèn chạy đến chỗ mấy bực thềm. "Đi đâu vậy?", người mẹ hét lên. "Con đi uống nước!", nó trả lời mà không thèm quay đầu. Tomoko chạy theo con và kéo nó lại thật gấp. "Đau con, má!" Nó có vẻ sợ như cảm thấy có một con mãnh thú đã nhào tới và vồ lấy từ sau lưng. Tomoko quì gối xuống giữa lối đi trải sỏi rồi quay cái đầu nó lại phía mình. Từ cái hàng rào cách đó không xa, Katsuo thấy cha nó đang há hốc nhìn hai mẹ con.

-Không được uống nước ở đó! Mẹ có đem cho con đây!

Tomoko bắt đầu vặn nắp mở phích nước nàng đang kẹp nơi đầu gối.

Ba người đi đến khoanh đất họ có chủ quyền. Nó nằm trong một khu vực của nghĩa trang vừa mới được chỉnh lý ở đằng sau một dãy bia đá. Người ta đã đặt đó đây những chậu cây non trông mát mắt theo một bản đồ họa qui hoạch sẵn, nếu chịu nhìn kỹ thì sẽ nhận ra được ngay. Tro cốt người nhà họ hãy còn chưa được chuyển từ ngôi chùa của dòng họ đến nên nơi đây vẫn chưa thấy tháp cúng dường. Chỉ là một vạt đất phẳng diện tích chừng 4 tsubo (= 3, 3m2 x 4) được giăng giây chung quanh để xác định vị trí.

-Ba cô cháu sẽ được nằm chung một chỗ.

Nhận xét của Masaru không làm cho Tomoko cảm động. Nàng tự nhủ vì cớ gì một chuyện ít xác suất rủi ro như thế đã có thể xảy ra cho họ trong thực tế. Một đứa trẻ chết đuối ngoài biển là chuyện có thể xảy ra và chẳng có ai làm lạ. Thế nhưng khi bảo ba người chết đuối một lượt thì sẽ không có ai tin. Họ sẽ cho là chuyện khôi hài vì cái gì quá khổ đều đáng tức cười. Thế nhưng khi con số người thiệt mạng lên đến một vạn thì sẽ không có gì đáng cười nữa. Trường hợp nó xảy đến khi có thiên tai hay chiến tranh, người ta sẽ không cười. Mỗi cái chết là một sự trang trọng. Một triệu cái chết cũng trang trọng như vậy. Thế nhưng hễ ai làm gì quá lố một chút sẽ bị coi như có vấn đề.

Trong đầu Tomoko lúc này có sự bối rối vì nàng không định được giới hạn cái nỗi buồn thống thiết của mình. Lúc thì nàng loại trừ Yasue ra khỏi con tính, lúc thì nàng gộp chung Kiyoo và Keiko như một cặp song sinh. Trong cố gắng có tính máy móc như vậy, một lần nữa Yasue bị lôi kéo và cảnh tượng kia như hiện ra trước mắt nàng. Nàng sợ hãi, lo lắng rằng không biết tiếng kêu thương của mình có giống như tiếng than van của một kẻ phóng đãng hay ngoại tình hay không? Một người hạnh phúc như Tomoko chưa có lúc nào vô tâm để có thái độ con yêu con ghét, bây giờ tự dưng lại bị giam hãm vào trong một sự phản tính có tính đạo đức một cách lạ đời. Trước đây, là một người mẹ, nàng tin vào sự bác ái trong tình thương thế nhưng bây giờ nàng thấy khó thể hô hào như thế. Bởi vì buồn là một tình cảm hết sức ích kỷ. Kết cuộc, nàng cố gắng kết hợp mình với Kiyoo và Keiko thêm lần nữa trong cùng một nỗi buồn. Thế nhưng nỗ lực đó chỉ làm cho tiếng kêu than của nàng mỗi lúc càng thêm trừu tượng mà chẳng đem lại được lợi ích gì.

-Cả ba một lượt! Phi lý thật! Cả ba một lượt!

Tomoko nói như thế. Quả là quá nhiều đối với một gia đình nhưng lại quá ít đối với một xã hội.Và trường hợp của 3 cá nhân cô độc này không có gì liên hệ với xã hội như những cái chết của người trên chiến trường hay trong khi thi hành công vụ. Ích kỷ như bất cứ một người đàn bà nào, nàng nghĩ quanh nghĩ quất về con số 3 kỳ lạ kia. Còn Masaru vì có nhiều xã hội tính hơn, đã đi đến kết luận rằng tốt hơn phải nhìn vào những dữ kiện với con mắt của xã hội. Trên thực tế, ba người kia đã có may mắn vì không ai bị xã hội sát hại cả.

Về đến nhà ga, trong khi đuổi theo kỷ niệm trong quá khứ, Tomoko lại trở thành nạn nhân của một cuộc hoảng loạn thứ hai về mặt trình tự thời gian. Ba người còn phải đợi 20 phút nữa thì tàu mới đến. Katsuo muốn có một con chồn lông (anaguma) để buộc vào gậy và loại thú giả như vậy có bày bán ở nhà ga. Đó là một món đồ chơi kết bằng những mảnh vải và nhuộm nhiều màu, có cả hai con mắt, hai lỗ tai và cả một cái đuôi.

