Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
OBASUTE 
(Trăng núi Obasute / 
Cõng mẹ lên non)

Nguyên tác: Zeami Motokiyo (?)

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Lược truyện:

Vì muốn ngắm trăng đêm trung thu nên người lữ khách từ kinh đô lên đường đến núi Obasute (Obasute-yama) ở vùng Sarashina trong xứ Shinano (nay là tỉnh Nagano), nơi nổi tiếng là một chỗ ngắm trăng tuyệt vời [1]. Khi ông vừa đặt chân lên vùng ấy, bỗng thấy một người đàn bà trong làng (sato no onna) hiện ra trước mặt và chỉ cho xem nơi ngày xưa tương truyền có một bà lão - vì bị con cái bỏ rơi - đã viết bài thơ nói về cảnh cô đơn của mình trong một đêm đối diện với vầng trăng. Bà cũng cho biết mình chính là bà lão trong truyền thuyết vào những đêm có trăng, hay hiện hình và đi lang thang. Nói xong thời biến mất. (Hết lớp đầu). Sau đó, lữ khách mới hỏi thăm một ông dân làng (sato no otoko) mới biết về truyền thuyết "cõng mẹ lên non để vứt lại" của người vùng này. Chẳng bao lâu, trăng mọc và rọi ánh sáng trong thanh xuống vùng núi non, lữ khách càng thêm xúc động khi thấy một bà cụ già ăn mặc toàn một màu trắng xuất hiện, cả người cụ như đang gội bằng ánh trăng sáng lóa. Nhớ lại tích xưa của núi Obasute, đứng dưới vầng trăng, bà lão giảng giải rằng trăng kia chính là giả tướng của Đại Thế Chí Bồ Tát, một vị bồ tát hầu cận Đức Phật. Trong mão (thiên quan) ngài đội có cả một cõi Cực Lạc Tịnh Độ và ánh trăng là vật dẫn đường cho tín hữu đến đấy nên còn có danh hiệu là Vô Biên Quang Bồ Tát.

Tiếp đến, bà lão chuyển qua ca ngợi vẻ đẹp của cõi Cực Lạc Tịnh Độ. Hồi tưởng chuyện xưa, bà còn múa cho lữ khách xem một điệu vũ. Chẳng bao lâu, trời đêm hừng sáng, lữ khách quay về, bà lão cũng biến mất, chỉ còn trơ lại ngọn núi Obasute.

Đặc trưng của vở tuồng:

Vở tuồng này vốn khởi hứng từ một câu thơ bắt đầu với mấy chữ Wa ga kokoro...(Lòng ta...) mà chúng ta sẽ gặp lại trong ca từ của dao khúc này. Đó là bài Waka do một nhà thơ vô danh sáng tác, có chép trong Kokin (Waka) shuu (Cổ kim Hòa ca tập) phần tạp thượng. Tạp là loại thơ linh tinh, không đủ yếu tố để thuộc hẳn vào một mục nào. Tuy nhiên, nội dung bài thơ nói lên nỗi buồn khôn cùng của một con người cô độc. Zeami (nếu đúng ông là soạn giả) đã đặt nó vào miệng của bà lão, vai chính (Shite) của vở. Theo ý của bài thơ thì niềm cô đơn và lòng luyến tiếc quá khứ của bà lão đã thăng hoa khi bà đứng dưới ánh sáng thanh u của vầng trăng. Bài Waka, điệu múa cũng như truyền thuyết về Obasute vốn thấy trong các pho sách cổ như Truyện vùng Yamato (Yamato Monogatari), Tinh hoa của Minamoto no Toshiyori (Shunrai Zuinô) hay cả "Chuyện nay đã xưa" (Konjaku Monogatari"...qua vở tuồng này, đã làm tăng lên tính chất bi thảm của cuộc đời những người già bị con cái bỏ rơi [2].

Về phần tán thán vẻ đẹp và sự mầu nhiệm của ánh trăng, chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc của nó trong quán thứ 11 của Quán Vô Lượng Thọ Kinh bởi vì cuốn kinh này đã đề xuất quan niệm gọi là "Nguyệt quang Tịnh Độ quan" (xem ánh sáng vầng trăng là vật dẫn đường về cõi Tịnh Độ). Còn điệu "khúc vũ" (kusemai) của bà lão chủ yếu mô tả những biến đổi giữa xưa và nay, vừa nói lên lòng hoài cựu, vừa thuyết về lẽ vô thường.

Thông tin kỹ thuật về vở tuồng:

Trường phái: Không có thông tin rõ ràng nhưng ít nhất được diễn bởi Kanze nếu là tác phẩm của Zeami.

Tên gọi: Có khi vẫn đọc là Obasute nhưng viết bằng chữ "bá mẫu" thay vì chữ "di" (dì).

Lớp diễn: lớp 3 (Rôjomono: loại tuồng Lão nữ)

Xuất điển: Các sách Kokinshuu, Yamato Monogatari, Shunrai Zuinô.

