Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
TADANORI
(Trung Độ)

Nguyên tác: Zeami Motokiyo

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Lược truyện:

Xưa có một người hầu việc trong phủ của Fujiwara no Shunzei (1114-1204), thi hào và cũng là bầy tôi được Thiên hoàng chỉ định soạn tuyển tập Senzaishuu (Thiên tải tập = Tập thơ nghìn năm, 1187). Shunzei, chủ của ông ta, lúc đó đã chết và ông cũng xuống tóc đi tu [1]. Vào một ngày xuân, ông quyết định đi thăm một vài địa điểm ở miền Tây Nhật Bản mà mình chưa có dịp đặt chân. Thế rồi, từ giã Kyôto, ông lên đường cùng với vài nhà sư tháp tùng. Khi ghé qua bãi biển Suma (Tây Nam Kobe bây giờ) - một địa danh nổi tiếng trong văn chương cổ điển - ông thấy có có một cây anh đào dại. Chợt một lão già hiện ra trước mặt. Ông lão đến trước cây ấy, hiến hoa để cầu nguyện cho vong linh của một người nào đó. Thấy thế, nhà sư mới gợi chuyện. Nhân vì chiều đang xuống nhanh, ông bèn hỏi lão già xem có thể cho mấy người lỡ độ đường trọ qua đêm được không thì lão bèn đọc cho nghe một câu thơ của Taira no Tadanori (Bình, Trung Độ, 1144-1184), một vị tướng trong binh đoàn Heike, rồi khuyên ông hãy tạm qua đêm dưới gốc cây anh đào dại. Lão già còn nói thêm là mình muốn nhờ ông làm pháp sự để an ủi cho cây hoa anh đào vì nó được xem như tấm bia đánh dấu mộ phần của tướng Tadanori. Khi nhà sư đã chấp thuận làm lễ cầu siêu cho cây hoa theo nguyện vọng của mình, lão già tỏ ra sung sướng rồi khuất dạng đằng sau vòm hoa.

Đêm hôm đó, khi đang nằm ngủ dưới gốc cây, nhà sư thấy vong hồn của Tadanori hiện ra trong giấc mơ. Vị tướng than thở rằng có một bài thơ mình viết tuy được thi hào Shunzei tuyển đăng vào thi tập Senzai-shuu nhưng nó bị xếp vào mục thơ vô danh (yomibito-shirazu) nên ông yêu cầu nhà sư nhắn với Fujiwara no Teika (1162-1241), con trai Shunzei và cũng là một nhà thơ lỗi lạc, để ông ấy có thể đính chính cho công chúng biết bài đó là thơ của Tadanori. Sau khi đã diễn lại những giây phút cuối cùng cuộc đời chiến sĩ trong trận Ichi-no-tani (1184), vong hồn bèn quay lại chỗ nằm dưới gốc cây và xin nhà sư hãy làm lễ cầu siêu cho mình.

Đặc điểm của vở tuồng:

Chức quan tứ phẩm Tả trung tướng Taira no Tadanori, vai chánh của vở, là một võ tướng cuối thời Heian, nổi tiếng dũng cảm và được kính trọng. Ngoài ra, ông còn là một nhà thơ tài ba. Tóm lại, đó là một nhân vật văn võ song toàn, khả ái, với hai khuôn mặt khác nhau: nhà thơ và võ tướng. Lúc ấy, cánh Heike của gia đình ông đang đại bại trước phe Genji và vị võ tướng kiêm nhà thơ của chúng ta cuối cùng cũng đã bỏ mình trong trận giao tranh có tính quyết định ở thung lũng Ichi-no-tani.

Tadanori rất yêu thơ Waka và chủ đề của vở tuồng này là sự gắn bó của một con người đối với thi ca, nó đã giúp ông vượt qua cánh cửa ngăn cách cuộc đời này với cuộc đời sau. Dù cho thơ của Tadanori được chọn đăng vào Senzai-shuu, tập thơ soạn theo sắc chiếu của Thiên hoàng nhưng ông lại không được nêu tên chỉ vì gia đình ông là những kẻ chiến bại và trở thành kẻ địch của triều đình (triều địch, chôteki). Nay hồn ma Tadanori hiện ra trong giấc mộng của nhà sư vân du cũng là người từng giúp việc cho Fujiwara no Shunzei. Ông đã nhờ nhà sư chuyển đến Teika - con trai thi hào - lòng mong ước được phục hồi danh dự.

Cái đẹp của vở Nô Tadanori nằm ở chỗ nó đã lột tả được niềm đam mê bỏng cháy của vị tướng lãnh / thi nhân đối với thơ. Vở tuồng chủ yếu dựa trên một câu thơ của Tadanori nói về hoa anh đào. Tuồng đã mô tả được một cách sống động đam mê đó trong một khung cảnh huyền ảo, đầy chất thơ. Nhân vì nó cũng gợi lên cả những cảnh tượng chiến đấu nên khán giả đồng thời có thể sống lại trong bầu không khí thời đại Genpei tranh hùng (tranh giành quyền lực giữa Genji và Heike) mà Tadanori đã sống, cũng như nhập hồn mình vào trong giấc mộng của nhà sư vân du. Đó là những lý do đã khiến cho tác phẩm này được xem như có giá trị vượt không gian và thời gian.

Thông tin cơ sở về tác phẩm:

Lưu phái: Ngũ lưu (5 trường phái chính) đều diễn.Bản cổ có tên là Satsuma no kami (Quan trấn thủ vùng Satsuma), một chức tước khác của Tadanori.

Lớp diễn: lớp 2. Nô A-tu-la (võ tướng)

Soạn giả: Zeami Motokiyo.

