Chim Việt Cành Nam
Trở về
Trang chủ
Tác giả
SHUNKAN 
(Tuấn Khoan / Đảo Quỷ Sứ)

Nguyên tác: Vô Danh

Dịch: Nguyễn Nam Trân


Shunkan trên sân khấu

Lược truyện:

Thời điểm là cuối đời Heian (thế kỷ 12) khi tập đoàn quân nhân Heike đạt đến tột đỉnh vinh quang, tha hồ làm mưa làm gió giữa triều đình. Nhà sư Shunkan (Tuấn Khoan) [1], người đang lãnh chức Shôzu (Tăng đô) [2] và cai quản (Shuugyô) [3] ngôi chùa lớn Hosshôji (Pháp Thắng Tự) ở kinh đô (Kyôto) cùng một số đồng chí âm mưu lật đổ chính quyền Heike để trung hưng vương thất. Âm mưu tiết lộ, ông bị bắt và đày ra ngoài Kikaigashima (Quỷ Giới Đảo) ngoài khơi vùng Satsumagata (tức mỏm cực nam của đảo Kyuushuu bây giờ) cùng với đồng bọn là hai ông Fujiwara no Naritsune [4]và Taira no Yasuyori[5]. Thời gian thấm thoát, trong triều có sự kiện vui mừng là Hoàng hậu họ Taira tức bà Tokushi (Tokuko) – con gái quyền thần Taira no Kiyomori – sắp sinh con. Để cầu Trời Phật cho bà sinh được hoàng nam và mẹ tròn con vuông, chính quyền Heike ra lệnh đại xá trong thiên hạ. Triều đình bèn gửi một sứ giả ra Kikaigashima để đọc chiếu chỉ ân xá cho mấy tù nhân đặc biệt ở đó.

Lúc ấy, trên đảo, hai người tù sùng đạo là Naritsune và Yasuyori đã lập nên những nơi thờ phượng giống như 3 đền thiêng ở Kumano trên đất liền[6]và đến đó hành hương, lễ bái đều đặn. Một ngày kia Shunkan gặp họ trên đường đi lễ về và cả ba cùng uống một chén nước lã lấy trong thung lũng để thay cho rượu cúc (kiku no sake). Trong khi "yến ẩm", họ chạnh lòng nghĩ tới thời còn ở Kyôto và tâm sự cho nhau nghe tình cảm nhớ quê hương. Thì vừa lúc đó, sứ giả triều đình do Kiyomori gửi tới đã đặt chân lên đảo và tuyên đọc chiếu chỉ tha tù. Thế nhưng trong số người được ân xá, không nghe nói tới cái tên Shunkan. Quá đỗi tuyệt vọng, Shunkan đâm ra thờ thẫn mất hồn. Hai bạn tù may mắn xúm lại định an ủi ông nhưng họ chỉ nghẹn ngào, không thốt nên lời.

Chẳng bao lâu hai ông bạn tốt số Naritsune và Yasuyori leo lên thuyền sứ giả để về đất liền. Tuy Shunkan vật vã van nài xin được về theo nhưng ông đã bị bỏ rơi một cách không thương tiếc trên bãi biển. Thấy Shunkan nằm lăn lóc trên bãi, khóc lóc thảm thương, không còn kiêng dè gì nữa, mấy bạn cựu tù từ trên thuyền mới gọi với: "Rồi sẽ đến phiên thầy được tha về mà. Cố giữ vững tinh thần nhé!" Thế nhưng tiếng nói của họ nhỏ dần, con thuyền ra xa bờ và sau đó, mất hút phía chân trời.

Đặc trưng của vở tuồng:

Vở tuồng này dựa lên bi kịch của nhà sư Shunkan, chép lại trong Truyện Heike (Heike Monogatari). Được biết Kikaigashima (Đảo Quỷ Sứ), nơi ông bị đày còn có tên là Iwojima (Lưu Hoàng Đảo), một trong 3 đảo nằm ở phía Tây các đảo Tanegashima và Yakushima trong vùng biển Nam thuộc tỉnh Kagoshima ngày nay. Tuy tên của nó làm ta liên tưởng tới Iwojima, một nơi từng xảy ra trận đánh ác liệt giữa hai phe Nhật - Mỹ trong Thế chiến thứ hai nhưng nó lại là một địa điểm khác, phải đọc là Satsuma-Iwojima thì mới phân biệt rõ ràng. Dù sao hòn đảo nhỏ này (chu vi 15km, diện tích 12km2) cũng giống như Iwojima nghĩa là một đảo núi lửa với ngọn Iwodake (Lưu Hoàng Nhạc) cao 703m và cho đến ngày nay hãy còn bốc mùi diêm sinh. Diêm sinh phủ trên các tảng đá và hòa cả vào trong nước biển. Thật là một cõi địa ngục, chỗ ở của quỷ sứ nếu đem so với cảnh trí phong lưu thanh nhã của Kyôto, nơi mà Shunkan và các bạn từng sống.