Soạn giả: Zeami nếu nhìn theo phong cách.

Cảnh: 2

Maeba: Làng Sarashina trong xứ Shinano nơi có núi Obasute, vao buổi chiều hôm rằm tháng 8 âm lịch.

Nochiba; Cùng một chỗ, từ lúc trăng lên cho đến hừng sáng.

Mùa: Mùa thu (tháng 8 âm lịch).

Thời lượng: Không có thông tin rõ ràng.

Phối vai:

Shite (Maejite): Đàn bà trong làng (sato no onna).

Shite (Nochijite); Vong hồn bà già bị bỏ rơi (rôjo no rei)

Waki : Lữ khách từ kinh đô (miyako no otoko)

Wakizure: Bạn đồng hành của lữ khách.

Ai-Kyôgen: Ông dân làng (sato no otoko).

Mặt nạ:

Shite: Màn đầu, mang mặt nạ Fukai tức mặt nạ của phụ nữ trung niên. Màn sau là mặt nạ Uba dành cho những bà lão có tính khí bất thường. Trong tuồng này, chỉ có Shite là mang mặt nạ.

Trang phục (lược thuật):

Maejite: Áo kataori phụ nữ

Nochijite: Áo chôken (đẹp và dài), ôkuchi (ống rộng)

Waki: đồ bộ kiểu suô (đồ thường có 2 phần trên và dưới).

Wakizure: giống như vai waki.

Ai-Kyôgen: quần áo dài trên dưới.

Xin chia vở tuồng bằng 2 phần tượng trưng cho 2 màn.

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng):

Màn đầu:

(Theo tiếng nhạc Shidai, lữ khách và tùy tùng bước vào sân khấu. Họ đội nón rộng vành (nón mê) kết bằng cây mây chẻ tơi):

Hợp xướng: Ôi, trời đã vào thu và sắp đến ngày rằm. Ôi, trời đã vào thu và sắp đến ngày rằm.Chúng ta hãy lên đường viếng thăm ngọn núi Obasute, ngọn núi của những bà già bị đem đi vứt bỏ.

(Lữ khách cởi chiếc nón mê).

Lữ khách: Như tôi đây, một cư dân vùng kinh đô. Tôi chưa từng có cơ hội đến ngắm trăng ở Sarashina. Vì thế nên khi biết mùa thu đã về, tôi bèn hối hả tìm đến ngọn núi Obasute.

(Lữ khách lại chụp nón mê đội lên).

Hợp xướng: Trong chuyến hành trình này, bao đêm chúng ta đã phải ngủ dọc đường, bao đêm đã phải ngủ dọc đường. Chúng ta vừa bỏ thêm một quán trọ nữa sau lưng. Qua biết bao nhiêu buổi sáng buổi chiều, giờ đây chúng tôi đã đến được núi Obasute, đến được núi Obasute nơi người ta đem vứt những bà già.

Lữ khách: Nhờ nhanh chân bước, giờ đây chúng ta đã tới núi Obasute.

Bạn đồng hành: Đúng đây rồi!

(Lữ khách gỡ nón ra).

Lữ khách: Như vậy là chúng ta đã tới núi Obasute. Nhìn quanh chỉ thấy toàn những đỉnh núi thấp, làm bầu trời trải ra ngoài ngàn dặm, rộng bao la, không vướng một chòm mây. Chắc vào những đêm trăng rằm, phong cảnh ở vùng này hẳn phải tuyệt vời. Tôi muốn chúng mình dừng chân lại và qua đêm ở đây để thưởng trăng.

(Lữ khách vai Waki đến ngồi ở Wakiza trong khi những người khác đứng trước ban hợp xướng (Jiutai). Đến lượt người đàn bà bước vào sân khấu nhưng dừng chân lại ở bên cầu).

Người đàn bà: Này mấy ông đằng kia. Các ông muốn tìm gì đấy ạ?

Lữ khách: Chúng tôi chỉ là đám thường dân kinh đô, lần đầu đặt chân tới đây. Thế còn bà, bà là người ở vùng nào vậy?

Người đàn bà: Tôi sống ở một làng thuộc vùng Sarashina này. Vào một ngày mùa thu đặc biệt như hôm nay, trời mau tối lắm và nhất là sẽ có một vầng trăng lộng lẫy ngự giữa bầu trời. Bốn phương tám hướng sẽ quang đãng, không một cụm mây. Ôi, khung cảnh đó kỳ diệu như thế đấy. Tôi đoan chắc là vầng trăng đêm nay sẽ đẹp tuyệt vời.

Lữ khách: Nếu là người địa phương Sarashina, bà có biết chỗ ngày xưa người ta đem vứt bà già nằm ở đâu không?

(Người đàn bà tiến đến gần họ).

Người đàn bà: Bà lão trên núi Obasute ấy à? Ông muốn xem lại dấu tích đã mất rồi ư? Ừ, hay lắm đấy!