Xuất điển: Truyện Heike (Heike Monogatari) chương 9.

Cảnh: Bãi biển Suma trong tỉnh Settsu (nay gần Kobe).

Phối vai:

Maejite: Lão già.

Nochijite: Hồn ma Taira no Tadanori.

Waki: Nhà sư vân du (nguyên là người giúp việc cho thi hào Fujiwara no Shunzei..

Wakizure: Tăng nhân tháp tùng nhà sư ( 2, 3 người).

Ai-Kyôgen: người đàn ông trên bãi (ura no toko).

Mặt nạ:

Maejite: Waraijô, Asakurajô, Sankôjô (tức là những mặt nạ người già quen thuộc).

Nochijite: Chuujô, Imawaka (các mặt nạ đàn ông trẻ hay trung niên).

Mặt nạ Chuujô thì mày hơi nhíu một chút, sắc mặt trắng (như một công tử con nhà quí tộc). Theo sử sách, Tadanori chết lúc đã 40 tuổi nhưng trong tuồng Nô thì vai này lại là một người trẻ.

Trang phục (lược thuật):

Maejite: Đội Jô-kami (tóc mượn dùng cho người già), mặc mizugoromo (kimono bình thường và chỉ dài đến đầu gối), thắt koshi-obi (giải lưng) giắt quạt, cầm gậy và một nhành lá.

Nochijite: Trùm kuro-tare (tóc giả màu đen buông xuống vai), đội nashi-ushi eboshi (một loại mũ cao màu đen có thắt giải giây trắng), mặc hitoe-happi (áo khoác ngắn và đơn kiểu nhà chùa, áo bên trên kiểu chôken, quần váy hakama ống rộng (ôguchi) trắng hay nhuộm màu, thắt giải lưng (koshi-obi), giắt quạt, đeo kiếm và mang cung có kèm mấy mảnh giấy (chắc để làm thơ, NNT).

Waki: Đội mão sumi-bôshi có góc cạnh dành cho nhà sư, áo mizugoromo, thắt lưng koshi-obi, giắt quạt, tay cầm chuỗi bồ đề.

Wakizure: tương tự như Waki.

Ai-kyôgen: Mặc áo quần trên dưới nguyên một bộ kiểu của vai kyôgen (kyôgen kamishimo).

Cảnh: 2.

Cảnh 1 (Maeba): Bãi biển Suma trong xứ Settsu, bên gốc cây anh đào tên là Wakaki no sakura, một ngày mùa xuân vào buổi chiều.

Cảnh 2 (Nochiba): Cùng một chỗ nhưng ban đêm.

Thời lượng: khoảng 1h40.

Để tiện theo dõi, bản tuồng sẽ được phân thành 7 tiểu đoạn ABCDEFG. Những đoạn chen giữa hai dấu hoa thị * chỉ được dùng ở một số lưu phái.

Văn bản (với lời giải thích in nghiêng)

A. Đoàn lữ hành ghé bãi Suma:

Có một người từng giúp việc trong phủ thi hào Fujiwara no Shunzei[2] nhưng nay ông đã xuất gia. Ông bèn cùng vài tăng nhân đi một chuyến về miền Tây thăm viếng các thắng cảnh mình chưa có dịp đến. Trên đường, ông ghé qua bãi biển Suma và thấy có một cây anh đào hoang dã hiện ra trước mắt đoàn người.

Sư vân du / các sư tháp tùng: Một người đã lánh xa cuộc đời đầy ưu tư như ta thì có màng gì việc thưởng hoa. Đã lánh cuộc đời rồi, ta không còn bị vẻ đẹp của hoa kia quyến rũ. Giờ đây lạnh lùng với những lạc thú trần gian, dẫu vầng trăng kia có bị mây che đi nữa, ta cũng chẳng bận lòng[3].

Sư vân du: Tôi từng giúp việc trong phủ ngài Shunzei nhưng từ khi chủ nhân tạ thế, tôi đã xuất gia. Vì chưa từng đặt chân lên phần đất miền Tây [4], tôi quyết định đi thăm cho biết.

(Michiyuki-bun =Văn tả cảnh đi đường) Chúng tôi nhắm hướng ly cung Toba ở phía nam kinh thành mà tiến bước và nay đã qua khỏi Yamazaki, nơi giáp giới Kyôto.

*Các sư / hay chỉ có sư vân du*: Dù Sekido no yado (Quan Hộ) tiếng là nơi có nhà trọ cạnh cửa ải [5] nhưng chúng tôi sẽ không qua đêm mà vẫn tiếp tục cuộc hành trình.Thật vậy, chúng tôi ít có dịp dừng chân và ngủ lại trong suốt chuyến đi này. Về phần tôi, vì mang tâm sự quá đau thương nên không còn muốn dính líu tới cõi đời nhơ bẩn này nữa. Giờ đây, chúng ta hãy vượt sông Akutagawa [6], vẹt những bụi tre còi trên cánh đồng Inano mà tiến bước.

Sư vân du / Các sư: Ao Koya phản chiếu ánh trăng thật đẹp, nước trong leo lẻo thấy tận đáy. Có tiếng gió thổi qua lau lách...

Các sư: Khi tiếng gió luồn qua lau lách...

