Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
HAGOROMO
(Áo người tiên)

Nguyên tác: Zeami Motokiyo

Dịch: Nguyễn Nam Trân





Lược truyện:

Một buổi sáng mùa xuân, anh trai làng chài tên Hakuryô cùng với vài người bạn cùng nghề rời nhà đi đánh cá. Anh chợt thấy có chiếc áo thật đẹp ai vắt (như bỏ quên) trên một nhánh tùng ngoài bãi Miho-no-Matsubara. Khi anh định lấy tấm áo đó về làm của gia bảo thì một nàng tiên hiện ra và xin anh trả áo lại cho cô. Lúc đầu Hakuryô từ chối, thế nhưng sau đó, cảm động khi nghe cô cho biết nếu không có áo, mình không thể trở về thượng giới, anh bèn bảo rằng anh sẽ trả tấm áo lông vũ (hagoromo) ấy và bù lại, xin cô múa cho xem một điệu vũ trên thiên cung.

Thế rồi trong bộ áo lông vũ, cô tiên đã múa một vũ khúc tả lại cuộc sống ở cung trăng ( nguyệt điện) và cất tiếng hát ca tụng vẻ đẹp của bãi biển Miho-no-Matsubara lúc vào xuân. Múa xong, cô tiên ấy đã tan biến trong lớp sương chiều đang giăng mờ trên đỉnh núi Fuji.

Đặc trưng của vở tuồng:

Vở Hagoromo bắt nguồn từ truyền thuyết về chiếc áo lông vũ của người tiên. Theo truyện kể dân gian thì sau cuộc gặp gỡ, nàng tiên đã trở thành vợ của anh trai chài, người dấu mất chiếc áo của cô. Thế nhưng, trong vở Nô này, chàng trai rất rộng lượng, chỉ đòi hỏi một ân huệ nhỏ trước khi trả lại tấm áo.

Có điều là lúc đó, anh trai chài Hakuryô lại lo rằng nếu mình trả áo, cô tiên sẽ không giữ lời hứa biểu diễn màn vũ. Thế nhưng cô tiên trả lời anh là sự hoài nghi chỉ có ở dưới trần gian chứ trên thiên đình không ai lừa lọc ai cả. Anh chàng Hakuryô bản chất lương thiện nên đã xúc động khi nghe câu nói đó và trả lại áo cho cô

Vũ khúc trên nguyệt điện là cái đinh của vở tuồng. Nó có tên là Suruga-mai (Điệu vũ vùng Suruga) và nằm trong thể loại Azuma asobi tức ca vũ dân gian miền Đông sau đã được cung đình thâu nhận. Suruga là tên một vùng thuộc tỉnh Shizuoka bây giờ. Trong trứ tác của Zeami, ông cho biết điệu vũ của nàng tiên rất đặc sắc, được coi như điệu vũ khởi đầu cho các điệu vũ. Thế nhưng cũng phải nói là kể từ khi ra đời, cùng với thời gian, nó đã chịu nhiều thay đổi từ cơ bản để trở thành Suruga-mai hiện tại.

Mặt biển lặng giữa mùa xuân có cát trắng tùng xanh và vũ khúc thiên cung với núi Fuji ở phía chân trời...là những yếu tố tạo nên bối cảnh lý tưởng của vở tuồng. Người diễn lẫn khán giả chắc sẽ tràn đầy hạnh phúc khi được sống trong một bầu không khí thoải mái như thế.

Thông tin kỹ thuật:

Lớp diễn: Lớp 3 (Nữ) trong 5 lớp ( Thần, Nam, Nữ, Cuồng, Quỷ).

Tác giả: Zeami Motokiyo (theo một nguồn).

Xuất điển: Đến từ Tango Fudoki Itsubun ("Chuyện còn sót lại (dật văn) từ Phong thổ ký đất Tango") vì sách đó đã thất lạc. Phần "Truyền thuyết về Hagoromo".

Mùa : xuân (khoảng tháng 3)

Cảnh: Rặng tùng trên bãi biển Miho (nay là thị trấn Shimizu tỉnh Shizuoka). Một ngày xuân đẹp khi mưa đã tạnh. Thời gian là từ sáng đến chiều.

Vật chế tạo (tsukurimono): Một cây tùng giả đặt ra ở giữa và mặt tiền sân khấu tượng trưng cho rặng tùng ngoài bãi, trên một nhánh có vắt cái chôken (trường quyến = áo trắng và dài làm bằng lụa).