Núi Obasute
Vùng Sarashina,
Ôi, có gì an ủi được,
Nỗi đau trong trái tim tôi,
Khi ngẩng đầu nhìn ánh trăng chiếu sáng[3]

Nếu đúng là câu chuyện của kẻ từng làm ra bài thơ thì chỗ đó chính là nơi đây, bên cạnh cây quế [4]đó. Chính là bên cạnh cây quế xinh tươi này bà cụ già kia đã bị bỏ rơi mà đến nay không ai còn tìm ra dấu vết.

Lữ khách: Như thế thì gốc cây này đúng là nơi đã chôn vui hình ảnh của người đàn bà bị bỏ rơi.

Người đàn bà: Bà ấy đã bị vùi dưới lớp cỏ hoang của cuộc đời biến ảo. Mà nay thời ...

Lữ khách: ... chẳng còn có gì hơn ngoài một câu chuyện kể về một người đàn bà, mà ôi thôi, còn chưa hết chấp nê...

Người đàn bà: ... cả khi mà dấu tích của mình cũng không còn nữa. Cớ sao...

Lữ khách: ...trên cánh đồng thê lương này...

Người đàn bà: ...gió thổi lạnh buốt xương da?

Lữ khách: Lòng ta buồn như mùa thu...

Hợp xướng: ...và buồn hơn bao giờ hết. Ôi, ở Sarashina, làm sao ai an ủi được ta. Ở Sarashina, làm sao ai an ủi được ta. Trên Obasute, núi bà già bị vứt, màn đêm buông xuống rồi. Những cây quế cây tùng cũng ngả màu xanh thẩm như bao nhiêu cây khác. Không phải là mùa thu đã nhuộm màu cho lá đấy sao? Một làn sương mỏng đã phủ lên ngọn núi Hitoe (Nhất Trùng Sơn)[5], ngọn gió thê lương đuổi hết mây đi, chỉ còn cảnh núi đứng trơ vơ, chỉ còn cảnh núi đứng trơ vơ.

Người đàn bà: Hỡi lữ khách, người từ đâu đến thế?

Lữ khách: Như đã thưa với bà hồi nãy, chúng tôi đến từ kinh đô. Từng nghe đồn đại về con trăng ở Sarashina nên mới tìm đến và đây mới là lần đầu!

Người đàn bà: Thì ra các ông là người (tao nhã) ở kinh đô![6] Nếu thế, xin đợi lúc trăng lên, tôi sẽ xuất hiện để biểu diễn một màn cho các ông giải khuây nhé!

Lữ khách: Gì cơ ạ? Tại sao bà lại nói về một màn biểu diễn để chúng tôi giải khuấy đêm nay? Vậy bà là ai thế?

Người đàn bà: Dĩ nhiên là một người đàn bà ở Sarashina!

Lữ khách: Nhưng chính xác hơn, xin hỏi bà sống ở đâu?

Người đàn bà: Ngọn núi này là nhà tôi đấy!

Lữ khách: ...và nó mang một cái tên danh tiếng là...

Người đàn bà: ...Obasute, Núi Vứt Bà Già!

Hợp xướng: Nghe đến tên đó, lòng tôi thêm tủi hổ. Nghe đến tên đó, lòng tôi thêm tủi hổ[7]. Bởi vì tôi bị bỏ rơi ở đây đã lâu rồi! Phải sống một thân giữa chốn núi hoang. Mỗi lần nhìn ánh trăng thu trong vắt, tôi muốn trăng hãy xua tan bóng tối (vô minh) của những chấp tôi vẫn giữ trong lòng. Bà ấy nói : "Tôi sẽ hiện ra cùng với vầng trăng", rồi trong bóng đêm, bà dần dần biến dạng vào bên dưới gốc cây, dần dần biến dạng vào bên dưới gốc cây.

(Người đàn bà đi ra và Ai-Kyôgen (ông dân làng) bước vào kể cho lữ khách đến từ kinh đô sự tích về Núi Vứt Bà Già).

Nakairi hay chỗ nghỉ giữa hai màn.

Dân làng: Tôi là dân địa phương sống bên dưới chân núi. Đêm nay trăng sẽ tròn. Vì muốn ngắm trăng, tôi mới leo lên đến đây.

(Dân làng nhận ra là có sự hiện diện của đám lữ khách).

Dân làng: Ô kìa, mấy khi trên núi này lại có người nhỉ! Hỡi những người khách xem trăng, các ông từ đâu đến thế?

Lữ khách: Chúng tôi quê quán kinh đô. Còn ông, ông là người địa phương chắc?

Dân làng: Chính vậy. Tôi người vùng này!

Lữ khách: Nếu quả như thế thì xin ông đến gần đây cho. Tôi có đôi điều muốn hỏi thăm ông.

Dân làng: Xin ông cứ việc (Dân làng tiến ra giữa sân khấu)

Ông bảo rằng có việc muốn hỏi tôi nhưng chuyện gì thế ạ?