-Bây giờ người ta còn bán nó cơ à?

-Bọn trẻ vẫn thích mấy thứ đồ chơi kiểu này.

-Hồi còn bé em cũng có một con.

Tomoko bảo bà lão bán hàng ở bên quầy bán cho mình và đưa con thú cho Katsuo. Và một ít lâu sau nàng ngạc nhiên khi thấy mình đang đứng trước những quầy hàng khác để tìm một món quà khác cho Kiyoo và Keiko như thể chúng đang đợi nàng ở nhà.

Masaru hỏi:

-Làm gì vậy em?

-Em không biết nữa. Em cứ nghĩ mình phải mua một cái gì cho mấy đứa kia.

Tomoko nâng đôi cánh tay tròn và trắng của mình lên rồi đưa hai nắm tay dụi mạnh hai mắt và đôi má. Hai cánh mũi của cô phập phồng như người chực khóc.

-Được rồi, mua cái gỉ đi. Muốn mua gì cho chúng thì cứ mua.

Masaru nhấn mạnh, thiếu điều như van xin. "Mình sẽ bày chúng trên bàn thờ!".

-Không, chúng phải còn sống ở đâu đó chứ.

Nàng đưa khăn tay lên chậm mũi. Nàng đang sống đây mà sao chúng nó có thể chết cho được nhỉ?. Đó là nỗi đau khổ lớn lao hơn cả. Thật là tàn nhẫn khi mình bắt buộc phải sống còn.

Nàng nhìn một lần nữa cảnh vật chung quanh: những ánh đèn đỏ của các quán rượu và tiệm ăn trước nhà ga, bề mặt màu sáng bóng của tấm đá lát kiểu cẩm thạch chất đầy trước những hiệu buôn dụng cụ xây mồ mả, lớp giấy đã ngả vàng dán trên những cánh cửa kéo trên tầng cao, những viên ngói đắp lên mái nhà, bầu trời xanh bắt đầu sâm sẩm với bóng chiều trong như men sứ. Tất cả đều sáng sủa và rạch ròi. Một sự bình an sâu lắng bao trùm lên cái tàn nhẫn của cuộc đời như lúc người ta chực ngất xỉu.

Mùa thu dần tàn và cuộc sống của những người trong gia đình ngày một lặng lẽ. Dĩ nhiên nỗi đau buồn thì vẫn còn nguyên đó. Nhưng dù sao Masaru cũng thấy vợ mình trầm tĩnh hơn, niềm vui dưới mái nhà và tình thương đối với thằng bé Katsuo khiến cho anh bắt đầu tìm về nhà sớm hơn sau giờ làm việc. Dù cuộc đối thoại giữa hai người - khi thằng Katsuo đã vào giường – còn đả động đến những điều mà hai bên thực tình không muốn đề cập tới, cả hai cũng đã tìm ra một niềm an ủi nào đó bên trong.

Quá trình theo đó một thảm kịch kinh hoàng như vậy tan biến vào trong cuộc sống thường nhật lại tạo ra một tình cảm sợ hãi mới pha lẫn hỗ thẹn. Hai người làm như họ là những kẻ đã phạm một tội trọng nhưng cuối cùng đã không bị ai khám phá. Có thể nói là việc biết rằng trong gia đình đã thiếu mất ba người, điều họ thường xuyên cảm nhận, đôi khi đã làm cho họ gần lại với nhau một cách lạ lùng.

Không ai hóa điên. Không ai tự sát. Cũng không ai vì thế mà đâm ra đau ốm. Biến cố khủng khiếp kia đã qua đi và hầu như không để lại dấu vết. Tomoko bắt đầu thấy chán chường. Nàng như đang chờ đợi một cái gì.

Trong một khoảng thời gian khá dài họ không đi xem hát lẫn xem kịch nhưng nay thì Tomoko đã tìm ra một cái cớ để đi chơi: trên thực tế, những thú vui này dành để an ủi kẻ đang sầu não. Một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng người Mỹ đang chu du sẽ trình diễn và họ đã có vé. Katsuo buộc phải ở nhà chỉ vì lần này Tomoko muốn đi nghe nhạc bằng ô-tô với Masaru.

Nàng dành nhiều thời gian để chưng diện. Trước tiên là thời gian dùng vào việc chải tóc, điều mà nàng lơ là từ khá lâu rồi. Khi đã xong xuôi và soi bóng mình trên kính, nàng thấy như đã tìm lại một niềm vui lâu ngày quên lãng. Làm sao có thể mô tả niềm vui được hòa tan vào trong tấm kính trên bàn trang điểm. Từ lâu nàng đã quên bẵng niềm vui mà một tấm kính có thể đem lại – và nhất định là nỗi buồn, với sự đeo đẵng ngoan cố của nó trên bản thân - đã kéo nàng ra khỏi trạng thái mộng mơ hạnh phúc này.