Phối vai:

Shite: Nàng tiên.

Waki: Chàng Hakuryô, người đánh cá.

Wakizure: Hai anh bạn đồng nghiệp tháp tùng Hakuryô.

Mặt nạ:

Shite : Zô, Waka onna, Ko-omote tức 3 loại mặt nạ đàn bà trẻ.

Trang phục:

Shite: Đội kazura (tóc giả), tóc quấn khăn kazura-obi, bên trên là onna-basara, tenkan (= thiên quan, giống mão miện của tiên cô). Mặc áo kitsuke / suihaku có trang trí những mẩu vàng và bạc trên nền áo. Mặc thêm koshimaki / nuihaku tức kimono thêu, mang thắt lưng koshi-obi, giắt quạt. Khi thay đồ (monogi) thì mặc chôken (áo đẹp vắt trên cây tùng).

Waki: Mặc áo mizugoromo tức kimono bình thường nhưng ngắn) hay áo lót kitsuke và áo dan-noshime (kimono có sọc to bản), quấn giải lưng (koshi-obi) và giắt quạt. Trên vai vác cần câu.

Wakizure: Giống như Waki.

Cảnh: 1 cảnh duy nhất.

Thời lượng: Khoảng 1h10

Để tiện theo dõi diễn biến, xin chia vở tuồng thành 4 tiểu đoạn ABCD.

Văn bản tuồng với lời giải thích in nghiêng

A. Hakuryô và các bạn trên đường đi đánh cá:

Người koken (phụ trách kỹ thuật) đặt cái tsukurimono (ở đây là cây tùng giả) ở đằng trước và giữa sân khấu) rồi vắt tấm chôken (áo dài trắng bằng lụa) lên một nhánh cây. Hakuryô (vai Waki) và hai chàng trai đánh cá (vai Wakizure) bước vào.

Hakuryô và hai người bạn chài: Coi kìa, gió bỗng nhiên thổi mạnh trên bãi Miho, thấp thoáng giữa lớp sóng kia là bóng dáng những tay chèo đang hối hả (quay về).

Hakuryô: Như tôi đây là Hakuryô, làm nghề đánh cá, sống trong rừng tùng trên bãi Miho (Miho no Matsubara).

Hakuryô và hai người bạn chài: Mấy giải mây đùn lên trên ngọn núi đẹp phía chân trời đang tan đi. Vầng trăng sáng rờ rỡ trên ngôi lầu cao báo cho ta biết là mưa đã tạnh....Xuân là mùa của bình yên, êm ả. Những ngọn sóng đang tấp nhẹ vào bãi biển mùa xuân xanh biếc với những rặng tùng nối dài không dứt, con trăng về sáng vẫn còn thấy giữa sương mai. Phong cảnh đẹp đến nỗi con người quê mùa chẳng biết thơ thẩn như tôi [1]cũng thấy con tim bay bổng.

Hakuryô và hai người bạn chài: Đi hết con đường mòn lên núi và nhìn suốt bãi Miho-no-Matsubara từ phía Kiyomigata trở đi mới thấy phong cảnh nơi đây thật tuyệt vời, không thể nào quên. Còn giờ đây thì chúng mình hãy cùng ra ngoài rừng tùng trên bãi Miho đi vậy!

Hakuryô và hai người bạn chài: Gió thổi nên mây đùn làm mọi người tưởng nhầm là sóng. Hãy chờ cái đã, chưa bắt được bao nhiêu cá mà đã vội quay về à? Bây giờ là mùa xuân, gió ban mai chỉ thổi nhẹ mà thôi. Những rặng tùng vẫn rì rào như trước, không nghe cả tiếng nước triều dâng lên nữa. Có thấy chăng, những chiếc thuyền câu đã ra đầy ngoài bãi, những chiếc thuyền câu đã ra đầy ngoài bãi.

B. Hakuryô thấy được bộ áo người tiên:

Vừa khi Hakuryô (vai Waki) chợt thấy có chiếc áo lông vũ ai đó vắt trên một nhánh tùng và định lấy đem về nhưng nàng tiên (vai Shite) đã bước vào sân khấu, lên tiếng gọi anh.