Lữ khách: Có thể câu hỏi của tôi sẽ làm ông ngạc nhiên. Chẳng hay chuyện ngắm trăng trong vùng Sarashina và tên của hòn núi Obasute này (Núi Vứt Bà Già) này có sự tích gì không? Nếu biết được, xin ông hãy kể cho chúng tôi nghe.

Dân làng. Thật lạ thay! Tuy tôi sống trong vùng nhưng chỉ biết qua loa. Thế nhưng đây là lần đầu tôi được gặp ông, chả lẽ tôi nói là mình không biết gì hết thì quá khó coi. Vậy tôi sẽ ráng kể cho ông đôi điều tôi biết.

Lữ khách: Xin cảm ơn ông!

(Ông dân làng ngồi xuống)

Dân làng: Tại sao người ta gọi ngọn núi này là Núi Vứt Bà Già à? Ừ, phải rồi, ngày xưa trong thôn này có một người đàn ông tên Wada no Hikonaga sinh sống. Cha mẹ anh ta chết sớm khi anh còn bé dại, một bà cô già đã đem về nuôi nấng cho đến khi khôn lớn. Thế rồi anh lấy vợ. Khổ nỗi vợ của anh từ xưa vẫn ghét bỏ bà cô đó và không ngừng nói xấu về bà. Phần anh thì cứ giả điếc cho qua. Vợ anh càng ngày càng nói xấu bà cô, nhiều đến nỗi một ngày kia anh đâm ra quên hết ân tình bà đã nuôi dạy anh từ tấm bé. Anh mới nói với bà:

-Gần một hòn núi, con mới tìm ra được một vị Phật rất linh ứng. Vậy để con đưa cô đến niệm Phật.

Sau đó anh bèn đưa đi và bỏ mặc bà ở lại một chỗ nào đó trong núi. Về đến nhà, mỗi lần nhìn trăng mọc trên núi dưới bầu trời không mây, lòng anh nao nao những muốn đi lên đó để đón bà về nhưng vợ anh lập trường vẫn sắt đá. Thời gian trôi qua, khác với điều mọi người mong đợi, bà cô già ấy đã chết. Tình yêu của bà với đứa cháu không hề suy suyển đã khiến cho bà hóa đá. Sau một thời gian dài, người đàn ông mới lên núi kiếm bà cô nhưng khi nhìn thấy tượng đá, anh đâm ra kinh hãi. Thiên hạ kể rằng từ ngày ấy anh hối hận và bỏ đi tu. Cũng từ lúc đó, hòn núi này và thôn làng dưới chân núi đều mang cái tên là Vứt Bà Già (Obasute). Hình như xưa kia tên cũ của núi là Sarashina. Tôi đã nghe kể lại như thế nhưng tôi lấy làm lạ là tại sao ông muốn tìm hiểu chuyện đó?

Lữ khách: Những lời ông vừa kể đã đầy đủ tình tiết lắm rồi. Như ông biết đấy, chúng tôi là dân đến từ kinh đô. Bởi nghe tiếng tăm của vùng Sarashina, chúng tôi mới đến đây để thưởng trăng. Hồi nãy, lúc chúng tôi đang đợi trăng lên thì, không biết từ đâu, một người đàn bà có tuổi đã hiện ra và ngâm cho chúng tôi nghe một bài thơ có liên quan tới hòn núi Obasute. Thế rồi bà ấy cho biết đêm nay sẽ trình diễn một màn cho chúng tôi giải khuây. Tôi mới hỏi xem bà ấy là ai thì bà đã trả lời:

-Trước kia tôi là một người đàn bà ở Sarashina. Ngọn Obasute tức Núi Vứt Bà Già hiện nay là ngôi nhà tôi ở. Để xua đi những chấp nê hắc ám trong lòng, đêm nay tôi sẽ hiện ra.

Sau những lời như thế, hình dáng của bà đã chìm khuất sau những tàng lá đen.

Dân làng: Lời ông vừa kể nghe thật lạ lùng! Không còn gì để nghi ngờ nữa, chính là những vọng tưởng trần gian đã khiến cho bà già ấy xuất hiện và trò chuyện với ông. Tôi cầu mong ông nán lại thêm chút nữa để có thể tụng vài cuốn kinh cầu siêu cho bà. Phải ở lại đây mà nhìn sự xuất hiện kỳ diệu ấy!

Lữ khách: Đó cũng là dự định của chúng tôi. Ngắm được ánh trăng, cõi lòng sẽ trong lắng. Chúng ta sẽ chứng kiến quang cảnh kỳ diệu ấy.

Dân làng: Nếu ông còn muốn hỏi thêm gì nữa, xin chớ ngại.

Lữ khách: Vâng, lúc đó tôi sẽ xin phép sau.

Dân làng: Không dám nào.