Nàng ướm hết chiếc kimono này đến chiếc kimono khác và cuối cùng chọn một chiếc màu tím lộng lẫy với giải obi dát chỉ vàng. Masaru đang ngồi đợi trước tay lái, đã phải ngạc nhiên trước vẻ đẹp của vợ mình. Trên lối vào tiền đường nhà hát, nhiều người quay lại ngắm nàng. Masaru cảm thấy thật hạnh phúc. Thế nhưng đối với Tomoko, tuy được mọi người chiêm ngưỡng nhan sắc, nàng cảm thấy mình vẫn còn thiếu một cái gì. Khi mới ra khỏi nhà, nàng đã có lúc thỏa mãn vì được nhiều người chú ý. Sự bất mãn đang cắn rứt mình đây, nàng tự nhủ, phải chăng đã đến từ cái vẻ sống động và vui tươi hiện giờ, chúng như muốn nhấn mạnh cho mình hay là nỗi buồn kia hãy còn rất sâu, chưa lành lặn được. Thế nhưng trên thực tế đấy chỉ là sự tái diễn của một tình cảm bất mãn mơ hồ đến từ việc nàng cảm thấy mình không được người ta đối xử như một bà mẹ đang sầu muộn.

Âm nhạc đã có hiệu quả nên trong giờ nghỉ giải lao, vẻ mặt nàng lại đượm buồn. Nàng trò chuyện với một người bạn gái. Vẻ sầu muộn trên gương mặt nàng đáp ứng lại đúng với những lời an ủi mà cô bạn đang thì thầm bên tai. Cô bạn giới thiệu nàng với anh bạn trai tháp tùng mình. Người đàn ông trẻ tuổi này không biết gì về nỗi đau khổ của Tomoko nên chẳng có lấy một lời an ủi. Câu chuyện của anh tầm phào, chen vào đó là vài lời phê bình thiển cận về âm nhạc.

Gã đàn ông này chẳng biết điều gì cả, Tomoko nghĩ trong bụng khi nhìn theo cái đầu chải bóng láng của anh chàng xa dần trong đám đông. Tại sao hắn ta không nói một lời nào. Nhìn mặt mình, hắn phải biết là mình đang buồn rã rượi chứ!

Người đàn ông ấy cao, đầu anh ta vượt khỏi đám đông. Khi anh ta hơi quay

ngang để làm một động tác gì đó, Tomoko thấy đôi lông mày và đôi mắt như đang cười, món tóc xoăn rủ xuống trước trán của anh ta. Còn người bạn gái thì nàng chỉ thấy được cái chỏm đầu.

Tomoko thấy như có một tình cảm ghen tuông dậy lên trong người. Không lẽ nàng chỉ mong chờ từ người đàn ông đó dăm lời an ủi thôi hay sao? Hay nàng còn muốn anh ta nói thêm vài câu khác, đặc biệt hơn nữa? Cả người nàng run lên khi nghĩ đến điều đó. Nàng phải lập lại cho mình nghe là sự ngờ vực mới mẻ này không phù hợp với lý tính chút nào. Xưa này nàng có bao giờ thấy mình không thỏa mãn với chồng đâu!

-Em khát không?

Vừa chấm dứt câu chuyện với một người bạn, Masaru quay sang hỏi thăm.. "Có một quầy thức ăn với cả nước cam đằng kia kìa!"

Hai người uống nước cam bằng ống hút trong cùng một chai. Tomoko nhìn cái chai, hai đuôi mắt hơi nheo lại và xếp nếp như cung cách của mấy người cận thị. Nàng không thấy khát một tị nào. Nhớ lại cái hôm mình ngăn không cho thằng bé Katsuo uống nước ở vòi phun và thay vào đó là dùng nước đun sôi để nguội. Không chỉ có Katsuo mới có thể gặp nguy hiểm. Trong chai nước cam này, có bao nhiêu là con vi trùng đang ngo ngoe đấy chứ!

***
Nàng vùi đầu trong việc tìm kiếm những niềm vui. Việc nàng nghĩ rằng mình phải có vài niềm vui riêng như là cách để trả thù những nỗi bất hạnh.

Không, dĩ nhiên là đối với chồng mình, nàng không có ý định trở thành người vợ thiếu chung thủy. Bất luận tới chỗ nào, nàng cũng đi cùng với anh hay mong muốn được như vậy.

Đúng hơn thì ý thức của nàng không chịu rời những người đã chết. Sau khi ở đâu bên ngoài về tới nhà và ngắm khuôn mặt say ngủ của thằng Katsuo – vốn được bà vú già cho vào giường từ sớm – nàng nhớ tới hai đứa con xấu số và bị dằn vặt với bao nhiêu là hối hận. Đến nỗi việc đi tìm một niềm vui cho mình trở thành phương tiện chắc chắn để đánh đuổi cái ý thức ấy đi.