Shunkan đã trải qua những tháng ngày tuyệt vọng trên đảo, hoàn toàn không có ngày mai. Cũng may lúc đầu ông còn hai đồng chí, hay là hai cộng phạm, để tâm sự và uống với nhau một cốc nước lã thay rượu để an ủi nhau. Khi sứ giả đến, lòng ông còn chứa chan hy vọng. Thế nhưng tia hy vọng le lói ấy đã lịm tắt khi trong chiếu chỉ, ông không nghe nhắc đến tên mình. Ông cầm tờ giấy đọc tới đọc lui nhưng hoàn toàn không là không. Lúc đó, sự thất vọng đã làm ông run rẩy và giận dữ, nhất là sau khi bị bỏ lại một mình trên hoang đảo, ông càng chìm sâu trong uất hận. Không có hoàn cảnh nào tàn khốc hơn.

Vở tuồng này tuy không có sự bộc phát tình cảm dữ dội nhưng qua động tác của người diễn và lời ca thê thiết của ban hợp xướng, khán giả có thể hình dung ra sự thất vọng cùng cực của Shunkan.

Thông tin cơ bản về vở tuồng:

Trường phái. Năm lưu phái chính đều diễn vở này. Chỉ có phái Kita đặt tên vở là Kikaigashima thay vì Shunkan.

Lớp diễn: Lớp 4 (Cuồng nam) Ninjô-mono (Loại tình người).Có thể xem như thuộc lớp 2 trong một chừng mục nào đó.

Soạn giả: Vô danh.

Xuất điển: Truyện Heike, chương 2 và 3. Truyện Genpai Jôsuiki (Nguyên Bình thịnh suy ký) các chương 9 và 10.

Mùa: mùa thu (tháng 9 âm lịch).

n : 2

Maeba: Thành phố Kyôto đầu mùa thu năm1178.

Nochiba: Tháng 9 cùng năm trên đảo Kikaigashima (nay gọi là làng Mishima quận Ôshima thuộc tỉnh Kagoshima) cực nam nước Nhật.

Đồ cần thiết kế: Một chiếc thuyền.

Phối vai:

Shite: Shunkan

Waki: Sứ giả

Tsure: Fujiwara no Naritsune (Thành Kinh)

Tsure: Taira no Yasuyori (Khang Lại)

Ai-Kyôgen: Người chèo thuyền cho sứ giả.

Mặt nạ:

Shunkan: Mặt nạ đặc biệt mang tên ông chỉ dùng cho vở này.

Trang phục (lược thuật):

Shite: đội mũ sumi-bôshi có góc cạnh của nhà sư (hay hana- bôshi dành cho cao tăng hay tô-bôshi kiểu Tàu dành cho người lớn tuổi hay mang tóc giả đen và dài), mặc mizugoromo tức kimono thường và ngắn, chỉ tới đầu gối) màu nâu, thêm áo kitsuke / noshime trơn hay kitsuke / atsuita dày có vân, koshimino (váy làm bằng rong biển), có thắt lưng koshi-obi, giắt quạt và tay cầm một cái chậu gỗ nhỏ có quai (mizuoke).

Waki: trên dưới mặc đồ bộ suô tức trang phục ngày thường của samurai, ngoài ra còn thêm áo kitsuke / dan-noshime có gạch dài và to bản, đeo gươm ngắn, giắt quạt.Trong áo có cất một bức thư.

Tsure (Naritsune): mizugoromo, kitsuke / noshime / koshi-obi, giắt quạt.

Tsure (Yasuyori): ăn mặc như Naritsune, ngoại trừ việc đội mũ sumi-bôshi và mang tràng hạt vì là tăng lữ.