Màn thứ hai:

Lữ khách và bạn đồng hành: Ánh trăng rằm đã xóa hết bóng đêm. Ánh trăng rằm đã xóa hết bóng đêm. Bỗng có cái gì như rúng động trên bầu trời không một gợn mây và trải rộng đến ngàn dặm. Đâu đâu cũng là mùa thu nối liền một dãi. Làm lòng người cũng trong vắt như thu: "Trung thu đêm ấy màu trăng mới. Ướm hỏi bên trời dạ cố nhân" (Tam ngũ dạ trung tân nguyệt sắc. Nhị thiên lý ngoại cố nhân tâm) [8]. (Hán Thi).

(Hồn ma của bà lão xuất hiện)

Hồn ma: Ôi, giây phút này thật là kỳ thú. Giây phút này thật là kỳ thú. "Đến khi trời hừng sáng. Tiết trung thu chấm dứt" và ánh trăng của đêm nay "sẽ làm ta tiếc nhớ" [9]. (Thơ Waka).

Ta trông chờ thu đến biết bao lâu. Không thể tưởng tượng rằng ánh trăng rằm lúc nào cũng tuyệt vời như thế. Trên Núi Vứt Bà Già, trời không một gợn mây. Ôi trăng thu của Obasute đã làm cho những cảm xúc trong lòng ta khó nén [10]. Ôi, thuở xưa trăng ấy thế nào? Ta không sao nhớ nữa!

Lữ khách: Kỳ lạ thay, thời khắc trôi quá nhanh. Dưới ánh trăng, một lão bà trong y phục tuyền trắng [11]vừa xuất hiên. Đây là mơ hay là thực nhỉ? Tôi không thể nào biết chắc.

Hồn ma: Sao lại bảo là không biết chắc, hở ông? Tôi vừa hiện ra vào lúc hoàng hôn và bây giờ tôi lại đến đây lần nữa cho dù đang tủi thân vì hình dáng già nua xấu xí!

Lữ khách: Tại sao bà lại cứ muốn ẩn mình. Không phải núi này có tên là Obasute, Núi Vứt Bà Già...?

Hồn ma: Nơi bà lão chọn làm nơi cư ngụ.

Lữ khách: Nhớ về quá khứ, vào một đêm thu...

Hồn ma: Khi cùng họp bạn bè ở dưới vầng trăng

Lữ khách: Trên thảm cỏ

Hồn ma: Giữa ngàn hoa. Hoặc đứng hoặc nằm, để cho tay áo rộng đẫm sương đêm...

Tất cả (hồn ma, lữ khách và bạn đồng hành): Hỏi từ bao giờ con người đã bày ra những cuộc vui chơi dưới vầng trăng để rồi sinh ra thương yêu gần gũi? Và tất cả có phải là hiện thực hay không?

Hợp xướng: Đóa hoa nữ lang [12]yêu kiều đã qua thời xuân sắc. Đóa hoa nữ lang yêu kiều đã qua thời xuân sắc. Hoa tàn tạ trong một manh áo cỏ. Người ta vứt thân xác của tôi từ lâu lắm rồi nên tôi không biết hiện giờ nó ra sao nữa. Trên núi Obasute, nơi tôi trở lại, ánh trăng Sarashina đã soi rõ mặt mày. Ôi, nó chỉ để làm tôi tủi hổ. Nhưng thôi, có gì quan trọng đâu, vì cõi đời này đều là hư ảo. Nói đã dư và nghĩ đến cũng bằng thừa. Trên bãi cỏ của thời kỷ niệm, ở giữa ngàn hoa, tôi đã vui chơi và tắm ánh trăng thanh. Chính ra tôi giống một người kia, khi có hứng thì tìm đến nhưng cũng vì cái hứng ấy mà bỏ ra về [13]nhưgiờ đây, trước vầng trăng tuyệt đẹp trên bầu trời trong khoảnh khắc này.

Hồn ma: Những nơi khác hãy còn biết bao thắng cảnh có thể đến ngắm trăng. Nhưng hỡi ôi, ở Sarashina...

Hợp xướng: Trên núi Obasute, trời không gợn bóng mây và trăng tròn vành vạnh như cái bánh xe đang tỏa ánh sáng chiếu lên những mỏm núi ôm theo bờ biển.

Hồn ma: và (ánh sáng ấy) cũng được thấy trong lời thệ nguyện linh thiêng của chư Phật nữa.