Tomoko bỗng dưng nghĩ rằng mình phải thêu thùa trở lại. Và đây không phải là lần đầu tiên mà Masaru cảm thấy chới với vì những sự thay đổi bất chợt trong tính khí của một người đàn bà. Tomoko bắt đầu may vá. Nàng bớt thời giờ tìm cách đuổi theo những niềm vui khác. Nàng lặng lẽ quan sát những gì ở chung quanh mình và quyết tâm trở thành một bà nội trợ gương mẫu. Có vẻ như từ đây, nàng không lẫn tránh mà "nhìn mặt đối mặt với cuộc đời".

Nàng thấy chúng quanh nàng có nhiều bằng chứng của sự buông thả. Nàng có cảm tưởng mình như người mới trở về sau một chuyến du hành dài. Nàng dành nguyên một ngày để giặt giũ và nguyên một ngày khác để xếp dọn cho ngăn nắp. Không còn việc làm, bà vú già như bị nàng phỗng tay trên.

Tomoko chợt thấy một đôi giày của Kiyoo và một đôi tất màu xanh nhạt xưa kia là đồ dùng của Keiko. Dấu vết của những di vật này làm cho nàng thừ người và khiến nàng ứa nước mắt nhưng chúng cũng là những vật mang điềm gỡ. Nàng bèn cho gọi một cô bạn gái chuyên lo việc từ thiện. Để cho lòng mình thanh thản, nàng nhờ cô tặng hết cho một viện cô nhi, và có lẽ lúc ấy đã để lẫn vào đấy cả đồ đạc của thằng bé Katsuo nữa.

Ngồi mãi bên máy khâu, Tomoko đã chất đầy quần áo cho cả một tủ. Nàng định bụng sẽ làm cho mình thêm vài cái nón mới và điệu đà nữa nhưng chưa tìm ra thời giờ. Ngồi bên bàn máy, nàng quên đi nỗi buồn. Những tiếng rì rầm phát ra theo nhịp máy đã trấn áp được một thứ âm điệu khác lên xuống không đều của trào lòng.

Nàng tự hỏi tại sao nàng không dùng những tiếng động máy móc này để đoạn tuyệt với những cảm xúc của lòng mình sớm hơn. Nhưng đúng rồi, hiển nhiên là vì việc này đã đến đúng vào thời điểm mà con tim nàng không còn muốn chống chọi lại như trước kia nó đã từng làm. Có một hôm nàng để mũi kim phạm phải ngón tay và một giọt máu ứa ra. Nàng đã khiếp sợ biết mấy. Sự đau đớn thường đi song đôi với cái chết

Thế nhưng lúc đó có một cảm xúc khác đã đến sau sự khiếp sợ .Nếu một sự cố nhỏ nhoi như vậy trên thực tế có thể đưa tới cái chết thì xem như những lời cầu khẩn của nàng đã được toại nguyện. Từ đó nàng càng bỏ nhiều thời giờ để ngồi bên chiếc máy khâu. Thế nhưng cái máy ấy là một loại máy quá an toàn làm nàng lại không bị hề hần gì cả.

Ngay giờ đây nàng hãy còn thấy chưa thoả mãn và vẫn chờ đợi một cái gì. Masaru lãng ra vì không muốn chứng kiến cái quá trình tìm tòi vu vơ của vợ mình. Thành thử có khi trọn ngày hai người không trao đổi với nhau một câu.

***
Mùa đông gần kề. Ngôi mộ đã đắp xong xuôi đâu đấy, người ta bèn đem tro cốt đến chôn.

Trong cái cô quạnh của mùa đông, con người thường hoài niệm về những ngày hè. Trong cuộc sống của hai vợ chồng giờ đây, mùa hè còn rủ một cái bóng đen rõ và sắc hơn thế nữa. Thế nhưng những kỷ niệm kia như thể đã đến với họ từ một pho truyện cổ. Chung quanh bếp lửa một ngày mùa đông, nó giống một tấn tuồng mà ai đó đã bịa ra.

Khoảng giữa mùa đông, Tomoko nhận ra rằng nàng đang mang thai. Lần đầu tiên, sự quên lãng trở thành một cái quyền đương nhiên .Hai vợ chồng chưa bao giờ cẩn thận chu đáo như vậy – đến độ khi đứa bé ra đời, họ lấy làm lạ khi thấy nó bình yên vô sự - bởi vì nếu có cơ sự gì không hay xảy ra cho nó thì có lẽ họ chỉ xem là chuyện tự nhiên.

Mọi việc trôi chảy. Hai người đã vạch được một lằn ranh giữa họ và những kỷ niệm xưa. Dựa vào sức sống của đứa bé nằm trong bụng, lần đầu tiên Tomoko có can đảm thú thật rằng nỗi đau khổ của nàng đã tan biến. Làm như thế, chẳng qua là để nhìn nhận cái thực tế đó mà thôi.

Tomoko thử tìm hiểu. Hiểu được tức khắc quả có hơi khó. Mãi về sau nàng mới hiểu ra. Con người ta thường phân tích cảm xúc của mình, diễn dịch rồi giải thích về nó cho chính mình. Khi nhìn về quá khứ, Tomoko chỉ thấy bất mãn về những cảm xúc có lúc đó bởi vì chúng không thích đáng chút nào. Sự bất mãn này coi bộ còn đọng lại lâu la trong lòng nàng hơn cả nỗi đau khổ nữa và làm cho nàng tê tái hơn. Thế nhưng bây giờ nàng không sao có lại cảm giác ấy một lần thứ hai.

