Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
HANJO
(Ban nữ)

Nguyên tác: Zeami Motokiyo

Dịch: Nguyễn Nam Trân

Cốt truyện:

Ngày xưa, trong một lữ quán ở ngôi làng (sato) cũng là dịch trạm Nogami vùng Mino (nay thuộc quận Fuwa tỉnh Gifu) có một nàng du nữ (yujo, asobime) tức cô đầu rượu biết múa hát [1], tên là Hanago (Hanako theo lối đọc hiện đại). Một hôm, có chàng thanh niên công tử / võ quan cao cấp là Yoshida no Shôshô [2] từ kinh đô ghé trọ ít lâu ở đó trên con đường đi về miền Đông [3] Tình yêu nảy sinh ra giữa Yoshida và cô gái. Họ trao đổi quạt thay lời ước hẹn tương lai trước khi anh ra đi tiếp tục cuộc hành trình. Từ đó Hanago sống những tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, chỉ biết ngắm nghía cây quạt và mơ hình bóng chàng. Nàng không còn muốn tiếp khách trong những buổi tiệc nữa khiến cho bà chủ quán Nogami đâm ra ghét bỏ và mỉa mai việc ngày ngày ôm quạt của nàng bằng cách goi nàng là Hanjo (Ban nữ) hay "Nàng Ban", cái tên mà người chung quanh đặt cho để chế nhạo nàng [4]. Tên Hanjo vốn lấy từ điển tích nàng tiệp dư họ Ban đời Hán [5], một cung nhân vì bị nhà vua thất sủng nên bao lần ví thân phận mình với một lá quạt bị bỏ không dùng. Cuối cùng, thấy nàng vô dụng, bà chủ đã đuổi ra khỏi quán.

Khi Yoshida no Shôshô từ miền Đông trở về, chàng lại ghé quán Nogami nhưng vô cùng thất vọng vì không thấy bóng Hanago đâu nữa. Lòng buồn bã, chàng về lại kinh đô (Kyôto) và đến ngôi đền Thần đạo Shimogamo trong cánh rừng thiêng Tadasu (Tadasu no mori) để khấn nguyện. Tình cờ nàng Hanjo - tức Hanago – lại xuất hiện ở đây. Số là sau khi bị đuổi khỏi quán, vì tương tư đau khổ, nàng đã biến thành một Hanjo điên loạn. Nàng lang thang mãi, cuối cùng mới đặt chân lên kinh đô những mong tìm ra tung tích người yêu.

Cạnh đền, mấy người tùy tùng của Yoshida đã yêu cầu Hanjo – lúc đó đang cầu thần linh giúp cho nàng được đoàn tụ với người chồng tương lai – biểu diễn một màn kịch điên để họ mua vui. Nàng càng đau khổ thêm trước lời yêu cầu quá khinh bạc ấy. Nhưng rồi với lá quạt làm tin nhận được từ Yoshida trên tay, nàng đã thốt lên những lời than thở, oán trách người yêu không giữ tròn ước hẹn và múa một điệu vũ bày tỏ tâm sự cô đơn. Càng múa quạt, lòng nàng càng thêm điên loạn. Hanjo nhỏ những giọt lệ cay đắng để mọi người thấy mối tình của nàng đã sâu sắc và đau đớn hơn trong cảnh chia lìa.

Dưới ánh sáng mờ nhạt của buổi hoàng hôn, lần đầu tiên Yoshida đang ngồi ở trong xe (chiếc kiệu) mới nhận ra Hanago ở Nogami đằng sau vóc dáng tiều tụy của Hanjo và để ý đến cái quạt nàng đang cầm trên tay. Chàng bèn sai hầu cận bảo nàng đem quạt của mình ra so với lá quạt chàng vẫn kỹ giữ bên người. Họ mới hay kẻ đứng trước mặt là người yêu của mình và vui mừng trong cảnh đoàn viên không ngờ.

Điểm lưu ý khi thưởng thức:

Đây là một vở tuồng đầy không khí trữ tình, mô tả tình yêu thiết tha và sầu khổ của nàng du nữ Hanago qua những động tác diễn xuất với lá quạt.

Nếu lời ca bày tỏ tâm tình yêu thương thì động tác ấy lại biểu lộ một đam mê ám ảnh. Hai thứ ấy xen kẻ suốt vở và tác động mạnh mẽ đến người xem. Thế nhưng, không giống như những vở tuồng có tính biểu diễn kỹ năng (hiraki-mono), vở này không đòi hỏi diễn viên phơi bày sự khéo tay hay tạp kỹ nào đặc biệt. Trái lại, đây là một vở tuồng có chiều sâu, diễn viên chỉ thành công khi bộc lộ được cái phức tạp trong tâm lý nhân vật.

Cũng khác với những câu chuyện về những người đàn bà điên dại (vì mất chồng, lạc con) thường thấy vào thời trung cổ, vở tuồng này nói lên nỗi buồn và đơn côi của một tâm hồn trong trắng đang yêu, sự tuyệt vọng vì ngờ mình bị tình phụ và cuối cùng là niềm vui đoàn tụ với ý trung nhân lâu ngày xa cách. Có lẽ vì đồng cảm, khán giả nữ giới rất yêu chuộng vở Hanjo.

Lá quạt giống như vầng trăng, đóng một vai trò quan trọng, có tính tượng trưng trong vở tuồng. Đề tài Hanjo rất phổ thông trên sân khấu Nhật Bản bởi vì còn thấy nó cả ở các bộ môn Kyôgen và Kabuki.

Lưu phái: Ngũ lưu (5 trường phái chính) đều diễn vở này.
Lớp : lớp 4: Loại tuồng cuồng nữ (kyôjo-mono).
Tác giả: Zeami Motokiyo.
Xuất điển: Truyện nàng Ban Tiệp Dư đời Hán, cung nhân của Hán Thành Đế (trị vì từ năm 32 đến 7 TCN), khi bị thất sủng vì nhà vua đem tình yêu của mình trút hết cho hai chị em Triệu Phi Yến, đã làm bài Oán Ca Hành ví mình với lá quạt, mùa hạ được ấp yêu nhưng đến mùa thu lại bị vứt bỏ không dùng. Điển cố này đến từ Hán Thư, Liệt nữ truyện.
Mùa: Thu (tháng 7 âm lịch)
Cảnh: Cảnh 1 (Maeba) : Lữ quán Nogami trong xứ Mino.
Cảnh 2 (Nochiba): Khu rừng Tadasu ở Kyôto.