Hợp xướng: Cho dù không nên đánh giá là cao hay thấp nhưng trong những lời thệ nguyện cao quí nhất về sự cứu chuộc, chỉ có lời thệ nguyện quang minh của Đức Phật A Di Đà là vượt lên trên tất cả[14]. (Hồn ma của bà lão bắt đầu múa một điệu vũ). Và nếu như 3 luồng ánh sáng (tam quang: mặt trời, trăng, sao) đều hướng về phương Tây là vì muốn mời mọc hết thảy chúng sinh hãy vào cõi Tây Phương Tịnh Độ [15]. Vầng trăng ở bên cạnh Đức Phật A Di Đà Như Lai là cánh tay mặt (ở bên sườn ngài). Những ai hữu duyên sẽ được ánh trăng dẫn dắt và nâng đỡ, tội lỗi của họ rồi sẽ được nhẹ đi. Nhận được sức mạnh vô song như vậy, mỗi người sẽ nhận được danh hiệu Đại Thế Chí Bồ Tát. Rồi trong mão miện (thiên quan) của họ, sẽ có những đóa hoa lấp lành và mỗi đài hoa đều được làm bằng ngọc và những cõi tịnh độ khác sẽ phản chiếu ánh sáng đến từ chúng. Tiếng gió từ trong những tòa lâu đài bằng ngọc (Ngọc Châu Lâu) sẽ hòa điệu cùng tiếng trúc tiếng tơ, làm cho lòng của chúng ta thêm rộn rã. Bao đóa sen hồng và sen trắng thi nhau nở và những kẻ đang đứng bên bờ hồ (Bát Công Đức Trì) trên Cực Lạc sẽ được thưởng thức một mùi hương thanh quí từ những cánh hoa của hàng cây ra hoa bằng ngọc đang bay lả tả.

Hồn ma: Và con chim Ca Lăng Tần Gia (Kalavinka) [16]với tiếng hót thanh tao...

Hợp xướng: ...âm sắc của nó như tiếng chim công (khổng tước) và chim két (anh vũ) cộng hưởng thế nhưng khi cả công và két cùng nhau bắt chước tiếng hót tuyệt vời đó thì chẳng khác nào chúng đem bóng tối ra đọ cùng ánh sáng. Ánh sáng (của vầng trăng) vốn không hề có giới hạn nên còn được đặt tên là Bồ Tát Vô Biên Quang [17]. Tuy vậy, vầng trăng kia còn có lúc bị mây che khuất (vân nguyệt), khi đầy khi khuyết. Tất cả các hiện tượng đó nếu xảy ra là để chứng minh cho ta thấy cuộc đời này lúc có lúc không và luôn luôn biến đổi (hữu vi, chuyển biến).

Hồn ma: Nhớ lại những đêm xưa, khi ta phất ống tay áo vui chơi...Ôi, ở vùng Sarashina! Có ai an ủi được, Nỗi đau trong trái tim tôi.

Hợp xướng: Khi tôi ngẩng đầu nhìn ánh trăng chiếu sáng. Khi tôi ngẩng đầu nhìn ánh trăng chiếu sáng.Trên ngọn núi Obasute.

Hồn ma: Ta đã làm bạn với vầng trăng, cùng đùa nghịch với nhau giữa một vùng hoa cỏ. Nhưng trên lớp cỏ mùa thu, sương đã khô rồi!.

Hợp xướng: Giữa phút giây ngắn ngủi như đời của sương mai, cớ sao ta lại còn xuất hiện để chập chờn đôi cánh bướm? [18]

Hồn ma: Tôi múa may ống tay áo để vui chơi.

Hợp xướng: Bay tới bay lui và như sống lại...

Hồn ma: ...mùa thu trong dĩ vãng.

Hợp xướng: "Khi nhớ về những cố chấp của mình, tôi không biết làm sao thoát khỏi. Đêm nay ngọn gió thu lạnh thấm đến tận xương da khiến tôi hồi tưởng đến những tình cảm, những đam mê của mình trong quá khứ cũng như lòng tiếc nuối cảnh sắc thế gian này. Mùa thu ơi và những người bạn xưa ơi!"

Thế nhưng trong lúc bà đang trầm ngâm suy nghĩ thì đêm hầu tàn và ngày đã rạng ra. "Ta lại trở thành vô hình vô ảnh". Lúc đó, đoàn lữ khách cũng quay gót trở về. (Mấy lữ khách đứng lên và ra khỏi sân khấu)

Hồn ma: Chỉ còn lại một bà già bị bỏ rơi!

Hợp xướng: Hôm nay cũng như thời xưa, vẫn còn đó Obasute Núi Vứt Bà Già, vẫn còn đó Obasute Núi Vứt Bà Già.

Dịch ngày 25 tháng 5 năm 2020.
Phần chú thích:

[1] - Núi Obasute này được xem là chỗ ngắm trăng đẹp có lẽ vì trên núi có một khoảng đất bằng có thể nhìn bao quát khắp vùng chung quanh. Hơn nữa, vùng đất Sarashina đầy truyền thuyết cũng là một gối thơ (utamakura). Nhà thơ và phê bình gia Nijô Yoshimoto (1320-1388) có câu hokku (thơ ra đề) nổi tiếng về trăng vùng Sarashina / Obasute. Nguyên văn: Tagui naki / na wo mochizuki wa / koyoi kana. Ý nói đêm nay mới thật là đêm để ngắm con trăng danh tiếng có một không hai ấy.
[2] - Cụ thể là bài số 878 trong Kokin Wakashuu, truyện số 156 trong Yamato Monogatari.
[3] - Bài thơ của nhà thơ vô danh trong Kokin-shuu đã đề cập đến. Nguyên văn: Wa ga kokoro / Nagusamekanetsu / Sa rashina ya / Obasuteyama ni / Ko naki ato nite / soro e to yo /.Ý nói đừng ai hòng an ủi nỗi cô đơn mà tôi cảm thấy những khi tôi ngắm vầng trăng sáng trên ngọn núi Obasute hoang vu này.
[4] - Cây quế (katsura) tên khoa học là Cercidiphyllum japonicum, giống quế Nhật Bản có đặc điểm là lá của nó hình thù đều đặn và tròn. Cũng ám chỉ cây quế trên cung trăng của chị Hằng.
[5] - Một trong 13 ngọn núi của Obasute.
[6] - Trên nguyên tắc, người ở kinh đô phong lưu thanh nhã nên mới là kẻ bà chờ đợi.
[7] - Tủi hổ thẹn thùng vì mình là người bị vứt bỏ.
[8] - Thơ Bạch Cư Dị. Hai câu trong bài "Bát nguyệt thập ngũ dạ" được trích lại trong Wakan Ryôei-shuu (Hòa Hán Lãng Vịnh Tập). Trong nhiều tuồng Nô, hai câu này thường được dẫn chứng khi nói về trăng (ví dụ tuồng Kogô).
[9] - Thơ của Fujiwara no Teika chép trong Shin Kokin Waka-shuu (Tân Cổ Kim Hòa Ca Tập, ra đời năm1205). Ý nói: Đêm nay khi hừng sáng, tiết trung thu sẽ chấm dứt và ánh trăng tàn kia sẽ mang theo niềm nhớ tiếc của ta.
[10] - Xúc động vì ánh trăngì đã khơi dậy tất cả những kỷ niệm thương đau trong quá khứ. Lòng cảm cựu.
[11] - Theo truyền thuyết, màu trắng là màu áo của 15 tiên nữ trên cung trăng tượng trưng cho 15 đêm có trăng. Mười lăm cô áo xanh tượng trưng cho 15 đêm không trăng. (Xem chú thich trong bản dịch tuồngHagoromo)
[12] - Nữ lang hoa (jorôka, valerian), tên một loài hoa có dược tính làm dịu thần kinh. Nghĩa bóng là cô gái trẻ đẹp. Đã nhiều lần thấy trong Man.yôshuu dưới cái tên Ominaeshi. Tên khoa học là Patrinia scabiosaefolia.
[13] - Lấy ý một giai thoại văn chương Trung Quốc vào đời Đông Tấn (thế kỷ thứ 4). Văn nhân Vương Tử Do (tức Vương Vi Chi, con trai thứ 5 của nhà thư đạo Vương Hy Chi) thấy trăng đẹp, nổi hứng chèo thuyền đi thăm bạn cũ là Đái An Đạo nhung khi đến cửa nhà bạn lại bị ánh trăng thu hút, quên cả mục đích viếng thăm mà quay thuyền về. Đã nói:" Hứng thì ta đi, hứng thì ta về, đâu liên quan gì đến An Đạo".
[14] - Muốn ví ánh sáng của vầng trăng với ánh sáng của Phật pháp.
[15] - Văn từ của đoạn này trở đi vốn lấy cảm hứng từ A Di Đà Kinh để vẻ nên cảnh tượng hạnh phúc tuyệt đối của cõi Cực Lạc. Hơi khó dịch.
[16] - Con chim thần thoại đầu người thân chim, tiếng hát thánh thót. Tương truyền sống trên núi Himalaya,
[17] - Chữ trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh: "Nên mới đặt danh hiệu cho Bồ Tát đó là Vô Biên Quang".(Thị cố hiệu thử Bồ Tát danh Vô Biên Quang)
[18] - Ám chỉ cánh bướm của Trang Chu (hồ điệp mộng), ngụ ngôn chép trong sách Trang Tử.

Lạm bàn của người dịch:

Tăng Vô Trú (Mujuu, 1226-1312) có kể trong Shasekishuu (Sa Thạch Tập) câu chuyện sau đây:

Đời Hán, có kẻ tên gọi Hiếu Tôn tức đứa cháu có hiếu. Năm ông ta 13 tuổi, bố của ông nghe theo lời vợ đem cha mình lên núi vứt. Cậu con tuy hãy còn trẻ nhưng là người biết đạo nghĩa nên can gián mà bố chẳng thèm nghe. Nguyên Cốc và Nguyên Khải – hai người con - mới đẩy ông nội lên cái cáng rồi họ cùng nhau đưa lên núi. Khi sắp đi về, Nguyên Khải vẫn khư khư giữ lấy cáng. Cha lúc đó mới hỏi:

-Sao mi còn muốn đem cáng về? Để làm gì thế?

Cậu con trả lời:

-Để khi nào bố già, chúng con sẽ dùng nó để khiêng bố đi vứt!

Ông bố thót người, nghĩ rằng nếu mình vứt cha, mai mốt con nó cũng sẽ bắt chước mà vứt mình thôi. Bèn đưa cha về, phụng dưỡng như cũ.