Nàng không muốn xem những phản ứng của mình là đáng trách. Nàng là một người mẹ cơ mà. Thế nhưng cùng lúc, nàng không thể xóa bỏ hết những mối ngờ.

Chuyện quên lãng đích thực vẫn chưa xảy ra nhưng đã có một cái gì phủ nhẹ lên trên vết thương lòng của Tomoko giống như lớp băng mỏng phủ lên mặt hồ. Tuy đôi khi bị rạn vỡ nhưng chỉ sau một đêm nó đã có thể đông trở lại.

Sự quên lãng bắt đầu cho thấy sức mạnh của mình khi hai người không còn để ý về nó nữa. Nó len lỏi vào bên trong rồi tấn công các cơ quan một cách chậm rãi, thường xuyên và ăn lan ra, tựa một lũ vi trùng vô hình vô ảnh. Tomoko có những cử chỉ vô thức của một người đang muốn chống cự lại nó khi mình đang nằm mơ. Việc chống chọi với sự quên lãng làm cho nàng mệt mỏi.

Nàng tự nhủ cái sức mạnh của đứa bé nằm trong bụng là động cơ giúp nàng quên. Nhưng đứa bé chỉ phụ giúp thôi. Vùng ngoại vi bao quanh tai nạn tự dưng bắt đầu thụt lùi từng bước một, yếu đi rồi trở nên nhạt nhòa để cuối cùng không sao nhận ra được nữa.

Trong vòm trời mùa hè hiện ra một hình ảnh khủng khiếp, trắng toát và tang tóc như cẩm thạch. Nó mất hút vào trong đám mây. Sau khi hai cánh tay rơi mất, cái đầu không còn nữa và thanh kiếm dài cũng rời khỏi bàn tay. Những đường nét của khuôn mặt bằng đá này trông hãi hùng làm dựng tóc gáy nhưng từ từ, nó đã dịu dàng ra và chấp nhận sự chiến bại.

Một hôm Tomoko ngạc nhiên thấy mình tắt chiếc ra-đi-ô giữa một chương trình bi kịch nói về một bà mẹ lạc mất đứa con. Nàng lấy làm lạ về sự nhanh nhẹn của mình qua động tác trút đi một gánh nặng của ký ức. Bây giờ sắp làm mẹ một lần thứ tư nên nàng thấy mình có nghĩa vụ tinh thần khấng cự lại một cái gì mà nàng xem như là hành vi đồi phế tức là niềm vui được đắm mình trong nỗi khổ đau. Trong vòng mấy tháng sau này, nàng đã có sự thay đổi.

Vì tình yêu đối với đứa trẻ, nàng phải đẩy lùi tất cả những luồng sóng tối tăm của cảm xúc. Nàng phải giữ cho được sự quân bình nội tâm. Nàng thấy thà rằng mình tự bắt buộc giữ lấy một tinh thần lành mạnh còn hơn để cho sự lãng quên giả dối kia theo đuổi. Nhưng hơn hết, nàng cảm thấy tự do. Dĩ nhiên sự quên lãng đã có lần chứng tỏ cho nàng cái sức mạnh của nó. Tomoko sững sờ khi thấy lòng mình sao mà dễ bị lung lạc đến như vậy.

Nàng mất đi khả năng hồi tưởng và không còn lấy làm lạ là vào dịp những ngày giỗ hay những dịp đi thăm mộ, sao mình không còn có được một giọt nước mắt. Nàng tưởng tượng giờ đây mình đã trở thành một con người cao thượng, có khả năng tha thứ tất cả. Chẳng hạn như vào mùa xuân, khi đưa thằng bé Katsuo đi dạo ở khu vườn lân cận mà không cảm thấy một sự ghen tức điên cuồng (cho dù nàng đã muốn thử), cái cơn ghen tức đã nỗi dậy trong lòng nàng khi thấy trẻ con nhà khác nô đùa trên bãi cát, ngay sau khi thảm họa của gia đình nàng xảy ra. Dường như nàng nghĩ rằng nếu lũ trẻ được chơi đùa một cách yên ổn như thế kia là bởi vì chúng đã được nàng xá tội.

Sự quên lãng còn đến với Masaru nhanh chóng hơn là cách nó đến với vợ anh nhưng anh không cần phải tỏ ra một sự lạnh lùng nào. Dù tính tình của đàn ông hời hợt hay dễ đổi thay, nói chung thì họ bao giờ vẫn tình cảm hơn phụ nữ. Không có khả năng để duy trì một cảm xúc lâu hơn nữa và ý thức được rằng một nỗi đau khổ không thể bám theo mình mãi mãi, Masaru đột nhiên cảm thấy cô đơn và tự cho phép mình xé rào để lang chạ một chút. Nhưng anh đã chán ngay. Vừa vặn lúc đó Tomoko có mang. Thế là anh vội vã quay về với nàng như một đứa con thơ quay về bên gối mẹ.