Ai: trên dưới mặc kimono dành cho kyôgen-kata. Thêm vào đó là kitsuke / noshime với gạch sọc, quấn koshi-obi, giắt quạt. Sau đó có vác thêm một cái sào.

Màn: 2 (Kyôto và Kikaigashima)

Thời lượng: khoảng 1h30

Để tiện việc theo dõi, xin chia vở tuồng thành 6 tiểu đoạn theo thứ tự ABCDEF.


Mặt nạ ưu tư thống khổ đặc chế cho vai Shunkan

Văn bản tuồng với lời giải thích (in nghiêng)

A. Sứ giả cho hay mình sẽ đem lệnh ân xá ra đảo:

Một bộ hạ của Kiyomori được chọn làm sứ giả đem lệnh ân xá ra đảo. Ông ta bước vào sân khấu với một người tùy tùng. Ông giải thích tại sao có lệnh ân xá và chuẩn bị chuyến đi.

Sứ giả: Như ta đây là người phục vụ trong phủ quan Thái chính đại thần là ngài Taira no Kiyomori. Mới đây, để cầu nguyện cho Đức Hoàng Hậu sinh đẻ bình an nên mới ban lệnh đại xá trong thiên hạ. Ngoài những người khác, ta còn đem lệnh ân xá đặc biệt đến cho Shôshô (Thiếu Tướng) xứ Tamba là Naritsune và chức Hangan (Phán Quan) tên Yasuyori thuộc nhà Heike. Do đó mà tôi phải gấp gấp ra ngoài đảo.

B. Naritsune và Yasuyori đi hành hương đền thần trên đảo:

Fujiwara no Naritsune và Taira no Yasuyori đang đi hành hương ba ngôi đền trên đảo Kikaigashima mà họ xem như là phân nhánh của Kumano sanshatức ba đền Thần đạo danh tiếng của vùng Kumano, thánh địa trên đất liền, mà họ đã cung thỉnh về đây.

Naritsune / Yasuyori: Nhân vì Kikaigashima còn được gọi là Iwo-ga-shima (Đảo lưu hoàng), mà chữ "iwo" đồng âm với "chúc mừng thần" (kamiwo iwau), Kikaigashima còn được gọi là Iwo-ga-shima với ý hòn đảo chúc mừng thần, nếu như chúng ta cung thỉnh[7]được thần linh của 3 đền Kumano về đây thì chắc lời khấn nguyện của chúng ta sẽ được chư thần đoái tới.

Chúng ta vừa bị lưu hình ra ngoài đảo Kikaigashima ở vùng biển Satsumagata phía nam Kyuushuu.

Naritsune: Tôi đây là Naritsune, chức Shôshô, võ quan xứ Tamba.

Yasuyori: Còn tôi là Yasuyori,nguyên quan án dòng dõi Heike đã xuất gia.

Naritsune / Yasuyori: Thảm thiết thay khi chúng tôi phải ra nông nỗi này!

Khi còn ở kinh đô, chúng tôi đã khấn nguyện sẽ đến hành hương các đền Kumano 33 lần trong đời mình. Thế nhưng khi chưa xong được phân nửa con số trên, chúng tôi đã bị đày ra chốn xa xôi hoang vắng này. Những lời khấn nguyện của chúng tôi nay trở thành vô nghĩa. Do đó, chúng tôi muốn chứng minh tấm lòng thành và sự tin kính của mình nên đã quyết định xin được nghênh đón chư thần của Kumano tam sơn lên đảo.Từ kinh đô cho đến Kumano còn có 99 địa điểm thứ yếu thờ các vị nhỏ (vương tử mạt xã) hơn, chúng tôi cũng xin cung thỉnh các vị ấy nữa.

Trên con đường hành hương 3 đại thần xã, chúng tôi cũng đến dâng chùm giấy thiêng (nusa) [8]ở các đền thứ yếu ấy nữa.

Ngay ở trên hòn đảo hiu quạnh này, chúng vẫn xem như (minashi) mình có các đền tạm đủ thay thế cho 3 đền thiêng ở Kumano. Áo gai mỏng dính làm bằng vật liệu thô sơ trên đảo, lúc nào cũng ướt đầm nước triều cùng nước mắt là lễ phục hành hương. Chúng tôi lấy cát làm gạo xay để dâng lên chư thần như đồ cúng và mượn những cánh hoa trắng của cây bông vải trên bãi biển (hama momen) thay cho chùm giấy thiêng (nusa) khi làm nghi thức tẩy uế. Ấy là cách thức chúng tôi tìm về các đấng thần linh ở nơi đây. Ấy là cách thức chúng tôi tìm về các đấng thần linh trên đảo này.