Phối vai:

Maejite: Hanago.
Nochijite: Hanjo (tức Hanago đã hóa điên)
Waki: Yoshida no Shôshô.
Wakizure: (hai, ba người) hầu cận..
Ai-kyôgen: Bà chủ quán ở Nogami.

Mặt nạ:
Shite (Maejite và Nochijite): Waka-onna, Zô, Ko-omote tức mặt nạ của những người đàn bà trẻ, mảnh mai. Zô là mặt nạ phụ nữ trẻ do Zôami sáng tác.

Trang phục (lược thuật):

Maejite: Đội tóc giả (kazura), mặc áo đẹp karaori, tay cầm quạt Nhật (quạt xếp).
Nochijite: Giống như Maejite nhưng vai áo bên phải hạ thấp xuống như đang cởi ra nửa vời (nugikake)
Waki: đội mũ cao eboshi, đeo trường kiếm, áo suô (đồ bộ của samurai) bằng vải dày (atsuita), mang thắt lưng, tay cũng cầm quạt.
Wakizure: mặc loại đồ bộ (suô), đeo kiếm ngắn. Một người trong bọn vác thanh kiếm dài.Tất cả đều có quạt.
Ai-kyôgen: Khăn bịt đầu dành cho kyôgen (binan-kazura) tức khăn bịt đầu màu trắng có giây rủ xuống hai bên, áo hoa hòe, mang giải thắt lưng đàn bà (onna-obi).

Thời lượng: Khoảng 1h30.

Để tiện bề theo dõi, xin chia vở tuồng ra làm 5 tiểu đoạn ABCDE.

Văn bản tuồng kèm lời giải thích in nghiêng

A. Nàng con hát Hanago bị ghét bỏ và bị đuổi ra khỏi quán:
Bà chủ lữ quán ở nhà trạm Nogami trách móc nhân viên của mình, nàng con hát Hanago, vì suốt ngày nàng tương tư người yêu vừa đính ước, hiện nay đang trên đường đi về miền Đông, đến nỗi bỏ bê công việc chính là thù tiếp khách hàng. Bà bèn nhốt nàng trong phòng và sau đó gọi ra đuổi đi cho khuất mắt.
Kyôgen kuchiake: Vai Ai-kyôgen (Bà chủ quán) bước vào sân khấu và bắt đầu vở tuồng bằng cách khai khẩu (kuchiake) kể lể nguồn cơn.

Bà chủ quán: (Katari= kể lể) Tôi là chủ cái quán trọ ở Nogami trong xứ Mino này. Tôi có dưới tay nhiều du nữ, trong số đó có con nhỏ Hanago mà tôi đem về nuôi dạy từ thuở nhỏ. Để tôi kể cho nghe chuyện của nó nghen. Mùa thu (có nơi chép là xuân) năm ngoái, có cái ngài Yoshida gì gì đó (Yoshida mỗ) có ghé trọ nơi đây trên đường từ kinh đô về miền Đông và tôi đã sắp xếp con Hanago hầu rượu ông ta. Hồi đó, tôi nào có ngờ xảy ra cái chuyện ông ta với Hanago đổi quạt cho nhau thề non hẹn biển. Kể từ khi ngài về miền Đông thì con nhỏ mất hồn mất vía, suốt ngày cứ dán mắt vào cây quạt. Có lẽ vì lý do đó, mọi người mới đặt cho nó biệt hiệu là Hanjo. Ngoài ra khi khách hàng của tôi muốn nó chuốc rượu thì nó lại từ chối lời yêu cầu của họ. Khách nghĩ là tôi xúi giục nên cứ đổ vạ cho tôi. Tôi khổ tâm quá. Đã đến nước này, chỉ còn cách gọi nó ra đây, mắng cho một trận rồi đuổi cổ khỏi quán.

Nào, Hanago, ra đây tao biểu. Tao có chuyện muốn nói với mầy nè.

Nói với Hanago lúc đó xuất hiện ở trên cầu (Hashigakari) tay ấp quạt.

Này, Hanago, nãy giờ tao gọi to như thế mà...Mày bận gì bận dữ vậy hả? Mày chần chờ lần lữa để đợi tao nỗi nóng hay sao? Trước kia mấy có như vậy đâu! Cái gì làm mày trở chứng? Ra đây tức khắc! Tao biết có la rầy gì đối với mày cũng sẽ là nước đổ đầu vịt. Chớ mày muốn quấy rầy tao tới lúc nào? Thật khổ cho tôi. Thử nhìn lại mà xem, mày thay đổi quá chừng chừng. À, ra đó rồi hở. Đến đây rồi ngồi xuống cái coi.Tao có chuyện muốn nói đây. Bực ơi là bực!
Này Hanago, khi khách người ta chỉ định mày hầu rượu trong bữa tiệc, mày đã từ chối. Ai cũng nghi là do tao xúi bẩy. Có phải mầy muốn tao lãnh đủ hay không? Bây giờ, giữa tao và mầy không còn liên hệ chủ tớ gì nữa. Ra khỏi cái quán này rồi muốn đi đâu thì đi. Ôi chao, lại xách cái quạt đó ra chơi nữa à? Tao nói đến mức đó mà mầy vẫn chưa chừa sao! Mỗi lần nhìn cái quạt của mầy, tao ức đến lộn ruột. Đem cái quạt đó đi đâu cho rảnh. Trời ơi, sao mà tôi tức ơi là tức!

Nói xong, bà chủ quán giật lấy lá quạt trên tay Hanago, vứt xuống trước mặt nàng rồi nguây nguẩy bỏ đi.