Thảm kịch vừa qua đã khiến cho hai người trở thành hai kẻ được cứu sống từ một vụ đắm tàu. Chẳng bao lâu họ có khả năng nhìn vào biến cố xảy ra như lối mà người bình thường đọc về cái tin đó trong một cột của tờ báo họ mua. Đến độ Tomoko và Masaru tự hỏi không biết hai vợ chồng đã đóng vai trò gì trong biến cố này. Phải chăng họ chỉ là những khán giả được ưu tiên? Những người tham dự trực tiếp vào tai nạn đều đã chết cả và có lẽ sẽ vĩnh viễn tham dự vào đó. Để cho tất cả có thể tham dự vào những gì đã xảy ra, điều kiện tối thiểu là nó phải dính líu gì với sinh mạng của mỗi người. Thế nhưng Masaru và vợ anh đã lâm vào cảnh nguy hiểm nào đâu! Trước tiên hỏi thử họ đã có đủ thời giờ để tự lôi cuốn vào đó hay chăng?

Sự cố đã bùng lên nhưng ở mãi đằng xa như ánh sáng của ngọn hải đăng chiếu trên đầu mũi đất. Ánh sáng của nó lúc biến lúc hiện, giống như ngọn hải đăng quay theo hình tròn ở mũi Tsumeki, phía Nam bãi biển A. Từ một vết thương, nó đã trở thành một tấm gương đạo đức rồi trở thành một hành vi cụ thể và một ẩn dụ. Nó không còn tùy thuộc vào gia đình Ikuta nữa nhưng là một gia tài chung của cộng đồng, Nó chẳng khác nào ánh sáng ngọn hải đăng chiếu lên trên bãi biển hoang vắng, chiếu cả trên những ngọn sóng đang đe dọa ghềnh đá cô đơn bằng những cái hàm trắng đầy bọt biển của nó. Ngọn hải đăng ấy còn tỏa sáng đến những rặng cây bao bọc lấy ghềnh và cả mọi sự sống diễn ra chung quanh đó nữa. Mọi người phải nhận được một bài học từ nó. Đó là một bài học đơn giản và có tự lâu đời mà những kẻ làm cha mẹ cần ghi nhớ trong đầu: phải luôn luôn trông chừng con cái khi đưa nó ra ngoài bãi biển. Người ta thường bị chết đuối ngay ở những nơi họ không ngờ tới.

Không phải vì vợ chồng đã đem hai đứa con và một cô em làm vật tế sinh để dạy bài học này đâu! Tuy nhiên sự mất mát cả ba người không đem lại một kết quả nào khác. Cũng như biết bao cái chết anh hùng đã không đem lại gì hơn.

Đứa con thứ tư của Tomoko là một bé gái, nó sinh ra vào cuối hẻ. Hai vợ chồng hết sức vui sướng. Cha mẹ của Masaru đã đi từ Kamakura lên Tôkyô để thăm cô cháu nội mới và trong thời gian lưu trú ở đây, hai ông bà đã được Masaru đưa đi viếng nghĩa trang.

Hai vợ chồng đặt tên cho đứa trẻ mới sinh là Momoko.Cả mẹ lẫn con đều khỏe mạnh vì Tomoko có tiếng là khéo nuôi con nít. Thằng Katsuo cũng bằng lòng vì có thêm một đứa em gái.

***
Đến mùa hè tiếp theo nghĩa là hai năm sau tai nạn chết đuối xảy ra và một năm sau ngày Momoko chào đời, Tomoko chợt làm Masaru ngạc nhiên khi nàng cho biết mình muốn đi đến bãi A.

-Ủa, em có nói là sẽ không bao giờ đến nơi đó nữa mà?

-Phải, nhưng giờ thì em muốn.

-Em lạ chưa? Anh không muốn đến đó chút nào.

-Thế thôi. Em sẽ không nhắc tới chuyện này nữa.

Nàng giữ được im lặng như thế trong hai ba ngày. Rồi lập lại:

-Em muốn đi đến đó!

-Đi một mình đi!

-Không, em không thể.

-Tại sao?

-Em sợ!

-Tại sao em muốn đi đến một chỗ mà mình sợ?

-Em muốn mình đi cả nhà. Mọi sự sẽ bình yên nếu anh có mặt. Em muốn anh đi với em.

-Mình sẽ không biết chuyện gì xảy ra nếu em ở lại nơi đó quá lâu. Còn anh thì anh không có nhiều ngày phép.

-Nội hai mươi bốn giờ thôi anh ạ.

-Chỗ đó hoang vắng, có gì để xem đâu nào.

Masaru lại hỏi vợ thêm một lần nữa lý do nàng muốn đến nơi đó. Nàng chỉ trả lời là không biết.Thế rồi anh nhớ lại một câu nói nổi tiếng thấy trong các tiểu thuyết trinh thám: "Kẻ sát nhân bao giờ cũng muốn trở thăm nơi hắn đã gây ra án mạng, dù gặp nguy hiểm đến mức nào". Tomoko bị ám ảnh bởi cái nhu cầu bất bình thường là tìm trở lại đúng cái nơi hai đứa con nàng đã đón lấy cái chết.