Hakuryô: Khi tới Miho-no-Matsubara và đưa mắt ngắm dọc theo bờ biển, mắt đã thấy những đóa hoa từ trên không bắt đầu rơi xuống, tai nghe tiếng nhạc thánh thót và mũi ngửi một làn hương kỳ diệu trong không khí. Còn ngờ rằng đây không phải là sự thực thì ta chợt thấy trên một nhánh tùng có ai đang treo chiếc áo. Khi đến gần để xem cho kỹ, mới thấy màu sắc và hương thơm của nó thật tuyệt vời. Không thể coi là một chiếc áo tầm thường. Ta muốn đem nó về nhà cho các cụ già xem rồi sẽ cất nó để làm gia bảo.

Tiên nữ: Xin lỗi ông, chiếc áo ấy là của tôi mà. Ông định mang nó đi đâu vậy?

Hakuryô: Tôi nhặt được nó ở đây!

Tiên nữ: Đó là tấm áo lông vũ của người tiên, tôi không có quyền để lọt vào tay người trần. Cảm phiền ông treo ngay lại vào chỗ cũ.

Hakuryô: Nếu cô bảo tấm áo này thuộc về cô, chả lẽ cô là một nàng tiên? Nếu đúng thế thì tôi phải giữ lại tấm áo như một kỷ niệm đáng nhớ trong cõi đời Mạt pháp [2]. Tôi sẽ xin trưng bày nó như một món quốc bảo. Nhất định tôi sẽ không trả.

Tiên Nữ: Cơ khổ! Nếu không có áo, làm sao tôi bay về trời bây giờ? Xin ông vui lòng trả nó cho tôi!

Hakuryô: Nghe những lời nàng tiên than thở, Hakuryô càng hừng chí. Xưa nay tôi chỉ là một anh đánh cá không biết phân biệt phải trái cho nên tôi sẽ đem dấu chiếc áo lông vũ này. Nói xong, Hakuryô định bỏ đi và bảo với nàng tiên: "Xin lỗi cô, tôi không thể nào làm theo ý cô được!".

Tiên Nữ: Giờ đây, tiên nữ chỉ còn là một con chim gãy cánh. Có muốn bay cũng không áo mà bay.

Hakuryô: Chẳng những thế, trên cõi trần này nàng lại không có chỗ!

Tiên Nữ: Nghĩ đi nghĩ lại, không ra giải pháp, buồn đến bật khóc.

Hakuryô: Thế nhưng Hakuryô vẫn không chịu trả áo.

Tiên Nữ: Đâm ra tuyệt vọng...

Hakuryô: ...nàng ấy không còn biết làm sao!

Hợp xướng (Jiutai): Nước mắt nàng rơi xuống như hạt ngọc. Hoa trên tóc nàng héo úa theo. Năm ấn tướng báo cái chết [3] của người tiên (tennin gosui) hiện ra trên vóc dáng. Tội nghiệp thay cho nàng!

Tiên Nữ: Nhìn lên bầu trời, sương đã giăng mờ. Ta không còn thấy lối đi trong mây (vân lộ = kumoji) nữa nên biết mình đã đánh mất lối về.[4]

Hợp xướng: Ôi, trời cao kia, ngôi nhà của ta đó. Nơi ngàn năm mây vẫn còn bay. Ta thèm thuồng được như mây kia.

Hợp xướng: Tiếng hót quen thuộc của Ca lăng tần gia (Kalavinka), [5] con chim của cõi Cực Lạc Tịnh Độ là tiếng mà ta vẫn quen nghe trên thượng giới. Tiếng nhạn (gan) kêu khi bay về hướng Bắc mơ hồ vọng đến bên tai làm ta nhớ đến giọng Ca lăng tần gia đó. Dù ta không thấy bóng chim nhưng tiếng nhạn kêu như đưa ta tìm về thượng giới, chốn quê nhà thương nhớ của ta. Nhìn mặt biển với những cánh hải âu (kamome) và chim óc cau (chidori) đang lao chao vì sóng đánh, ta thấy nhớ làm sao những ngọn gió xuân dìu dịu thổi qua vòm trời, nhớ làm sao những ngọn gió xuân dìu dịu thổi qua vòm trời.

C. Đối thoại giữa Hakuryô và tiên nữ:

Thấy tiên nữ (vai Shite) đầm đìa nước mắt, Hakuryô (vai Waki) mới quyết định trả tấm áo lông vũ lại cho nàng với điều kiện là nàng phải múa cho anh xem một điệu múa trên thiên cung.