C. Shunkan xuất hiện và chuyện trò với hai bạn đồng tù:

Shunkan xuất hiện trước mặt họ, trên tay là một cái chậu gỗ có quai. Ông ta gọi nước vừa múc được từ một dòng suối là rượu cuc và mời hai người bạn đồng cảnh ngộ.Họ nâng chén mời nhau và bày tỏ lòng tưởng nhớ kinh đô cũng như than thở cho kiếp sống khổ đau hiện tại.

Shunkan: Không cần đợi đến lúc đi qua thế giới bên kia, giờ đây tôi đã trở thành người canh gác (shimamori) cho hòn đảo nơi bọn quỷ sứ cư ngụ (Kikaigashima).Bản thân tôi nay đã rơi vào trong cảnh mê lầm tối tăm và chẳng bao lâu nữa sẽ hoàn toàn bị bóng đêm của cõi minh đồ bao phủ.

Con thỏ ngọc (ngọc thố) trên cung trăng ban ngày ngủ trong vùng núi đá vân mẫu, con gà vàng (kim kê) ban đêm đậu trên cành cây không đâm nổi chồi xanh, còn như ve mùa thu (thu thiền) thì bám vào cành cây khô đét mà rên rỉ cho đến kiệt sức. Chúng không thể quay đầu sang một nơi nào khác [9]. Thỏ ngọc, gà vàng hay ve mùa thu, cảnh ngộ của chúng sao mà giống Shunkan tôi đến thế. Chúng nó làm tôi nhận ra thân phận của mình trong lúc này.

Yasuyori: Ô kìa! Không phải Shunkan hay sao? Thầy làm gì mà đi mãi tận đây?

Shunkan: Ông nhìn ra tôi ngay đấy nhỉ? Tôi mang ít rượu sake đến mừng các ông vừa đi thăm đền trở về.

Yasuyori: Trên đảo này làm gì có sake hở ông? Cho tới gần xem một tí nào! Ôi, nước lã mà!

Shunkan: Đúng là nước lã. Thế nhưng ông không nghe nói có loại "thuốc làm bằng nước" ư?

Yasuyori: Chịu thua thầy vậy! Bây giờ chúng minh đang ở giữa tháng 9...

Shunkan: ... đúng mùa hoa cúc, gặp tiết Trùng Dương.

Naritsune / Yasuyori: trên con đường núi...

Shunkan: Nước là nước lấy từ thung lũng...

Naritsune / Yasuyori / Shunkan: Nhớ xưa cụ Bành Tổ sống tới 700 năm cũng là nhờ uống nước múc từ dưới vực sâu...

Hợp xướng: Ta nghe nói uống nước hoa cúc (nước lã múc lên) [10] sẽ có công hiệu trị bệnh như khi uống thuốc, nước hoa cúc hiệu nghiệm như là dược phẩm. Thế nhưng ta không hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời nói đó (lời nói có tính bùa chú của kinh Pháp Hoa). Người ta bảo rằng trên tiên giới, khi đi trên đường núi, muốn làm khô thật nhanh một tấm áo ướt đẫm sương hoa cúc, dưới trần cũng phải mất cả nghìn năm [11]. Tâm cảnh tôi giờ đây cũng vậy. Tôi không biết mình còn phải ở lại trên hòn đảo lưu đày này cho đến lúc nào? Mùa xuân đã qua đi, những ngày hè nóng nhất cũng qua rồi, mùa thu đã hết và mùa đông đang kéo đến. Tôi chỉ biết bước mùa đi khi nhìn theo sắc lá. Nhớ làm sao chuỗi ngày xa xưa! Mỗi kỷ niệm đều làm cho tim tôi tan nát. Than ôi, ở kinh đô, lúc còn sống trong những ngôi chùa lớn như Pháp Thắng Tự (Hosshôji) và Pháp Thành Tự (Hôjôji), tôi đã vô tư tận hưởng cuộc sống vinh hoa như những đóa hoa xuân nở trong Hỷ Kiến Thành (Kikenjô)[12] ngài Đế Thích Thiên (Sakro Devanam Indraha). Nhưng nay tôi đã rơi xuống đất đen, cảnh ngộ chẳng khác nào những chiếc lá cuối thu theo nhau lả tả lìa cành.Tôi đã dùng chiếc lá rụng làm chén và rượu của tôi chỉ là nước lã múc lên từ thung lũng. Lệ tôi tuôn như nước một dòng sông. Vẫn biết rằng mình là kẻ duy nhất đáng bị chê trách nhưng khi nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại, tôi xem cuộc đời mình đã đến hồi chung cuộc.