Mujuu kể truyện này để đi đến một kết luận có tính đạo đức.Theo ông, nó đã xảy ra từ đời Hán bên Tàu nghĩa là lâu lắm rồi. Thế nhưng truyền thuyết về việc vứt bỏ người già (hay giết con nít) để giảm bớt miệng ăn cũng đã có từ rất xưa trong xã hội Nhật Bản, một xã hội nông nghiệp thường có nạn đói vì mất mùa. Nếu không như thế thì đã không có cái địa danh Obasute ở Nagano từ lúc nó còn mang tên là tiểu quốc Shinano!

Trải qua thời trung cổ và cận đại, tục lệ kinh hoàng đó còn được nhắc lại gần đây như trong Obasute của Inoue Yasushi (1907-1991) hay Narayama Bushikô của Fukazawa Shichirô (1914-1987). Tác phẩm sau đã được dựng thành phim 2 lần. Lần đầu vào năm 1958 đạo diễn bởi Kinoshita Keinosuke lần thứ hai năm 1983 với đạo diễn Imamura Shôhei. Nếu bộ phim cũ của Kinoshita được tiếp đón một cách bình thường thì bộ phim mới và táo bạo này đoạt ngay Giải Càng Cọ Vàng (Palme d’Or) tại Đại hội Điện Ảnh Cannes nhưng cùng lúc đã gây ra chấn động một thời vì tính cách tàn nhẫn và sống sượng của nó.


Narayama bushikô, cuốn phim đã gây xúc động mạnh

Ở Tây phương, khán giả Âu Mỹ vẫn còn nhớ đến cuốn phim "Những kẻ dã man vô tội" (The Savage Innocents, 1960, Paramount) do Anthony Quinn và Yoko Tani chủ diễn, phóng tác cuốn tiểu thuyết nhan đề Top of the World của nhà văn Thụy Sĩ Hans Ruesch. Cuốn phim này trình bày cuộc sống hoang dã của sắc dân Inuits (tên riêng của người Esquimo thuộc Canada) mà giá trị quan đi ngược hẳn với cách suy nghĩ và cảm nhận "văn minh" của con người trong xã hội hiện đại. Hai cảnh gây sốc nhất trong phim là cảnh người con trai Inuits đem mẹ già ra bỏ giữa băng tuyết để dành thức ăn cho người trẻ còn sức lao động và việc anh lỡ tay đập vỡ đầu một nhà truyền đạo vào bức tường băng của cái lều giữa đồng tuyết. Động cơ của án mạng là việc ông truyền đạo đã dám từ chối "cười" với vợ anh dù được anh mời mọc một cách ân cần. Khi (không) làm như thế, ông đã phụ lòng người bạn hiếu khách và tệ hơn nữa, đã có thái độ ngang với một hành động sỉ nhục anh. Người cảnh sát (Peter O’Toole ) có nhiệm vụ lên điều tra để bắt anh về tội sát nhân sau khi đã hiểu ra câu chuyện, đành phải trở về tay không.

Sau khi xem vở tuồng Obasute và chiêm nghiệm những điều nói trên, chúng ta không khỏi giật mình khi nghĩ về thái độ và hành động kỳ thị người già trong xã hội hiện đại mỗi khi con người phải đối phó với một tình thế khó khăn như bệnh dịch và bắt buộc chọn một ưu tiên. Viễn tượng người già sống quá lâu để trở thành một gánh nặng bắt xã hội cưu mang cũng là một điều ai nấy đều phải suy nghĩ. Một lần nữa, chúng ta thấy vở tuồng Nô này đã đặt ra thêm một vấn đề có tính phổ quát khác liên quan đến bản chất của con người.

Nhân đây, "last but not least", chúng ta cũng không thể nào không nhắc tới hai tác phẩm nổi tiếng của văn học Nhật Bản liên quan đến vùng đất Sarashina / Obasute. Một là tập nhật ký Sarashina Nikki (1020) của bà Sugawara no Takasue no Musume, mô tả thế giới mộng mơ của một cô tiểu thư con quan địa phương, hai là tập tùy bút lữ hành Sarashina Kikô (1688-89) mà thi hào Bashô đã chấp bút khi ông trở về từ một chuyến đi ngắm trăng trong vùng, xảy ra gần 3 thế kỷ sau khi vở tuồng Nô nói trên ra đời. Để thấy rằng có một sợi chỉ đỏ đã nối kết xuyên thời đại các bộ phận của dòng văn học Nhật.

Thư mục tham khảo:

  1. Obasute (Núi Vứt Bà Già) trong Yôkyoku Hyakuban (Dao khúc bách ban = Một trăm vở tuồng Nô), Nguyên tác Nhật Ngữ.
  2. Obasute (La vieille abandonnée), bản dịch sang Pháp văn. La Lande Des Mortifications. Vinght Cinq Pièces de Nô (Cõi Thống Khổ. Hai mươi lăm vở tuồng Nô). Armen Godel và Kano Koichi dịch chú. Gallimard, Paris 1994.