Hakuryô:Tiên cô ơi, thấy cô quá tội nghiệp, tôi xin trả áo lại cho cô.

Tiên Nữ: Ôi, sung sướng quá. Xin ông hãy trả nó cho tôi.

Hakuryô: Nhưng khoan đã! Tôi nghe nói trên thiên cung có một vũ khúc của người tiên. Nếu cô diễn cho tôi xem bây giờ, tôi sẽ trả áo ngay.

Tiên Nữ: Thế thì tốt lắm, tôi xin sẵn sàng. Như thế, tôi sẽ có thể trở về thượng giới. Để tạ ơn ông, hay hơn nữa để kỷ niệm chuyến đi chơi cõi trần đầy xúc động này, tôi sẽ múa ông xem một vũ khúc ở trên Nguyệt điện. Nó sẽ là một màn làm mẫu để về sau, ở giữa cõi thế gian đầy ưu tư này, người đời có thể trình diễn với các loại đàn dây và đàn gió đi kèm. Tuy nhiên, để múa, tôi cần phải có chiếc áo lông vũ. Xin ông giao nó lại cho tôi trước.

Hakuryô: À không! Nếu tôi trả áo lại ngay, cô có thể bay thẳng về trời và không chịu múa!

Tiên Nữ: Chuyện đó sẽ không xảy ra đâu. Sự hoài nghi [6]chỉ có ở cõi đời này thôi. Trên thượng giới chúng tôi, không ai biết lừa lọc là gì.

Hakuryô: Thật đáng thẹn cho tôi! Nếu thế thì...tôi xin trả áo đây.

Tiên Nữ: Nàng tiên bèn mặc áo vào và bắt đầu múa như ở trên cung trăng [7].

Hakuryô: Áo lông vũ người tiên phất phơ trong gió...

Tiên Nữ: Nàng vẫy ống tay áo yêu kiều như những đóa hoa đẫm giọt mưa xuân.

Hakuryô: Nàng cất tiếng hát...

Tiên Nữ: Và nàng múa.

Hợp xướng: Điệu múa Suruga-mai trong truyền thống ca vũ của miền Đông (Azuma Asobi) đã bắt đầu với vũ khúc này.

D. Nàng tiên trình diễn vũ khúc thiên đình:

Tiên Nữ (vai Shite) là một nàng con gái trẻ sống ở trên cung trăng. Khi nàng múa điệu vũ trên ở bãi biển Miho-no-Matsubara vào ngày xuân đó thì đất trời đã biến thành một cõi Cực Lạc Tịnh Độ, đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Như vậy, nàng tiên đó đã múa vũ khúc mà những thế hệ về sau đã chắp nối nó với Suruga-mai, một bộ phận của ca vũ truyền thống miền Đông (Azuma asobi). Múa xong, nàng bèn bay về trời.

Hợp xướng: Đời xửa đời xưa, khi hai vị thần Izanagi và Izanami qui định cách gọi mười phương thế giới (bắc, nam, đông, tây, đông bắc, đông nam, tây bắc, tây nam, thiên thượng địa hạ)[8], họ cũng qui định bầu trời là "cửu phương thiên" (cửu = vĩnh viễn) vì bầu trời vốn vô giới hạn và không thể cắt xén.

Tiên Nữ: Tuy nhiên trên bầu trời, cung điện mặt trăng (Nguyệt điện) thì đã được chạm khắc bằng búa ngọc cho nên mãi mãi không hư hao hay cần đến tu bổ.

Hợp xướng:Các tiên nữ được chia làm hai toán: toán áo trắng và toán áo đen. Mỗi toán lại có 15 người. Mỗi đêm trong tháng, họ chia nhau theo dõi xem vầng trăng tròn khuyết như thế nào [9].

Tiên Nữ: Tôi là một trong 30 tiên nữ đó.

Hợp xướng: Sống trên cung trăng nhưng tôi hay xuống trần ghé chơi và múa ở vùng Suruga thuộc miền Đông. Điệu múa này sẽ được truyền đến đời sau và mang tên là Suruga-mai (mai = điệu múa).