Sư vân du / Các sư: ...vọng vào bên tai thì những nỗi sầu đời cũng theo cánh cửa đó mà vào cho dù tôi đã muốn tránh cuộc đời. Vượt qua ngọn núi Arima và cánh đồng Inano [7]mà lòng của người xuất gia vẫn còn bị quấy rầy bởi cuộc đời đầy cay đắng. Trong túp lều tạm bợ dành cho khách đi đường, chúng tôi đã bị kéo ra khỏi giấc ngủ vật vờ vì tiếng chuông chùa Shitennoji (Tứ Thiên Vương Tự) ở Naniwa (Ôsaka) từ xa vẳng đến bên tai. Chúng tôi đã rời Naniwa và tiến về khu đầm cạn Naruogata. Này nhìn xem, ngoài khơi xa có những chiếc thuyền con đang lênh đênh, ngoài khơi xa có những chiếc thuyền con đang lênh đênh! [8]

Sư vân du: Vì chúng ta nhanh chân bước, nên giờ đây đã đến được bãi Suma [9] trong xứ Settsu. Có một cây anh đào mọc trên ghềnh cạnh bãi. Có thể đây là cây Wakaki no sakura [10] nổi tiếng. Chúng mình nên nghỉ chân nhìn nó một chút nhé?

Các sư: Phải rồi, mình ghé lại đấy đi..

B. Lão già xuất hiện và cúng hoa cho cây anh đào:

Một lão già tiến đến bên cạnh cây anh đào nơi các nhà sư vừa ghé xem.Ông lão cúng hoa cho cây và khấn khứa trước mặt nó.

Lão già: Thực vậy, muốn sống ở đời mà tôi chẳng biết lo thân để đến nỗi phải làm những công việc nặng nhọc để đắp đổi qua ngày. Hôm nào không múc nước triều thì cũng phải lên núi kiếm củi để rang rong khô thành muối.Tôi không có cả thời giờ để vắt hay hong khô quần áo ướt. Cứ phải mặc nguyên như thế mà tiếp tục chạy ngược chạy xuôi, hết lên núi lại xuống biển. Đó là cuộc sống hằng ngày của tôi trong thôn Suma này.

Tôi thường nghe dân chài ơi ới và tiếng lũ chim óc cau (chidori) goi đàn mơ hồ vọng đến từ xa.

Xưa nay, bãi Suma vốn nổi tiếng vắng vẻ đìu hiu. (Giống như câu thơ xưa của Ariwara no Yukihira (Tại Nguyên Hành Bình, 818-893) : "Nếu ai có hỏi ta. Xin nói ở Suma. Ta sống đời cô quạnh, Rang muối bao ngày qua. Nước triều hòa nước mắt. Tay áo chửa khô là." [11]Những điều bài thơ nhắc tới đều có thật. Thuyền câu, khói rang (rong biển) để lấy muối, tiếng gió thổi qua những rặng tùng...ở đây tất cả đều tịch liêu quạnh quẽ.

*Trên bãi Suma lại có một cây anh đào nằm dưới bóng núi. Cây được xem như vật để đánh dấu ngôi mộ của ai đó. Lúc này là đang ở giữa mùa hoa. Tuy lão đây chỉ là một người khách qua đường nhưng để đánh dấu cái duyên của lần gặp gỡ đầu tiên nên dù đã đi ngang nó trên đường lên núi làm lễ, tôi cũng vừa quay lại chốn này. Xin phép góp thêm một cành anh đào vào trong bó hoa của mình để cúng dường cho cây, xong mới về nhà. Cúng kiến xong, tôi sẽ về nhà.*

C. Nhà sư vân du nói chuyện với lão già:

Nhà sư vân du trao đổi câu chuyện với lão già.

Sư vân du: Chào, lão trượng, có phải ông từ trên núi xuồng?

Lão già: Vâng, tôi là người làm muối sống ven bãi Suma.

Sư vân du: Người làm muối phải sống trên bãi biển chứ! Thấy ông đi lên núi, tôi tưởng ông là một lão tiều.

Lão già: *Ông lầm rồi đó ạ!* Không lẽ một người làm muối chỉ múc nước triều mà không biết phải đem nó rang khô hay sao?

Sư vân du: Ừ nhỉ! Ông nói đúng quá. Khi ông rang muối, buổi chiều thấy có khói bốc lên...

Lão già: ...và tôi lên núi kiếm củi về chụm lò để giữ cho ngọn khói còn tiếp tục.

Sư vân du: Tuy đường lên núi khác với đường xuống biển nhưng đâu đâu cũng chẳng có một ngôi nhà...

Lão già:..và ít khi nghe được tiếng người. Bãi Suma sao mà vắng vẻ!

Sư vân du: Trên ngọn núi ở đằng sau bãi...

Lão già: ... có những bụi cây đem chụm được...

*Hợp xướng / lời các sư: nơi ấy có loại cây để chụm*

*Hợp xướng (lời sư vân du): Tôi đi lên núi nhặt củi về chụm lò rang muối.*

Lão già: Vì không biết tôi chỉ là kẻ rang muối quê mùa, một nhà sư tôn kính đã vô tình bắt chuyện với tôi.

Hợp xướng: Bãi Suma đặc biệt không giống nơi nào khác. Gió núi và những cơn lốc đã thổi xuống đây làm tan tác những cánh hoa. Riêng cây anh đào có tên Wakaki no Sakura ở Suma, vì mọc ở ven bãi, lại bị những con gió từ bên kia biển thổi đến đánh cho tơi tả.

D. Lão già khuyên nhà sư tạm trú dưới gốc anh đào:

Khi nhà sư vân du nhờ lão già giúp đoàn người bằng cách cho trọ qua đêm, ông lão đã khuyên họ nên ngủ đỗ dưới gốc cây anh đào đang ra hoa. Rồi khi nhà sư hỏi rằng ai sẽ là người chủ trọ (aruji), lão già đã trả lời:" Chính hoa kia là chủ trọ" (Hana koso aruji) và đọc lại câu thơ của Taira no Tadanori cho biết cây anh đào vốn đánh dấu chỗ yên nghỉ nghìn thu của viên dũng tướng. Nhà sư vân du tụng một đoạn kinh để an ủi vong linh Tadanori, lão già tỏ ra sung sướng và biến mất đằng sau vòm hoa.