Tomoko đòi chồng một lấn thứ ba nhưng không có vẻ muốn ỉ ôi. Nàng chỉ nói ra với một giọng bình thản. Rốt cuộc, Masaru đã xin sở hai ngày nghỉ phép để tránh cảnh kẹt xe lúc cuối tuần. Lữ quán duy nhất trên bãi A vẫn là Eirakusô. Họ giữ hai phòng nhưng chọn chỗ càng xa gian phòng cũ đầy kỷ niệm bất hạnh kia càng tốt. Tomoko thường không chịu cho chồng lái xe mỗi khi nàng đưa mấy đứa con đi theo cho nên từ ga Itô, tất cả 4 người- Masaru, Tomoko, Katsuo và Momoko đã ngồi chung một chiếc tắc-xi.

Lúc đó mùa hè đã lên đến tuyệt đỉnh của nó. Đằng sau những ngôi nhà dọc hai bên đường, mấy bụi dã quì vàng rực vươn cao trông như bờm sư tử. Chiếc tắc xi tung những đám mây bụi lên mặt mày của chúng nhưng lũ dã quì này coi bộ không cho là phiền phức chút nào.

Khi biển hiện ra bên phía tay phải, thằng Katsuo reo lên mừng rỡ. Nó đã lên 5 và đã 2 năm rồi, nó không có cơ hội ra ngoài biển.

Trong tắc-xi, cả nhà hầu như không nói năng gì. Họ bị xe vồng xốc quá nên khó lòng trao đổi câu chuyện. Chỉ có đôi lúc Momoko bi bô mấy tiếng mà họ hiểu. Katsuo dạy cho em chữ "biển" trong khi cô bé đứa ngón tay trỏ về phía của sổ bên kia rặng núi trọc đang lướt ngang và gọi "biển". Masaru chợt có cảm tưởng Katsuo đã dạy cho em gái một từ ngữ mang đầy điềm gỡ.

Họ đến Eirakusô và người ra đón vẫn là ông quản lý cũ. Masaru biếu ông một món tiền nhỏ làm quà. Anh còn nhớ như in bàn tay run ẩy của mình hôm đến đây lần đầu và dúi vào tay ông ta tờ giấy bạc 1000 Yen.

Lữ quán có vẻ yên ắng. Năm nay làm ăn không khá lắm. Masaru bắt đầu nhớ lại chuyện cũ năm xưa và cảm thấy bồn chồn. Anh buông lời trách móc vợ trước hai đứa con:

-Quái thật! Sao lại muốn dẫn xác tới đây nhỉ? Chỉ tổ làm nhớ lại những điều mình không muốn nhớ. Những điều mà mình vừa mới quên được xong. Có bao nhiêu chỗ đẹp khác mình có thể đưa Momoko đi chơi lần đầu tiên trong đời! Với lại anh cũng đâu rảnh rang gì để tới những chỗ khó ưa như nơi này.

-Nhưng anh đã đồng ý trước rồi mà!

-Tại em cứ quần anh mãi.

Cỏ cháy úa dưới mặt trời xế trưa. Mọi thứ nơi đây đều giống y như khung cảnh hai năm về trước. Có ai phơi một chiếc áo tắm ba màu xanh, đỏ và lục trên cây đu trắng. Hai ba cái vòng nằm bên thân trụ ném vòng đã bị cỏ che lấp đến phân nửa. Bãi cỏ xanh nơi người ta đặt cái thây của Yasue nằm dài đang nằm trong bóng râm. Mặt trời lọc qua cành lá và đổ xuống bãi cỏ bổng nhiên in lổ chổ lên đó bóng cái áo tắm màu xanh của Yasue và những chấm nắng đó đang lay động theo làn gió. Masaru không biết chuyện người ta đã đặt xác em gái của anh ở đây nên chỉ có mỗi Tomoko là nhìn thấy cái ảo ảnh này. Cũng vậy, vì không hay biết nên đối với Masaru, cảnh tượng nói trên tự nó không hề hiện hữu và khoanh cỏ kia chẳng qua là một góc râm mát của khu vườn. Tomoko thầm nhủ: điều đó không chỉ xảy ra cho riêng anh ấy mà cho cả những người khách khác.

Người vợ giữ im lặng và Masaru thấy dù anh có trách móc nàng nữa thì cũng bằng thừa. Katsuo xuống vườn, nó thảy một cái vòng lên trên mặt cỏ. Nó chồm hổm để xem vòng này chạy về hướng nào. Cái vòng vụng về lăn về phía bãi cỏ, đảo qua đảo lại rồi ngã xuống. Katsuo vẫn bất động, chờ đợi. Làm như nó ngỡ cái vòng ấy sẽ tự đứng lên trở lại.

Lũ ve kêu ran. Masaru nãy giờ không nói gì, anh cảm thấy mồ hôi rịn trên cổ áo. Anh sực nhớ bổn phận làm cha của mình: "Katsuo, ra bãi chơi không con?"