Hợp xướng: "Bây giờ là tiết xuân và sương lam còn đang bao phủ, chắc là trên cung trăng xa xôi kia giờ đây cây quế đang nở hoa và tỏa hương" . Đúng như lời thơ đã vịnh, có lẽ nụ hoa tôi đang giắt trên mái tóc cũng đang nhuốm màu sắc như muốn đưa tin mùa xuân đang tới. Có thú vị không? Mặt đất này tuy không phải là chốn thiên cung nhưng cũng là nơi đáng sống đấy chứ!

"Gió trên không ơi, xin che lấp lối trong mây vì ta muốn lưu lại trần gian hình bóng của người tiên thêm chút nữa." (Gió ơi hãy khóa lối mây. Để cho tiên nữ ở đây không về" (NNT dịch) [10]. Như câu thơ xưa (koka), xin gió hãy nổi lên để lấp lối mây.

Tôi muốn ở lại thêm chút nữa nhìn cảnh sắc mùa xuân trong khu rừng tùng trên bãi Miho (Miho-no-Matsubara Tôi cũng muốn nhìn màu sắc của mùa xuân đang tô lên mũi đất Miho (Miho-no-Misaki), vầng trăng trong soi bờ đầm Kiyomigata cũng như lớp tuyết còn đọng trên núi Fuji. Tất cả đều đẹp tuyệt vời.

"Mùa xuân đẹp nhất hừng đông!"[11]

Phong cảnh ở đây bây giờ nào khác cảnh hừng đông của thời xa xưa! Sóng lặng và gió chỉ thổi nhè nhẹ qua khu rừng tùng, bãi Miho xinh đẹp và bình yên. Không có gì ngăn cách bầu trời và mặt đất. Đất nước Nhật Bản đang được cai trị bởi con cháu của các vị thần đền trong (nội cung) và đền ngoài (ngoại cung) của Thần cung Ise (Ise Jinguu) [12] nên vầng trăng kia chiếu khắp nơi, không bỏ sót một nơi nào.

Tiên Nữ: Đời đời sẽ có những nàng tiên khoác áo lông vũ ghé xuống thăm đất nước này.

Hợp xướng: Ta muốn thời thánh quân trị vì (kimo ga yo)[13] sẽ dài lâu như đá tảng (iwao), dù ống tay áo người tiên có quét nhẹ lên đó bao lần cũng chẳng hề mòn.

Giọng thanh tao của tiên nữ khi hát những bài Azuma-uta [14]ca ngợi đất nước được các nhạc khí như ống sênh (shô, ống tiêu (fue), đàn cầm 13 giây (koto) và đàn không hầu (tategoto) đệm kèm, vang lên đến mấy từng mây.

Hoàng hôn đỏ thắm đã nhuộm lên bóng núi cái màu của ngọn Tu Di Sơn (Sumeru) [15]. Màu xanh lục của rừng tùng in lên trên những ngọn sóng xanh trong khi trận gió thổi mạnh qua bãi Ukishima-ga-hara (dưới chân ngọn núi Ashitaka) đang làm rụng những cánh hoa. Tiên nữ múa và ống tay áo lông vũ của nàng phất lên tựa như cảnh tuyết rơi hay những chòm mây trắng đang bay. Thật không có bút nào tả nổi vẻ đẹp của nó.

Tiên Nữ: Nam mô qui mệnh nguyệt thiên tử, bản địa Đại Thế Chí ( Mahasthamaprapta Bodihisatva) (Xin tôn thờ và qui y Nguyệt thiên tử, người mang hình ảnh Đại Thế Chí Bồ Tát) [16]. Xin cho phép tôi được cúng dường vị thiên tử trên cung trăng...

Hợp xướng: ...một điệu múa trong vũ khúc miền Đông (Azuma Asobi).

(Jo-no-mai): Đến đây tiên nữ trình diễn phần giáo đầu (Jo) của vũ khúc vốn nhẹ nhàng, vui tươi và chậm rãi. Kèm theo đó có các nhạc khí của giàn nhạc hayashi như tiêu (fue), trống con (kotsuzumi), trống nhỡ (ôtsuzumi) và trống đại (taiko)

Tiên Nữ: Như đem mặc chiếc áo màu xanh lục của bầu trời,

Hợp xướng: Như đem mặc chiếc áo sương lam của mùa xuân.

Tiên Nữ: Chiếc áo đầy hương sắc tuyệt vời. Nàng tiên vẫy ống tay áo...