Hanago: Dẫu biết ở đời mọi sự đều vô thường nhưng khi nghĩ đến tấm thân bèo bọt trong chốn đầy đau khổ này, sao tôi không buồn cho được. Phận tôi khác chi một cây tre trôi nổi giữa dòng [6].
Đi lang thang, đời không dịnh hướng, chiếc áo của tôi đẫm sương và nước mắt.
Bị đuổi khỏi ngôi làng Nogami, bị đuổi khỏi ngôi làng Nogami. Tôi đã ra đến con đường cái Ômi (Ômiji), theo địa danh thì là tôi sẽ gặp gỡ (au, ô) một ai đó. Thế nhưng từ khi chàng bỏ ra đi, tôi chưa hề nhìn lại được người đàn ông gỗ đá ấy nữa. Những giọt lệ không làm sao khô được, tôi chỉ mong mình cứ thế mà tan biến đi như sương trên tay áo. Than ôi, sao chưa chịu tan biến đi, hỡi cái tấm thân này!

Hanago (vai Maejite) chầm chậm ra khỏi sân khấu. Sau đó Yoshida no Shôshô (vai Waki) theo sau là hai hầu cận (vai Wakizure) bước vào (một người vác thanh kiếm cho chủ)

(Đến đây là Nakairi tức chỗ nghỉ giữa hai màn)

B. Viên võ quan trở lại Nogami nhưng không gặp người yêu, bèn về kinh:

Trên đường từ miền Đông về kinh, viên võ quan Yoshida no Shôshô tìm đến lữ quán ở Nogami và biết được Hanago không còn ở đó nữa. Thất vọng, anh bèn lên đường về lại Kyôto và nhân dịp, viếng ngôi đền Shimogamo để khấn nguyện như đã dự định.

Yoshida: Chúng ta sẽ về Kyôto mang theo câu chuyện mình đã thấy mỏm núi Fuji tuyết phủ để làm quà cho khách kinh đô. Cho dù chúng ta sẽ lấy làm tiếc nhớ phong cảnh đó khi về tới quê nhà.[7]
(Nanori = Xưng danh) Trước tiên, xin thưa, người tên gọi Yoshida no Shôshô chính là tôi đây. Thực vậy, mùa xuân vừa rồi tôi có đi xuống miền Đông. Thời gian trôi thật nhanh, bây giờ thì trời đã vào thu.Tôi phải lên đường về lại kinh đô.
Yoshida và đám hầu cận: Rời kinh đô từ lúc sương xuân...
Các hầu cận: Cùng lên đường với sương xuân giăng mắc.
Yoshida và các hầu cận: Rời kinh đô khi sương xuân còn che phủ...
Đã đi khỏi kinh đô mới được ít lâu và khi gió mùa thu hãy còn chưa nổi, chúng ta đã phải rời cửa quan Shirakawa (Bạch Hà) để về lại kinh đô [8]. Khoác (trên vai) lần nữa manh áo đi đường, chúng ta men theo những con đường núi và ven biển. Giờ đây đã đến được Nogami trong xứ Mino. Chúng ta đã đến làng (dịch trạm) Nogami.
Yoshida: Có ai đó không?
Ta nhờ nhanh chân bước nên giờ đây đã đến Nogami. Nơi đây, trong một lữ quán, có nàng con gái tên gọi Hanago, là người lúc đó ta đã có lời đính ước. Hỏi thử xem có ai biết nàng còn ở đấy hay chăng?
Hầu cận: Vâng, thưa tướng công.
Khi con hỏi về Hanago thì người ta nói nàng vì bất hòa với bà chủ quán nên hiện giờ không còn ở đó nữa.
Yoshida: Dù chuyện ấy thật khó tin nhưng ở đời tất cả đều vô thường. Ngươi hãy bảo người trong quán báo tin về Kyôto cho ta hay ngay khi nàng trở lại nhé.
Vì chúng ta bước gấp nên đã đến Kyôto nhanh chóng. Xưa kia ta có lời thệ nguyện là sẽ đi viếng chư thần, nên nay ta muốn đến chiêm bái (đền) Shimogamo Jinja trong khu rừng Tadasu. Nào mọi người, chúng mình hãy đi thôi.

Yoshida đến ngồi vào chỗ dành cho vai Waki (Wakiza) đằng trước sân khấu ở bên phải. Hai hầu cận ngồi trước ban hợp xướng (Jiutai)

C. Nàng con gái điên đi cầu thần cho mình được sum họp:

Hanago mắc bệnh tương tư đi lang thang, tìm đến Kyôto và tình cờ ghé qua Shimogamo Jinja. Nàng bày tỏ nỗi niềm chôn dấu bây lâu và xin chư thần giúp mình tìm lại được người yêu.
Áo xống xô lệch, một bên vai trễ xuống nhưng vẫn ôm lá quạt, nàng bước vào sân khấu.

Hanago: Hỡi người yêu của ta, chàng đang ở nơi đâu? Chàng chỉ thoáng hiện ra trước mặt em như ngọn cỏ vừa nhú lên khỏi mặt tuyết trên cánh đồng xuân (cánh đồng Kasugano) [9]. Như lời thơ xưa (cổ ca) từng nói, em đã quen hơi bén tiếng rồi đem lòng tơ tưởng một khách qua đường mà mình chưa biết tông tích. Bao thời gian trôi đi nhưng chỉ có làn gió thu (akikaze) đến báo tin như thể chàng đã chán (akiru) em rồi [10]. Không ai cho em biết chàng hiện ở đâu cả. Có phải trong buổi hoàng hôn như hôm nay, chàng hãy còn ở một nơi nào đó đằng sau mấy đám mây đang phất phơ như những đuôi cờ [11]. Em đã sống lang thang và hồn em trống trải như một xác sò rỗng ruột. Chư Thần, chư Phật, xin quí ngài đoái thương phận trẻ mà giúp cho lời nguyện cầu của con được thành tựu, Hỡi ngài Ashigara Myôjin, ngài Hakone Gongen, chư thần đền Tamatsushina Jinja, Kibune Jinja và Miwa Jinja [12] là những vị thần phù hộ cho lời ước thệ giữa những kẻ yêu nhau và các cặp vợ chồng. Con cầu xin chư vị và tin rằng phép lạ của các ngài sẽ linh ứng. Cúi xin các ngài (Cẩn thỉnh = Kinjô).
Hanago (và Hợp xướng):
Xin cúi lạy các ngài lần nữa (Kinjô saiha = Cẩn thỉnh tái bái)

Trừ trường phái Kanze, ở chỗ này, các lưu phái đều chơi Kakeri tức điệu nhạc nói lên tâm trạng hỗn loạn của nhân vật (vũ tướng, phụ nữ điên loạn).