D. Sứ giả đến Kikaigashima:

Sứ giả (xá miễn sứ) đến Kikaigashima bằng thuyền.Thuyền phu báo tin họ đã đến nơi và sứ giả rời thuyền lên bờ:

Sứ giả: Thuyền đi nhanh nhờ gió thổi đúng như lời khấn vái xin cho thuận buồm xuôi gió.Phu trạo cũng nhờ đó mà phấn khởi nhanh tay chèo. (Lời sứ giả trao đổi với người chèo thuyền cho mình)

Sứ giả báo tin đã tới nơi và sau đó lên bờ.

E. Shunkan hay tin dữ là mình bị lọt sổ:

Khi Yasuyori đọc to nội dung lệnh ân xá, không thấy có chỗ nào nhắc đến tên Shunkan.Ngạc nhiên, Shunkan đọc đi đọc lại lệnh ân xá nhưng ông nhận ra rằng tên của ông hoàn toàn không có nên than khóc và rơi vào đáy sâu của tuyệt vọng.

Sứ giả: Ơi này! Trên hòn đảo này có ai là người đang đi đày không? Ta là sứ giả từ kinh đô mang lệnh ân xá đến đây. Hãy mau đến mà xem nào!

Shunkan: Ôi chao! Mừng quá đi thôi. Thầy Yasuyori ơi, đọc ngay đi thầy!

Yasuyori: "Để cầu an cho Hoàng hậu sắp sinh, một lệnh đại xá đã được ban hành.Tất cả những kẻ bị phối lưu trên toàn quốc đều được

Miễn tội. Liên quan đến đảo Kikaigashima thì có hai người sau đây: võ quan Naritsune, chức Shôshô xứ Tamba và tăng Yasuyori, dòng dõi Heike, nguyên lãnh chức Hangan, đều được ân xá.

Shunkan: Cớ sao thầy lại bỏ qua tên Shunkan?

Yasuyori: Không thấy có tên đó! Xin hãy nhìn vào những gì được chép trên tờ giấy.

Shunkan: Hay họ chép nhầm chăng?

Sứ giả: Không. Không có chuyện lầm lẫn vì hồi ở kinh đô, tôi được lệnh chỉ đem Naritsune và Yasuyori về, còn Shunkan thì bỏ lại trên đảo.

Shunkan: Ông ăn nói kiểu gì vậy. Cả ba chúng tôi đều phạm cùng một tội, cùng bị lưu đày trên một đảo, nếu như có lệnh ân xá, tất phải áp dụng nó cho cả ba chứ![13] Tại sao tôi phải bị bỏ lại để càng ngày càng đắm chìm trong tội lỗi và không được hưởng sự khoan hồng?

Cho đến nay cả ba chúng tôi đã sống trên hòn đảo bao vây bằng những ghềnh đá mọc lởm chởm, ba người mà còn cảm thấy hoang liêu và cô quạnh nữa là. Thế thì làm sao tôi có thể sống được một mình, không có một ai để nương tựa, có khác nào một mớ rong rêu mà những người đánh cá đã quẳng đi và nay đang trôi nổi vật vờ trên lớp sóng? Khủng khiếp thay! Từ nay tôi có khác gì những con chim di (chidori) đang cất tiếng kêu thương trên bãi vắng dẫu biết rằng than khóc đi chăng nữa cũng không ich lợi gì!

Hợp xướng: Cảm thương thời cuộc, hoa kia là giống vô tri mà còn nhỏ lệ, ngay cả chim kia còn thổn thức khi gặp cảnh chia lìa [14]. Nhân hòn đảo này có tên là "Đảo Quỷ Sứ" nên nó là một cõi địa ngục (minh đồ), chỉ có giống quỷ ở. Thế nhưng dù quỷ sứ của địa ngục dữ tợn đến mức nào, chẳng lẽ chúng không động lòng thương cảm trước cảnh ngộ của tôi sao? Tôi thường nghe là tình cảm con người có thể kinh thiên động địa và lay chuyển con tim của quỷ thần kia mà!. Kìa, chim chóc và thú rừng trên hoang đảo này đang cất tiếng kêu gào, có phải chúng muốn an ủi tôi không?