Hợp xướng: Nhẹ nhàng xoay qua bên phải rồi bên trái, mái tóc cài hoa, ống tay áo bằng lông vũ của nàng tiên vẽ thành những hình ảnh đẹp chuyển động theo làn gió trên bầu trời.

(Ha-no -mai) Đến đây, tiên nữ trình bày một điệu múa với nhịp dồn dập hơn và vẫn kèm theo các nhạc khí của hayashi gồm ống tiêu, trống con, trống nhỏ và trống đại.

Hợp xướng: Sau khi đã múa nhiều khúc Azuma asobi khác nhau, nàng tiên đang phục vụ trên cung trăng bèn bay vút lên trời nơi vầng trăng đêm 15 đang chiếu sáng. Nàng đem vầng trăng tượng trưng cho ánh sáng của Chân Như soi lên mặt đất, và rắc bảy thứ bảo vật (thất bảo) đang nắm trong tay xuống đất với lòng ước ao rằng lời thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà muốn cứu vớt tất cả chúng ianh sớm được thành tựu và đất nước luôn luôn giàu mạnh.

Thời gian trôi dần, nàng tiên khoác áo lông vũ vẫy ống tay trong làn gió đang thổi ngang bãi Miho-no-Matsubara, qua cánh đồng Ukishima-ga-hara rồi ngược lên hai ngọn núi Ashitaka và Fuji. Cuối cùng nàng biến mất giữa bầu trời mờ sương.

(Kết thúc vở)


Điệu vũ trên nguyệt điện

Phần chú thích:

x
[1] - Đánh cá và đốn củi xưa bị coi là những kẻ nghèo hèn (tiện dân)..
[2] - Cứ đổ tội cho đời Mạt pháp để tự tiện làm quấy!
[3] - Năm dấu hiệu của sự suy sụp đó là (1) áo quần bẩn thỉu ra (2) hoa cài trên tóc héo đi (3) nách đổ mồ hôi, (4) nồng nặc mùi xú uế và (5) không còn cảm thấy có gì sung sướng.
[4] - Lời than thở của nàng tiên đánh mất lối về chép trong Tango Fudoki (Ghi chép về phong thổ xứ Tango).
[5] - Con chim có giọng hót hay, thấy trong kinh Phật.Đầu là đầu con gái, thân là thân chim.
[6] - Một sự khác nhau cơ bản giữa hai thế giới.
[7] - Điệu múa này còn gọi là Nghê Thường Vũ Y.Đời Đường, trong cung cũng có điệu vũ này: "Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến, Khúc Nghê Thường chợt biến như không!" (Bản dịch Trường Hận Ca, Tản Đà).
[8] - Có nơi chú là đông tây nam bắc, càn chấn khôn đoài và thượng hạ.
[9] - Mười lăm cô áo trắng phụ trách 15 đêm cho đến ngày rằm, sau đó nhường chỗ cho 15 cô áo đen phụ trách những đêm không trăng.
[10] - Xin đọc nguyên văn bài thơ này của quan tăng chính Henjô trích từ Kokinshuu (bài 872) và đăng lại trong Hyakunin Ishu (NNT dịch): Ama tsu kaze / Kumo no kayoimichi / Otome no sugata / Shibashi todomemu (todomen) (Ý nói:: Hỡi ngọn gió trên không trung / Hãy ngăn lối mây bay lên xuống! / Để hình bóng những tiên cô đang múa / Còn lưu lại trên mặt đất thêm ít lâu).
[11] - Câu nói nổi tiếng mở đầu Makura no Shôshi (Chẩm Thảo Tử) của Sei Shônagon, nữ tùy bút gia thời Heian: "Haru wa akebono".
[12] - Ca từ của quốc ca Nhật Bản bây giờ cũng có câu này ví triều đại của quân vương sẽ vững vàng và nẩy nở như tảng đá bám rêu..
[13] - Đền Ise là đền Thần đạo quan trọng nhất Nhật Bản, nơi thờ tổ tiên họ, có nôi cung và ngoại cung.
[14] - “Đông Ca”. Có lẽ ám chỉ những bài ca dân dã của miền Đông được chép lại Trong Man.yôshuu (Vạn Diệp Tập), tuyển tập thơ đồ sộ 4.500 bài của Nhật Bản (thế kỷ thứ 8).
[15] - Ngọn núi xem như trung tâm vũ trụ trong triết thuyết Ấn Độ, nằm ở dưới đáy biển.Trong ngữ cảnh này, có thể tác giả ám chỉ núi Fuji.
[16] - Đại Thế Chí Bồ Tát là người trợ lực Đức Phật A Di Đà trong việc giáo hóa chúng sinh.