Hanago : "Người ta đã đồn đại với nhau về tên tuổi của ta vì biết ta đang yêu một người nào đó".[13]
Hợp xướng: Dù ta đã dấu nhẹm tình cảm của mình.

Theo trường phái Kanze thì có nhạc Kakeri ở đoạn này.

Hanago: Ôi, đáng hận thay lòng dạ con người.
Có người đã rửa tay (tẩy uế) bằng nước sông Mitarashi-gawa chảy qua trước điện thờ để thề rằng mình sẽ không bao giờ yêu ai cả [14]. Nhưng ai từng thốt ra câu ấy nhỉ? [15] Sao nghe giống như một lời nói dối. Lòng người ta mấy khi thành thực, có khác chi một dòng nước đục. Nếu Thần Phật không nghe lời cầu nguyện của ta đi nữa thì cũng không lạ gì vì lòng ta giờ đây chưa đủ khơi trong. Nhưng dù sao, ta vẫn ứa những hạt lệ như sương cho mối tình thầm kín của mình. .
Hợp xướng:...Không một nơi trú ngụ, ta không còn biết đi đâu và phải làm gì!
Chỉ cần ta giữ được tấm lòng thành và sống trung thực, có lẽ Thần Phật sẽ bảo vệ ta cho dù ta chẳng cầu khẩn các ngài [16]. Các ngài như vầng trăng trên bầu trời không bao giờ gợn mây kia và chiếu ánh sáng của chân lý (chân như nguyệt) đến mọi người, trong đó có ta. Con người vốn có một viên ngọc dấu dưới áo (y ngọc, [17]) nhưng dù trải qua bao năm tháng, đã mấy ai hiểu ra điều đó. Mang tâm Phật mà lại chất chứa oán hờn, không mong được làm kẻ giác ngộ trong cõi đời sau mà chỉ cầu xin sao được sống sung sướng trong giờ hiện tại. Khác nào cảnh ta đang cầu cho mình được gặp người yêu bây giờ.

D. Hanjo múa với lá quạt đính ước trước đền thần:

Một người hầu cận của Shôshô tưởng Hanjo là cuồng nữ nhà nghề nên yêu cầu nàng biểu diễn cho họ xem một màn điên dại. Trước những lời mà nàng xem là khinh bạc ấy, lòng Hanjo càng thêm bấn loạn. Với lá quạt đính ước trên tay, nàng đã bày tỏ tâm sự cất dấu xưa nay và múa một điệu vũ cuồng loạn nói hết những xót xa cay đắng.