Shunkan: Có thể đấy vì lòng của người đã chứa quá nhiều thống khổ khiến cho chúng cũng...

Hợp xướng: Shunkan mở tờ lệnh kia không biết bao nhiêu lần và đọc đi đọc lại. Tuy nhiên dù có đọc bao nhiêu đi nữa thì chỉ có tên Naritsune và Yasuyori được chép trên mặt giấy. Nghĩ rằng tên của mình nằm trong phần tái bút, ông đã lật ngược tờ giấy để tìm những chỗ còn để trống nhưng không thấy đâu ghi "tăng đô" hay "Tuấn Khoan" chi cả. Có phải đây là một cơn ác mộng? Nếu đúng thế thì xin kết thúc cho nhanh, thật nhanh đi nào! Cảnh tượng Shunkan trở thành người mất trí thật không có gì xót xa hơn!

F. Đoàn người lên đường để mỗi Shunkan ở lại:

Sứ giả với người tùy tùng cùng nhau lên thuyền và gọi Naritsune và Yasuyori cùng đi. Shunkan bám lấy người Yasuyori nhưng bị sứ giả chận lại và đẩy ra. Khi Shunkan chụp lấy giây thừng neo thuyền, họ bèn cắt đứt giây. Khóc lóc thảm thiết, Shunkan gieo người xuống mặt đất. Có tiếng những bạn cựu tù cất lên an ủi nhưng tiếng ấy cũng xa dần. Shunkan chỉ còn một mình trên bãi.

Sứ giả: Chúng ta phải lên đường ngay thôi. Nào hai ông Naritsune và Yasuyori.

Naritsune / Yasuyori: Chúng tôi không đành lòng để ông ấy lại một mình. Nhưng họ bắt buộc bỏ người bạn đồng tù để đi về phía hướng chiếc thuyền.

Shunkan: Nhà sư cũng muốn lên thuyền bèn níu lấy áo Yasuyori.

Sứ giả: Thế nhưng sứ giả đã chận ông lại một cách phũ phàng và không cho lên thuyền.

Shunkan: Có kinh khiếp chưa? Như lời ngạn ngữ có nói "Công trung hữu tư"(Bên trong việc công cũng có chỗ cho tình riêng chứ!) Lẽ nào các người không cho tôi đến được Satsuma ở bờ bên kia.

Sứ giả: Không chút xót thương, phu trạo nâng mái chèo lên định choảng ông ta.

Shunkan: Sợ mất mạng, ông bèn thối lui.Thế nhưng vẫn bám chặt giây neo, không cho con thuyền rời bến.

Sứ giả: Phu trạo bèn cắt giây neo và đưa thuyền ra vùng nước sâu.

Shunkan: Bị sóng đánh cho nghiêng ngả, ông không biết cách nào, chỉ còn chắp hai tay và gọi "Ới, thuyền ơi!"

Sứ giả: Ông ta gọi "thuyền" nhưng không ai kéo ông lên.

Shunkan: Nhận ra rằng mình đã làm hết cách.

Hợp xướng: Shunkan gieo mình xuống bãi cát và kêu gào không dứt. Tiếng ông còn át cả tiếng Công nương Sayô ở Matsura ngày xưa thảm thiết gọi chồng trong cảnh biệt ly...

Sứ giả / Naritsune / Yasuyori: Chúng tôi thật tội nghiệp ông. Khi về đến kinh đô, chúng tôi sẽ nói giúp cho. Hãy kiên nhẫn đợi chờ!

Shunkan: "Hãy chờ đến ngày về!". Nhìn thấy được một tia hy vọng trong câu nói ấy, Shunkan bèn nén nước mắt, đứng tựa vào thân tùng trên bãi biển [15], nghe tiếng gọi mình mỗi lúc mỗi xa dần.

Sứ giả / Naritsune / Yasuyori: "Ông có nghe tiếng chúng tôi không?" Mọi người gọi Shunkan nhưng tiếng của họ đã chìm sau lớp sóng chiều.