Sư vân du: Này, lão trượng. Trời sắp tối. Ông có thể nào cho chúng tôi trọ qua đêm không nhỉ?

*Lão già: Thầy không biết ư? Có gì tiện hơn là ngủ đỗ dưới vòm hoa của cây anh đào này! ( = Vâng, để tôi mời thầy...không, chờ chút xem, chứ thầy không thấy vòm hoa anh đào này là chỗ trọ tốt nhất hay sao?)*

Sư vân du: Ôi, đúng thật. Một chỗ trọ tuyệt vời.Thế nhưng ai sẽ là người chủ trọ hở ông?

Lão già: "Mặt trời sắp lặn mà còn chưa đến đich nên ta sẽ ngủ đỗ dưới vòm cây anh đào này. Vòm hoa sẽ là người chủ trọ đêm nay" (Dặm dài bóng ngã về Tây. Đêm nay ngủ đỗ dưới cây anh đào. Hỏi hoa cho phép không nào?, NNT dịch thơ) [12]. Tác giả bài thơ này nay đã bị chôn vùi dưới đám rêu xanh bên gốc cây. Thật đáng thương thay! Vì vậy những kẻ thân phận thấp hèn như tôi cũng thường ghé đến để ai điếu ông. Thế sao một nhà tu hành như thầy lại không làm một buổi lễ cầu siêu cho ông ấy, cho dù thày chỉ là một khách qua đường.

Sư vân du: Người viết câu thơ "Dặm dài bóng ngã về Tây. Đêm nay ngủ đỗ gốc cây anh đào. Hỏi hoa cho phép không nào?" có phải là quan trấn thủ xứ Satsuma ...?

Lão già: Đúng! Tác giả của nó chính là ngài Tadanori. Ngài bị giết trong trận Ichi-no-tani[13] và một người quen biết đã trồng cây anh đào này để đánh dấu như mộ bia.

*Sư vân du hay Lão già:* Chuyện tình cờ mà cũng thật lạ lùng đã khiến tôi gặp được cây anh đào hôm nay.* Chủ cũ của tôi, Fujiwara no Shunzei...

*Lão già hay sư vân du:*...là người quen thân với ngài Tadanori. Họ từng là bạn thơ.

*Sư vân du hay Lão già *: Mà hôm nay, ngài Tadanori lại cho chúng ta ở trọ....

Lão già: ...qua đêm. Có lạ chưa?

Hợp xướng: Cái tên Tadanori còn có nghĩa Phật pháp (Nori = pháp, kinh). Vậy xin ngài hãy nghe lời Phật dạy để chóng đi về cõi Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà!

Lão già: Kỳ diệu thay. Tôi sẽ được nghe tụng kinh thuyết pháp để linh hồn được an ủi và chóng thành Phật. Kỳ diệu thay!

Hợp xướng: Lạ chưa kìa!! Tại sao lão già này lại tỏ ra sung sướng đến mức đó khi nghe tiếng tụng niệm trong lễ cầu siêu nhỉ?

Lão già: Bởi vì tôi đã đến từ xa để xin thầy tổ chức pháp sự cho mình.

Hợp xướng: Lão già bảo: "Tối nay hãy nằm ngủ dưới vòm hoa và nghe lời tôi gửi gắm trong giấc mộng của thầy. Tôi sẽ gửi một tin nhắn nhờ thầy chuyển giúp cho ngài Teika [14] (ở kinh đô). Thế rồi lão đã đi vào đằng sau vòm hoa và không còn ai thấy bóng. Lão đà khuất dạng, không còn ai thấy bóng.

(Nakairi: chỗ nghỉ giữa hai màn)

E. Dân làng kể chuyện cây anh đào và phút cuối của Tadanori.

Đây là đoạn Ai-Kyôgen: Một người đàn ông sống trên bãi (ura no otoko) thấy các nhà sư nên đến để nói chuyện. Thể theo lời yêu cầu của nhà sư, ông ta đã kể lại về sự tích của cây anh đào cũng như những giây phút cuối cùng trong cuộc đời chiến sĩ của tướng Taira no Tadanori. Khi nhà sư vân du thổ lộ rằng đoàn của ông đã gặp một lão già, người dân địa phương kia mới cho biết lão ấy chính là hồn ma của Tadanori. Xin nhà sư làm một buổi lễ cầu siêu cho hồn ma xong, ông ta rời khỏi nơi đó.

(Lược bỏ không dịch để tránh trùng hợp, NNT)
 

F. Hồn ma Tadanori hiện ra, nhờ cậy nhà sư chuyển tin nhắn đến Teika:

Trong khi cả bọn đang ngủ thiu thiu dưới vòm hoa anh đào, vong hồn của Tadanori hiện ra trong giấc mơ của nhà sư vân du. Hồn ma cho biết ông rất tiếc vì một bài thơ của mình tuy được đăng trong Senzaishuu[15] nhưng về tác giả thì bị xem là "Vô danh" (Yomobito shirazu) bởi ông và gia đình là những người thua trận và trở thành kẻ địch của triều đình. Ông yêu cầu nhà sư với tư cách quen biết với gia đình Fujiwara, chuyển hộ lời nhắn của ông đến Teika để người con thi hào Shunzei ghi tên ông vào tuyển tập cho chính xác.

*Sư vân du: Điều trước tiên là về đến Kyôto, chúng ta sẽ trình lại câu chuyện này cho ngài Teika.*

Tất cả các sư: Khi đang bàn về chuyện này thì trăng chiều đã xế (Quệt tay áo thụng trên mặt đất như sửa soạn đi ngủ)

Các sư tháp tùng: Mảnh trăng chiều đang chìm xuống phía chân trời.