Hầu cận: Này, cuồng nữ [18] kia ơi! Cớ sao hôm nay cô mình không biểu diễn cho chúng ta xem cảnh điên dại của cô. Lý thú lắm đấy!
Hanjo (Hanago): Ông ơi, sao nỡ lòng nào nói lên câu ấy! Này! Ngọn cây kia lặng yên cho đến lúc này, nếu trời nổi gió [19], ắt sẽ có một chiếc lá lìa cành. Cũng như tôi lúc này đang tỉnh táo nhưng ông lại bảo "Hãy điên đi!" thì chính ông mới là trận gió đem đến cơn điên. Nghe những lời của ông, tâm hồn tôi trở nên bấn loạn vì tình yêu của tôi như chiếc lá thu bay trước gió [20]. Ôi, buồn thay! Xin đừng bao giờ giục tôi "Hãy điên đi" nữa.
Hầu cận: Chớ Hanjo, nàng kiếm đâu ra lá quạt trên tay?
Hanjo: Ôi, hồn của tôi không biết lạc về đâu nên khiến tôi nay giống một kẻ điên rồ. Ông gọi tôi là Hanjo ư? Cái tên đó nếu có cũng chỉ vì lá quạt con người bạc tình để lại. Tôi không thể nào quẳng nó đi nhưng mỗi khi cầm trên tay là tôi lại rưng rưng nước mắt, ống tay áo này biết bao giờ mới hết đẫm hơi sương. Tôi nhớ trong thơ xưa (Hán thi) có những câu nói về lá quạt: "Ban nữ khuê trung thu phiến sắc, Sở vương đài thượng dạ cầm thanh" (Màu tuyết giống như màu trắng của lá quạt nàng Ban, người cung nhân bị bỏ bê / Tiếng rơi của tuyết nhẹ như tiếng đàn cầm ban đêm vọng ra từ cung vua nước Sở, ông vua đa tình) [21].
Hợp xướng: "Giữa một lá quạt dùng cho mùa hè và những giọt sương thu, khi hè đã qua rồi, biết cái gì sẽ rơi xuống đất trước tiên nhỉ?" [22] . Tuy lời bài thơ (Waka) là như thế nhưng giường tôi ngủ giờ đây quá lạnh. Tựa đầu trên chiếc gối trong đêm cô đơn, chỉ có ánh trăng len vào phòng khuê (khuê nguyệt) (đem đến cho tôi một chút an ủi).
"Đến khi trăng lặn bên kia núi. Ta cầm lá quạt giả làm trăng" (Hán thi) [23]
Hanjo: "Khi những cánh hoa rơi trên chiếc đàn cầm".
Hợp xướng: "Ta đi góp lại những bông tuyết. Để tiếc nuối mùa xuân đã qua" (Hán thi) [24]
Hanjo: Trận bão buổi chiều, áng mây ban sáng. Cả hai đều là những niềm vui [25].
Hợp xướng: Tiếng chuông ngân vào lúc nửa đêm báo tin ngày sắp rạng vọng lại từ ngọn núi Keirô (Kê Lung Sơn, Keirôyama) [26]. Ta hiểu rằng giờ chia tay (người tình) sắp điểm.
Hanjo: Ngay cả ánh trăng đêm đã len vào cửa phòng ta như nói lời an ủi.
Hợp xướng: Giờ đây một mình gối lẻ, ta bắt đầu ngủ giấc cô đơn.
Trướng thúy buồng hồng [27], trên giường hai gối song song, chúng ta được bọc trong chiếu chăn quen thuộc. Thế nhưng những đêm như vậy sao mà ngắn ngủi. Lời thề trăm năm đầu bạc (giai lão đồng huyệt) đã tan biến vào hư vô như trong mộng mị. Không, dù có là như thế, đôi ta vẫn còn sống trong cùng một cõi đời. Như vậy, ta phải giữ gìn mạng sống để nuôi hy vọng, chờ đợi cho đến ngày gặp lại chàng chứ. Như xưa Đường Huyền Tông và Dương Quí Phi trên cung Ly Sơn đã thì thầm bên gối là sẽ yêu nhau một phút không rời (tsuyu no ma sura), mãi mãi làm chim liền cánh, làm cây liền cành (tỉ dực liên lý) [28]. Không biết ai đã nghe được lời thầm kín (tư ngữ) đó và truyền tụng đến đời sau [29]. Người ta yêu hẹn sẽ trở lại trước mùa thu nhưng ta không bao giờ thấy mặt chàng dù đã đếm từng ngày từng đêm chờ đợi. Phải chăng những lời nói vu vơ đó phản ánh tấm lòng của ai kia? Những đêm hẹn đến rồi không đến đã đong đầy. Dù sao, ta vẫn vò võ bên hiên, dõi mắt trông vời về phương trời xa, tưởng như chàng đang ở đó. Gió thu buổi chiều, cơn giông trên núi cũng như những cơn bão chỉ đến viếng ngọn tùng kia [30]. Âm thanh của chúng khiến ta thầm hỏi biết đến bao giờ ta mới được nghe lời nhắn gọi của người yêu?
Hanjo: It nhất ta còn có trong tay chiếc quạt này làm chút của tin.
Hợp xướng: Ta những mong mình có thể bắt được tin chàng trong tiếng thì thào của gió. Thế nhưng mùa hè đã trôi qua và ngọn gió thu lạnh lùng đang thổi qua những rặng tuyết tùng (sugi). Chiếc quạt gọi là Dansetsu (Đoàn tuyết) cũng làm liên tưởng đến tuyế[31], chỉ cần nghe đến tên nó thôi ta đã thấy cô đơn và lạnh cả lòng. Ta hận ngọn gió thu (thu phong oán) vì nó đã làm cho lá quạt trở nên vô dụng. Hơn thế nữa, nghĩ cho cùng thì cái câu "gặp nhau là để chia lìa" [32] thật đúng với qui luật nhân quả. Vì lẽ đó, giờ đây ta không còn oán hận cuộc đời này cũng như không còn oán một ai cả mà chỉ tủi cho tấm thân không kẻ đoái hoài, phòng đơn bóng lẻ [33].
Hợp xướng: Nàng nhìn bóng trăng vẽ trên lá quạt...

Jo-no-mai / Chu-no-mai: Hanjo múa một trong hai điệu múa. Jo-no-mai là một điệu vũ chậm trong khi Chu-no-mai nhanh hơn nó tuy vẫn thuộc loại vũ chậm. Hai điệu vũ này đều được đệm bằng ống tiêu (Nhật Bản), trống con (đặt trên vai, kotsuzumi) và trống nhỡ (đặt trên đầu gối, ôtsuzumi), diễn tả tiếng lòng thổn thức nhưng thanh tao của phụ nữ.

Hanjo: Khi trăng nấp bóng, ta ấp quạt vào lòng [34] ...
Hợp xướng:Tay áo đang cầm quạt của ta cũng như la quạt, đều dày đến ba tầng (miegasa) [35].
Hanjo: Tranh nhau vẻ đẹp với sắc màu tươi mát.
Hợp xướng: Quạt là lời giao ước của người yêu.
Hanjo: Sắt son hứa một ngày chàng trở lại. Sao ngày đêm ta vẫn đợi hoài công.
Hợp xướng: Ngay cả khi trời đã nổi gió thu!
Hanjo: Gió không đem tin chàng dù một tiếng rì rào mà chỉ lướt qua lau lách (ogi) [36].
Hợp xướng: Tiếng nai kêu và tiếng côn trùng nghe đà thưa thớt mà hai chúng mình ngày một xa thêm. Ôi, biết làm sao giữ nhau lại được.
Hanjo: Hơn cả lá quạt làm tin [37]
Hợp xướng: Hơn cả lá quạt làm tin, lòng người còn biết bao nhiêu mặt trái (ura) mặt phải (omote).Chữ "gặp nhau" (au, ô) lồng trong lá quạt (ôgi) cũng chỉ là lời dối trá. Tình của ta càng ngày càng thêm nồng nàn trong những ngày không được gặp. Vì không gặp mặt, tình mới nhân lên.

E. Yoshida và Hanago so quạt trong niềm vui tái ngộ:

Yoshida no Shôshô bắt đầu tò mò về lá quạt của Hanago nên mới nhờ hầu cận hỏi nàng xin cho xem, Lúc đầu nàng từ chối vì cho rằng đó là vật kỷ niệm riêng tư nhưng sau khi đưa nàng xem lá quạt của mình thì nàng mới hiểu ra và nhờ người ấy chuyển lại cho chàng lá quạt. Họ nhìn quạt của nhau mà lòng cùng rộn rã niềm vui của giây phút tương phùng.