Tomoko bế Momoko. Cả bốn người vượt qua bờ rào và đi dưới những rặng tùng. Những ngọn sóng ào tới thật nhanh rồi vỡ tan, lấp lánh trên bờ cát.

Lúc đó nước triều thấp nên mọi người có thể đi bọc ghềnh đá để ra ngoài bãi tắm. Masaru nắm tay Katsuo và giúp nó băng qua bãi cát nóng trên đôi giày pa-tanh mượn từ lữ quán.

Vẫn chưa có một cây dù tắm nào được cắm trên bãi. Suốt một khu vực có thể tắm được kéo dài từ phía ghềnh đá trở đi, chỉ thấy có khoảng 20 người khách.

Cả bọn 4 người cứ đứng lặng im bên bờ nước.

Hôm đó trên trời có những chòm mây trông hùng vĩ. Một thể khối khổng lồ đầy ắp ánh sáng như được không khí đỡ lên là hình ảnh khá lạ mắt. Cao hơn chòm mây đùn lại ở phía chân trời ấy là những giải mây giải mây nhẹ hơn đang tan tác trong vòm trời xanh như thể chúng vừa bị quét bởi một nhát chổi. Những đám mây bên dưới có vẻ như nâng đỡ một cái gì, kháng cự một cái gì đó. Sự thừa thãi của ánh sáng và bóng tối bao bọc bởi hình thể của nó như đang tạo ra một bạo lực tối tăm tàng ẩn bên trong. Bạo lực đó đang chuyển động và lan tỏa ra giống như một dòng âm nhạc. một ý chí đầy tính sáng tạo.

Bên dưới những vầng mây ấy là biển. Biển đang tiến về phía họ, rộng vô biên, biến hóa không ngừng hơn cả đất liền. Đất liền không lấn được vào biển, cho dù là nơi có những cái vịnh hẹp (fjords). Đặc biệt là ở các vịnh hình cánh cung, sức xâm thực của biển mạnh mẽ nhất.

Những ngọn sóng dâng lên, vỡ tan ra rồi rút lui. Tiếng sóng gầm chỉ vừa đủ nghe, không khác gì sự im lặng căng thẳng của mặt trời mùa hè. Đúng hơn, đó là một sự im lặng chói chang đến ù tai. Những làn sóng đã hóa thân một cách trữ tình, chúng không còn là sóng nữa nhưng trở thành những tiếng cười thác đổ và như đang tự trêu cợt mình. Tiếng cười thác đổ của những làn sóng đó đã tiến đến để chết dưới chân họ trước khi lại rút ra xa.

Masaru liếc nhìn vợ. Tomoko đang ngắm biển. Một làn gió nhẹ thổi tóc nàng bay lên. Ánh sáng mặt trời có vẻ không làm cho nàng khó chịu. Hai mắt nàng ươn ướt và có cái nhìn kiêu kỳ của một nữ hoàng. Môi nàng mím chặt. Nàng bế con bé Momoko, một tuổi, trên tay. Con bé đội trên đầu một cái mũ rơm.

Masaru từng thấy khuôn mặt ấy của Tomoko ở đâu đó rồi. Kể từ khi thảm kịch xảy ra, nàng thường có nét mặt như thế, làm như nàng đã quên đi sự tồn tại của chính mình, làm như nàng đang chờ đợi một cái gì.

Anh muốn đặt cho nàng một câu hỏi nhẹ: "Em đang chờ đợi gì đấy?" nhưng những tiếng đó không thốt ra được. Anh nhủ thầm: không cần hỏi nàng mình cũng đã biết.

Rồi anh nắm thật chặt bàn tay của thằng Katsuo.
 

Dịch xong ngày 8 tháng 4 năm 2020
  1. Nịt bọc quanh bụng làm bằng vải hay len để cho ấm và khi lật lên phân nửa, có thể dùng như túi đựng đồ (tiền lẻ, thìa khóa, bao diêm, thuốc lá...). Đi chung với kimono hay quần áo ta.
  2. Đồng lương khá cao trong bối cảnh kinh tế thập niên 1950.
Thư mục tham khảo:

1-Mishima Yukio, Manatsu no shi (Chết giữa mùa hè) trong Tập truyện ngắn khổ bỏ túi cùng tên do Shinchô Bunko xuất bản, Tokyo, 1970. Nguyên tác Nhật ngữ.

2-Aury, Dominique dịch Mishima Yukio từ bản tiếng Anh của Edward Seidenstiker (1966) sang tiếng Pháp (thể theo lời yêu cầu của chính Mishima) với nhan đề La mort en été (Chết giữa mùa hè) trong Tuyển tập dịch cùng tên, Collection NFR, Gallimard Paris xuất bản, 2007. Bản ngoại văn tham chiếu.

3-Seidensticker, Edward G., Tóm tắt và dịch Mishima trong Death in Midsummers and other stories do ông chủ biên, Penguin Books GB xuất bản năm 1966. Bản ngoại văn tham chiếu.

***