(Quệt tay áo thụng trên mặt đấy như sửa soạn đi ngủ)

Tất cả các sư: Trời tối quá, không còn trông thấy được bóng của lũ chim óc cau (chidori)[16] gọi nhau nữa. Nằm dưới gốc cây anh đào bên bóng núi và gần bãi biển, chúng ta nghe tiếng gió đuổi nhau trên bãi mà thương cho những đóa anh đào đang độ nở giữa mùa xuân. Tiếng gió khủng khiếp làm sao! Chúng ta đã ngủ đỗ một đêm trên bãi Suma trong cảnh ngộ đó. Cửa ải Suma này là nơi tạm trú qua đêm của bọn mình. Khi chúng ta chìm dần vào trong giấc ngủ thì vầng trăng cũng từ từ khuất dạng và bóng đêm đã bao phủ chung quanh. Nằm dưới gốc cây anh đào bên bóng núi, chúng ta dần dần đi vào giấc ngủ, Ôi, hãi hùng là tiếng gió. Gió thổi mạnh làm sao!

Hồn ma Tadanori: Hổ thẹn thay cho tôi hôm nay lại ló mặt ở cái chốn ngày xưa kia tôi đã bị kẻ địch chém chết để bước vào trong giấc mộng của thầy. Tôi đến đây dưới dạng hồn ma kể cho thầy nghe câu chuyện đời tôi thuở còn bị mê lầm dẫn dắt. Thơ của tôi đã được chọn vào Senzai-shuu nhưng buồn thay, vì bị xem là kẻ địch của triều đình nên người ta đã nó xếp vào mục "Thơ vô danh". Tội nghiệp cho tôi chưa? Dù cõi đời này đầy dẫy những chấp nê nhưng câu chuyện này là chấp nê lớn nhất của tôi đó. Hơn nữa, ngày nay ngài Shunzei - người biên tập Senzai-shuu - đã qui tiên mất rồi. Nhân được biết thầy từng hầu việc trong phủ Shunzei, chắc thầy có thể giúp tôi bằng cách xin ngài Teika ghi tên tôi vào Senzai-shuu được chứ? Tôi chỉ gửi lời yêu cầu này qua giấc mộng của thầy thôi. Xin đừng bị những trận cuồng phong trên bãi Suma đánh thức. Đừng để bị đánh thức nhé, thầy!

G. Hồn ma Tadanori kể lại cảnh chiến đấu của mình, xin nhà sư câu siêu cho rồi biến mất.

Hồn ma của Tadanori đã diễn lại một cảnh sống động cảnh tượng của trận Ichi-no-tani và kể cho nhà sư vân du những phút cuối cùng của đời mình. Sau khi yêu cầu nhà sư lập đàn cầu siêu cho mình, ông trở về nằm bên dưới cây anh đào và cũng là nấm mộ của ông.

Hợp xướng: Thực có diễm phúc nếu được sinh trong một gia đình làm thơ Waka và chọn Waka như nghề nghiệp, trau giồi nghệ thuật thơ cho đến khi đạt đạo và sống mỗi ngày với thi ca.

Sư vân du: Đặc biệt là nhân vật như ngài Tadanori, được thế gian đánh giá là bậc văn võ song toàn!

Hợp xướng: Nguyên trước đây, Thái thượng hoàng Go-Shirakawa đã hạ chiếu biên tập Senzai-shuu và ngài Gojô san.i (quan tam phẩm dinh ở khu Gojô, ý nói Shunzei) được bổ nhiệm vào chức vụ thu thập và tuyển chọn. Điều đó đã xảy ra vào mùa thu năm Juei (Thọ Vĩnh) thứ 2, lúc tập đoàn Heike tháo chạy khỏi kinh thành (1183).

(Nói thay cho Tadanori) Dù việc binh đa mang , dù việc binh đa mang, lòng của ta lúc nào cũng bỏng cháy tình yêu đối với thơ, nên ta đã theo đường sông Kitsunegawa quành lại Kyôto đến gặp ngài Shunzei và nhờ ông chọn thơ ta để đăng vào tuyển tập [17]. Ông đã nhận lời và ta (yên tâm) trở lại chiến trường. Sau khi lênh đênh trên biển miền Tây (Tây hải), ta thử trở lại bãi Suma và định dừng chân nơi đây một ít lâu. Nào ngờ đó là một quyết định sai lầm. Suma chỉ nổi tiếng vì xưa kia nó là nơi Hoàng tử Hikaru Genji đã tạm trú chứ không liên quan gì đến cánh Heike chúng ta. Rồi đến khi trận Ichi-no-tani mở màn, phía Heike chúng ta bắt đầu thua và phải lên thuyền ra biển để thoát khỏi chiến trường.

Đến đây có Kakeri (nhạc diễn tả lòng lo lắng). Một vài lưu phái không dùng nó hay chỉ diễn Tachimawari nghĩa là điệu bộ lang thang không định hướng, theo tiếng nhạc đi kèm.

Thế rồi tiếng nhạc đổi sang một nhịp khác và hồn ma Taira no Tadanori trong trang phục võ tướng diễn cảnh chém giết kinh hoàng trong cõi A-tu-la. Đặc biệt trong vở này, những động tác đầy bạo lực ấy cũng biểu lộ được nét thanh nhã của giới quí tộc.