Yoshida: Này, có ai đấy không?
Hầu cận mang kiếm: Bẩm tướng công dạy gì?
Yoshida: Ta muốn xem lá quạt trong tay cuồng nữ kia. Ngươi có thể mượn cho ta xem không?
Hanago (Hanjo): Đây là vật làm tin của một người thân thiết nên tôi lúc nào cũng giữ chặt bên mình. "Vậy kỷ niệm nay đã thành thù địch. Phải chi nó biến mất thì tôi có được đôi phút lãng quên""[38]. Tôi không muốn có nó làm gì vì với nó thì bất cứ ở đâu và bất cứ bao giờ tôi cũng thấy mình ở bên chàng. Dẫu chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi không được cầm lấy cũng làm tôi tiếc nuối. Do đó, tôi chưa từng cho ai xem cả.
Hợp xướng:Ta cũng có một thứ của tin. Nếu không nói ra và không cho nàng xem thì làm sao nàng hiểu được. Nàng chỉ hiểu cho hoàn cảnh này khi nhìn thấy quạt đó.
Hanago: Cớ sao người kia muốn xem quạt của ta? Ông ta tò mò về chiếc quạt có vẽ một vầng trăng đang mọc vào buổi chiều. Quái thế nhỉ?
Hợp xướng: Không biết lý do ư? Thế thì làm sao hiểu được nàng đã cùng ai nói lời ước hẹn vào một mùa thu ngày người ấy ghé qua nhà trọ ở Nogami khi sương trắng còn phủ đầy bờ cỏ mượt.
Hanago: Nogami à? Nogami có một lữ quán nằm trên con đường về những tỉnh miền Đông. Có phải ngài là người đàn ông đã đi về phương ấy, nơi xa hơn cả núi Sue-no-Matsuyama [39], và từ đó không hề quay lại.
Hợp xướng: Ta bỏ Sue-no-Matsuyama và đã tìm về. Sao nàng lại nói lên lời cay đắng. Lời hứa kia nào đã đổi thay đâu!
Hanago: Thế thì chàng cũng giữ lá quạt làm tin?
Hợp xướng: Vâng, đúng như nàng thấy đây này.

Chàng lấy cho nàng xem lá quạt vẫn giữ bên mình.

Hanago:Từ bên trong chiếc kiệu..
Hợp xướng: Chàng đưa ra lá quạt và trong ánh hoàng hôn, nàng đã nhận ra đúng là lá quạt (mình trao cho chàng ngày nào) với những đóa hoa tịch nhan (yuugao) [40] mơ hồ in trên đó. Thế rồi nàng hỏi người hầu cận của chàng đem lửa đến soi cho chàng nhìn lá quạt mình vừa đưa ra. Họ đổi lá quạt cho nhau và xác nhận rằng họ đúng là những kẻ yêu nhau. Hai lá quạt kỷ vật làm tin kia là bằng cớ của tình yêu sâu đậm của đôi nam nữ, tình yêu sâu đậm giữa hai người.

Phần chú thích:

[1] - Du nữ có thể xem như gái làng chơi nhưng biết trình diễn nghệ.thuật.

[2] - Shôshô: thiếu tướng trong đội ngự lâm quân, một chức võ quan cao cấp (nhưng có khi chỉ nhờ tập ấm).

[3] - Miền Đông: vùng đất phía Đông Nhật Bản thường được tính từ bên kia ngọn đèo Hakone cho đến miền Đông Bắc (Tôhoku). Lúc đó Nhật chưa làm chủ Hokkaidô.

[4] - Xước hiệu (adana), tên để gọi đùa. Bản nguyên tác của Dao Khúc Tập và bản dịch của Armen Godel lại cho là Hanago đã thích chơi quạt từ ngày còn nhỏ. Chúng tôi thấy bản The Noh.com và một bản Nhật khác chủ trương Hanago chỉ thích nhìn quạt từ sau khi Yoshida no Shôshô ra đi thì hợp lý và gây ấn tượng mạnh hơn nên đã chọn cách hiểu này.

[5] - Xin đừng nhầm "nàng Ban" này với "nàng Ban ả Tạ" , thành ngữ thấy trong Truyện Kiều. Nàng Ban kia là nữ học giả Ban Chiêu, em của Ban Cố, nổi tiếng thông tuệ.

[6] - Lấy ý từ một câu thơ của Minamoto no Toshiyori (Nguyên, Tuấn Lại, 1055?-1129?) chép trong Shoku-Kokinshuu (Tục Cổ Kim tập, 1265): Như thân tre xứ Go (Ngô), ta đau trong từng đốt một.

[7] - Ý tưởng tương tự sẽ được thấy trong Haiku của Bashô vài trăm năm sau khi ông từ Edo qua núi Fuji để trở về quê hương Iga chịu tang mẹ.

[8] - Ý thơ của tăng Nôin (Năng Nhân pháp sư, người thời Heian trung kỳ, một trong 36 ca tiên) trong Go-shuui-shuu (Hậu Thập Di Tập, 1086): Sương xuân theo ta lên đường ngày ta rời kinh đô nhưng nay trên cửa quan Shirakawa (ở Fukushima), gió mùa thu đã nổi. Cửa quan Shirakawa là một trong 3 cái ải hiểm trấn giữ miền Đông Bắc chống lại người Ezo.

[9] - Ý thơ của Mibu no Tadamine (Nhiệm Sinh, Trung Lĩnh, người thời Heian trung kỳ, một trong 36 ca tiên) chép trong Shuui-shuu (Thập Di Tập, 1005-1007, bài 478 phần nói về tình yêu).

[10] - Ý thơ của Hafuribe no Narikage (Chúc Bộ, Thành Cảnh) trong Shin-Goshuui-shuu (Tân Hậu Thập Di Tập), trong đó, ông chơi chữ aki đồng âm dị nghĩa của akikaze (gió thu) và akiru (chán chê).

[11] - Lấy ý từ thơ vô danh trong Kokinshuu (Cổ Kim tập, 905? 914?, bài 484).

[12] - Tên những vị thần của Thần đạo vốn có nguồn gốc Phật giáo là các Myoô (Minh vương) trong khi họ là Myôjin = minh thần.

[13] - Ý thơ Mibu no Tadamine trong Shuuishuu (Thập Di Tập).

[14] - Ý thơ bài 501 trong Kokinshuu. Mitarashi (Sông Rửa Tay) là con sông chảy qua trước Shimogamo Jinja, nơi tín hữu đến rửa tay để tẩy uế trước khi cầu khấn các thần.