Lạm bàn của người dịch

Thường thì không thấy các nhà biên tập Nhật Bản tuyển vở Nô này vào trong 100 vở Nô đáng xem nhất (hyakuban) nhưng đối với người ngoại quốc (như Erza Pound, Ernest Fellonosa...) thì nó lại được bình chọn và yêu thích. Có lẽ trong vở có nhiều yếu tố phổ quát, siêu quốc gia khiến cho họ cảm thấy gần gũi hay chăng? Cũng có thể một lý do tương tự đã khiến E. Pound phóng tác nó thành một vở kịch ngắn bằng tiếng Anh.

Vở Nô này đến từ đâu? Có phải Sưu Thần Ký, Tango Fudoki ...như một số nhà nhà chú giải đã nêu lên? Hoặc nó đã bắt nguồn từ những câu truyện cổ tích kiểu con hạc trả ơn ông bà mẹ nuôi tham lam...hay truyện người vợ tiên của anh chồng lười biếng, thất vọng vì anh nên bỏ về trời? Truyện cô bé cung trăng con nuôi của lão tiều phu trong Taketori Monogatari (Truyện ông già đốn trúc) cũng không phải hoàn toàn xa lạ với nó. Ngay cả truyền thuyết kinh dị như ma cà rồng về Yuki Onna (Nàng Tuyết) cũng có một vài chi tiết giông giống. Tóm lại, tuy nội dung Hagoromo khá đơn sơ nhưng chứa đựng nhiều mô típ từng thấy trong truyện kể của nhiều quốc gia khác trên thế giới, từ Đông sang Tây. Nhìn chung,dường như từ Hagoromo chúng ta có thể giữ lại 2 yếu tố chính để đặt vấn đề thảo luận. Một là ước vọng gặp tiên của những con người trần thế, hai là sự thất bại của hôn nhân khác loài chỉ vì sự bất toàn của loài người.

Vở này được một nguồn cho biết là của Zeami nhưng cũng có khả năng là tác phẩm của tác giả vô danh. Tuy nhiên, cái gây ấn tượng ở đây không phải tên người viết hay nội dung câu chuyện. Dường như tác giả của nó chỉ muốn mượn câu chuyện để nhấn mạnh đến tình yêu thiên nhiên, núi sông đất nước và văn hóa địa phương của người Nhật (mà điển hình là vũ khúc Suruga-mai) cũng như niềm tự hào của họ được sinh ra trên một giải đất đẹp đẽ nơi thần linh lui tới (như bãi biển Miho).

Trong vở tuồng, khác với các truyền thuyết đã có, nhân vật Hakuryô chứng tỏ rằng anh không có tinh thần vị kỷ. Anh không dấu cái áo lông vũ (như các nhân vật khác đã lập kế dấu đôi cánh) ép buộc các nàng tiên phải làm vợ mình, mà chỉ đơn thuần muốn thưởng thức một điệu múa trên thiên cung, điều kiện dễ dàng nên được nàng tiên chấp nhận không chút do dự. Việc lược bỏ yếu tố tính dục và lòng ham muốn chiếm đoạt ra khỏi câu chuyện đã nâng tầm Hagoromo lên hàng một tác phẩm nghệ thuật cao hơn mà mục đích là truy cầu sự thanh tĩnh, vẻ đẹp và cái đáng yêu.

Tuy Hagoromo được xếp vào Lớp 3 (Nữ) nhưng vì những lý do trên, cho dù xếp luôn cả vào lớp 1 (Thần) thì chắc cũng không gây ra tranh cãi.
 

Tôkyô ngày 3/5/2029
Thư mục tham khảo:
 
  1. Hagoromo (Vũ Y), bản song ngữ Anh - Nhật do The Noh.com ( version 2.0) đăng trên mạng, 28/06/2013. Bản kim văn và ngoại văn.
  2. Bản cổ văn và kim văn khác trên trong trang Nhật ngữ Nogaku.com, không rõ nguồn. Bản tham chiếu.