Hồn ma Tadanori (vai Nochijite): Khi ta rời khỏi bờ chực lên thuyền thì nhìn lại đằng sau, một chiến binh bên địch đang xưng tên hòng được giao đấu với ta. Hắn nói: "Ta là Okabe no Rokuyata Tadazumi [18]người đất Musashi đây!" Hắn cùng với 6, 7 thớt kỵ rượt đuổi theo ta. Ta muốn nghênh chiến nên đã ghìm ngay giây cương và giục ngựa chạy trở về phía bãi. Rokuyata bèn chụp lấy ta rồi cả hai đều rơi xuống đất giữa hai con ngựa.Ta nắm chặt lấy hắn và định tuốt kiếm...

Hợp xướng (Jiutai): Một tên thủ hạ của Rokuyata, một tên thủ hạ của Rokuyata từ sau phóng tới và đã chặt bay cánh tay phải của Tadanori trong khi ngài đang đè lên người Rokuyata. Tadanori bèn dùng tay trái nắm lấy Rokuyata và thảy hắn ra xa nhưng cùng lúc, ngài biết rằng giờ cuối cùng của mình đã điểm. Ngài bèn bảo với chúng: "Bọn bay hãy tránh ra một bên cho ta hướng về Tây phương cầu nguyện. Thế rồi ngài mới khấn câu:” Quang minh biến chiếu thập phương thế giới, niệm Phật chúng sinh nhiếp thủ bất xả” (Đức Phật A Di Đà chiếu ánh sáng khắp mười phương, không bỏ sót một kẻ nào từng niệm danh hiệu ngài).

Hợp xướng (thay lời Tadanori) Vừa khi lời khấn của ta vừa dứt...

Hợp xướng:... Rokuyata đã vung kiếm chặt đầu Tadanori.

Hồn ma Tadanori: Lúc đó Rokuyata mới nghĩ rằng...

Hợp xướng: Buồn thay! Nhìn thi thể người này, ta thấy ông hãy còn trẻ trung. Ông ta còn có thể sống lâu và vui hưởng cuộc đời. Bộ khôi giáp ông ấy mang trên người trông thật đẹp gợi nhớ đến những chiếc lá phong đỏ lấp lánh giọt mưa rào cuối thu (shigure, jiu) dưới bầu trời nặng mây của một ngày tháng chín (tháng 9 âm lịch, nagatsuki) [19]. Ông này không phải hạng xoàng, chắc là một quí tộc Heike. Ta muốn biết tên ông ấy!

Khi kiểm tra túi đựng tên của người chết, Okabe ngạc nhiên khi thấy có cả một bài thơ Waka viết trên mảnh giấy. Nhìn vào thì thấy bên dưới tựa đề "Ryoshuku no hana" (Hoa làm chỗ trọ dọc đường) có chép mấy câu: "Dặm dài bóng ngã về Tây" (Yukikurete...) vv...

*Đến đây có Kakeri (nhạc diễn tả lòng lo lắng). Một vài lưu phái không dùng nó hay chỉ diễn Tachimawari nghĩa là điệu bộ lang thang không định hướng theo tiếng nhạc đi kèm.*

*Thế rồi nhạc đổi sang một nhịp khác và hồn ma Taira no Tadanori trong trang phục võ tướng diễn cảnh chém giết nhau trong cõi A-tu-la. Đặc biệt trong vở này, những động tác đầy bạo lực ấy cũng biểu lộ nét thanh nhã của giới quí tộc.*

Hồn ma Tadanori / Hợp xướng: Vì lẽ đó, ta sẽ nằm lại dưới gốc anh đào này...

(Tachimawari): Shite tức Nochijite) đi lòng vòng theo hình tròn ở giữa sân khấu để diễn tả tâm trạng hoang mang của mình. Nhiều lưu phái chủ trương phải thay thế những động tác này bằng nhạc Kakeri.

Hồn ma Tadanori: Và vòm hoa là chủ trọ đêm nay.

*Hồn ma Tadanori / Hợp xướng: Nếu đúng là Tadanori thì...*

Hợp xướng: ...ông ta phải là nhân vật nổi tiếng Taira no Tadanori, Trấn thủ vùng Satsuma[20]. Ôi, thương thay!

(Làm như đang nói với nhà sư) Nhân vì thầy đã có lòng dừng chân bên gốc cây này nên tôi đã làm cho trời tối nhanh để lưu thày lại và kể hầu thầy câu chuyện vừa qua. Như vậy, chắc bây giờ thầy không còn có gì để nghi ngờ về nó nữa. Tôi sẽ trở về lòng đất chẳng khác những cánh anh đào trở về cội cây. Xin hãy cầu siêu cho vong hồn tôi. Nếu thầy đã đến trọ dưới gốc cây này khi hoa kia chính là chủ trọ và vòm hoa ấy cũng lại là tôi chứ không ai khác.

(Kết thúc vở)

.


"Hỏi hoa cho phép không nào?"