[15] - Vì là một bài thơ của tác giả vô danh..

[16] - Thường được cho là đến từ một ý thơ của Sugawara no Michizane (Quản Nguyên, Đạo Chân, 845-903)

[17] - Cách ví von trong Thụ Ký Phẩm của Kinh Pháp Hoa, ý nói ai ai cũng có Phật tính như giữ một viên ngọc dưới lớp áo nghĩa là có khả năng giác ngộ.

[18] - Thời trung cổ, cuồng nữ (kyôjo) là một nghề kiếm ăn, họ thường diễn cảnh điên dại ( monogurui) để nhận của bố thí.

[19] - Vì có chữ phong cuồng mà phong là gió và cuồng là điên.

[20] - Hòa Hán lãng vịnh tập có câu: Lạc hoa lãng tịch phong cuồng hậu.

[21] - Thơ chữ Hán của một nhà thơ tên Tôn Kính (Sonkei) chép trong Wakanrôei-shhu (Hòa Hán Lãng Vịnh Tập), một loại từ điển về từ hoa (rhetorics) của Nhật. Nước Sở nói ở đây là một nước chư hầu bên Trung Quốc (tồn tại từ năm 740 đến 223 TCN). Vị vua này là Sở Tương Vương còn cây đàn cầm này là một cây cổ cầm chỉ có 7 dây. Thu / nguyệt / phiến trong vế trước đối chỉnh với Xuân / hoa / cầm trong vế sau. Dĩ nhiên vế thứ hai có ẩn dụ cả về cuộc ân ái giữa thần nữ Vu Sơn và nhà vua.

[22] - Ý thơ của Mibu no Tadamine trong Shinkokin-shuu (Tân Cổ Kim Tập, 1203) nhưng Zeami đã thay đổi một chữ.trong câu cuối vốn có hai nghĩa. . Oki (Trí, đặt xuống, chạm mặt đất) còn có nghĩa là thức giấc (Khởi).

[23] - Đến từ 2 câu đầu trong bài thơ chữ Hán của tăng Trung quốc đời Tùy là Trí Khải (538-597, hiệu Chisha Daishi = Trí Giả Đại Sư), khai tổ phái Thiên Thai Trung Quốc, chép trong Hòa Hán Lãng Vịnh Tập. Nguyên văn:Nguyệt ẩn trùng sơn hề. Cử phiến dụ chi. Phong tức thiên hư hề. Động thụ giáo chi..

[24] - Xuất điển bất minh. "Hoa cân thượng tán. Tụ tuyết tích xuân". Ý nói khi hoa rụng trên khăn đội đầu thì hãy thu thập tuyết để tiếc xuân.

[25] - Biên thể của một câu trong Cao Đường Phú của Tống Ngọc: "Đán vi triêu vân, mộ vi hành vũ". Ý nói cảnh ân ái.

[26] - Kê Lung Sơn là núi có dáng cái lồng gà nằm trong tỉnh Hồ Bắc bên Tàu nhưng chuyển qua cái ý "gà gáy trên non trời muốn sáng." Trong Bản Triều Văn Túy có chữ "Kê Đầu chi sơn dục thự"..

[27] - Thúy trướng hồng khuê. Phong cảnh êm ấm, một sáo ngữ tượng trưng cho tình yêu trai gái, dù là trong hay bên ngoài lễ giáo thì cũng đẹp như nhau.. Ý thơ đến từ Hòa Hán Lãng Vịnh Tập (phần Du nữ): Thúy trướng hồng khuê, vạn sự duy lễ pháp chi dị.Thuyền trung lãng thượng, nhất sinh chi hoan hội thị đồng.

[28] - Ý thơ trong Trường Hận Ca của Bạch cư Dị: Tại thiên nguyện tác tỉ dực điểu. Tại địa nguyện vi liên lý chi.

[29] - Trường Hận Ca: Thất nguyệt thất nhật Trường Sinh Điện.Dạ bán vô nhân tư ngữ thì.

[30] - Tùng (matsu) danh từ là cây tùng nhưng cũng có nghĩa là chờ đợi nếu dùng như động từ."Tôi cũng chờ đợi như cây tùng đấy chứ, sao anh chỉ hỏi thăm nó?".

[31] - Ý thơ của Ôe no Masahira nhắc đến cây quạt tròn (đoàn phiến) bằng lụa trắng như tuyết của nàng Ban. (Dù sao quạt dùng trên sân khấu Nô là quạt Nhật, xếp vào được và có tranh vẽ). Câu trên chuyển qua ý tấm thân lạnh lùng, giá băng của người bị thất sủng."Ban Tiệp Dư đoàn tuyết phiến" (Hòa Hán lãng vịnh tập)

[32] - Người gần để mà ly biệt :"Hợp hội hữu biệt ly" (Niết Bàn Kinh). "Hội giả ly chi thủy" (Bạch thị văn tập).

[33] - Ý thơ Lý Bạch trong bài Trường Tín Cung: "Duy liên đoàn phiến thiếp. Độc tọa oán thu thanh" nói về cảnh ngộ của Ban Tiệp Dư..

[34] - Chữ Bạch Cư Dị dùng, "Dẫn thu sinh thủ lý, Tàng nguyệt nhập hoài trung", thấy trong Hòa Hán Lãng Vịnh Tập, phần Phiến (nói về quạt).

[35] - Ba tầng là ba tầng hoa anh đào, với vầng trăng trong sương lam vẽ trên lá quạt. Quạt làm bằng gỗ bách hinoki nên gọi là hiôgi (xem Truyện Genji chương Hoa yến).

[36] - Ý thơ của ni cô Anpô (An Pháp nữ pháp sư) trong Shin-Kokin-shuu.The Noh.com dịch nhầm Ogi (lau sậy) thành Hagi vì tự dạng gần giống nhau.

[37] - Gió thu, tình thu, lau lách, tiếng côn trùng, tiếng nai, hoa hagi, trăng thu đều là những qui ước từ hoa cần thiết để tạo không khí mùa thu.