Shunkan: Hãy nhanh nhanh nói giúp cho tôi nhé!

Sứ giả / Naritsune / Yasuyori: Nhất định có ngày ông sẽ được về mà!

Shunkan: Thực hay không đấy?

Sứ giả / Naritsune / Yasuyori: Nhất định chứ!

Shunkan: Nhờ các ông đấy nhé!

Hợp xướng: "Hãy chờ đi! Hãy chờ trong hy vọng!" Tiếng nói và gương mặt của những người đang gọi ông từ phía biển nghe nhỏ dần. Rồi sau đó, không còn gì nữa, có chăng là tiếng sóng vỗ. Chiếc thuyền của sứ giả hoàn toàn khuất bóng, không để lại dấu vết nào.

Phần chú thích:

[1] - Shunkan (Tuấn Khoan): Tăng nhân họ Minamoto, sống vào cuối thời Heian, uất ức vì tập đoàn Heike chuyên quyền nên họp nhau ở một sơn trang phía bắc kinh đô (vùng Shishinotani) tổ chức đảo chánh với sự đồng ý của Thiên hoàng Go Shirakawa. Chuyện bất thành vì bị tố giác, đi đày và chết trên hoang đảo. Không rõ năm sinh năm mất.
[2] - Shôzu (Tăng đô) một chức vụ rất cao trong hàng giáo phẩm do nhà nước qui định, chỉ ở dưới Shôjô (Tăng chính) và trên Risshi (Luật sư).
[3] - Shuugyô hay shigyô (Chấp hành) đứng đầu về mặt hành chính một ngôi chùa.
[4] - Naritsune là một võ quan khá cao, con trai Fujiwara no Narichika, một người chủ mưu.Cha ông cũng bị đày nhưng sau đó, bị giết chết.
[5] - Ông Yasuyori họ Taira nhưng chống lại Kiyomori. Chức Hangan (Phán quan) thời ấy còn có nghĩa là chỉ huy cảnh sát công an.
[6] - Kumano sansha (tam xã) hay sanzan (tam sơn) là ba ngôi đền Thần đạo danh tiếng ở vùng Kumano (tỉnh Wakayama bây giờ), một nơi rừng núi thanh u và uy nghiêm, thánh địa của người Nhật.
[7] - Tất nhiên hai ông chỉ xây dựng một cách tượng trưng như lập cổng chào (torii) hay kết hoa kết lá rồi tưởng tượng thêm chứ trên đảo làm gì có nhân công và vật liệu, huống chi hai ông lại là quan lớn, chắc không quen lao động.
[8] Nusa là một chùm giấy làm bằng cây gai (asa) hay bông vải (momen) làm vật cúng tế hay tẩy uế trong nghi thức Thần Đạo.
[9] - Mặt trời, mặt trăng và con ve mùa thu là ba vật dù ai có gọi chúng cũng chẳng quay đầu (như thể kẻ chết cứng). Hoán nhi bất hồi thủ.
[10] - Liệt Tiên Truyện có nói về Bành Tổ nhờ uống "cúc thủy" 菊水mà sống lâu."Cúc thủy có nghĩa là rượu cúc, nước lã ướp hoa cúc hay là nước múc lên. Cúc viết với bộ "thủ" 掬う(sukuu)có nghĩa là vốc lên bằng hai bàn tay.
[11] - Điển tích Trung Quốc về một người sống lâu tên là Từ Đồng. Có một vở tuồng Nô tên là Kiku Jidô (Cúc Từ Đồng). Ngoài ra còn để chỉ sự khác nhau về độ dài giữa thời gian trên tiên giới với thời gian ở cõi người.
[12] - Hỷ Kiến Thành hay Hỷ Kiến Cung là một địa điểm trên Tu Di Sơn do Đế Thích cai quản, một chốn cực lạc có vườn hoa nơi người tiên đi lại.
[13] - Khi Naritsune và Yasuyori đi cầu Kumano Gongen (thần của Thần đạo nhưng là hình ảnh Phật A Di Đà được bản địa hóa), dĩ nhiên họ cầu xin cho cả 3 cùng được về Kyôto (đúng theo tư tưởng nhiếp thủ bất xả của Phật A Di Đà tức cứu tất cả không bỏ sót một ai). Việc Shunkan bị ở lại là một sự oái oăm.
[14] - Ý thơ Đỗ Phủ trong bài Xuân Vọng: Cảm thời hoa tiễn lệ. Hận biệt điểu kinh tâm (Cảm thời, hoa nhỏ dòng châu. Biệt ly, chim cũng như đau nỗi lòng).
[15] - Chơi chữ: đợi (matsu) thì phải ở cạnh cây tùng (matsu).