Phần Chú Thích:
[1] - Ngày xưa, những người hầu cận các nhân vật quyền quí như thiên hoàng, hoàng hậu hay quí tộc thường bỏ đi tu sau khi chủ của họ chết.
[2] - Fujiwara no Shunzei ( Đằng Nguyên Tuấn Thành, 1114-12049 còn đọc là Toshinari) là một quí tộc họ Fujiwara. Ông là quan tam phẩm, bí thư riêng của Hoàng hậu, thi nhân, nhà lý luận và bình chọn thơ Waka có tiếng tăm hàng đầu Nhật Bản. Đã được Thái thượng hoàng Go-Shirakawa, 1127-1192, một người sành văn chương, giao phó nhiệm vụ tuyển thơ cho Senzaishuu (Thiên Tải Tập tức Thiên Tải Hòa Ca Tập, 1183-1187).
[3] - Thái độ ẩn dật của nhà sư bắt đầu bằng sự từ bỏ cuộc sống thế tục và sau đó là cả những thú vui thanh tao như phong,điểu, hoa, nguyệt.
[4] - Miền Tây (Saikoku =Tây quốc) là khu vực nằm tây Kyôto nhưng đặc biết dùng để nói về đảo Kyuushuu.
[5] - Khác với tên của nó, ở đây không có cửa ải và cũng chẳng có nhà trọ.
[6] - Chữ Akuta trong Akutagawa (tên con sông) còn có nghĩa là rác rưởi, bụi bặm làm tiên tưởng đến cõi trần nhơ nhớp vốn được nhắc đến bên trên. Sông Akutagawa là một gối thơ (utamakura) khi nói về vùng Settsu.
[7] - Núi Arima (Hữu ) và cánh đồng Inano (Trư Danh Dã), đều là những gối thơ, từng được nói tới trong thơ của bà Daini Sammi trong Go-Shuui-shuu (Hậu Thập Di Tập) và được tuyển vào Hyakunin Ishu (xem Thơ Waka trăm nhà, NNT dịch)
[8] - Tiếng chuông chùa ở Naniwa, cảnh bãi cạn Naruogata và cảnh thuyền câu lênh đênh trên sóng ngoài khơi đều là những gối thơ ở địa phương dùng để tạo không khí cho đoạn văn đi đường (michiyuki-bun) này.
[9] - Suma là tên một chương trong Truyện Genji , lại là địa danh nơi Hoàng tử Hikaru Genji sống một khoảng thời gian lưu đày. Nằm ở tây nam Kobe ngày nay, nổi tiếng là nơi có phong cảnh đẹp, cát trắng tùng xanh.
[10] - Tên một giống anh đào dại, từng được nhắc đến trong Truyện Genji, được tác giả đem cấy vào đây theo thủ pháp Yoriai kết hợp yếu tố của 2 tác phẩm lại với nhau.
[11] - Arihira no Yukihira (818-893) là một thi nhân buổi đầu thời Heian, đại thần, anh trai của vương tử đa tình Narihira nên thường bị lẫn lộn với ông em quá nổi tiếng. Bài thơ nầy có chép trong Kokin-shuu (Cổ Kim Tập) nói về đoạn đời sống u bế của ông ở Suma. Có thể nói đây là một trong những bài thơ có nhiều thi vị tiêu sơ wabi, sabi khá sớm..
[12] - Là bài thơ nòng cốt từ đó Zeami đã dựng lên vở tuồng này.Tương truyền đã được kẻ địch tìm ra trong túi đựng tên sau khi Tadanori chết.
[13] - Ichinotani là một thung lũng, cổ chiến trường nằm gần Kobe nơi Minamoto no Yoshitsune tập kích táo bạo doanh trại Heike và phá được quân địch.
[14] - Con của Shunzei, Fujiwara no Teila (Sadaie, 1162-1241) cũng là một thi hào nổi tiếng không kém gì cha. Được biết như người biên tập Shin Kokin Wakashuu (Tân Cổ Kim Hòa Ca tập, 1201 hay 1205), tác phẩm phản ánh một thi phong cách tân so với Kokin Wakashuu (905 hay 914).
[15] - Senzai-shuu (Thiên Tải Tập, 1183), 20 quyển, do Fujiwara no Shunzei tuyển thơ và biên tập.
[16] - Chidori (chim óc cau, choi choi) một loại chim di, nhỏ bé, thường họp thành đàn, vừa bay vừa kêu. Hình ảnh đã được đưa vào trong thơ rất sớm, từ đời Man. yô-shuu (Vạn Diệp Tập, thế kỷ thứ 7 và 8) và dĩ nhiên cũng từng thấy nhiều lần trong Truyện Genji..
[17] - Shunnzei sau đó đã chọn một bài thơ nói về hoa anh đào ở cố đô Shiga và đăng trong phần thơ mùa xuân của Senzaishuu nhưng lại không để tên tác giả. Xem lời bàn của dịch giả về xuất xứ của nó.
[18] - Có thể hiểu là con trai thứ sáu (Rokuyata) trong gia đình Okabe, tên là Tadazumi.
[19] - Nagatsuki (tháng dài), một tên khác của tháng 9.
[20] - Satsuma, ngày nay là tỉnh Kagoshima thuộc đảo Kyuushuu. Đây có lẽ chỉ là một tước vinh dự do triều đình ban vì địa phương này nằm rất xa Kyôto.


Tadanori trên sân khấu

Lạm bàn của người dịch:

Duyên nợ của Taira no Tadanori với Nô nằm trong nội dung của hai vở tuồng: (1) là Tadanori, vở tuồng của Zeami vừa được trình bày bên trên và (2) là Shunzei Tadanori của một tác giả ít được biết đến hơn, Naitô Tôzaemon. Tuy nhiên cả hai đều thuộc loại Shura-mono, bắt nguồn từ Truyện Heike và thuật lại tình yêu đối với thơ Waka của người võ tướng / thi nhân. Tuồng số (2) có thể giúp ta hiểu rõ thêm về tuồng số (1) qua giai thoại về 2 bài thơ của Tadanori.

Trước tiên, thử lướt qua nội dung tuồng số (2) tức Shunzei Tadanori của Naitô cái đã.

Tadanori (Trung Độ), dòng dõi Taira, em trai út của Kiyomori, tả trung tướng, tước trấn thủ vùng Satsuma, một người văn võ song toàn. Có giai thoại chép rằng lúc họ Taira bỏ kinh thành vì bị quân Genji tấn công, tướng Tadanori đã đến từ biệt thầy học là thi hào Fujiwara no Shunzei (Đằng Nguyên, Tuấn Thành, 1114-1204) và không cầu mong gì hơn là được đăng vài bài waka của mình vào trong tuyển tập thơ soạn theo sắc chiếu bởi ông biết lần này mình ra đi sẽ không có ngày về và vì cuộc đời là ngắn ngủi nhưng thi ca thì bền lâu.