[38] - Thơ vô danh trong Kokinshuu (bài 746).

[39] - Ý một bài thơ vô danh nhưng hết sức nổi tiếng trong Kokinshuu (bài 1093).Trong đó, Matsu có nghĩa là "tùng" và "đợi chờ" còn địa danh Sue-no- Matsuyama (Mạt Tùng Sơn) là nơi sóng đánh rất cao, vượt qua cả mỏm núi, "Cho dù sóng phủ Núi Tùng. Không vui duyên mới đem lòng phụ em" là câu thơ với nội dung bày tỏ lời thề chung thủy trong tình yêu.

[40] - Một loài hoa dân dã (tên khoa học là Lageriana vulgaris) nở vào buổi chiều đến sáng thì tàn úa. Nó tượng trưng cho mùa thu, thân leo như giây bầu và làm liên tưởng đến mối tình ngắn ngủi giữa Hoàng tử Genji Hikaru và nàng Yuugao, người yêu sầu muộn của chàng.

Lạm bàn của người dịch:

Truyền thuyết của nàng Ban (Ban Tiệp Dư) đã được Các nhà thơ như Lý Bạch, Vương Xương Linh và Bạch Cư Dị đời Đường nhắc đến một cách tài hoa trong Trường Tín Cung, Trường Tín Xuân Từ, Trường Tín Thu Từ và những bài Khuê Oán khác mà chúng ta may mắn có được những bản dịch rất hay của các dịch giả như Ngô Tất Tố, Tản Đà, Trần Trọng San....Tuy nhiên, trong vở tuồng Nô này, Zeami chỉ mượn mô-típ lá quạt để phổ quát hóa hình ảnh của nàng Ban, thế rồi vận dụng tất cả kiến thức Hán Hòa uẩn súc, ông đã tô vẽ nên một câu truyện tình và cũng là áng danh văn.
Hanjo không phải la một vở Nô u huyền (Yuugen Nô) với bối cảnh thế giới của những hồn ma. Nó là một vở Nô hiện tại (Genzai Nô) mà những chi tiết sống thực của thế giới con người quanh ta được hư cấu hóa và thi vị hóa. Tuy nhiên, ở đây, Zeami đã khéo lồng tính chất u huyền – thủ pháp sở trường của mình - vào trong những cảnh ngộ thực tế.
Nói về của tin thì ta có dịp thấy nhiều lần trong văn hóa phương Đông:

Rằng trăm năm cũng từ đây,
Của tin gọi một chút này làm ghi (Kiều)

Của tin còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan (Kiều)

Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa (Kiều)

Còn một chút cũng là còn giữ được lòng tin nhưng khi đánh mất lòng tin rồi thì dẫu đối tượng ấy có còn sống sờ sờ ra đấy, tình thương yêu (tin thường đi đôi với yêu nên mới có chữ tin yêu) sẽ không còn nữa vì tấm lòng đã khép.
Hanago (Hanjo) biểu tượng cho tình yêu cũng như lòng can đảm cần có khi ai đó phải đối đầu với nghịch cảnh. Tuy nhiên sự dao động trong lòng nàng mà chúng ta thấy nhiều lần trong ca từ cũng rất con người và đáng được thông cảm. Hơi buồn cười là Hanago yêu Yoshida mà không có chút thông tin chính xác nào về người mình đính ước trong khi ông tướng Shôshô kia thì đúng là một trang công tử phong lưu kiểu chàng Hikaru Genji vì khi anh đi tìm nàng cũng chỉ tìm kiếm qua loa và nếu không có sự tình cờ hay sự giúp đỡ của thần minh thì khả năng tái ngộ sẽ rất là ít.
Nội dung của tuồng có 2 yếu tố đặt song song: chất thơ và chất hài. Trong khi chung quanh Shite (Hanago, Hanjo) một bầu không khí nên thơ và sầu muộn bao bọc thì Ai-Kyôgen (bà chủ nhà trọ) cũng đã thành công khi đóng trọn một vai thô lỗ với những lời lẽ chì chiết người làm khi màn vừa mới mở.
Mặc dù đã đưa ra nhiều chú thích (phần nhiều là Hán thi đặc biệt đến từ Hòa Hán lãng vịnh tập) nhưng dịch giả vẫn chưa làm lộ được cái đẹp của câu văn Nhật Bản với những kỹ thuật từ hoa của thơ Waka như cách sử dụng chữ đồng nghĩa, chữ đồng nhóm, chữ bắc cầu (liên tưởng)... của họ. Đúng như Suzuki Daisetsu có lần nói, "văn bản dao khúc Nô hầu như không thể dịch được".
Dù vậy, Hanjo là một thành công vượt bực của Zeami, nơi ông biểu lộ được hết tài năng một nhà biên kịch, ngoài cái tài diễn xuất, ca vũ, quản lý rạp hát và nhà lý luận Nô mà ông đã có. Cho nên cũng không lạ gì khi Mishima Yukio đã chọn đề tài Hanjo để viết một vở Nô cận đại của ông. Khác chăng là trong một bối cảnh đời mới (modern), nhân vật nữ chính của Mishima không đi đến một kết luận đoàn viên kiểu "happy end" như phải có mà ngược lại, đã giữ một bộ mặt thờ ơ khi tái ngộ người yêu..

Thư mục tham khảo:

1. Hanjo (Ban nữ), bản song ngữ Anh-Nhật do The Noh.com (2.0) đăng trên mạng, 2017. Bản kim văn và ngoại văn tham chiếu.

2. Hanjo (Ban nữ) trong Yôkyokushuu (Dao Khúc Tập) quyển trung, do Itô Masayoshi hiệu chú, Shinchô xuất bản, Tôkyô 1988. Nguyên tác cổ văn.

3. Hanjo (Ban nữ) trong La landes des mortifications. Vingt-cinq pièces de Nô (Cõi thống khổ. Hai mươi lăm vở tuồng Nô). Do Armen Godel và Koichi Kano dịch sang Pháp văn. Gallimard, Paris 1994. Bản ngoại văn tham chiếu.