Sao không thấy tên tôi?

Lạm bàn của người dịch:

Lúc đó, tập đoàn Heike quyền khuynh thiên hạ.Thiên hoàng Takakura quá trẻ và nhà Taira đã gả được trưởng nữ của Kiyomori cho ông. Thiên hoàng đã có sẵn 50% dòng máu Taira (từ người mẹ), mai mốt con trai ông sẽ là một vị vua có 75% dòng máu ấy. Người kiên trì kháng chiến là Pháp hoàng Go Shirakawa, cha của Takakura. Thế nhưng âm mưu đảo chánh của nhóm trung thần phò tá ông thường họp với nhau ở Shishinotani đã thất bại vì có kẻ tố giác. Pháp hoàng bị u bế nhưng nhóm trung thần còn khổ hơn vì bị giết hoặc đi đày.

Ra hoang đảo, hai trong 3 người trong nhóm chủ xướng còn sống chuyển sang khấn khứa, nghĩa là chịu phục tùng. Trong khi ấy thì Shunkan, dù là một cao tăng, không theo đường lối đó. Chắc gián điệp của triều đình đã tâu báo nên chỉ có hai người vì có cử chỉ sám hối là được cho về. Cứng đầu và kiêu hãnh như Shunkan thì không. Do đó, nếu trong lệnh ân xá không có tên ông thì cũng là điều không lấy làm lạ. Nhưng dù sao, cũng như mọi người, ông vẫn muốn trở về đất liền vì bản thân ông còn trẻ và Pháp hoàng hãy còn đó. Thế nhưng tập đoàn Heike ghét cay ghét đắng ông. Không ai cứu nổi ông, cả sứ giả, Naritsune hay Yasuyori dù họ đã hứa năm lần bảy lượt trước khi rời đảo.

Tuy nhiên, theo bà Shirasu Masako (xem thư tịch), không phải tất cả thần thánh và người đời đều quay lưng lại với Shunkan đâu. Ario, cậu đầy tớ trong nhà đã vượt biển ra ngoài đảo gặp chủ. Cậu tìm kiếm khắp nơi trên hòn đảo sặc mùi diêm sinh nhưng không thấy bóng ông, cho đến một buổi sáng, tình cờ cậu nhận ra Shunkan tiều tụy xác xơ, tóc dài đến vai, trong hình dáng của một người rừng. Chủ tớ gặp nhau, mừng mừng tủi tủi, hết khóc lại mếu, nhưng tiếc thay mọi sự đã trễ. Hai mươi ba hôm sau lần gặp gỡ đó, Shunkan trút hơi thở cuối cùng vào tháng 9 năm Trị Thừa thứ 3 (1175). Ario đem di hài chủ nhân về đất liền và chôn trên ngọn Kôyasan, thánh địa của phái Chân Ngôn (vì Shunkan là một nhà sư tông phái ấy). Năm đó, Shunkan mới có 37 tuổi.

Về phần Ario thì cậu đã trở thành một du tăng, dành quãng đời còn lại của mình đi khắp nước để cầu siêu cho vong linh cố chủ. Chưa đầy 10 năm sau cái chết của Shunkan, tập đoàn Heike hoàn toàn bị tiêu diệt ở eo biển Dan-no-Ura (tháng 3 năm 1185).

Tôkyô ngày 17/5/2020
Thư mục tham khảo:
  1. Shunkan / Kikaigashima, The Noh.com, bản số hóa 2.0 lên mạng ngày 21/10/2014, song ngữ Anh Nhật. Bản kim văn tham chiếu.
  2. Shunkan, trong Yôkyoku-shuu (Dao Khúc Tập), quyển trung, Itô Masayoshi hiệu chú, Shinchô xuất bản, Tôkyô, 1986. Bản cổ văn có chú thích.
  3. Shirasu Masako, Nô no Monogatari (Tuồng tích của Nô), đoạn nói về Shunkan (trang 89-96), Kôdansha Bungei Bunko xuất bản, Tôkyô, 1995.