Trước khi từ giã hay đúng hơn là vĩnh biệt người thầy khả kính, Tadanori lấy ra một cuốn giấy mà ông đã chép trên một trăm bài ông nghĩ là hay nhất trong số thơ ông sáng tác và gìn giữ cẩn thận từ mấy năm qua rồi ký thác cho thầy và Shunzei đã nhận lấy với tất cả lòng trân trọng..

Về sau, lúc Tadanori đã tử trận, chiến tranh chấm dứt và một triều đại mới mở màn, khi tuyển chọn thơ cho Thiên Tải Hòa Ca Tập (Senzai Waka-shuu, 1183-87), Shunzei vô cùng xúc động khi nhớ lại hình ảnh và những lời Tadanori dặn dò trong lần gặp gỡ cuối cùng. Cuốn thơ có nhiều bài đáng cho vào Tuyển Tập nhưng Shunzei, người biên soạn, vấp phải sự kiểm duyệt của triều đình nên chỉ giữ lại một bài nói về hoa anh đào ở cố đô, có điều chỗ để tên tác giả chỉ ghi là " triều địch " (kẻ địch của triều đình) trong mục những nhà thơ vô danh:

Trong vùng Sazanami,
Shiga hoang phế còn chi kinh thành..
Nagara núi vẫn xanh,
Anh đào năm cũ vô tình nở hoa.

(Sazanami ya / Shiga no miyako wa / arenishi wo / mukashi nagara no / yamazakura kana)

Nagarayama (Trường Đẳng Sơn) là tên núi, đồng thời là một trợ từ với cái ý "cứ nguyên như thế" (nagara = sono mama). Ngoài ra, Sazanami hay Sasanami tuy là cách nói hoa mỹ để gọi vùng đất Ômi tỉnh Shiga, cố đô của 2 cha con Thiên hoàng Tenji và Kôbun nhưng còn có nghĩa là "sóng nhẹ tấp vào bờ" và bờ ấy được hiểu là bờ hồ Biwa - một cái hồ nước ngọt cực kỳ rộng lớn - nằm cạnh nó. Cho nên có thể dịch một cách khác:

Bên hồ sóng nhẹ vỗ bờ,
Kinh đô hoang phế bây giờ còn chi.
Ngàn năm núi vẫn xanh rì,
Anh đào nở thắm hỏi vì ai đây?

Còn trong vở tuồng (2) của Zeami thì như chúng ta thấy, sau cuộc gặp gỡ, Tadanori đã chết trong trận Ichinotani (1184). Khi tướng địch nhặt túi tên tùy thân của ông và nhìn bài thơ "Ngủ đỗ dưới gốc anh đào " (Ryoshuku no hana) với chữ ký Tadanori ghi trên đó, mới biết họ vừa giết được đại tướng Tadanori, chỉ huy cánh quân phía tây của mặt trận và cũng là trấn thủ vùng Satsuma. Thơ như sau:

Dặm dài bóng ngả về tây,
Đêm nay ngủ đỗ dưới cây anh đào.
Hỏi hoa cho phép không nào?

(Yukikurete / ki no shitakage wo / yado to seba / hana ya koyoi no / nushi nara mashi )

Cái chết của ông làm bạn và địch đều bùi ngùi. Đó là một tâm hồn thơ trong cửa tướng.

Như vậy tuồng số (1) và (2) đã hòa quyện với nhau để làm nên một giai thoại văn chương tuyệt đẹp với 2 bài thơ.

Có người sẽ cười rằng Tadanori đã chết vì một cái danh hão. Thế nhưng, nếu suy nghĩ kỹ, chúng ta không thể nào đồng ý với lập luận ấy. Đối với một trang dũng tướng quí tộc có thể nói đã đạt đến tột đỉnh vinh hoa và quyền lực như ông, hành động coi thường tất cả khi đặt những yếu tố ấy lên cán cân để so sánh với một bài thơ vỏn vẹn 31 âm tiết đã cho ta thấy tấm lòng của ông cao đẹp nhường nào. Nói cho cùng, bề gì ông cũng đã nhìn nhận rằng những điều ông mong đợi - dù là việc có tên như tác giả một bài thơ - cũng không khác gì một vọng tưởng trần thế đáng xấu hổ. Ông chỉ xin được vĩnh viễn ngủ yên dưới một vòm hoa,

Tôkyô ngày 27 tháng 4 năm 2020.
Thư mục tham khảo:
  1. Tadanori (Trung Độ), bản song ngữ Anh-Nhật do The Noh.com ( version 1.0) đăng trên mạng, 18/12/2015. Bản kim văn và ngoại văn tham chiếu.
  2. Tadanori (Trung Độ) trong Yôkyokushuu (Dao Khúc Tập) quyển trung, do Itô Masayoshi hiệu chú, Shinchô xuất bản, Tôkyô 1988. Nguyên tác cổ văn.
  3. Tadanori (Trung Độ)) trong La landes des mortifications. Vingt-cinq pièces de Nô (Cõi thống khổ. Hai mươi lăm vở tuồng Nô). Do Armen Godel và Koichi Kano dịch sang Pháp văn. Gallimard, Paris 1994. Bản ngoại văn tham chiếu.
  4. Shirasu Masako, Yôkyoku Heike Monogatari (Tuồng Nô từ Truyện Heike) phần nói về Tadanori, Kôdansha Bungei Bunko, Tôkyô xuất bản 1996, ấn bản 2005.